BÀI 4

 

VII

 

THANH THỂ VÀ ĐỨC TRINH NỮ MARIA (s. 33).

 

Đời sống người tín hữu được đưa vào sự hiệp thông với Chúa Ba Ngôi và được trợ giúp bởi Thánh Thể và các Bí tích khác, cũng như qua Thánh Thể họ được khơi dậy trong tâm hồn niềm hy vọng cánh chung. Ở  đây Tông Huấn đã nói về Mẹ Maria, như là Người Nữ Thánh Thể (Thông điệp cuối cùng của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Giáo Hội từ Thánh Thể, s. 53, ngày 17-04-2004) và như là xác tín cho chúng ta về việc thực hiện trọn vẹn niềm hy vọng cánh chung khi chúng ta còn đang sống trên cuộc lữ hành trần gian (s. 33). Mẹ Maria đã hưởng vinh quang trọn vẹn của Thiên Chúa vì Chúa đã ban cho Mẹ về trời cả hồn lẫn xác.

Khi còn sống ở trần gian, Mẹ đã hoàn toàn mở rộng cõi lòng và cuộc sống cho sự xếp đặt và định liệu của Thiên Chúa và sẵn sàng vâng theo thánh ý Chúa với tiếng “fiat”: từ ngày truyền tin về việc Con Thiên Chúa nhập thể cho tới ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Trong cuộc sống trần thế nơi Mẹ chúng ta nhận ra các điểm sau đây:

Thái độ dễ bảo một cách không điều kiện

Một đức tin vâng lời trước hành động của Thiên Chúa trong cuộc sống, trong lịch sử Dân chọn và trong sự xoay vần của vũ trụ

Mẹ là nguời nữ luôn lắng nghe tiếng Chúa

Mẹ sống hoàn toàn trong sự hoà hợp với thánh ý Thiên Chúa

Mẹ cất giữ cẩn thận các lời của Chúa và xếp đặt cách tài tình trong cuộc đời của Mẹ như một bức tranh bằng kính mầu (mosaique)

Nhưng Mẹ không chỉ cất giữ mà còn tìm cách suy niệm đào sâu các lời này

Mẹ là “Người Tin” vĩ đại với tâm tình tín thác hoàn toàn trong bàn tay Thiên Chúa, đặt tất cả cuộc đời mình theo thánh ý Chúa.

Đó là những nét vẻ mỹ miều của cuộc sống lữ hành của Mẹ và khi thời giờ đã điểm Mẹ đón nhận Con Thiên Chúa nhập thể một cách bình thản vui tươi vì biết đó là Thánh Ý Chúa và Mẹ được mời gọi để tham dự vào chương trình cứu rỗi này. Và cho tới khi Mẹ thinh lặng đứng dưới chân Thánh Giá, Mẹ vẫn bày tỏ một tâm tình siêu nhiên này. Tại đồi Calvariô Mẹ kết hợp hoàn toàn với hy tế của Chúa Kitô, cả khi Mẹ ôm Chúa Kitô chết vì yêu thương chúng ta trong vòng tay của Mẹ. Công đồng chung Vaticanô II đã nói: “Đức Trinh Nữ cũng đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên thâp giá, và Ngài đã đứng ở đó theo ý Chúa muốn (Ga 19, 25). Đức Maria đã đau đớn chịu khổ cực với Con một của mình và dự phần vào hy lễ của Con với tấm lòng của một người Mẹ hết tình ưng thuận hiến tế hy lễ do lòng mình sinh ra. Cuối cùng chính Chúa Giêsu Kitô khi hấp hối trên thập giá đã trối Ngài làm Mẹ của môn đệ qua lời này: ‘Thưa bà, này là con bà’ (Hiến chế tín lý Ánh sáng muôn dân, s. 58).

Đàng khác khi Mẹ Maria bằng lòng làm Mẹ của Ngôi Lời Nhập thể, Mẹ đã cho Chúa Kitô một thân xác có thịt và máu từ thịt và máu của Mẹ. Chúa Kitô đã đón nhận thịt máu này trong tâm tình hoàn toàn yêu mến Chúa Cha. “Cha đã ban cho con một thân xác, vậy này con xin đến để làm theo ý Cha” (Dt 10, 7). Từ đó thì thịt máu này đã là thịt máu thánh thể vì sẽ được hiến tế trở nên thịt máu Thánh Thể trong nhà tiệc ly và sẽ được hiến tế trên thập giá. Ngày nay Thịt Máu này là thịt máu Thánh Thể trong các Thánh lễ được cử hành trên các bàn thờ.

Nói tới liên hệ giữa Thánh Thể và Mẹ Maria, tôi xin trích dẫn một đoạn văn trong Thông điệp Mẹ Đấng Cứu Chuộc (số 44) (25.3.1987) của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II như sau “Lòng đạo đức của Kitô giáo thật có lý khi luôn nhận thấy mối giây liên kết sâu xa giữa lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria và việc tôn thờ Thánh Thể: đó là một sự việc được thấy trong nghi thức phụng vụ cả Tây và Đông phương, trong truyền thống các gia đình đạo đức, trong tinh thần tu đức của các phong trào hiện đại, gồm cả giới trẻ, và trong thực hành mục vụ tại các Đền thánh Đức Mẹ: Mẹ Maria dẫn đưa tín hữu đến cùng Thánh Thể”.

Ngày nay mỗi lần tham dự Thánh Lễ chúng ta hướng về Mẹ Đấng đã hiệp thông để dâng hy tế cứu cuộc của Chúa Kitô lên Chúa Cha. Mẹ dạy chúng ta cách biết sống để chuẩn bị cho mình một tâm tình xứng đáng hiệp thông với hy tế này và sẵn sàng dâng hy tế này với Chúa Kitô và với Giáo hội, để rồi từ đó hy tế của Chúa sẽ là hy tế của chúng ta không phải chỉ trong phụng vụ mà trong suốt cuộc sống chúng ta (s. 33).

 

VIII

 

LUẬT CẦU NGUYỆN VÀ LUẬT ĐỨC TIN

(s. 34)

 

Sau khi đã trình bày phần về Thánh Thể là mầu nhiệm đức tin, bây giờ Tông Huấn bước sang phần thứ II: Thánh Thể là mầu nhiệm được Giáo Hội cử hành. Một câu châm ngôn thời danh về vấn đề này đó là “Luật tin là luật cử hành”, hoặc ”luật cử hành dựa theo luật tin” (s. 34). Điều này có nghĩa là điều Giáo Hội tin thì Giáo Hội cử hành, và việc cử hành này diễn tả mầu nhiệm đức tin, cũng như đòi hỏi những điều cần thiết để có thể cử hành xứng đáng với nội dung cử hành là một mầu nhiệm. Điều này liên hệ tới  hành động phụng vụ của Giáo Hội; suy tư thần học về Thánh Thể (intellectus fidei, hoặc  fides quaerit intellectum) không thể tách rời khỏi hành động phụng vụ và việc cử hành các bí tích do Chúa Kitô đã thiết lập và trở nên nội dung cho việc suy tư thần học và cử hành phụng vụ (s. 34).

Để được như thế, Tông Huấn đã nhấn mạnh mấy điểm quan trọng sau đây, trước khi đi vào việc bàn về mấy điểm cụ thể khi cử hành Thánh Thể.

1) Vẻ đẹp của phụng vụ (s. 35)

Thế nào là vẻ đẹp của phụng vụ? (x. THTY, s. 4. 35. 36. 96. 97, x. Bài III).  Một nguyên tắc được nêu lên đó là: phụng vụ cũng như tất cả mặc khải Kitô giáo đều liên hệ nội tại với vẻ đẹp. Đây phải nói là một nét vẻ riêng khác đặc biệt của Đức Giáo Hoàng Beneđicto XVI như chúng ta đã nói tới trong bài III ở trước đây. Ngài đã cho chúng ta một vài cái nhìn thật độc đáo về liên hệ giữa vẻ đẹp và mặc khải Kitô giáo và tất cả các chân lý mặc khải, đó là “veritatis splendor” (s. 35: hào quang chân lý). Trong số 34 này, chúng ta không thấy có trích dẫn nào từ các Đề nghị từ Thượng Hội đồng giám mục thế giới kỳ XI[4]

Khi nói vẻ đẹp của chân lý hay của phụng vụ, chúng ta có thể đoán được lý do vì sao Đức Giáo Hoàng Beneđicto XVI đã nói tới nhiều về vẻ đẹp. Lý do phải là yếu tố nội tại và căn bản của thụ tạo, của mặc khải. Vẻ đẹp này có nguồn gốc từ Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là SỰ MỸ tuyệt đối. Đàng khác khi trình bày các chân lý và sự vật dưới khía cạnh vẻ đẹp, sẽ hấp dẫn con người hơn, sẽ gợi ra nơi họ thái độ “ngạc nhiên, thán phục, quý mến, ngưỡng mộ, hấp dẫn đón nhận, tin yêu và dần đưa tới xác tín, chấp nhận” (xin coi bài 3 ở trên).

Tông Huấn đã nói tới ý nghĩa của vẻ đẹp này: đó không phải là những yếu tố nằm trong khía cạnh nghệ thuật, hay thẩm mỹ mà là một cách thái (modalité) tình yêu Thiên Chúa được tỏ bày ra cho chúng ta qua Chúa Kitô, làm cho chúng như bị ngỡ ngàng và lôi cuốn để nhận ra tiếng gọi của tình yêu này và hết sức đáp trả (s. 35).

Rồi Tông Huấn trình bày vể đẹp này trong các thực tại khác nhau, từ công cuộc tạo dựng trong đó Thiên Chúa làm cho chúng ta nhận ra Ngài qua vẻ đẹp và sự hài hòa của cosmos (vũ trụ) (s. 35). Chúng ta hãy đọc lại lời cầu nguyện thật hay của tác giả thánh vịnh 8: lạ lùng thay danh Chúa khăp hoàn cầu.

Trong Cựu Ước vẻ đẹp của Thiên Chúa cũng được tỏ hiện ra qua bao nhiêu điều kỳ lạ Chúa thực hiện trong Dân và cho Dân. Trong các dấu lạ này, chúng ta nhận ra quyền năng và sự sáng ngời của Thiên Chúa.

Nhưng việc tỏ bày vẻ đẹp cách hoàn hảo nhất là nơi Con Thiên Chúa làm người, như kể lại trong Tân Ước. Đức Kitô là vị tỏ bày trọn vẹn vinh quang của Thiên Chúa. Chúa Kitô là con cái loài người thật đẹp xinh, mà không con cái nào khác trổi vượt hơn. Trong sự tôn vinh này vinh quang của Chúa Cha được sáng ngời và Ngài thông truyền chính mình cho nhân loại. Vẻ đẹp thiên linh này không phải chỉ là sự hoà hợp giữa các hình thể như trong khoa mỹ thuật và kiến trúc. Nhưng đó là vẻ đẹp đích thực của tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu là vẻ đẹp nội tại của Thiên Chúa. Tuy nhiên nơi Chúa Kitô lại có một điều đối nghịch khác thường, Ngài thật tuyệt mỹ, nhưng lại “không còn hình dạng người ta nữa để có sức gì hấp dẫn được con người” (x. Is 53, 2). Điều gì đã làm lu mờ vẻ đẹp tuyệt thế này? Đó là bóng tối của sự dữ, tội lỗi và của sự chết (s. 35). Nhưng với tình yêu đích thực Chúa Kitô đã biến đổi cảnh tối tăm xấu xa này thành vinh quang, thành vẻ đẹp siêu nhiên đến từ Thiên Chúa.

Từ những suy tuy trên đây về giá trị thần học của vẻ đẹp, Tông huấn đã nói tới vẻ đẹp của phụng vụ (s. 35). Phụng vụ làm nên thành phần của vẻ đẹp này thiên linh này, vì phụng vụ diễn tả vinh quang của Thiên Chúa và vì phụng vụ là hành động đến từ Thiên Chúa. Trong phụng vụ chứa đựng những nét duyên dáng yêu kiều siêu nhiên của Chúa Kitô mà khi Phêrô, Giacôbê và Gioan chiêm ngắm đã ngỡ ngàng và té người xuống đất. Vì thế vẻ đẹp không là yêu tố trang hoàng bên ngoài, nhưng là chính yếu tố nội tại của phụng vụ. Do đó khi cử hành phụng vụ, chúng ta cần lưu ý tới điều chính yếu này và cử hành phụng vụ trong thái độ và tâm tình tôn kính, chiêm ngưỡng và ngạc nhiên vẻ đẹp cao cả đến từ Thiên Chúa, làm sao để hành động phụng vụ rạng sáng vẻ đẹp này trước mắt cộng đoàn tín hữu tham dự.

2) Cử hành Thánh thể là hành động của Chúa Kitô toàn thể, Đầu và thân mình (s. 37)

Đây là lưu tâm thứ hai trước khi đi vào việc trình bày việc cử hành Thánh Thể cách cụ thể. Nguyên tắc này đã được Đức Giáo Hoàng Piô XII nhắc tới trong thông điệp Nhiệm thể (Corporis mystici) và thông điệp Đấng trung gian (Mediator Dei) vào thập niên 40. Khi cử hành phụng vụ là Giáo Hội đem vẻ đẹp của Chúa Kitô, của tình yêu Thiên Chúa vào trong hành động thánh của phụng vụ. Và trong hành động này Chúa Kitô làm cho chúng ta cũng được tham dự vào tính năng động thánh của đức tin riêng biệt của Thánh Thể. Chúa Thánh Thể sát nhập chúng ta vào với Ngài, làm chúng ta nên một với Ngài, như lời Thánh Augustino nói: “Nếu anh em đón nhận Mình và máu của Chúa Kitô vào trong anh em, thì anh em cũng nên Thịt và Máu của Ngài”. Đó là lý do tại sao khi cử hành Thánh Lễ chúng ta cùng cử hành với Chúa Kitô: Ngài là đầu và chúng ta là thân mình của Ngài (s. 37). Và như vậy hành động phụng vụ là hành động của Chúa Kitô, của Thiên Chúa (actio Dei) (s. 38).

3) Thánh Thể và Chúa Kitô phục sinh (s. 38)

Một điểm nữa Tông Huấn cũng nhắc nhở chúng ta để như ghi tạc vào tâm trí và làm cho nó trở thành một tâm thức siêu nhiên, đó là ý thức về buổi cử hành Thánh Thể là làm lại việc Chúa Kitô phục sinh đã làm trong cộng đoàn tín hữu đầu tiên. Thánh Thể và Chúa Kitô phục sinh đi liền với nhau. Công đoàn tín hữu đầu tiên xác tín sự hiện diện của Chúa Kitô phục sinh và được tăng cường bởi sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Điều này được nhận ra mỗi lần hội họp nhau lại để cử hành việc “bẻ bánh” (fractio panis: tên mà tín hữu đầu tiên gọi Thánh Thể) trong Ngày của Chúa, họ nhắc lại cử chỉ Chúa Kitô đã làm trước mặt các thánh Tông đồ và làm cho các ông nhận ra Ngài; họ nhắc lại ơn huệ Thiên Chúa ban cho họ qua ơn tạo dựng và biến cố Chúa Kitô sống lại đã giải thoát họ làm cho họ được tự do hoàn toàn. Vì thế Ngày Chúa Nhật được coi là “một ngày tạo dựng mới” và “một ngày giải phóng mới” trong đó Giáo Hội tưởng nhớ Chúa Kitô đã chết và sống lại (s. 37).

Với các điểm quan trọng vừa được Tông Huấn “Bí Tích Tình Yêu” nhắc nhở: vẻ đẹp thiên linh của phụng vụ; tất cả Nhiệm thể Chúa Kitô, gồm có đầu và thân mình, cử hành Thánh Thể trong sự tôn trọng vẻ đẹp siêu nhiên này, vì đó là hành động của Thiên Chúa; và sau cùng là niềm tưởng nhớ và suy tôn Chúa Kitô phục sinh trong Ngày Chúa Nhật khi Giáo Hội cử hành Thánh Thể, việc trung thành tuân giữ các yếu tố, các chỉ dẫn phụng vụ Thánh Thể sẽ có một nền tảng thần học và giúp các thừa tác viên cũng như cộng đoàn thi hành nghiêm chỉnh và xứng đáng tôn nghiêm. Từ đây Tông Huấn sẽ nói tới một số phần của Thánh Lễ một cách cụ thể hơn.

  


[4] Xin mở ngoặt: “Hào quang chân lý” (06-08-1993) là một thông điệp của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, mà Đức Beneđicto XVI đã cho là khá thành công về cách trình bày một chủ đề khá khô khan và không hấp dẫn cho đại chúng.

 

Đ.Ô. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả

 

Mục Lục