BÀI 2

III

 Nét vẻ riêng biệt của Đức Thánh Cha Beneđictô trong Tông huấn « Bí Tích Tình Yêu »

 

Tông Huấn này là của Đức Thánh Cha và do Đức Thánh Cha công bố cho toàn thể Giáo hội. Tuy nhiên chúng ta có thể nhận ra trong đó lối suy tư thần học và trình bày giáo huấn theo cách riêng của Ngài. Điều này cũng áp dụng cho các vị Giáo hoàng tiền nhiệm của Ngài[2]. Để giúp đọc Tông huấn « Bí Tích Tình Yêu », chúng ta thử đưa ra một vài điểm cho thấy cách suy tư cũng như cách trình bày của Đức Thánh Cha Beneđictô XVI. Văn là người, cách trình bày cùng một vấn đề, nhưng mỗi người có phương pháp, cách diễn đạt khác nhau. Vậy đâu là những nét vẻ đặc biệt của cách trình bày của Đức đương kim Giáo hoàng.

1) Trước tiên chúng ta nhận ra nét vẻ riêng biệt của lối trình bày giáo huấn như trong cách xếp đặt bố cục của văn kiện mà chúng ta vừa nói trên đây : đi từ giáo huấn, tới áp dụng vào thực tế của con người. Mà thực tế này bao gồm mọi khía cạnh của đời sống con nguời : đi từ tâm linh, đến thể xác, lý trí, ý chí, văn hóa, xã hội, kinh tế, cảnh nghèo đói, túng thiếu, những cảnh bóc lột, thiếu công bằng, những vấn đề môi sinh của thế giới. Sau này khi đọc từng phần, chúng ta sẽ nhận ra điều này cách rõ ràng hơn.

Thông Điệp “Thiên Chúa Là Tình Yêu” gồm hai phần :

Phần I (ss. 2-18) : sự thống nhất của tình yêu trong sáng tạo và lịch sử cứu độ.

Phần II (ss. 19- 39), nói về tình yêu qua hoạt động bác ái của Hội thánh như là một cộng đoàn của tình yêu.

Tông Huấn “Bí Tích Tình Yêu” gồm ba phần :

Phần I : Mầu nhiệm để tin (ss. 6-33)

Phần II : Mầu nhiệm để cử hành (ss. 34-69)

Phần III : Mầu nhiệm để sống (ss. 70-94).

Trong Tông Huấn này, chúng ta có thể coi phần I và Phần II như là phần trình bày về giáo huấn liên hệ tới Bí tích Thánh Thể ; còn phần II và III nói về Thánh Thể cũng như thực hành và các áp dụng trong cuộc sống giữa các thực tại trần gian :

Chúng ta lưu ý nhiều hơn về bản liệt kê các thực tại trần gian được Đức Giáo Hoàng Beneđictô XVI đề cập tới trong hai văn kiện.

Trong Thông Điệp “Thiên Chúa Là Tình Yêu”, chúng ta nhận ra Đức Thánh Cha đã đề cập tới các thực tại trần gian sau đây : các hoạt động bác ái cụ thể (s. 19) ; đau khổ (s. 19), nhu cầu vật chất và tinh thần (s. 19) ; của cải (s. 20) ; nghèo đói (s. 20) ; túng quẫn (s. 22. 25)) ; nhân phẩm (s. 20) ; sự bình đẳng (s. 21), cảnh góa bụa (s. 21) ; cảnh mồ côi (s. 21) ; tù tội (s. 22), bệnh tật (s. 22) ; công bằng (s. 26) ; trật tự xã hội (s. 26) ; lao động (s. 26) ; lương bổng (s. 26) ; tư bản (s. 26) ; quyền lợi (s. 26) ; sự bóc lột người nghèo (s. 26) ; công bằng xã hội (s. 27) ; giáo dục (s. 27) ; vấn đề xã hội (s. 27) ; cuộc cách mạng thế giới (s. 27) ; việc tập thể hóa (s. 27) ; con người và thế giới (s.  27) ; Nhà nước (s. 28) ; tự do (s. 28) ; chính trị (s. 28) ; trật tự công cộng (s. 28) ; trách nhiệm (s. 28); cuộc đấu tranh cho công bằng (s. 28) ; đau khổ ; thiếu thốn vật chất (s. 28) ; đời sống cộng đồng (s. 29) ; kinh tế (s. 29), xã hội (s. 29) ; luật pháp (s. 29) ; hành chánh (s. 29) ; văn hóa (s. 29) ; công ích (s. 29) ; khoa học (s. 30) ; kỹ thuật (s. 30) ; phương tiện truyền thông xã hội (s. 30) ; toàn cầu hóa (s. 30) ; lương thực (s. 30. 31), quần áo (s. 30. 31) ; nơi trú ngụ (s. 30) ; việc giảm thuế (s. 30) ; tài chánh (s. 30) ; xã hội dân sự (s. 30) ; cơ quan dân sự (s. 30) ; nhân đạo (s. 30) ; hình thức tự nguyện (s. 30) ; tình liên đới (s. 30) ; ma túy (s. 30) ; văn hóa của sự sống (s. 30) ; sự phát triển (s. 30) ; thế giới tốt đẹp hơn (s. 30) ; bệnh nhân (s. 31), chữa trị (s. 31) ; nghề nghiệp (s. 31) ; đảng phái (s. 31) ; ý thức hệ (s. 31) ; bộ mặt trần gian (s. 31), chiến lược trần thế (s. 31) ; thuyết Macxít (s. 31), tiến bộ thống trị (s. 31) ; triết học vô thần (s. 31) ; kẻ vô gia cư (s. 32) ; sự cuồng tín (s. 37), nạn khủng bố (s. 37).

