Tông Huấn „Gaudete et exsultate - Hãy vui mừng hoan hỷ“

của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô về ơn gọi nên thánh trong thế giới ngày nay

 

CHƯƠNG II

 

HAI KẺ THÙ TINH XẢO CỦA SỰ THÁNH THIỆN

 

35.Trong chương này, Cha muốn hướng mối quan tâm tới hai cách trình bày sai lạc về sự thánh thiện mà chúng có thể đẩy chúng ta ra xa con đường nên thánh, đó Ngộ Đạo Thuyết (Gnostizismus) và thuyết Pelagius. Đây là hai lạc giáo, và hai lạc giáo này xuất hiện trong những thế kỷ đầu của Ki-tô giáo, nhưng chúng vẫn còn mang tính thời sự và rất đáng lo ngại. Ngay trong thời đại hôm nay cũng đang có rất nhiều Ki-tô hữu để cho mình bị lôi cuốn bởi những mời chào đầy gian dối ấy mà không hề nhận ra. Chúng trình bày một chủ nghĩa an nhiên tự tại lấy con người làm trung tâm nhưng lại được ngụy trang như thể đó là một chân lý Công giáo [33]. Chúng ta hãy quan sát hai hình thức của sự an nhiên tự tại được cho là có tính học thuyết hay có tính quy điển này, “sự an nhiên tự tại sẽ dẫn tới việc tự coi mình là thành phần tinh hoa đến độ tự say mê chính mình và cho mình là đáng tin cậy; thay vì loan báo Tin Mừng cho người khác, thì nó lại ngồi phân tích tỉ mỉ và đưa ra những định giá; thay vì giản lược hóa con đường dẫn tới ân sủng, thì nó lại tiêu hao năng lực vào chuyện kiểm soát. Trong cả hai trường hợp đó, không hề có một mối quan tâm thực sự nào đối với Chúa Giê-su, và cũng chẳng hề có một mối quan tâm thực sự nào đối với con người[34].

 

Ngộ Đạo Thuyết hiện tại

 

36.Ngộ Đạo Thuyết giả định một Đức Tin được bao hàm trong quan niệm duy chủ quan, “mà nơi chủ thuyết này chỉ có một người duy nhất quan tâm tới một kinh nghiệm nào đó hay quan tâm tới một loạt những lý chứng và những kiến thức, mà người ta nghĩ rằng, chúng có thể mang tới niềm an ủi và ánh sáng, nhưng rốt cục thì chủ thể vẫn bị nhốt lại trong sự nội tại của lý trí hoặc của những cảm xúc riêng[35].

 

Một tinh thần không Thiên Chúa và không thể xác

 

37.Tạ ơn Chúa, vì trong suốt lịch sử Giáo hội, vấn đề đã luôn rõ ràng rằng, sự trọn lành của con người được sánh với Đức Ái của họ, chứ không phải sánh với việc thu thập được đầy những dữ liệu và kiến thức. Ở điểm này, những người theo Ngộ Đạo Thuyết đặt mình dưới một sự hiểu lầm và kết án những người khác, khởi đi từ sự kiểm định để biết xem, liệu họ có ở trong tình trạng để hiểu về một học thuyết nào đó cách sâu xa hay không. Họ giới thiệu một tinh thần mà không có chuyện trở thành người, tức tinh thần không ở trong tình trạng đụng chạm tới thân thể đau khổ của Chúa Giê-su nơi những người khác, đó là một tinh thần bị cột chặt vào chiếc đai nịt của một bộ bách khoa toàn thư đầy những điều trừu tượng. Trong khi họ làm cho mầu nhiệm bị biến dạng, rốt cục họ lại ưa thích “một Thiên Chúa […] nhưng không có Chúa Ki-tô, một Chúa Ki-tô nhưng không có Giáo hội, và một Giáo hội nhưng không có Dân Chúa[36].

 

38.Cuối cùng thì đó là một sự nông cạn đầy hợm hĩnh: nhiều chuyển động trên bề mặt tinh thần, nhưng chiều sâu tư tưởng lại không nhúc nhích và cũng chẳng hề đụng chạm gì tới mình. Tuy nhiên, chủ thuyết này lại thành công trong việc khống chế một số người với sự mê hoặc đầy gian dối, vị sự an nhiên tự tại của Ngộ Đạo Thuyết luôn mang tính hình thức và được cho là phi cá nhân, và có thể mang dáng vẻ của một sự hòa điệu nào đó hay một sự trật tự có tính bao hàm rộng rãi.

 

39.Nhưng chúng ta hãy coi chừng. Cha không đề cập tới những người theo chủ nghĩa duy lý mà họ chính là những kẻ thù của Đức Tin Ki-tô giáo. Điều đó có thể đang diễn ra ngay bên trong Giáo hội, cũng như trong số các tín hữu tại các xứ đạo, kể cả trong số những người đang dạy triết và Thần học tại các trung tâm giáo dục. Vì ngay cả những người theo Ngộ Đạo Thuyết cũng tin rằng, với những giải thích của mình, họ có thể làm cho toàn bộ Đức Tin và Tin Mừng trở nên hoàn toàn dễ hiểu. Họ tuyệt đối hóa các giáo thuyết riêng của mình, và bắt buộc những người khác phải khuất phục những lý chứng mà họ sử dụng. Vấn đề nằm ở chỗ là sử dụng lý trí một cách lành mạnh và khiêm tốn để suy tư về các Giáo huấn Thần học và luân lý của Tin Mừng; và ngược với điều này chính là việc cố gắng giản lược giáo lý của Chúa Giê-su vào một thứ lô-gích lạnh lùng cứng cỏi, tức thứ lô-gích cố gắng thống trị tất cả[37].

 

Một giáo thuyết không mầu nhiệm

 

40.Ngộ Đạo Thuyết là một trong những ý thức hệ tồi tệ nhất. Thực ra, lạc thuyết này quá nhấn mạnh tới sự hiểu biết hay tới một kinh nghiệm nào đó, và đồng thời cho rằng, quan điểm của mình về thực tại là hoàn hảo. Với cách thức như thế, ý thức hệ này tự nuôi sống mình bằng chính mình, nhưng có lẽ không nhận ra chuyện đó, và do vậy, càng ngày càng trở nên mù quáng. Đôi khi hệ tư tưởng đó còn trở nên mù quáng một cách đặc biệt khi nó ngụy trang thành một linh đạo tách rời thân xác. Vì tự bản chất, Ngộ Đạo Thuyết muốn “chặt đứt đôi cánh khỏi mầu nhiệm[38], khỏi mầu nhiệm Thiên Chúa và ân sủng của Ngài, cũng như khỏi mầu nhiệm sự sống của người khác.

 

41.Nếu một người nào đó có được những câu trả lời cho tất cả những vấn nạn ấy, thì người đó sẽ chứng tỏ rằng, mình không còn hiện hữu trên một con đường lành mạnh nữa; có lẽ đó là một Ngôn Sứ giả, tức kẻ biến tôn giáo thành công cụ mang lại lợi thế cho mình, cũng như biết tôn giáo thành công cụ phục vụ cho những suy diễn về tâm lý nhưng vô nghĩa của họ. Thiên Chúa siêu việt trên chúng ta một cách vô bến bờ, Ngài luôn luôn là Đấng gây ngỡ ngàng, và không phải chúng ta là người xác định xem, dưới những hoàn cảnh lịch sử nào thì chúng ta sẽ gặp gỡ Ngài, vì thời gian, nơi chốn và cách thức của cuộc gặp gỡ không phụ thuộc vào chúng ta. Ai muốn có được điều đó một cách hoàn toàn rõ ràng, người ấy sẽ rắp tâm khắc chế sự siêu việt của Thiên Chúa.

 

42.Cũng không ai có quyền ấn định rằng, nơi này thì Thiên Chúa hiện diện và nơi kia thì không, vì Ngài hiện diện trong cuộc sống cá nhân mỗi người một cách đầy huyền nhiệm, trong cuộc sống mỗi người, như Ngài muốn; chúng ta không thể phủ nhận điều đó với những điều bị hiểu lầm là những xác tín của mình. Ngay cả khi sự tồn tại của một người nào đó là một thảm họa đi nữa, hay ngay cả khi chúng ta thấy người ấy bị hủy hoại bởi những tật xấu và những cơn nghiện ngập, thì Thiên Chúa cũng vẫn hiện diện trong cuộc sống người ấy. Nếu chúng ta để cho mình được dẫn dắt bởi Chúa Thánh Thần hơn là để cho mình bị dẫn dắt bởi những lý lẽ của mình, thì chúng ta sẽ có thể và phải tìm kiếm Thiên Chúa trong cuộc sống của mỗi người. Điều này chính là một phần của mầu nhiệm mà rốt cục, cách nghĩ của Ngộ Đạo Thuyết sẽ khước từ, vì cách nghĩ đó không thể kiểm soát được mầu nhiệm.

 

Những hạn chế của lý trí

 

43.Chúng ta hầu như không thành công trong việc hiểu thấu về chân lý mà chúng ta đã lãnh nhận từ Thiên Chúa. Phải với rất nhiều những khó khăn to lớn thì chúng ta mới có thể diễn tả được chân lý đó. Vì thế, chúng ta không thể đòi hỏi rằng, cách thức của chúng ta trong việc hiểu về chân lý sẽ trao cho chúng ta quyền canh chừng trên cuộc sống người khác. Cha muốn nhắc nhớ rằng, trong Giáo hội vẫn còn đang tồn tại nhiều những cách thức giải thích khác nhau nhưng có thẩm quyền, về nhiều khía cạnh của giáo lý và đời sống Ki-tô giáo, mà trong sự đa dạng của mình, chúng sẽ “giúp giải thích rõ hơn kho tàng vô cùng phong phú của Lời”. Chắc chắn “đối với những người mơ về một học thuyết toàn khối, được ủng hộ bởi tất cả mà không hề có những cách diễn đạt khác đi, thì điều ấy có vẻ như rất bất toàn và manh mún[39]. Nói cho đúng ra thì một số trào lưu Ngộ Đạo Thuyết rất coi thường sự đơn giản và tính cụ thể của Tin Mừng, và đã cố gắng thay thế Thiên Chúa Ba Ngôi và mầu nhiệm Nhập Thể bằng một sự hiệp nhất cao hơn, mà trong sự hiệp nhất đó, sự đa dạng và phong phú của lịch sử chúng ta sẽ biến mất.

 

44.Trong thực tế, Giáo lý, hay đúng hơn là sự hiệu biết và cách diễn tả của chúng ta về Giáo lý, “không phải là một hệ thống khép kín và không có những động cơ thúc đẩy mà chúng có thể phát sinh ra những vấn đề, những câu hỏi và những mối nghi nan”. “Những câu hỏi của dân tộc chúng ta, những nỗi khổ đau, những mối tranh chấp, những ước mơ, những cuộc chiến đấu và những lo lắng của họ đang sở hữu một giá trị được giải thích mà chúng ta không được phép để cho nó bị bỏ qua, nếu chúng ta muốn tiếp nhận nguyên lý Nhập Thể một cách nghiêm túc. Những câu hỏi của họ sẽ tạo điều kiện để chúng ta tự đặt ra cho mình những câu hỏi, những vấn đề của họ sẽ đặt chúng ta trước những vấn đề[40].

 

45.Không những thế, việc tin rằng, chúng ta đã là thánh, đã hoàn hảo rồi, và đang tốt hơn rất nhiều so với “đám đông thiếu hiểu biết”, vì chúng ta đã biết được một điều gì đó, hay đã có thể giải thích về nó bằng một lô-gích nhất định, đang phát sinh ra rất nhiều những lầm lạc đầy nguy hiểm. Thánh Gio-an Phao-lô II đã cảnh báo tất cả những ai đang có khả năng học cao biết rộng trong Giáo hội, trước cơn cám dỗ muốn nâng niu “một cảm giác ưu việt nào đó trên các tín hữu khác[41]. Trong thực tế, điều mà chúng ta tin rằng mình đã biết, luôn luôn nên trở thành một xung lực thôi thúc chúng ta đáp lại Tình Yêu của Thiên Chúa cách tốt hơn, vì “người ta học để sống: Thần học và sự nên thánh cùng thuộc về nhau một cách không thể tách rời[42].

 

46.Khi Thánh Phan-xi-cô Assisi thấy rằng, một số môn sinh của Ngài đã giảng dạy đúng với Giáo lý, thì Ngài đã muốn ngăn chặn cơn cám dỗ của Ngộ Đạo Thuyết. Vì thế, Ngài đã viết cho Thánh An-tôn Padua như sau: “Cha rất thích con trình bày về Thần Học thiêng liêng cho các anh em, miễn sao, qua việc học tập và nghiên cứu này, con không dập tắt tinh thần cầu nguyện và hy sinh[43]. Ngài nhận ra cơn cám dỗ xúi người ta biến kinh nghiệm Ki-tô giáo thành một bộ sưu tập của những suy diễn thiêng liêng, mà rốt cục chúng sẽ làm cho chúng ta tránh xa sự tươi sáng của Tin Mừng. Còn về phía mình, Thánh Bô-na-ven-tu-ra đã lưu ý rằng, sự khôn ngoan đích thực của Ki-tô giáo không được phép tách rời Lòng Nhân Hậu đối với tha nhân: “Sự khôn ngoan lớn nhất có thể có, hệ tại ở chỗ chia sẻ một cách bổ ích những gì người ta đang có để cho đi; chia sẻ điều mà người ta đã lãnh nhận để phân phát nó […]. Vì thế, nếu như Lòng Nhân Hậu là bạn của sự khôn ngoan thế nào, thì sự keo kiệt cũng là kẻ thù của nó như vậy[44]. “Có những hoạt động mà khi chúng liên kết với sự chiêm niệm, chúng sẽ không ngăn cản sự chiêm niệm ấy, nhưng còn đơn giản hóa nó, chẳng hạn như những công việc của Lòng Thương Xót và sự đạo đức[45].

 

Chủ nghĩa Pelagius hiện tại

 

47.Ngộ Đạo Thuyết đã dẫn tới một lạc giáo khác mà nó cũng được bắt gặp trong thời đại hôm nay. Trong quá trình thời gian, nhiều người đã bắt đầu nhận ra rằng, không phải kiến thức là điều làm cho chúng ta trở nên tốt hơn, hay làm cho nên thánh thiện hơn, nhưng là cuộc sống mà chúng ta thực hiện. Vấn đề nằm ở chỗ, điều này sẽ dần dà trở nên khó hiểu và xa lạ theo một cách thức phức tạp, đến độ những khiếm khuyết như thế của Ngộ Đạo Thuyết sẽ thay đổi chứ không bị vượt qua.

 

48.Vì thế, một số người đã bắt đầu thừa nhận sức mạnh mà những người theo Ngộ Đạo Thuyết gán cho lý trí, cho ý chí cũng như cho những nỗ lực cá nhân. Và do đó xuất hiện những người theo giáo phái Pelagius và bán Pelagius. Ở đây lý trí không còn phải là điều chiếm mất chỗ đứng của mầu nhiệm và ân sủng nữa, nhưng là ý chí. Người ta đã quên rằng, “người ta được chọn không phải vì muốn hay vì chạy vạy, nhưng vì được Thiên Chúa thương xót” (Rm 9,16), và cũng quên mất rằng, “Ngài đã yêu thương chúng ta trước” (1Ga 4,19).

 

Một ý chí thiếu khiêm tốn

 

49.Những người thích ứng với tâm tính Pelagius hay bán Pelagius, ngay cả khi họ nói về ân sủng của Thiên Chúa với tất cả sự ngọt ngào trôi chảy, thì “rốt cục cũng vẫn chỉ cậy dựa vào sức riêng mình”, và cảm thấy mình “trổi vượt người khác […] vì họ tuân theo một số những quy định nào đó, hay vì họ trung thành một cách tuyệt đối với một lối sống Công giáo nào đó của quá khứ[46]. Khi một số người trong họ hướng về những người yếu kém và nói với họ rằng, người ta có thể làm tất cả với ân sủng của Thiên Chúa, thì căn bản mà nói, họ thường có thói quen đưa ra một ý tưởng, mà theo ý tưởng ấy, người ta có thể thực hiện tất cả với ý chí con người, làm như thể ý chí là một cái gì đó thuần khiết, hoàn hảo và đầy quyền năng, mà ân sủng chỉ là điều phụ được thêm vào. Người ta  giả vờ như thể không biết rằng, “không phải tất cả mọi người đều có thể làm được tất cả[47], và làm như thể không hề biết rằng, trong cuộc sống này, sự yếu đuối của con người không được chữa lành cách hoàn toàn, và một lần là xong, nhờ vào ân sủng[48]. Như Thánh Augustinô đã dạy, trong một số trường hợp, Thiên Chúa sẽ mời gọi người ta thực hiện điều mà người ta có thể, và “cầu xin điều mà người ta không thể[49], hay nói với Ngài một cách khiêm nhượng: “Xin hãy ban cho con điều mà Chúa đòi hỏi, sau đó hãy đòi hỏi từ con điều mà Chúa muốn[50].

 

50.Nếu không nhìn nhận những giới hạn của chúng ta cách chân thành, nhẫn nại và trong tinh thần cầu nguyện, thì căn bản mà nói, ân sủng sẽ bị ngăn cản, không thể hoạt động cách hữu hiệu trong chúng ta. Vì thế, ân sủng sẽ không có được một không gian nào để khi cần, phát triển một sự thiện hảo, mà sự thiện hảo ấy sẽ góp phần vào một quá trình phát triển đúng đắn và chân thực[51]. Chính vì ân sủng cần tới bản tính tự nhiên của chúng ta, nên nó không bất thình lình làm cho chúng ta trở thành siêu nhân. Đề cao yêu sách đó có nghĩa là tự trông cậy vào mình một cách quá đáng. Trong trường hợp này, được che giấu đàng sau tính chính thống, những thái độ và những hành vi của chúng ta có thể sẽ không tương ứng với điều mà chúng ta quả quyết về sự cần thiết của ân sủng; và rốt cuộc, trong thực tế, chúng ta sẽ bớt tin tưởng vào ân sủng. Vì nếu chúng ta không nhận ra thực tế cụ thể và giới hạn của mình, thì chúng ta sẽ không thấy được những bước đi thực tế và khả dĩ mà Thiên Chúa yêu cầu chúng ta thực hiện trong từng khoảnh khắc sau khi Ngài đã lôi kéo chúng ta đến với Ngài qua ân sủng của chính Ngài, cũng như đã ban cho chúng ta khả năng hiện thực hóa những bước đi đó. Thông thường thì ân sủng sẽ hoạt động trong lịch sử, và khích lệ cũng như biến đổi chúng ta cách từ từ[52]. Nếu chúng ta khước từ cách thức có tính lịch sử và tiệm tiến này, thì trong thực tế, chúng ta sẽ có thể đi tới chỗ phủ nhận và phong tỏa ân sủng, ngay cả khi chúng ta sử dụng những mỹ từ của mình để ca ngợi nó.

 

51.Khi Thiên Chúa hướng về Áp-ra-ham, Ngài đã nói: “Ta là Thiên Chúa toàn năng. Ngươi hãy đi trước nhan Ta và hãy trở nên công chính thánh thiện!” (St 17,1). Để có thể trở nên công chính thánh thiện như Thiên Chúa mong muốn, chúng ta phải sống khiêm nhượng trong sự hiện diện của Ngài; được bao bọc trong vinh quang của Ngài, chúng ta phải đi tới sự hiệp nhất với Ngài và nhận ra Tình Yêu bất biến của Ngài trong cuộc sống chúng ta. Chúng ta phải vứt bỏ sự sợ hãi trước sự hiện diện của Ngài, tức sự hiện diện chỉ có thể làm cho chúng ta nên tốt. Thiên Chúa Cha là Đấng đã ban sự sống cho chúng ta, và Ngài rất mực yêu thương chúng ta. Nếu chúng ta chấp nhận điều đó và ngừng nghĩ tới sự hiện hữu của chúng ta bên ngoài Ngài, thì nỗi bất hạnh của sự cô đơn sẽ biến mất (xc. Tv 138,7). Nếu chúng ta không giữ khoảng cách với Thiên Chúa nữa, nhưng trái lại, sống trong sự hiện diện của Ngài, thì chúng ta sẽ có thể để cho Ngài thẩm tra những con tim của chúng ta để biết xem, liệu những con tim ấy có đang đi trên đường ngay nẻo chính hay không (Tv 139,23-24). Và như thế chúng ta sẽ nhận ra Thánh Ý đầy yêu thương và trọn hảo của Thiên Chúa (xc. Rm 12,1-2). Chúng ta vẫn thường nói rằng, Thiên Chúa cư ngụ trong chúng ta, nhưng sẽ là điều tốt hơn nếu nói rằng, chúng ta cư ngụ trong Ngài, Ngài cho phép chúng ta sống trong ánh sáng và trong Tình Yêu của Ngài. Ngài chính là đền thờ của chúng ta: “Một điều tôi kiếm tôi xin là luôn được ở trong đền Chúa tôi, mọi ngày trong suốt cuộc đời” (Tv 27,4). “Một ngày tại khuôn viên thánh điện, quý hơn cả ngàn ngày” (Tv 84,11). Trong Ngài chúng ta được thánh hóa.

 

Một Giáo huấn thường xuyên bị lãng quên của Giáo hội

 

52.Giáo hội vẫn thường xuyên dạy rằng, chúng ta không được công chính hóa nhờ vào những công việc hay những nỗ lực của mình, nhưng nhờ vào ân sủng của Thiên Chúa, Đấng khơi lên những sáng kiến. Các Giáo Phụ trước Thánh Augustinô đã diễn tả sự xác tín căn bản ấy với tất cả sự rõ ràng. Thánh Gio-an Kim Khẩu nói rằng, Thiên Chúa tưới gội trên chúng ta nguồn mạch đích thực của mọi ân sủng, “trước khi chúng ta bước vào chiến trận[53]. Thánh Ba-si-li-ô Cả nhấn mạnh rằng, người tín hữu chỉ hãnh diện trong Thiên Chúa, vì “họ nhận ra rằng, họ đã bị cướp mất sự công chính đích thực, cũng như nhận ra rằng, họ chỉ được công chính hóa thông qua Đức Tin vào Chúa Ki-tô[54].

 

53. Công Đồng Orange II dạy với thẩm quyền chắc chắc rằng, không ai có thể thanh toán nổi cho ân sủng của Thiên Chúa, cũng như có thể xứng đáng để lãnh nhận ân sủng đó, hay có thể mua được nó. Và Công Đồng này cũng dạy rằng, bất cứ sự cộng tác nào với ân sủng cũng đều được ban cho trước bởi chính ân sủng đó: Thậm chí niềm mong muốn trở nên tinh tuyền cũng “được khơi lên trong chúng ta nhờ vào việc tưới gội Chúa Thánh Thần và nhờ vào hoạt động của Ngài[55]. Sau này, khi Công Đồng Tren-tô nhấn mạnh tới tầm quan trọng của sự cộng tác mà chúng ta cần phải có đối với sự phát triển đời sống thiêng liêng, thì đồng thời Công Đồng đó cũng xác định học thuyết tín lý sau đây: “Phải nói rằng, sở dĩ chúng ta được công chính hóa một cách nhưng không, là vì, không có bất cứ điều gì xuất hiện trước khi được công chính hóa - dù là Đức Tin hay những công việc -, đáng nhận được ơn công chính hóa; nếu việc được công chính hóa là một ơn, thì nó sẽ không còn do công trạng, bởi không vậy thì ân sủng sẽ chẳng còn là ân sủng nữa, như chính Thánh Tông Đồ đã nói (Rm 11,6)[56].

 

54.Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo cũng nhắc nhớ chúng ta rằng, quà tặng ân sủng “vượt lên trên mọi khả năng hiểu biết và mọi sức mạnh ý chí của con người cũng như của bất cứ thụ tạo nào[57], vì “đối với Thiên Chúa, con người sẽ không có bất cứ một công trạng nào trong ý nghĩa đích thực của nó. Giữa Ngài và chúng ta có một sự bất cân xứng không thể đo lường được[58]. Tình bằng hữu của Thiên Chúa siêu việt chúng ta cách vô hạn, tình bằng hữu đó không thể được mua bán bởi chúng ta với những việc làm của chúng ta, và tình bằng hữu ấy chỉ có thể là một ân ban phát xuất từ sáng kiến đầy Tình Yêu của Ngài. Điều này mời gọi chúng ta sống trong một niềm biết ơn hoan hỷ đối với ân ban đó, tức ân ban mà chúng ta không bao giờ trở nên xứng đáng, vì “sau khi một ai đó đã thủ đắc ân sủng rồi, thì ân sủng đã được đón nhận sẽ không thể liên quan tới công trạng nữa[59]. Các Thánh đã tránh việc cậy dựa vào những hành động riêng của mình: “Vào lúc xế chiều của cuộc sống này, con sẽ xuất hiện với đôi bàn tay trắng trước nhan Chúa, vì thế, lạy Chúa, con không cầu xin Chúa hãy đếm xỉa tới những công việc của con. Tất cả mọi sự công chính của con đều nhơ nhuốc trong cặp mắt Chúa[60].

 

55.Đó là một trong những xác tín quan trọng mà Giáo hội đã cố gắng xác định cho thật rõ ràng, và trong Lời Chúa, Giáo hội trình bày một cách hết sức rõ ràng rằng, đây là điều không thể bị phủ nhận. Giống như giới răn cao nhất là Đức Ái, chân lý này cũng phải đánh dấu lối sống của chúng ta. Nó tự tiếp liệu cho mình từ con tim của Tin Mừng, và muốn rằng, chúng ta sẽ không đón nhận nó chỉ với khía cạnh tinh thần, nhưng cũng còn biến nó thành một niềm vui có khả năng đốt cháy nữa. Nhưng chúng ta sẽ không thể đón mừng hồng ân nhưng không là tình bằng hữu với Thiên Chúa bằng niềm biết ơn, nếu chúng ta không nhìn nhận rằng, ngay cả kiếp sống dương thế cũng như những khả năng tự nhiên của chúng ta cũng đều là một hồng ân. Sẽ thật tốt cho chúng ta nếu “chúng ta chấp nhận cách đầy vui mừng rằng, hiện thực của chúng ta chính là một ân sủng, và chúng ta lãnh nhận sự tự do của mình cũng với tư cách là ân sủng. Đó là điều khó khăn trong một thế giới tin rằng, mình đang sở hữu một điều gì đó như là hoa trái đến từ sự độc đáo riêng hay đến từ sự tự do đối với chính mình[61].

 

56.Chỉ khởi đi từ ân sủng của Thiên Chúa, mà ân sủng đó được đón nhận trong sự tự do và được tiếp nhận trong sự khiêm nhượng, thì chúng ta, qua những cố gắng và nỗ lực của mình, mới có thể cộng tác vào với việc để cho mình ngày càng biến đổi[62]. Việc lắng nghe Thiên Chúa chính là điểm đầu tiên. Việc tiếp theo là chúng ta trao hiến bản thân mình cho Ngài, mà đối với chúng ta, Ngài chính là Đấng khơi lên những sáng kiến, cũng như dâng lên Ngài những khả năng và sự dấn thấn của chúng ta, kể cả việc chúng ta chiến đấu chống lại sự ác cũng như những sáng kiến của chúng ta, để những ân huệ nhưng không của Ngài có thể phát triển và lớn lên trong chúng ta: “Thưa anh chị em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên anh chị em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1). Giáo hội vẫn luôn luôn dạy rằng, chỉ Đức Mến mới có thể làm cho Ân Sủng được lớn lên trong đời sống, vì “nếu tôi không có Đức Mến thì tôi cũng chẳng là gì” (1Cr 13,2).

 

Tân thuyết Pelagius

 

57.Nhưng lại có một số Ki-tô hữu muốn đi theo con đường khác: đó là những kẻ muốn được nên công chính nhờ vào sức riêng, những kẻ tôn thờ ý chí con người và tôn thờ khả năng riêng mà không có Đức Mến đích thực. Điều này biểu lộ trong nhiều thái độ có vẻ khác nhau: trong việc tôn thờ lề luật cách cuồng tín, trong sự say mê trước việc có thể chứng tỏ các thành tựu xã hội và chính trị, trong việc thể hiện sự quan tâm tới Phụng Vụ, tới Giáo lý và uy tín của Giáo hội, trong sự khoe khoang được liên kết với việc tổ chức các công việc có tính thực hành, hay trong xu hướng năng động của việc tự giúp mình, và tự phát triển bản thân nhưng chỉ liên hệ đến cái tôi. Một số Ki-tô hữu đang phung phí sức lực và thời gian của mình cho những điều đó, thay vì để cho mình được dẫn dắt bởi Chúa Thánh Thần trên con đường Đức Mến, quan tâm tới việc tiếp tục chuyển giao vẻ đẹp và niềm vui của Tin Mừng, cũng như tìm kiếm những con người đã bị hư mất trong vô số những đám người đang khát khao được gặp Chúa Ki-tô.

 

58.Trái hẳn với sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, đời sống của Giáo hội thường bị biến thành một tác phẩm trong bảo tàng viện, hay trở thành tài sản riêng của một ít người. Điều đó sẽ diễn ra khi một số nhóm Ki-tô hữu gán cho việc tuân thủ một số các quy định, một số tập tục hay một số những phong cách nào đó một tầm quan trọng quá mức. Người ta thường hạn chế và bóp nghẹt Tin Mừng theo cách đó, và người ta lấy đi khỏi Tin Mừng sự đơn sơ giản dị và hương thơm đầy sức lôi cuốn của nó. Có lẽ đó là một hình thức tinh xảo của chủ nghĩa Pelagius, vì nó có vẻ như muốn ép đời sống ân sủng phải quy phục trước những cấu trúc của con người. Điều này đang có liên quan đến những nhóm, những phong trào và những cộng đoàn, và nó giải thích cho biết tại sao họ thường bắt đầu với một đời sống sâu lắng trong Thánh Thần, nhưng sau đó lại kết thúc ở chỗ trở nên chai đá… hay đổ đốn.

 

59.Nếu chúng ta nghĩ rằng, tất cả đều phụ thuộc vào sự nỗ lực của con người, mà sự nỗ lực ấy được lèo lái thông qua những quy định và những cấu trúc của Giáo hội, thì chúng ta đang vô tình làm phức tạp hóa Tin Mừng, và rồi tái trở thành những nô lệ cho một mô hình, mà mô hình ấy chỉ mở một vài những lỗ lấm tấm cho hoạt động của ân sủng. Thánh Tô-ma Aquinô đã nhắc nhớ chúng ta rằng, những điều luật được Giáo hội bổ sung vào với Tin Mừng sẽ chỉ có giá trị áp dụng một cách tương đối, “để làm cho đời sống của các tín hữu không trở nên nặng nề”, vì nếu không như thế thì “tôn giáo của chúng ta sẽ bị biến thành một kiếp nô lệ[64].

 

Bản tóm tắt của Lề Luật

 

60.Để ngăn ngừa việc đó, thường rất hữu ích khi nhớ rằng, có một cấp bậc các nhân đức, mà cấp bậc đó mời gọi chúng ta tìm kiếm điều chính yếu. Sự ưu tiên ở đây là các nhân đức đối thần, tức những nhân đức có Thiên Chúa làm đối tượng và nguyên lý. Đức Mến đứng trong trung tâm điểm của các nhân đức ấy. Điều mà nó thực sự đáng kể, như Thánh Phao-lô nói, chính là “Đức Tin hành động nhờ Đức Ái” (Gl 5,6). Chúng ta được kêu gọi hãy lưu tâm tới Đức Ái: „Anh em đừng mắc nợ gì ai ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu thương thì đã chu toàn Lề Luật […]. Yêu thương là chu toàn Lề Luật” (Rm 13,8.10). “Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu thương người thân cận như chính mình” (Gl 5,14).

 

61.Nói cách khác: Giữa sự đồ sộ của các giới răn và những tập tục, Chúa Giê-su đã tạo ra một lỗ hổng, mà lỗ hổng ấy cho phép chúng ta nhận ra hai khuôn mặt, một là của Thiên Chúa Cha, và một là của người anh chị em. Ngài không trao thêm cho chúng ta hai mệnh lệnh hay hai giới răn mới. Ngài trao cho chúng ta hai dung mạo, hay đúng hơn là một dung mạo duy nhất của Thiên Chúa, mà dung mạo ấy được phản ánh trong nhiều khuôn mặt. Vì trong bất cứ người anh em hay người chị em nào, đặc biệt là trong những người anh chị em nhỏ bé, yếu ớt, dễ bị tổn thương và túng thiếu nghèo hèn nhất, hình ảnh của Thiên Chúa vẫn hiện diện trong đó. Với nhân loại dễ bị gây tổn thương này, tức nhân loại đã bị loại bỏ, khi đến thời cùng tận, Thiên Chúa sẽ nhào nặn nên tác phẩm cuối cùng của Ngài. Vì “điều gì sẽ tồn tại, điều gì sẽ có giá trị hoàn toàn trong cuộc sống, và những sản nghiệp nào sẽ không biến mất? Chắc chắn có hai điều: Thiên Chúa và tha nhân. Hai sản nghiệp này sẽ không biến mất![65].

 

62.Ước gì Thiên Chúa sẽ giải thoát Giáo hội khỏi hai hình thức mới của Ngộ Đạo Thuyết và thuyết Pelagius, bởi hai lạc thuyết này luôn gây khó khăn và ngăn cản Giáo hội trên con đường nên thánh! Hai lạc thuyết này đang tiếp nhận những hình thức khác nhau, tương ứng với tính khí và tư chất của mỗi bên. Vì thế, Cha khuyên mỗi người hãy tự hỏi mình cũng như hãy tự thẩm tra mình trước mặt Thiên Chúa để biết xem, bằng cách nào mà hai lạc thuyết trên đã có thể đột nhiên xuất hiện trong cuộc sống của mình. (Còn tiếp)

Lm. Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội