HỌC HỎI

TÔNG THƯ MAXIMUM ILLUD

CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐÍCTÔ XV

 

Nhân Kỷ Niệm 100 Năm

Tông Thư Maximum Illud (30/11/1919 – 30/11/2019)

về việc truyền bá Đức Tin trên khắp thế giới

 

 

I – Ý nghĩa và tầm quan trọng của Tông Thư Maximum Illud

Nhân ngày lễ Khánh Nhật Truyền Giáo 2017, trong một lá thư gửi Hồng y Fernando Filoni, Tổng Trưởng Bộ Loan Báo Tin Mừng các Dân Tộc, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố một “Tháng Đặc Biệt Truyền Giáo” sẽ được cử hành vào tháng 10 năm 2019 để mừng Kỷ niệm 100 năm Tông thư Maximum Illud của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XV.

Đức Thánh Cha viết: “Ngày 30 tháng 11, 2019, chúng ta sẽ cử hành Kỷ niệm 100 năm Đức Thánh Cha Bênêđíctô XV công bố Tông Thư Maximum Illud, qua đó ngài muốn tạo một sức thúc đẩy mới cho công việc truyền giáo là loan báo Tin Mừng”. Vì vậy, Đức Phanxicô viết tiếp, “bằng lá thư này tôi yêu cầu cử hành một Tháng Đặc Biệt Truyền Giáo vào tháng Mười năm 2019, nhắm thúc đẩy việc gia tăng ý thức về missio ad gentes, (sứ mạng đến với muôn dân), và hăng say tiếp tục sự biến đổi truyền giáo trong đời sống và hoạt động mục vụ của Hội Thánh.”[1]

Việc long trọng Kỷ niệm 100 Năm Tông Thư Maximum Illud cho thấy ý nghĩa và ảnh hưởng to lớn của Tông Thư này đối với đời sống và đặc biệt đối với hoạt động truyền giáo của Hội Thánh cho tới tận thời đại chúng ta hôm nay. Vì thế Đức Phanxicô muốn “coi Tháng Đặc biệt Truyền giáo vào Tháng Mười năm 2019 là một sự chuẩn bị tốt cho việc cử hành này bằng cách làm cho mọi tín hữu quan tâm tới việc rao giảng Tin Mừng và giúp các cộng đoàn của họ gia tăng nhiệt tình truyền giáo và phúc âm hóa. Ước gì tình yêu đối với việc truyền giáo của Hội Thánh, cũng là một ‘niềm say mê Đức Giêsu và say mê dân của Người’[2] ngày càng lớn mạnh hơn!”[3]

II. Bối cảnh và Mục đích Tông Thư Maximum Illud (MI)

Năm 1919, thế giới vừa ra khỏi một cuộc chiến tàn khốc, bi thảm: Thế Chiến I (1914-1918). Ngay từ năm 1914, khi cuộc chiến mới chỉ bắt đầu, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XV đã mô tả nó là một “cảnh tượng quái dị”, và là “cái roi của cơn thịnh nộ của Thiên Chúa”. Khi cuộc chiến đang ở giai đoạn khốc liệt nhất, ngài mô tả nó là một “cuộc tàn sát vô ích”.[4] Sau khi Thế Chiến kết thúc, hòa bình được vãn hồi, cả thế giới tan hoang, đổ nát, đời sống con người trở nên thê thảm, cùng kiệt. Tình cảnh đau thương vật chất và tinh thần của loài người sau chiến tranh càng làm cho Vị Mục Tử đại diện Chúa Kitô đau buồn và thậm chí “choáng váng khi thấy rằng ngay bây giờ, trên thế giới vẫn còn những đám đông vô kể những con người đang ở trong chốn tối tăm và trong bóng tối sự chết.” (MI, số 6)

