GIỚI THIỆU TÔNG HUẤN GAUDETE ET EXULTATE

 

Để đánh dấu năm thứ sáu ngày khai mạc sứ vụ kế vị thánh Phêrô (19/3/2013-18), Đức Thánh Cha đã ban hành tông huấn Gaudete et exsultate (GE) “bàn về ơn gọi nên thánh trong thế giới hôm nay”. Văn kiện này được giới thiệu với báo chí trong cuộc họp báo vào thứ hai 9/4/2018, đại lễ Truyền tin.

Trước khi đi vào nội dung, thiết tưởng nên nói qua đôi lời về hình thức pháp lý của văn kiện. Trong hệ trật các giáo huấn của giáo hoàng, đứng đầu là các “thông điệp” (encyclica), kế đến là các “tông huấn” (adhortatio apostolica), và tông thư (littera apostolica). Cho đến nay, đức đương kim giáo hoàng đã ban hành một thông điệp (Laudato si, không kể Lumen fidei viết chung với vị tiền nhiệm) và hai tông huấn (Evangelii gaudium, Amoris laetitia). Đây là tông huấn thứ ba. Không nói ai cũng đoán được, nhiều văn kiện mang tính cách rất chuyên môn (thí dụ Laudato si đụng đến các vấn đề kỹ thuật liên quan đến môi trường) cần nhờ chuyên viên soạn, và Đức Thánh Cha hầu như chỉ đặt bút ký; ngoài ra, các tông huấn “hậu thượng hội đồng” còn phải lưu ý đến các phát biểu và kiến nghị của các nghị phụ. Dù sao, “xem văn thì biết người”: văn phong của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI (trong thông điệp Lumen fidei) khác hẳn với cách hành văn của tông huấn đang bàn. Tông huấn này mang đậm tư tưởng của đức đương kim giáo hoàng, đã được đề cập khi còn là giám tỉnh Dòng Tên và giám mục ở Argentina.[1] Lẽ ra nên gọi “tông thư” thì đúng hơn, bởi vì ở nhiều nơi, tác giả ra như muốn đối thoại trực tiếp với người đọc ở ngôi thứ hai (“Bạn thân mến…”, x. GE 4-5; 10-14; 23-25; 32 vv). Trong bài viết này, chúng tôi muốn giới thiệu tổng quan văn kiện, qua việc trình bày sự liên lạc giữa các tư tưởng, cũng như những nguồn mạch quy chiếu.

Tại sao phải viết tông huấn này? Có lẽ bởi vì khi chọn danh hiệu Phanxicô, Đức Giáo hoàng theo gương vị thánh này muốn “sửa sang nhà Chúa”; nhưng việc tái tạo này chỉ có thể thực hiện được khi các phần tử trong Giáo hội đón nhận lời mời gọi nên thánh, chứ không an phận với nếp sống lừng khừng. Dù sao, cần phải đánh tan một ngộ nhận. Trong văn kiện này, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng việc nên thánh không phải là một chuyện cao siêu phi thường, nhưng được thực hiện trong cuộc sống hằng ngày; tuy nhiên, không có đường nên thánh rẻ tiền, bởi vì nó đặt ra nhiều yêu sách, cụ thể qua việc sống tám mối phúc thật. Tất cả chúng ta đều dư biết rằng việc thực hành các mối phúc không dễ dãi tí nào! Dù sao, tông huấn này không có tham vọng trình bày một thủ bản thần học về sự thánh thiện Kitô giáo nhưng chỉ muốn vạch ra vài thách đố cho việc nên thánh trong thời buổi hôm nay (GE 2).

BỐ CỤC

Văn kiện gồm 177 số, được phân phối trong năm chương :

I. Tiếng gọi nên thánh (số 3-34).

II. Hai kẻ thù tinh vi của sự thánh thiện (số 35-62).

III. Dưới ánh sáng của Thầy (số 63-109).

IV. Vài đặc trưng của sự thánh thiện trong thế giới hiện nay (số 110-157).

V. Chiến đấu, tỉnh thức, phân định (số 158-177).

Chương Một nhắc lại ơn gọi nên thánh dành cho tất cả mọi Kitô hữu (việc nên thánh không phải là đặc ân dành riêng cho một số ít người). Chương Hai tố giác hai kẻ thù tinh vi của sự thánh thiện mang danh là “ngộ giáo” và “pelagiô”. Chương Ba trình bày con đường nên thánh qua việc thực hành các mối phúc thật. Chương Bốn kể ra năm đặc trưng của sự thánh thiện, và có thể coi như một áp dụng của chương Ba vào những hoàn cảnh thời nay. Trên thực tế, hai chương Ba và Bốn dài nhất, chiếm một nửa văn kiện, và là phần quan trọng nhất. Chương Năm đề cập đến ba thái độ cần có trong việc nên thánh.

**************************

chương một

TIẾNG GỌI NÊN THÁNH

Công đồng Vaticanô II, trong chương Năm của Hiến chế tín lý về Hội thánh, đã đề cập đến “ơn gọi phổ quát nên thánh”.[2] Tông huấn tìm cách diễn tả ý tưởng ấy với những thuật ngữ tương đương : sự thánh thiện của “giới trung lưu” (theo nghĩa là : phổ thông, bình dân),[3] để đánh tan ý tưởng sai lầm cho rằng việc nên thánh chỉ dành riêng cho một thiểu số (giai cấp quý tộc); hoặc : sự thánh thiện của “người hàng xóm” (GE 7), để nhắn nhủ ta hãy nhận ra chân dung các thánh ở nơi những con người chúng ta gặp hằng ngày (chứ không chỉ nơi các thánh đội hào quang trên trời).[4] Các thánh là những con người bất toàn, vẫn còn mang nhiều khuyết điểm, nhưng họ tiếp tục tiến bước, tìm cách làm đẹp lòng Chúa (GE 3). Thực vậy, sự thánh thiện đạt đến cách tiệm tiến, chứ không phải cách chớp nhoáng, và trong tổng thể đời sống chứ không chỉ giới hạn vào danh mục của vài nhân đức (GE 23-24). Một lưu ý không kém phần quan trọng là chúng ta nên thánh giữa lòng Dân thánh, tức là Giáo Hội : chúng ta không nên thánh cô đơn một mình (GE 6), tuy dù biết rằng có nhiều hình thức nên thánh, không ai giống ai, xét vì Chúa đã dành cho mỗi người một sứ mạng đặc thù (GE 11). Một hệ luận (như sẽ còn trở lại trong chương Hai) là chúng ta đừng vội xét đoán các cấp bậc cao thấp, tự coi mình hơn người khác, dựa theo một bậc thang do chính mình dựng lên.[5] Dù sao, chiều kích “cộng đồng” của việc nên thánh thúc đẩy chúng ta hãy ra khỏi bản ngã của mình, để gặp gỡ người khác, khuyến khích nâng đỡ nhau, nắm tay nhau trong cuộc lữ hành nên thánh (GE 87). Dĩ nhiên, chúng ta cũng được thôi thúc nhờ đoàn ngũ các chứng nhân, đoàn ngũ những kẻ vây quanh ta xét về không gian cũng như xét về thời gian (tức là những bậc cha ông trong đức tin, hiểu về cả hai phái nam và nữ).

Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận tác động của Thánh Linh bên ngoài biên cương của Hội thánh (GE 9). Thật vậy, Thiên Chúa hiện diện khắp nơi : chúng ta cần cố gắng khám phá sự hiện diện của Ngài, thay vì hạn chế tác động của Ngài (x. GE 41).[6]

Chương bốn sẽ trở lại với các đặc trưng của sự thánh thiện vào thời nay.


chương hai :

HAI KẺ THÙ TINH VI CỦA SỰ THANH THIỆN

Vừa rồi, chúng ta đã nghe tông huấn cảnh báo về một vài sự hiểu lầm liên quan đến con đường nên thánh. Bước sang chương Hai, văn kiện vạch mặt hai “kẻ thù” của sự thánh thiện. Hai nguy cơ này đã được Bộ Giáo lý Đức tin lưu ý hàng giám mục thế giới trong một bức thư đề ngày 22 tháng 2 vừa qua: đó là thuyết “tân ngộ giáo” (neo-gnosticismo) và “tân Pelagiô” (neo-pelagianismo).

Thực ra hai “lạc giáo” này đã được Đức Thánh Cha nói đến nhiều lần, ngay cả trước khi làm Giám mục Roma.[7] Văn kiện của Bộ Giáo lý Đức tin tìm cách giải thích nguồn gốc (khá phức tạp) của hai lạc giáo này vào thời các giáo phụ, và thú nhận rằng không thể móc nối trực tiếp với những lạc giáo thời nay.[8] Khi nói đến nguy cơ của “tân ngộ giáo” và “tân pelagio”, hai thuật ngữ này được hiểu theo nghĩa rộng chứ không theo nghĩa chặt của lịch sử. Chúng tượng trưng cho hai sai lầm thường gặp trong việc sống đạo, trên bình diện nhận thức (ngộ đạo) và trong lãnh vực ý chí (Pelagio).

1, Thuyết ngộ đạo.[9] Thuật ngữ này có thể hiểu theo nhiều nghĩa. Có thể hiểu như là thuyết chú trọng đến khía cạnh nhận thức trong tôn giáo: sự cứu độ hệ ở “ngộ” ra chân lý, chứ không cần đến giáo huấn bên ngoài. Trong lịch sử Kitô giáo, thuyết này cũng hiểu về chủ trương nhị nguyên (tinh thần thì thánh thiện, còn vật chất thì xấu xa), khước từ mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể, bởi vì họ cho rằng cái linh thiêng không thể nào chung đụng với cái vật chất tội lỗi. Tông huấn GE hiểu về những người nghĩ rằng sự thánh thiện nằm ở chỗ hiểu biết cao siêu. Từ đó, họ biến Kitô giáo thành một hệ thống tư tưởng, nhưng không quan tâm đến việc thực hành đức ái (GE 37; 41). Họ cũng xếp đặt các cấp độ thánh thiện dựa theo trình độ “ngộ” được chân lý, vì thế họ tự nghĩ rằng mình cao hơn những người khác, và có thẩm quyền phán đoán người khác. Thế nhưng họ lại thường quên những yêu sách của đức ái, những đòi hỏi phải phục vụ “thân xác” của Đức Kitô là những người nghèo đói cùng khổ (GE 37; 108).

2. Thuyết Pelagiô. Pelagio là tên của một đan sĩ sống vào thế kỷ V (360-420). Vào một thời kỳ phong hóa suy đồi, ông kêu gọi cố gắng chấn hưng kỷ luật qua các việc tu đức khổ chế. Tiếc rằng vì nhấn mạnh quá đáng đến nỗ lực của con người, ông giảm nhẹ vai trò của ân sủng, khiến cho thánh Augustinô phản ứng quyết liệt.

Tông huấn đặt tên Pelagio cho thái độ nhấn mạnh đến nỗ lực cá nhân, đến nỗi hầu như sự thánh thiện là kết quả của ý chí chứ không phải là ân sủng. Thế nhưng, sự thánh thiện là tác động của Thiên Chúa trong cuộc đời của chúng ta cũng như là sự hợp tác với Thánh Linh.

Một cách cụ thể, đó là thái độ bám víu vào luật lệ, bị ám ảnh bởi những thành công thắng lợi về chính trị xã hội, chú trọng đến sự hoành tráng bên ngoài, phô trương những hoạt động (GE 57). Họ muốn chất đầy đời sống đạo với những quy tắc luật lệ, quên đi nét đơn giản hấp dẫn của nó (GE 58). Thánh Tôma Aquinô đã lưu ý các nhà lãnh đạo Giáo hội đừng đặt ra quá nhiều mệnh lệnh khiến cho đời sống tín hữu ra nặng nề (GE 59).[10]

chương ba

DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA THẦY

Đây là trọng tâm của tông huấn, chỉ dẫn lộ trình nên thánh. Có lẽ vì muốn đặt ở “trọng tâm” cho nên tác giả xếp vào chương Ba (nghĩa là nằm ở giữa một bản văn gồm năm chương), đang khi có lẽ nên đặt ngay từ chương Hai.

Đâu là con đường nên thánh? Câu trả lời có thể tìm nơi tám mối phúc thật (GE 63). “Phúc” (hạnh phúc) và “Thánh” đồng nghĩa với nhau, bởi vì diễn tả con người đã đạt tới hạnh phúc vì đã trung thành với Thiên Chúa, hiến thân phụng sự Chúa (GE 64). Thiết tưởng nên nhắc lại điều nhận xét của các giáo phụ ‒được Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo lấy lại ở các số 1716-1717)‒, đó là: các mối phúc thật không chỉ là tóm lược các lời giảng của Thầy Giesu nhưng nhất là chúng phác họa dung mạo của Chúa Giêsu. Nói khác đi, việc nên thánh không chỉ là tuân giữ lời dạy của Thầy Giêsu nhưng còn là chiêm ngắm và kết hợp với Người. Nói ngược lại cũng đúng: nếu ai muốn đi theo Thầy Giêsu thì hãy thực hành chương trình sống mà Người đã vạch ra, chứ đừng nên chỉ nhìn ngắm rồi bỏ đó (GE 97). Mặt khác, chúng ta cũng đừng quên những lời nhắn nhủ vừa nói ở chương trước: đường nên thánh không phải là ngọn núi mà ta gắng sức leo trèo; cần đến ân sủng của Chúa nữa. Đức Kitô không chỉ là một Thầy dạy (hoặc nhà lập luật), nhưng còn là Đấng dẫn ta đi bằng ân sủng.

Trong chương này, Đức Thánh Cha giải thích từng mối phúc và áp dụng vào những hoàn cảnh cụ thể,[11] dưới lăng kính của truyền thống tâm linh Kitô giáo (GE 69-94). Bản văn chính là Mt 5,3-12, nhưng cũng được đối chiếu với Lc 6,20-23.

1) Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.

Nghèo khó trong tinh thần không chỉ được hiểu về thái độ đối với tài sản vật chất, mà còn là thái độ tự do về tinh thần, “dửng dưng” đối với mọi tình huống xảy ra (tư tưởng của thánh Inhaxio: “santa indifferenza” (GE 69). Nghèo khó cũng có nghĩa là chấp nhận một lối sống khắc khổ đạm bạc.

2) Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Hứa làm gia nghiệp.

Hiền lành là bình thản chấp nhận những khuyết điểm của tha nhân. Cần giữ thái độ hiền lành ngay cả khi phải cương quyết bảo vệ đức tin và chân lý. Tiếc thay, trong quá khứ, nhiều lần Giáo Hội đã quên lời dạy của Thầy về đức hiền lành và khiêm tốn (Mt 11,29). (GE 73)

3) Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

Chân phúc này được liên kết với ơn nước mắt, đặc biệt khi chia sẻ những thống khổ của tha nhân.

4) Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.

Công chính có nghĩa là trung thành với ý Chúa. Công chính cũng được hiểu là công lý (hoặc công bình) mà ta khao khát thực hiện cho những người yếu kém. Tiếc rằng chúng ta thường trở thành đồng lõa với bất công khi bị lôi cuốn vào nạn tham nhũng (GE 78).

5) Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

Chúng ta biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa qua việc trao ban và tha thứ

6) Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

Trái tim trong sạch khi yêu mến Chúa và tha nhân thật tình, chứ không chỉ bằng môi mép.

7) Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Xây dựng hòa bình kể cả bằng lời nói, ít là không nói xấu người khác.

8) Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.

“Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời rất lớn lao(Mt 5,3-12). Bị bách hại vì sống công chính có nghĩa là sống theo lý tưởng, chứ không lê thê kéo dài cuộc đời tầm thường. Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta là không dễ gì sống tám mối phúc, bởi vì không chỉ vì những yêu sách của nó trái ngược với tính ươn lười của ta, nhưng bởi vì khung cảnh xã hội hiện nay hầu như đi ngược với tinh thần ấy.

Đường nên thánh Kitô giáo cũng cần liên kết với chương 25 của Tin mừng thánh Matthêu (câu 31-46), kêu gọi cứu giúp những người thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nơi nương tựa, thiếu tự do (GE 95-109). Vào thời nay, đó là những người di dân, những người bị gạt bỏ, những hình thức nô lệ mới, vv. Việc thờ phượng Chúa không thể nào tách rời khỏi các công việc bày tỏ lòng thương xót.

Có lẽ không phải là thừa khi nhắc lại rằng những lời kết thúc “tuyên ngôn bát phúc” đã được dùng làm lời mở đầu cho tông huấn: “Anh em hãy vui mừng và hớn hở” (Gaudete et exultate).

chương bốn

VÀI ĐẶC TRƯNG CỦA SỰ THÁNH THIỆN TRONG THẾ GIỚI HIỆN NAY

Trong chương này, Đức Thánh Cha trình bày vài đặc tính của sự thánh thiện trong thế giới hiện nay, và ngài liệt kê “năm cách diễn tả tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân” được xem là quan trọng xét trong những nguy cơ và giới hạn của văn hóa ngày nay (GE 111). Thật vậy, văn hóa thời đại tỏ ra náo động và bạo hành; tiêu cực và buồn bã; lãnh đạm ích kỷ; cá nhân chủ nghĩa; đạo đức giả. Vì thế việc nên thánh cần phải đáp trả lại các thách đố ấy.

1) Đặc trưng thứ nhất là kiên nhẫn, bền chí và hiền lành. Cần phải chống lại những bản năng hung hăng và kiêu căng (GE 114). Tính bạo động cũng có thể diễn ra qua những lời lẽ công kích trên các phương tiện truyền thông (GE 115). Khiêm tốn là một đặc tính của thánh nhân, con người có trái tim đã được Chúa Kitô giao hòa, giải thoát khỏi bản tính hung hãn là biểu hiện của một bản ngã tự cao tự đại. Khiêm tốn có thể là chịu đựng những sự sỉ nhục, có thể là không khoe khoang nhưng biết nhún nhường ca ngợi điều hay của tha nhân (GE 119). Phần nào đặc trưng này khai triển chân phúc dành cho kẻ hiền lành và xây dựng hòa bình nói ở chương trước.

2) Đặc trưng thứ hai là vui tươi và tính khôi hài. Sự thánh thiện không đồng nghĩa với buồn rầu, hay một bộ mặt ủ rũ (GE 122). Người khó tính không phải là dấu hiệu của sự thánh hiện. Trái lại, thánh nhân là người biết sống vui tươi, và tính khôi hài, nhờ vậy mà họ khích lệ tha nhân với niềm hy vọng (GE 122). Chúa muốn cho ta sống tích cực, với lòng biết ơn, và không cầu kỳ (GE 127). Điều này không làm chúng ta quên đi chân phúc dành cho người sầu khổ kèm theo ơn nước mắt, đã nói trong chương trước.

3) Đặc trưng thứ ba là can đảm và hăng say. Việc nhìn nhận mình mỏng dòn yếu ớt không có phép ta nhút nhát rụt rè. Sự thánh thiện vượt thắng những sợ hãi và tính toán, những mưu toan tìm kiếm chỗ an toàn [tựa như truyền thống, luật lệ] (GE 134). Thánh nhân không phải là người quan liêu công chức, nhưng là một người say mê, không an phận với lối sống tầm thường (GE 138). Thánh nhân là kẻ sẵn sàng đón chờ những bất ngờ từ Thiên Chúa, là Đấng thúc đẩy ta ra đi xa hơn chỗ quen thuộc, ra đến những vùng ngoại ô và biên cương (GE 135).

4) Đặc tính thứ bốn là cùng đi với cộng đoàn. Hơn thế nữa, đôi khi Giáo hội tuyên phong cả một cộng đoàn vì đã sống Tin mừng cách anh dũng và đã dâng hiến mạng sống của các thành viên cho Thiên Chúa (GE 141), sẵn sàng cùng chịu chết vì đạo, như trường hợp các chân phước tử đạo dòng Trappiste ở Tibhirine (Algerie). Đời sống cộng đoàn bảo vệ chúng ta khỏi khuynh hướng của chủ nghĩa cá nhân, tiêu thụ, đang dẫn đưa con người đến chỗ tìm kiếm an lạc cho mình chứ chẳng quan tâm đến tha nhân (GE 146).

5) Đặc tính thứ năm là cầu nguyện liên lỉ. Thánh nhân cần phải thông thương với Thiên Chúa. Thánh nhân không thể chịu để cho mình bị ngột ngạt trong thế giới khép kín. Giữa những gian truân, thử thách và nỗ lực, họ hướng lên Chúa, than thở và chúc tụng và chiêm ngưỡng Người (GE 147). Đức thánh cha nói thêm: “Tôi không tin có thể nên thánh mà không cầu nguyện, tuy không hẳn là những khoảng thời gian lâu dài với những tâm tình sâu đậm”. Mặt khác, đừng nghĩ rằng cầu nguyện là chú tâm nhìn ngắm Thiên Chúa, không cần nghĩ đến tha nhân nữa (GE 154). Không phải thế, việc chuyển cầu cho tha nhân là điều đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng luôn gắn bó với lịch sử đời ta. Thiên Chúa là Đấng tác động trong thế giới, và đưa thế giới về với Người.

Trong chương kế tiếp, khi đề cập đến sự phân định (GE 171-173), tông huấn sẽ còn trở lại với sự cần thiết của cầu nguyện, thinh lặng, lắng nghe.

chương năm

CHIẾN ĐẤU, TỈNH THỨC VÀ PHÂN ĐỊNH

Người đọc có thể mong đợi rằng chương cuối cùng sẽ đề cập các “phương tiện nên thánh” cổ điển (chẳng hạn như: Lời Chúa, Thánh Thể, các việc đạo đức, lòng tôn kính các thánh, khổ chế, vv), nhưng Đức Thánh Cha lại chọn lối tiếp cận khác, tuy cũng nói đến các phương thế nên thánh. Chương này được mở đầu bằng những lời như sau: “Đời sống Kitô hữu là một chuộc chiến đấu trường kỳ. Cần sức mạnh và can đảm để kháng cự những cám dỗ của ma quỷ và loan báo Tin mừng. Cuộc chiến đấu này cao đẹp bởi vì nó cho phép chúng ta cử hành mỗi lần Thiên Chúa chiến thắng trong cuộc đời của ta” (GE 158).

1) Đường nên thánh là một cuộc chiến đấu. Chiến đấu với ai? Phải chăng là chiến đấu với não trạng thế gian, dụ dỗ chúng ta hãy an phận? Phải chăng là chiến đấu với sự mỏng dòn của bản tính con người (tượng trưng qua các nết xấu: lời biếng, ghen tương, dâm ô, vv)? Đúng vậy, nhưng hơn thế nữa, bởi vì còn phải chiến đấu với ma quỷ là thủ lãnh của sự dữ (GE 159). Tông huấn đã dành các số 160 đến 165 để bàn đến “nhân vật” này, mà nhiều người cho là huyền thoại, sản phẩm của óc tưởng tượng!

2) Đường nên thánh đòi hỏi phải tỉnh thức, cầm đèn sáng trên tay, bởi vì những kẻ không phạm tội trái nghịch với luật Chúa vẫn có nguy cơ ngủ mê, đến nỗi đâm ra mù quáng, không còn biết phân biệt đâu là phải đâu là trái (GE 164).

3) Ơn phân định giúp cho ta trong cuộc chiến đấu này, để biết điều gì bắt nguồn từ Thánh Linh và điều gì bắt nguồn từ tinh thần thế gian và tinh thần ma quỷ (GE 166). Đây là một chủ đề rất được quan tâm trong linh đạo thánh Inhaxiô. Phân định là khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa trong những hoàn cảnh thường nhật, để biết chú ý đến tiếng Chúa kể cả qua những việc nhỏ nhặt (GE 165-175). Trong chương bốn, ba số 143-145 đã được dành để nói đến việc nhận ra ý Chúa trong những chi tiết “vụn vặt”.

Tông huấn kết thúc với lời ước nguyện dâng lên Mẹ Maria, Đấng Toàn thánh nhưng cũng là người mẹ nhân ái, âu yếm đón nhận tất cả mọi con cái chứ không xét đoán. Khi tới gần Mẹ, chúng ta cảm thấy được an ủi và khích lệ (GE 176)

Kết luận

Có chi mới lạ trong văn kiện này? Ngay từ đầu, Đức Thánh Cha đã nói rõ là ngài không muốn viết một khảo luận thần học về sự thánh thiện, nhưng chỉ muốn nhắc nhở các tín hữu về ơn gọi nên thánh trong thời đại hôm nay, qua việc vạch ra những thách đố, những khó khăn. Đây là những lời khuyên của một vị mục tử chứ không phải là những biện luận của một giáo sư. Tác giả cho thấy những “kẻ thù” của sự thánh thiện không hẳn là những kẻ tội lỗi nhưng là những người an phận với nếp sống tầm thường, nhất là những người lầm tưởng rằng mình đã nên thánh, song thực sự còn xa với lý tưởng Tin mừng, chẳng hạn như người nghĩ rằng việc nên thánh hệ tại việc đắm chìm trong sự chiêm ngưỡng các mầu nhiệm cao siêu của đạo nhưng lại bỏ qua việc chăm sóc người nghèo ! Những tư tưởng này đã được Đức Thánh Cha nói nhiều lần trong các bài giảng lễ hằng ngày ở nhà nguyện thánh Marta, cũng như đã được viết trong hai tông huấn trước đây. Tông huấn có thể xem như một bài tóm tắt của những giáo huấn nhân kỷ niệm 5 năm giữ vai trò “chủ chăn” trong Giáo hội, một chủ chăn đã thấm mùi của các con chiên.

Ở đây, chúng tôi chỉ muốn lưu ý đến những nguồn gốc tư tưởng mà Đức thánh cha đã nghiền ngẫm lâu năm như là tu sĩ Dòng Tên.[12] Thật vậy, theo cha Antonio Spadaro, đừng kể những châm ngôn của thánh Inhaxio Loyola được trưng dẫn nhiều lần,[13] hoặc câu châm ngôn của cha Jeronimo Nadal contemplativus in actione”, nhiều ý tưởng của tông huấn đã được gặp thấy trong các tác phẩm của ngài hoặc của các vị thầy mà ngài quen biết suốt những năm tháng lâu dài ở Argentina, cụ thể như :

– J.M. Bergoglio, Meditaciones para religiosos, (1982); Reflexiones sobre la vida apostólica (1987).

Idem, Tựa đề cho cuốn sách Mi ideal de santidad, do cha Ismael Quiles S.J., là thầy của ngài viết năm 1938, nhưng được tái bản năm 1987.

Idem, Tựa đề cho cuốn sách Discernimiento y lucha espiritual (1985), của cha Miguel Ángel Fiorito S.J., cha linh hướng của ngài.

Chúng tôi xin thêm hai nhận xét ngắn ngủi để khép lại bài này.

1) Thánh Linh được nhắc tới 24 lần trong văn kiện, tuy không được đề cập một cách hệ thống. Thật ra Thánh Linh mới thực sự là chủ động của đường nên thánh của các Kitô hữu nói chung cũng như của mỗi người tín hữu nói riêng (GE 19; 23). Nếu không có Ngài, chúng ta không thể sống nổi các mối phúc thật (GE 65). Thậm chí, chính Thánh Linh là Đấng gợi lên lòng khao khát nên thánh (GE 177, nghĩa là câu cuối cùng của tông huấn).

2) “Niềm vui” là một tư tưởng rất được Đức thánh cha Phanxicô ưa thích. Niềm vui là một đặc trưng của sự thánh thiện Kitô giáo (GE số 122-128), và được vào tựa đề của các tông huấn (Evangelii gaudium, Amoris Laetitia, Gaudete et exultate).[14] Thực ra trước đây, các vị tiền nhiệm cũng không quên đề tài ấy, chẳng hạn như tông huấn Gaudete in Domino của chân phước Phaolô VI (9/5/1974), và trước đó, thánh Gioan XXIII đã khai mạc công đồng Vaticano II với bài diễn từ Gaudet mater Ecclesia.

Nếu khẳng định rằng vui tươi là đặc trưng của sự thánh thiện, thì lật ngược lại mệnh đề cũng không sai: vui tươi cũng là một phương tiện để nên thánh. Vì thế là lạc đề khi tông huấn trưng dẫn lời cầu xin ơn khôi hài của thánh Thomas More (ở chú thích 101): Lạy Chúa, xin cho con được ăn ngon, và đồng thời xin cho con kiếm được cái gì nhét vào bao tử. Xin cho con được sức khoẻ thể xác, và cho con sự vui tính để mà gìn giữ sức khoẻ. Lạy Chúa, xin cho con tâm hồn lành thánh, biết thu lượm hết những gì tốt lành trong sạch, để lỡ khi gặp tội lỗi thì không hoảng sợ nhưng mà biết cách sửa chữa.

Xin cho con một tâm hồn không hề biết tới chán nản, lẩm bẩm, rên rỉ, thở dài; xin cho con đừng quá bận tâm đến cái thằng chuyên phá rối, nó tên là thằng TÔI. Lạy Chúa, xin cho con được chút ít khôi hài; xin cho con ơn biết tiếp nhận chuyện bông đùa diễu cợt, để con có thể thấy được tí chút vui vẻ trên đời, và giúp cho người khác cũng được thông dự vào. Amen.

 

(catechesis.net) Văn Kiện  Đức Giáo Hoàng  Tông Huấn

Được viết ngày Thứ bảy, 21 Tháng 4 2018

Phan Tấn Thành

 



[1] Antonio Spadaro S.J., “GAUDETE ET EXSULTATE. Radici, struttura e significato della Esortazione apostolica di papa Francesco”, in : La Civiltà Cattolica, n.3907 (15/4/2018) https://www.lacivilta cattolica.it/articolo/gaudete-et-exsultate/, Tác giả là tổng biên tập của bán nguyệt san Civiltà Cattolica, và đã nghiên cứu nhiều bài phát biểu của đức đương kim giáo hoàng cũng như đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn với ngài.

[2] Vào thời cận đại, tác giả cổ võ sự thánh thiện mở rộng cho tất cả mọi thành phần Dân Chúa là thánh Phanxico de Sales (1567-1623). Tư tưởng của ngài được tóm lại trong bài đọc Giờ Kinh Sách ngày 24 tháng 1.

[3] Một thuật ngữ của Joseph Malègue, một văn hào người Pháp (1876-1940), tác giả quyển sách tựa đề: Pierres noires. Les classes moyennes du Salut, Paris 1958, được trích ở chú thích số 4).

[4] Dĩ nhiên, không ai dám phủ nhận vai trò của các vị thánh đã được đặt lên bàn thờ (x. GE 5). Tông thư đã nhắc đặc biệt các thánh nữ (GE 12).

[5] x. GE 43. Điều này đã được nói đến nhiều lần trong tông huấn Amoris Laetitia, chẳng hạn như ở các số 112; 177; 261; 265; 300; 302; 310 . 

[6] Theo cha A. Spadaro, đây là linh đạo của thánh Inhaxio: Cf. Ejercicios espirituales, 230-237; Autobiografía, 99; Constituciones de la Compañía de Jesús, 288.

[7] Văn kiện Placuit Deo (ở chú dẫn số 4) chỉ trích dẫn thông điệp Lumen fidei (29/6/2013), số 47: AAS 105 (2013), 586-587; tông huấn Evangelii gaudium, số 93-94: AAS (2013), 1059; Diễn từ cho các đại biểu Đại hội lần thứ năm của Giáo hội Italia họp tại Firenze (10/11/2015): AAS 107 (2015), 1287. Thực ra, khi còn làm tổng giám mục ở Buenos Aires, Hồng y J.M. Bergoglio đã nhắc đến hai lạc thuyết này trong bài giảng khai mạc phiên họp Hội đồng giám mục Argentina ngày 11/5/2009 cũng như trong bài giảng ngày 7/11/2011. X. Marcello Semeraro, Le “eresie” pastorali secondo Evangelii gaudium” (Bá cáo cho Đại hội giáo phận Palermo, ngày 30/9/2016), “il Regno-Documenti” 7/2017, 246-256.

[8] x. Placuit Deo số 3. 

[9] Đối với những người không chuyên môn, “ngộ đạo” có thể hiểu lầm với “ngộ độc”. Đàng khác, “ngộ” cũng thế hiểu là “nhầm lẫn”, như khi nói “ngộ nhận” (vì thế “bất khả ngộ” là không thể sai lầm). Ở đây “ngộ” là “hiểu”, như khi nói “giác ngộ, tỉnh ngộ”.

[10] x. Summa Theologiae, I-II, q.107, a.4. Điều này đã được nêu bật trong tông huấn Evangelii gaudium số 43.

[11] Trước đây, phương pháp cũng đã được áp dụng trong tông huấn Amoris Laetitia (số 90-119)khi chú giải 13 đặc tính của tình yêu (1Cr 13,4-7).

[12] Chúng tôi không muốn điểm qua tất cả các tác phẩm được trích dẫn trong văn kiện này. Chỉ nên ghi nhận là bên cạnh các tác giả cổ điển (tiến sĩ Hội thánh như Augustinô, Tôma Aquino, Bonaventura, Têresa Hài đồng Giêsu), và vài tác giả cận đại. Hồng y Nguyễn Văn Thuận (Năm chiếc bánh và hai con cá), được trích dẫn ở GE 17 đã quá quen thuộc với độc giả người Việt, nhưng có lẽ xa lạ với người nước ngoài. Đối lại, tên tuổi Leon Bloy thì được biết đến; ông là một văn hào người Pháp (1846-1917) được trích dẫn ở GE 34 : “Trên đời này, chỉ có một điều đáng buồn … đó là không làm thánh”.

[13] Số 20 (suy gẫm các mầu nhiệm Chúa Kito) và chú thích số 18 (Linh thao 102-312); số 69 (santa indifferenza) và chú thích số 68; số 153 về sự nhớ lại ơn Chúa, với chú thích số 116. Sau cùng một châm ngôn khắc trên mộ của thánh nhân được ghi lại nơi chú thích số 124 (“Non coerceri a maximo contineri tamen a minimo divinum est”: tuy không để cho mình bị ngăn chặn không vươn lên đến tối ưu, thế mà vẫn chú trọng vào điều nhỏ nhặt cụ thể trước mắt; ấy là thần linh vậy).

[14] Cha Spadaro cũng cho biết thêm là trong Văn kiện của Đại Hội các giám mục châu Mỹ Latinh họp ở Aparecida năm 2007 (trong đó Hồng y Bergoglio giữ vai trò chủ chốt), từ ngữ “niềm vui” xuất hiện gần 70 lần.


Văn Kiện Giáo Hội