Tóm Tắt Tuyên Ngôn Dominus Jesus (Chúa Giêsu)

Của Thánh Bộ Giáo Lý Ðức Tin

 

Sáng hôm thứ ba 5/9/2000, Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger, bộ trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Ðức Tin và Ðức Tổng Giám Mục Tarcisio Bertone, tổng thư ký Thánh Bộ đã họp báo để giới thiệu Tuyên Ngôn Dominus Jesus (Chúa Giêsu) đề cập đến đặc tính duy nhất và phổ quát cứu độ của Chúa Giêsu Kitô và Giáo Hội.

Văn kiện đã được ấn hành bằng 8 thứ tiếng La Tinh, Ý, Anh, Pháp, Ðức, Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha và Ba Lan dài trung bình 36 trang. Ngoài phần nhập đề và kết luận , tài liệu được chia thành 6 chương, gồm tổng cộng 23 đoạn. Tuyên ngôn đã được Ðức Thánh Cha phê chuẩn vào ngày 6/8/2000 và được ấn ký bởi Ðức Hồng Y Ratzinger ngày 16/6/2000.

Chương I, II và III lần lượt xác quyết tính chất trọn vẹn và chung kết trong mạc khải của Chúa Giêsu Kitô, sự thống nhất trong chương trình cứu độ của Ngôi Lời Thiên Chúa và Thánh Linh. Sau cùng, là đặc tính duy nhất và phổ quát của mầu nhiệm cứu độ của Chúa Giêsu Kitô. Việc tái khẳng định những xác quyết trên đây nhắm chống lại những luận đề và chủ trương cho rằng mạc khải của Chúa Giêsu chỉ có tính chất hạn chế và bất toàn, cần phải được bổ túc bằng những mạc khải trong các tôn giáo khác. Chương IV, V và VI của tuyên ngôn bàn về những hậu quả về phương diện giáo hội học của đạo lý được chứa đựng trong các chương trước đó, nhất là khẳng định sự hiện hữu của một Giáo Hội duy nhất, tương ứng với đặc tính độc nhất và phổ quát của sự trung gian cứu độ của Chúa Giêsu Kitô. Sự tương ứng ấy dựa trên ý muốn của Chúa, đấng đã thiết lập Giáo Hội không phải như một cộng đoàn các môn đệ mà thôi nhưng còn như một mầu nhiệm cứu độ. Giáo Hội là sự hiện diện của chính Chúa Kitô, đấng thực hiện sự cứu độ nơi các môn đệ và qua các môn đệ trong lịch sử loài người. Vì thế, cũng như chỉ có một Chúa Kitô, nên cũng chỉ có một Giáo Hội duy nhất: Một đầu, một thân mình.

Tuyên ngôn nhắc lại một giáo huấn quan trọng của công đồng chung Vatican II và xác định: Giáo Hội duy nhất hiện hữu trong Giáo Hội Công Giáo, dưới quyền của đấng kế vị thánh Phêrô và các Giám Mục. Tuyên ngôn cũng bác bỏ một giải thích sai lầm đang lan tràn ngày nay và hoàn toàn trái ngược với đức tin Công Giáo vì cho rằng tất cả các tôn giáo tự chúng đều là những con đường cứu độ bên cạnh Kitô Giáo. Theo giáo huấn của công đồng chung Vatican II, trong các tôn giáo khác, tồn tại các yếu tố tôn giáo xuất phát từ Thiên Chúa và thuộc vào số những gì Thánh Thần hoạt động trong tâm hồn, nơi con người và lịch sử các dân tộc, văn hóa và tôn giáo. Những yếu tố này có giá trị chuẩn bị Tin Mừng. Dù vậy, cũng nên nhớ rằng trong các tôn giáo khác cũng tồn tại các yếu tố cản trở Tin Mừng. Do đó, tuyên ngôn tái nhấn mạnh nghĩa vụ truyền giáo của Giáo Hội và của mỗi tín hữu Kitô mang ánh sáng và sức mạnh cứu độ của Tin Mừng cho mọi người.

Cũng trong cuộc họp báo Ðức Tổng Giám Mục Tarcisio Bertone, tổng thư ký Thánh Bộ Giáo Lý Ðức Tin minh xác rằng văn kiện mới công bố là một tuyên ngôn nghĩa là không giảng dạy một điều gì mới nhưng tái khẳng định và tóm tắt đạo lý đức tin Công Giáo đã được xác định hoặc giảng dậy trong các văn kiện giáo huấn của Giáo Hội. Tuyên ngôn này nhằm nêu rõ sự giải thích đúng đắn trước những sai lầm và đạo lý mơ hồ đang phổ biến trong lãnh vực thần học và trong Giáo Hội ngày nay. Tuyên ngôn được Ðức Thánh Cha phê chuẩn minh nhiên nên cũng có tính chất giáo huấn phổ quát và tham phần vào huấn quyền bình thường của Ðức Giáo Hoàng.


Trở về Trang Mục Lục Giáo Hội
Trở Về Trang Nhà