PHẢI HIỂU VÀ HÀNH XỬ THẾ NÀO
KHI TUYÊN XƯNG "ÐỨC GIÊSU KITÔ LÀ ÐẤNG CỨU ÐỘ DUY NHẤT"


Nguyễn Chính Kết

Mọi người Kitô hữu đang chuẩn bị đón mừng lễ Giáng Sinh, là lễ hội rất lớn kỷ niệm và tôn kính mầu nhiệm nhập thể, tức mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, sinh bởi Ðức Maria Ðồng Trinh tại làng Bêlem, nước Do Thái, cách đây khoảng 2000 năm.

Theo niềm tin của người Kitô hữu, Ðức Giêsu chính là Ðấng Cứu Thế mà các ngôn sứ đã từng loan báo hàng mấy trăm năm trước khi Ngài sinh ra. Vì thế, người Kitô hữu, những kẻ tin và sống theo giáo lý của Ngài, tin rằng Ngài chính là Ngôi Hai Thiên Chúa như chính Ngài đã tự xưng, đồng thời là người duy nhất đem lại ơn cứu độ phổ quát cho tất cả mọi người thuộc mọi nơi mọi thời trong nhân loại. Niềm tin này đã được định tín trong một tín điều, và được nhắc đi nhắc lại trong các văn kiện của các Công Ðồng Chung, của các vị giáo hoàng, và gần đây nhất là tông huấn Ecclesia in Asia của Ðức Gioan Phaolô II (ngày 6-11-1999) và tuyên ngôn Dominus Jesus của Hồng y Joseph Ratzinger (ngày 6-8-2000). Hai văn kiện sau cùng này nhấn mạnh chủ trương phải công bố Ðức Giêsu là vị Cứu Tinh duy nhất và phổ quát của nhân loại.

Chúng ta thử tìm hiểu, đào sâu lập trường đức tin của Giáo Hội, để có một cái nhìn đúng đắn, rõ ràng, đồng thời đề ra một phương cách hành động vừa phù hợp với lập trường của Giáo Hội, vừa thích nghi với tình trạng đa nguyên tôn giáo và đa văn hóa tại Á Châu.

A. LÝ DO CỦA TUYÊN NGÔN DOMINUS JESUS

1. Có những khuynh hướng rộng rãi, bao dung tôn giáo trong giới thần học Kitô giáo

Khi sống chung và tiếp xúc với các tôn giáo khác tại Á Châu, nhiều thần học gia Á Châu nhận ra rằng:

- Các tôn giáo khác cũng có một nền giáo lý thâm sâu, vi diệu, với những bộ kinh điển rất tuyệt vời, càng khám phá càng cảm thấy sự sâu xa ẩn bí của chúng mà đầu óc con người khó có thể nghĩ ra được. Các tín đồ các tôn giáo này cũng tin rằng những kinh điển ấy là do chính Thượng Ðế mạc khải cho họ qua các tác giả viết kinh (chẳng hạn trong Ấn giáo, Hồi giáo, Cao Ðài giáo.)

- Tôn giáo nào cũng chủ trương phải giác ngộ một Thực Tại Tối Hậu có những thuộc tính căn bản như Thiên Chúa của Kitô giáo: tự hữu, không sinh không diệt, tuyệt đối, duy nhất, vô biên, siêu việt, không thay đổi, làm nền tảng hiện hữu cho tất cả muôn loài vạn vật, v.v. Thực Tại Tối Hậu ấy chỉ khác với Thiên Chúa của Kitô giáo ở một vài thuộc tính phụ thuộc như: có ngôi vị chứ không phải vô ngã vị, tạo dựng chứ không phải thể hiện thành vạn vật, đầy yêu thương chứ không phải vô tình đối với vạn vật, toàn thiện chứ không phải siêu việt thiện ác.

- Những giáo lý hay kinh điển ấy cũng có khả năng giáo hóa dân chúng rất cao và hữu hiệu, không phải chỉ về mặt luân lý mà còn về mặt tâm linh. Chính nhờ có các tôn giáo như Ấn, Phật, Khổng, Lão, mà một thế giới phi Kitô giáo như Á Châu, mới có được một đời sống tâm linh cao, và một nền luân lý tốt đẹp như hiện nay, không đến nỗi quá kém so với thế giới Kitô giáo của Âu châu.

- Trong thực tế, các tôn giáo ấy đã đào tạo nên biết bao con người rất tuyệt vời, khá hoàn hảo, sáng suốt, vị tha, dũng cảm, nhiều khả năng hy sinh. Rất nhiều người đã tìm được ý nghĩa của đời sống, cảm thấy được giải thoát khỏi những ràng buộc trần thế, và sống một cuộc đời rất siêu thoát nhờ giáo lý vi diệu của những tôn giáo ấy.

Vì thế, nhiều thần học gia Á Châu đã có những khuynh hướng mềm dẻo, bao dung, chấp nhận và đề cao các tôn giáo ấy như những cách nhìn khác với Kitô giáo về Thiên Chúa - vốn có thể được nhìn dưới nhiều khía cạnh khác nhau theo quan niệm thực tại đa diện - và cũng có khả năng cứu độ con người. Và cứ theo lẽ ấy, đương nhiên các vị giáo chủ của các tôn giáo ấy cũng là những đấng cứu độ thế giới.

Tuyên ngôn Dominus Jesus mô tả những khuynh hướng rộng rãi đó như sau: Trong suy tư thần học đương thời, thường xuất hiện một sự nhích gần lại với Chúa Giêsu thành Nadarét, xem Người như là một gương mặt lịch sử, giới hạn, cá biệt. Người mạc khải thần linh không phải một cách độc chiếm, nhưng một cách bổ sung với các khuôn mặt khác có tính thiên khải và cứu độ. Mầu nhiệm vô tận, tuyệt đối và tối hậu của Thiên Chúa như vậy được tỏa ra cho nhân loại bằng nhiều cách thức và qua nhiều gương mặt lịch sử: Ðức Giêsu thành Nadarét là một trong những khuôn mặt đó. Cụ thể hơn, đối với một số người, Ðức Giêsu là một trong các gương mặt Ngôi Lời đã nhận lấy trong dòng thời gian để giao tiếp với nhân loại trong một phương cách cứu rỗi (Tuyên ngôn Dominus Jesus, no 9, 1). Tuyên ngôn nói thêm: Ðể biện minh tính phổ quát của mạc khải Kitô giáo cũng như thực tại đa nguyên tôn giáo, người ta nêu lên một nhiệm cục của Ngôi Lời vĩnh cửu, cũng có giá trị bên ngoài Giáo Hội, và không liên hệ gì với Giáo Hội, bổ sung cho nhiệm cục Ngôi Lời nhập thể. Nhiệm cục thứ nhất có giá trị phổ biến hơn nhiệm cục thứ hai, vì nhiệm cụ thứ hai chỉ dành cho người Kitô hữu, mặc dù sự hiện diện của Thiên Chúa tràn đầy hơn trong nhiệm cục thứ hai (Dominus Jesus, no 9, 2)

Chính vì có những khuynh hướng thần học đại loại như thế trong giới thần học của Giáo Hội Công giáo, nên để chỉnh đốn, Giáo Hội đã phải xác định lại rõ ràng lập trường của mình qua tông huấn Ecclesia in Asia, và nhất là mới đây qua tuyên ngôn Dominus Jesus.

2. Lập trường của Giáo Hội qua Dominus Jesus

Quan niệm thần học vừa nói trên có khuynh hướng coi Ðức Giêsu chỉ là một trong nhiều khuôn mặt vĩ đại đem lại nguồn mạc khải và cứu độ của Thiên Chúa. Ðiều này chắc chắn làm giảm thiểu hoặc xóa bỏ tính duy nhất trong vai trò cứu độ của Ðức Giêsu. Ðể chỉnh lại quan niệm quá rộng rãi này, tuyên ngôn Dominus Jesus xác định rõ lập trường trước sau như một của Kitô giáo:

- Cần phải tin vững vàng giáo lý đức tin về tính độc nhất của nhiệm cục cứu rỗi theo ý muốn của Thiên Chúa Ba Ngôi (Dominus Jesus, no 11, 1).

- Vì Thánh Kinh nói rõ: Chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Ðấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người, đó là một con người, Ðấng tự hiến và làm giá chuộc mọi người (1 Tm 2,4-6) (Dominus Jesus, no 13, 3). Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ, vì dưới gầm trời này, không có một Danh nào khác đã được ban cho nhân loại để chúng ta nhờ vào đó mà được cứu độ (Cv 4,12) (Dominus Jesus, no 13, 2).

- Vì thế, tuyên ngôn Dominus Jesus tuyên bố: Phải tin vững vàng như một chân lý đức tin Công giáo, là ý muốn cứu độ phổ quát của một Thiên Chúa Ba Ngôi được ban tặng và hoàn thành dứu khoát một lần trong mầu nhiệm nhập thể, tử nạn và phục sinh của Con Thiên Chúa (Dominus Jesus, no 14, 1).

B. SUY TƯ THẦN HỌC

Trong khuôn khổ bài báo này, chúng ta không tranh biện vấn đề, mà chỉ đơn thuần chấp nhận giáo huấn của Giáo Hội. Có điều là phải tìm cách hiểu giáo huấn của Giáo Hội sao cho phù hợp với sự đòi hỏi của lý trí mình.

Vấn đề nan giải và gây nhiều lẫn cẫn nhất vẫn là làm sao dung hòa được:

1. giữa tính duy nhất của vai trò cứu độ do Ðức Giêsu Kitô và tính phổ quát của sự cứu độ. Hay nói cách khác, giữa vai trò cứu độ duy nhất của Ðức Giêsu Kitô và vai trò cứu độ của các tôn giáo khác.

2. giữa việc coi các tôn giáo khác cũng là môi trường cứu độ của Thiên Chúa (do đó mọi người trong các tôn giáo khác cũng được cứu độ nếu họ trung thành sống đúng với truyền thống của tôn giáo họ), và sự cần thiết phải truyền giáo, phải phổ biến sứ điệp Kitô giáo.

Nhận vế trước thì dường như đồng nghĩa với phủ nhận vế sau, và ngược lại. Vậy, phải dung hòa cách nào giữa hai vế ấy?

1. Về sự cứu độ phổ quát nhưng duy nhất của Chúa Kitô

a) Thiên Chúa toàn năng, là Ðấng đã tạo dựng vũ trụ vạn vật với muôn hình muôn vẻ khác biệt nhau. Vì thế, để cứu độ mọi người và mặc khải sự thật cứu độ của Ngài cho toàn thể nhân loại, chắc chắn Ngài không thể chỉ dùng một phương tiện nghèo nàn duy nhất, mà sẽ dùng đủ mọi phương tiện khác nhau. Tình yêu vô biên của Ngài hẳn nhiên thúc đẩy Ngài sáng kiến ra nhiều phương cách hết sức có thể để cứu độ, không chỉ nhân loại mà còn cả vũ trụ nữa.

Tương tự như chính quyền một nước muốn cứu toàn dân khỏi những tai họa khủng khiếp nào đó. Nếu thực sự muốn cứu toàn thể dân chúng, chắc chắn chính quyền ấy sẽ không chủ trương chỉ thông báo về tai nạn đó duy nhất trên một tờ báo mà chỉ có 1/3 dân số đọc mà thôi, hay chỉ dành cho một cơ quan xã hội nào đó độc quyền ban phát những phương tiện hết sức cần thiết đó. Nếu chính quyền hành động kiểu ấy, ắt nhiên ai cũng hiểu họ muốn hạn chế ở một mức nào đó số người được cứu. Do đó, sự khôn ngoan hợp lý đòi hỏi chính quyền đó phải dùng bất cứ phương tiện nào mình có được, để mọi công dân trong nước - không trừ ai - đều biết được những thông tin quan trọng cần thiết và đều có được các phương tiện cần thiết để được cứu.

Như thế, chắc chắn các tôn giáo khác cũng đóng một vai trò quan trọng trong công trình cứu độ của Thiên Chúa. Vì đa số hay 2/3 nhân loại nằm trong các tôn giáo ấy, trong khi Kitô giáo chỉ chiếm thiểu số hay 1/3, nên muốn cứu rỗi nhân loại, thì chắc hẳn Thiên Chúa đã muốn dùng tới các tôn giáo ấy. Nếu không muốn như thế, thì ắt nhiên với tư cách là chủ tể của lịch sử, Người sẽ không để cho các tôn giáo khác ra đời trước Kitô giáo cả 5, 6 trăm năm, và để Kitô giáo vắng bóng tại Á Châu mãi cho đến thế kỷ thứ 15,16. Hiện nay Giáo Hội cũng đã xác nhận các tôn giáo là những môi trường cứu độ của Thiên Chúa, trong đó có Thánh Thần của Ngài hoạt động. Vì thế, những người trong các tôn giáo khác nếu sống đúng theo tinh thần truyền thống tôn giáo của họ, thì họ vẫn được cứu rỗi nhờ sống như thế. Ðương nhiên, theo niềm tin của người Kitô hữu, họ được cứu rỗi là do máu của chính Ðức Kitô đã đổ ra. Có như thế thì sự cứu độ của Ðức Kitô mới mang tính phổ quát được. Nếu không, sự cứu độ chỉ hạn hẹp trong Kitô giáo chứ không phải trải ra cho toàn nhân loại. Trước tiên phát xuất từ một mình Thiên Chúa, kế đến qua một mình Ðức Giêsu Kitô là trung gian cứu độ duy nhất giữa con người với Thiên Chúa. Nhưng sau đo, giữa Ðức Kitô và nhân loại (nghĩa là ở mức độ thấp hơn) có thể còn có nhiều trung gian khác (chẳng hạn: các giáo chủ các tôn giáo, các nhà truyền giáo, các thừa tác viên trong Giáo Hội, v.v...). Ðiều này không làm tổn thương tới tính duy nhất trong vai trò trung gian của Ðức Giêsu Kitô giữa Thiên Chúa và loài người (x. 1 Tm 2,5). Duy nhất, là Thiên Chúa qua Ðức Giêsu Kitô, nhưng sau đó nguồn ấy có thể đến với mọi người qua vô số ngả khác nhau. Không nên nghĩ rằng nguồn cứu độ duy nhất đó lại chỉ đến với con người qua một ngả duy nhất nữa. Thế thì ơn cứu độ làm sao phổ quát được?

2. Về sự cần thiết của việc truyền giáo

Khi nhìn nhận các tôn giáo khác là những môi trường cứu độ của Thiên Chúa, có Thánh Thần của Ngài hoạt động trong các tôn giáo, và các tín đồ tôn giáo khác có thể được cứu độ trong truyền thống tôn giáo của họ, thì sẽ phát sinh một vấn đề mới là: như thế thì đâu cần thiết phải truyền giáo nữa?

Thật ra, việc truyền giáo của Kitô giáo không thể vì thế mà mất ý nghĩa hay trở nên không cần thiết. Vì:

Bản chất của việc truyền giáo là Phúc âm hóa các dân tộc, tức làm cho họ sống theo tinh thần Tin Mừng, hơn là Kitô hóa, tức làm cho họ trở nên Kitô hữu. Có nhiều Kitô hữu cần phải được tái Phúc âm hóa đang khi có những người ngoại giáo lại sống đúng tinh thần Phúc Âm hơn nhiều người Kitô giáo. Nếu Ðức Kitô đã ra lệnh cho chúng ta truyền giáo hay Phúc âm hóa các dân tộc, rửa tội cho họ, thì chúng ta cứ việc thi hành điều đó. Vậy, chúng ta thi hành điều đó không phải vì nếu người ta không vào Kitô giáo thì sẽ không được ơn cứu rỗi, mà vì thế giới cần phải được Phúc âm hóa để trở thành Nước Trời, và vì đó là lệnh truyền của Ðức Kitô.

Hiện nay thế giới đang càng ngày càng xa rời tinh thần Phúc Âm, thậm chí trong Kitô giáo. Chính các tôn giáo khác một cách nào đó cũng đang Phúc âm hóa thế giới, theo cách thức riêng của họ. Chúng ta cần trân trọng cách thức của họ. Trong bối cảnh nhìn nhận các tôn giáo khác cũng là những môi trường cứu độ của Thiên Chúa, thì vấn đề cần phải đặt ra là xác định lại: truyền giáo là gì? Phúc Âm hóa là gì? vai trò của Giáo Hội đối với thế giới là gì?

Chúng ta cứ việc làm chứng cho Chúa Kitô trước thế giới trong cung cách khiêm cung của Chúa Kitô. Cách thức làm chứngcho Ngài có thể còn quan trọng hơn chính việc làm chứng của chúng ta. Làm chứng một cách đầy kiêu hãnh, đề cao tôn giáo của mình một cách không thích đáng thì còn tệ hại hơn cả việc không làm chứng. Chứng từ của ta nhiều khi hệ tại cách làm chứng hơn là nội dung làm chứng.

Nếu thực tại có nhiều mặt và các mặt đó khác nhau, thì chân lý ắt cũng có nhiều mặt và có nhiều cách diễn tả khác nhau. Ðiều quan trọng là người Kitô hữu phải nhận ra được Lời hay Chân Lý của Chúa Kitô trong cách diễn tả của các tôn giáo khác. Chúng ta thử nghĩ xem nếu Ðức Kitô nhập thể làm người trong một nền văn hóa khác với văn hóa Do Thái (chẳng hạn văn hóa Trung Hoa hay Ấn Ðộ), thì Ngài sẽ nói gì và nói thế nào để diễn tả Chân lý của Ngài cho phù hợp với văn hóa và hoàn cảnh dân tộc ấy. Và thử nghĩ xem nếu khởi đầu thần học truyền thống được suy tư và khai triển trong một nền văn hóa khác với văn hóa của Tây Phương (chẳng hạn văn hóa Ðông Phương), thì thần học đó sẽ thế nào? Lúc đó, chắc hẳn cách hiểu và diễn tả Chân lý của Ðức Giêsu cũng như của thần học truyền thống sẽ không cùng một cách như chúng ta đang có hiện nay trong Giáo Hội, vốn mang nặng sắc thái văn hóa và não trạng nhị nguyên của Tây phương. Thực tại và chân lý chỉ có một, nhưng có vô số cách nhìn và cách diễn tả khác nhau ứng với vô số mặt khác nhau của thực tại: khác nhau nhưng đều đúng và bổ túc lẫn nhau (định luật đa diện và đa dạng trong vũ trụ).

Cách diễn tả Thiên Chúa hay chân lý của các tôn giáo có thể rất khác với cách diễn tả của chúng ta, và những phương diện của chân lý mà họ chứng nghiệm được cũng có thể khác với phương diện mà chúng ta cảm nghiệm được. Chúng ta nên tìm hiểu những phương diện và những cách diễn tả đó để có thể hiểu sâu, rộng và toàn diện hơn mầu nhiệm Thiên Chúa và chân lý của Chúa Kitô. Vấn đề là: khả năng diễn tả của ngôn ngữ và khả năng hiểu về mầu nhiệm Thiên Chúa của con người thì rất giới hạn. Những gì có thể nói về Thiên Chúa siêu việt thì luôn luôn vượt khỏi ngôn ngữ, vượt khỏi những định thức diễn tả. Thánh Kinh hay Lời Chúa là những định thức diễn tả mầu nhiệm Thiên Chúa bằng ngôn ngữ loài người, cho dù do Chúa Giêsu Kitô nói ra, cũng phải được hiểu là rất giới hạn so với mầu nhiệm bao la và đa diện ấy. Những cách diễn tả của các tôn giáo khác vẫn có thể bổ túc hay làm phong phú hóa cách hiểu của người Kitô hữu về mầu nhiệm Thiên Chúa. Cho rằng Lời của Ðức Giêsu Kitô được hiểu theo cách thức của Giáo Hội là hoàn toàn đầy đủ về Thiên Chúa, thì như thế quả là coi mầu nhiệm Thiên Chúa quá giới hạn và tầm thường đến nỗi ngôn ngữ con người có thể nói hết, và trí óc con người có thể hiểu hết. Ðang khi đó, những điều nói về thế giới hữu hạn này thì cho tới nay con người hết thế hệ này sang thế hệ kia nói hoài vẫn chưa hết. Nỗ lực tìm hiểu thế giới và vũ trụ này của nhân loại nhiều gấp bội nỗ lực tìm hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa, thế mà khoa học càng tiến thì lại càng thấy quá nhiều điều mình chưa biết về thế giới và vũ trụ vốn hữu hạn này. Lẽ nào những điều nói về Thiên Chúa vô hạn trong Kinh Thánh, trong các kinh điển Kitô giáo đã đầy đủ cả, không có gì cần phải thêm vào nữa? Thiên Chúa ấy còn hữu hạn và dễ hiểu hơn cả thế giới nhỏ bé này chăng?

Ðúng hơn nên hiểu rằng: tất cả mọi cách diễn tả về Thiên Chúa của con người, cho dù là của Ðức Kitô, của các vị Giáo chủ khác, cũng như của Giáo Hội và của các tôn giáo khác cộng lại, cũng không thể diễn tả hết được mầu nhiệm vô cùng phong phú và đa diện của Thiên Chúa. Hiểu như thế, ta sẽ thấy được chỗ đứng hay vai trò của các tôn giáo khác. Những gì có thể diễn tả về Thiên Chúa mà chưa diễn tả ra, chắc chắn nhiều hơn gấp bội những gì đã từng được diễn tả. Tương tự như những gì có thể nói và viết về vũ trụ hay thế giới hữu hạn này thì nhiều hơn gấp bội so với những gì con người đã viết hay đã nói ra được.

Vả lại, mặc khải về Thiên Chúa qua Ðức Giêsu Kitô không phải là duy nhất: Thiên Chúa còn tự mặc khải về Ngài qua thiên nhiên, qua lương tâm con người, và đặc biệt qua các ngôn sứ. Các ngôn sứ không chỉ có trong Do Thái giáo, mà chắc chắn còn có trong các tôn giáo khác, các nền văn hóa khác nữa. Những nguồn mặc khải đó có thể bổ túc hoặc soi sáng lẫn nhau, hay cho sự hiểu biết hạn hẹp của ta về mầu nhiệm Thiên Chúa.

Nếu chấp nhận có Thiên Chúa hoạt động qua Thánh Thần của Ngài trong các tôn giáo khác, thì người Kitô hữu chúng ta phải tập nhìn ra cách hiện diện của Thiên Chúa và sự hoạt động của Thánh Thần Ngài trong các tôn giáo ấy. Ðể phù hợp với từng nền văn hóa, từng dân tộc, thì cách hiện diện và hoạt động ấy có thể rất khác với cách hiện diện và hoạt động của Ngài trong tôn giáo của chúng ta. Và nếu có Thiên Chúa hoạt động qua Thánh Thần của Ngài trong các tôn giáo khác, thì chắc chắn tín đồ các tôn giáo ấy có thể tham dự vào mầu nhiệm Thiên Chúa, và gặp gỡ Chúa Kitô một cách nào đó khác với cách thức của chúng ta. Có thể cách của chúng ta không phải là duy nhất. Ðiều này đã được Công Ðồng Vatican II xác nhận (xem Vui mừng và hy vọng, no 22, 5).

Vấn đề truyền giáo không phải là làm sao để người khác tôn giáo với chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa hay Chúa Kitô theo cách thức mà chúng ta đã từng kinh nghiệm, mà theo cách thức riêng biệt Chúa dành cho họ. Ðiều quan trọng là họ có thật sự gặp được Ðức Kitô và Thánh Thần của Ngài, đồng thời có thật sự hưởng được những ân sủng thánh hóa và biến đổi đời sống họ hay không. Kinh nghiệm của những người sinh hoạt trong nhiều tôn giáo để giúp các tín đồ sống đúng tinh thần tôn giáo họ là: khi giúp một người Kitô hữu biết nội tâm hóa Ðức Kitô, để có thể cảm nghiệm được tình trạng tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Ðức Kitô sống trong tôi, và khi giúp một người Phật tử biết nội tâm hóa Ðức Phật, để họ cảm nghiệm được rằng tâm mình chính là Phật, thì người ta thấy đời sống tâm linh của hai người thay đổi và phát triển tương tự như nhau. Ðức Kitô và Ðức Phật là hai nhân vật lịch sử khác nhau, nhưng khi được nội tâm hóa trong mỗi người, thì hai vị ấy dường như chỉ là hai danh từ khác nhau của cùng một thực tại sống động duy nhất - mà tôi nghĩ đó là Thánh Thần - vì có tác động rất giống nhau trên tâm hồn của con người.

Về những câu Thánh Kinh nói về tính phổ quát và duy nhất của Chúa Kitô, chúng ta cần xác định lại một cách có nền tảng (foundational), nhưng không nên hiểu hay chú giải những câu ấy một cách quá cố chấp theo nghĩa đen (fundamentalist).

C. SUY TƯ MỤC VỤ
1. Khó khăn trong việc loan báo Ðức Giêsu Kitô là Ðấng Cứu Ðộ duy nhất của nhân loại

Số 19 và 20 của tông huấn Giáo Hội tại Á châu nhấn mạnh tới đối tượng chính của việc loan báo Tin Mừng là xác định: Chúa Giêsu Kitô là Ðấng Cứu Thế duy nhất của nhân loại.

Tại Á châu đã có nhiều tôn giáo lớn, mà trong đó Kitô giáo chỉ là thiểu số. Về mặt lý thuyết, do ảnh hưởng của triết lý động và đa diện, các tôn giáo Á châu có tính dung nạp cao, nghĩa là có thể chấp nhận rằng các tôn giáo khác mình cũng đúng. Nói khác đi, hầu như mỗi tôn giáo Á châu đều có thể nhìn nhận giáo chủ của các tôn giáo khác cũng là những vị có thiên cảm, do từ trên sai xuống, hay là Ðấng cứu thế. Vì thế, các tín đồ tôn giáo khác có thể chấp nhận Ðức Giêsu là một Ðấng Thiên Sai, một vị cứu tinh của nhân loại, một vị có nguồn gốc thần linh, v. v. mà không có gì trở ngại với lý thuyết của họ.

Vì thế, nếu Kitô giáo loan báo Ðức Giêsu Kitô là một Ðấng cứu tinh của nhân loại, thì điều đó không có gì trở ngại và rất nhiều người công nhận, cho dù trong các tôn giáo khác. Nhưng nếu người Kitô hữu muốn đi xa hơn, là rao giảng Ðức Giêsu Kitô là Ðấng cứu độ duy nhất, thì quả thực điều này thực khó chấp nhận đối với những người đang theo một tôn giáo Á châu khác. Những tín đồ các tôn giáo ấy chưa được đào tạo, hay chưa có một căn bản sâu xa về giáo thuyết tôn giáo thì còn có thể dễ dàng chấp nhận điều ấy. Nhưng đối với những tín đồ đã chịu ảnh hưởng sâu xa giáo lý của các tôn giáo ấy, điều ấy quả rất khó chấp nhận.

Nhìn nhận Ðức Giêsu Kitô là Ðấng Cứu Tinh duy nhất, đồng nghĩa với phủ nhận tính cứu tinh của vị giáo chủ họ đang theo. Vì duy nhất có nghĩa là chỉ người ấy, vật ấy chứ không còn ai hay cái gì khác. Thật vậy, nói Ðức Kitô là Ðấng Cứu độ duy nhất cũng đồng nghĩa với nói: Ðức Phật không phải là Ðấng cứu độ đâu nhé! Các giáo chủ khác cũng vậy. Câu nói ấy có thể làm tổn thương tín đồ các tôn giáo khác, và làm sứt mẻ tình đoàn kết giữa Kitô giáo và các tôn giáo khác. Trong xã hội, ta có quyền tin rằng mình là người giỏi hay đạo đức nhất thế giới, và không ai có quyền trách cứ ta. Nhưng tuyên bố điều đó ra trước công chúng sẽ gây xúc phạm đến nhiều người khác, vì nói như thế đồng nghĩa với nói tất cả mọi người đều kém tôi ! .

Cũng nên nghĩ rằng không chỉ trong Kitô giáo, mà trong bất kỳ tôn giáo nào, các tín đồ đều tin rằng vị giáo chủ của tôn giáo mình là Ðấng cứu tinh Số Một, lớn nhất, vĩ đại nhất - chứ không nhất thiết là duy nhất - của nhân loại. Nếu tin khác thì họ đâu còn ở trong tôn giáo ấy làm chi nữa. Vì thế, Ðức Giêsu đối với họ, nếu có là vị cứu tinh, thì chắc chắn phải là một vị cứu tinh nhỏ hơn giáo chủ của họ. Việc rao giảng hay xác định Ðức Giêsu Kitô là Ðấng cứu độ lớn nhất thì họ còn có thể chấp nhận được, vì họ cũng xác định tương tự như vậy về giáo chủ của họ. Nhưng xác định giữa thế giới rằng Ngài là Ðấng cứu độ duy nhất, thì đối với họ, có thể là một điều xúc phạm, chạm tự ái tập thể, hay ít nhất là chói tai, khó có thể chấp nhận được. Chắc chắn rằng chạm tự ái tập thể thì khiến người ta dễ nổi giận, dễ gây mất thiện cảm hơn là chạm tự ái cá nhân.

Thiết tưởng chúng ta cần nhậy bén hơn trong vấn đề tâm lý này. Cứ đặt mình vào địa vị của họ thì sẽ dễ hiểu hơn. Giả như có tôn giáo nào xác định một cách công khai trên những phương tiện truyền thông xã hội rằng chỉ có vị giáo chủ của họ là vị cứu tinh duy nhất của nhân loại, ta sẽ suy nghĩ thế nào. Chắc chắn chúng ta sẽ nghĩ rằng xác định ấy quả là hợm hĩnh, thậm chí trâng tráo, và chúng ta khó có thiện cảm với một tôn giáo như thế. Vì chưa gì hết, tôn giáo ấy đã xúc phạm đến vị giáo chủ mà mình sùng thượng trên hết mọi người rồi. Như thế, họ làm đã chúng ta mất thiện cảm ngay từ đầu, và những gì họ rao giảng về vị giáo chủ của họ đều trở nên tiên thiên không thể chấp nhận được. Tục ngữ có câu: Yêu nhau thì trái ấu cũng tròn, ghét nhau thì trái bồ hòn cũng méo.

Một điều rất đáng lưu ý là cần phải xác định lại ý nghĩa của từ cứu độ trong Kitô giáo và trong các tôn giáo. Chúng ta không thể phủ nhận tính cứu độ hay giải thoát cũng như khả năng, giá trị cứu độ và giải thoát trong các tôn giáo khác. Khi một người Kitô hữu tuyên xưng Ðức Kitô là Ðấng Cứu độ duy nhất, thì chắc chắn từ cứu độ ấy hoàn toàn không có nghĩa chung chung như trong tự điển hay như mọi người thường hiểu. Nhưng nó có một ý nghĩa đặc thù mà chỉ người Kitô hữu mới thường hiểu đúng theo quan niệm cánh chung luận riêng biệt của họ. Nếu từ cứu độ ấy chỉ mang một ý nghĩa cá biệt, và theo ý nghĩa ấy thì chỉ có một mình Ðức Giêsu Kitô là Ðấng Cứu thế mà thôi, thì lời tuyên xưng mang tính loại trừ ấy - nếu không được giải thích rõ ràng và đúng đắn một cách công cộng để ai cũng hiểu - không nên đem phổ biến ở những chỗ công cộng, nơi tất cả mọi người đều có thể nghe hay nhìn thấy. Nếu từ cứu độ ấy mà hiểu theo nghĩa chung trong tự điển, thì từ duy nhất trong câu ấy là hoàn toàn sai. Biết bao nhiêu người đã từng cứu độ cả thế giới nhờ những phát minh khoa học, những sáng kiến chính trị, hoặc những giáo lý tôn giáo, v.v.

2. Phương cách loan báo Ðức Giêsu Kitô là Ðấng cứu độ duy nhất

Tuy nhiên, người Kitô hữu vẫn có bổn phận phải tin, đồng thời tuyên xưng và rao truyền chân lý ấy cho mọi người. Ðó là một thách đố hết sức gay go cho người Kitô hữu. Về Công Ðồng này, tông huấn Giáo Hội tại Á Châu chủ trương rằng phải nói sự thật trong tình bác ái. Vì thế, dù có kính nể các tôn giáo khác đến đâu thì chúng ta cũng phải mạnh dạn rao giảng điều mình tin hay xác tín. Ðể nói sự thật trong tình bác ái một cách tốt đẹp và có hiệu quả trong hoàn cảnh hết sức phức tạp tại Á châu này, tông huấn Giáo Hội tại Á Châu đã đề nghị: Muốn giới thiệu Ðức Giêsu Kitô là Vị Cứu Tinh duy nhất, chúng ta cần phải theo một phương pháp sư phạm, đưa người ta dần dần tới chỗ thủ đắc trọn vẹn mầu nhiệm ấy (Ecclesia in Asia, no 20, 5). Và tông huấn đã đề ra một tiến trình mang tính tiệm tiến gồm hai bước: bước đầu là phúc âm hóa sơ khởi cho những người ngoài Kitô Giáo(nt), nghĩa là những người chưa tin, và bước sau là tiếp tục loan báo Ðức Giêsu cho những người đã tin (nt). Ðó là hai công việc phải được tiến hành khác nhau (nt). Do đó, việc tuyên xưng chân lý này phải được tiến hành lần lượt theo hai giai đoạn hay hai bước:

Nói với người chưa tin nghĩa là với những người còn ở trong các tôn giáo khác, ta chỉ nên xác định Ðức Giêsu Kitô là vị cứu tinh, ít ra cũng là một vị cứu tinh như các vị giáo chủ khác. Tông huấn chủ trương phải giới thiệu Ðức Giêsu Kitô như Ðấng thỏa mãn những khát vọng sâu xa của con người, được diễn tả qua các thần thoại và văn chương dân gian của các dân tộc Châu Á (Ecclesia in Asia, no 20, 5). Nói như thế, người chưa tin có thể chấp nhận được. Từ chấp nhận đến tin theo là một bước tương đối có thể thực hiện được. Sau khi chấp nhận Ðức Giêsu cũng là một vị cứu tinh của nhân loại, họ có thể tìm hiểu về đời sống, các lời nói, việc làm và giáo huấn của Ngài, nhờ đó, họ bắt đầu tiếp xúc với Ngài bằng cầu nguyện. Ðiều quan trọng trong thời gian này là làm sao để họ có được sự tiếp xúc cá nhân với Ðức Kitô. Và một khi họ đã cảm nghiệm được sự hiện diện và tác động có thực của Ngài trong đời sống họ, và nhận ra Ngài đem lại bình an và hạnh phúc cho tâm hồn họ, thì họ sẽ gắn bó với Ngài nhiều hơn.

Nói với người đã tin: Từ việc tin Ngài là một Ðấng Cứu Thế của nhân loại, và nhất là từ việc cảm nghiệm được Ngài đến việc tin Ngài là Ðấng cứu tinh duy nhất của nhân loại cũng là một bước có thể xảy ra. Và bước thứ hai này cũng phải là một bước phối hợp chặt chẽ giữa tác động thần linh và siêu nhiên của Ðức Kitô và Thánh Thần của Ngài, với sự thúc đẩy khích lệ bằng lý thuyết, gương sáng và tình cảm mang tính nhân loại của ta.

Một tiến trình tiệm tiến gồm hai bước như thế giúp ta thực hiện được tốt đẹp và hữu hiệu chủ trương của tông huấn Giáo Hội tại Á Châu là phải nói sự thật trong tình bác ái về Ðức Giêsu Kitô là Ðấng Cứu Ðộ duy nhất.

Nếu đối với những người chưa tin mà ta đã vội vã đốt giai đoạn, áp dụng ngay bước thứ hai, là xác định Ðức Giêsu Kitô là Cứu Chúa duy nhất, thì chẳng những vô bổ mà còn có hại nữa. Nó làm cho người chưa tin còn ở trong các tôn giáo khác mất thiện cảm với ta, đồng thời có thành kiến xấu và dị ứng với lời xác định đó. Hành động như thế chỉ cho thấy là chúng ta rao giảng một cách không có kế hoạch và thiếu khôn ngoan. Thật là chướng mắt đối với các tín đồ tôn giáo khác khi thấy ở cuối các nhà thờ Công giáo có biểu ngữ Ðức Giêsu Kitô là Ðấng Cứu Ðộ duy nhất của nhân loại. Một khi họ đã thấy chướng mắt và bực bội vì bị xúc phạm, thì lời tuyên xưng ấy còn tác dụng gì tích cực đối với họ nữa, nếu không muốn nói là hoàn toàn phản tác dụng?

Sự thật không phải lúc nào, nơi nào cũng nên nói và có thể nói một cách trắng trợn. Nói lúc nào, nói ở đâu mới thuận lợi, hay nói trong hoàn cảnh nào và nói thế nào mới thích hợp, đó là những điều quan trọng không kém việc phải nói cái gì, nhất là khi phải rao giảng một sự thật chói tai. Hãy rút ra bài học từ kinh nghiệm chua chát của thánh Phaolô tại Athêna trước hội đồng Arêôpagô. Các trí thức Hy Lạp đang thích thú và say mê nghe thánh Phaolô giảng về Thiên Chúa và về Ðức Kitô. Xem ra họ có thiện cảm với bài giảng của ngài. Nhưng khi ngài vừa đề cập tới sự sống lại, thì lập tức họ bỏ đi liền, không thèm nghe nữa, vì theo quan niệm của họ, việc sống lại tiên thiên là phi lý (xem Cv 17, 22-34). Ðấy là thánh Phaolô mới nói một điều đi ngược lại với quan niệm của họ, chứ chưa đụng chạm gì tới tự ái tập thể của họ. Nếu đụng chạm tới tự ái tập thể, phản ứng chắc chắn sẽ mạnh hơn nhiều. Có lẽ thánh Phaolô đã hơi nóng vội và đốt giai đoạn. Người Hy Lạp đâu phải là không thể tin việc sống lại, bằng chứng là hiện nay, đa số người Hy Lạp tin theo Kitô giáo, nghĩa là họ đã tin việc Ðức Kitô sống lại. Lúc nghe Thánh Phaolô nói, họ chưa thể - chứ không phải là không thể - tin được một điều đưa ra quá đột ngột ngược hẳn lại quan niệm họ đang có. Một sự thật khó chấp nhận, thì cần phải có thời gian và sự chuẩn bị mới có thể chấp nhận được. Ðó là một luật về tâm lý.

Theo linh mục Phan đình Cho, là giáo sư và là nhà thần học quốc tịch Mỹ gốc Việt nổi tiếng, vấn đề Ðức Giêsu là Ðấng Cứu Ðộ duy nhất là vấn đề lý thú có lẽ trong thần học, nhưng là một kiểu nói vô bổ trong giảng dậy và giáo lý. Nguyên do là vì mục tiêu trực tiếp của việc Loan Báo Tin Mừng là làm cho người ta đón nhận Ðức Giêsu là "Ðấng Cứu Ðộ của họ" (personal Savior) - nếu muốn dùng cách nói mà các Ki-tô hữu thuộc Phong trào Thánh Linh rất thích dùng - chứ không phải là "Ðấng Cứu Ðộ duy nhất" . Ðiều được nhắm tới là sự dấn thân có tính cá nhân và trọn vẹn của người tân tòng đối với Ðức Giêsu, chứ không phải là sự khước từ việc có thể có những cách thức khác mà Thiên Chúa có thể dùng để đến với người khác.

Câu hỏi mang tính sống còn vượt trên tất cả không phải là các dân tộc khác có thể được cứu độ hay không và được cứu độ bằng cách nào, nhưng là câu hỏi "bằng cách nào tôi có thể đi vào mối quan hệ cá vị (personal) với Thiên Chúa một cách sung mãn". Khi một người nào đó đã khám phá ra rằng Ðức Giêsu là con đường giúp người ấy đạt tới Thiên Chúa thì lúc đó với kinh nghiệm cá nhân của mình, người ấy có thể làm chứng về sự kiện ấy với người khác. Sức mạnh và lòng nhiệt thành của chứng nhân không phát sinh từ sự xác tín có tính thần học rằng Ðức Giêsu là Ðấng Cứu Ðộ duy nhất nhưng xuất phát từ kinh nghiệm sâu xa rằng Người là Ðấng Cứu Ðộ của tôi (personal Savior for me).

Trong giảng dậy khi tôi bị hỏi về các tôn giáo khác và về các khuôn mặt cứu độ khác thì tôi sẽ phải công nhận, một cách vui vẻ và biết ơn rằng các tôn giáo và các khuôn mặt cứu độ khác có nhiều yếu tố tốt và có sự hiện diện cứu độ của Thánh Thần Thiên Chúa nơi họ; nhưng tôi sẽ làm chứng rằng Ðức Giêsu là con đường cho tôi đến với Thiên Chúa và tôi sẽ mời họ thử đi vào con đường này xem. Nếu họ chấp nhận Ðức Giêsu là con đường của họ để tới Thiên Chúa thì khi ấy tôi mới cho họ thấy rằng Ðức Giêsu là Ðấng Cứu Ðộ phổ quát và duy nhất, nghĩa là Ðấng Cứu Ðộ của tôi cũng như của những người khác.

Kết luận

Chân lý lúc nào cũng là chân lý. Nhưng nói chân lý thì không phải lúc nào, nơi nào, cách nào, gặp đối tượng nào cũng có thể nói hay nên nói. Một lời nói rất hay mà nói không đúng lúc, đúng nơi, đúng người, đúng cách, thì dù hay cách mấy cũng trở thành dở, nghĩa là không có tác dụng, không ảnh hưởng được trên ai, mà thậm chí còn gây hiểu lầm, chê bai. (xem Mt 7,6).

Vì thế, về việc tuyên xưng tính duy nhất của Ðức Kitô, thì trong nội bộ Giáo Hội, cần thiết phải rao giảng và nhấn mạnh rằng Ðức Giêsu Kitô là Ðấng Cứu Thế duy nhất của nhân loại. Một người không tin điều này thì không phải là một Kitô hữu đích thực. Nhưng cần thận trọng và khôn khéo khi diễn tả niềm tin ấy nơi công cộng, trước các tín đồ tôn giáo khác. Chẳng hạn không nên tuyên xưng như thế trên những biểu ngữ trước các nhà thờ của Giáo Hội, trên những đài phát thanh công cộng vượt khỏi khuôn khổ nội bộ Kitô giáo, hay trong những cuốn sách không dành cho người Kitô hữu. Hãy nhớ lại phản ứng của một số Phật tử trước tư tưởng của Ðức Gioan-Phaolô II về Phật giáo viết trong cuốn Bước vào Hy vọng, được phổ biến vượt khỏi khuôn khổ nội bộ Giáo Hội. Vì chữ duy nhất ở đây đồng nghĩa với việc phủ nhận những vị cứu độ khác, đang khi các tín đồ tôn giáo khác luôn luôn coi giáo chủ của họ mới là Ðấng cứu độ vĩ đại nhất.

Tốt nhất, đối với các tôn giáo khác, người Kitô hữu nên giữ thái độ khiêm nhường, tự hạ và bao dung như cách cư xử của Chúa Kitô. Nhưng nếu cần, cũng phải dám nói lên sự thật của mình, đương nhiên một cách khôn khéo tế nhị. Ðiều quan trọng là phải khiêm mà dũng. Làm như thế, các tín đồ tôn giáo khác dễ có thiện cảm và lưu tâm tới sứ điệp mà chúng ta rao giảng hơn. Sự tự hào của mình sẽ làm cho người ta ngoảnh mặt đi nhiều hơn là hấp dẫn họ đến với mình.

NGUYỄN CHÍNH KẾT


Trở về Trang Mục Lục Giáo Hội
Trở Về Trang Nhà