Tông Huấn „Gaudete et exsultate  - Hãy vui mừng hoan hỷ“

CHƯƠNG III

 

TRONG ÁNH SÁNG CỦA VỊ THẦY

 

63.Có thể đang có rất nhiều những học thuyết dậy cho biết thế nào là nên thánh, với những giải thích và những phân tích cặn kẽ. Những phân tích ấy có thể hữu ích nhưng không soi sáng được gì nếu người ta quan tâm tới Lời Chúa Giê-su và quan sát một cách sâu rộng trước cách thức của Ngài trong việc tiếp tục chuyển giao chân lý. Với tất cả sự đơn sơ và giản dị, Chúa Giê-su đã giải thích cho biết nên thánh có nghĩa là gì, và Ngài đã thực hiện điều đó khi Ngài để lại cho chúng ta các Mối Phúc (xc. Mt 5,3-12; Lc 6,20-23). Các Mối Phúc ấy cũng chính là thẻ căn cước của người Ki-tô hữu. Như thế, nếu một ai đó đặt ra cho chúng ta câu hỏi: “Người ta làm thế nào để có thể trở thành một Ki-tô hữu tốt lành?”, thì câu trả lời sẽ rất đơn giản: điều cần thiết là mỗi người thực hiện theo cách riêng của mình những gì mà Chúa Giê-su đã nói trong các Mối Phúc[66]. Dung nhan của vị Thầy phản ánh trong các Mối Phúc đó; chúng ta được kêu gọi để cho dung nhan Ngài được tỏa sáng trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

64.Cụm từ “phúc thay” hay “vui mừng thay” đều có cùng ý nghĩa với cụm từ “thánh thiện thay”, vì chúng diễn tả cho thấy, bất cứ người nào trung tín với Thiên Chúa và sống theo Lời Ngài thì cũng đều đạt tới được niềm hạnh phúc đích thực trong sự trao hiến bản thân mình.

Ngược dòng

65.Đối với chúng ta, những Lời của Chúa Giê-su xem ra có tính thi vị, nhưng dẫu vậy thì chúng cũng vẫn đi ngược lại một cách rõ ràng với những điều thông thường, ngược lại với những điều mà người ta vẫn thực hiện trong cộng đồng xã hội; và nếu sứ điệp ấy của Chúa Giê-su có sức lôi cuốn chúng ta, thì căn bản mà nói, thế gian cũng sẽ đẩy chúng ta đi theo một lối sống khác. Tuyệt nhiên các Mối Phúc không hề vô nghĩa và hời hợt; trái lại, chúng ta chỉ có thể sống các Mối Phúc ấy nếu Chúa Thánh Thần đổ đầy trên chúng ta với tất cả quyền năng của Ngài, và giải thoát chúng ta khỏi những khuynh hướng ích kỷ, biếng nhác và tự phụ.

66.Chúng ta hãy tái lắng nghe Chúa Giê-su với tất cả lòng mến và sự trân kính mà một vị Thầy đáng được. Chúng ta hãy để cho Ngài gặp gỡ chúng ta qua những Lời của Ngài, thôi thúc chúng ta, cũng như mời gọi chúng ta đi tới một sự thay đổi cuộc sống thực thụ. Trong trường hợp ngược lại thì sự thánh thiện chỉ tồn tại nơi lời nói. Giờ đây chúng ta hãy nhớ lại các Mối Phúc khác nhau trong phiên bản của Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu (Mt 5,3-12)[67].

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.”

67.Tin Mừng mời gọi chúng ta hãy nhận ra sự thật nơi cõi lòng mình để biết xem, chúng ta đang đặt sự an toàn cuộc sống chúng ta ở đâu. Cứ sự thường thì người giầu sẽ cảm thấy an tâm với những tài sản của mình, và họ tin rằng, nếu những tài sản đó bị xâm hại thì toàn bộ ý nghĩa cuộc sống của họ trên dương thế này cũng sẽ bị suy sụp. Chính Chúa Giê-su đã nói điều đó với chúng ta trong dụ ngôn về người phú hộ khi Ngài kể về kẻ giầu có ấy, tức kẻ – giống như một tên khờ dại – đã không hề nghĩ rằng, mình sẽ có thể qua đời ngay trong ngày hôm nay (xc. Lc 12,16-21).

 

68.Tài sản vật chất không giới thiệu cho bạn sự chắc chắn. Đúng hơn, vấn đề là thế này: Nếu con tim cảm thấy mình giầu sang, thì rồi nó sẽ hài lòng với chính mình, và như thế sẽ không còn chỗ cho Lời của Thiên Chúa nữa, không còn chỗ cho việc yêu thương những người anh chị em nữa, hay không còn chỗ cho việc vui mừng về những điều quan trọng nhất của cuộc sống nữa. Và như thế nó sẽ cướp đi khỏi chính mình những điều tốt đẹp nhất. Vì thế, Chúa Giê-su đã gọi những người có tinh thần nghèo khó là những người có phúc, những con người đó có một con tim nghèo khó mà Thiên Chúa có thể bước vào cùng với những điều luôn luôn mới mẻ của Ngài.

69.Sự khó nghèo trong tinh thần này liên hệ khắng khít với “sự thờ ơ thánh thiện” mà Thánh I-nha-xi-ô Loyola đã trình bày. Trong sự thờ ơ ấy, chúng ta đạt tới được một sự tự do nội tại tuyệt vời: “Do đó, điều cần thiết là chúng ta làm cho mình trở nên thờ ơ đối với tất cả những điều được tạo ra trong tất cả những gì cho phép chúng ta được tự do thể hiện quyền quyết định của mình, và trong những gì không ngăn cấm sự tự do ấy. Vì thế, về phía mình, chúng ta sẽ không nên ước muốn những điều sau đây nữa: sức khỏe chứ không phải bệnh tật, giầu sang chứ không phải nghèo túng, thanh danh chứ không phải sự nhục nhã, trường thọ chứ không phải chết yểu, và cứ thế trong tất cả những điều khác[68].

70. Thánh Lu-ca không nói về “tinh thần” nghèo khó, nhưng chỉ nói đến việc trở nên “nghèo khó” (xc. Lc 6,20). Như vậy, Ngài cũng mời gọi chúng ta thực hiện một cuộc sống đơn sơ và bình dị. Qua cách thức như thế, Ngài mời gọi chúng ta hãy chia sẻ cuộc sống với những người cùng khốn, tức cuộc sống mà các Thánh Tông Đồ đã thực hiện, và sau cùng, làm cho chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giê-su: “Ngài vốn giầu sang nhưng đã trở nên nghèo túng” (2Cr 8,9).

Nghèo khó trong lòng, đó là sự thánh thiện.

“Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.”

71.Đó là một ý kiến mạnh mẽ trong một thế giới mà ngay từ đầu nó đã là nơi của những thái độ thù địch, nơi của sự tranh cãi khắp chốn, nơi sự thù hận thống trị mọi bề, nơi chúng ta thường xuyên phân loại người khác theo quan điểm hay theo những thói quen của họ, kể cả theo cách thức nói chuyện hay cách ăn vận của họ. Rốt cục, đó là một vương quốc kênh kiệu và tự phụ, nơi đó, bất cứ ai cũng đều tin rằng, mình có quyền coi mình là hơn kẻ khác. Mặc dù xem ra có vẻ bất khả thi, nhưng Chúa Giê-su vẫn đề nghị một lối sống khác: sự hiền lành. Đó là điều mà Ngài đã áp dụng với các môn đệ của Ngài, và là điều mà chúng ta có thể quan sát trong cuộc khải hoàn của Ngài tiến vào Giê-ru-sa-lem: “Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi. Ngài hiền hậu ngồi trên lưng một con lừa” (Mt 21,5; xc Dc 9,9).

72.Ngài nói: “Anh em hãy học từ nơi tôi, vì tôi hiền hậu và khiêm nhượng tự đáy lòng. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,29). Nếu chúng ta sống kênh kiệu và tự cao tự đại trước người khác, thì cuối cùng chúng ta sẽ trở nên mệt mỏi và kiệt sức. Nhưng nếu chúng ta nhìn xem những giới hạn và những khiếm khuyết của họ với sự hiền từ và nhân hậu mà không hề có chuyện cho mình là tốt hơn, thì chúng ta sẽ có thể giúp họ một tay và tránh được chuyện lãng phí sức lực của mình vào việc oán trách vô bổ. Đối với Thánh Tê-rê-sa thành Lisieux, thì “Đức Ái hoàn hảo hệ tại ở chỗ […], chịu đựng những khuyết điểm của người khác, không ngạc nhiên về những yếu đuối của họ[69].

 

73.Thánh Phao-lô đã coi sự hiền hòa như là hoa trái của Thánh Thần (xc. Gal 5,23). Ngài đề nghị rằng, nếu chúng ta quan tâm đến những khuyết điểm của những người anh chị em, thì chúng ta nên xích lại gần nhau, để khuyên nhủ họ “trong tinh thần hiền hòa” (Gal 6,1). Ở đây Ngài cảnh báo rằng: “Anh em phải tự đề phòng kẻo chính mình cũng bị sa chước cám dỗ!” (nt). Ngay cả khi người ta bảo vệ Đức Tin và những xác tín của mình, thì người ta cũng phải thực hiện điều đó “cách khiêm tốn” (1 Phr 3,16), và chính những đối thủ cũng phải được đối xử “với sự tốt lành” (2 Tm 2,25). Trong Giáo hội, chúng ta thường hay quên nhau, vì chúng ta đã không thích ứng với sứ mạng ấy của Lời Chúa.

74.Sự hiền lành còn là một cách thể hiện khác đối với sự nghèo khó trong lòng của người chỉ đặt niềm tín thác vào một mình Thiên Chúa. Chính vì thế, Kinh Thánh thường có thói quen sử dụng chung một từ anawim trong mối liên hệ đến những người nghèo và những người hiền lành. Một người nào đó có thể bác lại chuyện đó: “Nếu tôi hiền lành như thế thì người ta sẽ cho rằng tôi là một đứa ngu, một đứa tối dạ hay một kẻ yếu ớt!” Đôi khi có thể là như thế, nhưng chúng ta cứ việc để cho người khác nghĩ như vậy. Tốt nhất vẫn là luôn luôn hiền hậu; và rồi mong muốn lớn nhất của chúng ta sẽ trở nên hiện thực: Những người hiền lành “sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp”, điều đó có nghĩa là những lời hứa của Thiên Chúa sẽ trở thành hiện thực trong cuộc sống của họ. Vì trái với mọi người sống chung quanh, những người hiền lành sẽ chỉ đặt niềm cậy trông vào Thiên Chúa, “người trông đợi Chúa, sẽ được đất hứa làm gia nghiệp […] và vui hưởng cảnh an lạc chan hoà” (Tv 37,9.11). Đồng thời, Thiên Chúa cũng tin tưởng vào họ: “Kẻ được Ta đoái nhìn: đó là người nghèo khổ, người có tâm hồn tan nát, người nghe lời Ta mà run sợ” (Is 66,2).

Phản ứng với sự hiền lành đầy khiêm nhượng, đó là sự thánh thiện.

“Phúc thay ai sầu khổ vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.”

75.Thế gian đề nghị chúng ta làm những điều ngược lại: sự tiêu khiển, sự khoái lạc, sự lơ đãng và sự khoái trí. Nó nói với chúng ta rằng, những điều đó sẽ khiến cuộc sống nên tốt. Thái độ của thế gian là không lưu tâm, nó ngoảnh mặt đi chỗ khác mỗi khi trong gia đình hay trong khu vực hàng xóm láng giềng có vấn đề gì đó bởi bệnh tật hay bởi một nỗi đau khổ khác. Thế gian không muốn đau buồn: nó thích làm ngơ trước những tình cảnh đầy khổ đau, thích giấu giếm hay che đậy những trạng huống đó. Người ta phung phí nhiều sức lực vào chuyện chạy trốn khỏi những hoàn cảnh và những trạng huống mà nơi đó sự khổ đau đang xảy ra, và khi chạy trốn như thế, họ tin rằng, người ta có thể che đậy thực tế, mà thực tế đó không bao giờ, không bao giờ có thể thiếu Thập Giá.

76.Người nào thấy sự việc như chúng thực sự là, và người nào để cho mình được thẩm thấu bởi sự đau khổ, cũng như có thể khóc trong con tim của mình, thì người ấy sẽ có khả năng đụng chạm tới chiều sâu của cuộc sống cũng như trở nên hạnh phúc thực sự[70]. Người đó sẽ được an ủi, nhưng với sự an ủi của Chúa Giê-su chứ không phải với sự an ủi của thế gian. Như thế, người đó có thể dám chia sẻ nỗi khổ đau của những người khác, và không bao giờ bỏ chạy trước những tình cảnh đầy khổ đau. Bằng cách đó, người ấy sẽ thấy cuộc sống có ý nghĩa khi người ta giúp đỡ người khác trong lúc họ gặp khổ đau, khi người ta hiểu được nỗi sợ hãi của người khác, khi người ta giúp người khác có được cảm giác nhẹ nhõm. Người ấy sẽ cảm thấy rằng, thân thể người khác chính là thân thể mình; người ấy sẽ không sợ hãi trước việc đến gần và thậm chí còn đụng chạm tới những vết thương của người khác; người ấy sẽ có một sự đồng cảm mà chính mình đã kinh qua, đến độ tất cả mọi khoảng cách đều sẽ biến mất. Và như thế, người ta sẽ có thể đón nhận lời khuyên của Thánh Phao-lô: “Khóc với người khóc!” (Rm 12,15).

 

Biết đồng khổ đau với những người khác, đó là sự thánh thiện.

„Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.“

77.Đói khát là một trong những kinh nghiệm mạnh mẽ, vì chúng tương ứng với những nhu cầu căn bản và có việc phải làm với bản năng sinh tồn. Luôn có những con người khát khao sự công chính với chính cường độ như thế, và khao khát nó với một niềm khát khao to lớn. Chúa Giê-su nói, họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng, vì dù sớm hay muộn thì sự công chính cũng sẽ đến. Chúng ta có thể cộng tác để điều đó sớm trở nên có thể, ngay cả khi không phải lúc nào chúng ta cũng thấy được những hoa trái của sự dấn thân này.

78.Nhưng sự công chính do Chúa Giê-su giới thiệu thì không giống như sự công chính mà thế gian mong đạt tới, bởi sự công chính của thế gian thường bị ô nhiễm bởi những mối quan tâm đê tiện, cũng như thường bị chi phối bởi mặt này hay mặt khác. Thực tế chỉ cho chúng ta thấy, việc tham gia vào hệ thống tham nhũng, hay việc can dự vào cách xử sự hằng ngày của cái gọi là „do ut des – hòn đất ném đi, hòn chì ném lại“ là điều dễ dàng là dường nào, bất cứ việc gì cũng đều là lợi nhuận. Và biết bao nhiêu là những con người đang phải gánh chịu những nỗi bất công, biết bao nhiêu con người đang phải gắng sức một cách vô vọng, và biết bao nhiêu là những người khác đang phải chia nhau một chiếc bánh ngọt để sống cho qua ngày. Một số người đã từ bỏ việc chiến đấu cho nền công lý đích thực, và quyết định ngả về phía những kẻ chiến thắng. Điều đó không có bất cứ điều chi để làm với việc đói khát sự công chính mà Chúa Giê-su đã khen ngợi.

79.Sự công chính sẽ trở thành hiện thực trong cuộc sống mỗi người khi người ấy trung thực trong những quyết định riêng của mình, và rồi diễn tả nó trong việc tìm kiếm công lý cho những người nghèo và những người yếu kém. Chắc chắn, cụm từ „công lý“ sẽ có thể đồng nghĩa với sự trung tín với Thánh Ý của Thiên Chúa trong toàn bộ cuộc sống chúng ta. Nhưng nếu chúng ta hiểu nó trong một ý nghĩa rất chung chung, thì chúng ta sẽ quên rằng, nó biểu lộ cách đặc biệt trong công lý đối với những người đang cần tới sự giúp đỡ: „Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ“ (Is 1,17).

Đói khát công lý, đó là sự thánh thiện.

“Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”

80.Lòng Thương Xót hàm chứa hai khía cạnh: trao tặng, giúp đỡ, phục vụ, tha thứ và cảm thông với người khác. Thánh Mát-thêu đã tóm tắt thành một quy luật vàng như sau: “Tất cả những gì anh em muốn người khác làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm những điều ấy cho họ” (Mt 7,12). Sách Giáo Lý nhắc nhớ chúng ta rằng, quy luật ấy “có giá trị trong mọi trường hợp”, đặc biệt là đối với một ai đó “đôi khi phải đứng trước những hoàn cảnh mà chúng làm cho phán quyết của lương tâm trở nên thiếu chắc chắn, cũng như làm cho những quyết định trở nên khó khăn[72].

81.Trao tặng và tha thứ có nghĩa là cố gắng mô phỏng lại trong cuộc sống chúng ta một sự phản chiếu nho nhỏ về sự trọn lành của Thiên Chúa, Đấng ban tặng và tha thứ cách dồi dào. Vì lý do đó nên chúng ta không còn nghe thấy lời sau đây trong Tin Mừng theo Thánh Lu-ca nữa: “Anh em hãy nên trọn lành!” (Mt 5,48), nhưng sẽ nghe thấy những lời sau: "Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại" (Lc 6,36-38). Và sau đó Thánh Lu-ca bổ sung thêm một điều mà chúng ta không được phép bỏ qua: “Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6,38). Mức độ mà chúng ta áp dụng cho người khác trong việc cảm thông và tha thứ cũng chính là mức độ sẽ được áp dụng cho chúng ta sau này. Mức độ mà chúng ta áp dụng để cho đi cũng chính là mức độ mà chúng ta sẽ được thưởng công trên Thiên Đàng. Chúng ta đừng nên quên điều đó.

82.Chúa Giê-su không nói: “Phúc thay ai rắp tâm trả thù”, nhưng Ngài ca ngợi và chúc phúc cho những ai biết tha thứ và thực hiện việc tha thứ “tới bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22). Chúng ta phải nghĩ rằng, tất cả chúng ta đang là một đội quân được đặc xá. Tất cả chúng ta đều đã được hưởng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Nếu chúng ta đến gần Thiên Chúa và thực sự lắng nghe Ngài, thì chúng ta sẽ nghe được lời trách móc sau đây, không chỉ một vài lần mà nhiều lần: “Chẳng lẽ ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính Ta đã thương xót ngươi sao?” (Mt 18,33).

Nhìn xem và hành động với Lòng Thương Xót, đó là sự thánh thiện.

“Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.”

83.Mối phúc này liên hệ đến những ai có một tâm hồn đơn sơ và tinh tuyền, không hề vấy bẩn. Vì một con tim biết yêu thương thì sẽ không để cho bất cứ điều gì mà nó làm rối tung Tình Yêu, bất cứ điều gì mà nó làm suy yếu hay gây hại cho Tình Yêu ấy, được bước vào cuộc sống của mình. Trong Kinh Thánh, con tim đại diện cho những mục tiêu thực sự của chúng ta, cụ thể là cho điều mà chúng ta thực sự kiếm tìm và khao khát nhưng vượt quá sự định mức của chúng ta: “người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng" (1 Sam 16,7). Thiên Chúa muốn nói với con tim chúng ta (xc. Hs 2,16), cũng như muốn khắc ghi Lề Luật của Ngài trên đó (xc. Gr 31,33). Sau cùng, Ngài muốn ban cho chúng ta một quả tim mới (xc. Ez 36,26).

84.Hãy gìn giữ tim con cho thật kỹ“ (Cn 4,23). Không có bất cứ điều gì mà nó bị vấy bẩn bởi sự giả dối, lại có được một giá trị đích thực đối với Thiên Chúa. Ngài “luôn tránh thói lọc lừa, rời xa những lý luận ngu dốt” (Kn 1,5). Thiên Chúa Cha, “Đấng thấu suốt những gì kín đáo” (Mt 6,6), sẽ biết điều gì không tinh tuyền, tức điều không trung thực, nhưng chỉ có lớp vỏ và vẻ bên ngoài; giống hệt như Thiên Chúa Cha, Thiên Chúa Con cũng biết rõ tất cả mọi sự trong từng người (xc. Ga 2,25).

85.Chắc chắn, sẽ không có Đức Ái nếu không có những công việc của Đức Ái, nhưng mối phúc này nhắc nhớ chúng ta rằng, Thiên Chúa chờ đời một sự trao hiến cho anh chị em, mà sự trao hiến đó phát xuất từ con tim, vì “giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có Đức Mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cor 13,3). Trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu chúng ta cũng thấy: chỉ “những gì phát xuất từ lòng mình, những thứ đó mới làm cho con người ra ô uế” (Mt 15,18), vì từ lòng người sẽ phát sinh ra những ý tưởng như: giết người, trộm cắp, làm chứng gian và các hành vi xấu xa khác (xc. Mt 15,19). Những ước muốn và những quyết định thâm sâu mà chúng thực sự thôi thúc chúng ta, có nguồn gốc của chúng trong những ý định của con tim.

 

86.Nếu con tim yêu mến Thiên Chúa và tha nhân (xc. Mt 22,36-40), nếu đó là mục tiêu đích thực của nó chứ không phải là những lời nói trống không, thì rồi con tim ấy sẽ trở nên tinh tuyền và có thể ngắm nhìn Thiên Chúa. Trong bài ca Bác Ái của Ngài, Thánh Phao-lô đã nhắc nhớ chúng ta rằng: “Bây giờ chúng ta chỉ thấy lờ mờ như trong một tấm gương” (1 Cor 13,12), nhưng trong mức độ mà ở đó Đức Ái thực sự sự thống trị, thì lúc ấy chúng ta mới có khả năng nhìn ngắm Thiên Chúa “mặt giáp mặt” (nt.). Chúa Giê-su hứa rằng. những ai có con tim trong sạch, thì “sẽ được thấy Thiên Chúa”.

Giữ cho con tim được tinh tuyền trước tất cả những gì làm cho Đức Ái bị vấy bẩn, đó là sự thánh thiện.

“Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.”

87. Mối Phúc này cho phép chúng ta nghĩ đến vô vàn những hoàn cảnh chiến tranh mà chúng không ngừng tái lập đi lập lại. Luôn luôn có chuyện chúng ta gây ra những cuộc tranh chấp, hay ít nhất là những điều hiểu lầm. Chẳng hạn như khi tôi nghe nói một điều gì đó về người khác, thì chúng ta lại đi đến với một người khác nữa, rồi lại tiếp tục nói điều đó cho người ấy nghe; ở đây, có lẽ tôi đang thực hiện một phiên bản thứ hai, mà phiên bản này được bồ sung thêm một vài điều gì đó, và tôi phát tán chúng. Cho tới bao lâu tôi còn có thể gây thêm ra nhiều những thiệt hại khác, thì có vẻ như tôi lại càng cảm thấy thích thú hơn. Thế giới của những câu chuyện phiếm được thực hiện bởi những con người thích chỉ trích và hủy hoại, không bao giờ muốn kiến tạo hòa bình. Đúng hơn, những con người ấy chính là những kẻ thù của hòa bình và tuyệt nhiên sẽ không bao giờ được chúc phúc[73].

88.Những con người hiền lành chính là nguồn cội của hòa bình, họ kiến tạo hòa bình và xây dựng tình bằng hữu xã hội. Đối với những người đang hết sức nỗ lực trong việc rắc gieo nền hòa bình khắp nơi, thì Chúa Giê-su sẽ trao cho họ một lời hứa vô cùng tốt đẹp: “Họ sẽ được gọi là con cái Thiên Chúa” (Mt 5,9). Ngài đã yêu cầu các môn đệ của Ngài phải nói “Bình an cho nhà này!” (Lc 10,5) mỗi khi họ bước vào nhà của một người nào đó. Lời Chúa yêu cầu mỗi tín hữu hãy “ăn ở thuận hòa với tất cả” những ai khao khát hòa bình (xc. 2 Tim 2,22), vì “người xây dựng hòa bình thì sẽ thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hòa bình, là cuộc đời công chính” (Gc 3,18). Nếu đôi khi chúng ta có sự phân vân trong cộng đoàn mình về việc không biết nên làm gì lúc này, thì lúc ấy “chúng ta hãy cứ theo đuổi nhũng gì đem lại bình an” (Rm 14,19), vì sự hiệp nhất còn vượt lên trên cả những xung đột[74].

89.Thật không dễ để kiến tạo nền hòa bình của Tin Mừng, tức nền hòa bình không loại trừ bất cứ một ai, nhưng còn bao hàm cả những con người mà họ có một điều chi đó kỳ dị, những con người khó tính và rắc rối, những con người luôn đòi được quan tâm, những con người khác nhau, những con người bị liên lụy nặng nề bởi cuộc sống, và những con người có những mối quan tâm khác. Đó là điều rất cam go và đòi hỏi một không gian rất lớn của lý trí và con tim, vì đó không phải là “một sự đồng tâm nhất trí trên giấy tờ […] hay là một sự hòa bình hời hợt đối với một thiểu số hạnh phúc[75], cũng không phải là “một kế hoạch của một số người dành cho một số người[76]. Đồng thời cũng không phải là cố gắng làm ngơ giả điếc trước những xung đột hay giấu giếm chúng, nhưng “sẵn sàng gánh chịu sự xung đột, giải quyết nó và biến nó thành điểm xuất phát của một tiến trình mới[77]. Đó là việc trở nên những người thợ thủ công của hòa bình, vì việc kiến tạo hòa bình là một nghệ thuật, mà nghệ thuật này đòi hỏi phải có sự điềm đạm, sáng tạo, tinh tế và khéo léo.

 

Rắc gieo nền hòa bình trong môi trường chung quanh chúng ta, đó là sự thánh thiện.

“Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.”

90.Chính Chúa Giê-su đã nhấn mạnh rằng, con đường này đi ngược lại với dòng đời, nó dẫn đi xa tới độ, qua cuộc sống của mình, chúng ta sẽ trở thành những con người gây nghi vấn, trở thành những con người gây khó chịu cho xã hội. Chúa Giê-su nhắc nhớ rằng, biết bao nhiêu người đã và sẽ bị bách hại, đơn giản chỉ vì họ chiến đấu cho công lý, vì họ đã dấn thân cho Thiên Chúa và cho những người khác. Nếu chúng ta không muốn đắm mình trong một sự tầm thường thuần túy, thì chúng ta không được phép cầu mong một cuộc sống dễ dãi, vì “ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất” (Mt 16,25).

91.Người ta không thể mong chờ cho tất cả mọi điều chung quanh chúng ta đều trở nên thuận tiện để sống theo Tin Mừng. Thường thì những ham muốn quyền lực và những mối quan tâm thế tục sẽ là những điều ngáng đường. Thánh Gio-an Phao-lô II nói rằng: “Xã hội nào gây khó khăn cho việc hiện thực hóa sự trao hiến và cho sự giáo dục tình liên đới giữa những con người trong những hình thức tổ chức xã hội của mình, trong sự sản xuất và tiêu thụ, thì xã hội đó sẽ trở nên lạnh nhạt và xa lạ[78]. Trong một xã hội lạnh nhạt và xa cách như thế, tức xã hội đang bị giam giữ trong một mạng lưới chính trị, truyền thông, kinh tế, văn hóa và thậm chí cả tôn giáo nữa, mà mạng lưới ấy lại đang ngăn cản sự phát triển đích thực về nhân bản cũng như về xã hội của mình, thì người ta sẽ thật khó để sống các Mối Phúc, không những thế, điều này còn có thể bị trở thành điều mà hầu như không ai mong đợi, đã vậy, còn bị nghi ngờ và bị biến thành trò cười.  

92.Thập Giá, đặc biệt là sự kiệt sức và nỗi khổ đau mà chúng ta phải chịu đựng khi sống giới răn Đức Ái và đi theo con đường công chính, chính là nguồn mạch dẫn đến sự trưởng thành và ơn cứu độ. Chúng ta hãy nhớ rằng, Tân Ước, khi nói về những nỗi khổ đau mà người ta phải chịu đựng vì Tin Mừng, luôn liên hệ đến những cơn bách hại (xc. Cv 5,41; Phil 1,29; Col 1,24; 2 Tim 1,12; 1 Pr 2,20; 4,14-16; Kh 2,10).

93.Nhưng ở đây chúng ta chỉ nói về những cơn bách hại không thể tránh khỏi, chứ không phải những cuộc bách hại mà có thể chính chúng ta gây ra thông qua sự hiểu lầm trong việc đối xử với người khác. Một vị Thánh không phải là một con người lập dị cách khác thường đến độ  không ai có thể chịu đựng được vì sự kiêu căng, vì sự tiêu cực cũng như vì sự bất mãn của ông ta. Các Tông Đồ của Chúa Giê-su không phải là những người như thế. Sách Tông Đồ Công Vụ thuật lại một cách đầy ấn tượng rằng, các Ngài được “toàn dân thương mến” (Cv 2,47; xc. 4,21.33; 5,13), trong lúc một số kẻ đang có những điều gì đó đáng chê trách thì lại đầy đọa và bách hại các Ngài (xc. Cv 4,1-3; 5,17-18).

94.Những cuộc bách hại không chỉ là thực trạng của quá khứ; ngay cả trong thời đại hôm nay, chúng ta cũng đang phải gánh chịu chúng, có thể theo cách thức đẫm máu như biết bao các vị Tử Đạo của thời đại chúng ta đã và đang phải trải qua, cũng có thể theo cách thức tinh xảo thông qua những lời vu khống hay những điều giả dối. Chúa Giê-su nói rằng, phúc cho chúng ta khi bị người đời “vu khống đủ điều xấu xa vì Thầy” (Mt 5,11). Ở những lần khác thì đó là những sự chế diễu nhạo cười, tức những điều bóp méo Đức Tin của chúng ta và muốn trình bày chúng ta như là một điều gì đó rất nực cười.

Đón nhận con đường Tin Mừng mỗi ngày ngay cả khi con đường ấy mang theo mình những khó khăn, đó là sự thánh thiện.

 

Tiêu chuẩn lớn

95.Trong chương 25 của Tin Mừng theo Thánh Mát Thêu (từ câu 31 tới 46), Chúa Giê-su đã tái lưu lại nơi một trong những Mối Phúc, và cụ thể, đó là Mối Phúc về Lòng Thương Xót. Nếu chúng ta cố gắng nên thánh, tức điều làm đẹp lòng Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ khám phá ra ngay ở trong bản văn này một tiêu chuẩn mà  theo đó chúng ta sẽ bị hay được tuyên án: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến hỏi han” (Mt 25,35-36).

Từ sự trung tín với Thầy

96.Nên thánh không có nghĩa đảo mắt trong một trạng thái được cho là xuất thần. Thánh Gio-an Phao-lô II đã nói về điều đó rồi: “Nếu chúng ta thực sự khởi đi từ việc chiêm ngưỡng Chúa Ki-tô, thì chúng ta sẽ có khả năng nhận ra Ngài, đặc biệt là trong dung mạo của những con người mà Ngài rất thích đồng hóa mình với họ[79]. Trình thuật trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu 25,35-36 “không chỉ là một lời mời gọi sống Đức Ái; nó còn là một phần của Ki-tô học, mà phần ấy chiếu một tia sáng trên mầu nhiệm Chúa Ki-tô[80]. Trong lời mời gọi hãy nhận ra Ngài trong những người nghèo và những người đau khổ, con tim của Chúa Ki-tô đã mạc khải chính mình, mạc khải nếp nghĩ và những quyết định sâu thẳm nhất của Ngài, tức những điều mà bất cứ vị Thánh nào cũng cố gắng noi theo.

97.Khi đối diện với những lời mời gọi mạnh mẽ đó của Chúa Giê-su thì Cha cảm thấy mình có bổn phận phải yêu cầu các Ki-tô hữu hãy đón nhận và tiếp thu chúng, và cụ thể là  tiếp nhận với “sine glossa”, có nghĩa là tiếp nhận mà không bình luận, không tránh né, không lý lẽ biện minh và không viện cớ, bởi những điều ấy sẽ cướp mất sức mạnh của những lời mời gọi đó. Chúa Giê-su đã nói với chúng ta rất rõ ràng rằng, sự thánh thiện sẽ không thể được hiểu và cũng không thể được sống nếu người ta gạt sang một bên những đòi hỏi của Ngài, vì Lòng Thương Xót chính là “con tim sục sôi của Tin Mừng[81].

98.Nếu tôi bắt gặp một con người đang ngủ ngoài trời trong một đêm lạnh giá, thì tôi sẽ có thể cảm thấy rằng, kẻ vô lại nghèo hèn này là một cái gì đó không lường trước được mà nó ngăn cản tôi, một kẻ vô dụng bất tài và một tên lừa đảo, một kẻ phá rối trật tự trên đường đi của tôi, một cái gai gây phiền phức cho lương tâm tôi, một vấn đề mà các chính trị gia cần phải giải quyết, và thậm chí, có lẽ còn là rác rưởi gây ô nhiễm cho lãnh vực công cộng. Hay tôi có thể phản ứng theo cách phản ứng  mà nó phát xuất từ Đức Tin và Đức Ái, và nhận ra trong người vô gia cư ấy một nhân vị với phẩm giá như tôi, một thụ tạo được Thiên Chúa Cha yêu thương vô hạn, một họa ảnh của Thiên Chúa, một người anh em hay chị em được Chúa Giê-su Ki-tô cứu chuộc. Trở thành một Ki-tô hữu có nghĩa là như thế! Hay phải chăng người ta có thể hiểu sự thánh thiện mà không cần tới một sự nhìn nhận một cách cụ thể như thế về phẩm giá của mỗi con người?[82].

99.Đối với các Ki-tô hữu, điều đó luôn mang theo mình một sự bất an lành mạnh. Ngay cả khi việc hỗ trợ một con người duy nhất cũng đã biện minh cho tất cả mọi nỗ lực của chúng ta đi nữa, thì nó cũng vẫn chưa đủ đối với chúng ta. Các Đức Giám Mục Canađa đã diễn tả điều đó một cách hết sức rõ ràng. Trong các bài Giáo Lý có liên hệ tới Kinh Thánh của các Ngài về Năm Thánh, các Ngài đã chỉ ra rằng, vấn đề không chỉ là thực hiện một số những công việc tốt lành, nhưng là khát khao biến đổi xã hội: “Để cho những thế hệ mai sau cũng được tự do thì mục tiêu rõ ràng là phải hệ tại ở chỗ, phục hồi nguyên trạng hệ thống xã hội và kinh tế công bằng, để cho không thể nào còn có bất cứ sự loại trừ nào nữa[83].

Những ý thức hệ làm cho cốt lõi của Tin Mừng bị biến dạng

100.Cha cảm thấy thật đáng tiếc vì những ý thức hệ thường xúi giục chúng ta phạm phải hai lỗi lầm tai hại. Một mặt là trở thành một trong các Ki-tô hữu tách rời những yêu sách trên của Tin Mừng ra khỏi mối tương quan cá nhân của họ với Thiên Chúa, ra khỏi mối liên kết nội tâm của họ với Ngài cũng như khỏi ân sủng. Và như thế, Ki-tô giáo sẽ trở thành một dạng tổ chức phi chính phủ, nó bị cướp đi mất linh đạo có tính soi sáng mà Thánh Phan-xi-cô Assisi, Thánh Vinh-sơn Phao-lô, Thánh Tê-rê-sa Calcutta và nhiều vị Thánh khác đã sống một cách rất rõ ràng cũng như đã làm sáng tỏ. Không phải lời cầu nguyện cũng chẳng phải Đức Mến đối với Thiên Chúa hay việc đọc Tin Mừng đã tạo cớ cho các vị đại Thánh ấy bớt đi niềm hăng hái cũng như bớt đi hiệu năng của việc trao hiến bản thân các Ngài cho tha nhân, nhưng hoàn toàn ngược lại.

101.Khiếm khuyết của những người không tin tưởng vào việc dấn thân xã hội cho người khác trong cuộc sống của mình, vì họ cho đó là điều hời hợt, phàm trần, tục hóa, hướng ngoại, cộng sản hay dân túy, hoặc là họ tương đối hóa sự dấn thân ấy như thể là sẽ có những điều quan trọng hơn, hay như thể sự dấn thân ấy sẽ chỉ liên quan tới một nền luân lý nhất định được họ ủng hộ, hay một luận cứ tương ứng, cũng sẽ rất nguy hiểm và không tưởng. Chẳng hạn như việc bảo vệ sự sống trong trắng và chưa được sinh ra phải trở nên rõ ràng, chắc chắn và hăng hái, vì ở đây, phẩm giá của sự sống con người, mà sự sống ấy luôn luôn là điều thánh thiêng, đang đứng trong bờ vực nguy hiểm, và nó cần tới Tình Yêu của mỗi người, không lệ thuộc vào cấp độ phát triển của họ. Nhưng sự sống của những người nghèo cũng thánh thiêng không kém, họ đã được sinh ra rồi và đang vật lộn với nỗi khốn cùng, với việc bị bỏ rơi, bị loại trừ, với nạn buôn người, với sự trợ tử ngấm ngầm vì bệnh tật và vì tuổi tác mà không nhận được bất cứ sự quan tâm nào, với những hình thức nô lệ mới cũng như với với bất cứ hình thức vứt bỏ nào[84]. Từ sự suy nghĩ, chúng ta không thể rút ra được bất cứ ý tưởng nào về sự thánh thiện mà ý tưởng ấy không nhìn thấy sự bất công của thế giới này, nơi đó, một số người thì vui mừng, tiêu xài cách vui vẻ và giản lược hóa cuộc sống mình vào những điều mới lạ của thị trường tiêu thụ, trong khi những người khác thì chỉ có thể ngó tới những điều đó từ bên ngoài và đồng thời, cuộc đời của họ vẫn tiếp tục diễn ra và kết thúc cách nghèo hèn.

102.Người ta vẫn thường nghe nói rằng, khi chứng kiến sự tương đối và những giới hạn của thế giới ngày nay, thì những điều chẳng hạn như trại tị nạn, sẽ là một vấn đề không mấy quan trọng. Một số người Công Giáo quả quyết rằng, đó là một đề tài phụ so với đề tài “có tính nghiêm túc” hơn, đó là luân lý sinh học. Nếu một chính trị gia chỉ quan tâm tới sự thành công của mình mà nói về điều đó như thế, thì người ta có thể hiểu được, nhưng một Ki-tô hữu mà nói như vậy thì không ai có thể hiểu được; thái độ thích hợp nhất đối với người Ki-tô hữu chính là việc đặt mình vào trong hoàn cảnh của những người anh chị em mà họ đang phải mạo hiểm với cuộc sống của mình để giới thiệu cho con cái họ một tương lai tốt hơn. Chẳng lẽ chúng ta không thấy rằng, đó chính là điều mà Chúa Giê-su đang đòi hỏi từ nơi chúng ta hay sao khi Ngài nói với chúng ta rằng, khi chúng ta tiếp rước bất cứ người khách lạ nào là chúng ta đang tiếp rước chính Ngài (xc. Mt 25,35)? Thánh Biển Đức Đã tiếp nhận điều đó cách vô điều kiện. Và như thế, dù nó có thể làm cho đời sống của các Đan Sĩ „trở nên phức tạp “, nhưng Thánh Nhân vẫn cứ ấn định rằng, tất cả mọi khách khứa khi đến Đan Viện, đều nên được tiếp đón „như Chúa Ki-tô[85], bằng cách chứng tỏ cho họ thấy những dấu chỉ của sự kính trọng[86], còn những người nghèo và các khách hành hương thì càng nên được đối xử cách đặc biệt hơn với „sự nồng hậu và sự quan tâm[87].

103.Cựu Ước cũng trình bày tương tự như thế khi nói: „Người ngoại kiều, ngươi không được ngược đãi và áp bức, vì chính các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai-cập“ (Xh 22,20). „Khi có ngoại kiều cư ngụ với các ngươi trong xứ các ngươi, các ngươi đừng ức hiếp nó. Các ngươi phải đối xử với người ngoại kiều cư ngụ với các ngươi như với một người bản xứ, một người trong các ngươi; các ngươi phải yêu nó như chính mình, vì các ngươi đã từng là ngoại kiều tại đất Ai-cập“ (Lv 19,33-34). Vì thế, đó không phải là sự sáng chế của một Giáo Hoàng hay là một sự hứng khởi nhất thời. Trong bối cảnh hiện tại, chúng ta cũng được kêu gọi hãy sống con đường soi sáng thiêng liêng mà Ngôn Sứ Isaia đã vạch ra cho chúng ta, khi Ngài tự hỏi rằng, điều gì làm đẹp lòng Thiên Chúa nhất: „Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục? Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông“ (Is 58,7-8).

Phụng Vụ làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn

104.Có lẽ chúng ta nghĩ rằng, chúng ta chỉ có thể tôn vinh Thiên Chúa bằng việc cử hành Phụng Vụ và cầu nguyện, hay chỉ khi chúng ta tuân giữ một số những quy định về luân lý – trong thực tế, mối tương quan với Thiên Chúa có ưu thế nhiều hơn -, và ở đây chúng ta đừng quên rằng, tiêu chuẩn để đánh giá về cuộc sống chúng ta hệ tại trước tiên ở chỗ chúng ta đã làm gì cho người khác. Cầu nguyện thì rất giá trị nếu nó thúc đẩy sự trao hiến đầy yêu thương hằng ngày. Việc cử hành Phụng Vụ của chúng ta cũng rất làm hài lòng Thiên Chúa nếu chúng ta đặt vào đó những ý định của mình trong việc sống quảng đại, và khi chúng ta để cho ân sủng của Thiên Chúa, tức điều mà chúng ta đã lãnh nhận trong khi cử hành Phụng Vụ, trở nên hữu hình trong việc trao hiến bản thân mình cho những người anh chị em.

105.Từ lý do đó, cách thức tốt nhất để đánh giá xem liệu con đường cầu nguyện của chúng ta có xác thực hay không, hệ tại ở chỗ quan sát xem, cuộc sống của chúng ta đã được biến đổi trong ánh sáng của Lòng Xót Thương tới mức nào. Vì „Lòng Thương Xót không chỉ là một nét đặc trưng nơi hành động của Thiên Chúa […]. Đúng hơn, nó cũng còn trở thành tiêu chuẩn mà theo đó, người ta có thể nhận ra ai là những người con đích thực của Ngài[88]. Lòng Xót Thương chính là „đòn cáng nâng đỡ đời sống Giáo hội[89]. Cha muốn nhấn mạnh thêm một lần nữa rằng: Mặc dầu Lòng Thương Xót không loại trừ công lý và sự thật, „thì chúng ta cũng phải giải thích một cách rõ ràng rằng, Lòng Thương Xót chính là sự sung mãn của đức công chính và là sự biểu thị sáng tỏ nhất về chân lý của Thiên Chúa[90]. Nó chính là „chìa khóa để mở vào Thiên Đàng[91].

106.Cha không thể không nhắc tới câu hỏi mà Thánh Tô-ma Aquinô đã tự đặt ra cho mình trong mối liên hệ đến những hành động lớn nhất của chúng ta, đến những công việc bên ngoài mà chúng diễn tả Đức Mến của chúng ta đối với Thiên Chúa cách tốt nhất. Ngài đã trả lời một cách không do dự rằng, đó là những công việc của Đức Thương Xót đối với tha nhân[92], chứ không phải là những nghi lễ Phụng Tự: „Chúng ta tôn vinh Thiên Chúa thông qua những hy sinh và những lễ vật bên ngoài không phải vì Ngài, nhưng là vì chúng ta và vì tha nhân; vì Ngài không cần đến những hy sinh của chúng ta, nhưng Ngài muốn rằng, những hy sinh đó được dâng lên Ngài vì sự hết lòng hết dạ của chúng ta cũng như vì lợi ích của tha nhân. Vì thế, Lòng Nhân Hậu, mà qua đó chúng ta đến giúp đỡ những người đang gặp cảnh khốn cùng, sẽ là một hy lễ làm đẹp lòng Ngài hơn, vì nó đem đến lợi ích cho tha nhân[93].

107.Ai muốn tôn vinh Thiên Chúa trong chân lý với cuộc sống của mình, ai thực sự khát khao nên thánh, để kiếp sống người ấy làm vinh danh Thiên Chúa chí thánh, người ấy được kêu gọi hãy khát khao đến mòn mỏi và gắng sức trong sự nỗ lực để sống các công việc của đức thương người. Thánh Tê-rê-sa Calcutta đã hiểu rất rõ điều ấy: “Đúng là tôi đang có rất nhiều những yếu đuối của con người, rất nhiều những điều hèn hạ của con người. […] Nhưng Ngài đã hạ mình xuống và sử dụng những điều hèn yếu đó của chúng ta – của bạn và của tôi -, để chúng ta trở thành Tình Yêu và sự cảm thông của Ngài trong thế giới này, bất chấp những tội lỗi, những điều hèn yếu và những khiếm khuyết của chúng ta. Ngài lệ thuộc vào chúng ta trong việc yêu thương thế giới và chỉ cho thế giới thấy, Ngài rất yêu thương nó là dường nào. Nếu chúng ta quá lo lắng cho chính mình, thì chúng ta sẽ không có thời gian cho người khác nữa[94].

108.Chủ nghĩa tiêu thụ khoái lạc có thể đánh lừa chúng ta, vì rốt cục, trong khi tìm kiếm thú vui, chúng ta sẽ tập trung quá đáng vào chính mình, vào những quyền lợi của mình và vào việc săn đuổi thời gian rảnh rỗi cách điên cuồng để tận hưởng cuộc sống. Dồn sức và dấn thân để giúp những người cùng khốn là điều rất khó đối với chúng ta nếu chúng ta không tập cho mình có được một sự đơn sơ mộc mạc nào đó và chiến đấu chống lại sự cưỡng ép phải mua bán đầy hối hả của xã hội tiêu thụ, mà cuối cùng nó sẽ chỉ biến chúng ta thành những kẻ nghèo hèn đầy bất mãn, tức những kẻ muốn có và muốn nếm thử tất cả. Sự tiếp thu những tin tức hời hợt và những hình thức giao tiếp nhanh ảo có thể trở thành một yếu tố làm cho nên ngu ngốc, và yếu tố đó sẽ cướp đi tất cả mọi thời gian của chúng ta, cũng như làm cho chúng ta trở nên xa lạ với thân xác đầy khổ đau của những người anh chị em. Giữa cảnh huyên náo hiện tại này, Tin Mừng lại tái vang lên để giới thiệu cho chúng ta một cuộc sống khác lành mạnh và hạnh phúc hơn.

            *  *  *

109.Khả năng làm chứng của các Thánh hệ tại ở chỗ sống các Mối Phúc và các quy chuẩn của ngày phán xét chung. Đó là một vài lời mộc mạc nhưng có tính thực hành và có hiệu lực đối với tất cả; thực ra, Ki-tô giáo được thực hiện và được sống cách đặc biệt cho những Mối Phúc và cho những quy chuẩn đó; nếu Ki-tô giáo cũng là đối tượng của sự suy tư, thì sự suy tư ấy chỉ có giá trị nếu nó giúp người ta sống Tin Mừng trong cuộc sống hằng ngày. Cha khuyên mọi người cách đặc biệt rằng, hãy năng đọc đi đọc lại các bản văn Kinh Thánh ấy để nhớ tới các mối phúc và các quy chuẩn đó, cầu nguyện với chúng và cố gắng tạo hình cho chúng. Chúng sẽ đem đến rất nhiều lợi ích cho chúng ta cũng như sẽ làm cho chúng ta được hạnh phúc đích thực. (Còn tiếp).

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cistchuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội