NỘI DUNG THƯ ĐỨC THÁNH CHA GỬI CÁC GIÁM MỤC VÀ TỰ SẮC ”SUMMORUM PONTIFICUM”

 

I. Nội dung thư Đức Thánh Cha Biển Đức XVI gửi các Giám Mục toàn thế giới liên quan tới ”Tự Sắc” về việc dùng Phụng Vụ Latinh cũ.

Ngày mùng 7-7-2007 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã công bố thư gửi các Giám Mục công giáo toàn thế giới để giới thiệu Tự Sắc ”Summorum Pontificum” về việc dùng phụng vụ Roma trước khi có cuộc cải tổ năm 1970.

Đức Thánh Cha cho biết đây là kết qủa các suy tư, tham khảo và cầu nguyện lâu dài. Ngài trả lời cho hai nỗi lo lắng: thứ nhất là nỗi lo sợ cho rằng việc dùng lễ nghi phụng vụ cũ tiếng Latinh gây thiệt hại cho quyền bính của Công Đồng Chung Vaticăng II và các quyết định của Công Đồng, trong đó có quyết định liên quan tới việc canh cải phụng vụ; và thứ hai là nỗi lo sợ cho rằng việc dùng Sách Lễ cũ tiếng Latinh năm 1962 có thể tạo ra các hỗn loạn và chia rẽ trong các cộng đoàn giáo xứ.

Thư của Đức Thánh Cha muốn trả lời chi tiết hơn cho hai vấn nạn kể trên.

Đức Thánh Cha khẳng định rằng nỗi lo sợ thứ nhất liên quan tới sự nguy hại cho quyền bính của Công Đồng Chung Vaticăng II và các quyết định của Công Đồng, trong đó có các quyết định về việc cải tổ phụng vụ, là sự lo sợ không có nền tảng. Lý do thứ nhất là vì Sách Lễ do Đức Giáo Hoàng Phaolo VI cho in, và được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II cho tái bản hai lần, là hình thức bình thường của Phụng Vụ Thánh Thể. Trong khi Ấn bản Sách Lễ Roma tiếng Latinh, do Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII cho phát thành năm 1962 và được dùng trong Công Đồng, sẽ có thể là hình thức ngoại thường của việc cử hành phụng vụ. Coi chúng như thể là hai ”lễ nghi” khác nhau thì không đúng. Đúng hơn, đó là hai kiểu dùng của cùng một lễ nghi phụng vụ Thánh Thể duy nhất của Giáo Hội.

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng Sách Lễ Roma tiếng Latinh ấn hành năm 1962, như là hình thức ngoại thường của việc cử hành Thánh Thể, đã không bao giờ bị hủy bỏ trên bình diện pháp lý, vì thế, theo nguyên tắc, nó sẽ luôn luôn được phép dùng.

Tiếp tục thư gửi các Giám Mục Đức Thánh Cha giải thích sự kiện này như sau. Khi đưa ra Sách Lễ mới, Giáo Hội đã không thấy cần thiết phải đưa ra các điều lệ riêng cho việc có thể dùng sách lễ cũ tiếng Latinh, chắc hẳn vì đã giả thiết là chỉ có ít trường hợp sử dụng nó và có thể giải quyết từng trường hợp một, tại địa phương. Tuy nhiên sau đó, thì người ta nhận thấy là có không ít người gắn bó với việc dùng Lễ Nghi Roma tiếng Latinh, đã quen thuộc với họ ngay từ ngày còn bé. Điều này xảy ra tại các nước trong đó phong trào phụng vụ đã cống hiến cho giáo dân một sự đào tạo phụng vụ đáng kể và sự quen thuộc sâu xa thân tình với hình thức cử hành phụng vụ có trước. Mọi người đều biết trong phong trào do Đức Tổng Giám Mục Lefevre hướng dẫn, sự trung thành với lễ nghi này trở thành dấu chỉ bề ngoài, nhưng các lý do của sự bẻ gẫy nảy sinh từ đây, có nguồn gốc sâu xa hơn. Nhiều người rõ ràng chấp nhận tính cách bắt buộc của Công Đồng Chung Vaticăng II và trung thành với Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục, nhưng họ cũng ước mong tìm lại được hình thức phụng vụ, mà họ yêu thích. Việc này xảy ra, vì tại nhiều nơi người ta đã không trung thành cử hành theo Sách Lễ mới, mà còn hiểu rằng được phép hay bắt buộc phải tự sáng chế ra phụng vụ, dẫn đưa tới các sai lệch không thể nào chịu nổi. Đức Thánh Cha cho biết chính ngài cũng đã phải sống kinh nghiệm của thời kỳ này với tất cả các chờ mong và các lẫn lộn của nó. Và ngài đã thấy các vết thương sâu rộng, do các sai lạc ấy gây ra nơi những người có lòng tin sâu xa.

Chính vì các lý do trên đây Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã bắt buộc phải công bố Tự Sắc ”Ecclesia Dei” ”Giáo Hội của Thiên Chúa” ngày mùng 2 tháng 7 năm 1988, liên quan tới việc dùng Sách Lễ Roma tiếng Latinh năm 1962, nhưng lại không đưa ra các chỉ dẫn chi tiết, mà chỉ kêu gọi lòng quảng đại của các Giám Mục đối với các ”khát vọng chính đáng” của các tín hữu xin dùng Lễ Nghi Roma tiếng Latinh. Lúc đó, Đức Gioan Phaolo II muốn giúp Huynh đoàn Pio X tìm lại sự hiệp nhất trọn vẹn với Người Kế Vị Thánh Phêrô, và tìm cách chữa lành vết thương ngày càng đau nhức hơn. Nhưng rất tiếc là cho tới nay sự hòa giải đó đã không thành công; tuy nhiên, một loạt các cộng đoàn đã sử dụng sách lễ này với lòng biết ơn đối với những gì Tự Sắc cho phép. Trái lại, việc dùng Sách Lễ năm 1962 ngoài các nhóm này vẫn khó khăn, vì thiếu các điều luật pháp lý chính xác, và trước hết vì trong các trường hợp này, thường khi các Giám Mục lo sợ nó nguy hại cho quyền bính của Công Đồng Chung Vaticăng II.

Thật ra, ngay sau thời Công Đồng Chung Vaticăng II, người ta đã có thể giả thiết là việc xin phép dùng Sách Lễ Latinh năm 1962 sẽ hạn chế cho thế hệ già hơn đã lớn lên với nó, nhưng trong thời gian này người ta nhận thấy cả người trẻ cũng khám phá ra hình thức phụng vụ này và cảm thấy được lôi kéo, và họ tìm được trong đó một hình thức gặp gỡ với Mầu Nhiệm Thánh Thể rất thánh, đặc biệt thích hợp với họ. Vì thế cần phải có một sự giải quyết pháp lý rõ ràng hơn, là điều đã không thể thấy trước vào thời công bố Tự Sắc năm 1988. Các điều lệ này cũng nhằm giải thoát các Giám Mục khỏi nhiệm vụ luôn luôn phải lượng định phải đáp ứng các tình hình khác nhau như thế nào.

Nỗi lo sợ thứ hai cho rằng việc dùng Sách Lễ cũ tiếng Latinh năm 1962 có thể tạo ra các hỗn loạn và chia rẽ trong các cộng đoàn giáo xứ, cũng không có nền tảng. Việc sử dụng nó giả thiết việc được đào tạo về phụng vụ và khả năng hiểu tiếng Latinh. Cả hai yếu tố này đều không là điều thông dụng, vì thế Sách Lễ mới là hình thức bình thường của việc cử hành, không phải chỉ vì luật lệ, mà cũng vì tình trạng thực sự của các cộng đoàn tín hữu nữa.

Có đúng thật là không thiếu những qúa đáng và đôi khi cả những khía cạnh xã hội gắn liền với thái độ của các tín hữu gắn bó với phụng vụ Latinh. Nhưng lòng bác ái và sự thận trọng của các Giám Mục sẽ là một khích lệ và hướng dẫn cho sự cải tiến. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng thật ra cả hai hình thức sẽ làm giầu cho nhau: có thể và cần phải thêm tên các thánh mới và vài kinh tiền tụng mới vào Sách Lễ Roma cũ.

Ủy Ban ”Ecclesia Dei” sẽ nghiên cứu các khả thể thực tiễn. Việc dùng Lễ Nghi Roma theo Sách Lễ do Đức Giáo Hoàng Phaolo VI ban hành có thể biểu lộ một cách rõ ràng hơn, tính cách thánh thiêng của nó, từng lôi cuốn nhiều người. Nó cũng có thể hiệp nhất các cộng đoàn giáo xứ, và biểu lộ sự phong phú tinh thần và chiều kích thần học sâu xa của Sách Lễ này.

Đó là các lý do khiến Đức Thánh Cha Biển Đức XVI công bố Tự Sắc để cập nhật Tự Sắc năm 1988 của Đức Giáo Hoàng Giaon Phaolo II, với mục đích tạo hòa giải và hiệp nhất trong lòng Giáo Hội. Khi nhìn về qúa khứ, về các chia rẽ dọc dài các thế kỷ đã xâu xé Thân Mình của Chúa Kitô, người ta liên lỉ có cảm tưởng rằng trong những lúc khó khăn, trong đó đang xảy ra sự chia rẽ, các vị hữu trách Giáo Hội đã không hoạt động đủ để duy trì hay chiếm hữu được sự hòa giải và hiệp nhất; người ta có cảm tưởng rằng các thiếu sót trong Giáo Hội đã có một phần lỗi khiến cho các chia rẽ đó được củng cố thêm. Hôm nay việc nhìn về qúa khứ đó đưa ra cho chúng ta một đòi buộc: đó là phải làm mọi cố gắng, để tất cả những người thực sự mong muốn sự hiệp nhất, có thể ở lại trong sự hiệp nhất đó và tái tìm ra nó. Đức Thánh Cha trích lại lời thánh Phaolô nói với tín nhữu Corintô trong thư thứ hai gửi cho họ: ”Miệng chúng tôi đã thẳng thắn nói với anh chị em. Hỡi anh chị em Côrintô, con tim của chúng tôi rộng mở cho anh chị em. Chúng tôi không hẹp hòi với anh chị em đâu; chính lòng dạ anh chị em hẹp hòi... Hãy đáp trả lại chúng tôi, hãy rộng mở con tim của anh chị em cho chúng tôi” (2 Cr 6,11-13). Dĩ nhiên, thánh Phaolô đã nói lên điều này trong một bối cảnh khác, nhưng lời người mời gọi có thể và phải đánh động cả chúng ta trong chính đề tài này nữa. Chúng ta hãy quảng đại rộng mở con tim mình và để cho tất cả những gì, mà lòng tin cống hiến cho, có thể bước vào.

Rồi Đức Thánh Cha mạnh mẽ khẳng định như sau: Không có mâu thuẫn nào giữa hai ấn bản Sách Lễ Roma cả. Trong Lịch sử Phụng vụ có các tăng trưởng và tiến triển, nhưng không có đổ vỡ. Điều thánh thiêng và cao cả đối với các thế hệ đi trước cũng vẫn thánh thiêng và cao cả đối với chúng ta ngày nay, và nó không thể bất thình lình bị cấm đoán hoàn hoàn, hay tệ hơn bị coi là nguy hại. Thật là ích lợi cho tất cả chúng ta, khi duy trì được các phong phú đã lớn lên trong lòng tin và lời cầu nguyện của Giáo Hội và dành cho chúng chỗ đứng đúng đắn. Đương nhiên để sống sự hiệp thông tràn đầy, cả các linh mục của các cộng đoàn gắn bó với việc dùng phụng vụ cũ, trên nguyên tắc, cũng không thể loại bỏ việc cử hành theo các sách mới. Thật vậy, sẽ là điều không trung thực, nếu thừa nhận giá trị và sự thánh thiện của lễ nghi mới, mà lại loại trừ hoàn toàn lễ nghi đó.

Sau cùng Đức Thánh Cha nêu bật rằng các điều lệ mới này không giảm thiểu quyền bính và trách nhiệm của các Giám Mục trên phụng vụ cũng như trên mục vụ đối với các tín hữu do các ngài phụ trách. Thật vậy mỗi Giám Mục là người phối hợp phụng vụ trong giáo phận của mình (X. Sacrposanctum Concilium, s. 22: ”Sacrrae Liturgiae moderatio ab Ecclesiae ausctoritate unice pendet quae quidem est apud Apostolicam Sedem et, ad normam iuris, apud Episcopum”).

Không có gì bị lấy khỏi quyền bính của Giám Mục, dầu sao đi nữa vẫn là người có nhiệm vụ canh thức để mọi sự được tiến hành trong an bình và thanh thản. Nếu có xảy ra vài vấn đề, mà cha xứ không thể giải quyết được, thì Vị Bản Quyền địa phương luôn có thể can thiệp, nhưng trong sự hòa hợp trọn vẹn với những gì đã được các điều lệ mới do Tự Sắc ấn định.

Ngoài ra Đức Thánh Cha Biển Đức XVI mời gọi các Giám Mục viết bản tường trình về cho Tòa Thánh liên quan tới các kinh nghiệm thu thập được trong ba năm tới, sau khi Tự Sắc có hiệu lực, để nếu thực sự có xảy ra một loạt các khó khăn, thỉ có thể tìm phương thế sửa chữa.

Với tất cả lòng biết ơn và tín thác, Đức Thánh Cha phó thác bức thư này và các điều lệ của Tự Sắc cho con tim của các Chủ Chăn, luôn nhớ các lời thánh Phaolô dặn dò các linh mục giáo đoàn Ephêxo: ”Anh em hãy lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên, mà Thánh Thần đã đặt anh em là Giám Mục chăn dắt Giáo Hội của Thiên Chúa, mà Người đã mua bằng máu của chính mình” (Cv 20,28).

   Đức Thánh Cha phó thác cho sự bầu cử của Đức Maria, Mẹ Giáo Hội, các điều lệ mới này và gửi phép lành tòa thánh tới cho tất cả các Giám Muc, các cha xứ, các giáo phận, mọi linh mục và các cộng sự viên cũng như tất cả mọi tín hữu.

II. Nội dung Tông Thư dưới dạng Tự Sắc “Summorum Pontificum” của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, về việc dùng Sách Lễ Roma cũ tiếng Latinh

Mở đầu Tự Sắc Đức Thánh Cha viết:

”Từ trước tới nay các Giáo Hoàng đã thường xuyên lo lắng để cho Giáo Hội của Chúa Kitô dâng lên Thiên Chúa Uy Nghi việc phụng tự xứng đáng ”để chúc tụng và tôn vinh Danh Người” và ”mưu ích cho toàn thể Hội Thánh Người”.

Từ thời xa xưa cũng như trong tương lai, cần duy trì nguyên tắc, theo đó ”mỗi Giáo Hội địa phương phải phù hợp với Giáo Hội hoàn vũ, không chỉ liên quan tới giáo lý đức tin và các dấu chỉ bí tích, mà cả các thói quen đại đồng được truyền thống tông truyền không gián đoạn chấp nhận nữa, và chúng phải được tuân giữ không chỉ để tránh các sai lầm, mà cũng là để thông truyền lòng tin nguyên vẹn, bởi vì luật lệ cầu nguyện của Giáo Hội tương ứng với luật lệ của lòng tin”.

Trong số các Giáo Hoàng đã chu toàn nhiệm vụ chăm lo như thế, nổi bật có thánh Gregorio Cả, là người đã lo lắng thông truyền cho các dân tộc mới của Âu châu, lòng tin công giáo cũng như các kho tàng của phụng tự và nền văn hóa được người Roma tích lũy từ các thế kỷ trước. Người truyền xác định và duy trì hình thức Phụng Vụ thánh, liên quan tới Hy Tế Thánh Lễ cũng như Kinh Thần Vụ, trong kiểu cử hành tại Roma. Người hết sức lo thăng tiến việc gửi các nam nữ tu sĩ Biển Đức, là những người hoạt động theo Luật của Thánh Biển Đức, tới khắp nơi để cùng với việc loan báo, các tu sĩ minh giải Tin Mừng với chính cuộc sống và phương châm lành mạnh của Lề Luật: “Không đặt để điều gì trước công việc của Thiên Chúa” (ch.43). Như thế, Phụng Vụ thánh được cử hành theo thói quen Roma, không chỉ làm giầu cho đức tin và lòng đạo đức, mà cũng làm giầu cho nền văn hóa của nhiều dân tộc nữa. Thật thế, người ta nhận thấy rằng trong các hình thái khác nhau của nó, trong mỗi thế kỷ của kỷ nguyên Kitô, phụng vụ Latinh của Giáo Hội đã thúc đẩy cuộc sống thiêng liêng của nhiều vị thánh, củng cố nhân đức tôn giáo của biết bao dân tộc, và khiến cho lòng đạo đức của họ trở nên phong phú.

Dọc dài các thế kỷ, nhiều vị Giáo Hoàng khác đã đặc biệt lo cho Phụng Vụ thánh diễn tả nhiệm vụ này ra ngoài một cách hữu hiệu hơn: trong số đó nổi bật là Đức Giáo Hoàng Pio V, là đấng, được nâng đỡ bởi lòng nhiệt thành mục vụ và theo sau sự khích lệ của Công Đồng Chung Trento, đã canh tân toàn việc phụng tự của Giáo Hội, lo in ấn các sách phụng vụ, được tu chính và canh tân theo chuẩn định của các Nghị Phụ và cho dùng trong Giáo Hội Latinh”.

Tiếp tục Tự Sắc Đức Thánh Cha đề cập tới Sách Lễ Roma và viết: ”Trong số các sách phụng vụ theo Lễ Nghi Roma có Sách Lễ Roma, được phát triển trong thành Roma và với thời gian qua đi, từ từ có các hình thái rất giống với hình thái hiện hành trong thời gian gần đây.

“Các Giáo Hoàng trong các thế kỷ tiếp theo đã theo đuổi cùng một mục đích này, bằng cách bảo đảm việc cập nhật hóa và xác định các lễ nghi và các sách phung vụ, rồi vào đầu thế kỷ này bằng cách bắt đầu một cuộc canh cải toàn diện”. Các vị tiền nhiệm của tôi là Clemente VIII, Urbano VIII, thánh Pio X, Biển Đức XV, Pio XII và Gioan XXIII đã hành động như thế.

Trong các thời gian gần đây hơn, Công Đồng Chung Vaticăng II đã bầy tỏ ước mong sự tôn kính xứng đáng đối với phụng vụ thánh cần được canh tân và thích hợp với các nhu cầu của thời đại chúng ta. Được thúc đẩy bởi ước mong đó, năm 1970 vị tiền nhệm của tôi là Đức Giáo Hoàng Phaolo VI đã phê chuẩn các sách phụng vụ được cải tổ hay canh cải một phần, cho Giáo Hội Latinh. Được dịch ra các thứ tiếng khác nhau trên thế giới, chúng đã được các Giám Mục linh mục và giáo dân tiếp nhận một cách tốt đẹp. Đức Gioan Phaolô II đã tái duyệt ấn bản thứ ba của Sách Lễ Roma. Như thế các Đức Giáo Hoàng đã hành động ”để cho loại tòa nhà phụng vụ này... tái xuất hiện một cách huy hoàng trong phẩm chất và sự hài hòa của nó”.

Nhưng trong một vài miền có không ít các tín hữu còn gắn bó và tiếp tục gắn bó với các hình thức phụng vụ có trước với biết bao nhiêu tình yêu thương mộ mến. Các hình thức đó đã thấm nhuần nền văn hóa và tâm trí của họ một cách sâu đậm, đến độ được thúc đẩy bởi mối quan tâm mục vụ đối với các tín hữu đó, năm 1984 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã cho phép sử dụng Sách Lễ Roma do Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII ấn hành năm 1962, với đặc ân ”Quattuor abhinc annos”, do Bộ Phụng Tự ban hành.

Thế rồi năm 1988 Đức Gioan Phaolo II lại ban hành Tông Thư ”Ecclesia Dei” dưới hình thức Tự Sắc, và khích lệ các Giám Mục sử dung một cách rộng rãi và quảng đại năng quyền này, theo yêu cầu của các tín hữu”.

Trong phần thứ hai của Tự Sắc, Đức Thánh Cha xác định các điều lệ liên quan tới việc sử dụng Sách Lễ Roma tiếng Latinh. Ngài viết: ”Theo sau các lời thỉnh cầu khẩn khoản của các tín hữu, đã được Đức Gioan Phaolo II, vị tiền nhiệm của tôi cân nhắc lâu năm, và sau khi lắng nghe các Hồng Y trong Công Nghị Hồng Y ngày 22 tháng 3 năm 2006, cũng như suy tư sâu rộng về mọi khía cạnh của vấn đề, cầu xin Chúa Thánh Thần và tin tưởng nơi sự trợ giúp của Thiên Chúa, với Tông Thư này Chúng Tôi thiết định như sau:

Khoản 1. Sách Lễ Roma do Đức Phaolo VI công bố là kiểu diễn tả bình thường của ”lex orandi” (luật cầu nguyện) của Giáo Hội Công Giáo Latinh. Tuy nhiên, Sách Lễ Roma do thánh Giáo Hoàng Pio V công bố và được Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII cho tái bản, phải được coi như kiểu diễn tả ngoại thường của cùng một ”luật cầu nguyện” đó và phải được tôn trọng cách xứng đáng vì việc sử dụng đáng kính và cổ xưa của nó. Hai kiểu diễn tả này của “luật cầu nguyện” của Giáo Hội sẽ không vì cách nào mà dẫn đưa tới một sự chia rẽ trong ”lex credendi” (luật lòng tin) của Giáo Hội; thật ra, chúng là hai kiểu diễn tả của cùng lễ nghi Roma.

Do đó, được phép cử hành Hiến Tế Thánh Lễ theo ấn bản đặc biệt của Sách Lễ Roma do Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII công bố năm 1962, và đã không bao giờ bị hủy bỏ, như là hình thức ngoại thường của Phụng Vụ Giáo Hội. Các điều kiện để dùng Sách Lễ này hay Sách Lễ kia do hai tài liệu có trước là “Quattuor abhinc annos” và ”Ecclesia Dei”, được thay thế như sau:

Khoản 2. Trong các Thánh Lễ cử hành không có tín hữu, mỗi linh mục công giáo thuộc lễ nghi Latinh, triều hay dòng, có thể dùng Sách Lễ Roma do Chân phước Giáo Hoàng Gioan XXIII công bố năm 1962, hay Sách Lễ Roma do Đức Giáo Hoàng Phaolo VI công bố năm 1970, trong bất cứ ngày nào, trừ Tam Nhật Thánh. Để cử hành theo Sách Lễ này hay Sách Lễ kia linh mục không cần có phép của Tòa Thánh cũng như của Vị Bản Quyền.

Khoản 3. Các cộng đoàn của các Tu Hội đời sống thánh hiến hay các Hiệp hội đời sống tông đồ, quyền giáo hoàng hay quyền giáo phận, nếu ước muốn cử hành Thánh Lễ theo Sách Lễ công bố năm 1962 trong các nhà nguyện tu viện hay cộng đoàn mình, đều có thể làm. Nếu một cộng đoàn cá biệt nào hay toàn dòng hoăc hiệp hội muốn có các buổi cử hành như thế thường khi, hay thường xuyên hoặc luôn luôn như vậy, thì điều này phải được các Bề Trên Cả định đoạt theo điều lệ của luật và theo các luật lệ và quy chế đặc biệt.

Khoản 4. Cũng có thể chấp nhận cho các giáo hữu tham dự các buổi cử hành Thánh Lễ như quy định ở khoản 2 nói trên, và tuân theo các điều lệ của luật, khi họ tự phát xin được tham dự.

Khoản 5 triệt 1. Trong các giáo xứ, trong đó có một nhóm giáo dân thường xuyên gắn bó với truyền thống phụng vụ thời trước, thì cha xứ hãy sẵn sàng chấp nhận đòi hỏi của họ để dâng Thánh lễ theo lễ nghi của Sách Lễ Roma ấn hành năm 1962. Phải tiên liệu để thiện ích của các giáo dân này hòa hợp với việc chăm sóc mục vụ bình thường của giáo xứ, dưới sự hướng dẫn của Giám Mục theo khoản 392 của giáo luật, để tránh sự bất hòa và phát huy sự hiệp nhất của toàn thể Giáo Hội.

Khoản 5 triệt 2. Việc cử hành theo Sách lễ của Chân phước Gioan XXIII có thể làm vào các ngày trong tuần; trong các ngày Chúa Nhật hay lễ trọng cũng có thể có một buổi cử hành loại này.

Khoản 5 triệt 3. Đối với các giáo dân và linh mục xin, cha xứ hãy cho phép cử hành hình thức ngoại thường này cả trong các trường hợp đặc biệt như hôn phối, đám tang hay các buổi cử hành tùy dịp như các cuộc hành hương.

Khoản 5 triệt 4. Các linh mục sử dụng Sách Lễ của Chân Phước Gioan XXIII, phải là các vị xứng đáng và không bị ngăn trở trên bình diện giáo luật.

Khoản 5 triệt 5. Trong các nhà thờ không phải là nhà thờ của giáo xứ hay tu viện, vị Giám quản đền thờ có thể cho phép cử hành thánh lễ như đã nói trên đây.

Khoản 6. Trong các Thánh Lễ cử hành với dân chúng theo Sách Lễ của Chân Phước Gioan XXIII, các bài đọc có thể được công bố cả trong tiếng bản xứ, theo các ấn bản được Tòa Thánh thừa nhận.

Khoản 7. Nếu có một nhóm giáo dân, như khoản 5 triệt 1 đã nói tới, không được cha sở thỏa mãn các yêu cầu của mình, thì báo cho Đức Giám Muc giáo phận biết. Vị Giám Mục được yêu cầu chấp nhận ước mong của họ. Nếu người không thể lo liệu cho việc cử hành như thế, thì trình sự việc lên Ủy Ban Giáo Hoàng ”Ecclesia Dei”.

Khoản 8. Vị Giám Mục nào ước ao đáp ứng các thỉnh cầu của tín hữu giáo dân, nhưng bị ngăn trở vì các lý do khác nhau, có thể tường trình vấn đề lên Ủy Ban ”Ecclesiae Dei” để Ủy ban cố vấn và giúp đỡ.

Khoản 9 triệt 1. Sau khi chú ý xem xét mọi sự, cha sở cũng có thể cho phép dùng lễ nghi cũ trong việc ban các bí tích Rửa Tội, Hôn Phối, Giải Tội và Xức Dầu bệnh nhân, nếu đó là lợi ích của các linh hồn.

Khoản 9 triệt 2. Các Vị Giám Mục Bản Quyền được năng quyền cử hành bí tích Thên Sức bằng cách dùng Sách Nghi Lễ Roma cũ, khi thấy có lợi cho các linh hồn.

Khoản 9 triệt 3. Các giáo sĩ có chức thánh được quyền dùng Sách Thần Vụ do Chân Phước Gioan XXIII công bố năm 1962.

Khoản 10. Nếu xét thấy thuận lợi, Đấng Bản Quyền có thể thành lập một giáo xứ tòng nhân theo khoản 518 của Giáo Luật, cho các buổi cử hành theo hình thức cũ của lễ nghi Roma, hay chỉ định một vị tuyên úy, theo các điều lệ của giáo luật.

Khoản 11. Ủy Ban Giáo Hoàng ”Ecclesia Dei”, do Đức Gioan Phaolo II thành lập năm 1988, tiếp tục thi hành nhiệm vụ của mình.

Ủy Ban này có hình thức, các nhiệm vụ và các điều lệ mà Đức Giáo Hoàng sẽ giao cho.

Khoản 12. Ngoài những năng quyền đã có sẵn, Ủy Ban này sẽ thi hành quyền của Tòa thánh bằng cách canh chừng việc tuân giữ và áp dụng các quy định trên đây.

Tất cả những gì đã do Chúng Tôi thiết định với Tông Thư trong dạng Tự Sắc này, chúng tôi truyền phải được coi như ”thiết định và chỉ thị”, và phải được tuân giữ từ ngày 14 tháng 9 năm nay, lễ Tôn Vinh Thánh Giá. Tất cả những gì đi ngược lại những gì chúng tôi ban bố đều không có hiệu lực.

Ban hành tại Roma, gần Đền Thánh Phêrô ngày mùng 7 tháng 7 năm 2007, năm thứ ba triều đại Giáo Hoàng của chúng tôi.

(SD 7-7-2007)

Linh Tiến Khải

 

Mục Lục