Bài trình bày về

Tuyên Ngôn Dominus Jesus (Chúa Giêsu)
Của Ðức Hồng Y Ratzinger,
Bộ Trưởng Bộ Giáo Lý Ðức Tin

6/9/2000 Trong cuộc họp báo ngày 5/9/2000 để giới thiệu Tuyên Ngôn Dominus Jesus (Chúa Giêsu), Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger, bộ trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Ðức Tin đã cho biết về bối cảnh ra đời của tuyên ngôn như sau:

"Trong cuộc tranh luận sôi nổi hiện nay về tương quan giữa Kitô Giáo và các tôn giáo khác, một ý tưởng ngày càng được phổ biến cho rằng tất cả các tôn giáo đều là những con đường cứu độ hữu hiệu như nhau cho các tín đồ. Ðây là một xác tín hiện được phổ biến không những nơi giới thần học mà thôi, nhưng cả trong các môi trường rộng lớn hơn nơi dư luận quần chúng Công Giáo cũng như không Công Giáo, nhất là nơi dư luận chịu ảnh hưởng nhiều của trào lưu văn hóa đang chiếm ưu thế tại tây phương, trào lưu mà ta có thể định nghĩa chắc chắn là chủ thuyết tương đối hóa.

Cái gọi là thần học về đa nguyên tôn giáo thật ra đã dần dần được củng cố từ cuối thập niên 50 của thế kỷ 20 nhưng chỉ ngày nay nó mới đạt đến tầm quan trọng lớn lao đối với nhiều tín hữu Kitô. Thứ thần học đó có nhiều hình thái khác nhau và bản tuyên ngôn này không chủ trương mô tả những nét nòng cốt của các xu hướng thần học ấy hoặc tóm tắt chúng trong một công thức duy nhất. Ðúng ra, văn kiện này chỉ nêu lên một số quan niệm thuộc lãnh vực triết lý cũng như thần học làm cơ bản cho nhiều thứ thần học về đa nguyên tôn giáo đang phổ biến ngày nay. Ðó là:

Xác tín cho rằng chân lý về Chúa là điều không thể lãnh hội và diễn tả hoàn toàn được.

·  Thái độ tương đối hóa đứng trước sự thật để rồi cho rằng một điều là sự thật đối với người này có thể không phải là sự thật đối với người khác.

·  Thái độ nhấn mạnh thái quá sự đối nghịch sâu đậm giữa não trạng lý luận tây phương và não trạng tượng hình của đông phương.

·  Thái độ chủ quan thái quá của những người coi lý trí như nguồn mạch duy nhất của tri thức.

·  Sự tước bỏ hết ý nghĩa siêu hình của mầu nhiệm Nhập Thể.

·  Thái độ triết trung của những người khi suy tư thần học lựa lọc những phạm trù xuất phát từ những hệ thống triết lý và tôn giáo khác mà không để ý đến sự hòa hợp nội tại của chúng với nhau và không thấy rằng chúng không thể dung hợp với đức tin Kitô Giáo được .

·  Cuối cùng là khuynh hướng giải thích các văn bản Kinh Thánh vượt ra ngoài truyền thống và huấn quyền của Giáo Hội "

Ðức Hồng Y Ratzinger nhận xét rằng "Hậu quả căn bản của lối suy tư và cảm nghĩ như thế đối với trung tâm điểm và nòng cốt của đức tin Kitô là người ta loại bỏ sự đồng nhất giữa nhân vật lịch sử có một không hai là Ðức Giêsu thành Nazareth với chính thực tại Thiên Chúa, Thiên Chúa hằng sống. Họ cho rằng điều là tuyệt đối, hoặc đấng là tuyệt đối không hề có thể hiện hữu trong lịch sử trong một sự mạc khải trọn vẹn và chung kết. Theo họ, trong lịch sử chỉ có những kiểu mẫu, những nhân vật lý tưởng đưa chúng ta tới những việc hoàn toàn khác, đến những đấng mà ta không thể hiểu đúng ngài như ngài hiện thực. Một số nhà thần học ôn hòa hơn tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật nhưng cho rằng vì sự giới hạn nơi bản tính nhân loại nơi Chúa Giêsu nên mạc khải của Thiên Chúa nơi Người không thể được coi là trọn vẹn và chung kết nhưng phải luôn được cứu xét trong tương quan với các mạc khải khác của Thiên Chúa. Những mạc khải này có thể được biểu hiện nơi các thiên tài trong các tôn giáo khác của nhân loại và nơi những người thành lập các tôn giáo trên thế giới. Như thế, nói một cách khách quan, người ta đưa ra ý tưởng sai lầm cho rằng các tôn giáo trên thế giới bổ túc cho mạc khải của Kitô Giáo và hiển nhiên là theo họ, cả Giáo Hội lẫn tín lý và các phép bí tích không thể có giá trị cần thiết tuyệt đối. Họ nói khi gán cho các phương tiện hữu hạn ấy một đặc tính tuyệt đối và coi chúng như dụng cụ gặp gỡ thực sự với chân lý của Thiên Chúa có giá trị phổ quát, tức là đặt trên một bình diện tuyệt đối một điều chỉ có tính chất đặc thù mà thôi, và làm như thế là bóp méo thực tại vô biên của một Thiên Chúa hoàn toàn khác.

Dựa trên những quan niệm đó, người ta cho rằng chủ trương của Giáo Hội về một chân lý phổ quát, có tính chất bắt buộc và có giá trị trong chính lịch sử và chân lý ấy được thể hiện trong Chúa Giêsu Kitô, được thông truyền lại nhờ đức tin của Giáo Hội là một chủ thuyết cực đoan làm thương tổn đến tinh thần tân tiến và là một đe dọa chống lại tinh thần bao dung và tự do.

Chính ý niệm đối thoại mà họ sử dụng cũng có một ý nghĩa hoàn toàn khác với ý nghĩa như công đồng chung Vatican II đã hiểu. Ðối thoại hay đúng ra là ý thức hệ đối thoại được người ta dùng để thay thế cho việc truyền giáo và lời mời gọi phải cấp thiết hoán cải. Ðối thoại không còn là con đường để khám phá chân lý nữa, không còn là tiến trình qua đó người ta bày tỏ cho tha nhân kinh nghiệm sâu xa của mình về tôn giáo và kinh nghiệm ấy chờ đợi được hoàn thành và được thanh tẩy trong cuộc gặp gỡ với mạc khải chung kết và trọn vẹn của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô. Ðối thoại trong những quan điểm ý thức hệ mới, đối với nhiều người, kể cả nơi những nhà thần học và văn hóa Công Giáo có nghĩa là không còn tín lý nữa hay tín lý bị tương đối hóa và đối thoại có nghĩa là sự trái ngược với hoán cải và truyền giáo. Theo quan niệm tương đối hóa, đối thoại có nghĩa là đặt trên một bình diện như nhau lập trường của mình, hoặc chính đức tin của mình với những xác tín của người khác đến độ tất cả chỉ là trao đổi những lập trường hoàn toàn ngang hàng nhau và vì thế tương đối với nhau để nhắm tới mục đích cao hơn là làm sao đạt tới tối đa sự cộng tác và liên kết giữa các quan niệm tôn giáo khác nhau.

Sự hủy bỏ Kitô học và sự giải trừ Giáo Hội gắn liền với Kitô học là một kết luận tất nhiên của triết lý tương đối hóa như vừa nói trên. Thứ triết lý này làm nền tảng cho tư tưởng hậu siêu hình học ở tây phương và cho nền thần học tiêu cực của Á Châu. Hậu quả là Chúa Giêsu Kitô không còn tính chất độc nhất vô nhị và phổ quát về cứu độ nữa. Hậu quả thứ hai là chủ thuyết tương đối hóa trong cuộc gặp gỡ với các văn hoá được coi như một triết lý đích thực của nhân loại có khả năng bảo đảm tinh thần khoan dung và dân chủ nên nó đưa tới sự gạt ra ngoài lề những người nào kiên trì trong việc bảo vệ bản sắc độc đáo Kitô Giáo và quyết tâm bảo vệ chân lý phổ quát và cứu độ của Chúa Giêsu Kitô. Trong thực tế, cùng với việc phê bình đặc tính tuyệt đối và chung kết của mạc khải Chúa Giêsu Kitô như đức tin Công Giáo vẫn dạy, người ta đi tới quan niệm sai lạc về tinh thần bao dung. Nguyên tắc bao dung như một thái độ tôn trọng tự do lương tâm, tư tưởng, và tôn giáo được công đồng chung Vatican II bảo vệ và thăng tiến là một lập trường luân lý cơ bản hiện diện trong bản chất nòng cốt của kinh Tin Kính Kitô Giáo vì nguyên tắc ấy coi trọng tự do của quyết định đức tin. Nhưng ngày nay, nguyên tắc bao dung và tôn trọng tự do ấy bị lèo lái và đi quá trớn, khi nó được áp dụng cho việc đánh giá các nội dung của mọi tôn giáo và cả các quan niệm không tôn giáo trong cuộc sống, coi chúng đều là ngang hàng nhau và không còn một chân lý khách quan và phổ quát nữa vì người ta nói Thiên Chúa hay là Ðấng Tuyệt Ðối tỏ mình ra dưới rất nhiều tên và tất cả các tên đó đều là chân thực. Quan niệm sai lầm như thế về tinh thần bao dung làm cho người ta đánh mất và từ bỏ không đề cập đến vấn đề chân lý nữa. Vấn đề này ngày nay bị nhiều người cho là không quan trọng và thuộc hàng thứ yếu. Qua đó, người ta thấy rõ điểm yếu về tri thức của nền văn hóa hiện nay. Nền văn hóa ấy thiếu câu hỏi về chân lý và cho rằng nòng cốt của tôn giáo chẳng khác gì những điều phụ thuộc. Ðức tin chẳng còn khác biệt với mê tín, kinh nghiệm chẳng còn khác với ảo tưởng. Sau cùng, khi không còn nghiêm chỉnh tìm kiếm sự thật thì việc quý chuộng các tôn giáo khác trở thành vô lý và mâu thuẫn. Lý do là người ta không có tiêu chuẩn để nhận ra điều gì là tích cực trong một tôn giáo, không phân biệt được điều tích cực với điều gì là tiêu cực hoặc là sản phẩm của mê tín và kể cả lường gạt."

Sau khi nhận định như trên, Ðức Hồng Y Ratzinger khẳng định rằng "Về vấn đề này, tuyên ngôn nhắc lại giáo huấn của Ðức Gioan Phaolô II trong thông điệp "Sứ Mạng Ðấng Cứu Thế (Redemptoris Missio)". Khi Thánh Linh hoạt động trong tâm hồn con người và trong lịch sử các dân tộc, trong các nền văn hóa và tôn giáo, Ngài đảm nhận vai trò chuẩn bị Tin Mừng. Thông điệp này nói rõ ràng về hoạt động của Thánh Linh không những trong tâm hồn con người nhưng cả trong các tôn giáo. Tuy nhiên, văn mạch đặt hoạt động của Thánh Linh trong mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô và không bao giờ có thể tách rời khỏi Chúa Kitô.

Ngoài ra, các tôn giáo đi kèm lịch sử và các văn hóa của các dân tộc, trong đó chắc chắn là có pha trộn giữa điều tốt và điều xấu. Vì thế không phải tất cả những gì ở trong các tôn giáo đều được coi như sự chuẩn bị cho Tin Mừng, nhưng chỉ những gì Thánh Linh thực hiện trong các tôn giáo ấy mà thôi. Từ đó, có một hệ luận rất quan trọng này là: con đường dẫn đến ơn cứu độ là sự thiện hiện diện nơi các tôn giáo như công trình của Thánh Linh Chúa Kitô chứ không phải vì chính các tôn giáo trên cương vị là tôn giáo.

Hơn nữa điều này được chính công đồng chung Vatican II xác nhận liên quan đến những hạt giống sự thật và sự thiện hiện diện trong các tôn giáo và các nền văn hóa khác. Như đã được trong bày trong thông điệp "Nota dottrinale", Giáo Hội không loại bỏ những gì là chân thực và thánh thiện trong các tôn giáo ấy. Với lòng tôn trọng chân thành, Giáo Hội nhìn các hành động và cách sống, những giới luật và giáo lý tuy có khác biệt nhiều với những điều Giáo Hội tin và dạy nhưng nhiều khi những điều này cũng phản ánh một tia sáng chân lý soi chiếu cho tất cả mọi người. Tất cả những gì là chân thực, và tốt lành hiện hữu trong các tôn giáo, chúng ta không được để cho chúng mai một đi nhưng phải nhìn nhận và xiển dương. Sự thiện và sự thật dù bất kỳ ở đâu đều bởi Chúa Cha mà đến và là công trình của Thánh Linh. Các hạt giống của Ngôi Lời được reo vãi khắp nơi. Nhưng ta không thể nhắm mắt trước những sai lầm và lường gạt là những điều cũng hiện diện trong các tôn giáo. Chính hiến chế tín lý của công đồng chung Vatican II khẳng định: rất nhiều khi con người bị ác thần lừa đảo khiến họ sai lạc trong tư tưởng và tráo đổi chân lý thần linh với dối trá, phụng sự tạo vật thay vì Ðấng Tạo Hóa".

Ðức Hồng Y Ratzinger nói thêm rằng "Trong một thế giới ngày càng cùng nhau tăng trưởng các tôn giáo và văn hóa gặp gỡ nhau đó là điều dễ hiểu. Sự kiện ấy không những làm cho con người xích lại gần nhau từ bên ngoài nhưng còn làm cho họ chú ý hơn tới những thế giới tôn giáo xa lạ. Theo nghĩa đó, nghĩa là theo sự hiểu biết lẫn nhau, ta có lý để nói rằng con người làm cho nhau được thêm phong phú. Nhưng điều này không loại bỏ xác quyết của đức tin Kitô rằng mình đã nhận được từ Thiên Chúa trong Ðức Giêsu Kitô sự mạc khải chung kết và trọn vẹn về mầu nhiệm cứu độ. Ðúng ra, đây phải là cơ may để loại trừ não trạng dửng dưng do thái độ tương đối hóa tôn giáo khiến cho người ta cho rằng đạo nào cũng như đạo nào.

Thái độ quý chuộng và tôn trọng các tôn giáo trên thế giới cũng như các nền văn hóa làm cho sự thăng tiến phẩm giá con người và sự phát huy văn minh được phong phú một cách khách quan nhưng không hề giảm bớt sự độc đáo và tính chất duy nhất có một không hai của mạc khải Chúa Giêsu Kitô và không hề giảm bớt nghĩa vụ truyền giáo của Giáo Hội. Giáo Hội rao giảng và buộc phải rao giảng không ngừng Chúa Giêsu Kitô là đường là sự thật và là sự sống. Nơi Ngài con người tìm được cuộc sống sung mãn và trong Ngài Thiên Chúa đã hòa giải mọi sự với mình. Ðồng thời, những lời đơn sơ ấy cho thấy rõ lý do tại sao Giáo Hội xác tín sự sung mãn phổ quát và sự hoàn tất mạc khải của Thiên Chúa chỉ hiện diện trong đức tin Kitô mà thôi. Lý do đó không hệ tại ở điều gọi là ưu tiên dành cho những phần tử của Giáo Hội và càng không phải do những thành quả lịch sử Giáo Hội đạt được trong cuộc lữ hành trần thế nhưng vì mầu nhiệm của Ðức Giêsu Kitô, đấng vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật hiện diện trong Giáo Hội.

Lời xác quyết về đặc tính duy nhất và phổ quát cứu độ của Kitô Giáo chủ yếu xuất phát từ mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô đấng tiếp tục hiện diện trong Giáo Hội là thân mình và là hiền thê của ngài. Vì thế do bản chất Giáo Hội cảm thấy phải dấn thân trong công cuộc rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc cả trong bối cảnh hiện nay có nhiều tôn giáo và nổi bật với những đòi hỏi tự do quyết định và tự do tư tưởng. Giáo Hội vẫn ý thức mình được kêu gọi để cứu vớt và đổi mới mọi thụ tạo để mọi sự được gồm tóm trong Chúa Giêsu Kitô và để trong ngài con người trở thành một gia đình và một dân tộc duy nhất."

Ðức Hồng Y Ratzinger kết luận "Khi tái khẳng định chân lý mà Giáo Hội luôn xác tín và tuân giữ về những vấn đề nói trên đây và khi bảo vệ các tín hữu khỏi những sai lầm và những giải thích mơ hồ đang được phổ biến ngày nay, tuyên ngôn Dominus Jesus của bộ Giáo Lý Ðức Tin được chính Ðức Thánh Cha phê chuẩn với ý thức chắc chắn và do quyền tông đồ của ngài thi hành hai nhiệm vụ: Một đàng tuyên ngôn này là một chứng từ có thế giá, mới mẻ nhất để tỏ cho thế giới thấy ánh quang rạng ngời Tin Mừng vinh hiển của Chúa Giêsu Kitô, đàng khác văn kiện cho thấy như một điều bó buộc đối với tất cả các tín hữu những gì là nền tảng đạo lý không thể từ bỏ được. Nền tảng ấy phải dìu dắt, soi sáng và định hướng cho việc suy tư thần học cũng như những hoạt động mục vụ và truyền giáo của tất cả các cộng đoàn Công Giáo rải rác trên thế giới".


Trở về Trang Mục Lục Giáo Hội
Trở Về Trang Nhà