Tông Huấn NIỀM VUI YÊU THƯƠNG (AMORIS LAETITIA) (2)

Bản Việt ngữ: Lm. Lê Công Đức (dịch từ bản tiếng Anh)

 

CHƯƠNG MỘT: TRONG ÁNH SÁNG CỦA LỜI CHÚA

8.   Thánh Kinh chứa đầy những gia đình, những cuộc sinh hạ, những câu chuyện tình, và những khủng hoảng của các gia đình.

Quả đúng như vậy, ngay từ trang đầu Sách Thánh, với sự xuất hiện của gia đình Ađam và Eva với tất cả gánh nặng và bạo lực của nó, cùng với sự kiên vững của nó (x. St 4), cho tới trang cuối cùng của Thánh Kinh, trong đó chúng ta thấy lễ cưới của Tân Nương và Con Chiên (Kh 21,2.9). Đức Giêsu mô tả hai ngôi nhà, một xây trên đá và một trên cát (x. Mt 7,24-27), tượng trưng cho mọi tình huống gia đình hình thành bởi cách mà mỗi thành viên sử dụng sự tự do của mình, vì như thi sĩ nọ đã nói: “Mỗi gia đình là một chân đèn”.[1] Giờ đây chúng ta hãy bước vào một trong những ngôi nhà ấy, theo sự dẫn dắt của tác giả Thánh Vịnh qua một bài ca mà ngày nay vẫn vang lên trong phụng vụ lễ cưới của cả Do Thái và Kitô giáo:

“Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa,

bước đi trong đường lối của Ngài.

Công khó tay bạn làm ra, bạn được hưởng;

bạn sẽ hạnh phúc và may mắn.

Hiền thê bạn trong nhà sẽ như cây nho đầy trái;

con cái bạn như những chồi ô-liu xúm quanh bàn ăn của bạn.

Đó là phúc lành dành cho người kính sợ Chúa.

Nguyện Chúa từ Xi-on chúc phúc cho bạn!

Nguyện chúc bạn nhìn thấy sự thịnh vượng của Giêrusalem

suốt mọi ngày trong đời bạn!

Nguyện chúc bạn sống lâu bên đàn con cháu!

Nguyện chúc Ít-ra-en được an bình!” (Tv 128,1-6).

NGƯƠI VÀ VỢ NGƯƠI

9.   Chúng ta hãy bước qua ngưỡng cửa của mái gia đình yên hàn này, với cả nhà ngồi quanh bàn tiệc. Ở vị trí trung tâm ta thấy người cha và người mẹ, một đôi vợ chồng với câu chuyện tình riêng của họ. Họ thực hiện kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa được Đức Kitô nhắc lại rõ ràng: “Các ông không đọc thấy điều này sao: ‘Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã dựng nên con người có nam có nữ’?” (Mt 19,4). Chúng ta nghe thấy một âm vọng của lệnh truyền được ghi trong sách Sáng Thế: “Bởi thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai trở thành một xương một thịt” (St 2,24).

10.                Các chương đầu tiên rất hùng tráng của sách Sáng Thế trình bày đôi bạn con người trong thực tại sâu xa nhất. Những trang Thánh Kinh đầu tiên cung ứng nhiều tuyên bố rất rõ ràng. Trước hết, đó là tuyên bố mà Đức Giêsu đã nhắc lại: “Thiên Chúa đã sáng tạo nên con người theo hình ảnh Ngài. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa; Ngài sáng tạo họ có nam có nữ” (1,27). Thật cảm kích biết bao khi “hình ảnh Thiên Chúa” ở đây qui chiếu đến đôi vợ chồng, “nam và nữ”. Phải chăng điều này có nghĩa rằng giới tính là một đặc tính của chính Thiên Chúa, hoặc có nghĩa rằng Thiên Chúa có một bạn đường thần linh thuộc phái nữ, như một số tôn giáo cổ chủ trương? Câu trả lời hẳn nhiên là không. Chúng ta biết rõ rằng Thánh Kinh bác bỏ những niềm tin có tính thờ ngẫu tượng như thế, vốn được gặp thấy nơi những người Canaan ở Đất Thánh. Sự siêu việt của Thiên Chúa được bảo toàn, nhưng vì Thiên Chúa cũng là Đấng Tạo hóa, nên hoa trái của đôi vợ chồng con người là một “hình ảnh” hữu hiệu và sống động, một dấu hiệu hữu hình cho thấy hành động sáng tạo của Ngài.

11.                Không phải là một ngẫu tượng kiểu như những ngẫu tượng bằng đá hay bằng vàng mà Thập Giới ngăn cấm, đôi vợ chồng yêu thương và sinh ra sự sống là một hình tượng sống động đích thực, có khả năng mạc khải Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo và Đấng Cứu Độ. Vì vậy, tình yêu đầy hoa trái trở thành một biểu tượng cho đời sống nội tại của Thiên Chúa (x. St 1,28; 9,7; 17,2-5.16; 28,3; 35,11; 48,3-4). Đó là lý do tại sao trình thuật Sáng Thế này, theo “truyền thống tư tế”, được đan kết bằng nhiều trình thuật phả hệ khác nhau (x. 4,17-22.25-26; 5; 10; 11,10-32; 25,1-4.12-17.19-26; 36). Khả năng sinh ra sự sống của các đôi vợ chồng nhân loại là nẻo đường theo đó lịch sử cứu độ diễn tiến. Nhìn theo cách này, mối tương quan đầy hoa trái của đôi vợ chồng trở thành một hình ảnh giúp nhận hiểu và mô tả mầu nhiệm của chính Thiên Chúa, vì trong cái nhìn của Kitô giáo về Ba Ngôi, Thiên Chúa được chiêm ngắm như là Cha, Con và Thánh Thần yêu thương. Thiên Chúa Ba Ngôi là một sự hiệp thông yêu thương, và gia đình là phản ảnh sống động của mối hiệp thông ấy. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã soi sáng cho điều này khi nói: “Trong mầu nhiệm sâu thẳm nhất của Ngài, Thiên Chúa của chúng ta không cô độc, nhưng là một gia đình, vì Ngài có trong chính Ngài cương vị cha, phận làm con, và yếu tính của gia đình, tức tình yêu. Tình yêu ấy, trong gia đình Thiên Chúa, chính là Thánh Thần”.[2] Gia đình, vì thế, không tách biệt khỏi chính hiện hữu của Thiên Chúa.[3] Chiều kích Ba Ngôi này được diễn tả trong thần học của Phaolô, thánh nhân đã nối kết đôi vợ chồng với “mầu nhiệm” kết hợp giữa Đức Kitô và Giáo hội (x. Ep 5,21-33).

12.                Khi nói về hôn nhân, Đức Giêsu nhắc chúng ta một trang khác nữa của sách Sáng Thế, thuộc chương thứ hai, trong đó bản văn vẽ một chân dung chi tiết tuyệt đẹp của đôi vợ chồng. Trước hết, chúng ta thấy người đàn ông đang khắc khoải tìm “một trợ tá xứng hợp” (câu 18 và 20), có thể xoa dịu nỗi cô đơn mà người đàn ông đang cảm nghiệm ở giữa các loài vật và thế giới xung quanh mình. Bản gốc tiếng Híp-ri gợi cho thấy một cuộc gặp gỡ trực tiếp, mặt đối mặt, mắt nhìn vào mắt, bằng một thứ đối thoại trong thinh lặng, vì ở đâu có tình yêu thì sự thinh lặng luôn luôn hùng hồn hơn lời nói. Đó là cuộc gặp gỡ với một khuôn mặt, một “chủ thể” phản chiếu tình yêu của chính Thiên Chúa và là “gia tài quí nhất, một trợ lực xứng hợp và một cột trụ để tựa nương” của người đàn ông, theo ngôn ngữ khôn ngoan của Thánh Kinh (Hc 36,24). Thêm nữa, như người phụ nữ trong Bài Ca của Sa-lô-môn sẽ ca lên lời tuyên xưng tuyệt diễm về tình yêu và về sự tự hiến cho nhau: “Người tôi yêu thuộc trọn về tôi, và tôi trọn vẹn thuộc về chàng… Tôi thuộc trọn về người tôi yêu, người tôi yêu thuộc về tôi trọn vẹn” (2,16; 6,3).

13. Cuộc gặp gỡ này, giúp xoa dịu nỗi cô đơn của người đàn ông, làm phát sinh sự sống mới và gia đình. Thật ý nghĩa, Ađam, cũng là người đàn ông của mọi nơi mọi thời, cùng với vợ mình khởi lập một gia đình mới. Đức Giêsu nói về điều này khi dẫn lại bản văn sách Sáng Thế: “Người ta sẽ gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt” (Mt 19,5; x. St 2,24). Từ ngữ “gắn bó” này, trong nguyên ngữ Híp-ri, nói về một sự hòa điệu sâu xa, một sự gần gũi cả thể lý lẫn nội tâm, đến mức chính từ ngữ ấy được dùng để mô tả sự kết hợp của chúng ta với Thiên Chúa: “Hồn con bám chặt vào Chúa” (Tv 63,8). Sự kết hợp vợ chồng, vì thế, gợi lên không chỉ chiều kích thân xác và tính dục, mà cả việc tự nguyện tự hiến trong tình yêu. Kết quả của sự kết hợp này, đó là “cả hai trở thành một xương một thịt”, cả về thể lý lẫn theo nghĩa kết hợp trong trái tim và đời sống, và cuối cùng là nơi một người con, với sự chia sẻ “cốt nhục” của cả cha lẫn mẹ – không chỉ về di truyền học mà còn về mặt tâm linh nữa.

(còn tiếp)

————————————

[1] JORGE LUIS BORGES, “Calle Desconocida”, trong Fervor de Buenos Aires, Buenos Aires, 2011, 23.

[2] Bài giảng tại Thánh Lễ cử hành ở Puebla de los Ángeles (28.01.1979), 2: AAS 71 (1979), 184.

[3] X. ibid.

 


Văn Kiện Giáo Hội