3

KHI CON TÌM KIẾM CHÚA,

CHÍNH LÀ HẠNH PHÚC CON KIẾM TÌM

 

 

Chúng ta tiến thêm một bước mới trong tiểu luận của chúng ta, và cố gắng, nếu không muốn "định nghĩa", thì ít nhất cũng "mở ra" một vài cái nhìn bao quát về thực tại Thiên Chúa hằng sống. Chúng ta đã nói: "Thiên Chúa là tình yêu”, thì cũng phải nói thêm rằng: Thiên Chúa là hạnh phúc! Ngài là "Thiên Chúa hạnh phúc, Đấng ban hạnh phúc", như thánh Augustinô nói[1]. Được hạnh phúc và làm cho người khác hạnh phúc là nét riêng của Ngài, cũng như chiếu sáng và làm cho mọi vật có màu sắc là thuộc về ánh sáng. Hạnh phúc thuộc về chính mầu nhiệm hữu thể của Ngài. Vì Ngài là Sự Thiện tối cao, nên cũng là hạnh phúc vô biên và tối cao. Thánh Phanxicô đã ca lên trong “Ca ngợi Thiên Chúa tối cao” rằng: "Chúa là niềm vui, là nỗi hân hoan vui sướng". Trước câu hỏi: “Thiên Chúa là gì?”, giáo lý viên hẳn có thể dạy cho học sinh của mình trả lời rất đúng rằng: “Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn hạnh phúc, Đấng tạo dựng trời đất. Sẽ đúng không kém khi nói về hữu thể “tuyệt đối hoàn hảo” và chắc chắn trẻ em sẽ dễ hiểu hơn, vì chúng liên kết hạnh phúc với trò chơi cách tự nhiên và có lý.

Làm sao chúng ta biết Thiên Chúa là hạnh phúc? Ngài là hạnh phúc với cùng một lý do như Ngài là ba ngôi: vì Ngài là tình yêu. Thực tế, và kinh nghiệm cho thấy, hạnh phúc chính là yêu và được yêu. Chắc hẳn, cả sự thật lẫn kiến ​​thức cũng làm cho con người hạnh phúc, nhưng với điều kiện phải có tình yêu đi kèm. Thế mà từ đời đời, Chúa Cha yêu Chúa Con bằng tình yêu vô biên, bù lại Chúa Con cũng yêu Chúa Cha bằng một tình yêu vô biên không kém. Nơi Ngài, Chúa Cha tìm lại được "tất cả tình yêu của mình", và do đó hạnh phúc của mình. Thánh Augustinô viết: “Sự ôm ấp khôn tả của Chúa Cha và của Hình Ảnh không suôn sẻ nếu không có vui sướng, không có bác ái, không có hoan lạc. Sự yêu quý này, lạc thú này, sung sướng này, chúng ta hãy nói hạnh phúc này, nếu có hạn từ nào của con người có thể diễn tả một cách phù hợp..., thì chính là Chúa Thánh Thần trong Ba Ngôi. Người không được sinh ra, là sự êm dịu của đấng sinh ra và đấng được sinh ra, Người làm cho mọi loài thụ tạo được chan chứa sự tự do của mình, sự phong phú bao la của mình, tùy theo khả năng của chúng[2]."

Khi Chúa Thánh Thần tuôn đổ tình yêu của Thiên Chúa vào lòng con người (Rm 5,5), thì đồng thời Người cũng đổ xuống trên họ hạnh phúc của Thiên Chúa. Vì lẽ đó, niềm vui là một trong những hoa trái đầu mùa của việc Người đến trong tâm hồn (x. Gl 5,22). Chính vì tình yêu, tự bản tính, có khuynh hướng lan tỏa mà Thiên Chúa "đã tạo ra thế giới để muôn loài được đầy tràn ơn phúc và vui hưởng ánh sáng huy hoàng của Ngài[3]". Hạnh phúc của Thiên Chúa giống như "dòng sông tràn bờ và cánh tay của Đấng làm vui mừng thành đô của Thiên Chúa" là toàn thể thế giới. "Thiên Chúa, nguồn vui hoan lạc của tôi": đây là danh hiệu được gán cho Thiên Chúa trong một Thánh vịnh (Tv 43,4).

Nếu Thiên Chúa là hạnh phúc, bất cứ điều gì Ngài làm là lấy lòng vui mà làm; Ngài lấy lòng vui mà tạo dựng “khi các vì sao ban sáng đang hòa tấu nhịp nhàng và hết mọi con cái Thiên Chúa cùng rập tiếng tung hô” (G 38,7). Ngài lấy lòng vui mà cứu vớt, thậm chí lấy lòng vui mà chịu khổ (vì đúng là Thiên Chúa “chịu khổ” với con người và cho con người, chừng nào con người có nguy cơ đánh mất chính mình). Julienne Norwich viết: "Tôi thấy rằng Thiên Chúa vui mừng vì được làm Cha của chúng ta, vui mừng vì được làm Mẹ của chúng ta, vui mừng vì trở thành Phu Quân thật sự của chúng ta, và vui mừng vì được linh hồn của chúng ta làm hiền thê[4]." Thiên Chúa hạnh phúc! Thiên Chúa hạnh phúc! Đây là một lời khẳng định mới về Thiên Chúa chứ không phải một lời khuôn sáo, thậm chí còn tốt hơn rất nhiều diễn từ, để giúp chúng ta nhận thức được rằng Thiên Chúa đúng là "Thiên Chúa hằng sống".

Sự thật này là cốt yếu trong bước đi của chúng ta hướng tới mục tiêu mà chúng ta đã tự đặt ra cho cuộc hành trình của mình : con đường đến với Thiên Chúa hằng sống cũng là con đường đến với hạnh phúc. Thánh Augustinô viết[5]: “Lạy Chúa, khi con tìm kiếm Chúa, chính là cuộc sống hạnh phúc mà con kiếm tìm”. Đỉnh cao mà chúng ta đã quyết định leo lên là đỉnh cao mà mọi người cũng đang hướng tới. Than ôi, họ rất hay chọn sườn dốc khó leo. Mọi người đều muốn được hạnh phúc. Chỉ với từ hạnh phúc, mọi người đứng thẳng dậy và nhìn vào bàn tay bạn để xem liệu bạn có thể tình cờ cho họ thứ gì đó để làm dịu cơn khát hạnh phúc của họ. Khát vọng này là chung cho tất cả mọi người, tốt hay xấu, không trừ ai, vì không ai xấu nếu nhờ khao khát mà hy vọng tìm thấy hạnh phúc. Nếu chúng ta có thể hình dung ra cảnh tượng toàn thể nhân loại trong hoạt động sâu sắc nhất của mình, chúng ta sẽ thấy giống như một đám đông rất nhiều người xung quanh một cây ăn trái: tất cả đều kiễng chân và tuyệt vọng vươn tay cố gắng hái một trái mà thực tế không ai hái được. Theo Dante, hạnh phúc là "trái cây dịu ngọt đến nỗi, trong số bao nhiêu cành, nó đi cầu xin sự quan tâm của con người[6]."

Chúng ta đã biết hạnh phúc ở đâu và khi nào, để mang trong mình một khao khát mãnh liệt về nó từ khi mới sinh ra? Ở kiếp trước chăng? Nhưng điều đó sẽ chỉ đưa vấn đề trở lại kiếp trước, mà không giải quyết được. Chúng ta mang trong mình niềm khao khát được sống hạnh phúc, vì Thiên Chúa đã tạo ra chúng ta "theo hình ảnh Ngài và giống Ngài": Ngài chính là Đấng hạnh phúc hoàn hảo, đã tạo ra chúng ta để được hạnh phúc. Chúng ta được nhào nặn với khát vọng hạnh phúc.

Một câu hỏi được đặt ra: tại sao rất ít người thật sự hạnh phúc? Và những người như vậy, tại sao họ lại như vậy theo cách thức như trốn chạy? Tôi nhắc lại: chúng ta đang leo lầm sườn dốc, chọn một sườn dốc không thể dẫn chúng ta đến đỉnh núi. Một số bản vẽ, bức tranh hoặc ảnh chụp của thế kỷ trước và đầu thế kỷ này trình bầy những tai nạn nổi tiếng và khủng khiếp xảy ra tại Cervin: toàn bộ dây của những người leo núi tuột móc và rơi xuống đáy thung lũng. Như thể ngọn núi giận dữ hất ra khỏi sườn nó những người khinh suất để loại bỏ họ. Chúng ta lại không thể thấy ở đây một hình ảnh của số phận dành cho bất cứ ai cố gắng leo lên tới hạnh phúc sao?

Không khó để tìm ra sai lầm nằm ở chỗ nào. Mạc khải nói: "Thiên Chúa là tình yêu." Và con người đã nghĩ có thể đảo ngược mệnh đề bằng cách tuyên bố : "Tình yêu là chúa tể!" Khi mạc khải dạy: "Thiên Chúa là hạnh phúc", con người lại đảo ngược mệnh lệnh để quả quyết: "Hạnh phúc là chúa tể!" Điều đó đưa chúng ta tới đâu? Con người không biết hạnh phúc thuần khiết, tuyệt đối, vĩnh cửu, siêu việt, cũng không biết tình yêu tuyệt đối. Họ chỉ biết những mẩu hạnh phúc, thường chỉ là những cơn say thoáng qua của giác quan. Những lúc vui mong manh như pha lê, trong chốc lát làm lóa mắt bằng vẻ lộng lẫy của chúng, nhưng lại mang trong mình nỗi lo có thể biến thành mảnh vụn bất cứ lúc nào. Như thế, con người thần hóa kinh nghiệm của mình. Họ gọi công việc của đôi tay hay khối óc của mình là "chúa tể". Người xưa công khai biến hạnh phúc thành một nữ thần có tên là Felicitas (thần hạnh phúc). Về căn bản, đó cũng là niềm vui được Beethoven ca lên ở cuối Bản Giao hưởng số 9: "Niềm vui, tia sáng tuyệt đẹp của các vị thần! Con gái của Elysée." Một niềm vui mà không phải ai cũng có được, vì nó chỉ dành riêng cho những người "mà số phận đã cho làm bạn của một người bạn,... chinh phục một người vợ quyền quý", như được hát trong phần tiếp theo của bài ca.

Ở đây chúng ta tìm thấy lời giải thích: ai tìm kiếm Thiên Chúa luôn tìm thấy niềm vui, nhưng ai tìm kiếm niềm vui không phải lúc nào cũng tìm thấy Thiên Chúa. Tìm kiếm hạnh phúc trước khi tìm kiếm Thiên Chúa, hoặc tìm kiếm hạnh phúc ngoài Thiên Chúa, chỉ là tìm thấy ảo ảnh của nó, "một vú nuôi khô cằn", "những hồ nước nứt rạn, không giữ được nước" (Gr 2,13). Con người giảm khát khao hạnh phúc xuống mức định lượng: họ theo đuổi những thú vui và cảm xúc ngày càng mãnh liệt hơn, thêm hết thú vui này vào thú vui khác. Và kinh nghiệm dạy cho họ biết rằng "Mắt có nhìn bao nhiêu cũng chẳng thấy gì lạ, tai có nghe đến mấy cũng chẳng thấy gì mới” (Gv 1,8). Trong suốt cuộc đời của mình, bác sĩ Faust đã tìm kiếm khoảnh khắc tuyệt vời này khiến ông phải kêu lên: "Dừng lại, ngươi thật đẹp!" Ông đã không bao giờ tìm thấy nó. Cuối cùng điều sẽ cứu ông chính là: "Không có khoái cảm nào làm ông thỏa mãn, không có hạnh phúc nào là đủ cho ông", kẻ thù của linh hồn ông bực mình mà lưu ý như vậy[7].

Do đó, để đi vào niềm vui, phải vượt từ số lượng sang phẩm chất. Chỉ mình Thiên Chúa là hạnh phúc và làm cho con người hạnh phúc. Một Thánh vịnh khuyên bảo theo nghĩa này: “Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn, Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng” (Tv 37,4). Với Ngài, ngay cả những niềm vui trong cuộc sống hiện tại vẫn giữ được hương vị ngọt ngào và không biến thành nỗi âu lo. Chỉ mình Ngài đã có thể khiến một vị thánh phải kêu lên: "Đủ rồi, lạy Chúa, đủ vui rồi! Trái tim con không thể nhận thêm được nữa!" Để mô tả cuộc sống vĩnh cửu, Kinh Thánh sử dụng những hình ảnh lễ lạc, tiệc cưới, hát ca và múa nhảy, bao nhiêu biểu tượng gợi lên bầu không khí hạnh phúc. Đi vào cuộc sống vĩnh cửu là dứt khoát đi vào niềm vui: “Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh” (Mt 25,21).

Nơi Thiên Chúa, con người tìm thấy tất cả những gì mình quen diễn tả bằng từ hạnh phúc và thậm chí còn vô hạn hơn thế nữa, vì “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người” (1Cr 2,9). Mục tiêu cuối cùng mà đức tin Kitô giáo đề ra cho con người không phải là thuần túy chấm dứt mọi đau khổ hay dập tắt mọi ham muốn. Còn vô cùng hơn thế nữa: thỏa mãn mọi ham muốn của mình. "Trước thánh nhan, ôi vui sướng tràn trề, ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi!" (Tv 16,11).

Như đã nói, chúng ta đang sống trong một thời kỳ khắc khoải. Khái niệm khắc khoải đã thay thế cho suy tư của cổ nhân về hạnh phúc; nó đã tràn ngập triết học, tâm lý học, văn học. Giả sử, trong tương lai, ai đó muốn biết cách sống của con người ở thế kỷ XX bằng cách dựa vào một tác giả như Kafka chẳng hạn: anh ta sẽ giữ lại ấn tượng về một nỗi lo âu chết người, thâm nhập vào mọi chỗ sâu kín của con người. Rất nhiều trang viết về thân phận bất hạnh của con người đã bày tỏ ít nhất một sự thật này: con người không cam chịu bất hạnh; đó là một thực tại xa lạ với con người anh ta; không phải là tự nhiên đối với anh ta. Một cách đặc biệt, cuộc đấu tranh chống lại sự lo âu minh chứng cho nhu cầu được sống hạnh phúc, một nhu cầu không cưỡng lại được.

Vậy đã đến lúc bắt đầu can đảm công bố "tin vui" này rằng: Thiên Chúa là hạnh phúc, hạnh phúc sẽ thắng, chứ không phải đau khổ, thiếu thốn hay thập giá; rằng: đau khổ đơn giản hữu ích cho việc loại bỏ những gì ngăn cản niềm vui, làm cho tâm hồn giãn ra, để có thể nhận được niềm vui ấy ở mức lớn nhất có thể. Niềm vui đến từ Thiên Chúa rất mạnh mẽ đến nỗi chiến thắng, cho dù chúng ta vẫn còn phải ở trên thế gian đầy thử thách. Như ông Nêhêmi đã loan báo điều ấy cho dân chúng đang nức nở: “Niềm vui của Đức Chúa là là thành trì bảo vệ anh em” (Nkm 8,10).

Chớ gì việc loan báo niềm vui này đánh dấu sự kết thúc của thiên niên kỷ thứ hai đầy sóng gió và chuẩn bị chúng ta đón nhận điều mới! Chớ gì niềm vui sẽ là dấu hiệu đặc biệt của công cuộc tân Phúc âm hóa! Là vì cuối cùng nhân loại xác tín rằng họ phải lựa chọn giữa Thiên Chúa và hạnh phúc. Một cách vô thức, chúng ta đã làm cho Thiên Chúa trở thành người cạnh tranh, thù nghịch với niềm vui của con người; một Thiên Chúa “đố kỵ”, giống như vị thần của một số tác giả ngoại giáo. Đó là công trình tuyệt vời của Satan, là vũ khí giúp cho nó rất thành công với Evà.

Vậy, chúng ta hãy tiếp tục cuộc hành trình của mình với một sự chắc chắn đổi mới, có thể chắp cho chúng ta đôi cánh: giúp chúng ta bay lên tới Thiên Chúa hằng sống, đồng thời cũng giúp chúng ta bay lên tới hạnh phúc. Theo sườn thuận lợi của ngọn núi!

Chúng ta kết thúc bằng một lời kinh của Giáo Hội:

"Lạy Chúa, chỉ có Chúa mới làm cho chúng con nên một lòng một ý; xin cho tất cả chúng con biết yêu luật Chúa truyền và mong điều Chúa hứa, để dầu sống giữa cảnh thế sự thăng trầm, chúng con vẫn một lòng thiết tha với cõi phúc chân thật[8]."

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



[1]  Thánh Augustinô, La Cité de Dieu, IX, xv, 2; x. tr. Moreau, Paris, Seuil, 1994, p. 390.

[2]  Thánh Augustinô, La Trinité, VI, x, 10; x. BA, t. 15, p. 499.

[3]  Sách Lễ Rôma, Kinh Nguyện Thánh Thể IV.

[4]  Julienne de Norwich, Révélations de l’Amour de Dieu, 52, Paris, Oudin 1910, p. 220.

[5]  Thánh Augustinô, Confessions, X, xx, 2 9; x. BA t. 14, p. 19 3

[6]  Dante Alighieri, Purgatoire, XXVII, v. 115.

[7]  J.W. Goeth, Faust, 2e partie, V, 11581-11587.

[8]  Sách Lễ Rôma, Lời nguyện Chúa nhật XXI Mùa Thường niên.


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều