THÁNH ATHANASIÔ :

TIN VÀO THẦN TÍNH ĐỨC KITÔ

 

Thư Do Thái viết: "Anh em hãy nhớ đến những người lãnh đạo… Hãy noi theo lòng tin của họ" (Dt 13,7).

Những bài suy niệm của chúng ta dựa vào những nhà lãnh đạo lớn, những thầy dạy vĩ đại về đức tin của Giáo Hội Đông phương - Athanasiô, Basiliô, Grêgoriô Nadian và Grêgoriô Nyssê

Điều chúng ta muốn học hỏi từ các Giáo Phụ không hẳn là phải làm gì để loan báo đức tin cho thế giới, nói cách khác, là rao truyền Phúc Âm, hoặc làm thế nào để bảo vệ đức tin trước những sai lầm, tức bảo vệ chính thuyết ; ở đây, đúng hơn, là xem chúng ta có thể đào sâu đức tin của mình, theo đường lối của các ngài khám phá lại sự phong phú và vẻ đẹp của đức tin, hạnh phúc được tin, như Phaolô nói, "nhờ đức tin đưa tới đức tin" (Rm 1,17) từ một đức tin được tin tới một đức tin được sống. Đức tin này gia tăng giữa lòng Giáo Hội, sẽ làm nên sức mạnh quan trọng để loan báo nó cho thế giới, và là tường lũy tốt nhất để bảo vệ cho nó được chính thống.

Cha de Lubac nói rằng trong lịch sử chưa có cuộc canh tân nào trong Giáo Hội mà không trở về nguồn các Giáo Phụ. Công đồng Vatican II cũng không phải ngoại lệ. Công Đồng trích dẫn Giáo Phụ rất nhiều ; nhiều chuyên viên là những nhà giáo phụ học. Sau Kinh Thánh, các Giáo Phụ tạo thành "địa tầng" thứ hai, là chỗ dựa cho thần học, phụng vụ, chú giải Kinh thánh và tất cả tu đức của Giáo Hội, cũng như từ đó mà các khoa học thánh này rút ra nhựa sống.

Một số vương cung thánh đường thời Trung Cổ có những bức tượng khá lạ : những nhân vật có tầm vóc to lớn mang trên vai những người đàn ông nhỏ thó. Những bức tượng trên đây nói lên một xác tín được các nhà thần học thời đó diễn giải như sau: "Chúng ta giống như những người lùn ngồi trên vai những người khổng lồ, để có thể nhìn thấy nhiều hơn và những thứ xa hơn mà những người khổng lồ không thấy. Chúng ta được như thế, không phải vì tầm nhìn của chúng ta mạnh mẽ hoặc tầm vóc của chúng ta thuận lợi, nhưng vì chúng ta được nâng lên bởi tầm vóc cao lớn của những người khổng lồ." Dĩ nhiên, những người khổng lồ là các Giáo Phụ. Và đó cũng là điều đang xảy ra cho chúng ta hôm nay.

1. Athanasiô, nhà vô địch bảo vệ thần tính Đức Kitô

Thánh Athanasiô, giám mục Alexandria, sinh năm 295 và qua đời năm 373. Rất ít Giáo Phụ đã để lại dấu ấn sâu sắc như ngài trong lịch sử Giáo Hội. Ngài được nhắc đến trong nhiều mặt : ảnh hưởng của ngài đối với việc truyền bá chế độ đan tu, nhờ cuốn sách "Hạnh thánh Antôn” của ngài ; là người đầu tiên đòi quyền tự do cho Giáo Hội, ngay trong một quốc gia Kitô giáo ; tình bạn của ngài với các giám mục Tây phương, nhờ các liên lạc trong thời gian ngài bị lưu đầy giúp tăng cường các mối dây liên kết giữa Alexandria và Roma...

Nhưng chúng ta không muốn quan tâm đến những chuyện đó. Trong Nhật ký của mình, Kierkegaard có một ý nghĩ lạ lùng: "Thuật ngữ tín lý của Giáo Hội sơ khai giống như một lâu đài thần tiên, trong đó có các hoàng tử và công chúa duyên dáng nhất đang ngủ say. Chỉ cần đánh thức họ để họ đứng lên và xuất hiện trong tất cả sự vinh quang của họ". Tín điều mà Athanasiô giúp chúng ta làm cho "thức giấc" và tỏa sáng trong tất cả vinh quang của nó là tín điều thần tính Đức Kitô ; chính vì tín điều này mà ngài đã phải chịu bảy lần lưu đầy.

Giám mục Alexandria thừa nhận không phải là tác giả khám phá ra chân lý này. Vả lại, tất cả công trình của ngài nhằm cho thấy chân lý này luôn là đức tin của Giáo Hội ; chân lý này không mới, nhưng điều mới là lạc giáo chống lại nó. Công lao của ngài trong lãnh vực này, đúng hơn, là cất đi những trở ngại trước đây đã ngăn không cho người ta công nhận đầy đủ và không do dự về thần tính Đức Kitô trong bối cảnh văn hoá Hylạp.

Một trong những trở ngại này, có lẽ là trở ngại chính, là vì người Hy Lạp có thói quen dùng thuật ngữ agennetos (không được sinh ra) để chỉ yếu tính thần linh. Làm sao có thể nói Ngôi Lời là Thiên Chúa thật, vì Ngài là Con, tức là được Chúa Cha sinh ra ? Thật dễ dàng cho Ariô thiết lập sự tương đương : được sinh ra = được tạo thành, nghĩa là chuyển từ gennetos sang genetos, và từ đó kết luận bằng câu nói nổi tiếng thổi bùng lên vụ việc: "Có một lúc Ngài đã không hiện hữu!”. Như vậy là biến Đức Kitô thành một thụ tạo, dù không phải “như những thụ tạo khác”. Athanasiô hết lòng bảo vệ định tín genitus non factus (được sinh ra mà không phải được tạo thành) của Nicêa. Ngài giải quyết cuộc tranh cãi bằng một quan sát đơn giản: "Thuật ngữ agenetos đã được người Hy Lạp sáng tạo ra vì họ không biết Chúa Con".

Một trở ngại khác về mặt văn hoá đối với nhận thức đầy đủ về thần tính của Đức Kitô, là học thuyết về một vị thần trung gian, deuteros theos, liên quan đến việc sáng tạo thế giới. Học thuyết này, từ Platô trở đi, đã trở thành điểm quy chiếu cho rất nhiều hệ thống tôn giáo và triết học cổ đại. Cám dỗ đồng hóa Chúa Con, "nhờ Người mà muôn vật được tạo thành", với hữu thể trung gian này, đã để lại dấu vết, không phải trong đời sống Giáo Hội, nhưng trong suy tư Kitô giáo, tạo ra một lược đồ ba phần về hữu thể : trên cùng là Chúa Cha không được sinh ra, sau Người là Chúa Con (và sau này cả Chúa Thánh Thần nữa) và cuối cùng là mọi loài thụ tạo.

Định tín homoousios (đồng bản thể), "genitus non factus", vĩnh viễn lấy đi trở ngại chính của văn hóa Hylạp đối với việc công nhận thần tính đầy đủ của Đức Kitô và thực hiện sự thanh luyện Kitô giáo về vũ trụ siêu hình của người Hy Lạp. Theo định tín này, chỉ có một đường ranh giới được vạch ra trên đường dọc của Hữu thể và đường này không tách Chúa Con khỏi Chúa Cha, nhưng tách Chúa Con khỏi các thụ tạo. Nếu muốn bao gồm trong một câu ý nghĩa vĩnh cửu của định tín Nicêa, chúng ta có thể làm như thế này : trong mỗi thời kỳ và văn hoá, Đức Kitô phải được tuyên bố là "Thiên Chúa", không theo nghĩa phái sinh hay nghĩa thứ hai, nhưng theo nghĩa mạnh mẽ nhất mà danh xưng "Thiên Chúa" tìm thấy trong văn hoá này.

Athanasiô đã coi cuộc chinh phục này là mục đích của cuộc đời mình. Khi tất cả các hoàng đế, các giám mục và các nhà thần học - dao động giữa hai ý kiến từ chối hoặc cố gắng thích ứng, ngài vẫn giữ vững lập trường. Có những lúc đức tin chung chung trong tương lai của Giáo hội sống trong lòng của một người mà thôi, người đó là chính ngài. Thái độ của người ta đối với ngài xác định mỗi người đứng về bên nào.

2. Luận chứng cứu thế học

Nhưng thay vì nhấn mạnh đến đức tin của Athanasiô vào thần tính đầy đủ của Đức Kitô, được người ta biết đến và không thể bàn cãi, điều quan trọng là biết điều gì thúc đẩy cuộc chiến của ngài, từ đâu mà ngài chắc chắn tuyệt đối như vậy. Không phải từ suy tư, mà là từ cuộc  sống ; chính xác hơn, từ một suy tư của Giáo Hội về sự cứu rỗi trong Đức Giêsu Kitô.

Athanasiô chuyển mối quan tâm của thần học về vũ trụ sang con người, từ vũ trụ học sang cứu thế học. Gắn bó lại với truyền thống Giáo hội trước thời Origen, ngài nêu bật các kết quả có được trong cuộc chiến lâu dài của ngài chống lại thuyết ngộ đạo, một cuộc chiến đấu đưa đến việc tập trung vào lịch sử cứu độ và cứu chuộc con người. Chỗ đứng của Đức Kitô không phải là giữa Thiên Chúa và vũ trụ nữa, như trong thời các nhà Hộ giáo, mà đúng hơn, là giữa Thiên Chúa và con người. Đức Kitô là Đấng Trung Gian không có nghĩa là Ngài ở giữa Thiên Chúa và con người, nhưng liên kết Thiên Chúa với con người. Trong Ngài, Thiên Chúa trở thành con người và con người trở thành Thiên Chúa, tức là được thần hóa.

Chính trên bối cảnh lý tưởng này mà Athanasiô áp dụng vấn đề cứu thế học, nhằm chứng minh thần tính Đức Kitô. Luận chứng cứu thế học không xuất hiện trong cuộc tranh cãi với phái Ariô ; người ta thấy nó trong tất cả những cuộc tranh luận lớn và xa xưa về Kitô học, từ cuộc tranh luận chống thuyết ngộ đạo đến cuộc tranh luận chống thuyết nhất chí (monothélisme). Công thức cổ điển của nó như sau: "Quod non est assumptum non est sanatum", "điều gì không được đảm nhận thì không được cứu". Luận chứng này được áp dụng tùy trường hợp, để bác bỏ sai lầm của lúc ấy : có thể là phủ định xác thịt nhân loại của Đức Kitô (thuyết ngộ đạo), hoặc linh hồn nhân loại cùa Ngài (thuyết của Apollinarô), hoặc ý chí tự do của Ngài (thuyết nhất chí).

Trong cách sử dụng của Athanasiô, luận chứng ấy có thể được công thức hóa như sau: "Điều không được đảm nhận bởi Thiên Chúa thì không được cứu”, trong đó tất cả sức mạnh dựa vào mấy chữ bổ sung: "bởi Thiên Chúa". Sự cứu rỗi đòi hỏi con người không bị quản thúc bởi bất kỳ người trung gian nào, mà bởi chính Thiên Chúa. Athanasiô nói: "Nếu Chúa Con là thụ tạo, con người vẫn phải chết, vì không được kết hợp với Thiên Chúa", hơn nữa: "Con người sẽ không được thần hóa, nếu Ngôi Lời làm người không cùng một bản thể với Chúa Cha." Theo Athanasiô, "chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể cứu chúng ta". Athanasiô đã công thức hóa, nhiều thế kỷ trước Heidegger và nghiêm túc hơn, ý tưởng rằng "chỉ một Thiên Chúa có thể cứu chúng ta".

Những hàm ý cứu thế học mà Athanasiô rút ra từ homoousios của Nicêa thì rất nhiều và sâu sắc. Nói rằng Chúa Con "đồng bản thể" với Chúa Cha có nghĩa là đặt Ngài ở một mức độ mà không gì có thể ở bên ngoài lãnh vực hành động của Ngài. Điều đó cũng có nghĩa là làm cho ý nghĩa của Đức Kitô ăn sâu trong chính nền tảng mà trong đó hữu thể của Đức Kitô ăn sâu, hay nói cách khác, trong Chúa Cha. Đến độ, trong lịch sử và trong vũ trụ, Đức Giêsu Kitô không tạo nên sự hiện diện bổ sung thứ hai so với sự hiện diện của Thiên Chúa ; ngược lại, Ngài  là sự hiện diện của chính Chúa Cha. Athanasiô viết:

"Chúa Cha, vốn tốt lành, cùng với Ngôi Lời của Ngài cũng là Thiên Chúa, hướng dẫn và nâng đỡ toàn thể thế giới, để cho tạo thành, được soi sáng bởi sự hướng dẫn, quan phòng và trật tự của Người, có thể tồn tại trong hữu thể... Đấng Toàn Năng và Ngôi Lời rất thánh của Chúa Cha, thâm nhập mọi sự và đến khắp nơi bằng sức mạnh của Người, chiếu sáng mọi tình huống, sở hữu và ôm ấp mọi sự trong Người. Không hữu thể nào có thể thoát khỏi sự thống trị của Người. Tất cả mọi sự đều nhận được sự sống từ Người và chính nhờ Người mà chúng được duy trì : mỗi thụ tạo trong cá thể của mình, và vũ trụ được tạo thành trong toàn bộ của nó".

Tuy nhiên có một chi tiết quan trọng cần làm rõ. Thần tính của Đức Kitô không phải là một "định đề của lý trí thực tiễn", như sự hiện hữu của Thiên Chúa là định đề của lý trí thực tiễn theo Kant. Nó không phải là một định đề, mà là sự cắt nghĩa một "dữ kiện". Nó hẳn sẽ là một định đề, và do đó là một sự diễn dịch thần học, nếu người ta đi từ một ý tưởng cứu độ nào đó và từ đó suy luận ra rằng chỉ có thần tính Đức Kitô mới có thể thực hiện sự cứu rỗi này ; ngược lại, nó là lời giải thích một dữ kiện nếu người ta làm như Athanasiô, tức khởi đi từ một kinh nghiệm cứu độ, và nếu người ta chứng minh rằng kinh nghiệm này không thể tồn tại nếu Đức Kitô không phải là Thiên Chúa. Thần tính Dức Kitô không dựa trên sự cứu độ, nhưng chính sự cứu độ dựa trên thần tính Đức Kitô.

3. Corde creditur! (Tin trong lòng)

Bây giờ là lúc nói về chúng ta, xem ngày hôm nay chúng ta có thể học được gì từ cuộc chiến đấu oai hùng mà Athanasiô đã đương đầu thời ngài. Thần tính của Đức Kitô ngày nay đúng là một "articulus stantis et cadentis Ecclesiae" (tín khoản sống chết của Giáo Hội), một tín khoản giúp cho Giáo Hội đứng vững hoặc té nhào. Nếu ở một thời kỳ khác, lúc mà thần tính của Đức Kitô được mọi Kitô hữu dễ dàng chấp nhận, người ta đã có thể nghĩ rằng "tín khoản" này là giáo thuyết về "sự công chính hóa nhưng không bởi đức tin", thì bây giờ không còn như vậy nữa. Liệu chúng ta có thể nói rằng vấn đề sống còn đối với con người ngày nay, là cho thấy người tội lỗi có thể được công chính hóa như thế nào, trong khi người ta thậm chí không nghĩ rằng mình cần được công chính hóa  nữa, hoặc tin rằng có thể tìm thấy nó nơi mình? Sartre cho một trong những nhân vật của ông trên sân khấu thốt lên: "Chính tôi là người tố cáo tôi ngày hôm nay, chỉ mình tôi cũng có thể tha tội cho tôi, một con người. Nếu Thiên Chúa hiện hữu, con người không là gì cả".

Thần tính của Đức Kitô là viên đá góc nâng đỡ hai mầu nhiệm lớn của đức tin Kitô giáo : Thiên Chúa Ba Ngôi và Nhập Thể. Có thể coi đây như là hai cánh cửa cùng mở ra và đóng lại. Nếu chúng ta loại trừ viên đá này, toàn bộ lâu đài đức tin Kitô giáo tự sụp đổ : nếu Chúa Con không phải là Thiên Chúa, thì Ba Ngôi được hình thành từ ai ? Thánh Athanasiô rõ ràng đã lên án điều ấy, khi ngài chống lại phái Ariô như sau: "Nếu Ngôi Lời đã không hiện hữu đồng thời với Chúa Cha từ muôn thuở, thì khi ấy không có Ba Ngôi vĩnh cửu, nhưng trước tiên chỉ có sự hiệp nhất, rồi sau đó, theo dòng thời gian, bằng cách bổ sung mà Ba Ngôi đã xuất hiện".

Trước Athanasiô khá lâu, thánh Gioan đã liên kết hai mầu nhiệm: "Ai chối Chúa Con thì cũng không có Chúa Cha, kẻ tuyên xưng Chúa Con thì cũng có Chúa Cha "(1Ga 2,23). Hai mầu nhiệm này có thể đứng vững hoặc bị xô đổ, nhưng nếu chúng bị xô đổ, thì chúng ta sẽ phải lấy làm tiếc mà nói như Phaolô rằng Kitô hữu chúng ta là "những kẻ đáng thương hơn hết mọi người" (1Cr 15,19).

Chúng ta phải để cho câu hỏi này của Đức Giêsu chất vấn chúng ta: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" và câu hỏi có tính chất cá nhân hơn: “Anh có tin không?”, “Anh có thực sự tin không?”, “Anh có tin hết lòng không?” Thánh Phaolô nói rằng: "Có tin thật trong lòng, mới được nên công chính ; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ” (Rm 10,10). Ngày xưa, tuyên xưng đức tin theo vế thứ hai (xưng ra ngoài miệng) được coi là quan trọng đến nỗi cuối cùng làm lu mờ vế đầu (tin trong lòng), là vế quan trọng nhất, và diễn ra tận nơi sâu thẳm bí mật của tâm hồn. Thánh Augustinô nói: "Chính từ gốc rễ của tâm hồn mà đức tin vọt lên".

Có lẽ chúng ta, những tín hữu nói chung và những nhà lãnh đạo Giáo Hội nói riêng, không được tin tưởng sai lầm là mọi sự đều tốt đẹp cho chúng ta trên bình diện đức tin. Chúng ta phải hoài nghi - dĩ nhiên không phải về Đức Giêsu, nhưng về chính chúng ta - để có thể đi tìm một đức tin chính thực hơn.

Đức Giêsu hỏi Phêrô ba lần: "Anh có mến Thầy không?". Ngài biết rằng lần đầu tiên và lần thứ hai câu trả lời quá nhanh nên không thể tốt. Đến lần thứ ba thì Phêrô hiểu. Chúng ta cũng phải tra vấn về đức tin của chúng ta như vậy : ba lần liên tiếp cho đến khi chúng ta ý thức và đi vào sự thật: "Tôi có tin không? Tôi có thực sự tin không?" Có thể cuối cùng chúng ta sẽ nói: "Không, lạy Chúa, con không thực sự tin hết lòng, hết linh hồn con. Xin thêm đức tin cho con! "

Nhưng Athanasiô cũng nhắc nhở chúng ta một sự thật quan trọng khác : không thể tin vào thần tính của Đức Kitô mà không có kinh nghiệm về sự cứu độ do Ngài mang lại. Không có kinh nghiệm này, thần tính của Đức Kitô dễ dàng trở thành một ý tưởng, một chủ đề, và người ta biết rằng một ý tưởng có thể bị phản đối bởi một ý tưởng khác, một chủ đề khác. Các Giáo Phụ sa mạc nói rằng chỉ có cuộc sống là không gì có thể phản đối.

Người ta có kinh nghiệm về ơn cứu độ bằng cách đọc Lời Chúa, ban và lãnh nhận các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể, nơi ưu đãi để Chúa hiện diện, thực hành các đặc sủng, tiếp xúc với đời sống của cộng đồng các tín hữu, cầu nguyện. Ở thế kỷ thứ tư, Evagriô đã đặt ra một  phương trình nổi tiếng: "Nếu bạn là một nhà thần học, bạn sẽ cầu nguyện thực sự và nếu bạn cầu nguyện thực sự, bạn sẽ là một nhà thần học".

Athanasiô đã cảnh báo đừng để cho nghiên cứu thần học trở thành tù nhân cho suy tư triết học của "các trường phái" khác nhau, mà ngược lại, phải đào sâu hơn theo đường lối truyền thống sự kiện được mạc khải. H. von Campenhausen, nhà sử học Tin Lành nổi tiếng, đã thừa nhận là Athanasiô đã có công lớn trong lãnh vực này. Ông viết: "Nhờ ngài, tin vào Chúa Giêsu Kitô là tin cách nghiêm ngặt vào Thiên Chúa, phù hợp với bản tính của nó, rõ ràng khác với tất cả các hình thức khác - ngoại giáo, triết học, duy tâm – của đức tin... Với nó, Giáo Hội lại trở thành một thể chế cứu độ, tức là "Giáo Hội", theo nghĩa chặt chẽ của thuật ngữ, một Giáo Hội mà nội dung được cấu tạo và xác định bởi lời rao giảng của Đức Kitô".

Tất cả những điều này tra vấn chúng ta một cách đặc biệt. Thần học, từ đây được định nghĩa như một "khoa học", ngày nay được giảng dậy trong các môi trường đại học. Các môi trường này tách biệt với đời sống cộng đồng của các tín hữu hơn là trường phái thần học Didaskaleion thời Athanasiô, là trường phái đã phát triển mạnh ở Alexandria nhờ Clêmentê và Origen. Khoa học đòi hỏi nhà nghiên cứu phải "làm chủ" tài liệu của mình và phải "trung lập" trước đối tượng của khoa học riêng của mình; nhưng làm thế nào để "làm chủ" Đấng mà bạn phải thờ phụng như là Thiên Chúa của bạn ? Làm sao giữ được sự trung lập trước đối tượng đang bàn, khi đối tượng này là Đức Kitô ? Đây là một trong những lý do khiến có lúc tôi đã muốn rời khỏi bục giảng của nhà trường để cống hiến toàn phần cho thừa tác vụ Lời Chúa. Tôi nhớ đã nghĩ đến ý tưởng này khi ra khỏi các hội nghị hay các cuộc tranh luận về thần học và Kinh thánh, đặc biệt ở nước ngoài: "Vì thế giới đại học đã quay lưng lại với Đức Giêsu Kitô, tôi sẽ quay lưng lại với thế giới đại học".

Việc bãi bỏ các khoa thần học trong các đại học thế tục chắc chắn không phải là giải pháp cho vấn đề này. Tình hình ở Ý cho chúng ta thấy những hiệu quả tiêu cực khi không có một khoa thần học trong các trường đại học của nhà nước. Văn hoá Công giáo và tôn giáo thường bị liệt vào một khu vực riêng; người ta không thấy một sách tôn giáo nào trong các hiệu sách, ngoại trừ các chủ đề bí truyền hoặc thời thượng. Cuộc đối thoại giữa thần học và tri thức con người, khoa học hay triết học diễn ra "xa vời", và cũng không giống nhau. Khi nói chuyện với các người trong môi trường đại học, tôi thường nói rằng đừng theo gương tôi, nhưng tận dụng tối đa đặc ân mà họ đang được hưởng, cố tìm cách kiếm một hoạt động mục vụ tương thích nào đó khi học tập hay giảng dạy.

Nhưng nếu người ta không thể và không xóa bỏ thần học trong các môi trường đại học, thì có một điều các nhà thần học có thể làm, đó là có đủ khiêm tốn để nhận ra giới hạn của họ. Thái độ đó của họ không phải là duy nhất, cũng không phải là cách biểu tỏ cao nhất của đức tin. Cha Henri de Lubac đã viết: "Thừa tác vụ rao giảng không phải là phổ biến một giảng dạy giáo thuyết với hình thức trừu tượng hơn, có thể là trước nó và cao hơn nó. Ngược lại, nó là chính việc giảng dạy giáo thuyết dưới hình thức cao nhất. Điều này đúng với việc rao giảng Kitô giáo tiên khởi, tức việc rao giảng của các tông đồ ; điều này cũng đúng đối với những ai kế tục các ngài trong Giáo Hội : các Giáo Phụ, Tiến Sĩ và Mục Tử của chúng ta vào lúc này." Đến lượt mình, H. U. von Balthasar nói về "sứ mệnh rao giảng trong Giáo Hội, mà chính sứ mệnh thần học tùy thuộc vào đó".

4. "Cứ yên tâm, có Thầy đây! "

Chúng ta hãy trở lại để kết luận về thần tính Đức Kitô. Thần tính này soi sáng toàn bộ đời sống Kitô giáo. Không tin vào thần tính Đức Kitô, thì:

Thiên Chúa ở xa,

Đức Kitô ở trong thời của Ngài,

Phúc Âm, một cuốn sách tôn giáo trong số những sách khác,

Giáo hội, một thể chế thuần túy,

Phúc Âm hóa, thuộc về tuyên truyền,

Phụng vụ, gợi lên một quá khứ không còn nũa,

Đạo đức Kitô giáo, một gánh không nhẹ nhàng và một ách không dịu dàng

Nhưng nếu tin vào thần tính Đức Kitô:

Thiên Chúa là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta,

Chúa Kitô là Đấng Phục Sinh đang sống trong Thần Khí

Phúc Âm, lời vĩnh viễn của Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại,

Giáo Hội, bí tích phổ quát của sự cứu độ,

Phúc Âm hóa, chia sẻ một ân huệ,

Phụng vụ, cuộc gặp gỡ vui mừng với Chúa Phục Sinh,

Đời sống hiện tại, khởi đầu sự sống vĩnh cửu.

Quả thực có lời chép: "Ai tin vào người Con thì có sự sống đời đời" (Ga 3,36). Tin vào thần tính Đức Kitô là cần cho chúng ta, đặc biệt trong lúc như thế này khi chúng ta phải duy trì ngọn lửa hy vọng về tương lai của Giáo Hội và thế giới. Chống lại những người ngộ đạo chối bỏ nhân tính đích thực của Đức Kitô. Tertullianô đã kêu lên vào thời của ông: "Parce unicae spei totius orbis", đừng lấy đi niềm hy vọng duy nhất của cả thế giới ! Đó là điều chúng ta phải nói hôm nay cho những người không tin vào thần tính Đức Kitô.

Sau khi dẹp yên cơn bão, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ một lời mà ngài lặp lại hôm nay với những người kế vị: "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ" (Mc 6,50).

(lấy ý trong Raniero Cantalamessa, Bài giảng thứ nhất Mùa Chay năm 2012, tại Phủ Giáo hoàng)

Lm Micae Trần Đình Quảng


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều