“ĐÂY LÀ MÌNH THẦY

HIẾN TẾ VÌ ANH EM”

Thánh Thể làm nên Giáo Hội

nhờ việc truyền phép

 

Bài suy niệm trước giúp chúng ta nhìn Thánh Thể trong lịch sử cứu độ, trong đó Thánh Thể hiện diện trước hết như hình bóng, rồi như biến cố và cuối cùng như bí tích. Lúc này và trong những bài suy niệm tiếp theo, chúng ta hoàn toàn tập chú vào Thánh Thể-bí tích, nói khác đi, vào cách mà chúng ta hôm nay nhận thấy Thánh Thể trong Giáo Hội.

Trong viễn tượng mới này, chúng ta thấy Thánh Thể không như điểm nằm ở trung tâm một đường thẳng nữa (đường trải dài từ xuất hành tới quang lâm), mà ở trung tâm một vòng tròn. Vòng tròn lý tưởng này biểu thị Giáo Hội, một Giáo Hội ngày hôm nay trong đời sống cụ thể của mình. Chúng ta cũng có thể hình dung trong trí ba vòng tròn đồng tâm: vòng tròn lớn nhất là vũ trụ; trong vũ trụ, có vòng tròn nhỏ hơn là Giáo Hội; cuối cùng, trong vòng tròn thứ hai này, một vòng tròn khác còn nhỏ hơn nữa (mặc dù trên thực tế nó chứa đựng cả vũ trụ), đó là Bánh thánh. Chúng ta thấy Thánh Thể như trung tâm và mặt trời, không những của Giáo Hội, mà của phần còn lại của nhân loại nữa, và của cả vũ trụ thậm chí vô tri. Chỉ có sự khác biệt này: Giáo Hội có Đức Giêsu nơi trung tâm của mình, và biết điều đó ; vũ trụ cũng có Đức Giêsu là trung tâm, nhưng không biết điều đó.

Tương quan Thánh Thể-Giáo Hội, đối tượng mà chúng ta đang suy niệm, không có gì tĩnh, nhưng động và hoạt động; vì vậy nói Thánh Thể ở giữa lòng Giáo Hội thì không đủ, mà phải nói: Thánh Thể làm nên Giáo Hội. Thánh Thể xây dựng Giáo Hội bằng cách ở trong Giáo Hội, như dệt áo mặc cho Giáo Hội. Có hai bí tích làm nên Giáo Hội cách đặc biệt: phép Rửa Tội và phép Thánh Thể. Thế nhưng, trong khi Giáo Hội tăng trưởng về con số và trong không gian nhờ phép Rửa Tội, tăng trưởng về số lượng nếu nói được như thế, thì nhờ Thánh Thể, Giáo Hội tăng trưởng về cường độ, vì Thánh Thể làm biến đổi Giáo Hội ngày một sâu sắc, theo hình ảnh của đầu Giáo Hội là Đức Kitô. Nước Trời giống như men người đàn bà lấy ủ vào trong ba thúng bột (x. Mt 13,33); Thánh Thể cũng giống như men; Đức Giêsu đặt vào trong khối bột là Giáo Hội, làm cho cả Giáo Hội dậy men. Giáo Hội trở thành một tấm bánh như Ngài. Nếu Giáo Hội là men cho thế gian, thì Thánh Thể là men cho Giáo Hội.

Thánh Thể làm nên Giáo Hội bằng nhiều cách và ở những thời điểm khác nhau, nghĩa là Thánh Thể biến đổi Giáo Hội trong Đức Kitô: nhờ việc truyền phép, rước lễ, chiêm niệm, bắt chước. Hôm nay, chúng ta chỉ suy niệm cách thế hay thời điểm đầu tiên: Thánh Thể làm nên Giáo Hội nhờ việc truyền phép.

“Ngài bẻ bánh”

Chúng ta đọc trong thư Rôma lời của thánh Tông Đồ: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hay hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (Rm 12,1). Thế nhưng những lời này tự động làm nhớ lại những lời của Đức Giêsu trong bữa cuối: “Các con hãy cầm lấy mà ăn : này là mình Thầy sẽ bị nộp vì các con”. Vì vậy, khi thánh Phaolô khuyên chúng ta hiến dâng thân xác mình làm của lễ, thì như thể ngài nói rằng: cả anh em nữa, anh em hãy làm điều Đức Giêsu Kitô đã làm, cả anh em nữa, anh em hãy tạ ơn Thiên Chúa. Ngài đã hiến dâng mình cho Thiên Chúa làm của lễ ngọt ngào; cả anh em nữa, anh em cũng hãy hiến dâng mình làm của lễ sống động và đẹp lòng Thiên Chúa.

Nhưng lời khuyên hành động tương tự, thì chính Đức Giêsu cũng đã nói với chúng ta, chứ không chỉ có Phaolô. Sau khi lập phép Thánh Thể, khi truyền lệnh: “Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19), thực ra, Đức Giêsu không chỉ có ý định nói: Hãy làm chính xác những cử chỉ Thầy đã làm, hãy lặp lại nghi thức Thầy vừa thực hiện; nhưng Ngài còn muốn nói: hãy đi vào tận bề sâu của sự việc Thầy đã làm; cả các con nữa, hãy hiến dâng thân mình các con làm của lễ. Các con thấy rõ việc Thầy đã làm. “Thầy đã nêu gương cho các con, để các con cũng làm như Thầy đã làm cho các con” (Ga 13,15). Đúng hơn, có một điều gì đó còn cấp bách hơn, in dấu buồn phiền hơn trong lệnh truyền của Đức Giêsu. Chúng ta là thân thể của Ngài, là chi thể của Ngài (x. Cr 12,12), vì vậy, như thể Đức Giêsu nói với chúng ta: cho phép Thầy hiến dâng cho Chúa Cha chính thân thể của Thầy là các con; đừng ngăn cản Thầy hiến dâng mình Thầy cho Chúa Cha; nhưng Thầy không thể hiến dâng mình hoàn toàn cho Chúa Cha, bao lâu còn có một chi thể ở đâu đó không muốn hiến dâng mình với Thầy. Vậy hãy hoàn tất điều còn thiếu cho lễ dâng của Thầy. Niềm vui viên mãn của Thầy tùy thuộc vào các con.

Với một cái nhìn mới, chúng ta hãy xem xét lúc truyền phép Thánh Thể, vì theo thánh Augustinô, từ đây chúng ta biết rằng “cũng chính là mầu nhiệm của chúng ta đang được cử hành trên bàn thờ” (Serm, 272 ; PL 38, 1247). Như tôi đã nói, để cử hành Thánh Thể trong chân lý, cả chúng ta nữa cũng phải “làm” điều Đức Giêsu đã làm. Đức Giêsu đã làm gì trong đêm đó? Trước hết, Ngài làm một cử chỉ: bẻ bánh; cử chỉ đó, tất cả các trình thuật về việc lập Thánh Thể đều làm nổi bật, đến nỗi rất nhanh chóng Thánh Thể được gọi là việc “bẻ bánh” (fractio panis). Ý nghĩa của cử chỉ này thế nào, có lẽ chúng ta chưa hiểu cho đầy đủ. Tại sao Đức Giêsu lạ bẻ bánh? Để cho mỗi người một miếng, nói khác đi, để cho các môn đệ của mình chăng? Không phải. Cử chỉ này tiên vàn có một tầm quan trọng hy tế giữa Đức Giêsu và Cha của Ngài. Nó không chỉ có nghĩa là chia phần, nhưng còn có nghĩa sát tế. Bánh là chính Ngài; khi bẻ bánh, Đức Giêsu cũng “bẻ vỡ” chính mình theo lời Isaia gán cho người Tôi Trung của Đức Chúa: người đã bị nghiền nát (attritus) vì chúng ta lỗi lầm (x. Is 53,5). Một con người, cũng là Con Thiên Chúa, bẻ vỡ mình trước Thiên Chúa, nghĩa là “vâng lời cho đến chết” để tái khẳng định những quyền của Thiên Chúa bị xúc phạm vì tội lỗi, để nói lên rằng Thiên Chúa là Thiên Chúa. Không thể dùng lời nói cắt nghĩa yếu tính của hành vi bên trong làm tăng gấp đôi cử chỉ bẻ bánh. Đối với chúng ta, hành vi này có vẻ khắc nghiệt và tàn bạo, ngược lại, đây chính là hành vi cao cả nhất của tình yêu dịu dàng chưa từng được thực hiện hoặc có thể được thực hiện ở trần gian. Khi truyền phép, linh mục cầm lấy tấm bánh mỏng manh và lặp lại những lời: “(Người) bẻ ra…”, ngài có thể có được một phần tình cảm mà Đức Giêsu đã có vào lúc ấy: làm thế nào ý muốn nhân loại của Ngài phó mặc hoàn toàn cho Chúa Cha, khi hoàn toàn thắng được mọi kháng cự, và lặp lại cho mình những lời rất quen thuộc của Kinh Thánh: “Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lậy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (x. Dt 10,5-9). Cái mà Đức Giêsu ban cho các môn đệ để ăn, chính là bánh của vâng phục và yêu mến Chúa Cha.

Như vậy tôi hiểu rằng, để “làm” điều Đức Giêsu đã làm trong đêm đó, trước hết tôi phải “bẻ” chính tôi, tức là trước mặt Thiên Chúa tôi phải bỏ đi mọi sự cứng nhắc của tôi, mọi phản động chống lại Người và chống lại anh em, tôi phải bẻ gẫy tính kiêu căng của tôi, phải thuận theo và nói “có” tận đáy lòng trước những gì Thiên Chúa đòi hỏi nơi tôi; tôi cũng phải lặp lại cho mình những lời này: Lậy Thiên Chúa, này con đây, con đển để thực thi ý Ngài. Chúa không muốn nơi con biết bao nhiêu sự; Chúa muốn chính con, và con thưa với Chúa lời “xin vâng”. Là Thánh Thể như Đức Giêsu, điều này không muốn nói gì khác hơn là hoàn toàn phó mình cho ý muốn của Chúa Cha.

“Tất cả các con hãy cầm lấy mà ăn…”

Theo Mt 26,26 và Lc 22,19, sau khi bẻ bánh, phân phát cho các môn đệ, Đức Giêsu nói thêm: “Các con hãy cầm lấy mà ăn: này là mình Thầy sẽ bị nộp vì các con”. Về điểm này, cho phép tôi chia sẻ một kinh nghiệm nho nhỏ: tôi đã khám phá ra rằng cả những lời này, cũng như cử chỉ bẻ bánh, phải biến chúng thành “của chúng ta” như thế nào; tóm lại tôi đã khám phá ra tầm quan trọng về phương diện Giáo hội và cá nhân của việc truyền phép Thánh Thể.

Trước đây không lâu, tôi đã có những nghi thức của tôi vào lúc truyền phép trong Thánh lễ: nhắm mắt, cúi đầu, tìm cách không để ý đến bất cứ điều gì xung quanh, để đồng hóa với Đức Giêsu trong phòng Tiệc ly, lúc mà trước khi chết, lần đầu tiên Ngài đọc những lời: các con hãy cầm lấy mà ăn. Vả lại, phụng vụ cũng ủng hộ thái độ này: chúng ta cúi xuống trước hình bánh rượu, đọc nhỏ những lời truyền phép bằng tiếng la tinh. Rồi một ngày kia, tôi hiểu rằng một thái độ như thế, tự nó, không diễn tả được tất cả những gì mà sự tham dự của tôi vào việc truyền phép muốn nói. Đức Giêsu của phòng Tiệc ly không còn nữa. Từ đây, chính là Đức Giêsu Phục Sinh hiện hữu. Nói cho chính xác: Đức Giêsu đã chết, nhưng từ đây Ngài là Đấng hằng sống (x. Kh 1,18).

Tuy nhiên Đức Giêsu đang bàn là “Đức Kitô toàn thể”, Đầu và Thân Thể vĩnh viễn liên kết với nhau. Khi ấy, nếu Đức Kitô toàn thể đọc lời truyền phép, thì tôi cũng đọc cùng với Ngài. Trong cái “Tôi” lớn của Đầu ẩn giấu cái “tôi” nhỏ của Thân Thể là Giáo Hội; và cũng chính cái “tôi” nhỏ bé nhất của tôi nói như vậy với cộng đoàn: “Anh em hãy cầm lấy mà ăn, này là mình tôi sẽ bị nộp vì anh em”. Quả là mầu nhiệm trọng đại! Đức Giêsu làm cho tôi nên một với Ngài trong hành vi cao cả nhất, thánh thiện nhất của lịch sử: trong hành vi độc nhất hoàn toàn “xứng đáng với Thiên Chúa”, xứng đáng với sự thánh thiện và cao cả của Người. Hỡi các tầng trời, hãy ngạc nhiên lên; hỡi trái đất, hãy nhảy mừng lên; hỡi các thiên thần, hãy vui lên, và chớ gì ma quỷ phải run sợ: Thiên Chúa đã thực hiện ước mơ của mình khi tạo dựng vũ trụ; không gì, ngay cả tội lỗi, có thể ngăn cản Người: thụ tạo, trong một chuyển động bộc phát của tình yêu, được trả lại cho Người; thụ tạo đã hiến dâng làm của lễ quà tặng mà Thiên Chúa đã làm cho chúng.

Kể từ ngày hiểu ra điều đó, tôi không còn nhắm mắt lúc truyền phép, ngược lại, tôi nhìn anh chị em tụ họp trước mắt tôi, hoặc nếu tôi cử hành một mình, trí tôi liên kết với những người tôi sẽ gặp trong ngày, mà tôi sẽ dành thời giờ cho họ, hoặc hướng tới cả Giáo Hội, và hướng tới họ, tôi sẽ nói như Đức Giêsu: hãy cầm lấy mà ăn, này là mình tôi.

Tiếp đến, một số lời của thánh Augustinô khiến tôi hết nghi ngờ về giá trị của trực giác trên, làm chứng cho tôi là trực giác ấy đi đúng đường của truyền thống “tinh tuyền” nhất, cho dù giáo thuyết này bây giờ hơi bị lãng quên. Augustinô viết: “Tất cả thành đô được cứu chuộc, tức là cộng đoàn các thánh, được dâng cho Thiên Chúa làm của lễ chung, nhờ sự trung gian của Vị Thượng Tế, Đấng đã hiến mình trong cuộc khổ nạn vì chúng ta dưới hình hài một tôi tớ, để chúng ta làm thành thân thể của một Đầu quá vĩ đại. Giáo Hội cử hành mầu nhiệm này trong bí tích bàn thờ được người tín hữu biết rõ; trong bí tích này chúng ta thấy rằng trong cái Giáo Hội dâng thì chính là Giáo Hội được dâng (in ea re quam offert, ipsa offertur)” (La Cité de Dieu X, 6).

Lặp lại giáo thuyết này, một huấn thị của Thánh Bộ Nghi Lễ đã nói: “Cử hành thánh lễ không chỉ là hành vi của Đức Kitô, mà còn là của Giáo Hội. Quả thực, nơi Giáo Hội, một đàng lưu truyền qua dòng thời gian và theo cách không đổ máu hy tế được thực hiện trên thập giá, đàng khác, nhờ thừa tác vụ linh mục, hy tế ấy được dâng cho Chúa Cha vì ơn cứu độ của thế giới. Giáo Hội, hiền thê và tôi tớ Đức Kitô, khi cùng với Đức Kitô làm trọn vai trò là tư tế và tế vật, dâng Ngài cho Chúa Cha, đồng thời dâng mình hoàn toàn cùng với Ngài” (Eucharisticum Mysterium 3).

Vậy trong Thánh Thể, Giáo Hội, cùng một lúc và trong mỗi chi thể, là người dâng và người được dâng. Không thể tách hai hành động và gán cho chúng như thể Giáo Hội thừa tác (hàng tư tế) là Giáo Hội dâng, và phần còn lại của Giáo Hội, giáo dân, là Giáo Hội được dâng; mỗi chi thể của Giáo Hội lần lượt là tư tế và tế vật, dĩ nhiên vẫn tôn trọng sự khác biệt giữa chức tư tế thừa tác và chức tư tế phổ quát của mọi người được rửa tội. Vì sao? Vì Đức Giêsu, Đấng mà chúng ta liên kết, chính Ngài cùng lúc là tư tế và tế vật, “không lẫn lộn cũng không phân chia”: “Vì chúng ta, Ngài là tư tế, và trước mặt Chúa Cha, là hy tế: là tư tế chính vì là tế vật” (ideo sacerdos, qui sacrificium) (Augustinô, Conf. X, 43, 69). Chính đó là đặc tính độc nhất mà người ta không thể sao chép từ hy tế của Đức Kitô: đặc tính ấy có nguồn gốc từ mầu nhiệm ngôi hiệp của nhân tính và thần tính nơi một mình Đức Kitô. Do đó, trên bình diện cá nhân, là người duy nhất có tầm quan trọng cho sự thánh hóa chúng ta (trên bình diện thừa tác vụ thì không như vậy), một giám mục, một linh mục càng tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô, càng góp phần vào hy tế của Ngài; một người càng cùng với Đức Kitô hiến dâng mình cho Chúa Cha, càng thực sự hiến dâng Đức Kitô cho Chúa Cha. Nơi bàn thờ, linh mục hành động nhân danh Đức Kitô Thượng Tế, nhưng cũng nhân danh (in persona) Đức Kitô Tế Vật tối cao.

Cách nhìn việc truyền phép Thánh Thể này hoàn toàn rõ ràng và bảo đảm. Trên bàn thờ, chúng ta có hai thân thể Đức Kitô: thân thể thật sự (“sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria”, đã sống lại và lên trời) và thân thể mầu nhiệm là Giáo Hội. Như vậy, trên bàn thờ, thân thể thật sự của Ngài hiện diện thật cũng như thân thê thể mầu nhiệm của Ngài hiện diện cách mầu nhiệm: cách mầu nhiệm, do vĩnh viễn kết hợp với Đầu. Không có lẫn lộn nào giữa hai cách hiện diện rất khác nhau, nhưng cũng không có tách biệt nào cả. Lễ dâng của ta và của Giáo Hội mà không có lễ dâng của Đức Giêsu sẽ không là gì hết; không thánh thiện, không đẹp lòng Thiên Chúa, vì chúng ta chỉ là những thụ tạo tội lỗi; nhưng lễ dâng của Đức Giêsu mà không có lễ dâng của Giáo Hội là thân thể Ngài, cũng sẽ không đủ (chúng ta cần hiểu cho đúng: không đủ cho việc cứu độ thụ động, nói khác đi: để lãnh nhận ơn cứu độ; chứ không phải cho việc cứu độ năng động mang lại ơn cứu độ), vì quả thực Giáo Hội, cùng với thánh Phaolô, có thể nói: tôi bổ khuyết nới thân xác tôi những gì còn thiếu cho cuộc khổ nạn của Đức Kitô (x. Cl 1,24).

Vì trên bàn thờ có hai của lễ và hai hiến vật: một sẽ trở nên mình và máu Đức Kitô (bánh và rượu), và một sẽ trở nên thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô, nên trong thánh lễ, chúng ta có hai epiclesis hay hai lời khẩn nguyện với Chúa Thánh Thần. Trong lời khẩn nguyện thứ nhất, chúng ta khiêm tốn nài xin Chúa “sai Thánh Thần đến thánh hóa những của lễ này để trở nên Mình và Máu Đức Giêsu Kitô” ; sau truyền phép là kinh khẩn nguyện thứ hai: “được đầy tràn Thánh Thần, xin cho chúng con trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô…Xin Chúa Thánh Thần biến đổi chúng con thành của lễ muôn đời dâng hiến Chúa”.

Từ đây, chúng ta biết Thánh Thể làm nên Giáo Hội như thế nào: Thánh Thể làm nên Giáo Hội bằng cách làm cho Giáo Hội trở thành một thánh thể. Một cách chung chung, Thánh Thể không chỉ là nguồn mạch sự thánh thiện của Giáo Hội hay sự nghiệp của Giáo Hội, mà còn là “mô thức”, kiểu mẫu của sự thánh thiện đó. Sự thánh thiện của người Kitô hữu phải được thực hiện dựa trên “mô thức” Thánh Thể; nó phải là sự thánh thiện thánh thể. Người Kitô hữu không thể chỉ bằng lòng với việc cử hành Thánh Thể, họ phải thánh thể với Đức Giêsu.

“Này là Mình Thầy, này là Máu Thầy”

Từ giáo thuyết trên đây, chúng ta có thể rút ra những kết quả thực tiễn cho đời sống thường ngày của chúng ta. Nếu khi truyền phép, chính chúng ta nữa, chúng ta cũng nói với các anh chị em: Hãy cầm lấy mà ăn, vì này là mình tôi, hãy cầm lấy mà uống, vì này là máu tôi, chúng ta phải biết đâu là ý nghĩa của “mình” và “máu”, để biết những gì chúng ta hiến dâng.

Vậy Đức Giêsu đã muốn ban gì trong bữa Tiệc ly khi Ngài nói: Này là mình Thầy? Theo Kinh Thánh, thuật ngữ “mình” không chỉ một thành tố hay một thành phần của con người, kết hợp với những thành tố khác là linh hồn và tinh thần, để làm nên con người toàn vẹn. Chúng ta lý luận như thế với tư cách là những người kế thừa văn hóa Hy lạp, xét con người ở ba cấp độ: thân xác, linh hồn và tinh thần (tricotomisme). Trong ngôn ngữ của Kinh thánh, của Đức Giêsu và Phaolô, thân xác chỉ con người toàn diện, sống đời sống của mình trong một thân xác, trong điều kiện thân xác và phải chết. Trong Phúc Âm thứ tư, Gioan dùng từ “xác thịt” thay cho “thân xác” (“nếu các ngươi không ăn thịt Con người…”) và từ này, được sử dụng trong chương 6 của Phúc Âm, rõ ràng có cùng nghĩa như trong chương thứ nhất: “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt”, tức người phàm. Vậy thân xác chỉ tất cả cuộc sống con người. Khi Đức Giêsu lập phép Thánh Thể, Ngài đã ban tặng tất cả cuộc sống của mình, từ giây phút nhập thể đầu tiên tới lúc cuối cùng, với tất cả những gì choán đầy cuộc sống này: thinh lặng, mồ hôi, mệt nhọc, cầu nguyện, chiến đấu, nhục nhã…

Đức Giêsu còn nói thêm: Này là máu Thầy. Còn có gì thêm trong từ “máu”, nếu trong thân xác, nó đã cho chúng ta tất cả sự sống? Cái chết! Sau khi đã ban cho chúng ta sự sống, Ngài còn ban cho chúng ta cái quý nhất trong sự sống là cái chết của Ngài. Quả thực theo Kinh Thánh, thuật ngữ “máu” không chỉ một thành phần của thân xác, một phần của một phần con người; nó chỉ một biến cố: sự chết. Nếu máu là trung khu của sự sống (như người ta nghĩ), sự kiện nó “đổ ra” là dấu chỉ cụ thể hóa của cái chết. “Ngài vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Ngài yêu thương họ đến cùng” Ga 13,1). Thánh Thể là mầu nhiệm thịt và máu Chúa, nói cách khác, mầu nhiệm sự sống và sự chết của Chúa.

Giờ đây, liên hệ đến chúng ta, chúng ta phải hiến dâng gì, khi cùng một lúc với Đức Giêsu, chúng ta hiến dâng mình và máu chúng ta trong Thánh lễ. Chúng ta dâng như Đức Giêsu: sự sống và sự chết của ta. Qua thuật ngữ “mình”, chúng ta dâng tất cả những gì góp phần làm nên cuộc sống chúng ta trong thân xác này: thời giờ, sức khỏe, năng lực, sở trường, tình cảm, dù chỉ là một nụ cười, nhưng tâm trí trong sáng và rất thường là một hạt ngọc vô giá. Thuật ngữ “máu” cho phép chúng ta nói lên sự hiến dâng cái chết của chúng ta; không nhất thiết phải chết vĩnh viễn, tử đạo vì Chúa và vì các anh chị em; thuộc về cái chết tất cả những gì ngay từ lúc này chuẩn bị nơi ta sự chết của ta và dự báo cái chết đó: nhục nhã, thất bại, bệnh tật và khuyết tật, nghèo nàn vì bị giới hạn bởi tuổi già, sức yếu, tất cả những gì làm ta “chết”. Như ta đã nghe, khi thánh Phaolô khuyên chúng ta hiến dâng “thân xác” mình, thì nơi ngài, thuật ngữ “thân xác” không chỉ giác quan và những ước muốn xác thịt mà thôi, nhưng là tất cả con người của ta, linh hồn và thân xác; hơn thế nữa, linh hồn, ý muốn, trí khôn. Quả thực, đây là điều ngài nói thêm: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổ mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2).

Đó là những đòi hỏi đang chờ đợi chúng ta khi tan thánh lễ ra về: chúng ta phải bắt tay vào việc để lời nói của chúng ta trở thành hành động, phải cố gắng hết sức, dù chúng ta còn nhiều hạn chế, hiến dâng “thân xác” cho anh chị em chúng ta: thời giờ, sức lực, sự lắng nghe, nói tắt là đời sống chúng ta. Khi Đức Giêsu nói: “Hãy cầm lấy…này là mình Thầy; hãy cầm lấy…này là máu Thầy, Ngài mau mắn giữ lời hứa: mấy giờ sau, Ngài đã ban cho chúng ta sự sống và máu của Ngài trên thập giá. Nếu không, tất cả đều như gió thoảng, một lời nói dối trá. Sau khi đã nói với các anh chị em: hãy cầm lấy mà ăn…, chúng ta phải để mình bị ăn trong thực tế, nhất là do những người không biết ăn cho khéo léo và tế nhị như chúng ta mong muốn. Hãy nhớ lại lời Đức Giêsu nói: nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, nếu anh em chào hỏi kẻ chào hỏi mình, nếu anh em mời những người chờ được anh em mời lại, thì anh em nào có công gì ? Mọi người đều làm như thế (x. Mt 5,47).

Trên đường đi Rôma để chịu chết, thánh Ignatiô Antiokia viết: “Tôi là hạt lúa mì của Đức Kitô: chớ gì tôi được răng thú dữ nghiền nát để trở thành bánh tinh tuyền cho Chúa”. Mỗi người chúng ta, nếu coi chừng tất cả những gì chung quanh, cũng sẽ có chút kinh nghiệm về sự độc dữ: những chỉ trích, mâu thuẫn, đối kháng công khai hay thầm kín, những dị biệt quan điểm với những người thân cận, những khác biệt về tính tình. Chúng ta nên tỏ ra biết ơn về sự giúp đỡ của những anh chị em như thế; họ vô cùng hữu ích cho chúng ta hơn là những người đồng ý với ta trong mọi chuyện, phỉnh nịnh chúng ta. Cũng thánh Ignatiô tử đạo còn viết ở chỗ khác: “Những người ca ngợi tôi là những người lên án tôi” (Tralliens 4).

Thử tưởng tượng điều gì sẽ xẩy ra nếu chúng ta tham dự thánh lễ theo cách cá nhân nhất, nếu mọi người chúng ta, vào lúc truyền phép, thực sự đọc to hay đọc thầm, theo tác vụ được gán cho mỗi người: hãy cầm lấy mà ăn. Chúng ta tưởng tượng coi…Một người mẹ trong gia đình tham dự như thế thì khi trở về nhà, bà bắt đầu một ngày với cả ngàn chuyện vặt vãnh; cuộc đời của bà theo đúng nghĩa là một sự xé vụn: chính là một thánh thể kết hợp với Đức Giêsu. Một nữ tu sống thánh lễ như thế thì cũng trở về với công việc thường ngày: trẻ em, người bệnh, người già. Cuộc sống của chị có thể chồng chất cả ngàn chuyện vặt vãnh, chiều về, không để lại một dấu vết nào, một ngày mất toi. Nhưng không phải vậy, chính là một thánh thể, đã “cứu” cuộc sống riêng của chị. Một linh mục, một cha sở, phương chi một giám mục cử hành thánh lễ như thế rồi ra đi: cầu nguyện, giảng dạy, giải tội, tiếp khách, thăm bệnh nhân, lắng nghe; ngày sống của ngài cũng là một thánh thể.

Đức Giêsu vẫn là một trong nghi thức bẻ bánh, thì cũng vậy, một đời sống hao mòn theo cách ấy vẫn giữ được sự duy nhất, không bị phân tán, và điều giữ cho nó được duy nhất, chính vì nó là thánh thể. Gioan vẫn là một trong việc bẻ bánh, vẫn là một khi ngài hiến thân chia sẻ. Một bậc thầy tu đức nói: “Ban sáng, khi tôi cử hành thánh lễ, chính tôi là tư tế và Đức Kitô là tế vật. Nhưng suốt ngày, chính Đức Giêsu là tư tế và tôi là tế vật” (cha Olivaint). Một linh mục noi gương “Mục Tử tốt” là như vậy, vì ngài thực sự ban mình cho các chiên của ngài.

Đừng quên rằng, khi nói điều đó, chúng ta cũng hiến dâng “máu” của ta, tức những chịu đựng và hãm mình của chúng ta. Đó là phần tốt nhất Thiên Chúa dành cho bất cứ ai trong Giáo Hội cảm thấy có nhu cầu hơn. Chính trong sự bất lực của chúng ta đi làm điều chúng ta muốn nhất, mà chúng ta có thể gần hơn với Bánh Thánh, Đức Kitô. Sau khi sống lại, Đức Giêsu nói với Phêrô: “Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng, và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn. Người nói vậy có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa” (Ga 21,18-19). Trước đó, Ngài đã nói với Phêrô ba lần: Hãy chăn dắt các chiên của Thầy, nhưng vào lúc này, Ngài giúp ông hiểu rằng chính bằng cái chết mà ông sẽ tôn vinh Thiên Chúa nhất.

Vì Thánh Thể, trên thế giới sẽ không có những cuộc đời vô ích nữa; không một ai còn nói: “Cuộc sống của tôi ích gì? Tại sao tôi được sinh ra?” Bạn được sinh ra vì một mục đích đẹp đẽ nhất: trở thành một hy tế sống động, một thánh thể cùng một lúc với Đức Giêsu.

Hãy đến với Chúa Cha

Có một bí mật: tự hiến hoàn toàn, không muốn giữ lại gì cho mình. Trên thập giá, Đức Giêsu là lễ dâng hoàn toàn, không một thớ thịt nào của thân xác, không một tình cảm nào của tâm hồn mà không hiến dâng cho Chúa Cha; trên bàn thờ có tất cả. Những gì giữ lại cho riêng mình đều mất hết, vì người ta chỉ có cái người ta cho đi. Thánh Phanxicô Assisi kết thúc một trang tuyệt diệu về thánh lễ, được ngài viết cho anh em linh mục họp tu nghị, ngài khuyên như sau: “Anh em thân mến, hãy nhìn xem sự khiêm nhường của Thiên Chúa và hãy mở rộng tâm hồn anh em ; anh em cũng hãy hạ mình để dược đưa lên. Đừng giữ lại cho mình những gì là của anh em, để anh em đón nhận hoàn toàn Đấng hiến mình hoàn toàn cho anh em”. Tác giả sách Gương Chúa Giêsu Kitô đặt vào môi miệng Chúa những lời sau đây: “Vì con, Ta đã dâng hiến toàn thân cho Chúa Cha. Ta cũng đã ban hết thịt và máu Ta làm lương thực. Ta hoàn toàn là của con và vì thế con phải mãi mãi là của Ta. Còn nếu con dậm chân tại chỗ, nếu con không tự động hiến thân con như Ta muốn, lễ vật con dâng không đầy đủ. Bởi vậy giữa Ta và con mối dây hiệp nhất se sao cho chặt” (IV, 8). Điều người ta giữ lại cho mình, giữ lại cho mình một chút tự do liên hệ tới Thiên Chúa, sẽ làm hỏng tất cả. Theo thánh Gioan Thánh Giá, chính là một sợi chỉ nhỏ khiến chim không thể bay bổng.

Vì vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta đáp lại lễ dâng của Đức Kitô bằng lễ dâng của chính chúng ta, theo lời của tác giả sách Gương Chúa Giêsu: “Lậy Chúa, mọi sự trên trời dưới đất đều thuộc về Chúa. Con ước ao hiến thân cho Chúa, hiến tự ý. Con muốn mãi mãi thuộc về Chúa. Với một tâm hồn đơn sơ, hôm nay con hiến thân cho Chúa, để mãi mãi phục vụ Chúa, theo mệnh lệnh Chúa, và luôn hy sinh cho vinh quang Chúa. Xin Chúa chấp nhận con làm một với lễ vật cực thánh, tức là Thánh Thể Chúa, trước mặt các thiên thần tham dự lễ tế này. Chớ gì lễ tế sinh nhiều kết quả cho con và cho toàn dân Chúa được cứu độ” (ibid., 9).

Nhưng tìm được sức mạnh tự hiến hoàn toàn như thế, ôm ngang lưng nhau, nếu có thể nói được như vậy, mà vươn lên tới Thiên Chúa, người ta tìm được ở đâu? Câu trả lời là: Chúa Thánh Thần. Kinh Thánh nói Đức Kitô hiến dâng mình cho Chúa Cha làm hy tế nhờ “Thần Khí vĩnh cửu” (Dt 9,14). Chúa Thánh Thần là khởi nguyên của mọi chuyển động đưa tới chỗ hiến mình; Người là “Quà Tặng” hoặc đúng hơn, “Đấng tự hiến”: trong Ba Ngôi, Người là hành vi của Chúa Cha ban mình cho Chúa Con và của Chúa Con cho Chúa Cha; trong lịch sử, Người là hành vi qua đó Thiên Chúa ban mình cho ta và, từ đây, ta cho Chúa Cha. Chính Người, trong tâm hồn Ngôi Lời nhập thể, tạo ra đà tiến đưa Ngài đến chỗ hiến dâng mình cho Chúa Cha vì chúng ta. Vì vậy, trong Thánh lễ, phụng vụ nài xin Người “làm cho chúng ta trở thành một hy lễ muôn đời đẹp lòng Thiên Chúa” (Kinh Nguyện Thánh Thể III).

Ở trên, tôi đả đề cập một câu của thánh tử đạo Ignatiô Antiokia. Tôi có bổn phận còn phải nhắc một câu khác ngài viết cho người Rôma, trong cùng lá thư trên. Để thuyết phục các Kitô hữu Rôma đừng làm gì để ngăn cản ngài chịu tử đạo, ngài thổ lộ cho họ một bí mật: “Nơi tôi có một dòng nước sinh sống thầm thì bên tai: Hãy đến với Chúa Cha !” Đó là tiếng nói của Thần Khí Đức Giêsu. Đức Giêsu một khi về bên Chúa Cha, từ đây có thể nói cho các môn đệ: Hãy đến, hãy làm cho con cùng với Ta làm thành một của lễ.

Chính Người, Thần Khi của Đức Kitô, đã gợi cho tông đồ Phaolô nói những lời chúng ta đã nghe lúc đầu : Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hay hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người.

(R. Cantalamessa, L’Eucharistie, notre sanctification, Centurion 1989, chap. 2)

Lm Micae Trần Đình Quảng

 


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều