I

“HÃY ĐI KHẮP TỨ PHƯƠNG THIÊN HẠ”

Đợt sóng thứ nhất Phúc Âm hóa

 

 

1. Sự lan truyền của Kitô giáo trong ba thế kỷ đầu

Chúng ta bắt đầu bằng cách suy tư về việc Phúc Âm hóa trong ba thế kỷ đầu. Một lý do rất đặc biệt khiến giai đoạn này trở thành một kiểu mẫu cho mọi thời đại: đây là giai đoạn mà Kitô giáo đang mở ra một con đường mà chỉ dựa vào sức riêng của mình. Không có "cánh tay thế tục" nào ở đó để nâng đỡ; những cuộc trở lại không phải là kết quả của các lợi thế bên ngoài, vật chất hoặc văn hóa; là Kitô hữu không phải là một thói quen cũng không phải là một mốt, mà là một sự lựa chọn ngược dòng, thường nguy đến tính mạng. Xét theo một số khía cạnh thì đây chính là tình huống mà các Kitô hữu lại đang gặp phải ngày nay ở một số nơi trên thế giới.

Đức tin Kitô giáo phát sinh cùng với một sự mở rộng phổ quát. Đức Giêsu đã dạy các môn đệ “đi khắp tứ phương thiên hạ” (Mc 16,15), “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19), là chứng nhân của Ngài “cho đến cùng trái đất”(Cv 1,8), “kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội” (Lc 24,47).

Việc áp dụng nguyên tắc về tính phổ quát này đã xuất hiện trong thế hệ các Tông Đồ, tuy nhiên không phải không có những khó khăn và chia cắt. Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, rào cản đầu tiên được vượt qua là chủng tộc (ba nghìn người cải đạo thuộc nhiều dân tộc khác nhau, nhưng tất cả đều là những người tân tòng Do Thái giáo); tại nhà Cornêliô và tại Công đồng được gọi là "Giêrusalem", nhất là dưới sức ép của Phaolô, đó là rào cản khó khăn nhất trong mọi rào cản được vượt qua, rào cản tôn giáo chia cắt người Do Thái và dân ngoại. Kể từ nay, trước mặt Phúc Âm là toàn thể thế giới, cho dù thế giới này, theo sự hiểu biết của con người thời đó, chỉ giới hạn trong khu vực Địa Trung Hải và biên giới của Đế quốc Rôma.

 Theo dõi Kitô giáo mở rộng cách cụ thể hoặc về phương diện địa lý trong ba thế kỷ đầu thì phức tạp hơn, nhưng nói cho cùng ít cần thiết hơn cho mục đích chúng ta đã ấn định. Nghiên cứu toàn diện nhất và vẫn còn giá trị về chủ đề này là của Adolph von Harnack, tác giả cuốn Việc truyền giáo và sự bành trướng của Kitô giáo trong ba thế kỷ đầu tiên[1].

Trong Giáo Hội, hoạt động truyền giáo đã được thúc đẩy mạnh mẽ dưới thời Hoàng đế Commôđô (180-192) và sau đó là vào nửa sau của thế kỷ thứ III, nghĩa là trước cuộc bách hại đạo dữ dội của Điôclêtianô (302). Ngoài một số cuộc bách hại lẻ tẻ ở địa phương, đây là thời kỳ Giáo Hội sơ khai có thể củng cố nội bộ và phát triển một hoạt động truyền giáo theo một loại hình mới. Chúng ta hãy xem tính mới mẻ này bao gồm những gì.

Trong hai thế kỷ đầu, việc truyền bá đức tin được để mặc cho sáng kiến ​​cá nhân. Các nhà tiên tri lưu động, mà sách Didachè[2] nói đến, đã di chuyển từ nơi này sang nơi khác; nhiều cuộc trở lại là kết quả của các tiếp xúc cá nhân, được dễ dàng nhờ làm cùng một nghề, nhờ những chuyến du hành và những mối liên hệ thương mại, nhờ việc nhập ngũ hoặc những hoàn cảnh sống khác. Origen cung cấp cho chúng ta một hình ảnh mô tả cảm động về lòng nhiệt thành của những nhà truyền giáo đầu tiên này:

"Các Kitô hữu làm hết sức có thể để truyền bá đức tin trên thế giới. Nhằm mục đích này, một số người đã dứt khoát chọn sứ mạng cho cuộc đời là đi từ thành phố này sang thành phố khác, từ thị trấn này sang thị trấn khác, từ nhà này sang nhà khác, để đưa các tín hữu mới về cho Chúa. Và tôi hy vọng người ta sẽ không nói rằng họ làm thế để kiếm được điều gì đó cho mình, vì họ thường thậm chí không nhận những gì cần thiết để sống[3]."

Kể từ nay, nghĩa là trong nửa sau của thế kỷ III, những sáng kiến ​​cá nhân trên đây ngày càng được cộng đồng địa phương phối hợp và thay thế một phần. Cho dù chỉ do phản ứng chống lại các đợt tấn công phá hoại của lạc thuyết ngộ đạo, vị giám mục giành được ưu thế trước các thầy dạy, đóng vai trò trung tâm trong đời sống nội bộ của cộng đồng, như vậy trở thành động cơ cho hoạt động truyền giáo của mình. Từ đây, cộng đồng là chủ thể truyền bá Phúc Âm, đến độ một chuyên gia như Harnack, mà không ai có thể nghi ngờ mối thiện cảm của ông với thể chế, có thể quả quyết:

"Chúng ta phải xác nhận rằng chỉ có sự tồn tại và công việc bền bỉ của mỗi cộng đồng là nhân tố chính trong việc truyền bá Kitô giáo[4]."

Vào cuối thế kỷ III, đức tin Kitô giáo thực tế đã thâm nhập vào mọi tầng lớp trong xã hội. Từ đây nó có văn chương riêng bằng tiếng Hy lạp và một văn chương khác chỉ mới manh nha bằng tiếng Latinh. Tổ chức nội bộ của nó vững chắc. Nó bắt đầu xây dựng các tòa nhà ngày càng lớn, một dấu hiệu cho thấy số tín đồ ngày càng đông. Cuộc bách hại dữ dội của Điôclêtianô, ngoài việc khiến cho nhiều người là nạn nhân, chỉ làm sáng tỏ sức mạnh từ lúc này không thể kìm hãm được của đức tin Kitô giáo. Sức mạnh cuối cùng giữa Đế quốc và Kitô giáo minh chứng điều đó.

Thực ra, Constantinô sẽ chỉ làm cho người ta về sau nhớ đến tương quan lực lượng mới này. Không phải ông áp đặt Kitô giáo cho dân chúng, mà chính dân chúng áp đặt Kitô giáo cho ông. Những luận cứ cho rằng, vì những lý do cá nhân, Constantinô có lẽ dùng một sắc chỉ khoan dung và Công đồng Nicêa để biến một giáo phái Do thái thành tôn giáo của Đế quốc, những luận cứ ấy là do hoàn toàn không biết gì về những điều xẩy ra trước những biến cố đó.

2. Những lý do đưa đến thành công

Một vấn nạn luôn lôi cuốn các sử gia: vấn nạn về các lý do đưa đến chiến thắng của Kitô giáo. Một sứ điệp phát sinh trong một xó tối tăm và bị khinh miệt của Đế quốc, giữa đám dân đen chất phác, không văn hóa cũng không quyền lực, trong vòng chưa đầy ba thế kỷ, đã lan tràn khắp thế giới được biết vào thời đó, cuối cùng đã thống trị nền văn hóa cực kỳ tinh tế của người Hy Lạp và sức mạnh đế quốc của Rôma!

Giữa những lý do khác nhau đem lại sự thành công này, một số người nhấn mạnh tình yêu Kitô giáo và việc tích cực thực thi bác ái, đến độ coi đây là "nhân tố mạnh mẽ nhất, được lưu ý cách đặc biệt, cho sự thành công của đức tin Kitô giáo", đến nỗi sau này gợi hứng cho hoàng đế Giulianô Kẻ Bội Giáo, vì muốn có được sự thành công như thế, nên chủ trương ngoại giáo cũng phải có những công việc bác ái tương tự[5].

Về phần mình, Harnack rất coi trọng khả năng của đức tin Kitô giáo hòa hợp nơi mình những khuynh hướng đối lập và những giá trị khác nhau trong các tôn giáo và văn hóa đương thời. Kitô giáo giới thiệu mình như là tôn giáo của Thần Khí và của sức mạnh, nghĩa là kèm theo các dấu chỉ siêu nhiên, đặc sủng và phép lạ, cũng như là tôn giáo của lý trí và Logos toàn vẹn, "một triết học thật sự”, theo lời thánh tử đạo Giustinô. Các tác giả Kitô hữu là "những nhà duy lý về cái siêu nhiên[6]", như Harnack khẳng định, khi ông trích dẫn Phaolô và những lời của ngài về đức tin được mô tả là "sự thờ phượng xứng hợp" (Rm 12,1).

 Bằng cách này, Kitô giáo tập hợp nơi mình, trong một sự quân bình hoàn hảo, điều mà triết gia Nietzsche định nghĩa là yếu tố thuộc thần Apollô và yếu tố thuộc thần Đionysiô của tôn giáo Hy lạp, LogosPneuma, trật tự và nhiệt tình, chừng mực và "thái quá". Chính là điều mà các Giáo Phụ muốn nói, ít nhất một phần, với chủ đề "cơn say ngất Thần Khí thanh nhã" (la sobre ivresse de l’Esprit).

Kết thúc công trình nghiên cứu đồ sộ của mình, Harnack viết:

“Ngay từ đầu, Kitô giáo đã bộc lộ tính phổ quát cho phép nó đảm nhận toàn bộ cuộc sống, với tất cả những chức năng, những chiều cao và chiều sâu, những tình cảm, tư tưởng và hành động của nó. Chính tinh thần phổ quát này đã bảo đảm cho nó chiến thắng. Đó là điều đưa nó đến chỗ tuyên xưng rằng Đức Giêsu mà nó loan báo chính là Logos thần linh… Một luồng sáng mới rọi soi nó, và sức hấp dẫn mạnh mẽ này khiến cho nó đi tới chỗ hấp thụ văn hóa Hy lạp, bắt văn hóa này phục tùng mình, cho thấy mình hầu như là một điều tất yếu. Tất cả những gì, một cách nào đó, còn có khả năng mang trong mình sự sống, đều được đưa vào như một yếu tố trong cấu trúc của nó... Một tôn giáo như vậy làm sao có thể không lan rộng được?[7]

Ấn tượng người ta có được khi đọc bản tổng hợp này là sự thành công của Kitô giáo là do một tập hợp các nhân tố. Một số người đi quá xa khi nghiên cứu các lý do của một sự thành công như thế đến nỗi đã tìm thấy hai mươi lý do giúp cho đức tin thành công và cũng bằng ấy lý do khiến cho nó thất bại, như thể kết quả cuối cùng tùy thuộc vào chiến thắng của những lý do trước đối với những lý do sau.

Giờ đây tôi muốn nêu rõ hạn chế của cách tiếp cận lịch sử này, ngay cả khi nó được thực hiện do các sử gia tín hữu như những người tôi đã nhắc đến cho tới lúc này. Hạn chế này, do chính phương pháp lịch sử, nằm ở chỗ người ta coi trọng chủ thể hơn đối tượng của việc truyền giáo, coi trọng những người rao giảng Phúc Âm và những điều kiện của việc truyền giáo hơn nội dung của nó. Lý do thúc giục tôi làm như vậy là vì hạn chế này cũng là hạn chế và nguy cơ bắt gặp trong nhiều cách tiếp cận hiện nay và trong các phương tiện truyền thông, khi nói về công cuộc tân Phúc Âm hóa. Ngươi ta quên đi một điều rất đơn giản: đó là chính Đức Giêsu đã cho chúng ta biết trước một lối giải thích về việc phổ biến Phúc Âm của Ngài và chính từ đó mà chúng ta phải bắt đầu lại mỗi khi chuẩn bị cho một nỗ lực truyền giáo mới.

Chúng ta hãy nghe lại hai dụ ngôn ngắn của Phúc Âm, dụ ngôn về hạt giống nảy mầm và mọc lên ngay cả ban đêm, và dụ ngôn về hạt cải.

“Và Người (Đức Giêsu) nói: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào thì người ấy không biết. Đất tự động sinh ra hoa mầu : trước hết cây lúa  mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa.” (Mc 4,26-29)

Dụ ngôn này, chỉ mình nó, đủ cho chúng ta biết lý do cốt yếu khiến cho việc truyền giáo thành công không đến từ bên ngoài, nhưng từ bên trong, cũng không phải là công việc của người gieo hạt hay thậm chí của thửa đất, nhưng của hạt giống. Hạt giống không thể tự mình gieo xuống đất, nhưng nó vẫn tự động và tự mình nảy mầm. Sau khi gieo hạt, người gieo có thể yên trí đi ngủ, sự sống của hạt giống không còn phụ thuộc vào anh ta nữa. Khi hạt giống đó là “hạt đã rơi vào đất và chết đi”, nói khác đi là Đức Giêsu Kitô, không gì có thể ngăn nó “sinh nhiều bông hạt”. Về những bông hạt này, người ta có thể đưa ra tất cả những lời giải thích như người ta muốn, nhưng những giải thích này sẽ luôn ở trên bề mặt, không bao giờ nắm bắt được điều cốt yếu.

Tông Đồ Phaolô là người đã hiểu rõ đối tượng của lời loan báo có ưu tiên hơn chủ thể: “Tôi trồng, anh Apôllô tưới, nhưng Thiên Chúa Trời ới làm cho lớn lên”. Nghe có vẻ giống như một lời bình giải về dụ ngôn của Đức Giêsu. Đây không phải là ba hoạt động có cùng một mức độ quan trọng; quả thực, thánh Tông Đồ cho biết thêm: "Vì thế, kẻ trồng hay người tưới đều không là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể" (1Cr 3,6-7). Chúng ta còn nhận thấy cùng một khoảng cách về phẩm chất giữa chủ thể và đối tượng của lời loan báo trong một lời khác của thánh Tông Đồ: “Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2Cr 4,7). Tất cả điều đó được phản ánh trong những câu cảm thán long trọng sau: "Chúng tôi không rao giảng chính mình, nhưng rao giảng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng tôi!"; hoặc: "Chúng tôi rao giảng Đức Kitô bị đóng đinh".

Đức Giêsu đã nói một dụ ngôn thứ hai dựa trên hình ảnh hạt giống giải thích sự thành công của việc truyền giáo, và ngày nay chúng ta phải để ý đến hình ảnh ấy, trước nhiệm vụ to lớn là tái Phúc Âm hóa một thế giới tục hóa.

“Rồi Người lại nói: Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng” (Mc 4,30-32).

Giáo huấn mà Đức Kitô dạy chúng ta qua dụ ngôn này là: Phúc Âm của Ngài, chính con người của Ngài, là tất cả những gì nhỏ bé nhất trên trái đất, vì không gì nhỏ hơn và yếu hơn một cuộc đời kết thúc bằng cái chết trên thập giá. Tuy nhiên, "hạt cải" bé nhỏ này lại được định sẵn để trở thành một cây to lớn, lớn đến mức các cành của nó có khả năng đón nhận mọi loài chim đến trú ẩn. Điều này có nghĩa là tất cả thụ tạo, đúng là tất cả, sẽ nương náu ở đó.

Thật tương phản biết bao với những tái hiện lịch sử được nhắc tới ở trên! Ở đó, tất cả dường như không chắc chắn, ngẫu nhiên, lơ lửng giữa thành công và thất bại; ở đây mọi sự được quyết định và bảo đảm ngay từ đầu! Trong câu chuyện xức dầu tại Bêtania, Đức Giêsu kết thúc bằng những lời sau đây: "Thầy bảo thật anh em: Tin Mừng này được loan báo bất cứ nơi nào trong khắp thiên hạ, thì người ta cũng sẽ kể lại việc cô vừa làm mà nhớ tới cô” (Mt 26,13). Cùng một sự chắc chắn thanh thản rằng một ngày nào đó sứ điệp của Ngài sẽ được lan truyền "trong khắp thiên hạ". Và tất nhiên đây không phải là một lời tiên tri sau biến cố, vì mọi sự vào thời điểm đó đều báo trước điều ngược lại.

Cũng trong việc này, Phaolô là người, hơn ai hết, dự đoán tương lai của đức tin. Tôi đã luôn bị sự kiện sau đây đánh động: thánh Tông Đồ đã rao giảng tại Arêôpagô ở Athêna và trên thực tế người ta đã từ chối sứ điệp. Ở Côrintô, nơi ngài tới ngay sau đó, ngài đã viết thư gửi tín hữu Rôma, quả quyết rằng ngài đã nhận trách nhiệm làm cho “hết thảy dân ngoại vâng phục đức tin” (x. Rm 1,5-6). Thất bại đã không mảy may làm xây xát sự tin tưởng của ngài vào sứ điệp. Ngài kêu lên: "Vâng, tôi không hổ thẹn vì Tin Mừng. Quả thế, Tin Mừng là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin, trước là người Do Thái, sau là người Hy Lạp” (Rm 1,16).

Đức Giêsu nói: “Thật vậy, xem quả thì biết cây” (Lc 6,44). Điều này áp dụng cho bất kỳ cây nào, ngoại trừ cây phát xuất từ Ngài, là Kitô giáo (và thực sự, ở đây Ngài đang nói về con người); nó là cây duy nhất không thể biết được bằng quả, nhưng bằng gốc rễ của nó. Trong Kitô giáo, sự viên mãn không được tìm thấy ở lúc cuối cùng, như trong phép biện chứng của Hegel về cái trở thành, theo đó "cái thật chính là tất cả", nhưng ở lúc bắt đầu; không quả nào, kể cả những vị thánh vĩ đại nhất, thêm bất cứ điều gì vào sự hoàn hảo của khuôn mẫu. Theo nghĩa này, người nào quả quyết "Kitô giáo không phải là cái có thể hoàn thiện", người ấy có lý[8].

3. Gieo hạt, rồi… đi ngủ

Điều mà các sử gia nghiên cứu về nguồn gốc Kitô giáo đã không ghi nhận, hoặc coi là không quan trọng, là sự tin chắc không lay chuyển mà những Kitô hữu ngày xưa, ít ra những phần tử ưu tú trong số họ, đã có về sự tốt đẹp và chiến thắng cuối cùng cho chính nghĩa của họ. “Các ông có thể giết chết chúng tôi, nhưng làm hại được chúng tôi thì không bao giờ", thánh Giustinô tử đạo đã nói trong tác phẩm Apologia gửi hoàng đế Rôma[9]. Cuối cùng, chính sự tin chắc thanh thản này đã bảo đảm cho họ chiến thắng, đã thuyết phục giới cầm quyền chính trị hiểu rằng những nỗ lực của họ nhằm loại bỏ đức tin Kitô giáo là vô ích.

 Đây là điều chúng ta cần nhất ngày nay: đánh thức nơi các Kitô hữu, ít nhất nơi những người muốn hiến mình cho công cuộc tân Phúc Âm hóa này, sự tin chắc thâm sâu về chân lý của những gì họ loan báo. Đức Phaolô VI đã từng nói: “Giáo Hội cần khám phá lại mối quan tâm, sở thích và sự chắc chắn về chân lý của mình[10]”. Chúng ta phải là những người đầu tiên tin vào những gì chúng ta loan báo, thật sự tin vào điều đó. Cùng với Phaolô, chúng ta phải có thể nói được rằng: "Vì có được cùng một lòng tin, như đã chép: Tôi đã tin, nên tôi mới nói, thì chúng tôi cũng tin, nên chúng tôi mới nói" (2Cr 4,13). Sự thành công của công cuộc tân Phúc Âm hóa sẽ tùy thuộc vào phẩm chất đức tin mà cuối cùng người ta gây dựng được trong Giáo Hội, nơi chính những người rao giảng Phúc Âm.

Chúng ta phải gạt bỏ mọi cảm giác bất lực và cam chịu. Đúng là chúng ta đang thấy trước mắt một thế giới bị chủ thuyết thế tục giam hãm, say sưa với những thành công của kỹ thuật và những khả năng do khoa học cung cấp, chống lại bất cứ việc công bố Phúc Âm nào. Nhưng thế giới như những Kitô hữu đầu tiên đã thấy, tức văn hóa Hy lạp đầy khôn ngoan và Đế quốc Rôma đầy quyền lực, liệu có ít chắc chắn hơn về bản thân và ít dị ứng hơn với Phúc Âm không?

Nhiệm vụ cụ thể, mà Đức Giêsu giao phó cho chúng ta qua hai dụ trên, là gieo hạt. Gieo đầy tay, “lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2 Tm 4,2). Người gieo trong dụ ngôn ra đi gieo hạt không quan tâm đến việc một phần hạt giống rơi trên đường và một phần khác rơi vào bụi gai. Cứ nói thẳng ra người gieo giống này, bên ngoài dụ ngôn, là chính Đức Giêsu! Vì trong trường hợp này, người ta không thể biết trước đâu sẽ là mảnh đất tốt, hay cứng như nhựa đường và bóp nghẹt như bụi gai. Chính đây là chỗ tùy thuộc vào sự tự do của con người, mà con người không thể tiên liệu và Thiên Chúa lại không muốn vi phạm.

Biết bao lần chúng ta lại không thấy rằng, trong số những người đã nghe một bài giảng như vậy hoặc đọc một cuốn sách như vậy, có người thực sự coi trọng nó và nhờ nó mà đã thay đổi cuộc sống, lại là người ít được chờ đợi nhất, chỉ tình cờ ở đó hoặc miễn cưỡng ở đó. Bản thân tôi có thể kể ra hàng tá trường hợp.

Vì vậy, cứ gieo hạt, rồi... đi ngủ! Nói cách khác, cứ gieo hạt nhưng đừng ngồi đó suốt ngày để xem và đánh giá kết quả. Hạt bén rễ và tăng trưởng không phải là việc của chúng ta, nhưng là của Chúa và của người nghe. Jerome Klapka Jerome, một diễn viên hài nổi tiếng người Anh ở thế kỷ XIX cho biết cách tốt nhất để làm chậm nước đun sôi trong nồi là đứng ở đó và nóng lòng chờ nó sôi[11].

Làm điều ngược lại là một nguồn gây ra lo lắng và nóng lòng không thể tránh khỏi, là điều không làm Đức Giêsu hài lòng và là điều Ngài đã không bao giờ làm khi còn sống ở trần gian. Trong Phúc Âm, dường như Ngài không bao giờ vội vàng. “Vậy anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái kổ của ngày ấy” (Mt 6,34). Về vấn đề này, nhà thơ công giáo Charles Péguy đặt vào môi miệng Thiên Chúa những lời đáng cho chúng ta suy niệm:

“Thiên Chúa nói:

Người ta cho Ta biết có những người

Làm việc tốt và ngủ không ngon.

Họ không ngủ. Họ thật thiếu tin tưởng nơi Ta!

Dường như tốt hơn nếu họ không làm việc mà ngủ

Vì tội lười biếng không nặng hơn tội lo lắng bất an

[…] Thiên Chúa nói:

Ta không nói về những con người

không làm việc và không ngủ.

Đó là những người có tội, đương nhiên...

[…] Ta nói về những người làm việc và không ngủ...

[…] Ta phàn nàn về họ. Ta oán giận họ. Một chút. Họ không tin tưởng nơi Ta...

[…] Ban ngày, họ điều hành rất tốt công việc của họ.

Nhưng ban đêm, họ không muốn giao phó việc điều hành công việc ấy cho Ta...

[…] Ai không ngủ là không trung thành với Đức Cậy...[12]”.

Péguy nói theo lối thơ, nhưng cách nói này chứa đựng một sự khôn ngoan tuyệt vời của Phúc Âm, nếu người ta biết nắm bắt nó.

Nếu chúng ta có thể làm gì, sau khi đã "gieo hạt", thì đó là "tưới" cho hạt đã gieo bằng lời cầu nguyện. Do đó, chúng ta hãy kết thúc bằng lời cầu nguyện phụng vụ đọc trong Thánh lễ cầu "cho việc Phúc Âm hóa các dân tộc":

Lạy Chúa, Chúa muốn cho hết thảy mọi người

được ơn nhận biết Chúa.

Chúa lại muốn đón nhận tất cả vào Nước Chúa hiển trị.

Xin đưa mắt nhìn cánh đồng truyền giáo thật bát ngát bao la

và gửi nhiều tay thợ lành nghề

đem Tin Mừng đến cho mọi loài thụ tạo.

Nhờ đó, từ các dân tộc trên khắp hoàn cầu

sẽ xuất hiện một dân mới không ngừng phát triển:

đó là đoàn dân được lời Chúa quy tụ

và được các bí tích của Chúa nâng đỡ phù trì.

Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Amen.

 


Mục Lục Tĩnh Tâm Giáo Triều



[1]  A. von Harnack, Die Mission und Ausbreitung des Christentums in den ersten drei Jahrhunderten, Hinrichs, Leipzig 1902; éd fr. Mission et expansion du Christianisme dans les trois premiers siècles, Cerf, collection Patrimoine-Christianisme, Paris 2004.

[2]  Chú thích của người dịch bản Pháp văn: Sách Didachè được viết khoảng cuối thế kỷ I hoặc đầu thế kỷ II. Từ hy lạp “Διδαχή” (đọc là điđakê) có nghĩa là “giáo huấn” hoặc “giáo lý”, tiếng Hy lạp là koinè. Bản viết tay được tìm thấy có tựa đề: “Giáo lý của Chúa do 12 Tông Đồ truyền lại cho muôn dân”. Thật nghịch lý khi không thấy có tên 12 Tông Đồ trong chính bản văn.

[3]  Origen, Contra Celsum, III, 9 (SCh 136, p. 30).

[4]  Harnack, Mission et expansion… op.cit.

[5]  H. Chadwick, The early Church, Penguin Books, Harmondworth 1967, 56-58.

[6]  Harnack, op.cit.

[7]  Harnack, op. cit.

[8]  S. Kierkegaard, Journaux et cahiers de notes: Vol. I, Journaux AA-DD, Ed. Fayard-Ed de l’Orante, 2007.

[9]  Giustinô, Apologia I, 2, 4

[10]  Discours à l’audience générale du 29 novembre 1972.

[11]  X. J.K.Jerome, Three man in a boat, London 1889, chap. 8

[12]  Charles Péguy, Le porche du mystère de la seconde vertu, Gallimard, La Pléiade 1975, p. 120s