“Số phận đáng thương của vô số linh hồn này là nguồn gây đau buồn khôn tả cho Tôi. Từ những ngày đầu tiên lãnh nhận trọng trách tông tòa này, Tôi đã ước ao chia sẻ những ơn phúc cứu độ của Thiên Chúa với những con người bất hạnh này. Vì thế, Tôi hết sức vui mừng khi thấy rằng, dưới sự linh hứng của Thần Khí Thiên Chúa, các cố gắng cổ vũ và phát triển các công cuộc truyền giáo ở hải ngoại đã gia tăng về số lượng và cường độ tại nhiều nơi trên thế giới. Nhiệm vụ của Tôi là nâng đỡ và làm hết sức mình để khuyến khích các công cuộc này, và bổn phận này hoàn toàn trùng khớp với các ước muốn sâu xa nhất của chính Tôi.

“Khi viết thư này, Tôi nghĩ đến hai mục đích: khích lệ Chư Huynh, hàng linh mục của Chư Huynh và dân của Chư Huynh trong các cố gắng này, và thứ hai, vạch ra các phương pháp Chư Huynh có thể sử dụng để đẩy mạnh việc hoàn thành công cuộc vô cùng quan trọng này.” (MI, số 7)

 

III. Nội dung Tông Thư và các chủ đề chính

1. Mở đầu (số 1-7)

Đức Bênêđíctô XV mở đầu Tông Thư bằng huấn lệnh của Đức Giêsu sai các Tông Đồ đi rao giảng Tin Mừng: “Anh em hãy đi khắp thế gian loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16:15). Qua huấn lệnh này, Đức Giêsu đã uỷ thác cho các Tông Đồ một nhiệm vụ quan trọng và thánh thiện, và các Tông Đồ đã đi khắp nơi loan báo Lời Thiên Chúa, khiến cho “tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu, và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển” (Tv 18:5). Nhiệm vụ này đã không kết thúc với cái chết của các Tông Đồ, nhưng “từ đó trở đi, qua các thế kỷ, Hội Thánh chưa bao giờ quên lệnh truyền của Thiên Chúa, và chưa bao giờ ngưng sai đi đến khắp cùng thế giới các sứ giả loan truyền giáo lý Người đã ủy thác cho Hội Thánh” (MI, số 1).

Với những lời mở đầu này, Tông Huấn muốn chúng ta tập trung chú ý vào sứ mạng truyền giáo phổ quát của Hội Thánh: “Hãy đi khắp thế gian.” Đó là điều mà Hội Thánh đã làm trong ba thế kỷ đầu sau khi các Tông Đồ qua đời: trong thời kỳ mà Hội Thánh bị bách hại và “toàn thể nên văn minh tràn ngập máu người Kitô hữu, thì ở những vùng xa xôi ngoài biên cương Đế Quốc [Rôma], các sứ giả Tin Mừng vẫn đi đây đó loan báo tin vui của họ.” Và Đức Bênêđíctô XV đã nêu gương một số sứ giả Tin Mừng lỗi lạc, như Thánh Grêgôriô, biệt danh Người Chiếu Sáng, đã đem đức tin đến Ácmênia. Một vị khác là Victoriô, tông đồ của Styria [Nước Áo]. Vị thứ ba là Frumentiô, loan báo Tin Mừng cho Êtiôpia... (MI, số 2).

Trải qua các thời kỳ tiếp theo cho tới hôm nay, vô số vị Tông Đồ thánh thiện và nhiệt thành khác của Tin Mừng vẫn tiếp tục dấn thân để mở rộng các công cuộc truyền giáo, đem đức tin đến những vùng đất mới chưa từng được biết đến trước đó.

Đời sống dấn thân cho Tin Mừng của tất cả các vị ấy khiến chúng ta “không thể không cảm thấy bị ấn tượng sâu xa: bằng tất cả những nỗi vất vả đáng sợ mà các nhà truyền giáo của chúng ta đã trải qua để mở mang đức tin, sự sốt sắng tuyệt vời mà họ đã chứng tỏ, và vô vàn những gương sáng về sự dũng cảm chịu đựng mà họ đã cống hiến cho chúng ta” (MI số 3-6).

Tất cả là để thi hành lệnh truyền của Đức Giêsu: “Anh em hãy đi khắp thế gian loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” Với lệnh truyền này, sứ mạng truyền giáo của Hội Thánh là một sứ mạng phổ quát, vì Hội Thánh “tự bản chất là truyền giáo.”

Kết thúc phần mở đầu, Đức Bênêđíctô XV nêu lên hai mục đích của Tông Thư: 1) khích lệ các giám mục, linh mục và giáo dân trong các cố gắng truyền giáo, và 2) vạch ra các phương pháp để đẩy mạnh việc hoàn thành công cuộc vô cùng quan trọng này. (MI, số 7).

2. Phương pháp và các vai trò truyền giáo

Trong thư công bố “Tháng Mười Đặc Biệt Truyền Giáo 2019” để kỷ niệm 100 năm Tông Thư Maximum Illud, Đức Thánh Cha Phanxicô tóm tắt một số chủ đề chính của Tông Thư này như sau:

“Đức Thánh Cha [Bênêđíctô XV] nhận thấy cần phải có một phương thức mới cho hoạt động truyền giáo trên thế giới, để hoạt động này được tẩy sạch mọi âm hưởng của chủ nghĩa thuộc địa và tránh xa các mục tiêu của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bành trướng, vốn đã tỏ ra tai hại như thế nào. ‘Hội Thánh của Thiên Chúa có tính phổ quát, không xa lạ với bất cứ dân tộc nào,’[5] ngài viết, đồng thời ngài mạnh mẽ kêu gọi loại trừ mọi hình thức tư lợi, vì mục đích duy nhất của hoạt động truyền giáo là làm cho lời rao giảng và tình yêu của Chúa Giêsu được lan rộng nhờ đời sống thánh thiện và các việc lành của người truyền giáo. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô nhấn mạnh missio ad gentes, ‘sứ mạng đến với muôn dân’, ngài dùng các khái niệm và ngôn ngữ của thời ngài để tìm cách làm sống lại, đặc biệt giữa hàng giáo sĩ, một ý thức bổn phận đối với các công cuộc truyền giáo.”

Một cách cụ thể, Tông Thư Maximum Illud trình bày các điểm quan trọng sau đây:

2.1. Trước hết là nhiệm vụ và vai trò của các vị (Bề Trên) Đặc Trách các xứ truyền giáo (MI số 8-17).

“Tất cả trách nhiệm truyền bá đức tin được đặt trực tiếp trên vai họ, và chính họ được Hội Thánh uỷ thác cho việc mở rộng Hội Thánh trong tương lai” (số 8). Vì thế Đức Bênêđíctô muốn họ “phải là linh hồn của công cuộc truyền giáo dưới sự chăm sóc của họ, phải quan tâm sâu sắc tới công việc của các linh mục, cũng như của tất cả những người trợ giúp họ trong việc chu toàn bổn phận...” (số 9-10).

Bề trên của một công cuộc truyền giáo phải coi mối bận tâm chính của mình là lo mở mang và phát triển đầy đủ công cuộc truyền giáo của mình. Vì thế, họ phải làm việc vì sự cứu rỗi đời đời của mọi người dân sống trong vùng họ phụ trách, và phải trở thành người hướng dẫn và bảo vệ những đứa con mà họ đã sinh ra trong Chúa Giêsu Kitô. Họ không bao giờ được tự mãn, nhưng phải làm việc không ngơi nghỉ để đưa những dân cư khác còn rất đông đảo trong vùng được chia sẻ đức tin và đời sống Kitô giáo. Để làm được điều này, một trong những phương tiện hiệu quả là thiết lập được nhiều giáo điểm.

Đức Bênêđíctô ca ngợi các Bề Trên đã hết lòng lo mở mang công việc này, và khuyến khích họ mời gọi sự cộng tác và giúp đỡ từ các dòng tu (số 11). Trái lại, ngài cũng nghiêm khắc cảnh cáo những vị nào “coi đó là tài sản riêng của mình và không muốn một người ngoài nào được đụng tay vào!” Các Bề Trên cũng phải phát triển các mối quan hệ gần gũi và thân thiết với các đồng nghiệp của mình tại các vùng lân cận (số 12-13).

Một yếu tố rất quan trọng được Đức Bênêđíctô đặc biệt nhấn mạnh và là một nét son trong chiến lược truyền giáo phổ quát của ngài: đó là việc đào tạo và thiết lập hàng giáo sĩ địa phương (hay bản địa). Ngài nhận ra rằng “vì người linh mục địa phương là một với đồng bào mình do sinh quán, bản tính, các mối đồng cảm và các khát vọng, nên họ đặc biệt hiệu quả trong việc tác động đến lối suy nghĩa của dân chúng và nhờ đó lôi kéo dân chúng đến với đức tin. (số 14). Nhưng cần phải tạo điều kiện để các linh mục bản địa nhận được một sự chuẩn bị tốt, với một nền đào luyện hoàn bị, xuất sắc trong mọi giai đoạn, tương đương với việc đào luyện linh mục của người Châu Âu, chứ không phải chỉ là một sự chuẩn bị sơ đẳng, cẩu thả để chỉ thi hành một số bổn phận khiêm nhường nhằm phụ giúp các linh mục ngoại quốc... Họ phải đảm nhận công việc của Thiên Chúa trong tư cách của những người ngang hàng, để một ngày kia họ có thể đảm nhận trọng trách lãnh đạo thiêng liêng cho dân của họ. (số 15).

Hội Thánh không phải là người lạ với bất cứ dân tộc nào. Hội Thánh không đi xâm lược một đất nước nào. Vì vậy, điều hợp lý là những người thi hành tác vụ thánh phải đến từ mọi quốc gia, để đồng bào của họ có thể tìm đến họ để được học hỏi về lề luật Chúa và được họ hướng dẫn đến con đường cứu độ. (số 16).

Chính vì lý do này, Đức Bênêđíctô mạnh mẽ thúc đẩy các Bề Trên truyền giáo quan tâm tối đa tới việc đào tạo và thiết lập hàng giáo sĩ địa phương (số 17). Mặc dù ngài không có vinh dự tấn phong một linh mục bản địa nào lên chức giám mục, nhưng chiến lược truyền giáo và tác động của Tông Thư Maximum Illud của ngài đã giúp cho các vị giáo hoàng kế vị ngài thực hiện được điều này: Đức Piô XI đích thân truyền chức cho 6 giám mục người Trung Hoa tiên khởi năm 1926, giám mục tiên khởi người Nhật năm 1927 và giám mục tiên khởi người Việt Nam năm 1933 [Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng]. Đức Piô XI cũng thiết lập Ngày Chúa Nhật Truyền Giáo hằng năm cho toàn thể Giáo Hội, và tuyên phong Thánh Phanxicô Xaviê và nữ tu Têrêsa Lisieux dòng Cát Minh làm bổn mạng các công cuộc truyền giáo, và ủng hộ nghị quyết về cuộc Tranh Cãi về Nghi Thức, một tiến trình được chính thức hoàn tất dưới thời Đức Piô XII năm 1941, gần ba trăm năm sau khi tiến trình này bắt đầu.[6] 

2.2. Nhiệm vụ và vai trò các Thừa Sai (MI số 18-30)

Đức Bênêđíctô XV gọi các vị thừa sai là “những người nắm trong tay trách nhiệm trực tiếp loan truyền sự khôn ngoan của Đức Kitô, với trách nhiệm cứu rỗi vô số các linh hồn... Các con đã được gọi để đem ánh sáng đến cho những người đang ngồi trong bóng tối sự chết và mở đường lên trời cho những linh hồn đang lao xuống hố huỷ diệt... Hãy nhớ rằng bổn phận của các con không phải là mở rộng một bờ cõi của loài người, nhưng mở rộng bờ cõi của Đức Kitô; và các con cũng hãy nhớ rằng mục tiêu của các con là giành được các công dân cho quê hương trên trời, không phải cho một quê hương dưới đất.” (số 18)

Ngài cảnh báo các thừa sai: “Sẽ là thảm kịch nếu một người tông đồ tiêu hao bản thân mình chỉ để gia tăng hay tôn vinh uy tín của quê hương mình sau khi đã rời bỏ nó. Một thái độ như thế sẽ làm ô nhiễm việc tông đồ của họ như một dịch bệnh.” (số 19-20). Trái lại, họ phải làm việc hoàn toàn vô vị lợi, và chỉ có một mục tiêu duy nhất là chinh phục các linh hồn cho Chúa và làm vinh danh Chúa. Họ phải từ bỏ mình theo gương Thánh Phaolô, sẵn sàng chấp nhận những đòi hỏi gian khổ của việc thi hành sứ vụ, và sống bằng chính việc lao động chân tay của mình. (số 21).

Đối với các thừa sai, Đức Bênêđíctô cũng nhấn mạnh nhu cầu có một nền đào tạo hoàn bị, cẩn thận. Đương nhiên để cải hoá tâm hồn người ta, sự trau giồi nhân đức thì quí giá hơn sự hiểu biết những điểm tinh tế của văn chương. Nhưng nếu một người không có những kiến thức chắc chắn và đáng tin thì không thể hiệu quả trong công việc tông đồ của mình được. Vì vậy Tông Huấn đòi hỏi người thừa sai phải được đào tạo cẩn thận để 1) thông thạo mọi ngành tri thức, bao gồm cả các môn thánh và các môn thế tục cần thiết cho các xứ truyền giáo. 2) thông thạo ngôn ngữ để có thể tiếp xúc được với tất cả những người có học cũng như vô học, vì mục đích chính của họ là để rao giảng Tin Mừng tại bất cứ nơi nào họ được gửi đến. Cụ thể, Đức Bênêđíctô khi có kế hoạch mở rộng Hội Thánh tại Phương Đông, ngài đã thiết lập tại Rôma một học viện đặc biệt về ngôn ngữ và văn hoá Phương Đông cho những người sẽ được sai đi hoạt động tông đồ tại vùng này. (số 22-25).

Nhưng một đòi hỏi không thể thiếu của người tông đồ là phải có đời sống thánh thiện, “vì ai rao giảng Thiên Chúa thì bản thân họ phải là người của Thiên Chúa.” Họ phải nêu gương sáng cho những người họ gặp gỡ, bằng đời sống khiêm nhường, vâng phục và thánh thiện. Và mẫu gương của họ chính là cuộc đời Chúa Giêsu Kitô. (số 26-29). Sau cùng, Tông Huấn đề cao vai trò truyền giáo của các phụ nữ, đặc biệt của các nữ tu dấn thân phục vụ công việc giáo dục và các công cuộc bác ái và đạo đức. (số 30).

2.3. Nhiệm vụ và vai trò của mọi người Công Giáo và của các hội đoàn, các tổ chức

Bất cứ ai đã lãnh nhận đức tin do lòng thương xót của Thiên Chúa thì cũng phải góp phần bằng bất cứ việc phục vụ nào mình có thể để đem ánh sáng đến cho những người khác chưa có đức tin. Và cách phục vụ tốt nhất là trợ giúp các công cuộc truyền giáo. (số 31).

Đức Bênêđíctô đặc biệt nêu lên ba cách trợ giúp sau đây (số 32-40):

1) Câu nguyện, là cách phục vụ nằm trong khả năng của mọi người. “Lao nhọc của các nhà truyền giáo sẽ trở nên vô ích và vô hiệu nếu không có ơn Chúa làm cho nó sinh động và hiệu quả.” Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh và giời thiệu Nhóm Tông Đồ Cầu Nguyện cho mục đích này.

2) Nuôi dưỡng các ơn gọi nhằm gia tăng số lượng các vị thừa sai. Đức Thánh Cha kêu gọi các Bề Trên truyền giáo và các Bề Trên các dòng tu chăm lo nuôi dưỡng và sai đi các tông đồ truyền giáo nhân đức, nhiệt thành, thánh thiện để đi chinh phục các linh hồn cho Thiên Chúa.

3) Trợ giúp kinh tế. Chiến tranh đã tàn phá rất nhiều trường học, bệnh viện, tiêu diệt các tổ chức từ thiện và xoá số nhiều tổ chức hoạt động khác. Vì thế các xứ truyền giáo cần được trợ giúp kinh tế rất nhiều. Đức Thánh Cha kêu gọi sự hào phóng của mọi Kitô hữu tuỳ theo khả năng đóng góp của họ. Ngài trích lại lời Thánh Gioan: “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?” (1 Ga 3:17).

Sau cùng, Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người Công Giáo giúp đỡ các tổ chức truyền giáo. Đặc biệt ngài liệt kê các hội chính thức thuộc Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin, gồm: Hội Truyền Bá Đức Tin, Hội Thánh Nhi Truyền Giáo, Hội Thánh Phêrô Tông Đồ, Hội “Liên Hiệp Giáo Sĩ Truyền Giáo”.

2.4. Kết luận, Đức Bênêđíctô khích lệ mọi người Công Giáo ở quê nhà cũng như ở các nơi truyền giáo hãy đáp ứng thích đáng các bổn phận truyền giáo, và ngài lạc quan tin tưởng rằng các cố gắng của họ sẽ mau chóng giúp phục hồi những tổn thương và mất mát nghiêm trọng do chiến tranh gây nên, để Hội Thánh tiếp tục tiến tới trong việc mở mang Nước Chúa. Sau cùng, ngài dâng lên Đức Trinh Nữ Maria lời cầu nguyện của toàn thể Hội Thánh, xin Mẹ chuyển cầu cho các sứ giả Tin Mừng để họ được đầy hồng ân Chúa Thánh Thần. (số 41-42).

III. Một số hướng dẫn cụ thể cho việc chuẩn bị cử hành “Tháng Mười Đặc Biệt Truyền Giáo 2019”

(Trích Thư Đức Hồng y Fernando Filoni, Tổng Trưởng Bộ Loan Báo Tin Mừng các Dân Tộc, gửi các Hồng y và Giám Mục, Vaticanô, 3-12-2017):

“Để đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha trong lá thư riêng của ngài ngày 22 tháng 10, 2017, tôi muốn chia sẻ với anh em và với các Hội Thánh được giao phó cho anh em coi sóc một số suy tư và đề nghị liên quan đến việc cử hành Tháng Đặc Biệt Truyền Giáo, Tháng Mười năm 2019.

“Trọng tâm của sáng kiến liên quan đến toàn thể Hội Thánh này là cầu nguyện, làm chứng và suy tư về tâm điểm của missio ad gentes như là một tình trạng thường xuyên được sai đi loan báo Tin Mừng lần đầu tiên (Mt 28:19). Bổn phận hoán cải cá nhân và cộng đoàn để trở về với Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, phục sinh và đang sống trong Hội Thánh, sẽ đổi mới nhiệt tình và niềm đam mê làm chứng cho Tin Mừng về sự sống và niềm vui Phục Sinh, bằng cả lời nói và việc làm (Lc 24:46-49).

“Đức Thánh Cha đã vạch ra bốn chiều kích,[7] hay cách thức để chuẩn bị và sống Tháng Đặc Biệt Truyền Giáo, Tháng 10 năm 2019, để khắc phục những chia rẽ và những quan điểm đối chọi giữa việc mục vụ thông thường và việc mục vụ truyền giáo, giữa các thách thức của việc truyền giáo tại các vùng trước kia là Kitô giáo nhưng nay đã bị tục hóa và dửng dưng với tôn giáo, và việc truyền giáo missio ad gentes giữa các nền văn hóa và các tôn giáo vẫn còn chưa biết đến Tin Mừng (EG 14). Bốn chiều kích này là:

  1. Gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu Kitô trong Hội Thánh của Người: Thánh Thể, Lời Chúa, cầu nguyện cá nhân và cộng đoàn;
  2. chứng tá của các Thánh, các vị Tử Đạo Truyền Giáo và các Thánh Hiển Tu, là những biểu hiện độc đáo của các Hội Thánh trên khắp thế giới;
  3. đào luyện về Kinh Thánh, huấn giáo, thiêng liêng và thần học liên quan đến missio ad gentes;
  4. đức ái truyền giáo bằng việc nâng đỡ vật chất cho các công cuộc bao la của việc phúc âm hóa, đặc biệt missio ad gentes và việc đào luyện Kitô hữu tại các Hội Thánh địa phương thiếu thốn nhất.

Một cách thích đáng và phù hợp cho các Kitô hữu ở mỗi vùng, tôi đề nghị mỗi Hội Thánh địa phương và mỗi Hội Đồng Giám Mục quyết định cách thức để sống và noi theo các chiều kích này, để tạo nên một cuộc trở về mới với sứ mạng của Đức Giêsu.”

 

Uỷ Ban Loan Báo Tin Mừng/ HĐGMVN

Tháng 1-2019

 

Tham khảo

 

-        ĐGH Bênêđíctô XV, Tông Thư Maximum Illud về việc truyền bá Đức Tin trên khắp thế giới, bản dịch tiếng Việt của Uỷ Ban Loan Báo Tin Mừng/HĐGMVN (Saigon, 2017).

-        ĐGH Phanxicô, Thư ngày 22-10-2017 gửi Hồng y Fernando Filoni, Tổng Trưởng Bộ Loan Báo Tin Mừng các dân tộc, nhân kỷ niệm 100 năm Tông Thư Maximum Illud về hoạt động truyền giáo trên thế giới (30-11-1919 – 30-11-2019).

-        Stephen B. Bevans & Roger P. Schroeder, Constants in Context, A Theology of Mission for Today (Claretian Publications, Quezon City, Philippines, 2005). (Bản dịch tiếng Việt: Trung thành và Thích Nghi: Một Thần Học Truyền Giáo cho Hôm Nay (Saigon, 2015).

-        Valentine U. Iheanacho, “Benedict XV and the Rethinking of Catholic Missionary Strategy”, in Tripod, Winter 2016 Vol. 36 - No. 183.

 

 


Văn Kiện Giáo Hội



[1] ĐGH Phanxicô, Lettera del santo padre Francesco in occasione del centenario della promulgazione della lettera apostolica “Maximum Illud” sull’attività svolta dai missionari del mondo (Thư gửi HY Fernando Filoni, Vaticano 22 ottobre 2017).

[2] ĐGH Phanxicô, Tông Huấn Evangelii gaudium 15: AAS 105 (2013), 1026.

[3] ĐGH Phanxicô, Thư gửi HY Fernando Filoni, 22-10-2017.

[4] ĐGH Bênêđíctô XV, Thư gửi các Nguyên Thủ của các nước tham chiến, 1-8-1917: AAS IX (1917), 421-423.

 

[5] Bênêđíctô XV, Tông Thư Maximum Illud, 30 tháng 11, 1919, số 16: AAS 11 (1919), 445.

[6] Stephen B. Bevans & Roger P. Schroeder, Constants in Context, A Theology of Mission for Today (Claretian Publications, Quezon City, Philippines, 2005), p. 244-245. (Bản dịch tiếng Việt: Trung thành và Thích Nghi (Saigon, 2015), tr. 213-214.

[7] ĐGH Phanxicô, Diễn từ cho các Giám Đốc Quốc Gia của các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, tại Hội Nghị Toàn Thể, Thành Vaticanô, ngày 3 tháng 7, 2017.