BÀI 8

 

XV

 

HÌNH THỨC THÁNH THỂ

CỦA ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU (s. 70-71)

 

Tông Huấn “Bí Tích Tình Yêu” đề cập tới Thánh Thể là mầu nhiệm đức tin, Thánh Thể là mầu nhiệm được cử hành và sau cùng Thánh Thể là mầu nhiệm để sống. Giáo Hội đón nhận hồng ân Thánh Thể, thờ lạy Thánh Thể, loan truyền Thánh Thể, và sống nhờ Thánh Thể (s. 8.14). Vậy việc sống mầu nhiệm Thánh Thể được Tông Huấn nói thế nào?

1. Nền tảng thần học (s. 70).

Cũng như trong các phần khác, trước khi đưa ra những hướng dẫn, những lời nhắn nhủ mục vụ hoặc các điều phải làm, Tông Huấn đã trình bày lý do thần học hay phụng vụ làm căn bản cho những điều này.

Tông Huấn đã dựa vào lời của Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu tại Rôma như sau: “Anh em thân mến, tôi khuyên nhủ anh em, do sự dịu hiền của Thiên Chúa, anh em hãy dâng hiến thân xác anh em thành hy tế thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa: đó là việc phụng tự thiêng liêng mà anh em phải thực hiện” ((Rm 12,1) (s. 70). Trong lời khuyên này Thánh Tông Đồ Dân ngoại đã nói tới một việc quan trọng, đó là hiệp nhất đức tin và đời sống, và làm cho đời sống trở thành hy tế dâng lên Thiên Chúa và đẹp lòng Thiên Chúa.

Nhưng hy tế này không phải tự con người tín hữu mà có, nhưng là phát sinh từ việc cử hành Thánh Thể (s. 70). Vì Thánh Thể là nguồn suối và tột đỉnh của sự hiện hữu của người Kitô hữu (s. 70). Trong Thánh Thể, người Kitô hữu nhận ra điều Chúa Kitô đã nói: “Ai ăn bánh này, sẽ được sống đời đời”(s. 70). Đây là ơn huệ của sự sống Chúa Kitô ban cho tín hữu. Bánh sự sống đây  là chính Chúa Kitô trong Thánh Thể. Từ đây, người tín hữu có một sức sống mới và có một cách thế mới để sống theo như của ăn Thánh Thể đã thông truyền cho họ. Vì thế Tông Huấn đã nói tới việc sống mầu nhiệm Thánh Thể,  như một “hình thức Thánh Thể của đời sống người Kitô hữu” (une forme eucharistique de la vie chrétienne, s. 70). Tông Huấn sẽ khai triển điều này trong phần thứ ba của bản văn dưới nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng lại rất thiết thực và gắn liền với đời sống hằng ngày. Từ hình thức Thánh Thể này, đời sống tín hữu trở thành việc phụng tự thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa (logiké latreia).

2. Hình thức Thánh Thể của đời sống Kitô hữu.

Tông Huấn nói tới đời sống hằng ngày của tín hữu với nhiều kiểu nói khác nhau:

Đời sống người Kitô hữu (s. 70)

Hình thức của sự hiện hữu Kitô hữu (s. 70. 71); hoặc sự hiện hữu (s. 71)

Thực tại con người (s. 70. 71); thực tại của mỗi nhân vị (s. 71), như tôi nói trong bài giới thiệu Tông Huấn (bài 2)

Bản tính con người (s. 71)

Cái cụ thể của cuộc sống hằng ngày (s. 71)

Những gì riêng của con người (s. 71)

Mọi hoàn cảnh của sự hiện hữu của con người (s. 71)

Mọi hành động của người Kitô hữu (s. 71).

Các kiểu nói này được dùng trong các phần trình bày tiếp theo và chúng cho thấy chính dời sống con người dưới mọi khía cạnh, tinh thần, thể xác, lý trí, tình cảm, khát vọng, đau khổ, vui mừng, hy vọng, đời sống riêng tư, đời sống công cộng, chức nghiệp, địa vị trong xã hội, các mối dây liên hệ trong xã hội, từ cụ thể và diễn tiến hằng ngày, và trong lịch sử với chiều kích không gian và thời gian cụ thể. Thánh Phaolô đã nói trong thư gửi giáo đoàn Corintô như sau: ”Tất cả những gì anh em làm: ăn uống, hay bất cứ điều gì khác,hãy làm vì danh Thiên Chúa (1Cr 10, 34). Trong lời khuyên của Thánh Phaolô, bản văn nhấn mạnh tới “thân xác” của tín hữu. Điều này cho thấy cuộc sống siêu nhiên của tín hữu không phải là một thực thể ở trong thân xác, mà ở trong chính thân xác với xương với thịt này.

Tất cả những thực tại của đời sống con người này sẽ được Thánh Thể biến đổi hoàn toàn để nên của lễ đẹp lòng Thiên Chúa (s. 71) và làm cho chúng mang “hình thức Thánh Thể” rõ rệt. Tông Huấn lấy lại lời Thánh Augustinô để diễn tả sự thay đổi này: “Ta là bánh của các vĩ nhân. Hãy lớn lên, con sẽ ăn chính Ta, con sẽ không biến đổi Ta trong con, như là của ăn biến đổi thành thịt máu của con người, nhưng là chính Ta biến đổi con” (Confessions, VII, 10, 16; Tông Huấn, s. 71).  Như vậy tiến trình biến đổi có khác với tiến trình biến đổi  trong phạm vi tự nhiên. Từ sự biến đối này, Kitô hữu trở thành “người Thánh Thể” (une personne eucharistique”, s. 96). Trong Thông Điệp của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: “Giáo Hội từ Thánh Thể”, chúng ta kiểu nói “Người Nữ Thánh Thể” (s. 96). Bây giờ trong Tông Huấn này, chúng ta có kiểu nói “người Thánh Thể”.  Kiểu nói này diễn tả thật đầy đủ sự biến đổi do Thánh Thể thực hiện nơi người tín hữu.

Sự biến đổi do Thánh Thể nơi tín hữu là gì? Tông Huấn đã từ từ giải thích về điểm này. Trước tiên là tín hữu có được một nguyên lý làm phát sinh đời sống thiêng liêng của mình (s. 70). Sự biến đổi này thực hiện chỉ trong một thân xác là Chúa Kitô, và Giáo Hội, cho dù có nhiều người. Vì thế thân xác này hằng ngày được canh tân, đổi mới (s. 70). Sự biến đổi do Thánh Thể làm cho thân xác tín hữu nên một hy tế – nghĩa là nên một thực tại thánh thiện – điều này cho thấy một sức năng động biến hóa mạnh mẽ và thay đổi toàn vẹn sự hiện hữu của con người (s. 70. 71). Tông Huấn nói cách thật mạnh mẽ như sau: “Không có gì đích thực là của con người –suy tư và tình cảm, lời nói và hành động – mà không tìm thấy nơi Thánh Thể nét vẻ trọn vẹn của mình” (s. 71. 73. 77). Tín hữu như có một hạnh kiểm mới (s. 72). Sự biến đổi do Thánh Thể sẽ tạo ra cho tín hữu một cách thức sống mới hoàn toàn theo như Chúa Kitô (s. 71). Như vậy Thánh Thể đem đến cho tín hữu một sự thay đổi mới, thay đổi tận căn, (s. 71), tất cả đều có cung cách Thánh Thể (tonalité eucharistique, s. 4), một cái mới hoàn toàn (s. 9. 10. 29. 71. 72. 79. 85. 95 = une  nouveauté radicale; novum radical: s. 4; con người mới, s. 42. 64). Hằng ngày họ sống cái mới kitô giáo này (s. 79) ; có được năng lực mới (s. 85) ; sự can đảm và sức mạnh mới (s. 90). Vì thế người tín hữu tập trung tất cả vào Thánh Thể (s. 12).

Hình thức Thánh Thể của đời sống người tín hữu sẽ ảnh hưởng và đem áp dụng vào mọi khía cạnh, ngóc ngách của đời sống người tín hữu, tới từng thành phần của tín hữu. Tông Huấn sẽ trình bày trong các phần kế tiếp.

 

XVI

 

SỐNG NGÀY CHÚA NHẬT (s. 72)

 

Việc giữ Ngày Chúa Nhật đã được các giám mục bàn lại ở đây trong bối cảnh của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, theo tôi nghĩ,  hai mục đích : một là để đào sâu Tông thư của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành vào năm 1998, Dies Domini ; hai là để phân tích mục vụ về luật này trong bối cảnh thế giới ngày nay với bao khía cạnh, hoàn cảnh không giúp gì lắm cho người tín hữu hiểu ý nghĩa Ngày của Chúa và tuân giữ ngày này, như chỉ coí đó là ngày nghỉ, hay « weekend ».

Tông Huấn đã bàn tới trong phần này (s. 72tt) và sau đó trong phần kết luận (s. 95). Cũng như trong các phần khác, Tông Huấn đã đưa ra những lý do thần học và phụng vụ liên hệ tới Ngày Chúa Nhật, trước khi bàn về một số điểm có tính cách mục vụ và xã hội về luật giữ Ngày Chúa Nhật.

1. Ý nghĩa thần học và phụng vụ về Ngày Chúa Nhật (s. 72).

Chúng ta cần đặt vấn đề này trong bối cảnh của Tông Huấn đó là đưa ra một «hình thức Thánh Thể của đời sống » (s. 70). Từ đây Tông Huấn tìm về nguồn của Giáo Hội trong thời kỳ đầu tiên. Thánh Giustinô đã mô tả hình thức sống của người Kitô hữu với quan toàn quyền Rôma, để cho ông biết sinh hoạt nội tại của giáo đoàn Kitô giáo vào khoảng thế kỷ thứ II, và để ông chấm dứt nghi ngờ bắt bớ họ. Nét vẻ đặc biệt của Kitô hữu thời đầu tiên là tập họp lại với nhau vào ngày thứ nhất sau ngày sabath để cử hành biến cố Chúa Kitô phục sinh (Justin, Apologie I, 67). Họ đã thực hiện điều này và họ không thể nào sống được nếu không có ngày Chúa Nhật : «Sine dominico non possumus vivere ». Vì thế Thánh Inhaxiô thành Antiochia đã gọi họ là những người sống ngày Chúa Nhật «Iuxta dominicam viventes » (Ignace d’Antioche, Lettre aux Magnésiens, 9, 1). Công thức này của Thánh Inhaxiô cho thấy mối liên hệ nội tại giữa việc cử hành Thánh Thể và đời sống thường ngày. Ngày Chúa nhật được coi là khởi đầu của một tuần mới. Từ đây họ hiểu được thế nào là ngày Chúa Nhật.

Ngày Chúa Nhật là ngày của Chúa, Dies Domini. Khi tham dự ngày Chúa Nhật, họ không có ý cắt quãng thời gian bảy ngày trước với thời gian tiếp theo. Vậy ngày Chúa Nhật cho họ hiểu biết hình thức Thánh Thể của sự hiện hữu của họ, và kêu gọi họ phải tiếp tục sống ngày này luôn trong cuộc sống (s. 72). Sống ngày Chúa Nhật là ý thức về sự giải phóng mà Chúa Kitô Thánh Thể đã đem lại cho họ qua việc sống lại của Ngài và họ phải tiếp tục hoàn tất trong tất cả cuộc đời của họ và làm cho cuộc sống này nên lễ tế dâng lên Thiên Chúa (s. 72). Trong khi tham dự Ngày Chúa Nhật, tín hữu có được một ý thức mới để sống thời gian, sống các mối liên hệ, các cuộc gặp gỡ thân hữu, để chu toàn công việc, để sống và để hiểu về sự chết trong một cách thế mới (s. 73).

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, đã trình bày một số khía cạnh khác về ngày Chúa Nhật trong Tông Thư « Ngày của Chúa » (Dies Domini, 1998) : như ngày của Chúa (Dies Domini) : trong liên hệ với việc tạo dựng ; như là ngày của Chúa Kitô (Dies Christi) : như liên hệ với việc sống lại của Ngài ; như là ngày của Giáo Hội (Dies Ecclesiae), vì các tín hữu tập họp lại để mừng biến cố Chúa Kitô phục sinh (s. 73); và sau cùng đó cũng là ngày của con người (Dies hominis), trong đó con người nghỉ ngơi, vui tươi, thực hành bác ái yêu thương (s. 73).

2. Nhắn nhủ mục vụ về luật giữ ngày Ngày Chúa Nhật (s. 73).

Từ đây các giám mục đã lưu tâm đặc biết tín hữu về luật giữ ngày Chúa Nhật. Vì ngày đó vẫn còn là dấu chỉ, nét vẻ đặc biệt cho người khác nhận ra người Kitô hữu là ai. Đó là những nhắn nhủ có tính cách mục vụ. Hãy lấy lại ý thức về tầm quan trọng đi lễ Ngày Chúa Nhật (s. 73). Thực hành đạo đức này giúp thánh hóa ngày thứ nhất trong tuần lễ, và không làm cho ngày của Chúa « vắng bóng Chúa » (s. 73). Đi lễ Ngày Chúa Nhật còn giúp tín hữu lấy lại và tăng cường lương tâm Kitô giáo (s. 73) ; giúp lấy lại tự do đích thực của con cái Chúa (s. 73).

Rồi phải hiểu thế nào về việc nghỉ lao động vào ngày Chúa Nhật (s. 74) ? Trước tiên phải nhớ rằng theo truyền thống Do thái về ngày sabath, thì ngày Chúa Nhật luôn liên hệ với việc nghỉ việc lao động hằng ngày (s. 74). Nghỉ việc lao động cho thấy rằng lao động không là mục đích của con người, mà lao động quy hướng về con người (s. 74). Con người làm chủ vũ trụ, chứ không làm nô lệ cho lao động (s. 74). Lao động giúp thể hiện nhân cách, địa vị con người chứ không bắt con người làm nô lệ cho lao động (s. 74). Trong ngày Chúa Nhật con người tìm ra ý nghĩa của đời mình và của công việc mình làm. Do đó các giám mục xin mọi chính quyền dân sự hãy tôn trọng quyền nghỉ việc của tín hữu công giáo trong ngày Chúa Nhật (s. 74).

3. Ngày Chúa Nhật là ngày của Giáo Hội (s. 76).

Như trên chúng ta vừa nhắc lại một chiều kích về ngày Chúa Nhật mà Tông thư « Ngày của Chúa » (Dies Domini) nói tới. Ngày Chúa Nhật còn có chiều kích Giáo Hội của ngày Chúa Nhật vì đó là ngày của Giáo Hội (dies Ecclesiae).  Khi giữ luật Ngày Chúa Nhật tín hữu ý thức mỗi ngày mình thuộc về Giáo Hội hơn, sống trong tình hiệp thông (communio sanctorum) các rõ ràng. Từ đó họ sẽ làm tăng cường hình thức Thánh thể trong đời sống họ cách rõ ràng hơn (s. 76). Vì Thánh Thể quy tụ tất cả những người lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa để làm nên một thân thể với Chúa Kitô (lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần trong Kinh nguyện Thánh Thể). Vì thể hình thức Thánh Thể của đời sống người tín hữu phải là hình thức cộng đoàn, liên đới hiệp thông (s. 76).

Hình thức cộng đoàn này thể hiện trong giáo phận, giáo xứ, vì đó là mẫu hình căn bản  của Giáo Hội. Ngoài ra còn có các hình thức sinh hoạt tập thể (s. 76). Các phong trào mới trong Giáo Hội ngay cả những Dòng tu cũng phải đóng góp vào việc tăng cường sự hiệp thông này, việc thuộc về Giáo Hội (s. 76). Điều này càng cần thiết, khi xã hội ngày này hướng nhiêù về chiều kích cá nhân, riêng rẽ (s. 76).

 

 

 

Đ.Ô. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả

 

Mục Lục