Tông Huấn “Bí Tích Tình Yêu” nói về các thực tại trần thế trong tương quan với bí tích Thánh Thể một cách rất mạnh mẽ như sau: «Không gì đích thực thuộc về con người – tư tưởng, tình cảm, lời nói và hành động – mà không nhận ra được trong bí tích Thánh Thể một hình thức thích hợp để sống một cách trọn vẹn » (s. 71). Các thực tại trần gian là những thực tại nào? Đức Thánh Cha đã nói tới như sau trong Tông Huấn Bí Tích Tình Yêu : gia đình (s. 19) ; bệnh tật (s. 22); hôn phối (s. 27) ; tình yêu hôn nhân (s. 27); vẻ đẹp (s. 35) ; lời nói, cử điệu, ngôn ngữ chuyển động thân xác (s. 40) ; các phương tiện truyền thông xã hội (s. 56); người tàn tật (s. 58); kiến thức (s. 58) ; tù nhân (s. 59) ; di dân (s. 60); sự hiện hữu kitô giáo (s. 70. 70. 84) ; thân xác, thịt máu con người (s. 70) ; các thực tại con người (s. 70) ; tất cả các khía cạnh của cuộc sống con người (s. 71); mọi hoạt động của người tín hữu (s. 71) ; những gì thuộc phạm vi con người (s. 71) ; sự hiện hữu con người (s. 71. 81s) ; nhân phẩm con người (s. 71) ; đời sống con người (s. 72) ; lối sống, mô hình sống (s. 72) ; hoạt động thường ngày (s. 72) ; nhịp sống hằng ngày (s. 72) ; hạnh kiểm sống (s. 72) ; lương tâm kitô giáo (s. 73) ; vui mừng (s. 73) ; nghỉ ngơi (s. 73) ; việc bác ái (s. 73) ; ý nghĩa của thời gian (s. 73), các mối liên hệ ; việc làm, lao động (s. 73), sự sống và sự chết (s. 73) ; các cuộc gặp gỡ bạn hữu (s. 73) ; giáo dục con cái, người trẻ, người lớn, các cuộc hành hương (s. 73) ; ý nghĩa của nghỉ ngơi và lao động (s. 74) ; xã hội dân sự (s. 74) ; việc làm (s. 74) ; lao động hằng ngày (s. 74) ; nô lệ (s. 74) ; sự phát triển (s. 74) ; nhân phẩm con người (s. 74) ; lợi ích chung (s. 74) ; sự dữ (s.76) ;  sự hiệp thông giữa con người (s. 76) ; đời sống hằng ngày (s. 77) ; tục hóa (s. 77) ; cách thức suy nghĩ và sống (s. 77) ; văn hóa (s. 78) ; lịch sử con người (s.78) ; hình thức diễn tả văn hóa (s. 78) ; giá trị các sự vật (s. 79) ; hoàn cảnh sống, tình trạng đời sống (s. 79) ; thực tại đời sống (s. 79) ; giáo dục nhân bản (s. 81) ; chăm sóc người nghèo khổ, bệnh nhân (s. 81) ; sự tự do (s. 82. 82. 85) ; giá trị luân lý (s. 82) ; các hành động và các lối hành xử của con người (s. 82. 85) ; các liên hệ xã hội (s. 83) ; địa vị xã hội (s. 83), địa vị chính trị (s. 83) ; giá trị căn bản (s. 83) ; tôn trọng và bảo vệ sự sống con người (s. 83) ; thụ thai (s. 83) ; gia đình (s. 83) ; hôn nhân giữa người nam và người nữ (s. 83) ; quyền tự do giáo dục con cái (s. 83) ; chính trị gia (s. 83) ; nhà luật pháp dân sự (s. 83) ; trách nhiệm trong xã hội (s. 83) ; lương tâm (s. 83. 89) ; luật lệ (s. 83) ; bản tính con người (s. 83) ; các giá trị (s. 83) ; trách nhiệm (s. 83) ; thế giới (s. 85. 86) ; tự do phụng tự (s. 87) ; tình liên đới (s. 87); bách hại bắt bớ (s. 87) ; sự cảm thông (s. 88), tâm tình nhân loại (s. 88) ; mối liên hệ xã hội (s. 89) ; dấn thân xã hội (s. 89) ; bức tường thù hận (s. 89) ; tranh chấp (s. 89) ; hòa giải (s. 89) ; đối thoại (s. 89) ; công bằng (s. 89) ; hòa bình (s. 89) ; trách nhiệm (s. 89) ; cuộc chiến đấu chính trị (s. 89) ; xã hội (s. 89) ; trách nhiệm xã hội (s. 89) ; bạo lực (s. 89) ; chiến tranh (s. 89), khủng bố (s. 89), tham nhũng kinh tế (s. 89); hiện tượng hoàn cầu hóa (s. 90) ; cấp bậc toàn cầu (s. 90), người giầu và người nghèo (s. 90) ; tài nguyên của trái đất (s. 90) ; bất bình đẳng (s. 90), người tị nạn (s. 90) ; trại tị nạn (s. 90) ; lương tâm con người (s. 90) ; việc vũ trang (s. 90) ; mức độ nghèo khó (s. 90) ; các mối liên hệ quốc tế chính trị, thương mại, văn hóa (s. 90) ; tình trạng không xứng đáng với con người (s. 90) ; xây dựng văn minh tình thương (s. 90) ; chia sẻ của cải (s. 90) ; các mối liên hệ mới (s. 90) ; các cơ chế quốc tế, công cộng và tư nhân (s. 91) ; gương mù của sự nghèo đói (s. 91) ; thiếu dinh dưỡng (s. 91) ; phát triển (s. 91), trách nhiệm chính trị và xã hội (s. 91) ; hoàn vũ (cosmos s. 92) ; lịch sử con người (s. 92) ; thế giới (s. 92) ; hành động và cố gắng của con người (s. 92) ; thực tại trung lập (s. 92) ; tạo vật (s. 92) ; các lo lắng về các điêu kiện môi sinh (s. 92) ; liên đới (s. 94) ; thực tại con người cụ thể (s. 94).

Nhìn qua hai bảng liệt kê các thực tại trần gian được nói tới trong hai văn kiện, tuy với mục đích khác nhau, đã có những giống nhau về số lượng, về chính các thực tại này. Trong Thông Điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu”, Đức Giáo Hoàng đã muốn các tín hữu hãy sống bác ái qua các thực tại này và trong chính các thực tại này. Còn trong Tông Huấn “Bí Tích Tình Yêu”, Đức Thánh Cha đã cho thấy mối liên hệ giữa bí tích Thánh Thể và các thực tại này; Thánh Thể giúp tín hữu sống các thực tại này, và giữa các thực tại này và cũng như sống trọn vẹn các đòi hỏi đức tin do Thánh Thể gợi ra trong môi trường họ đang sống. Có như thế họ mới là các “con người thánh thể “ (BTTY, s. 96).

 

2) Một điểm khác cho thấy nét vẻ đặc biệt của Đức Thánh Cha Beneđicto XVI trong Tông Huấn “Bí Tích Tình Yêu”, đó là việc xử dụng nhiều lần đại danh từ ngôi thứ I: “TÔI”. Chúng ta có được bản liệt kê như sau :

trong phần thứ I : 6 lần ;

trong phần thứ II : 21 lần

trong phần thứ III : 8 lần

Khi dùng đại danh từ “TÔI”, Đức Thánh Cha muốn nhấn mạnh một điều nào đó, ngoài tầm quan trọng về giáo huấn như vừa được trình bày. Thường việc nhấn mạnh này có tầm mức mục vụ. Ngài xin các phần tử trong Giáo Hội, hay một loại phần tử nào đó thi hành, chú ý nhiều hơn tới điều được nêu ra. Nhưng có trường hợp có tầm mức giáo huấn thật quan trọng. Chúng ta đưa ra một thí dụ như sau: s. 19 : “Tôi muốn nhấn mạnh tới tầm quan trọng của dịp rước lễ lần đầu. Đối với rất nhiều người tín hữu, ngày này ghi lại trong ký ức của họ như là thời điểm, cho dù chỉ rất đơn sơ, họ nhận ra tầm quan trọng của việc gặp gỡ Chúa Giêsu. Mục vụ giáo xứ bằng cách thế thích hợp phải làm nổi bật cơ hội thật ý nghĩa này”. Một lần khác, Ngài nhấn mạnh tới tầm mức quan trọng về giáo lý được nhận ra, khi Đức Thánh Cha nói tới luật độc thân của linh mục. Ngài nói như sau: “ Vậy không thể coi là đủ khi người ta hiểu việc độc thân linh mục trong những ngôn từ hoàn toàn có tính cách theo chức vụ. Quả vậy, đây là một sự nên đồng hình dạng một cách đặc biệt với cung cách sống của chính Chúa Kitô. Việc chọn lựa này trước tiên là một việc chọn lựa có tính cách hôn nhân; đó là một sự đồng hóa với Chúa Kitô là vị hôn phu, là Vị đã thí mạng sống mình cho Vị hôn thê của mình. Hiệp nhất với truyền thống cao cả của Giáo Hội, với Công đồng Vaticanô II và với các vị Giáo hoàng tiền nhiệm của tôi, tôi nhắc lại  vẻ đẹp xinh và tầm  quan trọng của một đời sống linh mục thể hiện trong bậc độc thân như là dấu chỉ biểu lộ sự trao ban chính mình cách hoàn toàn và chỉ dành cho Chúa Kitô, cho Giáo Hội và cho Nước Thiên Chúa, và tôi xác quyết lại tính cách bắt buộc trong truyền thống của Giáo Hội La tinh. Việc giữ độc thân được thể hiện trong mức độ trưởng thành, trong niềm hân hoan và trong sự tận tâm, là một phúc lành rất lớn lao cho Giáo Hội và cho chính xã hội nữa” (s. 24). Trong Thông Điệp “Thiên Chúa Là Tình Yêu” chúng ta cũng thấy cách dùng “TÔI”, nhưng ít hơn, với mục đích khuyến dụ, như khi Đức Thánh Cha nói: “Với Thông Điệp này, Tôi muốn mời anh chị em sống tình yêu và nhờ đó đem ánh sáng của Thiên Chúa vào trong thế giới này” (TCLTY, số 39).

Về khía cạnh nội dung, chúng ta thấy hai điểm đặc biệt trong tư tưởng thần học của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nổi bật trong Tông Huấn “Bí Tích Tình Yêu”: đó là sự nhấn mạnh tới “chân lý” (vérité), và “vẻ đẹp” (beauté). Hai điều này thường được nhắc tới trong các bài diễn văn hoặc các huấn từ khác của Đức Thánh Cha Beneđictô XVI. Trong Thông Điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu” Đức Thánh Cha đã nói tới tình yêu như là chân lý được nhìn ngắm (s. 12); Ngài cũng đã nói tới vẻ đẹp trinh nguyên của Đức Mẹ Maria (s. 42). Trong một chỗ khác Đức Thánh Cha nói như sau: “Tùy theo hoàn cảnh, con người có thể nhận ra vẻ đẹp của các sự vật hoặc chỉ nhận ra tính cách hữu ích của chúng thôi” (Joseph Ratzinger, Il Cammino pasquale, edizione Ancora, Rôma 2006, tr. 114).

Ngay từ đầu Tông Huấn, Đức Thánh Cha đã nói tới ở số 2 về “của ăn chân lý” rồi ở số 90: “Của ăn chân lý và sự thiếu thốn của con người” (x. Thư Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI gửi cho Tuần báo “Gia đình Kitô” (Famiglia Cristiana) để giải thích một vài điểm của Thông Điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu” và giúp đọc Thông Điệp này cách dễ dàng. Khi Linh mục Giáo sư thần học Joseph Ratzinger được chọn làm Tổng giám mục Munich (Đức Quốc), Ngài đã chọn cho mình khẩu hiệu “Cộng tác viên của chân lý” (Thư thứ ba của thánh Gioan, câu 8: Ut cooperatores simus veritatis). Ngài đã nói lý do tại sao Ngài chọn khẩu hiệu này: vì Kitô giáo phải nói cho thế giới về Thiên Chúa, về thế giới và về chính mình, mà phải nói sự thật. Nhưng ngày nay người ta không còn nghe được sự thật. Vì thế với tất cả sự khiêm nhường, mỗi người hãy tự nhận lấy sự tự phụ hão huyền nắm chắc được  chân lý, và phải tự đặt mình như là “người cộng tác của chân lý”. Điều này áp dụng cho tín hữu, linh mục, giám mục và bây giờ cả trong vai trò Giáo hoàng (x. Joseph Ratzinger, Dio e il Mondo. Essere cristiani nel nuovo millennio. In colloquio con Peter Seewald, Edizione San Paolo, bản dịch tiếng Ý 2001, tr. 237-238). Trong bài diễn văn đọc trước Ủy ban thần học quốc tế họp ngày 01-12-2005, Đức Thánh Cha cũng đã nhấn mạnh về “chân lý”: “Thần học chỉ có thể phát sinh ra nếu biết vâng theo sự thúc đẩy của chân lý và của tình yêu là muốn biết người mình yêu thương, trong trường hợp này là chính Thiên Chúa, mà chúng ta nhận biết lòng tốt của Ngài trong hành động đức tin”.  Tôn trọng công lý; dấn thân cho chân lý tạo nền tảng và sức mạnh cho quyền lợi có tự do; dấn thân cho chân lý mở đường cho tha thứ và hòa giải.

Ngài trình bày Thánh Thể là của ăn chân lý (s. 2. 11. 90); Ngài nói về chân lý của tình yêu (s. 2); chân lý của Tin Mừng (s. 2); Thánh Thần của chân lý (s. 12); tình yêu đối với chân lý (s. 29).

Còn vẻ đẹp : Đức Thánh Cha nói về vẻ đẹp trong phụng vụ, về việc làm cho tốt đẹp hơn vẻ đẹp của buổi cử hành phụng vụ (s. 4); vẻ đẹp của phụng vụ (x. số 35); vẻ đẹp nội tại của phụng vụ (s. 36); nói về vẻ đẹp và sự hài hòa của phụng vụ trong việc tuân theo thứ tự các phận vụ của buổi cử hành (s. 53); nói về sự sáng ngời và vẻ đẹp chiếu giãi ra từ nghi thức phụng vụ, và đó là dấu chỉ của vẻ đẹp vô tận mầu nhiệm thánh của Thiên Chúa (s. 97). Đức Thánh Cha cũng muốn rằng vẻ đẹp của phụng vụ trên trời cũng phải chiếu giãi trong cộng đoàn của chúng ta và vẻ đẹp phụng vụ phải được nhận ra như một tấm gương phản chiếu trung thành phụng vụ trên trời này. vẻ đẹp có một mối dây liên hệ sâu xa với phụng vụ, vì thế cần làm cho người ta nhận ra vẻ đẹp trong tất cả những gì liên hệ tới Thánh Thể (s. 41); Ngài đã xin Mẹ Maria, là Đấng tuyệt mỹ và toàn mỹ (Tota pulchra) giúp chúng ta cử hành phụng vụ để việc cử hành trở nên điều làm đẹp lòng Thiên Chúa (s. 96). Từ cái nhìn về vẻ đẹp của phụng vụ, Đức Thánh Cha đã nói tới thái độ của chúng ta trước vẻ đẹp của phụng vụ là “sự ngỡ ngàng” trước mầu nhiệm Thánh Thể (s. 1. 6. 97 [2 lần]). Tông Huấn cũng bày tỏ thái độ này qua những thuật ngữ như : bí tích lạ lùng (s. 1. 3); bí tích cao cả lớn lao nhất (s. 1); là một sự lạ lùng (s. 1); phải chiêm ngắm thán phục (s. 14). Nơi khác Ngài cũng so sánh vẻ đẹp và điều hữu ích nơi sự vật, và nhiều khi con người chỉ nhìn ra điều hữu ích mà không thấy được vẻ đẹp (x. Joseph Ratzinger, Il Cammino pasquale, bản dịch tiếng Ý, Anrora, Roma 2006, tr. 114). Trong mấy lời cám ơn các nghệ sĩ và những người khác trong buổi hòa nhạc để mừng Thượng thọ bát tuần của Ngài vào ngày 16-04-2007 vừa qua Ngài đã nói tới vẻ đẹp của âm nhạc. Ngài nói: “Tôi xác tín rằng âm nhạc... quả thực là ngôn ngữ phổ quát của vẻ đẹp, có khả năng nối kết con người thiện chí trên khắp mặt đất lại với nhau và đem họ hướng cái nhìn lên Đấng Tối Cao và mở rộng mình ra cho Sự Thiện và Vẻ Đẹp tuyệt đối, có nguồn gốc nguyên thủy trong chính Thiên Chúa” (L’Osservatore Romano, 17-18, tr. 14; ghi đậm là của tôi).

Kết luận

Đó là mấy điểm giúp chúng ta đọc và hiểu biết dễ dàng hơn khi đọc Tông Huấn Bí Tích Tình yêu của Đức Thánh Cha Beneđicto XVI. Sau phần nhập đề tổng quát này chúng ta sẽ lần lượt nói sơ qua về nội dung của Tông Huấn. Tôi sẽ bàn tới một số điểm và để mỗi người tự đọc và nhận ra giáo huấn của Đức Thánh Cha Beneđictô XVI và của các giám mục trong Thượng Hội Đồng Giám mục Thế giới kỳ XI.

 

 

IV

 

THÁNH THỂ VÀ CHÚA BA NGÔI

 

Đọc Tông Huấn “Bí Tích Tình Yêu”, chúng ta nhận thấy lối trình bày nội dung thần học giống với một số văn kiện của Công Đồng chung Vaticanô II, đó là trình bày bắt nguồn từ Chúa Ba Ngôi.

          Hiến chế về phụng vụ số 5 và 6 đã trình bày Chúa Cha là căn nguyên của chương trình cứu rỗi loài người. Kế đồ này được Chúa Con thực hiện trong hy tế thánh giá và hy tế trên bàn thờ. Chúa Thánh Thần trợ giúp Chúa Kitô và ngày nay còn làm cho những sự kiện cứu rỗi được tái diễn lại dưới các dấu hiệu bí tích. Hiến chế về Giáo hội “Ánh sáng muôn dân” đã trình bày cách rõ rệt công việc cứu rỗi nhân loại và thiết lập Giáo Hội trong tương quan với Chúa Ba Ngôi. Số 2 của Hiến chế nói về kế đồ cứu rỗi phổ quát của Chúa Cha. Số 3 nói về sứ mạng và công cuộc của Chúa Con và sau cùng số 4 nói về sự thánh hóa Giáo hội do Chúa Thánh Thần. Sắc lệnh về việc truyền giáo của Giáo Hội cũng theo một lược đồ này. Số 2 nói về ý định cứu rỗi của Chúa Cha. Số 3 nói về sứ mệnh của Chúa Con và sau cùng số 4 nói về sứ mệnh của Chúa Thánh Thần. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã trình bày riêng rẽ giáo lý về từng Ngôi Thiên Chúa trong ba thông điệp đầu tiên của Ngài: “Thiên Chúa là Đấng giầu lòng từ bi” (30-11-1980), “Đấng cứu chuộc con người” (4-03-1979) và “Đấng ban sự sống và thánh hóa” (18-05-1986).

          Trong phương cách trình bày thần học như trên đây, Tông Huấn “Bí Tích Tình Yêu” cũng đã trình bày mối liên hệ giữa Ba Ngôi Thiên Chúa với Bí tích Thánh Thể, trong các số 8-13.

 

1. Chúa Cha và Thánh Thể

         

Trước tiên Tông Huấn nói về mối liên hệ giữa Chúa Cha và Bí tích Thánh Thể. Bí tích này là ơn huệ nhưng không Chúa Cha ban cho Giáo Hội. Điều này được thể hiện và nhận ra trong tiến trình của toàn thể kế đồ yêu thương, qua đó, Thiên Cbúa muốn cứu rỗi nhân loại. Chính trong Bí tích Thánh Thể Giáo hội nhận ra Chúa Ba Ngôi dấn thân hoàn toàn cho con người trong thân phận đích thực của con người. Và thân phận đích thực này là gì? Là thân phận con người bị tội lỗi phá hủy hoàn toàn, nếu không có sự can thiệp của Thiên Chúa, thì con người không thể trở lại tình trạng vẹn tuyền của thuở ban đầu, không thể có được sự sống của Thiên Chúa. Vì thế sự can thiệp này là một hồng ân nhưng không, nghĩa là hoàn toàn do lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa, mà không phải do công trạng của con người. Khi chúng ta cử hành Thánh Thể với hình bánh và hình rượu, chúng ta nhận ra ơn sự sống siêu nhiên của Thiên Chúa ban cho chúng ta qua các dấu hiệu hữu hình này. Khi được tạo dựng, cách nào đó con người đã được mời gọi vào sự hiệp thông với sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa, nhưng ngày nay với sự chết và sống lại của Chúa Kitô và ơn của Chúa Thánh Thần chúng ta lãnh nhận được sự sống này một cách trọn vẹn. Chính Chúa Thánh Thần đã thúc đẩy Chúa Kitô tự hiến mình nên hy tế dâng lên Chúa Cha, và từ hy tế này Chúa Cha ban cho chúng ta sự sống của Ngài. Như vậy Thánh Thể là bí tích yêu thương, chúng ta tin, cử hành và thờ lạy ơn huệ cao quý này. Chúng ta cũng được mời gọi để tham dự vào việc cử hành bí tích tình yêu này, như là một cách thế đáp trả tình yêu tuyệt đối nhưng không của Chúa Cha ban cho chúng ta và để lãnh nhận sự sống dồi dào từ Thánh Thể. Vì thế việc tham dự Thánh Thể trong các ngày Chúa Nhật không phải là do luật Giáo hội buộc, nhưng là một hành động của một tín hữu trưởng thành, hiểu biết và sống chiêm niệm sâu xa, vì như lời Thánh Augustinô nói: “Ai thấy tình yêu là thấy Chúa Ba Ngôi”.

Tóm lại: mối liên hệ giữa Chúa Cha và Thánh Thể được diễn tả như sau trong Tông Huấn “Bí Tích Tình Yêu”:

Chúa Cha yêu thương chúng ta và muốn cứu rỗi chúng ta.

Trong Thánh Thể, qua dấu hiệu bí tích bánh và rượu, chúng ta nhận được diễn tả trọn vẹn ơn huệ nhưng không Thiên Chúa yêu thương chúng ta.

Thánh Thể ban cho chúng ta sự sống trọn vẹn của Thiên Chúa mà chúng ta đã nhận được cách nào đó qua việc tạo dựng và qua các bí tích khác.

Giáo hội lãnh nhận ơn bí tích Thánh Thể từ tình yêu vô biên và nhưng không của Chúa Cha. Ơn huệ lớn lao hơn mọi ơn huệ khác.

Giáo hội cử hành, thờ lạy ơn huệ Thánh Thể với lòng biết ơn và chúc tụng Thiên Chúa.

Tín hữu đi lễ Chúa Nhật là do ý thức sâu xa về ơn huệ thánh thể cao cả này, thay vì nhìn đó là một sự bắt buộc.

2. Chúa Kitô và Thánh Thể

Trong phần này Tông Huấn đã nói tới mấy điểm sau đây về liên hệ giữa Chúa Kitô và Thánh Thể, hay nói cách khác, Thánh Thể là chính hành động của Chúa Kitô, thực hiện theo ý Chúa Cha, theo kế đồ cứu rỗi của Chúa Cha [3][1].

 

a) Thánh Thể kết thúc giao ước cũ và thiết lập giao ước mới và đời đời trong Máu Chúa Kitô. Giao ước này là cuộc gặp gỡ giữa sự tự do hoàn toàn của Thiên Chúa và sự tự do của con người.

Ở đây người ta nhận ra sự “trái ngược và mâu thuẫn” của chính Thiên Chúa vì đã thể hiện tình yêu của mình cách tột bậc nơi Chúa Kitô chịu chết và bây giờ được tưởng nhớ lại trong bí tích tình yêu này. Nhờ giao ước thánh thể mọi tội lỗi của trần gian được tẩy xóa.

Tất cả các việc này đã được gói gém trong hình ảnh con chiên bị hiến tế: hình ảnh này nhắc lại hy lễ thời xưa và ngày nay bị thay thế bằng hy tế của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể. Hình ảnh Chúa Giêsu như con chiên bị sát tế không chỉ nói tới hy tế của Chúa Kitô nhưng còn cho thấy sự việc chính Chúa Kitô đã tự hiến mình bị sát tế và hy tế của Ngài vì thế đem lại một sự mới mẻ tận căn cho việc hiến tế của nhân loại và cho mọi thực tại khác. Như thế Thánh Thể, hy tế của Chúa Kitô quả thực có giá trị vô cùng.

 

b) Việc Chúa Kitô lập phép Thánh Thể trong bữa tối tiệc ly ngày xưa.

 

Đức Thánh Cha đã suy diễn từ ý nghĩa của bữa tiệc vượt qua ngày xưa của Dân Do Thái. Bữa tiệc này liên hệ tới việc Thiên Chúa cứu Dân Do Thái khỏi ách nô lệ Ai Cập và được đưa về Đất Hứa như một dân hoàn toàn được tự do. Nhưng trong thực tế việc giải thoát này không hoàn tất, vì Dân còn vướng mắc bao cảnh nô lệ khác. Vì thế họ còn mong chờ một sự giải thoát sẽ do một Đấng Messia đưa tới. Vậy bữa tối trong nhà Tiệc ly là chính bữa tiệc giải thoát hoàn toàn Dân Do Thái và toàn thể nhân loại khỏi cảnh tội lỗi và sự dữ. Thánh Thể chứa đựng sức mạnh từ sự chết và sống lại của Chúa Kitô và đem lại sức mạnh giải thoát. Mọi thực tại sẽ không còn rên xiết chờ ngày được giải thoát, nhưng ngày giải thoát đã tới. Mỗi lần tín hữu tham dự Thánh lễ, họ tham dự vào công cuộc giải thoát cứu rỗi của Chúa Kitô, cho chính họ và cho mọi người trong mọi hoàn cảnh cuộc đời của họ.

c) Trong Thánh Thể có một sự biến đổi căn gốc và sâu xa hơn, đó là sự biến đổi từ bánh nên Mình Thánh Chúa Kitô và từ rượu nên Máu Thánh Chúa Kitô (Tông Huấn đã dùng thuật ngữ “conversion substantielle”, “changement radical”, “transsubstantiation”). Đây là một sự biến đổi tận căn, mà các giáo phụ gọi là “hình bóng chuyển sang sự thật” (Figura transit in veritatem). Từ sự biến đổi nguyên thủy, và theo mệnh lệnh của Chúa, Giáo Hội được sinh ra từ hy tế của Chúa, sẽ đón nhận hồng ân này, phát triển dưới dự trợ giúp của Chúa Thánh Thần một hình thức phụng vụ để cử hành Thánh Thể trong suốt thời gian trần thế của Giáo Hội cho đến khi Chúa lại đến. Và mỗi lần cử hành phụng vụ Thánh Thể người ta đi vào chính hành động của Chúa Giêsu, mà không phải là nhớ lại hay lặp lại theo thói quen việc cử hành này. Và từ sự biến đổi tận căn này, Giáo Hội cũng làm cho mình thực sự biến đổi như tấm bánh và chén rượu để mỗi ngày mang hình thức thánh thể hoàn toàn hơn. Các tín hữu cũng thể hiện cuộc biến đổi thực sự trong cuộc đời kitô hữu của họ và trong môi trường họ sống. Điều này Đức Thánh Cha sẽ nói tới và cụ thể hơn về sau.

3. Chúa Thánh Thần và Thánh Thể

Sau cùng là liên hệ giữa Thánh Thể và Chúa Thánh Thần. Sự thực theo như sự trình bày trên đây, hoạt động của Ba Ngôi Thiên Chúa được nhận ra trong mỗi sự việc, mỗi giai đoạn của Thánh Thể. Nhưng Tông Huấn đã muốn nói riêng về mối liên hệ giữa Thánh Thể và Chúa Thánh Thần. Tông Huấn nhắc lại Chúa Thánh Thần làm cho tín hữu hiểu biết và đi sâu vào mầu nhiệm Thánh Thể, đồng thời Chúa Thánh Thần cũng giúp Giáo Hội để qua các thời đại, nhất là trong giai đoạn đầu, Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn Giáo hội thành lập những cách thức cử hành Thánh Thể, mỗi khi Tin mừng được loan truyền tới các nền văn hóa khác nhau. Điều này làm sao có thể được? Đức Thánh Cha đã gợi lại vai trò của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời Chúa Giêsu, từ khi nhập thể, thụ thai trong lòng Đức Mẹ Maria,  trong thời rao giảng, trong cuộc thương khó. Và chính Chúa Kitô đã hứa ban Thánh Thần cho Giáo Hội như trong bài diễn văn từ biệt  trong bữa tiệc ly. Ngày lễ Hiện xuống, Thánh Thần đã được ban xuống trên các thánh Tông đồ để các Ngài sẽ ra đi rao giảng Tin mừng và hoạt động trong ý thức Chúa Kitô luôn hiện diện giữa Giáo Hội. Niềm tin này khởi phát từ Thánh Thể. Nếu nhìn trong chính buổi cử hành phụng vụ Thánh Thể, các Giáo phụ đã nói là Giáo Hội khẩn cầu Chúa Thánh Thần xuống trên các lễ vật được dâng tiến lên, vì điều gì Chúa Thánh Thần đụng tới, thì sẽ được thánh hiến. Vì thế trong Kinh nguyện thánh thể chúng ta có hai lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần trước và sau khi truyền phép (epiclesis): với lời cầu khẩn trước truyền phép Giáo Hội cầu xin để Chúa Thánh Thần thánh hiến bánh và rượu làm cho trở nên Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Còn Lời cầu khẩn sau truyền phép, Giáo Hội cầu xin để những người lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa Kitô sẽ hợp nhất với nhau nên một thân thể.

Như vậy Tông Huấn “Bí Tích Tình Yêu” đã đem chúng ta vào trong nơi thẳm sâu của Chúa Ba Ngôi và ở đó chúng ta tìm ra Thánh Thể, vì ở đó chúng ta tìm ra tình yêu. Như vậy ai tìm ra tình yêu là thấy Chúa Ba Ngôi và ai thấy Chúa Ba Ngôi là được đón nhận ơn huệ cao cả là Thánh Thể.

 

 


[2] Xem Joseph Ratzinger – Benedetto XVI, Giovanni Paolo II, il mio amato predecessore, Edizione Paoline, Roma, 2007, tr. 27-28: trong phần này Đức Beneđictô XVI đã nhận định về các thông điệp đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, mang tính cách suy tư cá nhân nhiều hơn và rõ nét hơn.

 

[3] Trong Thông Điệp về Chúa Thánh Thần “Dominum et Vivificantem”, (18-5-1986), số 62, của Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II, Thánh Thể được coi như là cách diễn tả đầy đủ nhất của việc Chúa Kitô trở lại và sống giữa Dân của Ngài.

 

 

ĐÔ. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả

 

Mục Lục