TÓM LƯỢC TÔNG HUẤN VERBUM DOMINI

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

GP. Long Xuyên

Tông huấn Verbum Domini của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI là một công trình đúc kết thành quả làm việc của Khoá họp Khoáng đại Thượng Hội đồng Giám mục (THĐGM) Thế giới lần thứ XII với chủ đề: Lời Chúa trong Đời sống và Sứ vụ của Hội Thánh, diễn ra từ ngày 5 đến 26-10-2008. Một trong những mục tiêu của Thượng Hội nghị Giám mục này là duyệt lại việc thực thi những chỉ thị của Công đồng Vatican II về Lời Chúa, đặc biệt là Hiến chế Dei Verbum, đồng thời đối phó với những thách thức mới đặt ra trong thời đại hôm nay liên quan đến lĩnh vực Lời Chúa. Sự tiếp nối công trình của THĐGM là một trong những mục tiêu chính của Verbum Domini (s. 3). Tông huấn được ban hành ngày 30-9-2010, tại Đền thờ Thánh Phêrô vào ngày lễ kính Thánh Giêrônimô, dịp kỉ niệm năm thứ sáu Triều đại Đức Bênêđictô XVI.

Tông huấn này gồm 3 phần chính: Verbum Dei (Lời Chúa), Verbum in Ecclesia (Lời Chúa trong Hội Thánh), và Verbum Mundo (Lời Chúa cho Thế giới). Ngoài ra còn có 2 phần phụ, mở đầu và kết thúc. Bài tóm lược này nhằm đưa ra một số chủ điểm quan trọng của văn kiện, đặc biệt những điểm liên quan đến mục vụ và việc cử hành. Nó không có ý bao quát toàn bộ nội dung văn kiện, một công việc đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn để tóm kết nhiều chủ điểm.

Phần Một: Verbum Domini (Lời Chúa)

Phần Một xoay quanh 3 chủ điểm, bắt đầu bằng việc trình bày ý nghĩa của Mầu nhiệm Nhập Thể, nơi đó Lời Thiên Chúa trở nên xác phàm. Nội dung tiếp theo là thuật trình việc đáp trả của con người đối với Lời của Thiên Chúa. Tiếp đến, văn kiện trình bày sâu rộng chủ đề giải thích Sách Thánh.

Mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo là Ngôi Lời Nhập Thể, diễn tả sự hạ mình tột bậc của Thiên Chúa, được trình bày trong các số 11-12. Khi chúng ta dùng “lời nói” thì trước tiên là để quy chiếu về sự vật. Cũng vậy, nơi Chúa KitôNgôi Lời Nhập Thể, Thiên Chúa tỏ bày chính mình một cách trọn vẹn (s. 12, 14).

Nhưng Nhập Thể cũng có nghĩa là mặc khải của Thiên Chúa xảy ra trong không gian và thời gian. Vì thế, chúng ta có khái niệm về sự “linh hứng”, bao hàm rằng mặc khải gồm cả yếu tố thần linh và con người (s. 19). Khi giải thích Sách Thánh, chúng ta không thể không chú ý tới những khái niệm về “linh hứng” và “chân lý” được mặc khải theo Sách Thánh.

Sự kiện Thiên Chúa ngỏ lời với dân Ngài có nghĩa là Ngài kêu gọi họ đi vào cuộc đối thoại với chính Ngài (s. 23). Đức Maria là mẫu mực tối cao của việc lắng nghe Lời Chúa với thái độ của một đức tin trọn vẹn. Mẹ cũng là mẫu gương cho chúng ta trong việc mau mắn đón nhận Lời Chúa. “Bởi vì Mẹ hoàn toàn thấm nhuần Lời Thiên Chúa, nên Mẹ mới có thể trở thành Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể” (s. 28).

Việc giải thích Lời Chúa trong Giáo Hội

Trong phần này, Đức Bênêđictô XVI nhấn mạnh rằng chúng ta không thể hiểu Thánh Kinh một cách đúng đắn nếu chúng ta không có một đức tin sống động, và nếu chúng ta đứng ngoài gia đình đức tin là Giáo Hội. Việc giải thích không phải là một công việc có thể tách biệt khỏi cộng đoàn, bởi vì “Sách Thánh được Dân Chúa viết ra cho cộng đoàn Dân Chúa, dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần” (s. 30). Thánh Kinh là cuốn sách của Giáo Hội, chúng ta không thể hiểu đúng sách ấy nếu ở ngoài Giáo Hội.

Về những phương pháp chú giải, Đức Bênêđictô XVI lấy từ Hiến chế Dei Verbum, s. 12, để đưa ra những hướng dẫn cần phải theo trong việc giải thích Thánh Kinh. Phương pháp phê bình lịch sử rất ích lợi, bởi vì đức tin Kitô giáo có liên quan đến lịch sử và “như thế phải được học hỏi với những phương pháp nghiên cứu lịch sử đúng nghĩa” (s. 22). Nhưng chỉ duy một phương pháp ấy là không đủ, bởi vì mục đích thật sự của công việc chú giải chỉ có thể đạt được “khi người ta trình bày được ý nghĩa của bản văn như là Lời của Thiên Chúa cho con người hôm nay” (s. 33).

Để đánh giá yếu tố thiêng liêng của bản văn Thánh Kinh cần phải hội đủ 3 tiêu chuẩn: [1] bản văn cần phải được giải thích trong sự quan tâm đến tính duy nhất của toàn bộ Sách Thánh (cũng được gọi là “chú giải theo quy điển”); [2] phải đặt trong Truyền Thống của Giáo Hội; và [3] phải tôn trọng việc suy diễn theo đức tin. Dù đã có nhiều nhà chú giải Công giáo tài năng trong phương pháp phê bình lịch sử, nhưng người ta cũng cần chú tâm đến chiều kích thần học của bản văn Thánh Kinh, để nó phù hợp với 3 tiêu chuẩn này.

Mối nguy hại do thời đại hôm nay gây ra là “thái độ nhị nguyên khi tiếp cận Sách Thánh”, lập trường này muốn tách biệt yếu tố con người ra khỏi yếu tố thần linh. Điều đáng buồn là việc này “xảy ra ngay cả trong giới học thuật cao kiến nhất” (s. 35). Thái độ nhị nguyên này dẫn đến hậu quả là ý nghĩa đích thực của bản văn bị đẩy vào quá khứ mà không có liên hệ gì đến chúng ta hôm nay. Sự thiếu vắng đức tin như thế mở đường cho một “đường hướng chú giải bị tục hoá”, nhằm bác bỏ bất cứ một yếu tố linh thánh hoặc diệu kì nào trong Sách Thánh, và thậm chí loại bỏ cả những biến cố lịch sử, như sự Phục sinh của Chúa (s. 35). Phương pháp luận khiếm khuyết như vậy sẽ gây ra những tổn hại lớn cho công việc giảng thuyết và việc đào tạo chủng sinh (s. 35).

Sự duy nhất của Thánh Kinh đặt nền tảng trên sự kiện là toàn bộ Sách Thánh đều quy về Chúa Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa (ss. 38-39). Điều này có nghĩa là Cựu Ước vẫn giữ nguyên giá trị đối với các Kitô hữu, dẫu nó được kiện toàn trong lịch sử (s. 40). Tương quan chặt chẽ giữa Cựu ước và Tân ước phải được đặt trong những bối cảnh cả về mục vụ lẫn học thuật (s. 41).

Một khoa chú giải Thánh Kinh theo ánh sáng đức tin cần phải chống lại chủ thuyết giản lược và chủ thuyết bảo thủ. Để phát triển một khoa chú giải như vậy, các Hội đồng Giám mục cần phải giúp các mục tử, các nhà chú giải, và các nhà thần học cùng làm việc chung gắn bó với nhau (s. 45).

Đối với công cuộc đại kết, Đức Bênêđictô XVI mời gọi “gia tăng việc nghiên cứu, thảo luận và cử hành Lời Chúa mang tính đại kết”, miễn là những việc cử hành Lời Chúa như vậy không được mang hình thức như là thay thế Thánh lễ (s. 46). Sáng kiến nhằm tạo ra những bản dịch đại kết vẫn là điều quan trọng, đáng khuyến khích (s. 46).

Các thánh, những người để cho cuộc đời của mình được khuôn đúc bởi Lời Chúa, là những chứng từ giá trị nhất cho việc giải thích Sách Thánh. “Mỗi vị thánh được chiêm ngắm  như là một luồng ánh sáng tỏa ra từ Lời Chúa” (s. 48). Sự thánh thiện của các ngài là một cách giải thích “không được xem nhẹ” (s. 49).

Phần Hai: Verbum in Ecclesia (Lời Chúa trong Giáo Hội)

Phần thứ Hai trình bày vị trí của Lời Chúa trong Giáo hội, đặc biệt trong Phụng vụ và các Bí tích. Phụng vụ không chỉ là một nơi ưu tiên chúng ta có thể lắng nghe Lời Chúa, nhưng còn là mục tiêu mà việc thấu hiểu Thánh Kinh với một đức tin trọn vẹn phải luôn quy chiếu về đó (s. 52). Tiếc thay, tương quan mật thiết giữa Lời Chúa và Bí tích không luôn luôn được các tín hữu hiểu đúng, vì thế bổn phận của các linh mục hay phó tế là phải cắt nghĩa sự duy nhất đó khi họ cử hành Bí tích (53).

Liên quan đến tầm quan trọng của các bài đọc trong Thánh lễ, được một độc xướng viên công bố, Tông huấn nhắc nhở những người thi hành phận vụ này trong cử hành Phụng vụ cần phải được huấn luyện nhiều hơn. Việc huấn luyện này được thực hiện trong các lĩnh vực: học hỏi Thánh Kinh, học hỏi Phụng vụ, chuẩn bị những kỹ thuật cần thiết (s. 58).

“Vì tầm quan trọng của Lời Chúa trong việc cử hành Phụng vụ Thánh, cần phải tăng cường chất lượng các bài giảng… Bài giảng phải giúp mọi người hiểu được mầu nhiệm cử hành, phải thúc đẩy công cuộc truyền giáo, và chuẩn bị cộng đoàn tuyên xưng đức tin, đọc lời nguyện chung, và tham dự vào Phụng vụ Thánh Thể… Những bài giảng chung chung và trừu tượng gây trở ngại cho Lời Chúa trực tiếp đi vào lòng người cần nên tránh; những nội dung lan man vô ích nhằm lôi kéo sự chú ý đến chính nhà giảng thuyết hơn là cốt lõi sứ điệp của Tin Mừng cũng nên loại bỏ. Các tín hữu cần phải nhận thấy rõ ràng rằng vị giảng thuyết phải nuôi một ước muốn thôi thúc là trình bày Chúa Kitô, Đấng phải hiện diện ở trung tâm bài giảng” (s. 59).

Kết thúc phần này, Tông huấn gợi ý là các nguồn tài liệu, các nhà xuất bản cần được phát triển rộng rãi để giúp các thừa tác viên thi hành phận vụ này (s. 60).

Trong Bí tích Hoà Giải, hối nhân cần bắt đầu việc xưng tội bằng cách đọc hoặc lắng nghe những lời giáo huấn dựa trên Thánh Kinh, và phải thể hiện hành vi thống hối “đặt nền tảng trên Lời Chúa” (s. 61). Việc cử hành Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân được khuyến khích cử hành chung trong các giáo xứ và nơi bệnh viện (s. 61).

Các Giờ kinh Phụng vụ giữ một vai trò quan trọng trong Hội Thánh, được các giám mục, linh mục, phó tế, và chủng sinh đọc hằng ngày (s. 62). Các tín hữu được khuyến khích đọc các giờ Kinh Sáng và Kinh Chiều tại các giáo xứ và các cộng đoàn tu sĩ (s. 62). Để giúp các giáo xứ thiếu vắng linh mục, Đức Bênêđictô XVI yêu cầu các vị có thẩm quyền soạn ra các sách nghi thức giúp việc cử hành Lời Chúa trong các ngày Chúa Nhật, nhưng không được lẫn lộn với Thánh lễ Chúa Nhật (s. 65).

Trong khi cử hành Bí tích Thánh Thể, các tín hữu được chỉ dạy về giá trị của sự thinh lặng (s. 66). Trong các Lễ Trọng, có thể rước Sách Phúc Âm. Cũng thật là hữu ích khi Tin Mừng được công bố thành lời ca, nhất là trong các lễ trọng (s. 67).

Trong Thánh Lễ các bài đọc Sách Thánh không được thay thế bằng bất cứ bản văn nào khác. Điều này cũng bắt buộc đối với các Thánh vịnh trong phần xướng-đáp (s. 69). Những bài thánh ca và thánh thi phải được chọn theo tiêu chuẩn lấy “cảm hứng từ Kinh Thánh, đặc biệt nhạc truyền thống, như bình ca Grêgorien chẳng hạn, để qua sự hoà hợp giữa lời và nhạc, những bài hát này diễn tả vẻ đẹp của Lời Chúa” (s. 70). Những thiết kế đặc biệt nào đó có thể được thực hiện trong Phụng vụ khi cần thiết, đối với những người khiếm thính và khiếm thị (s. 71).

Đức Bênêđictô XVI hối thúc mọi tín hữu đọc Kinh Thánh và như thế có thể gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô: “Tôi bày tỏ niềm mong ước chân thành về một sự nở rộ ‘một mùa xuân mới nơi mọi thành phần Dân Chúa đối với việc mến yêu Sách Thánh hơn, để việc đọc Thánh Kinh thấm đẫm lời cầu nguyện và đức tin, theo thời gian, sẽ khắc sâu mối tương quan cá vị của họ với Chúa Giêsu’” (s. 72). Khi tín hữu không biết Thánh Kinh, họ thường bị nhử bắt bởi các giáo phái khác nhau, chúng  đưa ra một lối đọc Sách Thánh lệch lạc (s. 73).

Việc hiểu biết những nhân vật và những biến cố Thánh Kinh rất được khuyến khích, đặc biệt việc học thuộc lòng những đoạn Sách Thánh “diễn tả một cách đặc biệt những mầu nhiệm Kitô giáo” (s. 74). Kiến thức Thánh Kinh này được bổ sung thêm Giáo lý Hội thánh Công giáo, là “tiêu chuẩn chắc chắn cho việc huấn giáo đức tin” (s. 74). Các trung tâm mục vụ huấn giáo cần được thiết lập để giáo dân và các nhà truyền giáo có thể nhận được việc đào tạo vững mạnh hơn về Lời Chúa (s. 75).

Trong các gia đình Công giáo, việc cầu nguyện chung và đọc Thánh Kinh rất được khuyến khích. Mỗi gia đình cần phải có một cuốn Thánh Kinh riêng, được “gìn giữ ở một nơi xứng đáng, dùng để đọc và cầu nguyện” (s. 85). Trong mọi trường hợp việc đọc Sách Thánh phải đi kèm với lời cầu nguyện. Ở đây, Đức Bênêđictô XVI trích dẫn lời Thánh Augustinô: “Khi bạn đọc Thánh Kinh, Chúa nói với bạn; còn khi cầu nguyện, bạn nói với Chúa” (s. 86).

Việc thực hành Lectio divina rất được khuyến khích (s. 87) cũng như việc lần chuỗi Mân Côi. Khi đọc Kinh Mân Côi, mỗi mầu nhiệm nên đọc một đoạn Thánh Kinh ngắn liên quan đến mầu nhiệm ấy (s. 88).

Phần Ba: Verbum Mundo (Lời Chúa cho Thế giới)

Phần Ba đề cập đến chủ đề truyền giáo và loan báo Tin Mừng. Lời Chúa được ban cho chúng ta làm cho chúng ta không chỉ trở thành những thính giả, mà còn trở nên những sứ giả để chúng ta, được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, tham dự vào sứ vụ của Chúa Kitô (s. 91). Lời mà chúng ta lãnh nhận được dành cho mọi người, chứ không phải chỉ giữ riêng cho chúng ta. Thật đúng như vậy, Lời Chúa thuộc về mọi người (s. 92).

Mọi lĩnh vực của đời sống xã hội cần được ánh sáng Chúa Kitô dọi chiếu. “Không phải chỉ là vấn đề rao giảng sự an ủi, nhưng đúng hơn một lời gây phiền nhiễu, lời mời gọi hoán cải và mở đường cho sự gặp gỡ với Đấng mà qua Ngài, một nhân loại mới sẽ trổ sinh (s. 93).

Phận vụ loan báo Lời Chúa thuộc về tất cả những người đã được rửa tội. “Mỗi gia đình, giáo xứ, cộng đoàn, hiệp hội và các phong trào giáo hội phải làm sống lại ý thức về sứ vụ đó” (s. 94). Bởi vì có nhiều dân tộc, nhất là thế giới Tây phương, đã được “rửa tội” nhưng chưa được Tin Mừng hoá một cách đầy đủ, cho nên cần phải “tái truyền giảng Tin Mừng” (s. 96). Sứ vụ này không được bỏ qua những người nghèo (s. 99) và những nỗ lực tìm kiếm công lý (s. 100). Liên quan đến vấn đề này, người tín hữu phải học hỏi giáo huấn của Giáo Hội về xã hội (s. 100).

Nhiều người trẻ có một “ước muốn chân thành là tìm biết Chúa Giêsu”. Tin Mừng phải được loan báo cho họ một cách sáng tỏ, và họ cũng phải được chỉ dạy về Sách Thánh để họ có thể chia sẻ Tin Mừng với các bạn đồng môn (s. 104).

Hiện tại trong nhiều quốc gia Kitô giáo, có một dòng người di dân rộng lớn không biết Chúa Kitô. Đây là cơ hội đặc biệt để “những người mang danh là di dân đó được nghe giảng về giáo lí (kerygma), nhưng chỉ được đề nghị chứ không áp đặt. Còn nếu họ là những Kitô hữu thì họ cần được chăm sóc mục vụ với những hình thức khác nhau, giúp họ tăng triển trong đời sống đức tin, và đến lượt họ lại trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng” (s. 105).

Trong Kinh Thánh, người nghèo giữ một vị trí đặc biệt. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng chính những người nghèo cũng là những tác nhân của việc loan báo Tin Mừng (s. 107).

Nhận thức rằng toàn thể vũ trụ được sáng tạo bởi Ngôi Lời (x. Ga 1,2), chúng ta ý thức trách nhiệm đối với tạo vật, không phải là một khối vật chất tự nhiên để khai thác bừa bãi. Như thế, “việc đón nhận Lời Chúa, như được Kinh Thánh và Thánh Truyền soi dẫn, phải khơi lên trong chúng ta một cái nhìn mới về sự vật, thúc đẩy chúng ta phát huy một môi trường sinh thái xác thực, là cắm rễ sâu vào việc tuân phục đức tin” (s. 108).

Việc giáo dục tôn giáo rất quan trọng cho nên “các thầy dạy về tôn giáo cần phải được đào tạo cẩn thận” (s. 111). Cũng vậy, những nhóm xã hội và các tổ chức có khả năng nên khởi xướng việc học hỏi Kinh Thánh một cách vững chắc nơi các nghệ sĩ, là những người có khả năng đóng góp hữu hiệu vào việc diễn tả vẻ đẹp của Giáo Hội và của Phụng vụ chúng ta (s. 112). Ngoài ra, những phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là Internet, cần được dùng vào việc loan báo Tin Mừng, dẫu rằng những phương tiện này không được thay thế việc tiếp xúc cá nhân trong thế giới hiện thực (s. 113).

Bởi vì Lời Chúa có khả năng nói với hết mọi người nên việc hội nhập văn hoá là khả thi. Tuy nhiên hoạt động này không được lẫn lộn với một “sự thích ứng phiến diện”, hoặc “một sự tổng hoà làm tan biến tính chất duy nhất của Tin Mừng, muốn làm cho nó trở nên dễ đón nhận hơn” (s. 114). Đúng hơn, việc hội nhập văn hoá đích thực sẽ diễn ra “khi một nền văn hoá được Tin Mừng chuyển hoá và tái sinh, sẽ nảy sinh từ chính truyền thống sống động của nó những cách thể hiện đặc thù về đời sống Kitô giáo, về việc cử hành, cũng như lề lối tư duy” (s. 114).

Một phần quan trọng của việc loan báo Tin Mừng của Giáo Hội bao gồm việc gặp gỡ, đối thoại và hợp tác với các tín đồ của các tôn giáo khác. “Công việc này được thực hiện, không được dựa vào các hình thức của chủ thuyết hoà đồng và chủ thuyết tương đối” (s. 117), mà phải tuân theo những hướng dẫn đã được Công đồng Vatican II đề ra trong Tuyên ngôn Nostra Aetate, cũng như những Huấn thị liên quan. Việc hiểu biết lẫn nhau giữa Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo cần được thúc đẩy (s. 118).

Kết luận

Dù Tông huấn này còn đề cập đến nhiều chủ đề khác, chúng ta tạm kết thúc bài tóm lược này với lời kêu gọi tha thiết của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI vào cuối văn kiện:

“Tôi muốn nhắc nhở mọi Kitô hữu rằng mối tương giao cá nhân cũng như cộng đoàn của chúng ta với Chúa tùy thuộc vào sự hiểu biết ngày càng gia tăng của chúng ta đối với Lời Chúa. Sau cùng, tôi hướng về hết thảy những người nam nữ, gồm cả những người đã lìa bỏ Giáo hội, những người đã xa rời đức tin hoặc những người chưa từng nghe công bố ơn cứu chuộc. Chúa nói với mọi người: ‘Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta’ (Kh 3,20)” (s. 124).

Lm. Giuse Ngô Quang Trung