1

 

“PHÚC THAY

AI CÓ TÂM HỒN NGHÈO KHÓ,

VÌ NƯỚC TRỜI LÀ CỦA HỌ”

 

 

1. “Nghèo khó” và “có tâm hồn nghèo khó”

Về Mối Phúc thứ nhất, trước tiên có vấn đề văn thể, do cùng một Mối Phúc lại được hai tác giả Matthêu và Luca thuật lại hơi khác nhau. Một người dùng kiểu nói gián tiếp: “Phúc thay những người nghèo khó”, người kia dùng kiểu nói trực tiếp: “Phúc cho anh em là những người nghèo”; một người dùng kiểu “có tâm hồn nghèo khó”, người kia chỉ thuần túy nói “nghèo khó”.

Cách giải thích dễ chấp nhận nhất dường như là công nhận rằng cả Matthêu lẫn Luca đều tùy thuộc vào một nguồn chung chỉ thuần túy nói “nghèo khó”. Luca quan tâm nhấn mạnh tầm quan trọng xã hội của hạn từ, nên giữ nguyên kiểu nói ấy, thậm chí còn tăng cường bằng cách đối lại câu “Phúc cho anh em là những người nghèo” bằng câu “Khốn cho các ngươi là những kẻ giầu có” (Lc 6,24). Matthêu có ý định huấn giáo nên vội làm rõ ý nghĩa tôn giáo của chữ “nghèo khó” trong tu đức học Do thái và trong tư tưởng của Đức Giêsu, khi thêm những chữ “có tâm hồn”. Trong số những cách giải thích hiện nay, một số người nhấn mạnh ý nghĩa tôn giáo như Matthêu, một số khác nhấn mạnh ý nghĩa xã hội như Luca.

Đối với những người thuộc nhóm trước, “có tâm hồn nghèo khó” chỉ ra một thái độ nội tâm hơn là một quy chế xã hội. Theo họ, Đức Giêsu không có ý định chúc phúc cho một tầng lớp xã hội. Chỉ một tình huống tâm linh là có thể liên kết với một thực tại tâm linh như Nước Trời. Sự nghèo khó đích thực quả là một con đường ưu đãi hướng tới sự nghèo khó trong tâm hồn, và Đức Giêsu lặp lại điều đó bằng rất nhiều cách. Tuy vậy không nên nghĩ rằng những người vô sản và những người mà Do thái giáo thời ấy gọi là “những người chân lấm tay bùn” được nói đến trong các Mối Phúc. Người nghèo khó đích thực của Phúc Âm là người “được Thiên Chúa che chở”, hoàn toàn cậy dựa vào Thiên Chúa, hoàn toàn tùy thuộc vào Người trong đức tin. Nơi người Do Thái thời ấy, hạn từ “nghèo khó” thực tế đồng nghĩa với thánh thiện (hasid) và đạo đức[1]. Các Giáo Phụ coi người “có tâm hồn nghèo khó” hầu như đồng nghĩa với người “khiêm nhường”[2].

Những người dựa vào bản văn Luca nhấn mạnh tính chất xã hội của các Mối Phúc, tiên vàn thấy ở đó một điều kiện xã hội, một tình trạng cụ thể của đời sống được diễn tả bằng hạn từ “nghèo khó”. Theo họ, cách giải thích truyền thống quá nhấn mạnh đến những tâm thái bên trong của người nghèo, và để ý quá ít đến bản tính của Nước Thiên Chúa đang đến. Họ nói rằng các Mối Phúc trước hết là một mạc khải về lòng thương xót và sự công bình, là những điều phải làm rõ nét Nước Thiên Chúa. Chúng chứa đựng mạc khải về Thiên Chúa hơn là về con người hay người nghèo. Thuật ngữ dùng trong Phúc Âm để chỉ những người nghèo (ptochoi) là chỉ những người bần cùng, bất hạnh, đói khát, những người cần của bố thí để sống. Thuật ngữ hipri tương ứng là anawim, theo nguồn gốc, chỉ những người “khòm lưng”, “uốn gối”, tức là những người hèn hạ, chịu nhục nhã, bị ức hiếp.

Người ta tự hỏi vì sao mà những con người đó lại được Thiên Chúa chiếu cố? Người ta hẳn phải trả lời không phải đặc biệt vì những công trạng tôn giáo của họ, cũng không phải vì những tâm thái tốt của họ, nhưng do Thiên Chúa, vì là một vị vua công bình, phải bảo vệ những ai không được bảo vệ. Theo não trạng Cựu Ước, người nghèo là những “người được đức vua bảo vệ”.

Vậy thì trong trường hợp này, chúng ta cắt nghĩa thế nào về tình trạng nghèo khó và áp bức người nghèo vẫn còn tồn tại ngay cả nơi Israel, chung quanh Đức Giêsu, trong khi Nước Thiên Chúa đã đến? Dù những sự kiện cho thấy điều ngược lại, không nên từ bỏ xác tín này về sự công bình hoàn toàn của Thiên Chúa, nhưng dự kiến nó trong tương lai. Khi ấy, người nghèo sẽ được báo thù tất cả những ai đã bức bách họ, và họ sẽ thực sự được hưởng những sự lành do Thiên Chúa quan tâm ban cho họ[3].

2. Cách cắt nghĩa “thần học” không đủ

Sau đây là hai cách giải thích chính về Mối Phúc dành cho những người nghèo. Một cách, như người ta thấy, nghiêng về giải thích sự nghèo khó như một “tình trạng tâm hồn”, cách kia như một “tình trạng xã hội”. Trong cả hai trường hợp, chính Nước Thiên Chúa thay đổi tình huống của người nghèo, nhưng trong trường hợp trước, điều đó giả thiết một tâm thái nơi con người, còn trong trường hợp sau, chỉ đòi hỏi của Thiên Chúa đối với mình là đáng kể. Tách riêng ra, không chủ đề nào trong hai làm người ta thỏa mãn hoàn toàn. Chủ đề trước khai trừ quá đáng sự quy chiếu tới xã hội, tới thực tại nghèo khó; chủ đề sau lại triệt để khai trừ những tâm thái bên trong của người nghèo.

Tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh những bất tiện của cách giải thích thứ hai biến sự nghèo khó thành một vấn đề thần học, đưa mọi sự tùy thuộc vào Thiên Chúa. Nó không cắt nghĩa mối dây liên kết chặt chẽ thấy có trong Phúc Âm, giữa khái niệm nghèo khó và khái niệm khiêm nhường, giữa đặc ân của người nghèo và đặc ân của trẻ em. Hơn nữa, cách cắt nghĩa này, hiểu cho chặt chẽ, thực ra chẳng đi đến đâu. Công cuộc giải phóng người nghèo trên bình diện xã hội học hẳn phải được Nước Thiên Chúa thực hiện, nhưng rồi khi phân tích bản tính của Nước này, người ta thấy điều đó không mang lại gì mới trong tình huống cụ thể của họ, vì không làm cho họ được giầu có hơn hay thỏa mãn hơn về vật chất.

Thế nên cách giải thích hiện đại này xem ra chỉ lưu ý tới mặt xã hội. Như thế là có nguy cơ công cụ hóa sự nghèo khó, chỉ biến nó thành cơ hội để Thiên Chúa bày tỏ sự công bình cao cả của Ngài. Không kể, ngay trong trường hợp này, sự thực hiện ở trên một bình diện hoàn toàn khác với bình diện của lời hứa và chờ đợi: người ta hứa cho người nghèo được giải thoát khỏi cảnh nghèo vật chất, nhưng sự giải thoát này cuối cùng chỉ thuộc bản chất thiêng liêng.

Chắc chắn Đức Giêsu quan tâm đến những người  thật sự nghèo, nhưng Ngài không làm như thế khi chúc phúc cho những người nghèo, cho bằng khi Ngài thấy điều được làm cho họ hay không được làm cho họ như thể người ta đã làm điều đó cho Ngài, và Ngài đe phạt hỏa ngục những người không quan tâm đến người nghèo, như trong dụ ngôn ông nhà giầu và Ladarô.

Trong trường hợp của chúng ta, khó khăn là do người ta sử dụng phạm trù “công trạng” và “nhân đức” nơi mà lẽ ra nên sử dụng phạm trù “đức tin”. Thiên Chúa không hành động ủng hộ người nghèo vì công trạng hay những tâm thái đạo đức của họ, nhưng vì tình trạng của họ sẵn sàng nhất để tin. Điều Thiên Chúa đánh giá cao nơi người nghèo không phải điều họ có cho bằng điều họ không có: khả năng tự túc, đóng cửa, tự phụ mình cứu nổi mình. Nghĩ ngược lại tức là cho rằng Nước Trời được trao ban tiên vàn cho những người thu thuế và gái điếm, vì Thiên Chúa ưu đãi “tình trạng” này, chứ không phải vì họ có khả năng hối lỗi, trong khi người công chính giả hiệu không có khả năng đó.

Đây không phải là xem hành động của Thiên Chúa  giả thiết một điều gì đó phải có trước : rõ ràng không phải là trường hợp ở đây; đúng hơn là xem một việc đáp lại nào đó cần phải có. Người nghèo phải nhận ra và đón nhận sự ban tặng ưu đãi này của Thiên Chúa; chung quy là người đó phải tin. Thánh Giacôbê nói: “Nào Thiên Chúa đã chẳng chọn những kẻ nghèo khó trước mặt người đời để họ trở nên những người giầu đức tin… sao?” (Gc 2,5).

Chúng ta đọc Mối Phúc: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ” dưới ánh sáng của nhị thức ân sủng - đức tin: “Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ” (Ep 2,8). Trong Mối Phúc này, Nước Thiên Chúa biểu thị sự ban ơn, sự nghèo khó trong tâm hồn, sự đáp ứng của đức tin. Người “có tâm hồn nghèo khó” là người nghèo “có lòng tin”. Như thể Đức Giêsu nói: Phúc cho anh em là những người nghèo khó, “vì anh em đã tin” (đừng quên là Ngài nói với những người đã theo Ngài, với cùng một cách như trong câu “Khốn cho các ngươi” lúc Ngài nói với những kẻ thực tế đã chán ghét Ngài); hoặc: Phúc cho anh em “nếu anh em tin”. Đức tin là nền tảng của mọi diễn từ Đức Giêsu nói.

Thế nên chúng ta phải tìm phương thức giải đáp cho những vấn nạn bằng cách tổng hợp hai viễn tượng trên. Phải liên kết chứ không đối nghịch “những người nghèo khó” của Luca với “những người có tâm hồn nghèo khó” của Matthêu. Khi thêm “có tâm hồn” vào chữ “nghèo khó”, thì không chỉ là công việc của huấn giáo, mà còn là công việc của chú giải: Matthêu cho thấy rõ một thành tố mặc nhiên, nhưng có thực, của khái niệm nghèo khó trong cách sử dụng của Đức Giêsu.

3. Sự nghèo khó trong cuộc đời Đức Giêsu

Cách chú giải tốt nhất về Mối Phúc nghèo khó là chính cuộc đời của Đức Kitô. Thánh Phaolô viết: “Đức Giêsu Kitô, vốn giầu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giầu có” (2Cr 8,9). Ở đây, chắc chắn Phaolô thật sự nói về sự nghèo khó vật chất của Đức Kitô. Ý nghĩa đích thực là như thế này: trong tư thế giầu có, Đức Kitô đã làm cho mình thành nghèo khó về phương diện vật chất, để làm cho chúng ta giầu có về phương diện thiêng liêng. Theo chú giải của thánh Tôma, “Ngài chịu nghèo khó về vật chất, để ban cho ta những của cải thiêng liêng”[4]. Điều này không làm cho con người giàu có hơn về của cải trần thế, nhưng biến họ thành những con cái của Thiên Chúa và những người thừa hưởng đời sống vĩnh cửu.

Sự nghèo khó của Đức Kitô trước hết có một khía cạnh cụ thể, hiện sinh, gắn chặt với Ngài từ lúc sinh ra tới lúc chết. Chân phước Angêla Folignô đã viết một trang rất sâu sắc về sự nghèo khó của Đấng Cứu Thế:

“Sự nghèo khó” có ba cấp độ. Cấp thứ nhất về sự nghèo khó hoàn hảo của Đức Kitô là Ngài muốn sống nghèo đối với mọi của cải trần gian của thế giới này. Ngài không muốn mình có một căn nhà, một thửa đất, một vườn nho, một tài sản nào khác, không muốn tiền bạc, dù chỉ một xu. Ngài chịu nghèo khó, đói khát, nóng bức và lạnh giá, mệt nhọc, thiếu thốn. Ngài không có những của cải tinh vi và đắt giá… Cấp nghèo khó thứ hai là Ngài lựa chọn sống nghèo về bà con và bạn hữu…Cấp nghèo khó thứ ba là Ngài muốn lột bỏ chính mình. Ngài muốn trở thành nghèo về sức mạnh thần linh, về sự khôn ngoan và vinh quang của mình[5].”

Như vậy là nghèo về của cải vật chất, nghèo chỗ nương tựa, nghèo về uy tín. Cấp độ nghèo khó thứ ba sâu sắc hơn hết, vì đụng chạm tới cái mình là, chứ không chỉ cái mình có. Đối với Đức Kitô, nghèo ở cấp độ này là ở chỗ làm người, hủy bỏ mình, nếu không hủy bỏ thiên tính thì ít ra hủy bỏ tất cả những gì Ngài hẳn có thể đòi hỏi nhờ thiên tính, như vinh quang, sang trọng, huy hoàng. Thánh Grêgoriô Nyssê nói: “Có gì nghèo khó đối với Thiên Chúa hơn là thân phận nô lệ? Có gì khiêm nhường hơn là chia sẻ bản tính của chúng ta?[6]” Nơi Đức Kitô, sự nghèo khó nổi bật dưới hình thức cao cả nhất, không phải hình thức là người nghèo (đây có thể là một tình huống thực tế bị bắt buộc hoặc do thừa kế), nhưng là hình thức làm cho mình trở nên nghèo, và làm như thế vì tình yêu, để làm cho người khác được giầu có.

Tuy vậy, về sự nghèo khó vật chất của Đức Giêsu, có lẽ có những nguồn chung phải điều chỉnh dựa trên một cách đọc Phúc Âm chăm chú hơn. Cứ như những gì chúng ta biết, do điều kiện xã hội của Ngài, Đức Giêsu không thuộc về tấng lớp vô sản thời ấy, nghĩa là tầng lớp thấp kém nhất trong xã hội. Ngài là một người thợ thủ công, sinh nhai bằng lao động của mình, một điều kiện tốt hơn là điều kiện của một lao động tùy thuộc. Thậm chí trong suốt cuộc đời công khai của Ngài, uy tín của một rabbi mà Ngài có, những lần mời mọc ngay cả từ những người khá giả, những tình bạn Ngài kết thân như với Lazarô và các chị của anh, sự giúp đỡ từ một vài phụ nữ có của (x. Lc 8, 2tt) là những yếu tố không thể cho phép chúng ta coi Ngài như một người nghèo nhất. Người ta hiểu lý do của câu “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58) khi nghĩ tới điều kiện của Ngài là một người đi rao giảng lưu động, không có chỗ cố định, hơn là vì thiếu một mái ấm, cho dù có lúc xẩy ra như vậy.

Về phương diện vật chất đích danh, vào thời kỳ ấy, chắc chắn có những người nghèo hơn Ngài, có cả những đám người mất phần gia tài mà chính Ngài chạnh lòng thương khi thấy họ “lầm than vất vưởng” (Mt 9,36). Ngay cả trong số các môn đệ tương lai, chẳng hạn một số nhà khổ hạnh và ẩn tu trong sa mạc, có những người còn khắc khổ và nghèo khó về vật chất hơn cả Thầy mình.

Điều mập mờ là người ta gán một giá trị thái quá cho những cách biểu lộ bên ngoài và vật chất của sự nghèo khó. Đức Giêsu đã không bao giờ cho mình là nghèo nhất, trong khi ngược lại Ngài làm như thế về đức bác ái, khi nói rằng không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (x. Ga 15,13). Ngài cũng được tự do trước sự nghèo khó của mình, như Ngài đã tự do trong việc ăn uống, đến nỗi bị coi như một người tham ăn tham uống, một điều không làm Ngài quá bực tức. Về phương diện khổ hạnh, Vị Tiền Hô còn nghiêm nhặt hơn Ngài.

Đức Giêsu không rơi vào bẫy như một số người bắt chước Ngài, tức là tuyệt đối hóa sự nghèo khó vật chất, coi đó là mức độ hoàn thiện, để rồi cuối cùng trở nên giầu có theo cách thức tệ hại nhất: bằng chính mình và sự công chính riêng của mình. Người ta không thể gán một giá trị tuyệt đối cho những sự vật vật chất, một điểm mà người ta không thể vượt qua. Dù muốn nghèo khó, người ta sẽ thấy luôn có người nghèo hơn mình. Sự nghèo khó vật chất là một cái giếng không đáy.

Điều làm cho nghèo khó có một giá trị tôn giáo, chính là động cơ khiến người ta chọn lối sống nghèo, và trong trường hợp của Đức Kitô, động cơ đó là tình yêu: “Người vốn giầu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo mà làm cho anh em trở nên giầu có” (2Cr 8,9). Quà tặng quý giá, đặc biệt khi đó là kết quả của một sự trần trụi, khi người ta chịu thiếu thốn cái người ta ban tặng. Một cách nào đó, Ngôi Lời đã bị tước đi sự phong phú thần linh của mình, để có thể làm cho chúng ta được hưởng lợi. Sự nghèo khó của Thiên Chúa là một cách biểu lộ agapè của Ngài, hữu thể của Ngài là “tình yêu”. Các triết gia khuyển nho thời Đức Giêsu đã sống nghèo về vật chất, và dưới một số khía cạnh còn triệt để hơn sự nghèo khó của Ngài, nhưng sự nghèo khó ấy không phải do tình yêu đối với con người gợi hứng; đúng hơn đó là một sự thách đố đối với họ, để chứng minh sự độc lập và ưu việt của con người đối với thiên nhiên và sự vật.

4. “cho người nghèo” và sống “nghèo”

Cùng lúc Đức Kitô đến, người ta nhận thấy có một bước nhảy vọt về phẩm chất trong lãnh vực nghèo khó. Có thể tóm tắt như sau: Cựu Ước cho thấy một Thiên Chúa cho người nghèo, còn Tân Ước cho thấy một Thiên Chúa trở nên nghèo. Trong Cựu Ước, có nhiều bản văn nói Thiên Chúa là Đấng “lắng nghe tiếng kêu than của những người nghèo”, “thương xót những người yếu đuối và nghèo khó”, “bảo vệ người lầm than”, “thực hiện công bình cho người bị áp bức”; thế nhưng chỉ có Phúc Âm cho ta biết một Thiên Chúa làm một người trong số họ, chọn cho mình sự nghèo khó và yếu đuối. Sự nghèo khó vật chất, một điều xấu phải tránh, có được khía cạnh của một điều tốt phải vun trồng, một lý tưởng phải theo đuổi. Đó là sự mới mẻ lớn lao mà Đức Kitô mang lại.

Bằng cách này, hai thành tố chủ yếu của lý tưởng nghèo khó được nói rõ: “cho người nghèo” và sống “nghèo”. Lịch sử nghèo khó Kitô giáo là lịch sử của cách tấn công trực diện vào hai đòi hỏi này. Điều đó phản ánh, chẳng hạn, trong những cách giải thích khác nhau về câu chuyện chàng thanh niên giầu có (x. Mt 19,16 tt). Có khi người ta nhấn mạnh là anh phải “bán hết tài sản”, khi khác nhấn mạnh anh phải “đem cho người nghèo”; nghĩa là có khi người ta nhấn mạnh phải bỏ hết mọi sự để theo Đức Giêsu một cách triệt để, khi thì nhấn mạnh mối quan tâm đến người nghèo[7].

Thời Thượng cổ, chống lại cách giải thích của phái Encratít, một phái cấp tiến chủ trương chối bỏ hoàn toàn (encrateia) hôn nhân và sự sở hữu, là cách giải thích hòa giải của một Clêmentê Alexanđria. Đến lượt tác giả này lại có nguy cơ đi đến chỗ thái quá ngược lại khi quả quyết rằng, điều đáng kể không phải là sự nghèo khó cho bằng việc người ta sử dụng của cải:

“Người nào coi của cải, vàng bạc, nhà cửa như là những ân huệ của Thiên Chúa, và dâng cho Ngài những cái đó để tôn kính Ngài, cộng tác bằng những gì mình có vào việc cứu độ những người khác, thì đó là người được Chúa chúc phúc và có tâm hồn nghèo khó[8].”

Người ta thấy một tổng hợp đầu tiên và một sự quân bình giữa hai trường hợp này trong suy nghĩ của những người như thánh Basiliô và thánh Augustinô, và trong kinh nghiệm đan tu được các ngài khởi xướng. Các ngài kết hợp sự nghèo khó cá nhân triệt để nhất với sự quan tâm tương tự dành cho người nghèo và người bệnh, được cụ thể hóa trong các định chế tiên liệu cho mục đích này, là những định chế, trong một số trường hợp, sẽ trở thành kiểu mẫu cho các hoạt động từ thiện của Giáo Hội.

Thời Trung cổ, trong một bối cảnh lịch sử khác, chúng ta chứng kiến chu trình này được lặp lại. Giáo Hội, cách riêng các dòng đan tu cũ ở Tây phương, trở nên giầu có, thực hiện sự nghèo khó hầu như chỉ dưới hình thức giúp đỡ người nghèo, khách hành hương, nghĩa là quản lý các định chế bác ái. Ngược với tình trạng này, từ đầu thiên niên kỷ thứ hai, có những phong trào tự nhận là những người nghèo, đặt ưu tiên cho việc thực hành hữu hiệu sự nghèo khó, đưa Giáo Hội trở về với sự đơn sơ và nghèo khó của Phúc Âm. Như vậy, sự quân bình và tổng hợp được thực hiện lần này do các dòng tu hành khất. Các dòng tu này cố gắng thực hành sự từ bỏ triệt để, đồng thời chăm sóc yêu thương những người nghèo khó, phong cùi, nô lệ, nhất là sống nghèo khó trong tình hiệp thông với Giáo Hội, chứ không đi ngược lại Giáo Hội.

 Với tất cả sự thận trọng cần thiết, có lẽ chúng ta có thể thoáng thấy một biện chứng tương tự trong thời kỳ hiện nay. Sự bùng nổ của ý thức xã hội trong thế kỷ vừa qua và sự bùng nổ của vấn đề vô sản đã lại phá vỡ sự quân bình, thúc đẩy bỏ qua một bên lý tưởng nghèo khó tự ý, tự chọn và được sống theo Đức Kitô, để quan tâm đến vấn đề những người nghèo. Mối bận tâm đến người nghèo thắng thế hơn lý tưởng về một Giáo Hội nghèo, là điều được diễn tả qua vô vàn sáng kiến và định chế mới mẻ, nhất là trong lãnh vực giáo dục trẻ em nghèo và giúp đỡ những người bị bỏ rơi nhất. Học thuyết xã hội của Giáo Hội cũng là kết quả của bầu khí thiêng liêng này.

Chính Công đồng Vaticanô II đã đưa lên hàng đầu diễn từ về “Giáo Hội và sự nghèo khó”, nhất là sau bài phát biểu được nhiều người biết đến của Đức Hông Y Lercaro. Về vấn đề này, người ta đọc thấy trong Hiến chế về Giáo Hội:

“Như Chúa Kitô đã hoàn tất công trình cứu chuộc trong nghèo khó và bách hại, Giáo Hội cũng được mời gọi đi cùng đường lối ấy… Chúa Kitô được Chúa Cha phái đến để “rao truyền Phúc Âm cho kẻ bần cùng” […] cứu chữa các tâm hồn đau khổ” (Lc 4,18), “tìm kiếm và cứu vớt những gì đã hư mất” (Lc 19, 10). Cũng thế, Giáo Hội trìu mến và ấp ủ tất cả những ai đau khổ vì sự yếu hèn của con người, nhất là nhận biết nơi những kẻ nghèo khó và đau khổ hình ảnh Đấng Sáng Lập nghèo khó và khố đau, ra sức giảm bớt nỗi cơ cực của họ và nhằm phụng sự Chúa Kitô trong họ[9].”

Trong bản văn này, người ta thấy cùng một lúc hai tình huống “nghèo và phục vụ người nghèo”. Người ta không bảo hai khía cạnh này phải và có thể được mỗi người tín hữu hoặc mỗi loại tín hữu vun đắp cùng một cách. Quả thực người ta cũng phải nhớ đến học thuyết về các đặc sủng và những chức năng khác nhau được gán cho mỗi chi thể của thân thể Đức Kitô. Dường như thánh Phaolô kể vào số các đặc sủng thậm chí việc lột bỏ mình và tự ý từ bỏ của cải cho người khác. Đối với ngài, đặc sủng là việc “cho cách chân thành”, và việc “đem hết gia tài mà bố thí”, cũng như nói tiên tri, nói các tiếng lạ, sự hiểu biết, trong cùng bối cảnh, cũng là những đặc sủng (x. 1Cr 13,3).

Vậy chính nơi một số chi thể và dòng tu của mình mà Giáo Hội bày tỏ Đức Kitô nghèo khó cách tốt nhất; nói khác đi, Đức Kitô gánh lấy nơi Ngài “các tật nguyền và các bệnh hoạn” của người nghèo (x. Mt 8,13). Sự viên mãn của Thần Khí và các ân huệ của Thần Khí là ở nơi Giáo Hội, chứ không chỉ ở nơi người tín hữu; tuy vậy, trong sự hiệp thông Giáo hội, sự viên mãn này đến từ mọi tín hữu. Quả thực, nếu tôi yêu mến sự hiệp nhất và gắn bó với sự hiệp nhất đó, tất cả những gì mỗi người sẽ có hay sẽ làm trong lãnh vực này, thì cũng như chính tôi đã có hay đã làm. Tôi thuộc về thân thể này, là thân thể nghèo khó và săn sóc những người nghèo khó. Thánh Augustinô nói: “Bạn đừng ghen tương, mọi điều tôi có đều thuộc về bạn: tôi không muốn mình mang một tình cảm ghen tương nào, vì điều bạn có cũng thuộc về tôi[10].”

Kết quả là chúng ta phải xua đuổi mọi ác tâm và xét đoán, thay thế bằng sự quý trọng nhau và vui vẻ về những gì Thiên Chúa thực hiện qua những người khác. Những ai đang hoạt động cho công bằng xã hội và thăng tiến người nghèo (một điều thường đòi hỏi phải có những phương tiện và cơ cấu lớn) lấy làm vui vì có những anh em biết sống và loan báo Phúc Âm với lòng đơn thành và nghèo khó, và ngược lại. Thánh Tông Đồ khuyên nhủ trong một tình huống tương tự: “Chúng ta đừng xét đoán nhau nữa. […] Chúng ta hãy theo đuổi những gì đem lại bình an và những gì xây dựng cho nhau” (Rm 14,13.19).

5. Tại sao chọn sống nghèo?

Vấn đề là chúng ta phải trả lời cho câu hỏi dường như quan trọng nhất: tại sao Đức Kitô lại đưa vào thế gian lý tưởng về một sự nghèo khó tự ý? Tại sao tự ý khước từ những sự vật mà Thiên Chúa tạo ra lại giúp cho con người được vui? Sự cứu chuộc có thể đối lập với sự tạo dựng chăng?

Câu trả lời nằm ở lý do biện minh cho đề nghị của Đức Kitô. Điều đó được diễn tả rõ ràng trong bản văn: Nước Trời hay Nước Thiên Chúa. Tất cả có ý nghĩa nhờ bản tính của nước này, một nước “đã hiện diện” trong thế gian, nhưng “chưa” được thiết lập viên mãn và vĩnh viễn.

Chính vì Nước Thiên Chúa đã hiện diện trong thế gian, nơi con người và lời rao giảng của Đức Giêsu, nên đừng để nó thoát đi, nhưng nắm giữ lấy nó, vứt bỏ tất cả những gì có thể ngăn cản nó, kể cả tay và mắt nếu cần (x. Mt 18,8 tt). Nói cách khác, ngay từ bây giờ có thể bắt đầu sống như thể chúng ta đã sống cách vĩnh viễn trong Nước Trời, nơi của cải trần gian không còn giá trị nữa, nhưng là nơi Thiên Chúa sẽ là mọi sự nơi mọi người.

Đó là lý do của sự nghèo khó có thể gọi là cánh chung học hoặc có tính tiên tri, vì nó loan báo trời mới đất mới. Sự nghèo khó có tính tiên tri vì, khi không màng tới những của cải trần gian, nó công bố một của cải khác, một cách thầm lặng nhưng hữu hiệu; nó nhắc nhớ rằng thế gian này đang qua đi, nơi đây chúng ta không cư ngụ vĩnh viễn, nhưng quê hương chúng ta ở trên trời.

Lý do cánh chung học này, dựa trên sự hoàn thành bất ngờ của Nước Thiên Chúa, hoặc dựa trên sự chờ đợi Đức Kitô sắp trở lại sau khi Phục Sinh, tiếp tục tác động sau đó, tuy dưới hình thức khác hơn. Ở trần gian, người Kitô hữu không có tư cách công dân vững bền, nhưng thuộc về một thành đô khác. Chính vì vậy mà việc họ gắn bó với những của cải thời hiện tại mà họ sắp sửa phải bỏ lại, là điều nghịch lý. Từ đây lý do cánh chung học tác động dưới hình thức hy vọng những của cải muôn đời.

Những gì thuộc đặc tính đầu tiên của Nước Thiên Chúa “đã hiện diện”. Tuy vậy, mặt khác, Nước Thiên Chúa còn phải đến, đang trên đường đến “tận cùng trái đất”. Một số người hoàn toàn chú tâm chờ nó đến, không còn vướng mắc vào những liên hệ và dấn thân thuộc trần gian, có thể cản trở cho việc loan báo. Nếu Phúc Âm phải đạt “tới tận cùng trái đất” (Cv 1,8), những người đưa tin phải giống như những người chạy đua trên thao trường, nhẹ nhõm, không vướng mắc, mình trần, để “lời Chúa được phổ biến” (x. 2Th 3,1) mà không bị kìm hãm.

Lý do thứ hai này là lý do truyền giáo hoặc tông đồ của sự nghèo khó,  được làm sáng tỏ đặc biệt trong diễn từ “sai đi” của Đức Giêsu: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo” (Lc 9,3).

6. Tính thời sự của Mối Phúc nghèo khó

Mối Phúc của những người nghèo có tính thời sự cao trong bối cảnh lịch sử của chúng ta ngày hôm nay, trong đó người ta quan tâm đến sinh thái và bảo vệ thụ tạo. Một cách sống Mối Phúc Tin Mừng, ai cũng có thể thực hiện, là biết sử dụng vật chất có điều độ, đúng mức, một lối sống giản dị cho phép hưởng của cải thuộc tạo thành, nhưng không lạm dụng và phung phí.

Chúng ta cần lời mời gọi này, đặc biệt trong những nước giầu có thuộc Bắc bán cầu. Chúng ta luôn bị cám dỗ chiếm hữu sự vật để riêng chúng ta sử dụng: quần áo, xe cộ, máy tính, các thiết bị điện tử đủ loại. Văn hóa “vứt bỏ”, dùng một lần rồi bỏ, trở thành thứ tổng hợp nền văn minh của chúng ta. Đôi khi điều đó thậm chí mang một hình thức ám ảnh.

Thánh Phanxicô Assisi thích nói với các anh em:

“Tôi đã không bao giờ ăn cắp của bố thí, cả khi xin lẫn khi dùng của đó. Tôi luôn dùng ít hơn những gì tôi xin được, để những người nghèo khác không mất phần cũng được dành cho họ. Làm ngược lại là ăn cắp[11].”

Chúng ta cũng phải nói điều tương tự về những của cải của Tạo Thành: “Chúng ta đã không đánh cắp của các thế hệ tương lai những nguồn lực dành cho họ: nước, năng lượng, gỗ chế tạo giấy…” Tất cả những gì chúng ta dùng quá mức cần thiết, trực tiếp hay gián tiếp, là chúng ta làm cho những người khác đang sống trên trái đất này hoặc những người sẽ đến sau ta không còn những cái đó để sử dụng.

Tôi thích nhắc lại lời của văn sĩ người Anh, Jerome K. Jerome, một nhà văn hài hước, nhưng trong trường hợp này thì ông nói nghiêm túc. Kinh nghiệm về một chuyến hành trình trên tầu ngược dòng sông Thames đã gợi cho ông thấy điều này trong đời sống:

“Có biết bao nhiêu người trong cuộc hành trình dọc theo cuộc đời, đã chất chứa trên tầu, khiến tầu có nguy cơ chìm, vô số những đồ vật tầm thường, nhưng lại được họ coi là cần thiết để cuộc hành trình được dễ chịu, mà thực ra đó là những đồ vật vô ích và không quan trọng. Tại sao không quan tâm làm cho chiếc tầu của cuộc đời chúng ta được nhẹ nhõm, chỉ chứa những gì thật sự cần thiết: một căn nhà nhỏ niềm nở đón tiếp, những thú vui đơn giản, một hai người bạn đúng nghĩa, có người nào đó để yêu và yêu bạn, một con mèo, một chú khuyển, một hai điếu tẩu, những gì cần để ăn mặc? Khi đó chúng ta sẽ thấy rằng như vậy con tầu tiến tới dễ dàng hơn. Chúng ta sẽ có thời giờ suy nghĩ, làm việc, nhâm nhi một chút gì đó, thoải mái ngả lưng dưới ánh mặt trời[12]”.

Chính xác đây không phải là lý tưởng Phúc Âm về sự nghèo khó vì Nước Trời, nhưng điều đó cho phép ta ít nhất thấy rằng lý tưởng này không chống lại hạnh phúc của con người, ngược lại, là một liên minh mạnh mẽ với hạnh phúc ấy.

Mối Phúc Tin Mừng về sự nghèo khó cổ võ một thái độ khác, thái độ chiêm ngắm. Chúng ta phải khám phá và quý chuộng hình thức đặc biệt của chiếm hữu là chiêm ngắm. Đó là một kiểu chiếm hữu sự vật cách sâu sắc hơn, bằng tâm hồn chứ không chỉ thuần túy bằng giác quan và thân xác.

Thánh Phaolô định nghĩa những người tông đồ và, một cách gián tiếp, các Kitô hữu, như là “những người coi như không có gì, nhưng kỳ thực có tất cả” (2Cr 6,10). Chiêm ngắm làm được phép lạ: cho phép ta có được sự vật mà không chiếm đoạt chúng, không lấy cắp chúng từ người khác. Khi một ai đó có quyền sở hữu về một vật – một công viên, một khu rừng, một bãi biển, một hồ nhỏ - vật đó là của riêng, không ai khác được sử dụng. Trong chiêm ngắm, hàng ngàn người có thể có được cái hồ hay công viên đó, mà không ăn cắp một chút hưởng thụ của ai về cái hồ hay công viên đó.

 

 



[1]  Cf. A. Gelin, Les pauvres de Jahvé, Paris, 1953 et Les pauvres que Dieu aime, Paris, 1968.

[2]  Thánh Augustinô, Sermons 53, 1 (PL 38, 365); thánh Lêô Cả, Discours 95 sur Béatitudes, 1, 2 (PL 54, 462).

[3]  x. J. Dupont, Les Béatitudes, 3 vol., op. cit.

[4]  Thánh Tôma Aquinô, Somme Théologique III, q. 40, a. 4.

[5]  Il libro della beata Angela da Foligno, Quaracchi, Grottaferrata 1985, p. 642 tt (bản dịch tiếng Pháp: Le livre de la bienheureuse Angèle de Foligno, Éd. Jérôme Million, Paris, 1995).

[6]  Thánh Grêgôriô Nyssê, Sur les Béatitudes, 1 (PG 44, 1201B).

[7]  x. Aa. V.v., Per foramen acus. Il cristianesimo antico di fronte alla pericope evangelica del giovane ricco, Vita e Pensiero, Milan, 1986.

[8]  Clêmentê Alex., Quale ricco si salva, 16, 3 (GCS 17, tr. 170) (bản dịch tiếng Pháp: Clément d’Alexandrie, Quel riche peut être sauvé?, Oeuvres choisies 16, 3).

[9]  Lumen Gentium, 8.

[10]  Thánh Augustinô, Commentaire sur l’évangile de saint Jean, XXXII, 8 (CCL 36, tr. 304).

[11]  Specchio di perfezione, 12 (Fonti Francescane, số 1695 (bản dịch tiếng Pháp: Le Miroir de la perfection, 12. Éd. Plon, Paris, 1911).

[12]  J.K. Jerome, Three men in a boat, Longman, London, 1962 (bản dịch tiếng Pháp: Trois hommes dans un bateau, Gallimard Jeunesse, Paris, 2008.


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều