XX

“NGƯỜI ĐÃ BAN CON MÌNH

ĐỂ CỨU VỚT TÔI TỚ CỦA NGƯỜI”

 

Trong năm đi liền ngay trước Năm Thánh 2000 này, thể theo ý Đức Thánh Cha, chúng ta suy niệm về Chúa Cha. Vậy chính về Ngôi này mà chúng ta muốn nói.

Có mối liên hệ nào giữa Ngôi Cha và phụng vụ Thứ Sáu Thánh? Thứ Sáu Thánh đúng hơn lại không phải là chứng cớ buộc tội Chúa Cha, một biến cố mà người ta nên im tiếng khi nói về Người sao? Chúng ta phải thừa nhận rằng mặc dù đây không phải là ý định của phụng vụ, thì trong quá khứ, ngày hôm nay rất thường góp phần làm lu mờ hình ảnh của Thiên Chúa Cha. Để nhấn mạnh những đau khổ của Đức Giêsu trên thập giá, người ta đã trình bầy một hình ảnh về Chúa Cha chỉ có thể gợi ra điều ghê sợ.

Thứ Sáu Thánh năm 1662, trong một bài giảng ở triều đình vua nước Pháp, J.B. Bossuet, một trong những nhà giảng thuyết đại tài nhất của lịch sử, đã nói với Đức Giêsu như sau: “Bị con người hành hạ lần cuối, Chúa nhờ vòng tay của Chúa Cha che chở; và Chúa thấy mình bị đẩy ra, thấy rằng chính Chúa Cha bức hại Chúa, chính Chúa Cha bỏ rơi Chúa, chính Chúa Cha đã đè lên Chúa gánh nặng không chịu nổi của việc Người báo thù[1]."

Phụng vụ hôm nay là dịp thuận tiện để chấm dứt tình trạng thực tế này và để phá tan mọi điều nghi ngờ đã là lý do gây nên tình trạng ấy.

***

Cho tới thời gian gần đây, người ta thường coi Chúa Thánh Thần là Đấng ít được biết đến nhất trong Ba Ngôi. Ngày nay chúng ta không thể nói như vậy nữa. Trong suốt thế kỷ vừa qua, Chúa Thánh Thần buộc Giáo Hội phải chú ý đến Người. Khoa Thánh Thần học được canh tân, nhất là lễ Ngũ Tuần, dựa vào kinh nghiệm của hàng trăm triệu tín hữu trong các Giáo Hội Kitô. Chúng ta phải nói rằng ngày nay Ngôi ít được biết đến nhất là Chúa Cha. Không những không được biết đến mà còn bị người ta chối từ!

Những lý do khiến bộ mặt của Thiên Chúa Cha lu mờ đi trong văn hóa hiện đại thì có nhiều. Tự nền tảng, con người đòi hỏi một sự tự trị tuyệt đối. Vì Thiên Chúa Cha được coi là nguyên lý và nguồn mạch mọi quyền bính, thì chỉ còn việc là từ chối Người, và người ta đã làm như vậy. Marx nói: “Cội rễ của con người là chính con người[2]”. Tiếp theo là Sartre: “Nếu Thiên Chúa hiện hữu, con người không là gì cả[3].” Đó chỉ là một vài tiếng nói gióng lên trong thế giới Tây phương của chúng ta trong hai thế kỷ vừa qua.

Freud nghĩ là có thể đưa ra một lời biện minh tâm lý học cho sự khước từ này. Theo ông, việc tôn kính cha trên trời chỉ là một sự phóng chiếu mặc cảm về người cha đưa đứa con đến chỗ lý tưởng hóa cha mình ở dưới đất sau khi đã muốn giết ông.

Nhân nói về thời kỳ trước mạc khải Phúc Âm, một tác giả ở thế kỷ thứ hai đã viết: “Vô tri về Chúa Cha là lý do khiến người ta lo âu và sợ hãi[4].” Ngày nay cũng giống như vậy: vô tri về Chúa Cha luôn là nguồn gốc của lo âu và sợ hãi. Nếu ngươi cha lo về tinh thần và vật chất trên mọi bình diện, “gốc rễ cuối cùng của hữu thể”, thì không có ông, chúng ta chỉ có thể cảm thấy mình “bị bật rễ”.

***

Vậy đưa ra ánh sáng lại khuôn mặt thật của Thiên Chúa Cha là việc cấp thiết. Không nên mất nhiều thời gian về điều này, trong khi phải mất hàng năm để xóa đi lớp hoen ố phủ trên hình ảnh của Chúa Cha trong nhà nguyện Sistine. Chỉ cần một ngọn đèn, một sự soi sáng bên trong tâm hồn, một mạc khải của Thần Khí, là đủ. Bởi vì khuôn mặt thật của Chúa Cha mãi mãi được ghi lại trong Kinh Thánh. Khuôn mặt ấy chứa đựng trong lời này: “Thiên Chúa là Tình Yêu!” Danh xưng “Thiên Chúa”, khi không có xác định gì thêm, trong Tân Ước luôn có nghĩa là Thiên Chúa Cha. Vậy Thiên Chúa Cha là tình yêu. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (Ga 3,16), có nghĩa là: Thiên Chúa Cha yêu thế gian.

“Tại sao Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta?” Nhờ học giáo lý, chúng ta biết cách trả lời: “Để nhận biết Người, phục vụ Người và yêu mến Người trong cuộc đời này và một ngày kia vui hưởng với Người trên thiên đàng”. Đó là một câu trả lời hoàn hảo, nhưng nếu xét kỹ, ta thấy nó chỉ đáp lại câu hỏi: “Với mục đích nào, vì ý định nào Người đã dựng nên ta?” (Để phục vụ Người, yêu mến Người, vui hưởng với Người), nhưng không đáp lại câu hỏi: “Vì lý do nào Người đã dựng nên ta, điều gì đã thúc đẩy Người dựng nên ta?” Chúng ta không thể và không được trả lời: “Để chúng ta yêu Người” nhưng: “Vì Người đã yêu chúng ta”. Một trong những Kinh Nguyện Thánh Thể nói: “Người đã lấy thượng trí và tình thương mà sáng tạo muôn loài[5].”

Chính ở đó mà có sự khác biệt giữa Thiên Chúa của các triết gia và Thiên Chúa của Phúc Âm. Thiên Chúa của các triết gia là Đấng người ta có thể yêu, người ta phải yêu, nhưng là Đấng không yêu, không thể yêu con người, vì nếu Người làm thế, Người không còn là Thiên Chúa. Aristot viết: “Thiên Chúa vận hành thế giới với tư cách Đấng được yêu”, chứ không với tư cách Đấng yêu. Điều đó quả là ngược lại với những gì chúng ta thấy trong mạc khải: “Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta. […] Phần chúng ta, chúng ta hãy yêu thương, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước.” (1Ga 4,10.19)

Chính đó là bộ mặt thực của Kitô giáo. Clive Staples Lewis, một văn sĩ Kitô giáo trong số những người nổi bật nhất trong thế giới anglo-saxon, đã viết một cuốn tiểu thuyết tựa đề “Chiến thuật của quỷ[6]”, có cốt truyện hơi đặc biệt. Một tên quỷ trẻ (Wormwood) được sai đến trần gian để cám dỗ một thanh niên tốt lành mới trở lại đạo. Nhưng vì ít kinh nghiệm, nó phải tìm đến một tên quỷ già (Screwtape) là chú nó, ông này cho nó những chỉ dẫn để có thể cám dỗ người thanh niên kia. (Đây là một khảo luận vô cùng tinh tế về các tật xấu và nhân đức, nếu người ta biết cách đọc ngược lại). Tác giả đưa ta xuống hỏa ngục, và cho chúng ta nghe những diễn từ ở đó. Điều làm cho quỷ tức điên lên, chúng không hiểu và sẽ không bao giờ hiểu được, chính là tình yêu của Thiên Chúa đối với các thụ tạo lầm than là con người. Chúng nói với nhau: trên trần gian người ta tin rằng Thiên Chúa Ba Ngôi, và những điều khác thuộc cùng loại đó, là những mầu nhiệm vĩ đại nhất; những tên ngu xuẩn ấy không hiểu rằng chính đó là mầu nhiệm không cắt nghĩa được. Phần tôi, tôi nghĩ rằng các tên quỷ được một lần có lý.

***

Giờ đây chúng ta hãy xem vấn nạn đang mạnh hơn lên như cơn bão, khi người ta nói về tình yêu của Chúa Cha. “Thế còn sự đau khổ của thế giới thì sao? Máu và nước mắt chảy thành sông trong Lịch sử thì sao?”

Vấn nạn này mang một giọng điệu mới, sau Thế chiến vừa qua và sau Auschwitz. Cả một văn chương phát sinh mà người ta có thể định nghĩa như là “những tiến trình của Thiên Chúa”. Thiên Chúa ở đâu vào lúc đó? Biết bao nhiêu lần người ta nghe thấy câu hỏi này trong tiểu thuyết và kịch nghệ, trong khoảng năm mươi năm vừa qua.

Hình thức phủ nhận Thiên Chúa trong chủ thuyết duy thực nghiệm ngôn ngữ của thế kỷ này phát xuất từ đó. Nếu người ta không cáo giác câu “Thiên Chúa là tình yêu” khi người ta nhận thấy sự đau khổ ghê gớm trên thế giới này, điều đó muốn nói lên rằng sự đau khổ đó không có ý nghĩa nào và người ta phải giữ im lặng. Để xem xét tính xác thực của một khẳng định, phải có khả năng "làm sai lệch" nó, ít nhất về nguyên tắc, nghĩa là khả năng chứng minh sự thật hay sự dối trá của nó, bằng một quan sát thực nghiệm, là điều không có ở đây[7].

Nhưng đây không phải là tiếng nói phản đối gióng lên từ triết học hay văn chương, hoặc nhân dịp có những đại họa. Chính là tất cả nhân loại ở mọi nơi trên thế giới lên tiếng mỗi ngày về sự đau khổ của mình. Mới đây tôi được đọc chứng từ của một thiếu phụ trẻ. Cô nói: “Lạy Chúa, tại sao Ngài lên án con phải chết? (Người ta vừa khám phá ra cô mắc căn bệnh chết người). Con có chồng, sau mười năm kết hôn vẫn yêu thương con, nói cho con biết điều đó, và con còn có hai đứa con tuyệt vời. Tại sao con không được trông thấy chúng lớn lên?” Vì là một phụ nữ có đức tin, cô lập tức nghĩ lại và nói thêm một câu bằng một giọng khác: “Lạy Chúa, con biết rằng không phải chúng con có thể quyết định sống chết theo ý chúng con, rằng người ta không đánh giá sự thành công của cuộc đời bằng tháng năm sống. Nhưng nếu Chúa muốn tất cả điều đó đi từ đầu tới trái tim, khi ấy chính Chúa phải tự làm lấy. Chúng con sẽ không làm đâu.”

***

Đức tin trên ghế bị cáo sẽ trả lời ra sao cho điều đó? Tôi cho rằng trước đau khổ, người tín hữu chúng ta phải tiên vàn có một thái độ khiêm nhường. Đừng bắt chước những người bạn của Gióp, cuối cùng, bị chính Thiên Chúa lên án, trong khi họ đã coi mình là người bảo vệ ông. Chúng ta không phổ biến những cách giải thích khôn ngoan như thể sự đau khổ không che giấu mầu nhiệm nào đối với chúng ta. Chúng ta phải nói về đau khổ như Augustinô đã nói về chính Thiên Chúa: “Nếu bạn nghĩ là đã hiểu Ngài, khi ấy bạn hãy tự nhủ rằng không phải Ngài mà bạn đã hiểu[8].”

Đức Giêsu đã đưa ra nhiều cách giải thích về đề tài hơn chúng ta, Ngài đã khóc trước bà góa thành Naim cũng như trước đau khổ của các chị Ladarô. Sau khi khóc rồi, Ngài còn thêm: “Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù có chết cũng sẽ được sống.” (Ga 11,25)

Chúng ta cũng phải vậy, sau khi khóc rồi, hoặc trong nước mắt, chúng ta có thể nói lên một vài điều về đau khổ. Chẳng hạn điều gì? Điều không đúng là khi con người đau khổ thì Thiên Chúa không đau khổ, mà chỉ nhìn. Thiên Chúa cũng khổ như ta. Không phải chúng ta vừa tìm ra câu quả quyết khác thường ấy, chỉ để có điều gì đó trả lời cho con người thời nay. Điều đó đã được ghi chép trong Kinh Thánh, từ đầu tới cuối. “Ta đã nuôi nấng đàn con, cho chúng nên khôn lớn, nhưng chúng đã phản nghịch cùng Ta.” (Is 1,2) Các người cha trong thế gian từng có kinh nghiệm đau đớn bị con cái ruồng bỏ và khinh chê đều hiểu được nỗi khổ chất chứa trong những lời ấy của Thiên Chúa. Chúng ta sắp còn được nghe nhiều lần trong phụng vụ chiều nay: “Dân Ta hỡi, Ta đã làm gì ngươi? Ta đã làm chi khiến ngươi phiền lòng? Hãy trả lời cho Ta.” (Mk 6,3) Những lời trên cũng diễn tả một nỗi đau khổ.

Thiên Chúa không đau buồn vì những điều xúc phạm đến Ngài (ai có thể thực sự làm điều xấu cho Ngài?) cho bằng những điều xúc phạm con người làm cho mình hay cho người khác. Không phải sự kiêu hãnh của Ngài bị tổn thương cho bằng tình yêu của Ngài. Kinh Thánh viết: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong.” (Kn 1,13) Không những Ngài “không vui” mà còn đau khổ vì sinh mạng tiêu vong. Nếu khẳng định Thiên Chúa đau khổ dường như chúng ta chưa từng nghe thấy và vẫn khiến một số người hơi sợ hãi, thì đó là vì trong nhiều thế kỷ, ý tưởng về Thiên Chúa thường thấy trong thực tế đã chuyển sang ý tưởng của triết học về một Thiên Chúa vô cảm ở bên trên và bên ngoài những thay đổi và thử thách của con người.

Thế nhưng Thiên Chúa của người Kitô hữu không thể “vô cảm” theo nghĩa như các triết gia hiểu. Ngài không thể như thế vì Ngài là tình yêu. Như chúng ta biết, tình yêu là điều dễ bị tổn thương nhất. Nó bị tổn thương vì sự tự do nó dành cho người được yêu. “Người ta không thể yêu mà không đau khổ” : câu châm ngôn này có giá trị cho cả Thiên Chúa lẫn con người. Origen nói: “Chúa Cha chịu một cuộc khổ nạn vì yêu[9].”

Sự đau khổ này của Thiên Chúa, mà những nhà thần học lớn của thế kỷ này đã chấp nhận và chính Đức Giáo Hoàng, trong thông điệp Dominum et vivificantem, đã coi là của mình, với những sắc thái cần thiết, chính là một sự tái khám phá. Đức Giáo Hoàng nói về “sự đau đớn khôn dò và khôn tả của Chúa Cha”, Đấng đã khai sinh ra nhiệm cục tình yêu cứu độ trong Đức Giêsu Kitô[10].” Hiển nhiên là sự đau khổ của Thiên Chúa không giống như sự đau khổ của chúng ta. Đó là sự đau khổ hoàn toàn tự do, không đi ngược với những hoàn hảo của Ngài, trái lại, tôn dương những hoàn hảo ấy. Theo một Giáo Phụ, đó là “cuộc khổ nạn của người không phải khổ[11]”. Đó thuần túy là “đồng khổ”.

Trong tất cả phụng vụ vượt qua, hình ảnh Chúa Cha gần gũi nhất với kiểu mẫu này là hình ảnh của bài Exultet trong đêm Vọng Phục Sinh: “Ôi! Ân tình Cha thật kỳ diệu! Ôi! Ân phúc Cha thật khôn lường. Để cứu dân lầm than nô lệ, Cha đã thí Con Một quý yêu!”

Vậy trước câu hỏi: “Chúa Cha ở đâu trên đồi Canvê, khi Chúa Con hấp hối?” phải trả lời: Người vẫn ở bên Con trên thập giá. Lòng đạo đức bình dân và nghệ thuật đã tìm thấy câu trả lời từ lâu trước các nhà thần học. Từ thời Trung cổ đến nay, từ các nơi trong thế giới Tây phương, cách diễn đạt cổ điển về Ba Ngôi là như sau: Thiên Chúa Cha giang tay đỡ thập giá của Chúa Con, hoặc đón nhận Chúa Con trong lòng với một sự trìu mến vô biên ngay khi Con được tháo khỏi thập giá, và giữa hai vị là bồ câu của Chúa Thánh Thần. Trong thế giới byzantin, Ba Ngôi chính là ba thiên thần vây quanh chiếc bàn; trong thế giới latinh, là ba ngôi vị trên đồi Canvê. Có vô số cách diễn đạt thuộc loại hình này, từ đơn giản nhất đến phổ biến nhất, bao gồm cả những kiệt tác vĩ đại như "Ba Ngôi" của Massaccio trong  bích họa ở nhà thờ Santa Maria Novella ở Firenze.

Nhưng ở điểm này, một vấn nạn nổi lên, nguy hiểm hơn, dưới một hình thức khác. Khi đó, ngay cả Thiên Chúa cũng bất lực khi đương đầu với sự dữ sao? Chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha”, nhưng dừng lại ở đó, không thêm những chữ “toàn năng”. Chính sự dữ là toàn năng, chứ không phải Thiên Chúa. Chúng ta trở lại với  niềm tin ngoại đạo cổ thời là, bên trên thiên tính đó, còn có Định Mệnh cai trị, tức Anankè nghiệt ngã, tính tất yếu của mọi sự. Đó là điều Satan muốn cho người ta tin, nhưng lại là điều dối trá.

Luận chứng rất thường được thời Thượng cổ đưa ra cho tới hôm nay là: “Hoặc Thiên Chúa có thể chiến thắng sự dữ, nhưng Ngài không muốn, như vậy Ngài không phải là cha; hoặc Thiên Chúa muốn chiến thắng sự dữ, nhưng Ngài không thể, như vậy Ngài không toàn năng. Chúng ta trả lời như sau: Thiên Chúa muốn chiến thắng sự dữ, Ngài có thể chiến thắng, Ngài sẽ chiến thắng. Sự dữ thể lý cũng như sự dữ luân lý. Nhưng Ngài làm điều đó theo một cách chúng ta không bao giờ hình dung nổi. (Hãy dành thời giờ để hiểu cho rõ, bởi vì tôi cho rằng đó thực sự là lời khẳng định nhờ đó chúng ta sẽ tiếp cận nhất với khẳng định mà người ta có thể gọi là câu Kitô giáo trả lời cho vấn nạn về sự dữ). Thiên Chúa đã chọn cách chiến thắng, không phải bằng cách tránh né nó hoặc dùng sự toàn năng của mình đánh tan nó và đẩy nó ra khỏi biên giới Vương quốc của mình, nhưng bằng cách mang nó trên mình và biến nó từ bên trong thành điều lành; biến hận thù thành tình yêu, biến bạo lực thành hiền hòa, biến bất công thành công bình, biến lo âu thành hy vọng. Người đã làm điều Người truyền chúng ta làm, khi Người nói trong Kinh Thánh: “Đừng để cho sự ác thắng được mình, những hãy lấy thiện mà thắng ác.” (Rm 12,29)

Đó là điều đã xẩy ra trên thập giá. Các Giáo Phụ đã dùng một biểu tượng tuyệt vời để diễn tả tất cả những điều đó: Môsê đã biến nước đắng ở Mara thành nước ngọt (x. Is 15,23 tt). Đức Giêsu đã uống nước đắng của phản loạn và biến nó thành nước ngọt của ân sủng, tượng trưng bằng nước vọt ra từ cạnh sườn Ngài. Ngài đã mang trên mình chữ “Không” vĩ đại của thế gian đối với Thiên Chúa, biến nó thành chữ “Có” của con cái.

Ngay cả như vậy, câu trả lời của chúng ta cũng không đầy đủ, nó còn thiếu chữ sống lại! Nếu Thiên Chúa Cha “chịu đựng” tất cả những đau khổ này, chính vì Ngài biết mình sẽ làm gì “ngày thứ ba”. Trên thập giá, Chúa Cha nóng lòng với việc con người hoàn tất phần của họ, để bắt đầu phần của mình: “Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô.” (Cv 2,36) “Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người, và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.” (Pl 2,9)

Thay vì là một bằng chứng truy tố, Thứ Sáu Thánh là nơi mặc khải trọn vẹn Chúa Cha, Khuôn mặt thực của Chúa Cha, hoặc chúng ta hiểu biết ngày hôm nay, hoặc sẽ không bao giờ hiếu biết được.

Điều này không có nghĩa là chúng ta rao giảng một sự nhẫn nhục thụ động trước sự dữ trên thế giới, hoặc rút lui khỏi cuộc chiến đấu. Mang trên mình sự dữ của thế giới đôi khi có thể có nghĩa là mang trên mình cuộc chiến đầu chống lại sự dữ của thế giới và mất mạng sống mình như Đức Giêsu. Một trong những nhiệm vụ của Năm Thánh 2000 là tưởng nhớ đến các vị tử đạo mới. Họ chính là bằng chứng cho thấy có thể chiến thắng sự dữ bằng sự lành và, ngay cả ngày hôm nay, cho thấy đó là sự chiến thắng đích thực.

***

Chúng ta học được gì nơi những điều rút ra từ bài suy niệm về Chúa Cha trong ngày Thứ Sáu Thánh? Bài suy niệm này gắn trực tiếp với Năm Thánh sắp tới. Năm thánh phải là một cơ hội lớn hòa giải nhân loại với Chúa Cha. Khởi thủy, một năm thánh là dịp trả đất đai về cho chủ nhân hợp pháp của nó (x. Lv 25,13). Hôm nay, chúng ta hãy biến năm thánh này thành dịp trả thụ tạo về cho Đấng tạo ra nó.

Năm nay chúng ta không rao giảng một Thiên Chúa giận dữ và đánh phạt thế gian không biết bằng hình phạt nào nữa. Có thừa những hình ảnh dễ tranh cãi về Đức Mẹ đang cố gắng vô ích giữ lại cánh tay của Thiên Chúa đang nổi giận! Dù không muốn, chúng cũng góp phần làm mờ đi hình ảnh của Chúa Cha và làm thiệt hại cho Đức Trinh Nữ, Đấng mà, trong kinh Magnificat, đã là người đầu tiên ca ngợi lòng nhân từ của Thiên Chúa. Có thừa những lạm dụng nhân danh “bí mật thứ ba của Fatima” do những tâm trí cuồng nhiệt làm cho những người chất phác phải sợ hãi. Không ai biết bí mật này, nhưng ai cũng làm như mình biết rõ điều bí mật chứa đựng.

Có một thời để rao giảng hình phạt, và một thời để rao giảng lòng thương xót. Năm Thánh là thời để rao giảng lòng thương xót. Như điều Đức Giêsu công bố, nó phải là “một năm hồng ân của Thiên Chúa” (Lc 4,19). Như Đức Thánh Cha nói với các linh mục trong Lễ Dầu, “Năm Thánh mời gọi mọi người chúng ta, những thừa tác viên thánh, hoàn toàn sẵn sàng cho quà tặng lòng thương xót mà Chúa Cha muốn ban phát dồi dào cho hết thảy mọi người[12].”

***

Năm kính Chúa Cha cũng có thể có một trận mưa hồng phúc trên bình diện con người. Nó có thể giúp “đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu, và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông” (Ml 3,24; x. Lc 1,17) như trường hợp xẩy ra trong mùa vọng đầu tiên, qua sự trung gian của Gioan Tẩy Giả. Nếu Thiên Chúa Cha, Đấng “là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất” (Ep 3.14), thì khi đó những người cha ở trần gian có thể học với Ngài nghề làm cha đầy khó khăn: nhẫn nại, tôn trọng sự tự do của con cái, hy vọng trong mọi hoàn cảnh, vui mừng với một thành công nhỏ nhất.

Khi một người được biết đứa con đầu lòng của mình được sinh ra, ông vui mừng báo tin cho bạn bè: “Tôi làm cha rồi đó!” Người ta chỉ có thể nói những lời trên trong ý nghĩa sâu sắc nhất sau này trong đời sống, khi cho thấy mình đã phải lo lắng nhiều, nhẫn nại nhiều, quảng đại nhiều, sau khi đã tập chịu đau khổ vì các con. Đúng vậy, chỉ khi đó người ta mới có thể có lý mà nói: “Tôi làm cha rồi đó!”. Thiên Chúa đã trở thành trọn vẹn là Cha của chúng ta trên thập giá.

Điều này càng đúng đối với những người cha thiêng liêng. Nhiều linh mục thích sống giữa dân mình “như một người anh em giữa các người anh em”. Đơn giản hơn nhưng lại ít dấn thân hơn. Người dân cần những người cha, họ tìm kiếm mà tuyệt vọng. Và khi tìm được một người như thế, họ tạ ơn Thiên Chúa. Đức Thánh Cha nói trong bài giảng tôi trích dẫn ở trên: “Trong năm dành kính Chúa Cha, tư cách làm cha của mọi linh mục phải hiển nhiên.”

Chúng ta kết thúc bắng lời kinh.

Lạy Cha giầu lòng thương xót và là Chúa mọi niềm an ủi, chúng con nài xin Cha: Cha là Đấng đã đỡ cánh tay Đức Kitô của Cha trên thập giá, đã đón nhận Ngài khi Ngài được tháo đinh, đã cho Ngài sống lại ngày thứ ba, xin ở gần bên tất cả những ai đang đau khổ. Xin đón nhận những nạn nhân chiến cuộc trong bình an của Cha, xin nâng đỡ hy vọng của những ai đang sống sót, xin canh tân sức mạnh của những người cứu giúp họ và sự bền bỉ của những người trung gian, xin đừng để chúng con thua điều ác, những giúp chúng con biết thắng điều ác bằng điều lành. Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

(Raniero Cantalamessa, Nous prêchons un Christ crucifié, EdB, 2018, pp. 227-239)

Lm Micae Trần Đình Quảng

 



[1]  x. J.B. Bossuet, Oeuvres complètes, IV, Paris 1836, p.365.

[2]  K. Marx, Critique de la philosophie du droit de Hégel, Aubier Montaigne, Paris 1992.

[3]  J.P. Sartre, Le Diable et le bon Dieu, X, 4, Folio Paris 2000.

[4]  Evangelium veritatis 17, 10.

[5]  Kinh Nguyện Thánh Thể IV

[6]  C.S. Lewis, Le tactique du diable, Empreinte Temps Présent, Paris, 2007, titre original: The Screwtape Letters.

[7]  X. A. Flew, Theology and Falsification (1949) in Reason and Responsibility, Belmont, CA, Dickenson Publishing Company, 1968, p. 48-49.

[8]  Augustinô, Sermo 52, “si cepisti, non est Deus quod comprehendere potuisti”.

[9]  Origen, Homélie sur Ezéchiel, 6, 6.

[10]  Gioan Phaolô II, Lettre Encyclique Dominum et vivificantem, n. 39.

[11]  Grêgoriô Thaumaturge, À Théopompe, in Pitra, Analecta sacra, IV, 1883, p. 363.

[12]  Gioan-Phaolô II, Homélie de la Messe Chrismale, trong “Osservatore Romano”, 2 tháng 4, 1999, tr. 1.


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều