“ĐỨC KITÔ ĐÃ CHỊU HIẾN TẾ

LÀM CHIÊN VƯỢT QUA CỦA CHÚNG TA”

Thánh Thể trong lịch sử cứu độ

 

Ước nguyện của tôi trong bài suy niệm đầu tiên này là định vị mầu nhiệm bữa Tiệc Ly trong tất cả lịch sử cứu độ. Mạc khải của Thiên Chúa cho con người nằm trong khuôn khổ một lịch sử, mà theo đối tượng và mục đích của nó, được gọi là lịch sử cứu độ.

Giữa lòng lịch sử thế giới mà người ta có thể thấy và dựa trên các tài liệu, diễn ra một lịch sử khác, không có những chiến tranh và hòa bình hay những phát minh của con người làm dây dẫn, nhưng là những “phát minh” của Thiên Chúa, những mirabilia Dei (những việc lạ lùng của Thiên Chúa), là những can thiệp của lòng Thiên Chúa nhân từ. Tất cả những hành động mà Thiên Chúa thực hiện ở bên ngoài Người (ad extra), từ lúc tạo dựng đến lúc quang lâm, đều thuộc về lịch sử này.

Đức Kitô đến qua việc nhập thể ghi dấu một nét khác biệt về phẩm chất vào lịch sử đó, theo cách một con sông khi chạm tới cống ngăn thì mực nước lên cao hơn. Tất cả những việc Đức Giêsu làm trong cuộc đời của Ngài đều thuộc về lịch sử cứu độ: ngay cả sự thinh lặng và chuyện thường ngày ở Nadarét cũng thuộc về lịch sử này. Thời giờ của Ngài là “trung tâm của thời gian”, sự “viên mãn của thời gian”.

Nhưng lịch sử cứu độ không dừng lại ở lịch sử Đức Kitô. Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng thuộc về lịch sử này. Đời sống của một người tín hữu thuần túy, từ lúc được rửa tội tới lúc chết, nói tóm lại, là một lịch sử cứu độ. Đó là vũ trụ vi mô của lịch sử cứu độ, trong khi lịch sử khác kéo dài từ tạo dựng đến quang lâm là vũ trụ vĩ mô của lịch sử này. Lần đến cuối cùng của Đức Kitô sẽ ghi dấu trong lịch sử lâu dài này một nét khác biệt mới về phẩm chất: lần này sẽ là lúc lịch sử đi tới cái vượt lên trên nó, từ thời gian tới vĩnh cửu, từ hy vọng tới chiếm đoạt, từ đức tin tới vinh quang.

Khi ấy, cuộc đời chúng ta thuộc về sự viên mãn của thời gian, khởi đầu bằng biến cố nhập thể, ở giữa cái “đã có” và cái “chưa có”. Nếu chúng ta hình dung lịch sử cứu độ như một đường thẳng trải dài trong thời gian, chúng ta có thể cho thấy điều “đã” được thực hiện bằng một đường thẳng ngắt quãng cho tới lúc này, và điều “chưa được thực hiện”, mà chúng ta đang chờ được hoàn tất, bằng một đường thẳng được phác họa nhưng có thể ngắt quãng bất cứ lúc nào, vì chính đêm nay Chúa có thể trở lại.

Khi ấy, chúng ta tự hỏi Thánh Thể có chỗ đứng nào trong lịch sử cứu độ này. Chúng ta phải đặt Thánh Thể chỗ nào trong dòng thời gian? Trả lời: Thánh Thể không ở một chỗ nào, nhưng ở trong tất cả dòng thời gian này. Thánh Thể bao trùm lịch sử cứu độ: tất cả lịch sử cứu độ hiện diện trong Thánh Thể và Thánh Thể hiện diện trong suốt chiều dài lịch sử cứu độ. Như ta thấy lúc bình minh, tất cả vòm trời phản chiếu trong giọt sương mai trên một cành của hàng rào cây xanh, cũng thế, trong Thánh Thể người ta chiêm ngắm tất cả dòng chảy của lịch sử cứu độ.

Tuy vậy, có ba cách hiện diện khác nhau nơi Thánh Thể, theo thời gian hay giai đoạn mà chúng ta phân biệt trong lịch sử cứu độ: trong Cựu Ước hiện diện như hình bóng, trong Tân Ước hiện diện như biến cố, và trong thời Giáo Hội, là thời của chúng ta, như bí tích. Trong khi hình bóng đi trước và chuẩn bị biến cố, thì bí tích “kéo dài” và hiện tại hóa biến cố ấy.

Những hình bóng của Thánh Thể

Như tôi đã nói, trong Cựu Ước, Thánh Thể hiện diện như “hình bóng”. Tất cả Cựu Ước chuẩn bị cho bữa Tiệc Ly của Chúa. Một con người đã ban một bữa tối vĩ đại. Thánh Augustinô thốt lên: “Ai là con người này, nếu không phải là Đức Giêsu Kitô, Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người? Ngay từ những ngày đầu của sứ vụ, các tiên tri đã không ngừng mời gọi người ta đến với bữa tiệc của Đức Kitô. Họ đã được sai đến với dân Israel; họ thường được sai đến, và thường lặp lại lời mời gọi, để các thực khách đến với bữa tiệc khi nào muốn” (Serm. 112 ; PL 38, 643).

Sự chờ đợi này về giờ của bữa tối luôn được cảnh giác, không chỉ bằng lời các tiên tri, mà còn nhờ những hình bóng hoặc những “kiểu mẫu”, nói khác đi, nhờ những dấu chỉ hoặc những nghi thức cụ thể tạo nên việc chuẩn bị hữu hình hoặc “phác họa” cách nào đó bữa Tiệc Ly của Đức Kitô.

Một trong những hình bóng này được Đức Giêsu nhắc đến là manna (x. Xh 16,4 tt ; Ga 6,31 tt). Một hình bóng khác: hy tế của Melkisêđê và việc ông dâng bánh rượu (x. St 14,18 ; Tv 110,4 ; Dt 7,1 tt). Hoặc hy tế của Isaác. Trong ca tiếp liên “Lauda Sion Salvatorem” do thánh Tôma Aquinô sáng tác cho ngày lễ Mình Máu Chúa, chúng ta hát: “Bánh được loan báo bằng những hình bóng, được sát tế nơi Isaác, được chỉ định nơi con chiên vượt qua, được ban như manna cho các tổ phụ”.

Trong tất cả các hình bóng này về Thánh Thể, có một hình bóng còn hơn là một “hình bóng”; nó chuẩn bị và như dự báo cho Thánh Thể: lễ Vượt Qua. Chính từ Vượt Qua mà có danh xưng bàn tiệc hay bữa ăn vượt qua; người ta dựa vào đó mà gọi Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa”. Kể từ đêm ra khỏi Ai Cập, Thiên Chúa đã chiêm ngắm Thánh Thể, Người đã nghĩ đến việc ban cho chúng ta Con Chiên đích thực. Thiên Chúa nói: “Thấy máu, Ta sẽ vượt qua” (Xh 12,13), có nghĩa là: Ta sẽ “thực hiện cuộc Vượt qua” cho các ngươi, Ta sẽ bỏ qua cho các ngươi, Ta sẽ cứu vớt các ngươi.

Về điểm này, các Giáo Phụ đã tự hỏi: Chúa đã có thể thấy gì quý giá như thế nơi nhà các người Do Thái để “vượt qua” và truyền cho thần sứ không đánh phạt…, và đây là câu trả lời của các ngài: Người thấy Máu của Đức Kitô, Người thấy Thánh Thể! Một trong những bản văn đầu tiên về lễ Vượt Qua trong Giáo Hội nói cho chúng ta như sau: “Ôi, mầu nhiệm mới mẻ khôn tả! Con chiên bị sát tế trở thành ơn cứu độ cho Israel, và cái chết của nó trở thành sự sống cho dân, máu nó làm thiên sứ run sợ (x. Xh 12,13). Ôi thiên sứ, hãy trả lời cho tôi: vì sao người run sợ, con chiên bị giết hay sự sống của Chúa? Máu của con chiên hay Thần Khí của Chúa? Rõ ràng người thấy run sợ: người đã thấy mầu nhiệm của Chúa được hoàn tất nơi con chiên, người đã thấy sự sống của Chúa nơi con chiên bị sát tế; con chiên bị giết là hình bóng của Chúa; vì vậy, người đã không đánh phạt Israel” (Mêlitô Sardes, Sur la Pâque, 31 tt). “Từ lúc ấy, đâu sẽ là sức mạnh của thực tại (tức của lễ Vượt Qua Kitô giáo) nếu hình bóng thuần túy của nó đã là nguyên nhân cứu độ” (Pseuđô-Hyppolitô, Sur la Pâque, 3). Một hiệu năng như thế của các hình bóng Thánh Thể mà thôi đã khiến thánh Tôma gọi các nghi thức của Cựu Ước là “những bí tích của luật cũ”.

Thời Đức Giêsu, lễ Vượt Qua Do thái theo nghi lễ gồm hai thì: tiên vàn là sát tế chiên được dẫn đến đền thờ Giêrusalem, lúc sau trưa ngày 14 nisan; sau đó, cả gia đình ăn thịt chiên trong bữa ăn Vượt Qua vào đêm kế tiếp. Trong phụng vụ bữa ăn, người cha trong gia đình – đây là lúc duy nhất ông mặc phẩm phục tư tế – cắt nghĩa tính chất biểu tượng của các nghi thức, khi cho các con thấy, bằng những đường nét lớn, việc kỳ diệu Thiên Chúa đã làm cho dân Người.

Cuối cùng, cũng vào thời Đức Giêsu, lễ Vượt Qua trở thành việc “tưởng niệm” (mémorial) không những cuộc Xuất hành, mà cả mọi thần hiện khác của Thiên Chúa trong lịch sử Israel. Lễ Vượt Qua chính là tưởng niệm và kỷ niệm bốn đêm quan trọng nhất của thế giới: đêm tạo dựng khi ánh sáng vọt lên từ bóng tối; đêm Abraham sát tế Isaác; đêm ra khỏi Ai Cập và đêm Đấng Mêsia đến còn phải đợi (Targum sur Ex. 12,42).

Như vậy, đối với người Do Thái, lễ Vượt Qua là một tưởng niệm (theo chữ trong Xh 12,14); nó còn là chờ đợi. Thật bất hạnh, khi Đấng Mêsia đến, Đấng họ chờ đợi, thì họ lại không nhận ra Ngài, nhưng “biến Ngài thành điều họ muốn” vì Ngài bị giết vào chính một dịp lễ Vượt Qua. Nhưng qua việc giết người này, họ thực hiện hình bóng và hoàn tất điều họ chờ đợi: sát tế Con Chiên đích thật của Thiên Chúa. Trong những ngày đó, như thường lệ, ở Giêrusalem có rất đông người đến mừng lễ; tuy nhiên không một ai khi ấy biết rằng, trong một phòng cao của thành phố, điều người ta chờ đợi từ bao nhiêu thế kỷ trở thành thực tại.

Khi Đức Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19), từ “tưởng nhớ” lập tức nhắc nhớ cùng một từ của sách Xuất hành, giúp cho người ta nghĩ rằng lễ Vượt Qua mới đã được thiết lập. Thực sự, việc tưởng niệm cũ vẫn còn, nhưng nội dung của nó đã thay đổi, hoặc đúng hơn, được hoàn tất: từ đây, lễ Vượt Qua sẽ tưởng niệm một sự sát tế khác, một cuộc vượt qua khác: “Phúc cho ngươi, đêm cuối cùng, vì nơi ngươi, đêm ra khỏi Ai Cập đã được hoàn tất. Nơi ngươi, Chúa chúng ta đã ăn lễ Vượt Qua nhỏ, và chính Ngài trở thành lễ Vượt Qua lớn. Lễ Vượt Qua thay thế cho lễ Vượt Qua, ngày lễ thay thế cho ngày lễ. Đây là lễ Vượt Qua qua đi và lễ Vượt Qua còn mãi; đây là hình bóng và sự hoàn tất nó” (thánh Êphrem, Hymnes sur la crucifixion 3, 2).

Thánh Thể như biến cố

Từ đây, chúng ta đang ở trong sự viên mãn thời gian: Thánh Thể không còn hiện diện như hình bóng nữa, nhưng như thực tại. Nội dung cũ của lễ Vượt Qua không bị phá hủy, cũng không bị quên lãng, nhưng có một nội dung khác chồng lên nó, một nội dung quan trọng đến mức vô biên, làm cho nó được “xác thực” và vượt qua nó từ mọi phía. Nét mới mẻ lớn lao hoàn toàn được gom góp trong lời thánh Tông Đồ hô lên: “Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta” (1Cr 5,7). Vì vậy Thánh Thể có thể được gọi là “mầu nhiệm vừa cũ vừa mới : cũ nhờ được tiên trưng, mới nhờ thành hiện thực” (Mêlitô Sardes).

Thế nhưng, nói cho đúng, biến cố làm nền tảng cho Thánh Thể và thực hiện lễ Vượt Qua mới hệ tại ở điều gì? Về điểm này, các Phúc Âm đưa ra hai kiểu giải đáp bổ túc cho nhau, và đồng thời cho phép ta hiểu hơn mầu nhiệm, được xét theo những quan điểm khác nhau. Như ta đã thấy, đối với người Do Thái, lễ Vượt Qua xẩy ra trong hai thì và tại hai nơi khác nhau: sát tế chiên ở đền thờ và bữa ăn tại nhà. Tác giả Gioan thích xem xét lúc sát tế hơn; lễ Vượt Qua Kitô giáo, theo ngài (và như vậy là cả Thánh Thể) được thiết lập trên thập giá, vào lúc Đức Giêsu, Con Chiên đích thực của Thiên Chúa, chịu hiến tế. Phúc Âm của ngài cho thấy một sự tập trung đặc biệt: một đàng, nhiều lần ngài nhấn mạnh rằng lễ Vượt Qua của người Do Thái đã gần đến (“sắp đến lễ Vượt Qua của người Do Thái”, “sáu ngày trước lễ Vượt Qua”, “hôm đó là ngày áp lễ”); đàng khác, ngài nói rằng “giờ” của Đức Giêsu cũng gần đến, giờ Ngài chịu chết và được tôn vinh. Vậy có một sự gần đến “về thời gian” của một ngày và một giờ rõ ràng, và một sự gần đến “về không gian” hướng về Giêrusalem, tới lúc hai đà tiến này tập trung và đan chéo nhau ở Canvê, lúc sau trưa ngày 14 nisan, cho đến lúc người ta sát tế chiên cho lễ Vượt Qua ở đền thờ. Để làm nổi bật hơn sự trùng hợp này, Gioan ghi nhận rõ sự kiện sau đây: trên thập giá, liên hệ đến Đức Giêsu, “không một khúc xương nào của Người sẽ bị dánh dập” (Ga 19,36), theo chỉ thị của sách Xuất hành về chiên lễ vượt qua (Xh 12,46). Người ta hẳn có thể nghĩ rằng, vào đúng lúc này, tác giả Phúc Âm thứ tư biến những lời của Gioan Tẩy Giả làm lời của mình, và chỉ tay lên Đức Giêsu trên thập giá, ngài công bố cho mọi người: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29).

Ba tác giả Phúc Âm nhất lãm thích chọn thời điểm bữa ăn hơn. Chính trong bữa ăn, chính xác là lúc lập phép Thánh Thể, mà các ngài thấy bước chuyển từ lễ Vượt Qua cũ sang lễ Vượt Qua mới được thực hiện. Đối với các ngài, nét nổi bật nhất là việc chuẩn bị bữa ăn vượt qua Đức Giêsu mừng trước khi chết: “Căn phòng dành cho tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ của tôi ở đâu ?” (Lc 22,11). Gioan nhấn mạnh lúc hiến tế thực sự (thập giá), còn Phúc Âm nhất lãm nhấn mạnh lúc hiến tế thần bí (bữa ăn). Nhưng đây cũng chỉ là cùng một biến cố nhìn dưới  hai khía cạnh khác nhau, và biến cố này chính là sự hiến tế của Đức Kitô. Thánh Êphrem viết: “Trong bữa ăn, Đức Giêsu hiến tế chính mình ; trên thập giá, Ngài chịu hiến tế nhờ những người khác” (Hymne sur la cruxifixion 3, 1); đấy là cách Ngài nói rằng mạng sống của Ngài, không ai lấy đi được; chính Ngài tự ý hy sinh mạng sống mình, có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy (x. Ga 10,18).

Như vậy, biến cố nền tảng của Thánh Thể là sự chết và sự sống lại của Đức Kitô, hành vi “hy sinh mạng sống để lấy lại mạng sống ấy”. Chúng ta gọi đó là “biến cố” vì đã xẩy ra trong lịch sử. Đó là một sự kiện độc nhất trong thời gian và không gian xẩy ra một lần thay cho tất cả (semel) và không thể lặp lại : Đức Kitô “đã xuất hiện chỉ một lần để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình” (Dt 9,26). Tuy nhiên đây không phải là những “sự kiện” thô ; chúng có lý do “vì sao”, thậm chí “cho tôi”, tạo nên linh hồn của nó, và đó là tình yêu. Thánh Thể sinh ra từ tình yêu; đấy là động cơ giải thích tất cả: vì Ngài đã yêu ta. “Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt” (Ep 5,2). Đây là cách tốt nhất cho biết Thánh Thể đến từ đâu và thực sự là gì. Thánh Thể cho ta thấy như là công trình và quà tặng của cả Ba Ngôi; tất cả Ba Ngôi tham gia thiết lập Thánh Thể: Chúa Con tự hiến tế như lễ vật dâng lên Chúa Cha là Đấng nhận lấy trong Chúa Thánh Thần (x. Dt 9,14).

Tất cả Ba Ngôi góp phần vào hy tế do đó mà có Thánh Thể, chứ không phải chỉ mình Đức Giêsu. Điều đó giúp chúng ta đính chính một tư tưởng sai lầm có thể đã có, nhất là về Chúa Cha. Một thứ văn hóa thời thượng nào đó, một cách ngây ngô và phạm thánh, đưa về Thiên Chúa Cha một vài thành kiến được biét đến nhiều nhờ khoa phân tâm học khi nói về những người cha tự nhiên. Chẳng hạn người ta tưởng tượng một Chúa Cha vô cảm ngự trên trời cao, trong khi Con mình chết trên thập giá, thậm chí sẵn sàng nhận máu hy tế của Con. Một Chúa Cha cam lòng nhận lấy và không ban mình, đòi máu của con mình làm giá chuộc, chỉ khiến cho chúng ta sợ hãi và ghê tởm. Tuy nhiên, đó là cách trình bầy hoàn toàn sai lạc. Thánh Phaolô nói rằng: “(Đến như chính Con Một), Thiên Chúa Cha cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8,32). “Vì hết thảy chúng ta”, đó là chìa khóa để hiểu tất cả. Nếu Chúa Cha chấp nhận hy tế của Chúa Con, chính vì Chúa Con đã đưa về cho Người “mọi con cái đang tản mác về một mối” (x. Ga 11,52); chính như thế mà Ngài để Chúa Cha có thể thực hiện được ý định quý giá nhất của mình là “mọi người được cứu độ” (x.Tm 2,4). Tình yêu của Chúa Cha dành cho Đức Giêsu không giới hạn, vì Đức Giêsu đã hy sinh cho các anh chị em. Nhìn gần hơn, thì đó không chỉ thuần túy vì Ngài hiến mình, nhưng vì hiến mình cho các anh chị em. Thiên Chúa luôn là một Thiên Chúa “muốn tình yêu chứ không muốn hy lễ” (Hs 6,6); nếu Người chấp nhận hy lễ của Con, chính vì Người đã cho phép Con thương xót thế giới.

Như vậy, Chúa Cha không chỉ là Đấng nhận hy tế của Con, Người còn là Đấng ban Con mình làm hy tế, Đấng phải hy sinh ban Con mình cho chúng ta! Theo thánh Phaolô, nếu Đức Giêsu dâng mình cho Thiên Chúa vì chúng ta, khi ấy, hy tế đúng là cho Thiên Chúa, nhưng không phải Thiên Chúa được hưởng lợi, mà là con người, là chúng ta, chính đó là tất cả sự khác biệt giữa hy tế Kitô giáo và các các hy tế khác.

Chúng ta không thể nói cho cùng về biến cố thập giá từ đó phát sinh ra Thánh Thể; chúng ta sẽ không bao giờ vét cạn nguồn phong phú. Biến cố này, xẩy ra quá nhanh và rất ít quan trọng trong lịch thế giới, ít nhất xét bên ngoài, thực sự hàm chứa một năng lực mạnh mẽ đến nỗi sự cứu độ của lịch sử thế giới dựa vào đó. Theo cách loại suy, người ta bắt đầu nghĩ tới năng lượng chứa đựng trong nguyên tử cũng rất nhỏ. Có một hôm, liên tưởng tới lúc này, Đức Giêsu nói: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thấy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49). Thực sự, “mọi sự đã hoàn tất” trên thập giá: không một tư tưởng nào hay hành động nào có thể đạt tới mức lớn lao như vậy. Ở đó, chúng ta chạm tới đáy mọi nguồn mạch thần linh và nhân loại; sự dữ dưới bất cứ hình thức nào đều bị đánh bại tận căn, mọi ơn cứu độ đã đến, mọi vinh quang đều đưa về Ba Ngôi.

Thánh Thể như bí tích

Giờ đây chúng ta xem xét Thánh Thể ở giai đoạn thứ ba của lịch sử cứu độ, thời của Giáo Hội mà chúng ta đang sống. Vào lúc này, Thánh Thể hiện diện như là bí tích, nghĩa là dưới dấu chỉ bánh và rượu, như Đức Giêsu đã thiết lập trong bữa cuối khi Ngài nói: Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.

Điều quan trọng là cần hiểu sự khác biệt giữa biến cố mà chúng ta đã mô tả và bí tích, sự khác biệt giữa lịch sử và phụng vụ. Thánh Augustinô giúp ta làm công việc này. Thánh Tiến sĩ viết: “Chúng ta biết và chúng ta tin bằng một đức tin không lẫn lộn là Đức Kitô đã chết cho ta chỉ một lần, Ngài là Đấng Công Chính chết cho ta là những tội nhân, là Chúa chết cho các tôi tớ. Anh em biết biến cố này chỉ xẩy ra một lần; tuy nhiên, bí tích lặp lại theo định kỳ, như thể lặp lại nhiều lần điều lịch sử tuyên bố chỉ xẩy ra một lần duy nhất. Tuy vậy không có mâu thuẫn giữa biến cố và bí tích, như thể người ta có thể tuyên bố bí tích là giả và chỉ coi biến cố là thật. Thực ra, điều chỉ xẩy ra một lần duy nhất theo lịch sử, thì trong thực tế bí tích thường lặp lại chính điều đó khi cử hành trong tâm khảm người tín hữu. Lịch sử mạc khải điều đã xẩy ra một lần và theo cách nào; còn phụng vụ làm cho quá khứ không bị lãng quên, không theo nghĩa lại khiến cho biến cố xẩy ra (non faciendo), nhưng bằng cách cử hành biến cố (sed celebrando) (x. Serm. 220 ; PL 38, 1089).

Xác định rõ mối liên hệ giữa hy tế duy nhất của thập giá và thánh lễ là một vấn đề rất tế nhị, và là một trong những điểm tranh luận chính vốn dĩ vẫn có giữa người Công giáo và người Tin lành. Như ta đã thấy, Augustinô sử dụng hai động từ renovatcelebrat (làm mới lại và cử hành), rất chính đáng, với điều kiện phải hiểu từ này dưới ánh sáng của từ kia: thánh lễ làm mới lại biến cố thập giá bằng cách cử hành biến cố (không phải làm lại!), và cử hành biến cố bằng cách làm mới lại (không chỉ bằng cách tưởng niệm nó!). Từ có được tối đa sự đồng thuận đại kết có lẽ là động từ biểu thị (được Đức Phaolô VI sử dụng trong thông điệp Mysterium Fidei), hiểu theo nghĩa mạnh nhất của biểu thị, tức là hiện tại hóa.

Như vậy theo lịch sử, chỉ có một Thánh Thể duy nhất mà Đức Giêsu đã thực hiện bằng cuộc đời và cái chết của mình; ngược lại theo phụng vụ, tức qua bí tích mà Đức Giêsu thiết lập trong bữa cuối, có biết bao Thánh Thể người ta đã cử hành và sẽ còn cử hành cho đến tận thế. Biến cố thì chỉ xẩy ra một lần (semel), bí tích được thực hiện “mỗi lần” (quotiescumque).

Nhờ bí tích Thánh Thể, chúng ta trở thành những người đồng thời với biến cố cách mầu nhiệm; biến cố trở thành hiện tại cho chúng ta và chúng ta cho biến cố. Đêm Vượt Qua, trong phụng vụ, người Do Thái thời Đức Giêsu đã nói: “Qua từng thế hệ, tất cả và từng người phải tự coi mình như thể chính mình đích thân ra khỏi đất Ai Cập trong đêm này” (Pesachim X, 5). Áp dụng cho người Kitô hữu chúng ta, bản văn mốn nói rằng ở mỗi thời kỳ, mỗi người phải tự coi mình như thể đích thân ở dưới chân thập giá sau trưa hôm đó, đồng thời với Đức Maria và Gioan. Phải, chúng ta đã ở đó; “chính từ đó mà tất cả chúng ta được sinh ra”. Khi tôi nghe bài hát đạo của dân da mầu: “Bạn có ở đó, bạn có ở đó, gần thập giá Đức Giêsu chăng?”, tôi luôn nghe thấy có lời đáp lại trong tôi: phải, tôi cũng đã ở đó, gần thập giá Đức Giêsu.

Nhưng bí tích Thánh Thể không hiện tại hóa biến cố thập giá chỉ cho chúng ta mà thôi; như vậy ít quá: tiên vàn, chính cho Chúa Cha mà bí tích làm cho biến cố ấy thành hiện tại. Mỗi lần “bẻ bánh”, khi linh mục bẻ bánh thánh, thì như thể bình trắng nuột của nhân tính Đức Kitô lại vỡ ra, đúng như điều đã xẩy ra trên thập giá, như thể hương thơm sự vâng phục của Ngài còn bay lên để làm mủi lòng Chúa Cha. Cũng như khi Isaác hít mùi áo thơm của Giacóp, chúc lành cho cậu mà nói: “Kìa mùi thơm con tôi như mùi thơm cánh đồng Đức Chúa đã chúc phúc” (St 27,27).

Nếu chúng ta tự hỏi làm thế nào mà biến cố thập giá không bao giờ được hoàn tất cách hoàn hảo, giống như mọi sự kiện lịch sử khác, nhưng ngược lại nó tiếp tục còn được hiện tại hóa hôm nay, câu trả lời cuối cùng chính là: Chúa Thánh Thần. Lặp lại lời thánh Basiliô, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII tuyên bố trong thông điệp về Chúa Thánh Thần: “Đức Kitô đã hoàn tất mọi công trình của Ngài, đặc biệt hy tế của Ngài nhờ sự can thiệp của Chúa Thánh Thần (praesente Spiritu)”; trong thánh lễ, trước lúc chịu lễ, linh mục cầu nguyện như sau: “Lậy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, theo ý Chúa Cha và với sự cộng tác của Chúa Thánh Thần, Chúa đã chết để cho thế gian được sống…”. Nền tảng của mọi sự chính là lời Kinh Thánh trong thư Dt 9,14: “Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa”. Những lời như vậy rọi một ánh sáng mới trên biến cố thập giá; biến cố là “thuộc linh” nếu chúng ta hiểu nó được thực hiện trong Chúa Thánh Thần, Đấng là tình yêu, đã khơi dậy từ trong nơi sâu thẳm của linh hồn nhân loại của Đức Kitô hành vi hiến mình cho Chúa Cha vì chúng ta, và là Đấng đã làm cho Ngài ôm lấy thập giá.

Trong đoạn văn trên, Chúa Thánh Thần được gọi là “hằng hữu”: hằng hữu hay vĩnh viễn ở đây có nghĩa là sẽ không có kết thúc như các hy tế của Cựu Ước, nhưng kéo dài hôm nay và luôn mãi tới tận thế. Chính nhờ Thánh Thần hằng hữu mà Đức Giêsu đã lãnh được ơn cứu chuộc “vĩnh viễn” (x. Dt 9,12). Tự nó, hy tế thập giá được hoàn tất lúc Đức Giêsu gục đầu xuống và tắt thở. Thế nhưng ở nơi Ngài như có một ngọn lửa ẩn giấu mà không gì, ngay cả cái chết, có thể dập tắt một khi được thắp lên. Đức Giêsu Nadarét, với tư cách như thế, không mãi mãi ở giữa ta, nhưng Ngài trở lại cùng Chúa Cha; ngược lại, Thần Khí của Ngài ở với ta đến muôn đời. Chính đó là ngôn ngữ của Đức Giêsu khi Ngài nói với những kẻ chất vấn Ngài: “Chúng tôi đã học biết trong sách Luật rằng : Đấng Kitô phải trường tồn mãi mãi. Thế sao ông lại nói : Con Người phải được giương cao?” (Ga 12,34). Ở một đoạn sau, Đức Giêsu gián tiếp trả lời: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14,16). Đức Kitô ở lại luôn mãi khi ban cho các môn đệ Thần Khí của Ngài, Đấng sẽ ở với họ luôn mãi (H. Muhlen). Do đó chúng ta hiểu vì sao, theo một nghĩa nào đó, hy tế thập giá có thể còn kéo dài. Cũng như cả cuộc đời của Đức Giêsu, hy tế ấy vừa kết thúc vừa không kết thúc, vừa nhất thời vừa vĩnh cửu: nhất thời theo lịch sử, vĩnh cửu theo Thần Khí. Các bí tích của Giáo Hội, đặc biệt bí tích Thánh Thể, trở thành khả thể nhờ Thần Khí Đức Giêsu sống trong Giáo Hội. Từ nền tảng thần học này người ta thấy lộ ra tầm quan trọng của kinh epiclesis, kinh khẩn cầu Chúa Thánh Thần trong thánh lễ, lúc thánh hiến lễ vật.

Trên thập giá, Đức Giêsu gục đầu “tắt thở”, có nghĩa là “trao Thần Khí” (Ga 19,30); mỗi thánh lễ có thể được coi như hơi thở cuối cùng của Đức Giêsu, không bao giờ tắt, sẽ trở lại bay lượn trên chúng ta, khuấy động không khí, nếu có thể nói được như vậy, để làm cho cộng đoàn đầy tràn sự hiện diện của Đức Kitô. Điều lạ lùng đã xẩy ra nhờ lời cầu nguyện của Elia trên núi Camêlô, khi lửa từ trời xuống thiêu rụi củi và của lễ (x. 1V 18,20 tt), điều lạ ấy được lặp lại một cách hoàn toàn thiêng liêng và vô hình.

Đến lượt chúng ta, nếu chúng ta cử hành Thánh Thể – như Đức Giêsu đã làm trên thập giá – “kết hợp với Chúa Thánh Thần, Ngài sẽ ban cho những cử hành của chúng ta một tiếp nhận mới và một ánh sáng mới. Quả thực, Ngài sẽ làm cho chúng ta trở thành điều chúng ta xin trong lễ quy, là thành “một hy tế vĩnh cửu làm đẹp lòng Thiên Chúa”.

(R. Cantalamessa, L’Eucharistie, notre sanctification, Centurion 1989, chap. 1)

Lm Micae Trần Đình Quảng

 


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều