Thư của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô gửi tới các Tu Sĩ nhân dịp Năm Về Đời Sống Thánh Hiến

Anh chị em sống đời Thánh Hiến thân mến,

Cha viết thư này để gửi đến anh chị em với tứ cách là người kế vị Thánh Phê-rô Tông Đồ, tức là người mà Chúa Giê-su đã ủy thác cho sứ vụ củng cố Đức Tin của anh em mình (xc. Lc 22, 32), và Cha viết thư này để gửi tới anh chị em với tư cách là một người anh em của anh chị em, tức cũng là người đã được Thánh Hiến cho Thiên Chúa giống như anh chị em.

Chúng ta hãy cùng tạ ơn Thiên Chúa Cha, Đấng đã kêu gọi chúng ta đi theo Chúa Giê-su để thực hiện một cách trọn vẹn Tin Mừng của Ngài, và trong sứ vụ của Giáo hội. Ngài đã đổ vào tâm hồn chúng ta Chúa Thánh Thần, Đấng ban tặng niềm vui cho chúng ta, và làm cho chúng ta trở nên chứng tá về Tình Yêu và lòng khoan hậu của Ngài trước toàn thể thế giới.

Nhân dịp mừng kỷ niệm 50 năm ngày công bố Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh Lumen gentium, mà chương 6 của văn kiện này đã được dành để nói về các Tu Sĩ, cũng như mừng kỷ niệm 50 năm ngày công bố Sắc Lệnh Perfectae caritas nói về việc canh tân đổi mới đời sống Dòng Tu, thể theo nguyện vọng của rất nhiều người trong anh chị em, cũng như nguyện vọng của Thánh Bộ Về Đời Sống Thánh Hiến Và Về Các Cộng Đoàn Đời Sống Tông Đồ, Cha đã quyết định công bố một Năm Về Đời Sống Thánh Hiến. Năm này sẽ khai mạc vào ngày 30 tháng 11 tới đây, tức ngày Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, và sẽ bế mạc vào ngày Đại Lễ Dâng Chúa Giê-su trong Đền Thờ, tức ngày mồng 02 tháng 02 năm 2016.

Theo sự đóng góp ý kiến của Thánh Bộ Phụ Trách Về Đời Sống Thánh Hiến Và Về Các Cộng Đoàn Đời Sống Tông Đồ, Cha đã xác định mục đích của năm nay chính là điều mà Đức Tân Hiển Thánh Gio-an Phao-lô II Giáo Hoàng đã đề nghị với Giáo hội nhân dịp bắt đầu ngàn năm thứ ba, và như thế, trong một cách thức nào đó, tái đón nhận điều mà Ngài đã khuyên nhủ trong Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục về Đời Sống Thánh Hiến Vita consecrata: „Anh chị em đừng chỉ nên nhớ tới một lịch sử tràn ngập ánh hào quang, và cũng đừng nên chỉ thuật lại về điều đó, nhưng anh chị em còn có một lịch sử to lớn để kiến tạo nên! Hãy nhìn về tương lai mà trong đó Chúa Thánh Thần đặt anh chị em vào, để hoàn tất những điều còn lớn lao hơn, thông qua anh chị em“ (số 110).

I.MỤC ĐÍCH CỦA NĂM VỀ ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

1.Mục đích đầu tiên là, nhìn về quá khứ với lòng biết ơn. Bất cứ một Cộng Đoàn Dòng Tu nào của chúng ta cũng đến từ một lịch sử với sự phong phú của các Đoàn Sủng. Hành động của Thiên Chúa đã hiện diện ngay từ nguồn cội của nó. Trong Thần Khí của Ngài, Thiên Chúa đã mời gọi một số người đi theo Chúa Ki-tô một cách khắng khít hơn, hầu chuyển dịch Tin Mừng vào trong một hình thức đặc biệt của cuộc sống, để đọc ra những dấu chỉ của thời đại bằng cặp mắt Đức Tin, cũng như đáp lại những nhu cầu của Giáo hội với tinh thần sáng tạo. Sau đó kinh nghiệm đầu tiên đã lớn lên, và đã phát triển thông qua mối liên hệ của những thành viên khác trong những bối cảnh thuộc địa lý và văn hóa. Như vậy, những phương cách mới nhằm hiện thực hoác đặc sủng riêng, sẽ nảy sinh, cũng như sẽ hiện thực hóa các sáng kiến và những hình thức diễn tả Tình Yêu tông đồ. Điều đó giống như một hạt giống, nó sẽ mọc lên thành một cây lớn và vươn rộng tán của nó ra.

Sẽ là điều thích hợp đối với năm nay nếu bất cứ Gia Đình Đoàn Sủng nào cũng đều nhớ lại những điểm khởi đầu cũng như sự phát triển thuộc về lịch sử của mình, hầu tạ ơn Thiên Chúa, Đấng đã ban tặng cho Giáo hội biết bao là hồng ân mà chúng làm cho Giáo hội được nên đẹp đẽ, cũng như trang bị cho Giáo hội bất cứ mọi hình thức công việc tốt đẹp nào (xc. LG 12).

Việc kể lại lịch sử riêng là điều cần thiết để bảo vệ căn tính một cách sống động, cũng như để củng cố sự hiệp nhất gia đình và sự gắn bó với các thành viên trong gia đình. Không phải để thực hiện một khoa khảo cổ học hay để duy trì những nỗi luyến tiếc quá khứ một cách vô ích, nhưng để đi trên con đường của các thế hệ đã qua, để nhận ra những tia sáng, những nỗ lực cao vời, những kế hoạch và những giá trị được truyền cảm hứng trên con đường đó; nhận ra những giá trị mà chúng đã thúc đẩy các thế hệ đi trước, được bắt đầu từ các Đấng nam nữ sáng lập viên cũng như các cộng đoàn tiên khởi. Đó cũng là một cách thế để tự ý thức về việc các Đoàn Sủng đã được sống thế nào trong suốt quá trình lịch sử, sáng kiến nào đã giải phóng nó, những khó khăn nào nó đã phải đối diện, và những khó khăn ấy được vượt qua như thế nào. Người ta sẽ có thể phát hiện ra những điều mâu thuẫn, hoa trái của những yếu đuối con người, và đôi khi, có lẽ cũng còn là sự quên đi mất những khía cạnh căn bản của đặc sủng riêng. Tất cả đều có tác dụng và đồng thời đều trở nên một sự gọi mời để trở về. Thuật lại lịch sử riêng có nghĩa là ca ngợi Thiên Chúa, tạ ơn Ngài về tất cả những ơn lành của Ngài.

Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa một cách đặc biệt về 50 năm vừa qua, tức 50 năm kể từ khi kết thúc Công Đồng Vatican II, mà Công Đồng này có ý nghĩa như là một „cơn gió mạnh“ của Chúa Thánh Thần đối với toàn thể Giáo hội. Nhờ Công Đồng, đời sống Thánh Hiến đã quay trở về lại với con đường của sự canh tân đầy phong phú, mà con đường ấy, với cả mặt sáng cũng như mặt tối của nó, chính là thời gian của ân sủng, được ghi dấu ấn bởi sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.

Ước chi năm về Đời Sống Thánh Hiến cũng là một cơ hội để thừa nhận sự mỏng giòn của riêng mình, trong sự khiêm nhượng, và đồng thời, với niềm tín thác lớn lao vào Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu (xc. 1 Ga 4, 8), và để sống sự mỏng giòn đó như là một kinh nghiệm về Tình Yêu nhân hậu của Thiên Chúa; một cơ hội để nói to lên với một giọng mạnh mẽ, cũng như để làm chứng với trọn niềm vui cho thế giới biết, sự thánh thiện và sự năng động nào đang tồn tại nơi hầu hết những con người được kêu gọi để đi theo Chúa Ki-tô trong đời sống Thánh Hiến.

2.Ngoài ra, năm này cũng thúc đẩy chúng ta sống trong hiện tại với niềm say mê. Sự tưởng nhớ đầy biết ơn về quá khứ sẽ thôi thúc chúng ta hiện thức hóa một cách ngày càng sâu sắc hơn những khía cạnh nền tảng của Đời Sống Thánh Hiến chúng ta, trong sự ân cần lắng nghe trước điều mà Chúa Thánh Thần nói với Giáo hội trong thời đại hôm nay.

Kể từ chế độ Đan Tu đầu tiên cho tới các „Cộng Đoàn Dòng Tu mới“ trong thời đại hôm nay, bất cứ hình thức nào của Đời Sống Thánh Hiến cũng đều phát sinh từ tiếng gọi của Chúa Thánh Thần để đi theo Chúa Ki-tô, như đã được dậy trong Tin Mừng (xc. Perfectae caritatis, 2). Đối với các nam nữ sáng lập viên, Tin Mừng chính là quy luật tuyệt đối, bất cứ một quy luật nào khác cũng chỉ cốt nhắm trở thành một sự diễn tả của Tin Mừng, và là một phương tiện trợ lực để sống Tin Mừng trong sự tròn đầy. Lý tưởng của họ chính là Chúa Ki-tô, liên kết hoàn toàn với Ngài cho tới mức độ có thể nói được như Thánh Phao-lô rằng: „Đối với tôi, sống là Chúa Ki-tô và chết là một mối lợi“ (Phil 1, 21); những lời Khấn Dòng chỉ có một ý nghĩa duy nhất là hiện thực hóa Tình Yêu mãnh liệt này của họ.

Những câu hỏi mà chúng ta được kêu gọi để tự đặt ra cho mình trong năm này, chính là những câu hỏi sau: Liệu chúng ta có để cho mình được thẩm tra bởi Tin Mừng hay không? Chúng ta để cho Tin Mừng thẩm tra chúng ta như thế nào? Liệu Tin Mừng có thực sự là kim chỉ nam cho cuộc sống hằng ngày và cho những quyết định mà chúng ta phải đưa ra hay không? Đó là một sự đòi hỏi cao và được chờ đợi để được sống với tính triệt để và với sự chân thành. Sẽ không đủ nếu chỉ đọc Tin Mừng (dẫu rằng việc đọc và nghiên cứu là hết sức quan trọng); cũng sẽ không đủ nếu chỉ suy niệm Tin Mừng (và chúng ta thực hiện điều đó với niềm vui mỗi ngày). Chúa Giê-su đòi hỏi chúng ta phải hiện thực hóa nó, phải sống những Lời của Ngài.

Chúa Giê-su có thực sự là mối tình trước tiên và duy nhất không? – Chúng ta phải tiếp tục tự hỏi. Chúng ta đã thể hiện mối tình đó thế nào khi chúng ta thực hiện lời tuyên khấn của chúng ta? Chỉ khi Chúa Giê-su là mối tình duy nhất và trên hết của chúng ta, chúng ta mới được phép, cũng như mới phải yêu thương bất cứ con người nào mà họ gặp gỡ chúng ta trên con đường của chúng ta, trong chân lý và trong sự khoan hậu, bởi chúng ta đã học từ Ngài để biết được cái gì là Tình Yêu, và người ta phải yêu thương thế nào: Chúng ta sẽ hiểu để yêu, vì chúng ta có con tim riêng của Ngài.

Các Đấng sáng lập viên nam nữ của chúng ta đã cảm nhận được lòng trắc ẩn trong chính mình, mà bởi nó Chúa Giê-su đã được gây xúc động khi Ngài nhìn thấy những đoàn người giống như những con chiên tản mác không người chăn dắt. Như Chúa Giê-su, được thúc đẩy bởi lòng trắc ẩn ấy, đã ban tặng Lời của Ngài, đã chữa lành các bệnh nhân, đã ban lương thực nuôi dưỡng, đã hy sinh mạng sống riêng của Ngài như thế nào, thì các Đấng sáng lập viên cũng đã đi vào trong sự phục vụ như thế đối với những con người mà Chúa Thánh Thần gửi các Ngài đến với họ, và thực ra, bằng nhiều cách thế khác nhau: Thông qua lời nguyện giúp cầu thay, thông qua việc loan báo Tin Mừng, qua việc dậy Giáo Lý, qua việc dậy dỗ, qua sự phục vụ những người nghèo cũng như các bệnh nhân… Khả năng biến hóa của Tình Yêu đã không hề biết tới những giới hạn nào, cũng như đã hiểu để mở ra vô số những con đường, hầu mang nhịp thở của Tin Mừng vào trong các nền văn hóa cũng như vào trong những lãnh vực xã hội khác nhau.

Năm về Đời Sống Thánh Hiến sẽ tra vấn chúng ta về niềm tín trung với sứ mạng mà chúng ta đã được ủy thác. Sự phục vụ của chúng ta, những công việc của chúng ta và sự hiện diện của chúng ta có tương ứng với điều mà Chúa Thánh Thần đã đòi hỏi từ các Đấng sáng lập viên của chúng ta hay không; chúng có còn thích hợp để theo đuổi mục tiêu của Chúa Thánh Thần trong xã hội và trong Giáo hội ngày nay nữa không? Phải chăng đang có một cái gì đó mà chúng ta cần phải thay đổi? Liệu chúng ta có thủ đắc một niềm say mê như nhau đối với những con người mà chúng ta đang ở rất gần họ hay không? Chúng ta có gần gũi họ đến độ chia sẽ niềm vui và nỗi buồn của họ không? Chúng ta có thực sự hiểu về những nhu cầu của họ cũng như có thể thực hiện sự dấn thân của chúng ta hầu cảm thông với với những điều đó không? Đức Gio-an Phao-lô II đã đòi hỏi phải có „tấm lòng đại lượng và sự sẵn sàng hy sinh ngang nhau, mà bởi đó các Đấng sáng lập viên đã được thôi thúc“. Những điều đó cũng nên thôi thúc anh chị em, hỡi những người con trai và con gái tinh thần của các vị sáng lập viên, để tiếp nhận các Đoàn Sủng một cách sống động. Với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Đấng đã khơi chúng lên, các Đoàn Sủng đó sẽ phát triển và tự thích ứng mà không hề có chuyện đánh mất đi những đặc tính nguyên thủy của chúng, hầu đặt mình vào trong sự phục vụ Giáo hội và dẫn đưa việc kiến tạo Triều Đại Thiên Chúa tới sự thành toàn (xc. Tông Huấn Los caminos del Evangelio gửi tới các Tu Sĩ tại vùng Mỹ Châu La-tinh, nhân dịp mừng kỷ niệm 500 năm Ngày Loan Báo Tin Mừng Cho Tân Thế Giới, ngày 29.06.1990, số 26).

Trong khi suy tư về nguồn cội, một phần của dự án về đời sống Thánh Hiến sẽ được làm sáng tỏ. Các Đấng nam nữ sáng lập viên đã bị lôi cuốn bởi sự hiệp nhất của nhóm Mười Hai, tức các Tông Đồ đã sống bao quanh Chúa Giê-su, bởi sự hiệp thông mà nó đã làm cho Cộng Đoàn nguyên thủy Giê-ru-sa-lem được nổi bật lên. Khi các Ngài thành lập Cộng Đoàn riêng của mình, mỗi vị đều muốn phỏng theo mô hình Tin Mừng: trở nên một lòng một dạ và hân hoan vui sướng trước sự hiện diện của Thiên Chúa (xc. Perfectae caritatis, 15).

Sống hiện tại với niềm say mê có nghĩa là, trở thành „những chuyên viên về đời sống hiệp thông“, trở nên „những chứng nhân cũng như những kiến trúc sư đối với sự hiệp thông, trong ý nghĩa thuộc về bất cứ kế hoạch nào của Thiên Chúa (…), đó là tột đỉnh của lịch sử nhân loại“ (Thánh Bộ Dòng Tu và Giáo Sĩ, Đời sống Dòng Tu và sự khích lệ con người, ngày 12 tháng 08 năm 1980, số 24 – xc. báo: L’Osservatore Romano, Suppl. 12. Nov. 1980, S. I-VIII). Trong một Cộng Đoàn mà có sự tranh luận, có sự chung sống khó khăn giữa các nền văn hóa khác nhau, có sự lạm dụng quyền bính trên những người yếu đuối nhất, và có những điều bất bình đẳng, thì tất cả chúng ta đều được kêu gọi hãy giới thiệu một mẫu gương rõ ràng và thực tế về Cộng Đoàn, mà qua mẫu gương đó, có thể sống các mối tương quan huynh đệ thông qua việc nhìn nhận phẩm giá của mỗi người, và qua việc nhìn nhận đặc tính chung của ân sủng mà mỗi người mang đến.

Như vậy, anh chị em hãy trở nên những người nam và những người nữ của sự hiệp thông, hãy can đảm để hiện diện tại những nơi có những sự bất hòa và những điều căng thẳng, và hãy trở nên một chỉ dấu đáng tin cậy về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Đấng gợi lên niềm say mê nơi các tâm hồn, để tất cả nên một (xc. Ga 17, 21). Hãy sống mầu nhiệm của sự gặp gỡ: đó là „khả năng lắng nghe, lắng nghe những người khác; khả năng (…) tìm kiếm con đường chung và cách thức chung“ (ĐTC Phan-xi-cô, Diễn Văn trước các vị hiệu trưởng và các học sinh của các trường học và các Chủng Viện trực thuộc Tòa Thánh tại Rô-ma, ngày 12 tháng 05 năm 2014). Và trong lãnh vực này, anh chị em hãy để cho mình được chiếu sáng bởi mối qua hệ Tình Yêu giữa các Ngôi Vị của Thiên Chúa Ba Ngôi (xc. Ga 4, 8), như là mẫu gương đối với tất cả mọi mối tương quan giữa con người với nhau.

3.Chụp lấy tương lai tràn trề hy vọng, đó chính là mục tiêu thứ ba của năm nay. Những khó khăn mà Đời Sống Thánh Hiến phải đối diện trong rất nhiều những hình thức khác nhau của chúng, không hề xa lạ đối với chúng ta: sự sút giảm các ơn gọi và sự già cỗi, đặc biệt là trong thế giới Tây phương, những vấn đề tài chánh do cuộc khủng hoảng tài chánh thế giới nặng nề, những thách đố của việc quốc tế hóa cũng như hoàn cầu hóa, mối nguy hiểm thầm kín của chủ nghĩa tương đối, việc loại trừ mang tính xã hội và sự coi thường tất cả… Ngay trong những mối bất an ấy mà chúng ta chia sẻ với nhiều người cùng thời với chúng ta, niềm hy vọng của chúng ta sẽ được hiện thực hóa, đó chính là hoa trái của Đức Tin vào Thiên Chúa, Đấng là Chúa của lịch sử, Đấng vẫn không ngừng tái lập đi lập lại lời động viên và dỗ dành chúng ta: „Đừng sợ (…) vì ta ở với ngươi“ (Gr 1,8).

Niềm hy vọng mà chúng ta đang nói tới, không đặt nền móng trên những con số hay những công trình, nhưng trên chính Đấng mà chúng ta đã đặt niềm hy vọng của chúng ta lên (xc. 2 Tim 1,12), Ngài là Đấng „không có điều chi là không thể“ (Lc 1,37). Đó là niềm hy vọng, nó sẽ không bao giờ gây thất vọng, và sẽ cho phép Đời Sống Thánh Hiến tiếp tục viết nên một lịch sử có tầm quan trọng trong tương lai. Chúng ta phải hướng cái nhìn của mình về tương lai, trong niềm ý thức được rằng, Chúa Thánh Thần sẽ thúc chúng ta đi lên trên đó, ngõ hầu cùng với chúng ta, Ngài sẽ tiếp tục hoàn thành những điều lớn lao.

Anh chị em đừng chạy theo cơn cám dỗ về những con số cũng như về hiệu suất, và càng không nên tin cậy vào những năng lực riêng. Hãy khám phá những chân trời mới nơi cuộc sống của anh chị em cũng như nơi khoảnh khắc hiện tại trong sự cảnh giác cẩn mật. Cùng với Đức Bê-nê-đíc-tô XVI, Cha xin lập lại cùng anh chị em: „Anh chị em đừng can dự vào việc tiên báo các thảm họa mà chúng công bố về ngày tận cùng hay về sự vô nghĩa của Đời Sống Thánh Hiến trong Giáo hội thuộc thời đại chúng ta; hơn nữa, anh chị em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và hãy cầm lấy vũ khí của ánh sáng, như Thánh Phao-lô đã nhắc nhớ“ (Bài giảng trong Đại Lễ Chúa Giê-su Dâng Mình vào Đền Thờ, ngày mồng 02 tháng 02 năm 2013). Chúng ta hãy tiếp tục con đường của mình và không ngừng tái khởi đầu con đường ấy trong niềm tín thác vào Thiên Chúa.

Đặc biệt, Cha xin hướng về những người trẻ trong anh chị em. Anh chị em chính là sự hiện tại, vì anh chị em đã đã sống sẵn tính hiện tại ở giữa các Cộng Đoàn Dòng Tu của anh chị em rồi, và đang thực hiện một sự đóng góp có tính quyết định với sự tươi mới cũng như với sự rộng lượng nơi quyết định của mình. Đồng thời, anh chị em cũng là tương lai cho các Cộng Đoàn của anh chị em, ngay sau khi anh chị em được kêu gọi để tiếp nhận sự chi phối về đời sống tinh thần, về sự giáo dục và đào tạo, về sứ vụ và về việc được sai đi. Trong năm nay, anh chị em sẽ trở nên những nhân vật chủ chốt trong cuộc đối thoại với thế hệ đã đi trước anh chị em. Trong mối tương quan huynh đệ, anh chị em có thể làm phong phú hóa cho mình từ kinh nghiệm và sự khôn ngoan của thế hệ đi trước, và đồng thời anh chị em có thể tái khám phá ra linh đạo của họ, mà từ linh đạo ấy, ngay từ lúc bắt đầu của mình, họ đã được làm phấn khích, và có thể đem lại niềm hăng hái cũng như sự tươi mới cho niềm say mê của anh chị em, đến độ anh chị em sẽ cùng có được những cách thức mới để sống Tin Mừng, và luôn luôn có được những câu trả lời thích đáng trước những đòi hỏi của việc làm chứng cũng như của việc loan báo Tin Mừng.

Cha rất lấy làm vui mừng khi Cha biết được rằng, anh chị em sẽ có được những cơ hội để quy tụ lại với nhau, đó là sự quy tụ giữa những người trẻ, mà họ là những người anh chị em thuộc các Dòng Tu khác nhau. Ước gì cuộc gặp gỡ ấy sẽ trở nên một con đường thông thường của sự cộng tác, của sự hỗ trợ lẫn nhau và của sự hiệp nhất.

II.NHỮNG CHỜ ĐỢI ĐỐI VỚI NĂM VỀ ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

Cha mong đợi điều gì một cách đặc biệt từ Năm Về Đời Sống Thánh Hiến ân sủng này?

1.Điều Cha đã từng nói ít nhất một lần vẫn luôn có giá trị: „Nơi đâu có Tu Sĩ, nơi đó có niềm vui“. Chúng ta được kêu gọi để có được kinh nghiệm và để chỉ ra rằng, Thiên Chúa có khả năng lấp đầy con tim chúng ta và làm cho chúng ta đuợc hạnh phúc; và cũng chỉ ra rằng, không hề có chuyện chúng ta cần phải tìm kiếm niềm hạnh phúc của mình từ bất cứ một nơi nào khác; tình huynh đệ đích thực mà chúng ta sống trong các Cộng Đoàn của chúng ta, sẽ nuôi dưỡng niềm vui của chúng ta; sự dấn thân hoàn toàn của chúng ta trong sứ vụ của Giáo hội đối với các gia đình, đối với giới trẻ, đối với những cụ già, những người nghèo, sẽ hiện thực hóa chúng ta với tư cách là con người, và sẽ lấp đầy cuộc sống chúng ta.

Người ta sẽ không nhìn thấy ở nơi chúng ta những khuôn mặt rầu rĩ; sẽ không có những con người bất mãn và không hài lòng, „vì một cuộc đi theo buồn rầu chính là một đám tang“. Giống như rất nhiều người, chúng ta cũng phải trải qua những khó khăn, những đêm tối thiêng liêng, những thất vọng, những bệnh tật, sự đánh mất sức lực vì tuổi cao. Chúng ta nên thấy được „niềm vui tròn đầy“ của chúng ta ngay trong những điều đó: Hãy học để nhận ra dung nhan của Chúa Ki-tô, Đấng đã trở thành một người trong chúng ta, giống như chúng ta mọi đàng, và do đó, cảm nhận đuợc niềm vui, để hiểu rõ như Ngài, Đấng đã không khước từ việc chết trên Thánh Giá vì Tình Yêu đối với chúng ta.

Trong một xã hội mà nó phô trương sự tôn thờ đối với hiệu suất, đối với sự nhận thức về sức khỏe một cách quá mức, đối với sự thành công, trong lúc đó nó lại loại trừ những người nghèo và xua đuổi „những người thất bại“, thì chúng ta cũng vẫn có thể làm chứng cho Chân Lý của Lời Chúa bằng cuộc sống của chúng ta: „Khi tôi yếu đuối, chính là lúc tôi mạnh mẽ“ (2 cor 12,10).

Chúng ta có thể vận dụng tốt cho Đời Sống Thánh Hiến, điều mà Cha đã viết trong Thông Điệp Evangelii gaudium với sự trích dẫn từ một bài giảng của Đức Bê-nê-đíc-tô XVI: „Giáo hội phát triển không nhờ vào việc lôi kéo người khác theo đạo, nhưng nhờ vào sức hấp dẫn“ (số 14). Vâng, Đời Sống Thánh Hiến không có được sự tăng trưởng khi chúng ta tổ chức những chiến dịch thu hút ơn gọi một cách hoành tráng, nhưng là khi những người trẻ, mà họ gặp gỡ chúng ta, họ cảm thấy mình được lôi cuốn từ phía chúng ta, khi họ nhìn thấy chúng ta như là những người nam và những người nữ hạnh phúc! Cũng vậy, việc hoạt động tông đồ của Đời Sống Thánh Hiến không phụ thuộc vào hiệu suất và sức mạnh của các phương tiện mà nó sử dụng. Phải nói được rằng, cuộc sống của anh chị em chính là một cuộc sống mà nó diễn tả niềm vui và vẻ đẹp trong việc sống Tin Mừng cũng như trong việc đi theo Chúa Ki-tô.

Cha cũng nói với anh chị em về điều mà Cha đã từng nói với các phong trào của Giáo hội trong đêm canh thức mừng Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống vừa qua: „Giá trị của Giáo hội, nói chung, nằm ở chỗ sống Tin Mừng và trao đi chứng tá cho Đức Tin của chúng ta. Giáo hội là muối cho đất, là ánh sáng cho thế gian, Giáo hội được kêu gọi để rắc gieo men của Triều Đại Thiên Chúa trong xã hội, và Giáo hội thực hiện công việc đó, trước tiên là bằng chứng tá của mình, chứng tá của Đức Ái huynh đệ, của tình liên đới và của sự sẻ chia“ (ngày 18 tháng 05 năm 2014).

2.Cha mong chờ rằng, anh chị em „sẽ đánh thức thế giới“, vì nét đặc trưng mà đời sống Thánh Hiến thể hiện, chính là tính Ngôn Sứ. Như Cha đã từng nói với các Bề Trên của các Dòng Tu, „tính cấp tiến chiếu theo Tin Mừng không chỉ thuộc về các Tu Sĩ, nhưng nó còn được đòi hỏi từ tất cả. Tuy nhiên, người Tu Sĩ đi theo Chúa Ki-tô trong một cách thế đặc biệt, trong cách thức mang tính Ngôn Sứ“. Đó là quyền ưu tiên mà giờ đây nó đang được đòi hỏi: „Trở thành những Sứ Ngôn, trao đi chứng tá, như Chúa Giê-su đã sống trên trái đất này. … Không bao giờ một thành viên của một Dòng Tu lại được phép khước từ tính Ngôn Sứ“ (ngày 29 tháng 11 năm 2013).

Vị Ngôn Sứ nhận lãnh từ Thiên Chúa khả năng nhằm quan sát lịch sử mà ông sống trong đó, và rồi giải thích các biến cố: Ông giống như một người trực canh, tức người thức trong đêm và biết khi nào ngày mai đến (xc. Is 21, 11-12). Ông nhận biết Thiên Chúa và ông cũng hiểu thấu con người, hiểu thấu những người anh em và những người chị em của ông. Ông có khả năng trong việc biện phân cũng như có khả năng tố cáo một cách công khai cái ác do tội lỗi gây ra, cũng như những điều bất công, vì ông tự do, vì ông không phải chịu trách nhiệm trước bất cứ một người chủ nào khác ngoài Thiên Chúa, ông không có những mối bận tâm nào khác ngoài Thiên Chúa. Vị Ngôn Sứ có thói quen đứng về phía những người nghèo và những người không được bảo vệ, vì ông biết rằng, chính Thiên Chúa cũng đứng về phía họ.

Như vậy, Cha không hề trù liệu cho mình rằng, anh chị em sẽ nhận được „những điều không tưởng“ nơi cuộc sống, nhưng Cha trông mong rằng, anh chị em sẽ hiểu, hầu tạo nên „những địa điểm khác“, nơi mà lô-gich của Tin Mừng sẽ được sống, lô-gich của sự dấn thân, của tình huynh đệ, của sự đón nhận trước những điều khác biệt, của Tình Yêu hỗ tương. Các Đan Viện, các Cộng Đoàn, các trung tâm thiêng liêng, các thành trì (Tức các cộng đồng của một phong trào thuộc Giáo hội), các trường học, các bệnh viện, các ngôi nhà dành cho việc đón nhận các gia đình, và tất cả những nơi mà chúng được phát sinh vì tình bác ái đối với tha nhân cũng như vì sáng kiến thuộc về Đoàn Sủng, và trong tương lai, sẽ phát sinh nhờ vào những sáng kiến khác, càng ngày càng phải trở nên bột men đối với một Cộng Đoàn mà nó lấy cảm hứng từ Tin Mừng, để nói về „thành phố được xây trên núi“, nơi diễn tả chân lý và sức mạnh của Lời Chúa Giê-su.

Như nơi Ngôn Sứ Ê-li-a và Ngôn Sứ Giô-na, đôi khi cơn cám dỗ đến xúi người ta bỏ trốn, hầu lẩn trách trách nhiệm của một vị Ngôn Sứ, vì trách nhiệm ấy đòi hỏi quá nhiều, vì người ta mệt mỏi, bị gây thất vọng bởi những biến cố. Nhưng vị Ngôn Sứ biết rằng, ông không bao giờ cô đơn. Như Thiên Chúa đã cam đoan với Ngôn Sứ Giê-rê-mi-a thế nào thì Ngài cũng đoan chắc với chúng ta thể ấy: „Đừng sợ hãi … vì ta ở với ngươi để cứu ngươi“ (Gr 1,8).

3.Các Nam Nữ Tu Sĩ cũng như tất cả mọi người được Thánh Hiến khác, tất cả đều được kêu gọi để trở nên „những chuyên viên của sự hiệp thông“. Do đó, Cha mong chờ rằng, „Linh Đạo Hiệp Thông“ mà Tân hiển Thánh Gio-an Phao-lô II Giáo Hoàng đã chỉ ra, sẽ trở thành thực tế, và Cha cũng mong đợi rằng, anh chị em sẽ đứng nơi tuyến đầu nhằm đối phó với „những thách đố to lớn“ mà chúng đang nằm trước chúng ta trong thiên niên kỷ mới này: „Để làm cho Giáo hội trở thành ngôi nhà và mái trường của sự hiệp thông“ (Thông Điệp Novo millennio ineunte, ngày mồng 06 tháng Giêng năm 2001, số 43). Cha tin chắc rằng, trong năm nay, anh chị em sẽ làm việc một cách nghiêm túc hầu cho lý tưởng về tình huynh đệ mà các Đấng nam nữ sáng lập viên đã theo đuổi, sẽ phát triển trên những bình diện khác nhau cũng như trong những vòng tròn tập trung.

Mối tương quan hiệp thông sẽ được ứng dụng trước hết trong các Cộng Đoàn tương ứng của các Dòng Tu. Trong mối liên hệ đến điều đó, Cha mời gọi anh chị em, hãy đọc các lời nhận xét thường xuyên của Cha về chủ đề này, trong đó, Cha không bao giờ cảm thấy mệt mỏi với việc lập đi lập lại rằng, việc nghiện phê phán, chuyện ba hoa chí chòe, lòng ghen tương, sự đố kỵ, những cuộc kình chống nhau, chính là những thái độ mà chúng phải bị khuất phục trước bất cứ một thứ gì trong các ngôi nhà của anh chị em. Nhưng bên dưới điều kiện tiên quyết ấy lại chính là con đường của Đức Ái đối với tha nhân, mà con đường đó đang mở ra trước mắt chúng ta có vẻ như không cùng, vì nó chính là điều đi tới với sự đón nhận lẫn nhau cũng như ân cần chăm sóc cho nhau, hầu thực hành tinh thần hiệp thông trước những kho tàng vật chất và tinh thần, thực hành việc sửa lỗi huynh đệ, thực hành sự kính trọng đối với những người yếu đuối nhất… Đó là „huyền nhiệm“ (…) mà nó nằm trong việc chung sống, cũng như thực hiện „một chuyến hành hương thánh thiện“ từ chính cuộc sống chúng ta (Thông Điệp Evangelii gaudium, ngày 24 tháng 11 năm 2013, số 87). Chúng ta cũng phải tự hỏi về mối tương quan giữa những con người thuộc các nền văn hóa khác nhau, với việc chú trọng tới thực tế rằng, các Cộng Đoàn của chúng ta sẽ càng ngày càng có tính quốc tế. Người ta có thể làm cho điều đó trở nên có thể như thế nào, đến độ mỗi người đều có thể bày tỏ quan điểm, mỗi người đều được đón nhận với những hồng ân đặc biệt của họ, mỗi người đều nhận được một sự đồng trách nhiệm một cách hoàn toàn?

Xa hơn, Cha chờ mong rằng, sự hiệp thông sẽ phát triển giữa các thành viên của những Hội Dòng khác nhau. Phải chăng năm nay không thể trở thành cơ hội để người ta can đảm hơn hầu vượt lên trên các ranh giới của Hội Dòng riêng, để rồi cùng thảo ra các dự án chung cho việc giáo dục, cho việc loan báo Tin Mừng và cho các hoạt động xã hội, cả trên bịnh diện địa phương lẫn trên bình diện toàn cầu? Bằng phương cách ấy, một chứng tá mang tính Ngôn Sứ thực sự có thể được trao đi một cách hữu hiệu hơn. Sự hiệp thông và sự gặp gỡ giữa các Đoàn Sủng cũng như giữa các ơn gọi khác nhau sẽ trở thành một con đường của niềm hy vọng. Không ai kiến tạo tương lai bằng cách tự cô lập, chỉ với những sức lực riêng, nhưng người ta kiến tạo tương lai bằng cách đồng nhất mình với chân lý của một Cộng Đoàn, mà Cộng Đoàn ấy luôn luôn mở chính mình ra cho sự gặp gỡ, cho sự đối thoại, cho sự lắng nghe, cho sự giúp đỡ lẫn nhau, và Cộng Đoàn ấy bảo vệ chúng ta trước chứng bệnh ích kỷ.

Đồng thời, Đời Sống Thánh Hiến cũng được kêu gọi để cố gắng đạt được một sự hiệp lực chân thành giữa tất cả các ơn gọi trong Giáo hội, được bắt đầu từ các Linh Mục và những người Giáo dân, hầu „củng cố linh đạo hiệp thông, trước hết là trong Cộng Đoàn riêng, và sau đó trong Cộng Đoàn Giáo hội, và vượt lên trên các ranh giới của các Cộng Đoàn ấy“ (Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Vita consecrata, ngày 25 tháng 03 năm 1996, số 51).

4.Tiếp đến, Cha mong chờ từ anh chị em, điều mà Cha thỉnh cầu với tất cả mọi thành viên của Giáo hội: Hãy đi ra khỏi chính mình, để đi đến với những vùng ngoại vi của cuộc sinh tồn. „Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ“ chính là câu nói cuối cùng mà Chúa Giê-su hướng đến các môn đệ của Ngài, và ngày hôm nay Ngài cũng vẫn còn hướng đến tất cả chúng ta (xc Mc 16, 15). Vì thế toàn thể nhân loại đang chờ đợi: Những con người đã đánh mất bất cứ niềm hy vọng nào; những gia đình đang trong cảnh cùng quẫn; những em bé đang bị bỏ mặc cho chính chúng; những người trẻ mà bất cứ tương lai nào của họ cũng đều bị gây tắc nghẽn; các bệnh nhân và những người già bị bỏ rơi; những người giầu có thừa bứa về vật chất, nhưng lại có sự trống rỗng trong tâm hồn; những người nam và những người nữ đang kiếm tìm ý nghĩa của cuộc sống, đang đói khát những điều thuộc về Thiên Chúa v.v.

Anh chị em đừng co rút lại trong chính mình, đừng để cho mình bị bám đuổi bởi những cuộc tranh tụng triền miên ở nhà, đừng trở thành tù binh cho những vấn đề của mình. Những điều ấy sẽ tự bung ra nếu như anh chị em dám ra khỏi chính mình để giúp đỡ những người khác, để giải quyết những vấn đề của họ, và để công bố Tin Mừng cho họ. Anh chị em sẽ tìm thấy được sự sống nếu anh chị em dám trao hiến cuộc sống; anh chị em sẽ có được niềm hy vọng nếu anh chị em cho đi niềm hy vọng; anh chị em sẽ có Tình Yêu nếu anh chị em dám sống yêu thương.

Cha mong chờ từ anh chị em những hành động cụ thể, chẳng hạn như sự đón nhận những người tị nạn, sự gần gũi với những người nghèo, và sự sáng kiến trong khi dậy Giáo Lý, trong việc công bố Tin Mừng, trong việc giới thiệu đời sống cầu nguyện. Vì thế, Cha hy vọng về một sự giảm bớt đi những cấu trúc, về việc tái sử dụng những căn nhà lớn để nhắm tới những công việc mà chúng thích hợp hơn với những yêu cầu hiện tại của việc loan báo Tin Mừng, cũng như của Đức Ái đối với tha nhân, và sự thích ứng các công việc đối với những nhu cầu mới.

5.Cha mong chờ rằng, bất cứ một dạng thức nào của Đời Sống Thánh Hiến cũng sẽ đều tự hỏi, Thiên Chúa và nhân loại ngày nay đang đòi hỏi điều gì.

Các Đan Viện và các nhóm có khuynh hướng chiêm niệm có thể gặp gỡ nhau, hay có thể giữ mối liên lạc với nhau bằng những phương cách khác biệt, hầu trao đổi cho nhau những kinh nghiệm của mình liên quan đến đời sống cầu nguyện, chẳng hạn như người ta có thể phát triển cùng với toàn thể Giáo hội trong Cộng Đoàn như thế nào, người ta có thể giúp đỡ các Ki-tô hữu bị bách hại thế nào, và người ta có thể đón nhận và đồng hành với những con người mà họ đang thực hiện cuộc kiếm tìm một đời sống tinh thần có chiều sâu, hay đang cần tới một sự hỗ trợ về luân lý cũng như về vật chất, cũng như những điều tương tự như thế nào.

Các tổ chức Caritas cũng có thể thực hiện những công việc tương tự như thế. Và điều này cũng có hiệu lực đối với những tổ chức dấn thân cho việc giáo dục, cho việc thúc đẩy đời sống văn hóa; những tổ chức dấn thân cho việc loan báo Tin Mừng hay thực hiện các sứ mạng mục vụ đặc biệt; những tổ chức tại thế với sự hiện diện đa dạng của mình trong các cấu trúc xã hội. Sự biến hóa của Chúa Thánh Thần đã đem đến rất nhiều những dạng thức đời sống và công việc khác nhau, đến mức chúng ta không thể ghi chúng vào danh mục một cách dễ dàng, hay không thể phân loại chúng trong những khuôn mẫu đã có sẵn. Vì thế, đối với Cha, việc liên hệ đến bất cứ hình thức riêng lẻ nào của những Đoàn Sủng, đó là điều không thể. Mặc dù thế, trong năm nay, đừng ai nên tránh né trước một cuộc thẩm tra về sự hiện diện của mình trong đời sống Giáo hội, cũng như về cách thức của mình trong việc trả lời cho những vấn nạn thường xuyên và mới mẻ mà chúng đang trội lên xung quanh chúng ta.

Chỉ trong mối quan tâm chu đáo tới những nhu cầu của thế giới, và sự lắng nghe ngoan ngùy trước những yêu cầu của Chúa Thánh Thần, thì năm về Đời Sống Thánh Hiến này mới trở thành một kairós (thời cơ thuận lợi) thực sự, mới trở nên thời gian của Thiên Chúa, mới trở nên dồi dào về ân sủng và sự biến đổi.

III.NHỮNG ĐƯỜNG CHÂN TRỜI CỦA NĂM VỀ ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

1.Với bức thư này của Cha, Cha hướng về những người được Thánh Hiến, hướng về các Giáo dân mà họ đang chia sẻ với những người sống đời Thánh Hiến về ý tưởng, tinh thần và sứ mạng. Trong mối liên hệ này, một số Cộng Đoàn Dòng Tu đang có một truyền thống cổ kính, trong khi một số khác lại có một kinh nghiệm trẻ trung. Trong thực tế, chung quanh bất cứ Gia Đình Dòng Tu nào cũng như chung quanh bất cứ Cộng Đoàn Đời Sống Tông Đồ nào đi nữa, và ngay cả chung quanh các Tổ Chức Tại Thế, cũng đều có một gia đình lớn hơn, tức „Gia Đình Đoàn Sủng“. Điều này bao gồm rất nhiều các Dòng Tu có những Đoàn Sủng giống nhau, và trước hết là các Ki-tô hữu Giáo dân, họ cảm thấy được kêu gọi hầu tham dự vào chính thực tại Đoàn Sủng ấy, ngay trong hoàn cảnh Giáo dân của họ.

Cha cũng khích lệ anh chị em, hỡi các anh chị em Giáo dân, hãy trải qua năm Về Đời Sống Thánh Hiến này như một ân sủng mà nó có thể dẫn đưa anh chị em tới việc ý thức hơn nữa về ân sủng mà anh chị em đã đón nhận. Anh chị em hãy cử hành năm này với toàn „gia đình“, để cùng phát triển và đáp lại tiếng gọi mời của Chúa Thánh Thần trong xã hội hôm nay. Trong một số những cơ hội, khi các thành viên của các Hội Dòng khác nhau, gặp gỡ nhau trong năm nay, sẽ được sắp xếp như sau: anh chị em cũng sẽ hiện diện với tư cách là sự biểu lộ một hồng ân của Thiên Chúa. Và như thế, anh chị em sẽ học biết về những kinh nghiệm của những Gia Đình Đoàn Sủng khác, cũng như của các nhóm Giáo dân khác, và anh chị em sẽ làm phong phú hóa lẫn cho nhau cũng như sẽ hỗ trợ nhau.

2.Năm về Đời Sống Thánh Hiến không chỉ liên quan tới những người được Thánh Hiến, nhưng còn liên quan tới toàn Giáo hội. Do đó, Cha hướng về toàn thể Dân Thiên Chúa để nói rằng, càng ngày sẽ càng được ý thức hơn về ân sủng mà nó hàm chứa trong sự hiện diện của nhiều nam nữ Tu Sĩ; họ chính là những người thừa kế của những vị Đại Thánh, mà chính những vị Đại Thánh ấy đã chi phối lịch sử Ki-tô giáo. Giáo hội sẽ trở thành cái gì nếu như không có Thánh Biển Đức và Thánh Ba-si-li-lô, không có Thánh Phan-xi-cô và Thánh Đa-minh, không có Thánh I-nha-xi-ô Loyola và Thánh Tê-rê-sa Avila, không có Thánh An-gê-la Merici và Thánh Vinh-sơn Phao-lô? Người ta có thể tiếp tục bảng liệt kê hầu như vô tận cho tới Thánh Gio-an Don Bosco, và Chân Phúc Tê-rê-sa Calcutta. Đức Chân Phúc Phao-lô VI Giáo Hoàng thật có lý khi nhấn mạnh rằng: „Không có những chỉ dấu cụ thể ấy, sẽ có mối nguy hiểm rằng, Tình Yêu mà Giáo hội đem lại sinh khí, sẽ trở nên lạnh nhạt; nghịch lý cứu độ của Tin Mừng sẽ bị vô hiệu hóa; „muối“ của Đức Tin sẽ bị biến dạng trong một thế giới mà nó càng ngày càng lâm vào sự thế tục hóa“ (Evangelica testificatio, 3).

Vì thế, Cha mời gọi tất cả các Cộng Đoàn Ki-tô hữu, hãy sống năm này, trước hết như là một sự tạ ơn đối với Thiên Chúa, và hãy nghĩ tới những hồng ân với sự biết ơn, mà những hồng ân đó chúng ta đã nhận được cũng như vẫn còn đang tiếp tục được đón nhận nhờ vào sự thánh thiện của các Đấng nam nữ sáng lập viên, cũng như nhờ vào lòng tính trung của rất nhiều các Tu Sĩ đối với Đoàn Sủng của họ. Cha mời gọi tất cả anh chị em hãy tập trung lại xung quanh những người được Thánh Hiến để cùng vui mừng với họ, chia sẽ với họ trước những điều khó khăn của họ, và trong phạm vi có thể, hãy cộng tác với họ nhằm kéo dài hơn nữa sứ vụ cũng như công việc của họ, mà nói cho cùng ra, những điều đó thuộc về toàn thể Giáo hội. Hãy làm cho họ cảm nghiệm được Tình Yêu và sự chân thành của toàn thể dân Ki-tô giáo.

Cha ngợi khen Thiên Chúa về cuộc hội ngộ hạnh phúc của Năm Về Đời Sống Thánh Hiến Này với Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới Về Gia Đình. Đời sống gia đình và Đời Sống Thánh Hiến chính là những ơn gọi mà chúng mang đến sự phong phú và ân sủng cho tất cả mọi người, là những không gian của việc nhân bản hóa trong sự kiến tạo nên các mối tương quan sống động, là những địa điểm dành cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Người ta có thể giúp đỡ lẫn nhau.

3. Với bức thư này của tôi, tôi cũng xin mạo hiểm để hướng về những người được Thánh Hiến cũng như các thành viên của các tổ chức huynh đệ và của các Cộng Đoàn, mà họ thuộc về các Giáo hội với những truyền thống có sự khác biệt với truyền thống Công Giáo. Đời sống Đan Tu là một di sản của Giáo hội không bị chia tách, đời sống này hiện vẫn còn đang rất sống động trong các Giáo hội Chính Thống lẫn trong Giáo hội Công giáo. Những sáng kiến tương ứng mà chúng phát sinh trong phạm vi của các Cộng Đoàn cải tổ của Giáo hội, mà sau đó nó đã phát sinh ra những cuộc cải tổ tiếp theo của những Cộng Đoàn Đời Sống Huynh Đệ ngay từ trong nội bộ của những Cộng Đoàn ấy, cũng hướng tới đời sống Đan Tu và hướng tới những kinh nghiệm khác về sau, mà chúng phát xuất trong thời kỳ Giáo hội Tây phương vẫn còn hiệp nhất.

Thánh Bộ Về Đời Sống Thánh Hiến Và Về Các Cộng Đoàn Đời Sống Tông Đồ đã lập kế hoạch cho những sáng kiến nhằm đưa đến những cuộc gặp gỡ của các thành viên mà họ thuộc về những cách thức thực hành Đời Sống Thánh Hiến và Huynh Đệ của những Giáo hội khác nhau. Tôi khuyến khích một cách mạnh mẽ những cuộc gặp gỡ ấy, để nhờ đó người ta có thể học biết cũng như học kính trọng nhau một cách tốt hơn, và qua đó sự cộng tác hỗ tương sẽ tăng lên, đến độ công cuộc Đại Kết của Đời Sống Thánh Hiến sẽ trở thành một sự trợ giúp phong phú đối với con đường mênh mông dẫn tới sự hiệp nhất giữa tất cả các Giáo hội.

4.Ngoài ra, chúng ta không được phép quên rằng, hiện tượng Đan Tu và các hình thức khác của Đời Sống Huynh Đệ Tôn Giáo đã có sẵn trong tất cả các tôn giáo lớn. Cũng không thiếu những kinh nghiệm về sự đối thoại mang tính liên Đan Tu giữa Giáo hội Công Giáo và với một số các Giáo hội thuộc các truyền thống tôn giáo lớn. Tôi ước mong rằng, Năm Về Đời Sống Thánh Hiến sẽ là cơ hội để đánh giá về con đường đã được tái mở ra, hầu tăng thêm sự nhậy bén cho những người được Thánh Hiến trên lãnh vực này, cũng như tự đặt ra câu hỏi, đâu là những bước tiếp theo để bắt đầu đối với một sự hiểu biết lẫn nhau ngày càng trở nên chắc chắn hơn, và đối với một sự cộng tác trong nhiều lãnh vực chung nhằm phục vụ cuộc sống con người.

Việc cùng đồng hành với nhau vẫn luôn là một sự phong phú hóa, và có thể mở ra những con đường mới dẫn tới các mối tương quan giữa các dân tộc và giữa các nền văn hóa  - đó là những mối tương quan mà có vẻ như  chúng đang bị chồng chất bởi rất nhiều những khó khăn trong thời đại này.

5.Sau cùng, với một cách thế đặc biệt, Cha xin hướng về những người anh em của Cha trong hàng Giám Mục. Ước chi năm nay sẽ trở thành một cơ hội để đón nhận Đời Sống Thánh Hiến với tất cả tấm lòng và niềm vui, như đón nhận một nguồn vốn tinh thần mà nó giới thiệu những phương tiện trợ giúp phong phú hầu đạt tới được điều tốt nhất cho toàn thân mình của Chúa Ki-tô, và không chỉ mang đến điều tốt nhất cho các Gia Đình Dòng Tu (xc. Lumen gentium, 43). „Đời Sống Thánh Hiến là một hồng ân dành cho Giáo hội, nó xuất hiện trong Giáo hội, phát triển trong Giáo hội và được định hướng về phía Giáo hội một cách hoàn toàn“ (TGM J.M Bergoglio, Đóng Góp cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về Đời Sống Thánh Hiến và sứ mạng của đời sống này trong Giáo hội và trong thế giới, Phiên Họp Khoáng đại lần thứ 16, ngày 13 tháng 10 năm 1994). Do đó, với tính cách là hồng ân dành cho Giáo hội, Đời Sống Thánh Hiến không phải là hiện tượng phụ bị tách ra, nhưng được liên kết với Giáo hội từ tận cõi thâm sâu. Đời Sống Thánh Hiến đứng trong trung tâm điểm của chính Giáo hội như là một thành tố mang tính quyết định về sứ mạng của Giáo hội, tới mức độ nó là sự diễn tả về bản chất thâm sâu nhất của ơn gọi làm Ki-tô hữu, và là sự diễn tả nỗi khát khao của toàn Giáo hội với tư cách là Tân Nương mong được hiệp thông với Đức Lang Quân duy nhất của mình: Nó „thuộc về đời sống cũng như sự thánh thiện của Giáo hội một cách không gì có thể lay chuyển“ (Lumen gentium, 44).

Trong mối liên hệ này, Cha mời gọi các vị mục tử của các Giáo hội địa phương, hãy thúc đẩy các Đoàn Sủng khác nhau – cả những đoàn sủng mang tính lịch sử lẫn những đoàn sủng mới – trong các Cộng Đoàn của anh em, với một sự hăng hái đặc biệt; anh em hãy thực hiện bằng cách hỗ trợ và tạo cơ hội cho những Đoàn Sủng ấy, cũng như trợ giúp trong việc biện phân; bằng cách anh em chỉ ra sự gần gũi dịu hiền và đầy tình thương mến trong những trạng huống đau khổ và yếu đuối mà chính người được Thánh Hiến có thể đang lâm vào, và trước hết, qua việc loan báo Tin Mừng của mình, anh em hãy thực hiện bằng cách giải thích cho Dân Chúa biết về giá trị của Đời Sống Thánh Hiến, đến mức anh em để cho vẻ đẹp và sự thánh thiện của đời sống này được rực sáng lên trong Giáo hội.

Cha xin trao phó Năm Về Đời Sống Thánh Hiến này cho Đức Maria, Mẹ là người Trinh Nữ lắng nghe và chiêm nghiệm, là nữ môn đệ đầu tiên của người Con Chí Ái của Mẹ. Chúng ta hãy nhìn lên Mẹ, Nữ Tử dấu ái của Cha Trên Trời, Đấng đầy tràn ân sủng, như là mẫu gương không gì sánh tầy của những người đi theo Chúa trong Tình Yêu và trong sự phục vụ tha nhân.

Giờ đây, được liên kết với tất cả anh chị em trong niềm tạ ơn về những quà tặng ân sủng và ánh sáng, mà với chúng, Thiên Chúa sẽ làm cho chúng ta được trở nên phong phú, Cha xin đồng hành với tất cả anh chị em với phép lành Tông Tòa.

Vatican ngày 21 tháng 11 năm 2014, nhân dịp mừng kính Lễ Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh Dâng Mình Vào Đền Thờ

ĐTC Phan-xi-cô

Lm. Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội