LỄ VƯỢT QUA TRONG LỊCH SỬ

 

Trong tất cả các truyền thống Kitô giáo, có hai cách đọc Kinh Thánh, tóm tắt trong hai chữ văn tự và thiêng liêng. Văn tự tương ứng với nghĩa đen hay biến cố lịch sử được kể lại ; thiêng liêng cho thấy mầu nhiệm ẩn chứa trong biến cố lịch sử, mà chỉ có thể hiểu được nhờ đức tin. Theo nghĩa thiêng liêng, cũng có ba mức độ ý nghĩa: ý nghĩa Kitô học nhấn mạnh sự liên hệ đến Đức Kitô và Giáo Hội, ý nghĩa luân lý liên hệ đến lối sống của các Kitô hữu, và ý nghĩa cánh chung liên hệ đến sự hoàn tất cuối cùng.

Lược đồ bốn phần này được tóm tắt trong câu thơ nổi tiếng thời Trung cổ : Littera gesta docet, quid credas allegoria. Moralis, quid agas; quo tendas anagogia. Nghĩa văn tự dạy về biến cố, nghĩa ẩn dụ dạy điều phải tin, nghĩa luân lý dạy điều phải làm, nghĩa dẫn đường dạy điều phải vươn tới.

Cách tiếp cận Kinh thánh này cho thấy sự phù hợp và phong phú của nó khi áp dụng vào lễ Vượt Qua. Đây là những gì tác giả thời Trung cổ nói: "Lễ Vượt Qua có thể có ý nghĩa lịch sử, ẩn dụ, đạo đức và dẫn đường. Theo nghĩa lịch sử, Lễ Vượt Qua xảy ra khi thiên thần hủy diệt đi ngang qua Ai cập ; theo nghĩa ẩn dụ khi, trong phép Rửa tội, Giáo Hội đi từ không tin đến đức tin ; theo nghĩa đạo đức, khi qua việc xưng tội và ăn năn, tâm hồn đi từ nết xấu đến nhân đức ; theo nghĩa dẫn đường, khi chúng ta đi từ sự lầm than của cuộc đời này đến những niềm vui vĩnh cửu".

Trong bài này, chúng ta sẽ suy niệm về chiều kích lịch sử của lễ Vượt Qua, nghĩa là về các biến cố cho thấy nguồn gốc của nó. Nếu suy tư về lễ Vượt Qua nói chung, "văn tự" được khảo xét sẽ là những trình thuật về cuộc Xuất Hành đề cập việc sát tế con chiên trên đất Ai Cập ; khi muốn tập trung vào Lễ Phục sinh của Ki tô giáo, "văn tự" là những trình thuật về cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô.

1. Nhưng văn tự thực sự kể lại điều gì đã xảy ra?

Một câu hỏi mang tính rất thời sự được đặt ra ở đây : trong trường hợp này, văn tự có thực sự liên quan đến "những biến cố", như câu thơ cổ nói, hay thay vào đó, liên quan đến một sự tiếp cận “thiên vị”, đáp ứng với những mục đích hộ giáo ? Phản ứng về cuốn phim “Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô”, có một ý kiến đã lan rộng về vấn đề này, mà chúng ta không thể không trả lời.

Luận đề được các tạp chí phổ biến trên toàn thế giới, được tóm tắt như sau. “Cuộc Khổ Nạn” chọn cách trung thành với các trình thuật Phúc âm, bỏ qua các kết quả của khoa chú giải hiện đại. Khoa chú giải này quả quyết rằng, khi mô tả các sự kiện, Maccô và những tác giả Phúc Âm khác sau ngài đã đổ trách nhiệm về cái chết của Đức Kitô cho người Do Thái, để lấy lòng chính quyền Rôma và trấn an chính quyền về một tôn giáo mới xuất hiện. Trên thực tế, lý do chính của việc lên án Đức Giêsu là chính trị chứ không phải tôn giáo, nói khác đi, đó là vì Đức Kitô đe dọa trật tự đã được thiết lập.

Trước hết, phải khẳng định rằng dù có giải thích về hoàn cảnh bên ngoài và lý do pháp lý đưa đến cái chết của Đức Kitô như thế nào, thì những điều này không làm thay đổi ý nghĩa thực sự của cái chết của Ngài, ý nghĩa này tùy thuộc vào điều Ngài đã nghĩ, chứ không phải điều người khác nghĩ. Ý nghĩa này, Ngài đã giải thích rõ ràng trước đây, lúc Ngài lập Thánh Thể: "Anh em cầm lấy mà  ăn, đây là mình thầy, sẽ bị nộp vì anh em”.

Tuy nói vậy, nhưng chúng ta vẫn phải ghi nhận rằng vấn đề trong các cuộc tranh luận này là nghiêm trọng. Đức tin Kitô giáo là một đức tin dựa trên lịch sử ; tương thích với lịch sử cũng cần thiết như tương thích với lý trí. Nói rằng các sách Tin Mừng "không từ trời xuống, vốn đẹp đẽ và hoàn chỉnh, nhưng là sản phẩm của bàn tay và trái tim con người", nói thế không đủ, chính chúng cũng lệ thuộc vào hoàn cảnh và những thành kiến. Ngày hôm nay mọi học giá nghiêm túc với các nghiên cứu Kinh thánh đều thừa nhận điều này. Vấn đề là liệu đó có phải là những trình thuật thành thật hay không ; liệu thành kiến là vô thức hay đây là một luận đề được lựa chọn có ý thức và theo đuổi vì những lý do thuận tiện.

Quan tâm tới vấn đề này hồi tôi còn dạy môn lịch sử nguồn gốc Kitô giáo tại Đại học Công giáo Milano, dường như tôi có nghĩa vụ góp phần làm sáng tỏ cho cuộc thảo luận này. Điều phải bác bỏ một cách dứt khoát là các nghiên cứu hiện đại về lịch sử, liên hệ đến việc xử án Đức Kitô, đã có được những kết luận khác với những gì được mạc khải qua việc đọc Phúc Âm.

Luận đề về động cơ chính trị cơ bản của việc lên án Đức Kitô đã nảy sinh, trong vòng năm mươi năm qua, từ hai mối bận tâm và có hai lý do hiện hữu (Sitz-im-Leben). Thứ nhất là kết quả bi đát của phong trào bài Do thái với Shoah, thứ hai là khẳng định trong những năm 1960 và 1970 của cái gọi là thần học giải phóng. Nếu người ta không muốn Che Guevara thay thế cho Đức Kitô trong tâm hồn các thế hệ mới, thì cách lựa chọn duy nhất là làm cho anh ta trở thành một trong những môn đệ của Ngài.

Về thực chất, hai quan điểm trên đi đến cùng một kết luận bằng những con đường khác nhau : Đức Giêsu có thiện cảm với phong trào Zealot, vốn đặt mục tiêu dùng vũ lực đánh đổ ách thống trị Rôma và các tầng lớp giàu có địa phương ủng hộ ngoại bang. Bằng chứng là người ta thấy một trong các môn đồ của Ngài được gọi là Simon "Zealot" (thuộc nhóm Quá Khích) (với cùng một lý luận như vậy, người ta có thể bảo vệ quan điểm Đức Giêsu cộng tác với người Rôma, vì Ngài đã kêu gọi Matthêu người thu thuế đi theo Ngài);  người ta cũng thấy biệt danh của Giuđa là "Iscariot" có thể là một biến dạng của "Sicariot", danh xưng chỉ chi nhánh cực đoan nhất của đảng Zealot, và các sự kiện khác như Đức Giêsu đuổi các con buôn ra khỏi đền thờ, cuộc khải hoàn vào Giêrusalem, làm phép lạ cho bánh hóa ra nhiều, dân chúng muốn tôn Ngài lên làm vua ...

Trong một vài năm, người ta bỏ rơi luận đề Đức Giêsu làm cách mạng, vì khó chấp nhận. Kết quả là người ta gán cho chính Đức Giêsu ý tưởng về một Đấng Mêsia bị áp đặt cho Ngài bằng cường lực, và Ngài đã phải suốt đời chống lại ý tưởng này. Ngược lại, luận đề kia còn kéo dài, tức luận đề phát sinh từ mong muốn loại bỏ bất cứ lý lẽ nào ủng hộ cho việc bài Do thái.

Mối quan tâm này là đúng. Nhưng chúng ta biết rằng người ta có thể gây thiệt hại rất lớn cho một vụ việc chính đáng, khi bảo vệ nó bằng các lập luận sai trái. Cuộc đấu tranh chống phong trào bài Do thái phải dựa trên một nền tảng bảo đảm hơn nhiều, so với một giả thuyết gây tranh cãi như giả thuyết này. Công đồng Vatican II nói rằng: "Mặc dù chính quyền Do Thái và thuộc hạ đã đưa đến cái chết của Chúa Kitô, nhưng không thể quy trách một cách hàm hồ những tội ác đã phạm trong khi Người bị khổ nạn cho hết mọi người Do Thái thời đó, cũng như không thể quy trách cho người Do Thái thời nay” (NK 4).

Ở đây có một sự đồng quy nào đó với truyền thống Do thái trong quá khứ. Dựa trên những thông tin về cái chết của Đức Giêsu trong sách Talmud và các nguồn Do thái khác (ngay cả khi chúng thuộc hậu thời và mâu thuẫn), người ta có thể thấy truyền thống Do thái đã không bao giờ phủ nhận sự tham gia của các nhà chức trách thời ấy vào việc lên án Đức Kitô. Truyền thống ấy không phủ nhận sự thật này để bào chữa mình, nhưng đúng hơn, theo quan điểm của người Do Thái, không cho sự kiện ấy là một tội ác, và không nghĩ kết án Đức Kitô là một kết án bất công.

Thuyết này tương thích với các nguồn của Tân Ước. Một mặt, Tân Ước nhấn mạnh sự tham gia của các nhà chức trách Do thái vào việc lên án Đức Kitô, mặt khác bào chữa cho sự tham gia này bằng cách cho là vì không biết (x. Lc 23,34 ; Cv 3,17; 1Co 2,8). Không biết một phần là do khó nhận ra là thật việc Đức Kitô cho mình là Đấng Mêsia, một phần là do những lý do ít được miễn thứ hơn (Ga 5,44 nói họ muốn tìm vinh quang của con người), chỉ có Thiên Chúa dò thấu lòng dạ mới biết điều đó, và chúng ta không có quyền đưa ra phán quyết dứt khoát về bất cứ ai, ngay cả về Giuđa, Caipha hay Philatô.

Nhận định sau đây là căn bản : không có công thức đức tin nào của Tân Ước và của Giáo Hội nói rằng Đức Giêsu đã chết "vì tội lỗi của người Do Thái"; mọi công thức đều nói rằng Ngài "đã chết vì tội lỗi chúng ta", nghĩa là tội lỗi của mọi người.

Sự kiện người ta không thể gán trách nhiệm cho dân Do Thái, với tư cách dân Do Thái, về cái chết của Đức Kitô, dựa trên sự chắc chắn Kinh thánh mà các Kitô hữu có chung với người Do Thái, nhưng rất tiếc điều đó đã bị lãng quên trong nhiều thế kỷ: "Ai phạm tội kẻ ấy phải chết! Con không mang lấy tội của cha, cha cũng không mang lấy tội của con” (Ed 18,20). Theo giáo lý của Giáo Hội, chỉ có một tội duy nhất truyền từ cha đến con : tội tổ tông truyền.

Nếu người ta coi những người Do Thái của các thế hệ tương lai phải chịu trách nhiệm về cái chết của Đức Kitô, thì vì lý do tương tự, cũng phải coi những người Rôma của các thế hệ tương lai, kể cả các giáo hoàng thuộc những gia đình Rôma, chịu trách nhiệm về việc giết Chúa, bao lâu mà, theo quan điểm pháp lý, chắc chắn việc lên án Đức Kitô và việc hành quyết Ngài cuối cùng được gán cho chính quyền Roma.

Là người tín hữu, cần phải vượt lên trên quả quyết tội trạng của dân Do Thái, và nhìn thấy trong những đau khổ bất công mà họ đã trải qua suốt dòng lịch sử, điều gì đó xếp họ bên cạnh Người Tôi Tớ đau khổ của Thiên Chúa, và do đó, đối với người Kitô hữu chúng ta, bên cạnh Đức Giêsu. Edith Stein đã hiểu được ý nghĩa của thảm kịch này, đã xẩy ra cho cô và cho dân của cô ở Đức dưới thời Hitler: "Ở đó, dưới thập giá, tôi hiểu được số phận của dân Chúa. Tôi nghĩ : Những ai biết rằng đây là thập giá Đức Kitô, đều có bổn phận phải vác nó, nhân danh tất cả những người khác”.

Còn hơn trách nhiệm của người Do Thái trong cái chết của Đức Kitô, chúng ta nên nói về trách nhiệm của người Kitô hữu trong cái chết của những người Do Thái. Đây là điều Đức Gioan Phaolô II đã làm hồi tháng 3 năm 2000, khi ngài nhét vào khe của bức tường than khóc ở Giêrusalem lời xin tha thứ vì những đau khổ do người Kitô hữu gây ra cho dân tộc Israel.

Một bản thông cáo của Đại hội Do Thái ở Canada cho biết cuốn phim của Mel Gibson (Passion) có thể trở thành "cơ hội" cho người Do Thái và Kitô hữu tiến lại gần nhau trên con đường hoà giải và tình bạn. Tất cả những gì đã được viết về phim này chỉ làm gia tăng trong tôi và nơi nhiều Kitô hữu khác – chắc là thế - một tình cảm vô cùng biết ơn dân Do Thái vì đã ban cho thế giới Đức Giêsu Nadaret, với cái giá quá đắt mà họ phải trả cho quà tặng này.

2. Chúng ta có còn tin vào những trình thuật về cuộc Khổ Nạn không?

Sau khi xác định rõ việc bác bỏ phong trào bài Do thái, chúng ta có thể tập chú vào độ tin cậy của những thuật trình về cuộc Khổ Nạn, điều duy nhất chúng ta quan tâm ở đây. Tôi muốn chỉ ra một vài sự kiện giúp chúng ta xem xét cẩn thận luận đề theo đó chúng đã được viết ra nhằm trấn an chính quyền đế quốc về các Kitô hữu.

Luận đề này kết thúc bằng cách liệt các tác phẩm tông đồ vào cùng loại với các sách Hộ giáo, được các tác giả Kitô giáo viết ở thế kỷ thứ hai cho các hoàng đế Rôma, nhằm thuyết phục các ông vua này về sự tốt đẹp của Kitô giáo. Người ta quên rằng những tác phẩm của các tông đồ là để sử dụng trong nội bộ cộng đồng Kitô hữu, mà không nghĩ đến độc giả bên ngoài cộng đồng này, vả lại cũng chẳng có ai thuộc loại độc giả này. (Tác giả ngoại giáo đầu tiên cho thấy đã đọc các nguồn Kitô giáo là Celsô vào thế kỷ thứ hai, và chắc chắn không vì những lợi ích chính trị).

Chúng ta biết rằng những trình thuật về cuộc Khổ Nạn, trong các dạng ngắn hơn, dưới hình thức truyền khẩu, đã lưu hành trong các cộng đồng rất lâu trước sách cuối cùng của Phúc Âm, kể cả sách của Maccô. Trong những lá thư đầu tiên, được viết vào khoảng năm 50, Phao-lô nói về cái chết của Đức Kitô cơ bản giống như Phúc Âm (1Tx 2,15) và ngài phải được thông báo tốt hơn chúng ta về những sự kiện xảy ra ở Giêrusalem chỉ ít lâu trước khi ngài đến thành phố.

Trong giai đoạn sớm nhất của Kitô giáo, người ta cho rằng tôn giáo này chủ yếu dành cho Israel ; các cộng đồng, trong đó các truyền thống đầu tiên phát triển, phần đông gồm những người Do thái cải đạo; Matthêu muốn chứng tỏ rằng Đức Giêsu đến để làm trọn lề luật, chứ không hủy bỏ. Vậy nếu có sự quan tâm hộ giáo, thì quan tâm này hẳn phải coi việc lên án Đức Giêsu là việc của những người ngoại giáo hơn là của các nhà chức trách Do Thái, để trấn an người Do Thái ở Palestine cũng như ở các nơi khác.

Nhiều hiểu lầm phát sinh khi chúng ta đưa tình trạng sau này về thời kỳ đầu của Giáo hội, tình trạng mà trong đó người Do Thái và người Kitô hữu đối nghịch nhau, trong khi, cho đến lúc cộng đồng được thiết lập với đa số là dân ngoại, sự đối nghịch hoàn toàn khác, tức là giữa các người Do Thái tin vào Đức Kitô và những người Do thái không tin. Sự phân biệt ở ngay trong chân tính chung của người Do Thái. Các môn đệ Đức Giêsu có thể cùng với Phao-lô nói rằng: “Họ là người Do Thái ư? Tôi cũng vậy!” Điều này khiến cho cuộc bút chiến chống Do thái của các tác giả Tân Ước mang một ý nghĩa hoàn toàn khác với ý nghĩa của Kitô giáo sau này, cũng giống như những lời lăng mạ dành cho Israel thời Môise và thời các tiên tri khác với những lời lăng mạ của một số Giáo Phụ hay của Luthêrô.

Đàng khác, khi Maccô và những tác giả khác viết sách Phúc Âm, cuộc bách hại của Nêrô đã xẩy ra ; điều này phải đưa đến chỗ coi Đức Giêsu là nạn nhân đầu tiên của chính quyền Rôma, coi các Kitô hữu tử đạo như những người đã chịu cùng một cái chết như Thầy mình. Điều đó được xác nhận trong sách Khải Huyền, được viết ra sau cuộc bách hại của hoàng đế Đomitianô, nơi Roma được gọi bằng những danh xưng gớm ghiếc ("Babylon", "Con Thú", "Gái Điếm"), vì máu của các vị tử đạo (x.Kh 13tt).

Người ta không thể đọc những trình thuật về cuộc Khổ Nạn mà bỏ qua tất cả những gì đã xẩy ra trước. Có thể nói mỗi trang Phúc Âm chứng thực sự tương phản tôn giáo ngày càng gia tăng giữa Đức Giêsu và một nhóm người Do Thái có ảnh hưởng (Pharisiêu, Tiến sĩ, Kinh sư) về việc giữ ngày Sabát, về thái độ đối với tội nhân và người thu thuế, về sạch và dơ. Tác giả Joachim Jeremias đã chứng minh động lực chống Pharisêu trong hầu hết các dụ ngôn của Đức Giêsu. Chúng ta không thể loại bỏ tất cả cơ sở hạ tầng này mà không làm tan rã hoàn toàn các sách Phúc Âm, và làm cho chúng không còn hiểu được nữa. Nhưng một khi sự chống đối này đã được chứng minh, làm sao có thể nghĩ rằng nó không đóng một vai trò vào lúc tính sổ cuối cùng, rằng các nhà chức trách Do Thái quyết định tố cáo Đức Giêsu trước mặt Philatô gần như miễn cưỡng, chỉ vì sợ người Rôma dùng vũ lực can thiệp?

Một trong những lập luận được sử dụng thường xuyên nhất chống lại tính xác thực của các trình thuật Phúc âm là hình ảnh của một Philatô nhạy cảm với những lý lẽ của công lý, quan tâm đến số phận của một người Do Thái không quen biết, trong khi người ta biết rằng ông ta là con người cứng rắn và độc ác, sẵn sàng dìm trong máu khi thấy manh nha một cuộc nổi dậy.

Nhưng có một sự sai lầm ở đây. Philatô không cố gắng cứu Đức Giêsu vì thương cảm nạn nhân, nhưng chỉ vì sự ngoan cố của các người cáo buộc Ngài. Thực ra đã có cuộc chiến thầm lặng giữa Philatô và họ, từ khi ông đến xứ Giuđêa. Nếu các Kitô hữu đầu tiên sai lầm về điều gì, thì đó là khi họ coi những cử chỉ của Philatô là do ông ý thức về sự công bằng và có cảm tình đạo đức đối với Đức Giêsu (theo Tertullianô, ông ta bí mật theo Kitô giáo và Giáo hội Coptic đã phong thánh cho ông cùng lúc với vợ ông!). Động cơ thúc đẩy ông thực sự chỉ là muốn làm cho các nhà lãnh đạo Do thái mà ông ghét phải bất mãn. Với một chút tâm lý học tối thiểu, thì khi nghe cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và những người tố cáo Ngài, người ta thấy động cơ thực sự này cũng không thoát khỏi các tác giả Phúc Âm.

Nói tóm lại, cần phải nói rằng việc tranh luận về những lý do lên án Đức Kitô trong những năm sau chiến tranh đã gây ra một loạt các giả thuyết phê phán, thường mâu thuẫn, nhưng không đạt được sự nhất trí của đa số các nhà sử học về bất cứ điểm quan trọng nào. Mỗi lần cố gắng loại bỏ một khó khăn, thì nhiều khó khăn khác  xuất hiện. Chẳng hạn, một người nào đó đã cố gắng hủy bỏ phiên xử trước Thượng Hội Đồng Do thái, lấy lẽ nó không phải là lịch sử, nhưng ngay lập tức nhận ra rằng cứ theo cách này, người ta cũng không cắt nghĩa được chuyện Phêrô chối Chúa, một chuyện chắc chắn thuộc lịch sử, liên quan chặt chẽ đến thời gian và địa điểm của phiên xử.

Các trình thuật Phúc Âm chắn chắn trình bày nhiều  khác biệt về chi tiết và các điểm mập mờ, nhưng suy cho kỹ, điều này khẳng định "sự tài tình" của các trình thuật, phát sinh từ cuộc sống và ký ức của những người khác nhau, hơn là để chứng minh một đề tài. Thái độ của các tác giả thuật lại cuộc Khổ Nạn, với người thì chối, người thì phản bội và tất cả những ai ở thời điểm quan trọng bỏ trốn một cách thảm hại, là một dấu chỉ cho thấy những câu chuyện này là thật. Học giả Kinh thánh Lucien Cerfaux đã không sai khi nói: "Cách đơn giản nhất đọc Tin Mừng thường cũng là cách khoa học nhất".

Điều này mở ra cuộc tranh luận về việc sử dụng tài liệu Phúc Âm. Trong quá khứ, nó đã được sử dụng một cách không chính xác, với những bóp méo bài Do thái, là một điều được mọi người ngày nay công nhận và bị Giáo Hội lên án mạnh mẽ trong các tài liệu đặc biệt được viết cho mục đích này. Dựa vào các quan sát, có thể nói rằng một cách trình bầy cuộc Khổ Nạn đáng bị chỉ trích nếu nó cho người ta nghĩ rằng tất cả những người Do Thái đương thời và những người đến sau chịu trách nhiệm về cái chết của Đức Kitô ; nó không trái với sự thật lịch sử, nếu nó muốn cho thấy một nhóm người Do Thái có ảnh hưởng đóng một vai trò quyết định trong đó.

3. Chúa Giêsu thinh lặng

Nếu vẫn còn những ý kiến khác biệt về vai trò cũng như cách hành xử của các nhân vật và quyền lực khác nhau, liên quan đến cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô, thì may mắn vẫn có sự nhất trí về Đức Kitô và cách hành xử của Ngài : một phẩm giá thần linh, một sự thinh lặng, một sự tự do tuyệt đối. Không một cử chỉ hay một lời nói nào chối bỏ những gì Ngài đã rao giảng trong Tin Mừng của mình, đặc biệt trong Tám mối phúc.

Tuy vậy, người ta không thấy nơi Ngài thái độ giống như kiểu coi thường sự đau khổ một cách kiêu căng, như người phái Khắc kỷ. Phản ứng của Ngài đối với đau khổ và tàn ác là rất người : Ngài run rẩy và đổ môi máu trong vườn Ghếtsêmani, muốn Chúa Cha cất chén đằng, muốn được các môn đệ hỗ trợ, kêu lên nỗi tuyệt vọng trên thập giá.

Phim “Cơn cám dỗ cuối cùng của Đức Kitô” cho thấy Ngài bị treo trên thập giá với những cám dỗ của xác thịt. Về phương diện tâm lý, cám dỗ đó là vô lý. Nếu Đức Giêsu có thể bị cám dỗ khi Ngài bị treo trên thập giá, tan xương nát thịt, với những kẻ thù đang sỉ nhục Ngài, thì chắc chắn không phải là cám dỗ về xác thịt ; có chăng là cám dỗ về sự khinh miệt, tức giận và báo thù.

Những lời Thánh vịnh bừng cháy lửa giận hờn có thể giúp Ngài làm như vậy: "Lạy Chúa, xin đứng dậy, đối đầu với chúng, làm cho chúng lật nhào..." nhưng Ngài không đề cập bất kỳ một thánh vịnh nguyền rủa nào, mà chỉ trích dẫn Thánh vịnh 22, một lời khẩn cầu sâu thẳm với Chúa Cha: "Lậy Thiên Chúa, Lậy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ con?” Thư thứ nhất của Thánh Phêrô nói về Ngài như sau: "Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe” (1Pr 2,23). Thực tương phản với kiểu tử đạo nói trong sách Macabê! (x. 2 Mcb 7)

Người ta có thể để cuộc đời mình ngụp lặn trong sự thánh thiện hoàn hảo của Đức Kitô, mà không bao giờ chạm tới đáy của nó. Chúng ta đang đứng trước cái vô biên theo trật tự đạo đức. Không có ký ức về người chết nào giống như ký ức này trong lịch sử thế giới. Chính sự thánh thiện của nhân vật chính mà chúng ta nên dừng lại khi chúng ta suy niệm về cuộc Khổ Nạn, chứ không phải về sự gian ác và đê tiện của những người xung quanh Ngài.

Tôi muốn nhấn mạnh một nét đặc biệt của Đức Kitô trong cuộc Khổ Nạn : sự thinh lặng của Ngài. "Jesus autem tacebat" (Mt 26,63). Ngài thinh lặng trước Caipha, thinh lặng trước Philatô đang nổi giận vì thái độ này, thinh lặng trước Hêrođê, người hy vọng thấy Ngài làm phép lạ (x. Lc 23,8).

Đức Giêsu làm thinh vì Ngài đã quyết định thinh lặng hoặc để làm dấu phản đối. Ngài không để bất cứ câu hỏi chính xác nào được nêu ra cho Ngài mà không có câu trả lời, một khi sự thật bị đe dọa, nhưng ngay cả trong trường hợp này, Ngài cũng chỉ nói vài lời, chủ yếu, không tức giận. Sự thinh lặng nơi Ngài chỉ là tình yêu.

Sự thinh lặng của Đức Giêsu trong cuộc Khổ Nạn là chìa khóa giúp ta hiểu sự thinh lặng của Thiên Chúa. Khi quá nhiều tiếng nói, cách duy nhất để nói điều gì đó là thinh lặng. Sự thinh lặng của Đức Giêsu thực sự làm người ta lo lắng, bực bội, đưa ra ánh sáng sự không thật của chính những lời nói, như khi Ngài thinh lặng trước những kẻ cáo buộc người phụ nữ ngoại tình.

"Người ta không được nói về những gì không thể nói", khẩu hiệu nổi tiếng của chủ nghĩa duy thực nghiệm ngôn ngữ học, một khẩu hiệu (chống lại ý định của tác giả) được dùng để loại trừ khả năng của bất cứ khẳng định nào về Thiên Chúa và về thần học, có thể có một ý nghĩa thực sự và sâu sắc. Chính là trường hợp của Đức Giêsu. Một nhân vật nữ trong một tác phẩm trữ tình đã nói khi sắp chết: "Em muốn nói với anh rất nhiều điều, hoặc chỉ một điều thôi nhưng lớn hơn biển cả". Người ta có thể đặt những lời này nơi môi miệng Đức Giêsu. Ngài chỉ có một điều để nói, nhưng nó lớn đến mức con người không sẵn sàng đón nhận nó. Điều lớn đó là chữ “chân lý”, nói trước mặt Philatô! Nhưng chúng ta biết kết quả ra sao.

Bài suy niệm đầu tiên này, về chiều kích lịch sử, "văn tự", của Lễ Vượt Qua, không phải là chỗ cho các áp dụng đạo đức. Những áp dụng đó sẽ được đề cập sau. Mỗi người phải suy nghĩ với tư cách cá nhân điều mà nét đặc biệt này của Đức Kitô nói cho mình hay cho Giáo hội. Trước những xem xét về phương diện lịch sử mà chúng ta vừa khai triển, tâm trí của chúng ta phải lấy làm ngưỡng mộ, hăng say và biết ơn đối với Đức Kitô. Chúng ta cảm động trước tình yêu cao cả và nỗi đau lớn lao của Ngài. Tự tận thâm tâm, chúng ta hãy nói lên: "Adoramus te, Christe, et benedicimus tibi, quia per sanctam crucem tuam redemisti mundum" : Lậy Đức Kitô, chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa, Vì Chúa đã dùng Thánh giá mà chuộc tội cho thiên hạ.

(lấy ý trong Raniero Cantalamessa, Bài giảng I Mùa Chay năm 2004, tại Phủ Giáo hoáng)

Lm Micae Trần Đình Quảng


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều