TÔNG HUẤN HẬU THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC

SACRAMENTUM CARITATIS

CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI
GỬI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, PHÓ TẾ VÀ GIÁO DÂN
VỀ BÍ TÍCH THÁNH THỂ NGUỒN MẠCH VÀ ĐỈNH CAO CỦA ĐỜI SỐNG VÀ SỨ MỆNH CỦA GIÁO

 

 

Dẫn nhập [1]

Lương thực sự thật [2]
Sự phát triển của nghi lễ Thánh Thể [3]
Thượng Hội Đồng Giám Mục và Năm Thánh Thể [4]
Mục đích của Tông huấn [5]

PHẦN MỘT: BÍ TÍCH THÁNH THỂ, MỘT MẦU NHIỆM ĐỂ TIN

Đức tin vào Thánh Thể của Giáo Hội [6]
Chúa Ba Ngôi và Bí Tích Thánh Thể
Bánh từ trời xuống [7]
Một ơn ban không của Chúa Ba Ngôi [8]
Thánh Thể: Chúa Giêsu Chiên Hiến Tế đích thực
Giao ước mới và vĩnh cửu trong máu Con Chiên [9]
Lập Bí Tích Thánh Thể [10]
Hình bóng biến thành sự thật (Figura transit in veritatem) [11]
Chúa Thánh Thần và Bí Tích Thánh Thể
Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần [12]
Chúa Thánh Thần và việc cử hành Thánh Thể [13]
Bí Tích Thánh Thể và Giáo Hội
Bí tích Thánh Thể, nguyên lí tác thành Giáo Hội [14]
Bí tích Thánh Thể và sự hiệp thông Giáo Hội [15]
Bí tích Thánh Thể và các Bí tích khác
Tính Bí tích của Giáo Hội [16]

I. Bí Tích Thánh Thể và Sự Khai tâm Kitô giáo

Bí tích Thánh Thể, sự hoàn bị của việc khai tâm Kitô giáo [17]
Trình tự các bí tích khai tâm [18]
Việc khai tâm, cộng đồng giáo hội và gia đình [19]

II. Bí tích Thánh Thể và Bí tích Hoà Giải

Mối liên hệ sâu xa [20]
Một số quan tâm mục vụ [21]

III. Bí tích Thánh Thể và Bí tích Xức Dầu bệnh nhân [22]

IV. Bí tích Thánh Thể và Bí Tích Truyền Chức Thánh

In persona Christi capitis (nhân danh Chúa Kitô là đầu) [23]
Bí tích Thánh Thể và sự độc thân linh mục [24]
Sự thiếu linh mục và mục vụ ơn gọi [25]
Sự biết ơn và niềm hi vọng [26]

V. Bí tích Thánh Thể và Bí tích Hôn Phối

Thánh Thể, một bí tích hôn ước [27]
Bí tích Thánh Thể và tính duy nhất của hôn nhân [28]
Bí tích Thánh Thể và tính bất khả phân li của hôn nhân [29]
Bí tích Thánh Thể và cánh chung học
Thánh Thể: một ơn thiêng cho con người trên đường lữ hành [30]
Bàn tiệc cánh chung [31]
Cầu nguyện cho người chết [32]
Bí tích Thánh Thể và Đức Trinh Nữ Maria [33]

PHẦN HAI: BÍ TÍCH THÁNH THỂ, MỘT MẦU NHIỆM ĐỂ CỬ HÀNH

Luật cầu nguyện và luật đức tin (Lex orandi et lex credendi) [34]
Cái Đẹp và Phụng vụ [35]
Cử hành Thánh Thể, công việc của “trọn vẹn Chúa Kitô” (Christus Totus)
Christus totus in capite et in corpore (Trọn vẹn Chúa Kitô đầu và thân mình) [36]
Bí tích Thánh Thể và Chúa Kitô phục sinh [37]
Ars celebrandi (Quy tắc cử hành) [38]
Giám mục, vị chủ tế cao nhất [39]
Tôn trọng các sách phụng vụ và sự phong phú của các dấu chỉ [40]
Nghệ thuật phục vụ việc cử hành [41]
Thánh ca [42]
Cơ cấu của việc cử hành Bí tích Thánh Thể [43]
Tính duy nhất nội tại của hành vi phụng vụ [44]
Phụng vụ Lời Chúa [45]
Bài giảng [46]
Dâng của lễ [47]
Kinh nguyện Thánh Thể [48]
Chúc bình an [49]
Việc trao và rước Thánh Thể [50]
Lời giải tán: “Lễ xong, hãy đi” (Ite, missa est) [51]
Sự tham dự linh động (Actuosa participatio) [52]
Sự tham dự đích thực [53]
Sự tham dự và thừa tác vụ linh mục [53]
Cử hành Thánh Thể và sự hội nhập văn hoá [54]
Những điều kiện cá nhân cho “actuosa participatio” [55]
Sự tham dự của các Kitô hữu không phải Công Giáo [56]
Tham dự qua những phương tiện truyền thông [57]
Việc tham dự sống động của những người đau yếu [58]
Quan tâm đến các tù nhân [59]
Di dân và sự tham dự Bí tích Thánh Thể [60]
Những cuộc đồng tế đại trào [61]
Tiếng La tinh [62]
Những cuộc cử hành Thánh Thể trong những nhóm nhỏ [63]
Sự tham dự nội tâm vào việc cử hành
Giáo lí khai tâm [64]
Lòng tôn kính đối với Bí tích Thánh Thể [65]
Sự Tôn Thờ và Lòng sùng kính Thánh Thể
Tương quan nội tại giữa việc cử hành và sự tôn thờ [66]
Sự thực hành việc chầu Thánh Thể [67]
Những hình thức sùng kính Thánh Thể [68]
Vị trí của nhà tạm [69]

PHẦN BA: BÍ TÍCH THÁNH THỂ, MỘT MẦU NHIỆM ĐỂ SỐNG

Mô thức Thánh Thể của đời sống Kitô
Sự thờ phượng tinh thần – logiké latreía (Rm 12, 1) [70]
Hiệu quả bao trùm của sự thờ phượng Thánh Thể [71]
Những cộng đoàn cử hành ngày Chúa Nhật thiếu vắng linh mục [72]
Một hình thức Thánh Thể của đời sống Kitô, thuộc về Giáo Hội [73]
Linh đạo và văn hoá Thánh Thể [74]
Bí tích Thánh Thể và sự rao giảng Tin Mừng cho các nền văn hoá [75]
Bí tích Thánh Thể và đời sống thánh hiến [76]
Bí tích Thánh Thể và sự biến đổi luân lí [77]
Tính công khai của Bí tích Thánh Thể [78]
Bí tích Thánh Thể, một mầu nhiệm để loan truyền [79]
Bí tích Thánh Thể và truyền giáo [80]
Bí tích Thánh Thể và việc làm chứng [81]
Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc duy nhất [82]
Tự do thờ phượng [83]
Bí tích Thánh Thể, một mầu nhiệm để loan truyền
Bí tích Thánh Thể và truyền giáo [84]
Bí tích Thánh Thể và việc làm chứng [85]
Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc duy nhất [86]
Tự do thờ phượng [87]
Bí tích Thánh Thể, một mầu nhiệm để trao cho thế giới
Thánh Thể, tấm bánh bẻ ra cho sự sống trần gian [88]
Những ràng buộc xã hội của mầu nhiệm Thánh Thể [89]
Lương thực sự thật và nhu cầu của con người [90]
Giáo huấn xã hội của Giáo Hội [91]
Thánh hoá trần gian và bảo vệ tạo vật [92]
Sự ích lợi của một cuốn sách toát yếu về Bí tích Thánh Thể [93]

KẾT LUẬN [94]
 


DẪN NHẬP


1. Bí tích tình yêu, (1) Thánh Thể là hồng ân mà chính Chúa Giêsu Kitô thiết lập, mặc khải cho chúng ta tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho mọi người. Bí tích kì diệu này biểu lộ tình yêu “cao cả nhất”, tình yêu đã thúc đẩy Người “hi sinh mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15, 13). Qủa thật, Chúa Giêsu đã yêu họ “cho đến cùng” (Ga 13, 1). Qua những lời đó, vị Thánh Sử giới thiệu hành vi khiêm hạ thẳm sâu của Chúa Kitô: trước khi chết cho chúng ta trên Thánh Giá, Người cuốn một tấm khăn và rửa chân cho các môn đệ. Cũng vậy, trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu tiếp tục yêu chúng ta “cho đến cùng”, đến độ ban mình và máu Người cho chúng ta. Thật là một điều sửng sốt các Tông Đồ hẳn đã được cảm nhận khi chứng kiến Chúa hành động và thổ lộ trong bữa Tiệc Li ấy! Thật là điều kì diệu mà Mầu nhiệm thánh thể khơi lên trong tâm hồn chúng ta.

 

Lương thực sự thật


2. Trong Bí tích của bàn thờ, Chúa gặp gỡ chúng ta, trở nên bạn đồng hành của chúng ta, những con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Người (x. St 1, 27). Trong Bí tích này Chúa thực sự trở nên lương thực cho chúng ta, thoả mãn cơn đói khát sự thật và tự do của chúng ta. Vì chỉ có sự thật mới có thể giải thoát chúng ta (x. Ga 8, 32), nên Chúa Kitô trở nên lương thực sự thật cho chúng ta. Với một sự hiểu biết sâu xa, thánh Augustinô đã trình bày thật rõ ràng cách thế chúng ta thường dễ cảm động, bất cứ khi nào chúng ta gặp thấy một điều gì lôi cuốn và đáng yêu mà không bị ép buộc. Ngài tự hỏi điều gì có thể làm chúng ta cảm khái nhất, vị thánh Giám mục thốt lên: “Tâm hồn chúng ta còn tha thiết khao khát điều gì hơn sự thật?”(2) Mỗi người chúng ta đều chất chứa một niềm khao khát tiềm ẩn và bất khả kiềm chế đối với sự thật hiển nhiên và sau cùng. Chúa Giêsu, “con đường, sự thật và sự sống”(Ga 14, 6) ngỏ với cõi lòng lữ hành, cháy khát của chúng ta, cõi lòng ước muốn nguồn sự sống, cõi lòng khát khao sự thật. Chúa Giêsu Kitô là Sự Thật nguyên vị, lôi kéo thế giới đến với Người. “Chúa Giêsu là ngôi sao mai chỉ đường cho tự do của nhân loại: không có Người, tự do sẽ mất định hướng, bởi vì nếu không có sự hiểu biết về sự thật, tự do sẽ mất giá trị, sẽ lạc hướng, và rơi vào độc đoán trống rỗng. Với Người, tự do sẽ khai mơ.”(3) Trong Bí tích Thánh Thể Chúa Giêsu tỏ bày cho chúng ta một cách đặc biệt sự thật về tình yêu, là bản tính của Thiên Chúa. Chính sự thật phúc âm này thách thức mỗi người và toàn thể con người chúng ta. Vì lí do đó, Giáo Hội khi tìm thấy Thánh Thể là trung tâm đời sống của mình, không ngừng quan tâm công bố cho mọi người, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện (x. 2 Tm 4, 2) rằng Thiên Chúa là tình yêu. (4) Chính bởi Chúa Kitô đã trở nên lương thực sự thật cho chúng ta mà Giáo Hội hướng về mọi người, mời gọi họ tự do đón nhận hồng ân của Thiên Chúa.


Sự phát triển nghi thức thánh thể


3. Nếu tìm hiểu lịch sử hai nghìn năm Giáo Hội của Chúa, được hướng dẫn bởi sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, chúng ta phải thán phục với lòng biết ơn sự phát triển trật tự những hình thức nghi lễ mà trong đó chúng ta tưởng niệm biến cố cứu độ. Từ những hình thái đa dạng của những thế kỉ đầu, vẫn còn tỏa sáng trong những lễ nghi của các Giáo Hội Đông Phương Cổ Kính, cho đến khi nghi lễ Rôma lan rộng; từ những chỉ dẫn minh thị của Công Đồng Trentô và nghi thức Thánh Lễ của Thánh Piô V cho đến việc canh tân phụng vụ do Công Đồng Vatican khởi xướng: vào mỗi thời điểm của lịch sử Giáo Hội, việc cử hành thánh thể như là nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống và sứ mệnh Giáo Hội, luôn sáng chói trong nghi lễ phụng vụ với tất cả sự phong phú và đa dạng của nó. Phiên Họp Khoáng Đại của Thượng Hội Đồng Giám Mục, diễn ra từ ngày 2 đến 23 tháng Mười 2005 tại Vatican cũng đã hết lòng tri ân cảm tạ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong giai đoạn lịch sử phong phú này. Một cách đặc biệt, các Nghị Phụ đã nhìn nhận và tái khẳng định ảnh hưởng tốt đẹp mà việc canh tân phụng vụ do Công Đồng Vatican II khởi xướng đã đem đến cho đời sống Giáo Hội (5). Thượng Hội Đồng Giám Mục đã có thể đánh giá việc tiếp nhận sự canh tân trong những năm sau Công Đồng. Đã có nhiều cách lượng định. Những khó khăn và ngay cả những lạm dụng cũng đã được ghi nhận, điều đó cho thấy chúng không thể khe khuất những lợi ích và tính hữu hiệu của cuộc canh tân phụng vụ mà những điều phong phú còn chưa được khám phá hết. Một cách cụ thể, những thay đổi mà Công Đồng khai xướng cần phải được tìm hiểu trong tính duy nhất chung của sự phát triển lịch sử của chính nghi thức, chứ không phải đưa vào đó sự gián đoạn giả dối. (6)


Thượng Hội Đồng Giám Mục và Năm Thánh Thể


4. Chúng tôi cũng nhấn mạnh tương quan giữa Thượng Hội Đồng Giám Mục mới đây về Bí Tích Thánh Thể và những biến cố đã xảy ra trong đời sống Giáo Hội những năm qua. Trước tiên chúng ta cùng nhớ lại Năm Thánh 2000, năm mà vị Tiền Nhiệm đáng kính của tôi, Người Tôi Tớ Chúa, Đức Gioan Phaolô II, đã dẫn dắt Giáo Hội bước vào Nghìn Năm thứ ba. Năm Thánh đó thật sự mang một chiều kích Thánh Thể đầy ý nghĩa. Chúng ta cũng không quên Thượng Hội Đồng Giám Mục đã được định trước, và theo một nghĩa nào đó, được chuẩn bị bằng Năm Thánh Thể mà Đức Gioan Phaolô II với sự tiên liệu, đã muốn cho toàn thể Giáo Hội cử hành. Năm đó cũng là năm khai mạc Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế tại Guadalajara vào tháng Mười 2004 và kết thúc ngày 23 tháng 10, cùng vào dịp bế mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XI với lễ phong thánh cho năm vị có lòng sùng kính Thánh Thể một cách đặc biệt: đó là Đức Giám mục Jósef Bilczewski, các linh mục Gaetano Catanoso, Zygmunt Gorazdowski và Alberto Hurtado Cruchaga và tu sĩ dòng capucinô Felice da Nicosia. Nhờ những giáo huấn do Đức Gioan Phaolô II đề ra trong Tông thư Mane Nobiscum Domine (7) cùng với những gợi ý trợ lực cho Bộ Phụng Tự và Kỉ Luật các Bí Tích, (8) nhiều sáng kiến đã được các Giáo Phận và những nhóm giáo hội địa phương thực hiện nhằm đánh thức và gia tăng đức tin vào Thánh Thể, nhằm tăng cường phẩm chất của việc cử hành Thánh Thể, nhằm đề cao việc tôn thờ Thánh Thể cũng như cổ vũ mối liên đới thực tế liên kết cả với những người nghèo túng, khởi đi từ Bí Tích Thánh Thể. Sau hết, cần phải đề cập đến ý nghĩa Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia (9) sau cùng của vị Tiền Nhiệm đáng kính của tôi, trong đó ngài để lại cho chúng ta huấn dụ vững chắc của Giáo Huấn Giáo Hội về Bí Tích Thánh Thể và như một chứng tá sau hết về vị trí trọng tâm mà Bí tích cực thánh này đã chiếm ngự trong suốt cuộc đời của ngài.

 

Mục đích của Tông huấn


5. Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục này nhằm khơi lại sự phong phú cùng nhiều suy tư và những đề xuất đa dạng đã được đưa ra trong Phiên Họp Khoáng Đại của Thượng Hội Đồng Giám Mục mới đây – Từ Lineamenta đến Propositiones, hiệp nghị qua Instrumentum Laboris, những Relationes ante và Post- disceptationes, những ý kiến đóng góp của các Nghị Phụ, những auditores và những vị đại diện thân hữu- nhằm cung cấp những hướng dẫn căn bản để làm sống dậy một đà tiến mới cho lòng sùng kính và mến yêu Bí Tích Thánh Thể trong Giáo Hội. Ý thức về gia sản bao la của tín lí và kỉ luật chứa đựng qua nhiều thế kỉ liên quan đến Bí tích này, (10) ở đây tôi muốn chứng nhận lòng tha thiết của các Nghị Phụ (11) bằng cách khích lệ dân Kitô giáo hãy đào sâu việc tìm hiểu mối tương quan giữa mầu nhiệm Thánh Thể, việc cử hành phụng vụ và lòng sùng kính mới xuất phát từ Bí Tích Thánh Thể như là Bí tích tình yêu. Do vậy, tôi cũng muốn đặt Tông Huấn này cùng với Thông Điệp đầu tiên của tôi, Deus Caritas Est, trong đó tôi thường nhắc đến Bí Tích Thánh Thể và nhấn mạnh tương quan của Bí tích này với tình yêu Kitô giáo, đối với Chúa và cả với tha nhân: “Thiên Chúa nhập thể lôi kéo tất cả chúng ta đến với Người. Do đó, chúng ta có thể hiểu agapè (tình yêu) đã trở thành một từ ngữ đối với Bí tích Thánh Thể như thế nào: trong Thánh Thể, agapè của Thiên Chúa đã đến với chúng ta trong hình hài thể xác để tiếp tục công trình của Người trong và qua chúng ta ”(12).


PHẦN MỘT

BÍ TÍCH THÁNH THỂ, MẦU NHIỆM ĐỂ TIN


“Việc cuả Thiên Chúa, chính là các ông tin vào Đấng Người đã sai đến” (Ga 6, 29)

Đức tin vào Thánh Thể của Giáo Hội


6. “Đây là mầu nhiệm đức tin !”Những lời này được xướng ngay sau lời truyền phép, linh mục công bố mầu nhiệm được cử hành và bày tỏ sự sửng sốt của ngài trước sự biến đổi bản thể của bánh và rượu nên Mình và Máu Chúa Giêsu, một thực tại vượt qúa sự hiểu thấu của con người. Bí tích Thánh Thể là một “mầu nhiệm đức tin” cách tuyệt hảo: là “sự tổng hợp và tóm kết đức tin của chúng ta.” (13) Đức tin của Giáo Hội tự nền tảng là đức tin vào Thánh Thể, và đức tin dó được nuôi dưỡng một cách đặc biệt tại bàn tiệc Thánh Thể. Đức tin và các bí tích là hai khía cạnh bổ túc cho nhau trong đời sống Giáo Hội. Được đánh thức bằng việc giảng dạy Lời Chúa, đức tin được nuôi dưỡng và tăng triển trong sự gặp gỡ đầy tràn ân sủng với Chúa Phục Sinh, diễn ra trong việc cử hành các bí tích: “đức tin được diễn đạt trong nghi lễ, nghi lễ lại tăng cường và củng cố đức tin.” (14) Do đó, Bí tích của Bàn Thờ luôn là trọng tâm của đời sống Giáo Hội: “nhờ Thánh Thể, Giáo Hội được tái sinh và đổi mới không ngừng!”(15) Đức tin vào Thánh Thể của Dân Chúa càng sống động thì việc tham dự vào đời sống Giáo Hội càng sâu xa hơn trong việc kiên cường dấn thân cho công cuộc truyền giáo đã được Chúa Kitô ủy thác cho các môn đệ của Người. Chính lịch sử của Giáo Hội làm chứng điều đó. Mỗi một cuộc cải cách lớn lao, cách nào đó, lại được tiếp nối bằng một sự tái khám phá niềm tin vào sự hiện diện Thánh Thể của Chúa ở giữa dân Người.

 

Chúa Ba Ngôi và Bí Tích Thánh Thể

Bánh từ trời xuống


7. Yếu tố đầu tiên của đức tin vào Thánh Thể là mầu nhiệm về chính Thiên Chúa, là tình yêu Chúa Ba Ngôi. Trong cuộc đàm thoại giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô, chúng ta tìm được sự diễn tả rõ ràng về vấn đề này: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Qủa vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ ” (Ga 3, 16-17). Những lời này tỏ rõ nguồn mạch sâu thẳm về ân sủng của Thiên Chúa. Chúa Giêsu trong Thánh Thể không ban cho ta một “vật,” nhưng ban chính Người; Người ban chính mình Người và tuôn đổ chính máu Người. Như vậy, Người ban cho chúng ta trọn vẹn sự sống Người và mặc khải nguồn cội tối hậu của tình yêu này. Người là Con Một đời đời, được Chúa Cha trao ban cho chúng ta. Trong Tin Mừng, chúng ta nghe Chúa Giêsu, sau khi đã hóa bánh và cá ra nhiều nuôi đám đông dân chúng, nói với những người đã theo Người đến hội đường Caphácnaum: “Chính Cha tôi cho các ông bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh ban sự sống cho thế gian”(Ga 6, 32- 33), và người tự đồng hóa, chính thịt máu Người với bánh ấy: “ Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời; và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6, 51). Như vậy, Chúa Giêsu chứng tỏ rằng Người là bánh sự sống mà Cha vĩnh cửu ban cho nhân loại.


Một ơn ban không của Chúa Ba Ngôi


8. Bí tích Thánh Thể mặc khải chương trình yêu thương hướng dẫn toàn bộ lịch sử cứu độ (x. Ep 1, 10; 3, 8- 11). Trong Thánh Thể, Deus Trinitas (Chúa Ba Ngôi), mà bản tính là tình yêu (x. 1 Ga 4, 7-8), trở nên trọn vẹn một phần tử trong thân phận con người. Trong hình bánh và rượu Chúa Kitô tự hiến cho chúng ta trong bữa ăn vượt qua (x. Lc 22, 14- 20; 1Cr 11, 23- 26), nguyên vẹn sự sống của Thiên Chúa hội nhập chúng ta và tham dự vào chúng ta dưới hình thức Bí tích. Thiên Chúa là sự hiệp thông tình yêu trọn hảo giữa Cha, Con và Thánh Thần. Ngay trong công trình tạo dựng, con người đã được gọi chia sẻ một phần nào đó vào hơi thở sự sống của Thiên Chúa (x. St 2, 7). Nhưng chính trong Chúa Kitô, chết và sống lại và lúc tuôn đổ Thần Khí, được ban cách vô ngần vô hạn (x. Ga 3, 34) mà chúng ta được trở nên những người tham dự vào sự sống sâu thẳm của Thiên Chúa. (16) Chúa Giêsu Kitô, Đấng “nhờ Thánh Thần hằng hữu đã tự hiến như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa” (Dt 9, 14), chuyển thông cho chúng ta trong hồng ân Thánh Thể chính sự sống thần linh. Đây là một ơn tuyệt đối nhưng không, một sự thực hiện những lời hứa của Thiên Chúa vựơt khỏi mọi giới hạn. Giáo Hội đón nhận, cử hành và tôn thờ ân sủng này trong sự tuân phục tín trung. “Mầu nhiệm đức tin”, do vậy là một mầu nhiệm của tình yêu Ba Ngôi, một mầu nhiệm mà trong đó nhờ ân sủng, chúng ta được kêu gọi tham dự. Vậy thì, cùng với thánh Augustinô chúng ta cũng phải kêu lên: “Nếu bạn nhìn thấy tình yêu bạn cũng thấy Chúa Ba Ngôi.” (17)


Thánh Thể: Chúa Giêsu Chiên Hiến Tế đích thực

Giao ước mới và vĩnh cửu trong máu Con Chiên


9. Sứ mệnh Chúa Giêsu đến ở giữa chúng ta đã được hoàn tất trong Mầu Nhiệm Vượt Qua. Trên Thánh Giá, nơi Chúa kéo mọi người đến với Người (x. Ga 12, 32), ngay trước khi “trao Thần Khí”, Người thốt lên: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19, 30). Trong mầu nhiệm của việc Chúa Kitô vâng phục cho đến chết, dẫu chết trên Thập Giá (x. Pl 2, 8) giao ước mới và vĩnh cửu đã được thực hiện. Trong thân xác chịu đóng đinh của Người, tự do của Thiên Chúa và tự do của con người đã gặp nhau cách trọn vẹn qua một hiệp ước không thể loại bỏ, có hiệu lực một cách vĩnh viễn. Tội lỗi con người cũng được cứu chuộc một lần cho tất cả nhờ Con Chúa (Dt 7, 27; 1 Ga 2, 2; 4, 10). Như tôi đã có lần khẳng định, “Cái chết của Chúa Kitô trên Thánh Giá là đỉnh cao của việc Thiên Chúa quay lại chống đối chính mình, trong đó Thiên Chúa tự hiến chính mình để nâng con người lên và cứu độ họ. Đó là tình yêu trong hình thái triệt để nhất.” (18) Trong Mầu Nhiệm Vượt Qua, sự giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết đã được thực hiện. Khi lập Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã nói về “giao ước mới và vĩnh cửu” được ghi dấu bằng máu của Người (x. Mt 26, 28; Mc 14, 24; Lc 22, 20). Cùng đích sứ mệnh của Người đã hiện rõ ngay từ khởi điểm cuộc đời công khai của Người. Thật vậy, trên dòng kênh Giođan, khi Gioan Tẩy Giả thấy Chúa Giêsu đến với mình đã kêu lên: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian” (Ga 1, 29). Thật là ý nghĩa khi cùng những lời đó đã được lặp lại trong mỗi lần cử hành Thánh Lễ, lúc linh mục mời gọi chúng ta tiến đến bàn thờ: “Đây Chiên Thiên Chúa Đấng xoá tội trần gian. Phúc cho ai được mời đến dự bữa tiệc của Người.” Chúa Giêsu là con chiên vượt qua đích thực đã tự nguyện hiến mình để cứu chuộc chúng ta, và vì thế đã thực hiện giao ước mới và vĩnh cửu. Bí Tích Thánh Thể chứa đựng tính mới mẻ trọn vẹn được ban cho chúng ta mỗi khi cử hành. (19)


Lập Bí Tích Thánh Thể 

 

10. Điều này hướng chúng ta suy tư về việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Li. Việc thiết lập này diễn ra trong nghi thức bữa ăn tưởng niệm biến cố nền tảng của dân tộc Israel: Việc giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập. Đây là nghi thức bữa ăn, liên quan đến việc sát tế con chiên (x. Xh 21, 1- 28, 43- 51), là một việc hồi tưởng qúa khứ, nhưng đồng thời cũng là một sự hồi tưởng có tính tiên tri, loan báo về một sự giải thoát sắp đến. Thật vậy, dân đã nhận ra rằng việc giải phóng trước không mang tính quyết định, bởi vì lịch sử của họ vẫn tiếp tục được ghi vết bởi nô lệ và tội lỗi. Việc tưởng nhớ cuộc giải phóng xa xưa như vậy đã mở ra cho ước nguyện và sự chờ mong một ơn cứu độ sâu xa hơn, triệt để hơn, phổ quát và dứt khoát hơn. Đây là bối cảnh mà trong đó Chúa Giêsu đưa vào tính mới mẻ của sự trao hiến của Người. Trong kinh ca ngợi, Berakah, Người không chỉ cảm tạ Chúa Cha vì những biến cố xảy ra trong qúa khứ, nhưng còn để “tán dương” chính Người. Khi thiết lập Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu báo trước và kiện toàn hi tế Thập Giá và sự chiến thắng của biến cố phục sinh. Đồng thời Người mặc khải chính Người là con chiên hiến tế, đã được dự liệu trong kế hoạch của Chúa Cha ngay từ khi tạo thành thế giới, như được ghi trong Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô (x. 1, 18- 20). Khi đặt sự trao ban của Người trong bối cảnh này, Chúa Giêsu tỏ rõ ý nghĩa cứu độ của sự chết và sự phục sinh của Người, mầu nhiệm canh tân lịch sử và toàn thể vũ trụ. Qủa thật, việc thiết lập Bí tích Thánh Thể chứng tỏ rằng cái chết của Chúa Giêsu, dẫu tự nó là bạo lực và vô nghĩa, thì trong Người đã trở nên một hành vi của tình yêu cao cả và là sự giải thoát dứt khoát nhân loại khỏi tội lỗi.


Hình bóng biến thành sự thật (Figura transit in veritatem)

 

11. Bằng cách đó, Chúa Giêsu đưa novum (tính mới mẻ) triệt để của Người vào bữa ăn hiến tế Do Thái cổ xưa. Đối với chúng ta, bữa ăn đó không còn cần phải lặp lại. Các Giáo phụ nói rất chính xác, figura transit in veritatem: hình bóng mở đường cho chính sự thật. Nghi lễ cổ xưa đã kết thúc trọn vẹn và đã được vượt qua một cách dứt khoát bởi việc trao ban đầy tình thương Con của Thiên Chúa nhập thể. Lương thực sự thật, chính là Chúa Kitô hiến tế vì chúng ta, dat figuris terminum (trao giới hạn làm hình bóng). (20) Bằng lệnh truyền của Người “hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19; 1 Cr 11, 25), Người đòi hỏi chúng ta đáp lại ơn ban của Người và tái hiện một cách bí tích. Qua những lời này, Chúa bày tỏ ước muốn của Người, như có thể nói, Giáo Hội được khai sinh từ hi tế của Người, sẽ nhận lãnh hồng ân này để triển khai hình thức phụng vụ của bí tích, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Việc tưởng nhớ ân huệ hoàn hảo này không hệ tại chỉ đơn điệu lặp lại Bữa Tiệc Li, nhưng là cử hành chính Bí tích Thánh Thể, nghĩa là trong sự mới mẻ triệt để của sự thờ phượng Kitô giáo. Như vậy, Chúa Giêsu để lại cho chúng ta phận vụ là đi vào “giờ ” của Người. “Bí tích Thánh Thể lôi kéo chúng ta vào trong chính hành vi tự hiến của Chúa Giêsu. Không phải chỉ đón nhận Ngôi Lời nhập thể một cách tĩnh tại, chúng ta còn đi vào chính đông năng việc tự hiến của Người.” (21) Chúa “lôi kéo chúng ta đến với Người.” (22) Sự biến đổi bản thể bánh và rượu thành Thịt và Máu Người dẫn đưa vào trong thụ tạo nguyên lí của một sự biến đổi trọn vẹn, một kiểu “hạch phân nguyên tử”, như từ ngữ ngày nay chúng ta quen dùng, thẩm nhập vào trung tâm của mọi hữu thể, một sự biến đổi có mục đích khởi động một tiến trình biến đổi thực tại, một tiến trình mà chung cuộc sẽ dẫn đến việc thay đổi toàn bộ thế giới, đạt tới mức Thiên Chúa sẽ là tất cả cho mọi người (x. 1 Cr 15, 28).


Chúa Thánh Thần và Bí Tích Thánh Thể

Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần

 

12. Bằng lời nói và với bánh và rượu, chính Chúa đã trao cho chúng ta những yếu tố nền tảng của sự thờ phượng mới. Giáo Hội, Tân Nương của Người, được kêu gọi cử hành tiệc thánh thể hằng ngày để kính nhớ Người. Như vậy, Giáo Hội làm cho hi tế cứu độ của Tân Lang trở thành một phần của lịch sử nhân loại, và làm cho nó hiện diện một cách bí tích trong mọi nền văn hoá. Mầu nhiệm cao cả này được cử hành trong hình thức phụng vụ mà Giáo Hội, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, triển khai trong thời gian và không gian. (23) Chúng ta cần một nhận thức mới về vai trò quyết định mà Chúa Thánh Thần nắm giữ trong sự tiến hoá của hình thức phụng vụ cũng như trong việc tìm hiểu thấu đáo các mầu nhiệm thánh. Chúa Thánh Thần, ơn huệ khởi đầu của Chúa Kitô cho những người tin, (24) đã hoạt động ngay từ lúc Tạo Dựng (x. 1, 2) hiện diện xuyên suốt trong cuộc đời của Ngôi Lời nhập thể: Chúa Giêsu Kitô được thụ thai bởi Đức Nữ Đồng Trinh Maria do quyền năng Chúa Thánh Thần (x. Mt 1, 18; Lc 1, 35); vào lúc bắt đầu sứ mệnh công khai, trên bờ kênh Giođan, Người nhìn thấy Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người với hình chim bồ câu (x. Mt 3, 16- 17); Người hành động, nói năng và mừng vui trong Chúa Thánh Thần (x. Lc 10, 21), và Người đã tự hiến trong Chúa Thánh Thần (x. Dt 9, 14). Trong phần được gọi là “diễn từ li biệt” do Gioan tường thuật, Chúa Giêsu minh thị liên kết việc trao ban sự sống của Người trong mầu nhiệm vượt qua với ân huệ của Chúa Thánh Thần dành cho những kẻ thuộc về Người (x. Ga 16, 7). Một khi đã sống lại, dẫu còn mang trên thân xác những dấu tích của cuộc khổ nạn, Người vẫn có thể tuôn đổ Thánh Thần trên họ (x. Ga 20, 22), cho họ được chia sẻ sứ mệnh của chính Người (x.Ga 20, 21). Lúc đó, Chúa Thánh Thần sẽ dạy các môn đệ mọi sự và giúp họ nhớ lại tất cả những gì Chúa Kitô đã nói với họ (x. Ga 14, 26), bởi vì Người ngự đến như Thần Chân Lí (x.Ga 15, 26) để hướng dẫn các môn đệ đi vào sự thật toàn vẹn (x. 16, 13). Theo trình thuật của sách Công Vụ Tông Đồ, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông Đồ cùng nhau quy tụ và cầu nguyện với Đức Maria vào ngày Hiện Xuống (x. 2, 1- 4) và thôi thúc họ thực hiện sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho mọi dân tộc. Như vậy, chính qua hoạt động của Chúa Thánh Thần mà Chúa Kitô tiếp tục hiện diện và hoạt động trong Giáo Hội của Người, khởi đi từ tâm điểm sinh động là Bí tích Thánh Thể.

 

Chúa Thánh Thần và việc cử hành Thánh Thể


13. Trên cái nền đó, chúng ta có thể hiểu rõ vai trò Chúa Thánh Thần nắm giữ trong việc cử hành Thánh Thể, đặc biệt liên quan đến sự biến thể. Các Giáo phụ ý thức rất điều này rrất rõ. Trong Sách Giáo Lí của mình, Thánh Cyrilô thành Giêrusalem nhắc nhở rằng chúng ta “nài xin Chúa thương sai Chúa Thánh Thần xuống trên các lễ vật đã được dọn ra, và biến bánh thành mình Chúa Kitô, rượu thành máu Chúa Kitô. Những gì Chúa Thánh Thần chạm vào đều được thánh hoá và được biến đổi trọn vẹn” (25). Thánh Gioan Kim Khẩu cũng ghi nhận rằng linh mục kêu cầu Chúa Thánh Thần khi cử hành hi tế: (26) như Êlia, thừa tác viên xin Chúa Thánh Thần xuống để “như hồng ân xuống trên tế vật và mọi tâm hồn nhờ đó được bừng cháy”(27). Đời sống thiêng liêng của các tín hữu có thể hưởng nhờ ơn ích lớn lao từ ý thức sâu xa hơn về sự phong phú của kinh nguyện thánh thể; kèm theo những lời Chúa Kitô thổ lộ trong bữa Tiệc Li, còn có lời cầu xin Chúa Thánh Thần, kinh nài xin Chúa Cha ban xuống ơn Thánh Thần để bánh và rượu sẽ trở nên mình và máu Chúa Giêsu Kitô, và để “toàn thể cộng đoàn trở nên thân mình Chúa Kitô hơn” (28). Thánh Thần mà chủ tế cầu xin ngự xuống trên lễ vật là bánh rượu trên bàn thờ cũng chính là Thánh Thần quy tụ các tín hữu “thành một thân thể” và biến đổi họ thành của lễ thiêng liêng đẹp lòng Chúa Cha (29).

 

Bí Tích Thánh Thể và Giáo Hội

Bí tích Thánh Thể, nguyên lí tác thành Giáo Hội

 

14. Qua Bí tích Thánh Thể Chúa Giêsu lôi kéo mọi tín hữu đi vào “giờ” của Người; Người tỏ bày cho chúng ta mối liên hệ mà Người muốn thiết lập giữa Người và chúng ta, giữa bản thân Người và Giáo Hội. Thật vậy, trong hi tế Thập Giá Chúa Kitô sinh ra Giáo Hội như là Hiền Thê của Người và như chính mình Người. Các Giáo phụ thường suy niệm về mối tương quan giữa nguồn gốc từ Evà, xuất phát từ xương sườn của Ađam đang ngủ (x. St 2, 21- 23) với nguồn gốc từ Evà mới, là Giáo Hội, xuất phát từ cạnh sườn Chúa Kitô, bị vùi trong giấc ngủ của sự chết: Gioan thuật lại, từ cạnh sườn Chúa Kitô bị đâm thâu, nước và máu chảy ra (x. Ga 19, 34), biểu trưng của các bí tích (30). Một cái nhìn chiêm niệm “Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19, 37) sẽ dẫn chúng ta suy tư về mối liên hệ tác thành giữa hi tế của Chúa Kitô, Bí tích Thánh Thể và Giáo Hội. Giáo Hội “kín múc sự sống từ Thánh Thể” (31). Bởi vì Bí Tích Thánh Thể làm cho hi tế cứu độ của Chúa Kitô tái hiện, chúng ta phải khởi đi từ nhận thức rằng “có một ảnh hưởng tác thành của Bí tích Thánh Thể ở ngay chính cội nguồn của Giáo Hội” (32). Thánh Thể là chính Chúa Kitô, Đấng tự hiến cho chúng ta và là Đấng tiếp tục xây dựng chúng ta như thân thể của Người. Do đó, trong mối liên hệ hỗ tương giữa Thánh Thể xây dựng Giáo Hội, và chính Giáo Hội “làm nên” Thánh Thể (33), nguyên nhân tính đệ nhất được diễn tả trong công thức trước tiên này: Giáo Hội chỉ có thể cử hành và tôn thờ mầu nhiệm Chúa Kitô hiện diện trong Thánh Thể chính bởi trước hết Chúa Kitô đã tự hiến cho Giáo Hội làm lễ hi sinh trên Thánh Giá. Khả năng của Giáo Hội “làm nên” Thánh Thể hoàn toàn bắt nguồn từ hành vi tự hiến của Chúa Kitô cho Giáo Hội. Ở đây chúng ta có thể hiểu ý nghĩa những lời của Thánh Gioan rõ ràng hơn: “Người yêu chúng ta trước”(1 Ga 4, 19). Do đó, mỗi khi cử hành Thánh Thể, chúng ta hãy tuyên xưng vai trò ưu tiên của ân huệ của Chúa Kitô. Ảnh hưởng tác thành của Thánh Thể đối với nguồn gốc của Giáo Hội biểu tỏ một cách dứt khoát tính ưu tiên cả về trật tự thời gian lẫn về mặt hữu thể học của sự kiện chính Chúa Kitô đã yêu chúng ta “trước.” Từ đời đời, Người vẫn là Đấng yêu chúng ta trước.

 

Bí tích Thánh Thể và sự hiệp thông Giáo Hội

 

15. Như vậy, Thánh Thể làm nên căn tính và hoạt động của Giáo Hội. Đó là lí do tại sao các Kitô hữu ngày xưa đã dùng cùng một cụm từ, Corpus Christi, để chỉ thân xác Chúa Kitô được sinh ra bởi Đức Nữ Đồng Trinh Maria, Thánh Thể, và thân mình Giáo Hội Người. (34) Dữ kiện hiển nhiên về truyền thống đó giúp chúng ta hiểu rõ đặc tính bất khả phân li giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Chúa Giêsu khi tự hiến làm lễ hi sinh cho chúng ta, thì trong sự trao ban đó, đã thật sự hướng về mầu nhiệm Giáo Hội. Thật là ý nghĩa trong Kinh Nguyện Thánh Thể II, khi cầu nguyện Chúa Thánh Thần, lời kinh sử dụng công thức để cầu cho sự hiệp nhất trong Giáo Hội: “xin cho tất cả chúng con khi thông phần mình và máu Chúa Kitô được quy tụ nên một nhờ Chúa Thánh Thần.” Những lời này giúp chúng ta thấy rõ hơn res (công việc) của Bí tích Thánh Thể là sự hiệp nhất các tín hữu trong sự hiệp thông Giáo Hội. Như vậy, từ cội nguồn của Giáo Hội, Thánh Thể được coi như mầu nhiệm của sự hiệp thông (35).

 

Tương quan giữa Thánh Thể và sự hiệp thông đã được tôi tớ Chúa là Đức Gioan Phaolô II chỉ ra trong Thông điệp của ngài, Ecclesia de Eucharistia. Ngài trình bày về việc tưởng niệm Chúa Kitô như là “sự thể hiện mang tính bí tích cao cả nhất về mối hiệp thông trong Giáo Hội”(36). Sự duy nhất trong mầu nhiệm hiệp thông giáo hội được thể hiện một cách cụ thể trong các cộng đồng Kitô giáo, và được canh tân khi cử hành Thánh Thể, hiệp nhất họ lại đồng thời phân xuất họ thành những Giáo Hội địa phương, “in quibus et ex quibus una et unica Ecclesia catholica exsistit” (trong đó và từ đó xuất hiện một Giáo Hội công giáo duy nhất)(37). Sự kiện chỉ có một Bí tích Thánh Thể được cử hành tại mỗi Giáo phận quy tụ quanh Đức Giám mục giúp chúng ta hiểu rõ mỗi Giáo Hội địa phương tồn tại trong và từ Giáo Hội Mẹ thế nào. Thật vậy, “tính duy nhất và bất khả phân của Thánh Thể Chúa hàm chứa tính duy nhất trong nhiệm thể Người, là Giáo Hội duy nhất và bất khả phân. Từ tâm điểm Thánh Thể, sự mở rộng cần thiết được thực hiện cho mỗi cộng đoàn cử hành, cho từng Giáo Hội địa phương. Khi tự cho mình được lôi cuốn vào vòng tay rộng mở của Chúa, chúng ta được tháp nhập vào Thân Mình Người, duy nhất và bất khả phân.” (38) Do đó, khi cử hành Bí tích Thánh Thể, mỗi cá nhân người tín hữu nhận thấy họ thuộc về Giáo hội của họ, nghĩa là, thuộc về Giáo Hội của Chúa Kitô. Từ hướng nhìn về Thánh Thể như thế, và nếu được tìm hiểu thích đáng thì sự hiệp thông giáo hội được coi như bản chất đối với người công giáo (39). Một sự nhấn mạnh vào nền tảng thánh thể của mối hiệp thông giáo hội cũng có thể đóng góp rất nhiều cho sự đối thoại đại kết đối với các Giáo Hội và những Cộng Đồng Giáo Hội địa phương chưa hiệp thông trọn vẹn với Toà Phêrô. Thật vậy, một cách khách quan, Bí tích Thánh Thể kiến tạo một mối liên kết mạnh mẽ về sự hiệp nhất giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống, cả hai vẫn duy trì bản chất đích thực và toàn vẹn về mầu nhiệm Thánh Thể. Đồng thời, nhấn mạnh vào đặc tính giáo hội của Bí tích Thánh Thể có thể trở nên yếu tố quan trọng cho cuộc đối thoại với những Cộng Đồng theo truyền thống Cải Cách (40).

 

Bí tích Thánh Thể và các Bí tích khác

Tính Bí tích của Giáo Hội


16. Công Đồng Vatican II đã nhắc nhở rằng “mọi bí tích, cũng như các thừa tác vụ trong Giáo Hội và các hoạt động tông đồ đều gắn liền với Bí Tích Thánh Thể và quy hướng về đó. Thật vậy, Phép Thánh Thể chí thánh chứa đựng tất cả kho tàng thiêng liêng của Giáo Hội, đó chính là Chúa Kitô; Người là mầu nhiệm Phục Sinh của chúng ta; Người là Bánh Hằng Sống, ban sự sống cho nhân loại bằng chính thịt của Người, thịt đã được sống động nhờ Chúa Thánh Thần và làm cho người ta được sống. Như thế, người mời gọi và dẫn đưa con người hiến dâng chính mình, dâng những vất vả của mình, và mọi tạo vật làm một với Người.” (41) Tương quan chặt chẽ giữa Bí tích Thánh Thể với các bí tích khác cũng như đời sống Kitô hữu có thể được hiểu đầy đủ nhất khi chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm của chính Giáo Hội như một bí tích. (42) Về vấn đề này Công Đồng xác quyết rằng “Giáo Hội, trong Chúa Kitô, chính là một bí tích – một dấu chỉ và khí cụ- của sự hiệp thông với Thiên Chúa cũng như của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại.”(43) Như lời thánh Cyprianô nói, cũng như “một dân được quy tụ thành một do bởi sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,” (44) Giáo Hội cũng là bí tích của sự thông hiệp ba ngôi như vậy.

Sự kiện Giáo Hội là “Bí tích cứu độ phổ quát”(45) tỏ rõ phương thế nhiệm cục bí tích sau cùng xác định cách thức mà Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc duy nhất, qua Chúa Thánh Thần dùng để đi vào cuộc sống của chúng ta trong những hoàn cảnh cụ thể. Giáo Hội đón nhận và đồng thời thể hiện mình trong bảy bí tích mà qua đó ơn Chúa tác động một cách cụ thể trên đời sống các tín hữu, để toàn bộ cuộc sống của họ, được Chúa Kitô cứu chuộc trở nên sự thờ phượng dâng lên Thiên Chúa. Theo cái nhìn đó, tại đây tôi muốn hướng sự chú ý vào một số yếu tố đã được các Nghị Phụ trong Thượng Hội Đồng Giám mục đưa ra, hầu giúp cho chúng ta hiểu rõ mối tương quan của mỗi bí tích đối với mầu nhiệm Thánh Thể.

 

I. Bí Tích Thánh Thể và Sự Khai tâm Kitô giáo

Bí tích Thánh Thể, sự hoàn bị của việc khai tâm Kitô giáo

 

17. Nếu Bí tích Thánh Thể thật sự là nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội thì đương nhiên tiến trình khai tâm Kitô giáo phải thường xuyên hướng về việc đón nhận bí tích này. Như các Nghị Phụ đã trình bày, chúng ta cần phải tự hỏi là trong các cộng đồng Kitô giáo của chúng ta mối liên kết chặt chẽ giữa Bí tích Thánh Tẩy, Bí tích Thêm sức, và Bí tích Thánh Thể đã được nhận thức đầy đủ chưa. (46) Chúng ta đừng quên rằng được rửa tội và được thêm sức là để đón nhận Thánh Thể. Do đó, việc thực hành mục vụ của chúng ta phải phản ánh một sự nắm vững hơn đăc tính thống nhất của tiến trình khai tâm Kitô giáo. Bí tích Thánh Tẩy, mà qua đó chúng ta được kết hợp với Chúa Kitô, (47) được gia nhập Giáo Hội và được làm con Chúa, là cửa mở đi vào các bí tích. Bí tích Thánh Tẩy làm cho chúng ta nên chi thể trong Thân Mình Chúa Kitô (x. 1 Cr 12, 13), một dân tư tế. Tuy nhiên, chính việc tham dự vào hiến tế Thánh Thể mới kiện toàn trong chúng ta những hồng ân của Bí tích Thánh Tẩy mà chúng ta đã lãnh nhận. Ân huệ của Chúa Thánh Thần được ban để kiến tạo Thân Mình Chúa Kitô (1 Cr 12) và để làm chứng nhiệt thành hơn cho việc rao giảng Tin Mừng trong thế giới. (48) Như vậy, Bí tích Thánh Thể đưa việc khai tâm Kitô giáo đi đến hoàn chỉnh và chiếm vị trí trung tâm cũng như mục tiêu cho tất cả đời sống bí tích. (49)

 

Trình tự các bí tích khai tâm

 

18. Liên quan đến vấn đề này, chúng ta cần quan tâm đến trình tự các bí tích khai tâm. Hiện có nhiều truyền thống khác nhau trong Giáo Hội. Có sự khác biệt rõ rệt, một mặt, giữa truyền thống Giáo Hội Đông Phương (50) và việc thực hành bên Phương Tây liên quan đến việc khai tâm cho người lớn, (51) và mặt khác, những nghi thức áp dụng cho trẻ em. (52) Tuy nhiên, những khác biệt này hoàn toàn không thuộc về tín lí, mà chỉ thuộc lãnh vực mục vụ. Một cách cụ thể là cần phải xem xét những cách thực hành nào giúp người tín hữu một cách hiệu dụng hơn trong việc đăt Bí tích Thánh Thể vào tâm điểm, như mục tiêu của toàn bộ tiến trình khai tâm. Trong khi cộng tác một cách chặt chẽ với những văn phòng hữu trách của Giáo triều Rôma, Những Hội Đồng Giám Mục cần phải nghiên cứu tính hiệu dụng của những phương thức hiện tại đối với việc khai tâm Kitô giáo, để các Kitô hữu có thể được trợ giúp, vừa để trưởng thành qua việc huấn giáo nhận được trong các cộng đồng của chúng ta, lại vừa giúp cho đời sống họ hướng về Thánh Thể một cách đích thực, để họ có thể làm chứng cho niềm hi vọng của họ một cách phù hợp với thời đại chúng ta (x. 1 Pr 3, 15).

 

Việc khai tâm, cộng đồng giáo hội và gia đình

 

19. Cần phải ghi nhớ rằng toàn bộ việc khai tâm Kitô giáo là một tiến trình hoán cải được thực hiện với sự trợ giúp của ơn Chúa, và sự liên đới thường trực với cộng đồng giáo hội, vừa trong trường hợp những người lớn tìm cách xin gia nhập Giáo Hội như thường xảy ra trong những nơi mới được rao giảng Tin Mừng cũng như những miền đã bị tục hoá, và vừa trong hoàn cảnh các cha mẹ xin cho con cái được lãnh các bí tích. Về vấn đề này, tôi muốn mời gọi mọi người quan tâm đến tương quan giữa việc khai tâm Kitô giáo và gia đình. Trong công tác mục vụ, việc đặt gia đình tham gia vào tiến trình khai tâm luôn là một điều quan trọng. Lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, Bí tích Thêm sức và Rước Lễ Lần đầu là những thời điểm trọng đại, không chỉ đối với cá nhân người lãnh nhận, nhưng còn cho cả gia đình, vốn luôn cần được giúp đỡ trong vai trò giáo dục bằng những nhân tố khác nhau trong cộng đồng giáo hội. (53) Ở đây tôi cũng muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Rước Lễ Lần Đầu. Đối với nhiều tín hữu, ngày này vẫn là ngày đáng nhớ, dẫu chỉ có tính cách khơi mào, thì đó vẫn là ngày đầu tiên họ cảm nhận tầm quan trọng được gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu. Những chương trình mục vụ giáo xứ cần hết sức đề cao ngày giờ ý nghĩa đó.

 

II. Bí tích Thánh Thể và Bí tích Hoà Giải

Mối liên hệ sâu xa

 

20. Các Nghị phụ đã xác quyết một cách đúng đắn rằng lòng sùng kính đối với Bí tích Thánh Thể sẽ dẫn đến việc gia tăng sự quý trọng đối với Bí tích Hoà giải. (54) Do bởi mối tương quan giữa hai bí tích này, một nội dung giáo lí đích thực về ý nghĩa của Thánh Thể phải bao hàm lời kêu gọi đi vào con đường thống hối (x. 1 Cr 11, 27- 29). Chúng ta biết rằng các tín hữu đang bị nhấn chìm trong một nền văn hoá có khuynh hướng loại bỏ cảm thức tội lỗi (55) và đề cao một thái độ hời hợt nhằm bỏ qua việc thiết yếu là phải sống trong tình trạng ân sủng để có thể đi đến việc hiệp thông bí tích một cách xứng đáng. (56) Mất ý thức về tội luôn kéo theo một thái độ nông cạn nào đó trong việc cảm nhận tình yêu Chúa. Trình bày những yếu tố trong nghi thức Thánh Lễ giúp thống hối tội lỗi, đồng thời bày tỏ lòng nhân từ của Thiên Chúa có thể giúp ích rất nhiều cho các tín hữu. (57) Ngoài ra, tương quan giữa Bí tích Thánh Thể và Bí tích Hoà Giải nhắc nhở chúng ta rằng tội không bao giờ chỉ là vấn đề thuần tuý cá nhân; nó luôn gây tổn hại cho sự hiệp thông giáo hội mà chúng ta được kết liên qua Bí tích Thánh Tẩy. Vì lẽ đó, các Giáo Phụ đã nói rằng Bí tích Hoà Giải phải qua Bí tích Thánh Tẩy dụng công gắng sức (laboriosus quidam baptismus) (58) và như vậy các ngài có ý nhấn mạnh rằng kết quả của công việc hoán cải cũng là giúp khôi phục trọn vẹn mối hiệp thông giáo hội, được biểu lộ trong việc đến với Bí tích Thánh Thể. (59)

 

Một số quan tâm mục vụ

 

21. Thượng Hội Nghị đã nhắc nhở các Giám mục về trách nhiệm mục vụ là phải phát huy trong giáo phận của các ngài một nội dung sư phạm giáo lí hướng vào việc hoán cải, phát sinh từ đòi hỏi của Bí tích Thánh Thể, đồng thời cổ động việc năng xưng tội nơi các tín hữu. Mọi linh mục cần phải quảng đại hi sinh, dấn thân và dành mọi khả năng cho việc cử hành bí tích Hoà Giải. (60) Liên quan đến vấn đề này thì điều quan trọng là chính các cha giải tội trong các nhà thờ phải thể hiện tính cách hệ trọng của bí tích này. Tôi cũng mời gọi các mục tử phải cẩn trọng trong việc cử hành Bí tích Hoà Giải, và chỉ giới hạn việc xá giải chung cho những trường hợp đã được phép, (61) bởi vì việc xá giải riêng là hình thức duy nhất vẫn thường dùng. (62) Trước nhu cầu tái khám phá ơn tha thứ, cần đặt một Phòng Hoà Giải tại mỗi Giáo phận. (63) Sau cùng, việc xin ân xá nếu thực hành một cách quân bình và đúng đắn, cho chính mình cũng như cho người chết, có thể giúp ích cho một ý thức mới về tương quan giữa Bí tích Thánh Thể và Bí tích Hoà Giải. Nhờ phương thế này, người tín hữu nhận được “ơn tha thứ trước mặt Chúa, thoát khỏi hình phạt tạm do tội, vì tội đã được tha.” (64) Việc sử dụng ân xá giúp chúng ta ý thức rằng cậy vào nỗ lực riêng, chúng ta không thể bù đắp sự sai phạm đã gây ra, và tội của mỗi cá nhân đều gây thiệt hại cả cộng đoàn. Hơn nữa, việc thực hành ân xá không chỉ liên quan đến tín điều về công trạng vô biên của Chúa Kitô, mà còn về tín điều các thánh thông công, nhắc nhở chúng ta rằng “chúng ta hiệp nhất khắng khít với nhau chặt chẽ như thế nào trong Chúa Kitô...cũng như đời sống thiêng liêng của mỗi người có thể giúp người khác ra sao.”(65) Vì những điều kiện để đón nhận ân xá đòi phải xưng tội và rước lễ, thì việc thực hành này có thể tích cực giúp các tín hữu trên hành trình hoán cải và tái khám phá đặc tính trung tâm của Bí tích Thánh Thể trong đời sống Kitô hữu.

 

III. Bí tích Thánh Thể và Bí tích Xức Dầu bệnh nhân

 

22. Chúa Giêsu không chỉ sai các môn để ra đi chữa lành bệnh nhân (x. Mt 10, 8; Lc 9, 2, 10, 9); Người còn thiết lập một bí tích đặc biệt: Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân. (66) Thư Thánh Giacôbê xác nhận sự có mặt của bí tích này trong Cộng Đồng Kitô hữu tiên khởi (x. 5, 14- 16). Nếu Bí tích Thánh Thể trình bày những đau khổ và cái chết của Chúa Kitô biến thành tình yêu như thế nào thì Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, một cách riêng, lại nối kết những bệnh nhân với sự hi sinh ban ơn cứu độ cho mọi người của Chúa Kitô, để cả họ nữa trong mầu nhiệm các thánh thông công, họ có thể dự phần vào việc cứu chuộc thế giới. Mối tương quan giữa hai bí tích này trở nên hiển nhiên trong những hoàn cảnh lâm trọng bệnh: “Ngoài việc Xức Dầu Thánh, Giáo Hội còn ban cho người sắp lìa trần Thánh Thể như của ăn đàng.” (67) Trên đường về nhà Cha, rước Mình và Máu Chúa Kitô nên như hạt giống của sự sống đời đời và như sức mạnh của sự phục sinh: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì có sự sống đời đời và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6, 5). Bởi vì của ăn đàng giúp cho bệnh nhân nhìn thấy trước toàn bộ Mầu Nhiệm Vượt Qua, nên việc cử hành phải được luôn sẵn sàng đáp ứng. (68) Việc quan tâm săn sóc mục vụ dành cho những người đau bệnh mang lại lợi ích thiêng liêng cho toàn thể cộng đoàn, bởi vì bất cứ điều gì chúng ta làm cho một trong những người anh chị em bé nhỏ nhất là chúng ta làm cho chính Chúa Giêsu (x. Mt 25, 40)

 

IV. Bí tích Thánh Thể và Bí Tích Truyền Chức Thánh

In persona Christi capitis (nhân danh Chúa Kitô là đầu)

 

23. Tương quan nội tại giữa Bí tích Thánh Thể và Bí tích Truyền Chức xuất phát từ chính lời Chúa Giêsu tại Phòng Trên: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19). Vào đêm trước khi chịu chết, Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể và đồng thời thiết lập chức tư tế của Giao Ước Mới. Người là linh mục, là của lễ và bàn thờ: trung gian giữa Thiên Chúa Cha và dân Người (x. Dt 5, 5- 10), lễ vật đền tội (x. 1 Ga 2, 2; 4, 10) Đấng tự hiến trên bàn thờ Thập Giá. Không ai có thể nói “Này là mình thầy” và “này là máu thầy” mà không nhân danh và thay cho Chúa Kitô, tư tế tối cao của Giao Ước mới và vĩnh cửu (x. Dt 8- 9). Những cuộc họp trước đây của Thượng Hội Đồng Giám Mục đã bàn đến vấn đề chức linh mục thừa tác, vừa liên quan đến bản chất của sứ vụ (69) vừa trong lãnh vực đào tạo ứng sinh. (70) Ở đây, trong ánh sáng của cuộc thảo luận đã diễn ra trong thời gian họp Thượng Hội Đồng, tôi thấy cần phải nhắc lại nhiều điểm quan trọng về tương quan giữa Bí tích Thánh Thể và Bí tích Truyền Chức. Trước hết, chúng ta cần phải một lần nữa nhấn mạnh rằng liên hệ giữa Bí tích Truyền Chức và Bí tích Thánh Thể được nhận thấy rõ rệt nhất trong Thánh Lễ, khi Giám mục hay linh mục chủ tế nhân danh Chúa Kitô là đầu.

Giáo Hội dạy rằng việc thụ phong linh mục là yếu tố thiết yếu cho việc cử hành Bí tích Thánh Thể thành sự. (71) Thật vậy, “để phục vụ Giáo Hội trong thừa tác viên thánh chức, chính Chúa Kitô hiện diện trong Giáo Hội của Người như là Đầu Thân Thể, là Mục Tử đoàn chiên, là Tư Tế Tối Cao của hi tế cứu chuộc.” (72) Chắc chắn vị tư tế thừa tác cũng hành động “nhân danh toàn thể Giáo Hội khi dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện của Giáo Hội, và trên hết là khi dâng hi tế Thánh Thể.” (73) Do vậy, các linh mục phải ý thức việc này là trong khi thi hành chức vụ họ không được đăt chính họ hay những ý kiến cá nhân họ lên trên, mà đăt chính Chúa Giêsu Kitô. Bất cứ ý đồ nào muốn làm cho mình trở thành trung tâm của cử hành phụng vụ đều mâu thuẫn với chính căn tính linh mục của họ. Linh mục trước hết là đầy tớ của mọi người, và phải luôn hành động để là một dấu chỉ quy hướng về Chúa Kitô, một khí cụ ngoan ngoãn trong bàn tay của Chúa. Điều này được nhận thấy rõ nhất trong việc ngài khiêm tốn hướng dẫn cộng đoàn phụng vụ, trong sự tuân thủ nghi thức, đặt hết tâm trí vào đó, đồng thời tránh tất cả những gì tạo ra cảm tưởng ngài nhấn mạnh thái quá đến con người của mình. Tôi khích lệ các giáo sĩ là hãy luôn coi việc cử hành Thánh Thể như là một việc phục vụ khiêm hạ dâng lên Chúa Kitô và Giáo Hội Người. Chức linh mục, như thánh Augustinô nói, là amoris officium (công việc của lòng yêu mến), (74) đó là công việc của vị tư tế tốt, người hi sinh mạng sống cho đàn chiên (x. 10, 14-15).

 

Bí tích Thánh Thể và sự độc thân linh mục

 

24. Các Nghị phụ Thượng Hội Đồng Giám Mục muốn nhấn mạnh rằng chức linh mục thừa tác, qua việc truyền chức đòi phải trở nên đồng hình đồng dạng trọn vẹn với Chúa Kitô. Trong khi tôn trọng truyền thống và cách thực hành của các Giáo Hội Đông Phương, thì cần phải tái khẳng định ý nghĩa sâu xa của việc độc thân linh mục, vẫn được nhìn nhận một cách đúng đắn như một kho tàng vô giá. Sự lựa chọn độc thân về phía linh mục, diễn tả một cách thế đặc biệt sự hiến dâng để nên giống Chúa Kitô, cũng như việc hoàn toàn dâng hiến cho Nước Thiên Chúa. (75) Sự kiện chính Chúa Kitô, vị linh mục vĩnh cửu, sống sứ mệnh của Người đến độ hi sinh trên Thập Giá trong tình trạng khiết tịnh, làm nên một điểm quy chiếu vững chắc để hiểu rõ ý nghĩa của truyền thống Giáo Hội La tinh. Chỉ hiểu độc thân linh mục theo chức năng của những hạn từ là không đủ. Độc thân thật sự là một phương thế đặc biệt để khuôn hợp chính mình với chính đường lối của Chúa Kitô. Sự lựa chọn này trước hết và trên hết mang ý nghĩa hôn ước; đó là nên đồng dạng với con tim của Chúa Kitô, là Tân Lang hi sinh sự sống mình cho Tân Nương. Kế tục truyền thống cao qúy của Giáo Hội, cùng với Công Đồng Vatican II (76) và với những vị tiền nhiệm của tôi trong các triều giáo hoàng, (77) tôi tái khẳng định vẻ cao đẹp cũng như sự quan trọng của cuộc sống linh mục trong bậc độc thân như một dấu chỉ diễn tả sự toàn hiến cho Chúa Kitô, cho Giáo Hội và cho Nước Thiên Chúa, và do đó, tôi tái khẳng định vẫn duy trì độc thân linh mục trong truyền thống La tinh. Sống đời độc thân linh mục trong sự trưởng thành, hân hoan và hi sinh là một phúc ân trọng đại cho Giáo Hội và cho cả xã hội nữa.

 

Sự thiếu linh mục và mục vụ ơn gọi

 

25. Trong ánh sáng của tương quan giữa Bí tích Truyền Chức Thánh và Bí tích Thánh Thể, Thượng Hội Đồng Giám Mục đã nhìn nhận những khó khăn phát sinh trong nhiều Giáo Phận khác nhau: phải đối phó với việc thiếu linh mục. Điều này không chỉ xảy ra trong những miền mới được rao giảng Tin Mừng, nhưng cũng còn trong những quốc gia có truyền thống Kitô giáo lâu đời. Chắc chắn nếu có một cuộc phân bổ giáo sĩ một cách hài hoà thì sẽ giúp giải quyết vấn đề. Cần phải có những nỗ lực giúp cổ vũ ý thức thực hiện vấn đề này trong mọi cấp độ. Các Giám mục nên liên hệ với các Dòng Tu và những nhóm giáo hội phục vụ trong những nhu cầu mục vụ đa dạng, tuy vẫn tôn trọng những đặc sủng của các dòng tu này, mời gọi các giáo sĩ mở rộng hơn việc phục vụ Giáo Hội bất cứ đâu cần đến, cho dẫu phải hi sinh. (78) Thượng Hội Đồng Giám Mục cũng đề cập đến những sáng kiến mục vụ nhằm phát huy, đặc biệt trong giới trẻ, một thái độ mở rộng tâm hồn cho ơn gọi làm linh mục. Tình hình không thể giải quyết bằng những quyết định có tính cách thuần tuý thực tiễn. Các Giám mục không được bằng bất cứ giá nào, ứng phó trước những day dứt thực tế và quá rõ về tình trạng thiếu linh mục, mà không thực hiện việc phân định ơn gọi một cách thích ứng, hoặc chấp nhận một sự giáo dục tại chủng viện cũng như phong chức các ứng sinh thiếu những phẩm chất thiết yếu cho sứ vụ linh mục (79). Một giáo sĩ được huấn luyện không đầy đủ, được chấp thuận thụ phong mà không có sự biện phân cần thiết, thì sẽ khó trình bày một chứng tá khả dĩ khơi lên nơi người khác ước muốn quảng đại đáp lại tiếng gọi của Chúa Kitô. Mục vụ ơn gọi cần lôi kéo toàn thể cộng đồng Kitô giáo trong mọi lãnh vực đời sống của nó. (80) Hẳn nhiên, công việc mục vụ này trên mọi bình diện cũng phải bao gồm cả việc khám phá những vấn đề trong gia đình, như sự dửng dưng cũng như cả sự chống lại ý tưởng ơn gọi làm linh mục. Các gia đình phải quảng đại đón nhận hồng ân sự sống và giáo dục con cái biết mở rộng tâm hồn thực hiện ý Chúa. Nói tóm lại, các gia đình phải có can đảm đặt trước người trẻ sự chọn lựa dứt khoát bước theo Chúa Kitô, và cho họ thấy điều đó chuốn hút chừng nào.

 

Sự biết ơn và niềm hi vọng

 

26. Sau cùng, chúng ta cần phải có đức tin và đức cậy vững vàng hơn vào Thiên Chúa quan phòng. Dù có thiếu linh mục tại một số nơi, chúng ta không bao giờ để mất niềm tin tưởng rằng Chúa Kitô tiếp tục kêu gọi những người bỏ mọi sự lại đằng sau trọn vẹn, dâng hiến đời mình để cử hành các mầu nhiệm thánh, rao giảng Tin Mừng và chăm sóc đàn chiên. Về điểm này, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với toàn thể Giáo Hội vì các Giám mục và linh mục thi hành sứ vụ của mình với lòng trung thành, tận tuỵ, và nhiệt thành. Đương nhiên Giáo Hội cũng biết ơn đối với các phó tế, những người nhận sự đặt tay “không phải vì chức linh mục mà để phục vụ.” (81) Như Thượng Hội Đồng Giám mục khuyến nghị, tôi bày tỏ lời cảm ơn đặc biệt đối với Hồng Ân Đức Tin (Fidei Donum) là các linh mục đang làm việc một cách trung thành và quảng đại để xây dựng cộng đồng bằng việc loan báo lời Thiên Chúa và bẻ Bánh Sự Sống, hiến trọn năng lực của mình để phục vụ sứ mệnh của Giáo Hội. (82) Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì các linh mục đó đã chịu đau khổ, dẫu phải hi sinh sự sống mình để phục vụ Chúa Kitô. Tấm gương của các ngài làm chứng một cách hùng hồn sống đời linh mục trọn vẹn nghĩa là gì. Những mẫu gương ấy là những chứng tá cảm động có thể thôi thúc nhiều bạn trẻ bước theo Chúa Kitô, trải rộng đời mình cho tha nhân, và như vậy họ khám phá ra sự sống đích thực.

 

V. Bí tích Thánh Thể và Bí tích Hôn Phối

Thánh Thể, một bí tích hôn ước

 

27. Thánh Thể, Bí tích của đức ái, có một tương quan đặc biệt với tình yêu của người nam và người nữ kết hợp trong bí tích hôn phối. Đào sâu mối tương quan này là cần thiết trong thời đại hiện nay. (83) Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thường nói về tính cách hôn ước của Bí tích Thánh Thể và tương quan đặc biệt của Bí tích này với Bí tích Hôn Phối: “Thánh Thể là bí tích của ơn cứu chuộc chúng ta. Đó là Bí tích của Tân Lang và Tân Nương.” (84) Hơn nữa, “ toàn thể đời sống Kitô hữu mang dấu ấn tình yêu phu phụ của Chúa Kitô và Giáo Hội. Ngay trong Bí tích Thánh Tẩy, cửa ngõ đi vào Dân Thiên Chúa, là một mầu nhiệm hôn ước; có thể nói đó là một sự tắm rửa có tính hôn lễ diễn ra trước lễ hôn phối, là Bí tích Thánh Thể.” (85) Bí tích Thánh Thể tăng cường một cách vô giới hạn sự kết hợp bất khả phân li và tình yêu của mỗi cuộc hôn nhân Kitô giáo. Nhờ hiệu lực của Bí tích này, dây hôn phối liên kết một cách sâu nhiệm với sự kết hợp mang đặc tính Thánh Thể của Chúa Kitô là Tân Lang với Tân Nương của Người là Giáo Hội (x. Ep 5, 31- 32). Sự ưng thuận mà vợ chồng tỏ bày trong Chúa Kitô, kiến tạo họ thành một cộng đồng tình yêu và sự sống, cũng có một chiều kích thánh thể. Thật vậy, trong thần học Thánh Phaolô, tình yêu vợ chồng là một dấu chỉ bí tích của tình yêu Chúa Kitô đối với Giáo Hội của Người, một tình yêu đạt đỉnh cao trên Thánh Giá, một sự diễn tả cuộc “hôn phối” của Người với nhân loại và đồng thời nói lên nguồn mạch và tâm điểm của Bí tích Thánh Thể. Vì lí do đó, Giáo Hội bày tỏ sự gần gũi thiêng liêng đặc biệt với tất cả những ai đã xây dựng gia đình trên nền tảng Bí tích Hôn phối. (86) Gia đình- Giáo Hội tại gia (87) là một môi trường ưu tiên của đời sống Giáo Hội, nhất là vì vai trò quyết định của nó trong việc giáo dục Kitô đối với trẻ em. (88) Trong bối cảnh này, Thượng Hội Đồng Giám Mục cũng kêu gọi mọ người cần nhận thức sứ mệnh duy nhất của người nữ trong gia đình và trong xã hội, một sứ mệnh cần phải bảo vệ, phải che chở và đề cao. (89) Hôn nhân và chức làm mẹ biểu thị những thực tại nền tảng không bao giờ được hạ thấp.

 

Bí tích Thánh Thể và tính duy nhất của hôn nhân

 

28. Trong ánh sáng của mối tương quan nội tại giữa hôn nhân, gia đình và Bí tích Thánh Thể, chúng ta có thể chú trọng tới một số vấn đề mục vụ. Sợi dây trung thành, độc nhất và bất khả phân nối kết Chúa Kitô và Giáo Hội tìm thấy sự diễn tả mang tính bí tích trong mầu nhiệm Thánh Thể, liên quan đến dữ kiện nhân loại học nền tảng, qua đó một người nam kết hợp một cách tự nhiên với một người nữ và ngược lại (x. St 2, 24, Mt 19, 5). Trên nền tảng suy tư đó, các Giám Mục trong Thượng Hội Đồng đã nhắc đến vấn đề thực hành mục vụ liên quan đến những người được nghe giảng Tin Mừng từ những nền văn hoá còn thực hành chế độ đa thê. Những người sống trong hoàn cảnh đó mở rộng tâm hồn đón nhận đức tin Kitô giáo, cần được giúp đỡ để hội nhập quy trình- đời sống của họ với tính mới mẻ triệt để của Chúa Kitô. Trong thời gian dự tòng, Chúa Kitô gặp gỡ họ trong chính hoàn cảnh đặc thù của họ và mời gọi họ đón nhận trọn vẹn sự thật về tình yêu, thực hiện bất cứ hi sinh nào cần thiết để đạt đến sự hiệp thông giáo hội trọn vẹn. Giáo Hội đồng hành với họ trong sự quan tâm mục vụ, thật nhẹ nhàng nhưng cương quyết, (90) mà trên hết, tỏ cho họ thấy ánh sáng chiếu toả trên tự nhiên và tình yêu con người qua các mầu nhiệm Kitô giáo.

 

Bí tích Thánh Thể và tính bất khả phân li của hôn nhân

 

29. Nếu Bí tích Thánh Thể diễn tả đặc tính bất khả phế bỏ tình yêu của Chúa Kitô đối với Giáo Hội của Người thì chíng ta hiểu được tại sao tình yêu ấy, liên quan đến Bí tích Hôn Phối, hàm chứa đặc tính bất khả phân li gắn liền với mọi tình yêu chân chính. (91) Có một lí do trong việc quan tâm mục vụ mà Thượng Hội Đồng Giám Mục dành cho những hoàn cảnh đau khổ qua đó một số tín hữu phải cam chịu khi họ đã cử hành Bí tích Hôn Phối, nhưng lại li dị và tái hôn. Điều này tỏ rõ một vấn đề mục vụ phiền toái và phức tạp, cũng thực là một sự giáng phạt cho xã hội đương đại, và là một vấn đề càng ngày càng ảnh hưởng tới cả cộng đồng Công Giáo. Những mục tử của Giáo Hội, ngoài lòng mộ mến sự thật, bó buộc phải cứu xét những hoàn cảnh khác biệt nhau một cách cẩn thận, để có thể đưa ra sự hướng dẫn thiêng liêng thích hợp cho những tín hữu liên quan. (92) Thượng Hội Đồng Giám Mục xác định việc thực hành của Giáo Hội, dựa trên Kinh Thánh (Mc 10, 2- 12), không chấp nhận cho những người li dị và tái hôn đón nhận các bí tích, bởi vì tình trạng và điều kiện đời sống của họ mâu thuẫn một cách khách quan với sự kết hợp yêu thương giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, được biểu thị và tái hiện trong Bí tích Thánh Thể. Tuy nhiên, những người li dị và tái hôn vẫn thuộc về Giáo Hội, Giáo Hội luôn đồng hành với họ trong sự quan tâm đặc biệt và khuyến khích họ hết sức sống đời sống Kitô hữu bằng việc thường xuyên tham dự Thánh Lễ, dẫu không được rước lễ, lắng nghe Lời Chúa, chầu Thánh Thể, cầu nguyện, tham gia vào đời sống cộng đồng, đối thoại tin tưởng với một linh mục hay một vị linh hướng, nhiệt thành với việc bác ái và thực hành việc thống hối, dấn thân vào việc giáo dục con em của họ.

 

Khi những nghi ngờ chính đáng nêu ra về tính hợp pháp của Bí tích Hôn Nhân trước, việc điều tra cẩn thận phải được tiến hành để xác định xem những nghi ngờ này có nền tảng vững chắc không. Do đó, cần phải bảo đảm sự có mặt của các toà án Giáo Hội địa phương, phải hoàn toàn tuân theo giáo luật, những đặc tính mục vụ, cùng hoạt động phù hợp và mau chóng của những toà án này (94). Mỗi Giáo Phận phải có đủ số người được chuẩn bị cần thiết để các toà án Giáo Hội có thể hoạt động một cách hiệu quả. Tôi nhắc lại rằng “đưa hoạt động thuộc về quy chế của Giáo Hội càng ngày càng gần hơn với người tín hữu là một trách vụ nặng nề” (95). Đồng thời, không được chăm sóc mục vụ nếu có điều gì đó đi ngược lại với luật lệ. Đúng hơn, chúng ta phải khởi đi bằng cách giả định rằng điểm căn bản gặp gỡ giữa lề luật và chăm lo mục vụ là lòng yêu mến sự thật: sự thật chẳng bao giờ là thuần tuý trừu tượng, nhưng là “một phần của hành trình Kitô giáo và nhân linh của mỗi tín hữu” (96). Cuối cùng, khi mà sự vô hiệu hoá dây hôn phối không được công bố và những hoàn cảnh khách quan không thể nào giúp chấm dứt sự chung sống này thì Giáo Hội khuyến khích những thành phần tín hữu đó cam kết sống mối tương quan của ho trong sự trung thành với những đòi hỏi của luật Chúa, như thể bạn hữu, như anh và chị em; như vậy họ có thể được trở lại với bàn tiệc Thánh Thể, khi họ chú tâm giữ việc thực hành đã được thiết lập và chuẩn nhận trong Giáo Hội liên quan về vấn đề này. Một đường hướng như thế, nếu khả thi và đem lại ích lợi, phải được các mục tử hỗ trợ bằng những sáng kiến thích hợp trong Giáo Hội. Thực hành này không bao giờ bao hàm việc chúc lành những mối tương quan này kẻo gây ra những hiểu lầm nơi các tín hữu, bởi liên quan đến giá trị đích thực của hôn nhân (97).

Đứng trước bối cảnh văn hoá phức tạp mà Giáo Hội phải ứng phó trong nhiều quốc gia, Thượng Hội Đồng Giám Mục cũng góp ý cần dành sự quan tâm mục vụ tối đa để huấn luyện các cặp vợ chồng chuẩn bị hôn phối, và để nắm rõ trước những xác quyết của họ liên quan đến những bó buộc đòi hỏi cho tính hợp pháp của Bí tích Hôn Phối. Một sự phân định nghiêm túc trong vấn đề này sẽ giúp tránh được những tình huống mà những quyết định nông nổi hoặc những lí do phiến diện dẫn hai người trẻ bước vào đảm nhận những trách nhiệm mà họ không thể thực tâm gánh nổi. (98) Sự thiện hảo mà Giáo Hội cũng như xã hội xét như toàn thể, chờ mong nơi hôn nhân và gia đình xây dựng trên đó thật lớn lao đến nỗi cần nhờ đến một sự dấn thân toàn diện trong mục vụ cho lãnh vực đặc biệt này. Hôn nhân và gia đình là những tổ chức cần phải được đề cao và bảo vệ khỏi bất cứ một sự sai lạc nào trong bản chất đích thực của nó, bởi vì bất cứ điều gì làm tổn thương đến hôn nhân gia đình thì cũng làm tổn hại cho chính xã hội.

 

Bí tích Thánh Thể và cánh chung học

Thánh Thể: một ơn thiêng cho con người trên đường lữ hành

 

30. Nếu thật sự các Bí tích là một phần thực tại của Giáo Hội lữ hành tiến bước trong lịch sử (99), hướng về sự biểu dương trọn vẹn vinh quang của Chúa Kitô phục sinh, thì cũng là thật, đặc biệt trong phụng vụ Bí tích Thánh Thể, các Bí tích cho chúng ta thật sự hưởng trước sự viên mãn chung cuộc mà mỗi người và mọi thụ tạo đều hướng đến (x. Rm 8, 19 tt.). Con người được tạo dựng để hưởng hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu mà chỉ tình yêu của Thiên Chúa mới có thể trao ban. Nhưng tự do đã bị thương tổn của chúng ta sẽ lạc hướng nếu nó đã không cảm nhận được điều gì của sự viên thành tương lai đó. Hơn nữa, để bước đi đúng hướng, tất cả chúng ta cần được hướng dẫn tiến về cùng đích của chúng ta. Đích điểm đó là chính Chúa Kitô, Đấng chiến thắng tội lỗi và sự chết, là Đấng hiện diện với chúng ta theo một cách thế đặc biệt trong cử hành Thánh Thể. Dù chúng ta vẫn còn là “khách lạ và lữ hành” trong trần gian này (1 Pr 2, 11) thì qua đức tin, chúng ta đã được tham dự trọn vẹn vào sự sống lại. Mở ra chiều kích cánh chung một cách mạnh mẽ, Bàn tiệc Thánh Thể trợ giúp sự tự do của chúng ta khi chúng ta tiếp tục cuộc lữ hành.


Bàn tiệc cánh chung

 

31. Suy tư về mầu nhiệm này, chúng ta có thể nói rằng sự xuất hiện của Chúa Giêsu đã đáp ứng một sự chờ mong hiển hiện trong dân Israel, trong toàn thể nhân loại và cuối cùng trong chính thụ tạo. Bằng việc tự hiến, Người đã chính thức khai mở thời đại cánh chung. Chúa Kitô đến để quy tụ Dân Thiên Chúa đã bị tản lạc (Ga 11, 52) và công khai bày tỏ ý muốn của Người là quy tụ toàn thể cộng đồng giao ước, để thực hiện trọn vẹn những lời Thiên Chúa đã hứa cho cha ông (Gr 23, 3; Lc 1, 55, 70). Khi gọi Nhóm Mười Hai, được coi như liên hệ tới mười hai chi tộc Israel, và theo lệnh truyền Người chỉ thị cho họ trong Bữa Tiệc Li trước cuộc khổ hình ban ơn cứu chuộc, để tưởng nhớ đến Người, Chúa Giêsu đã tỏ cho thấy rằng Người muốn chuyển giao cho toàn thể cộng đồng mà Người đã thiết lập, qua dòng lịch sử, trở nên dấu chỉ và khí cụ của sự quy tụ cánh chung đã khởi sự trong Người. Bởi đó, mỗi cuộc cử hành Thánh Thể đều hoàn tất một cách bí tích cuộc quy tụ cánh chung của Dân Chúa. Đối với chúng ta, bữa tiệc cánh chung thật sự là một sự hưởng nếm trước bữa tiệc sau cùng mà các tiên tri báo trước (x. Is 25, 6- 9) cũng như được trình bày trong Tân Ước như “hôn lễ Con Chiên” (Kh 19, 7- 9), được cử hành trong niềm hân hoan của sự hiệp thông các thánh (100).

 

Cầu nguyện cho người chết

 

32. Cử hành Thánh Thể, chúng ta loan truyền Chúa đã chịu chết và sống lại, và sẽ lại đến, là một bảo chứng cho vinh quang mai sau, khi thân xác chúng ta được vinh hiển. Cử hành việc tưởng niệm ơn cứu độ tăng cường niềm hi vọng của chúng ta vào sự phục sinh thân xác, cũng như vào điều có thể được gặp lại, mặt đối mặt, những người đã ra đi trước chúng ta, đã được ghi dấu đức tin. Trong bầu khí đó, cùng với các Nghị Phụ, tôi muốn nhắc lại cho toàn thể tín hữu về sự quan trọng của việc cầu nguyện cho người chết, nhất là dâng Thánh Lễ cho họ, để một khi đã được thanh tẩy, họ có thể được vào hưởng nhan Chúa. (101) Việc tái khám phá chiều kích cánh chung tiềm ẩn trong Bí tích Thánh Thể, được cử hành và tôn thờ sẽ giúp nâng đỡ chúng ta trên con đường lữ hành và khích lệ chúng ta trong niềm hi vọng được hưởng phúc vinh quang (Rm 5, 2; Tt 2, 13).

 

Bí tích Thánh Thể và Đức Trinh Nữ Maria

 

33. Từ mối tương quan giữa Bí tích Thánh Thể và những Bí tích riêng biệt, và từ ý nghĩa cánh chung của những mầu nhiệm thánh, hiện lên toàn cảnh đời sống của người Kitô hữu, một cuộc sống được kêu gọi trong mọi nơi mọi lúc trở thành một hành vi thờ phượng, một của lễ đẹp lòng dâng lên Thiên Chúa. Dù chúng ta vẫn còn đang hành hương tiến về niềm hi vọng thành toàn, điều này không có nghĩa là chúng ta không được diễm phúc nhận ra rằng những hồng ân Thiên Chúa ban cho chúng ta đã được thấy hoàn thành nơi Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa cùng là Mẹ chúng ta. Xác hồn Mẹ Maria được lên trời là một dấu chỉ vững chắc cho chúng ta, bởi vì nó tỏ cho chúng ta, khi chúng ta đang hành hương trong thời gian, mục tiêu tối hậu của điều mà Bí tích Thánh Thể đã cho chúng ta, ngay từ bây giờ hưởng nếm trước.

 

Nơi Mẹ Maria chí thánh, chúng ta cũng thấy phương thức “nhiệm tích” đã được Thiên Chúa thực hiện cách trọn hảo để xuống gặp gỡ các thụ tạo của Người hầu thực hiện công trình cứu chuộc. Từ Truyền Tin cho đến Hiện Xuống, Mẹ Maria miền Nazareth xuất hiện như một người mà sự tự do hoàn toàn hướng mở về ý muốn Thiên Chúa. Sự thụ thai vô nhiễm nguyên tội của Mẹ được mặc khải chính ngay tại sự tuân phục vô điều kiện của Mẹ đối với Lời Thiên Chúa. Niềm tin vâng phục đáp trả việc Chúa làm khuôn đúc cuộc đời Mẹ trong mọi lúc. Là một trinh nữ lắng tâm nghe lời Chúa, Mẹ sống hoàn toàn thuận theo ý muốn của Người; Mẹ tích chứa trong lòng những lời đến với Mẹ từ Thiên Chúa, đan dệt lại như một bức tranh khảm, Mẹ học để hiểu sâu xa hơn những lời ấy (Lc 2, 19, 51); Mẹ Maria là một Tín Hữu tuyệt vời, đặt mình một cách tín thác trong bàn tay Thiên Chúa, buông theo ý muốn của Người. (102) Mầu nhiệm này lại sâu khuất hơn khi Mẹ hết lòng cộng tác vào sứ mệnh cứu độ của Chúa Giêsu. Theo cách diễn tả của Công Đồng Vatican II, “Đức Trinh Nữ đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên thập giá, giữ vững kế hoạch của Thiên Chúa (Ga 19, 25), Mẹ đã đau đớn chịu khổ cực với Con một của mình và dự phần vào hi lễ của Con, với tấm lòng của một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra. Và cuối cùng, chính Chúa Giêsu Kitô khi hấp hối trên thập giá đã trối Ngài làm Mẹ của môn đệ qua lời này: ‘ Thưa Bà, này là Con Bà’” (x. Ga 19, 26- 27) (103). Từ Truyền Tin cho đến Thập Giá, Mẹ Maria là Đấng đã đón nhận Ngôi Lời trở thành xác phàm trong lòng Mẹ và đã giữ thinh lặng cho đến chết. Sau cùng, chính Mẹ đã ôm trong vòng tay Mẹ thân xác bất động của Đấng đã thật sự yêu “cho đến cùng” (Ga 13, 1).

 

Vì lẽ đó, mỗi lần chúng ta đến gần Mình và Máu Chúa Kitô trong phụng vụ Thánh Thể, chúng ta cũng hướng về Mẹ là Đấng mà bằng sự trung tín trọn hảo đã đón nhận hi tế của Chúa Kitô thay cho toàn thể Giáo Hội. Các Nghị Phụ tuyên bố một cách đúng đắn rằng “Mẹ Maria khai mào sự tham dự của Giáo Hội trong hiến tế của Đấng Cứu Chuộc.” (104) Mẹ là Đấng Vô Nhiễm, Đấng đã đón nhận ân huệ của Thiên Chúa một cách vô điều kiện và kết hiệp với công trình cứu chuộc của Người. Đức Maria thành Nazareth, hình tượng của Giáo Hội khai sinh, mẫu mực cho mỗi người chúng ta, được gọi để đón nhận hồng ân mà Chúa Giêsu dâng hiến trong Bí tích Thánh Thể.


PHẦN HAI:

BÍ TÍCH THÁNH THỂ, MỘT MẦU NHIỆM ĐỂ CỬ HÀNH


“Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Môsê đã cho các ông ăn bánh bởi rời đâu; chính Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực” (Ga 6, 32)


Luật cầu nguyện và luật đức tin (Lex orandi et lex credendi)

 

34. Các Nghị Phụ suy tư nhiều về tương quan nội tại giữa đức tin đối với Thánh Thể và việc cử hành Thánh Thể khi chỉ ra sự liên kết giữa luật cầu nguyện (lex orandi) và luật đức tin (lex credendi), đồng thời nhấn mạnh vai trò ưu tiên của hành vi phụng vụ. Bí tích Thánh Thể phải được cảm nhận như một mầu nhiệm của đức tin, được cử hành một cách xác thực cùng với ý thức rõ ràng rằng “ trí khôn dựa vào đức tin (intellectus fidei) trước tiên phải đặt tương quan vào hành vi phụng vụ của Giáo Hội.” (105) Suy tư thần học trong lãnh vực này không được cắt rời khỏi trật tự bí tích mà chính Chúa Kitô đã lập. Mặt khác, hành vi phụng vụ không bao giờ được coi như phái sinh, tách rời khỏi mầu nhiệm đức tin. Đức tin của chúng ta và phụng vụ Thánh Thể cả hai cùng có chung một nguồn cội, trong cùng một biến cố: sự tự hiến của Chúa Kitô trong Mầu Nhiệm Vượt Qua.

 

Cái Đẹp và Phụng vụ

 

35. Mối quan hệ giữa đức tin và phụng tự lộ rõ một cách đặc biệt trong chiều kích thần học và phụng vụ về cái đẹp. Cũng như phần còn lại của Mặc Khải Kitô giáo, phụng vụ có một mối liên hệ sâu xa với cái đẹp: nó là vẻ rạng ngời của chân lí (veritatis splendor). Phụng vụ là sự biểu tỏ sáng ngời về mầu nhiệm phục sinh, trong đó Chúa Kitô lôi kéo chúng ta đến với Người và kêu gọi chúng ta đi vào hiệp thông. Như Thánh Bônaventura đã nói, trong Chúa Giêsu chúng ta chiêm ngắm vẻ đẹp và sự sáng ngời tại chính nguồn cội của nó. (106) Đây không chỉ thuộc về thẩm mĩ học, nhưng còn là cách thế cụ thể trong đó sự thật về tình yêu của Thiên Chúa trong Chúa Kitô gặp gỡ chúng ta, lôi cuốn chúng ta và làm chúng ta say mê, giúp chúng ta vượt thoát khỏi chính mình và hướng chúng ta về ơn gọi đích thực của chúng ta, là tình yêu. (107) Thiên Chúa tự để cho mình được nhìn thấy trước trong thụ tạo, trong cái đẹp và sự hài hoà của vũ trụ (Kn 13, 5; Rm 1, 19- 20). Trong Cựu Ước chúng ta nhận thấy nhiều dấu chỉ về sự uy hùng của quyền năng Thiên Chúa khi Người biểu dương vinh quang Người trong những việc lạ lùng giữa Tuyển Dân (Xh 14; 16, 10; 24, 12- 18; Ds 14, 20- 23). Trong Tân Ước sự hiển dương vẻ đẹp này đạt đến sự toàn vẹn sau cùng nơi mặc khải của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô: (108) Chúa Kitô là sự hiển dương toàn mãn về vinh quang Thiên Chúa. Trong sự tôn vinh Chúa Con, vinh quang của Chúa Cha toả rạng và được thông đạt (Ga 1, 14; 8, 54; 12, 28; 17, 1). Tuy nhiên nét đẹp này không chỉ là sự hài hoà về tính cân đối và hình thể; “giữa thế nhân ngài vô song tuyệt mĩ” (Tv 45 [44], 3), nhưng một cách huyền nhiệm, còn là “đấng chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích” (Is 53, 2). Chúa Giêsu Kitô tỏ cho chúng ta thấy sự thật về tình yêu có thể biến đổi cả bí ẩn về sự chết thành ánh sáng rạng ngời của sự sống lại. Ở đây vẻ rạng ngời của vinh quang Thiên Chúa vượt quá mọi vẻ đẹp trần gian. Vẻ đẹp chính thực nhất là tình yêu của Thiên Chúa, đã được mặc khải trọn vẹn cho chúng ta trong mầu nhiệm vượt qua.

 

Vẻ đẹp của phụng vụ là một phần của mầu nhiệm này; nó là sự diễn tả cao siêu nhất về vinh quang Thiên Chúa, và theo một nghĩa nào đó, là cái nhìn thoáng về Nước Trời ngay trên trần gian. Cuộc tưởng niệm hi tế cứu độ của Chúa Giêsu hàm chứa một chút nào đó vẻ đẹp ấy, vẻ đẹp mà các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan chứng nhận khi Thầy, trên đường lên Giêrusalem đã biến hình trước mắt các ông (Mc 9, 2). Do đó, cái đẹp không chỉ là nét trang trí, nhưng còn hơn thế, là yếu tố cơ bản của hành vi phụng vụ, bởi vì nó là một thuộc tính của Thiên Chúa và mặc khải của Người. Những nhận định này sẽ giúp chúng ta quan tâm đúng mực để hành vi phụng vụ phản chiếu vẻ rạng ngời sâu thẳm của nó.


Cử hành Thánh Thể, công việc của “trọn vẹn Chúa Kitô” (Christus Totus)

Christus totus in capite et in corpore (Trọn vẹn Chúa Kitô đầu và thân mình)

 

36. “Chủ thể” của vẻ đẹp sâu xa của phụng vụ là chính Chúa Kitô, phục sinh và vinh quang trong Chúa Thánh Thần, Đấng bao quát Giáo Hội trong công trình của Người. (109) Ở đây chúng ta có thể nhớ lại một câu nói đầy ý nghĩa của Thánh Augustinô diễn tả một cách rõ nét động năng của đức tin thích hợp với Bí tích Thánh Thể. Vị Giám Mục vĩ đại thành Hippo, khi trình bày đặc biệt về mầu nhiệm Thánh Thể, nhấn mạnh sự kiện Chúa Kitô đồng hoá chúng ta với chính Người: “Bánh mà bạn thấy trên bàn thờ, được thánh hoá bởi lời Thiên Chúa, là mình Chúa Kitô. Chén thánh, hay đúng hơn, chất thể mà chén thánh chứa đựng, được thánh hoá bởi lời Chúa, là máu Chúa Kitô. Qua những dấu chỉ này, Chúa Kitô muốn kí thác cho chúng ta mình và máu Người đã đổ ra để tha thứ tội lỗi chúng ta. Nếu các bạn đón nhận cách chính đáng, chính các bạn là những gì các bạn đã đón nhận.” (110) Do đó, “chúng ta không chỉ trở nên các Kitô hữu, mà còn trở nên chính Chúa Kitô.” (111) Qua đó, chúng ta có thể chiêm ngắm công việc mầu nhiệm của Thiên Chúa, đang tạo ra một sự hiệp nhất sâu xa giữa chúng ta và Chúa Giêsu: “Chúa Kitô không ở đầu mà không ở trong thân thể; Người trọn vẹn ở trong đầu cũng như trong thân thể.” (112)

 

Bí tích Thánh Thể và Chúa Kitô phục sinh

 

37. Bởi phụng vụ Thánh Thể tự nền tảng là công việc của Thiên Chúa (actio Dei), đưa dẫn chúng ta vào trong Chúa Kitô qua Chúa Thánh Thần, nên cơ cấu nền tảng của nó không phải là điều gì trong năng quyền của chúng ta có thể thay đổi, cũng không thể theo những trào lưu hiện đại. Cũng ở đây một phát biểu không thể phản bác của Thánh Phaolô được áp dụng: “không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giêsu Kitô” (1 Cr 3, 11). Thêm nữa, chính vị Tông Đồ Dân Ngoại xác quyết với chúng ta rằng, liên quan đến Bí tích Thánh Thể, ngài không trình bày giáo huấn của ngài nhưng điều chính ngài đã đón nhận (x.1 Cr 11, 23). Việc cử hành Thánh Thể tiềm ẩn và hàm chứa Truyền Thống sống động. Giáo Hội cử hành hi tế Thánh Thể trong sự tuân phục lệnh truyền của Chúa Kitô, dựa trên cảm nhận của mình về Chúa Phục Sinh và sự tuôn trào Chúa Thánh Thần. Vì lí do đó, từ khởi đầu, cộng đồng Kitô đã quy tụ để bẻ bánh (fractio panis) vào Ngày của Chúa. Chủ Nhật, ngày Chúa trỗi dậy từ trong kẻ chết, cũng là ngày đầu tuần, ngày mà truyền thống Cựu Ước nhìn nhận như là khởi đầu công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Từ nay, ngày tạo dựng trở thành ngày “tạo dựng mới,” ngày giải thoát chúng ta khi chúng ta tưởng niệm Chúa Kitô, Đấng đã chết và sống lại (113).

 

Ars celebrandi (Quy tắc cử hành)

 

38. Trong thời gian diễn ra Thượng Hội Đồng, các Giám Mục nhấn mạnh nhiều đến nhu cầu cần phải tránh bất cứ phản đề nào xảy ra giữa quy tắc cử hành (Ars celebrandi), là nguyên tắc cử hành chính thực với việc tham dự trọn vẹn, linh động và hiệu quả của mọi tín hữu. Đường lối ưu tiên để nuôi dưỡng sự tham dự của Dân Chúa vào nghi thức thánh ở tại việc cử hành đúng chính các nghi lễ. Quy tắc cử hành (ars celebrandi) là một phương thể tối hảo để bảo đảm sự tham dự sinh động (actuosa participati) của họ. (114) Quy tắc cử hành là kết quả của sự gắn bó trung thành với luật phụng vụ trong tất cả sự phong phú của nó; thật vậy, trải qua hai nghìn năm, phương thức cử hành này đã nâng đỡ đời sống đức tin của tất cả tín hữu, được mời gọi để cử hành như Dân Thiên Chúa, trong chức tư tế vương giả, như một dân tộc thánh (1 Pr 2, 4-5, 9) (115)

 

Giám mục, vị chủ tế cao nhất

 

39. Nếu thực sự là toàn thể Dân Chúa đều tham dự vào phụng vụ Thánh Thể thì quy tắc cử hành đúng cần phải có sự phân nhiệm riêng biệt cho những người đã lãnh nhận Bí tích Truyền Chức Thánh. Giám mục, linh mục, và phó tế, mỗi vị tuỳ theo phẩm chức của riêng mình, phải coi việc cử hành phụng vụ như chính phận vụ của mình (116). Trên hết, điều này đúng thực với đức Giám mục Giáo phận: như “người đứng đầu quản lí những mầu nhiệm của Thiên Chúa trong một Giáo Hội địa phương được uỷ thác cho sự chăm sóc của ngài, ngài là vị chủ qủan, vị đề khởi, và người canh giữ toàn thể đời sống phụng vụ của Giáo phận” (117) Điều này là thiết yếu cho đời sống của Giáo Hội địa phương, không chỉ bởi vì sự hiệp thông với đức Giám mục được luật lệ đòi hỏi đối với các việc cử hành trong phạm vi địa hạt của ngài, mà còn bởi chính ngài là vị chủ tế cao nhất trong phạm vi Giáo phận của ngài (118). Chính ngài có trách nhiệm bảo đảm sự duy nhất và đồng bộ trong các việc cử hành diễn ra tại lãnh địa của ngài. Do đó, Giám mục phải “quyết chí để các linh mục, phó tế và giáo dân Kitô hữu hiểu rõ ngày càng sâu đậm ý nghĩa xác thực của các nghi lễ cũng như của các bản văn phụng vụ, để nhờ đó được hướng dẫn để cử hành Bí tích Thánh Thể một cách sống động và hiệu qủa” (119). Tôi mong muốn rằng cần phải làm hết sức có thể để bảo đảm cho các lễ nghi phụng vụ mà đức Giám mục cử hành trong nhà thờ Chính Toà của ngài thể hiện sự tôn trọng trọn vẹn ars celebrandi, để các nghi thức phụng vụ đó được coi như mẫu mực cho toàn thể giáo phận (120).

 

Tôn trọng các sách phụng vụ và sự phong phú của các dấu chỉ

 

40. Nhấn mạnh tầm quan trọng của quy tắc cử hành cũng dẫn đến việc đề cao quy luật phụng vụ. (121) Quy tắc cử hành phải nuôi dưỡng cảm thức thánh thiện và việc sử dụng những dấu chỉ bên ngoài giúp tăng cường cảm thức này, chẳng hạn, sự hoà hợp của nghi lễ, y phục phụng vụ, cách sắp đăt cũng như không gian thánh. Việc cử hành Thánh Thể sẽ được sinh động khi linh mục và những người hướng dẫn phụng vụ nỗ lực giúp thông hiểu các bản văn cũng như quy luật phụng vụ đang sử dụng, soi tỏ sự phong phú bao trùm trong Huấn Thị Tổng Quát của Sách Lễ Rôma cũng như Sách Các Bài Đọc. Có lẽ chúng ta thường cho rằng cộng đồng tín hữu chúng ta đã hiểu thấu và nắm rõ các nguồn nội dung này, tuy nhiên không phải luôn luôn như vậy. Những bản văn này chứa đựng sự phong phú đã tồn tại lâu đời cũng như diễn tả đức tin và cảm nghiệm của Dân Chúa trải qua hơn hai-nghìn-năm- lịch sử. Cũng quan trọng cho một ars celebrandi đúng đắn là việc quan tâm đến những loại hình ngôn ngữ khác nhau mà phụng vụ sử dụng: lời ca và âm nhạc, cử điệu và sự thinh lặng, việc đi lại, mầu sắc của y phục phụng vụ. Bằng chính bản chất của nó, phụng vụ hoạt động trên những mức độ truyền đạt khác nhau giúp đi vào toàn thể con người. Sự giản dị của các cử điệu cũng như sự sử dụng chừng mực các dấu chỉ nối tiếp nhau giúp thông đạt và khơi gợi hơn bất cứ sự pha phôi gò bó mà không thích hợp nào. Quan tâm và trung thành với cơ cấu đặc thù của nghi lễ vừa nói lên sự nhìn nhận bản chất của Bí tích Thánh Thể là một hồng ân, và về phần thừa tác viên, là thái độ rộng mở ngoan ngoãn đón nhận hồng ân vô biên này.

 

Nghệ thuật phục vụ việc cử hành

 

41. Mối liên hệ sâu xa giữa cái đẹp và phụng vụ phải thúc giục chúng ta quan tâm đến các công trình nghệ thuật nhằm vào việc cử hành. (122) Chắc chắn, một yếu tố quan trọng của nghệ thuật thánh là kiến trúc thánh đường, (123) nó phải nêu bật sự thống nhất của việc sắp đặt cung thánh, gồm bàn thờ, tượng chịu nạn, nhà tạm, bục đọc sách thánh, ghế chủ toạ. Ở đây cần phải ghi nhớ rằng mục đích của nghệ thuật thánh là giúp cho Giáo Hội có một không gian thích hợp để cử hành các mầu nhiệm đức tin, nhất là Bí tích Thánh Thể. (124) Bản chất của thánh đường Kitô giáo được chính phụng vụ xác định, nghĩa là một cuộc họp nhau của những tín hữu (ecclesia), là những viên đá sống động của Giáo Hội (x. Pr 2, 5).

 

Nguyên tắc thống nhất này cũng đúng cho nghệ thuật thánh tổng quát, nhất là hội hoạ và điêu khắc, nơi mà những hình tượng tôn giáo cần phải hướng đến sự khai tâm về các bí tích. Một vốn tri thức chắc chắn về lịch sử nghệ thuật thánh thật là hữu ích để giúp cho các vị hữu trách hướng dẫn giới nghệ sĩ và kiến trúc sư sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật dùng trong phụng vụ. Vì vậy thật là thiết yếu để chương trình đào tạo chủng sinh và linh mục có việc nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, đối chiếu với những công trình kiến trúc thánh có liên quan đến những quy tắc về phụng vụ. Tất cả những gì liên quan đến Bí tích Thánh Thể cần phải được trình bày bằng nét đẹp. Cũng phải quan tâm và tôn trọng đặc biệt đến các lễ phục, những đồ dùng, những bình chậu thánh, để nhờ sự sắp đặt một cách trật tự và hài hoà, những vật dụng này sẽ nuôi dưỡng lòng kính tôn đối với mầu nhiệm Thiên Chúa, diễn tả sự thống nhất của đức tin và tăng cường lòng đạo đức. (125)

 

Thánh ca

 

42. Trong ars celebrandi, thánh ca chiếm một vị trí nổi bật. (126) Thánh Augustinô có lí khi ngài xác quyết trong một bài giảng nổi tiếng: “Con người mới biết hát một bài hát mới. Ca hát là cách diễn đạt niềm vui, mà nếu chúng ta suy nghĩ sâu xa hơn, là thể hiện tình yêu” (127). Dân Chúa họp nhau cử hành phụng vụ hát lời ca ngợi Chúa. Trong dòng lịch sử hai nghìn năm, Giáo Hội đã sáng tác và vẫn còn sáng tác âm nhạc, và những bài hát để biểu tỏ một gia sản đức tin và tình yêu quá phong phú, không thể bị mai một. Những kiểu ứng tác tầm thường hoặc việc đề xuất những thể loại âm nhạc không tôn trọng ý nghĩa phụng vụ thì cần phải tránh. Để thể hiện một yếu tố phụng vụ, bài hát phải được đăt vào trong toàn bộ buổi cử hành (128). Do đo, tất cả- lời ca, âm nhạc, cách trình tấu- phải phù hợp với ý nghĩa của mầu nhiệm đang được cử hành, của cấu trúc của lễ nghi và mùa phụng vụ (129). Sau cùng, trong khi vẫn tôn trọng những thể loại đa dạng cùng những truyền thống khác vẫn được đề cao, tôi vẫn muốn, thể theo lời đệ đạt của các Nghị Phụ, rằng thánh ca Grêgorian phải được đánh giá đúng mức và được sử dụng như thánh ca thích hợp cho phụng vụ Rôma (131).

 

Cơ cấu của việc cử hành Bí tích Thánh Thể

 

43. Sau khi nhắc lại những yếu tố nền tảng của ars celebrandi được nêu ra trong suốt thời gian làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục, tôi muốn hướng đến một số điểm đặc thù của cơ cấu cử hành Bí tích Thánh Thể, cần được quan tâm một cách đặc biệt trong thời điểm hiện nay, để chúng ta vẫn trung thành với ý hướng nền tảng trong việc canh tân phụng vụ mà Công Đông Vatican II đã khởi xướng, tiếp nối truyền thống bao la của Giáo Hội.

 

Tính duy nhất nội tại của hành vi phụng vụ

 

44. Trước hết, cần phải suy tư về tính duy nhất nội tại của nghi thức Thánh Lễ. Cả trong giáo lí và trong cách cử hành hiện tại, chúng ta phải tránh tạo ra cảm tưởng rằng hai phần của nghi thức chỉ được đặt kế cạnh nhau. Phụng vụ Lời chúa và phụng vụ Thánh Thể, với những nghi thức dẫn nhập và kết thúc, “liên kết chặt chẽ với nhau đến nỗi tạo thành một hành vi phụng thờ độc nhất.”(132) Có một sợi dây liên kết nội tại giữa Lời Chúa và Thánh Thể. Khi lắng nghe Lời Chúa, đức tin được sinh ra hoặc được tăng cường (x. Rm 10, 17); trong Bí tích Thánh Thể Lời trở thành xác phàm tự hiến cho chúng ta làm lương thực thiêng liêng. (133) Như thế, “từ hai bàn tiệc: Lời Chúa và Mình Chúa, Giáo Hội đón nhận và trao ban cho các tín hữu bánh sự sống.”(134) Do đó, cần phải luôn ghi nhớ rằng Lời Chúa được Giáo Hội đọc và công bố trong phụng vụ dẫn đến Bí tích Thánh Thể như kết điểm đương nhiên vậy.

 

Phụng vụ Lời Chúa

 

45. Cùng với Thượng Hội Đồng Giám Mục, tôi mong muốn Lời Chúa luôn luôn được chuẩn bị và được cử hành một cách cẩn thận. Do vậy tôi tha thiết nhắc nhở rằng phải hết sức cố gắng để bảo đảm cho việc công bố Lời Chúa được trao cho những người đọc đã được chuẩn bị kĩ lưỡng. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng “khi Kinh Thánh được đọc trong Giáo Hội, chính Thiên Chúa ngỏ lời với dân Người, và Chúa Kitô, hiện diện trong chính lời của Người, công bố Tin Mừng”(135). Khi hoàn cảnh cho phép, có thể dùng một ít lời dẫn nhập để tập trung chú ý của các tín hữu. Để có thể hiểu Lời Chúa một cách đúng đắn, chúng ta phải lắng nghe và đón nhận trong tinh thần hiệp thông với Giáo Hội và trong ý thức sáng tỏ về sự duy nhất giữa Lời Chúa và Bí tích Thánh Thể. Thật vậy, lời được công bố và đón nhận là Lời đã thành xác phàm (x. Ga 1, 14); lời ấy liên kết chặt chẽ với con người Chúa Kitô và theo hình thái bí tích của sự hiện diện trường cửu của Người giữa chúng ta. Chúa Kitô không nói trong quá khứ, nhưng trong hiện tại, cho dù Người hiện diện qua hành vi phụng vụ. Trong bối cảnh bí tích của mặc khải Kitô giáo, (136) tri thức cũng như việc học hỏi Lời Chúa giúp chúng ta hiểu rõ hơn để cử hành và sống Bí tích Thánh Thể. Cũng tại đây, chúng ta thấy câu “không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô” thật đúng biết bao (137)

Trong mục đích đó, các tín hữu cần được giúp đỡ để hiểu rõ kho tàng phong phú của Sách Thánh chứa đựng trong các bài đọc, nhờ những sáng kiến mục vụ, việc cử hành Lời Chúa và đọc sách thiêng liêng (lectio divina). Cũng cần phải cổ vũ những hình thức cầu nguyện đã được truyền thống chứng nhận, như Phụng vụ Giờ Kinh, nhất là Kinh Sáng, Kinh Chiều và Kinh Tối, cũng như những buổi cử hành canh thức cầu nguyện. Khi cầu nguyện bằng Thánh Vịnh, bằng các Bài Đọc Sách Thánh cũng như các bài đọc trích từ truyền thống sâu xa chứa đựng trong Kinh Thần Vụ, chúng ta có thể cảm thấu rõ ràng hơn biến cố- Chúa Kitô và nhiệm cục cứu chuộc, mà cuối cùng lại giúp chúng ta hiểu rõ và tham dự vào việc cử hành Thánh Thể một cách phong phú hơn (138).

 

Bài giảng

 

46. Liên quan đến tầm quan trọng của Lời Chúa, cần phải gia tăng phẩm chất của bài giảng. Giảng là “một phần của hành vi phụng vụ” (139), và có mục đích nuôi dưỡng sự hiểu biết Lời Chúa sâu xa hơn để Lời Chúa có thể sinh hoa trái trong đời sống người tín hữu. Bởi vậy, những thừa tác viên có chức thánh phải “chuẩn bị bài giảng một cách cẩn thận, dựa trên sự hiểu biết xứng hợp về Sách Thánh”(140). Cần phải tránh những bài giảng quá sơ lược và trừu tượng. Một cách đặc biệt, tôi yêu cầu các thừa tác viên này phải giảng thế nào để bài giảng liên quan chặt chẽ với việc công bố Lời Chúa trong việc cử hành Bí tích (141) cũng như đời sống cộng đoàn để Lời Chúa thật sự trở nên sự bồi bổ và nâng đỡ cho Giáo Hội (142). Cũng không được quên mục đích huấn giáo và khuyến thiện của bài giảng. Trong chu kì năm phụng vụ, thật thích hợp để trình bày cho các tín hữu, một cách khôn ngoan và dựa trên nền tảng các bài đọc xoay vòng ba năm, những bài giảng “chủ đề” đề cập đến những đề tài quan trọng của đức tin Kitô giáo, dựa trên những gì đã được Huấn Quuyền chính thức đề ra trong bốn “trụ cột” của Sách Giáo Lí Hội Thánh Công Giáo và Sách Toát Yếu mới đây: tuyên xưng đức tin, cử hành mầu nhiệm Kitô giáo, đời sống trong Chúa Kitô và kinh nguyện Kitô giáo (143)

 

Dâng của lễ

 

47. Các Nghị Phụ cũng chú trọng tới việc dâng của lễ. Việc này không được xem chỉ như một thứ “tạm nghỉ” giữa phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể. Nghĩ như thế, ít nhất cũng làm yếu đi cảm thức về một nghi thức duy nhất gồm bởi hai phần liên kết với nhau. Cử chỉ khiêm tốn và đơn sơ này thật sự rất có ý nghĩa: qua bánh và rượu mà chúng ta đem đến bàn thờ, tất cả thụ tạo được Chúa Kitô Đấng Cứu Chuộc đón nhận, được biến đổi và tiến dâng lên Chúa Cha. (144) Theo tinh thần đó chúng ta cũng đem đến bàn thờ mọi đau khổ của thế giới, với niềm xác tín rằng mọi sự đều có giá trị trước mặt Chúa. Ý nghĩa đích thực của cử chỉ này có thể được diễn tả thật rõ ràng mà không cần nhấn mạnh thêm hoặc tạo những phức tạp không cần thiết. Việc dâng của lễ giúp chúng ta hiểu rõ cách thế Thiên Chúa mời gọi con người tham gia vào việc hoàn thiện công việc của Người, và như thế, tạo cho lao động của con người có một ý nghĩa đích thực, bởi vì qua việc cử hành Thánh Thể, lao động ấy được kết hợp với hiến lễ cứu chuộc của Chúa Kitô.

 

Kinh nguyện Thánh Thể

 

48. Kinh nguyện Thánh Thể là “tâm điểm và đỉnh cao của tất cả việc cử hành” (145). Tầm quan trọng của phần này phải được nhấn mạnh một cách xứng hợp. Các Kinh Nguyện Thánh Thể khác nhau ở trong Sách Lễ đã được truyền lại cho chúng ta bởi truyền thống sống động của Giáo Hội và rất đáng lưu tâm vì sự phong phú về thần học và thiêng liêng vô hạn của nó. Các tín hữu cần được giúp đỡ để nắm rõ tính phong phú đó. Ở đây Huấn Thị Tổng Quát về Sách Lễ Rôma có thể hữu ích khi liệt kê những yếu tố cơ bản của mỗi Kinh Nguyện Thánh Thể: Tạ ơn, tung hô, kinh khẩn cầu, lời thiết lập và truyền phép, kinh kính nhớ, lời tiến dâng, lời cầu khẩn và vinh tụng ca kết thúc. (146) Đặc biệt, linh đạo Thánh Thể và suy tư thần học sẽ thêm phong phú nếu chúng ta chiêm niệm, trong Kinh nguyện Thánh Thể, tính duy nhất sâu xa giữa lời nguyện xin Chúa Thánh Thần và lời thiết lập (147), nơi “hoàn tất hiến lễ mà chính Chúa Kitô thiết lâp tại Bữa Tiệc Li” (148). Thật vậy, “Giáo Hội cầu xin quyền năng Chúa Thánh Thần để lễ vật do tay con người dâng được thánh hoá, nghĩa là trở nên Mình và Máu Chúa Kitô, và để Lễ Vật không tì vết được đón nhận trong phần rước lễ trở thành ơn cứu độ cho tất cả những ai sắp dự vào”. (149)

 

Chúc bình an

 

49. Tự bản chất Bí tích Thánh Thể là Bí tích của sự bình an. Trong Thánh lễ chiều kích này của mầu nhiệm Thánh Thể tìm được cách diễn tả đặc thù trong việc chúc binh an. Chắc chắn cử chỉ này có một giá trị cao đẹp (x. Ga 14, 27). Trong thời đại chúng ta, bị đè nặng bởi những sợ hãi và xung đột, thì cử chỉ này nói lên rất nhiều ý nghĩa, nhất là khi Giáo Hội càng ngày càng ý thức hơn về trách nhiệm phải cầu nguyện không ngừng cho ơn hoà bình và hiệp nhất cho chính mình cũng như cho toàn thể gia đình nhân loại. Chắc chắn mỗi người đều ấp ủ trong tâm hồn mình một lòng khao khát mãnh liệt ơn bình an. Giáo Hội cất tiếng khơi lên niềm hi vọng ơn bình an và hoà giải xuất phát từ mọi người thiện chí, hướng nó về Đấng là “Sự Bình An của chúng ta” (Ep 2, 14) và là Đấng có thể đem lại bình an cho mỗi người cũng như cho các dân tộc khi mọi nỗ lực của con người đều thất bại. Như thế, chúng ta có thể hiểu được cảm xúc thường cảm nhận được khi chúc bình an trong cử hành phụng vụ. Dẫu vậy, trong khi họp Thượng Hội Đồng Giám Mục, những bàn luận cũng được đưa ra để có một sự giới hạn thích đáng đối với cử chỉ này, nghĩa là nó có thể đi đến hơi quá và gây ra chia trí tong cộng đoàn ngay trước khi rước lễ. Cần ghi nhớ rằng ý nghĩa của nó không hề giảm đi khi việc chúc bình an được thực hiện một cách vừa phải, duy trì trong bầu khí thích hợp của buổi cử hành, chẳng hạn chỉ làm với những người ở gần nhất (150).

 

Việc trao và rước Thánh Thể

 

50. Giây phút khác của cuộc cử hành cần được nhắc đến, đó là việc trao và Rước Lễ. Tôi yêu cầu mọi người, nhất là các thừa tác viên có chức thánh và những người đã được chuẩn bị xứng hợp cho nhu cầu chính đáng này, đã được cho phép để thực hiện việc trao Thánh Thể, phải hết sức cố gắng bảo đảm cho hành vi đơn thuần này duy trì được tầm mức quan trọng của nó, như thể đó là một sự gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu trong Bí tích này. Đối với những quy luật bảo đảm cho việc thực thi này đúng đắn, tôi muốn tham chiếu những tài liệu mới được phổ biến liên quan đến vấn đề này. (151) Mọi cộng đồng Kitô hữu phải tuân thủ những quy luật hiện hành một cách trung thành, hãy nhận ra ở đó một sự thể hiên đức tin và tình yêu mà tất cả chúng ta phải có đối với Bí tích cao trọng này. Lại nữa, chúng ta cũng không được bỏ qua thời gian quý báu của việc cám ơn sau rước lễ: ngoài việc hát một bài thánh ca thích hợp, việc hồi tâm thinh lặng thật là hữu ích. (152)

Về vấn đề này, tôi muốn hướng chú ý vào một vấn đề mục vụ thường gặp trong hoàn cảnh hiện nay. Tôi muốn nhắc đến sự thể là trong một số trường hợp- chẳng hạn, Lễ cưới, Lễ an táng, hoặc những dịp tương tự- ngoài những người Công Giáo tham dự còn có những người khác hiện diện, những người đã lâu không còn tham dự Thánh Lễ hoặc những người đang sống trong tình trạng không được phép chịu các Bí tích. Hoặc thỉnh thoảng cũng có những tín đồ thuộc các giáo hội Kitô giáo khác và cả những người thuộc tôn giáo khác cũng có mặt. Những trường hợp tương tự cũng có thể diễn ra trong những nhà thờ thường được thăm viếng, nhất là tại những địa điểm du lịch. Trong tất cả những trường hợp này, cần phải tìm một phương thế vắn gọn và trong sáng để nhắc nhớ cho những người có mặt về ý nghĩa của việc hiệp thông bí tích, cùng những điều kiện đòi buộc của việc tiếp nhận này. Bất cứ những trường hợp nào không thể bảo đảm cho việc duy trì ý nghĩa thích đáng của Bí tích Thánh Thể, thì nên xem xét để thay thế việc cử hành Thánh Lễ bằng phụng vụ Lời Chúa. (153)

 

Lời giải tán: “Lễ xong, hãy đi” (Ite, missa est)

 

51. Sau cùng, tôi muốn nói thêm một cách vắn tắt về những nhận định của các Nghị Phụ liên quan đến lời giải tán vào cuối buổi cử hành Thánh Thể. Sau phép lành, phó tế hoặc linh mục giải tán dân chúng bằng câu: Lễ xong, hãy đi (Ite, missa est). Những lời này giúp chúng ta hiểu rõ mối tương quan giữa Thánh Lễ vừa được cử hành và sứ mệnh của Kitô hữu trong trần gian. Vào thời xưa, missa chỉ có nghĩa là “giải tán.” Tuy nhiên theo cách dùng Kitô giáo, nó dần dần mang một ý nghĩa sâu xa hơn. Từ “giải tán” đó đã bao hàm một “sứ mệnh.” Những lời ngắn ngủi này diễn tả một cách cô đọng bản chất truyền giáo của Giáo Hội. Dân Chúa cần phải được giúp đỡ để hiểu rõ hơn chiều kích nền tảng này của đời sống Giáo Hội, coi việc ra đi như một khởi điểm. Trong bầu khí ấy, thật là hữu ích để soạn thảo những bản văn mới, được chính thức chuẩn nhận, để cầu nguyện trên dân chúng và ban phép lành cuối lễ, hầu làm cho mối liên quan này được sáng tỏ (154).

 

Sự tham dự linh động (Actuosa participatio)

Sự tham dự đích thực

 

52. Công Đồng Vatican II đã nhấn mạnh một cách đúng đắn về việc tham dự một cách linh động, trọn vẹn và hiệu quả của toàn thể Dân Chúa vào việc cử hành Thánh Thể (155). Chắc chắn, việc canh tân được thực hiện trong những năm qua đã đem lại những tiến triển đáng kể trong việc hoàn thiện những ước nguyện của các Nghị Phụ Công Đồng. Tuy nhiên chúng ta không được bỏ qua sự kiện là một số hiểu lầm đôi khi xảy ra liên quan đến ý nghĩa đích thực của việc tham dự này. Cần phải nói một cách rõ ràng rằng từ “tham dự” không chỉ nói đến những hoạt động bên ngoài trong buổi cử hành. Thật vậy, việc tham dự linh động mà Công Đồng mong muốn phải được hiểu theo những hạn từ mang ý nghĩa bản thể hơn, dựa trên nền tảng của việc hiểu rõ hơn mầu nhiệm đang được cử hành và tương quan của nó với cuộc sống thường ngày. Hiến chế Phụng vụ, Sacrosanctum Concilium khuyến giục các tín hữu tham dự vào phụng vụ Thánh Thể không phải như “những người bàng quan hoặc những khán giả câm lặng” nhưng như những người tham dự “vào hành vi thánh thiêng, ý thức rõ điều họ đang thực hiện, một cách sống động và thành kính” (156). Lời hối thúc này không hề mất đi sức mạnh của nó. Công Đồng tiếp tục bày tỏ rằng các tín hữu “ được đào tạo bởi Lời Chúa, được nuôi dưỡng nơi bàn tiệc Mình Chúa. Họ phải cảm tạ Chúa. Và trong khi dâng Lễ Vật tinh tuyền, không chỉ nhờ tay linh mục mà còn kết hiệp với Người, họ tập dâng chính mình. Ngày qua ngày, nhờ Chúa Kitô Đấng Trung gian, họ được lôi kéo để đi vào sự kết hiệp hoàn hảo hơn với Thiên Chúa và với nhau” (157).

 

Sự tham dự và thừa tác vụ linh mục

 

53. Cái đẹp và sự hoà hợp của phụng vụ tìm được sự biểu đạt mạnh mẽ trong vai trò mà qua đó mỗi người được kêu gọi để tham dự một cách linh động. Điều này bao gồm một sự hiểu rõ các phần vụ liên quan đến việc cử hành. Thật hữu ích để nhắc nhớ rằng việc tham dự linh động tự nó không tương ứng với việc thi hành một sứ vụ riêng nào. Việc tham dự linh động của giáo dân không được thuận lợi nếu có sự lẫn lộn xuất phát từ một tình trạng không biết phân định, trong việc hiệp thông Giáo Hội, những phận vụ riêng của mỗi người. (158) Thật rất cần thiết phải phân định những phận vụ đặc thù của linh mục. Chỉ linh mục, chứ không phải người nào khác, theo truyền thống Giáo Hội xác định, chủ sự toàn bộ việc cử hành Thánh Thể, từ lời chào mở đầu cho đến phép lành kết thúc. Do bởi Thánh Chức mà ngài đã nhận, linh mục đại diện Chúa Giêsu Kitô, đầu của Giáo Hội, và, một cách đặc biệt, cũng đại diện chính Giáo Hội. (159) Quả thật, mọi việc cử hành Thánh Thể đều được điều khiển bởi Đức Giám mục, “hoặc chính ngài, hoặc qua các linh mục là những cộng sự viên của ngài.” (160) Ngài được phụ giúp nhờ một phó tế, có những phận vụ đặc biệt trong lúc cử hành: phó tế dọn bàn thờ, phụ giúp các linh mục, công bố Lời Chúa, đôi khi giảng, đọc các ý chỉ Lời Nguyện Tín Hữu, và trao Thánh Thể cho các tín hữu. (161) Cộng tác với những thừa tác vụ liên quan đến Bí tích Truyền Chức Thánh, còn có những thừa tác vụ khác để giúp phụng vụ, được thi hành một cách tốt đẹp do các tu sĩ và giáo dân đã được huấn luyện. (162)

 

Cử hành Thánh Thể và sự hội nhập văn hoá

 

54. Trên nền tảng những xác quyết của Công Đồng Vatican II, các Nghị phụ Thượng Hội Đồng Giám Mục thường xuyên nhấn mạnh đến sự tham dự linh động của các tín hữu vào hi tế Thánh Thể. Để làm tăng triển sự tham dự này, việc đề ra một số các điều chỉnh thích hợp theo những bối cảnh và văn hoá khác nhau đã được thực hiện. (163) Sự kiện có một số lạm dụng xảy ra không làm suy giảm nguyên tắc minh thị này, vốn phải được tuân thủ theo những nhu cầu thực tế của Giáo Hội, khi Giáo Hội sống và cử hành một mầu nhiệm duy nhất về Chúa Kitô, trong một hoàn cảnh đa dạng về văn hoá. Trong mầu nhiệm Nhập Thể, Chúa Giêsu, sinh bởi một người nữ và như một người trọn vẹn (x. Gl 4, 4) đã đi thẳng vào tương quan không chỉ với những sự chờ mong hiện thực trong Cựu Ước, nhưng còn theo sự đợi trông của mọi dân tộc. Như thế Người tỏ cho thấy rằng Thiên Chúa muốn gặp gỡ chúng ta trong chính hoàn cảnh cụ thể của chúng ta. Một sự tham dự hiệu quả hơn của các tín hữu vào những mầu nhiệm thánh, do vậy, sẽ thuận lợi nếu có một tiến trình hội nhập văn hoá đối với việc cử hành Thánh Thể, trong khi phải xét đến những khả năng thích ứng đã được trình bày trong Huấn Thị Tổng Quát về Sách Lễ Rôma, (164) và được giải thích trong ánh sáng của những tiêu chí đã được đăt định bởi Huấn Thị Thứ Bốn của Bộ Phụng Tự và Kỉ Luật Bí Tích Varietates legitimae ngày 25 tháng Giêng 1994, (165) và những chỉ dẫn của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong các Tông Huấn Hậu Thương Hội Đồng Gíam Mục, Ecclesia in Africa, Ecclesia in America, Ecclesia in Asia, Ecclesia in Oceania, và Ecclesia in Europa (166). Trong mục tiêu này, tôi mong muốn các Hội Đồng Giám Mục cố gắng duy trì một sự quân bình đúng mức giữa những tiêu chí và những chỉ dẫn đã được ban hành và những đổi mới (167) luôn phù hợp với Tông Toà.

 

Những điều kiện cá nhân cho “actuosa participatio”

 

55. Khi tìm hiểu actuosa participatio của tín hữu trong phụng vụ, các Nghị phụ Thượng Hội Đồng Giám Mục cũng thảo luận về những điều kiện cá nhân cần phải có cho việc tham dự hiệu quả về phần mỗi người. (168) Một trong những điều kiện này chắc chắn là tinh thần thường xuyên hoán cải, cần phải thể hiện trong đời sống của mọi tín hữu. Tham dự linh động vào phụng vụ Thánh Thể khó có thể đạt được nếu người ta tiếp nhận một cách hời hợt, không có sự kiểm điểm đời sống mình. Khả năng nội tâm này có thể được gia tăng, thí dụ, bằng việc hồi tâm và thinh lặng tối thiểu một ít phút trước khi bắt đầu cử hành phụng vụ, bằng ăn chay, và nếu cần bằng việc xưng tội. Một tâm hồn hoà giải với Chúa mới có thể giúp cho việc tham dự đích thực. Các tín hữu cần được nhắc nhở rằng không thể có actuosa participatio vào các mầu nhiệm thánh nếu không đi kèm theo nỗ lực tham dự một cách tích cực vào đời sống của Giáo Hội nói chung, gồm cả việc dấn thân truyền giáo để đem tình yêu Chúa vào đời sống xã hội.

 

Chắc chắn rằng việc tham dự trọn vẹn vào Bí tích Thánh Thể được thực hiện khi bản thân người tín hữu đến bàn thờ để rước lễ. (169) Tuy nhiên, cũng cần phải ý tứ thêm kẻo nhiều tín hữu nghĩ rằng chỉ duy việc họ hiện diện trong nhà thờ suốt buổi phụng vụ thì họ có quyền hoặc có bổn phận phải tiến đến bàn tiệc Thánh Thể. Dẫu có những trường hợp không thể được rước lễ, việc tham dự Thánh Lễ vẫn cần thiết, vẫn quan trọng, thật ý nghĩa và ích lợi. Trong những trường hợp như thế, sẽ thật hữu ích nếu nuôi dưỡng lòng ước muốn kết hiệp với Chúa Kitô qua việc rước lễ thiêng liêng, được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khuyến khích (170).

 

Sự tham dự của các Kitô hữu không phải Công Giáo

 

56. Chủ đề tham dự Bí tích Thánh Thể không thể không nêu lên vấn đề của những Kitô hữu thuộc về các Giáo Hội hoặc những Cộng Đồng Giáo Hội không hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo. Về điểm này, cần phải nói rằng mối kiên kết sâu xa giữa Bí tích Thánh Thể và sự hiệp nhất Giáo Hội thúc đẩy chúng ta mong ước một ngày nào đó được cử hành Bí tích Thánh Thể cùng với mọi người tin vào Chúa Kitô, và như vậy diễn tả một cách hữu hình sự hiệp nhất trọn vẹn mà Chúa Kitô muốn nơi các môn đệ của Người (x. Ga 17, 21). Mặt khác, sự tôn kính mà chúng ta phải có đối với bí tích Mình và Máu Chúa Kitô ngăn cản chúng ta không được coi đó chỉ như một “phương tiện”, được sử dụng một cách cẩu thả để đạt được sự hiệp nhất. (172)Thật vậy, Bí tích Thánh Thể không chỉ bày tỏ sự hiệp thông cá nhân của chúng ta với Chúa Giêsu Kitô, nhưng còn bao hàm sự hiêp thông (communio) trọn vẹn với Giáo Hội. Đây là lí do tại sao, dẫu thật đáng buồn nhưng không mất niềm hi vọng, chúng tôi yêu cầu các Kitô hữu không phải là Công Giáo hiểu rõ và tôn trọng niềm xác tín của chúng tôi đã được bắt nguồn từ Kinh Thánh và Truyền Thống. Chúng tôi cho rằng sự hiệp thông Thánh Thể và sự hiệp thông Giáo Hội liên kết chặt chẽ với nhau đến nỗi, đối với những Kitô hữu không-Công Giáo không thể đón nhận điều trước mà không vui hưởng điều sau. Sẽ mất hết ý nghĩa nếu thật sự cử hành chung với các thừa tác viên của các Giáo Hội hay những Cộng Đồng Giáo Hội không hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo. Tuy nhiên vẫn còn đúng khi, vì ơn cứu chuộc đời đời của họ, cá nhân những Kitô hữu không-Công Giáo có thể được nhận Bí tích Thánh Thể, Bí tích Hoà Giải và Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân. Tuy nhiên đây chi là những trường hợp đặc biệt, ngoại thường và đòi hỏi phải đáp ứng thoả đáng những điều kiện được xác định (172). Những điều này được chỉ dẫn trong Sách Giáo Lí Giáo Hội Công Giáo (174) cũng như Sách Toát Yếu (175). Mọi người phải trung thành tuân giữ những quy luật này.

 

Tham dự qua những phương tiện truyền thông

 

57. Nhờ sự phát triển phi thường của những phương tiện truyền thông, từ “tham dự” đã mang một ý nghĩa rộng hơn trong những thập kỉ vừa qua. Tất cả chúng ta cùng vui mừng nhìn nhận rằng truyền thông cũng đã mở ra những khả năng mới cho việc cử hành Bí tích Thánh Thể. (176) Điều này đòi hỏi một sự chuẩn bị đặc biệt cũng như một cảm thức bén nhạy về phía những nhân viên mục vụ làm việc trong lãnh vực này. Khi Thánh Lễ được phát trên truyền hình thì Thánh Lễ đó chắc hẳn được coi như một mẫu mực. Do đó, cần phải đặc biệt quan tâm để bảo đảm việc cử hành tôn trọng những quy luật của phụng vụ, và diễn ra trong những nơi chốn thích hợp, được chuẩn bị chu đáo.

Sau cùng, liên quan đến giá trị của việc tham dự Thánh Lễ qua những phương tiện truyền thông, những người nghe hoặc xem những chương trình này cần ý thức rằng trong những hoàn cảnh bình thường, họ chưa chu toàn luật buộc dự Lễ. Những hình ảnh thị giác có thể biểu thị thực tại nhưng nó không tạo ra thực tại ấy một cách hiện thực. (177) Trong khi người ta khuyến khích những người già cả và đau ốm tham dự Thánh Lễ Chủ Nhật qua truyền thanh và truyền hình, thì điều đó không thể cho phép một số người nghĩ rằng những chương trình như thế sẽ miễn chước cho họ khỏi đến nhà thờ để tham dự việc cử hành Thánh Thể cùng với một cộng đoàn Giáo Hội sống động.

 

Việc tham dự sống động của những người đau yếu 

 

58. Trong khi nghĩ đến những người không thể tham dự ở những nơi thờ phụng vì lí do sức khoẻ hay cao tuổi, tôi muốn kêu gọi toàn thể Cộng Đồng Giáo Hội quan tâm đến sự quan trọng có tính mục vụ của việc đáp ứng sự trợ giúp thiêng liêng cho những người đau ốm, cả những người sống tại nhà riêng cũng như những người trong bệnh viện. Tình cảnh của họ đã được thường xuyên nhắc đến trong Thượng Hội Đồng Gíam Mục. Những anh chị em này cần phải có cơ hội được rước lễ một cách thường xuyên. Như thế, họ có thể tăng cường sự kết hợp với Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại, và cảm thấy được dự phần trọn vẹn vào đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội qua việc dâng những đau khổ kết hiệp với hiến tế của Chúa Giêsu. Và cần quan tâm đặc biệt đến những người tật nguyền. Khi điều kiện của họ như thế, cộng đồng Kitô giáo phải giúp đỡ để họ có thể tham dự tại nơi thờ phượng. Những công trình xây dựng phải được thiết kế thế nào để giúp những người tật nguyền đi lại dễ dàng. Cuối cùng, bất cứ khi nào có thể, việc đón nhận Thánh Thể có thể được trao ban cho những người thiểu năng tâm thần, nếu họ đã được rửa tội và thêm sức: họ rước Thánh Thể trong đức tin của gia đình họ hay của cộng đoàn đồng hành với họ. (178)

 

Quan tâm đến các tù nhân

 

59. Truyền thống thiêng liêng của Giáo Hội, dựa trên chính lời Chúa Kitô (x. 25, 36) đã coi việc thăm viếng các tù nhân như là một trong những công việc thương xót mang tính thể lí. Các tù nhân có một nhu cầu đặc biệt để được Chúa ngự trong Bí tích Thánh Thể đích thân thăm viếng. Cảm nhận sự gần gũi với cộng đồng Giáo Hội, được tham dự Bí tích Thánh Thể và rước lễ trong giai đoạn khó khăn và đau khổ chắc chắn giúp tạo nên chất liệu cho hành trình đức tin của một tù nhân và giúp tái hội nhập đầy đủ vào đời sống xã hội. Nhắc lại lời nhắn nhủ của Thượng Hội Đồng Giám Mục, tôi mong mỏi các Giáo phận hãy làm tất cả những gì có thể, để bảo đảm những hoạt động trợ giúp mục vụ được góp vào việc chăm sóc thiêng liêng cho các tù nhân. (179)

 

Di dân và sự tham dự Bí tích Thánh Thể

 

60. Giờ đây hướng về những người mà vì những lí do khác nhau phải rời bỏ quê hương của mình, các Nghị Phụ bày tỏ lòng biết ơn đặc biệt đối với những người đã dấn thân chăm lo mục vụ cho những người di dân. Cần phải quan tâm đặc biệt đối với những người di dân thuộc các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương; ngoài việc phải xa dời nhà cửa họ còn gặp khó khăn vì không thể tham dự vào phụng vụ Thánh Thể trong chính nghi lễ của họ. Vì lí do đó, bất cứ khi nào có thể, họ phải được các linh mục giúp cử hành nghi lễ của họ. Trong mọi trường hợp tôi xin các Đức Giám Mục hãy đón nhận những anh chị em này với tình yêu của Chúa Kitô. Những tiếp xúc giữa các tín hữu thuộc những nghi lễ khác nhau có thể chứng tỏ một nguồn mạch phong phú lẫn cho nhau. Đặc biệt, tôi cũng đang nghĩ đến những lợi ích xuất phát từ sự hiểu biết những truyền thống khác nhau, nhất là đối với các giáo sĩ. (180)

 

Những cuộc đồng tế đại trào

 

61. Thượng Hội Đồng Giám Mục đã cứu xét phẩm chất việc tham dự trong trường hợp của những cuộc cử hành đại trào, được tổ chức trong những hoàn cảnh đặc biệt, bao gồm không chỉ một số đông các tín hữu giáo dân, mà còn có nhiều linh mục đồng tế. (181) Môt mặt, chúng ta rất dễ cảm nhận sự quan trọng của những giờ phút đó, nhất là khi chính Đức Giám Mục cử hành, cùng có các linh mục và các phó tế quy tụ chung quanh ngài. Mặt khác, trong những trường hợp như thế thật không dễ bày tỏ phân minh tính duy nhất của linh mục đoàn, nhất là trong khi đọc Kinh Nguyện Thánh Thể và việc trao Thánh Thể. Cần phải có nhiều cố gắng kẻo những cuộc đồng tế đại trào mất đi sự tập trung chính thực của nó. Điều này có thể thực hiện được bằng sự phối hợp khít khao và bằng sự sắp xếp vị trí cử hành để các linh mục và giáo dân thực sự có thể tham dự một cách trọn vẹn. Tuy nhiên, cần phải luôn ghi nhớ rằng ở đây chúng ta đang nói tới những cuộc đồng tế khác thường, giới hạn trong những hoàn cảnh đặc biệt.

 

Tiếng La tinh

 

62. Không có những nhận định nào vừa đề cập có thể tạo nghi ngờ về tầm quan trọng của việc cử hành phụng vụ đại trào. Ở đây tôi đang nghĩ một cách đặc biệt đến những cuộc cử hành trong những buổi gặp gỡ quốc tế, mà ngày nay được tổ chức thường xuyên hơn. Trong những cơ hội này cần phải hoạt động tối đa. Để diễn tả một cách rõ ràng hơn tính duy nhất và phổ quát của Giáo Hội, tôi cũng tán thành đề nghị của các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng Gíam Mục, và hợp theo những chỉ dẫn của Công Đồng Vatican II (182), là trừ ra các bài đọc, bài giảng và lời nguyện tín hữu, những buổi phụng vụ như thế có thể được cử hành bằng tiếng La tinh. Một cách tương tự, những kinh đã quá quen thuộc trong truyền thống Giáo Hội cũng nên đọc bằng tiếng La tinh, và nếu có thể thì nên hát những bài trong hợp tuyển thánh ca Grêgôrian. Nói một cách tổng quát hơn, tôi mong muốn các linh mục tương lai, trong thời gian ở chủng viện, cần được chuẩn bị để hiểu và cử hành Thánh Lễ bằng tiếng La tinh, cũng như có thể sử dụng các bản văn bằng tiếng La tinh và hát thánh ca Grêgôrian; và cũng đừng quên rằng các tín hữu có thể được chỉ dạy để đọc những kinh quen thuộc bằng tiếng La tinh cũng như có thể hát những phần phụng vụ bằng những bài thánh ca Grêgôrian. (184)

 

Những cuộc cử hành Thánh Thể trong những nhóm nhỏ

 

63. Có một trường hợp rất khác biệt nảy sinh khi, vì để tạo cho một sự tham dự ý thức hơn, linh động hơn và hiệu quả hơn, thì cần tạo những hoàn cảnh mục vụ thuận lợi để cử hành cho những nhóm nhỏ. Trong khi nhìn nhận giá trị giáo huấn của phương thức này thì cũng cần phải xác định rằng những cuộc cử hành như thế phải luôn luôn phù hợp với hoạt động mục vụ chung của Giáo Phận. Những việc cử hành đó thật sự sẽ mất giá trị huấn giáo của nó nếu những cuộc cử hành ấy cho người ta cảm nhận như là để đối lập hoặc để cạnh tranh với đời sống của Giáo Hội địa phương. Về vấn đề này Thượng Hội Đồng Giám Mục đã đề ra một vài tiêu chuẩn cần thiết: những nhóm nhỏ phải phục vụ để hiệp nhất cộng đoàn, chứ không được phân rẽ cộng đoàn; những lợi ích cần phải được chứng minh rõ ràng; những nhóm này phải thúc đẩy sự tham dự hiệu quả vào toàn thể cộng đoàn, và duy trì hết sức có thể sự hiệp nhất của đời sống phụng vụ trong mỗi gia đình. (185)

 

Sự tham dự nội tâm vào việc cử hành

Giáo lí khai tâm

 

64. Truyền thống phụng vụ lâu đời của Giáo Hội dạy chúng ta rằng việc tham dự hiệu quả vào phụng vụ đòi hỏi người ta phải được uốn nắn một cách cá nhân đối với mầu nhiệm được cử hành, bằng việc dâng hiến đời sống của họ cho Thiên Chúa, kết hiệp với hiến tế của Chúa Kitô để cứu chuộc toàn thể thế giới. Vì lí do đó, các Nghị Phụ mong muốn rằng các tín hữu phải được giúp đỡ để tạo cho nội tâm họ hợp với cử chỉ và lời nói của họ. Tuy nhiên, mặt khác các việc cử hành phụng vụ của chúng ta cần phải được trù liệu và thực hiện thế nào kẻo rơi vào nguy cơ biến thành một chủ thuyết duy nghi lễ nào đó. Bởi vậy cần phải giáo dục đức tin vào Thánh Thể để giúp cho người tín hữu sống một cách cá nhân những gì họ cử hành. Đối với việc quan trọng thiết yếu của việc tham dự (participatio) một cách cá nhân và ý thức, những phương pháp huấn luyện nào cần có? Về vấn đề này, các Nghị Phụ nhất trí cho rằng, phương thức khai tâm giáo lí sẽ giúp các tín hữu hiểu sâu xa hơn những mầu nhiệm đang được cử hành. (186) Một cách đặc biệt, chẳng hạn tương quan chặt chẽ giữa ars celebrandi và actuosa participatio, trước tiên cần xác định rằng “giáo lí tốt nhất về Bí tích Thánh Thể là chính Bí tích Thánh Thể được cử hành một cách chu đáo.” (187) Thật vậy, bằng chính bản chất của nó, về mặt sư phạm phụng vụ có thể hữu hiệu trong việc giúp cho các tín hữu bước sâu hơn vào mầu nhiệm đang được cử hành. Đó là lí do tại sao theo truyền thống cổ kính nhất của Giáo Hội, tiến trình huấn giáo Kitô luôn mang đặc điểm trải nghiệm. Trong khi không coi thường một sự hiểu biết có tính hệ thống về nội dung của đức tin, thì tiến trình trên tập chú vào sự gặp gỡ sống động và xác tín đối với Chúa Kitô, như được công bố bởi những chứng nhân đích thực. Trước hết và trên hết, chính các chứng nhân sẽ dẫn người khác đi vào các mầu nhiệm. Đương nhiên, sự gặp gỡ đầu tiên này cần đạt được chiều sâu qua giáo lí và tìm được nguồn mạch cũng như đỉnh cao của nó trong việc cử hành Bí tích Thánh Thể. Cơ cấu nền tảng của kinh nghiệm Kitô giáo cần nhờ đến một tiến trình khai tâm, phải luôn thoả mãn ba yếu tố này:

 

a) Đó là việc cắt nghĩa các nghi thức theo ánh sáng của các biến cố cứu chuộc, phù hợp với truyền thống sống động của Giáo Hội. Việc cử hành Bí tích Thánh Thể, trong sự phong phú bất tận của nó giúp quy chiếu thường xuyên vào lịch sử cứu độ. Trong Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại, chúng ta thật sự cử hành Đấng đã nối kết mọi sự vào trong Người (x. Ep 1, 10). Từ khai nguyên, cộng đồng Kitô giáo đã giải thích các biến cố về cuộc đời Chúa Giêsu, và nhất là Mầu Nhiệm Vượt Qua, trong tương quan với toàn bộ lịch sử Cựu Ước. 

 

b) Giáo lí khai tâm phải quan tâm trình bày ý nghĩa của các dấu chỉ chứa đựng trong các nghi thức. Điều này đặc biệt quan trọng trong thời đại kĩ nghệ cao như thời đại của chúng ta, một thời đại có nguy cơ mất khả năng hiểu rõ các dấu chỉ và biểu tượng. Không chỉ là truyền đạt các thông tin, giáo lí khai tâm phải giúp cho tín hữu cảm nhận hơn đối với ngôn ngữ của các dấu chỉ và cử điệu, mà cùng với lời nói, làm nên nghi thức.

 

c) Sau cùng, giáo lí khai tâm phải quan tâm đưa ý nghĩa của nghi thức liên quan đến đời sống Kitô đi vào mọi chiều kích của nó- làm việc và dấn thân, tư duy và cảm xúc, hoạt động và nghỉ ngơi. Một phần của tiến trình khai tâm cần phải tỏ cho thấy những mầu nhiệm được cử hành trong nghi lễ liên quan với bổn phận truyền giáo của người tín hữu như thế nào. Kết quả sau cùng của việc khai tâm là ý thức rằng cuộc sống của họ đang tuần tự được biến đổi bởi những mầu nhiệm thánh đang được cử hành. Hơn thế, mục tiêu của giáo dục Kitô giáo là huấn luyện người tín hữu có một đức tin trưởng thành, làm cho họ trở nên một “tạo vật mới”, có khả năng làm chứng trong môi trường của họ niềm hi vọng Kitô đã tác động họ.

 

Muốn thực hiện thành công công tác giáo dục đó trong các cộng đồng Giáo Hội của chúng ta, những người có trách nhiệm đào tạo phải được chuẩn bị một cách tương xứng. Thật thế, toàn thể dân Chúa phải cảm thấy liên đới với việc đào tạo này. Mỗi cộng đồng Kitô giáo được kêu gọi để trở thành một nơi mà dân chúng có thể được dạy dỗ về các mầu nhiệm được cử hành trong đức tin. Về vấn đề này, các Nghị Phụ mời gọi sự tham gia rộng rãi hơn của các cộng đồng tu sĩ, các phong trào và các nhóm, mà nhờ các đặc sủng riêng có thể tạo nên động lực mới cho việc giáo dục Kitô giáo. (188) Cũng trong thời đại chúng ta, Chúa Thánh Thần rộng rãi ban phát các ơn của Người để nâng đỡ sứ mệnh tông đồ của Giáo Hội, được uỷ nhiệm để loan truyền đức tin và giúp nó đạt đến mức trưởng thành. (189)

 

Lòng tôn kính đối với Bí tích Thánh Thể

 

65. Một chỉ dấu thuyết phục của tính hữu hiệu của giáo lí về Thánh Thể chắc chắn là sự gia tăng cảm thức về mầu nhiệm Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta. Điều này có thể được diễn đạt bằng những dấu chỉ cụ thể bên ngoài của lòng tôn kính đối với Bí tích Thánh Thể mà tiến trình khai tâm đã dẫn khởi nơi người tín hữu. (190) Tôi nghĩ một cách tổng quát đến sự quan trọng của các cử chỉ và tư thế, như quỳ gối trong suốt thời gian trọng tâm của Kinh Nguyện Thánh Thể. Trong sự đa dạng theo luật định về các dấu chỉ được dùng trong bối cảnh các nền văn hoá khác nhau, mỗi người có thể cảm nhận và diễn đạt ý thức rằng trong mỗi cuộc cử hành, chúng ta đứng trướcThiên Chúa uy nghiêm cao cả, Đấng đến cùng chúng ta trong những dấu chỉ khiêm tốn của Bí tích.

 

Sự Tôn Thờ và Lòng sùng kính Thánh Thể

Tương quan nội tại giữa việc cử hành và sự tôn thờ

 

66. Một trong những giờ phút cảm động nhất của Thượng Hội Đồng Giám Mục diễn ra khi chúng tôi họp nhau trong Đền Thờ Thánh Phêrô, cùng với một số tín hữu để chầu Thánh Thể. Qua hành vi cầu nguyện này, Hội Đồng Giám Mục, không chỉ bằng lời nói, tỏ cho thấy tương quan nội tại giữa việc cử hành Thánh Thể và lòng tôn sùng Thánh Thể. Một sự gia tăng tìm hiểu những khía cạnh mang nhiều ý nghĩa của đức tin Giáo Hội là một phần quan trọng trong kinh nghiệm của chúng ta, vào những năm tiếp theo sau sự canh tân phụng vụ của Công Đồng Vatican II. Trong suốt giai đoạn đầu của cuộc cải cách, tương quan sâu xa giữa Thánh Lễ và chầu Thánh Thể đã không được nhìn nhận một cách rõ ràng. Thí dụ, đã có một sự phản bác, lan rộng một thời, cho rằng bánh Thánh Thể được trao ban cho chúng ta không phải để nhìn ngắm, mà để ăn. Tuy nhiên, trong ánh sáng kinh nghiệm của kinh nguyện Giáo Hội, điều này bị xem như là không có nền tảng. Như Thánh Augustinô đã nói: “không ai ăn thịt ấy mà trước đó đã không tôn thờ; chúng ta sẽ phạm tội nếu chúng ta không tôn thờ thịt ấy.” (nemo autem illam carnem manducat, nisi prius adoraverit; peccemus non adorando ) (191). Trong Bí tích Thánh Thể, Con Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta và ước muốn nên một với chúng ta; chầu Thánh Thể chỉ là hậu kết tự nhiên của cử hành Thánh Thể, mà đó chính là hành vi cao cả nhất của việc tôn thờ của Giáo Hội. (192) Rước Thánh Thể có nghĩa là tôn thờ Đấng mà chúng ta đón nhận. Chỉ như thế chúng ta mới trở nên một với Người, và được hưởng nếm trước, nếu có thể nói như thế, vẻ đẹp của phụng vụ trên trời. Hành vi thờ phượng ngoài Thánh Lễ kéo dài và tăng cường tất cả những gì đã được thực hiện trong chính lúc cử hành phụng vụ. Đúng vậy, “chỉ trong hành vi tôn thờ thì sự đón nhận sâu xa và đích thực mới có thể chín mùi. Và chính sự gặp gỡ cá nhân với Chúa mới tăng cường sứ mệnh xã hội hàm ẩn trong Thánh Thể, và sẽ phá đổ không chỉ những bức tường ngăn cách Chúa với chúng ta, mà nhất là những bức tường chia cách chúng ta với nhau.” (193)

 

Sự thực hành việc chầu Thánh Thể

 

67. Bởi đó, cùng với Thượng Hội Đồng Giám Mục, tôi tha thiết nhắc nhở các mục tử của Giáo Hội và Dân Thiên Chúa hãy thực hành việc chầu Thánh Thể, một cách cá nhân cũng như trong cộng đoàn. (194) Những lợi ích to lớn sẽ phát sinh nhờ một nội dung giáo lí thích hợp giải thích tầm quan trọng của hành vi thờ phượng này, giúp cho các tín hữu cảm nhận việc cử hành phụng vụ đầy đủ hơn và kết quả hơn. Trong điều kiện có thể, và nếu thấy thích hợp, nhất là ở những nơi đông người cư trú, hãy lập riêng những nhà thờ hay nhà nguyện để chầu Thánh Thể liên tục. Ngoài ra, tôi cũng thêm rằng, trong việc huấn giáo, và nhất là trong khi chuẩn bị cho việc Rước Lễ Lần Đầu, các trẻ em phải được dạy về ý nghĩa và sự cao đẹp khi dành thời giờ ở với Chúa Giêsu, đồng thời giúp vun trồng một cảm thức kính yêu trước sự hiện diện của Chúa trong Thánh Thể.

 

Ở đây tôi muốn bày tỏ lòng cảm mến và sự nâng đỡ đối với những Hội Dòng có những người dành nhiều thời gian để chầu Thánh Thể. Như thế, họ nêu cho chúng ta mẫu gương về một đời sống để cho mình được biến đổi bởi sự hiện diện đích thực của Chúa. Tôi cũng muốn khích lệ những hiệp hội các tín hữu cũng như những nhóm thân hữu có lòng tôn thờ Thánh Thể đặc biệt; họ phục vụ như một nắm men chiêm niệm cho toàn thể Gíao Hội và như một lời hiệu triệu gửi đến các cá nhân và các cộng đồng hãy đăt Chúa Kitô làm trọng tâm cho đời mình.

 

Những hình thức sùng kính Thánh Thể

 

68. Tương quan cá nhân mà mỗi tín hữu thiết lập với Chúa Giêsu Thánh Thể thường xuyên thúc đẩy họ vươn ra đi vào hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội cũng như nuôi dưỡng nơi họ ý thức đầy đủ hơn về sự thuộc về Thân Thể Chúa Kitô. Vì lí do này, ngoài việc khích lệ các tín hữu hãy dành thời giờ để cầu nguyện riêng trước Bí tích của Bàn Thờ, tôi cảm thấy cần thiết phải hối thúc các giáo xứ và những nhóm giáo hội khác hãy dành riêng thời giờ để chầu Thánh Thể chung. Hẳn nhiên, những hình thức sùng kính Thánh Thể vẫn có sẽ giữ nguyên giá trị của nó. Chẳng hạn, tôi nghĩ đến các cuộc kiệu Thánh Thể, nhất là cuộc kiệu truyền thống vào Ngày Lễ Trọng kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô (Corpus Christi), việc thực hành đạo đức Bốn Mươi Giờ chầu, Những Đại Hội Thánh Thể địa phương, quốc gia và quốc tế, và những sáng kiến tương tự khác. Nếu được canh tân và thích ứng đúng mức theo hoàn cảnh địa phương, những hình thức sùng kính này hôm nay vẫn đáng được thực hành. (195)

 

Vị trí của nhà tạm

 

69. Liên quan đến tầm quan trọng của việc lưu giữ Thánh Thể và chầu Thánh Thể, cũng như sự kính tôn đối với Bí tích của Hi tế Chúa Kitô, Thượng Hội Đồng Giám Mục cũng thảo luận vấn đề về sự sắp đặt nhà tạm trong các nhà thờ của chúng ta. (196) Vị trí đúng đắn của nhà tạm giúp cho việc nhận rõ sự hiện diện thực của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Bởi đó, vị trí mà Mình Thánh Chúa được lưu giữ, phải được thắp một ngọn đèn để cho tất cả những ai bước vào trong nhà thờ đều có thể dễ dàng nhìn thấy. Chính vì thế cần phải nghiên cứu kiến trúc của ngôi nhà thánh: trong các nhà thờ mà không có phòng Thánh Thể, và nơi vẫn còn đặt bàn thờ chính cùng với nhà tạm, thì tiếp tục duy trì sử dụng cấu trúc này thật thích hợp để lưu giữ và chầu Thánh Thể, nhưng lưu ý đừng đặt ghế chủ toạ ở phía trước. Trong các nhà thờ mới, đặt phòng Thánh Thể kế cận cung thánh là điều tốt; nơi nào mà điều này không thể thực hiện thì nên đặt nhà tạm trong cung thánh, ở một vị trí đủ cao, giữa phía trực hậu, hoặc ở một chỗ có thể nhìn thấy rõ. Cần quan tâm dành sự kính trọng xứng đáng cho nhà tạm, luôn phải được chăm sóc, cả về mặt nghệ thuật nữa. Về vấn đề này, hẳn nhiên cần tuân theo những điều trình bày trong Huấn Thị Tổng Quát về Sách Lễ Rôma. (197) Trong bất cứ trường hợp nào, quyết định cuối cùng về những vấn đề này thuộc về Đức Giám Mục Địa Phận.

 

PHẦN BA

BÍ TÍCH THÁNH THỂ, MỘT MẦU NHIỆM ĐỂ SỐNG

“Như chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6, 57)

 

Mô thức Thánh Thể của đời sống Kitô

Sự thờ phượng tinh thần – logiké latreía (Rm 12, 1)

 

70. Chúa Giêsu, Đấng đã trở nên cho chúng ta lương thực sự thật và tình yêu, nói về ân huệ sự sống của Người và bảo đảm với chúng ta rằng “ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga 6, 51). “Sư sống vĩnh cửu” này trong chúng ta bắt đầu ngay từ bây giờ, nhờ sự biến đổi được thực hiện trong chúng ta nhờ hồng ân Thánh Thể: “Kẻ ăn tôi sẽ nhờ tôi mà được sống” (Ga 6, 57). Những lời Chúa Giêsu nói giúp chúng ta hiểu rõ mầu nhiệm “để tin” và “để cử hành” chứa đựng một sức mạnh nội tại làm cho nó trở thành nguyên lí của sự sống mới trong chúng ta và thành mô thức đời sống Kitô của chúng ta. Khi rước mình và máu Chúa Giêsu Kitô, chúng ta trở nên những người thông dự vào sự sống thần linh, mỗi ngày mỗi trưởng thanh và ý thức hơn. Cũng tại đây, chúng ta có thể áp dụng lời của Thánh Augustinô, trong sách “Tự thuật” của ngài về Logos trường cửu như lương thực cho linh hồn chúng ta. Khi nhấn mạnh bản chất mầu nhiệm của lương thực này, Thánh Augustinô tưởng tượng Chúa đang nói với ngài: “Cha là lương thực của những bậc siêu phàm; con cũng trở nên siêu phàm khi con ăn cha, con sẽ không biến đổi cha ở trong con như lương thực của xác thân, chính ở trong con mà con sẽ được biến đổi trong cha.” (198) Không phải lương thực thánh Thể được biến đổi thành chúng ta, nhưng chính chúng ta được biến đổi một cách mầu nhiệm nhờ Thánh Thể. Chúa Kitô dưỡng nuôi chúng ta bằng cách kết liên chúng ta với Người; “Người lôi kéo chúng ta đến với Người” (199)

 

Ở đây cử hành Thánh Thể xuất hiện như nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống Giáo Hội trong tất cả sức mạnh của nó, bởi vì nó đồng thời vừa là khởi điểm và là sự hoàn tất của việc thờ phượng mới và dứt khoát, logiké latreía. (200) Lời nhắc nhở của Thánh Phaolô cho dân thành Rôma về vấn đề này là một sự diễn tả cụ thể cách thế Bí tích Thánh Thể làm cho toàn bộ đời sống chúng ta trở nên sự thờ phượng làm đẹp lòng Thiên Chúa: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa, đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (Rm 12, 1). Qua những lời này sự thờ phượng mới xuất hiện như một sự tự hiến trọn vẹn được thực hiện trong sự hiệp thông với toàn thể Giáo Hội. Lời kêu nài của vị Tông Đồ về việc hiến dâng thân mình nhấn mạnh đến tính chất cụ thể việc thờ phượng của con người, thật sự không có gì là xa rời. Về vấn đề này, vị Giám Mục thành Hippone còn khuyến giục chúng ta rằng “Hiến lễ của chúng ta, những Kitô hữu, tuy nhiều, nhưng chúng ta chỉ là một thân mình trong Chúa Kitô. Giáo Hội cử hành mầu nhiệm này trong Bí tích của bàn thờ, như các tín hữu nhận biết, và Giáo Hội cho họ thấy rõ rằng, qua những gì được dâng hiến, đó là chính Giáo Hội được hiến dâng.”(201) Thật vây, tín điều Công Giáo xác quyết rằng Bí tích Thánh Thể, hiến lễ của Chúa Kitô, cũng chính là hiến lễ của Giáo Hội, và của mọi tín hữu. (202) Sự nhấn mạnh đến hiến lễ- “được thánh hiến”- diễn tả tất cả chiều sâu hiện sinh bao hàm trong sự biến đổi thực tại nhân sinh mà Chúa Kitô nhận lấy (x. Pl 3, 12)

 

Hiệu quả bao trùm của sự thờ phượng Thánh Thể

 

71. Sự thờ phượng mới của Kitô giáo bao quát và biến đổi mọi khía cạnh của đời sống: “Dù ăn hay uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Chúa” (1Cr 10, 31). Trong mọi hoạt động của mình, người Kitô hữu được mời gọi hiến dâng lên Thiên Chúa sự thờ phượng đích thực. Chính tại đó, bản tính mầu nhiệm Thánh Thể của đời sống Kitô bắt đầu hình thành. Thánh Thể, do bởi nó bao trùm cuộc sống cụ thể đời thường của tín hữu có thể tạo nên một sự biến đổi tuần tự từng ngày cho tất cả những người được mời gọi nhờ ơn thánh để phản chiếu hình ảnh của Con Thiên Chúa (x. Rm 8, 29). Không có gì thật sự thuộc về con người- tư tưởng và tình cảm, lời nói và hành động- lại không tìm thấy trong Bí tích Thánh Thể hình thái thích hợp để sống một cách tràn đầy. Ở đây chúng ta có thể nhận thấy trọn vẹn giá trị nhân linh của tính mới mẻ triệt để do Chúa Kitô mang đến trong Bí tích Thánh Thể: sự thờ phượng Thiên Chúa trong đời sống chúng ta không được giới hạn vào những gì riêng tư và cá nhân, nhưng do bản tính của nó phải thấm nhập vào mọi khía cạnh của đời sống chúng ta. Như thế, sự thờ phượng làm đẹp lòng Thiên Chúa trở thành cách thế mới để sống toàn bộ cuộc sống chúng ta, mỗi giờ phút trong cuộc sống đó được nâng lên, bởi vì nó được sống như một phần của một cuộc tương quan với Chúa Kitô như một hiến lễ dâng lên Thiên Chúa. Vinh quang Thiên Chúa là con người sống (x. 1Cr 10, 31). Và sự sống của con người là được nhìn thấy Thiên Chúa. (203)

 

“Iuxta dominicam viventes” – sống theo Ngày của Chúa

 

72. Ngay từ buổi đàu các Kitô hữu đã nhận thức rõ tính mới mẻ triệt để mà Bí tích Thánh Thể đem lại cho đời sống con người. Người tín hữu nhận ngay ra ảnh hưởng sâu đậm của việc cử hành Thánh Thể trên lối sống của họ. Thánh Ignatio thành Aniôkia đã diễn tả sự thật đó khi ngài gọi các Kitô hữu là “những người đã đạt được niềm hi vọng mới,” và ngài đã nói về họ như “những người sống theo Ngày của Chúa” (Iuxta dominicam viventes). (204) Câu nói của vị Đại Thánh Tử Đạo thành Antiôkia nêu bật tương quan giữa thực tại của Bí tích Thánh Thể và đời sống thường ngày của người Kitô hữu. Sự quy tụ đã thành thói quen của người Kitô hữu vào ngày thứ nhất sau ngày Sabát để cử hành sự phục sinh của Cúa Kitô- theo tường thuật của Thánh Justinô Tử Đạo (205)- cũng xác định thể thức của một đời sống được đổi mới nhờ gặp gỡ Chúa Kitô. Câu nói của Thánh Ignatiô – “sống theo Ngày của Chúa”- ngày thánh này trở thành kiểu mẫu cho những ngày khác trong tuần. Thật vậy, ngày đó không được định nghĩa chỉ bởi sự tạm ngừng các sinh hoạt hằng ngày, một thứ chèn vào giữa nhịp điệu thường ngày. Các Kitô hữu đã luôn cảm nhận ngày này như ngày thứ nhất trong tuần, bởi vì ngày này tưởng nhớ tính mới mẻ triệt để do Chúa Kitô mang đến. Do đó, chủ nhật là ngày mà các Kitô hữu nhìn nhận lại mô thức Thánh Thể mà cuộc sống của họ đã nhận lấy. “Sống theo Ngày của Chúa” nghĩa là sống một cách ý thức về sự giải phóng mà Chúa Kitô mang đến và làm cho cuộc sống chúng ta trở nên lễ hiến dâng không ngừng dâng lên Thiên Chúa, để vinh quang của Người được mặc khải trọn vẹn cho toàn thể nhân loại qua một đời sống được hoàn toàn đổi mới.

 

Sống luật buộc ngày Chúa Nhật

 

73. Ý thức nguyên lí mới về sự sống mà Bí tích Thánh Thể đem lại cho các Kitô hữu, các Nghị Phụ tái khẳng định tầm quan trọng của luật buộc ngày Chúa Nhật cho mọi tín hữu, coi đó như nguồn gốc của sự tự do đích thực giúp họ sống mỗi ngày theo những gì họ đã cử hành trong “Ngày của Chúa.” Đời sống đức tin bị lâm nguy khi chúng ta để mất lòng ước ao tham dự cử hành Bí tích Thánh Thể và cuộc tưởng niệm chiến thắng vượt qua. Tham dự cộng đoàn phụng vụ ngày Chúa Nhật cùng với anh chị em chúng ta, mà với họ chúng ta họp thành một thân thể trong Chúa Giêsu Kitô, được đòi hỏi bởi lương tâm Kitô hữu của chúng ta, đồng thời việc tham dự ấy cũng hình thành lương tâm Kitô. Đánh mất cảm thức về ngày Chúa Nhật như Ngày của Chúa, một ngày được thánh hoá, là triệu chứng của sự đánh mất cảm thức đích thực về tự do của người Kitô hữu, sự tự do được làm con Thiên Chúa. (206) Ở đây một số nhận định của vị tiền nhiệm đáng kính của tôi là Đức Gioan Phaolô II trong Tông Thư Dies Domini (207) vẫn còn giá trị quý báu. Nói đến những chiều kích khác nhau của việc cử hành ngày Chúa Nhật, ngài nói rằng đó là Ngày của Chúa (Dies Domini) liên quan đến công trình sáng tạo, Dies Domini (Ngày của Chúa) như ngày của công trình sáng tạo mới và của ân huệ của Chúa Thánh Thần, Dies Ecclesiae (Ngày của Giáo Hội) như là ngày mà cộng đoàn Kitô hữu họp nhau để cử hành, và Dies hominis (Ngày của con người) như là ngày của niềm vui, của sự nghỉ ngơi và bác ái.

Như thế, Chúa Nhật xuất hiện như ngày thánh nguyên thuỷ khi tất cả những tín hữu, dù bất cứ ở đâu đều có thể trở thành những người loan báo và gìn gữ ý nghĩa đích thực của thời gian. Ngày đó khơi lên ý nghĩa Kitô giáo về sự sống cũng như cách thế mới để trải nghiệm thời gian, những tương quan, lao động, sự sống và sự chết. Do vậy, vào Ngày của Chúa, thật thích hợp để các cộng đoàn Giáo Hội tổ chức, trong Thánh Lễ Chúa Nhật, những sinh hoạt của Cộng đoàn Kitô giáo: gặp gỡ thân tình, những chương trình giáo dục đức tin cho thiếu nhi, cho bạn trẻ và người lớn, hành hương, công việc bác ái, và những giờ cầu nguyện. Vì những giá trị quan trọng như thế- dù vẫn biết rằng buổi chiều ngày Thứ Bảy, bắt đầu Kinh Chiều, đã thuộc về Chúa Nhật và luật buộc ngày Chúa Nhật có thể được thực hiện- thì chúng ta cần nhớ rằng chính ngày Chúa Nhật phải được thánh hoá để nó không kết thúc như một ngày “vắng bóng Thiên Chúa.” (208)

 

Ý nghĩa của sự nghỉ ngơi và lao động

 

74. Sau cùng, thật là điều khẩn thiết trong thời đại hôm nay khi nhắc nhớ rằng ngày của Chúa cũng là một ngày nghỉ ngơi, tách khỏi công việc. Chúng ta tha thiết hi vọng rằng điều đó cũng sẽ được xã hội dân sự nhìn nhận, để mỗi người có thể tự do tạm ngắt khỏi công việc mà không bị phạt. Quả thật, các Kitô hữu, khi đối chiếu với ý nghĩa ngày Sabát trong truyền thống Do Thái, đã luôn coi Ngày của Chúa như một ngày nghỉ ngơi, thoát khỏi công việc thường ngày. Đây là điều thật có ý nghĩa vì nó tương đối hoá lao động và hướng nó về chính con người: lao động vì con người chứ không phải con người vì lao động. Thật dễ nhận thấy điều này bảo vệ mọi người như thế nào, khi giải thoát họ tình trạng có thể sa vào một hình thái nô lệ. Như tôi đã có dịp đề cập, “lao động rất quan trọng hoàn thành con người cũng như để phát triển xã hội. Như thế, lao động phải luôn được tổ chức và thực hiện trong sự tôn trọng đầy đủ phẩm giá con người và phải luôn luôn phục vụ thiện ích chung. Đồng thời con người dứt khoát không để cho mình bị nô lệ bởi lao động hoặc thần tượng hoá nó, cho như là tìm thấy ở đó ý nghĩa quyết định và tối hậu của cuộc đời.” (209) Chính trong ngày thánh hiến cho Thiên Chúa mà con người hiểu ra ý nghĩa cuộc đời cũng như công việc của họ. (210)

 

Những cộng đoàn cử hành ngày Chúa Nhật thiếu vắng linh mục

 

75. Việc khám phá thêm ý nghĩa của việc cử hành ngày Chúa Nhật đối với đời sống của các Kitô hữu cũng dẫn đến việc nhìn nhận vấn đề của những cộng đồng Kitô hữu thiếu linh mục, do đó không thể cử hành Thánh Lễ vào Ngày của Chúa. Về vấn đề này phải nói rằng hiện nay có rất nhiều hoàn cảnh khác biệt nhau. Trước tiên Thượng Hội Đồng Gíam Mục nhắn nhủ rằng các tín hữu phải đến một trong các nhà thờ của Giáo Phận mình, nơi chắc chắn có một linh mục, cho dù điều này đòi hỏi một sự hi sinh nào đó. (211) Khi vì khoảng cách xa xôi mà thật sự không thể tham dự Bí tích Thánh Thể Ngày Chúa Nhật thì việc quan trọng còn lại là các cộng đồng Kitô hữu phải họp nhau để ca tụng Chúa và tưởng niệm Ngày được dành riêng cho Người. Tuy nhiên, điều này phải được kèm theo sự chỉ dẫn thích đáng về sự khác biệt giữa Thánh Lễ và Cộng Đoàn họp nhau Ngày Chúa Nhật khi thiếu vắng một linh mục. Sự chăm sóc mục vụ của Giáo Hội phải được nói đến trong trường hợp này, là duy trì cử hành phụng vụ Lời Chúa, được hướng dẫn bởi một phó tế hay một vị lãnh đạo cộng đoàn mà tác vụ này được năng quyền chính thức uỷ nhiệm, và được thi hành theo một nghi thức riêng do các Hội Đồng Giám Mục soạn thảo và chuẩn nhận cho mục đích đó. (212) Tôi lặp lại rằng chỉ các vị Thường Quyền mới được cho phép việc trao mình Chúa trong những buổi phụng vụ như thế, trong khi cẩn thận cứu xét sự cần thiết phải chọn lựa như thế nào đó. Hơn nữa, cần phải chắc chắn rằng những cộng đoàn này không gây ra sự hiểu lầm về vai trò thiết yếu của linh mục cũng như các bí tích trong đời sống Giáo Hội. Tầm quan trọng của vai trò người giáo dân rất đáng tạ ơn vì lòng quảng đại phục vụ các cộng đoàn của họ, nhưng không bao giờ được che khuất sứ mệnh thiết yếu của linh mục trong đời sống của Giáo Hội. (213) Bởi đó cần phải quan tâm bảo đảm rằng những cộng đoàn thiếu vắng linh mục như thế không gây ra những quan điểm giáo hội học không phù hợp với sự thật Tin Mừng và truyền thống Giáo Hội. Đúng hơn, họ hãy dành riêng những giờ cầu nguyện với Chúa, xin Người gửi các linh mục thánh thiện theo lòng Người thương xót. Về điểm này, thật là xúc động khi đọc những lời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Thư gửi các Linh mục của ngài vào Thứ Năm Tuần Thánh năm 1979, nhắc đến những nơi mà các tín hữu, do bởi chế đọ độc tài, không có linh mục, đã gặp nhau trong một nhà thờ hay một phòng thánh, đặt trên bàn thờ một dây các phép mà họ còn giữ được, rồi cùng đọc kinh phụng vụ Thánh Thể, dừng lại trong thinh lặng “ở chỗ liên quan đến sự biến thể” như một dấu chỉ “họ tha thiết ước ao chừng nào được nghe những lời mà chỉ môi miệng linh mục mới có thể đọc lên một cách thành sự.” (214) Nhớ mãi điều này, cũng như xét đến những lợi ích vô song phát sinh từ việc cử hành Bí tích thánh Thể, tôi mong muốn tất cả các linh mục hãy sẵn lòng và hết sức thường xuyên có thể thăm viếng các cộng đoàn đã được trao cho các ngài chăm sóc, kẻo họ phải chờ đợi quá lâu mà không được đón nhận Bí tích tình yêu.

 

Một mô thức Thánh Thể của đời sống Kitô, thuộc về Giáo Hội

 

76. Sự quan trọng của Chúa Nhật như Ngày của Giáo Hội (Dies Ecclesiae) đưa chúng ta trở lại với tương quan nội tại giữa sự chiến thắng của Chúa Giêsu trên tội lỗi và sự chết, và địa vị chúng ta thuộc về thân thể Giáo Hội của Người. Vào Ngày của Chúa, mỗi Kitô hữu lại khám phá thấy chiều kích cộng đoàn của đời sống họ như một đời sống đã được cứu chuộc. Tham dự vào phụng vụ và rước Mình và Máu Chúa Kitô tăng cường và đào sâu địa vị của chúng ta thuộc về Đấng đã chết cho chúng ta (x. 1 Cr 6, 19; 7, 23). Thật thế, kẻ ăn Chúa Kitô phải sống cho Người. Mầu nhiệm Thánh Thể giúp chúng ta hiểu rõ ý nghĩa của sự hiệp thông các thánh (communio sanctorum). Hiệp thông bao giờ cũng mang cả hai nghĩa, chiều dọc và chiều ngang, không tách biệt: hiệp thông với Chúa và hiệp thông với anh chị em chúng ta. Cả hai chiều kích này hội tụ một cách mầu nhiệm trong hồng ân Thánh Thể. “Ở đâu mất sự hiệp thông với Chúa, nghĩa là hiệp thông với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, thì nguồn gốc và nguồn mạch cho sự hiệp thông của chúng ta với người khác cũng tiêu tan. Và ở đâu chúng ta không sống hiệp thông với nhau, thì sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi cũng mất sinh khí và vô thực.” (215) Được kêu gọi để trở thành phần tử của Chúa Kitô và phần tử của nhau (x. 1 Cr 12, 27), chúng ta hợp thành một thực thể được xây dựng một cách huyền nhiệm trên Bí tích Thánh Tẩy và được nuôi dưỡng bởi Bí tích Thánh Thể, một thực thể đòi phải có sự thể hiện hữu hình trong đời sống cộng đoàn của chúng ta.

Mô thức Thánh Thể của đời sống Kitô chắc chắn là hình thức giáo hội và cộng đoàn. Qua Giáo phận và giáo xứ, là những cơ cấu căn bản của Giáo Hội trong một lãnh thổ riêng, mỗi người tín hữu cảm nhận một cách cụ thể được là thành viên của Thân Mình Chúa Kitô nghĩa là gì. Những hội đoàn, những phong trào Giáo Hội và những cộng đồng mới – với những đặc sủng đầy sức sống do Chúa Thánh Thần ban xuống cho nhu cầu của thời đại chúng ta- cùng với các Dòng Tu, đều có trách nhiệm riêng để gíup cho người tín hữu ý thức rằng họ thuộc về Chúa (x. Rm 14, 8). Phong trào tục hoá, mà đặc tính của nó là nhấn mạnh vào chủ thuyết cá nhân, đã gây ra những hệ quả tiêu cực nhất trên các cá nhân, làm cho họ sống tách biệt vì mất ý thức thuộc về. Kitô giáo, ngay từ lúc khai nguyên, luôn mang ý nghĩa của tính đồng liêu, một sự kết nối các tương quan thường xuyên được củng cố qua việc lắng nghe Lời Chúa và tham dự vào Bí tích thánh Thể, và được thêm sức sống nhờ Chúa Thánh Thần.

 

Linh đạo và văn hoá Thánh Thể

 

77. Một cách thật có ý nghĩa, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng Gíam Mục phát biểu rằng “người tín hữu Kitô cần hiểu rõ hơn tương quan giữa Bí tích Thánh Thể và cuộc sống thường ngày của họ. Linh đạo Thánh Thể không chỉ là tham dự Thánh Lễ và viếng Thánh Thể. Nó bao trùm toàn bộ đời sống.” (216) Nhận định này thật là thấu suốt đối với hoàn cảnh của chúng ta hôm nay. Cần phải nhận thức rằng một trong những ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của sự tục hoá vừa đề cập đến là nó giới hạn đức tin Kitô giáo vào bờ rìa của cuộc sống như thể không liên quan gì đến cuộc sống cụ thể hằng ngày. Sự vô dụng của một lối sống “như thể Thiên Chúa không hiện hữu” ngày nay đã quá hiển nhiên đối với chúng ta. Ngày hôm nay cần phải nhìn nhận lại rằng Chúa Giêsu Kitô không chỉ là sự xác tín cá nhân hay một ý tưởng trừu tượng, nhưng là một người thực, mà việc Người trở nên thành phần của lịch sử nhân loại có khả năng đổi mới mọi người. Bởi đó, Bí tích Thánh Thể, nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội phải được diễn giải trong một linh đạo, thành đời sống sống “theo Thánh Thần” (Rm 8, 4 tt; x. Gl 5, 16, 25). Thât là ý nghĩa khi Thánh Phaolô, trong một đoạn của Thư gửi Tín Hữu Rôma mời gọi các thính giả của ngài sống sự thờ phượng mới theo tinh thần, ngài cũng nói đến sự cần thiết phải thay đổi cách sống và cách suy nghĩ của họ: “Anh em đừng rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần anh em, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (12, 2). Bằng cách đó, vị Tông Đồ Dân Ngoại nhấn mạnh đến sự liên hệ giữa sự thờ phượng đích thật theo tinh thần và sự cần thiết phải có một cách thế mới để thấu hiểu và sống cuộc sống của mình. Một phần hoàn chỉnh của mô thức Thánh Thể của đời sống Kitô là một cách thế suy nghĩ mới: “để chúng ta sẽ không còn là những trẻ nhỏ bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lí” (Ep 4, 14).

 

Bí tích Thánh Thể và sự rao giảng Tin Mừng cho các nền văn hoá

 

78. Từ những gì đã được nói đến trên đây thì hiển nhiên là mầu nhiệm Thánh Thể đặt chúng ta vào cuộc đối thoại với những nền văn hoá khác nhau, nhưng cũng theo một nghĩa nào đó, thách đố chúng. (217) Đặc tính liên văn hoá của sự thờ phượng mới này, logiké latreía, cần phải được nhận biết. Sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô và sự tuôn đổ Chúa Thánh Thần là những biến cố có khả năng thu hút mọi thực tại văn hoá và đưa vào đó men Tin Mừng. Tiếp theo là chúng ta phải dấn thân xúc tiến công cuộc Tin mừng hoá các nền văn hoá, với ý thức rằng chính Chúa Kitô là sự thật cho mọi người, và cho toàn thể lịch sử nhân loại. Bí tích Thánh Thể trở thành một tiêu chuẩn để chúng ta đánh giá tất cả những gì mà Kitô giáo gặp thấy trong những nền văn hoá khác nhau. Trong tiến trình phân định quan trọng này, chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa lời thúc giục của Thánh Phaolô trong Thư Thứ Nhất gửi Tín Hữu Thessalônica, “hãy cân nhắc mọi sự; điều gì tốt thì giữ” (5, 21).

 

Bí tích Thánh Thể và tín hữu giáo dân

 

79. Trong Chúa Kitô, Đầu của Giáo Hội là Thân Mình Người, mọi Kitô hữu là “một giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kì công của Người” (1 Pr 2, 9). Bí tích Thánh Thể, như một mầu nhiệm để sống, được trao ban cho mỗi người chúng ta như chúng ta đang là, làm cho cuộc sống cụ thể của chúng ta trở thành một nơi mà hằng ngày chúng ta cảm nghiệm được tính mới mẻ triệt để của đời sống Kitô. Hi tế Thánh Thể nuôi dưỡng và tăng cường nơi chúng ta tất cả những gì chúng ta đã nhận lãnh trong Bí tích Thánh Tẩy, mà qua đó chúng ta được mời gọi nên thánh, (218) và điều này phải được thể hiện một cách trong suốt trong những hoàn cảnh mà mỗi Kitô hữu sống cuộc sống của mình. Hằng ngày chúng ta trở nên “một sự thờ phượng đẹp lòng Thiên Chúa” bằng cách sống đời sống của chúng ta như một ơn gọi. Bắt đầu từ cộng đoàn phụng vụ, chính Bí tích Thánh Thể thúc giục chúng ta, trong cuộc sống thường ngày, làm mọi sự vì vinh quang Thiên Chúa.

 

Và bởi vì trần thế này là “cánh đồng” (Mt 13, 38) trong đó Thiên Chúa gieo trồng con cái Người như hạt giống tốt, là người giáo dân Kitô, qua Bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức đã lãnh nhận, họ được thêm sức mạnh nhờ Bí tích Thánh Thể và được kêu gọi để sống tính mới mẻ triệt để mà Chúa Kitô mang đến, ở bất cứ đâu họ hiện diện. (219) Họ phải vun trồng một niềm ao ước rằng Thánh Thể phải tạo được hiệu qủa sâu xa hơn vào trong cuộc sống thường ngày của họ, làm cho họ trở thành những chứng nhân thuyết phục trong môi trường làm việc cũng như trong tất cả môi trường xã hội. (220) Tôi khuyến khích các gia đình hãy đặc biệt kín múc niềm cảm hứng và sức mạnh trong Bí tích này. Tình yêu giữa người nam và người nữ, sự rộng mở đón nhận sự sống, và việc giáo dục con cái là những nơi chốn ưu tiên Bí tích Thánh Thể có thể tỏ lộ quyền năng biến đổi và đem đến cho nó ý nghĩa tròn đầy. (221) Các mục tử của Giáo Hội phải không ngừng đỡ nâng, hướng dẫn cũng như khích lệ các tín hữu giáo dân sống trọn vẹn ơn gọi nên thánh của họ trong thế giới này, thế giới mà Thiên Chúa tha thiết yêu thương đến nỗi đã sai Con của Người đến cứu chuộc nó.

 

Bí tích Thánh Thể và linh đạo linh mục

 

80. Hình thái Thánh Thể của đời sống Kitô được thể hiện một cách rất đặc biệt trong chức linh mục. Linh đạo linh mục tự bản chất là Thánh Thể. Những hạt mầm của nền linh đạo này đã được nhận thấy rõ trong những lời mà Đức Giám Mục nói trong phụng vụ Bí tích Truyền Chức: “Con hãy nhận lễ vật của dân thánh mà dâng lên Thiên Chúa. Con hãy ý thức việc con làm, noi theo điều con thực hiện, và rập đời sống con theo mầu nhiệm Thánh Giá Chúa.” (222) Để đem lại một mô thức Thánh Thể rõ nét hơn cho cuộc đời mình, linh mục, ngay từ những năm còn trong chủng viện phải xây dựng đời sống thiêng liêng của mình như một ưu tiên cao nhất. Ngài được kêu gọi để tìm kiếm Thiên Chúa một cách liên lỉ, trong khi vẫn hằng quan tâm hướng về các anh chị em của mình. Một đời sống thiêng liêng mãnh liệt sẽ giúp ngài đi vào hiệp thông sâu xa hơn với Chúa, đồng thời giúp ngài để cho mình được tình yêu của Thiên Chúa chiếm hữu, hầu làm chứng cho tình yêu ấy qua mọi thời gian, dẫu gặp những lúc đen tối nhất và khó khăn nhất. Trong chủ đích đó, tôi hợp với các Nghị Phụ để nhắc nhở linh mục “cử hành Thánh Lễ mỗi ngày, dù khi không có tín hữu tham dự.” (224) Lời nhắn nhủ này phù hợp một cách khách quan với giá trị vô biên của mỗi cuộc cử hành Bí tích Thánh Thể, và còn được thôi thúc bởi hiệu quả thiêng liêng duy nhất của Thánh Lễ. Nếu được cử hành một cách chăm chú và với đức tin sống động, Thánh Lễ xây dựng đời sống thiêng liêng theo nghĩa sâu xa nhất của từ ngữ, bởi vì Thánh Lễ nuôi dưỡng sự rập khuôn theo Chúa Kitô của linh mục đồng thời củng cố ơn gọi của ngài.

 

Bí tích Thánh Thể và đời sống thánh hiến

 

81. Tương quan giữa Bí tích Thánh Thể với những ơn gọi khác nhau trong Giáo Hội được nhìn thấy một cách đặc biệt sống động trong “chứng tá tiên tri của các tu sĩ nam nữ, những người tìm thấy trong việc cử hành Bí tích Thánh Thể và trong việc tôn sùng Thánh Thể sức mạnh thiết yếu cho ơn gọi bước theo Chúa Kitô một cách triệt để, vâng phục, thanh bần, và khiết tịnh.” (225) Dù phục vụ trong nhiều lãnh vực khác nhau như đào tạo nhân sự và chăm sóc người nghèo, giáo dục và y tế, các tu sĩ nam nữ đều nhận biết rằng cứu cánh cuộc đời họ là “chiêm ngắm những sự thiêng liêng và kết hợp liên lỉ với Chúa trong cầu nguyện.” (226) Sự đóng góp chủ yếu mà Giáo Hội chờ mong nơi những tu sĩ ấy, là để hiện diện hơn là để hành động. Ở đây tôi muốn tái khẳng định sự quan trọng của chứng tá về đức trinh khiết, đích thực liên quan đến mầu nhiệm Thánh Thể. Ngoài việc liên hệ đến sự độc thân linh mục, mầu nhiệm Thánh Thể cũng liên hệ một cách nội tại với đức khiết tịnh của tu sĩ, bởi vì nó diễn tả sự dâng hiến trọn vẹn của Giáo Hội cho Chúa Kitô, Đấng mà Giáo Hội đón nhận như Hôn Phu của mình với lòng trung tín triệt để, dạt dào. (227) Trong Bí tích Thánh Thể, đức khiết tịnh của tu sĩ tìm được nguồn cảm hứng cũng như dưỡng chất cho sự toàn hiến dành cho Chúa Kitô. Hơn nữa, từ Bí tích Thánh Thể, đức khiết tịnh kín múc được ơn can đảm và sức mạnh để trở thành dấu chỉ tình yêu ban không và dạt dào của Thiên Chúa dành cho nhân loại, trong chính thời đại của chúng ta. Cuối cùng, bởi chứng tá đặc thù của nó, đời sống thánh hiến trở thành một dấu chỉ hiển nhiên và tiên báo về “tiệc cưới của Con Chiên” (Kh 19, 7- 9), là chung điểm của toàn bộ lịch sử cứu chuộc. Theo nghĩa này, đức khiết tịnh hướng về chân trời cánh chung, mà nơi đó, mỗi con người phải định hướng cho những chọn lựa và những quyết định liên quan đến cuộc đời mình.

 

Bí tích Thánh Thể và sự biến đổi luân lí

 

82. Khi khám phá thấy vẻ đẹp của mô thức Thánh Thể của đời sống Kitô, chúng ta cũng được tiến dẫn để suy tư về năng lực luân lí do Bí tích Thánh Thể hoạt động để nâng đỡ sự tự do đích thực của con cái Thiên Chúa. Ở đây tôi muốn lấy lại sự thảo luận đã diễn ra trong Thượng Hội Nghị về tương quan giữa mô thức Thánh Thể của đời sống và sự cải đổi luân lí. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho rằng đời sống luân lí “có giá trị của một ‘sự thờ phượng thiêng liêng’ (Rm 12, 1; x. Pl 3, 3), khơi nguồn và được nuôi dưỡng bởi nguồn suối bất tận của sự thánh thiện và vinh quang của Thiên Chúa, có sẵn trong các Bí tích, nhất là trong Bí tích Thánh Thể: bằng cách tham dự vào hiến tế Thập Giá, các Kitô hữu thông phần vào tình yêu tự hiến của Chúa Kitô, họ được trang bị và thôi thúc để sống đức ái duy nhất đó trong tất cả suy nghĩ và hành động của mình” (228). Tắt một lời, “ chính sự ’thờ phượng’, sự hiệp thông Thánh Thể, bao gồm một thực tại vừa được yêu và vừa có bổn phận yêu thương tha nhân. Một Bí tích Thánh Thể mà không quy về việc thực hành yêu thương thực tiễn thật sự chỉ là vụn vặt” (229).

Lời nhắc nhở về giá trị luân lí của sự thờ phượng trong tinh thần không được diễn giải chỉ theo cách thức luân lí. Trên tất cả mọi sự thì đó là một sự khám phá đầy vui mừng về tình yêu đang hoạt động nơi tâm hồn những người mà khi đón nhận ơn Chúa, đã từ bỏ chính mình cho Người và tìm được tự do đích thực. Sự biến đổi luân lí hàm ẩn trong sự thờ phượng mới do Chúa Kitô thiết lập là một khao khát nung nấu muốn đáp lại tình Chúa yêu với tất cả con người mình, dù vẫn luôn ý thức về sự yếu đuối của mình. Sau khi đón Chúa vào nhà mình, người thu thuế hoàn toàn được biến đổi: ông quyết định bố thí môt nửa tài sản của mình cho người nghèo và đền trả gấp bốn lần những người ông đã tước đoạt. Sự thúc bách về luân lí xuất phát từ cuộc đón tiếp Chúa Giêsu đi vào đời sống chúng ta là kết quả của lòng biết ơn vì đã cảm nghiệm được ở gần cận Chúa Giêsu mà chúng ta chẳng bao giờ xứng đáng.

 

Tích công khai của Bí tích Thánh Thể

 

83. Ở đây thật là quan trọng để nêu ra điều mà các Nghị Phụ đã gọi là tính công khai của Bí tích Thánh Thể, một phẩm chất mà cuộc đời chúng ta được kêu gọi môt cách thực sự để đảm nhận. Sự thờ phượng đẹp lòng Thiên Chúa chẳng bao giờ là một chuyện riêng tư mà không tạo ra những hệ quả đối với những tương quan của chúng ta với người khác: nó đòi hỏi chứng ta công khai cho đức tin của chúng ta. Hẳn nhiên, điều này là xác đáng cho tất cả những người đã được rửa tội, tuy nhiên điều này đăt ra trách nhiệm đặc biệt đối với những người mà do vai trò xã hội và chính trị của họ, phải đưa ra những quyết định nền tảng, chẳng hạn việc tôn trọng sự sống con người, phải bảo vệ từ lúc thụ thai cho đến cái chết tự nhiên, gia đình xây dựng trên hôn nhân một người nam và một người nữ, sự tự do giáo dục con cái và việc cổ xuý thiện ích chung trong mọi hình thức (230). Những giá trị này là không thể thoả hiệp. Do đó, các chính trị gia và luật gia Công Giáo, ý thức trách nhiệm nặng nề của mình trước xã hội, phải cảm thấy bị ràng buộc, trên nền tảng của một lương tâm đã được huấn luyện một cách chính đáng, phải đưa ra cũng như ủng hộ những luật được phát động bởi những giá trị đặt trên bản tính con người (231). Điều đó có liên hệ khách quan với Bí tích Thánh Thể (x. 1 Cr 11, 27- 29). Các Đức Giám Muc có trách nhiệm thường xuyên nhắc nhớ các giá trị này như một phần trách nhiêm của mình đối với đoàn chiên đã được uỷ thác cho các ngài (232).

 

Bí tích Thánh Thể, một mầu nhiệm để loan truyền

Bí tích Thánh Thể và truyền giáo

 

84. Trong bài giảng dịp cử hành Thánh Thể long trọng để khai mạc sứ vụ Tông Toà của tôi, tôi đã nói rằng “không có gì tốt đẹp hơn được ngạc nhiên bởi Tin Mừng, nhờ gặp gỡ Chúa Kitô. Không có gì tốt đẹp hơn được biết Người cũng như được nói cho người khác biết về tình bằng hữu của chúng ta với Người.” (233) Tình yêu chúng ta cử hành trong Bí tích không phải là một điều gì đó chúng ta có thể giữ riêng cho riêng mình. Bởi chính bản chất của nó, tình yêu đòi được chia sẻ với mọi người. Điều mà thế giới cần chính là tình yêu của Thiên Chúa; thế giới cần gặp Chúa Kitô và tin vào Người. Như thế, Bí tích Thánh Thể là nguồn mạh và đỉnh cao không chỉ cho đời sống của Giáo Hội, nhưng còn cho công cuộc truyền giáo của Giáo Hội nữa: “Một Giáo Hội cử hành Thánh Thể là một Giáo Hội truyền giáo.” (234) Chúng ta cũng phải có thể nói với anh chị em chúng ta rằng: “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi” (1 Ga 1, 3). Thật vậy, không có gì tốt đẹp hơn là biết Chúa Kitô và làm cho người khác nhận biết Người. Việc thiết lập Bí tích Thánh Thể, vì lẽ đó, báo trước chính con tim truyền giáo của Chúa Giêsu: Người là Đấng được Chúa Cha sai đến để cứu chuộc trần gian (x. Ga 3, 16- 17; Rm 8, 32). Trong Bữa Tiệc Li, Chúa Giêsu trối lại cho các môn đệ của Người Bí tích mà Người hiện tại hoá hiến tế của Người, để cứu chuộc tất cả chúng ta, trong sự tuân phục ý Chúa Cha. Chúng ta không thể tiến đến bàn tiệc Thánh Thể mà không bị cuốn lôi vào việc truyền giáo, mở đầu từ chính Trái Tim của Thiên Chúa, nhằm đến với mọi người. Như thế, hoạt động truyèn giáo là một phần thiết yếu của mô thức Thánh Thể của đời sống Kitô hữu.

 

Bí tích Thánh Thể và việc làm chứng

 

85. Sứ mệnh trước tiên và nền tảng mà chúng ta nhận được từ các mầu nhiệm thánh chúng ta cử hành, là làm chứng bằng đời sống của chúng ta. Sự sửng sốt mà chúng ta cảm nghiệm trước hồng ân Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trong Chúa Kitô tạo động lực mới cho cuộc đời chúng ta, cũng như thúc giục chúng ta trở nên chứng nhân cho tình yêu của Người. Chúng ta trở nên chứng nhân khi qua hành động, lời nói và cách sống của chúng ta, Một Người Khác được hiện diện. Việc làm chứng có thể được diễn tả như một phương thế mà qua đó sự thật về tình yêu của Thiên Chúa đến với con người trong lịch sử, mời gọi họ tự do đón nhận tính mới mẻ triệt để. Qua việc làm chứng, chúng ta có thể nói, Thiên Chúa để cho chính Người mở ra trước mối nguy của sự tự do của con người. Chính Chúa Giêsu là chứng nhân trung thành và chính thực (x. Kh 1, 5; 3, 14), là Đấng đã đến để làm chứng cho sự thật (x. Ga 18, 37). Tại đây tôi muốn suy nghĩ về một quan niệm rất thân thương đối với các Kitô hữu thời sơ khai, nhưng cũng nói cho chúng ta hôm nay một cách rất hùng hồn: đó là, làm chứng đến độ hi sinh chính sự sống mình, đến mức tử đạo. Trải qua lịch sử Giáo Hội, điều này đã luôn được nhìn nhận như là đỉnh cao của sự thờ phượng mới: “Hãy hiến dâng thân mình anh em” (Rm 12, 1). Chẳng hạn, người ta có thể suy nghĩ về trình thuật cuộc tử đạo của Thánh Pôlycarpô thành Smyrna, một đồ đệ của Thánh Gioan: tất cả bi kịch được mô tả như một buổi phụng vụ, mà chính vị tử đạo ước muốn trở nên bánh Thánh Thể. (235) Chúng ta cũng có thể gợi lại những hình ảnh của Bí tích Thánh Thể mà thánh Ignatiô thành Antiôkia dùng để nói về sự tử đạo của chính ngài: ngài coi mình như “hạt lúa mì của Chúa” và ước muốn qua ơn tử đạo, được trở nên “bánh tinh tuyền của Chúa Kitô.” (236) Kitô hữu hiến dâng sự sống mình để chịu tử đạo, được hiệp thông trọn vẹn với cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô và như vậy, trở nên Thánh Thể cùng Người. Ngày hôm nay cũng thế, Giáo Hội không thiếu những vị tử đạo đã làm chứng cao nhất cho tình yêu Thiên Chúa. Dù sự thử thách của ơn tử đạo không đòi hỏi chúng ta, chúng ta biết rằng sự thờ phượng đẹp lòng Thiên Chúa buộc chúng ta chuẩn bị tâm hồn cho điều đó. (237) Sự thờ phượng như thế vươn đến một chứng tá sống động và thuyết phục về một đời sống Kitô kiên cường, bất cứ đâu Chúa mời gọi chúng ta làm chứng nhân cho Người.

 

Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc duy nhất

 

86. Nhấn mạnh đến tương quan giữa Bí tích Thánh Thể và truyền giáo cũng dẫn đến một sự tái khám phá về nội dung căn bản của việc loan báo của chúng ta. Tình yêu đối với Bí tích Thánh Thể trong tâm hồn dân Kitô giáo càng nồng nàn, họ sẽ càng nhận thức một cách rõ rệt rằng mục đích của truyền giáo là đem Chúa Kitô đến cho người khác. Đó không phải chỉ là một lí thuyết hay một cách sống được Chúa Kitô khơi dậy, nhưng là một ơn ban chính Người. Ai không chia sẻ sự thật về tình yêu với anh chị em của mình thì chưa cho đi đủ. Bí tích Thánh Thể, Bí tích của ơn cứu chuộc chúng ta, chắc chắn nhắc nhở chúng ta về tính duy nhất của Chúa Kitô và ơn cứu chuộc của Người thực hiện cho chúng ta nhờ máu Người. Mầu nhiệm Thánh Thể, để tin và để cử hành đòi phải thường xuyên dạy giáo lí cho mọi người về việc dấn thân truyền giáo mà trọng tâm là loan báo về Chúa Giêsu như Đấng Cứu Chuộc duy nhất. (238) Điều đó sẽ giúp chúng ta tránh được một sự hiểu biết giản lược và có tính cách thuần tuý xã hội về việc thăng tiến con người bao hàm trong mỗi tiến trình rao giảng Tin Mừng đích thực.

 

Tự do thờ phượng

 

87. Trong tinh thần đó, tôi muốn nhắc lại những quan tâm đã được các Nghị Phụ bày tỏ về những khó khăn nghiêm trọng đè nặng trên công cuộc truyền giáo cho những cộng đồng Kitô giáo trong những miền mà người Kitô chỉ là thiểu số hoặc họ không được công nhận tự do tôn giáo. (239) Chắc chắn chúng ta phải tạ ơn Chúa vì các Giám Mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân hi sinh bản thân một cách quảng đại để rao giảng Tin Mừng và thực hành đức tin cho dẫu sự sống bị lâm nguy. Chẳng phải ít nơi trên thế giới, chỉ việc đi đến nhà thờ cũng đã tỏ ra là một chứng tá anh hùng bởi vì điều đó có thể dẫn tới việc bị đặt ra ngoài rìa hoặc bị xâm hại. Ở đây tôi muốn tái khẳng định sự liên đới của toàn thể Giáo Hội với những người bị khước từ tự do thờ phượng. Như chúng ta biết, ở bất cứ đâu thiếu tự do tôn giáo thì con người sẽ thiếu sự tự do ý nghĩa nhất đối với mọi sự, bởi vì chính qua đức tin mà con người bày tỏ quyết định sâu xa nhất của ý nghĩa tối hậu về cuộc đời họ. Bởi đó, chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi quốc gia có tự do tôn giáo rộng rãi hơn, để các Kitô hữu cũng như những tín đồ của các tôn giáo khác, có thể tự do bày tỏ các xác tín của họ, cả về mặt cá nhân và cộng đồng.

 

Bí tích Thánh Thể, một mầu nhiệm để trao cho thế giới

Thánh Thể, tấm bánh bẻ ra cho sự sống trần gian

 

88. “Bánh tôi sẽ ban chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6, 51). Qua những lời này, Chúa mặc khải ý nghĩa đích thực của việc trao hiến sự sống của Người cho hết thảy mọi người. Những lời này cũng tỏ lộ lòng cảm thương sâu xa của Người cho mỗi con người. Các sách Tin Mừng thường nói đến cảm xúc của Chúa Giêsu đối với con người, nhất là đối với những ai đau khổ và tội lỗi (x. Mt 20, 34; Mc 6, 34; Lc 19 41). Qua tình cảm rất con người như thế, Người tỏ bày ý muốn cứu chuộc của Thiên Chúa cho mọi người- để họ có sự sống đích thực. Mỗi cuộc cử hành Thánh Thể hiện tại hoá một cách bí tích ân huệ mà Chúa chịu đóng đinh thực hiện bằng sự sống của Người cho chúng ta và cho toàn thế giới. Trong Bí tích Thánh Thể Chúa Giêsu cũng làm cho chúng ta trở nên chứng nhân của lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tất cả anh chị em chúng ta. Như thế, mầu nhiệm Thánh Thể khơi dậy lòng bác ái đối với tha nhân, vốn “hệ tại chính điều này là, trong Thiên Chúa và cùng với Thiên Chúa, tôi yêu người thân cận cả khi tôi không thích hoặc không biết người đó. Điều này chỉ có thể xảy ra từ cuộc gặp gỡ thâm sâu với Thiên Chúa, một sự gặp gỡ trở thành hiệp thông ý muốn và tác động vào tình cảm. Bấy giờ tôi học cách nhìn người khác không phải chỉ bằng con mắt và tình cảm của riêng tôi, nhưng từ nhãn giới của Chúa Giêsu.” (240) Trong những người tôi gặp, tôi nhận ra anh chị em là những người mà Chúa đã hi sinh sự sống của Người khi yêu họ “cho đến cùng” (Ga 13, 1). Khi cử hành Bí tích Thánh Thể, những cộng đồng của chúng ta phải càng ngày càng ý thức rằng hiến tế của Chúa Kitô là cho mọi người, và như thế, Bí tích Thánh Thể thúc đẩy mọi kẻ tin vào Người trở thành “bánh được bẻ ra” cho người khác, và nỗ lực để xây dựng một thế giới công bằng hơn, huynh đệ hơn. Suy niệm về phép lạ hoá bánh và cá ra nhiều, chúng ta cần phải tâm niệm rằng, ngày nay Chúa Kitô vẫn còn hối thúc các môn đệ của Người đích thân nhập cuộc: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Mt 14, 16). Mỗi người chúng ta thật sự được kêu gọi cùng với Chúa Giêsu trở thành tấm bánh được bẻ ra cho sự sống trần gian.

 

Những ràng buộc xã hội của mầu nhiệm Thánh Thể

 

89. Kết hiệp với Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể cũng mang đến cho những tương quan xã hội một sự mới mẻ: “‘huyền nhiệm’ Bí tích” này mang một đặc tính xã hội.” Thật vậy, “kết hiệp với Chúa Kitô cũng là sự liên kết với tất cả những ai mà Người đã tự hiến cho, hoặc những ai sẽ trở nên những kẻ thuộc về Người.” (214) Bí tích Thánh Thể là Bí tích của sự hiệp thông giữa các anh chị em, những người để cho mình được hoà giải trong Chúa Kitô, Đấng đã kết hợp những người Do Thái và dân ngoại nên một dân tộc, khi phá bỏ bức tường của sự thù hận ngăn cách họ (x. Ep 2, 14). Chỉ thường xuyên hướng về hoà giải mới giúp chúng ta tham dự một cách xứng đáng vào Mình và Máu Chúa Kitô (Mt 5, 23- 24). (242) Khi tưởng niệm hiến tế của Chúa, Người củng cố tình hiệp thông huynh đệ của chúng ta, và một cách đặc biệt, hối thúc những ai còn đang xung đột, hãy mau hoà giải bằng cách mở rộng lòng ra để đối thoại và dấn thân phục vụ công lí. Chắc chắn, sự tái lập công lí, hoà giải và tha thứ là những điều kiện cho việc xây dựng một nền hoà bình đích thực. (243) Qua việc chu toàn trách nhiệm này một cách thiết thực, Bí tích Thánh Thể sẽ trở nên trong đời sống điều mà bí tích này hàm chứa trong việc cử hành. Như tôi đã có dịp nhắc đến, Giáo Hội không có phận sự riêng phải hết sức có thể dấn thân vào hoạt động chính trị để xây dựng một xã hội công bằng; tuy nhiên, Giáo Hội không thể và không được đứng ngoài rìa trong cuộc tranh đấu cho công bằng. Giáo Hội “phải đóng vai trò của mình bằng con đường lí luận dựa theo lí trí và phải đánh thức sức mạnh tinh thần, mà nếu không có sức mạnh đó thì sự công bằng, vốn luôn đòi hỏi sự hi sinh, không thể được thực thi và phát triển.” (244)

 

Trong khi thảo luận về trách nhiệm xã hội của mọi Kitô hữu, các Nghị Phụ ghi nhận rằng sự tự hiến của Chúa Kitô là một mầu nhiệm giải phóng luôn thôi thúc chúng ta. Bơi vậy tôi thúc giục mọi tín hữu hãy trở thành những người xây dựng hoà bình và công lí đích thực: “Mọi người tham dự vào Bí tích Thánh Thể phải dấn thân xây dựng hoà bình trong thế giới chúng ta, một thế giới đã bị bầm dập vì bạo lực và chiến tranh, và đặc biệt ngày nay, do chủ nghĩa khủng bố, tham nhũng kinh tế và nạn khai thác tình dục.” (245) Tất cả những vấn nạn này đến lượt nó, lại khơi ra những vấn đề khác không kém nhiễu nhương và nhẫn tâm. Chúng ta biết rằng không thể giải quyết những vấn đề này một cách phiến diện. Chính bởi mầu nhiệm chúng ta cử hành mà chúng ta phải tố giác những hoàn cảnh đi ngược lại với phẩm giá của con người, mà vì họ, Chúa Kitô đã đổ máu mình ra để khẳng định giá trị cao vượt của mỗi con người.

 

Lương thực sự thật và nhu cầu của con người

 

90. Chúng ta không thể cứ mãi thụ động trước những tiến trình toàn cầu hoá vốn luôn tạo ra sự cách biệt giàu nghèo trên tầm mức quốc tế. Chúng ta phải tố giác những kẻ hoang phí của cải trên trái đất, tạo ra những bất bình đẳng đã thấu tới trời (x. Gc 5, 4). Chẳng hạn, không còn có thể câm lặng trước “những hình ảnh nhức nhối về những xóm trại khổng lồ rải rác khắp nơi trên thế giới tập trung người di cư và người tị nạn, những người đang sống trong tình trạng tạm cư để thoát khỏi số phận tệ hại hơn, cần đến những nhu cầu khẩn cấp. Những người này lại không phải là anh chị em của chúng ta hay sao? Các con cái của họ sinh ra trong thế giới này không có cùng những hoài bão chính đáng là được hưởng hạnh phúc như các trẻ em khác hay sao?” (246) Chúa Giêsu, tấm bánh của sự sống vĩnh cửu thúc giục chúng ta quan tâm đến những hoàn cảnh của tình trạng nghèo đói cùng cực, nơi một số đông nhân loại vẫn còn đang sống: đây là những tình trạng mà trách nhiệm đương nhiên đòi mọi người phải bức xúc đảm nhận. Quả thật, “trên căn bản những dữ kiện thống kê hiện có, người ta có thể khẳng định rằng gần một nửa số tiền khổng lồ dành cho việc vũ trang trên toàn cầu dư đủ để giải phóng những khối đông dân nghèo thoát khỏi cảnh cùng cực. Điều này thách thức lương tâm nhân loại. Đối với những người sống dưới mức nghèo khổ, là do hệ quả của những tình hình liên quan đến những tương quan chính trị, kinh tế và văn hoá quốc tế hơn là do những hoàn cảnh không kiểm soát được, sự dấn thân chung của chúng ta cho sự thật phải mang lại cho họ một niềm hi vọng mới” (247).

 

Lương thực sự thật đòi hỏi chúng ta phải tố giác những tình trạng vô nhân đạo trong đó nhiều người phải chết đói do những bất công và bóc lột, và lương thực ấy đem lại cho chúng ta sức mạnh mới và sự can đảm để không ngừng phục vụ cho nền văn minh tình thương. Ngay từ lúc khai nguyên, các Kitô hữu đã quan tâm chia sẻ của cải mình (x. Cv 4, 42) và gíup đỡ những người nghèo túng (x. Rm 15, 26). Những của bố thí thu góp trong các cộng đoàn phụng vụ là một điều nhắc nhớ rất rõ về việc đó, những của từ thiện đó cũng thật cần thiết để đáp ứng những nhu cầu hiện tại. Những tổ chức bác ái của Giáo Hội, đặc biệt Caritas đã thực hiện công tác cứu giúp những người thiếu thốn nghèo túng ở những cấp độ khác nhau. Được gợi hứng từ Thánh Thể, Bí tích tình yêu, họ trở nên một sự diễn tả cụ thể tình yêu ấy; họ được tán dương và cổ vũ vì dấn thân phục vụ sự liên đới trong thế giới của chúng ta.

 

Giáo huấn xã hội của Giáo Hội

 

91. Mầu nhiệm Thánh Thể khơi gợi và thúc đẩy chúng ta dấn thân một cách can đảm vào trong thế giới của chúng ta để đem đến một sự đổi mới các tương quan, sự đổi mới ấy đón nhận nguồn mạch bất tận từ ân huệ của Thiên Chúa. Lời kinh mà chúng ta lặp lại trong mỗi Thánh Lễ: “Xin cho chúng con lương thực hằng ngày,” buộc chúng ta phải làm mọi sự có thể, hợp tác với các tổ chức quốc tế, quốc gia và tư nhân, để chấm dứt hoặc ít nhất làm giảm sự ô nhục của nghèo đói và suy dinh dưỡng ảnh hưởng đến rất nhiều triệu người trong thế giới chúng ta, nhất là tại những quốc gia đang phát triển. Một cách đặc biệt, các Kitô hữu giáo dân được đào tạo tại trường học Thánh Thể, được kêu gọi để đảm nhận những trách nhiệm chính trị và xã hội đặc biệt của mình. Để chu toàn các bổn phận đó, họ cần được chuẩn bị một cách thích hợp thông qua việc giáo dục thực tiễn trong công bằng và bác ái. Bởi vậy, Thượng Hội Đồng Giám Mục nhìn nhận rằng các Giáo Phận và các cộng đồng Kitô giáo cần phải dạy và đề xuất học thuyết xã hội của Giáo Hội. (248) Trong di sản quý giá xuất phát từ truyền thống Giáo Hội lâu đời, chúng ta tìm thấy những yếu tố của sự khôn ngoan cao vời hướng dẫn các Kitô hữu đối diện với những vấn đề xã hội nóng bỏng hôm nay. Giáo huấn này, kết quả của toàn bộ lịch sử của Giáo Hội, nổi bật do tính thực tế và sự dung hoà; nó có thể giúp tránh được những sự thoả hiệp lẫm lẫn hoặc những điều không tưởng giả dối.

 

Thánh hoá trần gian và bảo vệ tạo vật

 

92. Sau cùng, muốn phát triển một nền linh đạo Thánh Thể thâm sâu, có thể tác động một cách ý nghĩa vào cơ cấu xã hội, dân Kitô giáo khi cảm tạ Chúa qua Bí tích Thánh Thể, phải ý thức rằng họ hành động như thế nhân danh toàn thể tạo vật, để như thế, thánh hoá trần gian và nhiệt tâm làm việc cho mục tiêu đó. (249) Chính Bí tích Thánh Thể chiếu soi lịch sử nhân loại và toàn thể vũ trụ một cách mạnh mẽ. Trong cái nhìn Thánh Thể như vậy, ngày qua ngày chúng ta học biết rằng mỗi biến cố Giáo Hội là một dấu chỉ qua đó Thiên Chúa tỏ hiện chính Người và thách thức chúng ta. Như thế, mô thức Thánh Thể của đời sống có thể gíup chúng ta tạo dưỡng một sự thay đổi thật sự trong cách tiếp cận lịch sử và tiếp cận thế giới. Chính phụng vụ dạy chúng ta điều này, khi vào lúc dâng tiến lễ vật, linh mục dâng lên Chúa một lời kinh tạ ơn, lời khẩn cầu trên bánh và rượu “hoa màu ruộng đất”, “sản phẩm của cây nho” và “lao công của con người.” Với những lời này, nghi thức không chỉ bao gồm việc tiến dâng lên Thiên Chúa mọi nỗ lực và hoạt động của con người, mà còn giúp chúng ta nhìn thế giới như là tạo vật của Thiên Chúa, đem lại cho chúng ta những gì chúng ta cần cho sự sinh tồn. Thế giới không phải là một cái gì trung tính, một sản phẩm thô để chúng ta cứ sử dụng theo như mình thích. Đúng hơn, nó là một phần của kế hoạch của Thiên Chúa, trong đó tất cả chúng ta được kêu gọi để trở nên con trai và con gái trong Con duy nhất của Thiên Chúa, là Chúa Giêsu Kitô (x. Ep 1, 4- 12). Sự quan tâm chính đáng về những hiểm họa liên quan đến môi trường diễn ra tại rất nhiều nơi trên thế giới, được gia tăng bởi niềm hi vọng KItô giáo, thúc đẩy chúng ta hành động một cách trách nhiệm để bảo vệ tạo vật. (250) Mối tương quan giữa Bí tích Thánh Thể và vũ trụ giúp chúng ta nhìn sự duy nhất trong chương trình của Thiên Chúa, và hiểu rõ tương quan sâu xa giữa tạo vật và “tạo vật mới” đã được khai mở trong sự phục sinh của Chúa Kitô, Ađam mới. Và ngay từ bây giờ chúng ta tham dự vào tạo vật mới ấy nhờ Bí tích Thánh Tẩy (Cl 2, 12 tt). Đời sống Kitô của chúng ta, được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể, giúp chúng ta thoáng nhìn về thế giới mới ấy- trời mới và đất mới- nơi thành Giêrusalem mới từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, “sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang” (Kh 21, 2).

 

Sự ích lợi của một cuốn sách toát yếu về Bí tích Thánh Thể

 

93. Vào lúc kết thúc những suy tư này, trong đó tôi đã trưng dẫn những đề tài được nêu ra tại Thượng Hội Đồng Giám Mục, tôi cũng muốn tiếp nhận lời đề nghị mà các Nghị Phụ đã đưa ra như một phương thế để giúp các Kitô hữu tin, cử hành và sống trọn vẹn hơn mầu nhiệm Thánh Thể. Những văn phòng có trách nhiệm liên quan của Giáo Triều Rôma sẽ ấn hành một cuốn sách Toát Yếu, tập hợp các bản văn từ Sách Giáo Lí Giáo Hội Công Giáo, các kinh nguyện, các lời dẫn giải về Các Kinh Nguyện Thánh Thể trong Sách Lễ Rôma cùng những cách thế tiện ích giúp hiểu rõ, cử hành và tôn sùng Bí tích của Bàn Thờ. Tôi hi vọng rằng cuốn sách này sẽ giúp cho việc tưởng niệm Lễ Vượt Qua của Chúa càng ngày càng trở nên nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội. Điều này sẽ thôi thúc mỗi người tín hữu xây dựng cuộc đời của mình trở thành một sự thờ phượng thiêng liêng đích thực.

 

KẾT LUẬN

 

94. Anh chị em thân mến, Bí tích Thánh Thể là căn nguyên của mọi hình thái thánh thiện, và mỗi người chúng ta được mời gọi đạt đến sự sống viên mãn trong Chúa Thánh Thần. Đã có biết bao vị thánh tiến xa trên con đường toàn thiện nhờ lòng sùng kính Thánh Thể! Từ Thánh Ignatiô thành Antiôkia đến Thánh Augustinô, từ Thánh Antôn Tu Viện Trưởng đến Thánh Bênêđictô, từ Thánh Phanxicô thành Assisi đến Thánh Tôma Aquinô, từ Thánh Clara thành Assisi đến Thánh Catharina thành Siena, từ Thánh Paschal Baylon đến Thánh Phêrô Julianô Eymard, từ Thánh Alphonsô Liguori đến Chân Phước Charles de Foucauld, từ Thánh Gioan Maria Vianney đến Thánh Têrêxa thành Lisieux, từ Thánh Piô Pietrelcina đến Chân Phước Têrêxa thành Calcutta, từ Chân Phước Piergiorgio Frassati đến Chân Phước Ivan Mertz, đó là chỉ nêu lên một số ít, sự thánh thiện đã luôn tìm thấy tiêu điểm của nó trong Bí tích Thánh Thể.

 

Như thế, mầu nhiệm cực thánh này cần phải được tin một cách vững chắc, được cử hành một cách sốt sắng và được nhiệt tâm sống trong Giáo Hội. Sự tự hiến của Chúa Giêsu trong Bí tích tưởng niệm cuộc vượt qua của Người chứng thực cho chúng ta rằng, sự thành công của cuộc đời chúng ta được tìm thấy trong việc tham dự vào sự sống của Chúa Ba Ngôi, được ban cho chúng ta một cách đích thực và hiệu quả trong Người. Cử hành và tôn sùng Thánh Thể giúp chúng ta tiến đến gần tình yêu của Thiên Chúa và gắn bó trong tình yêu ấy cho đến khi chúng ta được nên một với Chúa là Đấng chúng ta yêu mến. Sự phó dâng cuộc đời của chúng ta, dâng thân bằng quyến thuộc cùng toàn thể cộng đoàn những người tín hữu, cũng như tất cả những người liên đới với chúng ta là những khía cạnh nền tảng của logiké latreía, sự thờ phượng thiêng liêng, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rm 12, 1), giúp biến đổi mọi khía cạnh của cuộc đời chúng ta để làm vinh danh Thiên Chúa. Bởi đó, tôi khẩn khoản mời gọi các mục tử đừng ngại tốn công để phát huy một nền linh đạo Thánh Thể Kitô giáo xác thực. Các linh mục, phó tế và tất cả những người thi hành tác vụ Thánh Thể phải luôn có khả năng tìm được trong việc phục vụ này, vốn phải được ân cần tập luyện và luôn được tăng bổ, sức mạnh và hứng cảm cần thiết trên con đường thánh hoá bản thân cũng như cộng đoàn. Tôi khuyên nhủ người tín hữu giáo dân, đặc biệt các gia đình, hãy luôn tìm thấy lại trong bí tích tình yêu của Chúa Kitô, một năng lực cần thiết để biến cuộc đời của họ thành một dấu chỉ đích thực về sự hiện diện của Chúa Phục Sinh. Tôi mời gọi các nam nữ tu sĩ hãy thể hiện, qua đời sống Thánh Thể của họ, sự sáng ngời và vẻ đẹp được trọn vẹn thuộc về Chúa.

 

95. Vào đầu thế kỉ thứ bốn, việc thờ phượng Kitô giáo vẫn còn bị các chính quyền đế quốc cấm cách. Một số các Kitô hữu ở Bắc Phi, những người cảm thấy bị thôi thúc phải cử hành Ngày của Chúa, đã thách thức sự cấm đoán đó. Họ đã chịu tử đạo khi tuyên bố rằng họ không thể sống mà không có Thánh Thể, lương thực của Chúa: sine dominico non possumus.(252) Xin các thánh tử đạo miền Abitinae, trong sự hiệp thông với tất cả các thánh cũng như các chân phước, những vị đã dành cho Bí Tích Thánh Thể vị trí trung tâm của cuộc đời mình, xin các ngài bầu cử cho chúng ta và dạy chúng ta trung thành gặp gỡ Chúa Kitô Phục Sinh. Chúng ta cũng không thể sống mà không tham dự vào Bí tích của ơn cứu chuộc chúng ta; chúng ta cũng ước ao iuxta dominicam viventes (sống theo ngày của Chúa) để phản chiếu trong đời sống chúng ta những gì chúng ta cử hành trong Ngày của Chúa. Ngày đó là ngày giải thoát thực sự của chúng ta. Vậy thì có đáng ngạc nhiên chăng nếu chúng ta ước muốn sống mỗi ngày trong sự sống mới mà Chúa Kitô đem lại cho chúng ta trong mầu nhiệm Thánh Thể?

 

96. Nguyện xin Mẹ Maria Chí Thánh, Đấng Đồng Trinh Vô Nhiễm, hòm bia của giao ước mới và vĩnh cửu, đồng hành cùng chúng ta trên con đường đi gặp Chúa, Đấng đang đến. Trong Mẹ, chúng ta tìm thấy bản tính của Giáo Hội được thực hiện một cách trọn hảo nhất. Giáo Hội nhìn thấy nơi Mẹ Maria- “Người Phụ Nữ Thánh Thể” như đã được tôn xưng bởi Tôi Tớ Chúa là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (253)- như chính hình mẫu tuyệt hảo của mình, và Giáo Hôi chiêm ngắm Đức Maria như mẫu gương độc nhất về đời sống Thánh Thể. Vì lí do đó, khi đứng trước chính Xác Thể sinh ra từ Đức Đồng Trinh Maria (verum Corpus de Maria Virgine) tại bàn thờ và nhân danh cộng đoàn phụng vụ, linh mục đọc những lời trong lễ quy: “Chúng con kính nhớ Đức Maria trọn đời đồng trinh, Mẹ Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa và là Chúa chúng con.” (254) Thánh danh của Mẹ cũng được kêu cầu và tôn kính trong lễ quy của các truyền thống Kitô Đông Phương. Các tín hữu, về phần mình, “hãy phó dâng cho Mẹ Maria, Mẹ Giáo Hội, cuộc sống và lao công do bàn tay mình. Hãy cố gắng sống những tâm tình như Mẹ Maria, hãy giúp toàn thể cộng đoàn trở nên lễ dâng sống động đẹp lòng Chúa Cha.” (255) Mẹ là Đấng Tuyệt Mỹ (tota pulchra), vì nơi mẹ ánh hào quang của vinh quang Thiên Chúa toả rạng. Từ nơi Mẹ Maria chúng ta phải học trở nên những người nam nữ của Bí tích Thánh Thể và của Giáo Hội, và như thế thể hiện con người chúng ta, theo lời của Thánh Phaolô, “thánh thiện và tinh tuyền” trước mặt Chúa như Người muốn từ thuở đời đời (x. Cl 1, 22; 1, 4). (256)

 

97. Qua lời bầu cử của Thánh Nữ Đồng Trinh Maria, Xin Chúa Thánh Thần khơi lên trong chúng ta lòng sốt sắng mà các môn đệ trên đường đi Emmaus đã trải nghiệm (x. Lc 24, 13- 15) và đổi mới “lòng sửng sốt Thánh Thể” của chúng ta qua vẻ sáng ngời và vẻ đẹp toả ra từ nghi thức phụng vụ, là dấu chỉ hữu hiệu của vẻ đẹp vô biên trong mầu nhiệm thánh của Thiên Chúa. Những môn đệ ấy đã đứng dạy và hối hả trở lại Giêrusalem để chia sẻ niềm vui với anh chị em của mình trong đức tin. Thật vậy, niềm vui đích thực là nhận biết rằng Chúa vẫn ở với chúng ta, là người bạn đồng hành trung tín của chúng ta trên đường đi. Thánh Thể giúp chúng ta khám phá ra rằng, Chúa Kitô, sống lại từ cõi chết, là người đương thời của chúng ta trong mầu nhiệm Giáo Hội, Thân Mình Người. Chúng ta hãy trở nên những chứng nhân cho mầu nhiệm tình yêu này. Chúng ta hãy khích lệ lẫn nhau hân hoan sánh bước, lòng đầy ngạc nhiên, đến gặp Thánh Thể để có thể cảm nhận cũng như loan báo cho người khác sự thật về những lời Chúa Giêsu đã nói khi Người từ biệt các môn đệ: “Này đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).

 

Ban hành tại Rôma, cạnh Đền Thờ Thánh Phêrô, vào ngày 22 tháng Hai, năm 2007,

Lễ Kính Tông Toà Phêrô,

vào năm thứ hai triều Giáo Hoàng của tôi.


BÊNÊĐICTÔ PP. XVI
(Linh mục Giuse Ngô Quang Trung chuyển ngữ)

 

Chú thích:

1) x. Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae III, q. 73, a. 3.
(2) Thánh Augustinô, In Iohannis Evangelium Tractatus, 26,5: PL 35, 1609.
(3) ĐGH Bênêđictô XVI, Diễn văn cho các Tham Dự viên Khoá Họp Khoáng Đại của Bộ Giáo Lí Đức Tin (10 February 2006): AAS 98 (2006), 255.
(4) ĐGH Bênêđictô XVI, Diễn văn cho Hội Đồng Thư kí Thương Trực của Thượng Hội Đồng Giám Mục (1 June 2006): L'Osservatore Romano, 2 June 2006, p. 5.
(5) x. Bản đề nghị 2.
(6) I am referring here to the need for a hermeneutic of continuity also with regard to the correct interpretation of the liturgical development which followed the Second Vatican Council: x. ĐGH Bênêđictô XVI, Diễn văn cho Giáo Triều Rôma (22 December 2005): AAS 98 (2006), 44-45.
(7) x.. AAS 97 (2005), 337-352.
(8) Năm Thánh Thể: Những Gợi Ý và Những Đề Nghị (15 October 2004): L'Osservatore Romano, 15 October 2004, Supplement.
(9) x. AAS 95 (2003), 433-475. Xem thêm, Huấn Thị của Bộ Phụng Tự và Kỉ Luật Bí Tích Redemptionis Sacramentum (25 March 2004): AAS 96 (2004), 549-601, expressly desired by ĐGH Gioan Phaolô II.
(10) Chỉ đưa ra một số tài liệu quan trọng: Công Đồng Trento, Doctrina et canones de ss. Missae sacrificio, DS 1738-1759; ĐGH Leo XIII, Thông Điệp Mirae Caritatis (28 May 1902): ASS (1903), 115-136; Pius XII, Thông Điệp Mediator Dei (20 November 1947): AAS 39 (1947), 521-595; Paul VI, Thông Điệp Mysterium Fidei (3 September 1965): AAS 57 (1965), 753-774; ĐGH Gioan Phaolô II, Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia (17 April 2003): AAS 95 (2003), 433-475; Bộ Phụng Tự và Kỉ Luật Bí Tích, Huấn Thị Eucharisticum Mysterium (25 May 1967): AAS 59 (1967), 539-573; Huấn Thị Liturgiam Authenticam (28 March 2001): AAS 93 (2001), 685-726.
(11) x. Bản đề nghị 1.
(12) No. 14: AAS 98 (2006), 229.
(13) Sách Giáo Lí Giáo Hội Công Giáo, 1327.
(14) x. Bản đề nghị 16.
(15) ĐGH Bênêđictô XVI, Bài giảng trong Thánh Lễ khai mạc sứ vụ (7 May 2005): AAS 97 (2005), 752.
(16) x. Bản đề nghị 4.
(17) De Trinitate, VIII, 8, 12: CCL 50, 287.
(18) Thông Điệp Deus Caritas Est (25 December 2005), 12: AAS 98 (2006), 228.
(19) x. Bản đề nghị 3.
(20) Sách Nguyện Rôma, Hymn for the Office of Readings of the Solemnity of Corpus Christi.
(21) ĐGH Bênêđictô XVI, Thông Điệp Deus Caritas Est (25 December 2005), 13: AAS 98 (2006), 228.
(22) ĐGH Bênêđictô XVI, Bài giảng tại Marienfeld Esplanade (21 August 2005): AAS 97 (2005), 891-892.
(23) x. Bản đề nghị 3.
(24) x. Sách Lễ Rôma, Kinh Nguyện Thánh Thể IV.
(25) Cat. XXIII, 7: PG 33, 1114ff.
(26) x. De Sacerdotio, VI, 4: PG 48, 681.
(27) Ibid., III, 4: PG 48, 642.
(28) x. Bản đề nghị 22.
(29) x. Bản đề nghị 42: "This eucharistic encounter takes place in the Holy Spirit, who transforms and sanctifies us. He re- awakens in the disciple the firm desire to proclaim boldly to others all that he has heard and experienced, to bring them to the same encounter with Christ. Thus the disciple, sent forth by the Church, becomes open to a mission without frontiers."
(30) x. Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lí về Giáo Hội Lumen Gentium, 3; một thí dụ, x.: Thánh Gioan Kim Khẩu, Catechesis 3, 13-19: SC 50, 174-177.
(31) ĐGH Gioan Phaolô II, Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia (17 April 2003), 1: AAS 95 (2003), 433.
(32) Ibid., 21: AAS 95 (2003), 447.
(33) x. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông Điệp Redemptor Hominis (4 March 1979), 20: AAS 71 (1979), 309-316; Tông thư Dominicae Cenae (24 February 1980), 4: AAS 72 (1980), 119-121.
(34) x. Bản đề nghị 5.
(35) x. Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, III, q. 80, a. 4.
(36) No. 38: AAS 95 (2003), 458.
(37) Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lí về Giáo Hội Lumen Gentium, 23.
(38) Bộ Giáo Lí Đức Tin, Letter on Some Aspects of the Church Understood as Communion Communionis Notio (28 May 1992), 11: AAS 85 (1993), 844-845.
(39) x. Bản đề nghị 5: "The term ‘catholic' expresses the universality deriving from the unity that the Eucharist, celebrated in each Church, fosters and builds up. The particular Churches in the universal Church thus have, in the Eucharist, the duty to make visible their own unity and diversity. This bond of fraternal love allows the trinitarian communion to become apparent. The Councils and Synods express in history this fraternal aspect of the Church."
(40) x. ibid.
(41) Sắc Lệnh về Sứ vụ và Đời Sống Linh MụcPresbyterorum Ordinis, 5.
(42) Cf. x. Bản đề nghị 14.
(43) Hiến Chế Tín Lí về Giáo Hội Lumen Gentium, 1.
(44) De Orat. Dom., 23: PL 4, 553.
(45 Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lí về Giáo Hội Lumen Gentium, 48, cf. ibid., 9.
(46) x. Bản đề nghị 13.
(47) x. Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lí về Giáo Hội Lumen Gentium, 7.
(48) Cf. ibid., 11; Công Đồng Vatican II, Decree on the Church's Missionary Activity Ad Gentes, 9, 13.
(49) x. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông Thư Dominicae Cenae (24 February 1980), 7: AAS 72 (1980), 124-127; Công Đồng Vatican II, Sắc Lệnh về Sứ vụ và Đời Sống Linh Mục Presbyterorum Ordinis, 5.
(50) x. Giáo Luật các Giáo Hội Đông Phương, can. 710.
(51) x. Nghi thức ga nhập Kitô giáo người lớn, Dẫn nhập tổng quát, 34-36.
(52) x. Nghi thức rửa tội trẻ nhỏ, Dẫn nhập, 18-19.
(53) x. Bản đề nghị 15.
(54) Cf. Bản đề nghị 7; ĐGH Gioan Phaolô II, Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia (17 April 2003), 36: AAS 95 (2003), 457-458.
(55) x. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Reconciliatio et Paenitentia (2 December 1984), 18: AAS 77 (1985), 224-228.
(56) x. Sách Giáo Lí Giáo Hội Công Giáo, 1385.
(57) For example, the Confiteor, or the words of the priest and people before receiving Communion: "Lord, I am not worthy to receive you, but only say the word and I shall be healed." Not insignificantly does the liturgy also prescribe certain very beautiful prayers for the priest, handed down by tradition, which speak of the need for forgiveness, as, for example, the one recited quietly before inviting the faithful to sacramental communion: "By the mystery of your body and blood, free me from all my sins and from every evil. Keep me always faithful to your teachings and never let me be parted from you."
(58) x. Thánh Gioan Damascênô, Exposition of the Faith, IV, 9: PG 94, 1124C; Thánh Grêgôrô Nazianzen, Oratio 39, 17: PG 36, 356A; Công Đồng Trento, Doctrina de sacramento paenitentiae, Chapter 2: DS 1672.
(59) x. Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lí về Giáo Hội Lumen Gentium, 11; John Paul II, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Reconciliatio et Paenitentia (2 December 1984), 30: AAS 77 (1985), 256-257.
(60) x. Bản đề nghị 7.
(61) x. ĐGH Gioan Phaolô II, Tự Sắc Misericordia Dei (7 April 2002): AAS 94 (2002), 452-459.
(62) Together with the Synod Fathers I wish to note that the non-sacramental penitential services mentioned in the ritual of the sacrament of Reconciliation can be helpful for increasing the spirit of conversion and of communion in Christian communities, thereby preparing hearts for the celebration of the sacrament: x. Bản đề nghị 7.
(63) x. Giáo Luật, can. 508.
(64) Phaolô VI, Tông Hiến Indulgentiarum Doctrina (1 January 1967), Norms, No. 1: AAS 59 (1967), 21.
(65) Ibid., 9: AAS 59 (1967), 18-19.
(66) x. Sách Giáo Lí Giáo Hội Công Giáo, 1499-1532.
(67) Ibid., 1524.
(68) x. Bản đề nghị 44.
(69) x. Thượng Hội Đồng Giám Mục, Phiên họp Khoáng Đại lần II, Document on the Ministerial Priesthood Ultimis Temporibus (30 November 1971): AAS 63 (1971), 898-942.
(70) x. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Pastores Dabo Vobis (25 March 1992), 42-69: AAS 84 (1992), 729-778.
(71) x. Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lí về Giáo Hội Lumen Gentium, 10; Bộ Giáo Lí Đức Tin, Letter on Certain Questions Concerning the Minister of the Eucharist Sacerdotium Ministeriale (6 August 1983): AAS 75 (1983), 1001-1009.
(72) Sách Giáo Lí Giáo Hội Công Giáo, 1548.
(73) Ibid., 1552.
(74) x. In Iohannis Evangelium Tractatus, 123, 5: PL 35, 1967.
(75) x. Bản đề nghị 11.
(76) x. Sắc Lệnh về Sứ vụ và Đời Sống Linh Mục, Presbyterorum Ordinis, 16.
(77) x. ĐGH Gioan XXIII, Thông Điệp Sacerdotii Nostri Primordia (1 August 1959): AAS 51 (1959), 545-579; ĐGH Phaolô VI, Thông Điệp Sacerdotalis Coelibatus (24 June 1967): AAS 59 (1967), 657-697; ĐGH Gioan Phaolô II, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Pastores Dabo Vobis (25 March 1992), 29: AAS 84 (1992), 703-705; Benedict XVI, Address to the Roman Curia (22 December 2006): L'Osservatore Romano, 23 December 2006, p. 6.
(78) x. Bản đề nghị 11.
(79) x. Công Đồng Vatican II, Sắc Lệnh về Đào Tạo Linh mục, Optatam Totius, 6; Giáo Luật, can. 241, § 1 và can. 1029; Code of Canons of the Eastern Churches, can. 342 § 1 and can. 758; ĐGH Gioan Phaolô II, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Pastores Dabo Vobis (25 March 1992), 11, 34, 50: AAS 84 (1992), 673-675; 712-714; 746-748; Bộ Giáo Sĩ, Directory for the Ministry and Life of Priests Dives Ecclesiae (31 March 1994), 58; Bộ Giáo Duc Công Giáo, Instruction Concerning the Criteria for the Discernment of Vocations with regard to Persons with Homosexual Tendencies in view of their Admission to the Seminary and to Holy Orders (4 November 2005): AAS 97 (2005), 1007-1013.
(80) x. Bản đề nghị 12; ĐGH Gioan Phaolô II, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Pastores Dabo Vobis (25 March 1992), 41: AAS 84 (1992), 726-729.
(81) Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lí về Giáo Hội Lumen Gentium, 29.
(82) x. Bản đề nghị 38.
(83) x. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Familiaris Consortio (22 November 1981), 57: AAS 74 (1982), 149-150.
(84) Tông Thư Mulieris Dignitatem (15 August 1988), 26: AAS 80 (1988), 1715-1716.
(85) Sách Giáo Lí Giáo Hội Công Giáo, 1617.
(86) x. Bản đề nghị 8.
(87) x. Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lí về Giáo Hội Lumen Gentium, 11.
(88) x. Bản đề nghị 8.
(89) x. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông Thư Mulieris Dignitatem (15 August 1988): AAS 80 (1988), 1653-1729; Bộ Giáo Lí Đức Tin, Letter to the Bishops of the Catholic Church on the Collaboration of Men and Women in the Church and in the World (31 May 2004): AAS 96 (2004), 671-687.
(90) x. Bản đề nghị 9.
(91) x. Sách Giáo Lí Giáo Hội Công Giáo, 1640.
(92) x. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Familiaris Consortio (22 November 1981), 84: AAS 74 (1982), 184- 186; Bộ Giáo Lí Đức Tin, Letter to the Bishops of the Catholic Church concerning the Reception of Holy Communion by Divorced and Remarried Members of the Faithful Annus Internationalis Familiae (14 September 1994): AAS 86 (1994), 974-979.
(93) x. Pontifical Council for Legislative Texts, Instruction on the Norms to be Observed at Ecclesiastical Tribunals in Matrimonial Proceedings Dignitas Connubii (25 January 2005), Vatican City, 2005.
(94) x. Bản đề nghị 40.
(95) ĐGH Bênêđictô XVI, Bài giảng cho Toà Hoà Giải Rôma nhân Khai mạc Năm Pháp Lí (28 January 2006): AAS 98 (2006), 138.
(96) x. Bản đề nghị 40.
(97) Cf. ibid.
(98) Cf. ibid.
(99) x. Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lí về Giáo Hội Lumen Gentium, 48.
(100) x. Bản đề nghị 3.
(101) Here I would recall the words filled with hope and consolation found in Eucharistic Prayer II: "Remember our brothers and sisters who have gone to their rest in the hope of rising again. Bring them and all the departed into the light of your presence."
(102) x. ĐGH Bênêđictô XVI, Bài giảng (8 December 2005): AAS 98 (2006), 15-16.
(103) Hiến Chế Tín Lí về Giáo Hội Lumen Gentium, 58.
(104) x. Bản đề nghị 4.
(105) Relatio post disceptationem, 4: L'Osservatore Romano, 14 October 2005, p. 5.
(106) x. Serm. 1, 7; 11, 10; 22, 7; 29, 76: Sermones dominicales ad fidem codicum nunc denuo editi, Grottaferrata, 1977, pp. 135, 209ff., 292ff.; 337; ĐGH Bênêđictô XVI, Message to Ecclesial Movements and New Communities (22 May 2006): AAS 98 (2006), 463.
(107) x. Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Mục vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay, Gaudium et Spes, 22.
(108) x. Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lí về Mặc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, 2, 4.
(109) x. Bản đề nghị 33.
(110) Sermo 227, 1: PL 38, 1099.
(111) In Iohannis Evangelium Tractatus, 21, 8: PL 35, 1568.
(112) Ibid., 28, 1: PL 35, 1622.
(113) x. Bản đề nghị 30. Weekday Masses, which the faithful are encouraged to attend, find their proper form on the day of the Lord, the day of Christ's resurrection; x. Bản đề nghị 43.
(114) x. Bản đề nghị 2.
(115) x. Bản đề nghị 25.
(116) x. Bản đề nghị 19. Bản đề nghị 25 trình bày: "An authentic liturgical action expresses the sacredness of the eucharistic mystery. This should be evident from the words and actions of the priest who celebrates, as he intercedes to God the Father both with the faithful and on their behalf."
(117) Huấn Thị Tổng Quát về Sách Lễ Rôma, 22; Công Đồng Vatican II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 41; x. Bộ Phụng Tự và Kỉ Luật Bí Tích, Huấn thị Redemptionis Sacramentum (25 March 2004), 19-25: AAS 96 (2004), 555-557.
(118) x. Công Đồng Vatican II, Sắc Lệnh về Nhiệm vụ Mục vụ của các Giám Mục trong Giáo Hội Christus Dominus, 14; Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 41.
(119) Huấn Thị Tổng Quát về Sách Lễ Rôma, 22.
(120) x. ibid.
(121) x. Bản đề nghị 25.
(122) x. Công Đồng Vatican II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 112-130.
(123) x. Bản đề nghị 27.
(124) x. ibid.
(125) Những chỉ dẫn trong Huấn Thị Tổng Quát về Sách Lễ Rôma, 319-351, phải được trung thành tuân giữ.
(126) x. Huấn Thị Tổng Quát về Sách Lễ Rôma, 39-41; x. Công Đồng Vatican II, Hiến Chế về Phụng vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 112-118.
(127) Sermo 34, 1: PL 38, 210.
(128) x. Bản đề nghị 25: "Like every artistic expression, singing must be closely adapted to the liturgy and contribute effectively to its aim; in other words, it must express faith, prayer, wonder and love of Jesus present in the Eucharist."
(129) x. Bản đề nghị 29.
(130) x. Bản đề nghị 36.
(131) x. Công Đồng Vatican II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 116; Huấn Thị Tổng Quát về Sách Lễ Rôma, 41.
(132) Huấn Thị Tổng Quát về Sách Lễ Rôma, 28; x. Công Đồng Vatican II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 56; Thánh Bộ Nghi Lễ, Huấn Thị Eucharisticum Mysterium (25 May 1967), 3: AAS 57 (1967), 540-543.
(133) x. Bản đề nghị 18.
(134) Ibid.
(135) Huấn Thị Tổng Quát về Sách Lễ Rôma, 29.
(136) x. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông Điệp Fides et Ratio (14 September 1998), 13: AAS 91 (1999), 15-16.
(137) Thánh Hieronimo, Comm. in Is., Prol.: PL 24, 17; x. Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lí về Mặc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, 25.
(138) x. Bản đề nghị 31.
(139) Huấn Thị Tổng Quát về Sách Lễ Rôma, 29; x. Công Đồng Vatican II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 7, 33, 52.
(140) x. Bản đề nghị 19.
(141) Công Đồng Vatican II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 52.
(142) Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lí về Mặc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, 21.
(143) To this end the Synod has called for the preparation of pastoral aids based on the three-year lectionary, to help connect the proclamation of the readings with the doctrine of the faith; cf. Propositio 19.
(144) x. Bản đề nghị 20.
(145) Huấn Thị Tổng Quát về Sách Lễ Rôma, 78.
(146) x. ibid., 78-79.
(147) x. Bản đề nghị 22.
(148) Huấn Thị Tổng Quát về Sách Lễ Rôma, 79d.
(149) Ibid., 79c.
(150) Taking into account ancient and venerable customs and the wishes expressed by the Synod Fathers, I have asked the competent curial offices to study the possibility of moving the sign of peace to another place, such as before the presentation of the gifts at the altar. To do so would also serve as a significant reminder of the Lord's insistence that we be reconciled with others before offering our gifts to God (cf. Mt 5:23 ff.); x. Bản đề nghị 23.
(151) x. Bộ Phụng Tự và Kỉ Luật Bí Tích, Huấn Thị Redemptionis Sacramentum (25 March 2004), 80-96: AAS 96 (2004), 574-577.
(152) x. Bản đề nghị 34.
(153) x. Bản đề nghị 35.
(154) x. Bản đề nghị 24.
(155) x. Công Đồng Vatican II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 14-20; 30ff.; 48ff; Bộ Phụng Tự và Kỉ Luật Bí Tích, Huấn Thị Redemptionis Sacramentum (25 March 2004), 36-42: AAS 96 (2004), 561-564.
(156) No. 48.
(157) Ibid.
(158) x. Bộ Giáo Sĩ, Instruction on Certain Questions Regarding the Collaboration of the Non- Ordained Faithful in the Ministry of Priests Ecclesiae de Mysterio (15 August 1997): AAS 89 (1997), 852-877.
(159) x. Bản đề nghị 33.
(160) Huấn Thị Tổng Quát về Sách Lễ Rôma, 92.
(161) x ibid., 94.
(162) x. Công Đồng Vatican II, Decree on the Apostolate of the Laity Apostolicam Actuositatem, 24; General Instruction of the Roman Missal, 95-111; Bộ Phụng Tự và Kỉ Luật Bí Tích, Huấn Thị Redemptionis Sacramentum (25 March 2004), 43-47: AAS 96 (2004), 564-566; Bản đề nghị 33: "These ministries must be introduced in accordance with a specific mandate and in accordance with the real needs of the celebrating community. Those entrusted with these liturgical services must be chosen with care, well prepared, and provided with ongoing formation. Their appointment must be for a limited term. They must be known to the community and be gratefully acknowledged by the community."
(163) x. Công Đồng Vatican II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 37-42.
(164) Cf. General Instruction of the Roman Missal, 386-399.
(165) x. Bộ Phụng Tự và Kỉ Luật Bí Tích, Huấn Thị về Phụng vụ Rôma và Hội Nhập văn Hoá Varietates Legitimae (25 January 1994): AAS 87 (1995), 288-314.
(166) Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Ecclesia in Africa (14 September 1995), 55-71: AAS 88 (1996), 34-47; Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Ecclesia in America (22 January 1999), 16, 40, 64, 70-72: AAS 91 (1999), 752-753, 775-776, 799, 805-809; Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Ecclesia in Asia (6 November 1999), 21ff.: AAS 92 (2000), 482-487; Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Ecclesia in Oceania (22 November 2001), 16: AAS 94 (2002), 382-384; Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Ecclesia in Europa (28 June 2003), 58-60: AAS 95 (2003), 685-686.
(167) x. Bản đề nghị 26.
(168) x. Bản đề nghị 35; Công Đồng Vatican II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 11.
(169) x. Sách Giáo Lí Giáo Hội Công Giáo, 1388; Công Đồng Vatican II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 55.
(170) x. Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia (17 April 2003), 34: AAS 95 (2003), 456.
(171) x, Thí dụ, Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, III, q. LXXX, a. 1, 2; Thánh Têrêxa Giêsu, The Way of Perfection, Chapter 35. The doctrine was authoritatively confirmed by the Council of Trent, Session XIII, c. VIII.
(172) x. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông Điệp Ut Unum Sint (25 May 1995), 8: AAS 87 (1995), 925-926.
(173) x. Bản đề nghị 41; Công Đồng Vatican II, Decree on Ecumenism Unitatis Redintegratio, 8, 15; ĐGH Gioan Phaolô II, Thông Điệp Ut Unum Sint (25 May 1995), 46: AAS 87 (1995), 948; Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia (17 April 2003), 45-46: AAS 95 (2003), 463-464; Code of Canon Law, can. 844 §§ 3-4; Code of Canons of the Eastern Churches, can. 671 §§ 3-4; Hội Đồng Toà Thánh về Hiệp Nhất Kitô Giáo, Directoire pour l'application des principes et des normes sur l'œcumnisme (25 March 1993), 125, 129-131: AAS 85 (1993), 1087, 1088-1089.
(174) x. Nos. 1398-1401.
(175) x. No. 293.
(176) x. Pontifical Council for Social Communications, Pastoral Instruction on Social Communications on the Twentieth Anniversary of "Communio et Progressio" Aetatis Novae (22 February 1992): AAS 84 (1992), 447-468.
(177) x. Bản đề nghị 29.
(178) x. Bản đề nghị 44.
(179) x. Bản đề nghị 48.
(180) Candidates for the priesthood can be introduced to these traditions as part of their seminary training: x. Bản đề nghị 45.
(181) x. Bản đề nghị 37.
(182) x. Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 36, 54.
(183) x. Bản đề nghị 36.
(184) x. ibid.
(185) x. Bản đề nghị 32.
(186) x. Bản đề nghị 14.
(187) x. Bản đề nghị 19.
(188) x. Bản đề nghị 14.
(189) x. ĐGH Bênêđictô XVI, Bài giảng vào Giờ Kinh Chiều Lễ Hiện Xuống (3 June 2006): AAS 98 (2006), 509.
(190) x. Bản đề nghị 34.
(191) Enarrationes in Psalmos 98:9, CCL XXXIX, 1385; x. ĐGH Bênêđictô XVI, Diễn văn cho Giáo Triều Rôma(22 December 2005): AAS 98 (2006), 44-45.
(192) x. Bản đề nghị 6.
(193) ĐGH Bênêđictô XVI, Diễn văn cho Giáo triều Rôma (22 December 2005): AAS 98 (2006), 45.
(194) x. Bản đề nghị 6; Bộ Phụng Tự và Kỉ Luật Bí Tích, Directory on Popular Piety and the Liturgy (17 December 2001), Nos. 164-165, Vatican City, 2002; Thánh Bộ Nghi Lễ, Huấn thị Eucharisticum Mysterium (25 May 1967): AAS 57 (1967), 539-573.
(195) x. Relatio post disceptationem, 11: L'Osservatore Romano, 14 October 2005, p. 5.
(196) x. Bản đề nghị 28.
(197) x. No. 314.
(198) VII, 10, 16: PL 32, 742.
(199) ĐGH Bênêđictô XVI, Bài giảng tại Marienfeld Esplanade (21 August 2005): AAS 97 (2005), 892; x. Bài giảng Lễ Vọng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, (3 June 2006): AAS 98 (2006), 505.
(200) x. Relatio post disceptationem, 6, 47: L'Osservatore Romano, 14 October 2005, pp. 5-6; x. Bản đề nghị 43.
(201) De Civitate Dei, X, 6: PL 41, 284.
(202) x. Sách Giáo Lí Giáo Hội Công Giáo, 1368.
(203) x. Thánh Irenaeus, Adv. Haer., IV, 20, 7: PG 7, 1037.
(204) Ad Magnes., 9, 1: PG 5, 670.
(205) x. I Apologia, 67, 1-6; 66: PG 6, 430ff., 427, 430.
(206) x. Bản đề nghị 30.
(207) x. AAS 90 (1998), 713-766.
(208) x. Bản đề nghị 30.
(209) Bài giảng (19 March 2006): AAS 98 (2006), 324.
(210) The Compendium of the Social Doctrine of the Church, 258, rightly notes in this regard: "For man, bound as he is to the necessity of work, this rest opens to the prospect of a fuller freedom, that of the eternal Sabbath (cf. Heb 4:9-10). Rest gives men and women the possibility to remember and experience anew God's work, from Creation to Redemption, to recognize themselves as his work (cf. Eph 2:10), and to give thanks for their lives and for their subsistence to him who is their author."
(211) x. Bản đề nghị 10.
(212) Cf. ibid.
(213) x. ĐGH Bênêđictô XVI, Diễn văn cho các Giám mục Canada – Quebec trong chuyên thăm ad Limina (11 May 2006): cf. L'Osservatore Romano, 12 May 2006, p. 5.
(214) No. 10: AAS 71 (1979), 414-415.
(215) ĐGH Bênêđictô XVI, Gặp gỡ chung hằng tuần, 29 March 2006: L'Osservatore Romano, 30 March 2006, p. 4.
(216) x. Bản đề nghị 39.
(217) Cf. Relatio post disceptationem, 30: L'Osservatore Romano, 14 October 2005, p. 6.
(218) x. Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lí về Giáo Hội Lumen Gentium, 39-42.
(219) x. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Christifideles Laici (30 December 1988), 14, 16: AAS 81 (1989), 409-413; 416-418.
(220) x. Bản đề nghị 39.
(221) Cf. ibid.
(222) Nghi thức phong chức Giám Mục, Linh mục và Phó tế, Phong chức Linh mục, No. 163.
(223) x. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Pastores Dabo Vobis (25 March 1992), 19-33; 70-81: AAS 84 (1992), 686-712; 778-800.
(224) x. Bản đề nghị 38.
(225) x. Bản đề nghị 39. x. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Vita Consecrata (25 March 1996), 95: AAS 88 (1996), 470-471.
(226) Giáo Luật, can. 663 § 1.
(227) x. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Vita Consecrata (25 March 1996), 34: AAS 88 (1996), 407-408.
(228) Thông Điệp Veritatis Splendor (6 August 1993), 107: AAS 85 (1993), 1216-1217.
(229) ĐGH Bênêđictô XVI, Thông Điệp Deus Caritas Est (25 December 2005), 14: AAS 98 (2006), 229.
(230) x. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông Điệp Evangelium Vitae (25 March 1995): AAS 87 (1995), 401-522; ĐGH Bênêđictô XVI, Diễn Văn cho Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Sự Sống (27 February 2006): AAS 98 (2006), 264-265.
(231) x. Bộ Giáo Lí Đức Tin, Doctrinal Note on Some Questions Regarding the Participation of Catholics in Political Life (24 November 2002): AAS 96 (2004), 359-370.
(232) x. Bản đề nghị 46.
(233) AAS 97 (2005), 711.
(234) x. Bản đề nghị 42.
(235) x. Mart. Polycarp., XV, 1: PG 5, 1039, 1042.
(236) Thánh Ignatiô thành Antiokia, Ad. Rom., IV, 1: PG 5, 690.
(237) x. Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lí về Giáo Hội Lumen Gentium, 42.
(238) x. Bản đề nghị 42; Bộ Giáo Lí Đức Tin, Declaration on the Unicity and Salvific Universality of Jesus Christ and the Church Dominus Iesus (6 August 2000), 13- 15: AAS 92 (2000), 754-755.
(239) x. Bản đề nghị 42.
(240) ĐGH Bênêđictô XVI, Thông Điệp Deus Caritas Est (25 December 2005), 18: AAS 98 (2006), 232.
(241) Ibid., 14.
(242) During the Synod sessions we heard very moving and significant testimonies about the effectiveness of the Eucharist in peacemaking. In this regard, Propositio 49 states that: "Thanks to eucharistic celebrations, peoples engaged in conflict have been able to gather around the word of God, hear his prophetic message of reconciliation through gratuitous forgiveness, and receive the grace of conversion which allows them to share in the same bread and cup."
(243) x. Bản đề nghị 48.
(244) ĐGH Bênêđictô XVI, Thông Điệp Deus Caritas Est (25 December 2005), 28: AAS 98 (2006), 239.
(245) x. Bản đề nghị 48.
(246) ĐGH Bênêđictô XVI, Diễn văn đọc trước Ngoại Giao Đoàn cạnh Toà Thánh (9 January 2006): AAS 98 (2006), 127.
(247) Ibid.
(248) x. Bản đề nghị 48. Trong vấn đề này, x. Sách Toát Yếu Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội.
(249) x. Bản đề nghị 43.
(250) x. Bản đề nghị 47.
(251) x. Bản đề nghị 17.
(252) Martyrium Saturnini, Dativi et aliorum plurimorum, 7, 9, 10: PL 8, 707, 709-710.
(253) x. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia (17 April 2003), 53: AAS 95 (2003), 469.
(254) Kinh Nguyện Thánh Thể I (Roman Canon).
(255) x. Bản đề nghị 50.
(256) x. ĐGH Bênêđictô XVI, Bài giảng (8 December 2005): AAS 98 (2006), 15.