GIÁO HỘI, MẦU NHIỆM HIỆP THÔNG

THEO CÔNG ĐỒNG VATICAN II

Lm. Phêrô Trần Văn Hội

 

 

NHẬP ĐỀ

Hiện nay, hiệp thông là một trong những từ ngữ được sử dụng rất nhiều khi nói về Giáo Hội. Nhưng khi phải xác định rõ ràng hơn, thế nào là hiệp thông và phải sống sự hiệp thông đó trong Giáo Hội như thế nào, thì các cuộc trao đổi sẽ dễ dàng trở thành tranh luận, nhiều khi gay gắt. Hiệp thông không phải là một từ đơn nghĩa. Mỗi Giáo hội Kitô giáo có cách hiểu riêng của mình. Và ngay trong nội bộ Công giáo, ý nghĩa và cách thức sống sự hiệp thông chưa phải là một điều đã thủ đắc.

Tư tưởng về Giáo Hội hiệp thông phát xuất từ Tân ước. Nhưng trong lịch sử thần học, nhất là thần học La tinh, thì bản thân từ ngữ hiệp thông lại không kỳ cựu như một số người lầm tưởng. Trong các văn kiện của Công đồng Vatican II, từ ngữ hiệp thông không có một vị trí trung tâm, và cũng chưa được định nghĩa chính xác rõ ràng. Cách nói chính mà Lumen Gentium đã dùng để nói về Mầu nhiệm Hội Thánh là “Dân Thiên Chúa”. Vậy nếu “hiệp thông” trở thành làn điệu chính mỗi khi chúng ta nói về mầu nhiệm Hội Thánh thì không phải vì từ ngữ đó được sử dụng nhiều, nhưng vì hiệp thông chính là ý tưởng chủ đạo của các văn kiện Công đồng.

Cuối năm 1985, nhân kỷ niệm 20 năm ngày kết thúc Công đồng Vatican II, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã triệu tập Thượng Hội Đồng Giám mục khóa ngoại thường lần thứ 2 để đánh giá những thành tựu và việc đón nhận Công đồng trong Giáo Hội. Để chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng, một bản câu hỏi gợi ý được gởi đến các Giám mục trên thế giới. Bản đúc kết những câu trả lời của các ngài đã nêu lên bốn lãnh vực mà 20 năm sau Vatican II, Giáo Hội đang gặp khủng hoảng : Phụng vụ, Lời Chúa, Giáo hội học và sứ mạng của Giáo Hội trong thế giới. Khủng hoảng tuy nhiều, nhưng các Giám mục xác định : “Cốt lõi của cuộc khủng hoảng nằm trong lãnh vực giáo hội học”. Các Đức Giám mục cũng nhận định “Ý tưởng về Giáo Hội - Hiệp thông chưa thấm vào lòng dân kitô giáo. Vẫn còn nhiều vấn nạn thần học phải giải quyết : đâu là mối tương quan giữa Giáo hội phổ quát và Giáo hội địa phương ? Làm thế nào để phát huy “tính đồng đoàn” của hàng giám mục ? Về mặt thần học, phải hiểu vai trò và chỗ đứng của các Hội Đồng Giám mục như thế nào ?”.[1]

Thượng Hội Đồng đã làm việc dựa trên bản tổng kết các câu trả lời. Ngoài chủ đề chính là “Cử hành, kiểm nghiệm và phát huy Công đồng Vatican II”, các Giám mục còn bàn bạc về bốn đề tài đặc biệt, tất cả đều liên quan đến “cốt lõi của cuộc khủng hoảng”. Đó là : Mầu nhiệm Giáo Hội, những nguồn sinh lực của Giáo Hội, Giáo Hội như mầu nhiệm Hiệp thông và sứ mạng của Giáo Hội trong thế giới. Ai cũng thấy đó là nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho những lãnh vực đang gặp khủng hoảng.

Trong bản báo cáo tổng kết khóa họp, Thượng Hội Đồng khẳng định : “Khoa Giáo hội học hiệp thông là ý niệm trung tâm và nền tảng của các văn kiện Công đồng. Sự hiệp thông (koinonia-communio) đặt nền tảng trên Kinh Thánh đã được quý trọng hết sức trong Giáo Hội cổ thời và cho đến tận hôm nay trong các Giáo hội Đông phương. Vì vậy, Công đồng Vatican II rất tha thiết làm thế nào để Giáo Hội, như là mầu nhiệm hiệp thông, được hiểu đúng đắn rõ ràng hơn và diễn đạt cụ thể hơn trong đời sống”.[2]

Điều lạ lùng là chính từ khoảng thời gian diễn ra Thượng Hội Đồng (1985), thì Giáo Hội lại phải đối diện với nhiều lệch lạc trong việc hiểu và sống sự hiệp thông. Vì vây, ngày 28.5.1992, Thánh bộ Giáo lý đức tin đã có một bức “Thư gởi các Đức Giám mục Công giáo về một vài khía cạnh của Giáo Hội hiểu như là sự hiệp thông”. Trong bức thư này, Thánh bộ tái khẳng định Giáo Hội là mầu nhiệm của sự hiệp thông và minh định ý nghĩa của sự hiệp thông trong đời sống Hội Thánh. Rồi chính bức thư này lại đã trở thành đề tài cho một cuộc tranh luận thần học khá nổi tiếng giữa Hồng Y Tổng trưởng Thánh bộ giáo lý đức tin và một thần học gia nổi tiếng khác là Đức Hồng y Walter Kasper.

Đôi nét lịch sử này cho thấy chủ đề hiệp thông không hiển nhiên và đơn giản như thoạt nhìn lúc đầu. Hiệp thông không phải là một tên gọi mới của Hội Thánh, nhưng là ý tưởng chủ lực của tất cả mọi văn kiện Công đồng. Vì hiệp thông thuộc về bản chất của Giáo Hội nên nó liên quan đến tất cả mọi lãnh vực của đời sống Giáo Hội : đối với Thiên Chúa, đối với nhau và đối với thế giới. Khi trình bày “Giáo Hội như mầu nhiệm hiệp thông”, Thượng Hội Đồng năm 1985 đã gợi ra các lãnh vực trực tiếp liên quan : Sự duy nhất và đa dạng trong Giáo Hội, vấn đề các Giáo hội Đông phương, Giám mục đoàn, các Hội Đồng Giám mục, việc tham dự và đồng trách nhiệm trong Hội Thánh và vấn đề hiệp thông đại kết. Chắc chắn không thể nào đề cập đến mọi khía cạnh Thượng Hội Đồng đã nêu ra. Sau khi tìm hiểu ý nghĩa của sự hiệp thông, chúng ta sẽ tìm hiểu – với các phần dài ngắn khác nhau - về mối tương quan giữa Giáo hội hoàn vũ và Giáo hội địa phương, về sự hiệp thông trong Giáo hội địa phương và kết thúc với việc hiệp thông của Giáo hội với thế giới. Chúng ta sẽ không đi vào lãnh vực đại kết, không phải vì nó không quan trọng nhưng vì tại Việt Nam vấn đề không thật bức thiết và vì thời lượng giới hạn.


I.         GIÁO HỘI,

      CỘNG ĐOÀN HIỆP THÔNG VỚI THIÊN CHÚA

1.  Từ ngữ hiệp thông

Hiệp thông là từ ngữ thuần túy Kitô giáo và không có trong tự điển tiếng Việt. Trong tiếng La tinh, hiệp thông – communio phát xuất từ chữ communis, được cấu tạo bởi cummunis, một tính từ phát xuất từ munus, trách vụ hay bổn phận. Như vậy, theo tự nguyên, communiscommunio diễn tả việc cùng tham dự vào một công việc, một sứ mạng. Từ ý nghĩa căn bản này, phát sinh một ý nghĩa phụ, communis, diễn tả những gì người ta có chung với nhau, của chung mọi người và do đó, đôi khi gợi lên ý tưởng tầm thường, xoàng xĩnh, một kinh nghiệm không quá xa lạ với văn hóa Việt Nam : cha chung không ai khóc, của chung không ai giữ… Từ koinonia trong tiếng Hy lạp cũng có một ý nghĩa tương tự. Gốc gác phát xuất từ chữ koinos,[3] và cũng diễn tả việc nhiều người cùng chia sẻ với nhau về một điều gì đó.[4] Như vậy, nếu lược bỏ sắc thái tầm thường mà từ ngữ có thể gợi ra, theo tự nguyên, từ communio có thể diễn tả một phần nội dung của khái niệm hiệp thông Kitô giáo nhưng không thể múc cạn.

2.  Hiệp thông theo trong truyền thống kitô giáo

a. Hiệp thông vào Mầu nhiệm Thánh

Trong một bài báo, ngắn nhưng rất súc tích, về khoa Giáo hội học của Lumen Gentium, Đức Hồng y Joseph Ratzinger, Tổng trướng Thánh bộ Giáo lý Đức tin viết : “Nếu như khoa Giáo hội học hiệp thông là ý niệm nền tảng của khoa giáo hội học của Công đồng Vatican II, thì chính từ ngữ hiệp thông không giữ một vai trò trung tâm trong Công đồng. Nhưng nếu hiểu cho đúng thì từ ngữ này có thể được cùng làm ý niệm tổng hợp khoa giáo hội học của Công đồng.” Vâng, nếu hiểu cho đúng ! Theo Ratzinger, tất cả những yếu tố căn bản của sự hiệp thông Kitô giáo được phối hợp cách tuyệt vời trong bản văn nổi tiếng 1Ga 1,3-4 : “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được thông hiệp với chúng tôi ; mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người. Những điều này, chúng tôi viết ra để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn”.[5]

Bản văn 1Ga 1,3 cho thấy, khởi điểm của sự hiệp thông là “cuộc gặp gỡ với Con Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô, Đấng đến với con người - nam cũng như nữ - thông qua lời rao giảng của Hội Thánh. Từ đó sẽ làm phát sinh sự hiệp thông giữa con người với nhau, và chính sự hiệp thông giữa con người với nhau này lại được đặt nền tảng trên sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta đi vào trong sự hiệp thông với Thiên Chúa nhờ chính sự hiệp thông của Thiên Chúa với nhân loại mà Người đã thực hiện nơi bản thân Đức Giêsu Kitô. Cuộc gặp gỡ Đức Giêsu Kitô tạo nên sự thông hiệp với Ngài và nhờ đó thông hiệp với Chúa Cha trong Chúa Thánh thần. Và từ đó nối kết con người với nhau. Ý nghĩa này được Walter Kasper trình bày rất cặn kẽ dựa theo các văn kiện Công đồng Vatican II.

Theo nhận định của Walter Kasper thì khi sử dụng ý niệm niệm hiệp thông, Công đồng Vatican II đã khơi lên các vấn nạn thần học lớn nhưng chưa thể giải quyết rốt ráo. Theo các bản văn Công đồng, ý nghĩa đầu tiên của sự hiệp thông không hề liên quan đến cơ cấu Giáo Hội, mà liên quan đến chính thực tại (res) của Giáo Hội. “Hiệp thông không phải là cơ cấu của Giáo Hội nhưng là bản chất của Giáo Hội”. Hay nói theo ngôn từ của Lumen Gentium, thì “Mầu nhiệm Giáo Hội” là sự hiệp thông”.[6]

Mầu nhiệm mà Công đồng nói tới chính “là sự tỏa sáng vinh quang của Thiên Chúa trên dung nhan và trong lời rao giảng của Giáo Hội”. Dưới lăng kính của hiệp thông, mầu nhiệm đó trước hết hệ tại việc Chúa Cha vĩnh cửu, theo quyết định thần linh của Ngài, đã sáng tạo và kêu gọi chúng ta đến thông dự vào đời sống thần linh”.[7] Hiến chế Mạc Khải mô tả sự tham dự vào đời sống thần linh đó dưới hình thái tương quan liên vị : “Thiên Chúa vô hình ngỏ lời với loài người như với bạn hữu. Ngài đối thoại với họ để mời gọi và đón nhận họ và hiệp nhất với Ngài”.[8] Sắc lệnh về việc loan báo tin mừng gắn liền nó với bình an và hiệp thông : “Nhưng để củng cố hòa bình hay là sự hiệp thông với Thiên Chúa, và để xây dựng một xã hội huynh đệ giữa con người, con người tội lỗi, Ngài đã quyết định đi vào lịch sử loài người cách mới mẻ và dứt khoát bằng cách sai Chúa Con mặc lấy xác phàm chúng ta…(AG 3)”.

Khía cạnh thứ hai của mầu nhiệm Giáo Hội được LG 2 khẳng định là “sự hiệp thông mà tất cả lịch sử cứu độ hướng tới đã được thực hiện cách độc nhất vô nhị trong Đức Giêsu Kitô”. Ngài là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người, nơi Ngài Thiên Chúa đã mang lấy bản tính con người để con người được thông dự vào bản tính Thiên Chúa (AG 3). Khía cạnh thứ ba mà Công đồng khẳng định là điều đã được thực hiện một lần thay cho tất cả nơi Đức Giêsu Kitô, được tiếp nối bởi Thánh Thần Đấng ở trong Giáo Hội và trong tâm hồn các tín hữu”[9] và nhờ ngài mà trải rộng đến muôn dân muôn nước”.[10]

Cơ cấu ba ngôi đó cho thấy sự hiệp thông với Thiên Chúa là nền tảng cho sự hiệp thông của Giáo Hội. Thánh thần giữ gìn Giáo Hội trong sự hiệp thông và trong việc phục vụ [LG 4, AG 4]. Hiệp thông chính là công trình của Thánh Thần. Mầu nhiệm Giáo Hội là mầu nhiệm của việc con người được đến với Thiên Chúa là Cha nhờ Đức Kitô trong Chúa Thánh Thần. Nền tảng và suối nguồn thực tại hiệp thông của Giáo Hội là sự hiệp thông của các Ngôi vị thần linh. “Giáo Hội là sự tham dự vào chính sự hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi”.[11]

Do đó, ý nghĩa nền tảng của hiệp thông không phải là sự hiệp thông giữa các Kitô hữu với nhau hay sự hiệp thông giữa các Giáo hội địa phương, hoặc giữa các Giáo hội địa phương với Giáo hội phổ quát. Ý nghĩa đầu tiên là việc thông dự vào các ân sủng cứu độ mà Thiên Chúa đã ban. Hiệp thông là việc được Chúa cho dự phần vào ân sủng Thánh Thần, vào sự sống mới, vào đức ái, vào Tin mừng và nhất là vào Bí tích Thánh Thể. Đó là ý nghĩa nguyên thủy của từ ngữ “communio sanctorum” được nói đến trong kinh Tin kính các Tông đồ. Việc Thông hiệp vào các mầu nhiệm thánh làm phát sinh sự hiệp thông giữa các thánh. Ý niệm hiệp thông đặt nền tảng trên Kinh Thánh và có một ý nghĩa thần học, Kitô học, Cứu độ học và Giáo hội học rất rõ ràng. Và do đó, tự thân nó chứa đựng chiều kích bí tích mà Thánh Phaolô nói tới trong bản văn nỗi tiếng của Ngài : “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần[12] vào máu Chúa Kitô sao ? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần[13] vào Thân thể Người sao ? (1Cr 10,16). Và không phải ngẫu nhiên mà việc lãnh nhận Bí tích Thánh Thể lại được gọi là “communio” (SC 55). Thành ngữ communio eucharistica (UR 22) vừa chỉ việc lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, vừa chỉ sự hiệp thông giữa các Kitô hữu vừa tham dự và lãnh nhận Thánh Thể. [W.Kasper, op cit, tr.18-20]

b. Giáo Hội, cộng đoàn hiệp thông Thánh Thể

Khoa Giáo hội học hiệp thông tự trong sâu xa là một khoa Giáo hội học mang chiều kích thánh thể. Vì mang chiều kích thánh thể nên khoa Giáo hội học vừa trở nên cụ thể hơn mà đồng thời vẫn giữ được chiều kích thiêng liêng siêu việt và cánh chung của mình. Thiêng liêng và siêu việt vì nơi Bí tích Thánh Thể, Đức Kitô hiện diện và tự hiến cho con người, Ngài xây dựng Giáo Hội như là chính thân thể mình, và qua thân xác phục sinh của mình, Ngài nối kết chúng ta với Thiên Chúa Ba Ngôi và với nhau. Đặc thù vì được cử hành ở những lúc những nơi trong những nền văn hóa khác nhau. Phổ quát vì chỉ có một Đức Kitô và một thân mình Đức Kitô. Bí tích Thánh Thể bao hàm vai trò của chức tư tế thừa tác là người hành động in persona christi, nghĩa là giả thiết chiều kích phẩm trật của Hội Thánh. Đó là tổng hợp của sự duy nhất và đa dạng như được diễn tả trong từ ngữ hiệp thông. Hiệp thông thực sự là một ý niệm Giáo hội học mang tính tổng hợp, nó nối kết diễn từ về Thiên Chúa với diễn từ về Giáo Hội, giữa sự sống bởi Chúa và cuộc sống với Chúa và cuộc sống với nhau.

Dù tất cả mọi bí tích, đặc biệt Bí tích Rửa tội và Hòa giải, đều góp phần xây dựng sự hiệp thông của Hội Thánh, nhưng Bí tích Thánh Thể vẫn có một chỗ đứng đặc biệt. Hiến chế về Phụng vụ Thánh số 47 đã lấy lại ý tưởng của thánh Augustinô và trình bày Bí tích Thánh Thể như là “dấu chỉ hiệp nhất và mối dây đức ái”. Hiến chế Giáo Hội không ngần ngại nói “Thánh lễ là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô giáo”, và khi “được bổ dưỡng bởi Mình Thánh Chúa Kitô trong thánh lễ, họ biểu lộ cách cụ thể sự hiệp nhất của Dân Thiên Chúa, sự hiệp nhất ấy được diễn tả cách đầy đủ và thực hiện cách kỳ diệu trong bí tích cực trọng này”.[14]

Cùng với các bí tích, Giáo Hội còn được xây dựng cách đặc biệt bằng Lời của Chúa. Vì vậy, “Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu”[15] Có thể nói, Giáo Hội là tác phẩm của Lời Thiên Chúa (creatura verbi), vừa hiểu theo nghĩa Giáo Hội do Đức Giêsu Ngôi Lời nhập thể thiết lập, vừa theo nghĩa Giáo Hội không ngừng được Lời Chúa kiến tạo, nuôi dưỡng và hoàn thiện.

Công đồng Vatican II đã giúp chúng ta ý thức lại về cách thế hiện hữu của Giáo Hội. Giáo Hội trước hết không phải là thực tại xã hội và phẩm trật. Giáo Hội là cộng đoàn sống bằng sự hiệp thông với Lời Chúa và với các bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể mà việc cử hành nối kết cách tuyệt vời Lời Chúa với nhiệm cục bí tích. Nếu lời tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi nói lên tất cả nội dung đức tin, thì Bí tích Thánh Thể cũng thể hiện toàn bộ mầu nhiệm cứu độ. Trong tư cách là sự hiệp thông thánh thể, Giáo Hội không chỉ là hình ảnh của sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, mà Giáo Hội còn làm tỏ hiện (re-presentation) chính sự hiệp thông ba ngôi đó. Giáo Hội không chỉ là dấu chỉ và khí cụ cứu độ mà Giáo Hội còn là hoa quả của ơn cứu độ. Nếu như hiệp thông là khát vọng uyên nguyên của con người thì sự hiệp thông Thánh Thể của Giáo Hội là sự đáp ứng rất dồi dào cho khát vọng đó.[16]

Để hiểu và sống mầu nhiệm Giáo Hội hiệp thông, cần phải trở về với những nguồn sinh lực đã và đang nuôi sống Giáo Hội, đó là Lời Chúa và các Bí tích. Sự hiệp thông trong Giáo Hội không phải là sự hiệp thông do con người kiến tạo (d’en-bas). Đó là ân sủng và là quà tặng, là việc thông phần vào cùng một chân lý, một sự sống, một đức ái mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô.


1.  Những lệch lạc

a. Sự giản lược phụng vụ vào chiều ngang (réduction horizontale)

Hai trong số các lãnh vực gặp khủng hoảng trong thời gian hậu Công đồng đã được các giám mục nói tới là Phụng vụ và Lời Chúa. Việc khẳng định vai trò của Lời Chúa trong đời sống Giáo Hội đã mang lại những hoa quả rất phong phú nhưng cũng đã có không ít những sai lệch. Việc chú giải Lời Chúa nặng sắc thái cá nhân đã thường được đem ra đối lập lại với chú giải chính thức của Hội Thánh. Điều này không những gây khó khăn trong việc nghiên cứu thần học mà còn ảnh hưởng cả đến việc rao giảng hằng ngày. Chúa đã muốn dùng tiếng nói con người để chuyển tải Lời của Ngài cho con người. Đó là một đòi hỏi của đức tin đối với cả người nói lẫn người nghe.

Lời Chúa là Chân lý vĩnh hẳng. Sự biến đổi của thời gian và bụi bặm của kiếp hồng trần quyết chẳng bao giờ có thể mảy may đụng đến Lời Vĩnh hằng của Chúa. Nhưng vấn đề là : làm thế nào để Lời vĩnh hằng có thể đụng chạm chút gì đến phận hoa cỏ sớm nở chiều tàn của con người mà cứu độ họ. Làm thế nào để lời rao giảng có đủ chất người khiến con người quan tâm mà vẫn chứa đựng được Lời Thần linh siêu việt có sức chữa lành và nâng cao, đó là thách đố ngàn đời. Thách đố càng lớn hơn vì người nghe người nói thì cụ thể mà Lời Chúa lại được nói cho cả một Dân phổ quát. Người rao giảng không phải là diễn giả nhưng là chứng nhân. Một diễn giả có thể dùng mọi cách để làm người ta nghe và nhớ đến mình. Còn người rao giảng lại phải làm cho người ta lắng nghe mình để họ quên mình mà đến với Chúa. Chỉ mình Ngài mới có Lời ban ơn cứu độ.

Trong tiến trình canh tân, để thêm sức thu hút, nhiều lần và ở nhiều nơi, người ta đã cử hành phụng vụ như một buổi lễ riêng của cộng đoàn, một cộng đoàn tự quy tụ, chứ không phải như việc chính cộng đoàn được sinh ra trong sự hiệp thông vào Thân mình Chúa Kitô. Kasper nói rằng buổi cử hành được tổ chức như bữa tiệc của Đức Giêsu, vui vẻ và gần gũi, chứ không còn là bữa Tiệc của Chúa, Đấng đã chịu tử nạn và Phục sinh để tôn thờ Thiên Chúa Cha và dẫn đưa con người đi vào trong sự hiệp thông với Người. Chiều kích tôn thờ và hiến tế của phụng vụ trở nên nghèo nàn. Trong sâu xa, điều này làm cho cộng đoàn đang cử hành bị tách rời thay vì được hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ.

Giáo Hội là dân tư tế nên phụng vụ gắn liền và thể hiện bản chất của Giáo Hội. Cần cử hành phụng vụ cho đúng đắn để không làm làm lu mờ mất điều làm nên nét đặc thù nhất của đời sống Giáo Hội. Trước khi là việc của con người, Phụng vụ tiên vàn là việc Thiên Chúa Đấng thánh hóa con người. Và hễ con người càng biến phụng vụ thành việc của mình thì sự hiện diện của Chúa và Lời của Ngài sẽ càng bị xóa mờ đi. Con người cần phải ẩn mình và im tiếng đi để tiếng nói và sự hiện diện của Chúa được mạc khải. Đó là nguyên tắc căn bản, không phải chỉ để có được buổi cử hành phụng vụ sốt sắng mà đó còn là cách sống mầu nhiệm Giáo Hội hiệp thông cách cụ thể, vì hiệp thông tiên vàn là hiệp thông vào các mầu nhiệm thánh, vào ơn cứu độ.

b. Sự giảm thiểu chiều kích phổ quát

Việc tái khám phá chiều kích thánh thể của Giáo Hội đem lại nhiều phong phú nhưng không phải không có những lệch lạc. Có người cho rằng, ở đâu Bí tích Thánh Thể được cử hành thì ở đó toàn bộ mầu nhiệm Giáo Hội sẽ hiện diện, đến nỗi các nguyên lý khác của sự hiệp nhất và phổ quát trở nên không cần thiết. Có quan điểm khác còn cực đoan hơn khi cho rằng chính việc quy tụ nhau nhân danh Chúa Kitô làm phát sinh Giáo Hội. Giáo Hội “phát xuất từ cơ sở”, một số người nói thế.[17]

Cách hiểu đó sai lạc vì Giáo Hội là thực tại được sinh ra từ trên. Sai, vì tự bản chất, Bí tích Thánh Thể tất yếu đòi cộng đoàn cử hành, dù đó là một nhóm hay một giáo phận, phải rộng mở để chính mình được sinh ra trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và được tháp nhập vào trong Thân Thể không thể phân chia của Đức Kitô. Sự duy nhất của Giáo Hội không chỉ ăn rễ trong Bí tích Thánh Thể mà còn ăn rễ trong sự duy nhất của Giám mục đoàn. Sự duy nhất của Giám mục đoàn bao hàm sự hiện hữu của vị Giám mục là đầu của hàng giám mục, đó là Giám mục Rôma, nguồn mạch và nền tảng hữu hình cho sự hiệp nhất của hàng giám mục và cho sự hiệp nhất của toàn thể Giáo Hội.

Trong mỗi giáo phận, Đức Giám mục là nguồn mạch và nền tảng hữu hình cho sự hiệp nhất của Giáo Hội đã được ủy thác cho ngài. Nhưng Giáo hội địa phương này, chỉ trở thành sự hiện diện của Giáo hội phổ quát với trọn vẹn mọi yếu tố cấu tạo, nếu ở đó, sự hiện diện của thẩm quyền tối cao trong Hội Thánh, là giám mục đoàn cùng với đầu là Đức Thánh Cha là một cấu tố nội tại. Chắc chắn đó là ý nghĩa của những lời cầu nguyện cho Đức Thánh Cha và hàng Giám mục trong tất cả mọi thánh lễ. Và đó cũng là ý nghĩa của kinh lạy Cha, kính mừng chúng ta đọc trong sự hiệp thông với Đức Thánh Cha sau khi tham dự thánh lễ để hoàn tất những điều kiện lãnh ơn toàn xá.

Sự duy nhất của Bí tích Thánh Thể và sự duy nhất của hàng Giám mục cùng với Phêrô và dưới quyền Phêrô không phải là hai cội rễ độc lập của sự duy nhất trong Giáo Hội. Đức Kitô đã thiết lập Bí tích Thánh Thể và hàng Giám mục như là hai thực tại thiết yếu gắn liền với nhau. Hàng Giám mục là một, cũng như Bí tích Thánh Thể là một ; một Hy lễ độc nhất của một Đức Kitô chết và sống lại. Mỗi cuộc cử hành Thánh Thể đều được thực hiện trong sự hiệp thông không chỉ với Đức Giám mục sở tại mà còn với cả Đức Thánh Cha, với hàng giám mục, với tất cả hàng giáo sĩ và với toàn thể dân Chúa.

Về vấn đề này, H.u.v. BALTHASAR đã viết những dòng có thể soi sáng chúng ta. “Giáo Hội của các tông đồ là một cộng đoàn được nối kết rất chặt chẽ, trên nền tảng Bí tích Thánh Thể và cũng trên nền tảng của việc Chúa thiết lập các tông đồ, có cơ cấu chặt chẽ (de façon organique), và do đó cũng có phẩm trật… Trái lại, Giáo Hội của những người Cải cách, trong thâm sâu là tất cả những người được tiền định, ở bên ngoài, là hết thảy những ai cùng nhau quy tụ để thờ phượng. Trong Giáo Hội Công giáo, thừa tác viên (với Phêrô là biểu tượng và sự hoàn tất của tình hiệp nhất) thuộc về chính cơ cấu : Giáo Hội là sự hiệp thông phẩm trật, như Vatican II nói. Trong các Giáo hội cải cách, yếu tố thiết lập mang tính cơ cấu này không hiện hữu, chính vì thế những thừa tác viên khác nhau chỉ là những chức vụ mà các Giáo Hội đã lập nên trong cộng đoàn của mình, và có thể trao ban hay rút lại tùy ý. Khía cạnh này liên hệ mật thiết với điều khoản đức tin về ơn Công chính hóa, là điều khoản đức tin làm trụ nâng đỡ và minh giải mọi điều, vì không bao giờ Giáo Hội, xét như là kẻ đã được Chúa Kitô chuộc lấy và thiết lập để đại diện cho toàn thể nhân loại, lại có thể thực sự đáng là ‘thân thể’ của Ngài […] Dưới quan điểm Tin lành, người ta có thể nhìn nhận thừa tác viên, và ngay cả vị thừa tác viên của sự hiệp nhất, là rất hữu ích hay thậm chí, có thể, như không thể thiếu, nhưng như một vai trò mà Giáo Hội đã tự mình phát triển nên, nghĩa là do con người (de droit humain). Ngược lại, theo quan điểm Công giáo, thừa tác viên là yếu tố nội tại của cơ cấu mà Đức Kitô đã để cho xuất phát ra tự chính bản thân Ngài, nghĩa là bởi Thiên chúa (de droit divin).[18]

Mối tương quan giữa thực tại vô hình và hữu hình, trong đó có yếu tố phẩm trật, dẫn chúng ta sang một khía cạnh khác của mầu nhiệm Giáo Hội hiệp thông : tương quan giữa Giáo hội phổ quát và các Giáo hội địa phương.

I.         GIÁO HỘI HOÀN VŨ VÀ GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG

Sự hiệp thông với Thiên Chúa đưa tới sự hiệp thông giữa các Kitô hữu với nhau. Đó chính là sự hiệp thông giữa các Giáo hội địa phương mà việc cử hành Thánh Thể đã kiến tạo nên. Đây chính là một ý nghĩa khác của từ ngữ hiệp thông trong các văn kiện của Công đồng Vatican II. Dưới góc nhìn này, từ ngữ hiệp thông mà Công đồng Vatican II đã sử dụng là một quan niệm rất được đề cao trong các Giáo hội Đông phương từ đầu cho đến nay. Vì vậy người ta không ngạc nhiên khi từ ngữ hiệp thông có vai trò rất quan trọng trong Sắc lệnh về Hiệp nhất (HN số 14-15) và trong Sắc lệnh về các Giáo Hội Công giáo Đông phương (s.14). Do đó, hiểu Giáo Hội như là mầu nhiệm hiệp thông là một trong những chìa khóa mở ra cánh cửa Đại kết. Theo nhận định của Walter Kasper thì về điểm này, Công đồng Vatican II đã lấy lại quan niệm Giáo hội học hiệp thông của thiên niên kỷ thứ nhất và tạm biệt khoa Giáo hội học của thiên niên kỷ thứ hai với cách sử dụng một chiều của quan niệm hiệp nhất, và như vậy, loại bỏ một trong những nguyên nhân quan trọng của sự chia rẽ giữa Giáo Hội Công giáo và các Giáo Hội Đông phương.[19]

Dĩ nhiên, hiệp thông cũng là chìa khóa quan trọng để hiểu và giải thích thực tại của chính Giáo Hội Công giáo Rôma. Chính vì vậy, Công đồng tuyên bố : “Đức Giáo Hoàng Rôma, Đấng kế vị Phêrô, là nguyên lý và nền tảng hữu hình, vĩnh cửu của sự hiệp nhất giữa các Giám mục cũng như giữa các tín hữu. Còn mỗi giám mục là nguyên lý và là nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất trong Giáo hội địa phương. Các Giáo hội này được thành lập theo hình ảnh Giáo hội phổ quát : chính nhờ và trong các Giáo hội ấy mà có một Giáo Hội Công giáo, duy nhất. Vì thế, mỗi Giám mục đại diện cho Giáo hội mình, và tất cả các Giám mục cùng với Giáo Hoàng đại diện cho toàn thể Giáo Hội trong mối dây bình an, yêu thương và hiệp nhất.”[20]

Chính vì Giáo Hội là hiệp thông nên người ta sẽ có thể phát triển một sự đa dạng hợp pháp (pluralité légitime), đó là sự đa dạng của các Giáo hội địa phương trên nền tảng một sự hiệp nhất thuộc phẩm trật cao hơn phát sinh từ việc chia sẻ cùng một đức tin, cùng những bí tích và cùng sứ vụ. Đây chính là một trong những đề tài thần học gây ra tranh luận nhiều nhất trong thời gian Công đồng và sau đó, liên quan đến tính đồng đoàn của hàng giám mục (collégialité). Một trong những điểm giáo lý then chốt trực tiếp liên quan là ý niệm hiệp thông phẩm trật (communion hiérarchique).

Lumen Gentium 21 khẳng định tính bí tích của chức giám mục và đặt nền tảng cho quyền mục vụ hay quyền tài thẩm (pouvoir pastoral de juridiction) ở trong chính năng quyền bí tích (pouvoir sacramentel). “Thánh Công đồng dạy rằng, khi được tấn phong, các Giám mục nhận lãnh sự trọn vẹn của Bí tích Truyền chức thánh mà tập tục phụng vụ Giáo Hội và các Thánh giáo phụ gọi là chức vụ linh mục tối cao và nhận lãnh thực tại toàn vẹn của thánh vụ. Việc tấn phong Giám mục trao ban nhiệm vụ thánh hóa cũng như nhiệm vụ giảng dạy và cai trị ; tuy nhiên, các nhiệm vụ ấy, do bản tính, chỉ có thể thực thi trong sự hiệp thông với Thủ lãnh và các phần tử của Giám mục đoàn”[21]. Quyền thánh chức được thông ban qua việc Truyền chức thánh, nhưng những quyền hạn này chỉ được thể hiện trong những trách vụ mục vụ cụ thể được xác định bằng một quyết định thuộc lãnh vực tài thẩm (jurisdiction). Đó chính là sự hiệp thông phẩm trật. Sự hiệp thông phẩm trật này giúp tháp nhập vai trò giám mục vào Giáo hội hoàn vũ, tức là vào trong sự hiệp thông với Đức Thánh Cha và giám mục đoàn trên toàn thế giới. Khái niệm này cũng được áp dụng cách tương tự theo nghĩa loại suy cho tương quan giữa Đức giám mục của Giáo hội địa phương và linh mục đoàn. (PO 7,15).

Người ta nhận thấy khái niệm hiệp thông phẩm trật là sự nối kết quan niệm về sự hiệp nhất trong Giáo Hội dựa trên Bí tích Truyền chức thánh theo tinh thần Vatican II với quan niệm hiệp nhất dựa vào cơ cấu phẩm trật và quyền tối cáo của Đức Giáo Hoàng, theo tinh thần Công đồng Vatican I. Sẽ là sai lầm nếu đem khoa Giáo hội học của Công đồng này đối lập với Vatican II và coi đó như hai quan điểm loại trừ nhau. Vatican II bổ sung cho Vatican I và hoàn tất điều mà Vatican I phải bỏ dở vì cuộc chiến tranh Pháp-Phổ bùng nổ. Mới đây, trả lời cho câu hỏi : “Phải chăng Công đồng Vatican II đã thay đổi Giáo lý công giáo về Giáo Hội ?”, Thánh bộ Giáo lý đức tin đã trả lời. “Công đồng Vatican II đã không thay đổi cũng không có ý thay đổi giáo lý này, đúng hơn Công đồng khai triển, đào sâu và giải thích đầy đủ hơn”. Trong văn kiện công bố Hiến chế Lumen Gentium Đức Phaolô VI đã viết : “Không có lời bình luận nào tốt hơn là nói rằng việc công bố văn kiện này thực sự không thay đổi chút gì trong giáo lý truyền thống. Điều Đức Kitô muốn, chúng tôi cũng muốn. Điều đã là, bây giờ vẫn là như vậy. Điều mà Giáo Hội đã dạy qua các thế kỷ, chúng tôi cũng dạy. Nói cách đơn giản, điều trước đây được giả định bây giờ là minh nhiên ; điều trước đây không chắc chắn bây giờ được làm cho sáng tỏ ; điều trước đây đã được suy gẫm, bàn bạc và đôi khi tranh cãi, bây giờ được gộp chung tại trong một công thức rõ ràng”[22]

Giáo Hội mà tất cả mọi tín hữu tuyên xưng trong kinh Tin kính là Giáo Hội siêu việt, vượt trên tất cả những khác biệt do chủng tộc, văn hóa, nòi giống, giai cấp, phái tính. So với nền tảng của sự duy nhất là chính Thiên Chúa Ba Ngôi, Đức Kitô Đấng cứu độ duy nhất thì những khác biệt này không thể giữ vai trò quyết định. Sự duy nhất này là nền tảng cho đặc tính phổ quát và công giáo của Giáo Hội mà chúng ta cần phải nhấn mạnh. W. Kasper nhận xét rằng thật đáng ngạc nhiên là ngày nay, trong Giáo Hội đương đại, những khác biệt về văn hóa ngôn ngữ lại làm người ta thích thú và phấn khởi hơn là sự duy nhất. Thái độ này dễ dàng tạo ra những xung đột căng thẳng trong Giáo Hội mà ở đó yếu tố chính trị, quốc gia không luôn luôn vắng bóng. Người ta cứ muốn nói đến cái đặc thù. Nó thường diễn ra dưới hình thức mà H. U. Von Balthasar nói đến cái gọi là “mặc cảm chống Rôma”.

Thực ra, việc đề cao những nét đặc thù của Giáo hội địa phương là điều hợp pháp. Tin mừng được rao giảng cho những con người cụ thể sống tại những môi trường cụ thể. Và đức tin chỉ thực sự sâu xa khi nó thấm sâu vào nền văn hóa và có khả năng biến đổi, nâng cao giá trị của nền văn hóa đã đón nhận Tin mừng. Chúng ta chỉ có thể góp phần làm cho vườn hoa Giáo Hội thêm phong phú bằng sự độc đáo của chúng ta. Sự duy nhất và hiệp thông của Giáo Hội không phải là sự duy nhất theo kiểu đồng bộ, nhợt nhạt không nội dung mà cuối cùng chỉ là hậu quả của sự áp chế độc tài. Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô trở nên cụ thể, đi vào trong các nền văn hóa và nhập thể vào thời gian và không gian. Chỉ có như thế, Giáo Hội mới mong đạt tới sự duy nhất sung mãn.

Chính trong chiều hướng đó mà Lumen Gentium s.23 đã viết : “Mỗi Giám mục là nguyên lý hiệp nhất trong Giáo hội địa phương. Các Giáo hội này được thành lập theo hình ảnh Giáo hội phổ quát : chính nhờ và trong các Giáo hội ấy mà có một Giáo Hội Công giáo, duy nhất”.

Những khẳng định này rất quan trọng vì chúng cho thấy sự hiệp thông trong Giáo Hội chính là sự hiệp thông giữa các Giáo hội địa phương và nhìn Giáo hội hoàn vũ. Nhưng chính ở chỗ này mà ngộ nhận có thể xảy ra. Trong thư gởi các Giám mục, Thánh bộ cảnh tỉnh : “Đôi khi ý tưởng về sự “hiệp thông của các Giáo hội địa phương” được trình bày theo một cách thức có thể làm suy yếu quan niệm về sự duy nhất của Giáo Hội trên bình diện cơ cấu và hữu hình. Theo chiều hướng đó, người ta khẳng định rằng mỗi Giáo hội địa phương tự mình là một chủ thể toàn vẹn, và Giáo hội hoàn vũ là kết quả của của sự nhìn nhận lẫn nhau giữa các Giáo hội địa phương. Quan điểm Giáo hội học một chiều này không những làm nghèo nàn quan niệm về Giáo hội hoàn vũ mà còn làm nghèo chính Giáo hội địa phương và cho thấy một sự hiểu biết không thỏa đáng trong quan niệm về sự hiệp thông”.[23]

Như vậy, Giáo hội phổ quát không phải là tổng số cũng không phải là liên hiệp các Giáo hội địa phương đã có trước. Và Giáo hội địa phương cũng không phải là một phần lãnh thổ hành chính của Giáo hội hoàn vũ. “Giáo hội phổ quát và Giáo hội địa phương bao hàm lẫn nhau, giữa đôi bên có một mối tương quan tương tại” (inhabitation réciproque).[24] Ý tưởng này cũng được Đức Gioan Phaolô II nói tới trong bài diễn văn trước Giáo triều Rôma ngày 20.12.1990, và được CDF nhắc lại trong thư gởi các Đức Giám mục. Thực tế, đó là cách diễn tả mới mẻ theo ánh sáng của Mầu nhiệm Ba Ngôi điều mà Sắc lệnh về Giám Mục (Christus Dominus) s.13 đã viết : “Giáo phận là một phần Dân Thiên Chúa được giáo phó cho một Giám mục chăm sóc, với sự cộng tác của linh mục đoàn, để nhờ liên kết với vị chủ chăn của mình và qua ngài, giáo phận được tập trong trong Chúa Thánh thần nhờ Phúc âm và Thánh Thể, làm thành một Giáo hội riêng biệt, trong đó, Giáo Hội Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền của Chúa Kitô hiện diện và hành động thực sự”.

Như vậy, theo ý muốn của Thiên Chúa (de droit divin), Giáo Hội thiết yếu mang một cơ cấu lưỡng cực : giám mục và giáo hoàng. Sự hiệp nhất có tính lưỡng cực này là nền tảng cho sự hiệp thông trong Giáo Hội. Hiệp thông, hay mối giây liên kết với giám mục và giây liên kết với Đấng kế vị Thánh Phêrô, chính là sự duy nhất trong tinh thần công giáo (unité dans la catholicité) và công giáo trong sự duy nhất (catholique dans l’unité). Đây là nguyên tắc chi phối tương quan giữa chức giám mục và tối thượng quyền của Đức Thánh Cha, giữa quyền thánh chức và quyền tài thẩm trong phạm vi mục vụ, cũng như trong việc hiểu và thực thi chức năng của giám mục đoàn (collégialité). Nguyên tắc này cho phép chúng ta nói đến một sự đa dạng (pluralité) làm cho Giáo Hội ngày càng thêm phong phú và một chủ trương đa nguyên (pluralisme) có nguy cơ hủy hoại sự hiệp thông trong Hội Thánh.

Như đã nói, đây là lãnh vực rất quan trọng làm đề tài cho nhiều tranh luận thần học và cũng là lãnh vực mà gần đây Thánh bộ Giáo lý Đức Tin đã phải lên tiếng. Giáo hội hoàn vũ “không phải là kết quả của sự hiệp thông giữa các Giáo hội, nhưng trong chính mầu nhiệm thiết yếu của mình, Giáo hội hoàn vũ là một thực tại có trước tất cả mọi Giáo hội địa phương riêng biệt cả trên bình diện hữu thể lẫn thời gian (in its essential mystery, it is a reality ontologically and temporally prior to every individual particular Church”.[25] Giáo hội phổ quát có trước về mặt hữu thể, vì theo các Giáo phụ, Giáo hội duy nhất đi trước công cuộc tạo dựng và sinh ra các Giáo hội địa phương như con cái của mình. Giáo Hội là Mẹ chứ không phải là sản phẩm của các Giáo hội địa phương. Có trước theo thời gian vì Giáo Hội đã được tỏ hiện trong ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống giữa cộng đoàn 120 người quy tụ xung quanh Đức Maria và mười hai Tông đồ, những đại diện của một Giáo Hội duy nhất và phổ quát và là những người sẽ sáng lập nên các Giáo hội địa phương.[26]

Đoạn văn trên, đặc biệt là khẳng định Giáo hội phổ quát có trước tất cả các Giáo hội địa phương cả về mặt hữu thể và mặt lịch sử thời gian đã trở thành đề tài tranh luận giữa hai nhà thần học lừng danh người Đức là J. Ratzinger, Tổng trưởng thánh bộ giáo lý đức tin và Walter Kasper, Chủ tịch Ủy ban giáo hoàng về vấn đề đại kết. Đức Hồng y W. Kasper cho rằng bản văn của Thánh Bộ đã đi xa hơn điều Công đồng Vatican II dạy và bộc lộ khuynh hướng Rôma trung ương tập quyền đang có xu hướng trở lại mạnh mẽ. Sau khi đã xác định những quan điểm thần học nền tảng mà ngài cùng chia sẻ với Hồng y J. Ratzinger, W. Kasper khẳng định không thể chối bỏ sự tiền hữu của Giáo hội phổ quát trong ý định của Thiên Chúa. Nhưng Kasper cho rằng, điều đó cũng phải áp dụng cho các Giáo hội địa phương.

Về mặt lịch sử, một phần quan trọng của cuộc tranh luận liên quan đến việc chú giải bản văn Công vụ 1,12-2,13 về biến cố ngày lễ Ngũ Tuần : cộng đoàn 120 người tập họp bên Đức Maria và các Tông đồ là Giáo hội phổ quát được Thánh Thần sai đi muôn nơi để thiết lập các Giáo hội địa phương hay họ là những đại diện của các Giáo hội địa phương từ khắp nơi tụ tập về ? Kasper nghiêng về giải pháp thứ hai, và củng cố bằng lịch sử Giáo Hội ở thiên niên kỷ thứ nhất. Thời đó, các Giáo hội địa phương có một vị thế rất quan trọng nhưng Rôma vẫn có vai trò “đứng đầu trong đức ái” như thánh Ignatio thành Antiokia đã nói. Ngài kết luận “Khoa Giáo hội học của thiên niên kỷ thứ nhất loại trừ việc nhấn mạnh một chiều trên các Giáo hội địa phương và cũng loại trừ việc nhấn mạnh một chiều trên Giáo hội phổ quát”. Chỉ sau cuộc rạn vỡ Đông - Tây, bên Tây Phương mới phát huy một quan niệm mới về Giáo hội học nhấn mạnh tính phổ quát và gán mọi quyền hành cho Đức Thánh Cha. Nền giáo hội học này được củng cố tại Vatican I và niêm ấn bằng bộ giáo luật 1917.[27]

Cuộc tranh luận thu hút sự chú ý không chỉ vì thế giá của những người trong cuộc, mà nhất là vì tầm quan trọng của vấn đề. Ngoài vấn đề đại kết, nó còn có những ảnh hưởng thực tế liên quan đến quyền hạn của Đức Thánh Cha và của Giám mục giáo phận : ai là người quyết định và quyết định những vấn đề nào ? Như nhiều người nhận định, đây là cuộc tranh luận để tìm sự quân bình cho mối tương quan giữa Giáo hội địa phương và Giáo hội hoàn vũ.

Theo quan sát của những người ngoài cuộc thì hai vị đã khởi đầu từ những góc nhìn khác nhau. J. Ratzinger khởi đầu từ quan niệm thuần túy thần học. Còn W. Kasper khởi đầu từ những kinh nghiệm mục vụ trong tư cách là giám mục giáo phận. Kinh nghiệm về khoảng cách giữa những quyết định của Rôma và việc thực thi các quyết định đó của giáo dân và cả linh mục, Hồng y Kasper muốn bắc một nhịp cầu. Ngài nghĩ rằng “giám mục cần được dành cho đủ không gian cần thiết để có thể đưa ra những quyết định có trách nhiệm trong vấn đề áp dụng luật phổ quát”. Dĩ nhiên các giám mục không thể vịn vào sự tự do này để có những thỏa hiệp dễ dãi hay nhượng bộ trong lãnh vực đức tin. Nghĩa vụ của ngài là làm chứng cho chân lý khi thuận cũng như khi nghịch, phải tôn trọng sự toàn vẹn của truyền thống. “Cho các giám mục địa phương quyền tự do trong việc áp dụng luật phổ quát một cách có trách nhiệm nằm trong truyền thống của chúng ta chứ không đi ngược truyền thống”, Kasper khẳng định.

Kasper nhìn nhận rằng không thể đổ hết trách nhiệm cho giáo triều Rôma về xu hướng trung ương tập quyền. Phải nhìn nhận rằng Rôma can thiệp không phải vì tham vọng quyền lực mà vì thực sự đã có những Giáo hội địa phương quên đi nhu cầu hiệp nhất và đã để minh bị lôi kéo vào thái độ đa nguyên cực đoan, óc địa phương hay quốc gia… Tệ hơn, chính các Giáo hội địa phương cũng góp phần làm gia tăng tình trạng trung ương tập quyền mỗi khi họ từ chối trách nhiệm và hướng về Rôma để chờ đợi một quyết định. Một thứ mưu mẹo để né tránh bổn phận và tìm ẩn nấp đàng sau một thẩm quyền cao hơn ! Nhưng Đức Hồng y W. Kasper lo ngại một sự trung ương tập quyền quá đáng sẽ làm mất đi sức sinh động của Hội Thánh, tức là bóp nghẹt hơi thở Thánh Thần đang tuôn đổ trên mọi thành phần Dân Chúa.

Đức Ratzinger thì ngược lại lo sợ Giáo Hội sẽ bị phân mảnh và rơi vào tình trạng nhấn mạnh cách một chiều vai trò của cộng đoàn địa phương, cách nào đó giống như Giáo Hội Chính thống và Tin lành. Đồng ý là con đường duy nhất để đến với Giáo hội phổ quát là Giáo hội địa phương. Nhưng xét như là Bí tích, Giáo hội địa phương tượng trưng Giáo hội hoàn vũ và tất cả những gì Giáo hội hoàn vũ là đều gặp được trong Giáo hội địa phương. Khi một người được rửa tội, họ thuộc về Giáo hội phổ quát đang hiện diện và hoạt động trong Giáo hội địa phương. Không thể nói, họ thuộc về Giáo hội địa phương và vì vậy họ thuộc về Giáo hội hoàn vũ. Cộng đoàn địa phương dưới sự dẫn dắt của một vị Giám mục làm cho Giáo hội phổ quát hiện diện sống động. Bí tích Rửa tội sinh ra chúng ta trong Hội Thánh. Người Kitô hữu đi đâu cũng là đang ở trong nhà mình và không bao giờ là khách lạ trong Giáo Hội. Giáo phận, giáo xứ có thể thay đổi biên giới nhưng người tín hữu không vì thế mà gia nhập một giáo hội khác. Thân Thể Đức Kitô là Giáo hội phổ quát trên khắp địa cầu.

Cuộc tranh luận này, theo W. Kasper, không liên quan chút gì đến giáo lý công giáo về Giáo Hội. Đó là cuộc tranh luận giữa các ý kiến thần học và những tiền đề triết học của chúng.[28] Mỗi bên đều có những người ủng hộ của mình. Xin ghi lại đây ý kiến của Đức hồng ý Avery Dulles, một nhà Giáo hội học lừng danh của Mỹ. “Đối với tôi, ưu quyền về mặt hữu thể của Giáo hội phổ quát gần như hiển nhiên, vì chính quan niệm Giáo hội địa phương giả thiết một Giáo hội phổ quát mà mình thuộc về, trong khi đó, quan niệm Giáo hội phổ quát không hàm ý rằng Giáo hội đó được làm nên bởi những Giáo hội địa phương khác nhau.

Về mặt lịch sử cũng vậy, ưu quyền của Giáo hội hoàn vũ là hiển nhiên vì không thể chối cãi rằng Đức Kitô đã thành lập cộng đoàn các môn đệ và chuẩn bị các Tông đồ cho sứ vụ của họ trong khi họ vẫn còn đang ở cùng nhau. Các Giáo hội địa phương chỉ xuất hiện sau khi Giáo Hội bị phân tán, và vì thế cần phải thiết lập cộng đoàn
địa phương với chính các vị đứng đầu theo phẩm trật của mình”.[29]

Và ý kiến của một bậc vị vọng khác, Đức Tổng Giám mục Chaput, giám mục Denver. Theo Ngài, mối quan tâm của Đức Ratzinger về sự hiệp nhất trong Hội Thánh là ‘có cơ sở”. Giáo Hội phân mảnh thế là quá đủ, chúng ta không cần phân mảnh thêm nữa. “Đa nguyên thái quá, óc địa phương và tôn giáo quốc gia” là những mối đe dọa thực sự hiện nay. Cùng với mối đe dọa trên là khuynh hướng của các Giám mục và Hội đồng giám mục “trốn tránh trách nhiệm của mình” bằng cách để cho Rôma phải hứng chịu sức nóng của những vấn đề mà lẽ ra họ phải giải quyết[30].

Sau khi đã tìm hiểu về sự hiệp thông giữa Giáo hội hoàn vũ và các Giáo hội địa phương, chúng ta sẽ suy nghĩ về một vấn đề sát sườn hơn : sự hiệp thông trong Giáo hội địa phương, tức là Giáo phận và sự chia sẻ trách nhiệm của người giáo dân trong Giáo Hội.

II.       HIỆP THÔNG

      VÀ CHIA SẺ TRÁCH NHIỆM TRONG GIÁO HỘI

Như đã nói, Đức Giám mục là giềng mối sự hiệp thông và sự duy nhất tại Giáo hội Địa phương. Ngài là “mắt xích của công giáo tính” (chainon catholique) nối liền Giáo hội địa phương với Giáo hội phổ quát, và là người kiến thiết xây dựng sự hiệp thông trong giáo phận của mình, để Giáo phận thực sự là hình ảnh của Giáo Hội Chúa Kitô. Do vai trò là nguyên lý hiệp nhất của giáo phận, Đức Giám mục có mối tương quan sâu xa với mọi mọi thành phân Dân Chúa trong Giáo phận, linh mục, tu sĩ, giáo dân và tất cả những đoàn sủng mà Chúa Thánh Thần đã ban cho Giáo Hội. Công đồng Vatican II đã dành nhiều văn kiện để đề cập đến những mối tương quan này.

Mối tương quan giữa giám mục và linh mục là đề tài phải nói đến khi bàn về sự hiệp thông, về việc chia sẻ trách nhiệm, nhưng xin được dành lại cho Đấng bản quyền. Ở đây, chỉ xin nói vắn tắt : không ai trở thành linh mục nếu không có giám mục, và cũng không có linh mục công giáo nào có thể sống cuộc đời linh mục của mình một cách thực sự công giáo ở bên ngoài giám mục, vì ngài là ‘mắt xích công giáo’, là cầu nối cho linh mục được hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ.

Xin được nói về người giáo dân : Công đồng Vatican II đặc biệt quan tâm đến vai trò của người giáo dân trong Giáo Hội.

Nền tảng thần học cho sứ mạng của người giáo dân là việc họ thông dự vào vai trò tư tế, tiên tri và vương đế của Chúa Kitô. Sự hiệp thông giữa các tín hữu gắn liền với sự hiệp thông giữa các Giáo hội và hàng giám mục. Trong tư cách là thành phần của Dân Thiên Chúa, cũng như Giám mục, linh mục và tu sĩ, người giáo dân được mời gọi “mỗi người hãy tùy theo ơn đã nhận mà giúp đỡ lẫn nhau, như những người quản lý tài ba phân phối mọi thứ ơn của Thiên Chúa” (1P 4,10)[31]

Tham gia vào sứ mệnh chung của Hội Thánh, đối với thế giới, do ơn gọi riêng của mình, “giáo dân có bổn phận tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý muốn Thiên Chúa…”, như là men trong bột thánh hóa thế giới và… tỏ lộ Chúa Kitô cho người khác”[32]. Giữa lòng Giáo Hội, chỗ đứng của người giáo dân được Công đồng cô đọng lại trong thuật ngữ “chức linh mục phổ quát”[33]. Chức linh mục phổ quát này không chỉ liên quan đến phụng vụ mà đến mọi khía cạnh của đời sống Giáo Hội. Đây là một cách nói ăn rễ sâu trong kinh thánh (Xh 19,6 ; Is 61,2 ; 1P 2,5.9 ; Rm 12,1, Kh 1,6) và được nhiều giáo phụ nói đến, nhưng đã bị bỏ quên nhiều thế kỷ trong thần học Công giáo do phản ứng chống Cải cách. Chức linh mục phổ quát được áp dụng để nói về toàn thể Giáo Hội xét như là dân tư tế và cho tất cả những ai đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội[34]. Như vậy, đối với người lãnh nhận chức linh mục thừa tác, hiểu đúng về vai trò của người giáo dân cũng là hiểu đúng về chính mình.

Chức linh mục phổ quát và chức linh mục thừa tác, cả hai đều phát nguồn từ chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô, tuy khác nhau không chỉ về cấp bậc mà còn về bản chất, song cả hai bổ túc cho nhau[35] và hướng đến nhau. Nhìn dưới góc độ cứu cánh của đời sống Kitô hữu, thì chức tư tế phổ quát chiếm vị trí ưu tiên, nhưng về mặt cơ cấu tổ chức hữu hình của đời sống Giáo Hội và hiệu quả của bí tích, thì chức tư tế thừa tác chiếm ưu vị. “Vì cả hai đều gắn liền với một nguồn mạch duy nhất là chức tư tế của Chúa Kitô, và vì cuối cùng thì cả hai đều cùng nhắm tới một mục đích duy nhất : hiến dâng toàn Thân mình Đức Kitô lên Thiên Chúa, nên chức tư tế phổ quát của các tín hữu và chức tư tế thừa tác của các giám mục và linh mục liên quan mật thiết với nhau. Đến nỗi, thánh Inhaxiô thành Antiôkia khẳng định : không có giám mục, linh mục và phó tế, thậm chí người ta không thể nói về Giáo Hội.[36] Giáo Hội chỉ hiện hữu như là Giáo Hội có cơ cấu và khẳng định này cũng đúng cả khi người ta dùng phạm trù “dân Thiên Chúa”, một phạm trù mà sẽ thật lầm lạc nếu đồng hóa nó với giáo dân và không đá động gì đến giám mục và linh mục”[37]

Định hướng của Vatican II thực sự đã mang lại những hoa quả rất phong phú. Sau Công đồng, đây chính là lãnh vực được phát triển nhanh nhất. Người ta nói nhiều về việc đồng trách nhiệm hay chia sẻ trách nhiệm trong Giáo Hội. Nhiều giải pháp được đề ra : Hội đồng mục vụ, Hội đồng linh mục, Hội nghị giáo phận, Thượng Hội đồng giám mục. Thái độ sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm của người giáo dân là một trong những điều đáng lưu tâm nhất. Tinh thần “toàn thể Giáo Hội là chủ thể hành động, và trong Giáo Hội mọi người đều là chủ thể”, theo cách nói của W. Kasper, đã tác động tích cực trong đời sống Giáo Hội.

Nhưng, dường như không có khía cạnh nào trong giáo huấn của Công đồng lại bị hiểu lầm một cách tệ hại như vấn đề liên quan đến người giáo dân. Lumen Gentium đã dành cả chương hai để trình bày mầu nhiệm Giáo Hội như là Dân Thiên Chúa (laos tou theou). Các nghị phụ đã chọn cách nói này, vì cả hai mục đích thần học và mục vụ. So với những danh xưng khác, “Dân Thiên Chúa” có ưu điểm là giải thích tốt hơn việc tất cả các tín hữu đều thông dự cùng một thực tại bí tích, điều này vừa nói lên phẩm giá trong Giáo Hội vừa nói lên trách nhiệm trong thế giới. Và cũng vì thế, bản chất cộng đoàn và chiều kích lịch sử của Giáo Hội được nhấn mạnh, đúng như mong muốn của nhiều nghị phụ.[38]

Đây là cách nói hoàn toàn kinh thánh, song ý nghĩa không đương nhiên rõ rệt. Và về mặt ngôn ngữ, chữ Populus của tiếng La tinh không đủ sức để chuyển tải ý nghĩa rất phong phú của chữ laos của bản LXX. Trong bản LXX, chữ laos không chỉ có ý nghĩa tôn giáo mà còn trực tiếp mang ý nghĩa cứu độ và hướng tới ngày hoàn tất trong Tân ước. Lumen Gentium giả thiết ý nghĩa này của từ Laos. Trong danh xưng “Dân Thiên Chúa” nhóm từ “của Thiên Chúa” (tou theou) là nét đặc thù xác định căn tính của đoàn Dân này, cả về sự hình thành lẫn quá trình phát triển và cần được hiểu theo bối cảnh kinh thánh. Dân Thiên Chúa là dân sinh ra “từ trên”, từ chương trình của Thiên Chúa, từ ơn tuyển chọn, từ ơn giải thoát và Giao ước và sứ mạng trước muôn dân. Tất cả mọi cách giải thích mang hơi hướng sinh học, chủng tộc, xã hội hay chính trị phải bị tuyệt đối loại trừ.[39]

Vô tình hay cố ý bỏ qua ý nghĩa sâu xa trên, người ta đã hiểu “Dân Thiên Chúa’ như một quốc gia theo nghĩa chính trị. Từ ngữ “dân” bị tách rời khỏi “Thiên Chúa”, bị ý thức hệ hóa theo chiều hướng Marxisme và được đồng hóa với tầng lớp thua thiệt nhất trong dân, tầng lớp bị áp bức bóc lột để đối lập dân với tầng lớp trên, và với cơ chế phẩm trật. Hoặc người ta muốn biến Giáo Hội thành một nước dân chủ cộng hòa theo mẫu các nước Đông Âu theo khẩu hiệu “nhân dân làm chủ”. Bên Tây phương, dưới ảnh hưởng của thần học chính trị, người ta nói : “Chúng tôi là Giáo Hội” và hô hào “dân chủ hóa” trong Giáo Hội. Từ đó hình thành sự đối lập giữa dân Chúa với phẩm trật của Giáo Hội. Trong khi đó thì theo Lumen Gentium, dân Thiên Chúa không phải là các tín hữu hay tầng lớp cơ sở đối lại với cơ cấu phẩm trật, nhưng là toàn thể Giáo Hội với tổ chức và cơ cấu của mình : dân quy tụ quanh giám mục và hiệp nhất với mục tử của mình.

Vô vàn những căng thẳng và xung đột đã phát sinh từ đó. Sự phản kháng công khai chưa phải là điều tệ hại nhất vì dù sao nó cũng giả thiết một hình thức đối thoại nào đó, dù không nhất thiết là hình thức tốt nhất. Tệ hơn, đó chính là việc thiếu thông tri, là sự dửng dưng giữa đôi bên, là cuộc đối thoại của những người điếc mà chưa cần nói người ta đã biết trước câu trả lời cho các câu hỏi được đặt ra. W. Kapser nhận định rằng : thật nghịch lý là, những nhóm chống đối quyết liệt nhất, bày tỏ thái độ không quan tâm và thâm chí thù nghịch nhất vẫn khẳng định họ muốn ở lại trong Giáo Hội. Đó cũng là một lý do để hy vọng. Nhưng dĩ nhiên nó đòi hỏi một đường lối mục vụ thích đáng.

Hiệp thông - Ý tưởng vĩ đại của Vatican II – đã gặp phải sự cố về việc thông tri trao đổi với giáo dân. Do đó để phục vụ cho sự hiệp nhất, trách nhiệm của các vị thuộc phẩm trật Hội Thánh dĩ nhiên là thiết lập một sự đối thoại và thông tin, và trình bày cách khúc chiết hết sức có thể Giáo huấn của Hội Thánh. Lý tưởng về sự hiệp thông không loại trừ những căng thẳng. Sự sống nào cũng là một tiến trình bao hàm sự căng thẳng. Và Kasper trích lời một thần học gia nổi tiếng về Giáo hội học là Mohler : “Ở đâu không còn những căng thẳng nữa, ở đó sự chết đã ngự trị”[40].

Nhưng chúng ta, chúng ta muốn có một Giáo Hội - và một giáo phận, giáo xứ - sống động. Vì vậy, cần nhận diện ra đâu là những sự căng thẳng hữu ích và phong phú giữa những yếu tố khác nhau nhưng luôn đòi có nhau, giữa những đối nghịch mà theo lý luận có vẻ loại trừ nhau : trẻ và già, giáo dân và giáo sĩ, cởi mở và bảo thủ, cá nhân và cộng đoàn, sáng kiến và vâng phục, quyền bính - trật tự - kỷ cương và tự do. Và cũng phải học cách sống với những căng thẳng đó. Trong Giáo Hội, không ai có thể là tất cả.

Đầu thập niên 1970, J. Ratzinger, khi đó còn là một giáo sư thần học trạc tứ tuần, đã viết những dòng cháy bỏng : Nguyên lý hiệp nhất trong sự đa dạng không chỉ liên quan đến những điều nền tảng, quyền bí tích và sự hiệp thông phẩm trật, sứ vụ của Phêrô và sứ vụ của giám mục, Giáo hội địa phương và Giáo hội hoàn vũ…” Nó thấm nhập vào trong cả cơ cấu tổ chức của một giáo xứ đặc thù ; Nơi cha sở của mình, một giáo xứ cũng có một người làm đầu gìn giữ, phát huy sự duy nhất (une tête monarchique) nhưng giáo xứ không thể trở thành một tiểu quốc quân chủ của cha sở (une monarchie du curé), mà phải để cho giáo dân và những linh mục cộng sự viên của cha sở được nói lên tiếng nói của mình ; nhất là giáo xứ phải có chỗ cho những cá tính khác biệt và cho những hình thức phát biểu hợp pháp của họ. Và thường ra, cách chung, thì có lẽ cũng cần một sự bao dung lẫn nhau trong Giáo Hội, không tìm cách áp đặt cách thức riêng của mình trên người khác trong mọi hoàn cảnh, nhưng nhìn nhận rằng cũng là điều phải lẽ nếu có những nẻo đường khác và những cách biểu hiện lòng đạo đức khác, và không nghĩ rằng mọi chuyện đều phù hợp với mọi người, hay là tất cả mọi người hẳn là đều được Chúa dựng nên vì cùng một chuyện”.[41]

Bốn mươi năm sau, trên cương vị Tổng trưởng Thánh bộ Giáo lý đức tin và trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng “dân chủ hóa”, Đức Ratzinger cũng nói về tinh thần đồng trách nhiệm và sự hiệp thông. Sự nhiệt tình và lửa yêu thương vẫn bùng cháy, nhưng tần số rung động đã khác xưa. “Bản chất cộng đoàn của Hội Thánh tất yếu kéo theo đặc tính của Giáo Hội như là “chúng ta”. Giáo Hội không ở nơi nào đó cách xa chúng ta, chính chúng ta làm thành Giáo Hội. Không ai có thể nói “ tôi là Giáo Hội”, nhưng mỗi người chúng ta có thể và phải nói “chúng ta là Giáo Hội”. Cái “chúng ta” đây không đại diện cho một nhóm biệt lập, mà đúng hơn cho một nhóm sống giữa toàn thể cộng đoàn tất cả các chi thể của Chúa Kitô, người đang sống và kẻ đã qua đời. Đó là cách mà một nhóm có thể nói cách xác đáng : “Chúng ta là Giáo Hội”. Đây là Giáo Hội : Giáo Hội ở trong cái “chúng ta” rộng mở biết xuyên thủng những biên giới xã hội và chính trị, và cả biên giới giữa trời với đất nữa. Chúng ta là Giáo Hội. Điều này làm phát sinh tinh thần đồng trách nhiệm cũng như khả năng cộng tác mặt giáp mặt. Từ cách hiểu này nảy sinh quyền phê bình, nhưng sự phê bình của chúng ta trên hết phải là tự phê bình. Hãy nhắc lại : Giáo Hội không ở “nơi nào khác”, cũng không là “ai khác”. Chính chúng ta xây dựng Giáo Hội”[42]

Giáo Hội không là hiệp thông chứ không phải là tập hợp của một số những khối người sẳn có : phẩm trật và giáo dân, linh mục và tu sĩ, dòng và triều… Sự hiệp thông đó sẽ chỉ có được nếu được xây dựng trên nền tảng chung, một ơn gọi chung. Không ai có thể hiểu đúng tinh thần của Công đồng Vatican II về Giáo Hội, nếu không quy chiếu về chương bốn và chương bảy của Lemen Gentium, những chương nói về người giáo dân và ơn gọi nên thánh của mọi người cũng như chiều hướng cách chung của Giáo Hội. Những chương này cho thấy, “mục đích thiết yếu nhất cho sự hiện hữu của Giáo Hội là sự thánh thiện, là đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, là để có chỗ cho Chúa ở trong thế giới và nhờ đó thế giới trở thành vương quốc. Thánh thiện là điều gì đó lớn lao hơn là một phẩm chất luân lý. Đó chính là Thiên Chúa ở với con người và con người ở với Thiên Chúa… Giáo Hội hiện hữu là để trở thành nơi ở của Thiên Chúa ở giữa thế giới và như vậy trở nên thánh thiện : đó chính là điều mà ở trong Giáo Hội chúng ta phải ganh đua…”[43]

“Chúng ta là Giáo Hội, chính chúng ta xây dựng Giáo Hội”, chúng ta ganh đua nhau nên thánh, nhưng Giáo Hội không được xây dựng chỉ cho chúng ta và Giáo Hội nên thánh không chỉ vì bản thân mình. Giáo Hội là dấu chỉ và khí cụ cho sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người và. Để chu toàn sứ vụ đó, hiển nhiên Giáo Hội phải hiệp thông với con người, với thế giới. Vấn đề là hiệp thông như như thế nào.

III.    HIỆP THÔNG VỚI THẾ GIỚI

Ngay từ những dòng đầu tiên, Lumen Gentium đã khẳng định Giáo Hội là bí tích, tức là là dấu chỉ và khí cụ cho sự hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa và sự hiệp nhất giữa con người với nhau[44]. Giáo Hội xác tín rằng mình có thể đáp ứng thỏa đáng và dồi dào cho khát vọng đó. Sự hiệp thông trong Giáo Hội, theo sắc lệnh Truyền giáo,[45] là kiểu mẫu cho sự hiệp thông giữa con người với nhau và giữa các dân tộc. Giáo Hội cũng là khí cụ và kiểu mẫu cho sự hiệp thông giữa người nghèo và người giàu, giữa nam và nữ. Thiên Chúa muốn dùng sự hiệp thông trong Giáo Hội để đổi mới mọi sự trong Đức Kitô (LG 2) và chuẩn bị cho sự hiển trị của vương quốc Thiên Chúa. Giáo Hội phải là dấu chỉ và là khí cụ hữu hiệu phục vụ sự hiệp nhất và hòa bình trong nhân loại. Bí tích Thánh Thể là chóp đỉnh sự hiệp thông của Hội Thánh. Và người tín hữu không thể chỉ chia sẻ Bánh Thánh Thể mà không chia sẻ lương thực hằng ngày.

Trong bản Báo cáo tổng kết của Thượng hội đồng giám mục năm 1985, các Đức Giám mục tiếp tục “khẳng định tầm quan trọng lớn lao và tính thời sự của Hiến chế mục vụ Gaudium et spes”. Nhưng các ngài cũng nhận định rằng “những dấu chỉ thời đại hiện này đã phần nào khác với những dấu chỉ của thời kỳ diễn ra Công đồng, những thử thách và những nỗi lo âu càng thêm trầm trọng. Thật vậy, ngày nay, từ mọi phía trong thế giới, chúng ta chứng kiến sự gia tăng đói khổ, áp bức, bất công và chiến tranh, tra tấn, khủng bố và những hình thức bạo lực đủ loại khác. Điều này buộc chúng ta phải có một suy tư thần học mới mẻ và sâu xa hơn để giải thích những dấu chỉ này theo ánh sáng Tin mừng”[46].

Khi nhận định về những nguyên nhân đã góp phần gây ra khủng hoảng trong Giáo Hội thời kỳ sau Công đồng, các giám mục nhận xét : “Đôi khi [chúng ta] cũng đã thiếu sự biện biệt các thần khí khi không biệt cho đúng giữa sự cởi mở của Công đồng với thế giới và việc chấp nhận não trạng cũng như trật tự giá trị của một thế giới tục hóa”[47]. Các nghị phụ tại Thượng Hội đồng cho rằng phải đặc biệt lưu tâm đến lập trường duy thế tục (sécularisme), sự dửng dưng tôn giáo, và hẳn nhiên phải nói đến một trong những lo âu hàng đầu của Đức Thánh Cha Bênêđictô : sự thống trị độc tài của chủ nghĩa tương đối trong mọi lãnh vực của thế giới hôm nay.

Dấn thân vì hòa bình và công lý, chọn lựa ưu tiên phục vụ người nghèo và thăng tiến con người là những điểm nhấn quan trọng trong định hướng của Thượng Hội đồng. Giáo Hội xác tín rằng, dù là sứ mạng thiêng liêng, nhưng sứ mạng của Giáo Hội cũng bao hàm việc thăng tiến con người trong lãnh vực trần thế. Sứ mạng này, hẳn nhiên bao hàm việc phân biệt rạch ròi nhưng không tách biệt những khía cạnh tự nhiên và ân sủng. Trong chiều hướng đó, Thượng Hội đồng nhấn mạnh đến việc trình bày và áp dụng “học thuyết xã hội của Giáo Hội liên quan đến việc thăng tiến con người trong những hoàn cảnh luôn luôn mới”.

Một điều rất đáng suy nghĩ là khi trình bày sứ mạng của Giáo Hội trong thế giới, Thượng Hội đồng đã đề cập đến tầm quan trọng của thần học về Thập giá. “Dường như giữa những khó khăn hiện nay, Thiên Chúa muốn chúng ta giảng dạy sâu xa hơn giá trị, tầm quan trọng và vị trí trung tâm của thập giá Đức Giêsu Kitô. Mối tương quan giữa lịch sử nhân loại và lịch sử thánh phải được giải thích dưới ánh sáng của mầu nhiệm vượt qua. Chắc chắn rằng nền thần học về thập giá không hề loại trừ nền thần học về sáng tạo và nhập thể, mà hiển nhiên giả thiết nó. Hỡi các Kitô hữu, khi nói về thập giá, chúng ta không đáng bị coi là bi quan, chúng ta đặt nền tảng trên tính hiện thực của niềm hy vọng Kitô giáo”[48].

Đoạn văn này đặc biệt ý nghĩa vì liên hệ đến bản chất sâu xa của Kitô giáo. Sức năng động chi phối lịch sử đời sống Hội Thánh luôn luôn bao gồm hai nhịp : “tưởng nhớ” và “trông đợi”. Tưởng nhớ, trở lại với quá khứ là trở lại với biến cố khởi nguồn, Mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu, để làm mới mình, để biết mình là ai, cùng đích đời mình là gì, và cũng để có thể nhận ra sự thật về những bóng tối đang che phủ vận mệnh của mình và nhân loại. Cho đến muôn đời, thập giá Chúa Kitô vẫn được dựng lên trên mọi nẻo đường của con người để lên án tội lỗi như sự chối bỏ Thiên Chúa vì đã chối bỏ con người và căn tính đích thực của con người. Trông đợi, hướng tới tương lai, đến ngày Đức Kitô trở lại, vì điều đó nhắc nhở chúng ta về thân phận lữ hành của con người, về sự pha trộn giữa cỏ lùng và lúa miến không chỉ trong lịch sử mà còn trong cả mỗi con người, để thắp lên trong lòng mỗi chúng ta niềm hy vọng : Chúa là Đấng đổi mới mọi sự. Người đời nói : người khác còn tin bạn bao lâu bạn còn tin tưởng và hy vọng ở chính mình. Thập giá Đức Kitô nói : ngay cả khi bạn không còn tin tưởng và hy vọng nơi mình, Chúa vẫn tiếp tục tin tưởng và hy vọng nơi bạn.

Muốn nói về Thập giá có nghĩa là quyết tâm rao giảng về Đấng chịu đóng đinh, khi thuận cũng như lúc nghịch, cho người thành tín cũng như cho người coi “chúa tể đời mình là cái bụng”, là chấp nhận mình trở thành cớ vấp phạm cho người Do thái mộ đạo và sự điên rồ đối với người Hy lạp khôn ngoan ! Giáo Hội sẽ không còn hiệp thông thực sự với thế giới, nghĩa là không còn là khí cụ cứu độ nếu chỉ dám nói những điều người ta muốn nghe. Dưới góc nhìn này, thế giới đã có đủ hàng ngũ tiên tri của họ !

 

KẾT LUẬN

Chúng ta kết thúc những điều nói về Giáo Hội với lời nhận định mang tính tự kiểm của các Giám mục trên thế giới. Theo các ngài, dù có nhiều nguyên nhân khác nhau, từ bên ngoài cũng như từ bên trong dẫn tới cuộc khủng hoảng, nhưng “chúng ta không thể trút bỏ mọi trách nhiệm, nếu nhiều người - đặc biệt là người trẻ - với cái nhìn đầy phê phán đã coi Giáo Hội chỉ như một cơ chế đơn thuần. Có lẽ chúng ta đã đưa sườn cho người ta đánh khi chúng ta nói quá nhiều về sự canh tân cơ cấu bên ngoài của Giáo Hội mà lại nói quá ít về Thiên Chúa và về Đức Kitô ?”[49] Vâng, nói quá ít về Thiên Chúa và về Đức Kitô !

Ít năm sau, khi nói về mầu nhiệm Giáo Hội hiệp thông, Đức Hồng Y Ratzinger đã đề cập lại vấn đề này. Ngài nhắc lại ý tưởng của thần học gia Johann Baptist Metz : “Cuộc khủng hoảng mà Kitô giáo ở châu Âu gặp phải, tiên vàn không còn là, hay ít nhất, không chỉ là cuộc khủng hoảng về Giáo Hội… Cuộc khủng hoảng sâu xa hơn nhiều : gốc rễ của nó không chỉ nằm trong tình hình Giáo Hội, cuộc khủng hoảng đã trở thành cuộc khủng hoảng về Thiên Chúa. Đại thể, người ta có thể nói : “tôn giáo, đồng ý”, “Thiên Chúa, không”, mà trong đó chữ “không” này chẳng hề mang ý nghĩa phủ định tiên thiên của những chủ nghĩa vô thần lớn. Hiện nay chẳng còn hình thái vô thần lớn nào nữa. Chủ nghĩa vô thần của ngày hôm nay quả tình có thể quay trở lại nói về Thiên Chúa, một cách lơ đãng hay bình thản, mà không thực sự muốn nói đến Ngài… Ngày nay, Giáo Hội không còn nói về Thiên Chúa nữa, và khi Giáo Hội còn nói, chẳng hạn như tại Công đồng Vatican I,… thì chỉ nói về Thiên Chúa qua lời rao truyền của Hội Thánh. Cuộc khủng hoảng về Thiên Chúa đã được mã hóa thành cuộc khủng hoảng về Giáo Hội”.

Có thể là J. B. Metz quá lời ? Nhưng Đức Ratzinger nhận xét : “Những lời lẽ như thế từ một người đã sáng tạo ra trào lưu thần học chính trị không thể không làm chúng ta lưu tâm”. Nó nhắc nhở chúng ta rằng Công đồng Vatican II không chỉ là Công đồng về Giáo Hội, nhưng trước hết và trên hết, Công đồng nói về Chúa ; và không chỉ trong nội bộ Kitô giáo, nhưng cho thế giới, nói về vị Thiên Chúa là Chúa của tất cả mọi người, Đấng cứu tất cả mọi người và mọi người đều có thể đến với Ngài.[50] Phải nói về Thiên Chúa trước, vì khi chúng ta không còn nói về Thiên Chúa nữa, thì cũng như các môn đệ ngày xưa, chúng ta sẽ bắt đầu tranh cãi nhau xem ai là người lớn nhất. Mà như Đức Ratzinger nhận xét, đã có quá nhiều tranh chấp quyền lực trong thế giới, nhân loại đau khổ đã đủ rồi, chúng ta không cần tranh giành thêm nữa trong Giáo Hội.

Sẽ là thiếu sót nếu nói về mầu nhiệm hiệp thông mà không đề cập gì đến Mầu nhiệm các Thánh thông công, nhất là khi chúng ta đang sống trong tháng 11. Hans Urs Von Balthasar coi đó không phải là phần phụ thêm, nhưng là yếu tố cụ thể hóa bốn đặc tính được đề cập trước đó trong Kinh Tin kính : Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Ông còn cho đó chính là yếu tố đặc thù của Giáo Hội Công giáo so với các Giáo Hội Kitô giáo khác. Tất cả phải khởi đầu từ công cuộc cứu độ của Chúa Kitô.

Biến cố Chúa Giêsu Kitô, nghĩa là toàn bộ cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Ngài được khoa chú giải hiện đại, đặc biệt là Heinz Schürmann, hiểu như là cuộc hiện hữu cho (existence pour) người khác và thế giới. Trong thời các Giáo phụ, công cuộc cứu độ hay “hiện hữu cho” của Đức Giêsu Kitô được diễn tả bằng cách nói admirabile commercium, cuộc trao đổi kỳ diệu. Đó là cuộc trao đổi diễn ra giữa sự thánh thiện của Chúa Kitô và tội lỗi của con người. Đấng chịu đóng đinh nói với con người : “Hãy cho Ta tội lỗi của con, để Ta ban cho con sự thánh thiện của Ta”. Biến cố lịch sử độc nhất vô nhị đó thay đổi tự bên trong mối tương quan giữa con người với nhau và đòi buộc những kẻ đón nhận ơn cứu độ Ngài ban cũng phải sống với phong cách “sống cho” như Ngài đã sống.

Nhưng theo các Giáo phụ, Von Balthasar nhấn mạnh, cuộc trao đổi luôn luôn diễn ra giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Một Giáo hội, mà theo lời các Giáo phụ, trước khi gặp Đức Kitô là một cô gái điếm và đã được Ngài đã ban lại cho sự tinh tuyền và làm cho trở nên một trinh nữ. Lối nhìn này đã bị lu mờ đi khi thần học phát triển và bắt đầu nhìn công cuộc cứu độ không phải từ Chúa Kitô là trung tâm nữa, nhưng từ tội lỗi của con người. Kỹ lưỡng và bài bản đến nỗi người ta có thể nói chắc chắn được là có những người mãi mãi bị loại trừ ! Còn đâu sự trao đổi kỳ diệu nữa !

Với Martin Luther, cuộc trao đổi kỳ diệu không diễn ra giữa Chúa Kitô và Giáo Hội nữa, nhưng giữa Đức Kitô với linh hồn bé nhỏ, khốn khổ và tội lỗi. Và kết quả là ơn cứu chuộc được hoán chuyển sang một lối nhìn chủ yếu mang tính cá nhân. Ơn cứu độ được hoàn tất chủ yếu giữa Thiên Chúa và cá nhân mỗi người tín hữu. Đó là điều khoản đức tin về ơn thánh hóa tội nhân do lòng tin. Việc nhấn mạnh đến lòng tin của mỗi cá nhân làm thay đổi hình ảnh về Giáo Hội. Từ nay, người ta hiểu Giáo Hội vô hình là Giáo Hội của những người tin đích thực, những kẻ được tuyển chọn, và Giáo Hội hữu hình bao gồm những kẻ quy tụ nhau làm việc thờ phượng và cùng đọc chung kinh Tin kính.

Tách riêng ra, cả hai hình ảnh đó đều không thực sự tương ứng với hình ảnh Giáo Hội mà thánh Phaolô đã nói, trong đó có những phần tử “trang nhã” tức là thánh thiện và những phần tử “ít trang nhã” tức là các tội nhân (1Cr 12,23). Chỉ có mầu nhiệm các thánh hiệp thông mới làm cho Giáo Hội xuất hiện cách chân thực nhất, và chữ “thánh” mới có được ý nghĩa đầy đủ nhất. “Thật vậy, Mầu nhiệm các Thánh hiệp thông, nhất là như nó được các Giáo phụ hiểu, là sự hiệp thông với những vị trên Thiên quốc, đã trở nên hoàn toàn thánh thiện và đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, mà Giáo Hội tại thế còn mang dấu ấn tội lỗi có thể tin cậy xin các ngài chuyển cầu ; nhưng đó cũng là sự hiệp thông giữa “các thánh” trên trần gian này, vì hiện giờ, giữa người này với người kia, chúng ta đã có rất nhiều khả năng nâng đỡ lẫn nhau và cả bổn phận đối với nhau nữa. Càng đúng hơn nữa khi người Kitô hữu có thêm lợi thế là có thể để cho hình hài Chúa Kitô hiển hiện ra nơi mình, Ngài chính là Đấng hiện hữu cho người khác, là sự quên mình vì tình yêu”[51].

Những ý tưởng của Balthasar hàm chứa một ý nghĩa khác rất gần gũi và hiện sinh. Vì “con người ở một mình không tốt !” nên tự bản chất luôn khao khát được nhìn nhận, yêu thương và hướng tới sự hiệp thông với người khác. Chủ nghĩa cá nhân cực đoan cho con người được phép làm những gì mình thích nhưng đồng thời cũng đẩy con người vào sự cô đơn cùng cực. Mình không cần ai và cũng không ai cần mình ! Chủ nghĩa tập thể xem chừng hứa hẹn lúc ban đầu cuối cùng cũng đẩy con người vào nỗi khổ đau không hề nhỏ. Cá nhân bị tan biến trong cái chúng tôi vĩ đại và ngày hôm nay bị hy sinh vì một ngày mai nào đó.

Nỗi khao khát thẳm sâu của con người được là chính mình, một chủ vị được nhìn nhận và yêu thương vì mình là mình luôn cháy bỏng trong tâm thức con người thời đại, bất chấp sự ngạo nghễ của chủ nghĩa cá nhân đang thống trị thế giới. Mà sự hiệp thông phát xuất tự những con người hay tự cơ chế của con người, nếu có và dẫu tốt đến mấy, cũng chỉ tồn tại đến bên bờ cõi chết. Hội Thánh là nơi có thể đáp ứng thỏa đáng cho con người về nỗi khao khát hiệp thông vượt qua biên giới sự chết, về một cuộc sống không qua đi và một tình yêu không gì làm tan vỡ được.

 



[1] Synthèse des réponses au questionnaire préparatoire, Rapport du cardinal Godfried Danneels, in DC 1909, tr.33

[2] Synthèse des travaux de l’assemblée synodale, le rapport final voté par les pères, in La documentation catholique, 5/1/1986, s. 1909, tr.39

[3] đối nghịch với idios, riêng tư

[4] x. Jean-Marie Tillard, art Communion, trong Dictionnaire critique de la théologie, PUF, Paris, 1998, tr.236-242

[5] J.RATZINGER, The Ecclesiology of the Constitution on the Church, Vatican II, Lumen gentium, L’Osservatore Romamo, Vatican 19/9/2001, p.5-8. Tiểu mục : Ecclesiology of communion. Bản dịch Kinh Thánh của nhóm PVGK

[6] Walter KASPER, L’Eglise comme communion, in revue Communion, Tome XII, 1, s.tháng 1-2/1987, tr 15-31. Ở đây tr. 18

[7] LG 2

[8] DV 2

[9] LG 4, 48

[10] LG 4

[11] LG 4, UR 2 ; Cypriano, De oratione dominica 23, PL 4,553

[12] Lt : communicatio/ Hl : koinonia

[13] Lt : participatio/ Hl : koinonia

[14] LG 11

[15] DV 21 ; SC 51

[16] W.Kasper

[17] CDF, Thư gởi các Đức Giám mục, s.11-14

[18] H.u.v BALTHASAR, Catholicisme et communion des saints, in Communio, T.XIII, 1, tr.26-27

[19] W.Kasper, L’Eglise comme communion, tr.23

[20] LG 23

[21] LG 21 ; x. LG 22

[22] Đức Phao lô VI, diễn văn ngày 29/9/63, AAS 55 [1963]. - CDF, Responses to some questions regarding certain aspects of the doctrine on the Church, 29-06-2007

[23] CDF, Thơ gởi các Giám mục, s.8

[24] W.Kasper, L’Eglise comme communion, tr.26

[25] Thơ gởi các Đức Giám mục, s.9

[26] CDF, Thơ gởi các Đức Giám mục, s.9

[27] W. Kasper, On the Church, in rev America, số ra ngày 23-4-2001

[28] Kasper, On the Church, in America magazine, s.23/4/2001

[29] Zenit 28/5/2001

[30] America magazine, s.30/7/2001

[31] LG 13 ; UR 2, AA 18

[32] LG31

[33] LG 10 ; Sc 14

[34] LG 10

[35] LG 10,62

[36] Ad Trall. III, 1

[37] CTI, tr.68

[38] CTI, op.cit, tr.59

[39] xem CTI, Thèmes choisis d’ecclesiologie, Rapport de la commission théologique internationale à l’occasion du XX è anniversaire de la clôture du Concile Vatican II, La DC s.1909, 5-1-1986, tr. 60

[40] Kasper, Eglise comme communion, tr.29

[41] J. Ratzinger, Le Nouveau peuple de Dieu, Aubier, France, 1971, tr.125

[42] J.Ratzinger, The ecclesiology of Vatican II, Diễn văn khai mạc Đại hội mục vụ của giáo phận Aversa-Ý, 15/9/2001, Nguyên bản tiếng Ý. Bản dịch tiếng Anh tìm đọc tại web-site của EWTN

[43] J. Ratzinger, Ecclesiology of the constitution on the Church

[44] LG 1

[45] Ad Gentes, 11.23 ; Gs 39

[46] Rapport final du Synode, La DC, s.1909, tr. 40-41

[47] Rapport final du synode, la DC, tr.36

[48] Rapport final du Synode, tr.41

[49] Rapport final, tr.37

[50] J.Ratzinger, Ecclesiology of the constitution on the Church, Vatican II, Lumen Gentium, 2001

[51] Hans Urs von Balthasar, Catholicisme et communion des saints, in Revue Communion, t. XIII, 1, tr.21-27


Tài Liệu Thường Huấn Linh Mục GP Đalạt 2009