VIII

 

“SƯ TỬ XUẤT THÂN TỪ CHI TỘC GIUĐA

ĐÃ CHIẾN THẮNG”

 

Chúng ta có một bản chú giải xác thực về trình thuật cuộc Khổ nạn mà chúng ta vừa nghe, một bản chú giải do thánh Gioan hoặc ít nhất do     một trong những môn đồ của ngài, sống bên ngài và thấm nhuần tư tưởng của ngài. Đó là chương 5 của sách Khải huyền. Cả hai bản văn đều quy chiếu tới biến cố Canvê, mà Phúc Âm thứ tư tường thuật theo cách lịch sử, trong khi sách Khải huyền giải thích và cử hành biến cố theo cách tiên tri và phụng vụ.

Trong chương 5 của sách Khải huyền, biến cố vượt qua được trình bầy trong khung cảnh một phụng vụ thiên quốc, mà phụng vụ này lại dựa vào phụng vụ trần gian của cộng đồng Kitô giáo thời ấy. Đọc bản văn, mọi người có thể phân biệt những nét đặc sắc họ cử hành trong cộng đoàn phụng vụ của họ. Phụng vụ vượt qua mà Gioan dựa vào, cả trong Phúc Âm lần trong Khải huyền, đều theo “14 nisan”, cử hành lễ Vượt qua cùng thời điểm với lễ Vượt qua Do thái, ngày 14 tháng nisan, tức ngày họ kỷ niệm cái chết của Đức Kitô, chứ không phải kỷ niệm ngày Chúa sống lại. Nói cho rõ hơn, đây là phụng vụ đặt trọng tâm vào ngày thứ sáu, hôm trước ngày sabbát, được coi như khởi điểm của ngày phục sinh. Theo lịch sử, chúng ta biết bẩy Giáo hội ở Tiểu Á, mà sách Khải huyền nhằm gửi đến, tất cả đều theo truyền thống 14 nisan. Chính ở Smyrna, một trong bẩy Giáo hội, mà một môn đệ của Gioan, thánh Polycarpô, làm giám mục, người đã đến Rôma khoảng giữa thế kỷ II, để tranh luận với Giáo hoàng Anicêtô về vấn đề thời gian khác nhau của lễ Vượt qua. Riêng tại Sarđê, một thành khác trong bẩy thành, chính giám mục Mêlitô minh nhiên theo truyền thống 14 nisan.

Như vậy, chương 5 của sách Khải huyền là bản chú giải tốt nhất về những gì chúng ta cử hành. Nó quy chiếu tới cùng một thời điểm lịch sử và phụng vụ mà chúng ta cũng đang làm sống lại. Nó chứa đựng những lời của Thiên Chúa, những lời linh ứng, được dành cho chúng ta. ở đây và lúc này. Chúng ta hãy lắng nghe.

***

Sách viết: “Tôi thấy trong tay hữu Đấng ngự trên ngai một cuốn sách viết cả trong lẫn ngoài, niêm bẩy ấn.” (Kh 5,1). Cuốn sách viết cả trong lẫn ngoài trình bầy Lịch sử Cứu độ và, một cách cụ thể, trình bầy Cựu Ước là sách chứa đựng lịch sử ấy. Theo cách cắt nghĩa của các Giáo phụ, sách được viết cả trong lẫn ngoài cho thấy người ta có thể đọc theo văn tự hay theo Thần Khí, nghĩa là: hoặc theo nghĩa đen, là nghĩa riêng biệt và tạm thời, hoặc theo nghĩa thiêng liêng, là nghĩa phổ quát và vĩnh viễn. Nhưng để có thể đọc nó “bên trong”, cuộn sách phải mở ra, trong khi nó đang được niêm bẩy ấn vào lúc này.

Trước Đức Kitô, Kinh Thánh giống như bản dàn bè của một bản đại hòa tấu viết trên giấy, và người ta không thể nghe được âm thanh hùng mạnh của nó, bao lâu người ta chưa đặt ở đầu bản nhạc chìa khóa giúp người ta đọc nó. Viên chức của nữ hoàng Canđakê, đang trên đường từ Giêrusalem trở về nhà, khi đọc đoạn văn của cuộn sách về Isaia tương ứng với chương 53 của sách này, đã hỏi Philipphê: “Vị ngôn sứ nói thế về ai? Về chính mình hay về một ai khác? (Cv 8,34) Đoạn văn ông đang đọc là đoạn này “Như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông…” (Is 53,7) Ông ta chưa có chìa khóa để đọc.

Thị kiến của Gioan tiếp tục: “Rồi tôi thấy một thiên thần dũng mãnh tuyên bố: ‘Ai xứng đáng mở cuốn sách và tháo ấn niêm phong?’ Nhưng không ai ở trên trời, dưới đất hay trong lòng đất,  có thể mở cuốn sách và nhìn vào đó. Và tôi khóc nức nở…” (Kh 5,2-4). Phù hợp với chính bản chất của phụng vụ, Gioan đưa chúng ta về lại thời điểm lịch sử lúc các sự việc xẩy ra hoặc sắp xẩy ra. Lời than phiền của vị tiên tri gợi lên lời than phiền của các môn đệ sau cái chết của Đức Giêsu: “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel” (Lc 24,21). Lời than phiền của Maria Mađalêna trước ngôi mộ trống. Lời than phiền của tất cả những người “mong chờ ơn Cứu Độ Israel” (x. Lc 2,25).

Vẫn là thị kiến của Gioan: “Một trong các vị Kỳ Mục bảo tôi: ‘Đừng khóc nữa! Này đây sư tử xuất thân từ chi tộc Giuđa, Chồi Non của Đavít, đã chiến thắng. Người sẽ mở cuốn sách và bẩy ấn niêm phong” (Kh 5,5). Enikèsen! Vicit! Ngài đã chiến thắng. Đó là tiếng kêu mà người thấy thị kiến có nhiệm vụ làm vang lên trong Giáo hội, và qua bao thế hệ Giáo hội làm vang lên trong thế giới: Ngài đã chiến thắng, sư tử từ chi tộc Giuđa! Sư tử này là Đấng Thiên Sai, vì trong sách Sáng thế, Giacóp đã gọi như vậy khi ông chúc lành cho con của Giuđa (x. St 49,9). Biến cố mọi người hằng trông đợi và cắt nghĩa mọi sự, đã xẩy ra. Người ta sẽ không trở lại phía sau. Trong một cố gắng lớn lao, lịch sử đã xoay trọng tâm từ phía sau ra phía trước, đạt tới chóp đỉnh. Sự viên mãn thời gian đã được phục hồi. “Thế là đã hoàn tất” (Consummatum est), Đức Giêsu đã kêu lên như thế trước khi tắt thở (Ga 19,30).

Động từ enikèsen ở thì quá khứ, Ngài đã chiến thắng ẩn chứa chính nguyên lý giúp cho lịch sử có được sức mạnh và tính chất tuyệt đối của nó, một tính chất mang lại cho một sự kiện, xẩy đến trong một thời gian và không gian nhất định, một giá trị vĩnh cửu và phổ quát. “Điều đã xẩy ra thì không thể đã không xẩy ra – Impossibile est factum non esse quod factum est.” Không ai biết hơn “Hoàng tử của thế gian này” sức mạnh kinh khủng biểu thị cho lịch sử điều mà nguyên lý bất mâu thuẫn biểu thị cho siêu hình học. Người ta sẽ không còn có thể trở lại giai đoạn trước. Không gì cũng như không ai trên thế giới, dù có nỗ lực đến mấy, có thể làm cho không xảy ra những gì đã xảy ra, cụ thể là Đức Giêsu Kitô không chết hay không sống lại, con người không được cứu chuộc, Giáo hội không được thành lập, các bí tích không được đặt ra, triều đại của Thiên Chúa không được thiết lập.

“Đây là lúc sang trang soi sáng mọi sự, như chiếc lá lớn in trong sách lễ. Đây là Trang lớn rực rỡ mầu đỏ, chia cách hai Giao Ước. Mọi cửa nhất loạt mở rộng, mọi đối kháng tiêu tan, mọi mâu thuẫn được giải quyết[1].”

Chúng ta cũng đã nghe trong phụng vụ hôm nay bài trích sách Isaia, về con chiên bị dẫn tời lò sát sinh, nhưng chúng ta đã không cần tự hỏi, như viên chức của nữ hoàng Canđakê, xem nhà tiên tri nói về ai. Từ đây chúng ta biết Isaia nói về người nào, vì cuốn sách đã được mở ra.

Tất cả những điều đó xẩy ra cách nào và khi nào? Thị kiến tiếp tục cho biết: “Bấy giờ tôi thấy đứng ở giữa ngai và bốn Con Vật, giữa các vị Kỳ Mục, một Con Chiên, trông như thể đã bị giết” (Kh 5,6). Một Con Chiên bị sát tế, tức bị giết, nhưng lại đứng, tức đã sống lại! Nhờ sự chết và sự sống lại của mình, Đức Kitô đã hoàn tất mọi sự ấy. Ngài đã cắt nghĩa Kinh Thánh bằng cách làm trọn lời Kinh Thánh; tuy vậy không phải bằng lời, nhưng bằng hành vi. Gioan không giấu giếm trở lại cảnh tượng Canvê khi mà, bằng cái chết chiến thắng của mình, Đức Giêsu đã hoàn tất lời Kinh Thánh: “Ta đã thắng và ngự bên Cha Ta trên ngai của Người.” (Kh 3,21)

Một thi sĩ đã tưởng tượng ra một câu chuyện như sau, được coi như do viên đại đội trưởng tạo ra, người ngày hôm đó hiện diện ở Canvê:

“Chưa bao giờ có một cái chết như cái chết đó,

và Thiên Chúa biết rằng tôi đã thấy vô số cái chết!...

Không phải chống lại cái chết mà Ngài chiến đấu.

Cái chết là nữ tỳ của Ngài, chứ không phải bà chủ của Ngài

Đó không phải là một người thua trận…

Trên thập giá,

điều Ngài chống lại là một điều gì đó lớn hơn nhiều

so với những người giả hình xấu miệng…

Không, đó là một cuộc chiến đấu hoàn toàn khác…

Cuối cùng, Ngài thốt lên một tiếng kêu chiến thắng.

Mọi người đều chưng hửng,

Nhưng tôi, người thông thạo những cuộc chiến đấu và những người chiến đấu,

Tôi nhận ra tiếng kêu của người thắng trận,

Trong số ngàn vạn tiếng kêu khác [2].”

Chiến thắng là chiến thắng sự chết, một cái chết được chấp nhận trong sự vâng phục hoàn toàn Chúa Cha và vì yêu thương con người. Đối với Gioan, sự phục sinh chỉ là đưa ra ánh sáng một cuộc chiến thắng ẩn giấu trên thập giá. Đức Giêsu là “người chiến thắng vì là tế vật” – victor quia victima [3]”. Cũng như trên bàn thờ, sau lúc truyền phép, người ta không thấy có gì thay đổi bên ngoài nơi bánh và rượu, trong khi chúng ta biết rằng chúng hoàn toàn khác với trước đây, vì chúng trở nên mình và máu Đức Kitô. Cũng vậy, Phục sinh có vẻ không làm thay đổi gì trên thế giới, trong khi thực ra mọi sự đều biến đổi và thế giới trở thành một “tạo thành mới”.

***

Thế nhưng tại sao Gioan cảm thấy cần phải nhắc lại những sự việc này ở Giáo hội thời ngài? Chúng ta tự hỏi điều này, vì, theo tôi, sứ điệp mà trang này của Tân Ước tạo ra cho chúng ta được chứa đựng ở đó. Chính ở đây chúng ta đạt tới ý nghĩa và mục đích của phụng vụ mà chúng ta đang cử hành.

Một hôm Gioan Tẩy Giả sai hai môn đệ đến gặp Đức Giêsu và hỏi Ngài: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11,3) Dường như Gioan, người đã chia sẻ, ở một mức độ nhất định, với những người cùng thời, niềm trông đợi về một Đấng Mêsia vinh quang và chiến thắng, đã cảm thấy mất phương hướng do cách cư xử của Đức Giêsu, quá hiền lành và khiêm nhường, rất ít hoa mỹ so với những gì ông đã hình dung. Nói tắt, có vẻ như ông cũng bị thử thách về đức tin, cảm thấy "vấp ngã” về Đức Giêsu, như Phêrô và các tông đồ khác đã thấy vì những lý do tương tự. Chúng ta biết nội dung câu trả lời của Đức Giêsu cho Gioan: “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi!” (Mt 11,6) Một sự kiện tương tự sẽ xẩy ra vào cuối thời tông đố, lần này ở giữa lòng cộng đồng Kitô giáo. Thư thứ hai của thánh Phêrô kể lại một câu hỏi loan truyền đây đó giữa các Kitô hữu: “Đâu rồi lời Người hứa sẽ quang lâm? Vì từ ngày các bậc cha ông an nghỉ, mọi sự vẫn y nguyên như khi trời đất mới được tạo thành.” (2Pr 3,4)

Sách Khải huyền được viết cho một Giáo hội đang sống tình huống này và phải đương đầu với sự hoài nghi kinh khủng này. Nhưng có đúng là Đấng phải đến đã đến? Có đúng là mọi sự đã thay đổi? Phải chăng điều ngược lại mới đúng, tức là mọi sự đều như trước đây? Các môn đệ của Đức Kitô bị bách hại, bị chế giễu, không được hưởng những phúc lợi xã hội. Người ta cho Con Thú “giao chiến với dân thánh và thắng họ” (Kh 13,7). Khi đó, trên trận địa này, phát sinh những chia rẽ nội bộ, lạc giáo, có xu hướng chuyển trung tâm của chú ý, của cuộc sống cụ thể sang những tư biện (gnose), đến mức loại bỏ khỏi đời sống Kitô hữu yêu cầu này của chủ nghĩa cấp tiến, và đưa nó tới chỗ thỏa hiệp với những phong tục ngoại giáo.

Chính cho Giáo hội này, đang bị cám dỗ chán nản và “nguội lạnh" và cần phải tìm lại "lòng nhiệt thành ban đầu” của mình", để thậm chí đương đầu với sự tử đạo, nếu cần, chính xác cho Giáo hội này mà người thị kiến vui mừng kêu lên như một tiếng kèn: “Enikèsen” – Ngài đã chiến thắng!” Gioan muốn biến mọi Kitô hữu thành những người “thị kiến” như mình: những người có mắt để nhìn điều đã xẩy ra trên thế giới, vì cái chết của Đức Kitô.

Có một vùng của quang phổ, vùng ở bên này màu đỏ, mà mắt người không thể nhận thấy. Nhờ các tia của nó, được gọi là tia hồng ngoại, chúng ta có thể nắm bắt các khía cạnh của các yếu tố và của chính hành tinh chúng ta, những khía cạnh mà, nếu không, sẽ không được biết đến. Hình ảnh rút ra từ đó hoàn toàn khác với hình ảnh của các tri giác thông thường. Đó cũng chính là điều xẩy ra trong lãnh vực tâm trí. Có một khía cạnh của thực tại, khía cạnh không qua đi với hình bóng của thế giới đang qua này, khía cạnh không nhìn thấy bắng mắt trần, nhưng chỉ nhìn thấy dưới ánh sáng của mạc khải. Con người tự nhiên, cho dù có học thức và khôn ngoan mấy đi nữa trong mọi việc, cũng không nghi ngờ sự hiện hữu của nó. Chính là hình ảnh vượt qua của thế giới là kết quả của sự chết và sự sống lại của Đức Kitô, thế giới như chính Thiên  Chúa thấy. Nó không chỉ cho ta thấy một khía cạnh bổ túc của thực tại, nhưng còn giúp ta thấy mọi sự, ngay cả những sự ở thế gian này, trong một ánh sáng mới mẻ. Gioan đã nhận được hình ảnh này, ngài hoàn toàn tiêm nhiễm nó, và giờ đây ngài chuyển đạt nó cho Giáo hội trong tất cả quyền năng tiên tri của nó. “Ai có tai thì hãy nghe điều Thần Khí nói với các Giáo hội.” (Kh 2,7 và tại nhiều chỗ khác)

***

Câu hỏi và cám dỗ làm cho vị Tiền Hô phải bối rối một lúc – “Thầy có thật là Đấng phải đến không?” (Mt 11,3) – và câu hỏi cũng như cám dỗ làm cho các Kitô hữu thuộc thế hệ thứ hai phải bối rối – “Đâu rồi lời Người hứa sẽ quang lâm?” (1Pr 2,4) còn thấy ngày hôm nay và dai dẳng hơn bao giờ hết. Mọi sự dường như tiếp tục từ lúc thế giới được tạo thành. Cũng ngày hôm nay, Con Thú được phép “giao chiến với các thánh và thắng họ” (x. Kh 13,7). Các tín hữu và, bằng một cách khác, mọi người có lòng ngay và thiện ý thường thua trên khắp các mặt trận. Kẻ thù xưa lợi dụng tình hình để phá tan sức chống cự của các linh hồn yếu mến nhất sự thật và sự công chính, và là những người nhạy cảm nhất với đau khổ và sự dữ thống trị trên thế giới. Trong lúc ngày Thứ Sáu Thánh Giáo hội công bố cho thế giới ngày hôm nay là ngày Cứu Chuộc, thì kẻ thù gào to cho những linh hồn này đồng thời làm khổ họ: “Đó là ngày đại dối trá, ngày đại dối trá! Cứ nhìn quanh các người coi: có gì được cứu chuộc trong thế giới này đâu?”

Cũng ngày hôm nay, kẻ tố cáo bị tống ra ngoài (x. Kh 12,10) như tia chớp (x. Lc 10,18), mỗi lần chúng ta làm cho lời của vị tiên tri trở thành của chúng ta và chúng ta lấy đức tin lặp lại: “Vicit leo de tribu Juda – Sư Tử thuộc chi tộc Giuđa đã chiến thắng” và Ngài đã mở cuốn sách. Tất cả đều được cứu chuộc, vì sự đau khổ và ngay cả sự chết cũng được cứu chuộc. Ai càng lặp lại những lời trên trong thử thách, thua bại và yếu đuối trước mắt người ta, tiếng kêu của người đó càng vươn cao, tinh tuyền, và làm cho quyền lực bóng tối phải hết sức run sợ, vì khi ấy đức tin của người đó được tinh luyện như bạc trong lò, nhất là vì khi ấy người đó giống nhất với Con Chiên đã trở nên chiến thắng bằng cách chấp nhận làm tế vật. Trước mộ của Ladarô mới qua đời, Đức Giêsu nói với cô Matta: “Thầy đã nói với chị rằng, nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa!” (x. Ga 11,40) Cũng điều ấy được lặp lai nơi mỗi người chúng ta khi mà, nhìn với con mắt nhân loại, chúng ta dường như không còn giải pháp nào nữa: “Thầy đã nói với con rằng nếu con tin, con sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa!”

Ở trần gian này, chúng ta không chỉ tin vào cuộc chiến thắng, nhưng còn chiến thắng trong đức tin. Nhờ đức tin, chúng ta đã là những người chiến thắng, chúng ta đã trải nghiệm điều gì đó về sự sống vĩnh cửu. Người nào tin thì đã ngự “bên Đức Giêsu, trên ngai của Ngài”“thưởng thức manna đã được giấu kỹ” (Kh 3,21;  2,17). Gioan đã mạnh mẽ nhắc lại điều đó cho chúng ta: “Điều làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của chúng ta” (1Ga 5,4).

Có một thời việc công bố chiến thắng này của Đức Kitô thì dễ hơn. “Thập giá ngày xưa là dấu chỉ của ô nhục, ngày nay lấp lánh trên triều thiên các vua[4]”, một số Giáo Phụ đã thốt lên như vậy vào lúc kết thúc cuộc bách hại. Có lẽ đó không phải là chính Constantinô, người được biết là đã hứa hẹn trong thị kiến nổi tiếng về thập giá của ông: “Cứ dấu này ngươi sẽ thắng – In hoc signo vinces”. Dầu sao, rõ ràng là lúc này không phải như vậy, ngay trong các quốc gia có truyền thống Kitô giáo lâu đời. Đấng bị đóng đinh bị tống cổ hết nơi này đến nơi khác. Vì vậy, hơn lúc nào hết, bây giờ là lúc công bố sư tử Giuđa đã chiến thắng, như khi lời này được nói cho Gioan lúc ngài “đang ở đảo gọi là Patmô, vì đã rao giảng lời Thiên Chúa và lời chứng của Đức Giêsu” (x. Kh 1,9). “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.” (Mt 11,6)

Khi chúng ta sắp bị đè bẹp bởi những tình cảnh quá khó khăn cho chúng ta, hoặc khi ý định của Thiên Chúa trên cuộc đời ta, trên những người yêu quý của ta, trên toàn thể Giáo hội, xuất hiện như một cuốn sách bị niêm phong bằng bẩy ấn, mà chúng ta phải thực hiện nhưng không hiểu, hoặc khi chúng ta thấy, ngay cả ngày hôm nay, người nghèo khó và yếu đuối phải chết nhưng không được ai quan tâm, thì đó là lúc chúng ta quỳ gối và kêu lên với tất cả lòng tin của chúng ta: “Sư tử xuất thân từ chi tộc Giuđa đã chiến thắng. Người sẽ mở cuốn sách và bẩy ấn niêm phong.” (Kh 5,5) Chính nơi Ngài mà mọi kẻ thua bại và nạn nhân trên thế giới có hy vọng chính họ cũng trở thành những người chiến thắng.

***

Sách Khải huyến viết là Con Chiên vừa nhận cuốn sách từ tay Đấng ngự trên ngai, người ta nghe thấy tiếng một ca đoàn hùng mạnh vang lên từ mọi nơi trên trời dưới đất: “Ngài xứng đánh lãnh nhận cuốn sách và mở ấn niêm phong, vì Ngài đã bị giết. Ngài thật xứng đáng” (Kh 5,9) và cuối cùng mọi người “phủ phục xuống thờ lậy” (Kh 5,14; 7,11).

Đó là việc chúng ta cũng sẽ làm lát nữa đây, khi chúng ta phủ phục xuống thờ lậy Đấng bị đóng đinh, nối dài ở dưới đất phụng vụ thánh ở trên trời. Khởi đầu thị kiến, nhà tiên tri nói là mình đã khóc nhiều, ngày hôm nay Giáo hội cũng khóc. Giáo hội khóc cho cái chết của Phu Quân trên thập giá, khóc giữa bao nỗi gian truân của thế giới, khóc vì sự bội phản và cứng lòng của biết bao con cái mình, khóc vì những bất trung của mình. Những lời sau đây ngày hôm nay nhằm nói cho Giáo hội này đang thống hối, khiêm nhường quy tụ chung quanh Con Chiên sau vị mục tử của mình: “Đừng khóc nữa. Này đây sư tử xuất thân từ chi tộc Giuđa, Chồi non của Đavít, đã chiến thắng!” (Kh 5,5)

(Raniero Cantalamessa, Nous prêchons un Christ crucifié, EdB, 2018, pp. 83-93)

Lm Micae Trần Đình Quảng

 

 



[1]  P. Claudel, L’épée et le miroir

[2]  x. F. Topping, An impossible God

[3]  Augustinô, Confessions, X, 43.

[4]  Augustinô, Enarratio in Psalmum, 75, 10


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều