Chương Một: Dưới Ánh Sáng Của Lời Chúa (Số 8-30)

 

8. Kinh Thánh đầy những gia đình, sinh sản, những câu chuyện tình yêu và các cuộc khủng hoảng gia đình. Đây là sự thật ngay từ trang đầu tiên của Kinh Thánh, với sự xuất hiện củagia đình của A-đam và E-và với tất cả gánh nặng bạo lực của gia đình này nhưng cũng có cả sức mạnh chịu đựng (x. St 4) cho đến tận trang cuối cùng của Tin Mừng, nơi mà chúng ta chứng kiến tiệc cưới của Tân Nương và Con Chiên (Kh 21:2, 9). Sự mô tả của gs về hai ngôi nhà, một ngôi nhà xây trên đá và ngôi nhà kia xây trên cát (x. Mt 7:24-27), tượng trưng chobất kì những hoàn cảnh gia đình nào được hình thành từ việc thi hành quyền tự do của các thành viên của gia đình, vì, như một nhà thơ nói, “mỗi gia đình là một chân đèn”. Giờ đây chúng ta hãy đi vào một trong những ngôi nhà này, được hướng dẫn bởi Tác Giả Thánh Vịnh với một bài ca còn vang vọng đến tận ngày nay trong cả các phụng vụ cưới Do Thái Giáo và Kitô Giáo:

Ca khúc lên Đền.

Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa,

ăn ở theo đường lối của Người.

Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng,

bạn quả là lắm phúc nhiều may.

Hiền thê bạn trong cửa trong nhà

khác nào cây nho đầy hoa trái;

và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn,

xúm xít tại bàn ăn.

Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người.

Xin Chúa từ Xi-on xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc.

Ước chi trong suốt cả cuộc đời

bạn được thấy Giê-ru-sa-lem phồn thịnh,

được sống lâu bên đàn con cháu.

Nguyện chúc Ít-ra-en vui hưởng thái bình (Tv 128:1-6).

BẠN VÀ HIỀN THÊ CỦA BẠN

9. Chúng ta hãy bước qua ngưỡng cửa của ngôi nhà thanh bình này, với một gia đình đang ngồi quanh một bàn ăn tiệc mừng. Ở trung tâm, chúng ta thấy người cha và người mẹ, một đôi vợ chồng với câu chuyện tình yêu của riêng họ. Họ mặc lấy kế hoạch thánh nguyên thuỷ rõ ràng được chính Đức Kitô nói đến "Các ông không đọc thấy điều này sao: ‘Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ’” (Mt 19:4). Chúng ta nghe thấy sự vang vọng của lệnh truyền được tìm thấy trong Sách Sáng Thế: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt”.

10. Những chương đầu tiên đầy trang trọng này của Sách Sáng Thế trình bày một đôi bạn trong thực tại sâu thẳm nhất của nó. Những trang đầu tiên này của Kinh Thánh đưa ra rất nhiều lời minh xác rất rõ ràng. Trước hết, câu mà Chúa Giêsu trích dẫn lại, nói rằng “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình. Thiên Chúa đã làm ra con người có nam có nữ” (1:27). Thật ấn tượng là việc “hình ảnh của Thiên Chúa” ở đây lại nói đến đôi bạn, “nam và nữ”. Điều này có nghĩa là phái tính là một sở hữu của chính Thiên Chúa, hay muốn nói rằng Thiên Chúa có một bạn đồng hành là phái nữ, như một số tôn giáo cổ xưa thường nhìn nhận? Một cách tự nhiên, câu trả lời là không. Chúng ta biết Kinh Thánh rõ ràng khước từ những niềm tin mang tính ngẫu tượng như thế, vốn có ở nơi những người Canaan của Đất Thánh. Sự siêu việt của Thiên Chúa được bảo tồn, nhưng cùng một trật Ngài cũng là Đấng Tạo Hoá, hoa trái của đôi bạn là “hình ảnh” sống động và hiệu năng, một dấu chỉ rõ ràng của hành động sáng tạo của Ngài.

11. Đôi bạn yêu thương nhau và sinh ra sự sống là một biểu tượng thật và sống động – chứ không phải là một ngẫu tượng giống như những ngẫu tượng bằng đá hay vàng mà Thập Giới cấm – có khả năng làm tỏ lộ Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng và Đấng Cứu Chuộc. Vì lý do này, tình yêu sinh hoa trái trở thành một biểu tượng của đời sống nội tại của Thiên Chúa (x. St 1:28; 9:7; 17:2-5, 16; 28:3; 35:11; 48:3-4). Đây là lý do vì sao mà trình thuật Sáng Thế, theo “truyền thống tư tế”, được đan xen với nhiều trình thuật mang tính gia phả (x. 4:17-22, 25-26; 5; 10; 11:10-32; 25:1-4, 12-7, 19-26; 36). Khả năng sinh ra sự sống mới của đôi bạn là con đường mà dòng lịch sử cứu độ tiến bước. Nhìn theo cách này, mối quan hệ sinh hoa trái của đôi bạn trở thành một hình ảnh của sự hiểu biết và diễn tả mầu nhiệm về chính Thiên Chúa, vì trong tầm nhìn Kitô Giáo về Ba Ngôi, Thiên Chúa được chiêm ngắm như là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần của tình yêu. Thiên Chúa ba ngôi là một sự hiệp thông của tình yêu, và gia đình là sự phản chiếu sống động của mầu nhiệm này. Thánh Gioan Phaolô II đã chiếu ánh sáng trên điều này khi Ngài nói, “Thiên Chúa của chúng ta trong mầu nhiệm thẳm sâu nhất của Ngài thì không đơn độc, nhưng là một gia đình, vì Ngài có ở nơi chính Ngài tình cha, tình con và sự thiết yếu của gia đình, là tình yêu. Tình yêu ấy, torng gia đình thánh, là Chúa Thánh Thần”. Do đó, gia đình không phải là không liên hệ đến chính hữu thể của Thiên Chúa. Chiều kích ba ngôi này tìm thấy sự diễn tả trong thần học của Thánh Phaolô, người liên hệ đôi bạn với “mầu nhiệm” hiệp nhất của Đức Kitô và Hội Thánh (x. Ep 5:21-33).

12. Khi nói về hôn nhân, Chúa Giêsu đưa chúng ta đến một trang khác của Sách Sáng Thế, mà trong chương thứ hai, phác hoạ một bức tranh tráng lệ và chi tiết về đôi bạn. Trước hết, chúng ta thấy con người đang lo lắng tìm kiếm “một người trợ tá phù hợp cho mình” (c. 18, 20), có khả năng giảm bớt sự cô tích mà con người cảm nghiệm giữa muôn thú và thế giới quanh mình. Bản gốc tiếng Híp-ri đưa ra một cuộc gặp gỡ trực tiếp, diện dối diện, mắt nhìn mắt, trong một kiểu đối thoại thinh lặng, vì nơi nào tình yêu được quan tâm, thì sự thinh lặng luôn rõ ràng hơn cả ngôn từ. Đó là một cuộc gặp gỡ với một diện mạo, một “đối tượng”, người phản chiếu tình yêu của Thiên Chúa và là “sở hữu tốt nhất của con người, một trợ tá phù hợp và một trụ cột của sự hỗ trợ”, theo những lời của một vị thầy kinh thánh (Hc 36:24). Hoặc một lần nữa, như người phụ nữ trong Sách Diễm Ca sẽ hát lên trong một sự tuyên tín tuyệt vời về tình yêu và sự trao ban bản thân cho nhau: “Người tôi yêu thuộc trọn về tôi và tôi trọn vẹn thuộc về chàng... Tôi thuộc trọn về người tôi yêu, người tôi yêu thuộc về tôi trọn vẹn” (2:16; 6:3).

13. Cuộc gặp gỡ này, vốn xoa dịu sự cô tịch của con người, lại tạo ra một sự khai sinh mới và tạo ra một gia đình. Thật quan trọng, A-đam, người cũng là con người của mọi thời đại và nơi chốn, cũng với vợ mình, bắt đầu một gia đình mới. Chúa Giêsu nói về điều này bằng cách trích dẫn một đoạn từ Sách Sáng Thế: “Người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt” (Mt 19:5; x. St 2:24). Từ “gắn bó” hay “lìa”, theo nghĩa nguyên Híp-ri, cho thấ một sự hoà hợp sâu sắc, một sự gần gũi cả về thể lý lẫn nội tâm, đến một mức độ mà từ này được sử dụng để diễn tả sự hiệp nhất của chúng ta với Thiên Chúa: “Trót cả tâm tình, con cùng Ngài gắn bó” (Tv 63:9). Sự hiệp nhất hôn nhân do đó không chỉđược gợi lên trong ý chiều kích tính dục và thể lý của nó, mà còn trong sự tự nguyện trao ban bản thân của nó trong tình yêu. Kết quả của sự hiệp nhất này là việc “hai người trở thành một xương một thịt”, cả về thể lý và trong sự hiệp nhất tâm hồn và đời sống của họ, và sau cùng, ở nơi một đứa con, sẽ chia sẻ không chỉ về mặt phả hệ mà còn cả về mặt thiêng liêng trong “thân xác” của cả hai người cha mẹ.

CON CÁI CỦA BẠN TỰA NHƯ NHỮNG CHỒI CÂY Ô-LIU

14. Một lần nữa chúng ta hãy nắm giữ lấy bài ca của Tác Giả Thánh Vịnh. Trong ngôi nhà nơi người chồng và người vợ đang ngồi tại bàn ăn, con cái hiện diện bên họ “như những cây ô-liu mơn mởn” (Tv 128:3), đó là, đầy tràn năng lượng và sức sống. Nếu như cha mẹ, một cáchnào đó, là nền móng của ngôi nhà, thì con cái ví tựa như “những viên đá sống động” của gia đình (x. 1 Pr 2:5). Một cách ý nghĩa, từ xuất hiện thường xuyên nhất trong Cựu Ước sau danh thánh của Thiên Chúa (YHWH, “Đức Chúa”), là từ “con cái” (ben, “con trai”), mà tự bản thân nó có liên hệ với động từ “xây dựng” (banah). Do đó, Thánh Vịnh 128, khi nói về quà tặng con cái, sử dụng hình ảnh được lấy ra từ việc xây dựng một ngôi nhà và đời sống xã hội của các thành thị: “Ví như CHÚA chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công... Này con cái là hồng ân của CHÚA, con mình sinh hạ là phần thưởng Chúa ban. Hạnh phúc thay người nào đeo ống đầy loại tên như thế! Họ sẽ không nhục nhã khi phải đến cửa công tranh tụng với địch thù” (Tv 127:1, 3-5). Những hình ảnh này phản ánh nền văn hoá của xã hội xưa, nhưng sự hiện diện của con cái là một dấu chỉ của sự tiếp nối của gia đình trong suốt dòng lịch sử cứu độ, từ thế hệ này đến thế hệ kia.

15. Ở đây cũng thế, chúng ta có thể thấy một khía cạnh khác của gia đình. Chúng ta biết rằng Kinh Thánh Tân Ước nói về “các giáo hội họp nhau ở các gia đình” (x. 1 Cr 16:19; Rm 16:5; Cl 4:15; Pl 2). Một không gian sống của gia đình có thể biến thành một giáo hội tại gia, một bối cảnh cho Thánh Thể, sự hiện diện của Đức kt ngồi ở bàn ăn của gia đình. Chúng ta không thể quên hình ảnh có ở trong Sách Khải Huyền, nơi mà Chúa nói: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3:20). Ở đây chúng ta thấy một gia đình đầy tràn sự hiện diện của Thiên Chúa, việc cầu nguyện chung và mọi phúc lành. Đây là ý nghĩa của câu kết trong Thánh Vịnh 128, mà chúng ta đã trích ở trên: “Đó chính là phúc lộc CHÚA dành cho kẻ kính sợ Người. Xin CHÚA từ Xi-on xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc” (Tv 128:4-5).

16. Kinh Thánh cũng trình bày gia đình như là một nơi mà con cái được lớn lên trong đức tin. Điều này là rõ ràng ngày từ việc mô tả về việc cử hành Lễ Vượt Qua (x. Xh 12:26-27; Đnl 6:20-25) và điều này sau này xuất hiện rõ ràng trong bản haggadah của người Do Thái, cuộc đối thoại kèm theo nghi thức của bữa ăn Lễ Vượt Qua. Một trong những Thánh Vịnh nói lên việc loan báo niềm tin trong gia đình: “Điều chúng tôi đã từng nghe biết do cha ông kể lại cho mình, chúng tôi chẳng giấu gì con cháu cả, sẽ tường thuật cho thế hệ mai sau: sự nghiệp lẫy lừng, quyền uy của CHÚA, với những kỳ công Chúa đã làm. Người đã ban huấn lệnh cho nhà Gia-cóp, đặt ra lề luật cho Ít-ra-en, dạy tổ tiên chúng tôi truyền lại cho con cháu các cụ được tường, hầu thế hệ tương lai kẻ hậu sinh cũng biết, rồi mai ngày đến lượt kể cho con cháu mình” (Tv 78:3-6). Do đó, gia đình là nơi mà cha mẹ trở thành những người thầy đầu tiên của con cái mình trong đức tin. Chúng học “nghề” này, rồi chuyển giao từ người này sang người kia: “Khi ấy con cái anh em hỏi … và anh em sẽ nói vơi chúng…” (Xh 13:14). Do đó thế hệ kế tiếp có thể cất lên bài ca của họ dâng lên Thiên Chúa: “ai là nam thanh, ai là nữ tú, khắp mặt bô lão, khắp mặt nhi đồng!” (Tv 148:12).

17. Các bậc cha mẹ có một trọng trách đối với công việc giáo dục này, như các bậc thầy trong Kinh Thánh thường nhắc nhớ chúng ta (x. Kn 3:11-12; 6:20-22; 13:1; 22:15; 23:13-14; 29:17). Con cái, về phần mình, được mời gọi để đón nhận và thực hành giới răn: “Hãy thảo kính cha mẹ” (Xh 20: 12). Ở đây động từ “thảo kính” có liên hệ với sự thành toàn của gia đình và những dấn thân xã hội; chúng ta không được coi thường những điều này trong sự giả vờ của các động cơ tôn giáo (x. Mc 7:11-13). “Ai tôn kính cha sẽ đền bù được muôn tội lỗi; ai tôn vinh mẹ thì cũng giống như người tích lũy được kho tàng” (Cn 3: 3-4).

18. Tin Mừng tiếp tục nhắc nhớ chúng ta rằng con cái không phải là một tài sản của một gia đình, mà chúng có cả đời sống cần được dẫn dắt. Chúa Giêsu là một khuôn mẫu của sự vâng phục đối với cha mẹ trần thế của Ngài, đặt chính bản thân Ngài dưới trách nhiệm của họ (x. Lc 2:51), nhưng Ngài cũng tỏ cho thấy rằng những quyết định cuộc đời của con cái và ơn gọi Kitô Hữu của chúng có thể đòi hỏi một sự tách lìa vì Nước Thiên Chúa (x. Mt 10:34-37; Lc 9:59-62). Chính Chúa Giêsu, vào lúc mười hai tuổi, nói với Mẹ Maria và Thánh Giuse rằng Ngài có một sứ mạng quan trọng hơn cần hoàn thành bên ngoài gia đình trần thế của Ngài (x. Lc 2:48-50). Bằng cách này, Ngài thể hiện sự cần đến người khác, những mối liên hệ sâu xa hơn ngay bên trong gia đình: "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành" (Lc 8:21). Cũng thế, trong mối bận tâm mà Ngài thể hiện ra cho các trẻ nhỏ - những em mà xã hội thuộc Vùng Cận Đông coi như là những đối tượng mà không có một quyền cụ thể nào và ngay cả như một tài sản của gia đình – thì Chúa Giêsu đi xa hơn khi giới thiệu chúng như là những vị thầy, xét trên niềm tin đơn sơ và sự hồn nhiên của chúng dành cho người khác. "Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời” (Mt 18:3-4).

 

MỘT CON ĐƯỜNG CỦA ĐAU KHỔ VÀ MÁU

19. Bức tranh thanh bình trình bày trong Thánh Vịnh 128 không phải là mâu thuẫn với một sự thật đắng cay được tìm thấy trong toàn bộ bản văn Thánh Kinh, đó là, sự hiện diện của nỗi đau, sự dữ và bạo lực phá vỡ các gia đình và sự hiệp thông sự sống và tình yêu của họ. Vì lý do tốt lành, giáo huấn của Chúa Kitô về hôn nhân (x. Mt 19:3-9) được thêm vào bên trong một sự tranh luận về việc ly hôn. Lời Chúa luôn làm chứng cho chiều kích ảm đạm đó vốn đã hiện diện ngay từ thuở ban đầu, khi mà, bởi tội lỗi, mối quan hệ của tình yêu và sự thanh khiết giữa người nam và người nữ biến thành sự thống trị: “Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, nhưng nó sẽ thống trị ngươi” (St 3:16).

20. Ngưỡng cửa của đau khổ và đổ máu này trải dài trên nhiều trang Kinh Thánh, khởi đầu bằng việc Cain giết em mình là Aben. Chúng ta đọc được những tranh cãi giữa những người con trai và các bà vợ của Tổ Phụ Áp-ra-ham, I-sa-ác và Gia-cóp, những bi kịch và bạo lực đánh dấu trên gia đình của Đa-vít, các vấn đề gia đình được phản ánh trong câu chyện của Tô-bi-a và lời phàn nàn đắng cay của ông Gióp: “Anh em tôi, Ngài đẩy xa tôi… thân bằng quyến thuộc đều dứt nghĩa đoạn tình… Hơi thở tôi khiến vợ tôi ghê tởm, mũi hôi thối xông ra làm anh em tôi gớm ghiếc” (G 19:13-14, 17).

21. Chính Chúa Giêsu đã được sinh ra trong một gia đình bình thường đã phải sớm chạy sang một vùng đất ngoại. Ngài thăm gia đình của Phêrô, nơi mẹ vợ ông đang bệnh (x. Mc 1:30-31) và bày tỏ sự đồng cảm khi nghe về cái chết trong gia đình của Giai-rô và La-da-rô (x. Mc 5:22-24, 35-43; Ga 11:1-44). Ngài nghe tiếng than khóc tuyệt vọng của bà goá Thành Nain về cái chết của con trai bà (x. Lc 7:11-15) và nhanh chóng trước tiếng khẩn cầu của người cha của một đứa bé bị bại liệt ở trong một thị trấn nhỏ (x. Mc 9:17-27). Ngài đi đến nhà của những người thu thế giống như Mát-thêu và Da-kêu (x. Mt 9:9-13; Lc 19:1-10), và Ngài trò chuyện với những tội nhân như người phụ nữ trong nhà của Simon Biệt Phái (x. Lc 7:36-50). Chúa Giêsu biết những lo âu và căng thẳng mà các gia đình trải qua và Ngài đưa tất cả những điều này vào trong các dụ ngôn của Ngài: con cái bỏ nhà đi tìm kiếm sự phiêu lưu (x. Lc 15:11-32), hoặc người gặp rắc rối (Mt 21:28-31) hoặc rơi vào móng vuốt của bạo lực (Mc 12:1-9). Ngài cũng nhạy bén trước sự xấu hổ do bởi thiếu rượu tại bữa tiệc cưới (Ga 2:1-10), sự thất bại của các thực khách đến dự tiệc (Mt 22:1-10), và nỗi lo của gia đình nghèo vì mất một đồng xu (Lc 15:8-10).

22. Trong phần nhìn lại vắn gọn này, chúng ta có thể thấy rằng Lời Chúa không phải là một chuỗi các ý niệm trừu tượng nhưng hơn thế là một nguồn an ủi và đồng hành cho mọi gia đình đang trải qua những khó khăn hoặc đau khổ. Vì Lời Chúa chỉ cho họ biết mục tiêu của hành trình của họ, khi Thiên Chúa “sẽ lau khô nước mắt trên mọi khuôn mặt và chết chóc không còn nữa, đau khổ và than van cũng không còn nữa” (Kh 21:5).

 

CÔNG VIỆC TAY BẠN LÀM

23. Ở đầu Thánh Vịnh 128, người cha xuất hiện như một người làm việc mà bởi công việc của bàn tay ông mà nuôi dưỡng sự khoẻ mạnh thể lý và sự bình yên của gia đình ông: “Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, đời bạn quả lắm phúc nhiều may, và hạnh phúc ấy sẽ ở với bạn luôn mãi” (Tv 128:2). Rõ ràng là ngay từ những trang đầu của Kinh Thánh mà công việc là một phần thiết yếu của phẩm giá con người; ở đó chúng ta đọc thấy rằng “Đức Chúa là Thiên Chúa đã nắm lấy con người và đặt vào trong vườn Eden để canh tác và gìn giữvườn ấy” (St 2:15). Con người được giới thiệu như người lao động là người sẽ canh tác trái đất, kiểm soát các sức mạnh của thiên nhiên và tạo ra “bánh của những âu lo nhọc nhằn” (Tv 127:2), ngoài việc canh tác những ơn ban và những tài năng của mình.

24. Lao động cũng có thể tạo nên sự phát triển của xã hội và mang lại lương thực, ổn định và hoa trái của gia đình: “Ước chi trong suốt cả cuộc đời, bạn được thấy Giêrusalem phồn thịnh! Được sống lâu bên đàn con cháu!” (Tv 128:4-5). Sách Châm Ngôn cũng trình bày việc lao động của những người mẹ trong gia đình; công việc hằng ngày của họ được mô tả chi tiết như sự giành được phần khen ngợi từ chồng và con cái của họ (x. 31:10-31). Thánh Tông Đồng Phaolô đã tự hào vì không sống như là một gánh nặng đối với người khác, bởi vì Ngài làm việc bằng đôi bàn tay của Ngài và đảm bảo cho đời sống của Ngài (x. Cv 18:3; 1 Cr 4:12; 9:12). Thánh Phaolô cũng tin vào sự cần thiết của công việc mà Ngài đưa ra lề luật khắc khe cho các cộng đoàn của Ngài: “Ai không làm việc thì đừng ăn” (2 Tx 3, 10; x. 1 Tx 4, 11).

25. Dựa trên điều đã được nói, chúng ta mới có thể tôn trọng nỗi khổ được tạo nên bởi tình trạng thất nghiệp và thiếu công việc ổn định, như đã phản ánh trong Sách Ruth, dụ ngôn của Chúa Giêsu về những người làm vườn bị buộc phải đứng không ngoài quảng trường (Mt 20:1-16), và kinh nghiệm cá nhân của Ngài về việc gặp gỡ người đau khổ vì nghèo và đói. Buồn thay, những thực tại này lại đang hiện diện ở nhiều nước ngày nay, nơi mà sự thiếu các cơ hội việc làm đang gây tổn hại đến sự êm ấm của đời sống gia đình.

26. Chúng ta không thể coi thường sự suy đồi xã hội do tội lỗi mang lại, chẳng hạn như, việc con người ngược đãi thiên nhiên, đã tàn phá thiên nhiên cách ích kỷ và tàn bạo. Điều này dẫn đến tình trạng sa mạc hoá trái đất (x. St 3:17-19) và những sự bất quân bình xã hội và kinh tế đã bị các tiên tri lên án công khai, khởi đầu từ Êlia (x. 1 V 21) và đỉnh cao ở nơi những lời của chính Chúa Giêsu chống lại sự bất công (x. Lc 12:13; 16:1-31).

 

SỰ DỊU DÀNG CỦA MỘT CÁI ÔM

27. Đức Kitô đã đưa ra luật yêu thương và trao ban chính bản thân mình vì người khác như một dấu chỉ đặc thù của các môn đệ của Ngài (x. Mt 22:39; Ga 13:34). Ngài làm thế khi đưa ra một nguyên tắc mà các bậc làm cha mẹ có khuynh hướng mặc lấy trong đời sống của họ:“Không có tình yêu nào cao quí hơn tình yêu của những người hy sinh tính mạng vì bạn hữu” (Ga 15:13). Tình yêu cũng sinh hoa trái trong lòng thương xót và sự tha thứ. Chúng ta thấy điều này một cách đặc biệt trong cảnh người phụ nữ bị bắt gặp phạm tội ngoại tình; trước Đền Thờ, người phụ nữ bị bao vây bởi những người tố cáo cô, nhưng sau đó, chỉ còn một mình với Chúa Giêsu, cô gặp gỡ không phải là một lời lên án mà là một lời khuyên dạy dẫn đến một đời sống xứng đáng hơn (x. Ga 8:1-11).

28. Trái lại với bối cảnh của tình yêu vốn quá trọng tâm đối với kinh nghiệm Kitô Giáo về hôn nhân và gia đình, một nhân đức khác xuất hiện, một nhân đức quá thường bị coi thương trong thế giới cảu những mối quan hệ điên cuồng và hời hợt. Đó là sự dịu dàng. Chúng ta hãy suy xét những lời đầy cảm động của Thánh Vịnh 131. Như trong các bản văn kinh thánhkhác (vd: Xh 4:22; Is 49:15; Tv 27:10), sự hiệp nhất giữa Thiên Chúa và các tín hữu của Ngài được diễn tả theo ngôn ngữ của tình yêu phụ tử. Ở đây chúng ta thấy một sự gần gũi tế nhị và dịu dàng giữa người mẹ và người con: hình ảnh là của một em bé ngủ yên trong vòng tay của mẹ nó sau khi được bú no. Theo như từ gamûl trong tiếng Híp-ri cho thấy, bé thơ giờ đây đang được nuôi dưỡng và gắn kết với mẹ nó, người đang bồng bé nó trong lòng. Có một sự gần gũi thuộc về ý thức chứ không thuần tuý là mang tính sinh học. Phác hoạ hình ảnh này, Tác Giả Thánh Vịnh hát lên: “Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con hồn lặng lẽ, an vui” (Tv 131, 2). Chúng ta cũng có thể nghĩ về những lời đầy cảm động mà tiên tri Hô-sê đã đặt trên đôi môi của Thiên Chúa: “Thuở Israel còn thơ bé, ta đã yêu thương nó… Ta ẵm nó vào lòng… Ta dẫn nó đi bằng dây nhân nghĩa, bằng mối yêu thương, đối với nó, Ta như người tháo xiềng bịt miệng nó và cúi xuống cho nó ăn” (Hs 11:3-4).

29. Với cái nhìn của đức tin và tình yêu, ân sủng và sự trung thành, chúng ta đã suy tư về mối quan hệ giữa gia đình nhân loại với Ba Ngôi thánh. Lời Chúa cho chúng ta biết rằng gia đình được uỷ thác cho một người nam, một người nữ và con cái của họ, để họ có thể trở nên một sự hiệp thông của các ngôi vị theo hình ảnh của sự hiệp thông của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Sinh sản và dưỡng dục con cái, về phần nó, phản chiếu công việc sáng tạo của Thiên Chúa. Gia đình được mời gọi để tham gia vào việc cầu nguyện hằng ngày, đọc Lời Chúa và cùng tham dự sự hiệp thông Thánh Thể, và do đó lớn lên trong tình yêu và trở nên một đền thờ trọn vẹn hơn nữa để Chúa Thánh Thần cư ngụ.

30. Mỗi gia đình cần nhìn lên bức hình Gia Đình Thánh Na-da-rét. Đời sống thường nhật của gia đình này đã chia sẻ những gánh nặng thậm chí là các những cơn ác mộng của mình, như khi các Ngài đối diện với tình trạng bạo lực không thể nguôi ngoai của Hê-rô-đê. Kinh nghiệm cuối này là một kinh nghiệm, thật đáng buồn để nói thế, vẫn đang tiếp tục ảnh hưởng trên các gia đình người tị nạn là những người trong thời đại của chúng ta đang cảm thấy bị loại trừ và bất lực. Giống như các Vị Đạo Sĩ, các gia đình của chúng ta được mời gọi để chiêm ngắm Hài Nhi và Mẹ Ngài, để cúi xuống và thờ lạy Người (x. Mt 2:11). Giống như Mẹ Maria, các gia đình được mời gọi để đối diện với những thách đố của gia đình họ bằng sự can đảm và bìnhthản, trong khi gian nan cũng như thuận tiện, và để giữ vững tâm hồn của họ vào những điều cao cả mà Thiên Chúa đã thực hiện (x. Lc 2:19, 51). Kho tàng của trái tim Mẹ Maria cũng chứa đựng những kinh nghiệm của mọi gia đình, mà Mẹ nuôi dưỡng. Vì lý do này, Mẹ có thể giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của những kinh nghiệm này và nghe thông điệp của Thiên Chúa mong muốn thông truyền qua đời sống của các gia đình của chúng ta.

 


Văn Kiện Giáo Hội