ÐỌC TÔNG HUẤN ECCLESIA IN ASIA
VỚI TÂM TÌNH VIỆT NAM


LM Phạm văn Nhượng

Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu là một Tông Huấn Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II gửi riêng cho các Giáo Hội tại Á Châu. Nhận xét khi đọc Tông Huấn và nhất là khi so sánh bản đề cương, bản đề cương đã sửa đổi với chính Tông Huấn, chúng ta thấy văn phong, lối trình bày vấn đề, cách lý luận giải quyết vấn đề đã thay đổi rất nhiều. Thay vì theo lối trình bày triết học của Kinh Viện, lối suy tư Âu Châu của Descartes, cách hành văn hành chánh của Giáo triều Rôma (đọc bản đề cương sẽ thấy rõ) Tông Huấn này đã có một phong cách mới, thích hợp cho các dân tộc tại Á Châu. Dĩ nhiên phong cách của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu khác với phong cách Âu Châu hay Mỹ Châu và Phi Châu, các buổi thảo luận, các đề tài, các lối nhìn, các từ ngữ, các cách giải quyết cũng khác. Vì thế với tâm hồn của người tín hữu Việt Nam, với lòng yêu mến Giáo Hội Mẹ, con xin đề nghị Quý Cha thử đọc Tông Huấn quan trọng này với tâm tình Việt Nam.

Bài này tất nhiên chia làm 2 phần :
Phần I : Tâm tình Việt Nam là gì ?
Phần II : Ðọc Tông Huấn với tâm tình Việt Nam.

Dĩ nhiên con không dám đọc thay cho các bậc cao minh, nhưng chỉ dám giới thiệu một cách đọc, cách nhìn để rồi Quý Cha thử đọc và suy gẫm Tông Huấn quan trọng này.

Phần I : Tâm tình Việt Nam là gì ?

Trước năm 1975 chúng ta có cha Kim Ðịnh và sau năm 1975 chúng ta có một số đông học giả, trong cũng như ngoài nước, đã chứng minh và tìm hiểu dân tộc Việt Nam có tư tưởng riêng, văn hóa riêng hay không ? Ðối với nền triết học của Thế Giới, chúng ta có Việt Triết hay không ? nếu có thì đặc tính của Việt Triết là gì ? để thuyết phục các quốc gia trên thế giới, các ngài đã trình bày, diễn tả mà còn chứng minh có Việt Triết theo một hệ thống luận lý khoa học.

Trần Văn Ðoàn trong Việt Triết luận tập trang 92 đã trình bày lập luận của ông như sau :
"Chúng ta chỉ có thể nhận biết bất cứ một sự vật nào nếu khám phá ra những đặc tính (bản chất) của nó. Chúng ta chỉ có thể xác định một vật thể nếu chúng ta nhận ra sự khác biệt giữa bản thể của nó với bản thể của một sự vật khác. Và tiếp theo, chúng ta chỉ có thể ý thức được tộc, giống, nòi ... nếu chúng ta nhận ra được bản thể và những bản chất của một nhóm người hay của một xã hội.
Nói tóm lại, nếu bản chấtnói lên tính chất đặc thù (Particularity) phổ biến và thiết yếu, thì bản thể biếu tả tính chất phổ quát và tất yếu. Bất cứ một tộc, một giống, hay một nòi nào cũng chỉ có thể nhận ra được nhờ vào bản thể và những bản chất của họ".
"Bản thể của Việt Triết chính là lối suy tư của người Việt và chỉ của người Việt mà thôi, trong khi bản chất của Việt Triết là những đặc tính thiết yếu cho người Việt và phổ biến nơi người Việt. Những bản chất này cũng có thể thấy nơi các dân tộc khác, song không thể thiếu nơi người Việt.
"Chúng tôi phân tích những bản chất của Việt Triết : đó là những tính chất phổ biến và thiết yếu, hiện diện trong lối suy tư, lối nhìn, lối sống, lối nói, lối nghe, lối ăn mặc, lối giao du hay lối diễn tả của người Việt".

Rồi từ đó ông nêu ra những đặc tính sau :

- Suy tư thực tiễn song luôn dựa trên những nền tảng siêu hình : thiên - địa - nhân trong đó nhân là trung điểm (trụ điểm).

- Suy tư tương quan : Tĩnh - động, biện chứng - tổng hợp - thực tiễn - thực dụng, biểu tượng - sáng tạo.

Tới đây, chúng tôi xin góp ý thêm vào lập luận của ông Trần Văn Ðoàn.

Nếu bảo rằng : phân tích những bản chất của Việt Triết, đó là những tính chất phổ biến và thiết yếu, hiện diện trong lối suy tư, lối nhìn, lối diễn tả của người Việt ... thì những "lối" đó phải là những "lối" riêng của người Việt, khi người Việt chưa bị văn hóa, tôn giáo ngoại lai xâm nhập.

Ðể phân tích những lối này, người ta thường tìm trong văn học dân gian nghĩa là văn học trước khi có văn học viết như : thần thoại, truyền thuyết, sử thi anh hùng, truyện cổ tích, ca dao, tục ngữ ... nhưng thần thoại này, truyện cổ kia phát xuất ở đâu, vào thời nào thì khó mà xác định được.

Những "lối" riêng của Việt Nam chưa bị ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai như Nho học thì phải tìm về trước khi các Thái thú người Trung Hoa như Mã Viện, Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp ... đem văn hóa Tầu truyền sang ta, như Phật học thì phải tìm về trước thời đạo phật tới Luy Lâu.

May mắn thay, chúng ta có được nhiều cổ vật và những cổ vật này có thể xác định được thời gian của chúng. Các nhà khảo cổ đã khai quật tại Bắc Bộ và Thanh Hóa một di tích cổ xưa của một nền văn minh có trước khi Bắc Bộ bị người Tầu đô hộ. Ðó là văn minh Ðông sơn và Lạch Trường mà đặc trưng là trống đồng và mộ cổ.

Suy luận của chúng tôi là tìm tư tưởng Việt Nam, Việt Triết với đúng ý nghĩa khoa học của nó, qua trống đồng và mộc cổ.

I. Trống đồng.

1. Mô tả

Trống đồng (đồng cổ) của văn minh Ðông Sơn là của nhóm dân tộc cổ sơ ở châu thổ Bắc Bộ ngày nay trước khi bị làn sóng di cư từ Tây Bắc lục địa Á Châu tràn xuống bờ biển và hải đảo Ðông Nam Á. Dân tộc này thuộc về hệ thống chủng tộc Indonésien - Malainésien - Polynésien rải rác khắp Thái Bình Dương.

Trên mặt trống có nhiều hình vẽ : trên mặt trống vẽ 6 chiếc thuyền, ở giữa có những con chim lớn đang đậu. Các thuyền đều cùng một kiểu. Vỏ thuyền khum khum vòng vòng kiểu nửa vành trăng. Ở giữa nhô lên một cái ụ, có lẽ là cột buồm. Giữa ụ với đuôi thuyền có một khoang che mái phẳng ở trong có một cái trống. Những trang trí ở mũi thuyền và đuôi thuyền gợi lên hình ảnh cái đầu và đuôi chim. Thủy thủ của thuyền là những người mang dao, cầm tên, cầm rìu, trong đó có 2 người : một người đánh trống treo ở cột buồm, một người cầm mái chèo. Một người đứng ở mũi thuyền sẵn sàng bắn tên. Các người chung quanh đều có vẻ nhộn nhịp. Toàn bộ cho ta cảm tưởng một cuộc dàn trận theo nhịp trống và người cầm lái đang đẩy mạnh mái chèo nên nó uốn cong cong.

Tất cả mọi người, trừ người bắn cung, đều mặc áo lông chim hay khoác cánh chim chỏng lên trời như là những cái mào. Mắt chim được vẽ bằng các vành khuyên có chấm ở giữa và còn được vẽ đi vẽ lại ở khắp mọi nơi trong thuyền, ở mũi thuyền (như các thuyền ngày nay) mái chèo, bánh lái, mũi tên ... trên tang trống cũng thấy hình bóng nửa người nửa chim.

Trống đồng cũng thấy ở dân Dayak đảo Bornéo : hình chiếc thuyền là thuyền vàng chở tổ tiên họ tới Bornéo sau biến thành thuyền "bát nhã" chở linh hồn người quá cố về nơi cực lạc, Có những con chim Tingang đưa đón người chết. Những hình vẽ này có thể biểu hiện được khi so sánh với lễ tang của dân Dayak.

Ông L.Finot đã kết luận : "những đồ đồng xưa phơi bày hình ảnh một dân tộc canh nông săn bắn, họ thờ vật tổ (totem) mà cách ăn mặc giống như loài chim, không còn thấy ở Ðông Dương nhưng lại thấy ở trên các hải đảo Thái Bình Dương.

2. Ðể có cơ sở giải thích ý nghĩa của "đồng cổ" chúng ta tìm các tài liệu.

- trong quyển "Bách việt nguyên lưu dữ văn hóa" (Trung Hoa tùng thư) La Hương Lâm Viết : "Thời cổ văn hóa của Việt tộc rất đáng được người ta chú ý là sự chế tạo trống đồng với cách sử dụng. Và trống đồng của Việt tộc lại phải lấy kiểu Lạc Việt làm thịnh nhất cho nên gọi là là Lạc Việt Ðồng Cổ.

Ðến như dụng ý của người Việt chế tạo trống đồng để làm gì thì theo học giả xưa nghiên cứu, đại khái đều bảo là để giúp người thủ lĩnh có thế lực hiệu triệu quần chúng, cũng là để hoan nghênh thần thánh xua đuổi bệnh tật ma quỷ và cầu đảo.

- Sách "Tùy thư địa lý chí" viết : "Từ núi Ngũ Lĩnh đến hơn 20 quận phía Nam, các rợ đều đúc đồng làm trống lớn. Khi mới hoàn thành treo ở giữa sân, đặt rượu để mời đồng bào. Người đến dự có trai gái nhà giàu lấy vàng bạc làm chiếc thoa lớn, cầm đánh vào trống, xong rồi để lại cho chủ nhân gọi là thoa đồng cổ ... muốn đánh nhau thì đánh vào trống ấy, người kéo đến cuồn cuộn như mây vần. Kẻ nào có trống gọi là Ðô Lão, quần chúng đồng tình suy tôn và tòng phục.

Trong sử nhà Minh có truyện Lưu Hiển năm đầu Vạn lịch đi đánh dẹp Từ Châu thu được 60 trại, bắt được trồng đồng Chư Cát tới 93 chiếc. Tây Man A Ðại khóc mà rằng : "Ai có được hai ba chiếc trống thì có thể tự xưng là Chúa. Ðánh trồng đồng lên ở sơn trại, tức thì quần chúng Man di tụ tập lại. Nay hết rồi, trống mất, thì vận mệnh của dân Man suy vi vậy".

Ngoài tượng trưng cho cái thế lực thủ lĩnh vì thanh âm vang dội, trống đồng còn dùng vào việc tế lễ, múa hát hoan lạc, tập hợp, mời thần, cầu đảo, xua đuổi bệnh tật. Hơn nữa trống đồng còn có quan hệ với tín ngưỡng ma thuật thiên nhiên như thờ Thần sấm (Thiên lôi), Thần mưa ... trên mặt trống đồng thường có đúc hình thể con thiềm thừ (con cóc) e rằng nhân cầu mưa mà làm ra vậy.

Những câu truyện Sấm nuốt trứng rắn, tục lệ rước lửa chơi đêm 24/6 là tục truyền của Việt tộc. Sách Luận Hành, thiên lôi hư của Vương Sung viết : "Vẽ một người với dung mạo lực sĩ gọi là Lôi Công, tay phải cho đeo trống, tay trái cho dương dùi có đánh trống, ý nghĩa ngụ rằng : tiếng sấm ầm ầm là tiếng trống liên hồi vậy.

Lại có lời trâm của Vân Ðộng Khê ghi rằng : "người ta truyền tụng trống đồng có thần. Trống của một động này bị người của động kia lấy đi, đêm thấy có hổ xuất hiện cắn người đuổi theo, thì ra cái trống, đem trả lại được yên tĩnh.

3. Các tài liệu thư tịch Việt Nam liên quan đến trống đồng.

- Sách Ðại Nam Nhất thống chí, Tập thượng, Mục tỉnh Thanh Hóa, có nói đến đền thờ thần trống đồng : "ngày xưa vua Hùng Vương đi đánh Chiêm Thành đóng quân ở núi Khả Lao, đêm mơ thần báo mộng : xin có cái trống đồng và dùi đồng giúp nhà vua thắng trận phen này. Ðến lúc ra trận thì thấy trên không văng vẳng có tiếng trống đồng, rồi quả nhiên vua được toàn thắng, vua bèn sắc phong làm Ðồng Cổ Ðại Vương.

- Ðời vua Thánh Tôn nhà Lý, khi còn làm Thái tử vâng mệnh đi đánh Chiêm Thành, đêm mơ thấy một người mình mặc áo nhung, tay cầm bảo kiếm, tâu rằng : tôi là thần núi Ðồng Cổ xin theo để lập công cùng Thái tử. Tới khi bình được giặc liền lập miếu để thờ.

- sau khi Thái tử lên ngôi, lại mộng thấy thần mang bài thơ đến báo cho biết là có 3 vị Vương định gây sự biến, rồi sau quả nhiên có như vậy. Nhân thế liền phong làm chức "Thiên hạ minh chủ" thăng lên làm Thượng đẳng thần và hàng năm bắt đắp đàn ở trước cửa đền, sai các quan đến lễ và đọc lời tuyên thệ như sau : "Ðạo làm tôi con cốt ở luân lý cương thường : làm con không hiếu với cha mẹ, làm bề tôi không hết lòng với nước với vua, xin thần minh ngầm xét tru diệt cả nhà".

- Lê Quý Ðôn cũng viết trong "Kiến văn tiểu lục" : vua Thái Tông nhà Lý dựng miếu thờ thần Ðồng Cổ Sơn ở đàng sau chùa Thành Thọ. Hàng năm cứ đến ngày 4 tháng tư lập một đàn ở trước miếu này rồi dàn binh lính đọc lời thề để quần thần cùng thề ... "Vi thần tận trung, vi quan thanh bạch" (làm bầy tôi thề hết lòng, làm quan thề trong sạch). Thề xong, quan Tể tướng kiểm điểm từng người, nếu ai vắng mặt phải phạt 5 quan tiền.

4. Ngụ ý Việt Triết của trống đồng.

Trống đồng đã tập trung tất cả tinh thần văn hóa Lạc Việt thời Ðông Sơn. Thời này Việt tộc chỉ là một bộ lạc, người dân sống chìm đắm trong tinh thần vật tổ thần bí, vật tổ ấy là con chim Lạc (hồng lạc, lạc hồng) tương tự như hình ảnh con cò. Hình ảnh cô thôn nữ miền bắc chít khăn mỏ quạ, khoác cái áo tơi lá gồi, lom khom giữa ruộng lúa lúc trời mưa, quả là một hình ảnh đặc biệt của dân tộc. Trong thời vật tổ này, mọi người Lạc Việt đều đồng nhất với con chim vật tổ, chỉ có một ý thức là ý thức vật tổ, chỉ có một mệnh lệnh tối cao là mệnh lệnh vật tổ. Vật tổ bấy giờ hoàn toàn thay thế cho Lạc Việt, là hiện thân của Hồn Nước.

Nhưng đến khi họ biết dùng kim khí, chế tạo được trống đồng thì ý thức linh thiêng của vật tổ được chuyển sang hiệu lệnh của tiếng trống đồng và thế là vật tổ đã nhập vào trống đồng. Từ đó trống đồng là dấu hiệu của quyền thế, của tù trưởng bộ lạc, của lãnh tụ, nổi hiệu trống để kêu gọi nhân dân, để điều động ba quân, và rồi sinh hoạt của nhân dân phải khuôn đúc theo nhịp trống.

Vì tiếng trống đồng vang dội như tiếng sấm, nên trở thành một vị thần có quyền năng siêu việt, thấu đến trời khi tiếng trống vang dội.

Trống đồng được dùng làm trống trận và trở thành thần "Ðồng Cổ" biểu hiện dân tộc, quốc gia, nên hàng năm cả nước phải cúng tế và thề trung thành với tổ quốc cũng như thảo hiếu với cha mẹ. Thần Ðồng Cổ có uy lực thiêng liêng như Thiên lôi, tru diệt kẻ phản quốc, phản dân tộc. Nhưng tại sao lại chọn ngày 4 tháng tư ? Vì ngày này ở vào giao tiết cuối Xuân sang Hạ, báo hiệu bắt đầu sắp có mưa để cày cấy và mưa đầu mùa tất nhiên là có sấm sét (Thần Ðồng Cổ uy nghi thế lực như Thiên lôi).

Như thế diễn tiến lịch trình tiến hóa ý nghĩa của trống đồng đã theo sát với lịch trình tiến hóa ý thức quốc gia của dân tộc. Lúc đầu mối liên hệ chỉ là liên hệ tình cảm gia đình, rồi tới liên hệ vật tổ và sau cùng sang liên hệ đồng cổ : dân tộc đồng nhất với nhà vua mà tượng trưng là cái trống đồng.

Thế là trống đồng tượng trưng cho tinh thần dân tộc của Việt Nam và cái ý chí dân tộc ấy được lưu truyền, được thể hiện qua các triều đại, trong các lễ nghi thờ cúng tổ tiên, thần thánh cũng như sinh hoạt của nhân dân. Ðó là khởi thủy của tư tưởng thuần tuý Việt Nam mà ông Trần Văn Ðoàn gọi là "lối nói, lối nhìn, lối suy tư ... của người Việt nam".

II. Nhà mồ thiên động của văn minh Lạch Trường.

1. Mô tả.

Năm 1934 - 1939 ông Olov Jansé được trường Viễn Ðông Bác Cổ cử đi nghiên cứu các cổ mộ ở Bắc Ninh mà dân gian thường cho là mộ lâu đời của người Tầu. Ông đã phát lộ ra gần chợ Lim một ngôi mộ lớn gồm hơn 5 phòng, mỗi phòng giống như một đường hầm. Một số mộ khác cũng giống như vậy. Có mộ chỉ có một phòng nhưng thường chia làm 3 ngăn bởi những lớp vách vòng cung. Ðây là những mộ phần được xây cất trong các đồi núi thiên nhiên và cho ta cảm tưởng đó là những hang động nhân tạo. Ở Tứ Xuyên miền Nam Trung Quốc cũng có những mộ phần giống như thế. Những mộ phần này vào khoảng thời đại nhà Hán. Cái ý niệm hang động siêu nhiên này có một vai trò trọng yếu trong tín ngưỡng dân gian. Theo tín ngưỡng này thì trong lòng một quả núi lớn có những hang động : cái vòm tượng trưng cho vòm trời, đáy động là thuộc về đất, cửa vào là biên giới giữa thế giới vật chất và thế giới siêu hình. Núi được coi như thế giới của thần tiên bất tử.

Ðây là một tín ngưỡng truyền thống rất phổ thông nơi dân gian, từ người bình dân đến nhà bác học. Những hang động nổi tiếng như hang Từ Thức (Thanh Hóa) (Giáng Tiên và Từ Thức), động Hương Tích (Hà Ðông), thần thoại Chử Ðồng Tử và Tiên Dung, Mai Ðình Mộng Ký, Bích Câu Kỳ Ngộ ...

Cái mộng đi tìm cõi tiên vẫn là cái mộng ngàn đời của dân tộc này.

2. Triết lý thiên động với quan niệm thần tiên.

Ông Nguyễn văn Huyên trong le culte des immortels en Annam đã viết : "từ cổ lai, người ta đã than thở về sự ngắn ngủi của đời sống trần gian. Vậy nên người Việt Nam tin vào ở một thế giới bên kia, người thì cho là ở bên kia bờ biển xa xăm, người thì cho là ở trên chốn tầng mây cao thẳm (cõi thiên thai)".

Người ta khao khát được sống lâu, chúc nhau được trường thọ, tượng trưng là Ông Thọ : một cụ già râu tóc bạc phơ, phúc hậu, một tay chống gậy trúc, một tay cầm trái đào trường thọ. Họ khát khao một đời sống vĩnh cửu bất tử như các thần tiên của cõi thiên thai cực lạc.

Vì vậy :
. Thần tiên là tượng trưng cho sự sống vĩnh cửu hạnh phúc.

. Sự sống con người là một thực tại tối cao, là biến đổi chứ không mất đi : sống mỗi người một nhà, chết mỗi người một mồ. Nhà với mồ chỉ là sự thay đổi chỗ ở, và người ta biết chắc rằng sau khi họ chết, họ sẽ an vị ở bàn thờ tổ tiên để con cháu thờ cúng.

. Ðời sống ở bên kia được chuẩn bị kỹ lưỡng một cách bình tĩnh : chỉ bảo cách chọn nơi, xây cất, sắm sửa áo quan, bởi vì về thế giới bên kia là về xum họp với ông bà tổ tiên, là sự sống thay đổi chứ không mất đi.

. Các cuộc trẩy hội, hành hương, tìm về các hang động, đó không phải là những mê tín, nhưng là muốn hưởng cái không khí nhiệm mầu của sự trường sinh bất tử. Nhà bác học Alfred Meynard đã viết trong Revue Indochinoise (tháng 5 năm 1928) về các lễ hội như sau : "Tôi cho rằng cái mâu thuẫn giữa Ðông và Tây mà hiện nay người ta đang thắc mắc, đó chẳng phải là một vấn đề phức tạp chi lắm như người ta đã tưởng. Nó quy về một điểm này là người Phương Ðông đã đem cái vô hình xuống cuộc đời hàng ngày của họ. Họ sống với thế giới huyền bí nhờ có những cái mà họ tưởng là đã thấy được.

Trái lại người Phương Tây sống bên lề cái vô hình, không thân mật với cái vô hình, phủ nhận nó vì không muốn biết đến có nó, hay là họ bị xô đẩy vào nó mà không nhìn".

. Tìm về động thiên, nơi ranh giới giữa thực và mộng, giữa biến dịch và bất biến, cõi trần và cõi tiên : "Ðộng môn vô tỏa thược, tục khách bất tằng lai" (cửa hang không đóng khóa, khách tục chớ đi về). Qua cái hang cửa nhỏ hẹp, người ta lọt vào cái thế giới siêu hình đó, nơi thần tiên hội họp.

Từ nhà mồ thiên động người ta muốn đi tìm động thiên, liên tưởng đến cái Hồ thiên, đến cái Băng tâm như Vương Xương Linh đã viết : Nhất phiếm băng tâm tại ngọc hồ.

Kẻ sĩ khi đã nhập thế thì thi hành cái sở học, nhưng khi đã về già, khi thời cuộc bế tắc thì xuất thế để trở về chuẩn bị bước vào cõi thiên thai có hang động sông nước, giếng ngọc của một địa linh.

Bận rộn công việc hàng ngày không phải lúc nào cũng đi được, thì họ làm sẵn ở nhà một hòn non bộ có đầy đủ sơn thủy hang động, để rồi thả hồn vào cái cảnh thiên đàng đã mất.

3. Kết luận.

Trống đồng Ðông Sơn và mộ cổ Lạch Trường là những vật thuộc thời kỳ trước khi Việt Nam thành quận huyện của Tầu. Trống đồng và mộ cổ biểu lộ hai khuynh hướng tư tưởng chính yếu của dân tộc ta : khuynh hướng hiện thực và siêu nhiên, đời và đạo, xuất và sử, tĩnh và động. Ðó là những đặc tính thuần tuý Việt Nam mà ông Trần Văn Ðoàn đã nêu ra.

Trồng đồng

Từ một công cụ báo hiệu, trở thành một công cụ nghệ thuật, biến thành một tượng trưng cho vận mệnh và ý chí thần thánh thiêng liêng của đoàn thể và quốc gia để duy trì trật tự luân thường trong xã hội đó là Hiếu và Trung. Hiếu là để làm người, con người trong tương quan với gia đình, cha mẹ, tương quan với mọi người. Trung là để làm người dân trong một nước, hết lòng với vua với nước, đó là tinh thần quốc gia dân tộc. Tinh thần yêu nước này là lòng trung thành, nhân nghĩa, khác hẳn với tinh thần ái quốc của Tây Phương, chỉ mong nước mình dành phần thắng về chính trị, kinh tế để rồi bá chủ thế giới. Cái tinh thần quốc gia, chung sống hòa bình với mọi người sở dĩ có được là do khuynh hướng thiên nhiên thần tiên của mộ cổ.

Mộ cổ.

Ðộng tiên, sơn thủy là một triết lý thần tiên kết hợp hài hòa với triết lý trống đồng. Tinh thần quốc gia không còn quá khích, duy vật, trần tục nhưng đã chuyển sang cuộc sống thần tiên hạnh phúc. Trần gian và thiên đường, người và trời là những vấn đề nòng cốt cho tư tưởng loài người thì ở Việt Nam đã có một dung hợp thực là hài hòa trong xã hội.

Thể hiện nơi xã hội Việt nam.

Xã hội Việt nam được dần dần hình thành lúc đầu qua tổng hợp của hai huynh hướng trống đồng và mộ cổ.
. Ðơn vị xã hội không phải là một cá nhân, một công dân như các xã hội kỹ nghệ ngày nay, nhưng là một gia đình, trong đó cha con vợ chồng anh em, cùng với các tổ tiên của mình, do người chồng, người con trai cả làm đại diện với làng với nước.
. Vì đơn vị xã hội là gia đình, là một gia tộc, nên liên hệ làng, nước không phải chỉ là ý trí, pháp luật mà còn là liên hệ tình cảm họ hàng, dòng giống, vật tổ (từ chim lạc trống đồng rồng tiên).
. Mối liên hệ xã hội vừa vật chất vừa thiêng liêng, vừa tình vừa lý, vừa đạo vừa đời, vừa nhà vừa nước.

+ Gia đình thì liên hệ tinh thần là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, có tục lệ gia đình gia phong, có lệnh ông nhưng cũng có cồng bà.
+ Làng xã thì liên hệ tinh thần là Thành Hoàng, có lệ làng, vừa có kỷ cương phép tắc nhưng cũng có tình nghĩa dòng tộc, tình làng nghĩa xóm.
+ Quốc gia xã tắc thì liên hệ tinh thần là hồn nước là tổ quốc với anh linh liệt sĩ. Nước có phép vua nhưng không phải là ông vua chuyên chế hà khắc mà phép vua thua lệ làng mà làng này muốn nhập gia thì phải tùy tục.

Chính trong cái nền tảng này mà khi Tam giáo Nho Phật Lão tràn vào Việt Nam đã có một sự hội nhập văn hóa, đến khi đạo Công giáo tới Việt Nam thì lại bắt đầu một cuộc hội nhập văn hóa mới.

Phần II. Ðọc Tông Huấn với tâm tình Việt Nam.

Người ta đem tâm tình viết lịch sử, và Ðức Giáo Hoàng, sau khi nghe các Giám mục Á Châu nói về hoàn cảnh Giáo Hội của mình, đã tổng hợp các tâm tình đó và chấp bút viết nên Tông Huấn này để gửi cho chúng ta. Thế nên điều hợp tình hợp lý là chúng ta hãy đem tâm tình Việt Nam nói riêng, tâm tính Á Ðông nói chung để đọc Tông Huấn này.

I. Mở đầu Tông Huấn là điều kỳ diệu trong kế hoạch Thiên Chúa tại Á Châu.

Ðây là một kế hoạch Thiên Chúa thực thi khởi đầu từ Á Châu, dân Chúa chọn là dân Á Châu, Con Một Chúa là người Á Châu, và Chúa đã mạc khải chương trình cứu độ bằng ngôn ngữ Á Châu, đã rao giảng, đã đổ máu và chết tại phần đất này. Chúa đã yêu mến mảnh đất này, đã gắn bó với lịch sử mảnh đất này.
Thế nhưng trong ngàn năn thứ nhất, Thánh Giá lại được cắm ở Châu Âu, ngàn năm thứ hai ở Mỹ Châu và Phi Châu thì ngàn năm thứ ba này, Ðức Giáo Hoàng nói tiên tri, sẽ cắm ở Á Châu chúng ta.
Chân dung thực của Chúa Giêsu là chân dung một người Châu Á, Ngài là con Thiên Chúa nhưng Ngài cũng là đồng hương máu mủ của Á Châu chúng ta. Chúng ta là người nhà của Ngài thì giờ đây chúng ta tìm Ngài, hiểu Ngài, giới thiệu Ngài cho đồng bào của mình như thế nào ?

II. Trong chương II, Chúa Giêsu Cứu Thế được trình bày như là quà tặng cho Á Châu.

Quả thực đây là tấm lòng yêu thương của Thiên Chúa đối với chúng ta : yêu thương thì tặng quà. Nhà vua quý mến quần thần thì ban mũ áo, phong tước vị. Thiên Chúa yêu thương vô cùng thì quà tặng của Ngài cũng lớn lao quý giá vô cùng : Ðó là chính Con Một của Ngài, Ngài đã ban mũ áo rửa tội để phong chúng ta là con của Thiên Chúa. Ðức Giêsu Cứu Ðộ là Ðức Giêsu Ðộ Trì, từ bi làm cho chúng ta thỏa được cái ước vọng thiên thai, cái cuộc sống trường sinh bất tử.
Chúa Thánh Thần là sự sống vĩnh cửu, là khí thiêng hun đúc nên bậc anh tài, là Ðịa linh tạo nên những người hào kiệt. Ngài đã hành động ở mảnh đất này thời các Tổ phụ, thời Chúa Giêsu, thời Giáo Hội sơ khai và ngày nay Ngài tiếp tục hành động nơi Á Châu chúng ta.

III. Giáo Hội.

Tông Huấn trình bày Giáo Hội là Hiệp thông, quyền bính của Ðức Giáo Hoàng ưu tiên là để phục vụ sự hiệp nhất đức tin. Chính trong cơ cấu xã hội Việt Nam mà chúng ta cảm nghiệm được rõ nét hơn.

1. Gia đình, làng xã.

Gia đình Việt Nam là một đơn vị xã hội, người cha là gia trưởng nhưng ngoài lệnh ông còn có cồng bà, việc làm ăn trong gia đình (nông nghiệp) là do người vợ đảm đang. Mối liên hệ trong gia đình là việc thờ cúng tổ tiên. Trong nhà có gia pháp, gia pháp này lại liên hệ vói gia tộc, có tộc trưởng chịu trách nhiệm.
Làng xã được quy tụ do Thành Hoàng được thờ cúng ở đình. Dân làng liên hệ do tín ngưỡng Thành Hoàng mà còn do liên hệ gia tộc, tình làng nghĩa xóm. Kỷ cương phép tắc thì có phép làng, lệ làng. Ðiều đặc biệt ở nơi tổ chức làng xã là hoàn toàn dân chủ theo nghĩa ngày nay.

2. Gia đình Công giáo - Giáo xứ.

Sinh hoạt gia đình Công giáo và Giáo xứ được tổ chức theo mẫu như xã hội. Trong sinh hoạt gia đình, người mẹ vẫn là người chăm lo việc nhà, việc đạo đức cho con cái, và trên thực tế lo cho cả Giáo xứ. Ông đi họp hàng xứ, ông điều khiển, nhưng tất cả mọi việc đều ở nơi các bà, bà Trùm, bà Quản và nhất là các bà mới là người giữ tiền trong gia đình. Hàng xứ có khi do cha chỉ định, nhưng phần nhiều hàng xứ và nhất là hàng họ thì hoàn toàn dân chủ, do giáo dân bầu ra. Ðình làng trở thành Nhà thờ Giáo xứ, Thành Hoàng trở thành Thánh quan thầy (gọi là quan Thánh) và đến lễ mừng quan Thánh thì tất cả mọi người, già trẻ lớn bé đều được tham dự lễ bái cũng như ăn uống. Quả thực đây là những phong cách nền tảng rất tốt để từ đó hướng dẫn Giáo xứ theo Tông Thư.

IV. Tu trì và truyền giáo.

Xã hội Việt Nam luôn luôn tôn trọng người tu trì. Ai ai cũng phải tu thân rồi mới tề gia, trị quốc bình thiên hạ. Nếp sống tu trì thì Phật giáo là diệt dục, Nho giáo là trở nên bậc quân tử, bậc thánh, Lão giáo là vô vi trở về với cái lý tự nhiên. Vì thế cuộc sống tu thân là xuất thế, là chiêm niệm, là sống khổ hạnh.

Những đức tính này phải có nơi người xuất gia, mà còn ở nơi những người tu tại gia. Ðây là những nét mà các dòng tu cần lưu ý. Chứng tá đời sống có một giá trị đặc biệt xưa cũng như nay như tấm gương các dì ở trong họ đạo. Việc rao giảng Tin Mừng có giá trị là ở nơi người tín hữu cũng như các tu sĩ, linh mục có đời sống thánh thiện, gương mẫu trong cách ăn ở nếu không sẽ có cảnh "cáng cụ trả Tòa giám mục". Ðặc biệt dân tộc ta bởi dòng giống rồng tiên, tôn giáo sơ khai thiên về đạo thờ mẫu rồi sau đó là Phật bà Quan Âm , vào miền Trung là thần Thiên Y A Na, tời miền Nam là Bà Ðen, cái khuynh hướng sẵn có ấy đã ăn sâu trong tâm hồn chúng ta nên việc kính Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã rất phổ biến và từ đó lòng kính mến Ðức Mẹ đã phát triển. Hơn nữa có rất nhiều người lương đã khởi đầu kêu cầu Ðức Mẹ rồi đã tới được đến Chúa, đây cũng là một con đường truyền giáo mà chúng ta chưa lưu tâm đủ.

Kết luận.

Phạm vi bài này con chỉ muốn đưa Quý Cha trở về nguồn gốc dân tộc, với hai khuynh hướng cội nguồn cao đẹp của dân tộc ta, từ đó đã tiếp xúc với Tam giáo, với Công giáo để hình thành đất nước ngày nay. Ðể xây dựng một Giáo Hội Việt Nam với tất cả các vấn đề mà Tông Huấn nêu lên, con nghĩ chúng ta cần phải trở về cái cội nguồn của dân tộc để rồi theo đó xây dựng.

Chúng tôi xin mượn lời các Ðức Giám Mục Việt Nam viết trong thư Mục Vụ 2000 : "chúng tôi (các Ðức Giám Mục Việt Nam) mời gọi toàn thể dân Chúa ở Việt Nam cùng với chúng tôi học tập sâu rộng Tông Huấn "Giáo Hội tại Á Châu" để nhờ đó thêm nghị lực và phấn khởi mà sống làm chứng và loan báo Tin Mừng cho mọi giới đồng bào thân yêu của chúng ta.


Trở về Trang Mục Lục Giáo Hội
Trở Về Trang Nhà