Toàn Văn : Tông Huấn „Gaudete et exsultate  - Hãy Vui Mừng Hoan Hỷ“ của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô Về Ơn Gọi Nên Thánh Trong Thế Giới Ngày Nay

 

 

 

1. “Anh em hãy vui mừng hoan hỷ“ (Mt 5,12) - Chúa Giê-su đã nói như thế với những người đang bị bách hại cũng như đang bị sỉ nhục vì Ngài. Thiên Chúa muốn tất cả những gì Ngài giới thiệu đều thực sự trở thành sự sống và niềm hạnh phúc cho chúng ta, bởi chúng ta được tác thành nên để được hưởng những điều đó. Ngài muốn chúng ta nên thánh, và Ngài mong chờ từ nơi chúng ta nhiều hơn điều mà chúng ta cảm thấy hài lòng với một kiếp sống tầm thường, thiếu cô đọng và cẩu thả. Thực ra, lời mời gọi nên thánh đã có ngay từ trong những trang đầu tiên của Kinh Thánh, với những cách thức khác nhau. Bởi đó, lời mời gọi của Thiên Chúa đã được công bố cho Áp-ra-ham: „Ngươi hãy bước đi trước mặt Ta và hãy sống thánh thiện“ (St 17,1).

 

2.Đây không phải là một thiên khảo luận về sự thánh thiện, với những khái niệm và những điều khác biệt mà chúng có thể làm phong phú cho đề tài quan trọng này, hay với những phân tích mà chúng có thể được áp dụng trên các bí quyết giúp nên thánh. Cha chỉ có một mục tiêu khiêm tốn là làm sao để cho tiếng gọi nên thánh vẫn tiếp tục được vang lên, cũng như cố gắng hiện thực hóa lời mời gọi đó trong mối liên hệ đến những rủi ro, những thách đố và những cơ hội. Vì Thiên Chúa đã tuyển chọn mỗi người chúng ta, để trong Đức Ái, chúng ta sẽ „sống công chính thánh thiện trước nhan Ngài“ (Ep 1,4).

 

CHƯƠNG I

 

LỜI MỜI GỌI NÊN THÁNH

 

Các Thánh là những người khích lệ và đồng hành với chúng ta

 

3.Trong thư gửi tín hữu Do-thái, các chứng nhân khác nhau, tức những người có khả năng khích lệ chúng ta, đã được nêu ra, để chúng ta „kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta“ (Dt 12,1). Bức thư này đã nói về Áp-ra-ham, về Sa-ra, về Mô-sê, về Ghi-đê-ôn và về một số vị khác (xc. Dt, 11, 1tt); điều đặc biệt là chúng ta được mời gọi để nhận ra rằng, „chúng ta đang được ngần ấy nhân chứng Đức Tin như đám mây bao quanh“ (Dt 12,1), mà các nhân chứng ấy đang khích lệ chúng ta đừng đứng lỳ mãi trên con đường của mình, nhưng hãy tiếp tục chạy cho tới đích. Trong số các chứng nhân đó, có thể cũng có cả thân mẫu, cả bà nội hay bà ngoại của chúng ta, cũng như những người khác đang sống bên cạnh chúng ta (xc. 2Tm 1,5). Có lẽ cuộc sống của họ không phải lúc nào cũng hoàn hảo, nhưng bất chấp tất cả những sai sót và những yếu đuối của mình, họ vẫn tiến về phía trước và vẫn làm hài lòng Thiên Chúa.

 

4.Các Thánh, tức những Đấng đã ở trong sự hiện diện của Thiên Chúa, đang trao đổi với chúng ta mối dây Đức Ái và sự hiệp thông. Sách Khải Huyền của Thánh Gio-an đã chứng thực điều đó khi nói về các Thánh Tử Đạo, tức những Đấng đang bảo vệ chúng ta: „Tôi thấy dưới bàn thờ, linh hồn của những người đã bị giết vì đã rao giảng Lời Thiên Chúa và đã làm chứng. Họ lớn tiếng kêu : "Lạy Chúa chí thánh và chân thật, cho đến bao giờ Ngài còn trì hoãn, không xét xử và không bắt những người sống trên mặt đất phải đền nợ máu chúng con?“" (Kh 6,9-10). Chúng ta có thể nói: „Chúng con đang được bao bọc, được chỉ bảo và được  dẫn dắt bởi những bạn hữu của Thiên Chúa. […] Con không còn phải một mình gánh vác điều mà thực ra một mình con không thể gánh vác được. Đoàn ngũ các Thánh của Thiên Chúa đang bảo vệ, hỗ trợ và đỡ nâng con[1].

 

5.Trong quá trình tôn phong Chân Phúc và Hiển Thánh, bên cạnh những bằng chứng về một nhân đức anh hùng và về sự hy sinh mạng sống trong cuộc Tử Đạo, thì những trường hợp mà trong đó đã diễn ra một sự hiến dâng cuộc sống của mình cho người khác cách kiên định cho tới chết, cũng được tính đến. Sự hy sinh ấy chứng tỏ cho thấy việc noi gương Chúa Ki-tô và xứng đáng với sự cảm phục của các tín hữu[2]. Chúng ta hãy nhớ tới – chẳng hạn như – chân Phúc Maria Gabriela Sagheddu, người đã trao hiến cuộc sống mình cho sự hiệp nhất các Ki-tô hữu.

 

Các Thánh ngay bên cạnh

 

6.Chúng ta đừng chỉ nghĩ tới những vị đã được tôn phong Chân Phúc hay đã được tôn phong Hiển Thánh. Chúa Thánh Thần đổ tràn sự thánh thiện trên khắp nơi, trong toàn thể Dân Thánh Chúa, vì điều đó làm hài lòng Thiên Chúa, „việc thánh hóa và cứu độ con người không phải là điều riêng lẻ và độc lập với tất cả các mối quan hệ hỗ tương, nhưng làm cho họ trở thành một Dân biết nhận ra Thiên Chúa trong chân lý, và phụng thờ Ngài trong sự thánh thiện[3]. Trong lịch sử, Thiên Chúa đã cứu thoát một dân tộc. Không thể có căn tính hoàn toàn nếu không có tư cách là thành viên của một Dân. Vì thế, không ai có thể tự cứu được mình với tư cách là một cá thể biệt lập, nhưng Thiên Chúa lôi kéo chúng ta, trong khi Ngài lưu ý đến toàn bộ sự đan kết nơi các mối tương giao giữa con người với nhau, mà sự đan kết đó chính là bản chất cố hữu của cộng đồng nhân loại: Thiên Chúa muốn bước vào trong một sự năng động mang tính xã hội, trong sự năng động của một dân tộc.

 

7.Cha rất vui khi nhìn thấy sự thánh thiện trong Dân kiên định của Thiên Chúa: trong những bậc cha mẹ đang dưỡng dục con cái mình với rất nhiều tình mến, trong những người chồng và những người vợ đang làm việc vất vả để nuôi sống gia đình, trong các bệnh nhân, trong những vị Nữ Tu luống tuổi nhưng vẫn vui tươi. Trong sự kiên định với việc tiến về phía trước nơi cuộc sống hằng ngày, Cha thấy được sự thánh thiện của Giáo hội chiến đấu. Thường thì đó là sự thánh thiện „của những người sống ngay bên cạnh“, tức những người đang sống ngay sát chúng ta, và họ chính là một sự phản chiếu về sự hiện diện của Thiên Chúa, hay nói theo cách khác, đó là „giới trung lưu của sự thánh thiện[4].

 

8.Chúng ta hãy để cho mình được thôi thúc bởi những dấu chỉ thánh thiện mà Thiên Chúa đang ban cho chúng ta thông qua các thành viên đơn sơ mộc mạc nhất của Dân này, tức Dân được tham dự vào „với chức vụ Ngôn Sứ của Chúa Ki-tô, trong sự khuếch trương chứng tá sống động của Ngài, đặc biệt là thông qua đời sống trong Đức Tin và Đức Ái[5]. Cùng với Thánh Teresia Benedicta Thánh Giá (Edith Stein), chúng ta hãy nhớ rằng, nhiều người trong họ chính là những con người tạo ra lịch sử đích thực: „Từ đêm đen tăm tối nhất sẽ xuất hiện những vị Đại Ngôn Sứ - tức những vị Đại Thánh. Nhưng phần lớn dòng chảy có tính sáng tạo của đời sống huyền bí vẫn còn chưa tỏ lộ. Chắc chắn những khúc ngoặt có tính quyết định trong lịch sử thế giới, về cơ bản mà nói, đều được quyết định bởi những tâm hồn mà không có bất kỳ tập sách lịch sử nào trình bày một chút gì đó về họ. Và chúng ta phải mang ơn các tâm hồn ấy về những bước ngoặt có tính quyết định trong đời sống cá nhân của mình, tức cuộc sống mà vào một ngày kia, khi tất cả mọi điều thầm kín đều sẽ được phơi bày, thì lúc ấy chúng ta mới hiểu được[6].

 

9.Sự thánh thiện chính là dung mạo xinh đẹp nhất của Giáo hội. Nhưng ngay cả ở bên ngoài Giáo hội Công giáo và trong những môi trường rất khác nhau đi nữa, Chúa Thánh Thần cũng vẫn khơi lên „những dấu chỉ về sự hiện diện của Ngài, mà chính những dấu chỉ ấy sẽ giúp sức cho những môn đệ của Chúa Ki-tô[7]. Thánh Gio-an Phao-lô II thường xuyên nhắc nhớ chúng ta rằng, „việc làm chứng cho Chúa Ki-tô cho đến độ đổ máu […] đã trở thành di sản chung của cả người Công giáo, lẫn người Chính thống giáo, của cả người Anh giáo, lẫn người Thệ phản[8]. Trong một buổi cử hành cuộc tưởng nhớ Đại Kết nhân dịp Năm Thánh 2000, Đức Gio-an Phao-lô II đã nói rằng, các vị Tử Đạo chính là „một di sản, mà di sản này lớn tiếng hơn tất cả mọi yếu tố gây chia rẽ[9].

 

Thiên Chúa kêu gọi

 

10.Tất cả những điều trên đều rất quan trọng. Nhưng điều mà Cha muốn nhắc nhớ với Thông Điệp này, chính là lời mời gọi nên thánh mà Thiên Chúa dành cho từng người một trong chúng ta; đây là tiếng gọi mà Thiên Chúa cũng đang hướng về bạn: „Hãy nên thánh, vì Ta là Thánh“ (Lv 11,44; 1Pr 1,16). Công Đồng Vatican đã nhấn mạnh tới điều đó một cách rất rõ ràng: „Được trang bị với rất nhiều những phương tiện để nên thánh, tất cả mọi Ki-tô hữu đều được Thiên Chúa kêu gọi, trong tất cả các mối tương quan và trong từng hoàn cảnh cũng như trên mọi nẻo đường của mình, để đạt tới sự trọn lành thánh thiện, mà chính Thiên Chúa Cha cũng là Đấng trọn lành thánh thiện[10].

 

11.Công Đồng nói: „Trên mọi nẻo đường của mình“. Điều đó không có nghĩa là đánh mất niềm can đảm khi người ta quan sát một số mô hình nên thánh mà một người nào đó có vẻ như sẽ không thể đạt tới. Có nhiều chứng tá, và những chứng tá ấy giúp ích rất nhiều với tư cách là một sự khích lệ cũng như là một động cơ thúc đẩy, nhưng không phải với tư cách là một mô hình sao chép và quá rập khuôn. Thực ra, thậm chí điều đó còn có thể đẩy chúng ta ra xa khỏi con đường duy nhất và đặc biệt mà Thiên Chúa đã an bài sẵn cho chúng ta. Vấn đề tùy thuộc ở chỗ là bất cứ người tín hữu nào cũng đều có thể nhận ra được con đường riêng của mình, cũng như phát hiện ra điều tốt nhất của mình, tức điều mà Thiên Chúa đã đặt vào trong họ một cách hoàn toàn cá nhân (xc. 1Cor 12,7), chứ không phải tùy thuộc vào chuyện người tín hữu ấy bị kiệt lực trong lúc cố gắng thực hiện theo một điều gì đó mà nó hoàn toàn không được dành cho họ. Tất cả chúng ta đều được kêu gọi trở nên những chứng nhân, nhưng có „nhiều cách làm chứng có tính sinh tử[11]. Khi nhà Đại Huyền Bí là Thánh Gio-an Thánh Giá viết ca khúc thiêng liêng của mình, Ngài đã thực sự muốn tránh những quy tắc phổ quát và cố định, và giải thích rằng, những ca từ của Ngài được viết ra để bất cứ ai cũng đều có thể sử dụng chúng „theo sở thích riêng của mình[12]. Vì sự sống của Thiên Chúa được biểu lộ cho mỗi người theo mỗi cách, „người này theo cách này, nhưng người kia thì theo cách khác[13].

 

12.Trong mối liên hệ đến những cách thức khác nhau ấy, Cha chỉ muốn nhấn mạnh rằng, „sự sáng tạo của nữ giới“ cũng được thể hiện qua những cách thức của nữ giới trong việc nên thánh, mà những cách thức ấy rất cần thiết để phản ánh sự thánh thiện của Thiên Chúa trên thế giới này. Ngay cả trong những thời đại mà nữ giới bị hạn chế một cách đặc biệt, thì Chúa Thánh Thần cũng đã cho xuất hiện các vị Thánh Nữ mà gương sáng của các Ngài đã làm phát sinh ra những động lực tinh thần mới cũng như những cuộc cải tổ quan trọng trong Giáo hội. Ở đây chúng ta có thể nêu tên một số vị Thánh, chẳng hạn như Thánh Hildegard thành Bingen, Thánh Birgitta Thụy Điển, Thánh Catharina thành Siena, Thánh Teresa thành Ávila, hay Thánh Thérèse thành Lisieux. Nhưng ở đây Cha cũng muốn nhắc nhớ một cách đặc biệt tới những phụ nữ vô danh hay đã bị quên lãng mà họ đã gánh vác và quản lý các gia đình cũng như các cộng đồng xã hội với khả năng làm chứng của mình và theo cách thức riêng của mỗi người.

 

13.Điều đó nên thôi thúc và động viên mỗi người hãy cho đi tất cả để phát triển trên kế hoạch duy nhất và không thể tái lặp mà Thiên Chúa đã quan phòng cho họ từ đời đời: "Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi“ (Gr 1,5).

 

Cho cả bạn nữa

 

14.Để nên thánh, không nhất thiết cứ phải là Giám mục, Linh mục, hay Tu Sĩ. Chúng ta vẫn thường bị cám dỗ để nghĩ rằng, sự thánh thiện chỉ được dành riêng cho những người có khả năng tránh xa những công việc quen thuộc để dành nhiều thời gian cho việc cầu nguyện. Thực ra không phải như vậy. Tất cả chúng ta đều được kêu gọi nên thánh, bằng cách là chúng ta sống trong Đức Ái, và làm chứng trong cuộc sống hằng ngày của mình, ở bất cứ nơi nào chúng ta hiện diện. Bạn là nam Tu hay Nữ tu? Hãy nên thánh bằng cách sống cuộc đời Dâng Hiến của mình với trọn niềm vui. Bạn đã lập gia đình? Hãy nên thách bằng cách yêu thương và chăm sóc chồng hay vợ mình như Chúa Giê-su đã thực hiện cho Giáo hội. Bạn là một công nhân? Hãy nên thánh bằng cách thực hiện công việc của mình trong sự phục vụ những người anh chị em với sự ngay thực và với kiến thức chuyên môn. Bạn là cha, là mẹ, là ông hay là bà? Hãy nên thánh, bằng cách dưỡng dục con cái mình trong sự kiên nhẫn để chúng noi gương Chúa Giê-su. Bạn đang mang một trách nhiệm? Hãy nên thánh bằng cách chiến đấu cho niềm hạnh phúc chung và khước từ những mối quan tâm riêng của bạn[14].

 

15.Hãy để cho hồng ân Bí Tích Thanh Tẩy đơm bông kết trái trên con đường nên thánh. Hãy để tất cả được mở ra cho Thiên Chúa, và để được như thế, hãy trao bản thân bạn cho Ngài, hãy chọn đi theo Chúa một lần nữa và cứ thế. Đừng đánh mất sự can đảm, vì bạn đang sở hữu sức mạnh của Chúa Thánh Thần để làm cho điều đó trở nên có thể. Thực ra, sự thánh thiện chính là hoa trái của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của bạn (xc. Gal 5,22- 23). Nếu bạn cảm thấy bị cám dỗ muốn lưu lại trong sự yếu đuối của mình, thì hãy ngước mắt nhìn lên Đấng Chịu Đóng Đinh và nói với Ngài: „Lạy Chúa, con là một người đáng thương, xin Chúa hãy làm phép lạ để con được tốt hơn một chút.“ Trong Giáo hội, tức Giáo hội thánh thiện nhưng đồng thời cũng được hình thành nên từ các tội nhân, bạn sẽ thấy được tất cả những gì bạn cần để lớn lên trên con đường nên thánh. Thiên Chúa đã ban cho Giáo hội rất nhiều ân sủng: với Lời Chúa, các Bí Tích, các Thánh Địa, đời sống của các Cộng Đoàn, chứng tá của các Thánh và với vẻ đẹp muôn hình vạn trạng mà nó đến từ Đức Mến đối với Thiên Chúa, „tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang“ (Is 61,10).

 

16.Sự thánh thiện mà Thiên Chúa mời gọi bạn đạt tới, sẽ lớn dần lớn dần nhờ vào những cử chỉ nho nhỏ. Chẳng hạn như một người phụ nữ đi ra chợ để mua sắm, tại đó, bà gặp một người hàng xóm và bắt đầu nói chuyện với bà ta, và rồi phê bình lung tung. Mặc dầu vậy, người phụ nữ ấy vẫn nhủ thầm trong lòng rằng: „Không, tôi sẽ không nói xấu về bất cứ ai nữa!“ Đó là một bước để tiến gần tới sự thánh thiện. Về tới nhà, con của bà muốn nói cho bà biết về những điều tưởng tượng của nó, và dù rằng bà đang rất mệt, nhưng bà vẫn ngồi xuống bên cạnh con mình và lắng nghe nó với tất cả sự kiên nhẫn và tình mến. Đó là sự hy sinh tiếp theo, nó giúp người ta nên thánh. Sau đó bà gặp phải một chuyện gì đó rất kinh hoàng, nhưng bà nhớ tới tình mến của Đức Maria, và rồi cầm lấy cỗ tràng hạt và cầu nguyện cách tin tưởng. Đó là một quãng đường tiếp theo của sự thánh thiện. Sau đó bà đi ra khỏi nhà, gặp một người nghèo và dừng lại để nói chuyện với người nghèo ấy một cách đầy thương mến. Đó là một bước tiếp theo.

 

17.Đôi khi cuộc sống đặt người ta trước những thách đố to lớn, và qua những thách đố đó, Thiên Chúa muốn mời gọi chúng ta hãy có những thay đổi, mà những thay đổi đó sẽ tạo điều kiện để ân sủng của Ngài được biểu lộ rõ ràng hơn trong kiếp sống chúng ta, „để chúng ta được thông phần vào sự thánh thiện của Ngài“ (Dt 12,10). Và ở những lần sau, vấn đề sẽ chỉ là một điều gì đó mà chúng ta đã thực hiện, nhưng giờ đây được thực hiện theo một cách thức hoàn hảo hơn: „Có những linh hứng mà chúng chỉ nhắm tới một sự hoàn hảo phi thường nơi những luyện tập bình thường của đời sống Ki-tô giáo[15]. Khi Đức Hồng Y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận bị giam trong tù, Ngài đã không tự gây kiệt lực cho mình bằng cách ngồi đó để ngóng ngày mình được trả tự do. Nhưng Ngài đã quyết định: „Tôi sống trong khoảnh khắc này và lấp đầy nó bằng tình mến“; và cách thức để làm cho việc đó trở thành cụ thể, là như sau: „Coi mỗi ngày là một cơ hội để thực hiện những điều nhỏ bé với một cách thức vĩ đại[16].

 

18.Như thế, nhờ vào sự thúc đẩy của ơn thánh, và với nhiều cử chỉ, chúng ta sẽ định hình cho sự thánh thiện mà Thiên Chúa đã sắp sẵn cho chúng ta, nhưng không phải với tư cách là những con người tự lấy mình làm đủ, song là „những người khéo quản lý những ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa“ (1Pr 4,10). Các Đức Giám Mục New Zealand đã chỉ cho chúng ta thấy rằng, việc yêu mến với Tình Yêu vô điều kiện là điều có thể, vì Đấng Phục Sinh đã chia sẻ sự sống đầy quyền năng của Ngài với sự sống mỏng dòn của chúng ta: „Tình Yêu của Ngài không hề có ranh giới, và một khi đã được ban đi, Tình Yêu ấy sẽ không hề bị lấy lại. Tình Yêu của Ngài vô điều kiện và luôn tín trung. Nhưng để yêu như thế là điều không đơn giản, vì chúng ta thường rất yếu đuối. Tuy nhiên, ngay cả việc cố gắng để yêu thương như Chúa Ki-tô yêu chúng ta cũng đủ cho thấy rằng, Chúa Ki-tô đã chia sẻ sự sống của Ngài với tư cách là Đấng Phục Sinh với chúng ta rồi. Bằng cách đó, cuộc sống của chúng ta sẽ làm chứng cho quyền năng của Ngài, ngay trong chính những yếu đuối của con người[17].

 

Sứ mạng của bạn trong Chúa Ki-tô

 

19.Đối với một Ki-tô hữu thì người ta không thể nghĩ tới sứ mạng của mình trên trái đất này mà không hề nhận thức về nó như là một con đường nên thánh, vì “điều mà Thiên Chúa muốn, đó là anh em hãy nên thánh” (1Tx 4,3). Bất cứ vị Thánh nào cũng đều có một sứ mạng; Ngài chính là một dự án của Thiên Chúa, để vào một thời điểm nhất định, sẽ phản ánh trên thế giới một khía cạnh nào đó của Tin Mừng, cũng như tạo cho khía cạnh đó một hình hài cụ thể.

 

20.Sứ mạng đó có ý nghĩa tròn đầy của nó trong Chúa Ki-tô, và chỉ có thể được hiểu thông qua Ngài. Nơi chiều sâu, sự thánh thiện có nghĩa là, sống các mầu nhiệm sự sống của Ngài trong sự hiệp nhất với Ngài. Sự thánh thiện hệ tại ở chỗ, liên kết với sự chết và sự phục sinh của Chúa Ki-tô bằng một cách thức duy nhất và cá nhân, không ngừng chết với Ngài và cũng không ngừng phục sinh với Ngài. Nhưng sự thánh thiện cũng có thể liên quan tới việc phỏng theo những khía cạnh khác nhau trong đời sống dương thế của Chúa Giê-su nơi cuộc sống riêng của mình: đời sống ẩn dật của Ngài, đời sống của Ngài trong cộng đồng xã hội, sự gần gũi của Ngài đối với những con người nhỏ bé nhất, sự nghèo khó của Ngài, và những biểu hiện khác trong việc trao hiến vì Tình Yêu của Ngài. Việc quan sát những mầu nhiệm đó như Thánh I-nha-xi-ô Loyola đã đề nghị, sẽ dẫn chúng ta tới chỗ càng ngày càng hiện thực hóa được những mầu nhiệm đó trong những quyết định và thái độ của mình[18]. Vì “tất cả những dấu chỉ về những mầu nhiệm nội tại nhất của Chúa Giê-su […] đều ở trong cuộc sống của Ngài[19], “toàn bộ cuộc sống của Chúa Ki-tô […] chính là một sự mạc khải về Thiên Chúa Cha[20], “toàn bộ cuộc sống của Chúa Ki-tô chính là một mầu nhiệm cứu độ[21], “toàn bộ cuộc sống của Chúa Ki-tô chính là một huyền nhiệm về sự tái hiệp nhất tất cả dưới một đầu[22] và “tất cả những gì Chúa Ki-tô đã sống, thì Ngài đều cho phép chúng ta sống trong Ngài, và Ngài sống những điều đó trong chúng ta[23].

 

21.Nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa Cha chính là Chúa Ki-tô, và chúng ta trong Ngài. Rốt cục, Chúa Ki-tô chính là Đấng yêu trong chúng ta, vì sự thánh thiện “chẳng là gì khác ngoài Đức Ái được sống trong sự tròn đầy[24]. Vì thế, mức độ của sự thánh thiện được thể hiện thông qua hình hài mà Chúa Ki-tô tiếp nhận trong chúng ta, giống hệt như khi chúng ta nhào nặn toàn bộ cuộc sống mình theo cuộc sống của Ngài trong quyền năng của Chúa Thánh Thần[25]. Do đó, bất cứ vị Thánh nào cũng đều là một sứ điệp mà Chúa Thánh Thần tác tạo nên từ sự giầu sang của Chúa Giê-su Ki-tô và tặng ban cho Dân Ngài.

 

22.Để nhận ra đâu là lời mà Thiên Chúa muốn nói qua một vị Thánh, thì việc bận tâm tới những chi tiết là điều không hợp lý, vì ở đó có thể có cả những lầm lỗi lẫn những yếu đuối. Không phải tất cả những gì mà một vị Thánh nói đều hoàn toàn ăn khớp với Tin Mừng; và cũng không phải tất cả những gì Ngài thực hiện đều là xác thực hay hoàn hảo. Điều mà chúng ta phải quan sát, đó là toàn bộ cuộc sống của Ngài, toàn bộ con đường nên thánh của Ngài, là bất cứ hình thù nào mà chúng phản ánh một chút gì đó về Chúa Giê-su Ki-tô và được phát hiện ra, nếu nó có thể biểu lộ ý nghĩa về toàn bộ con người của Ngài[26].

 

23.Đó là một lời kêu gọi mạnh mẽ được dành cho tất cả chúng ta. Ngay cả bạn cũng phải nhận thức về cuộc sống mình như là một sứ mạng trong toàn thể. Bạn hãy cố gắng thực hiện điều đó bằng cách lắng nghe Thiên Chúa trong cầu nguyện và giải thích cho đúng những dấu chỉ mà Ngài ban cho bạn. Hãy không ngừng hỏi Chúa Thánh Thần để biết xem điều gì Chúa Giê-su đang mong chờ từ bạn trong từng khoảnh khắc nơi kiếp sống của bạn, cũng như trong từng quyết định mà bạn phải đưa ra, hầu phát hiện ra xem, điều đó đang có giá trị nào đối với sứ mạng của bạn. Và bạn hãy cho phép Chúa Thánh Thần nhào nặn nên trong bạn bất cứ mầu nhiệm cá nhân nào mà nó làm cho Chúa Giê-su được phản chiếu trong thế giới ngày nay. 

 

24.Hy vọng bạn có thể nhận ra được lời đó là gì, tức sứ điệp của Chúa Giê-su mà Thiên Chúa muốn nói với thế giới qua cuộc sống của bạn. Hãy để cho mình được biến đổi, hãy để cho mình được canh tân bởi Chúa Thánh Thần, để điều đó trở nên có thể, cũng như để cho sứ mạng đầy giá trị của bạn không gặp trở ngại. Thiên Chúa sẽ làm cho sứ mạng đó trở nên viên mãn, bất chấp tất cả những lầm lỗi của bạn cũng như những khoảnh khắc tồi tệ, nếu bạn không từ bỏ con đường Đức Ái và luôn luôn mở ra cho những hoạt động siêu nhiên của Ngài, tức hoạt động thanh tẩy và soi sáng.

 

Việc nên thánh

 

25.Người ta không thể hiểu được Chúa Ki-tô nếu như không hiểu được Triều Đại mà Ngài đã đến để kiến tạo là gì; và sứ mạng riêng của bạn cũng được liên kết một cách không thể tách rời như thế với việc kiến tạo nên Triều Đại ấy: “Trước tiên hãy tìm kiếm Triều Đại Thiên Chúa và sự công chính của Ngài” (Mt 6,33). Sự đồng nhất hóa chính bạn với Chúa Ki-tô và với ý muốn của Ngài sẽ bao hàm những nỗ lực mà với chúng người ta sẽ kiến tạo nên Vương Quốc Tình Yêu, Công Lý và Bình An cho tất cả. Chính Chúa Ki-tô đang muốn sống điều đó với bạn, trong tất cả những nỗ lực hay những từ bỏ mà nó mang theo với mình, cũng như trong tất cả mọi niềm vui và sự phong nhiêu mà nó được dành sẵn cho bạn. Vì thế, bạn sẽ không thể thánh hóa được bản thân mình nếu như bạn không trao hiến chính bản thân bạn, bao gồm cả thân xác lẫn linh hồn, để đặt điều tốt nhất của bạn vào trong những nỗ lực ấy.

 

26.Sẽ là điều thiếu lành mạnh nếu như người ta yêu thích sự tĩnh lặng và tránh gặp gỡ người khác, ước ao sự an nhiên tự tại và tránh hoạt động, cố gắng cầu nguyện nhưng coi thường sự phục vụ. Tất cả đều có thể được chấp nhận và được hội nhập trong thế giới này với tư cách là thành phần của kiếp sống mỗi người, cũng như đều có thể được bổ sung vào con đường nên thánh. Chúng ta được kêu gọi hãy sống sự chiêm niệm ngay giữa những hoạt động, và hãy thánh hóa bản thân mình trong việc thi hành sứ mạng riêng của mình một cách có trách nhiệm và quảng đại.

 

27.Liệu Chúa Thánh Thần có thể thúc giục chúng ta thực hiện sứ mạng này, nhưng đồng thời lại cũng thôi thúc chúng ta chạy trốn trước một sứ mạng khác, hoặc không chịu hiến thân hoàn toàn để duy trì sự bình an nội tại -  được không? Dù sao đi nữa, đôi khi chúng ta cũng bị cám dỗ muốn coi việc hiến thân mục vụ hay việc dấn thân vào trong thế giới như là điều thứ yếu, như thể chúng là những “điều tiêu khiển” trên con đường nên thánh và trên con đường đi đến với sự bình an nội tâm. Ở đây người ta đã quên rằng, “không phải cuộc sống có một sứ mạng, nhưng là một sứ mạng[27].

 

28.Sự dấn thân mà nó bị thúc đẩy bởi sự sợ hãi, bởi sự kênh kiệu, hay bởi nhu cầu được ở trong tình trạng tốt đẹp và thống trị, thì chắc chắn sẽ không phải là sự nên thánh. Thách đố nằm ở chỗ là, sống sự trao hiến bản thân để làm sao cho những nỗ lực có được một ý nghĩa tương ứng với Tin Mừng, và càng ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giê-su Ki-tô hơn. Vì thế, thông thường thì người ta sẽ nói về một linh đạo giáo lý viên, hay về linh đạo Giáo Sĩ Triều, hoặc linh đạo lao động. Từ lý do đó, trong Thông Điệp Evangelii gaudium, Cha đã khép lại với một linh đạo truyền giáo, trong Thông Điệp Laudato si’, Cha đã kết thúc với linh đạo về Đại Kết, và trong Thông Điệp Amoris laetitia, Cha đã khép lại với một linh đạo về đời sống gia đình.

 

29.Điều đó không có nghĩa là coi thường những khoảnh khắc an bình, những khoảng khắc cô tịch và tĩnh lặng trước Thiên Chúa. Nhưng hoàn toàn ngược lại. Thực ra, những thành tựu liên tục về kỹ thuật, sự thu hút du lịch, và vô số những mời chào của những mặt hàng tiêu dùng, đôi khi đang khiến cho giọng nói của Thiên Chúa không còn có được không gian để vang lên nữa. Tất cả đều được chất đầy trong một tốc độ ngày càng lớn với những lời nói, với những thú vui hời hợt và với cả tiếng ồn. Ở đó không có niềm vui ngự trị, nhưng chỉ có sự bất mãn của những kẻ không biết mình sống để làm gì. Chẳng lẽ chúng ta không thể biết được rằng, chúng ta phải chặn đứng cuộc chạy đua đầy náo động đó để tái chiếm lại không gian riêng tư mà đôi khi vô cùng đau đớn nhưng rốt cục lại luôn luôn có khả năng đơm bông kết trái, mà trong không gian đó, một cuộc đối thoại chân thành với Thiên Chúa sẽ được tiếp nhận hay sao? Bất cứ lúc nào chúng ta cũng đều phải đối diện với chính mình, với sự thật về chính chúng ta, để làm cho chân lý đó được thẩm thấu bởi chính Thiên Chúa, và điều đó không phải lúc nào cũng đạt được “nếu người ta chưa từng có lần nào rơi vào đáy vực thẳm, rơi vào đáy của cơn cám dỗ nặng nề nhất, chưa hề bị đặt trên vách núi đá của sự bỏ rơi, chưa hề bị đặt vào mỏm đá của sự cô đơn, nơi người ta có cảm giác rằng, mình đang hoàn toàn bị bỏ rơi trong nỗi khốn cùng[28]. Bằng cách đó, chúng ta sẽ thấy được những động lực quan trọng mà chúng thôi thúc chúng ta sống sứ mạng của mình cho tới cùng.

 

30.Những khả năng tiêu khiển mà chúng đang tràn ngập trong lối sống hiện đại, cũng sẽ dẫn tới một sự chuyên chế hóa sự tự do, mà với sự tự dó đó, chúng ta có thể sử dụng một cách không hạn chế những thiết bị mà chúng đang giới thiệu cho chúng ta sự tiêu khiển hay giới thiệu những khoái cảm ngắn ngủi [29]. Hậu quả là, sứ mạng riêng của chúng ta sẽ phải chịu thiệt hại vì chuyện đó, tức sự dấn thân sẽ ngày càng yếu đi, và sự phục vụ cách quảng đại và sẵn sàng sẽ bắt đầu sa sút. Điều đó sẽ làm biến dạng đời sống thiêng liêng. Vì một niềm hăng hái thiêng liêng mà nó xuất hiện đồng thời với sự trì trệ trong việc công bố Đức Tin hay trong việc phục vụ người khác, thì làm sao mà có thể lành mạnh được?

 

31.Chúng ta cần có một tinh thần thánh thiện, mà tinh thần ấy vừa xuyên qua sự cô tịch lẫn sự phục vụ, vừa xuyên qua cuộc sống nội tâm lẫn việc dấn thân cho công cuộc loan báo Tin Mừng, để bất cứ khoảnh khắc nào cũng đều là một sự diễn tả của một Tình Yêu hoàn toàn dâng hiến trong cặp mắt Thiên Chúa. Và như thế, tất cả mọi khoảnh khẳc ấy đều trở thành những cấp độ trên con đường nên thánh của chúng ta.

 

Sống động và nhân bản hơn

 

32.Đừng sợ hãi trước việc nên thánh. Sự nên thánh sẽ không lấy đi của bạn bất cứ điều gì, kể cả sức lực, sự sống hay niềm vui. Nhưng hoàn toàn ngược lại, vì ở đây bạn sẽ trở thành một con người mà Thiên Chúa Cha mơ tới khi Ngài sáng tạo nên bạn, và bạn sẽ trung thành với bản tính riêng của mình. Việc lệ thuộc vào Thiên Chúa sẽ giải phóng chúng ta khỏi kiếp nô lệ và làm cho chúng ta nhận ra phẩm giá của mình. Điều này đã trở nên rất rõ ràng nơi Thánh Josephine Bakhita. “Khi mới lên 7 tuổi, tức lúc vẫn còn rất thơ ngây, Thánh Nữ đã bị bán làm nô lệ, và đã phải gánh chịu những nỗi đớn đau nặng nề dưới tay những ông chủ tàn bạo. Tuy nhiên, Thánh Nữ đã hiểu được một chân lý thẳm sâu rằng, Thiên Chúa chứ không phải con người, mới là ông chủ đích thực của mỗi người và của đời sống con người. Kinh nghiệm ấy đã trở thành nguồn mạch khôn ngoan to lớn đối với một cô gái Phi Châu đầy khiêm nhu[30].

 

33.Trong mức độ mà người Ki-tô hữu thánh hóa bản thân mình, nếu họ càng thánh thiện bao nhiêu thì họ càng trở nên phong nhiêu bấy nhiêu đối với thế giới. Các Đức Giám Mục vùng Tây Phi đã dậy chúng ta rằng: “Trong tinh thần tái loan báo Tin Mừng, chúng ta được kêu gọi hãy để cho mình được Tin Mừng hóa thông qua việc loan báo Tin Mừng rằng, tất cả những anh chị em đã lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy đều có khả năng đảm nhận vai trò của mình với tư cách là muối cho đất và ánh sáng cho thế giới ở bất cứ nơi đâu anh chị em hiện diện[31].

 

34.Đừng sợ hãi trước việc phấn đấu để đạt tới những mục tiêu cao hơn, cũng như để cho Thiên Chúa yêu thương và giải phóng mình. Đừng sợ hãi trước việc để cho mình được dẫn dắt bởi Chúa Thánh Thần. Sự thánh thiện không làm cho bạn trở nên bớt nhân bản đi, vì nó chính là cuộc gặp gỡ giữa sự yếu đuối của bạn với sức mạnh của Ân Sủng. Thực ra, như Leon Bloy nói, chỉ có „một nỗi buồn trong cuộc đời mà thôi, đó là việc không nên thánh[32].

 

CHƯƠNG II

 

HAI KẺ THÙ TINH XẢO CỦA SỰ THÁNH THIỆN

 

35.Trong chương này, Cha muốn hướng mối quan tâm tới hai cách trình bày sai lạc về sự thánh thiện mà chúng có thể đẩy chúng ta ra xa con đường nên thánh, đó là Ngộ Đạo Thuyết (Gnostizismus) và thuyết Pelagius. Đây là hai lạc giáo, và hai lạc giáo này xuất hiện trong những thế kỷ đầu của Ki-tô giáo, nhưng chúng vẫn còn mang tính thời sự và rất đáng lo ngại. Ngay trong thời đại hôm nay cũng đang có rất nhiều Ki-tô hữu để cho mình bị lôi cuốn bởi những mời chào đầy gian dối ấy mà không hề nhận ra. Chúng trình bày một chủ nghĩa an nhiên tự tại lấy con người làm trung tâm nhưng lại được ngụy trang như thể đó là một chân lý Công giáo [33]. Chúng ta hãy quan sát hai hình thức của sự an nhiên tự tại được cho là có tính học thuyết hay có tính quy điển ấy, “sự an nhiên tự tại sẽ dẫn tới việc tự coi mình là thành phần tinh hoa đến độ tự say mê chính mình và cho mình là đáng tin cậy; thay vì loan báo Tin Mừng cho người khác, thì nó lại ngồi phân tích tỉ mỉ và đưa ra những định giá; thay vì giản lược hóa con đường dẫn tới ân sủng, thì nó lại tiêu hao năng lực vào chuyện kiểm soát. Trong cả hai trường hợp đó, không hề có một mối quan tâm thực sự nào đối với Chúa Giê-su, và cũng chẳng hề có một mối quan tâm thực sự nào đối với con người[34].

 

Ngộ Đạo Thuyết hiện tại

 

36.Ngộ Đạo Thuyết giả định một Đức Tin được bao hàm trong quan niệm duy chủ quan, “mà nơi chủ thuyết này chỉ có một người duy nhất quan tâm tới một kinh nghiệm nào đó hay quan tâm tới một loạt những lý chứng và những kiến thức, mà người ta nghĩ rằng, chúng có thể mang tới niềm an ủi và ánh sáng, nhưng rốt cục thì chủ thể vẫn bị nhốt lại trong sự nội tại của lý trí hoặc của những cảm xúc riêng[35].

 

Một tinh thần không Thiên Chúa và không thể xác

 

37.Tạ ơn Chúa, vì trong suốt lịch sử Giáo hội, vấn đề đã luôn rõ ràng rằng, sự trọn lành của con người được sánh với Đức Ái của họ, chứ không phải sánh với việc thu thập được đầy những dữ liệu và kiến thức. Ở điểm này, những người theo Ngộ Đạo Thuyết đặt mình dưới một sự hiểu lầm, và kết án những người khác, khởi đi từ sự kiểm định để biết xem, liệu những người khác ấy có ở trong tình trạng để hiểu về một học thuyết nào đó cách sâu xa hay không. Họ giới thiệu một tinh thần mà không có chuyện trở thành người, tức tinh thần không ở trong tình trạng đụng chạm tới thân xác khổ đau của Chúa Giê-su nơi những người khác, đó là một tinh thần bị cột chặt vào chiếc đai nịt của một bộ bách khoa toàn thư đầy những khái niệm trừu tượng. Trong khi họ làm cho mầu nhiệm bị biến dạng, rốt cục họ lại ưa thích “một Thiên Chúa […] nhưng không có Chúa Ki-tô, một Chúa Ki-tô nhưng không có Giáo hội, và một Giáo hội nhưng không có Dân Chúa[36].

 

38.Cuối cùng thì đó là một sự nông cạn đầy hợm hĩnh: nhiều chuyển động trên bề mặt tinh thần, nhưng chiều sâu tư tưởng lại không nhúc nhích và cũng chẳng hề đụng chạm gì tới mình. Tuy nhiên, chủ thuyết này lại thành công trong việc khống chế một số người với sự mê hoặc đầy gian dối, vị sự an nhiên tự tại của Ngộ Đạo Thuyết luôn mang tính hình thức và được cho là phi cá nhân, và có thể mang dáng vẻ của một sự hòa điệu nào đó hay một sự trật tự có tính bao hàm rộng rãi.

 

39.Nhưng chúng ta hãy coi chừng. Cha không đề cập tới những người theo chủ nghĩa duy lý mà họ chính là những kẻ thù của Đức Tin Ki-tô giáo. Điều đó có thể đang diễn ra ngay bên trong Giáo hội, cũng như trong số các tín hữu thuộc các xứ đạo, kể cả trong số những người đang dạy triết và Thần học tại các trung tâm giáo dục. Vì ngay cả những người theo Ngộ Đạo Thuyết cũng tin rằng, với những giải thích của mình, họ có thể làm cho toàn bộ Đức Tin và Tin Mừng trở nên hoàn toàn dễ hiểu. Họ tuyệt đối hóa các giáo thuyết riêng của mình, và bắt buộc những người khác phải khuất phục những lý chứng mà họ sử dụng. Vấn đề nằm ở chỗ là sử dụng lý trí một cách lành mạnh và khiêm tốn để suy tư về các Giáo huấn Thần học và luân lý của Tin Mừng; và ngược với điều này chính là việc cố gắng giản lược giáo lý của Chúa Giê-su vào một thứ lô-gích lạnh lùng cứng cỏi, tức thứ lô-gích cố gắng thống trị tất cả[37].

 

Một giáo thuyết không mầu nhiệm

 

40.Ngộ Đạo Thuyết là một trong những ý thức hệ tồi tệ nhất. Thực ra, lạc thuyết này quá nhấn mạnh tới sự hiểu biết hay tới một kinh nghiệm nào đó, và đồng thời cho rằng, quan điểm của mình về thực tại là hoàn hảo. Với cách thức như thế, ý thức hệ này tự nuôi sống mình bằng chính mình, nhưng có lẽ không nhận ra chuyện đó, và do vậy, càng ngày càng trở nên mù quáng. Đôi khi hệ tư tưởng đó còn trở nên mù quáng một cách đặc biệt khi nó ngụy trang thành một linh đạo tách rời thân xác. Vì tự bản chất, Ngộ Đạo Thuyết muốn “chặt đứt đôi cánh khỏi mầu nhiệm[38], khỏi mầu nhiệm Thiên Chúa và ân sủng của Ngài, cũng như khỏi mầu nhiệm sự sống của người khác.

 

41.Nếu một người nào đó có được những câu trả lời cho tất cả những vấn nạn ấy, thì người đó sẽ chứng tỏ rằng, mình không còn hiện diện trên một con đường lành mạnh nữa; có lẽ đó là một Ngôn Sứ giả, tức kẻ biến tôn giáo thành công cụ mang lại lợi thế cho mình, cũng như biến tôn giáo thành công cụ phục vụ cho những suy diễn về tâm lý nhưng vô nghĩa của họ. Thiên Chúa siêu việt trên chúng ta cách vô bến bờ, Ngài luôn luôn là Đấng gây ngỡ ngàng, và không phải chúng ta là người xác định xem, dưới những hoàn cảnh lịch sử nào thì chúng ta sẽ gặp gỡ Ngài, vì thời gian, nơi chốn và cách thức của cuộc gặp gỡ không phụ thuộc vào chúng ta. Ai muốn có được điều đó một cách hoàn toàn rõ ràng, người ấy sẽ rắp tâm khắc chế sự siêu việt của Thiên Chúa.

 

42.Cũng không ai có quyền ấn định rằng, nơi này thì Thiên Chúa hiện diện và nơi kia thì không, vì Ngài hiện diện trong cuộc sống cá nhân mỗi người một cách đầy huyền nhiệm, trong cuộc sống mỗi người, như Ngài muốn; chúng ta không thể phủ nhận điều đó với những điều bị hiểu lầm là những xác tín của mình. Ngay cả khi sự tồn tại của một người nào đó là một thảm họa đi nữa, hay ngay cả khi chúng ta thấy người ấy đã bị hủy hoại bởi những tật xấu và những cơn nghiện ngập, thì Thiên Chúa cũng vẫn hiện diện trong cuộc sống người ấy. Nếu chúng ta để cho mình được dẫn dắt bởi Chúa Thánh Thần hơn là để cho mình bị dẫn dắt bởi những lý lẽ của mình, thì chúng ta sẽ có thể và phải tìm kiếm Thiên Chúa trong cuộc sống của mỗi người. Điều này chính là một phần của mầu nhiệm mà rốt cục, cách nghĩ của Ngộ Đạo Thuyết sẽ khước từ, vì cách nghĩ đó không thể kiểm soát được mầu nhiệm.

 

Những hạn chế của lý trí

 

43.Chúng ta hầu như không thành công trong việc hiểu thấu về chân lý mà chúng ta đã lãnh nhận từ Thiên Chúa. Phải với rất nhiều những khó khăn to lớn thì chúng ta mới có thể diễn tả được chân lý đó. Vì thế, chúng ta không thể đòi hỏi rằng, cách thức của chúng ta trong việc hiểu về chân lý sẽ trao cho chúng ta quyền canh chừng trên cuộc sống người khác. Cha muốn nhắc nhớ rằng, trong Giáo hội vẫn còn đang tồn tại nhiều những cách thức giải thích khác nhau nhưng có thẩm quyền, về nhiều khía cạnh của giáo lý và đời sống Ki-tô giáo, mà trong sự đa dạng của mình, chúng sẽ “giúp giải thích rõ hơn kho tàng vô cùng phong phú của Lời”. Chắc chắn “đối với những người mơ về một học thuyết toàn khối, được ủng hộ bởi tất cả mà không hề có những cách diễn đạt khác đi, thì điều ấy có vẻ như rất bất toàn và manh mún[39]. Nói cho đúng ra thì một số trào lưu Ngộ Đạo Thuyết rất coi thường sự đơn giản và tính cụ thể của Tin Mừng, và đã cố gắng thay thế Thiên Chúa Ba Ngôi và mầu nhiệm Nhập Thể bằng một sự hiệp nhất cao hơn, mà trong sự hiệp nhất đó, sự đa dạng và phong phú của lịch sử chúng ta sẽ biến mất.

 

44.Trong thực tế, Giáo lý, hay đúng hơn là sự hiểu biết và cách diễn tả của chúng ta về Giáo lý, “không phải là một hệ thống khép kín và không có những động cơ thúc đẩy mà chúng có thể phát sinh ra những vấn đề, những câu hỏi và những mối nghi nan”. “Những câu hỏi của dân tộc chúng ta, những nỗi khổ đau, những mối tranh chấp, những ước mơ, những cuộc chiến đấu và những lo lắng của họ đang sở hữu một giá trị được giải thích mà chúng ta không được phép để cho nó bị bỏ qua, nếu chúng ta muốn tiếp nhận nguyên lý Nhập Thể một cách nghiêm túc. Những câu hỏi của họ sẽ tạo điều kiện để chúng ta tự đặt ra cho mình những câu hỏi, những vấn đề của họ sẽ đặt chúng ta trước những vấn đề[40].

 

45.Không những thế, việc tin rằng, chúng ta đã là thánh, đã hoàn hảo rồi, và đang tốt hơn rất nhiều so với “đám đông thiếu hiểu biết”, vì chúng ta đã biết được một điều gì đó, hay đã có thể giải thích về nó bằng một lô-gích nhất định, đang phát sinh ra rất nhiều những lầm lạc đầy nguy hiểm. Thánh Gio-an Phao-lô II đã cảnh báo tất cả những ai có khả năng học cao biết rộng trong Giáo hội, trước cơn cám dỗ muốn nâng niu “một cảm giác ưu việt nào đó trên các tín hữu khác[41]. Trong thực tế, điều mà chúng ta tin rằng mình đã biết, luôn luôn nên trở thành một xung lực thôi thúc chúng ta đáp lại Tình Yêu của Thiên Chúa cách tốt hơn, vì “người ta học để sống: Thần học và sự nên thánh cùng thuộc về nhau một cách không thể tách rời[42].

 

46.Khi Thánh Phan-xi-cô Assisi thấy rằng, một số môn sinh của Ngài đã giảng dạy đúng với Giáo lý, thì Ngài đã muốn ngăn chặn cơn cám dỗ của Ngộ Đạo Thuyết. Vì thế, Ngài đã viết cho Thánh An-tôn Padua như sau: “Cha rất thích con trình bày về Thần Học thiêng liêng cho các anh em, miễn sao, qua việc học tập và nghiên cứu này, con không dập tắt tinh thần cầu nguyện và hy sinh[43]. Ngài nhận ra cơn cám dỗ xúi người ta biến kinh nghiệm Ki-tô giáo thành một bộ sưu tập của những suy diễn thiêng liêng, mà rốt cục chúng sẽ làm cho chúng ta tránh xa sự tươi sáng của Tin Mừng. Còn về phía mình, Thánh Bô-na-ven-tu-ra đã lưu ý rằng, sự khôn ngoan đích thực của Ki-tô giáo không được phép tách rời Lòng Nhân Hậu đối với tha nhân: “Sự khôn ngoan lớn nhất có thể có, hệ tại ở chỗ chia sẻ một cách bổ ích những gì người ta đang có để cho đi; chia sẻ điều mà người ta đã lãnh nhận để phân phát nó […]. Vì thế, nếu như Lòng Nhân Hậu là bạn của sự khôn ngoan thế nào, thì sự keo kiệt cũng là kẻ thù của nó như vậy[44]. “Có những hoạt động mà khi chúng liên kết với sự chiêm niệm, chúng sẽ không ngăn cản sự chiêm niệm ấy, nhưng còn đơn giản hóa nó, chẳng hạn như những công việc của Lòng Thương Xót và sự đạo đức[45].

 

Chủ nghĩa Pelagius hiện tại

 

47.Ngộ Đạo Thuyết đã dẫn tới một lạc giáo khác mà nó cũng được bắt gặp trong thời đại hôm nay. Trong quá trình thời gian, nhiều người đã bắt đầu nhận ra rằng, không phải kiến thức là điều làm cho chúng ta trở nên tốt hơn, hay làm cho nên thánh thiện hơn, nhưng là cuộc sống mà chúng ta thực hiện. Vấn đề nằm ở chỗ, điều này sẽ dần dà trở nên khó hiểu và xa lạ theo một cách thức phức tạp, đến độ những khiếm khuyết như thế của Ngộ Đạo Thuyết sẽ thay đổi chứ không bị vượt qua.

 

48.Vì thế, một số người đã bắt đầu thừa nhận sức mạnh mà những người theo Ngộ Đạo Thuyết gán cho lý trí, cho ý chí cũng như cho những nỗ lực cá nhân. Và do đó xuất hiện những người theo giáo phái Pelagius và bán Pelagius. Ở đây lý trí không còn phải là điều chiếm mất chỗ đứng của mầu nhiệm và ân sủng nữa, nhưng là ý chí. Người ta đã quên rằng, “người ta được chọn không phải vì muốn hay vì chạy vạy, nhưng vì được Thiên Chúa thương xót” (Rm 9,16), và cũng quên mất rằng, “Ngài đã yêu thương chúng ta trước” (1Ga 4,19).

 

Một ý chí thiếu khiêm tốn

 

49.Những người thích ứng với tâm tính Pelagius hay bán Pelagius, ngay cả khi họ nói về ân sủng của Thiên Chúa với tất cả sự ngọt ngào trôi chảy đi nữa, thì “rốt cục cũng vẫn chỉ cậy dựa vào sức riêng mình”, và cảm thấy mình “trổi vượt người khác […] vì họ tuân theo một số những quy định nào đó, hay vì họ trung thành một cách tuyệt đối với một lối sống Công giáo nào đó của quá khứ[46]. Khi một số người trong họ hướng về những người yếu kém và nói với họ rằng, người ta có thể làm tất cả với ân sủng của Thiên Chúa, thì căn bản mà nói, họ thường có thói quen đưa ra một ý tưởng, mà theo đó, người ta có thể thực hiện tất cả với ý chí con người, làm như thể ý chí là một cái gì đó thuần khiết, hoàn hảo và đầy quyền năng, mà ân sủng chỉ là điều phụ được thêm vào. Người ta  giả vờ như thể không biết rằng, “không phải tất cả mọi người đều có thể làm được tất cả[47], và làm như thể không hề biết rằng, trong cuộc sống này, sự yếu đuối của con người không được chữa lành cách hoàn toàn, và một lần là xong, nhờ vào ân sủng[48]. Như Thánh Augustinô đã dạy, trong một số trường hợp, Thiên Chúa sẽ mời gọi người ta thực hiện điều mà người ta có thể, và “cầu xin điều mà người ta không thể[49], hay nói với Ngài một cách khiêm nhượng: “Xin hãy ban cho con điều mà Chúa đòi hỏi, sau đó hãy đòi hỏi từ con điều mà Chúa muốn[50].

 

50.Nếu không nhìn nhận những giới hạn của chúng ta cách chân thành, nhẫn nại và trong tinh thần cầu nguyện, thì căn bản mà nói, ân sủng sẽ bị ngăn cản, không thể hoạt động cách hữu hiệu trong chúng ta. Vì thế, ân sủng sẽ không có được một không gian nào để khi cần, phát triển một sự thiện hảo, mà sự thiện hảo ấy sẽ góp phần vào một quá trình phát triển đúng đắn và chân thực[51]. Chính vì ân sủng cần tới bản tính tự nhiên của chúng ta, nên nó không bất thình lình làm cho chúng ta trở thành siêu nhân. Đề cao yêu sách đó có nghĩa là tự trông cậy vào mình cách quá đáng. Trong trường hợp này, được che giấu đàng sau tính chính thống, những thái độ và những hành vi của chúng ta có thể sẽ không tương ứng với điều mà chúng ta quả quyết về sự cần thiết của ân sủng; và rốt cuộc, trong thực tế, chúng ta sẽ bớt tin tưởng vào ân sủng. Vì nếu chúng ta không nhận ra thực tế cụ thể và giới hạn của mình, thì chúng ta sẽ không thấy được những bước đi thực tế và khả dĩ mà Thiên Chúa yêu cầu chúng ta thực hiện trong từng khoảnh khắc sau khi Ngài đã lôi kéo chúng ta đến với Ngài qua ân sủng của chính Ngài, cũng như đã ban cho chúng ta khả năng hiện thực hóa những bước đi đó. Thông thường thì ân sủng sẽ hoạt động trong lịch sử, và khích lệ cũng như biến đổi chúng ta cách tiệm tiến[52]. Nếu chúng ta khước từ cách thức có tính lịch sử và tiệm tiến ấy, thì trong thực tế, chúng ta sẽ có thể đi tới chỗ phủ nhận và phong tỏa ân sủng, ngay cả khi chúng ta sử dụng những mỹ từ của mình để ca ngợi nó.

 

51.Khi Thiên Chúa hướng về Áp-ra-ham, Ngài đã nói: “Ta là Thiên Chúa toàn năng. Ngươi hãy đi trước nhan Ta và hãy trở nên công chính thánh thiện!” (St 17,1). Để có thể trở nên công chính thánh thiện như Thiên Chúa mong muốn, chúng ta phải sống khiêm nhượng trong sự hiện diện của Ngài; được bao bọc trong vinh quang Ngài, chúng ta phải đi tới sự hiệp nhất với Ngài và nhận ra Tình Yêu bất biến của Ngài trong cuộc sống chúng ta. Chúng ta phải vứt bỏ sự sợ hãi trước sự hiện diện của Ngài, tức sự hiện diện chỉ có thể làm cho chúng ta nên tốt. Thiên Chúa Cha là Đấng đã ban sự sống cho chúng ta, và Ngài rất mực yêu thương chúng ta. Nếu chúng ta chấp nhận điều đó và ngừng nghĩ tới sự hiện hữu của chúng ta bên ngoài Ngài, thì nỗi bất hạnh của sự cô đơn sẽ biến mất (xc. Tv 138,7). Nếu chúng ta không giữ khoảng cách với Thiên Chúa nữa, nhưng trái lại, sống trong sự hiện diện của Ngài, thì chúng ta sẽ có thể để cho Ngài thẩm tra con tim của chúng ta để biết xem, liệu con tim ấy có đang đi trên đường ngay nẻo chính hay không (Tv 139,23-24). Và như thế chúng ta sẽ nhận ra Thánh Ý đầy yêu thương và trọn hảo của Thiên Chúa (xc. Rm 12,1-2). Chúng ta vẫn thường nói rằng, Thiên Chúa cư ngụ trong chúng ta, nhưng sẽ là điều tốt hơn nếu nói rằng, chúng ta cư ngụ trong Ngài, Ngài cho phép chúng ta sống trong ánh sáng và trong Tình Yêu của Ngài. Ngài chính là đền thờ của chúng ta: “Một điều tôi kiếm tôi xin là luôn được ở trong đền Chúa tôi, mọi ngày trong suốt cuộc đời” (Tv 27,4). “Một ngày tại khuôn viên thánh điện, quý hơn cả ngàn ngày” (Tv 84,11). Trong Ngài chúng ta được thánh hóa.

 

Một Giáo huấn thường xuyên bị lãng quên của Giáo hội

 

52.Giáo hội vẫn thường xuyên dạy rằng, chúng ta không được công chính hóa nhờ vào những công việc hay những nỗ lực của mình, nhưng nhờ vào ân sủng của Thiên Chúa, Đấng khơi lên những sáng kiến. Các Giáo Phụ trước Thánh Augustinô đã diễn tả sự xác tín căn bản ấy với tất cả sự rõ ràng. Thánh Gio-an Kim Khẩu nói rằng, Thiên Chúa tưới gội trên chúng ta nguồn mạch đích thực của mọi ân sủng, “trước khi chúng ta bước vào chiến trận[53]. Thánh Ba-si-li-ô Cả nhấn mạnh rằng, người tín hữu chỉ hãnh diện trong Thiên Chúa, vì “họ nhận ra rằng, họ đã bị cướp mất sự công chính đích thực, cũng như nhận ra rằng, họ chỉ được công chính hóa thông qua Đức Tin vào Chúa Ki-tô[54].

 

53. Công Đồng Orange II dạy với thẩm quyền chắc chắc rằng, không ai có thể thanh toán nổi cho ân sủng của Thiên Chúa, cũng như có thể xứng đáng để lãnh nhận ân sủng đó, hay có thể mua được nó. Và Công Đồng này cũng dạy rằng, bất cứ sự cộng tác nào với ân sủng cũng đều được ban cho trước bởi chính ân sủng đó: Thậm chí niềm mong muốn trở nên tinh tuyền cũng “được khơi lên trong chúng ta nhờ vào việc tưới gội Chúa Thánh Thần và nhờ vào hoạt động của Ngài[55]. Sau này, khi Công Đồng Tren-tô nhấn mạnh tới tầm quan trọng của sự cộng tác mà chúng ta cần phải có đối với sự phát triển đời sống thiêng liêng, thì đồng thời Công Đồng đó cũng xác định học thuyết tín lý sau đây: “Phải nói rằng, sở dĩ chúng ta được công chính hóa một cách nhưng không, là vì, không có bất cứ điều gì xuất hiện trước khi được công chính hóa - dù là Đức Tin hay những công việc -, đáng nhận được ơn công chính hóa; nếu việc được công chính hóa là một ơn, thì nó sẽ không còn do công trạng, bởi không vậy thì ân sủng sẽ chẳng còn là ân sủng nữa, như chính Thánh Tông Đồ đã nói (Rm 11,6)[56].

 

54.Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo cũng nhắc nhớ chúng ta rằng, quà tặng ân sủng “vượt lên trên mọi khả năng hiểu biết và mọi sức mạnh ý chí của con người cũng như của bất cứ thụ tạo nào[57], vì “đối với Thiên Chúa, con người sẽ không có bất cứ một công trạng nào trong ý nghĩa đích thực của nó. Giữa Ngài và chúng ta có một sự bất cân xứng không thể đo lường được[58]. Tình bằng hữu của Thiên Chúa siêu việt chúng ta cách vô hạn, tình bằng hữu đó không thể được chúng ta mua bán bằng những việc làm của mình, và tình bằng hữu ấy chỉ có thể là một ân ban phát xuất từ sáng kiến đầy Tình Yêu của Ngài. Điều này mời gọi chúng ta sống trong một niềm biết ơn hoan hỷ đối với ân ban đó, tức ân ban mà chúng ta không bao giờ trở nên xứng đáng, vì “sau khi một ai đó đã thủ đắc ân sủng rồi, thì ân sủng đã được đón nhận sẽ không thể liên quan tới công trạng nữa[59]. Các Thánh đã tránh việc cậy dựa vào những hành động riêng của mình: “Vào lúc xế chiều cuộc sống này, con sẽ xuất hiện với đôi bàn tay trắng trước nhan Chúa, vì thế, lạy Chúa, con không cầu xin Chúa hãy đếm xỉa tới những công việc của con. Tất cả mọi sự công chính của con đều nhơ nhuốc trong cặp mắt Chúa[60].

 

55.Đó là một trong những xác tín quan trọng mà Giáo hội đã cố gắng xác định cho thật rõ ràng, và trong Lời Chúa, Giáo hội trình bày một cách hết sức rõ ràng rằng, đây là điều không thể bị phủ nhận. Giống như giới răn cao nhất là Đức Ái, chân lý này cũng phải đánh dấu lối sống của chúng ta. Nó tự tiếp liệu cho mình từ con tim của Tin Mừng, và muốn rằng, chúng ta sẽ không đón nhận nó chỉ với khía cạnh tinh thần, nhưng cũng còn biến nó thành một niềm vui có khả năng đốt cháy nữa. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không thể đón mừng hồng ân nhưng không là tình bằng hữu với Thiên Chúa bằng niềm biết ơn, nếu chúng ta không nhìn nhận rằng, ngay cả kiếp sống dương thế cũng như những khả năng tự nhiên của chúng ta cũng đều là một hồng ân. Sẽ thật tốt cho chúng ta nếu “chúng ta chấp nhận cách đầy vui mừng rằng, hiện thực của chúng ta chính là một ân sủng, và chúng ta lãnh nhận sự tự do của mình cũng với tư cách là ân sủng. Đó là điều khó khăn trong một thế giới tin rằng, mình đang sở hữu một điều gì đó như là hoa trái đến từ sự độc đáo riêng hay đến từ sự tự do đối với chính mình[61].

 

56.Chỉ khởi đi từ ân sủng của Thiên Chúa, mà ân sủng đó được đón nhận trong sự tự do và được tiếp nhận trong sự khiêm nhượng, thì chúng ta, qua những cố gắng và nỗ lực của mình, mới có thể cộng tác vào với việc để cho mình ngày càng biến đổi[62]. Việc lắng nghe Thiên Chúa chính là điểm đầu tiên. Việc tiếp theo là chúng ta trao hiến bản thân mình cho Ngài, mà đối với chúng ta, Ngài chính là Đấng khơi lên những sáng kiến, cũng như dâng lên Ngài những khả năng và sự dấn thân của chúng ta, kể cả việc chúng ta chiến đấu chống lại sự ác cũng như những sáng kiến của chúng ta, để những ân huệ nhưng không của Ngài đều có thể phát triển và lớn lên trong chúng ta: “Thưa anh chị em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên anh chị em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1). Giáo hội vẫn luôn luôn dạy rằng, chỉ Đức Mến mới có thể làm cho Ân Sủng được lớn lên trong đời sống, vì “nếu tôi không có Đức Mến thì tôi cũng chẳng là gì” (1Cr 13,2).

 

Tân thuyết Pelagius

 

57.Nhưng lại có một số Ki-tô hữu muốn đi theo con đường khác: đó là những kẻ muốn được nên công chính nhờ vào sức riêng, những kẻ tôn thờ ý chí con người và tôn thờ khả năng riêng mà không có Đức Mến đích thực. Điều này biểu lộ trong nhiều thái độ có vẻ khác nhau: trong việc tôn thờ lề luật cách cuồng tín, trong sự say mê trước việc có thể chứng tỏ các thành tựu xã hội và chính trị, trong việc thể hiện sự quan tâm tới Phụng Vụ, tới Giáo lý và uy tín của Giáo hội, trong sự khoe khoang được liên kết với việc tổ chức các công việc có tính thực hành, hay trong xu hướng năng động của việc tự giúp mình, và tự phát triển bản thân nhưng chỉ liên hệ đến cái tôi. Một số Ki-tô hữu đang phung phí sức lực và thời gian của mình cho những điều đó, thay vì để cho mình được dẫn dắt bởi Chúa Thánh Thần trên con đường Đức Mến, quan tâm tới việc tiếp tục chuyển giao vẻ đẹp và niềm vui của Tin Mừng, cũng như tìm kiếm những con người đã bị hư mất trong vô số những đám người đang khát khao được gặp Chúa Ki-tô.

 

58.Trái hẳn với sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, đời sống của Giáo hội thường bị biến thành một tác phẩm trong bảo tàng viện, hay trở thành tài sản riêng của một ít người. Điều đó sẽ diễn ra khi một số nhóm Ki-tô hữu gán cho việc tuân thủ một số các quy định, một số tập tục hay một số những phong cách nào đó một tầm quan trọng quá mức. Người ta thường hạn chế và bóp nghẹt Tin Mừng theo cách đó, và người ta lấy đi khỏi Tin Mừng sự đơn sơ giản dị và hương thơm đầy sức lôi cuốn của nó. Có lẽ đó là một hình thức tinh xảo của chủ nghĩa Pelagius, vì nó có vẻ như muốn ép đời sống ân sủng phải quy phục trước những cấu trúc của con người. Điều này đang có liên quan đến những nhóm, những phong trào và những cộng đoàn, và nó giải thích cho biết tại sao họ thường bắt đầu với một đời sống sâu lắng trong Thánh Thần, nhưng sau đó lại kết thúc ở chỗ trở nên chai đá… hay đổ đốn.

 

59.Nếu chúng ta nghĩ rằng, tất cả đều phụ thuộc vào sự nỗ lực của con người, mà sự nỗ lực ấy được lèo lái thông qua những quy định và những cấu trúc của Giáo hội, thì chúng ta đang vô tình làm phức tạp hóa Tin Mừng, và rồi tái trở thành những nô lệ cho một mô hình, mà mô hình ấy chỉ mở một vài những lỗ lấm tấm cho hoạt động của ân sủng. Thánh Tô-ma Aquinô đã nhắc nhớ chúng ta rằng, những điều luật được Giáo hội bổ sung vào với Tin Mừng sẽ chỉ có giá trị áp dụng một cách tương đối, “để làm cho đời sống của các tín hữu không trở nên nặng nề”, vì nếu không như thế thì “tôn giáo của chúng ta sẽ bị biến thành một kiếp nô lệ[64].

 

Bản tóm tắt của Lề Luật

 

60.Để ngăn ngừa việc đó, thường rất hữu ích khi nhớ rằng, có một cấp bậc các nhân đức, mà cấp bậc đó mời gọi chúng ta tìm kiếm điều chính yếu. Sự ưu tiên ở đây là các nhân đức đối thần, tức những nhân đức có Thiên Chúa làm đối tượng và nguyên lý. Đức Mến đứng trong trung tâm điểm của các nhân đức ấy. Điều thực sự đáng kể, như Thánh Phao-lô nói, chính là “Đức Tin hành động nhờ Đức Ái” (Gl 5,6). Chúng ta được kêu gọi hãy lưu tâm tới Đức Ái: „Anh em đừng mắc nợ gì ai ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu thương thì đã chu toàn Lề Luật […]. Yêu thương là chu toàn Lề Luật” (Rm 13,8.10). “Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu thương người thân cận như chính mình” (Gl 5,14).

 

61.Nói cách khác: Giữa sự đồ sộ của các giới răn và những tập tục, Chúa Giê-su đã tạo ra một lỗ hổng, mà lỗ hổng ấy cho phép chúng ta nhận ra hai khuôn mặt, một là của Thiên Chúa Cha, và một là của người anh chị em. Ngài không tạo thêm cho chúng ta hai mệnh lệnh hay hai giới răn mới. Ngài trao cho chúng ta hai dung mạo, hay đúng hơn là một dung mạo duy nhất của Thiên Chúa, mà dung mạo ấy được phản ánh trong nhiều khuôn mặt. Vì trong bất cứ người anh em hay người chị em nào, đặc biệt là trong những anh chị em bé nhỏ, yếu ớt, dễ bị tổn thương và túng thiếu nghèo hèn nhất, hình ảnh của Thiên Chúa vẫn hiện diện trong đó. Với nhân tính dễ bị gây tổn thương này, tức nhân tính đã bị loại bỏ, khi đến thời cùng tận, Thiên Chúa sẽ nhào nặn nên tác phẩm cuối cùng của Ngài. Vì “điều gì sẽ tồn tại, điều gì sẽ có giá trị hoàn toàn trong cuộc sống, và những sản nghiệp nào sẽ không biến mất? Chắc chắn có hai điều: Thiên Chúa và tha nhân. Hai sản nghiệp này sẽ không biến mất![65].

 

62.Ước gì Thiên Chúa sẽ giải thoát Giáo hội khỏi hai hình thức mới của Ngộ Đạo Thuyết và thuyết Pelagius, bởi hai lạc thuyết này luôn gây khó khăn và ngăn cản Giáo hội trên con đường nên thánh! Hai lạc thuyết này đang tiếp nhận những hình thức khác nhau, tương ứng với tính khí và tư chất của mỗi bên. Vì thế, Cha khuyên mỗi người hãy tự hỏi mình cũng như hãy tự thẩm tra mình trước mặt Thiên Chúa để biết xem, bằng cách nào mà hai lạc thuyết trên đã có thể đột nhiên xuất hiện trong cuộc sống của mình.

 

 

CHƯƠNG III

 

TRONG ÁNH SÁNG CỦA VỊ THẦY

 

63.Có thể đang có rất nhiều những học thuyết dậy cho biết thế nào là nên thánh, với những giải thích và những phân tích cặn kẽ. Những phân tích đó có thể hữu ích nhưng sẽ chẳng soi sáng được gì nếu người ta lưu tâm tới Lời Chúa Giê-su và quan sát một cách sâu rộng trước cách thức của Ngài trong việc tiếp tục chuyển giao chân lý. Với tất cả sự đơn sơ và giản dị, Chúa Giê-su đã giải thích cho biết nên thánh có nghĩa là gì, và Ngài đã thực hiện điều đó khi Ngài để lại cho chúng ta các Mối Phúc (xc. Mt 5,3-12; Lc 6,20-23). Các Mối Phúc ấy cũng chính là thẻ căn cước của người Ki-tô hữu. Như thế, nếu một ai đó đặt ra cho chúng ta câu hỏi: “Người ta làm thế nào để có thể trở thành một Ki-tô hữu tốt lành?”, thì câu trả lời sẽ rất đơn giản: Điều cần thiết là mỗi người thực hiện theo cách riêng của mình những gì mà Chúa Giê-su đã nói trong các Mối Phúc[66]. Dung nhan của vị Thầy phản ánh trong các Mối Phúc đó; chúng ta được kêu gọi để cho dung nhan Ngài được tỏa sáng trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

 

64.Cụm từ “phúc thay” hay “vui mừng thay” đều có cùng ý nghĩa với cụm từ “thánh thiện thay”, vì chúng diễn tả cho thấy, bất cứ người nào trung tín với Thiên Chúa và sống theo Lời Ngài thì cũng đều đạt tới được niềm hạnh phúc đích thực trong sự trao hiến bản thân mình.

 

Ngược dòng

 

65.Đối với chúng ta, những Lời của Chúa Giê-su xem ra có tính thi vị, nhưng dẫu vậy thì chúng cũng vẫn đi ngược lại một cách rõ ràng với những điều thông thường, ngược lại với những điều mà người ta vẫn thực hiện trong cộng đồng xã hội; và nếu sứ điệp ấy của Chúa Giê-su có sức lôi cuốn chúng ta, thì căn bản mà nói, thế gian cũng sẽ đẩy chúng ta đi theo một lối sống khác. Tuyệt nhiên các Mối Phúc không hề vô nghĩa và hời hợt; trái lại, chúng ta chỉ có thể sống các Mối Phúc ấy nếu Chúa Thánh Thần đổ đầy trên chúng ta với tất cả quyền năng của Ngài, và giải thoát chúng ta khỏi những khuynh hướng ích kỷ, biếng nhác và tự phụ.

 

66.Chúng ta hãy tái lắng nghe Chúa Giê-su với tất cả lòng mến và sự trân kính mà một vị Thầy đáng được. Chúng ta hãy để cho Ngài gặp gỡ chúng ta qua những Lời của Ngài, thôi thúc chúng ta, cũng như mời gọi chúng ta đi tới một sự thay đổi thực thụ cuộc sống của mình. Trong trường hợp ngược lại thì sự thánh thiện chỉ tồn tại nơi lời nói. Giờ đây chúng ta hãy nhớ lại các Mối Phúc khác nhau trong phiên bản của Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu (Mt 5,3-12)[67].

 

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.”

 

67.Tin Mừng mời gọi chúng ta hãy nhận ra sự thật nơi cõi lòng mình để biết xem, chúng ta đang đặt sự an toàn của cuộc sống chúng ta ở đâu. Cứ sự thường thì người giầu sẽ cảm thấy an tâm với những tài sản của mình, và họ tin rằng, nếu những tài sản đó bị xâm hại thì toàn bộ ý nghĩa cuộc sống trần gian của họ cũng sẽ bị suy sụp. Chính Chúa Giê-su đã nói điều đó với chúng ta trong dụ ngôn về người phú hộ khi Ngài kể về kẻ giầu có ấy, tức kẻ – giống như một tên khờ dại – đã không hề nghĩ rằng, mình sẽ có thể qua đời ngay trong ngày hôm nay (xc. Lc 12,16-21).

 

68.Tài sản vật chất không giới thiệu cho bạn sự chắc chắn. Đúng hơn, vấn đề là thế này: Nếu con tim cảm thấy mình giầu sang, thì rồi nó sẽ hài lòng với chính mình, và như thế sẽ không còn chỗ cho Lời của Thiên Chúa nữa, không còn chỗ cho việc yêu thương những người anh chị em nữa, hay không còn chỗ cho việc vui mừng về những điều quan trọng nhất của cuộc sống nữa. Và như thế nó sẽ cướp đi khỏi chính mình những điều tốt đẹp nhất. Vì thế, Chúa Giê-su đã gọi những người có tinh thần nghèo khó là những người có phúc, những con người đó có một con tim nghèo khó mà Thiên Chúa có thể bước vào cùng với những điều luôn luôn mới mẻ của Ngài.

 

69.Sự khó nghèo trong tinh thần ấy liên hệ khắng khít với “sự thờ ơ thánh thiện” mà Thánh I-nha-xi-ô Loyola đã trình bày. Trong sự thờ ơ đó, chúng ta đạt tới được một sự tự do nội tại tuyệt vời: “Do vậy, điều cần thiết là chúng ta làm cho mình trở nên thờ ơ đối với tất cả những điều được tạo ra trong tất cả những gì cho phép chúng ta được tự do thể hiện quyền quyết định của mình, và trong những gì không ngăn cấm sự tự do ấy. Vì thế, về phía mình, chúng ta sẽ không nên ước muốn những điều sau đây nữa: sức khỏe chứ không phải bệnh tật, giầu sang chứ không phải nghèo túng, thanh danh chứ không phải sự nhục nhã, trường thọ chứ không phải chết yểu, và cứ thế trong tất cả những điều khác[68].

 

70. Thánh Lu-ca không nói về “tinh thần” nghèo khó, nhưng chỉ nói đến việc trở nên “nghèo khó” (xc. Lc 6,20). Như vậy, Ngài cũng mời gọi chúng ta thực hiện một cuộc sống đơn sơ và bình dị. Qua cách thức như thế, Ngài mời gọi chúng ta hãy chia sẻ cuộc sống với những người cùng khốn, tức cuộc sống mà các Thánh Tông Đồ đã thực hiện, và sau cùng, làm cho chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giê-su: “Ngài vốn giầu sang nhưng đã trở nên nghèo túng” (2Cr 8,9).

 

Nghèo khó trong lòng, đó là sự thánh thiện.

 

“Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.”

 

71.Đó là một ý kiến mạnh mẽ trong một thế giới mà ngay từ đầu nó đã là nơi của những thái độ thù địch, nơi của sự tranh cãi khắp chốn, nơi sự thù hận thống trị mọi bề, nơi chúng ta thường xuyên phân loại người khác theo quan điểm hay theo những thói quen của họ, kể cả theo cách thức nói chuyện hay cách ăn vận của họ. Rốt cục, đó là một vương quốc kênh kiệu và tự phụ, nơi đó, bất cứ ai cũng đều tin rằng, mình có quyền coi mình là hơn kẻ khác. Mặc dù xem ra có vẻ bất khả thi, nhưng Chúa Giê-su vẫn đề nghị một lối sống khác: sự hiền lành. Đó là điều mà Ngài đã áp dụng với các môn đệ của Ngài, và là điều mà chúng ta có thể quan sát trong cuộc khải hoàn của Ngài tiến vào Giê-ru-sa-lem: “Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi. Ngài hiền hậu ngồi trên lưng một con lừa” (Mt 21,5; xc Dc 9,9).

 

72.Ngài nói: “Anh em hãy học từ nơi tôi, vì tôi hiền hậu và khiêm nhượng tự đáy lòng. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,29). Nếu chúng ta sống kênh kiệu và tự cao tự đại trước người khác, thì cuối cùng chúng ta sẽ trở nên mệt mỏi và kiệt sức. Nhưng nếu chúng ta nhìn xem những giới hạn và những khiếm khuyết của họ với sự hiền từ và nhân hậu mà không hề có chuyện cho mình là tốt hơn, thì chúng ta sẽ có thể giúp họ một tay và tránh được chuyện lãng phí sức lực của mình vào việc oán trách vô bổ. Đối với Thánh Tê-rê-sa thành Lisieux, thì “Đức Ái hoàn hảo hệ tại ở chỗ […], chịu đựng những khiếm khuyết của người khác, không ngạc nhiên về những yếu đuối của họ[69].

 

73.Thánh Phao-lô đã coi sự hiền hòa như là hoa trái của Thánh Thần (xc. Gal 5,23). Ngài đề nghị rằng, nếu chúng ta quan tâm đến những khuyết điểm của những người anh chị em, thì chúng ta nên xích lại gần, để khuyên nhủ họ “trong tinh thần hiền hòa” (Gal 6,1). Ở đây Ngài cảnh báo rằng: “Anh em phải tự đề phòng kẻo chính mình cũng bị sa chước cám dỗ!” (Nt). Ngay cả khi người ta bảo vệ Đức Tin và những xác tín của mình, thì người ta cũng phải thực hiện điều đó “cách khiêm tốn” (1 Phr 3,16), và chính những đối thủ cũng phải được đối xử “với sự tốt lành” (2 Tm 2,25). Trong Giáo hội, chúng ta thường hay quên nhau, vì chúng ta đã không thích ứng với sứ mạng ấy của Lời Chúa.

 

74.Sự hiền lành còn là một cách thể hiện khác đối với sự nghèo khó trong lòng của người chỉ đặt niềm tín thác vào một mình Thiên Chúa. Chính vì thế, Kinh Thánh thường có thói quen sử dụng chung một từ anawim trong mối liên hệ đến những người nghèo và những người hiền lành. Một người nào đó có thể bác lại chuyện đó: “Nếu tôi hiền lành như thế thì người ta sẽ cho rằng tôi là một đứa ngu, một đứa tối dạ hay một kẻ yếu ớt!” Đôi khi có thể là như thế, nhưng chúng ta cứ việc để cho người khác nghĩ như vậy. Tốt nhất vẫn là luôn luôn hiền hậu; và rồi mong muốn lớn nhất của chúng ta sẽ trở nên hiện thực: Những người hiền lành “sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp”, điều đó có nghĩa là những lời hứa của Thiên Chúa sẽ trở thành hiện thực trong cuộc sống của họ. Vì trái với mọi người sống chung quanh, những người hiền lành sẽ chỉ đặt niềm cậy trông vào Thiên Chúa, “người trông đợi Chúa, sẽ được đất hứa làm gia nghiệp […] và vui hưởng cảnh an lạc chan hoà” (Tv 37,9.11). Đồng thời, Thiên Chúa cũng tin tưởng vào họ: “Kẻ được Ta đoái nhìn: đó là người nghèo khổ, người có tâm hồn tan nát, người nghe lời Ta mà run sợ” (Is 66,2).

 

Phản ứng với sự hiền lành đầy khiêm nhượng, đó là sự thánh thiện.

 

“Phúc thay ai sầu khổ vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.”

 

75.Thế gian đề nghị chúng ta làm những điều ngược lại: sự tiêu khiển, sự khoái lạc, sự lơ đãng và sự khoan khoái. Nó nói với chúng ta rằng, những điều đó sẽ khiến cuộc sống nên tốt. Thái độ của thế gian là không lưu tâm, nó ngoảnh mặt đi chỗ khác mỗi khi trong gia đình hay trong khu vực hàng xóm láng giềng có vấn đề gì đó bởi bệnh tật hay bởi một nỗi đau khổ khác. Thế gian không muốn đau buồn: nó thích làm ngơ trước những tình cảnh đầy khổ đau, thích giấu giếm hay che đậy những trạng huống đó. Người ta phung phí nhiều sức lực vào chuyện chạy trốn khỏi những hoàn cảnh và những trạng huống mà nơi đó sự khổ đau đang xảy ra, và khi chạy trốn như thế, họ tin rằng, người ta có thể che đậy thực tế, mà thực tế đó không bao giờ, không bao giờ có thể thiếu Thập Giá.

 

76.Người nào thấy sự việc như chúng thực sự là, và người nào để cho mình được thẩm thấu bởi sự đau khổ, cũng như có thể khóc trong con tim của mình, thì người ấy sẽ có khả năng đụng chạm tới chiều sâu của cuộc sống cũng như trở nên hạnh phúc thực sự[70]. Người đó sẽ được an ủi, nhưng với sự an ủi của Chúa Giê-su chứ không phải với sự an ủi của thế gian. Như thế, người đó có thể dám chia sẻ nỗi khổ đau của những người khác, và không bao giờ bỏ chạy trước những tình cảnh đầy khổ đau. Bằng cách đó, người ấy sẽ thấy cuộc sống có ý nghĩa khi người ta giúp đỡ người khác trong lúc họ gặp khổ đau, khi người ta hiểu được nỗi sợ hãi của người khác, khi người ta giúp người khác có được cảm giác nhẹ nhõm. Người ấy sẽ cảm thấy rằng, thân thể người khác chính là thân thể mình; người ấy sẽ không sợ hãi trước việc đến gần và thậm chí còn đụng chạm tới những vết thương của người khác; người ấy sẽ có một sự đồng cảm mà chính mình đã kinh qua, đến độ tất cả mọi khoảng cách đều sẽ biến mất. Và như thế, người ta sẽ có thể đón nhận lời khuyên của Thánh Phao-lô: “Khóc với người khóc!” (Rm 12,15).

 

Biết đồng khổ đau với những người khác, đó là sự thánh thiện.

 

„Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.“

 

77.Đói khát là một trong những kinh nghiệm mạnh mẽ, vì chúng tương ứng với những nhu cầu căn bản và có việc phải làm với bản năng sinh tồn. Luôn có những con người khát khao sự công chính với chính cường độ như thế, và khao khát nó với một niềm khát khao to lớn. Chúa Giê-su nói, họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng, vì dù sớm hay muộn thì sự công chính cũng sẽ đến. Chúng ta có thể cộng tác để điều đó sớm trở nên có thể, ngay cả khi không phải lúc nào chúng ta cũng thấy được những hoa trái của sự dấn thân này.

 

78.Nhưng sự công chính do Chúa Giê-su giới thiệu thì không giống như sự công chính mà thế gian mong đạt tới, bởi sự công chính của thế gian thường bị ô nhiễm bởi những mối quan tâm đê tiện, cũng như thường bị chi phối bởi mặt này hay mặt khác. Thực tế chỉ cho chúng ta thấy, việc tham gia vào hệ thống tham nhũng, hay việc can dự vào cách xử sự hằng ngày của cái gọi là „do ut des – hòn đất ném đi, hòn chì ném lại“ là điều dễ dàng là dường nào, bất cứ việc gì cũng đều là lợi nhuận. Và biết bao nhiêu là những con người đang phải gánh chịu những nỗi bất công, biết bao nhiêu con người đang phải gắng sức một cách vô vọng, và biết bao nhiêu là những người khác đang phải chia nhau một chiếc bánh ngọt để sống cho qua ngày. Một số người đã từ bỏ việc chiến đấu cho nền công lý đích thực, và quyết định ngả về phía những kẻ chiến thắng. Điều đó không có bất cứ điều chi để làm với việc đói khát sự công chính mà Chúa Giê-su đã khen ngợi.

 

79.Sự công chính sẽ trở thành hiện thực trong cuộc sống mỗi người khi người ấy trung thực trong những quyết định riêng của mình, và rồi diễn tả nó trong việc tìm kiếm công lý cho những người nghèo và những người yếu kém. Chắc chắn, cụm từ „công lý“ sẽ có thể đồng nghĩa với sự trung tín với Thánh Ý của Thiên Chúa trong toàn bộ cuộc sống chúng ta. Nhưng nếu chúng ta hiểu nó trong một ý nghĩa rất chung chung, thì chúng ta sẽ quên rằng, nó biểu lộ cách đặc biệt trong công lý đối với những người đang cần tới sự giúp đỡ: „Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ“ (Is 1,17).

 

Đói khát công lý, đó là sự thánh thiện.

 

“Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”

 

80.Lòng Thương Xót hàm chứa hai khía cạnh: trao tặng, giúp đỡ, phục vụ, tha thứ và cảm thông với người khác. Thánh Mát-thêu đã tóm tắt thành một quy luật vàng như sau: “Tất cả những gì anh em muốn người khác làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm những điều ấy cho họ” (Mt 7,12). Sách Giáo Lý nhắc nhớ chúng ta rằng, quy luật ấy “có giá trị trong mọi trường hợp”, đặc biệt là đối với một ai đó “đôi khi phải đứng trước những hoàn cảnh mà chúng làm cho phán quyết của lương tâm trở nên thiếu chắc chắn, cũng như làm cho những quyết định trở nên khó khăn[72].

 

81.Trao tặng và tha thứ có nghĩa là cố gắng mô phỏng lại trong cuộc sống chúng ta một sự phản chiếu nho nhỏ về sự trọn lành của Thiên Chúa, Đấng ban tặng và tha thứ cách dồi dào. Vì lý do đó nên chúng ta không còn nghe thấy lời sau đây trong Tin Mừng theo Thánh Lu-ca nữa: “Anh em hãy nên trọn lành!” (Mt 5,48), nhưng sẽ nghe thấy những lời sau: "Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại" (Lc 6,36-38). Và sau đó Thánh Lu-ca bổ sung thêm một điều mà chúng ta không được phép bỏ qua: “Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6,38). Mức độ mà chúng ta áp dụng cho người khác trong việc cảm thông và tha thứ cũng chính là mức độ sẽ được áp dụng cho chúng ta sau này. Mức độ mà chúng ta áp dụng để cho đi cũng chính là mức độ mà chúng ta sẽ được thưởng công trên Thiên Đàng. Chúng ta đừng nên quên điều đó.

 

82.Chúa Giê-su không nói: “Phúc thay ai rắp tâm trả thù”, nhưng Ngài ca ngợi và chúc phúc cho những ai biết tha thứ và thực hiện việc tha thứ “tới bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22). Chúng ta phải nghĩ rằng, tất cả chúng ta đang là một đội quân được đặc xá. Tất cả chúng ta đều đã được hưởng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Nếu chúng ta đến gần Thiên Chúa và thực sự lắng nghe Ngài, thì chúng ta sẽ nghe được lời trách móc sau đây, không chỉ một vài lần mà nhiều lần: “Chẳng lẽ ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính Ta đã thương xót ngươi sao?” (Mt 18,33).

 

Nhìn xem và hành động với Lòng Thương Xót, đó là sự thánh thiện.

 

“Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.”

 

83.Mối phúc này liên hệ đến những ai có một tâm hồn đơn sơ và tinh tuyền, không hề vấy bẩn. Vì một con tim biết yêu thương sẽ không để cho bất cứ điều gì mà nó làm rối tung Tình Yêu, bất cứ điều gì mà nó làm suy yếu hay gây hại cho Tình Yêu ấy, được bước vào cuộc sống của mình. Trong Kinh Thánh, con tim đại diện cho những mục tiêu thực sự của chúng ta, cụ thể là cho điều mà chúng ta thực sự kiếm tìm và khao khát nhưng vượt quá sự định mức của chúng ta: “Người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng" (1 Sam 16,7). Thiên Chúa muốn nói với con tim chúng ta (xc. Hs 2,16), cũng như muốn khắc ghi Lề Luật của Ngài trên đó (xc. Gr 31,33). Sau cùng, Ngài muốn ban cho chúng ta một quả tim mới (xc. Ez 36,26).

 

84.Hãy gìn giữ tim con cho thật kỹ“ (Cn 4,23). Không có bất cứ điều gì mà nó bị vấy bẩn bởi sự giả dối, lại có được một giá trị đích thực đối với Thiên Chúa. Ngài “luôn tránh thói lọc lừa, rời xa những lý luận ngu dốt” (Kn 1,5). Thiên Chúa Cha, “Đấng thấu suốt những gì kín đáo” (Mt 6,6), sẽ biết điều gì không tinh tuyền, tức điều không trung thực, nhưng chỉ có lớp vỏ và vẻ bên ngoài; giống hệt như Thiên Chúa Cha, Thiên Chúa Con cũng biết rõ tất cả mọi sự trong từng người (xc. Ga 2,25).

 

85.Chắc chắn, sẽ không có Đức Ái nếu không có những công việc của Đức Ái, nhưng mối phúc này nhắc nhớ chúng ta rằng, Thiên Chúa chờ đời một sự trao hiến cho anh chị em, mà sự trao hiến đó phát xuất từ con tim, vì “giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có Đức Mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cor 13,3). Trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu chúng ta cũng thấy: chỉ “những gì phát xuất từ lòng mình, những thứ đó mới làm cho con người ra ô uế” (Mt 15,18), vì từ lòng người sẽ phát sinh ra những ý tưởng như: giết người, trộm cắp, làm chứng gian và các hành vi xấu xa khác (xc. Mt 15,19). Những ước muốn và những quyết định thâm sâu mà chúng thực sự thôi thúc chúng ta, có nguồn gốc của chúng từ trong những ý định của con tim.

 

86.Nếu con tim yêu mến Thiên Chúa và tha nhân (xc. Mt 22,36-40), nếu đó là mục tiêu đích thực của nó chứ không phải là những lời nói trống không, thì rồi con tim ấy sẽ trở nên tinh tuyền và có thể ngắm nhìn Thiên Chúa. Trong bài ca Bác Ái của mình, Thánh Phao-lô đã nhắc nhớ chúng ta rằng: “Bây giờ chúng ta chỉ thấy lờ mờ như trong một tấm gương” (1 Cor 13,12), nhưng trong mức độ mà ở đó Đức Ái thực sự sự thống trị, thì lúc ấy chúng ta mới có khả năng nhìn ngắm Thiên Chúa “mặt giáp mặt” (nt.). Chúa Giê-su hứa rằng, nếu ai có con tim trong sạch, thì họ “sẽ được thấy Thiên Chúa”.

 

Giữ cho con tim được tinh tuyền trước tất cả những gì làm cho Đức Ái bị vấy bẩn, đó là sự thánh thiện.

 

“Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.”

 

87. Mối Phúc này cho phép chúng ta nghĩ đến vô vàn những hoàn cảnh chiến tranh mà chúng không ngừng tái lập đi lập lại. Luôn luôn có chuyện chúng ta gây ra những cuộc tranh chấp, hay ít nhất là những điều hiểu lầm. Chẳng hạn như khi tôi nghe nói một điều gì đó về người khác, thì tôi lại đi đến với một người khác nữa, rồi lại tiếp tục nói điều đó cho người ấy nghe; ở đây, có lẽ tôi đang thực hiện một phiên bản thứ hai, mà phiên bản này được bồ sung thêm một vài điều gì đó, và tôi phát tán chúng. Cho tới bao lâu tôi còn có thể gây thêm ra nhiều những thiệt hại khác, thì có vẻ như tôi lại càng cảm thấy thích thú hơn. Thế giới của những câu chuyện phiếm được thực hiện bởi những con người thích chỉ trích và hủy hoại, không bao giờ muốn kiến tạo hòa bình. Đúng hơn, những con người ấy chính là những kẻ thù của hòa bình và tuyệt nhiên sẽ không bao giờ được chúc phúc[73].

 

88.Những con người hiền lành chính là nguồn cội của hòa bình, họ kiến tạo hòa bình và xây dựng tình bằng hữu xã hội. Đối với những người đang hết sức nỗ lực trong việc rắc gieo nền hòa bình khắp nơi, thì Chúa Giê-su sẽ trao cho họ một lời hứa vô cùng tốt đẹp: “Họ sẽ được gọi là con cái Thiên Chúa” (Mt 5,9). Ngài đã yêu cầu các môn đệ của Ngài phải nói “Bình an cho nhà này!” (Lc 10,5) mỗi khi họ bước vào nhà của một người nào đó. Lời Chúa yêu cầu mỗi tín hữu hãy “ăn ở thuận hòa với tất cả” những ai khao khát hòa bình (xc. 2Tm 2,22), vì “người xây dựng hòa bình sẽ thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hòa bình, là cuộc đời công chính” (Gc 3,18). Nếu đôi khi chúng ta có sự phân vân trong cộng đoàn mình về việc không biết nên làm gì lúc này, thì lúc ấy “chúng ta hãy cứ theo đuổi nhũng gì đem lại bình an” (Rm 14,19), vì sự hiệp nhất còn vượt lên trên cả những xung đột[74].

 

89.Thật không dễ để kiến tạo nền hòa bình của Tin Mừng, tức nền hòa bình không loại trừ bất cứ một ai, nhưng còn bao hàm cả những con người mà họ có một điều chi đó kỳ dị, những con người khó tính và rắc rối, những con người luôn đòi được quan tâm, những con người khác nhau, những con người bị liên lụy nặng nề bởi cuộc sống, và những con người có những mối quan tâm khác. Đó là điều rất cam go và đòi hỏi một không gian rất lớn của lý trí và con tim, vì đó không phải là “một sự đồng tâm nhất trí trên giấy tờ […] hay là một sự hòa bình hời hợt đối với một thiểu số hạnh phúc[75], cũng không phải là “một kế hoạch của một số người dành cho một số người[76]. Đồng thời cũng không phải là cố gắng làm ngơ giả điếc trước những xung đột, hay giấu giếm chúng, nhưng “sẵn sàng gánh chịu sự xung đột, giải quyết nó và biến nó thành điểm xuất phát của một tiến trình mới[77]. Đó là việc trở nên những người thợ thủ công của hòa bình, vì việc kiến tạo hòa bình là một nghệ thuật, mà nghệ thuật này đòi hỏi phải có sự điềm đạm, sáng tạo, tinh tế và khéo léo.

 

Rắc gieo nền hòa bình trong môi trường chung quanh chúng ta, đó là sự thánh thiện.

 

“Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.”

 

90.Chính Chúa Giê-su đã nhấn mạnh rằng, con đường này đi ngược lại với dòng đời, nó dẫn đi xa tới độ, qua cuộc sống của mình, chúng ta sẽ trở thành những con người gây nghi vấn, trở thành những con người gây khó chịu cho xã hội. Chúa Giê-su nhắc nhớ rằng, biết bao nhiêu người đã và sẽ bị bách hại, đơn giản chỉ vì họ chiến đấu cho công lý, vì họ đã dấn thân cho Thiên Chúa và cho những người khác. Nếu chúng ta không muốn đắm mình trong một sự tầm thường thuần túy, thì chúng ta không được phép cầu mong một cuộc sống dễ dãi, vì “ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất” (Mt 16,25).

 

91.Người ta không thể mong chờ cho tất cả mọi điều chung quanh chúng ta đều trở nên thuận tiện để sống theo Tin Mừng. Thường thì những ham muốn quyền lực và những mối quan tâm thế tục sẽ là những điều ngáng đường. Thánh Gio-an Phao-lô II nói rằng: “Xã hội nào gây khó khăn cho việc hiện thực hóa sự trao hiến và cho sự giáo dục tình liên đới giữa những con người trong những hình thức tổ chức xã hội của mình, trong sự sản xuất và tiêu thụ, thì xã hội đó sẽ trở nên lạnh nhạt và xa lạ[78]. Trong một xã hội lạnh nhạt và xa cách như thế, tức xã hội đang bị giam giữ trong một mạng lưới chính trị, truyền thông, kinh tế, văn hóa và thậm chí cả tôn giáo nữa, mà mạng lưới ấy lại đang ngăn cản sự phát triển đích thực về nhân bản cũng như về xã hội của mình, thì người ta sẽ thật khó để sống các Mối Phúc, không những thế, điều này còn có thể bị trở thành điều mà hầu như không ai mong đợi, đã vậy, còn bị nghi ngờ và bị biến thành trò cười.  

 

92.Thập Giá, đặc biệt là sự kiệt sức và nỗi khổ đau mà chúng ta phải chịu đựng khi sống giới răn Đức Ái và đi theo con đường công chính, chính là nguồn mạch dẫn đến sự trưởng thành và ơn cứu độ. Chúng ta hãy nhớ rằng, Tân Ước, khi nói về những nỗi khổ đau mà người ta phải chịu đựng vì Tin Mừng, luôn liên hệ đến những cơn bách hại (xc. Cv 5,41; Phil 1,29; Col 1,24; 2 Tim 1,12; 1 Pr 2,20; 4,14-16; Kh 2,10).

 

93.Nhưng ở đây chúng ta chỉ nói về những cơn bách hại không thể tránh khỏi, chứ không phải những cuộc bách hại mà có thể chính chúng ta gây ra thông qua sự hiểu lầm trong việc đối xử với người khác. Một vị Thánh không phải là một con người lập dị cách khác thường đến độ  không ai có thể chịu đựng được vì sự kiêu căng, vì sự tiêu cực cũng như vì sự bất mãn của ông ta. Các Tông Đồ của Chúa Giê-su không phải là những người như thế. Sách Tông Đồ Công Vụ thuật lại một cách đầy ấn tượng rằng, các Ngài được “toàn dân thương mến” (Cv 2,47; xc. 4,21.33; 5,13), trong lúc một số kẻ đang có những điều gì đó đáng chê trách thì lại đầy đọa và bách hại các Ngài (xc. Cv 4,1-3; 5,17-18).

 

94.Những cuộc bách hại không chỉ là thực trạng của quá khứ; ngay cả trong thời đại hôm nay, chúng ta cũng đang phải gánh chịu chúng, có thể theo cách thức đẫm máu như biết bao các vị Tử Đạo của thời đại chúng ta đã và đang phải trải qua, cũng có thể theo cách thức tinh xảo thông qua những lời vu khống hay những điều giả dối. Chúa Giê-su nói rằng, phúc cho chúng ta khi bị người đời “vu khống đủ điều xấu xa vì Thầy” (Mt 5,11). Ở những lần khác thì đó là những sự chế diễu nhạo cười, tức những điều bóp méo Đức Tin của chúng ta và muốn trình bày chúng ta như là một điều gì đó rất nực cười.

 

Đón nhận con đường Tin Mừng mỗi ngày ngay cả khi con đường ấy mang theo mình những khó khăn, đó là sự thánh thiện.

 

Tiêu chuẩn lớn

 

95.Trong chương 25 của Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu (từ câu 31 tới 46), Chúa Giê-su đã tái lưu lại nơi một trong những Mối Phúc, và cụ thể, đó là Mối Phúc về Lòng Thương Xót. Nếu chúng ta cố gắng nên thánh, tức điều làm đẹp lòng Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ khám phá ra ngay ở trong bản văn này một tiêu chuẩn mà  theo đó chúng ta sẽ bị hay sẽ được tuyên án: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến hỏi han” (Mt 25,35-36).

 

Từ sự trung tín với Thầy

 

96.Nên thánh không có nghĩa là đảo mắt trong một trạng thái được cho là xuất thần. Thánh Gio-an Phao-lô II đã nói về điều đó rồi: “Nếu chúng ta thực sự khởi đi từ việc chiêm ngưỡng Chúa Ki-tô, thì chúng ta sẽ có khả năng nhận ra Ngài, đặc biệt là trong dung mạo của những con người mà Ngài rất thích đồng hóa mình với họ[79]. Trình thuật trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu 25,35-36 “không chỉ là một lời mời gọi sống Đức Ái; nó còn là một phần của Ki-tô học, mà phần ấy chiếu một tia sáng trên mầu nhiệm Chúa Ki-tô[80]. Trong lời mời gọi hãy nhận ra Ngài trong những người nghèo và những người đau khổ, con tim của Chúa Ki-tô đã mạc khải chính mình, mạc khải nếp nghĩ và những quyết định sâu thẳm nhất của Ngài, tức những điều mà bất cứ vị Thánh nào cũng cố gắng noi theo.

 

97.Khi đối diện với những lời mời gọi mạnh mẽ đó của Chúa Giê-su thì Cha cảm thấy có bổn phận phải yêu cầu các Ki-tô hữu hãy đón nhận và tiếp thu chúng, và cụ thể là  tiếp nhận với “sine glossa”, có nghĩa là tiếp nhận mà không bình luận, không tránh né, không lý lẽ biện minh và không viện cớ, bởi những điều ấy sẽ cướp mất sức mạnh của những lời mời gọi đó. Chúa Giê-su đã nói với chúng ta rất rõ ràng rằng, sự thánh thiện sẽ không thể được hiểu và cũng không thể được sống nếu người ta gạt sang một bên những đòi hỏi của Ngài, vì Lòng Thương Xót chính là “con tim sục sôi của Tin Mừng[81].

 

98.Nếu tôi bắt gặp một con người đang ngủ ngoài trời trong một đêm lạnh giá, thì tôi sẽ có thể cảm thấy rằng, kẻ vô lại nghèo hèn này là một cái gì đó không lường trước được, nó sẽ ngăn cản tôi, một kẻ vô dụng bất tài và một tên lừa đảo, một kẻ phá rối trật tự trên đường đi của tôi, một cái gai gây phiền phức cho lương tâm tôi, một vấn đề mà các chính trị gia cần phải giải quyết, và thậm chí, có lẽ còn là rác rưởi gây ô nhiễm cho lãnh vực công cộng. Hay tôi có thể phản ứng theo cách phản ứng  mà nó phát xuất từ Đức Tin và Đức Ái, và nhận ra trong người vô gia cư ấy một nhân vị với phẩm giá như tôi, một thụ tạo được Thiên Chúa Cha yêu thương vô hạn, một họa ảnh của Thiên Chúa, một người anh em hay chị em được Chúa Giê-su Ki-tô cứu chuộc. Trở thành một Ki-tô hữu có nghĩa là như thế! Hay phải chăng người ta có thể hiểu sự thánh thiện mà không cần tới một sự nhìn nhận một cách cụ thể như thế về phẩm giá của mỗi con người?[82].

 

99.Đối với các Ki-tô hữu, điều đó luôn mang theo mình một sự bất an lành mạnh. Ngay cả khi việc hỗ trợ một con người duy nhất cũng đã biện minh cho tất cả mọi nỗ lực của chúng ta đi nữa, thì nó cũng vẫn chưa đủ đối với chúng ta. Các Đức Giám Mục Canađa đã diễn tả điều đó một cách hết sức rõ ràng. Trong các bài Giáo Lý có liên hệ tới Kinh Thánh của các Ngài về Năm Thánh, các Ngài đã chỉ ra rằng, vấn đề không chỉ là thực hiện một số những công việc tốt lành, nhưng là khát khao biến đổi xã hội: “Để cho những thế hệ mai sau cũng được tự do thì mục tiêu rõ ràng phải hệ tại ở chỗ, phục hồi nguyên trạng hệ thống xã hội và kinh tế công bằng, để cho không thể nào còn có bất cứ sự loại trừ nào nữa[83].

 

Những ý thức hệ làm cho cốt lõi của Tin Mừng bị biến dạng

 

100.Cha cảm thấy thật đáng tiếc vì những ý thức hệ thường xúi giục chúng ta phạm phải hai lỗi lầm tai hại. Một mặt là trở thành một trong các Ki-tô hữu tách rời những yêu sách trên của Tin Mừng ra khỏi mối tương quan cá nhân của họ với Thiên Chúa, ra khỏi mối liên kết nội tâm của họ với Ngài cũng như khỏi ân sủng. Và như thế, Ki-tô giáo sẽ trở thành một dạng tổ chức phi chính phủ, nó bị cướp đi mất linh đạo có tính soi sáng mà Thánh Phan-xi-cô Assisi, Thánh Vinh-sơn Phao-lô, Thánh Tê-rê-sa Calcutta và nhiều vị Thánh khác đã sống một cách rất rõ ràng cũng như đã làm sáng tỏ. Không phải lời cầu nguyện cũng chẳng phải Đức Mến đối với Thiên Chúa hay việc đọc Tin Mừng đã tạo cớ cho các vị đại Thánh ấy bớt đi niềm hăng hái cũng như bớt đi hiệu năng của việc trao hiến bản thân các Ngài cho tha nhân, nhưng hoàn toàn ngược lại.

 

101.Khiếm khuyết của những người không tin tưởng vào việc dấn thân xã hội cho người khác trong cuộc sống của mình, vì họ cho đó là điều hời hợt, phàm trần, tục hóa, hướng ngoại, cộng sản hay dân túy, hoặc là họ tương đối hóa sự dấn thân ấy như thể sẽ có những điều quan trọng hơn, hay như thể sự dấn thân ấy sẽ chỉ liên quan tới một nền luân lý nhất định được họ ủng hộ, hay một luận cứ tương ứng, cũng sẽ rất nguy hiểm và không tưởng. Chẳng hạn như việc bảo vệ sự sống trong trắng và chưa được sinh ra phải trở nên rõ ràng, chắc chắn và hăng hái, vì ở đây, phẩm giá của sự sống con người, mà sự sống ấy luôn luôn là điều thánh thiêng, đang đứng trước bờ vực nguy hiểm, và nó cần tới Tình Yêu của mỗi người, không lệ thuộc vào cấp độ phát triển của họ. Nhưng sự sống của những người nghèo cũng thánh thiêng không kém, họ đã được sinh ra rồi và đang vật lộn với những nỗi khốn cùng, với việc bị bỏ rơi, bị loại trừ, với nạn buôn người, với sự trợ tử ngấm ngầm vì bệnh tật và vì tuổi tác mà không nhận được bất cứ sự quan tâm nào, với những hình thức nô lệ mới cũng như với với bất cứ hình thức vứt bỏ nào[84]. Từ sự suy nghĩ, chúng ta không thể rút ra được bất cứ ý tưởng nào về sự thánh thiện mà ý tưởng ấy không nhìn thấy sự bất công của thế giới này, nơi đó, một số người thì vui mừng, tiêu xài cách vui vẻ và giản lược hóa cuộc sống mình vào những điều mới lạ của thị trường tiêu thụ, trong khi những người khác thì chỉ có thể ngó tới những điều đó từ bên ngoài và đồng thời, cuộc đời của họ vẫn tiếp tục diễn ra và kết thúc cách nghèo hèn.

 

102.Người ta vẫn thường nghe nói rằng, khi chứng kiến sự tương đối và những giới hạn của thế giới ngày nay, thì những điều chẳng hạn như trại tị nạn, sẽ là một vấn đề không mấy quan trọng. Một số người Công giáo quả quyết rằng, đó là một đề tài phụ so với đề tài “có tính nghiêm túc” hơn, đó là luân lý sinh học. Nếu một chính trị gia chỉ quan tâm tới sự thành công của mình mà nói về điều đó như thế, thì người ta có thể hiểu được, nhưng một Ki-tô hữu mà nói như vậy thì không ai có thể hiểu được; thái độ thích hợp nhất đối với người Ki-tô hữu chính là việc đặt mình vào trong hoàn cảnh của những người anh chị em mà họ đang phải mạo hiểm với cuộc sống của mình để giới thiệu cho con cái họ một tương lai tốt hơn. Chẳng lẽ chúng ta không thấy rằng, đó chính là điều mà Chúa Giê-su đang đòi hỏi từ nơi chúng ta hay sao khi Ngài nói với chúng ta rằng, khi chúng ta tiếp rước bất cứ người khách lạ nào là chúng ta đang tiếp rước chính Ngài (xc. Mt 25,35)? Thánh Biển Đức Đã tiếp nhận điều đó cách vô điều kiện. Và như thế, dù có thể làm cho đời sống của các Đan Sĩ „trở nên phức tạp “, nhưng Thánh Nhân vẫn cứ ấn định rằng, tất cả mọi khách khứa khi đến Đan Viện, đều nên được tiếp đón „như Chúa Ki-tô[85], bằng cách chứng tỏ cho họ thấy những dấu chỉ của sự kính trọng[86], còn những người nghèo và các khách hành hương thì càng nên được đối xử cách đặc biệt hơn với „sự nồng hậu và sự quan tâm[87].

 

103.Cựu Ước cũng trình bày tương tự như thế khi nói: „Người ngoại kiều, ngươi không được ngược đãi và áp bức, vì chính các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai-cập“ (Xh 22,20). „Khi có ngoại kiều cư ngụ với các ngươi trong xứ các ngươi, các ngươi đừng ức hiếp nó. Các ngươi phải đối xử với người ngoại kiều cư ngụ với các ngươi như với một người bản xứ, một người trong các ngươi; các ngươi phải yêu nó như chính mình, vì các ngươi đã từng là ngoại kiều tại đất Ai-cập“ (Lv 19,33-34). Vì thế, đó không phải là sự sáng chế của một Giáo Hoàng hay là một sự hứng khởi nhất thời. Trong bối cảnh hiện tại, chúng ta cũng được kêu gọi hãy sống con đường soi sáng thiêng liêng mà Ngôn Sứ Isaia đã vạch ra cho chúng ta, khi Ngài tự hỏi rằng, điều gì làm đẹp lòng Thiên Chúa nhất: „Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục? Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông“ (Is 58,7-8).

 

Phụng Vụ làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn

 

104.Có lẽ chúng ta nghĩ rằng, chúng ta chỉ có thể tôn vinh Thiên Chúa bằng việc cử hành Phụng Vụ và cầu nguyện, hay chỉ khi chúng ta tuân giữ một số những quy định về luân lý – trong thực tế, mối tương quan với Thiên Chúa có ưu thế nhiều hơn -, và ở đây chúng ta đừng quên rằng, tiêu chuẩn để đánh giá về cuộc sống chúng ta hệ tại trước tiên ở chỗ chúng ta đã làm gì cho người khác. Việc cầu nguyện sẽ rất giá trị nếu nó thúc đẩy sự trao hiến đầy yêu thương hằng ngày. Việc cử hành Phụng Vụ của chúng ta cũng rất làm hài lòng Thiên Chúa nếu chúng ta đặt vào đó những ý định của mình trong việc sống quảng đại, và khi chúng ta để cho ân sủng của Thiên Chúa, tức điều mà chúng ta đã lãnh nhận trong khi cử hành Phụng Vụ, trở nên hữu hình trong việc trao hiến bản thân mình cho những người anh chị em.

 

105.Từ lý do đó, cách thức tốt nhất để đánh giá xem liệu con đường cầu nguyện của chúng ta có xác thực hay không, hệ tại ở chỗ quan sát xem, cuộc sống của chúng ta đã được biến đổi trong ánh sáng của Lòng Xót Thương tới mức nào. Vì „Lòng Thương Xót không chỉ là một nét đặc trưng nơi hành động của Thiên Chúa […]. Đúng hơn, nó cũng còn trở thành tiêu chuẩn mà theo đó, người ta có thể nhận ra ai là những người con đích thực của Ngài[88]. Lòng Xót Thương chính là „đòn cáng nâng đỡ đời sống Giáo hội[89]. Cha muốn nhấn mạnh thêm một lần nữa rằng: Mặc dầu Lòng Thương Xót không loại trừ công lý và sự thật, „thì chúng ta cũng phải giải thích một cách rõ ràng rằng, Lòng Thương Xót chính là sự sung mãn của đức công chính và là sự biểu thị sáng tỏ nhất về chân lý của Thiên Chúa[90]. Nó chính là „chìa khóa để mở vào Thiên Đàng[91].

 

106.Cha không thể không nhắc tới câu hỏi mà Thánh Tô-ma Aquinô đã tự đặt ra cho mình trong mối liên hệ đến những hành động lớn nhất của chúng ta, đến những công việc bên ngoài mà chúng diễn tả cách tốt nhất Đức Mến của chúng ta đối với Thiên Chúa. Ngài đã trả lời một cách không do dự rằng, đó là những công việc của Đức Thương Xót đối với tha nhân[92], chứ không phải là những nghi lễ Phụng Tự: „Chúng ta tôn vinh Thiên Chúa thông qua những hy sinh và những lễ vật bên ngoài không phải vì Ngài, nhưng là vì chúng ta và vì tha nhân; vì Ngài không cần đến những hy sinh của chúng ta, nhưng Ngài muốn rằng, những hy sinh đó được dâng lên Ngài vì sự hết lòng hết dạ của chúng ta cũng như vì lợi ích của tha nhân. Vì thế, Lòng Nhân Hậu, mà qua đó chúng ta đến giúp đỡ những người đang gặp cảnh khốn cùng, sẽ là một hy lễ làm đẹp lòng Ngài hơn, vì nó đem đến lợi ích cho tha nhân[93].

 

107.Ai muốn tôn vinh Thiên Chúa trong chân lý với cuộc sống của mình, ai thực sự khát khao nên thánh, để kiếp sống người ấy làm vinh danh Thiên Chúa chí thánh, người ấy được kêu gọi hãy khát khao đến mòn mỏi và gắng sức trong sự nỗ lực để sống các công việc của đức thương người. Thánh Tê-rê-sa Calcutta đã hiểu rất rõ điều ấy: “Đúng là tôi đang có rất nhiều những yếu đuối của con người, rất nhiều những điều hèn hạ của con người. […] Nhưng Ngài đã hạ mình xuống và sử dụng những điều hèn yếu đó của chúng ta – của bạn và của tôi -, để chúng ta trở thành Tình Yêu và sự cảm thông của Ngài trong thế giới này, bất chấp những tội lỗi, những điều hèn yếu và những khiếm khuyết của chúng ta. Ngài lệ thuộc vào chúng ta trong việc yêu thương thế giới và chỉ cho thế giới thấy, Ngài rất yêu thương nó là dường nào. Nếu chúng ta quá lo lắng cho chính mình, thì chúng ta sẽ không có thời gian cho người khác nữa[94].

 

108.Chủ nghĩa tiêu thụ khoái lạc có thể đánh lừa chúng ta, vì rốt cục, trong khi tìm kiếm thú vui, chúng ta sẽ tập trung quá đáng vào chính mình, vào những quyền lợi của mình và vào việc săn đuổi thời gian rảnh rỗi cách điên cuồng để tận hưởng cuộc sống. Dồn sức và dấn thân để giúp những người cùng khốn là điều rất khó đối với chúng ta nếu chúng ta không tập cho mình có được một sự đơn sơ mộc mạc nào đó và chiến đấu chống lại sự cưỡng ép phải mua bán đầy hối hả của xã hội tiêu thụ, mà cuối cùng nó sẽ chỉ biến chúng ta thành những kẻ nghèo hèn đầy bất mãn, tức những kẻ muốn có và muốn nếm thử tất cả. Sự tiếp thu những tin tức hời hợt và những hình thức giao tiếp nhanh ảo có thể trở thành một yếu tố làm cho nên ngu ngốc, và yếu tố đó sẽ cướp đi tất cả mọi thời gian của chúng ta, cũng như làm cho chúng ta trở nên xa lạ với thân xác đầy khổ đau của những người anh chị em. Giữa cảnh huyên náo hiện tại này, Tin Mừng lại tái vang lên để giới thiệu cho chúng ta một cuộc sống khác lành mạnh và hạnh phúc hơn.

 

            *  *  *

 

109.Khả năng làm chứng của các Thánh hệ tại ở chỗ sống các Mối Phúc và các quy chuẩn của ngày phán xét chung. Đó là một vài lời mộc mạc nhưng có tính thực hành và có hiệu lực đối với tất cả; thực ra, Ki-tô giáo được thực hiện và được sống cách đặc biệt cho những Mối Phúc và cho những quy chuẩn đó; nếu Ki-tô giáo cũng là đối tượng của sự suy tư, thì sự suy tư ấy chỉ có giá trị nếu nó giúp người ta sống Tin Mừng trong cuộc sống hằng ngày. Cha khuyên mọi người cách đặc biệt rằng, hãy năng đọc đi đọc lại các bản văn Kinh Thánh ấy để nhớ tới các Mối Phúc và các quy chuẩn đó, cầu nguyện với chúng và cố gắng tạo hình cho chúng. Chúng sẽ đem đến rất nhiều lợi ích cho chúng ta cũng như sẽ làm cho chúng ta được hạnh phúc đích thực.

 

CHƯƠNG IV

 

MỘT SỐ NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA SỰ THÁNH THIỆN TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY

 

110.Trong phạm vi to lớn của sự thánh thiện mà các Mối Phúc cũng như Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu 25,31-46 đã giới thiệu cho chúng ta, Cha muốn nêu ra một số nét đặc trưng hay những biểu thức thiêng liêng, mà theo quan điểm của Cha, chúng không được phép thiếu trong việc hiểu về cách sống mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta thực hiện. Cha sẽ không dừng lại ở việc giải thích về các phương pháp giúp nên thánh mà chúng ta đã biết rồi: những phương pháp cầu nguyện khác nhau, các Bí Tích vô cùng quý giá như Bí Tích Thánh Thể, Bí Tích Giao Hòa, việc dâng lễ, những hình thức đạo đức khác nhau, sự đồng hành thiêng liêng và rất nhiều những điều khác. Cha sẽ chỉ liên hệ đến một số khía cạnh của lời mời gọi nên thánh, mà về những khía cạnh đó, Cha hy vọng rằng, chúng sẽ thấy được sự cộng hưởng trong một cách thế đặc biệt.

 

111.Những đặc tính nêu trên, tức những đặc tính mà Cha muốn làm nổi bật, không bao hàm hết tất cả những gì mà chúng có thể tạo nên hình thù cho một mô hình thánh thiện nào đó. Nhưng có năm đặc tính lớn của Đức Mến đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân, mà dựa vào kinh nghiệm riêng cũng như dựa vào những giới hạn của nền văn hóa ngày nay, Cha thấy chúng có một tầm quan trọng đặc biệt. Nền văn hóa đó cho thấy: sự bất an đầy căng thẳng, cáu gắt và làm cho chúng ta bị phân tán cũng như trở nên yếu nhược; thế giới quan tiêu cực và sự buồn chán; sự uể oải ươn lười, việc thích hưởng thụ và tính ích kỷ; chủ nghĩa cá nhân và rất nhiều những hình thức linh đạo sai trái khác, mà nơi chúng không hề có chuyện gặp gỡ Thiên Chúa, nhưng chúng lại đang thống trị lãnh vực tôn giáo hiện tại.

 

Khả năng chịu đựng, sự kiên nhẫn và sự dịu hiền

 

112.Điểm trước tiên của những đặc tính quan trọng đó, chính là việc quy hướng về Thiên Chúa và bám rễ sâu trong Ngài, Đấng yêu thương và bênh đỡ chúng ta. Nhờ vào việc bén rễ sâu ấy trong Thiên Chúa, người ta sẽ có thể chịu đựng và kiên nhẫn trước những điều gây khó chịu và buồn bực, và trong mọi chiều kích cao sâu của cuộc sống, kể cả những thái độ thù địch của người khác, cũng như sự bất trung và những khiếm khuyết của họ: “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?” (Rm 8,31). Đó chính là nguồn mạch bình an được biểu lộ trong thái độ của một tâm hồn. Khởi đi từ sự bén rễ sâu xa như thế, chứng tá về sự thánh thiện trong một thế giới gia tốc, thất thường và đầy thù địch của chúng ta, sẽ bao gồm cả sự kiên nhẫn cũng như sự kiên định trong những điều tốt lành. Đó là sự trung tín của Đức Ái, vì ai trông cậy vào Thiên Chúa (tiếng Hy-lạp là pistis), thì người ấy cũng sẽ có thể trung tín với những người anh chị em (tiếng Hy-lạp là pistos), và trong những thời điểm nguy nan, người ấy sẽ không bỏ rơi những người anh chị em mình trong cơn túng quẫn, người ấy sẽ không để cho mình bị truyền nhiễm bởi nỗi sợ hãi của những người khác, và luôn luôn kiên tâm đứng về phía những người anh chị em ngay cả khi điều đó không mang đến cho mình những đền bù trực tiếp nào.

 

113.Thánh Phao-lô đã mời gọi các tín hữu Rô-ma “đừng lấy ác báo ác” (Rm 12,17), đừng “tự mình báo oán” (Rm 12,19), và đừng để mình bị khuất phục bởi sự ác, nhưng hãy “lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12,21). Thái độ đó không phải là biểu hiện của những điều yếu kém, nhưng là của những điều thực sự mạnh mẽ, vì chính Thiên Chúa là “Đấng nhẫn nại và đầy quyền năng” (Nh 1,3). Lời Chúa mời gọi chúng ta: “Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác” (Eph 4,31).

 

114.Chúng ta phải chiến đấu và phải lưu tâm tới những xu hướng hận thù và quy ngã của mình, để không cho phép chúng được bén rễ sâu trong lòng: “Anh em nổi nóng ư? Đừng phạm tội! Chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Eph 4,26). Khi gặp những hoàn cảnh có khả năng gây ra những điều xấu, thì chúng ta vẫn luôn có thể quay về với chiếc neo, tức lời cầu nguyện liên lỷ, chiếc neo đó sẽ tái làm cho chúng ta được tín thác vào đôi bàn tay của Thiên Chúa và vào nguồn mạch bình an: „Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su“ (Phl 4,6-7). 

 

115.Ngay cả các Ki-tô hữu cũng có thể trở nên thành tố của mạng lưới bạo lực bằng lời nói trên Internet và trên những diễn đàn khác nhau, cũng như trên những không gian trao đổi kỹ thuật số. Thậm chí, trên các phương tiện truyền thông Công giáo, những ranh giới cũng có thể bị bước qua; những lời nói xấu và những lời thêu dệt tồi tệ thường trở nên quen thuộc, và bất kỳ nền luân lý hay sự tôn trọng nào đối với người khác cũng đều bị bỏ qua. Và như thế sẽ phát sinh ra một lưỡng cực đầy nguy hiểm, vì nhiều điều không thể tha thứ trong đời sống xã hội thì lại được nói tới trên mạng lưới này, và người ta cố gắng bù đắp lại sự bất mãn của mình bằng việc chất đầy những nỗi khát khao trả thù. Nên lưu ý rằng, với việc mượn cớ là để bảo vệ các giới luật khác, thì giới luật thứ tám – “ngươi không được làm chứng gian” –, đôi khi hoàn toàn bị bỏ qua, và danh thơm tiếng tốt của người khác bị hủy hoại một cách không thương tiếc. Ở đó không cho thấy bất cứ sự kiểm soát nào, đến độ cái lưỡi trở thành “cả một thế giới sự ác” và “đốt cháy bánh xe cuộc đời”, trong khi “chính nó sẽ bị lửa hỏa ngục đốt cháy” (Gc 3,6).

 

116.Sự bén rễ sâu trong nội tâm chính là một công việc của ân sủng, và nó bảo vệ chúng ta trước việc để cho mình bị lôi cuốn bởi bạo lực đang phát tán trong đời sống xã hội. Vì ân sủng sẽ làm cho sự kiêu căng trở nên yếu nhược, và khích lệ sự dịu hiền của con tim. Thánh Nhân sẽ không phung phí năng lực của mình trong việc than phiền về những khuyết điểm của người khác; Ngài có thể thinh lặng trước những yếu đuối của những người anh chị em mình, và ngăn ngừa sự bạo lực bằng lời nói, bởi sự bạo lực này cũng có khả năng hủy hoại và hành hạ người khác; thực ra, Ngài sẽ không cho mình là xứng đáng với sự hà khắc đối với người khác, nhưng đúng hơn, quý trọng họ và “coi họ tốt hơn mình” (Pl 2,3).

 

117.Sẽ chẳng có ích lợi gì cho chúng ta nếu đứng ở trên để nhìn xuống, đặt mình vào vị trí của vị quan tòa bất khoan dung, coi người khác là bất xứng, và thường xuyên muốn đưa ra những lời giáo huấn. Đó là một hình thức bạo lực rất tinh xảo[95]. Thánh Gio-an Thánh Giá đã đề nghị một điều hoàn toàn khác: “Càng ngày càng phải trở nên một người bạn hữu được mọi người chỉ bảo, đừng muốn dậy dỗ chỉ bảo ai, cho dù đó chỉ là một người nhỏ bé nhất trong số tất cả mọi người[96]. Và Ngài bổ sung thêm một đề nghị để ngăn chặn sự thù nghịch: “Trong khi bạn đang vui mừng về những điều tốt lành nơi những người khác như thể đó là điều tốt lành của chính bạn, và mong muốn rằng – thực ra là với con tim chân thành -, người ta sẽ dành ưu tiên cho họ hơn bạn, trong tất cả mọi sự. Bằng cách đó, bạn sẽ chiến thắng được sự ác nhờ vào sự thiện, và sẽ đẩy xa được thần dữ, cũng như sẽ đạt tới được niềm vui của tâm hồn. Hãy cố gắng thực hiện điều đó ngay cả đối với những người mà họ ít có thiện cảm nhất đối với bạn. Và hãy biết rằng, nếu bạn không thực hiện điều đó thì bạn sẽ không đạt tới được Đức Ái đích thực và cũng chẳng có thể tiến bộ trong Đức Ái.[97].

 

118.Sự khiêm nhượng chỉ có thể đâm rễ trong tâm hồn thông qua những điều khổ nhục. Nếu không có sự khổ nhục thì sẽ chẳng có sự khiêm nhượng cũng chẳng có sự thánh thiện. Nếu bạn không có khả năng chịu đựng một số sự khổ nhục và hy sinh, thì bạn sẽ không có sự khiêm tốn, và bạn cũng không ở trên con đường thánh thiện. Sự thánh thiện mà Thiên Chúa ban cho Giáo hội của Ngài, sẽ đến thông qua sự chịu khổ nhục của Con Ngài, đó là con đường. Việc chịu khổ nhục sẽ làm cho bạn nên giống Chúa Giê-su, nó chính là thành phần không thể thiếu trong việc đi theo Chúa Ki-tô: “Thật vậy, Đức Ki-tô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người” (1 Pr 2,21). Về phía mình, Ngài diễn tả sự khiêm nhượng của Thiên Chúa Cha, Đấng khiêm nhượng để lên đường cùng với dân Ngài, Đấng chịu đựng những điều bất trung và sự càm ràm của dân này (xc. Xh 34,6-9; Kn 11,23-12,2; Lc 6,36). Vì lý do đó, sau khi bị hành hạ và tra tấn, “lòng các Tông Đồ đầy hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su” (Cv 5,41).

 

119.Cha không chỉ liên hệ đến những tình cảnh nghiệt ngã của việc chịu Tử Đạo, nhưng cũng còn liên hệ đến những khổ nhục hằng ngày của những người phải giữ thinh lặng để cứu gia đình mình; hay những người cố tránh việc nói tốt về chính mình, nhưng lại thích khen ngợi người khác thay vì tự khoe khoang; những người tự chọn lấy cho mình những nhiệm vụ không mấy danh dự, và thậm chí đôi khi còn thích gánh chịu những điều bất công để hiến dâng nó cho Thiên Chúa: “Nếu làm việc lành và phải khổ mà anh em vẫn kiên tâm chịu đựng, thì đó là ơn Thiên Chúa ban” (1 Pr 2,20). Điều đó không có nghĩa là chạy tới chạy lui với cái đầu cúi gằm để ít phải nói, hay để chạy trốn cộng đồng. Đôi khi một người nào đó có thể - chính vì người ấy được giải thoát khỏi sự quy ngã – dám đối thoại với một cách thức đầy tình mến để thúc đẩy nền công lý hay bảo vệ những người yếu kém trước những kẻ cường mạnh, ngay cả khi người ấy phải gánh chịu những hậu quả rất tiêu cực cho thanh danh và uy tín của mình.

 

120.Cha không nói rằng, sự khổ nhục là một điều chi đó khoan khoái dễ chịu – vì như thể sẽ là chứng thống dâm -, nhưng Cha chỉ muốn nói rằng, đó là một con đường để noi gương Chúa Giê-su và lớn lên trong sự hiệp nhất với Ngài. Điều này sẽ không thể hiểu được bằng cách thức tự nhiên, và thế gian sẽ chế giễu trước một đề nghị như thế. Đó là một ơn mà chúng ta phải cầu xin: “Lạy Chúa, khi những khổ nhục đến, xin Chúa hãy giúp con nhận ra rằng, con đang đi theo Chúa trên con đường của Chúa.”

 

121.Một thái độ như thể giả thiết phải có một con tim được Chúa Giê-su an ủi vỗ về, và được giải phóng khỏi sự hung hăng mà nó phát sinh từ mội cái TÔI quá đáng. Chính sự an ủi vỗ về do ân sủng mang đến, sẽ cho phép chúng ta duy trì sự an bình nội tâm cũng như kiên định và bền tâm trong những điều tốt lành, ngay cả khi tôi phải đi “qua thung lũng âm u” (Tv 23,4), hay “dù cả một đạo quân vây đánh” (Tv 27,3). Được đặt nền vững chắc trong Thiên Chúa, trên đá tảng, chúng ta sẽ có thể hát lên: “Thư thái bình an vừa nằm con đã ngủ, vì chỉ có mình Ngài, lạy Chúa, ban cho con được sống yên hàn” (Tv 4,9). Cuối cùng, chính Chúa Ki-tô “là bình an của chúng ta” (Ep 2,14), Ngài đến “để dẫn ta bước vào đường nẻo bình an” (Lc 1,79). Ngài đã truyền đạt cho Thánh Faustyna Kowalska rằng: “Nhân loại sẽ không thấy được sự bình an cho tới bao lâu họ chưa hướng về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa với niềm tín thác[98]. Vì thế, chúng ta đừng để mình rơi vào cơn cám dỗ xúi người ta kiếm tìm sự bình an nội tại qua những thành công, qua những thú vui trống rỗng, trong những tài sản vật chất, trong sự thống trị người khác, hay trong thanh danh và uy tín xã hội: “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng” (Ga 14,27).

 

Niềm vui và yêu thích sự hài hước

 

122.Điều đã được nói từ trước đến giờ không bao hàm một tinh thần lãnh đạm, buồn rầu, cay cú hay sầu muộn, hay một hình thức yếu ớt không sức lực nào đó. Thánh Nhân là người có khả năng sống với niềm vui và yêu thích sự hài hước. Vì không đánh mất ý nghĩa đối với thực tế nên Ngài có thể soi sáng cho những người khác với một tinh thần tích cực và đầy hy vọng. Trở thành Ki-tô hữu có nghĩa là “bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17), vì “từ Đức Mến thánh thiện sẽ nhất định phải dẫn tới niềm vui. Vì người yêu sẽ vui mừng về việc được liên kết với người mình yêu […]. Vì thế, môn sinh của Đức Mến chính là niềm vui[99]. Chúng ta đã lãnh nhận vẻ đẹp của Lời Chúa, và “đã đón nhận Lời Chúa giữa bao nỗi gian truân với niềm vui do Thánh Thần ban tặng” (1 Tx 1,6). Nếu chúng ta để cho Thiên Chúa kéo chúng ta ra khỏi tấm băng niệm của mình cũng như để cho Ngài biến đổi cuộc sống chúng ta, thì chúng ta sẽ có thể hiện thực hóa điều mà Thánh Phao-lô mời gọi: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!” (Pl 4,4).

 

123.Các Ngôn Sứ đã công bố thời đại của Chúa Giê-su, tức thời đại mà chúng ta đang sống, như là một sự mạc khải về niềm vui: „Hãy reo hò mừng rỡ!“ (Is 12,6). „Hỡi kẻ loan tin mừng cho Xi-on, hãy trèo lên núi cao. Hỡi kẻ loan tin mừng cho Giê-ru-sa-lem, hãy cất tiếng lên cho thật mạnh” (Is 40,9). “Trời hãy hò reo, đất hãy nhảy mừng, núi non hãy bật tiếng hò reo, vì Đức Chúa ủi an dân Người đã chọn và chạnh lòng thương những kẻ nghèo khổ của Người” (Is 49,13). “Nào thiếu nữ Xi-on, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng” (Dc 9,9). Chúng ta đừng quên lời mời gọi của Nơ-hê-mi-a: “Anh em đừng buồn bã, vì niềm vui của Đức Chúa là thành trì bảo vệ anh em" (Nk 8,10).

 

124.Đức Maria đã hiểu để khám phá ra điều mới mẻ mà Chúa Giê-su đã mang đến cho chúng ta, và Mẹ đã hát lên: “Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lc 1,47). Chính Chúa Giê-su “được Thánh Thần tác động, đã hớn hở vui mừng” (Lc 10,21). Khi Ngài đi ngang qua, “toàn thể đám đông đều vui mừng” (Lc 13,17). Sau khi Ngài phục sinh, bất cứ nơi nào có sự hiện diện của các Tông Đồ, thì “đại niềm vui đều ngự trị ở đó” (Cv 8,8). Chúa Giê-su đã trao cho chúng ta một sự bảo đảm rằng: “Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui. […] Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em sẽ không bị ai lấy mất” (Ga 16,20.22). “Thầy nói với anh em điều đó để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (Ga 15,11).

 

125.Có những khoảnh khắc khó khăn, những thời điểm thập giá, nhưng không gì có thể hủy hoại được niềm vui siêu nhiên: “Niềm vui sẽ thích ứng và biến đổi, và luôn luôn tồn tại, ít nhất thì cũng như một tia sáng mà nó có thể thấy rõ từ niềm xác tín cá nhân để được yêu mến vượt trên mọi ranh giới[100]. Đó là một bảo đảm nội tại, một sự thanh thản đầy hy vọng có khả năng trao tặng niềm vui tinh thần, mà niềm vui này không thể hiểu được chiếu theo các quy chuẩn thế gian.

 

126.Cứ sự thường thì niềm vui Ki-tô giáo sẽ luôn được đi kèm theo với việc yêu thích sự hài hước một cách rất đặc biệt, chẳng hạn như nơi Thánh Thomas Mor, Thánh Vinh-sơn Phao-lô hay nơi Thánh Philip phê Nê-ri. Sự bất mãn không phải là chỉ dấu của sự thánh thiện: “Hãy đẩy lui sầu não khỏi tâm hồn” (Gv 11,10). Có rất nhiều điều chúng ta đã lãnh nhận được từ Thiên Chúa “để chúng ta hưởng dùng” (1 Tm 6,17), đến độ đôi khi sự buồn rầu sẽ có việc phải làm với sự vô ơn: người ta tự nhốt mình lại trong chính mình đến độ không còn có khả năng nhận ra những ân ban của Thiên Chúa nữa[101].

 

127.Tình Yêu hiền phụ của Ngài mời gọi chúng ta: “Con ơi, hãy làm cho đời con được tốt đẹp […]Đừng từ chối không hưởng một ngày vui” (Hc 14.11.14). Ngài muốn chúng ta trở nên tích cực, đầy lòng biết ơn và đừng rắc rối quanh co: “Ngày gặp may mắn, hãy cứ vui hưởng […] con người do Thiên Chúa làm nên, vốn đơn sơ ngay thẳng, nhưng chính họ lại đi tìm đủ chuyện rắc rối quanh co” (Gv 7,14.29). Trong bất cứ trường hợp nào đi nữa, người ta cũng phải duy trì cho được tinh thần linh hoạt và lanh lợi, và thực hiện điều đó như Thánh Phao-lô: “Tôi đã học để hài lòng trong bất cứ hoàn cảnh nào” (Phl 4,11). Thánh Phan-xi-cô Assisi cũng đã sống điều đó. Ngài vẫn đầy lòng biết ơn và cảm tạ ngay cả khi nhận được một khúc bánh mì quá cứng, hay vẫn có thể ngợi khen một mình Thiên Chúa với tất cả niềm hạnh phúc vì làn gió thoảng đã phất nhẹ trên khuôn mặt của Ngài.

 

128.Cha không nói về niềm vui có xu hướng hưởng thụ và mang tính cá nhân chủ nghĩa mà nó đang hiện hữu trong một số biểu hiện văn hóa của thời đại hôm nay. Vì sự hưởng thụ sẽ chỉ nhét đầy con tim; nó có thể giới thiệu những lạc thú chớp nhoáng và mau qua, nhưng không có niềm vui. Đúng hơn, ở đây Cha chỉ có ý liên hệ tới niềm vui mà người ta nếm trải trong sự hiệp thông, người ta chia sẻ và phân phát, vì “cho thì có phúc hơn nhận” (Cv 20,35), và “ai vui vẻ dâng hiến thì được Thiên Chúa yêu thương” (2 Cor 9,7). Tình Yêu huynh đệ sẽ làm cho khả năng vui mừng của chúng ta được nhân lên gấp bội, vì Tình Yêu ấy làm cho chúng ta có khả năng vui mừng về niềm hạnh phúc của người khác: “Hãy vui với người vui” (Rm 12,15). “Chúng tôi vui mừng khi chúng tôi yếu mà anh em vẫn mạnh” ( 2Cr 13,9). Trái lại, nếu chúng ta „quy hướng một cách quá đáng vào những nhu cầu riêng của mình, thì chúng ta sẽ tự tuyên án cho mình phải sống thiếu niềm vui[102].

 

Can đảm và nhiệt thành

 

129.Đồng thời, sự thánh thiện cũng có nghĩa là parrhesía (tiếng Hy-lạp: παρρησία – tự do ngôn luận, lên tiếng theo bổn phận): nó là sự can đảm, là sự thôi thúc loan báo Tin Mừng, mà việc loan báo ấy để lại một dấu ấn nơi thế giới. Để điều đó trở thành khả thể, chính Chúa Giê-su đã đến với chúng ta và nói với chúng ta nhiều lần với tất cả sự thản nhiên và tính cương quyết rằng: “Anh em đừng sợ!” (Mc 6,50). “Thầy ở với anh em mọi ngày cho tới tận thế” (Mt 28,20). Những lời đó giúp chúng ta tiến về phía trước và phục vụ với một thái độ đầy can đảm mà Chúa Thánh Thần đã khơi lên trong các Tông Đồ và thôi thúc các Ngài công bố Chúa Giê-su Ki-tô. Lòng can đảm, niềm hăng say, nói với tất cả sự thẳng thắn, sự nhiệt thành tông đồ - tất cả những điều đó đều được hàm chứa trong một từ của tiếng Hy-lạp là parrhesía – παρρησία. Kinh Thánh cũng đã sử dụng từ này để diễn tả về sự tự do của một con người biết mở ra, vì con người ấy luôn sẵn sàng để cho Thiên Chúa và người khác sử dụng (xc. Cv 4,29; 9,28; 28, 31; 2Cr 3,12; Ep 3,12; Dt 3,6; 10,19).

 

130.Trong khi nêu ra những rào cản đối với việc loan báo Tin Mừng, Chân Phúc Phao-lô VI cũng đã nhắc đến việc thiếu parrhesía: „Việc thiếu niềm hăng say sẽ càng khiến cho vấn đề trở nên khó khăn hơn, bởi niềm hăng say phát sinh từ cõi lòng[103]. Chúng ta vẫn thường bị cám dỗ muốn ở lỳ mãi trên bờ vì ươn lười! Nhưng Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy xuống thuyền và thả lưới ở nơi những vùng biển sâu (xc. Lc 5,4). Ngài mời gọi chúng ta hãy sử dụng cuộc sống của mình vào việc phụng sự Ngài. Được neo chặt trong Ngài, chúng ta sẽ có được sự can đảm để đặt tất cả mọi đặc sủng của mình vào trong việc phục vụ người khác. Hy vọng rằng chúng ta sẽ cảm thấy được thúc bách bởi Tình Yêu của Ngài (xc. 2Cr 5,14) và có thể nói lên với Thánh Phao-lô: „Khốn cho tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng!“ (1Cr 9,16).

 

131.Chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giê-su: Sự đồng cảm sâu xa của Ngài đã không cho phép Ngài tự thu mình lại trong chính mình, đó không phải là sự đồng cảm gây tê liệt, nhút nhát hay bị thu hẹp, như thường diễn ra nơi chúng ta, nhưng hoàn toàn ngược lại. Đó là một sự đồng cảm đã thôi thúc Ngài đi ra khỏi chính mình với đầy sức mạnh để loan báo, để thi hành sứ mạng truyền giáo, để ra đi, để chữa lành và để giải thoát. Chúng ta hãy nhìn nhận những yếu đuối của mình, nhưng chúng ta cũng hãy để cho Chúa Giê-su lấy đi những yếu đuối đó, và thôi thúc chúng ta lên đường truyền giáo. Chúng ta yếu đuối nhưng lại là những con người mang trong mình một kho tàng, mà kho tàng đó làm cho chúng ta nên vĩ đại, và kho tàng đó có thể làm cho những ai đón nhận nó được trở nên tốt hơn và hạnh phúc hơn. Sự quả cảm và niềm can đảm tông đồ chính là những yếu tố cấu thành nên sứ mạng truyền giáo.

 

132.Parrhesía chính là dấu chỉ để nhận biết Chúa Thánh Thần, và là bằng chứng cho sự đáng tin cậy của việc loan báo Tin Mừng. Nó là sự bảo đảm đầy vui mừng, mà sự bảo đảm ấy sẽ đưa chúng ta tới chỗ hãnh diện vì Tin Mừng mà chúng ta công bố, nó chính là sự tín thác không hề suy xuyển vào sự trung thành của vị chứng nhân hoàn toàn tín trung, mà vị chứng nhân ấy trao cho chúng ta một sự bảo đảm rằng, „không gì có thể tách chúng ta ra khỏi Tình Yêu của Thiên Chúa“ (Rm 8,39).

 

133.Chúng ta cần tới ơn thúc đẩy của Chúa Thánh Thần để không trở nên tê liệt  bởi sự sợ hãi và bởi sự tính toán hơn thiệt, cũng như không làm quen với việc lên đường nhưng chỉ trong những giới hạn an toàn. Chúng ta hãy nghĩ tới những không gian bị đóng kín, nhưng cuối cùng chúng lại đánh hơi theo những mốt thời thượng và làm cho chúng ta trở nên bệnh hoạn. Khi các Tông Đồ cảm thấy bị cám dỗ muốn để cho mình bị gây tê liệt trước những nỗi sợ hãi và những nỗi hiểm nguy, thì các Ngài đã cùng cầu nguyện và cầu xin cho được ơn parrhesía: „Giờ đây, lạy Chúa, xin để ý đến những lời ngăm đe của họ, và cho các tôi tớ Ngài đây được nói lời của Ngài với tất cả sự mạnh dạn“ (Cv 4,29). Và câu trả lời là: „Họ cầu nguyện xong, thì nơi họ họp nhau rung chuyển; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa“ (Cv 4,31).

 

134.Như Ngôn Sứ Giô-na, chúng ta luôn luôn ngấm ngầm bị cám dỗ muốn trốn vào một nơi an toàn, mà nơi ấy có thể có nhiều danh xưng: chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa duy linh, tự nhốt mình lại trong một thế giới chật hẹp, thiếu độc lập, hà tiện, lập đi lập lại những mô hình đã được định sẵn, duy tín, luyến tiếc quá khứ, bi quan, nại vào những quy tắc. Có lẽ chúng ta đã chống lại việc bỏ qua một lãnh vực mà chúng ta biết rất rõ cũng như rất dễ để vận dụng. Nhưng những khó khăn có thể là một điều chi đó, chẳng hạn như một trận cuồng phong, một con thuồm luồm, hay chỉ là một con sâu mà nó làm cho cây thầu dầu của Giô-na bị chết héo, hay như cơn gió nóng và ánh mặt trời thiêu đốt trên đầu Giô-na; như đối với ông, có thể chúng cũng có một chức năng như thế đối với chúng ta để làm cho chúng ta quay trở về với Thiên Chúa, Đấng đầy trìu mến và mong muốn lôi cuốn chúng ta vào một cuộc hành trình liên tục và canh tân.

 

135.Thiên Chúa luôn luôn là một sự mới mẻ, mà sự mới mẻ ấy thôi thúc chúng ta phải chia tay nhiều lần để lên đường và đi tới một nơi mới, vượt ra ngoài những gì đã quen biết để đi đến những vùng ngoại ô và những vùng biên thùy. Ngài thúc chúng ta đi tới đó, nơi hầu hết những con người tại đó đều đang bị tổn thương, nơi đang có những con người – dưới dáng vẻ hời hợt và sự xu thời – đang tiếp tục tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống. Thiên Chúa không biết sợ hãi! Ngài không biết sợ! Ngài luôn luôn vượt ra khỏi những khuôn mẫu có sẵn của chúng ta, và không hề sợ hãi trước những vùng ngoại ô. Chính Ngài đã lên đường để đi tới những vùng „ngoại vi“ (xc. Pl 2,6-8; Ga 1,14). Vì thế, nếu chúng ta dám đi tới những vùng ngoại biên, chúng ta sẽ bắt gặp Ngài ở đó, Ngài đã ở đó rồi. Chúa Giê-su đến trước chúng ta trong con tim của những người anh chị em, trong thân xác bị tổn thương của họ, trong đời sống bị áp bức của họ, trong tâm hồn bị phủ đầy bóng tối của họ. Ngài đã ở đó rồi.

 

136.Qủa thực, chúng ta phải mở cửa tâm hồn mình ra, vì Ngài đang gõ và đang gọi (xc. Kh 3,20). Tuy nhiên, đôi khi tôi phải tự hỏi, liệu có phải vì bầu khí ngột ngạt do sự quy ngã của chúng ta, nên Chúa Giê-su không còn gõ vào tâm hồn chúng ta, để chúng ta mở cửa cho Ngài nữa hay không. Trong Tin Mừng chúng ta thấy: „Chúa Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa“ (Lc 8,1). Và chúng ta cũng thấy điều đó sau cuộc phục sinh của Ngài, khi các Tông Đồ đi đến khắp nơi: „Có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng“ (Mc 16,20). Đó là sự năng động, mà sự năng động đó phát sinh từ cuộc gặp gỡ đích thực.

 

137.Những thói quen luôn chèo kéo chúng ta và khẳng định rằng, việc cố gắng để thay đổi một điều gì đó chẳng hề có ý nghĩa gì, và chúng ta không thể làm được gì khi chứng kiến tình cảnh đó, trước sau vẫn y nguyên, và rồi chúng ta vẫn tiếp tục sống mà! Vì chúng ta đã làm quen với chuyện đó nên chúng ta sẽ không chống lại sự ác nữa, và chúng ta để cho mọi chuyện “vẫn tiếp tục như chúng là”, hay như một số người đã quyết định rằng, chúng nên là như thế. Nhưng chúng ta hãy để cho Thiên Chúa đến để đánh thức chúng ta, để kéo chúng ta ra khỏi tình trạng ngái ngủ, cũng như giải phóng chúng ta khỏi tình trạng uể oải. Chúng ta hãy  can đảm đối đầu với những thói quen, chúng ta hãy tiếp tục mở cặp mắt và đôi tai của mình ra, nhưng đặc biệt là mở con tim, để cho chúng ta được thôi thúc nhờ vào những điều mà chúng diễn ra xung quanh chúng ta, và nhờ vào lời kêu gọi phát xuất từ Lời hằng sống và đầy công hiệu của Đấng Phục Sinh.

 

138.Mẫu gương của nhiều Linh mục, của nhiều nam nữ Tu sĩ và của nhiều Giáo dân mà họ đã trao hiến với lòng trung tín lớn lao để loan báo Tin Mừng và để phục vụ - thường thì qua sự dấn thân với tất cả cuộc sống của mình, và chắc chắc phải từ khước những tiện nghi dễ dãi –, đang đặt chúng ta vào trong sự chuyển động. Chứng tá của họ nhắc nhớ chúng ta rằng, Giáo hội không cần có nhiều những người quan liêu và những viên chức, nhưng cần tới những nhà truyền giáo nhiệt thành và hăng hái, tức những người bị gây kiệt sức bởi niềm hăng hái muốn chia sẻ một cuộc sống đích thực. Các Thánh gây sửng sốt và đem tới sự bối rối, vì cuộc sống của các Ngài mời gọi chúng ta đi ra khỏi sự tầm thường vô tư và mê mẩn.

 

139.Chúng ta hãy xin Chúa ban cho ơn đừng do dự khi Chúa Thánh Thần thôi thúc chúng ta tiến thêm một bước nữa về phía trước; chúng ta hãy xin cho được ơn can đảm tông đồ để tiếp tục chuyển giao Tin Mừng cho người khác, và đừng bao giờ biến cuộc sống Ki-tô hữu của mình thành một viện bảo tàng đầy những tư tưởng. Chúng ta phải nhất thiết để cho Chúa Thánh Thần thôi thúc hầu chúng ta biết quan sát lịch sử dưới dấu chỉ của Chúa Giê-su phục sinh. Bằng cách đó, thay vì trở nên mệt mỏi, Giáo hội sẽ tiếp tục tiến về phía trước và chào đón những điều gây ngỡ ngàng của Thiên Chúa.

 

Trong sự hiệp thông

 

140.Sẽ thật là khó khăn trong việc chiến đấu chống lại những ham muốn của mình, cũng như chống lại những truy đuổi và những cơn cám dỗ của sự ác và của thế giới ích kỷ, nếu chúng ta tự cô lập mình. Đó là một cuộc oanh tạc luôn luôn lôi cuốn chúng ta – nếu chúng ta quá cô lập –, thì chúng ta sẽ dễ dàng đánh mất ý nghĩa đối với thực tế và sự trong sáng nội tâm, và rồi chúng ta sẽ bị khuất phục.

 

141.Việc nên thánh là một con đường chung, luôn luôn có hai người cùng đi. Vì thế, một số cộng đoàn thánh thiện đã phản ánh điều đó. Trong nhiều dịp khác nhau, Giáo hội đã phong thánh cho toàn bộ các cộng đoàn mà họ đã sống Tin Mừng cách anh hùng, hay đã hiến dâng cho Thiên Chúa sự sống của tất cả mọi thành viên trong cộng đoàn mình. Chúng ta hãy nghĩ tới, chẳng hạn như bảy vị Thánh sáng lập Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ, bảy Nữ Chân Phúc của Tu Viện Dòng Thăm Viếng tiên khởi tại Madrid, Thánh Phao-lô Miki và các bạn Tử Đạo tại Nhật Bản, Thánh Andrea Kim Taegong và các bạn Tử Đạo tại Hàn Quốc, Thánh Roque González de Santa Cruz và các bạn Tử Đạo tại Nam Mỹ. Chúng ta cũng hãy nhớ tới chứng tá mới đây của các Đan Sĩ Dòng Trappist tại Tibhirine (Algerie), các Ngài đã chuẩn bị sẵn sàng để cùng chịu Tử Đạo. Đồng thời cũng có nhiều cặp vợ chồng thánh thiện, mà nơi các Ngài, mỗi người đều là một khí cụ của Chúa Ki-tô để thánh hóa người bạn đời trong đời sống hôn nhân của mình. Sống chung hay làm việc chung với người khác, chắc chắn đó là một cách thức phát triển đời sống thiêng liêng rất tốt. Thánh Gio-an Thánh Giá đã nói với một trong các môn sinh của Ngài rằng: con hãy sống chung với những anh em khác, “để họ sửa chữa và chỉ dậy cho con[104].

 

142.Cộng đoàn được kêu gọi tạo nên “một địa điểm như thế của Thiên Chúa, mà tại địa điểm đó, sự hiện diện nhiệm mầu của Đấng Phục Sinh sẽ có thể được trải nghiệm[105]. Việc chia sẻ Lời Chúa với nhau và cùng cử hành Bí Tích Thánh Thể, sẽ càng ngày càng làm cho chúng ta trở nên những người anh chị em của nhau hơn, và biến chúng ta thành một cộng đoàn thánh thiện và truyền giáo. Từ đó cũng phát sinh ra những kinh nghiệm thần bí thực sự, và được sống trong sự hiệp thông như trường hợp của Thánh Biển Đức và của Thánh Scholastica, hay trong sự gặp gỡ tinh thần ở mức độ cao mà Thánh Augustinô và thân mẫu của Ngài, tức Thánh Monica, đã cùng trải qua: “Ngày mà thân mẫu của con phải giã từ cuộc sống dương thế này, đã tới gần – Chúa biết ngày đó, còn chúng con thì không -, vì tùy theo hoàn cảnh, và vì nó đã xảy ra, như nhờ vào sự quan phòng nhiệm mầu của Chúa, con tin rằng, cả hai chúng con – con và thân mẫu của con - sẽ đứng tựa vào một chiếc cửa sổ mà nó nhìn từ trong nhà ra vườn, và nó cho chúng con tá túc […] Nhưng trái tim chúng con lại khao khát những dòng nước từ trên cao, dòng nước phái sinh từ “nguồn mạch của Chúa”, “nguồn mạch sự sống, mà nguồn mạch ấy phát xuất từ nơi Chúa” […] Và trong khi chúng con nói về sự khôn ngoan vĩnh cửu ấy, hoàn toàn khao khát nó, thì chúng con cũng sẽ hoàn toàn chạm nhẹ được tới nó trong một nhịp đập của con tim […] và như thế, giờ đây sự sống sẽ trở nên vĩnh cửu, như được thấy rõ từ bây giờ, trong khoảnh khắc này, tức khoảnh khắc chỉ được coi như một tiếng thở dài của chúng con[106].

 

143.Nhưng những kinh nghiệm ẫy không phải là điều diễn ra thường xuyên và cũng chẳng phải là điều quan trọng nhất. Đời sống cộng đoàn – có thể ở trong gia đình, trong Giáo xứ, trong cộng đoàn Dòng Tu, hay trong những cộng đồng khác – bao gồm nhiều yếu tố nho nhỏ trong cuộc sống hằng ngày. Nó diễn ra trong sự hiệp thông thánh thiện mà Chúa Giê-su, Đức Maria và Thánh Giu-se đã hình thành nên, cũng như ở bất cứ nơi đâu mà tại đó, vẻ đẹp của sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa được phản ánh theo một cách thức hoàn toàn gương mẫu. Đó cũng là điều xảy ra trong đời sống chung mà Chúa Giê-su đã thực hiện với các môn đệ của Ngài cũng như với đám dân chúng giản dị mộc mạc.

 

Chúng ta cũng hãy nhớ tới việc Chúa Giê-su đã mời gọi các môn đệ của Ngài lưu tâm đến những chi tiết nho nhỏ như thế nào.

 

Chẳng hạn như chi tiết nhỏ về việc bị hết rượu trong một bữa tiệc.

 

Chi tiết nhỏ về việc bị thiếu một con cừu.

 

Chi tiết nhỏ về việc bà góa dâng cúng hai đồng xu.

 

Chi tiết nhỏ về việc dự trữ dầu cho đèn đuốc trong trường hợp chàng rể đến chậm.

 

Chi tiết nhỏ về việc Ngài yêu cầu các môn đệ phải kiểm tra lại xem còn được bao nhiêu chiếc bánh.

 

Chi tiết nhỏ về việc Ngài chuẩn bị sẵn lửa và cá để nướng trong lúc Ngài chờ đợi các môn đệ trong một buổi sáng sớm.

 

145.Nếu cộng đoàn nào trân quý những chi tiết nho nhỏ của Đức Ái [107], và trong cộng đoàn ấy, các thành viên luôn biết chăm lo cho nhau và hình thành nên một không gian mở đầy tính Tin Mừng hóa, thì cộng đoàn đó chính là nơi hiện diện của Đấng Phục Sinh, Ngài sẽ thánh hóa cộng đoàn ấy sao cho thích ứng với nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa Cha. Đôi khi, nhờ vào quà tặng ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta sẽ được ban cho những kinh nghiệm đầy an ủi của Thiên Chúa giữa những chi tiết nho nhỏ đó: “Vào một buổi chiều mùa Đông nọ, khi tôi đang thực hiện những công việc phục vụ nho nhỏ của mình như thường lệ […] thì bỗng dưng tôi nghe thấy từ xa một âm điệu du dương của một nhạc cụ, khiến tôi cứ ngỡ rằng mình đang được ở trong một đại thính phòng tràn ngập ánh sáng, lấp lánh ánh vàng, tại đó có nhiều cô gái ăn bận rất lịch sự, họ trao cho nhau những cái nhìn niềm nở và những lời khen tặng thế gian; sau đó tôi nhìn thấy một nữ bệnh nhân nghèo túng mà tôi đã hỗ trợ; thay vì một âm điệu, tôi lại nghe thấy những tiếng thờ dài than vãn suốt từ lúc này tới lúc khác […] Tôi không thể diễn tả được bằng lời về điều mà nó đã xảy ra trong tâm hồn tôi; điều mà tôi biết, đó là việc Thiên Chúa đang soi sáng cho nữ bệnh nhân đó với những tia sáng của chân lý, mà những tia sáng ấy vượt trội sự huy hoàng lờ mờ của những buổi đại tiệc nơi dương thế này, đến độ tôi không thể diễn tả được niềm hạnh phúc của mình[108].

 

146.Để đối lại chủ nghĩa cá nhân hưởng thụ - mà rốt cục chủ nghĩa này sẽ cô lập và phong tỏa chúng ta trên con đường kiếm tìm niềm hạnh phúc cho người khác –, thì chúng ta không được phép từ bỏ con đường nên thánh của mình, hầu đồng nhất với niềm mong muốn của Chúa Giê-su: “Xin cho tất cả nên một, như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha” (Ga 17,21).

 

Cầu nguyện liên lỷ

 

147.Ngay cả khi vấn đề có vẻ như quá ư là hiển nhiên đi nữa, thì chúng ta cũng phải nhớ rằng, sự thánh thiện hệ tại ở chỗ liên tục mở ra với siêu việt, mà sự siêu việt ấy biểu lộ trong sự cầu nguyện và trong sự tôn thờ. Thánh Nhân là một con người mang tinh thần cầu nguyện, là người cảm thấy cần phải có mối tương quan đối với Thiên Chúa. Ngài là người không chấp nhận chuyện bị chết ngạt trong sự khép kín nội tại của thế giới này, nhưng giữa những cố gắng của mình và sự trao hiến cho Thiên Chúa, muốn hít thở bầu không khí, mà bầu không khí ấy sẽ trở nên hoạt bát trong lời ngợi khen, cũng như đi ra khỏi những giới hạn của mình để đi tới với việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Cha không tin vào một sự thánh thiện mà không có sự cầu nguyện, ngay cả khi việc cầu nguyện không nhất thiết phải diễn ra trong một thời gian dài, hay phải chứa đầy cảm xúc.

 

148.Thánh Gio-an Thánh Giá khuyên hãy “cố gắng để không ngừng bước đi trong sự hiện diện của Thiên Chúa – dầu trong thực tế, trong tưởng tượng hay trong sự kết hợp -, trong sự thích hợp với những công việc hay với những gì người ta đang thực hiện lúc đó[109]. Căn bản mà nói thì đó là niềm khát khao Thiên Chúa, mà tất nhiên, niềm khát khao ấy luôn biểu lộ theo một cách thức nào đó trong giữa cuộc sống hằng ngày của chúng ta: “Hãy cố gắng cầu nguyện liên lỷ, và đừng bỏ qua việc cầu nguyện ngay cả khi phải thực hiện những công việc thể lý. Dù ăn hay uống, dù nói chuyện với người khác, hay làm bất cứ việc gì đi nữa, thì cũng hãy luôn luôn thực hiện những công việc đó trong niềm khát khao Thiên Chúa và hướng con tim về với Ngài[110].

 

149.Nhưng để điều đó trở nên có thể, thì cần thiết phải có một số khoảnh khắc trong sự cô tịch với Thiên Chúa. Đối với Thánh Nữ Tê-rê-sa Avila thì cầu nguyện chính là một “cách cư xử đầy tình bằng hữu, bằng cách là chúng ta nói chuyện nhiều lần hoàn toàn một mình với Đấng mà chúng ta biết rằng, Ngài rất yêu thương chúng ta[111]. Cha muốn khẳng định rằng, điều này không chỉ có giá trị đối với một số người nhận được những ơn đặc biệt, nhưng là đối với tất cả, “vì tất cả chúng ta đều cần tới sự thinh lặng được lấp đầy bởi sự hiện diện có tính tôn thờ ấy[112]. Lời cầu nguyện đầy tín thác chính là một sự phản ứng của con tim biết mở ra cho Thiên Chúa để nói chuyện mặt giáp mặt với Ngài, nhưng trong cuộc chuyện vãn ấy, tất cả mọi lời lẽ đều trở nên im bặt để vâng phục giọng nói dịu hiền của Thiên Chúa, mà giọng nói ấy chỉ vang lên trong sự thinh lặng.

 

150.Trong sự thinh lặng ấy, người ta có thể nhận ra những cách thức nên thánh mà Thiên Chúa đề nghị với chúng ta, trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Trong trường hợp ngược lại, tất cả những quyết định của chúng ta đều chỉ có thể là “những đồ trang trí” mà chúng phủ lấp và bóp ngạt Tin Mừng, thay vì đưa Tin Mừng vào áp dụng trong cuộc sống chúng ta. Với bất cứ người môn đệ nào cũng vậy, việc ở cùng Thầy và lắng nghe Thầy, học và học luôn luôn từ Thầy, đó là điều vô cùng cần thiết. Nếu chúng ta không tuân phục thì tất cả mọi lời nói của mình cũng đều chỉ là những tiếng ồn, tiếng động, chúng không hề có ích lợi gì.

 

151.Chúng ta hãy nhớ rằng: “Đó chính là sự chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Giê-su – Đấng đã chết và phục sinh – mà sự chiêm ngưỡng ấy sẽ tái phục hồi nhân tính chúng ta, ngay cả khi nhân tính ấy đã bị chia cắt bởi những nỗi cơ cực của cuộc sống, hay bị ghi đậm dấu ấn của tội lỗi. Chúng ta không được phép thuần hóa quyền năng phát xuất từ dung nhan Chúa Ki-tô.[113]. Vì thế, Cha xin mạn phép để hỏi bạn: Bạn đã dành ra khoảnh khắc nào để ngồi thinh lặng trong sự hiện diện của Chúa chưa? Bạn có dành ra khoảnh khắc nào để lưu lại bên Ngài một cách điềm đạm và không hề vội vã hấp tấp không? Và bạn đã dành ra những khoảnh khắc nào để ngồi đó cho Thiên Chúa nhìn ngắm bạn chưa? Bạn có để cho ngọn lửa của Ngài thiêu đốt con tim mình hay không? Nếu bạn không để cho Ngài nuôi dưỡng nhiệt năng phát xuất từ Tình Yêu và sự trìu mến của Ngài, thì bạn sẽ không có được ngọn lửa. Và nếu thế thì bạn sẽ có thể đốt cháy con tim người khác qua chứng tá và những lời nói của bạn thế nào đây? Và nếu bạn vẫn chưa tạo ra ngọn lửa ấy trước dung nhan Chúa Giê-su để bạn được thánh hóa và được biến đổi, thì rồi Chúa Giê-su sẽ bước vào trong cõi lòng bạn, sẽ đưa bạn vào trong những vết thương của Ngài, vì Lòng Xót Thương của Thiên Chúa có chỗ của nó ở đó[114].

 

152.Nhưng Cha xin rằng, chúng ta đừng hiểu sự thinh lặng cầu nguyện là một sự trốn chạy mà thế giới xung quanh chúng ta vẫn có. Một người hành hương của Nga luôn luôn cầu nguyện trong lúc đi đường kể lại rằng, việc cầu nguyện ấy không tách ông ra khỏi thực tế bên ngoài: “Nó diễn ra hằng ngày, ngay cả khi tôi gặp gỡ bất cứ một ai đó, tất cả đều diễn ra như thế đối với tôi mà không có bất cứ một ngoại lệ nào, rất đáng yêu và gần gũi, kể cả khi họ là những người họ hàng thân quen của tôi […] Tôi không chỉ cảm thấy niềm hạnh phúc đó trong tâm hồn mình, nhưng kể cả thế giới bên ngoài cũng diễn ra với tôi rất tuyệt vời[115].

 

153.Lịch sử cũng không biến mất. Chính vì lời cầu nguyện tự nuôi sống mình bằng ân sủng của Thiên Chúa, mà ân sủng ấy được tuôn đổ vào trong cuộc sống chúng ta – do đó, việc cầu nguyện luôn luôn nên sở hữu một sự hồi tưởng tốt đẹp. Việc tưởng nhớ tới những hành động của Thiên Chúa chính là nền tảng căn bản cho kinh nghiệm về Giao Ước giữa Thiên Chúa và Dân Người. Vì Thiên Chúa muốn bước vào lịch sử, nên việc cầu nguyện sẽ được dệt nên bởi những ký ức: không phải chỉ từ ký ức về lời được mạc khải, nhưng cũng còn là sự hồi tưởng về cuộc sống riêng của mình, về cuộc sống của người khác, về điều mà Thiên Chúa đã thực hiện trong Giáo hội của Ngài. Đó là sự hồi tưởng đầy biết ơn mà Thánh I-nha-xi-ô Loyola cũng đã nói tới trong tác phẩm “Chiêm Ngưỡng để Đạt Tới Tình Yêu[116], khi Ngài thôi thúc chúng ta nhớ lại tất cả mọi điều tốt lành của Thiên Chúa mà chúng ta đã đón nhận từ Ngài. Hãy nhìn vào lịch sử đời bạn khi bạn cầu nguyện, và bạn sẽ thấy được trong lịch sử đó rất nhiều Lòng Xót Thương. Đồng thời điều này sẽ nuôi dưỡng trong bạn niềm ý thức rằng, Thiên Chúa luôn ghi nhớ bạn trong Ký ức của Ngài, và không bao giờ quên bạn. Vì thế, thật là ý nghĩa khi cầu xin Ngài, xin Ngài soi sáng cả những chi tiết nhỏ trong kiếp sống của bạn, mà những chi tiết đó không bao giờ bị Ngài bỏ qua.

 

154.Lời cầu nguyện liên lỷ chính là sự diễn tả của con tim biết tín thác vào Thiên Chúa và biết rằng, nếu chỉ một mình thì nó không thể thực hiện được bất cứ điều gì. Trong đời sống của Dân Chúa, chúng ta thấy được nhiều lời nguyện cầu chân thành, đầy tràn sự trìu mến và niềm tín thác thẳm sâu. Chúng ta đừng lấy đi giá trị của lời nguyện cầu, bởi lời nguyện cầu thường xuyên vỗ về con tim chúng ta và giúp chúng ta tiếp tục chiến đấu với niềm hy vọng. Lời nguyện giúp cầu thay có một giá trị đặc biệt, vì nó chính là một hành vi tín thác vào Thiên Chúa, và đồng thời cũng là một sự diễn tả về Đức Ái đối với tha nhân. Dựa vào những thiên kiến tâm linh, nhiều người tin rằng, cầu nguyện phải là một sự thuần chiêm niệm trước tôn nhan Thiên Chúa, mà không hề có những trệch hướng, đến độ danh tính và khuôn mặt của những người anh chị em cũng đều là một sự quấy rối cần phải ngăn ngừa. Trái lại, thực tế cho thấy rằng, việc cầu nguyện sẽ làm cho Thiên Chúa hài lòng hơn cũng như có khả năng thánh hóa hơn, nếu thông qua những lời nguyện giúp cầu thay, chúng ta cố gắng sống giới răn kép mà Chúa Giê-su đã để lại cho chúng ta. Lời nguyện giúp cầu thay chính là một sự diễn tả về sự dấn thân huynh đệ cho những người khác, nếu trong khi thực hiện việc cầu nguyện đó, chúng ta có khả năng đón nhận cuộc sống của người khác, với những nỗi khổ cực đang làm rối tung tâm hồn, cũng như với những giấc mơ tốt nhất của họ. Ai hiến thân cách quảng đại để thực hiện lời nguyện giúp cầu thay, thì người ta sẽ có thể nói về người đó với những lời sau đây của Kinh Thánh: “Người đó chính là bạn hữu của anh em mình, người cầu nguyện rất nhiều cho dân” (2 Mcb 15,14).

 

155.Nếu chúng ta thực sự tin rằng, Thiên Chúa luôn hiện hữu, thì chúng ta sẽ không thể bỏ qua chuyện tôn thờ Ngài – đôi khi trong sự thinh lặng được lấp đầy bởi sự tôn thờ – hay thường xuyên ca ngợi tán dương Ngài. Và như thế chúng ta sẽ diễn tả được điều mà Chân Phúc Charles de Foucauld đã sống khi Ngài nói: “Ngay sau khi tôi tin rằng có một Thiên Chúa, thì vấn đề đã trở nên rất rõ ràng với tôi như thế này: tôi không thể làm được bất cứ điều gì khác khi chỉ sống cho một mình Ngài[117]. Trong cuộc sống dân lữ hành của Thiên Chúa, có nhiều hành vi thờ phượng thuần túy và chân phương, chẳng hạn như khi “người lữ hành chiêm ngắm một bức họa mà nó là biểu tượng cho sự quan tâm đầy trìu mến và cho sự gần gũi của Thiên Chúa. Tình Yêu tạm ngừng, chiêm ngưỡng mầu nhiệm và vui mừng trong âm thầm về chuyện đó[118].

 

156.Việc đọc Lời Chúa trong tinh thần cầu nguyện, mà Lời Chúa “ngọt hơn mật ong” (Ps 119,103) và “và sắc bén hơn cả thanh gươm hãi lưỡi” (Dt 4,12) sẽ cho phép chúng ta tạm dừng để lắng nghe vị Thầy, và để Ngài trở nên nguồn soi sáng cho những bước chân chúng ta, soi sáng cho những con đường chúng ta đi (xc. Tv 119,105). Như các Đức Giám Mục Ấn-độ đã nhắc nhớ chúng ta rằng, “việc tôn kính Lời Chúa […] không chỉ là một trong nhiều hình thức tôn thờ tuyệt vời nhất, nhưng cũng còn là một sự lựa chọn nữa. Niềm tôn kính ấy thuộc về con tim cũng như thuộc về căn tính có tính sinh tử của đời sống Ki-tô giáo. Lời Thiên Chúa có một sức mạnh nội tại để biến đổi đời sống từng người[119].

 

157.Sự gặp gỡ với Chúa Giê-su trong Kinh Thánh sẽ dẫn chúng ta tới với Bí Tích Thánh Thể, nơi mà chính Lời Chúa đạt tới được hiệu năng cao nhất của mình, vì Bí Tích thánh Thể chính là sự hiện diện đích thực của Đấng là Lời Hằng Sống. Ở đó, chỉ tuyệt đối có một Đấng duy nhất nhận được sự tôn thờ cao nhất mà trái đất này có thể dành cho Ngài, đó chính là Chúa Ki-tô, Đấng trao hiến chính bản thân mình. Và nếu chúng ta đón rước Ngài trong sự hiệp Lễ, thì chúng ta sẽ canh tân giao ước của chúng ta với Ngài, và sẽ cho phép Ngài càng ngày càng hiện thực hóa công cuộc biến đổi của Ngài.

 

 

CHƯƠNG V

 

CHIẾN ĐẤU, TỈNH THỨC VÀ BIỆN PHÂN

 

158.Cuộc sống của người Ki-tô hữu là một cuộc chiến đấu liên lỷ. Cần tới sức mạnh và lòng can đảm để chống lại những cơn cám dỗ của ma quỷ cũng như để loan báo Tin Mừng. Cuộc chiến này rất tuyệt vời, vì nó cho phép chúng ta thường xuyên vui mừng về việc Thiên Chúa đã chiến thắng trong cuộc đời chúng ta.

 

Chiến đấu và thức tỉnh

 

159.Vấn đề không phải chỉ là chiến đấu chống lại thế gian và tâm tính thế tục mà nó lừa dối, gây tê liệt và làm cho chúng ta trở nên tầm thường, và không có sự dấn thân cũng như không có niềm vui. Đồng thời, cuộc chiến này cũng không tự hạn chế trên mặt trận chống lại những yếu đuối và những thói xấu riêng (mỗi người đều có những điều gây trì trệ, những ham muốn, những đố kỵ và những ghen tương v.v… của mình). Đây cũng còn là một cuộc chiến liên lỷ nhằm chống lại ma quỷ, tức ông hoàng sự ác. Chính Chúa Giê-su sẽ vui mừng về sự chiến thắng của chúng ta. Ngài đã tỏ ra rất vui mừng khi các môn đệ của Ngài có thể tiếp tục công cuộc loan báo Tin Mừng và chiến thắng trước sự kháng cự của sự ác. Vì thế Ngài đã vui mừng thốt lên: "Thầy đã thấy Sa-tan như một tia chớp từ trời sa xuống” (Lc 10,18).

 

Nhiều hơn một huyền thoại

 

160.Chúng ta sẽ không nhìn nhận sự hiện hữu của ma quỷ nếu chúng ta cứ khăng khăng quan sát cuộc sống với những tiêu chuẩn có tính thực nghiệm mà không hề quan sát với ý nghĩa siêu nhiên. Chính sự xác tín rằng, sức mạnh của sự ác vẫn đang hiện hữu giữa chúng ta, cho phép chúng ta hiểu được tại sao đôi khi sự ác lại có một sức mạnh hủy diệt rất lớn. Tất nhiên, các tác giả Kinh Thánh chỉ có sẵn một kiến thức cần thiết và bị giới hạn vào nhận thức riêng của từng vị, để diễn tả về một số những trạng huống, mà vào thời Chúa Giê-su, người ta có thể nhầm lẫn chẳng hạn như một cơn động kinh với việc bị quỷ nhập. Nhưng điều đó không cho phép chúng ta được đơn giản hóa thực tế một cách quá mức đến độ có thể nói rằng, tất cả những trường hợp được tường thuật lại trong các Tin Mừng đều là những căn bệnh tâm lý, và rốt cuộc ma quỷ vẫn không hiện hữu hay không hoạt động. Ma quỷ được đề cập tới ở ngay những trang đầu tiên của Kinh Thánh, nhưng cuối cùng thì Thiên Chúa đã chiến thắng trên Sa-tan[120]. Khi Chúa Giê-su dậy cho chúng ta Kinh Lạy Cha, thì Ngài muốn rằng, trước khi kết thúc lời Kinh ấy, chúng ta sẽ cầu xin Thiên Chúa Cha, xin Ngài cứu chúng ta khỏi mọi sự dữ. Thuật ngữ được sử dụng ở đó không đề cập tới một sự ác nào đó theo nghĩa trừu tượng, nhưng có thể được dịch một cách sát nghĩa hơn là: “kẻ ác”. Nó ám chỉ tới một cá nhân có khả năng áp chế chúng ta. Chúa Giê-su đã dậy chúng ta phải cầu xin hằng ngày cho được ơn giải thoát để quyền lực của Sa-tan khỏi thống trị chúng ta.

 

161.Vì thế chúng ta không nên nghĩ rằng, sự ác chỉ là một huyền thoại, một vở kịch, một biểu tượng, một hình ảnh hay một ý tưởng[121]. Sự lầm lạc này sẽ đưa chúng ta tới chỗ thúc thủ, cẩu thả và bị liên lụy tới nhiều mối nguy hiểm hơn nữa. Thực ra, ma quỷ không cần thống trị chúng ta. Hắn đầu độc chúng ta bằng sự thù hận, buồn bã, đố kỵ và ghen tương. Và rồi hắn tận dụng sự bất cẩn của chúng ta để hủy hoại cuộc sống, gia đình và các cộng đoàn của chúng ta, vì hắn “như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Phr 5,8).

 

Tỉnh thức và tín thác

 

162.Lời Chúa mời gọi chúng ta với những lời rất rõ ràng: “Hãy kháng cự lại trước những mưu chước của ma quỷ” (Ep 6,11) và chống lại “mọi tên lửa của ác thần” (Ep 6,16). Đó không phải là những từ ngữ có tính tiểu thuyết, vì con đường nên thánh của chúng ta cũng là một cuộc chiến đấu liên lỷ. Ai không muốn chấp nhận điều đó, người ấy sẽ gặp trắc trở hay sẽ tiếp tục ở lại trong tình trạng tầm thường. Đối với cuộc chiến đó, chúng ta có những vũ khí rất công hiệu mà Thiên Chúa ban cho chúng ta: Đức tin được diễn tả trong cầu nguyện, trong sự chiêm ngưỡng Lời Chúa, trong việc cử hành các Thánh Lễ, trong sự tôn thờ Thánh Thể, trong việc lãnh nhận Bí Tích Giao Hòa, trong việc thực hành những công việc tốt lành, trong việc sống đời sống chung, và trong việc dấn thân truyền giáo. Khi chúng ta trễ nải, thì những cơn cám dỗ sai quấy của sự ác sẽ dễ dàng dẫn dắt chúng ta, như Thánh Brochero – một Cha Sở - đã nói: “Ích lợi gì đây nếu như Lu-xi-phe muốn cởi trói cho anh chị em và muốn chất đầy mọi gia tài của hắn lên anh chị em, nếu những gia tài đó hoàn toàn dối trá, nếu đó chỉ là những tài sản bị tẩm độc![122].

 

163.Trên con đường này, việc tăng trưởng trong sự thiện, trong sự trưởng thành thiêng liêng và trong Đức Ái, chính là sự đối trọng tốt nhất đối với sự ác. Sẽ không có ai chiến đấu nếu người ấy quyết định dừng lại nơi một điểm chết; nếu người ấy tự thỏa mãn với những điều ít ỏi và nhỏ nhoi; nếu người ấy thôi không còn muốn hiến thân cho Thiên Chúa nữa. Ít nhất, nếu người ấy sa vào cảm giác thua cuộc, vì “ai bắt đầu mà thiếu tự tin, thì ngay từ đầu, người ấy đã thua một nửa rồi, và đã chôn vùi mất những khả năng riêng […]. Cuộc chiến thắng Ki-tô giáo luôn luôn là Thập Giá, nhưng Thập Giá ấy cũng đồng thời là một hiệu kỳ chiến thắng mà người ta mang theo với một sự dịu hiền đầy sức chiến đấu để chống lại những cuộc tấn công của sự ác[123].

 

Sự hủ hóa tinh thần

 

164.Con đường nên thánh chính là một nguồn mạch bình an và vui mừng mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta. Nhưng đồng thời, con đường ấy cũng đòi hỏi rằng, “những chiếc đèn của chúng ta phải luôn cháy sáng” (Lc 12,35), và đòi hỏi chúng ta phải luôn tỉnh thức: “Lánh cho xa những điều xấu dưới bất cứ hình thức nào” (1Tx 5,22). “Anh em hãy tỉnh thức!” (Mt 24,42; Mc 13,35). “Vậy chúng ta đừng ngủ mê“ (1Tx 5,6). Vì ai nghĩ rằng mình không hề phạm phải bất cứ trọng tội nào chống lại Lề Luật của Thiên Chúa, thì người ấy sẽ có thể trở nên bất cẩn trong một hình thức ngủ say hay ngái ngủ nào đó. Vì người ấy sẽ không thấy có bất cứ điều chi tồi tệ để phải bị phiền trách, nên người ấy sẽ không nhận ra được sự thiếu cương quyết mà nó sẽ dần dần choán sạch chỗ trong đời sống thiêng liêng của mình, và cuối cùng, người ấy sẽ bị kiệt quệ và trở nên đồi bại.

 

165.Sự hủ hóa tinh thần còn tồi tệ hơn trường hợp của một tội nhân, vì nó chính là một sự mê muội dễ dãi và tự hài lòng với chính mình, mà rốt cuộc, trong sự mê muội mù lòa đó, tất cả những điều sau đây sẽ đều được phép xuất hiện: sự giả dối, nói hành nói xấu người khác, ích kỷ và rất nhiều những hình thức tinh quái khác của sự quy ngã – vì „chính Sa-tan cũng đội lốt thiên thần sáng láng“ (2Cor 11,14). Vấn đề đã xảy ra như thế với Sa-lô-môn, trong khi Đa-vít – đại tội nhân – đã biết vượt thắng nỗi khốn cùng của mình. Trong một trình thuật, Chúa Giê-su đã cảnh báo về cơn cám dỗ rất ư là gian dối ấy, tức cơn cám dỗ xui khiến chúng ta sa vào sự hủ hóa: Ngài nói về một con người đã được giải thoát khỏi một tên quỷ. Khi người này nghĩ rằng, cuộc sống của mình đã trở nên tinh tuyền rồi, thì cuối cùng, bảy tên quỷ khác dữ tợn hơn đã đột nhập vào lòng ông ta (xc. Lc 11,24-26). Một bản văn Kinh Thánh khác đã sử dụng một hình ảnh rất bi thương: „Chó mửa ra, chó liền ăn lại; heo tắm xong heo lại nhảy vào bùn“ (2Pr 2,22; xc. Cn 26,11).

 

Sự Biện Phân

 

166.Làm sao chúng ta biết được một điều gì đó đến từ Chúa Thánh Thần và một điều gì đó có nguồn cội của nó trong tinh thần thế tục hay trong tinh thần ma quỷ? Một phương pháp duy nhất là sự biện phân, mà sự biện phân này không chỉ giả thiết một khả năng tư duy thật tốt và một trí khôn nhân loại lành mạnh. Nhưng nó cũng còn là một ơn ban mà người ta cần phải cầu xin. Nếu chúng ta cầu xin ơn đó với tất cả niềm tín thác vào Chúa Thánh Thần, và đồng thời cố gắng hết sức phát triển hồng ân đó thông qua việc cầu nguyện, chiêm ngưỡng, đọc sách Thánh và những lời khuyên lành thánh, thì chắc chắn chúng ta sẽ có thể phát triển trong khả năng thiêng liêng ấy.

 

Một nhu cầu cấp bách

 

167.Việc biện phân là một điều hết sức cần thiết trong thời đại hôm nay. Cuộc sống hiện tại đang giới thiệu những cơ hội rất tốt để có được công ăn việc làm và sự tiêu khiển. Thế gian trình bày những điều đó như thể đó là những điều hoàn toàn giá trị và tốt đẹp. Tất cả, đặc biệt là những bạn trẻ, đều thường xuyên bị liên lụy tới những thiết bị bấm nút từ xa. Người ta có thể điều khiển một lúc từ hai tới ba màn hình, và đồng thời có thể tương tác trên nhiều màn hình khác nhau trong cùng một lúc. Nếu không có sự khôn ngoan để biện phân thì chúng ta sẽ có thể dễ dàng trở thành những con rối bị điều khiển bởi những khuynh hướng hiện tại.

 

168.Điều đó thể hiện như một sự việc đặc biệt quan trọng nếu một tình huống mới đột ngột xuất hiện trong cuộc đời chúng ta, và rồi chúng ta phải biện phân xem liệu đó có phải là rượu mới đến từ Thiên Chúa hay không, hay đó chỉ là một điều mới mẻ đầy dối trá của tinh thần thế gian hay của tinh thần ma quỷ. Trong những tình cảnh khác thì điều trái ngược lại diễn ra nếu sức mạnh sự ác xui khiến chúng ta đừng thay đổi gì cả, nhưng cứ để cho mọi sự việc như chúng vẫn là, để bênh che cho sự bất động và cho một thái độ cứng nhắc. Và như thế, chúng ta sẽ ngăn cản những luồng gió của Chúa Thánh Thần. Chúng ta đang được tự do, với sự tự do của Chúa Ki-tô; nhưng Ngài mời gọi chúng ta hãy thẩm định trước những gì đang diễn ra trong chúng ta – những ước muốn, những nỗi sợ hãi, những nỗi khiếp đảm, và những niềm khát khao – cũng như thẩm định trước những gì đang diễn ra bên ngoài chúng ta – „dấu chỉ thời đại“ -, để chúng ta nhận ra những con đường tự do: „Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ lại!“ (1Tx 5,21).

 

Luôn luôn trong ánh sáng của Thiên Chúa

 

169.Việc biện phân không phải chỉ cần cho những biến cố phi thường nhằm giải quyết những vấn đề phức tạp, hay khi phải đưa ra những quyết định quan trọng. Nó là một phương kế trong chiến dịch đi theo Chúa cách tốt hơn. Chúng ta luôn luôn cần phải biện phân để có khả năng nhận ra những dấu chỉ của Thiên Chúa cũng như những ân sủng của Ngài, để không bỏ lỡ sự linh hứng của Thiên Chúa, cũng như không để cho lời mời gọi lớn lên của Ngài bị trôi qua. Thường thì điều này được quyết định trong những chi tiết nho nhỏ, trong những điều có vẻ như không quan trọng, vì sự cao thượng sẽ chỉ bộc lộ trong những điều giản dị và trong cuộc sống hằng ngày[124]. Đó không phải là điều đặt ra những giới hạn cho những điều vĩ đại, những điều tốt nhất và đẹp đẽ nhất, nhưng đồng thời vẫn tập trung về những điều bé nhỏ, những hy sinh trong cuộc sống hằng ngày. Vì thế, Cha xin tất cả các Ki-tô hữu đừng bỏ qua việc thực hiện cuộc kiểm định lương tâm cách chân thành mỗi ngày trong sự đối thoại với Đấng đang rất mực yêu thương chúng ta. Đồng thời, sự biện phân cũng sẽ dẫn chúng ta tới chỗ nhận ra những phương kế cụ thể mà Thiên Chúa đã chuẩn bị sẵn cho chúng ta trong kế hoạch đầy nhiệm mầu của Ngài, để chúng ta không chỉ lưu lại mãi nơi những ý định tốt lành.

 

Một ơn siêu nhiên

 

170.Trong thực tế, sự biện phân thiêng liêng sẽ không loại trừ sự trợ giúp của trí tuệ nhân loại, cũng như của những phương pháp có tính hiện sinh, tâm lý, xã hội hay luân lý. Nhưng nó vượt lên trên những phương pháp ấy. Ngay cả những tiêu chuẩn khôn ngoan của Giáo hội cũng vẫn chưa đủ để thực hiện việc biện phân. Chúng ta hãy luôn luôn nhớ rằng, sự biện phân chính là một ân ban. Nó bao hàm cả trí tuệ lẫn sự khôn ngoan, nhưng vượt lến trên chúng; vì nó vươn tới chỗ nhận thức được kế hoạch đầy nhiệm mầu, duy nhất và bất khả tái lặp mà Thiên Chúa dành cho từng cá nhân một, và kế hoạch đó được hiện thực hóa ngay trong giữa những môi trường sống và những phạm trù khác nhau. Nó không chỉ là một sự khoan khoái dễ chịu bị giới hạn trong một thời điểm nhất định, nhưng cũng còn là sự mãn nguyện trong việc thực hiện một điều gì đó có ích, và không bao giờ là sự khát khao có được một lương tâm êm đềm. Nó chính là ý nghĩa cuộc sống của tôi trước mặt Thiên Chúa Cha, Đấng biết rõ tôi và yêu thương tôi; đó là ý nghĩa đích thực của kiếp sống tôi, mà không ai biết rõ kiếp sống đó hơn Ngài. Cuối cùng, sự biện phân sẽ dẫn chúng ta tới với chính nguồn mạch sự sống, sự sống bất tử, đi tới chỗ nhận biết Thiên Chúa Cha, Thiên Chúa chân thật và duy nhất, cũng như đi tới chỗ nhận biết Đấng mà Ngài sai đến, Chúa Giê-su Ki-tô (xc. Ga 17,3). Điều đó không đòi phải có những khả năng đặc biệt, cũng không đòi phải có sự thông thái cũng như phải được học hành cao. Thiên Chúa Cha thích mạc khải mình cho những kẻ khiêm nhượng (xc. Mt 11,25).

 

171.Ngay cả khi Thiên Chúa cũng nói với chúng ta bằng những cách thức khác nhau, giữa những công việc của chúng ta, qua những người khác và trong từng khoảnh khắc, thì người ta cũng không thể khước từ sự thinh lặng trong lúc cầu nguyện, để nhận ra ngôn ngữ của Ngài cách tốt hơn, hầu giải thích cho được ý nghĩa thực sự của những điều được linh hứng mà chúng ta tin rằng mình đang được lãnh nhận, để vứt bỏ nỗi sợ hãi và tái đặt toàn bộ kiếp sống chúng ta vào trong ánh sáng của Thiên Chúa. Và như thế chúng ta sẽ có thể để cho sự tổng hợp mà nó bắt nguồn từ một cuộc sống được Chúa Thánh Thần soi sáng, được phát sinh.

 

Lạy Chúa, xin hãy phán!

 

172.Nhưng có thể là chúng ta sẽ không muốn đặt chính bản thân mình vào trong sự cầu nguyện đầy tự do của Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động bất cứ nơi đâu và khi nào Ngài muốn. Chúng ta phải ý thức rằng, sự biện phân trong cầu nguyện phải phát xuất từ một thái độ sẵn sàng lắng nghe đối với Thiên Chúa, đối với người khác, và đối với chính thực tế mà càng ngày nó càng đòi hỏi chúng ta phải thực hiện theo những cách thức mới. Chỉ ai có thái độ sẵn sàng lắng nghe, người ấy mới sở hữu được sự tự do để từ bỏ những cách thức suy nghĩ mang tính cục bộ và phiến diện của riêng mình, cũng như từ bỏ những thói quen và những mô hình suy nghĩ của mình. Nhờ thế người ta mới thực sự sẵn sàng để lắng nghe tiếng gọi mời, mà tiếng gọi mời ấy sẽ phá bỏ tất cả những mối an toàn riêng, và dẫn người ta tới với một cuộc sống tốt đẹp hơn, vì giả như tất cả đều đang diễn ra rất tốt đẹp và êm đềm thì cũng vẫn chưa đủ. Thực ra, Thiên Chúa đang muốn ban cho chúng ta một điều vĩ đại hơn, nhưng có lẽ chúng ta không nhận ra ân ban đó bởi tính lơ đễnh đầy ươn lười của mình.

 

173.Ngoài ra, thái độ lắng nghe ấy còn bao hàm cả sự tuân phục đối với Tin Mừng với tư cách là tiêu chuẩn cuối cùng, lẫn sự tuân phục đối với Huấn Quyền, mà Huấn Quyền ấy luôn bảo vệ Tin Mừng và cố gắng để thấy được trong kho tàng của Giáo hội điều có khả năng sinh hoa kết trái nhiều nhất của ơn cứu độ đối với thế giới ngày nay. Đó không phải là việc áp dụng những công thức hay lập lại quá khứ; vì những giải pháp như nhau sẽ không thể được đem ra để áp dụng cho tất cả mọi sự việc, và điều gì hữu ích đối với sự việc này thì cũng sẽ có thể lại vô ích đối với sự việc khác. Sự biện phân thiêng liêng sẽ giải thoát chúng ta khỏi sự cứng nhắc mà nó không thể tồn tại trước Ngày Hôm Nay vĩnh cửu của Đấng Phục Sinh. Chỉ duy mình Chúa Thánh Thần mới có thể biết cách để đột nhập vào trong những ngõ ngách đen tối nhất của thực tại, và thấy được tất cả mọi sắc thái của chúng hầu cho sự mới mẻ của Tin Mừng có thể bừng sáng lên trong một ánh sáng mới.

 

Luận lý của ân sủng và Thập Giá

 

174.Một trong những điều kiện căn bản để việc biện phân được tiếp tục, hệ tại ở chỗ luyện tập trong sự kiên nhẫn của Thiên Chúa và trong đơn vị tính thời gian của Ngài, mà những đơn vị của chúng ta không bao giờ tương ứng với. Ngài không cho phép lửa từ trời sa xuống trên những kẻ bất tín (xc. Lc 9,54); Ngài cũng không cho phép những người nhiệt tình được đi nhổ cỏ dại mà chúng mọc lên cùng với lúa mì (xc. Mt 13,29). Ngoài ra, cũng cần phải có sự quảng đại, vì “cho thì có phúc hơn nhận” (Cv 20,35). Chúng ta không thực hiện việc biện phân để tìm ra điều mà thông thường, chúng ta vẫn có thể rút ra được từ cuộc sống này, nhưng để nhận ra việc chúng ta có thể thực hiện sứ mạng này như thế nào cho tốt hơn, tức sứ mạng đã được ủy thác cho chúng ta trong Bí Tích Thanh Tẩy. Điều đó có nghĩa là sẵn sàng từ bỏ, và thậm chí còn sẵn sàng hy sinh tất cả. Vì niềm hạnh phúc thì nghịch lý, và nó trao tặng cho chúng ta những kinh nghiệm sâu sắc nhất, nếu chúng ta chấp nhận luận lý đầy huyền nhiệm ấy, tức luận lý không thuộc về thế gian này. Vì thế, trong mối liên hệ đến Thập Giá, Thánh Bô-na-ven-tu-ra đã nói rằng: “Đó là luận lý của chúng ta![125]. Nếu một ai đó tiếp nhận tính năng động đó, thì người ấy sẽ không để cho lương tâm mình bị gây tê liệt, nhưng quảng đại mở ra cho sự biện phân.

 

175.Nếu chúng ta thẩm tra những cách sống trước mặt Thiên Chúa, thì sẽ không còn có bất cứ không gian nào bị đóng kín nữa. Chúng ta vẫn có thể tiếp tục phát triển trong tất cả mọi lãnh vực của kiếp nhân sinh này, và ủy thác chúng cho Thiên Chúa như một cái gì đó lớn hơn, ngay cả ở những nơi và những lúc mà chúng ta đang phải trải qua những khó khăn nhất! Nhưng chúng ta phải cầu xin Chúa Thánh Thần, xin Ngài giải thoát chúng ta và xua đuổi bất cứ nỗi sợ hãi nào mà chúng đưa chúng ta tới chỗ ngăn cản không để cho Chúa Thánh Thần được bước vào trong một số lãnh vực nào đó của đời sống chúng ta. Ai cầu xin tất cả từ Ngài, thì Ngài cũng sẽ ban cho người ấy tất cả. Ngài không muốn bước vào trong chúng ta để gây thương tật cho chúng ta hay để làm cho chúng ta trở nên yếu nhược, nhưng để ban tặng sự viên mãn. Điều đó cho phép chúng ta thấy rằng, sự biện phân không phải là một việc tự phân tích đầy tự hào về bản thân, hay một cái nhìn đầy ích kỷ vào cái rốn, nhưng là một điểm xuất phát khởi đi từ chúng ta để đi tới mầu nhiệm của Thiên Chúa, Đấng giúp chúng ta sống sứ mạng, mà với sứ mạng ấy, chúng ta được kêu gọi để đem niềm hạnh phúc đến cho tha nhân.

 

*  *   *

 

176.Cha ước mong rằng, Đức Maria sẽ là đỉnh điểm của những suy tư này, vì Mẹ đã sống các Mối Phúc của Chúa Giê-su không như những người khác. Mẹ đã phấn chấn trước niềm vui trong sự hiện diện của Chúa, Mẹ đã bảo tồn tất cả trong cõi lòng Mẹ và đã để cho lòng mình bị xuyên thấu bởi một thanh gươm. Mẹ là Thánh giữa các Thánh, là Đấng Đầy Ân Sủng, Đấng dậy cho chúng ta con đường nên thánh và đồng hành với chúng ta trên con đường đó. Mẹ không cam chịu trước việc chúng ta bị té ngã và nằm lỳ ra đó, đôi khi Mẹ còn nắm lấy chúng ta trong tay Mẹ mà không hề kết án chúng ta. Việc nói chuyện với Mẹ sẽ làm cho chúng ta được an ủi cũng như sẽ làm cho chúng ta được tự do, và hơn nữa, còn thánh hóa chúng ta. Mẹ không cần người ta nói nhiều lời, Mẹ cũng chẳng cần chúng ta gắng sức để giải thích cho Mẹ biết về điều gì đang xảy ra với chúng ta. Chỉ cần chúng ta thầm thĩ lặp đi lặp lại lời kinh này: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc…!

 

177. Cha hy vọng rằng, những trang sách này sẽ giúp ích cho toàn thể Giáo hội trong việc cố gắng thúc đẩy niềm mong muốn nên thánh. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần, xin Ngài khơi lên trong chúng ta một niềm đại khát khao nên thánh để tôn vinh Thiên Chúa hơn. Chúng ta hãy khuyến khích nhau trong ý nguyện đó. Và như thế, chúng ta sẽ chia sẻ một niềm hạnh phúc mà thế gian không thể cướp mất được của chúng ta.

 

Ban hành tại Rô-ma, cạnh Đền Thờ Thánh Phê-rô

Nhân dịp Đại Lễ Kính Thánh Giu-se

Ngày 19 tháng 03 năm 2018

Năm thứ sáu Triều Đại Giáo Hoàng của Cha

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Chú thích:

 

[1] ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVI, Bài giảng trong Lễ Đăng Quang Giáo Hoàng (24.04.2005): AAS 97 (2005), 708.

 

[2] Trong bất cứ trường hợp nào đi nữa, điều kiện tiên quyết vẫn là, người liên hệ phải được tiếng là thánh thiện, cũng như đã sống các đức hạnh Ki-tô giáo, ít nhất là trong mức độ bình thường – xc. Tông Sắc dưới hình thức một Motu proprio - Maiorem hac dilectionem (11.07.2017), Art. 2c: L’Osservatore Romano (dt.), Jg. 47 (2017), Nr. 34 (25.08.2017), S. 7.

 

[3] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh, Lumen gentium, 9.

 

[4] Xc. Joseph Malègue, Pierres noires. Les classes moyennes du Salut (Tầng lớp trung lưu của ơn cứu độ) , Paris 1958.

 

[5] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh, Lumen gentium, 12.

 

[6] Đời sống ẩn dật và công khai (1940), trong: Ấn bản đầy đủ, tập 20, Freiburg i. Br. 2015, S. 124-125.

 

[7] ĐTC Gio-an Phao-lô II, Tông Huấn Novo millennio ineunte (Tân Thiên Niên Kỷ) (6.01.2001), 56: AAS 93 (2001), 307.

 

[8] Tông Huấn Tertio millennio adveniente (Thiên Niên Kỷ Thứ Ba đang đến) (10.11.1994), 37: AAS 87 (1995), 29.

 

[9] Bài giảng trong buổi tưởng niệm các chứng nhân Đức Tin của thế kỷ XX (7.05.2000), 5: AAS 92 (2000), 680-681.

 

[10] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh, Lumen gentium, 11.

 

[11] Hans Urs von Balthasar, Theologie und Heiligkeit (Thần Học và sự Thánh Thiện), trong: Communio 6 (1987), 486.

 

[12] Khúc Tình Ca, Vorrede, 2, Einsiedeln 41992, S. 10.

 

[13] Nt., XIV-XV, 2, Einsiedeln 41992, S. 90.

 

[14] xc. Bài Giáo Lý trong cuộc tiếp kiến chung ngày 19.11.2014: L’Osservatore Romano (dt.), Jg. 44 (2014), Nr. 48 (28.11.2014), S. 2.

 

[15] Thánh Phan-xi-cô Sa-lê-si-ô, Thiên Khảo Luận về Tình Yêu Thiên Chúa. Theotimus, VIII, 11, Eichstätt-Wien 1960, S. 106.

 

[16] Những Nẻo Đường Hy Vọng. Sứ Điệp Niềm Vui từ trong tù, Vallendar 2008, S. 23 u. 285.

 

[17] Hội Đồng Giám Mục New Zeeland, Healing love (1.01.1988).

 

[18] Xc. Bộ Linh Thao, 101-312, Würzburg 32015, S. 63-126.

 

[19] SGLHTCG số, 515.

 

[20] Nt., 516.

 

[21] Nt., 517.

 

[22] Nt., 518.

 

[23] Nt., 521.

 

[24] ĐTC Bê-nê-đíc-tô XVI, Bài Giáo Lý trong cuộc tiếp kiến chung ngày 13.04.2011: L’Osservatore Romano (dt.), Jg. 41 (2011), Nr.16/17 (22.04.2011), S. 2.

 

[25] Xc. Nt.

 

[26] Xc. Hans Urs von Balthasar, Theologie und Heiligkeit (Thần Học và sự Thánh Thiện), trong: Communio 6 (1987), 483-490.

 

[27] Xavier Zubiri, Naturaleza, historia, Dios, Madrid 31999, S. 427.

 

[28] Carlo M. Martini, Không Sụp Đổ Trong Nghi Nan, Freiburg i. Br. 1994, S. 66.

 

[29] Sự tiêu khiển hời hợt này phải được phân biệt với một nền văn hóa giải trí lành mạnh mà trong tinh thần sẵn sàng và chiêm niệm, nó làm cho chúng ta mở ra cho người khác và cho thực tại.

 

[30] ĐTC Gio-an Phao-lô II, Bài giảng trong Thánh Lễ Phong Thánh (1.10.2000), 5: AAS 92 (2000), 852.

 

[31] Các Hội Đồng Giám Mục vùng Tây Phi, Sứ Điệp Mục Vụ bế mạc phiên họp thứ 2 (29.02.2016), 2.

 

[32] La femme pauvre (Người phụ nữ nghèo hèn), II, 27, Paris, 1897.

 

[33] Xc. Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Sắc Lệnh Placuit Deo về một số khía cạnh của sự thánh thiện Ki-tô giáo (22.02.2018), số. 4 (L’Osservatore Romano [dt.], Jg. 48 [2018], Nr. 10 [9.03.2018], S. 7): “Chủ nghĩa cá nhân của thuyết tân Pelagius, cũng như việc coi thường thân xác của tân Ngộ Đạo Thuyết đang làm biến dạng sự tuyên xưng Đức Tin vào Chúa Ki-tô, Đấng Cứu Độ duy nhất và phổ quát.” Những nền tảng căn bản của Huấn Quyền cho sự hiểu biết về ơn cứu độ Ki-tô giáo lại tái xuất hiện trong văn kiện này khi đối diện với sự trôi nổi của tân Ngộ Đạo Thuyết và tân Pelagius.

 

[34] Tông Huấn Evangelii gaudium (24.11.2013), 94: AAS 105 (2013), 1060.

 

[35] Nt.: AAS 105 (2013), 1059.

 

[36] Bài giảng trong Thánh Lễ vào sáng sớm ngày 11 tháng 11 năm 2016 tại nguyện đường Santa Marta: L’Osservatore Romano (dt.), Jg. 46 (2016), Nr. 48 (2.12.2016), S. 12.

 

[37] Thánh Bô-ra-ven-tu-ra: „Phải dừng tất cả mọi hoạt động tinh thần, để đỉnh điểm của Tình Yêu được dìm vào trong Thiên Chúa và được biến đổi trong Ngài […] Vì ở đây, bản tính tự nhiên hoàn toàn không thể làm được bất cứ điều gì, và những nỗ lực riêng chỉ có thể thực hiện được một chút, do đó, người ta nên ít chú ý tới việc nghiên cứu nhưng chú ý nhiều hơn tới cảm xúc; ít lưu ý tới những lời nói, nhưng lưu tâm nhiều hơn tới niềm vui nội tâm; ít lưu ý tới từ ngữ, nhưng lưu tâm nhiều hơn tới ân sủng của Thiên Chúa, tức Chúa Thánh Thần; người ta nên ít quan tâm, thậm chí đừng quan tâm gì tới thụ tạo, nhưng quan tâm đặc biệt tới Đấng Sáng Tạo, tức Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần“ (Itinerarium mentis in Deum, VII, 4-5).

 

[38] Thư gửi hiệu trưởng Đại Học Công giáo Giáo Hoàng Argentina nhân dịp mừng kỷ niệm 100 năm ngày thành lập phân khoa Thần Học (3.03.2015): L’Osservatore Romano (it.), 9./10.03.2015, S. 6.

 

[39] Thông Điệp Evangelii gaudium (24.11.2013), 40: AAS 105 (2013), 1037.

 

[40] Sứ Điệp Video nhân dịp Hội Nghị Thần Học Quốc Tế tại Đại Học Giáo Hoàng Argentina (1.-3.09.2015): AAS 107 (2015), 980.

 

[41] Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới Vita consecrata (25.03.1996), 38: AAS 88 (1996), 412.

 

[42] Thư gửi hiệu trưởng Đại Học Công giáo Giáo Hoàng Argentina nhân dịp mừng kỷ niệm 100 năm ngày thành lập phân khoa Thần Học (3.03.2015): L’Osservatore Romano (it.), 9./10.03.2015, S. 6.

 

[43] Thư gửi Sư Huynh Antonius, 2, in: Franziskus-Quellen, Kevelaer 2009, S. 108.

 

[44] De septem donis, 9, 15.

 

[45] Ders., Comm. in IV Sent. 37, 1, 3, ad 6.

 

[46] Thông Điệp Evangelii gaudium (24.11.2013), 94: AAS 105 (2013), 1059.

 

[47] Xc. Thánh Bô-na-ven-tu-ra, De sex alis Seraphim 3, 8: »Non omnes omnia possunt.« Điều này phải được hiểu trong ý nghĩa của sách GLHTCG, số 1735.

 

[48] Xc. Thánh Thomas Aquinô, Summa Theologiae I-II, q. 109, a. 9, ad 1: »Nhưng giờ đây, theo một ý nghĩa nào đó, Ân Sủng vẫn còn bất toàn cho tới bao lâu nó chưa hoàn toàn thánh hóa con người”. 

 

[49] Xc. De natura et gratia, XLIII, 50: PL 44,2 71.

 

[50] Ders., Confessiones, X, 29, 40: PL 32, 769.

 

[51] Xc. Thông Điệp Evangelii gaudium (24.11.2013), 44: AAS 105 (2013), 1038.

 

[52] Trong sự hiểu biết về Đức Tin Ki-tô giáo, Ân Sủng vượt lên trên tất cả mọi công việc của chúng ta, đồng hành với những công việc đó và đi sau chúng (Xc. Công Đồng Tren-tô, Sess. VI., Decr. de iustificatione, cap. 5: DH 1525).

 

[53] In Romanos IX, 11: PG 60, 470.

 

[54] Hom. de humil.: PG 31, 530.

 

[55] Canon 4, DH 374.

 

[56] Sess. VI., Decr. de iustificatione, cap. 8: DH 1532.

 

[57] Số. 1998.

 

[58] Nt., 2007.

 

[59] Thánh Thomas Aquinô, Summa Theologiae I-II, q. 114, a. 5.

 

[60] Thánh Tê-rê-xa Lisieux, Hành động thánh hiến cho Tình Yêu nhân hậu, trong tác phẩm tự thuật, Einsiedeln 131996, S. 281.

 

[61] Lucio Gera, Sobre el misterio del pobre, in: P. Grelot - L. Gera - A. Dumas, El Pobre, Buenos Aires 1962, S. 103.

 

[62] Đó chính là Giáo lý của Hội Thánh Công giáo về „những công trạng“ theo sau sự công chính hóa. Vấn đề ở đây là sự cộng tác của người được công chính hóa vào với sự triển nở trong đời sống ân sủng (xc. Sách GLHTCG số 2010). Nhưng sự cộng tác này tuyệt nhiên không biến sự công chính hòa và tình bằng hữu với Thiên Chúa thành một đối tượng của công trạng con người.

 

[63] Xc. Thông Điệp Evangelii gaudium (24.11.2013), 95: AAS 105 (2013), 1060.

 

[64] Summa Theologiae I-II, q. 107, a. 4.

 

[65] Bài giảng trong Thánh Lễ dành cho những người vô gia cư nhân dịp Năm Thánh 2016 (13.11.2016): L’Osservatore Romano (dt.), Jg. 46 (2016), Nr. 46 (18.11.2016), S. 12.

 

[66] Xc. Bài giảng trong Thánh Lễ buổi sáng tại nguyện đường Santa Marta (9.06.2014): L’Osservatore Romano (dt.), Jg. 44 (2014), Nr. 25 (20. Juni 2014), S. 11.

 

[67] Thứ tự của các Mối Phúc thứ hai và thứ ba thay đổi theo truyền thống từng văn bản.

 

[68] Thánh I-nha-xi-ô Loyola, Sách Linh Thao, 23, 5-6, Würzburg 32015, S. 39.

 

[69] Tác phẩm tự thuật, C, 12r, Einsiedeln 131996, S. 232.

 

[70] Ngay từ thời các Giáo Phụ, Giáo hội đã rất quý trọng ơn biết khóc, như được thấy trong lời nguyện Ad petendam compunctionem cordis: »Lạy Thiên Chúa Toàn Năng và Nhân Hậu, Chúa đã cho một nguồn nước hằng sống trào ra từ tảng đá để dân tộc đang khát được uống; xin Chúa cũng làm cho tâm hồn chai đá của chúng con được biết tuôn ra những giọt lệ thống hối, để chúng con có thể than khóc về những tội lỗi của mình, và nhờ vào Lòng Nhân Hậu của Chúa, chúng con sẽ đạt tới được ơn tha thứ các tội khiên” (Missale Romanum, Editio typica 1962, S. [110]; Sách Lễ 1962, S. [167]).

 

[71] Sách GLHTCG số 1789; xc. 1970.

 

[72] Nt., 1787.

 

[73] Những lời nói xấu và sự vu khống giống hệt như một hành vi khủng bố: Một trái bom được ném xuống, sẽ có sự hủy hoại, và kẻ mưu sát sẽ thản nhiên bỏ đi và hạnh phúc về chuyện đó. Điều này rất khác biệt với sự thẳng thắn và trung thực của người đến gần với sự chân thành đầy thanh thản để thực hiện một cuộc đối thoại mặt giáp mặt, và ở đây nghĩ tới niềm hạnh phúc của người khác.

 

[74] Đôi khi, việc nói về những khó khăn của một người anh em hay của một người chị em, sẽ có thể trở nên cần thiết. Nhưng trong trường hợp này, vấn đề có thể xảy ra chuyện người ta tiếp tục chuyển giao một câu chuyện thay vì một sự kiện khách quan. Những cảm giác sẽ bóp méo thực tế cụ thể của sự kiện, chúng sẽ chỉnh sửa sự kiện ấy thành một câu chuyện, và cuối cùng chuyển thành một câu chuyện chủ quan được tô màu. Và như thế, thực tế sẽ bị hủy hoại và sự thật về người khác sẽ không còn được tôn trọng nữa.

 

[75] Thông Điệp Evangelii gaudium (24.11.2013), 218: AAS 105 (2013), 1110.

 

[76] Nt., 239: AAS 105 (2013), 1116.

 

[77] Nt., 227: AAS 105 (2013), 1112.

 

[78] Đức Gio-an Phao-lô II, Thông Điệp Centesimus annus (1.05.1991), 41c: AAS 83 (1991), 844-845.

 

[79] Đức Gio-an Phao-lô II, Tông Huấn Novo millennio ineunte (6.01.2001), 49: AAS 93 (2001), 302.

 

[80] Nt.

 

[81] Tông Sắc công bố Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót Misericordiae vultus (11.04.2015), 12: AAS 107 (2015), 407.

 

[82] Chúng ta hãy nghĩ tới phản ứng của người Samaritanô nhân hậu khi chứng kiến cảnh một người bị bọn cướp để nằm nửa sống nửa chết bên vệ đường (xc. Lc 10,30-37).

 

[83] Ủy Ban phụ trách những vấn đề xã hội của Hội Đồng Giám Mục Canađa,  Open Letter to the Members of Parliament, The Common Good or Exclusion: A Choice for Canadians (1.02.2001), 9.

 

[84] Chiếu theo Huấn Quyền bền vững của Giáo hội, phiên họp thứ năm của liên Hội Đồng Giám Mục Mỹ Châu La-tinh và vùng Caribê dậy rằng, con người luôn luôn được thánh hóa „ngay từ giây phút thụ thai xuyên qua các giai đoạn cuộc đời cho tới cái chết tự nhiên, và cả sau khi chết”, và sự sống cần phải được bảo vệ “kể từ lúc thụ thai, trong từng cấp độ phát triển của nó, cho tới cái chết tự nhiên” (Văn kiện Aparecida [29.06.2007], 388; 464).

 

[85] Tu Luật, 53,1: PL 66,749.

 

[86] Xc. Nt., 53,7: PL 66,750.

 

[87] Nt., 53,15: PL 66,751.

 

[88] Tông Sắc Misericordiae vultus (11.04.2015), 9: AAS 107 (2015), 405.

 

[89] Nt., 10: AAS 107 (2015), 406.

 

[90] Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Amoris laetitia (19.03.2016), 311: AAS 108 (2016), 439.

 

[91] Thông Điệp Evangelii gaudium (24.11.2013), 197: AAS 105 (2013), 1103.

 

[92] Xc.. Summa Theologiae, II-II, q. 30, a. 4.

 

[93] Nt., ad 1.

 

[94] Cristo en los Pobres, Madrid 1981, S. 37-38.

 

[95] Có nhiều hình thức bạo lực, mặc dù chúng có vẻ như khéo léo, đầy cung kính, và thậm chí còn rất linh thiêng nữa, nhưng chúng gây ra rất nhiều nỗi khổ đau nơi lòng tự trọng của người khác.

 

[96] Những quy luật khôn ngoan, 13, trong: Những Lời của Ánh Sáng và Đức Ái. Các lá thư và các tác phẩm nhỏ, Freiburg 32003, S. 161.

 

[97] Nt.

 

[98] Nhật Ký của Chị Maria Faustyna Kowalska, Nr. 300 (Heft I), Hauteville 1990, S. 119.

 

[99] Thánh Thomas Aquinô, Summa Theologiae, I-II, q. 70, a. 3.

 

[100] Thông Điệp Evangelii gaudium (24. November 2013), 6: AAS 105 (2013), 1021.

 

[101] Cha khuyên hãy cầu nguyện bằng lời kinh do Thánh Thomas Mor soạn thảo: „Lạy Chúa, xin ban cho con một hệ tiêu hóa tốt, và cũng xin ban cho con một món gì đó để tiêu hóa. Xin ban cho con sức khỏe thể lý, với những giác quan cần thiết để lãnh nhận chúng một cách tốt nhất trong mức độ bao nhiêu có thể. Lạy Chúa, xin ban cho con một tấm lòng thánh thiện biết luôn lưu tâm đến những gì tốt lành và tinh tuyền, để nó không cảm thấy hoảng hốt khi phát hiện ra những tội lỗi, nhưng tìm ra phương cách để tái đưa tất cả vào trong trật tự. Xin ban cho con một tâm hồn luôn xa lạ với sự nhàm chán, không biết gì tới sự càu nhàu, cũng không biết tới sự thở vắn than dài, và đừng để con phải bận tâm quá nhiều đến việc mở rộng điều được gọi là „Cái Tôi“. Lạy Chúa, xin ban cho con một cách nghĩ hài hước, xin ban ơn cho con hiểu được một lời nói đùa, để con biết được một chút hạnh phúc trong cuộc sống và chia sẻ nó với người khác.“

 

[102] Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Amoris Laetitia (19.03.2016), 110: AAS 108 (2016), 354.

 

[103] Thông Điệp Evangelii nuntiandi (8.12.1975), 80: AAS 68 (1976), 73. Thật thú vị khi thấy rằng, trong bản văn này, Chân Phúc Phao-lô VI Giáo Hoàng đã liên kết niềm vui với parrhesía ở mức độ khắng khít nhất. Nếu như Ngài than phiền về việc „Thiếu niềm vui và niềm hy vọng“ như thế nào, thì Ngài cũng ca ngợi „niềm vui nội tại và đầy an ủi của việc loan báo Tin Mừng“ như thế ấy, và niềm vui đó được liên kết với một „động lực bên trong, mà không ai cũng như không có bất cứ điều gì có thể bóp chết được“, để thế giới đón nhận Tin Mừng „không phải từ môi miệng của những người loan báo đã bị gây buồn rầu và thất vọng“. Trong Năm Thánh 1975, Chân Phúc Phao-lô VI đã dành Thông Điệp Gaudete in Domino để nói về niềm vui (9.05.1975): AAS 67 (1975), 289-322.

 

[104] Những quy luật khôn ngoan, 15, trong: Những Lời Ánh Sáng và Đức Ái. Các lá thư và các tác phẩm nhỏ, Freiburg 32003, S. 161.

 

[105] Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Vita consecrata (25.03.1996), 42: AAS 88 (1996), 416.

 

[106] Confessiones, IX, 10, 23-25: PL 32, 773-775.

 

[107] Cha nhớ một cách đặc biệt tới ba cụm từ có tính chìa khóa: „Anh/em được phép chứ?“, „Cám ơn!“ và „Xin lỗi!“, vì „những từ ngữ thích hợp được sử dụng trong những khoảnh khắc thích hợp, sẽ bảo vệ và nuôi dưỡng Tình Yêu từ ngày này qua ngày khác“: Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Amoris laetitia (19.03.2016),133: AAS 108 (2016), 363.

 

[108] Thánh Tê-rê-sa, Tác phẩm tự thuật, bản thảo C, 29v - 30r, Einsiedeln 131996, S. 262.

 

[109] Bốn chỉ dẫn dành cho một Tu Sĩ. Những cấp độ hoàn thiện, 2, trong: Những Lời của Ánh Sáng và Đức Ái. Các lá thư và các tác phẩm nhỏ, Freiburg 32003, S. 170.

 

[110] Bốn chỉ dẫn dành cho một Tu Sĩ. Những cấp độ hoàn thiện, 2, trong: Những Lời của Ánh Sáng và Đức Ái. Các lá thư và các tác phẩm nhỏ, Freiburg 32003, S. 171.

 

[111] Sách về cuộc đời tôi, 8, 5, Freiburg 32001, S. 156f.

 

[112] ĐTC Gio-an Phao-lô II, Tông Huấn Orientale lumen (2.05.1995), 16: AAS 87 (1995), 762.

 

[113] Diễn văn trong cuộc gặp gỡ với các vị đại diện của hội nghị quốc tế các Giáo hội, Italia, Florenz (10.11.2015): AAS 107 (2015), 1284.

 

[114] Xc. Thánh Bê-na-đô Clairvaux, Sermones in Canticum Canticorum 61, 3-5: PL 183, 1071-1073.

 

[115] Những trình thuật chân thành của một khách hành hương người Nga, Freiburg 112004, S. 36f u. 115.

 

[116] Xc. Sách Linh Thao, 230-237, Würzburg 32015, S. 100-103.

 

[117] Thư gửi Henry de Castries, 14.08.1901.

 

[118] Khóa họp thứ 5 của Liên Hội Đồng Giám Mục Mỹ Châu La-tinh và vùng Caribê,  Văn Kiện Aparecida (29.06.2007), 259.

 

[119] Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ, tuyên ngôn kết thúc phiên họp lần thứ 21 (18.02.2009), 3.2.

 

[120] Xc. Bài giảng Thánh Lễ ban sáng tại nguyện đường Santa Marta (11.10.2013): L’Osservatore Romano (dt.), Jg. 43 (2013), Nr. 43 (25.10.2013), S. 10.

 

[121] Xc. ĐTC Phao-lô VI, bài Giáo Lý trong cuộc hội kiến chung ngày 15 tháng 11 năm 1972 (L’Osservatore Romano [dt.], Jg. 2 [1972], Nr. 47 [24.11.1972], S. 1): „Một trong những nhu cầu lớn nhất của Giáo hội chính là sự kháng cự lại một sự ác mà chúng ta gọi là ma quỷ. […]. Sự ác không chỉ là một sự khuyết phạm, nhưng còn là một sức mạnh gây ảnh hưởng, một hữu thể sống động và tinh quái, hư hỏng và hủy hoại, một thực tế kinh khủng, đầy bí hiểm và gây sợ hãi, tự đặt mình ra ngoài giáo lý của Kinh Thánh và của Giáo hội; những ai tạo ra từ đó một nguyên tắc độc lập, mà nguyên tắc ấy không tiếp nhận nguồn cội của mình từ Thiên Chúa, giống như mọi thụ tạo, thì cũng tự đặt mình ra ngoài giáo lý của Kinh Thánh và của Giáo hội như thế; hay những ai cho rằng sự ác chỉ là một ngụy thực tế, và coi nó là một sự nhân cách hóa của những nguyên nhân gây tai họa cho chúng ta, và sự nhân cách hóa đó hoàn toàn được sáng chế và tưởng tượng ra, thì cũng tự đặt mình ra ngoài giáo lý của Kinh Thánh và của Giáo hội y như vậy.“

 

[122] José Gabriel del Rosario Brochero, Plática de las banderas, Trong: Hội Đồng Giám Mục Argentina, El Cura Brochero. Cartas y sermones, Buenos Aires 1999, S. 71.

 

[123] Thông Điệp Evangelii gaudium (24.11.2013), 85: AAS 105 (2013), 1056.

 

[124] Trên bia mộ của Thánh I-nha-xi-ô, người ta thấy khắc một hàng chữ: »Non coerceri a maximo, contineri tamen a minimo divinum est.« (Không bị thôi thúc bởi điều lớn nhất, nhưng được xâm chiếm bởi điều nhỏ nhất, đó là điều thuộc về Thiên Chúa.)

 

[125] Collationes in Hexameron, 1, 30.

(09.04.2018, 12:00)

 

Lm. Đa-minh Thiệu O.Cist – Chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội