Tông Huấn NIỀM VUI YÊU THƯƠNG (AMORIS LAETITIA) (5)

Bản Việt ngữ: Lm. Lê Công Đức (dịch từ bản tiếng Anh)

 

CHƯƠNG TÁM (tiếp theo)

NHỮNG YẾU TỐ GIẢM NHẸ TRONG PHÂN ĐỊNH MỤC VỤ

 

301.             Để có một nhận hiểu thích đáng về khả năng và nhu cầu đối với sự phân định đặc biệt trong một số hoàn cảnh “bất thường”, có một điều luôn luôn phải lưu ý, nhằm phòng tránh bất cứ ai nghĩ rằng các đòi hỏi của Tin Mừng đang bị suy tổn cách nào đó. Giáo hội có sẵn một kho tàng suy tư vững chắc liên quan đến những yếu tố và những hoàn cảnh giảm nhẹ. Vì thế người ta không còn có thể đơn giản nói rằng tất cả những ai ở trong bất cứ hoàn cảnh “bất thường” nào đó đều đang sống trong tình trạng tội nguy tử và bị tước mất ơn thánh hóa. Có nhiều điều liên quan ở đây, chứ không duy chỉ là tình trạng không biết luật. Một chủ thể có thể biết rõ luật ấy, nhưng gặp khó khăn lớn trong việc nhận hiểu “các giá trị cốt yếu của nó”,[1] hoặc đương sự ở trong một hoàn cảnh cụ thể vốn không cho phép mình hành động cách nào khác hay quyết định cách nào khác mà không vướng thêm tội. Như các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã nói: “có thể tồn tại các yếu tố làm hạn chế khả năng đưa ra một quyết định”.[2]Thánh Tôma Aquinô nhìn nhận rằng một người có thể sở đắc ân phúc và lòng bác ái, nhưng không thể thực thi một số nhân đức;[3] nói cách khác, dù một người nào đó có thể sở đắc tất cả các nhân đức luân lý được ban cho, anh ta vẫn không cho thấy rõ ràng sự tồn tại của một nhân đức nào đó, bởi vì việc thực hành bên ngoài của nhân đức ấy gặp phải khó khăn: “Khi ta nói rằng một số vị thánh không có những nhân đức nào đó, thì đấy là vì các ngài gặp khó khăn trong việc thể hiện các nhân đức ấy, dù các ngài vẫn có thiên năng về tất cả các nhân đức”.[4]

 

302.             Sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo đề cập rõ ràng những yếu tố này: “trách nhiệm đối với một hành động có thể được giảm thiểu hay thậm chí được hủy bỏ do bởi ngu dốt, vô ý, bị cưỡng ép, sợ hãi, thói quen, những quyến luyến thái quá, và do các yếu tố tâm lý xã hội khác nữa”.[5] Trong một đoạn khác, Sách Giáo Lý một lần nữa qui chiếu đến những trường hợp làm giảm nhẹ trách nhiệm luân lý, và đề cập khá dài về “sự thiếu trưởng thành tâm cảm, áp lực của thói quen thủ đắc, những tình trạng bấn loạn hay những yếu tố tâm lý xã hội khác làm giảm đi mức tội luân lý”.[6] Do đó, một phán quyết tiêu cực về một hoàn cảnh khách quan không hề hàm ý một phán quyết về sự qui gán trách nhiệm hay mức tội của người liên hệ.[7] Trên cơ sở những xác tín này, tôi cho là rất phù hợp điều mà nhiều Nghị Phụ Thượng Hội Đồng muốn khẳng định: “Trong một số tình huống, người ta thấy rất khó hành động khác đi. Do đó, trong khi thượng tôn một qui luật chung, cần phải nhận ra rằng trách nhiệm đối với một số hành động hay quyết định thì không giống nhau trong mọi trường hợp. Sự phân định mục vụ, trong khi lưu ý đến lương tâm được đào tạo thích đáng của người ta, cần phải xem xét những hoàn cảnh này. Ngay cả những hệ quả của các hành động cũng không nhất thiết giống nhau trong mọi trường hợp.”[8]

 

303.             Nhận ra ảnh hưởng của những yếu tố cụ thể như thế, chúng ta có thể thêm rằng trong một số hoàn cảnh không thể hiện một cách khách quan nhận thức của chúng ta về hôn nhân, thì lương tâm của cá nhân cần phải được Giáo hội xét đến nhiều hơn. Dĩ nhiên, phải cố gắng hết sức để thúc đẩy sự phát triển của một lương tâm sáng suốt, được đào tạo và được hướng dẫn bởi sự phân định nghiêm túc và có trách nhiệm của vị mục tử, và phải khích lệ một niềm tin mạnh mẽ hơn nữa vào ơn sủng của Thiên Chúa. Tuy nhiên lương tâm có nhiều việc hơn để làm, chứ không duy chỉ việc nhìn nhận rằng một hoàn cảnh cụ thể nào đó thì không phù hợp cách khách quan với các đòi hỏi của Tin Mừng. Nó cũng có thể chân thành và trung thực nhận ra điều gì bây giờ là sự đáp trả quảng đại nhất có thể dâng lên Thiên Chúa, và đi tới chỗ nhìn thấy – với một sự chắc chắn luân lý nào đó – rằng đấy là điều mà Thiên Chúa đang mời gọi giữa cơ man những giới hạn cụ thể của mình, trong khi vẫn còn bất cập so với lý tưởng khách quan. Dù sao đi nữa, chúng ta hãy nhớ rằng sự phân định này có tính năng động; nó phải luôn mở ra cho những chặng phát triển mới và hướng đến những quyết định mới vốn có thể giúp cho cái lý tưởng được hiện thực đầy đủ hơn.

  

CÁC QUI TẮC VÀ SỰ PHÂN ĐỊNH

 

304.             Thật là bất cập việc duy chỉ xét xem các hành động của một cá nhân có phù hợp với một luật hay qui tắc chung hay không, bởi vì như vậy là chưa đủ để phân định và bảo đảm sự trung thành hoàn toàn đối với Thiên Chúa trong đời sống cụ thể của một con người. Tôi tha thiết kêu gọi rằng chúng ta phải luôn nhớ một giáo huấn của Thánh Tôma Aquinô và học biết cách vận dụng vào trong việc phân định mục vụ của mình: “Đành rằng cần phải có những nguyên tắc chung, nhưng khi chúng ta càng đi vào chi tiết, chúng ta càng thường xuyên gặp các khiếm khuyết… Trong lãnh vực hành động, chân lý hay sự đúng đắn về mặt thực hành thì không giống nhau khi áp dụng vào chi tiết, mà chỉ đúng cho các nguyên tắc chung thôi; và ở đâu có sự đúng đắn giống nhau trong chi tiết, thì nó cũng không được nhận biết như nhau đối với mọi người… Nguyên tắc sẽ được thấy là thất bại, khi chúng ta đi xa hơn vào chi tiết”.[9] Quả đúng là các qui tắc chung cho thấy một sự thiện hảo mà người ta không bao giờ được xem thường hay thờ ơ, nhưng trong công thức diễn đạt của chúng, chúng không thể tuyệt đối dung nạp hết mọi hoàn cảnh cụ thể. Đồng thời, chính vì lý do đó, phải nói rằng những gì thuộc về một sự phân định thực tế trong những trường hợp cụ thể thì không thể được nâng lên hàng qui tắc. Bởi điều đó sẽ không chỉ đưa tới một phán quyết nghiệt ngã, mà còn đe dọa chính các giá trị vốn phải được đặc biệt quan tâm giữ gìn.[10]

 

305.             Vì thế, vị mục tử không thể nghĩ rằng mình chỉ cần đơn giản áp dụng các luật luân lý cho những người sống trong các hoàn cảnh “bất thường”, cơ hồ như các luật ấy là những viên đá để mình ném vào đời sống người ta. Điều đó cho thấy trái tim khép kín của kẻ quen ẩn nấp đằng sau các giáo huấn của Giáo hội, “ngồi trên tòa Môsê và đôi khi phán xử với thái độ kẻ cả và thiển cận những trường hợp khó khăn và những gia đình bị thương tích”.[11] Theo cùng chiều hướng này, Ủy Ban Thần Học Quốc Tế đã ghi nhận rằng “luật tự nhiên không thể được trình bày như một bộ qui tắc đã được thiết lập để tiên thiên áp vào chủ thể luân lý; đúng hơn, nó là một nguồn cảm hứng khách quan cho tiến trình đưa ra quyết định rất riêng tư của người ta”.[12] Do bởi những tình trạng điều kiện hóa và những yếu tố giảm nhẹ, có thể rằng trong một tội khách quan nào đó – vốn có thể không được cảm thấy là tội hay hoàn toàn là tội, theo chủ quan – thì người ấy có thể sống trong ân sủng Thiên Chúa, có thể yêu thương và cũng có thể lớn lên trong đời sống ân sủng và bác ái, trong khi nhận sự trợ giúp của Giáo hội cho mục đích này.[13] Việc phân định phải giúp tìm ra những cách khả dĩ để đáp lại tiếng Chúa và để lớn lên ngay giữa các giới hạn. Khi suy nghĩ rằng mọi sự chỉ có thể hoặc trắng hoặc đen, chúng ta đôi khi đóng chặt con đường của ơn sủng và của sự triển nở, và cản trở những nẻo đường thánh hóa là những nẻo đường tôn vinh Thiên Chúa. Ta hãy nhớ rằng “một bước nhỏ, ở giữa những giới hạn to lớn của phận người, có thể làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn là một đời sống xem chừng nề nếp, nhưng êm ru đi qua ngày tháng mà không phải đương đầu với những khó khăn đáng kể nào”.[14] Việc săn sóc mục vụ trong thực tế của các thừa tác viên và các cộng đoàn không được bỏ qua thực tại này.

 

306.             Trong mọi hoàn cảnh, khi giúp đỡ những người gặp khó khăn trong việc sống trọn luật Chúa, phải giúp họ nghe rõ lời mời gọi theo đuổi con đường đức ái (via caritatis). Bác ái huynh đệ là luật thứ nhất của các Kitô hữu (x. Ga 15,12; Gal 5,14). Chúng ta không được quên những lời khẳng định mạnh mẽ của Thánh Kinh: “Hãy yêu thương nhau không ngừng, vì tình yêu che lấp muôn vàn tội lỗi” (1Pr 4,8); “Hãy đái tội lập công, bằng cách làm việc nghĩa, là tỏ lòng từ bi đối với người nghèo, để thời thịnh vượng … được kéo dài” (Đn 4,24); “Nước dập tắt lửa hồng, bố thí đền bù tội lỗi” (Hc 3,30). Đây cũng là điều Thánh Augustinô đã dạy: “Khi xảy ra hỏa hoạn, ta chạy đi tìm nước để dập lửa… thì cũng vậy, nếu ngọn lửa tội lỗi bùng lên từ đống rơm của mình và làm ta lo lắng, thì nếu gặp cơ hội để thực thi một hành động của lòng thương xót, chúng ta hãy vui mừng đón lấy, như thể đó là một nguồn nước giúp ta dập tắt ngọn lửa kia”.[15]

 

LÔ-GÍC CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT TRONG MỤC VỤ

 

307.             Để tránh mọi sự hiểu lầm, tôi muốn chỉ ra rằng Giáo hội không bao giờ có thể ngừng việc trình bày trọn vẹn lý tưởng của hôn nhân, tức kế hoạch của Thiên Chúa trong tất cả tầm vóc cao cả của nó: “Những người trẻ đã lãnh Phép Rửa cần được thúc đẩy để hiểu rằng Bí tích Hôn phối có thể làm phong phú những viễn tượng tình yêu của họ, và rằng họ có thể được nâng đỡ nhờ ân sủng của Đức Kitô trong bí tích ấy và nhờ khả năng tham dự đầy đủ vào đời sống Giáo hội”.[16] Thái độ thờ ơ, chủ trương tương đối thuộc bất cứ loại nào, hay một sự ấm ớ trong việc diễn đạt lý tưởng ấy, tất cả đều cho thấy sự thiếu trung thành đối với Tin Mừng, đồng thời cũng cho thấy sự thiếu tình yêu của Giáo hội đối với chính những người trẻ. Việc bày tỏ cảm thông đối với những hoàn cảnh ngoại lệ không bao giờ làm nhạt mờ ánh sáng của lý tưởng trọn vẹn hơn, cũng không cắt xén bớt những gì Chúa Giêsu truyền cho con người. Ngày nay, nỗ lực mục vụ để củng cố hôn nhân và qua đó phòng tránh hôn nhân gãy đổ thì quan trọng hơn việc săn sóc mục vụ đối với những trường hợp thất bại.

308.             Đồng thời, từ ý thức của chúng ta về tầm quan trọng của những trường hợp giảm nhẹ – thuộc tâm lý học, lịch sử, và thậm chí sinh vật học – ta thấy rằng “trong khi không làm suy giảm lý tưởng theo Tin Mừng, vẫn có nhu cầu phải đồng hành trong lòng thương xót và kiên nhẫn đối với những giai đoạn trưởng thành của con người như chúng tiếp tục diễn ra”, dành chỗ cho “lòng thương xót của Chúa, là động lực thúc đẩy chúng ta nỗ lực hết sức mình”.[17] Tôi hiểu những ai thiên về một sự săn sóc mục vụ nghiêm khắc hơn và không có chỗ cho sự thiếu rạch ròi. Nhưng tôi chân thành tin rằng Đức Giêsu muốn một Giáo hội lưu tâm tới những điều tốt lành mà Chúa Thánh Thần gieo vào giữa sự yếu hèn của con người, một Giáo hội như người Mẹ – trong khi nói rõ giáo huấn khách quan của mình – “vẫn luôn luôn làm bất cứ gì tốt lành có thể, cho dù trên con đường ấy, đôi chân mình phải lấm lem bùn đất”.[18] Các mục tử của Giáo hội, trong khi nêu rõ cho người tín hữu lý tưởng trọn vẹn của Tin Mừng và của giáo huấn Giáo hội, cũng phải giúp họ biết cảm thương người yếu đuối, tránh thái độ bức xúc, gay gắt vô lối hay những phán quyết bất nhẫn. Chính Tin Mừng yêu cầu chúng ta đừng xét đoán hay lên án (x. Mt 7,1; Lc 6,37). Đức Giêsu “mong chúng ta chấm dứt việc tìm kiếm những hang hốc ẩn náu cho cá nhân hay tập thể để được che chắn khỏi vùng nước xoáy của những nỗi bất hạnh con người, thay vào đó Người mong ta đi vào trong thực tế của đời sống dân chúng và nhận thức được sức mạnh của sự dịu hiền. Bất cứ khi nào chúng ta làm thế, đời sống của chúng ta sẽ trở nên xáo trộn một cách tuyệt vời”.[19]

[1] GIOAN PHAOLÔ II, Tông Huấn Familiaris Consortio (22.11.1981), 33: AAS 74 (1982), 121.

[2] Phúc trình chung kết 2015, 51.

[3] X. Summa Theologiae I-II, q. 65, art. 3 ad 2; De Malo, q. 2, art. 2.

[4] Ibid., ad 3.

[5] Số 1735.

[6] Ibid., 2352; THÁNH BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Tuyên Ngôn về Cái chết êm dịu (5.5.1980), II: AAS 72 (1980), 546; Gioan Phaolô II, khi phê bình về phạm trù “sự chọn lựa nền tảng”, đã nhìn nhận rằng “chắc chắn có thể xảy ra những trường hợp rất phức tạp và mập mờ từ một quan điểm tâm lý học, và những trường hợp ấy có một ảnh hưởng trên mức tội chủ quan của người ta” (Tông Huấn Reconciliatio et Paenitentia [2.12.1984], 17: AAS 77 [1985], 223).

[7] X. HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG VỀ CÁC BẢN VĂN LUẬT, Tuyên Bố về việc Đón Nhận Các Tín Hữu Ly Dị Và Tái Hôn Vào Rước Lễ (24.6.2000), 2.

[8] Phúc trình chung kết 2015, 85.

[9] Summa Theologiae, I-II, q. 94, art. 4.

[10] Trong một bản văn khác, qui chiếu đến sự hiểu biết tổng quát về qui tắc và sự hiểu biết đặc biệt của việc phân định thực tế, Thánh Tôma tuyên bố rằng “ước gì có hiện diện một trong hai sự hiểu biết ấy, và sẽ tốt hơn nếu đó là sự hiểu biết về tình trạng cụ thể, bởi nó gần với thực tế”: Sententia libri Ethicorum, VI, 6 (ed. Leonina, t. XLVII, 354.)

[11] Diễn từ Bế mạc Phiên Họp Khoáng Đại Thường Kỳ Thứ Mười Bốn của Thương Hội Đồng Giám Mục(24.10.2015): L’Osservatore Romano, 26-27.10.2015, tr. 13.

[12] ỦY BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ, Tìm Kiếm Một Nền Đạo Đức Phổ Quát: Một Cái Nhìn Mới Về Luật Tự Nhiên (2009), 59.

[13] Trong một số trường hợp, điều này có thể bao gồm sự trợ giúp về các bí tích. Vì thế, “tôi muốn nhắc các linh mục rằng tòa giải tội không phải là một buồng tra tấn, nhưng đúng hơn là một cuộc gặp gỡ với lòng thương xót của Chúa” (Tông Huấn Evangelii Gaudium [24.11.2013], 44: AAS 105 [2013], 1038). Tôi cũng muốn chỉ ra rằng Bí tích Thánh Thể không phải là một phần thuởng cho người hoàn hảo, nhưng là phương dược đầy hiệu năng và là dưỡng chất cho người yếu đuối” (ibid., 47: 1039).

[14] Tông Huấn Evangelii Gaudium (24.11.2013), 44: AAS 105 (2013), 1038-1039.

[15] De Catechizandis Rudibus, I, 14, 22: PL 40, 327; x. Tông Huấn Evangelii Gaudium (24.11.2013), 194: AAS 105 (2013), 1101.

[16] Phúc trình THĐ. 2014, 26.

[17] Tông Huấn Evangelii Gaudium (24.11.2013), 44: AAS 105 (2013), 1038.

[18] Ibid., 45.

[19] Ibid., 270.

 


Văn Kiện Giáo Hội