VI

“Hãy đón nhận Lời”

LỜI THIÊN CHÚA

CON ĐƯỜNG THÁNH HÓA BẢN THÂN

 

 

1. Lectio divina

Trong bài suy niệm này, chúng ta sẽ suy nghĩ về lời Chúa như con đường thánh hóa bản thân. Đề cương chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục (tháng 10 năm 2008) bàn về chủ đề này trong một đoạn của chương II dành cho “Lời Chúa trong đời sống người tín hữu”.

Đây là một chủ đề thường xuyên được đề cập trong truyền thống tu đức của Giáo Hội. Thánh Ambrôsiô nói: “Lời Chúa là yếu tố sinh tử của linh hồn chúng ta. Lời ấy nuôi dưỡng, bảo trì và cai quản linh hồn. Không gì ngoài lời Chúa có thể làm cho linh hồn được sống[1].”

Công đồng Vaticanô trong Hiến chế tín lý về Mạc khải nói thêm: “Lời Chúa có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội”[2].

Đức Gioan Phaolô II viết trong Thông điệp Ngàn năm thứ ba đang đến: “Đặc biệt, việc lắng nghe lời Chúa phải trở thành một cuộc gặp gỡ sống động, theo truyền thống xưa nay về việc đọc lectio divina, một hành động cho phép kín múc trong bản văn Kinh Thánh lời sống động chất vấn, định hướng, tạo thành cuộc sống của ta[3]”.

Đức Bênêđitô XVI cũng nói về đề tài này nhân dịp Đại hội Quốc tế về Kinh Thánh trong đời sống Giáo Hội: “Việc miệt mài đọc Kinh Thánh có cầu nguyện đi kèm, thực hiện cuộc đối thoại thân mật, trong đó, khi đọc như vậy, người ta lắng nghe Thiên Chúa nói, và khi cầu nguyện, người ta đáp lại Người với lòng tín thác mở rộng[4].”

Qua những suy tư sau đây, tôi đi vào trong truyền thống phong phú này, bắt đầu từ những gì chính Kinh Thánh nói với chúng ta về điểm này. Trong Thư thánh Giacôbê, chúng ta đã đọc đoạn văn nổi tiếng này về Lời Chúa: “Người đã tự ý dùng lời chân lý mà sinh ra chúng ta, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các thụ tạo của Người… Hãy khiêm tốn đón nhận lời đã được gieo vào lòng anh em, lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em. Anh em hãy đem lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối mình. Thật vậy, ai lắng nghe lời Chúa mà không thực hành, thì giống như người soi gương thấy khuôn mặt tự nhiên của mình. Người ấy soi gương rồi đi, mà quên ngay không nhớ mặt mình thế nào. Ai thiết tha và trung thành tuân giữ luật trọn hảo – luật mang lại tự do – ai thi hành luật Chúa, chứ không nghe qua rồi bỏ, thì sẽ tìm được hạnh phúc trong mọi việc mình làm” (Gc 1,18.21-25).

Chúng ta thấy lại một số chủ đề gần như từng chữ trong bản văn quan trọng khác về Lời Thiên Chúa là Thư thứ nhất của thánh Phêrô (1Pr 1,23-2,2). Giacôbê nói rằng "Người đã tự ý dùng lời chân lý mà sinh ra chúng ta"; trong Thư của mình, Phêrô nói rằng những Kitô hữu đã "được tái sinh, không phải do hạt giống mục nát, mà do hạt giống bất diệt, nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống và tồn tại mãi" (1Pr 1,23). Cả hai đều khởi đi từ sự kiện nền tảng và mầu nhiệm của phép rửa tội và chính trên sự kiện này, các ngài đặt nền móng cho cả các diễn từ đạo đức kế tiếp nhau của các ngài.

Thánh Giacôbê khuyên từ bỏ mọi ô uế để ngoan ngoãn đón nhận lời đã được du nhập vào trong chúng ta; thánh Phêrô cũng nói gần như tương tự: “Vậy anh em hãy từ bỏ mọi thứ gian ác, mọi điều xảo trá, giả hình […] Như trẻ sơ sinh, anh em hãy khao khát sữa tinh tuyền là lời Chúa.” (1Pr 2,1-2)

Nhu cầu thanh tẩy mình cho sạch tội lỗi mà người ta cảm thấy khi đi rước lễ, thì theo hai thánh Tông Đồ, cũng phải được cảm thấy, khi người ta tiếp cận Lời Chúa.

2. Đón nhận lời Chúa

Từ bản văn của thánh Giacôbê, chúng ta rút ra một lược đồ của lectio divina theo ba giai đoạn hoặc ba hoạt động kế tiếp nhau: đón nhận Lời Chúa, suy niệm Lời Chúa Chúa, và thực hành Lời Chúa.

Vậy, bước đầu tiên là lắng nghe Lời Chúa: “Hãy khiêm tốn đón nhận lời đã gieo vào lòng anh em” (Gc 1,21). Hình ảnh của việc gieo gợi lại dụ ngôn về người gieo giống (“Hạt giống là lời Thiên Chúa” Lc 8,11) và đó là một lời ngầm mời gọi tham gia vào số những người đón nhận Lời “với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả” (Lc 8,15).

Giai đoạn đầu tiên này bao gồm mọi hình thức và phương tiện được người Kitô hữu sử dụng để tiếp xúc với lời Chúa: lắng nghe lời Chúa trong phụng vụ, một việc từ nay tương đối dễ, vì các bản văn đã được dịch sang tiếng địa phương, và đã được lựa chọn cũng như phân bố trong cả năm phụng vụ; các trường dạy Kinh Thánh, sách vở, và cá nhân đọc Sách Thánh, một việc làm không thể thay thế. 

“Thánh Công đồng cũng tha thiết và đặc biệt khuyến khích mọi Kitô hữu, cách riêng các tu sĩ, hãy năng đọc Thánh Kinh để học biết “khoa học siêu việt của Chúa Giêsu Kitô” (Pl 3,8) [...] Ước gì họ hăng hái tiếp xúc với chính bản văn Thánh Kinh, nhờ phụng vụ thánh dồi dào lời Thiên Chúa, hoặc nhờ sốt sắng đọc Thánh Kinh, hay nhờ những tổ chức học hỏi thích hợp, hoặc bất cứ phương thế nào[5].”

Với những người dạy Kinh Thánh cho người khác thì ngoài những việc trên đây, còn phải nghiên cứu thêm về Kinh Thánh qua các khía cạnh chú giải, phê bình văn bản, thần học Kinh Thánh, học ngôn ngữ gốc…

Trong giai đoạn này, có hai nguy hiểm cần phải tránh: Nguy hiểm đầu tiên là dừng lại quá lâu ở bước này, biến việc cá nhân đọc lời Chúa thành một cách đọc “khách quan”. Đây là nguy hiểm rất thực tế hôm nay, nhất là trong các môi trường đào tạo đại học. Nếu, để cho phép bản thân được chất vấn, người ta đợi cho đến khi giải quyết được mọi vấn đề liên quan đến bản văn, các dị bản và những khác biệt về quan điểm của các nhà nghiên cứu, người ta không bao giờ đạt được điều gì cả. Trái lại, điều đó trở thành một mánh khóe để tự vệ chống lại Lời Chúa. Lời Chúa đã được ban để chúng ta thực hành, chứ không phải để chúng ta chú giải các vùng màu xám của nó. Có một "lạm phát thông diễn" (herméneutique) và, tồi tệ hơn, người ta tin rằng điều nghiêm trọng nhất liên quan đến Kinh Thánh là thông diễn học chứ không phải thực hành. "Thật là tận cùng của mánh khóe! Lời Chúa chỉ còn là điều gì đó không liên quan đến ai, khách quan, một học thuyết thay vì là tiếng nói của Thiên Chúa mà bạn phải lắng nghe[6]." Theo triết gia, đó không phải là những vùng tối của Kinh Thánh làm tôi sợ, đó là những vùng ánh sáng...

Thánh Giacôbê nói rằng đọc lời Chúa cũng giống như nhìn ngắm mình trong gương. Thế nhưng, như triết gia Kierkegaard nhận xét, người nào chỉ nghiên cứu các nguồn hay dị bản, các văn thể Kinh Thánh, mà không làm gì khác, thì giống như người mất giờ nhìn chiếc gương, cẩn thận xem xét hình dáng, chất liệu, kiểu mẫu thời đại, mà lại không bao giờ nhìn mình trong đó. Chiếc gương không có vai trò gì với người đó.

Lời Chúa được ban để chúng ta đem ra thực hành, chứ không phải chỉ để chúng ta mổ xẻ, giải thích những điểm tối nghĩa. Người ta thấy một hiện tượng lạm phát về chú giải, và tệ hại hơn, liên hệ đến Kinh Thánh, có người tưởng chú giải là điều quan trọng nhất, chứ không phải thực hành.

Nghiên cứu phê bình về Lời Chúa là điều cần thiết và người ta không bao giờ biết ơn cho đủ những người đã dành cả cuộc đời san bằng con đường, giúp chúng ta ngày càng hiểu đúng và rõ hơn bản văn thánh, nhưng ý nghĩa của Kinh Thánh không giới hạn ở điều đó; nó cần thiết nhưng không đủ.

Nguy hiểm thứ hai là chủ thuyết duy căn, hiểu Kinh Thánh theo mặt chữ, không cần một trung gian nào của khoa thông diễn. Mối nguy hiểm thứ hai này ít gây hại hơn nhiều so với cái vẻ của nó khi thoạt nhìn, và cuộc tranh luận hiện nay về "thuyết sáng tạo" (créationnisme), thiết kế thông minh (intelligent design) và “thuyết tiến hóa” là bằng chứng quyết định.

Những người bảo vệ việc đọc sách Sáng thế theo nghĩa đen (thế giới được tạo dựng mấy ngàn năm trước, trong sáu ngày, thế giới hôm nay là như thế) rất có hại cho đức tin.

Nhà khoa học Francis Collins, một tín hữu, giám đốc dự án nghiên cứu về “gen” người, và đã khám phá ra bộ gen này, đã viết: “Những người trẻ lớn lên trong các gia đình và các Giáo Hội nhấn mạnh hình thức này của chủ thuyết sáng tạo, sớm muộn gì cũng khám phá ra bằng chứng khoa học cho thấy vũ trụ xuất hiện xưa hơn nhiều, cũng như khám phá ra sự liên kết giữa mọi sinh vật trong quá trình tiến hóa và chọn lọc tự nhiên. Những người trẻ ấy lại phải đứng trước một sự lựa chọn kinh khủng và vô ích. Không nên ngạc nhiên nếu có nhiều người trẻ quay lưng lại với đức tin, khi chúng quả quyết không thể tin vào một Thiên Chúa đòi chúng phải từ bỏ điều khoa học dạy chúng rất rõ ràng về vũ trụ tự nhiên[7]”.

Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng ở Hoa Kỳ nơi có nhiều nhóm lấy cảm hứng từ chủ thuyết duy căn, nhưng nó cũng hiện diện ở những nơi khác dưới các hình thức khác.

Chủ thuyết phê bình nghiêm khắc và chủ thuyết duy căn đều là những chủ thuyết thái quá, có vẻ chống đối nhau ngoài mặt, thực sự có điểm chung là dừng lại ở mặt chữ mà bỏ qua Thần Khí.

3. Chiêm niệm lời Chúa

Giai đoạn thứ hai mà thư Giacôbê gợi ra là “cắm cúi”  vào lời Chúa, đứng lâu trước gương, nói tắt là suy gẫm hoặc chiêm niệm lời Chúa. Về điểm này, các Giáo phụ dùng hình ảnh “nhai đi nhai lại”. Theo Guigues II, tu sĩ dòng Chartreux, lý thuyết gia của lectio divina, “việc đọc đem lại cho môi miệng một lương thực căn bản, còn suy gẫm thì ‘nhai đi nhai lại’ hoặc ‘nghiền tán cho nhỏ’ lương thực ấy[8]”. Thánh Augustinô nói: “Khi nhớ lại điều đã nghe, và nhẩn nha nghĩ lại trong lòng, người ta giống như người nhai đi nhai lại[9]”.

Người ngắm mình trong gương lời Chúa sẽ khám phá ra tâm hồn mình, học cách biết mình, thấy mình không giống với hình ảnh của Thiên Chúa, của Đức Kitô. Đức Giêsu nói: “Tôi không tìm vinh quang cho mình” (Ga 8,50): kìa, chiếc gương đang ở trước mặt bạn, và bạn thấy ngay mình khác xa Đức Giêsu biết bao. “Phúc thay những ai có tinh thần nghèo khó”: chiếc gương lại ở trước mặt bạn, và bạn thấy mình còn dính bén nhiều sự, với của cải thừa mứa. “Đức ái thì nhẫn nhục”, và bạn thấy mình còn bất nhẫn, ghen tương, vị kỷ.

Đây không phải là chuyện “nghiên cứu Kinh Thánh” (x. Ga 5,39), nhưng là để Kinh Thánh dò xét chúng ta. Thư Do thái viết: “Lời Thiên Chúa xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy, lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của con người” (Dt 11,12-13). Lời kinh hay nhất để bắt đầu chiêm niệm lời Chúa là lặp lại cùng với tác giả Thánh vịnh: “Lạy Chúa, xin dò xét để biết rõ lòng con. Xin thử cho con biết những điều con cảm nghĩ. Xin Ngài xem con có lọt vào đường gian ác, thì dẫn con theo chính lộ ngàn đời” (Tv 138/139, 23-24).

