I

“CHỚ GÌ MỌI MIỆNG LƯỠI TUYÊN XƯNG

ĐỨC GIÊSU LÀ CHÚA”

 

 

Đối với người Do Thái, ngày thánh nhất trong năm là Yom Kippour, ngày lễ “Xá tội”, thầy Thượng Tế mang máu tế vật, đi về phía bên kia của bức màn trong Đền thờ, ông vào trong “Nơi Cực Thánh”, ở đó, một mình trước Đấng Tối Cao, ông xướng lên Danh Thiên Chúa. Đây là Danh hiệu gồm bốn chữ và được mạc khải cho Môsê giữa bụi gai cháy. Nghiêm cấm bất cứ ai xướng lên Danh hiệu này, trong suốt thời gian còn lại của năm, và người ta thay thế Danh hiệu này bằng Adonai, có nghĩa là Chúa.

Danh hiệu này – tôi cũng không muốn xướng lên nữa, để tôn trọng sự nhạy cảm của dân Do thái, được Giáo Hội cầu nguyện cho, trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh – vậy Danh hiệu này, được công bố trong những hoàn cảnh này, tạo nên sự chuyển đạt giữa trời và đất, làm cho chính ngôi vị của Thiên Chúa hiện diện; Ngài xá tội cho dân, cho dù việc xá tội này đã chỉ là hình bóng của việc xá tội hoàn hảo do Đức Kitô sẽ thực hiện.

Dân Kitô giáo cũng có Yom Kippour của mình, ngày Đại xá, và chính ngày này mà chúng ta đang cử hành. Sự thực hiện này đã được công bố trong bài đọc hai của phụng vụ hôm nay, qua những lời của thư Do thái: “Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa” (Dt 4,14). Trong cùng lá thư này, chúng ta đọc thấy Đức Kitô “đã vào cung thánh không phải với máu con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình.” (Dt 9,12)

Cũng trong ngày hôm nay, mà chúng ta đang cử hành ngày Đại xá, không còn phải bằng hình bóng nhưng trong thực tại, không còn phải tội lỗi của một quốc gia, nhưng là của “cả thế gian nữa” (1Ga 2,2; Rm 3,25), một Danh hiệu được tuyên xưng. Trong câu tung hô trước Phúc Âm, có một lúc những lời của thánh Tông Đồ đã được hát lên: “Đức Kitô đã vâng lời cho nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập tự. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban Danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu”, Chính thánh Tông Đồ cũng không tuyên xưng Danh hiệu cao cả, nhưng thay thế bằng danh hiệu Adonai, tiếng Hy lạp là Kyrios, tiếng la tinh là Dominus, tiếng Việt là Chúa, như phần tiếp theo của bản văn minh chứng: “Để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô là Chúa.” (Pl 2,11) Điều ngài muốn nói qua tiếng “Chúa”, chính là Danh hiệu này, Danh hiệu diễn tả  Yếu tính của Thiên Chúa. Chúa Cha đã ban cho Đức Kitô, cho tới tận nhân tính của Ngài, Danh hiệu riêng của mình và quyền năng riêng của mình (x. Mt 28,18): đó là chân lý kỳ diệu chứa đựng trong lời công bố: “Đức Giêsu Kitô là Chúa”. Đức Giêsu Kitô là “Đấng Hằng Hữu”, Đấng Hằng Sống.

Thánh Phaolô không phải là người duy nhất công bố chân lý ấy. Đức Giêsu nói trong Phúc Âm Gioan: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giớ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu.” (Ga 8,28) Ngài còn nói: “Nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết.” (Ga 8,24) Kể từ nay, việc xóa bỏ tội lỗi được thực hiện nơi Danh hiệu này, nơi Ngôi Vị này. Chúng ta vừa mới nghe trong trình thuật Khổ Nạn điều xẩy ra khi những người lính tiến lại gần Đức Giêsu để bắt Ngài. Ngài hỏi: “Các anh tìm ai?” Họ đáp: “Tìm Giêsu Nadaret”. Đức Giêsu nói: “Chính tôi đây” (dịch theo mặt chữ: Tôi Hằng Hữu). “Khi Ngài vừa nói: “Chính tôi đây”, thì họ lùi lại và ngã xuống đất.” (Ga 18,4-6) Tại sao họ lùi lại và ngã xuống đất? Vì Đức Giêsu đã nói ra Danh hiệu thần linh của mình bằng tiếng Hy lạp: “Ego eimi – Tôi Hằng Hữu”, và lập tức tiếng này đã có thể phát ra quyền lực. Ngay cả đối với thánh sử Gioan, Danh hiệu thần linh này liên kết chặt chẽ với sự vâng phục của Đức Giêsu cho đến chết: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy.” (Ga 8,28) Đức Giêsu không phải là Chúa chống lại Chúa Cha hay thay thế Chúa Cha, nhưng “để tôn vinh Thiên Chúa Cha” (Pl 2,11).

***

Đó là đức tin mà Giáo hội thừa hưởng từ các Tông Đồ, một đức tin đã thánh hóa nguồn gốc của Giáo hội, đã làm nên việc phụng tự, thậm chí nghệ thuật của Giáo hội. Trên vòng hào quang của Đức Kitô Pantocrator (Chúa Tể mọi sự) nơi các cửa sổ kính mầu và các icône (linh ảnh) cổ thời, người ta viết bằng những chữ vàng ba chữ Hy lạp “ΟΩΝ – Đấng Hằng Hữu”. Chúng ta ở đây để thức tỉnh đức tin này, cho dù nó phải hồi sinh từ các tảng đá.

Trong những thế kỷ đầu của Giáo hội, ở tuần lễ tiếp theo phép Rửa tội – cũng là tuần Bát nhật Phục sinh – người ta tiết lộ và chuyển đạt cho các người tân tòng những thực tại thánh thiêng nhất của Kitô giáo, mà người ta đã không cho họ biết cho tới lúc này, hoặc chỉ cho họ thấy một vài ám chỉ, do “luật bảo mật” đang thịnh hành. Người ta từng ngày khai tâm cho họ biết các “mầu nhiệm” – Rửa tội, Thánh Thể, Kinh Lạy Cha – và hệ thống biểu tượng của chúng, do đó người ta gọi huấn giáo này là “nhiệm tính” (mystagogique). Đây là một kinh nghiệm độc nhất, in dấu không phai mờ trong cả cuộc đời, không phải do cách thức diễn tiến của nó cho bằng, đúng hơn, do nét cao cả của những thực tại thiêng liêng mà mắt họ được thấy. Tertullianô kể rằng các người trở lại “đã run lên vì sợ hãi trước ánh sáng chân lý [1]”.

Ngày nay, không còn những chuyện đó nữa. Theo dòng thời gian, mọi sự đã thay đổi. Nhưng chúng ta có thể tái tạo những thời điểm như những thời điểm đó. Phụng vụ còn cho ta những cơ hội. Một trong những cơ hội đó là phụng vụ trọng thể Thứ Sáu Tuần Thánh hôm nay. Chiều nay, nếu phụng vụ làm chúng ta chú ý, thì Giáo hội có điều gì đó “tiết lộ” và “chuyển đạt” cho chúng ta, như cho các người tân tòng. Phụng vụ chuyển đạt cho chúng ta quyền làm chúa của Đức Kitô, tiết lộ cho chúng ta bí mật mà thế gian không được biết, là “Đức Giêsu là Chúa” (x. Rm 10,9; 1Cr 12,3), và mọi người phải quỳ gối trước mặt Ngài. Ước mong một ngày nào đó, mọi người cũng sẽ nhất thiết quỳ gối trước mắt Ngài (x. Is 45,23). Qua lời Thiên Chúa, davar, người ta nói rắng trong Cựu Ước lời ấy “rơi xuống Israel” (x. Is 9,7), “đến với người nào đó”. Và giờ đây lời ấy, “Đức Giêsu là Chúa”, tột đỉnh của mọi lời, “rơi” xuống chúng ta, xuống cộng đoàn này, thực sự trở thành sống động, ở đây, ngay giữa trung tâm của Giáo hội công giáo. Nó đi qua như ngọn đuốc cháy rực ngày xưa đi qua giữa những con vật đã bị xẻ đôi, do Abraham chuẩn bị cho hy tế giao ước (x. St 15,17).

“Chúa” là danh hiệu thần linh liên hệ với chúng ta còn mật thiết hơn. Thiên Chúa là “Thiên Chúa” và là “Cha” trước khi có thế gian, các thiên thần và loài người, nhưng Ngài chưa phải là “Chúa”, Ngài trở nên Chúa, Dominus, từ lúc có thụ tạo, mà Ngài thi hành “quyền thống trị” trên chúng, và chúng tự do chấp nhận sự thống trị này. Nơi Ba Ngôi, không có những “Chúa”, vì không có tôi tớ, nhưng cả ba bằng nhau. Theo một cách nào đó, chính chúng ta làm cho Thiên Chúa thành “Chúa”! Sự thống trị thần linh ấy, bị tội lỗi khước từ, đã được phục hồi nhờ sự vâng phục của Đức Kitô, Ađam mới. Nơi Đức Kitô, Thiên Chúa lại trở thành Chúa, với một tước hiệu mạnh hơn: nhờ việc sáng tạo và Cứu chuộc, Thiên Chúa tái khởi sự cai trị nhờ thập giá! Regnavit a ligno Deus. “Vì Đức Kitô đã chết và sống lại chính là để làm chúa kẻ sống cũng như kẻ chết” (Rm 14,9).

***

Sức mạnh khách quan của câu “Đức Giêsu là Chúa” ở chỗ nó hiện tại hóa lịch sử. Nó kết luận cho hai biến cố nền tảng: Đức Giêsu đã chết vì tội lỗi chúng ta; Ngài đã sống lại để ta được nên công chính; vì vậy Đức Giêsu là Chúa! Tiếp đến những biến cố chuẩn bị cho nó, có thể nói, ẩn giấu trong kết luận này, nhờ đó, khi nó được công bố với lòng tin, những biến cố đó từ đây trở thành hiện tại và tác động: “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ” (Rm 10,9).

Có hai cách căn bản hiệp thông với những biến cố cứu độ: một cách là bí tích, một cách là lời. Cách chúng ta đang nói là lời, cách thức tuyệt vời, được gọi là Kérygme (Khởi giảng). Kitô giáo có rất nhiều thí dụ và kiểu mẫu kinh nghiệm về Thiên Chúa. Linh đạo Chính thống giáo nhấn mạnh kinh nghiệm về Thiên Chúa trong các “mầu nhiệm”, trong tâm nguyện… Linh đạo Tây phương nhấn mạnh kinh nghiệm về Thiên Chúa trong việc chiêm niệm, khi người ta hồi tâm, và nhờ thần trí, đưa mình lên trên những sự vật và chính mình…Tóm lại, có nhiều “hành trình của tâm trí hướng về Thiên Chúa”. Nhưng lời Chúa tiết lộ cho ta một hành trình giúp mở rộng chân trời thần linh cho những thế hệ Kitô hữu đầu tiên, một hành trình không có gì khác thường và không dành cho một số người ưu tuyển nào, nhưng mở rộng cho mọi người có tâm hồn ngay chính – cho những người tin và những người đang tìm kiếm đức tin – ; một hành trình không leo những cấp bậc của chiêm niệm, nhưng những cấp bậc của các biến cố thần linh cứu độ; một hành trình không phát sinh từ thinh lặng, nhưng từ việc lắng nghe; đó là hành trình của Khởi giảng: “Đức Giêsu Kitô đã chết! Đức Giêsu Kitô đã sống lại! Đức Giêsu Kitô là Chúa!”

Có lẽ chính loại kinh nghiệm này mà các Kitô hữu đầu tiên đã trải qua, khi mà trong phụng tự họ kêu lên: “Maranatha!” (1Cr 16,22), một lời kêu biểu thị hai việc, tùy theo cách người ta kêu, tức là: “Lạy Chúa, xin hãy đến!”, hoặc: “Chúa đến”. Nó có thể diễn tả một niềm khao khát được Đức Kitô trở lại, hoặc sự nồng nhiệt đáp lại sự “tỏ hiện của Đức Kitô trong phụng tự”, nghĩa là đáp lại sự bày tỏ của Ngài trong cộng đoàn cầu nguyện.

Tình cảm về sự hiện diện này của Chúa phục sinh là một loại soi sáng bên trong đôi khi làm thay đổi hoàn toàn tình trạng tâm hồn của người có nó. Nó nhắc lại tình cảm đã xẩy ra khi Đấng Phục Sinh hiện ra với các môn đệ. Một hôm sau ngày Phục sinh, các Tông đồ đi đánh cá ở biển hồ Tibêria, thì xuất hiện trên bờ một người nói với họ từ xa. Tất cả đều bình thường cho tới lúc họ than phiền không bắt được gì, như chuyện thường xẩy ra với các ngư phủ. Nhưng rồi nơi tâm hồn một người trẻ trong bọn – người môn đệ Đức Giêsu yêu – một luồng sáng bất ngờ bùng lên; anh nhận ra Ngài và kêu: “Chúa đó” (Ga 21,7). Lúc ấy, ngay lập tức mọi sự thay đổi trên thuyền.

Từ đó, chúng ta hiểu tại sao Phaolô quả quyết “không ai có thể nói rằng “Đức Giêsu là Chúa” nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1Cr 12,3). Cũng như bánh trên bàn thờ trở thành mình hằng sống của Đức Kitô, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần xuống trên nó, tương tự như vậy, lời này trở thành “sống động và hữu hiệu” (Dt 4,12) nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần hoạt động trong nó. Đây là một biến cố thuộc ân sủng mà chúng ta có thể chuẩn bị, cổ võ và ước muốn, nhưng chúng ta không thể một mình gây ra. Thông thường, người ta không nhận ra nó bao lâu nó chưa xẩy ra, nhưng chỉ sau khi nó kết thúc, đôi khi hằng nhiều năm sau. Điều đã xẩy ra nơi tâm hồn người môn đệ Chúa yêu trên biển hồ Tibêria có lẽ xẩy ra cho một người nào đó hiện diện ở đây và lúc này, đó là “nhận ra” Chúa.

***

Trong câu “Đức Giêsu là Chúa”, cũng có một khía cạnh chủ quan, tùy thuộc người tuyên xưng. Đôi khi tôi tự hỏi tại sao ma quỷ, trong Phúc Âm, không bao giờ tuyên xưng tước hiệu này của Đức Giêsu. Chúng đi đến chỗ nói với Ngài: “Ông là Con Thiên Chúa”, hoặc “Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (x. Mt 4,3; Mc 3,11; 5,7; Lc 4,41);  nhưng không bao giờ chúng ta nghe thấy chúng kêu lên: “Ông là Chúa”. Câu trả lời hay nhất xem ra như sau. Nói “Ông là Con Thiên Chúa” là thừa nhận một thực tế không tùy thuộc chúng, chúng không thể nói khác được. Nhưng nói “Ông là Chúa” thì lại hoàn toàn khác, bao hàm một quyết định cá nhân, hàm chứa công nhận Ngài là như thế và phục tùng quyền làm chúa của Ngài. Nếu chúng công nhận điều này, tức khắc chúng không còn là quỷ nữa và trở lại làm các thiên thần.

Lời này thực sự phân chia hai thế giới. Nói “Đức Giêsu là Chúa” có nghĩa là đi vào lãnh vực thống trị của Ngài cách tự do. Như thể nói: Đức Giêsu là Chúa “của tôi”; Ngài là lý do hiện hữu của cuộc đời tôi; tôi sống “cho” Ngài và không còn sống “cho tôi” nữa. Thánh Phaolô viết thư cho tín hữu Rôma: “Không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa” (Rm 14,7-8). Mâu thuẫn cực độ mà con người luôn có kinh nghiệm – mâu thuẫn giữa sự sống và sự chết – đã bị vượt qua. Giờ đây, mâu thuẫn triệt để nhất không phải là giữa sự sống và sự chết, nhưng là giữa sống “cho Chúa” và sống “cho mình”. Sống “cho mình”, đó là danh hiệu mới của sự chết.

Sau ngày Phục sinh, lời công bố “Đức Giêsu là Chúa” đã thay thế cho lời công bố của Đức Giêsu khi Ngài đi rao giảng: “Triều đại Thiên Chúa đã đến với các ông” (x. Mt 12,28). Trước khi có sách Phúc Âm, ngay cả trước khi có dự án soạn thảo sách  Phúc Âm, đã có lời loan báo: “Đức Giêsu là Chúa”. Chính Ngài là Đấng Mêsia! Chính Ngài là Chúa! Mọi sự bắt đầu từ đó. Trong lời loan báo này, phát sinh cùng với ngày Phục sinh, đã chứa đựng tất cả sức mạnh của lời rao giảng Phúc âm, như trong hạt giống. Huấn giáo và thần học của Giáo hội là như một cây uy nghi lớn lên từ hạt giống này, Nhưng cũng như hạt giống tự nhiên, theo dòng thời gian, nó như được chôn vùi dưới cây mà nó làm ra. Lời Khởi giảng, trong ý thức hiện nay của chúng ta, là một trong những chân lý đức tin, một yếu tố quan trọng của huấn giáo và việc rao giảng. Nó không còn đứng tách riêng ở nguồn gốc đức tin.

Trước một bản văn Kinh thánh, phản ứng đầu tiên của tôi luôn là tìm kiếm những âm hưởng của nó trong Truyền Thống, tức nơi các Giáo Phụ và các Tiến Sĩ Giáo hội, trong phụng vụ, nơi các thánh. Thông thường, tôi nghĩ đến nhiều chứng từ. Nhưng khi tôi thử làm như vậy với lời “Đức Giêsu là Chúa”, tôi đã phải ngạc nhiên nhận ra rằng Truyền Thồng hầu như câm lặng. Từ thế kỷ III sau Đức Giêsu Kitô, tước hiệu Chúa không còn được hiểu theo nghĩa nguyên thủy nữa, và được coi như kém hơn tước hiệu Thầy. Nó được coi như tước hiệu đặc biệt của những người luôn là “tôi tớ”, và chưa trở thành “bạn hữu”, bởi vậy tương đương với cấp “sợ hãi [2]”. Trong khi đó chúng ta biết rằng nó là một điều hoàn toàn khác.

Đối với một cuộc tân Phúc âm hóa thế giới, phải đưa về lại ánh sáng hat giống này, trong đó chứa đựng nguyên vẹn tất cả sức mạnh của sứ điệp Phúc âm. Phải tìm ra “gươm của Thần Khí” (Ep 6,17) là mãnh liệt công bố Chúa Giêsu. Trong văn chương sử thi nổi tiếng thời Trung cổ Kitô giáo có đề cập một thế giới trong đó tất cả đều uể oải và hỗn độn, vì không ai đặt ra vấn đề chủ yếu, không ai nói ra một lời mang tính quyết định, lời của Saint Graal, lời hưng thịnh lại, khi lời này lại được nói ra và khi người ta chú ý đến sự việc mà mọi người phải nghĩ đến trước tiên. Tôi cho rằng một điều gì đó thuộc loại này xẩy ra với lời Khởi giảng “Đức Giêsu là Chúa”. Tất cả chỉ là uể oải và hỗn độn nơi mà lời đó không còn hiện diện nữa, hoặc không ở trọng tâm, hoặc không được đặt “trong Thần Khí”. Tất cả được linh hoạt trở lại, được nhen lại, khi lời đó được thấy trong tất cả sự tinh tuyền của nó, trong đức tin. Bề ngoài, không gì quen thuộc với chúng ta hơn chữ “Chúa”. Nó là phần nguyên vẹn của chính Danh hiệu chúng ta dùng để kêu cầu Đức Kitô, khi kết thúc các kinh nguyện phụng vụ. Nhưng nói: “(Nhờ) Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con” là một chuyện, và nói: “Đức Giêsu Kitô là Chúa chúng ta” lại là chuyện khác. Qua nhiều thế kỷ cho tới ngày nay, người ta có thể nói, ngay cả lời công bố “Đức Giêsu là Chúa” kết thúc cho thánh thi trong thư Philípphê (Pl 2,10) vẫn còn bị che đậy vì bị dịch sai. Quả thực bản Phổ thông đã dịch: “Để mọi miệng lưỡi tuyên xưng rằng Chúa Giêsu Kitô ở trong vinh quang của Thiên Chúa Cha” (Omnis lingua confiteatur quia Dominus Iesus Christus in gloria est Dei Patris), trong khi – như giờ đây chúng ta biết – ý nghĩa không phải là Đức Giêsu Kitô ở trong vinh quang của Thiên Chúa Cha, nhưng Đức Giêsu là Chúa, và điều này để tôn vinh Thiên Chúa Cha.

***

Tuy nhiên, miệng lưỡi tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa thì không đủ; mọi người còn phải “bái quỳ”. Đây không phải là hai sự việc tách rời nhau, nhưng là một thực tại duy nhất. Người tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa còn phải vừa làm điều đó vừa bái quỳ, nghĩa là vừa tùng phục thực tại này với tình yêu, vừa bắt trí khôn vâng phục đức tin. Đây là việc từ bỏ kiểu mẫu sức mạnh và bảo đảm dựa vào sự “khôn ngoan”, kiểu mẫu khả năng đương đầu với thế giới vô tín và kiêu căng bằng những khí cụ riêng của mình, là biện chứng, tranh cãi, lý luận bất tận, tất cả những gì cho phép “tìm mà không bao giờ thấy” (x. 2Tm 3,7), và như vậy không bao giờ bị cưỡng bách phải vâng phục chân lý, một khi đã tìm thấy nó. Lời Khởi giảng không cho thấy cắt nghĩa, nhưng đòi vâng phục, vì nơi nó chính thế giá của Thiên Chúa đang hoạt động. Có chỗ cho mọi biện luận, chứng minh “tiếp theo” nó, “bên cạnh” nó, nhưng không phải “bên trong” nó . Ánh sáng mặt trời tự nó chiếu sáng, không thể được những ánh sáng nào khác soi sáng, nhưng chính nó soi sáng mọi sự. Ai quả quyết mình không thấy nó là thú nhận sự mù quáng của mình.

Phải chấp nhận sự “yếu đuối” và “điên rồ” của Khởi giảng – điều này cũng có nghĩa là sự yếu đuối, hạ nhục và thất bại của chúng ta – để cho phép Thiên Chúa thành công đến với ánh sáng và tiếp tục hoạt động. Thánh Phaolô nói: “Khí giới chúng tôi dùng để chiến đấu không phải là thứ khí giới thuộc xác thịt, nhưng là thứ khí giới, nhờ Thiên Chúa, có sức đánh đổ các đồn lũy. Chúng tôi đánh đổ các kiểu lý luận và mọi thái độ kiêu căng chống lại sự hiểu biết Thiên Chúa. Chúng tôi bắt mọi tư tưởng phải đầu hàng để đi tới chỗ vâng phục Đúc Kitô” (2Cr 10.4-5). Nói khác đi, cần đứng bên thập giá, vì sức mạnh của quyền làm chúa của Đức kitô hoàn toàn phát xuất từ thập giá.

Cần lưu ý để không xấu hổ về Khởi giảng. Cám dỗ về điều này rất mạnh. Tông Đồ Phaolô cũng đã phải chịu cám dỗ như thế, đến độ ngài thấy, về phía ngài, cần phải kêu lên: “Tôi không hổ thẹn vì Tin Mừng” (Rm 1,16). Ngày nay, cám dỗ này còn mạnh hơn. Nói về Đức Giêsu đã sống lại và là Chúa thì có nghĩa gì, trong khi chung quanh chúng ta có vô vàn vấn đề cụ thể đang tấn công con người: nạn đói, bất công, chiến tranh?... Con người thích người ta nói về mình – cho dù nói không tốt – hơn là nghe nói về Thiên Chúa. Thời Phaolô, một phần thế giới  tìm kiếm phép lạ, một phần tìm kiếm sự khôn ngoan. Ngày nay một phần (phần sống dưới chế độ tư bản) tìm kiếm chân lý, phần kia (phần sống dưới chế độ độc tài toàn trị) tìm kiếm sự tự do. Nhưng phần chúng ta, chúng ta rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh (x. 1Cr 1,23) và đã sống lại, vì xác tín rằng công bình và tự do đích thực được xây dựng trên Ngài.

***

Trong huấn giáo nhiệm tính, việc mạc khải những mầu nhiệm xẩy ra theo hai cách: bằng diễn từ và bằng nghi thức. Các người tân tòng lắng nghe lời giải thích và tham dự các nghi thức, nhất là nghi thức Thánh Thể, mà trước đây họ chưa bao giờ được thấy tận mắt. Đó là điều cũng xẩy ra trong phụng vụ hiện nay, trong đó mầu nhiệm của quyền làm chúa của Đức Kitô được chuyển đạt cho chúng ta. Tiếp theo phụng vụ lời Chúa giờ đây là các nghi thức. Ảnh tượng Đức Kitô sắp được long trọng mở khăn che và chúng ta sẽ quỳ gối liên tiếp ba lần. Một cách hữu hình chúng ta cũng tỏ cho thấy, trong Giáo hội, mọi gối phải bái quỳ. Tấm khăn mầu tím che phủ ảnh tượng Đức Kitô cho tới lúc này là biểu tượng của một bức màn khác che giấu Đấng Chịu Đóng Đinh trần trụi trước mắt thế gian. Thánh Phaolô nói với người Do thái thời ngài: “Cho đến nay, một tấm màn che phủ lòng họ. Nhưng khi người ta quay lại với Chúa, thì tấm màn mới được cất đi.” (2Cr 3,15-16) Không may, tấm màn này cũng che phủ mắt của nhiều Kitô hữu. Nó chỉ được cất đi “khi người ta quay lại với Chúa”, khi người ta khám phá ra quyền làm chúa của Đức Kitô. Không phải trước đó.

Chiều nay, khi Đấng Chịu Đóng Đinh trần trụi được “giơ lên cao” trước mắt chúng ta, chúng ta hãy nhìn cho kỹ. Chính Ngài là Đấng chúng ta tuyên xưng là “Chúa”, chứ không phải ai khác, một Đức Giêsu dễ dãi, tình cảm mầu mè. Việc chúng ta sắp thực hiện là quan trọng. Để chúng ta được đặc ân chào kính Ngài là Vua và là Chúa đích thực, như chúng ta sắp làm, Đức Giêsu đã chấp nhận cho người ta chào ngài như một ông vua để cười nhạo; để chúng ta được đặc ân khiêm tốn quỳ gối trước mặt Ngài, Ngài đã chấp nhận cho người ta quỳ trước mặt để chế giễu, nhạo báng. Kinh Thánh viết: “Chúng khoác cho Người một tấm áo điều, và kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người. Rồi chúng bái chào Người và lấy cây sậy đập lên đầu Người, khác nhổ vào Người và quỳ gối bái lậy.” (Mc 15,17-19)

Điều chúng ta làm phải được hiểu cho rõ. Cái giá Ngài phải trả càng lớn, chúng ta càng phải thờ lậy và biết ơn. Tất cả những tiếng hô vang mà Ngài đã nghe lúc sinh tiền, là những tiếng hô vang thù ghét; tất cà những cảnh quỳ gối Ngài nhìn thấy là những cảnh quỳ gối nhục mạ. Chúng ta không được thêm vào đó sự nguội lạnh và hời hợt của chúng ta. Khi trút hơi thở cuối cùng trên thập giá, Ngài còn nghe thấy âm vang chói tai của những tiếng kêu la này, và chữ “Vua” viết trên tấm bảng treo trên đầu Ngài như một lời kết án. Giờ đây Ngài ngự bên hữu Chúa Cha và, trong Thần Khí, đang hiện diện giữa chúng ta, mắt Ngài nhìn mọi đầu gối bái quỳ, và cũng vậy là tinh thần, tấm lòng, ý muốn, mọi sự; tai Ngài đang nghe tiếng kêu vui mừng vọt lên từ trái tim của những người được cứu chuộc: “Đức Giêsu Kitô là Chúa để tôn vinh Thiên Chúa Cha!” (Pl 2,11)

(Raniero Cantalamessa, Nous prêchons un Christ crucifié, EdB, 2018, pp. 9-21)

Lm Micae Trần Đình Quảng



[1]  Apologétique, 39, 9

[2]   x. Origène, Commentaire sur saint Jean, I, 29


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều