Tông Huấn „Gaudete et exsultate  - Hãy vui mừng hoan hỷ“ của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô:

 

CHƯƠNG IV

 

MỘT SỐ NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA SỰ THÁNH THIỆN TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY

 

110.Trong phạm vi to lớn của sự thánh thiện mà các Mối Phúc cũng như Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu 25,31-46 đã giới thiệu cho chúng ta, Cha muốn nêu ra một số nét đặc trưng hay những biểu thức thiêng liêng, mà theo quan điểm của Cha, chúng không được phép thiếu trong việc hiểu về cách sống mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta thực hiện. Cha sẽ không dừng lại ở việc giải thích về các phương pháp giúp nên thánh mà chúng ta đã biết rồi: những phương pháp cầu nguyện khác nhau, các Bí Tích vô cùng quý giá như Bí Tích Thánh Thể, Bí Tích Giao Hòa, việc dâng lễ, những hình thức đạo đức khác nhau, sự đồng hành thiêng liêng và rất nhiều những điều khác. Cha sẽ chỉ liên hệ đến một số khía cạnh của lời mời gọi nên thánh, mà về những khía cạnh đó, Cha hy vọng rằng, chúng sẽ thấy được sự cộng hưởng trong một cách thế đặc biệt.

 

111.Những đặc tính nêu trên, tức những đặc tính mà Cha muốn làm nổi bật, không bao hàm hết tất cả những gì mà chúng có thể tạo nên hình thù cho một mô hình thánh thiện nào đó. Nhưng có năm đặc tính lớn của Đức Mến đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân, mà dựa vào kinh nghiệm riêng cũng như dựa vào những giới hạn của nền văn hóa ngày nay, Cha thấy chúng có một tầm quan trọng đặc biệt. Nền văn hóa đó cho thấy: sự bất an đầy căng thẳng, cáu gắt và làm cho chúng ta bị phân tán cũng như trở nên yếu nhược; thế giới quan tiêu cực và sự buồn chán; sự uể oải ươn lười, việc thích hưởng thụ và tính ích kỷ; chủ nghĩa cá nhân và rất nhiều những hình thức linh đạo sai trái khác, mà nơi chúng không hề có chuyện gặp gỡ Thiên Chúa, nhưng chúng lại đang thống trị lãnh vực tôn giáo hiện tại.

 

Khả năng chịu đựng, sự kiên nhẫn và sự dịu hiền

 

112.Điểm trước tiên của những đặc tính quan trọng đó, chính là việc quy hướng về Thiên Chúa và bám rễ sâu trong Ngài, Đấng yêu thương và bênh đỡ chúng ta. Nhờ vào việc bén rễ sâu ấy trong Thiên Chúa, người ta sẽ có thể chịu đựng và kiên nhẫn trước những điều gây khó chịu và buồn bực, và trong mọi chiều kích cao sâu của cuộc sống, kể cả những thái độ thù địch của người khác, sự bất trung và những khiếm khuyết của họ: “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?” (Rm 8,31). Đó chính là nguồn mạch bình an được biểu lộ trong thái độ của một tâm hồn. Khởi đi từ sự bén rễ sâu xa như thế, chứng tá về sự thánh thiện trong một thế giới gia tốc, thất thường và đầy thù địch của chúng ta, sẽ bao gồm cả sự kiên nhẫn cũng như sự kiên định trong những điều tốt lành. Đó là sự trung tín của Đức Ái, vì ai trông cậy vào Thiên Chúa (tiếng Hy-lạp là pistis), thì người ấy cũng sẽ có thể trung tín với những người anh chị em (tiếng Hy-lạp là pistos), và trong những thời điểm nguy nan, người ấy sẽ không bỏ rơi những người anh chị em của mình trong cơn túng quẫn, người ấy sẽ không để cho mình bị truyền nhiễm bởi nỗi sợ hãi của những người khác, và luôn luôn kiên tâm đứng về phía những người anh chị em ngay cả khi điều đó không mang đến cho mình những đền bù trực tiếp nào.

 

113.Thánh Phao-lô đã mời gọi các tín hữu Rô-ma “đừng lấy ác báo ác” (Rm 12,17), đừng “tự mình báo oán” (Rm 12,19), và đừng để mình bị khuất phục bởi sự ác, nhưng hãy “lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12,21). Thái độ đó không phải là biểu hiện của những điều yếu kém, nhưng là của những điều thực sự mạnh mẽ, vì chính Thiên Chúa là “Đấng nhẫn nại và đầy quyền năng” (Nh 1,3). Lời Chúa mời gọi chúng ta: “Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác” (Eph 4,31).

 

114.Chúng ta phải chiến đấu và phải lưu tâm tới những xu hướng hận thù và quy ngã của mình, để không cho phép chúng được bén rễ sâu trong lòng: “Anh em nổi nóng ư? Đừng phạm tội! Chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Eph 4,26). Khi gặp những hoàn cảnh có khả năng gây ra những điều xấu, thì chúng ta vẫn luôn có thể quay về với chiếc neo, tức lời cầu nguyện liên lỷ, chiếc neo đó sẽ tái làm cho chúng ta được tín thác vào trong đôi bàn tay của Thiên Chúa và vào nguồn mạch bình an: „Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su“ (Phl 4,6-7). 

 

115.Ngay cả các Ki-tô hữu cũng có thể trở nên thành tố của mạng lưới bạo lực bằng lời nói trên Internet và trên những diễn đàn khác nhau, cũng như trên những không gian trao đổi kỹ thuật số. Thậm chí, trên các phương tiện truyền thông Công giáo, những ranh giới cũng có thể bị bước qua; những lời nói xấu và những lời thêu dệt tồi tệ thường trở nên quen thuộc, và bất kỳ nền luân lý hay sự tôn trọng nào đối với người khác cũng đều bị bỏ qua. Và như thế sẽ phát sinh ra một lưỡng cực đầy nguy hiểm, vì nhiều điều không thể tha thứ trong đời sống xã hội thì lại được nói tới trên mạng lưới này, và người ta cố gắng bù đắp lại sự bất mãn của mình bằng việc chất đầy những nỗi khát khao trả thù. Nên chú ý rằng, với việc mượn cớ là để bảo vệ các giới luật khác, thì giới luật thứ tám – “ngươi không được làm chứng gian” – đôi khi hoàn toàn bị bỏ qua, và danh thơm tiếng tốt của người khác bị hủy hoại một cách không thương tiếc. Ở đó không cho thấy bất cứ sự kiểm soát nào, đến độ cái lưỡi trở thành “cả một thế giới sự ác” và “đốt cháy bánh xe cuộc đời”, trong khi “chính nó sẽ bị lửa hỏa ngục đốt cháy” (Gc 3,6).

 

116.Sự bén rễ sâu trong nội tâm chính là một công việc của ân sủng, và nó bảo vệ chúng ta trước việc để cho mình bị lôi cuốn bởi bạo lực đang phát tán trong đời sống xã hội. Vì ân sủng sẽ làm cho sự kiêu căng trở nên yếu nhược, và khích lệ sự dịu hiền của con tim. Thánh Nhân sẽ không phung phí năng lực của mình trong việc than phiền về những khuyết điểm của người khác; Ngài có thể thinh lặng trước những yếu đuối của những người anh chị em mình, và ngăn ngừa sự bạo lực bằng lời nói, bởi sự bạo lực này cũng có khả năng hủy hoại và hành hạ người khác; thực ra, Ngài sẽ không cho mình là xứng đáng với sự hà khắc đối với người khác, nhưng đúng hơn, quý trọng họ và “coi họ tốt hơn mình” (Pl 2,3).

 

117.Sẽ chẳng có ích lợi gì cho chúng ta nếu đứng ở bên trên mà nhìn xuống, đặt mình vào vị trí của vị quan tòa bất khoan dung, coi người khác không xứng, và thường xuyên muốn đưa ra những lời giáo huấn. Đó là một hình thức bạo lực rất tinh xảo[95]. Thánh Gio-an Thánh Giá đã đề nghị một điều hoàn toàn khác: “Càng ngày càng phải trở nên một người bạn hữu được mọi người chỉ bảo, đừng muốn dậy dỗ chỉ bảo ai, cho dù đó chỉ là một người nhỏ bé nhất trong số tất cả mọi người[96]. Và Ngài bổ sung thêm một đề nghị để ngăn chặn sự thù nghịch: “Trong khi bạn đang vui mừng về những điều tốt lành nơi những người khác như thể đó là điều tốt lành của chính bạn, và mong muốn rằng – thực ra là với con tim chân thành -, người ta sẽ dành ưu tiên cho họ hơn bạn, trong tất cả mọi sự. Bằng cách đó, bạn sẽ chiến thắng được sự ác nhờ vào sự thiện, và sẽ đẩy xa được thần dữ, cũng như sẽ đạt tới được niềm vui của tâm hồn. Hãy cố gắng thực hiện điều đó ngay cả đối với những người mà họ ít có thiện cảm nhất đối với bạn. Và hãy biết rằng, nếu bạn không thực hiện điều đó thì bạn sẽ không đạt được Đức Ái đích thực và cũng chẳng có thể tiến bộ trong Đức Ái được.[97].

 

118.Sự khiêm nhượng chỉ có thể đâm rễ trong tâm hồn thông qua những điều khổ nhục. Nếu không có sự khổ nhục thì sẽ chẳng có sự khiêm nhượng cũng chẳng có sự thánh thiện. Nếu bạn không có khả năng chịu đựng một số sự khổ nhục và hy sinh, thì bạn sẽ không có sự khiêm tốn, và bạn cũng không ở trên con đường thánh thiện. Sự thánh thiện mà Thiên Chúa ban cho Giáo hội của Ngài, sẽ đến thông qua sự chịu khổ nhục của Con Ngài, đó là con đường. Việc chịu khổ nhục sẽ làm cho bạn nên giống Chúa Giê-su, nó chính là thành phần không thể thiếu trong việc đi theo Chúa Ki-tô: “Thật vậy, Đức Ki-tô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người” (1 Phr 2,21). Về phía mình, Ngài diễn tả sự khiêm nhượng của Thiên Chúa Cha, Đấng khiêm nhượng để lên đường cùng với dân Ngài, Đấng chịu đựng những điều bất trung và sự càm ràm của dân này (xc. Xh 34,6-9; Kn 11,23-12,2; Lc 6,36). Vì lý do đó, sau khi bị hành hạ và tra tấn, “lòng các Tông Đồ đầy hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su” (Cv 5,41).

 

119.Cha không chỉ liên hệ đến những tình cảnh nghiệt ngã của việc chịu Tử Đạo, nhưng cũng còn liên hệ đến những khổ nhục hằng ngày của những người phải giữ thinh lặng để cứu gia đình mình; hay những người cố tránh việc nói tốt về chính mình, nhưng lại thích khen ngợi người khác thay vì tự khoe khoang; những người tự chọn lấy cho mình những nhiệm vụ không mấy danh dự, và thậm chí đôi khi còn thích gánh chịu những điều bất công để hiến dâng nó cho Thiên Chúa: “Nếu làm việc lành và phải khổ mà anh em vẫn kiên tâm chịu đựng, thì đó là ơn Thiên Chúa ban” (1 Phr 2,20). Điều đó không có nghĩa là chạy tới chạy lui với cái đầu cúi gằm để ít phải nói, hay để chạy trốn cộng đồng. Đôi khi một người nào đó có thể - chính vì người ấy được giải thoát khỏi sự quy ngã – dám đối thoại với một cách thức đầy tình mến để thúc đẩy nền công lý hay bảo vệ những người yếu trước những kẻ mạnh, ngay cả khi người ấy phải gánh chịu những hậu quả rất tiêu cực cho thanh danh và uy tín của mình.

 

120.Cha không nói rằng, sự khổ nhục là một điều chi đó khoan khoái dễ chịu – vì như thể sẽ là chứng thống dâm -, nhưng Cha chỉ muốn nói rằng, đó là một con đường để noi gương Chúa Giê-su và lớn lên trong sự hiệp nhất với Ngài. Điều này sẽ không thể hiểu được bằng cách thức tự nhiên, và thế gian sẽ chế giễu trước một đề nghị như thế. Đó là một ơn mà chúng ta phải cầu xin: “Lạy Chúa, khi những khổ nhục đến, xin Chúa hãy giúp con nhận ra rằng, con đang đi theo Chúa trên con đường của Chúa.”

 

121.Một thái độ như thể giả thiết phải có một con tim được Chúa Giê-su an ủi vỗ về, và được giải phóng khỏi sự hung hăng mà nó phát sinh từ mội cái TÔI quá đáng. Chính sự an ủi vỗ về do ân sủng mang đến, sẽ cho phép chúng ta duy trì sự an bình nội tâm cũng như kiên định và bền tậm trong những điều tốt lành, ngay cả khi tôi phải đi “qua thung lũng âm u” (Tv 23,4), hay “dù cả một đạo quân vây đánh” (Tv 27,3). Được đặt nền vững chắc trong Thiên Chúa, trên đá tảng, chúng ta sẽ có thể hát lên: “Thư thái bình an vừa nằm con đã ngủ, vì chỉ có mình Ngài, lạy Chúa, ban cho con được sống yên hàn” (Tv 4,9). Cuối cùng, chính Chúa Ki-tô “là bình an của chúng ta” (Ep 2,14), Ngài đến “để dẫn ta bước vào đường nẻo bình an” (Lc 1,79). Ngài đã truyền đạt cho Thánh Faustyna Kowalska rằng: “Nhân loại sẽ không thấy được sự bình an cho tới bao lâu họ chưa hướng về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa với niềm tín thác[98]. Vì thế, chúng ta đừng để mình rơi vào cơn cám dỗ xúi người ta kiếm tìm sự bình an nội tại qua những thành công, qua những thú vui trống rỗng, trong những tài sản vật chất, trong sự thống trị người khác, hay trong thanh danh và uy tín xã hội: “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng” (Ga 14,27).

 

Niềm vui và yêu thích sự hài hước

 

122.Điều đã được nói từ trước đến giờ không bao hàm một tinh thần lãnh đạm, buồn rầu, cay cú hay sầu muộn, hay một hình thức yếu ớt không sức lực nào đó. Thánh Nhân là người có khả năng sống với niềm vui và yêu thích sự hài hước. Vì không đánh mất ý nghĩa đối với thực tế nên Ngài có thể soi sáng cho những người khác với một tinh thần tích cực và đầy hy vọng. Trở thành Ki-tô hữu có nghĩa là “bình an hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17), vì “từ Đức Mến thánh thiện sẽ nhất định phải dẫn tới niềm vui. Vì người yêu sẽ vui mừng về việc được liên kết với người mình yêu […]. Vì thế, môn sinh của Đức Mến chính là niềm vui[99]. Chúng ta đã lãnh nhận vẻ đẹp của Lời Chúa, và “đã đón nhận Lời Chúa giữa bao nỗi gian truân với niềm vui do Thánh Thần ban tặng” (1 Tx 1,6). Nếu chúng ta để cho Thiên Chúa kéo chúng ta ra khỏi tấm băng niệm của mình cũng như để cho Ngài biến đổi cuộc sống chúng ta, thì chúng ta sẽ có thể hiện thực hóa điều mà Thánh Phao-lô mời gọi: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!” (Pl 4,4).

 

123.Các Ngôn Sứ đã công bố thời đại của Chúa Giê-su, tức thời đại mà chúng ta đang sống, như là một sự mạc khải về niềm vui: „Hãy reo hò mừng rỡ!“ (Is 12,6). „Hỡi kẻ loan tin mừng cho Xi-on, hãy trèo lên núi cao. Hỡi kẻ loan tin mừng cho Giê-ru-sa-lem, hãy cất tiếng lên cho thật mạnh” (Is 40,9). “Trời hãy hò reo, đất hãy nhảy mừng, núi non hãy bật tiếng hò reo, vì Đức Chúa ủi an dân Người đã chọn và chạnh lòng thương những kẻ nghèo khổ của Người” (Is 49,13). “Nào thiếu nữ Xi-on, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng” (Dc 9,9). Chúng ta đừng quên lời mời gọi của Nơ-hê-mi-a: “Anh em đừng buồn bã, vì niềm vui của Đức Chúa là thành trì bảo vệ anh em" (Nk 8,10).

 

124.Đức Maria đã hiểu để khám phá ra điều mới mẻ mà Chúa Giê-su đã mang đến cho chúng ta, và Mẹ đã hát lên: “Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lc 1,47). Chính Chúa Giê-su “được Thánh Thần tác động, đã hớn hở vui mừng” (Lc 10,21). Khi Ngài đi ngang qua, “toàn thể đám đông đều vui mừng” (Lc 13,17). Sau khi Ngài phục sinh, bất cứ nơi nào có sự hiện diện của các Tông Đồ, thì “đại niềm vui đều ngự trị ở đó” (Cv 8,8). Chúa Giê-su đã trao cho chúng ta một sự bảo đảm rằng: “Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui. […] Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được” (Ga 16,20.22). “Thầy nói với anh em điều đó để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (Ga 15,11).

 

125.Có những khoảnh khắc khó khăn, những thời điểm thập giá, nhưng không gì có thể hủy hoại được niềm vui siêu nhiên: “Niềm vui sẽ thích ứng và biến đổi, và luôn luôn tồn tại, ít nhất thì cũng như một tia sáng mà nó có thể thấy rõ từ niềm xác tín cá nhân để được yêu mến vượt trên mọi ranh giới[100]. Đó là một bảo đảm nội tại, một sự thanh thản đầy hy vọng có khả năng trao tặng niềm vui tinh thần, mà niềm vui này không thể hiểu được chiếu theo các quy chuẩn thế gian.

 

126.Cứ sự thường thì niềm vui Ki-tô giáo sẽ luôn được đi kèm theo với việc yêu thích sự hài hước một cách rất đặc biệt, chẳng hạn như nơi Thánh Thomas Mor, Thánh Vinh-sơn Phao-lô hay nơi Thánh Philip phê Nê-ri. Sự bất mãn không phải là chỉ dấu của sự thánh thiện: “Hãy đẩy lui sầu não khỏi tâm hồn” (Gv 11,10). Có rất nhiều điều chúng ta đã lãnh nhận được từ Thiên Chúa “để chúng ta hưởng dùng” (1 Tm 6,17), đến độ đôi khi sự buồn rầu sẽ có việc phải làm với sự vô ơn: người ta tự nhốt mình lại trong chính mình đến độ không còn có khả năng nhận ra những ân ban của Thiên Chúa nữa[101].

 

127.Tình Yêu hiền phụ của Ngài mời gọi chúng ta: “Con ơi, hãy làm cho đời con được tốt đẹp […]Đừng từ chối không hưởng một ngày vui” (Hc 14.11.14). Ngài muốn chúng ta trở nên tích cực, đầy lòng biết ơn và đừng rắc rối quanh co: “Ngày gặp may mắn, hãy cứ vui hưởng […] con người do Thiên Chúa làm nên, vốn đơn sơ ngay thẳng, nhưng chính họ lại đi tìm đủ chuyện rắc rối quanh co” (Gv 7,14.29). Trong bất cứ trường hợp nào đi nữa, người ta cũng phải duy trì cho được tinh thần linh hoạt và lanh lợi, và thực hiện điều đó như Thánh Phao-lô: “Tôi đã học để hài lòng trong bất cứ hoàn cảnh nào” (Phl 4,11). Thánh Phan-xi-cô Assisi cũng đã sống điều đó. Ngài vẫn đầy lòng biết ơn và cảm tạ ngay cả khi nhận được một khúc bánh mì quá cứng, hay vẫn có thể ngợi khen một mình Thiên Chúa với tất cả niềm hạnh phúc vì làn gió thoảng đã phất nhẹ trên khuôn mặt của Ngài.

 

128.Cha không nói về niềm vui có xu hướng hưởng thụ và mang tính cá nhân chủ nghĩa mà nó đang hiện hữu trong một số biểu hiện văn hóa của thời đại hôm nay. Vì sự hưởng thụ sẽ chỉ nhét đầy con tim; nó có thể giới thiệu những lạc thú chớp nhoáng và mau qua, nhưng không có niềm vui. Đúng hơn, ở đây Cha chỉ có ý liên hệ tới niềm vui mà người ta nếm trải trong sự hiệp thông, người ta chia sẻ và phân phát, vì “cho thì có phúc hơn nhận” (Cv 20,35), và “ai vui vẻ dâng hiến thì được Thiên Chúa yêu thương” (2 Cor 9,7). Tình Yêu huynh đệ sẽ làm cho khả năng vui mừng của chúng ta được nhân lên gấp bội, vì Tình Yêu ấy làm cho chúng ta có khả năng vui mừng về niềm hạnh phúc của người khác: “Hãy vui với người vui” (Rm 12,15). “Chúng tôi vui mừng khi chúng tôi yếu mà anh em vẫn mạnh” ( 2Cr 13,9). Trái lại, nếu chúng ta „quy hướng một cách quá đáng vào những nhu cầu riêng của mình, thì chúng ta sẽ tự tuyên án cho mình phải sống thiếu niềm vui[102].

 

Can đảm và nhiệt thành

 

129.Đồng thời, sự thánh thiện cũng có nghĩa là parrhesía (tiếng Hy-lạp: παρρησία – tự do ngôn luận, lên tiếng theo bổn phận): nó là sự can đảm, là sự thôi thúc loan báo Tin Mừng, mà việc loan báo ấy để lại một dấu ấn nơi thế giới. Để điều đó trở thành khả thể, chính Chúa Giê-su đã đến với chúng ta và nói với chúng ta nhiều lần với tất cả sự thản nhiên và tính cương quyết rằng: “Anh em đừng sợ!” (Mc 6,50). “Thầy ở với anh em mọi ngày cho tới tận thế” (Mt 28,20). Những lời đó giúp chúng ta tiến về phía trước và phục vụ với một thái độ đầy can đảm mà Chúa Thánh Thần đã khơi lên trong các Tông Đồ và thôi thúc các Ngài công bố Chúa Giê-su Ki-tô. Lòng can đảm, niềm hăng say, nói với tất cả sự thẳng thắn, sự nhiệt thành tông đồ - tất cả những điều đó đều được hàm chứa trong một từ của tiếng Hy-lạp là parrhesía – παρρησία. Kinh Thánh cũng đã sử dụng từ này để diễn tả về sự tự do của một con người biết mở ra, vì con người ấy luôn sẵn sàng để cho Thiên Chúa và người khác sử dụng (xc. Cv 4,29; 9,28; 28, 31; 2Cr 3,12; Ep 3,12; Dt 3,6; 10,19).

 

130.Trong khi nêu ra những rào cản đối với việc loan báo Tin Mừng, Chân Phúc Phao-lô VI cũng đã nhắc đến việc thiếu parrhesía: „Việc thiếu niềm hăng say sẽ càng khiến cho vấn đề trở nên khó khăn hơn, bởi niềm hăng say phát sinh từ cõi lòng[103]. Chúng ta vẫn thường bị cám dỗ muốn ở lỳ mãi trên bờ vì ươn lười! Nhưng Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy xuống thuyền và thả lưới ở nơi những vùng biển sâu (xc. Lc 5,4). Ngài mời gọi chúng ta hãy sử dụng cuộc sống chúng ta vào việc phụng sự Ngài. Được neo chặt trong Ngài, chúng ta sẽ có được sự can đảm để đặt tất cả mọi đặc sủng của mình vào trong việc phục vụ người khác. Hy vọng rằng chúng ta sẽ cảm thấy được thúc bách bởi Tình Yêu của Ngài (xc. 2Cr 5,14) và có thể nói lên với Thánh Phao-lô: „Khốn cho tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng!“ (1Cr 9,16).

 

131.Chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giê-su: Sự đồng cảm sâu xa của Ngài đã không cho phép Ngài tự thu mình lại trong chính mình, đó không phải là sự đồng cảm gây tê liệt, nhút nhát hay bị thu hẹp, như thường diễn ra nơi chúng ta, nhưng hoàn toàn ngược lại. Đó là một sự đồng cảm đã thôi thúc Ngài đi ra khỏi chính mình với đầy sức mạnh để loan báo, để thi hành sứ mạng truyền giáo, để ra đi, để chữa lành và để giải thoát. Chúng ta hãy nhìn nhận những yếu đuối của mình, nhưng chúng ta cũng hãy để cho Chúa Giê-su lấy đi những yếu đuối đó và thôi thúc chúng ta lên đường truyền giáo. Chúng ta yếu đuối nhưng lại là những con người mang trong mình một kho tàng, mà kho tàng đó làm cho chúng ta nên vĩ đại, và kho tàng đó có thể làm cho những ai đón nhận nó được trở nên tốt hơn và hạnh phúc hơn. Sự quả cảm và niềm can đảm tông đồ chính là những yếu tố cấu thành nên sứ mạng truyền giáo.

 

132.Parrhesía chính là dấu chỉ để nhận biết Chúa Thánh Thần, và là bằng chứng cho sự đáng tin cậy của việc loan báo Tin Mừng. Nó là sự bảo đảm đầy vui mừng, mà sự bảo đảm ấy sẽ đưa chúng ta tới chỗ hãnh diện vì Tin Mừng mà chúng ta công bố, nó chính là sự tín thác không hề suy xuyển vào sự trung thành của vị chứng nhân hoàn toàn tín trung, mà vị chứng nhân ấy trao cho chúng ta một sự bảo đảm rằng, „không gì có thể tách chúng ta ra khỏi Tình Yêu của Thiên Chúa“ (Rm 8,39).

 

133.Chúng ta cần tới ơn thúc đẩy của Chúa Thánh Thần để không trở nên tê liệt  bởi sự sợ hãi và bởi sự tính toán hơn thiệt, cũng như không làm quen với việc lên đường nhưng chỉ trong những giới hạn an toàn. Chúng ta hãy nghĩ tới những không gian bị đóng kín, nhưng cuối cùng chúng lại đánh hơi theo những mốt thời thượng và làm cho chúng ta trở nên bệnh hoạn. Khi các Tông Đồ cảm thấy bị cám dỗ muốn để cho mình bị gây tê liệt trước những nỗi sợ hãi và những nỗi hiểm nguy, thì các Ngài đã cùng cầu nguyện và cầu xin cho được ơn parrhesía: „Giờ đây, lạy Chúa, xin để ý đến những lời ngăm đe của họ, và cho các tôi tớ Ngài đây được nói lời của Ngài với tất cả sự mạnh dạn“ (Cv 4,29). Và câu trả lời là: „Họ cầu nguyện xong, thì nơi họ họp nhau rung chuyển; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa“ (Cv 4,31).

 

134.Như Ngôn Sứ Giô-na, chúng ta luôn luôn ngấm ngầm bị cám dỗ muốn trốn vào một nơi an toàn, mà nơi ấy có thể có nhiều danh xưng: chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa duy linh, tự nhốt mình lại trong một thế giới chật hẹp, thiếu độc lập, hà tiện, lập đi lập lại những mô hình đã được định sẵn, duy tín, luyến tiếc quá khứ, bi quan, nại vào những quy tắc. Có lẽ chúng ta đã chống lại việc bỏ qua một lãnh vực mà chúng ta biết rất rõ cũng như rất dễ để vận dụng. Nhưng những khó khăn có thể là một điều chi đó, chẳng hạn như một trận cuồng phong, một con thuồm luồm, hay chỉ là một con sâu mà nó làm cho cây thầu dầu của Giô-na bị chết héo, hay như cơn gió nóng và ánh mặt trời thiêu đốt trên đầu Giô-na; như đối với ông, có thể chúng cũng có một chức năng như thế đối với chúng ta để làm cho chúng ta quay trở về với Thiên Chúa, Đấng đầy trìu mến và mong muốn lôi cuốn chúng ta vào một cuộc hành trình liên tục và canh tân.

 

135.Thiên Chúa luôn luôn là một sự mới mẻ, mà sự mới mẻ ấy thôi thúc chúng ta phải chia tay nhiều lần để lên đường và đi tới một nơi mới, vượt ra ngoài những gì đã quen biết để đi đến những vùng ngoại ô và những vùng biên thùy. Ngài thúc chúng ta đi tới đó, nơi hầu hết những con người tại đó đều đang bị tổn thương, nơi đang có những con người – dưới dáng vẻ hời hợt và sự xu thời – đang tiếp tục tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống. Thiên Chúa không biết sợ hãi! Ngài không biết sợ! Ngài luôn luôn vượt ra khỏi những khuôn mẫu có sẵn của chúng ta, và không hề sợ hãi trước những vùng ngoại ô. Chính Ngài đã lên đường để đi tới những vùng „ngoại vi“ (xc. Pl 2,6-8; Ga 1,14). Vì thế, nếu chúng ta dám đi tới những vùng ngoại biên, chúng ta sẽ bắt gặp Ngài ở đó, Ngài đã ở đó rồi. Chúa Giê-su đến trước chúng ta trong con tim của những người anh chị em, trong thân xác bị tổn thương của họ, trong đời sống bị áp bức của họ, trong tâm hồn bị phủ đầy bóng tối của họ. Ngài đã ở đó rồi.

 

136.Qủa thực, chúng ta phải mở cửa tâm hồn mình ra, vì Ngài đang gõ và đang gọi (xc. Kh 3,20). Tuy nhiên, đôi khi tôi phải tự hỏi, liệu có phải vì bầu khí ngột ngạt do sự quy ngã của chúng ta, nên Chúa Giê-su không còn gõ vào tâm hồn chúng ta, để chúng ta mở cửa cho Ngài nữa hay không. Trong Tin Mừng chúng ta thấy: „Chúa Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa“ (Lc 8,1). Và chúng ta cũng thấy điều đó sau cuộc phục sinh của Ngài, khi các Tông Đồ đi đến khắp nơi: „Có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng“ (Mc 16,20). Đó là sự năng động, mà sự năng động đó phát sinh từ cuộc gặp gỡ đích thực.

 

137.Những thói quen luôn chèo kéo chúng ta và khẳng định rằng, việc cố gắng để thay đổi một điều gì đó chẳng hề có ý nghĩa gì, và chúng ta không thể làm được gì khi chứng kiến tình cảnh đó, trước sau vẫn y nguyên, và rồi chúng ta vẫn tiếp tục sống mà! Vì chúng ta đã làm quen với chuyện đó nên chúng ta sẽ không chống lại sự ác nữa, và chúng ta để cho mọi chuyện “vẫn tiếp tục như chúng là”, hay như một số người đã quyết định rằng, chúng nên là như thế. Nhưng chúng ta hãy để cho Thiên Chúa đến để đánh thức chúng ta, để kéo chúng ta ra khỏi tình trạng ngái ngủ, cũng như giải phóng chúng ta khỏi tình trạng uể oải. Chúng ta hãy  can đảm đối đầu với những thói quen, chúng ta hãy tiếp tục mở cặp mắt và đôi tai của mình ra, nhưng đặc biệt là mở con tim, để cho chúng ta được thôi thúc nhờ vào những điều mà chúng diễn ra xung quanh chúng ta, và nhờ vào lời kêu gọi phát xuất từ Lời hằng sống và đầy công hiệu của Đấng Phục Sinh.

 

138.Mẫu gương của nhiều Linh mục, của nhiều nam nữ Tu Sĩ và của nhiều Giáo dân mà họ đã trao hiến với lòng trung tín lớn lao, để loan báo Tin Mừng và để phục vụ - thường thì qua sự dấn thân với tất cả cuộc sống của mình, và chắc chắc phải từ khước những tiện nghi dễ dãi – đang đặt chúng ta vào trong sự chuyển động. Chứng tá của họ nhắc nhớ chúng ta rằng, Giáo hội không cần có nhiều những người quan liêu và những viên chức, nhưng cần tới những nhà truyền giáo nhiệt thành và hăng hái, tức những người bị gây kiệt sức bởi niềm hăng hái muốn chia sẻ một cuộc sống đích thực. Các Thánh gây sửng sốt và đem tới sự bối rối, vì cuộc sống của các Ngài mời gọi chúng ta đi ra khỏi sự tầm thường vô tư và mê man.

 

139.Chúng ta hãy xin Chúa ban cho ơn đừng do dự khi Chúa Thánh Thần thôi thúc chúng ta tiến thêm một bước nữa về phía trước; chúng ta hãy xin cho được ơn can đảm tông đồ để tiếp tục chuyển giao Tin Mừng cho người khác, và đừng bao giờ biến cuộc sống Ki-tô hữu của mình thành một viện bảo tàng đầy những tư tưởng. Chúng ta phải nhất thiết để cho Chúa Thánh Thần thôi thúc hầu chúng ta biết quan sát lịch sử dưới dấu chỉ của Chúa Giê-su phục sinh. Bằng cách đó, thay vì trở nên mệt mỏi, Giáo hội sẽ tiếp tục tiến về phía trước và chào đón những điều gây ngỡ ngàng của Thiên Chúa.

 

Trong sự hiệp thông

 

140.Sẽ thật là khó khăn trong việc chiến đấu chống lại những ham muốn của mình, cũng như chống lại những truy đuổi và những cơn cám dỗ của sự ác và của thế giới ích kỷ, nếu chúng ta tự cô lập mình. Đó là một cuộc oanh tạc luôn luôn lôi cuốn chúng ta – nếu chúng ta quá cô lập – thì chúng ta sẽ dễ dàng đánh mất ý nghĩa đối với thực tế và sự trong sáng nội tâm, và rồi chúng ta sẽ bị khuất phục.

 

141.Việc nên thánh là một con đường chung, luôn luôn có hai người cùng đi. Vì thế, một số cộng đoàn thánh thiện đã phản ánh điều đó. Trong nhiều dịp khác nhau, Giáo hội đã phong thánh cho toàn bộ các cộng đoàn mà họ đã sống Tin Mừng cách anh hùng, hay đã hiến dâng cho Thiên Chúa sự sống của tất cả mọi thành viên trong cộng đoàn mình. Chúng ta hãy nghĩ tới, chẳng hạn như bảy vị Thánh sáng lập Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ, bảy Nữ Chân Phúc của Tu Viện Dòng Thăm Viếng tiên khởi tại Madrid, Thánh Phao-lô Miki và các bạn Tử Đạo tại Nhật Bản, Thánh Andrea Kim Taegong và các bạn Tử Đạo tại Hàn Quốc, Thánh Roque González de Santa Cruz và các bạn Tử Đạo tại Nam Mỹ. Chúng ta cũng hãy nhớ tới chứng tá mới đây của các Đan Sĩ Dòng Trappist tại Tibhirine (Algerie), các Ngài đã chuẩn bị sẵn sàng để cùng chịu Tử Đạo. Đồng thời cũng có nhiều cặp vợ chồng thánh thiện, mà nơi các Ngài, mỗi người đều là một khí cụ của Chúa Ki-tô để thánh hóa người bạn đời trong đời sống hôn nhân của mình. Sống chung hay làm việc chung với người khác, chắc chắn đó là một cách thức phát triển đời sống thiêng liêng rất tốt. Thánh Gio-an Thánh Giá đã nói với một trong các môn sinh của Ngài rằng: con hãy sống chung với những anh em khác, “để họ sửa chữa và chỉ dậy cho con[104].

 

142.Cộng đoàn được kêu gọi tạo nên “một địa điểm như thế của Thiên Chúa, mà tại địa điểm đó, sự hiện diện huyền nhiệm của Đấng Phục Sinh sẽ có thể được trải nghiệm[105]. Việc chia sẻ Lời Chúa với nhau và cùng cử hành Bí Tích Thánh Thể, sẽ càng ngày càng làm cho chúng ta trở thành những người anh chị em của nhau hơn, và biến chúng ta thành một cộng đoàn thánh thiện và truyền giáo. Từ đó cũng phát sinh ra những kinh nghiệm thần bí thực sự, và được sống trong sự hiệp thông như trường hợp của Thánh Biển Đức và của Thánh Scholastica, hay trong sự gặp gỡ tinh thần ở mức độ cao mà Thánh Augustinô và thân mẫu của Ngài, tức Thánh Monica, đã cùng trải qua: “Ngày mà thân mẫu của con phải giã từ cuộc sống dương thế này, đã tới gần – Chúa biết ngày đó, còn chúng con thì không -, vì tùy theo hoàn cảnh, và vì nó đã xảy ra, như nhờ vào sự quan phòng nhiệm mầu của Chúa, con tin rằng, cả hai chúng con – con và thân mẫu của con - sẽ đứng tựa vào một chiếc cửa sổ mà nó nhìn từ trong nhà ra vườn, và nó cho chúng con tá túc […] Nhưng trái tim chúng con lại khao khát những dòng nước từ trên cao, dòng nước phái sinh từ “nguồn mạch của Chúa”, “nguồn mạch sự sống, mà nguồn mạch ấy phát xuất từ nơi Chúa” […] Và trong khi chúng con nói về sự khôn ngoan vĩnh cửu ấy, hoàn toàn khao khát nó, thì chúng con sẽ chạm nhẹ tới nó hoàn toàn trong một nhịp đập của con tim […] và như thế, giờ đây sự sống sẽ trở nên vĩnh cửu, như được thấy rõ từ bây giờ, trong khoảnh khắc này, tức khoảnh khắc chỉ được coi như một tiếng thở dài của chúng con[106].

 

143.Nhưng những kinh nghiệm ẫy không phải là điều diễn ra thường xuyên và cũng chẳng phải là điều quan trọng nhất. Đời sống cộng đoàn – có thể ở trong gia đình, trong Giáo xứ, trong cộng đoàn Dòng Tu, hay trong những cộng đồng khác – bao gồm nhiều yếu tố nho nhỏ trong cuộc sống hằng ngày. Nó diễn ra trong sự hiệp thông thánh thiện mà Chúa Giê-su, Đức Maria và Thánh Giu-se đã hình thành nên, cũng như ở bất cứ nơi đâu mà tại đó, vẻ đẹp của sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa được phản ánh theo một cách thức hoàn toàn gương mẫu. Đó cũng là điều xảy ra trong đời sống chung mà Chúa Giê-su đã thực hiện với các môn đệ của Ngài cũng như với đám dân chúng giản dị mộc mạc.

 

Chúng ta cũng hãy nhớ tới việc Chúa Giê-su đã mời gọi các môn đệ của Ngài lưu tâm đến những chi tiết nho nhỏ như thế nào.

 

Chẳng hạn như chi tiết nhỏ về việc bị hết rượu trong một bữa tiệc.

 

Chi tiết nhỏ về việc bị thiếu một con cừu.

 

Chi tiết nhỏ về việc bà góa dâng cúng hai đồng xu.

 

Chi tiết nhỏ về việc dự trữ dầu cho đèn đuốc trong trường hợp chàng rể đến chậm.

 

Chi tiết nhỏ về việc Ngài yêu cầu các môn đệ phải kiểm tra lại xem còn được bao nhiêu chiếc bánh.

 

Chi tiết nhỏ về việc Ngài chuẩn bị sẵn lửa và cá để nướng trong lúc Ngài chờ đợi các môn đệ trong một buổi sáng sớm.

 

145.Nếu cộng đoàn nào trân quý những chi tiết nho nhỏ của Đức Ái [107], và trong cộng đoàn ấy, các thành viên luôn biết chăm lo cho nhau và hình thành nên một không gian mở đầy tính Tin Mừng hóa, thì cộng đoàn đó chính là nơi hiện diện của Đấng Phục Sinh, Ngài sẽ thánh hóa cộng đoàn ấy sao cho thích ứng với nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa Cha. Đôi khi, nhờ vào quà tặng ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta sẽ được ban cho những kinh nghiệm đầy an ủi của Thiên Chúa giữa những chi tiết nho nhỏ ấy: “Vào một buổi chiều mùa Đông nọ, khi tôi đang thực hiện những công việc phục vụ nho nhỏ của mình như thường lệ […] thì bỗng dưng tôi nghe thấy từ xa một âm điệu du dương của một nhạc cụ, khiến tôi cứ ngỡ rằng mình đang được ở trong một đại thính phòng tràn ngập ánh sáng, lấp lánh ánh vàng, tại đó có nhiều cô gái ăn bận rất lịch sự, họ trao đổi cho nhau những cái nhìn niềm nở và những lời khen tặng thế gian; sau đó tôi nhìn thấy một nữ bệnh nhân nghèo túng mà tôi đã hỗ trợ; thay vì một âm điệu, tôi lại nghe thấy những tiếng thờ dài than vãn suốt từ lúc này tới lúc khác […] Tôi không thể diễn tả được bằng lời về điều mà nó đã xảy ra trong tâm hồn mình; điều mà tôi biết, đó là việc Thiên Chúa đang soi sáng cho nữ bệnh nhân đó với những tia sáng của chân lý, mà những tia sáng ấy vượt trội sự huy hoàng lờ mờ của những buổi đại tiệc nơi dương thế này, đến độ tôi không thể diễn tả được niềm hạnh phúc của mình[108].

 

146.Để đối lại chủ nghĩa cá nhân hưởng thụ - mà rốt cục chủ nghĩa này sẽ cô lập và phong tỏa chúng ta trên con đường kiếm tìm niềm hạnh phúc cho người khác – thì chúng ta không được phép từ bỏ con đường nên thánh của mình, hầu đồng nhất với niềm mong muốn của Chúa Giê-su: “Xin cho tất cả nên một, như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha” (Ga 17,21).

 

Cầu nguyện liên lỷ

 

147.Ngay cả khi vấn đề có vẻ như quá ư là hiển nhiên đi nữa, thì chúng ta cũng phải nhớ rằng, sự thánh thiện hệ tại ở chỗ liên tục mở ra với siêu việt, mà sự siêu việt ấy biểu lộ trong sự cầu nguyện và trong sự tôn thờ. Thánh Nhân là một con người mang tinh thần cầu nguyện, là người cảm thấy cần phải có mối tương quan đối với Thiên Chúa. Ngài là người không chấp nhận chuyện bị chết ngạt trong sự khép kín nội tại của thế giới này, nhưng giữa những cố gắng của mình và sự trao hiến cho Thiên Chúa, muốn hít thở bầu không khí, mà bầu không khí ấy sẽ trở nên hoạt bát trong lời ngợi khen, cũng như đi ra khỏi những giới hạn của mình để đi tới với việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Cha không tin vào một sự thánh thiện mà không có sự cầu nguyện, ngay cả khi việc cầu nguyện ấy không nhất thiết phải diễn ra trong một thời gian dài, hay phải chứa đầy cảm xúc.

 

148.Thánh Gio-an Thánh Giá khuyên hãy “cố gắng để không ngừng bước đi trong sự hiện diện của Thiên Chúa – dầu trong thực tế, trong tưởng tượng hay trong sự kết hợp -, trong sự thích hợp với những công việc hay với những gì người ta đang thực hiện lúc đó[109]. Căn bản mà nói thì đó là niềm khát khao Thiên Chúa, mà tất nhiên, niềm khát khao ấy luôn biểu lộ theo một cách thức nào đó trong giữa cuộc sống hằng ngày của chúng ta: “Hãy cố gắng cầu nguyện liên lỷ, và đừng bỏ qua việc cầu nguyện ngay cả khi phải thực hiện những công việc thể lý. Dù ăn hay uống, dù nói chuyện với người khác, hay làm bất cứ việc gì đi nữa, thì cũng hãy luôn luôn thực hiện những công việc đó trong niềm khát khao Thiên Chúa và hướng con tim về với Ngài[110].

 

149.Nhưng để điều đó trở nên có thể, thì cần thiết phải có một số khoảnh khắc trong sự cô tịch với Thiên Chúa. Đối với Thánh Nữ Tê-rê-sa Avila thì cầu nguyện chính là một “cách cư xử đầy tình bằng hữu, bằng cách là chúng ta nói chuyện nhiều lần hoàn toàn một mình với Đấng mà chúng ta biết rằng, Ngài rất yêu thương chúng ta[111]. Cha muốn khẳng định rằng, điều này không chỉ có giá trị đối với một số người nhận được những ơn đặc biệt, nhưng là đối với tất cả, “vì tất cả chúng ta đều cần tới sự thinh lặng được lấp đầy bởi sự hiện diện có tính tôn thờ ấy[112]. Lời cầu nguyện đầy tín thác chính là một sự phản ứng của con tim biết mở ra cho Thiên Chúa để nói chuyện mặt giáp mặt với Ngài, nhưng trong cuộc chuyện vãn ấy, tất cả mọi lời lẽ đều trở nên im bặt để vâng phục giọng nói dịu hiền của Thiên Chúa, mà giọng nói ấy chỉ vang lên trong sự thinh lặng.

 

150.Trong sự thinh lặng ấy, người ta có thể nhận ra những cách thức nên thánh mà Thiên Chúa đề nghị với chúng ta, trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Trong trường hợp ngược lại, tất cả những quyết định của chúng ta đều chỉ có thể là “những đồ trang trí” mà chúng phủ lấp và bóp ngạt Tin Mừng, thay vì đưa Tin Mừng vào áp dụng trong cuộc sống chúng ta. Với bất cứ người môn đệ nào cũng vậy, việc ở cùng Thầy và lắng nghe Thầy, học và học luôn luôn từ Thầy, đó là điều vô cùng cần thiết. Nếu chúng ta không tuân phục thì tất cả mọi lời nói của mình cũng đều chỉ là những tiếng ồn, tiếng động, chúng không hề ích lợi gì.

 

151.Chúng ta hãy nhớ rằng: “Đó chính là sự chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Giê-su – Đấng đã chết và phục sinh – mà sự chiêm ngưỡng ấy sẽ tái phục hồi nhân tính chúng ta, ngay cả khi nhân tính ấy đã bị chia cắt bởi những nỗi cơ cực của cuộc sống, hay bị ghi đậm dấu ấn của tội lỗi. Chúng ta không được phép thuần hóa quyền năng phát xuất từ dung nhan Chúa Ki-tô.[113]. Vì thế, Cha xin mạn phép để hỏi bạn: Bạn đã dành ra khoảnh khắc nào để ngồi thinh lặng trong sự hiện diện của Chúa chưa? Bạn có dành ra khoảnh khắc nào để lưu lại bên Ngài một cách điềm đạm và không hề vội vã hấp tấp hay không? Và bạn đã dành ra những khoảnh khắc nào để ngồi đó cho Thiên Chúa nhìn ngắm bạn chưa? Bạn có để cho ngọn lửa của Ngài thiêu đốt con tim của mình hay không? Nếu bạn không để cho Ngài nuôi dưỡng nhiệt năng phát xuất từ Tình Yêu và sự trìu mến của Ngài, thì bạn sẽ không có được ngọn lửa. Và nếu thế thì bạn sẽ có thể đốt cháy con tim người khác qua chứng tá và những lời nói của bạn thế nào đây? Và nếu bạn vẫn chưa tạo ra ngọn lửa ấy trước dung nhan Chúa Giê-su để bạn được thánh hóa và được biến đổi, thì rồi Chúa Giê-su sẽ bước vào trong cõi lòng bạn, sẽ đưa bạn vào trong những vết thương của Ngài, vì Lòng Xót Thương của Thiên Chúa có chỗ của nó ở đó[114].

 

152.Nhưng Cha xin rằng, chúng ta đừng hiểu sự thinh lặng cầu nguyện là một sự trốn chạy mà thế giới xung quanh chúng ta vẫn có. Một người hành hương của Nga luôn luôn cầu nguyện trong lúc đi đường kể lại rằng, việc cầu nguyện ấy không tách ông ra khỏi thực tế bên ngoài: “Nó diễn ra hằng ngày, ngay cả khi tôi gặp gỡ bất cứ một ai đó, tất cả đều diễn ra như thế đối với tôi mà không có bất cứ một ngoại lệ nào, rất đáng yêu và gần gũi, kể cả khi họ là những người họ hàng thân quen của tôi […] Tôi không chỉ cảm thấy niềm hạnh phúc đó trong tâm hồn mình, nhưng kể cả thế giới bên ngoài cũng diễn ra với tôi rất tuyệt vời[115].

 

153.Lịch sử cũng không biến mất. Chính vì lời cầu nguyện tự nuôi sống mình bằng ân sủng của Thiên Chúa, mà ân sủng ấy được tuôn đổ vào trong cuộc sống chúng ta – do đó, việc cầu nguyện luôn luôn nên sở hữu một sự hồi tưởng tốt đẹp. Việc tưởng nhớ tới những hành động của Thiên Chúa chính là nền tảng căn bản cho kinh nghiệm về Giao Ước giữa Thiên Chúa và Dân Người. Vì Thiên Chúa muốn bước vào lịch sử, nên việc cầu nguyện sẽ được dệt nên bởi những ký ức: không phải chỉ từ ký ức về lời được mạc khải, nhưng cũng còn là sự hồi tưởng về cuộc sống riêng của mình, về cuộc sống của người khác, về điều mà Thiên Chúa đã thực hiện trong Giáo hội của Ngài. Đó là sự hồi tưởng đầy biết ơn mà Thánh I-nha-xi-ô Loyola cũng đã nói tới trong tác phẩm “Chiêm Ngưỡng để Đạt Tới Tình Yêu[116], khi Ngài thôi thúc chúng ta nhớ lại tất cả mọi điều tốt lành của Thiên Chúa mà chúng ta đã đón nhận từ Ngài. Hãy nhìn vào lịch sử đời bạn khi bạn cầu nguyện, và bạn sẽ thấy được trong lịch sử đó rất nhiều Lòng Xót Thương. Đồng thời điều này sẽ nuôi dưỡng trong bạn niềm ý thức rằng, Thiên Chúa luôn ghi nhớ bạn trong Ký ức của Ngài, và không bao giờ quên bạn. Vì thế, thật là ý nghĩa khi cầu xin Ngài, xin Ngài soi sáng cả những chi tiết nhỏ trong kiếp sống của bạn, mà những chi tiết đó không bao giờ bị Ngài bỏ qua.

 

154.Lời cầu nguyện liên lỷ chính là sự diễn tả của con tim biết tín thác vào Thiên Chúa và biết rằng, nếu chỉ một mình thì nó không thể thực hiện được bất cứ điều gì. Trong đời sống của Dân Chúa, chúng ta thấy được nhiều lời nguyện cầu chân thành, đầy tràn sự trìu mến và niềm tín thác thẳm sâu. Chúng ta đừng lấy đi giá trị của lời nguyện cầu, bởi lời nguyện cầu thường xuyên vỗ về con tim chúng ta và giúp chúng ta tiếp tục chiến đấu với niềm hy vọng. Lời nguyện giúp cầu thay có một giá trị đặc biệt, vì nó chính là một hành vi tín thác vào Thiên Chúa, và đồng lời cũng là một sự diễn tả về Đức Ái đối với tha nhân. Dựa vào những thiên kiến tâm linh, nhiều người tin rằng, cầu nguyện phải là một sự thuần chiêm niệm trước tôn nhan Thiên Chúa, mà không hề có những trệch hướng, đến độ danh tính và khuôn mặt của những người anh chị em cũng đều là một sự quấy rối cần phải ngăn ngừa. Trái lại, thực tế cho thấy rằng, việc cầu nguyện sẽ làm cho Thiên Chúa hài lòng hơn cũng như có khả năng thánh hóa hơn, nếu thông qua những lời nguyện giúp cầu thay, chúng ta cố gắng sống giới răn kép mà Chúa Giê-su đã để lại cho chúng ta. Lời nguyện giúp cầu thay chính là một sự diễn tả về sự dấn thân huynh đệ cho những người khác, nếu trong khi thực hiện việc cầu nguyện đó, chúng ta có khả năng đón nhận cuộc sống của người khác, với những nỗi khổ cực đang làm rối tung tâm hồn, cũng như với những giấc mơ tốt nhất của họ. Ai hiến thân cách quảng đại để thực hiện lời nguyện giúp cầu thay, thì người ta sẽ có thể nói về người đó với những lời sau đây của Kinh Thánh: “Người đó chính là bạn hữu của anh em mình, người cầu nguyện rất nhiều cho dân” (2 Mcb 15,14).

 

155.Nếu chúng ta thực sự tin rằng, Thiên Chúa luôn hiện hữu, thì chúng ta sẽ không thể bỏ qua chuyện tôn thờ Ngài – đôi khi trong sự thinh lặng được lấp đầy bởi sự tôn thờ – hay thường xuyên ca ngợi tán dương Ngài. Và như thế chúng ta sẽ diễn tả được điều mà Chân Phúc Charles de Foucauld đã sống khi Ngài nói: “Ngay sau khi tôi tin rằng có một Thiên Chúa, thì vấn đề đã trở nên rất rõ ràng với tôi như thế này: tôi không thể làm được bất cứ điều gì khác khi chỉ sống một mình cho Ngài[117]. Trong cuộc sống dân lữ hành của Thiên Chúa, có nhiều hành vi thờ phượng thuần túy và chân phương, chẳng hạn như khi “người lữ hành chiêm ngắm một bức họa mà nó là biểu tượng cho sự quan tâm đầy trìu mến và cho sự gần gũi của Thiên Chúa. Tình Yêu tạm ngừng, chiêm ngưỡng mầu nhiệm và vui mừng trong âm thầm về chuyện đó[118].

 

156.Việc đọc Lời Chúa trong tinh thần cầu nguyện, mà Lời Chúa “ngọt hơn mật ong” (Ps 119,103) và “và sắc bén hơn cả thanh gươm hãi lưỡi” (Dt 4,12) sẽ cho phép chúng ta tạm dừng để lắng nghe vị Thầy, và để Ngài trở nên nguồn soi sáng cho những bước chân chúng ta, soi sáng cho những con đường chúng ta đi (xc. Tv 119,105). Như các Đức Giám Mục Ấn-độ đã nhắc nhớ chúng ta rằng, “việc tôn kính Lời Chúa […] không chỉ là một trong nhiều hình thức tôn thờ tuyệt vời nhất, nhưng cũng còn là một sự lựa chọn nữa. Niềm tôn kính ấy thuộc về con tim cũng như thuộc về căn tính có tính sinh tử của đời sống Ki-tô giáo. Lời Thiên Chúa có một sức mạnh nội tại để biến đổi đời sống từng người[119].

 

157.Sự gặp gỡ với Chúa Giê-su trong Kinh Thánh sẽ dẫn chúng ta tới với Bí Tích Thánh Thể, nơi mà chính Lời Chúa đạt tới được hiệu năng cao nhất của mình, vì Bí Tích thánh Thể chính là sự hiện diện đích thực của Đấng là Lời Hằng Sống. Ở đó, chỉ tuyệt đối có một Đấng duy nhất nhận được sự tôn thờ cao nhất mà trái đất này có thể dành cho Ngài, đó chính là Chúa Ki-tô, Đấng trao hiến chính bản thân mình. Và nếu chúng ta đón rước Ngài trong sự hiệp Lễ, thì chúng ta sẽ canh tân giao ước của chúng ta với Ngài, và sẽ cho phép Ngài càng ngày càng hiện thực hóa công cuộc biến đổi của Ngài.

 

(Còn tiếp)

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