NHỮNG NÉT CHÍNH VỀ KITÔ HỌC, GIÁO HỘI HỌC
VÀ LINH ÐẠO TRUYỀN GIÁO

Trong Tông huấn Giáo hội tại Á châu


LM Nguyyễn Ðức Khiết

Nhập đề

Ðể nhận ra những nét chính yếu trong bức phác họa về Ðức Giêsu, về Giáo hội và viễn cảnh truyền giáo trong Tông huấn Giáo hội tại Á châu có lẽ điều trước tiên chúng ta cần lưu ý đến là hai chữ "Á châu" và tất cả những gì được bao hàm trong hai từ ngữ này. Khi nhấn mạnh đến hai chữ Á châu thì không phải là ta không còn biết gì đến các lục địa khác, không còn biết đến các Giáo hội tại các lục địa khác và Giáo hội toàn cầu. Nhấn mạnh đến tính Á châu không có nghĩa là phá hủy đi tính phổ quát, tính công giáo mà là để hiểu rõ một không gian mà Tin mừng được gieo vào. Á châu là không gian sống của Giáo hội tại Á châu và là không gian sống của các kitô hữu Á châu. Á châu là không gian của cuộc đối thoại giữa Tin mừng và các truyền thống tôn giáo và văn hoá lâu đời và phong phú nhất của thế giới.

a) Vùng đất Á châu và những gì làm nên Á châu :

Trước hết, tông huấn nói lên những nét là Á châu và làm nên Á châu, vùng đất mà Giáo hội tại Á châu được mời gọi sống và loan báo Tin mừng. Nét độc sáng của cái là Á châu và làm nên Á Châu đó là lòng khao khát Ðấng Tuyệt đối, là mối liên hệ giữa con người với Thượng đế, là chiều kích tôn giáo. Con người Á châu là con người tôn giáo, một con người sống tương quan với Ðấng-khác-con-người. Vùng đất Á châu là mảnh đất tốt của các tôn giáo lớn trên thế giới. Á châu là chiếc nôi của các tôn giáo lớn như Ấn độ giáo, Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, Do thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo. Á châu là thửa đất của lòng khao khát Vô Hạn. Qua các truyền thống tôn giáo và văn hoá lớn của Á châu, chúng ta đọc ra được dấu chỉ của hành trình con người đi tìm kiếm Chân, Thiện, Mỹ.

Lòng khao khát Thượng đế của người dân Á châu được nhắc đến nhiều lần trong Tông huấn ( ss. 9, 18, 50 ):

"Dầu gặp hoàn cảnh nào đi nữa, Giáo hội tại Á châu sống giữa những dân tộc rất khát khao Thượng đế. Giáo hội tin rằng sự khao khát này chỉ có thể được thoả mãn hoàn toàn nhờ Ðức Giêsu Kitô là Tin mừng của Thiên Chúa đối với các dân tộc" ( s. 9 )

Khi hiểu và nhận ra lòng khao khát này là cái làm nên nét Á châu, Tông huấn ghi nhận rằng các nghị phụ Thượng hội đồng khuyến khích Giáo hội tại Á châu rao giảng mãnh liệt bằng lời nói và việc làm, Ðức Giêsu Kitô là Ðấng Cứu Thế (s. 9 ) bời vì các ngài thoáng thấy Á châu là vùng đất hứa hẹn cho hạt giống Tin mừng nẩy mầm :

"Giáo hội xác tín rằng trong lòng dân chúng, văn hoá và tôn giáo tại Á châu, có một cơn khát "Nước hằng sống" ( x. Ga 4, 10-15 ), một cơn khát chính Thần Khí đã tạo ra và chỉ có một mình Ðức Giêsu Cứu Thế mới có thể thoả mãn đầy đủ" ( s. 18 )

Chiều kích tôn giáo làm nên nét Á châu đã làm cho Ðức Thánh Cha say sưa chiêm ngưỡng hồng ân Thiên Chúa và dâng lời tạ ơn. Á châu là vùng đất trù phú về tâm tình tôn giáo :

"Trước hết và hơn hết, một lần nữa, chúng ta tạ ơn Chúa ban cho đại lục này cảnh trù phú gồm các nền văn hoá, ngôn ngữ, truyền thống và lòng ham mộ tôn giáo. Chúc tụng Thiên Chúa ban cho các dân tộc Á châu được giầu có trong sự đa dạng của nó, nhưng lại có một lòng ao ước hoà bình và tràn trề sự sống " ( s. 50 )

Nói tóm lại, chính sự tìm kiếm tôn giáo là yếu tố độc đáo của đại lục Á châu và nền văn hoá Á châu.

b) Con người Á châu :

Vùng đất Á châu là như thế, còn con người Á châu thì sao ?

Trong Tông huấn, Ðức Thánh Cha nói về " là người Á châu" hay nét làm nên người Á châu, một con người với những nét độc đáo như sau :

"Thích ở thinh lặng và chiêm niệm, thích sự đơn sơ hài hoà, quên mình, bất bạo động, tinh thần lao động khổ công, kỷ luật, sống mộc mạc, khao khát học hỏi và nghiên cứu triết học. Họ quý trọng những giá trị của lòng kính trọng sự sống, của lòng thương xót mọi người, của sự gần gũi với thiên nhiên, của lòng hiếu thảo với cha mẹ, bậc đàn anh và tổ tiên, và họ có một cảm thức bén nhậy về sự hiệp thông. Ðặc biệt, họ coi gia đình là nguồn mạch sống ban sức mạnh, một cộng đồng liên kết chặt chẽ với cảm thức liên đới" ( s. 6 )

Bằng những nét chính yếu, Ðức Thánh Cha phác họa ra bức tranh về con người Á châu trong các mối tương giao khắng khít giữa Thiên-địa-nhân. Con người Á châu kính trọng Trời Ðất, yêu mến bậc tiền bối, yêu mến thiên nhiên, yêu mến tình liên đới, yêu mến sự an bình :

" Nhận thức là người Á châu này được khám phá cách tốt đẹp nhất và được xác quyết không do bởi sự đối chất và chống đối, nhưng trong tinh thần hoà hợp và bổ xung" ( s. 6 )

Sau khi nhận ra nét Á châu, chúng ta sẽ dễ dàng đọc được bức họa về Ðức Giêsu và về Giáo hội trong Tông huấn. Nói khác đi, chúng ta sẽ khám phá ra những nèt chính yếu của Kitô học và Giáo hội họccủa Tông huấn. Tù đó, ta sẽ thấy được viễn cảnh của một nền linh đạo truyền giáo Á châu.

1- Những nét chính yếu của Kitô học trong Tông huấn.

Chủ đề của Tông huấn là nhằm giới thiệu về Ðức Giêsu, Ðấng Cứu độ, về sứ vụ tình yêu và phục vụ của Người tại Á châu "để họ được sống và sống dồi dào " ( Ga 10, 10 )

Ðức Giêsu, Ðấng Cứu Ðộ duy nhất là đối tượng chính của Tông huấn và Giáo hội tiếp nối sứ mạng tình yêu và phục vụ của Người trong bối cảnh của Á châu xét như là một thực tại bao gồm các khía cạnh : kinh tế, xã hội, chính trị, văn hoá, tôn giáo. Trong chương II và III của Tông huấn, Ðức Thánh Cha cho thấy tại sao Ðức Giêsu là Ðấng Cứu Ðộ duy nhất và tại sao Người là Ðấng cứu chuộc muôn dân ( s. 10 ). Ðức Thánh Cha nhận xét :

" Các nghi phụ thượng hội đồng ghi nhận rằng việc rao giảng Chúa Giêsu là Ðấng Cứu Ðộ duy nhất, có thể gây nên những khó khăn đặc biệt trong những nên văn hoá của các ngài, lý do vì nhiều tôn giáo Á châu dậy rằng chính các tôn giáo là những biểu lộ của Thượng đế mang đến ơn cứu rỗi" ( s. 10 )

Ðiều làm cho chúng ta thắc mắc là tại sao Ðức Thánh Cha lại cứ nhấn mạnh Ðức Giêsu là Ðấng Cứu Ðộ duy nhất, trong khi tại Châu Á có nhiều tôn giáo lâu đời và các tín đồ của các tôn giáo ấy không thể chấp nhận khẳng định này, nhất là đối với những tín đồ Hồi giáo ?

Ðức thánh Cha đã tìm cách trả lời cho những nhận xét của các nghị phụ của Thượng Hội đồng, trước hết, qua việc phác họa ra một Kitô học mang nét Á châu.

a) Phác họa bức chân dung về Ðức Giêsu

Trong Tông huấn, Ðức Thánh Cha đã thử phác họa bức chân dung về Ðức Giêsu với các nét Á châu :

- Ðức Giêsu là con người Á châu

- Ngài sinh ra và lớn lên trong một cuộc sống nghèo nàn. Ngài là người tỵ nạn. Ngài vâng phục cha mẹ. Ngài cầu nguyện liên lỉ ( s. 10 )

- Ngài sống gần kẻ nghèo, kẻ bị bỏ rơi và thấp bé.. ( s. 10 )

- Nhưng Ðức Giêsu bị tố cáo là phạm thượng, một người lỗi luật thánh, một mối họa công khai cần thanh toán ( s. 11 )

- Thiên Chúa đã đặt Người làm Trung gian duy nhất của ơn cứu độ.

Trước hết, Tông huấn nhấn mạnh đến nét Á châu của Ðức Giêsu. Chắc chắn, khi nói đến khuôn mặt Á châu của Ðức Giêsu, Ðức thánh Cha không dừng lại gương mặt bên ngoài, nhưng muốn nói đến Người là con người Á châu với những nét làm nên người Á châu mà chúng ta đã nói ở trên, chẳng hạn như Người có một tâm hồn tôn giáo thật sâu xa, là con người của chiêm niệm, con người có tấm lòng xót thương người nghèo, kẻ bị bỏ rơi, người thấp bé trong xã hội, là con người của quần chúng và yêu mến đám đông.

Một trong những lý do làm cho người Á châu khó gần gũi với một hình ảnh Ðức Giêsu được giới thiệu là họ thấy "gương mặt tây phương" của Người nhiều hơn là "khuôn mặt Á châu" của Người. "Gương mặt tây phương" ở đây có lẽ phải được hiểu là con người của suy luận, lý trí. Ðức Giêsu tiên vàn là con người của tình thương, con người của mọi người và đặc biệt là của người nghèo và người đau khổ.

Tuy nhiên, khi phác họa bức chân dung Á châu của Ðức Giêsu, Ðức Thánh Cha cũng nói ngay đến cái cớ vấp phạm của Kitô giáo và như vậy suy tư của ngài đi ngay vào cái cốt lõi của Kitô giáo, cái làm cho Kitô giáo khác với các tôn giáo khác.Cái cốt lõi này đã vấp phạm đến nền văn hoá Á châu và không chỉ Á châu.

Cớ vấp phạm của Kitô giáo là tin rằng Thiên Chúa là Ðấng vô cùng thánh thiện, toàn năng và toàn tri lại mặc lấy bản tính loài người chúng ta, chịu khổ nạn và chịu chết để đem lại phần rỗi cho mọi người ( x. 1 Cr 1, 23 ; s. 12 )

Cớ vấp phạm Kitô giáo lại càng triệt để hơn khi chiêm ngắm Ðức Giêsu trong mầu nhiệm hiệp thông với Chúa Cha, khi chiêm ngắm Người là chính Thiên Chúa ( s. 12 ) và là Ðấng Cứu Ðộ duy nhất. Ðây là điều phân biệt Ðức Giêsu với nhiều vị "Cứu tinh" khác trong các tôn giáo tại Á châu.

Như vậy, điều mà các nghị phụ của Thượng Hội đồng nhận xét về cái khó khăn của Giáo hội tại Á châu khi rao giảng Ðức Giêsu cho các dân tộc Á châu không phải là nỗi khó khăn bên ngoài, thuộc bình diện văn hoá, nhưng nằm trong chính nội dung của đức tin Kitô giáo, trong cái cốt tủy của sứ điệp Tin mừng.

Sau khi nói đến cái cớ vấp phạm của Kitô giáo, Ðức thánh Cha lại giới thiệu Ðức Giêsu như một "con người đích thực" tự mạc khải cho nhân loại. Trong Người, chúng ta khám phá sự cao cả và phẩm giá của mỗi con người trong trái tim Thiên Chúa. ( s. 13 ). Ðức Giêsu mạc khải cho nhân loại biết con người là ai trong tương quan với Thiên Chúa. Trong Ðức Giêsu, Người Con, chúng ta trở nên những người con được Thiên Chúa yêu thương. Người cũng "mạc khải đầy đủ con người cho chính con người" ( s. 13 ). Nơi Ðức Giêsu, chúng ta học biết chân lý về Thiên Chúa và chân lý về con người.

Rồi quay trở lại với gương mặt Á châu của Ðức Giêsu,"con người quên mình", Ðức thánh Cha đã làm sáng tỏ lên "nét người" của Ðức Giêsu : Người đã sống một cuộc đời hoàn toàn mang nét người, hiếu thảo với Chúa Cha, Người đã hiến thân trọn vẹn vì tình yêu Cha và dấn thân hoàn toàn cho chương trình yêu thương của Chúa Cha muốn cứu rỗi nhân loại. Khi phục vụ cho chương trình cứu thế, Người cho con người thấy rằng ơn gọi của mổi người là nhận lãnh tình yêu và cho lại tình yêu. Nơi Ðức Giêsu, chúng ta kinh ngạc về khả năng vô tận của quả tim con người để yêu Chúa và yêu người, cho dù khi yêu như thế là kéo theo nhiều đau khổ ( s.13 )

b) Sứ vụ hoà giải của Ðức Giêsu :

Sau khi phác họa nét Á châu nơi khuôn mặt của Ðức Giêsu, Ðức thánh Cha suy tư về sứ vụ hoà giải của Ðức Giêsu : Người không những phục hồi sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại mà còn thiết lập một sự hiệp thông mới giữa con người sống xa lạ nhau do tội lỗi ( s. 13 ). Chúa Giêsu là sự bình an, là hoà bình ( shalom ) của chúng ta ( s. 13 )

Ðược sai đi bởi Thiên Chúa của sự hiệp thông, và trở nên Chúa thật và người thật, Ðức Giêsu đã thiết lập sự hiệp thông giữa trời và đất trong chính thân thể của Người ( s. 13 ). Người hoà giải nhân loại với Thiên Chúa nhờ việc mang lại ơn tha thứ tội lỗi ( Ep 1, 7 ). Người hoà giải cả vũ trụ với Thiên Chúa ( Cl 1, 18-20 ), Người hoà giải dân Do thái và dân ngoại, dẹp tan các mối thù địch để tạo ra một nhân loại mới ( Ep 2, 13-18 )

Thực ra, đây cũng là suy tư mang tính "truyền thống" của Kitô học, nhưng cái mới mẻ là chỗ đứng của suy tư này trong bối cảnh phức tạp của thực tại Á châu, một vùng đất có nhiều cuộc xung đột đẫm máu. Hiểu như thế, ta không ngạc nhiên khi thấy Tông huấn nhấn mạnh nhiều đến sứ vụ hoà giải của Ðức Giêsu. Trong bối cảnh Á châu, Ðức Giêsu được giới thiệu là niềm hy vọng hoà bình cho lục địa Á châu.

c) Ðức Giêsu : điểm gặp gỡ của các tôn giáo và văn hoá

Khi hiểu được tầm quan trọng của hai chữ Á châu của Tông huấn, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu về nét mới của Kitô học trong Tông huấn : Ðức Giêsu là điểm gặp gỡ của các tôn giáo và văn hoá tại Á châu. Nơi Ðức Giêsu, ta gặp được đầy đủ các giá trị chân chính của mọi truyền thống tôn giáo và văn hoá, lòng thương xót và tùng phục ý muốn Thiên Chúa, lòng trắc ẩn và tính ngay thẳng, sự bao dung và công chính, lòng hiếu thảo và nếp sống hài hoà với tạo vật. Từ lúc đầu cho đến lúc kết thúc thời gian, Ðức Giêsu là vị Trung gian duy nhất. Cho dù có những kẻ không công khai tuyên xưng đức tin vào Ðức Giêsu như là Ðấng Cứu Thế, ơn cứu rỗi vẫn đến với họ như là một ân sủng do Chúa Giêsu Kitô, nhờ sự truyền đạt của Chúa Thánh Thần ( s. 14 )

Ở đây, vai trò Trung gian duy nhất của Ðức Giêsu được nói cách rõ ràng. Người là Ðấng Cứu độ duy nhất của nhân loại : ơn cứu rỗi được thực hiện nơi Ðức Giêsu Kitô và ngang qua Người. Tuy nhiên, cách nhìn của Tông huấn về tính trung gian của Ðức Kitô rất cởi mở : mọi giá trị tốt đẹp nơi các tôn giáo đều mang "tính Kitô" và ơn cứu rỗi tiên vàn là hành vi của ân sủng do Chúa Kitô được thực hiện trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa trong Tông huấn được giới thiệu làThiên Chúa luôn ở bên trên những suy tưởng của loài người. Người có cách của Người.

Ðể kết luận cho bức chân dung về Ðức Giêsu với nét Á châu, Ðức thánh Cha đưa ra nhận định rằng khi chiêm ngắm Ðức Giêsu trong bản tính nhân loại của Người, dân chúng tại Á châu gặp được câu trả lời cho tất cả những câu hỏi sâu sắc nhất của họ, hy vọng của họ được hoàn thành và sự ngã lòng của họ được vượt thắng ( s. 14 ). Chúa Giêsu là lời đáp trả cho các dân tộc Á châu và là niềm hy vọng cho Á châu, thửa đất của lòng khao khát tâm tình tôn giáo.

2- Giáo Hội tại Á châu :

Chúng ta cần lưu ý đến đề tựa của Tông huấn : Ecclesia in Asia. Từ ngữ "in"trong tiếng Latinh có nghĩa là "ở trong", "ở tại". Giáo hội là công giáo tại vùng đất Á châu, vùng đất của người Á châu, vùng đất người Á châu sống với những nét riêng của mình, với quá khứ, hiện tại và tương lai của mình, với những ánh sáng và bóng tối của xhặng đường lịch sử của mình, với những truyền thống tôn giáo và văn hoá của mình. Hiều như thế, từ ngữ "tại" còn mang những ý nghĩa như Giáo hội của Á châu và cho Á châu. Bởi vì môi trường không thể tách khỏi con người và con người không thể không gắn với môi trường và hoàn cảnh. Chúng ta không nên hiểu chữ "tại" theo nghĩa quán tính, im lìm, ở trong mà không liên hệ gì cả. Ngược lại, ta phải hiểu chữ "tại" trong tất cả mọi tương quan với nó.

a) Những thông tin về các Giáo hội tại Á châu :

Trước hết, Tông huấn cho chúng ta một cái nhìn về Giáo hội tại Á châu. Giáo hội nhìn mình như thế nào và người ngoài nhìn Giáo hội như thế nào ?

- Giáo hội thiểu số :

Với cái nhìn từ bên trong, Thượng hội đồng nhìn nhận thân phận khiêm tốn của Giáo hội tại Á châu cùng với những yếu kém của các phần tử mình và kêu gọi sự hoán cải ( s. 4 ). Giáo hội tại Á châu ý thức rõ mình chỉ là một Giáo hội thiểu số, nhỏ bé, vừa không có quyền lực vừa lại có nhiều thấp kém. Tuy nhiên, Giáo hội tại Á châu cũng là một Giáo hội mạnh và can đảm, không bao giờ mỏi mệt trước sứ vụ rao giảng Tin mừng. Các nghị phụ thường nhấn mạnh rằng đức tin đã được rao giảng với lòng tín thác và can đảm trên lục địa, cho dù giữa những khó khăn to lớn ( s. 4 )

Trong một thế giới rất khác biệt nhau về phương diện văn hoá tại Á châu, Giáo hội tại Á Châu chạm trán với nhiều thách đố từ nhiều phía : triết học, thần học và mục vụ. Công tác của Giáo hội càng thêm khó khăn do sự kiện Giáo hội là thiểu số, chỉ trừ Phi-luật Tân vì đa số là người công giáo ( s. 9 )

- Giáo hội bị coi là xa lạ :

Với cái nhìn từ bên ngoài, Giáo hội tại Á châu nhận ra một sự thực đau lòng này là, mặc dù Giáo hội tại Á châu hiện diện từ lâu đời và cố gắng làm việc tông đồ nhiều, Giáo hội tại nhiều nơi còn bị coi là xa lạ với Á châu. Nhiều người Á châu coi Kitô giáo là một tôn giáo "ngoại lai". "Ngoại lai" hiểu theo nghĩa từ Tây phương mà đến. Bị coi là xa lạ, các nghị phụ của Thượng hội đồng còn đưa ra nhận định của quần chúng Á châu : tâm trí nhiều người thường gắn Giáo hội với những quyền lực thực dân ( s. 9 ).

Ở đây, có lẽ ta phải đặt câu hỏi cách trung thực, không lẩn trốn, không cảm thấy "khó chịu" là tại sao Phật giáo, Ấn độ giáo, Khổng giáo, Lảo giáo, không bị coi là "những tôn giáo ngoại lai" mà chỉ có Kitô giáo ? Phải chăng đây chỉ là do sự hiểu lầm thuộc lịch sử ? Tại sao nhiều người lại gắn việc truyền giáo của Kitô giáo với sự xâm lăng của thực dân ? Có phải việc truyền giáo của Kitô giáo tình cờ dính với phong trào thực dân và trùng hợp về lịch sử với việc các nước lớn phương Tây đi tìm thuộc địa ? Hay tâm trí của quần chúng nhận định "tiêu cực" như thế là vì thái độ thực dân của các nhà truyền giáo ? Thực dân vì muốn xoá bỏ văn hoá địa phương, thực dân vì coi văn hoá bản xứ là xa lạ và ngược lại Tin mừng, thực dân vì làm cho người dân bản xứ bị tước bỏ nhân quyền. Ta hãy nhớ lại ngày Giáo hội công giáo thú tội trong quãng dường lịch sử 2000 năm, Chủ nhật thứ nhật Mùa chay của Ðại năm thánh 2000, khi Giáo hội nhìn nhận những tội "sử dụng những phương thế không-phúc âm để đạt tới chân ly".

Nhìn lại quá khứ không phải để đổ lỗi cho tiền nhân, nhưng là một cơ hội để suy tư và dấn thân cách tốt hơn theo sứ điệp Tin mừng. Lời tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa Tình yêu (confessio fidei) phải đi trước lời thú tội (confessio peccatorum) và đưa tới lời ca ngợi (confessio laudis). Ðức Thánh Cha đã ca ngợi Thiên Chúa vì Người đã ban cho Giáo hội tại Á châu nhiều chứng nhân trung thành và nhiều nhà truyền giáo can trường rong những thế kỷ qua tại vùng đất Á châu.

- Giáo hội của tương lai :

Khi chiêm ngắm đại lục nơi Ðức Giêsu đã sinh ra và sống cuộc đời tại thế, nơi Giáo hội công giáo chỉ là một thiểu số nhỏ bé, và dù là nơi Giáo hội chịu nhiều bách hại, bị coi là xa lạ, ngoại lai, nhưng Ðức thánh Cha vẫn nhìn thấy Á châu là một chân trời mới đầy hứa hẹn cho một "mùa gặt các linh hồn mà tôi thấy đã chín mùi và phong phú" cho sứ vụ của Giáo hội trong thiên niên kỷ thứ ba ( s. 9 ). Cái nhìn của ngài về Giáo hội tại Á châu là cái nhìn đầy tin tưởng và lạc quan vào ntơng lai, tương lai của Thiên Chúa.
b) Sứ vụ của Giáo hội :

Câu hỏi thứ hai là Giáo hội tại Á châu có sứ vụ gì ? Giáo hội phải làm gì ?

Giáo hội sống và hoàn thành sứ mạng của mình trong hoàn cảnh hiện tại của thời gian và không gian. Giáo hội là một mầu nhiệm, nhưng Giáo hội cũng là một thực tại hữu hình, và có những bước đi trong lịch sử. Giáo hội trong lịch sử cũng có những thăng trầm. Giáo hội không hiện hữu tự mình, nhưng sự hiện hữu của Giáo Hội là cho con người. Giáo hội và thế giới chia sẻ chung một định mệnh.

- Giáo hội của Á châu và cho Á châu :

Các nghị phụ Thượng hội đồng nhấn mạnh rằng sứ mạng tình yêu và phục vụ của Giáo hội tại Á Châu được quy định do hai yếu tô : một là việc Giáo hội ý thức mình như cộng đồng môn đệ Ðức Kitô, tập họp quanh các vị chủ chăn của mình, và hai là việc hiểu biết những thực tại xã hội, chính trị, tôn giáo, văn hoá và kinh tế tại Á Châu ( s. 5 ).

Giáo hội là cộng đoàn những kẻ tin vào Chúa Kitô. Giáo hội không thuộc về thế gian nhưng Giáo hội không được xa lạ với trần thế. Càng hiểu biết về con người, về bối cảnh xã hội, kinh tế, chính trị, văn hoá và tôn giáo, nơi mà con người sống thì càng phục vụ tốt. Con người là một hữu-thể-tại-thế và là một hữu-thể-tương-quan (être-dans-le-monde, être-au-monde, être relationel), Giáo hội cũng là một Giáo-hội-có-tương-quan. Tư tưởng của Tông huấn hậu Thượng hội đồng quy chiếu rõ ràng về Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, Hiến chế mang tính mục vụ suy tư về tương quan giữa Giáo hội và thế giới ngày nay.

Giáo hội tại Á châu không muốn mình là kẻ xa lạ đối với Á châu, với người Á châu, với thực tại Á châu, với nét Á châu, hay nói khác đi với những gì là Á Châu, của Á châu, và làm nên Á châu. Giáo hội tại Á châu muốn là Giáo hội của Á châu và cho Á châu. Tính "Á châu" không làm cho Giáo hội tại Á châu đánh mất đặc tính phổ quát, nhưng giúp cho Giáo hội tại Á châu nhận rõ ơn gọi và sứ mạng của mình để tiếp tục sứ mạng phục vụ và tình yêu của Chúa Kitô tại đây.

Căn tính và sứ mạng của Giáo hội không tách biệt khỏi Nước Thiên Chúa, Nước mà Ðức Giêsu đã loan báo và khai mạc trong tất cả những gì Người đã nói và đã làm, nhất là trong cái chết trên thập giá và sống lại của Người.

Giáo hội không tự mình tồn tại. Lý do hiện hữu của Giáo hội là cho con người và để cứu rỗi con người. Con người là con đường của Giáo hội và mọi con dường đều đi ngang qua con người. Giáo hội tại Á châu phục vụ những con người Á châu. Giáo hội tại Á châu gặp gỡ, làm việc và đối thoại với người Á châu. Giáo hội tại Á châu đối diện với cái 'thường ngày" của người Á châu đang sống trên vùng đất mênh mông này.

Chúa Thánh Thần nhắc Giáo hội nhớ rằng Giáo hội không phải là cùng đích cho chính mình, trong tất cả những gì Giáo hội là và làm, Giáo hội hiện hữu để phục vụ Chúa Kitô và cứu rỗi thế giới ( s.17 ). Giáo hội tại Á châu được sai vào vúng đất Á châu và để cứu rỗi các dân tộc Châu Á.
c) Giáo-hội-ngũ-tuần (Eglise pentecostale) : kiểu mẫu cho Giáo hội tại Á châu

Trong ánh sáng của Công đồng Vatican II, Tông huấn nhận định rằng các nghị phụ Thượng hội đồng đã chú tâm tới hành động đa dạng của Chúa Thánh Thần tại Á châu. Người liên tục gieo những "hạt giống chân lý" giữa các dân tộc, tôn giáo, văn hoá và triết học của các ngài ( s. 15 ). Chúa Thánh Thần luôn tự do và hành động của Người luôn tạo nên những bất ngờ cho con người. Hành động của Người được ví như "gió" (x. Ga 3, 8). Hạt giống chân lý mà Người gieo trong thửa đất Á châu là những cái là Á châu và làm nên Á châu mà ta đã nói ở phần nhập đề.

Mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa là công trình cao trọng nhất của Chúa Thánh Thần. Sứ vụ của Chúa Giêsu mang dấu vết rõ ràng sự hiện diện của Thần Khí sự sống. Những "hạt giống Lời" nhờ Chúa Thánh Thần gieo xuống, chuẩn bị toàn thể thụ tạo, lịch sử và con người được chín mùi trong Chúa Kitô ( s. 16 )

Chúa Thánh Thần gìn giữ nguyên vẹn sợi dây hiệp thông giữa Ðức Giêsu và Giáo hội. Chúa Thánh Thần hướng dẫn Giáo hội nhận biết chân lý về Ðức Giêsu Kitô. Chúa Thánh Thần làm cho Giáo hội tiếp nối sứ vụ của Ðức Giêsu bằng cách làm chứng cho chính Ðức Giêsu ( s. 17 ). Chúa Thánh Thần là tác giả đầu tiên của việc Phúc âm hoá, của đối thoại và của sự hiệp thông trong Giáo hội.
- Giáo hội đối thoại :

Tông huấn nhìn nhận rằng sự đối thoại là một đặc tính của cuộc sống Giáo hội tại Á Châu ( s. 3 ). Ðối thoại làm nên ơn gọi của Giáo hội tại Á châu. Giáo hội tại Á châu sẽ đánh mất ơn gọi khi trở thành một Giáo hội đóng kín ( ghetto ). Giáo hội của Lễ Ngũ tuần là kiểu mẫu cho Giáo hội tại Á châu. Giáo hội của Lễ Ngũ tuần tiên vàn là Giáo-hội-mở-cửa, mở cửa để ra khỏi căn phòng tại Lầu cao, mở cửa để được sai đi, mở cửa để rao giảng Tin mừng Phục sinh, Tin mừng về Ðấng đã chết và sống lại, mở cửa để đối thoại với các ngôn ngữ khác nhau, các nền văn hoá khác nhau. Trong ngày ấy, Chúa Thánh Thần là tác giả đầu tiên của việc đối thoại giữa Giáo hội và tất cả các dân tộc, văn hoá và tôn giáo. Chúa Thánh Thần đưa các môn đệ ra trình diện trước thế giới và sai các ông đi vào các nên văn hoá (Cv 2, 1-41)

Cũng như cuộc đối thoại lớn của tình yêu giữa Thiên Chúa và con người được Thần Khí chuẩn bị và được thực hiện trên vùng đất Á châu qua mầu nhiệm Chúa Kitô, thì ngày nay cuộc đối thoại giữa Ðấng Cứu Thế và các dân tộc trên lục địa vẫn tiếp tục nhờ quyền lực cũng một Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo hội ( s. 18 ).

Giáo hội biết rõ rằng mình chỉ có thể hoàn thành sứ vụ khi nghe theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, dấn thân làm dấu chỉ và dụng cụ đích thực cho hoạt động của Thần Khí trong những thực tại phức tạp tại Á châu. ( s.18 ).Hoạt động chủ yếu của Chúa Thánh Thần là chuẩn bị cho Chúa Kitô đến trong tâm hồn con người. Việc chuẩn bị này trong bối cảnh Châu Á bắt đầu bằng đối thoại và ngang qua đối thoại với các truyền thống tôn giáo và văn hoá.

Giáo hội luôn nhớ rằng Chân lý trọn vẹn của Chúa Kitô và ơn cứu độ của Người đem đến luôn là một ân huệ, chứ không bao giờ là thành quả của sự cố gắng con người ( s. 18 ). Giáo hội tại Á châu vừa cảm nghiệm một cách sâu xa rằng ơn cứu độ là của Thiên Chúa,vừa ý thức mình là một cộng đồng rực cháy sự hăng say truyền giáo để làm cho mọi người biết, yêu và theo Ðức Giêsu ( s. 19 ). Tuy nhiên, người ta chì có thể biết, yêu và theo Chúa Kitô duới tác động của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Ðấng làm cho con người hoán cải và tin theo Chúa Kitô ( x. Cv 2, 37-41 )

Ðể sống theo kiểu mẫu của Giáo hội-ngũ tuần, Giáo hội tại Á châu phải lắng nghe tiếng nói Chúa Thánh Thần, để cho Người là tác giả hàng đầu của đối thoại cũng là tác giả hàng đầu của sự hội nhập văn hoá tại Á châu ( s. 21 ). Ðối thoại với người Á châu là bước thứ nhất của việc hội nhập văn hoá tại Á châu. Bởi vì không có đối thoại, thì không có hội nhập văn hoá.
- Giáo hội hiệp thông:

Từ hình ảnh về Giáo hội-ngũ tuấn, kiểu mẫu cho Giáo hội tại Á châu,, ta thấy nét nổi bật đầu tiên trong bức họa về Giáo hội tại Á châu là nét hiệp thông. Nói khác đi, giáo hội học của tông huấn là giáo hội học hiệp thông. Giáo hội học này tiếp nối Giáo hội học của Vatican II trong hiến chế tín lý về Giáo hội Lumen gentium

Giáo hội là Dân Thiên Chúa, là Thân thể Chúa Kitô, là Ðền thờ Chúa Thánh Thần ( s. 24 ), nên Giáo hội là "kế hoạch thấy được của tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại, và là bí tích cứu rỗi". "Kế hoạch thấy được" có nghĩa là Giáo hội phải là dấu chỉ hữu hình của tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại. Hay ta có thề nói như sau : nhìn thấy Giáo hội là cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa.

Từ đó, chúng ta rút ra được những hệ luận thần học về Giáo hội học của Tông huấn như sau :

- Giáo hội không thể được hiểu thuần túy như một tổ chức xã hội hay là đại lý cho phúc lợi con người. Mặc dù có những người nam nữ tội lỗi ỡ giữa mình, Giáo hội phải được xem như là nơi dành riêng cho sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người. ( s. 24 )

- Khuôn mẫu của hiệp thông Giáo hội là sự hiệp thông của Thiên Chúa Ba ngôi.

- Mục đích đầu tiên của Giáo hội là trở nên bí tích của sự hiệp nhất mật thiết con người với Thiên Chúa, và bởi vì sự hiệp thông giữa con người với nhau được bén rẽ trong sự hiệp nhất với Thiên Chúa nên Giáo hội cũng là bí tích hiệp nhất của loài người ( s. 24 ), của con người với con người.

- Sự hiệp thông của Giáo hội với Ðức Giêsu sinh ra sự hiệp thông giữa các Kitô hữu với nhau. Sự hiệp thông này là điều kiện cần thiết để sinh hoa trái, và sự hiệp thông với kẻ khác, một ân huệ của Chúa Kitô và Thần Khí của Người là hoa trái tốt đẹp nhất mà các cành có thể cho ( s. 24 ) Theo nghĩa này, hiệp thông và truyền giáo liên kết với nhau không thể phân ly. Sự hiệp thông vừa là nguồn suối vừa là hoa trái của việc truyền giáo và truyền giáo hoàn thành trong hiệp thông ( s. 24 )

- Sự hiệp thông được diễn tả cách cụ thể qua việc các giám mục hiệp thông với Ðấng kế vị Phêrô và giữa lòng Giáo hội địa phương với vị Chủ chăn. Mỗi một Giáo hội tại địa phương phải được đặt nền móng trên chứng từ của sự hiệp thông vì sự hiệp thông cấu tạo nên chính bản chất của Giáo hội.

Từ những hệ luận thần học, Tông huấn nói rằng các nghị phụ thượng hội đồng muốn diễn tả Giáo hội địa phương như là "sự hiệp thông các cộng đoàn" chung quanh vị Chủ chăn. Chính trong Giáo hội địa phương mà sự hiệp thông các cộng đoàn được thực hiện giữa những thực tại phức tạp xã hội, chính trị, tôn giáo, văn hoá và kinh tế tại Á châu. Như vậy, trong Giáo hội địa phương, hiệp thông và truyền giáo không thể tách rời nhau ( s. 24 )

Ðể trở thành Giáo hội hiệp thông, Giáo hội địa phương phải trở thành "một Giáo hội tham gia" theo cách nói của các nghị phụ thượng hội đồng. Ðiều này có nghĩa là mọi ơn gọi và vai trò cùng tham gia và hợp tác với nhau trong lòng Giáo hội. Giáo hội làm phát triển cách phong phú các đặc sủng của mỗi thành phần trong Giáo hội. Giáo hội hiệp thông là Giáo hội mà mỗi thành phần đều có trách nhiệm. Không ai nắm độc quyền Thánh Thần. Mỗi người có thể đón nhận cái hay, cái đúng từ phía người khác.

Sự hiệp thông trong lòng mỗi Giáo hội địa phương còn phải thể hiện trong tình liên đới giữa các Giáo hội địa phương với nhau một cách cụ thể qua việc cởi mở đón tiếp nhau và cộng tác với nhau. Sự hiệp thông đòi phải hiểu nhau và kết hiệp với nhau tiến tới việc truyền giáo, mà không thiên kiến đối với sự độc lập và các quyền lợi của các Giáo hội, theo truyền thống thần học, phụng vụ, ngôn ngữ của riêng từng Giáo hội ( s. 26 ). Giáo hội hiệp thông là một Giáo hội khác biệt trong duy nhất, làm phong phú và bổ túc cho nhau trong và nhờ sự khác biệt.

Hiệp thông dẫn tới đối thoại. Việc muốn đối thoại, dầu sao, không phải đơn thuần là một chiến lược để chung sống hoà bình giữa các dân tộc, nó còn là một phần chủ yếu của sứ mạng Giáo hội vì nó có nguồn gốc trong cuộc đối thoại cứu rỗi yêu thương của Chúa Cha với nhân loại qua Chúa Con trong quyền lực Chúa Thánh Thần. Cuộc đối thoại mà Giáo hội đề nghị đặt nền tảng trên logic của mầu nhiệm Nhập thể ( s. 29 ).

Như vậy, Tông huấn không nói đến đối thoại với cái nhìn thuần túy tự nhiên, thuộc bình diện xã hội, giống như một sách lược để chung sống hoà bình, nhưng là cái nhìn "thần học", cái nhìn từ nhiệm cục cứu rỗi của Thiên Chúa Ba Ngôi, đi theo "luận lý" của mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người.

dấu chỉ của hiệp nhất toàn thể nhân loại, Giáo hội không thể không đi vào sự hợp nhất với các dân tộc trong mọi thời gian và không gian. Giáo hội tại Á châu sống giữa lòng Á châu, vì thế đối thoại đại kết và đối thoại liên tôn tạo thành một ơn gọi thật sự đối với Giáo hội tại Á châu (s. 29) . Không thể có đối thoại nếu tha nhân không có chỗ trong tâm hồn chúng ta. Vì thế, Giáo hội tại Á châu giữ một niềm kính phục sâu xa nhất đối với các truyền thống tôn giáo và văn hoá tại Á châu và tìm cách đối thoại chân tình với những người theo những tôn giáo đó.

- Giáo hội-nữ tỳ

Nét nổi bật thứ hai trong bức tranh về Giáo hội tại Á châu là sự khiêm tốn mà Giáo hội tại Á châu đang là và đang sống. Dù Tông huấn không minh nhiên dùng từ ngữ "nữ ty", nhưng một cách tiềm ẩn trong luận lý, Giáo hội tại Á châu muốn mình là là một Giáo hội-nữ tỳ (Ecclesia-ancilla). Giáo hội tại Á châu, tiên vàn muốn mình là Giáo hội-nữ tỳ của Thiên Chúa Ba Ngôi và cũng là Giáo hội nữ tỳ của các dân tộc Á châu. "Nữ ty" là tiếng nói của Ðức Maria khi thân thưa với thiên thần trong biến cố Ngôi Lời nhập thể (Lc 1, 38) và là tiếng nói bộc lộ phận nhỏ của người nghèo của Giavê. Giáo hội tại Á châu muốn mình sống như là Giáo hội nữ tỳ khi mang lấy hình ảnh của Ðức Maria nhìn nhận thân phận nhỏ bé và nghèo nàn của mình trong biến cố truyền tin, nhưng lại được Thiên Chúa đoái thương và thực hiện những điều kỳ diệu (Lc 1, 49), nhà truyền giáo đầu tiên khi đon đả đem Chúa đến cho vị Tiền Hô còn trong dạ mẹ, khi phục vụ tận tình và nhiều ngày cho Elizabeth (Lc 1, 56), nhà chiêm niệm trong biến cố dâng Con tại Ðền thờ (Lc 2, 5i), người phụ nữ có một tâm hồn rất tế nhị, quan tâm tới nhu cầu của đôi tân hôn tại Cana và cầu nguyện cho họ (Ga 2, 3) và nhất là người Phụ nữ can trường trước thử thách khi đứng gần thập gia Chúa Giêsu ( Ga 19, 25)
3- Linh đạo truyền giáo mang nét Á châu :

Chủ đề củaThượng hội đồng đã được Ðức Thánh Cha chọn nhằm quy hướng về Ðức Giêsu như trái tim của đời sống Giáo hội và cũng nói lên thao thức của ngài về công cuộc truyền giáo cho các dân Á châu để đem lại cho họ sự sống phong phú mà Ðức Giêsu, vị Mục tử nhân lành đã hứa ban ( Ga 10, 10 )

Một thách đố lớn đối với việc Phúc âm hoá của Giáo hội tại Á châu là làm thế nào cho Kitô giáo gặp gỡ những nền văn hoá và tôn giáo địa phương có từ lâu mà đặc điểm của những tôn giáo này đều rõ rệt là cứu nhân độ thế ?

Nhưng khi nhìn bức tranh chung về Á châu, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng trước một mầu nhiệm là tại sao Ðấng Cứu thế sinh ra tại Á châu mà cho tới ngày nay phần lớn dân lục địa này vẫn không biết Người ?

Tông huấn cho thấy Thượng hội đồng các giám mục Á châu là một cơ hội quan phòng của Thiên Chúa đối với Giáo hội tại Á châu, một cơ hội vừa để cho Giáo hội tại Á châu suy nghĩ kỹ về huyền nhiệm này vừa để cho Giáo hội tại Á châu tái cam kết thi hành sứ mạng làm cho mọi người Á châu biết rõ Chúa Kitô hơn ( s. 2 ). Thượng hội đồng còn là cơ may để cho Giáo hội tại Á châu nhận ra những truyền thống và các nền văn hóa thuộc các tôn giáo lâu đời, những triết lý thâm sâu và sự khôn ngoan đã làm cho Á châu được như ngày nay ( s. 4 ).

Khi đề cập đến viễn cảnh truyền giáo tại Á châu, Ðức Thánh Cha dành ưu tiên cho việc Phúc âm hoá :

"Nếu Giáo hội tại Á châu phải hoàn thành vận mệnh quan phòng của mình, thì việc Phúc âm hoá, nghĩa là một sự rao giảng vui tươi, nhẫn nại và tiệm tiến cái chết và Phục sinh cứu độ của Ðức Giêsu Kitô, phải là một ưu tiên tuyệt đối với các hiền huynh " ( s. 2 ).

Ở đây, Ðức thánh Cha vừa nói đến nội dung của việc rao giảng vừa nói đến cung cách rao giảng mang nét Á châu : rao giảng vui tươi, nhẫn nại và tiệm tiến.

Ngài nghĩ đến Á châu như vùng đất hứa hẹn cho công cuộc truyên giáo trong thiên niên kỷ thứ ba :

"Cùng với Giáo hội toàn cầu, Giáo hội tại Á châu sẽ bước qua ngưỡng cửa ngàn năm thứ ba [. ] cũng như trong ngàn năm thứ nhất, Thánh Giá được cắm trên đất Âu châu, rồi trong ngàn năm thứ hai được cắm trên đất Mỹ châu và Phi châu, thì chúng ta có thể cầu xin cho trong ngàn năm thứ ba của Kitô giáo một mùa gặt đức tin sẽ được bội thu trong lục địa rộng lớn và quan trọng này" ( s. 1 )

a) Rao giảng trong khiêm tốn.

Không thể có Phúc âm hoá thực sự mà không có loan báo công khai về Ðức Giêsu là Chúa ( s. 19 ). Ðây là điều hiển nhiên và thuộc bản chất của việc loan báo Chúa Kitô. Nhưng một vấn đề lớn đang giáp mặt với Giáo hội tại Á châu là làm sao chia sẻ với các anh chị em tại Á châu chứng tá về những gì chúng ta tích trữ như là một ân huệ chứa đựng tất cả các ân huệ khác, đó là Tin mừng của Ðức Giêsu Kitô. ( s. 19 ). Giáo hội tại Á châu không bao giờ mỏi mệt trước sự thúc bách này.

Tuy nhiên, sự cam kết rao giảng Tin mừng của Ðức Giêsu Kitô không bị thúc đẩy bởi óc bè phái, cũng không phải bởi tinh thần chiêu mộ tín đồ, cũng không phải bởi cảm thức trịch thượng nào. Giáo hội rao giảng Tin mừng vì vâng lời Chúa Kitô, vì biết rằng mọi người có quyền nghe Tin mừng Thiên Chúa, Ðấng mạc khải và hiến mình trong Chúa Kitô ( s. 20 ). Nhưng Giáo hội làm việc này với tất cả lòng khiêm tốn và trong tinh thần kính trọng kẻ khác.

Hầu như trong các chương, chúng ta đều tìm thấy ý tưởng liên hệ đến vấn đề truyền giáo dưới nhiều khía cạnh khác nhau : chủ thể, đối tượng, nội dung, hoàn cảnh, động lực thúc đẩy và sứ mạng của mọi người : chủ chăn, linh mục, tu sĩ, giáo dân, gia đình.

Ðức thánh Cha đã nêu lên việc nhiều giám mục Á châu nhắc đến các khó khăn khi rao giảng Chúa Giêsu như vị Cứu thế duy nhất. Ðây là một sự thực trong bối cảnh Á châu. Quả thực, sự cố gắng chia sẻ ơn đức tin vào Ðức Giêsu như là Ðấng Cứu Thế duy nhất gặp đầy dẫy những khó khăn về phương diện triết học, văn hoá và thần học, đặc biệt trong ánh sáng của những niềm tin của các tôn giáo lớn tại Á châu đan kết sâu xa với các giá trị văn hoá và những cái nhìn riêng biệt về thế giới ( s. 20 ). Tuy nhiên, chính những khó khăn này lại mời gọi Giáo hội tại Á châu suy tư về cung cách rao giảng Tin mừng với tất cả lòng khiêm tốn và phó thác.
b) Loan báo Ðức Giêsu với khuôn mặt Á châu cho người Á châu :

Ðức thánh Cha đưa ra một nhận xét của các nghị phụ tại Thượng Hội đồng về tâm trí quần chúng Á châu khi họ nhìn Ðức Giêsu như sau :

"Ðức Giêsu thường bị coi là xa lạ với Á châu. Thật là nghịch lý khi đại đa số người Á châu có khuynh hướng coi Ðức Giêsu, một người sinh ra trên chính mảnh đất Á châu, là một người Tây phương hơn là một người Á châu" (s. 20)
Từ nhận định này, Tông huấn đề nghị Giáo hội tại Á châu suy nghĩ lại về cách thức loan báo Ðức Giêsu với khuôn mặt Á châu cho người Á châu.

Trước hết, việc trình bầy Ðức Giêsu Kitô là Ðấng Cứu độ duy nhất, cần phải theo khoa sư phạm, từng bước đưa dân chúng vào chấp nhận đầy đủ mầu nhiệm Phương pháp sư phạm cho người Á châu là phương pháp tiệm tiến, từng bước và đòi sự kiên nhẫn.

Giáo hội tại Á châu ý thức sâu xa về tính phức tạp của rất nhiều hoàn cảnh tại Á châu, nhưng vì sứ mạng đòi Giáo hội phải "nói sự thật trong bác ái" ( Ep 4, 15 ), nên Giáo hội loan báo Tin mừng với lòng kính trọng đầy yêu thương đối với thính giả của mình, những người Á châu ( s.20 ).

Sự kính trọng người khác và đặc biệt đối với bậc đàn anh là một nét độc đáo của truyền thống Á châu. Vì thế, chúng ta không được quên nét Á châu này khi rao giảng Tin mừng cho những người đàn anh Á châu của chúng ta. Kính trọng và yêu thương thính giả là bước đầu tiên trong cung cách loan báo Tin mừng mang nét Á châu. Nhưng sự kính trọng không loại bỏ sự cần thiết phải rao giảng công khai Tin mừng cách đầy đủ, cách riêng trong bối cảnh nhiều nền văn hoá và tôn giáo tại Á châu ( s. 20 )

Sự kính trọng và yêu thương thính giả được tiếp nối bằng bước thứ hai đó là nhà truyền giáo phải lưu tâm đến hoàn cảnh người nghe, để có thể cống hiến một sự loan báo tương xứng với trình độ chín mùi của người nghe, và qua một hình thức và ngôn ngữ xứng hợp nữa. Trong viễn tượng này, Tông huấn nhắc đến việc các nghị phụ Thượng hội đồng nhấn mạnh đến nhu cầu rao giảng cách nào có thể lôi cuốn tính nhạy cảm của người dân Á châu.

Phương pháp rao giảng để có thể lôi cuốn tính nhạy cảm của người Á châu được các nghị phụ Thượng hội đồng đề nghị, các ngài ý thức rất rõ về nhu cầu khẩn thiết của Giáo hội tại Á châu muốn trình bầy mầu nhiệm Chúa Kitô cho các dân tộc mình, theo những kiểu mẫu văn hoá và cách suy nghĩ của họ ( s. 20 )

Tông huấn đã đề cập đến những gợi ý của các nghị phụ là khi giới thiệu về Ðức Giêsu thì cần nêu lên những hình ảnh của Ðức Giêsu có thể hiểu được theo tâm thức và văn hoá Á châu, và đồng thời đúng với Kinh thánh và Truyền thống. Trong những hình ảnh đó có những hình ảnh dễ hiểu được theo tâm thức và văn hoá Á châu, chẳng hạn như " Ðức Giêsu là thầy dậy sự khôn ngoan, là thầy thuốc chữa bệnh, là Ðấng giải phóng, là vị lãnh đạo siêu phàm, là vị thiên cảm, là người bạn giầu lòng thương kẻ nghèo, là người Samaritanô nhân hậu, là Ðấng chăn chiên lành, là Ðấng biết vâng phục" ( s. 20 ).

Những hình ảnh trên đây rất gần gũi với tâm hồn Á châu, với văn hoá Á châu, với con người Á châu. Giữa nhiều đau khổ các dân tộc Á châu phải gánh chịu, Ðức Giêsu có thể được rao giảng tốt nhất như là Ðấng Cứu Thế ( s. 20 )

Tông huấn nói lên xác tín của các nghị phụ là chỉ bằng việc hội nhập đức tin như thế trên địa lục Á châu, cuộc hội nhập gồm việc tái khám phá khuôn mặt Á châu của Ðức Giêsu và việc tìm ra những phương cách để các nền văn hoá Á châu có thể nắm bắt ý nghĩa phổ quát cứu độ của mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo hội Người, Giáo hội tại Á châu mới có thể rao giảng về Ðức Kitô một cách có hiệu quả cho người Á châu ( s.20 )

c) Giáo hội của người nghèo và cho người nghèo :

Á châu là một lục địa mà đại đa số là người nghèo, cho nên, ta không ngạc nhiên gì khi Tông huấn nhấn mạnh đến việc phục vụ người nghèo qua việc đề cao Mẹ Têrêxa Calcutta :" Mẹ là hình ảnh của sự phục vụ mạng sống mà Giáo hội đang dâng hiến tại Á châu, can đảm đi ngược lại nhiều quyền lực đen tối đang hoành hành trong xã hội " ( s. 7 ).

Ơn gọi đặc thù của Giáo hội tại Á châu, với đông dân nghèo và bị áp bức, là bầy tỏ cách riêng trong việc phục vụ đầy tình yêu đối với các người nghèo và người cô thế cô thân ( s. 32)

Trong bối cảnh Á châu, nơi mà dân chúng được thuyết phục do đời sống thánh thiện hơn là do luận chứng tri thức, vì vậy hình thức chứng tá thứ nhất là chính đời sống của vị thừa sai, của gia đình Kitô hữu, và của cộng đồng Giáo hội địa phương ( s. 42 ). Trong mọi trường hợp, không thể có rao giảng Tin mừng đích thực nếu người Kitô hữu không sống chứng tá phù hợp với lời rao giảng và sứ vụ rao giàng. Người Kitô hữu nói về Chúa Kitô thì phải thấm nhuần sứ điệp mà họ rao giảng vào đời sống mình.

Người ta đễ tin hơn tình liên đới với kẻ nghèo, nếu chính những Kitô hữu sống đơn sơ, theo gương Ðức Giêsu. Sự đơn sơ trong cách sống, đức tin sâu xa và tình yêu không giả dối đối với mọi người, nhất là người nghèo và người bị loại trừ, đó là những dấu chỉ Tin mừng trong hành động. Các nghị phụ thượng hội đồng kêu gọi người công giáo Á châu tiếp nhận một cuộc sống đúng với giáo huấn Tin mừng để có thể phục vụ tốt hơn trong việc truyền giáo của Giáo hội và để chính Giáo hội có thể trở nên một Giáo hội của người nghèo và cho người nghèo ( s.34 )

Một cách cụ thể, Giáo hội tại Á châu cam kết dấn thân trong việc chăm sóc sức khoẻ, bởi vì đây là một phần quan trọng của sứ mạng Giáo hội, là hiến dâng ân sủng cứu độ của Chúa Kitô cho con người toàn diện ( s. 36 )

d) Trường học chiêm niệm

Qua kinh nghiệm tiếp xúc của Ðức Thánh Cha với các vị đại diện các truyền thống thiêng liêng không Kitô giáo, nhất là tại Á châu, ngài viết :"Tương lai của việc truyền giáo tại Á châu tùy thuộc phần lớn vào việc chiêm niệm"

Tại Á châu, quê hương của các tôn giáo lớn, nơi mà các cá nhân cũng như toàn dân khao khát cái thiêng thánh, Giáo hội được kêu gọi trở nên một Giáo hội cầu nguyện. Tất cả các Kitô hữu cần một tu đức truyền giáo thực sự gồm có cầu nguyện và chiêm niệm ( s. 23 )

Ðức thánh Cha ghi nhận rằng các nghị phụ Thượng Hội đồng đã nhấn mạnh nhiều đến chỗ đứng của chiêm niệm trong truyền giáo :: " Việc công bình, bác ái và thương xót phải gắn bó mật thiết với đời sống cầu nguyện và chiêm niệm đích thực, và thật vậy, chính cũng một tu đức này là nguồn suối của mọi công trình rao giảng Tin mừng của chúng ta" ( s. 23 )

Cuối cùng, Ðức thánh cha đưa ra nhận định riêng của ngài như sau : "Việc loan truyền Tin mừng cứu độ muốn có được nhiều hoa trái tại Á châu, và chỉ có thể xẩy ra, nếu các giám mục, hàng giáo sĩ, những người sống đời thánh hiến và giáo dân, cháy nóng bằng tình yêu Chúa Kitô và ao ước làm cho Người được biết cách rộng rãi hơn, được yêu cách sâu xa hơn, và được theo cách gần gũi hơn" ( s. 23 )

e) Ðón nhận và cho đi :

Cũng như mọi cuộc gặp gỡ đều để lại nơi tâm hồn hai người gặp nhau những gì cho đi và những gì nhận lãnh, cuộc gặp gở giữa Kitô giáo và các nền văn hoá cũng như vậy. Ðây là tiến trình hội nhập văn hoá. Tông huấn đưa ra một "định nghĩa" về văn hoá như sau :

" Văn hoá là không gian quan trọng trong đó con người đến với Tin mừng, mặt giáp mặt, đúng như văn hoá là thành quả của sự sống và hoạt động của một nhóm người, thì con người nào thuộc nhóm đó cũng được uốn nắn trong phạm vi rộng rãi bởi nền văn hoá trong đó họ đang sống. Vì con người và xã hội thay đổi, nền văn hoá cũng bị thay đổi theo. Vì văn hoá biến đổi, nên con người và xã hội cũng biến đổi theo nó. Từ viễn ảnh này, ta thấy rõ ràng việc Phúc âm hoá và hội nhập văn hoá liên hệ với nhau cách tự nhiên và mật thiết" ( s. 21 )

Tin mừng gặp gỡ không gian sống của con người tức là văn hoá. Văn hoá và con người liên hệ mật thiết với nhau. Nền văn hoá nào, con người ấy, con người nào, nền văn hoá ấy. Tin mừng đến với con người nào thì cũng đến với nền văn hoá ấy.

Văn hoá bao trùm cả cuộc sống. Văn hoá không chỉ giúp ta hiểu chúng ta sống thế nào nhưng còn cho ta nhận ra ta là ai. Văn hoá bao gồm lịch sử, tính chất chủng tộc, những suy nghĩ về liên hệ gia đình, gia đình gồm những ai, những quan niệm Thượng đế, về thần thánh, cách tôn thờ và cách diễn tả tâm tình tôn giáo, quan niệm về thế giới hiện tại và mai sau, về con người, về nhân sinh, lễ mừng ra sao, đồ ăn, tiếng nói, cách diễn đạt, nghệ thuật, âm nhạc, kiến trúc, vv.

Mổi người sinh ra trong một môi trường văn hoá và học cách cư xử theo cách văn hoá đó từ bậc đàn anh. Chúng ta được đúc theo khung văn hoá. Sống ở đâu là mang tính chất văn hoá ở đó. Tính chất văn hoá đó không tách rời khỏi ta được. Nó làm nên cái cốt lõi của ta. Văn hoá được sống động và diễn đạt qua các truyền thống. Cùng một biến cố có thể được nhận thức rất khác nhau bởi hai người thuộc nền văn hoá khác nhau

Trong quá trình gặp gỡ các nền văn hoá khác của thế giới, Giáo hội không những truyền sang các chân lý và những giá trị của mình và đổi mới các nền văn hoá từ bên trong, nhưng Giáo hội cũng tiếp thu từ các nền văn hoá khác nhau những yếu tố tích cực có sẵn trong các nền văn hoá đó. Ðó là tiến trình đón nhận và cho đi của việc Phúc âm hoá. Ðó là con đường bắt buộc cho những nhà rao giảng Tin mừng khi trình bầy đức tin Kitô giáo. Tông huấn đưa ra kết luận cho linh đạo truyền giáo này như sau :

" Nhờ hội nhập văn hoá mà Giáo hội, về phần mình, đã trở nên một dấu chỉ dễ hiểu hơn về bản tính của mình và trở nên một dụng cụ hữu hiệu hơn cho việc truyền giáo" ( s. 21 )

Khi trao cho kẻ khác Tin mừng cứu rỗi, Giáo hội cố gắng tìm hiểu nền văn hoá của họ, Giáo hội tìm hiểu tâm trí kẻ nghe, các giá trị và tập quán của họ, các vấn đề và những khó khăn của họ, những hy vọng và những ước mơ của họ. Ðể bước đi trên con đường "đón nhận và cho đi " này, Tông huấn nhắc nhở các nhà truyền giáo hãy khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa và những hạt giống của Lời Chúa trong các nền văn hoá mà họ được sai đền. ( s. 21 )

f) Lắng nghe, đối thoại và tiếp xúc :

Tiếp xúc, đối thoại và hợp tác với những kẻ theo các tôn giáo khác là một trách nhiệm mà Công đồng Vatican II trối lại cho toàn thể Giáo hội như là một bổn phận và một thách đố ( s. 31 )

Giáo hội tại Á châu phải cam kết thực hành những liên hệ đại kết và đối thoại liên tôn, phải công nhận rằng sự hiệp nhất, việc cỗ võ sự hoà giải, tạo ra những sợi dây liên đới, đề xướng đối thoại giữa các tôn giáo và văn hoá, tẩy chay những thành kiến và làm phát sinh sự tin tưởng giữa các dân tộc, tất cả cần cho sứ mạng rao giảng Tin mừng tại Á châu ( s. 24 )

Tông huấn nêu lên việc các nghị phụ Thượng Hội đồng nhấn mạnh về sự cần thiết phải đối thoại bằng cuộc sống và con tim. Ðối thoại bằng cuộc sống đòi hỏi có những tiếp xúc thân thiện, kính trọng, yêu thương và hợp tác với nhau. Ðối thoại bằng con tim đòi hỏi các môn đệ Chúa Kitô phải có tấm lòng hiền lành và khiêm nhường của Thầy mình, không bao giờ tỏ ra kiêu căng, không bao giờ thoả hiệp, khi gặp những người bạn mình trong cuộc đối thoại ( s. 31 )

Ðối thoại để đi đến tiếp xúc. Những liên hệ và những cuộc tiếp xúc liên tôn chỉ có thể phát triển tốt nhất trong khung cảnh cởi mở với những tín hữu khác, trong khung cảnh muốn nghe, muốn kính trọng và hiểu biết kẻ khác với các sự khác biệt của họ. Ðể đạt tới tất cả những điều đó, cần phải thương yêu kẻ khác. Sự kiện này đưa tới hợp tác, hài hoà và làm giầu cho nhau ( s. 31 )

Hiệp thông và đối thoại là hai phương diện thiết yếu của sứ mạng Giáo hội. Cuối cùng, Tông huấn đã chiêm ngưỡng khuôn mẫu của việc sống sứ mạng này trong mầu nhiệm khôn tả của Thiên Chúa Ba ngôi ( s. 32 )

4 - Những đề nghị của các nghị phụ được cụ thể hoá trong tông huấn :

Từ bức họa về Chúa Giêsu, Giáo hội và viễn cảnh của linh đạo truyền giáo trong Tông huấn, chúng ta hãy nhìn vào những đề nghị cụ thể của các nghị phụ Thượng hội đồng được Ðức Thánh Cha giữ lại trong Tông huấn :

a) Việc dậy giáo lý :

Thượng hội đồng đề nghị về việc dậy giáo lý phải theo một khoa sư phạm có tính gợi ý, sử dụng những câu truyện, những dụ ngôn và những ký hiệu có đặc tính phương pháp Á châu khi giảng dậy ( s. 20 )

b) Thể hiện tình liên đới giữa các Giáo hội địa phương tại Á châu :

Các nghị phụ Thượng hội đồng đề nghị những bước đi cụ thể để gia tăng các liên hệ giữa các Giáo hội địa phương tại Á châu ( s. 26 ) )như sự phân chia các linh mục, liên đới tài chính, trao đổi văn hoá và thần học và tăng thêm những dịp thông hiệp giữa các giáo phận.

c) Gặp gở đại kết :

Thượng hội đồng đề nghị các Hội đồng giám mục quốc gia tại Á châu mời những Giáo hội Kitô giáo khác họp nhau trong một quá trình cầu nguyện và tham khảo, để thăm dò những khả năng tạo ra cấu trúc và hiệp hội đại kết cổ võ cho sự hiệp nhất Kitô giáo.
d) Ðào tạo đại kết :

Việc đào tạo đầy đủ cho đối thoại đại kết cần phải được đem vào chương trình đào tạo tại các chủng viện và những thể chế giáo dục ( s. 29 )

e) Bênh vực quyền phụ nữ

Thượng hội đồng đề nghị rằng, nơi nào có thể được, các Giáo hội địa phương tại Á châu phải cổ võ những hoạt động vì quyền lợi con người để bênh vực người phụ nữ. Nhờ hiểu rõ hơn vai trò của người nam và người nữ trong gia đình, trong xã hội, trong Giáo hội, nhò hiểu biết hơn về sự bổ túc nguyên thủy của người nam và người nữ, nhờ sự đánh giá cao hơn về tầm quan trọng của chiều kích nữ tính trong mọi lãnh vực con người, mục đích phải là mang lại một sự thay đổi thái độ đối với người phụ nữ ( s. 34 )

Những đóng góp của người nữ cũng thường bị hạ giá hay không được biết tới, và điều này đưa tới kết quả là sự nghèo nàn tinh thần của nhân loại. Giáo hội tại Á châu phải đề cao phẩm giá và sự tự do của người nữ một cách cụ thể thấy được và hữu hiệu, bằng cách khích lệ và thăng tiến vai trò của họ trong đời sống Giáo hội, gồm có sự sống tinh thần của họ và bằng cách mở ra cho họ những cơ hội tốt hơn, để họ hiện diện và hoạt động trong sứ mạng tình yêu và phục vụ của Giáo hội. ( s. 34 )

Kết luận

Qua những mối bận tâm lớn mang tính kitô học và giáo hội học trong Tông huấn Giáo hội tại Á châu, Thượng hội đồng giám mục Á châu muốn Giáo hội tại Á châu phải là một Giáo hội cho Á châu, giới thiệu khuôn mặt Á châu của Ðức Giêsu cho người Á châu, loan báo Tin mừng Ðức Giêsu Kitô theo cách thế Á châu cho người Á châu,. Giáo hội tại Á châu phải hiểu biết bối cảnh Á châu, hồn Á châu để phục vụ ơn cứu rỗi cho con người Á châu. Giáo hội tại Á châu sẽ là một Giáo hội hiệp thông và đối thoại để truyền giáo theo khuôn mẫu Thiên Chúa Ba ngôi.


Trở về Trang Mục Lục Giáo Hội
Trở Về Trang Nhà