Tuy vậy, trong chiếc gương lời Chúa, chúng ta không chỉ thấy mình, mà còn thấy khuôn mặt của Thiên Chúa, hoặc đúng hơn, thấy tấm lòng của Thiên Chúa. Thánh Grêgoriô Cả nói: “Kinh Thánh là một lá thư của Thiên Chúa toàn năng gửi cho tạo thành. Người ta học được ở đó tấm lòng của Thiên Chúa qua lời của Thiên Chúa[10]”. Lời Đức Giêsu nói: “Lòng có đầy miệng mới nói ra” (Mt 12,34), cũng có giá trị đối với Thiên Chúa. Thiên Chúa nói với ta trong Sách Thánh về những gì có đầy trong lòng Người. Và điều có đầy trong lòng Người chính là tình yêu. Tất cả Kinh Thánh đã được viết cho mục đích này: chớ gì con người có thể hiểu được Thiên Chúa yêu họ biết bao nhiêu và họ hiểu Người, để có thể đốt cháy tình yêu dành cho Thiên Chúa[11].

Do đó, việc suy gẫm Lời Chúa cung cấp cho chúng ta hai kiến thức quan trọng nhất để tiến tới trên con đường khôn ngoan thật: biết mình và biết Thiên Chúa. Biết Thiên Chúa mà không biết mình dẫn đến sự tự phụ; biết mình mà không biết Thiên Chúa dẫn đến thất vọng. Thánh Augustinô nói với Chúa: "Xin cho con biết con và xin cho con biết Chúa, noverim me, noverim te", "xin cho con biết con để con hạ mình và xin cho con biết Chúa để yêu Chúa[12]". Còn thánh Phanxicô Assisi đã dành nhiều đêm để nhắc lại: "Chúa là ai và con là ai?”                                

Thư gửi giáo đoàn Laođikêa trong sách Khải huyền (3, 14-20) là một ví dụ lạ lùng cho thấy hai việc biết mình và biết Chúa có được là nhờ lời Chúa. Quả là hữu ích nếu thỉnh thoảng suy niệm về nó, nhất là trong Mùa Chay (x. Kh 3,14-20). Trước hết, Đấng Phục Sinh cho thấy rõ tình hình thực sự của người tín hữu kiểu mẫu của giáo đoàn này: “Ta biết các việc ngươi làm: người chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi. Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta”. Điều người tín hữu nghĩ về mình và điều Thiên Chúa nghĩ về anh ta tương phản đến độ đáng kinh ngạc: “Ngươi nói: tôi giầu có, tôi đã làm giầu, tôi chẳng thiếu thốn chi, nhưng ngươi không biết rằng ngươi là kẻ khốn nạn, đáng thương, nghèo khổ, đui mù và trần truồng”.

Một bản văn cho thấy sự cứng lòng khác thường lập tức biến đổi, do một trong những lời lẽ cảm động nhất mô tả tình yêu của Thiên Chúa: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20). Một hình ảnh cho thấy ý nghĩa thực tiễn của nó, chứ không chỉ ý nghĩa ẩn dụ, nếu nó được đọc lên, như bản văn gợi ý, khi nghĩ tới bữa tiệc Thánh Thể. Biết đến sự lầm than riêng của chúng ta và biết đến tình yêu vô địch của Thiên Chúa.

Bản văn sách Khải huyền này không chỉ giúp chúng ta xác minh tình trạng cá nhân của linh hồn chúng ta, mà còn bóc trần tình trạng thiêng liêng của phần lớn xã hội hiện đại trước mặt Thiên Chúa. Giống như một bức hình chụp bằng tia hồng ngoại từ một vệ tinh hoàn toàn khác với khung cảnh thông thường nhìn qua ánh sáng tự nhiên. Thế giới hôm nay cũng cảm thấy mình hùng mạnh nhờ các thành tựu khoa học và kỹ thuật (như người Laođikêa thấy mình như vậy nhờ vào một nền thương mại thịnh vượng). Nó thỏa mãn, giầu có, chẳng cần đến ai, ngay cả Thiên Chúa. Phải có người nào đó chẩn đoán đúng tình trạng của nó, nói cho nó hay: “ngươi không biết rằng ngươi là kẻ khốn nạn, đáng thương, nghèo nàn, đui mù, trần truồng”. Cần một ai đó kêu lên cho nó biết, như em bé trong một truyện ngụ ngôn của Anderson đã dám nói là “đức vua ở truồng!” (Trong khi các cận thần, vì nịnh hót, khen đức vua vận cẩm bào đẹp đẽ, thì chỉ có em bé kia dám nói lên sự thật là vua đang ở truồng). Dĩ nhiên người lên tiếng ở đây là vì yêu và với tình yêu, như Đấng Phục Sinh đã làm với người Laođikêa.

Đối với khám phá này về chính chúng ta và về Thiên Chúa trong Lời Chúa, chúng ta có nơi mình một phương tiện quý giá, một sự chú giải luôn có trong tầm tay, không phải ở bên ngoài mà là bên trong chúng ta: tôi nghĩ về linh hồn của chúng ta. Có một mối quan hệ nào đó giữa linh hồn chúng ta và Sách Thánh: cả hai đều mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa và do đó bên này có thể giúp hiểu được bên kia.

Tuy nhiên, tấm gương là linh hồn chúng ta, không giống như tấm gương của Kinh Thánh, không còn thuần khiết nữa; nó đã bị tội lỗi làm cho hư hỏng; nó giống như một cái giếng đầy đất cát và rác rưởi. Đó là lý do tại sao thánh Giacôbê và thánh Phêrô khuyên chúng ta "từ bỏ mọi ô uế và mọi ác ý" khi chúng ta tiếp cận Lời Chúa; đó là lý do tại sao phải liên tục thanh tẩy tấm lòng để đón nhận Lời Chúa.

Bình giải về lời trong sách Châm ngôn: “Con hãy uống từ bồn nước của con, từ giếng của con, hãy uống nước tuôn trào” (Cn 5,15), Origen viết như sau: “Bạn cũng hãy tìm cách có giếng riêng của mình, có nguồn nước riêng của mình, để khi bạn cầm cuốn Sách Thánh, bạn cũng bắt đầu rút ra từ đó một cách giải thích cá nhân, bắt đầu từ những gì bạn học được trong nhà thờ; bạn cũng hãy thử uống chính nguồn suối tinh thần của bạn. Nơi bạn, có một loại nước hằng sống, có những nguồn mạch không cạn và những dòng chảy nước tưới, trừ khi chúng chứa đầy đất cát và rác rưởi. Hãy cẩn thận đào đất và rửa sạch cho hết, nghĩa là loại bỏ mọi lười biếng và làm cho lòng trí bạn không còn đờ đẫn nữa[13].”

Kinh nghiệm cho thấy, thường thì một linh hồn đơn sơ, hồi tâm cầu nguyện hiểu được những chân lý và hàm ý trong Lời Chúa không còn vướng mắc với những nhà bình giải "chi ly" nhất, những người có đầy kiến thức kỹ thuật về Kinh Thánh. Do đó, chúng ta không được cam chịu lệ thuộc hoàn toàn và duy nhất vào những giải thích do người khác đưa ra hoặc đọc được ở đâu đó; cũng cần phải tìm kiếm "nơi mình" với lòng khiêm tốn và tin tưởng.

Lời Chúa bảo đảm cho mọi linh hồn mong muốn một sự linh hướng căn bản và tự nó không thể sai lầm. Có một sự linh hướng khác thường, nếu có thể nói được như vậy, được áp đặt vào những thời điểm đặc biệt, trước những quyết định và lựa chọn quan trọng. Trong những trường hợp này, Thiên Chúa thường mạc khải ý muốn của Người thông qua một lời trong Kinh Thánh tình cờ  nghe được, hoặc cố y tìm kiếm. Ngày nay cũng vậy, nhiều Kitô hữu có kinh nghiệm về những lời "quyết định" này của Thiên Chúa, những lời có sức mạnh đánh dấu những bước ngoặt trong cuộc đời của chúng ta.

Cũng có một loại linh hướng thông thường và hàng ngày hệ tại ở chỗ khám phá ra những gì Thiên Chúa muốn trong các tình huống khác nhau mà con người thường gặp trong đời sống nhân linh và tâm linh của mình. Linh hướng này được bảo đảm bằng việc suy niệm Lời Chúa, kèm theo sự xức dầu bên trong của Thần Khí giúp thể hiện lời này bằng "linh hứng" tốt và linh hứng tốt bằng giải pháp thực tế. Chính là những gì mà câu Thánh vịnh rất quen thuộc với những người yêu mến Lời Chúa diễn tả: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.” (Tv 119,105)

Một hôm, tôi đang giảng về truyền giáo ở Úc. Ngày cuối cùng, một di dân người Ý làm việc ở đó đã đến tìm tôi. Ông nói: "Thưa cha, con có một vấn đề nghiêm trọng: Con có đứa con trai mười một tuổi chưa được rửa tội. Thực tế là vợ con đã trở thành Chứng nhân Giêhôva và không muốn nghe nói về phép rửa trong Giáo Hội Công giáo. Nếu con rửa tội cho con con, thì sẽ có một cuộc khủng hoảng, còn nếu con không rửa tội cho nó, con sẽ không cảm thấy yên lòng, vì khi lấy nhau, chúng con đều là người Công giáo và đã hứa sẽ giáo dục con cái trong đức tin. Vậy con phải làm gì?”

Tôi trả lời anh ta: "Hãy để tôi suy nghĩ đêm nay, sáng mai anh trở lại và chúng ta sẽ thấy phải làm gì.”

Ngày hôm sau, chính người đó đến gặp tôi, yên tâm thấy rõ và nói với tôi: “Thưa cha, con đã tìm ra được giải pháp. Chiều hôm qua khi trở về nhà, con cầu nguyện một chút, rồi tình cờ mở Kinh Thánh. Con bắt gặp đoạn kể chuyện Abraham dẫn con lên núi để sát tế. Con thấy Abraham dẫn con đi sát tế mà không nói gì với vợ.”

Đó là sự phân biệt hoàn hảo về mặt chú giải. Chính tôi đã rửa tội cho đứa bé và đó là khoảnh khắc vui mừng cho tất cả.

Mở Sách Thánh tình cờ là một chuyện tế nhị, có làm thì cũng cần có sự phân định trong bầu khí đức tin, và không làm nếu đã không cầu nguyện lâu trước đó. Khi đáp ứng được những điều kiện trên, cách làm này thường mang lại những kết quả lạ lùng, và đã được nhiều vị thánh chấp nhận. Về thánh Phanxicô Assisi, chúng ta đọc thấy ngài đã khám phá ra lối sống nghèo khó mà Thiên Chúa đã mời gọi ngài đi vào, bằng cách, "sau khi sốt sắng cầu nguyện", mở ngẫu nhiên ba lần sách Phúc Âm "sẵn sàng thực hành lời khuyên đầu tiên sẽ được dành cho họ[14].” Thánh Augustinô đã giải thích những chữ "Tolle, lege" (hãy cầm lấy và hãy đọc), nghe được từ nhà lân cận, như một mệnh lệnh Chúa truyền phải mở sách các Thư thánh Phaolô, và đọc đoạn đầu tiên đập vào mắt ngài[15].

Có những tâm hồn trở nên thánh chỉ nhờ lời Chúa làm linh hướng. Thánh nữ Têrêxa Lisieux viết: “Trong Phúc âm, tôi tìm được tất cả những gì cần thiết cho tâm hồn bé nhỏ đáng thương của tôi. Tôi luôn tìm thấy ở đó những ánh sáng mới, những ý nghĩa ẩn giấu và mầu nhiệm… Nhờ kinh nghiệm, tôi hiểu và biết rằng “Nước Thiên Chúa ở giữa chúng ta” (Lc 17,21). Đức Giêsu không cần sách vở, cũng không cần các tiến sĩ để dạy dỗ các tâm hồn. Chính Ngài là vị tiến sĩ lớn nhất, Ngài giảng dạy không cần những lời ồn ào[16]…” Chính xuyên qua lời Chúa mà khi lần lượt đọc các chương 12 và 13 của Thư thứ nhất Corintô, thánh nữ đã khám phá ra ơn gọi sâu xa của mình, và vui mừng thốt lên rằng mình sẽ là tình yêu trong Nhiệm Thể Đức Kitô.

Kinh Thánh cho ta thấy một hình ảnh tóm lược tất cả những gì đã nói về việc suy niệm lời Chúa : hình ảnh một cuộn sách được ăn trong Edêkien: “Tôi nhìn thì kìa có bàn tay đưa về phía tôi, bàn tay đã cầm một cuộn sách rồi mở ra trước mắt tôi; sách được viết cả mặt trong lẫn mặt ngoài, trong đó có viết những khúc ai ca, những lời than vãn và những câu nguyền rủa. Đức Chúa phán với tôi: Hỡi con người, thấy gì cứ việc ăn. Hãy ăn cuộn sách này rồi đi nói với nhà Israel. Tôi mở miệng ra, và Người cho tôi ăn cuộn sách ấy. Người lại phán với tôi: Hỡi con người, hãy ăn cho no bụng và nuốt cho đầy dạ cuộn sách Ta ban cho ngươi đây. Tôi đã ăn cuộn sách, và nó ngọt như mật ong trong miệng tôi” (Ed 2,9-3,3).

Đề tài này được Giêrêmia khai mào (“Gặp được lời Chúa tôi đã nuốt vào…”), được tác giả sách Khải huyền lấy lại (Kh 10,8-10). Một cuốn sách chỉ thuần túy được đọc hay nghiên cứu khác xa với một cuốn sách được nuốt vào. Trong trường hợp sau, lời thực sự trở thành “bản chất của linh hồn ta”, theo kiểu nói của thánh Ambrosiô, cái làm nên những tư tưởng, lên khuôn ngôn ngữ, xác định hành động, tạo ra con người “thần thiêng”. Lời được nuốt là lời được con người tiêu hóa, cho dù đây là một sự tiêu hóa thụ động (như trong trường hợp Thánh Thể), nghĩa là một hữu thể được Lời tiêu hóa, được Lời chiến thắng và thống trị, vì Lời là nguyên lý sống mạnh hơn.

Trong việc chiêm niệm lời Chúa, chúng ta có mẫu gương rất hiền hậu là Đức Maria. Người cẩn thận gìn giữ mọi sự (đúng từng chữ là mọi lời), và suy đi nghĩ lại trong lòng (Lc 2,19). Nơi Người, ẩn dụ về cuốn sách được nuốt trở thành một thực tại thể lý. Lời Chúa hiểu đúng từng chữ là “đã tràn đầy lòng dạ Người”.

4. Thực hành lời Chúa

Chúng ta tiến tới giai đoạn ba của con đường mà thư Giacôbê đề ra, giai đoạn được thánh Tông Đồ nhấn mạnh hơn hết: “Hãy đem lời Chúa ra thực hành […]. Ai nghe mà không thực hành thì […]. Ngược lại, ai thực hành […] thì sẽ tìm được hạnh phúc.”

Đây cũng là điều được Đức Giêsu quan tâm nhất. Ngài nói: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21). Không thực hành thì tất cả chỉ là ảo tưởng, là xây dựng trên cát. Thậm chí không thể nói là đã hiểu lời Chúa, vì như thánh Grêgoriô Cả đã viết, người ta chỉ thực sự hiểu lời khi bắt đầu đem ra thực hành[17].

Một cách cụ thể, giai đoạn ba này chủ yếu ở chỗ vâng phục lời Chúa. Theo nghĩa đen, thuật ngữ Hy lạp dùng trong Tân Ước để chỉ sự vâng phục (hypakouein) có nghĩa là “cho sự nghe” hay “ở trong sự nghe”, theo nghĩa thi hành điều mình đã nghe. Trong Kinh thánh, Thiên Chúa đã than phiền: “Nhưng dân Ta đã chẳng nghe lời, Israel nào đâu có chịu” (Tv 81,12).

Trong Tân Ước, khi muốn tìm xem bổn phận vâng phục hệ tại chỗ nào, người ta khám phá ra một điều đáng ngạc nhiên: vâng phục hầu như luôn được coi là vâng phục lời Thiên Chúa. Phaolô nói về sự vâng phục giáo huấn (Rm 6,17), vâng phục Phúc Âm (Rm 10,18 ; 2 Tx 1,8), vâng phục chân lý (Gl 5,7), vâng phục Đức Kitô (2 Cr 10,5). Chúng ta cũng bắt gặp thứ ngôn ngữ này trong những chỗ khác : sách Công vụ nói về sự vâng phục đức tin (Cv 6,7) ; Thư Phêrô I nói về sự vâng phục Đức Kitô (1 Pr 1,2), vâng phục chân lý (1 Pr 1,22).

Sự vâng phục của chính Đức Kitô thể hiện đặc biệt qua sự vâng phục những lời chép. Trong câu truyện Đức Giêsu bị cám dỗ nơi hoang địa, sự vâng phục của Ngài là ở chỗ nhắc lại những lời Thiên Chúa và trung thành với những lời đó: “Có lời chép”. Sự vâng phục của Ngài cũng được thực hiện đặc biệt theo những những lời đã được viết về Ngài và cho Ngài “trong các sách luật, tiên tri và Thánh vịnh”. Với tư cách là con người, Ngài khám phá ra những lời đó khi càng hiểu biết và thực hiện sứ mệnh của mình.

Khi có môn đệ ngăn cản, không muốn Ngài bị bắt, Ngài đã nói: “Nhưng như thế thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được? Vì theo đó mọi sự phải xẩy ra như vậy” (Mt 26,54). Cuộc đời của Đức Giêsu như được một vệt sáng hướng dẫn mà người khác không thấy. Vệt sáng này hình thành từ những lời được viết cho Ngài. Khi Ngài nói “phải thế này, phải thế kia” (dei), một điều chi phối tất cả cuộc đời của Ngài, thì đó là lời rút ra từ Kinh Thánh.

Dưới hoạt động hiện nay của Thần Khí, lời Chúa diễn tả ý muốn sống động của Thiên Chúa đối với chúng ta, vào một lúc nhất định. Một ví dụ nhỏ sẽ giúp chúng ta hiểu. Một hôm tôi nhận thấy rằng ai đó trong cộng đồng đã lấy nhầm một vật mà tôi đang sử dụng. Tôi đã chuẩn bị cho người ta thấy vật đó và yêu cầu trả lại cho tôi, khi tôi tình cờ (nhưng có lẽ không thực sự tình cờ) đọc thấy lời Đức Giêsu nói: “Ai xin thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh thì đừng đòi lại” (Lc 6, 30). Tôi hiểu rằng lời này không được áp dụng chung và trong mọi trường hợp, nhưng nó chắc chắn áp dụng cho tôi vào lúc đó, và không may, tôi phải thú nhận là đã xử sự không đẹp!

Vâng phục lời Chúa là một sự vâng phục chúng ta luôn có thể thực hành. Người ta chỉ thỉnh thoảng, bất quá ba hay bốn lần trong suốt cuộc đời, vâng phục những mệnh lệnh hay quyền bính hữu hình, nếu là một sự vâng phục nghiêm túc. Nhưng người ta có thể vâng phục lời Chúa bất cứ lúc nào. Đây cũng là sự vâng phục mà mọi tín hữu phải thực hành, bất kể người trên hay kẻ dưới, giáo sĩ hay giáo dân. Trong Giáo Hội, giáo dân không có một bề trên để vâng phục, ít nhất theo nghĩa các tu sĩ và các thành viên hàng giáo sĩ có, bù lại, họ có một “Chúa” để vâng phục. Họ có lời của Ngài.

Điều này làm cho chúng ta hiểu được sự khám phá ra Lời Chúa trong Giáo Hội hôm nay sẽ dẫn đến việc khám phá lại sự vâng phục như thế nào. Người ta không thể vun trồng Lời Chúa mà không vun trồng sự vâng phục. Nếu không, người ta ipso facto (đương nhiên) trở thành kẻ không vâng lời. "Không vâng lời" (parakouein) có nghĩa là lắng nghe không tốt, nghe mà chia trí. Có thể nói điều đó có nghĩa là nghe mà dửng dưng, theo cách trung lập, không thấy dấn thân vào những gì chúng ta nghe, trong khi vẫn giữ quyền quyết định của riêng mình đối với Lời Chúa.

Chúng ta kết thúc bài suy niệm bằng cách lặp lại cho  mình lời kinh mà thánh Augustinô dâng lên Thiên Chúa, trong cuốn Confessions, để xin ơn được hiểu biết lời Chúa: “Xin làm cho lời Chúa nên nguồn vui thanh khiết cho con. Xin đừng để con bị lừa lọc trong đó hay lấy đó mà lừa lọc người khác…Xin nhìn đến linh hồn con và nghe tiếng con kêu lên từ đáy vực sâu…Xin cho con biết dành nhiều thời giờ để suy niệm các điều kín nhiệm của luật Chúa; và đừng đóng kín luật Chúa cho những người gõ tìm…Ôi, lời Chúa là niềm vui của con, tiếng Chúa êm dịu hơn sự lôi cuốn của các lạc thú. Xin ban cho con điều con yêu thích…Đừng khước từ thứ cỏ rả của Chúa khi con đang đói khát. Con gõ cửa cung điện chứa lời thánh của Chúa, xin Chúa thương mở nó ra cho con…Con nài xin Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô Con Chúa…nơi Người ẩn giấu mọi kho tàng của “khôn ngoan và hiểu biết” (Cl 2,3). Chính Người mà con tìm kiếm trong các sách thánh của Chúa[18].”


 


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều



[1]  Thánh Ambrôsiô, Exp. Ps. 118. 7, 7 (PL 15, 1350).

[2]  Dei Verbum, n. 21.

[3]  Gioan Phaolô II, Novo millennio ineunte, 39.

[4]  Discours de Benoit XVI, 16 septembre 2005.

[5]  Dei Verbum, n. 25.

[6]  S. Kierkegaard, Per l’esame di se stessi. La Lettera di Giacomo, 1, 22, in Opere, a cura di C. Fabro, Firenze 1972, p. 909 et s.

[7]  F. Collins, The language of God, Free Press, 2006, p. 177 et s.

[8]  Guigues, II, Lettre sur la vie contemplative suivi de Douze méditations. L’échelle des moines, SC 163, Cerf Paris

[9]  Thánh Augustinô, Enarr. in Ps., 46, 1 (CCL 38, 529).

[10]  Thánh Grêgôriô Cả, Registr. Epist. IV. 31 (PL 77, 706)

[11]  Thánh Augustinô, De catech. rud., I, 8.

[12]  Thánh Augustinô, Soliloqui, I, 1, 3; II, 1, 1 (PL 32, 870.885).

[13]  Origène, In Gen. Hom., 12, 5.

[14]  Celano, Vita secunda, X, 15.

[15]  Thánh Augustinô, Confessions, 8, 12.

[16]  Thánh nữ Têrêxa Lisieux, Manuscrit autobiographiques, A, n. 236, Seuil 2006, Paris.

[17]  Grêgoriô Cả, Homélies sur Ezéchiel, I, 10, 31 (CCL 143, p. 159).

[18]  Thánh Augustinô, Confessions, XI, 2, 3-4.