Phản Ứng Của Các Tôn Giáo
Ðối Với Việc Thánh Bộ Ðức Tin Công Bố
Tuyên Ngôn "Dominus Jesus".

 

Tuyên ngôn Dominus Jesus với những lập luận rất rõ ràng, mạch lạc và mạnh mẽ đã gây ra nhiều phản ứng trái ngược nhau giữa các tôn giáo bao gồm từ không vui, giận dữ lên án, đến việc nhìn nhận là khi xác định vị thế của mình rõ ràng, Giáo Hội Công Giáo đang chuẩn bị tái phát động một cuộc đối thoại liên tôn mạnh mẽ hơn với các tôn giáo.

Tại Anh, trong khi nữ hoàng Elizabeth đang chuẩn bị sang Rôma để triều yết Ðức Thánh Cha, Ðức Tổng Giám Mục George Carey của giáo phận Canterbury cho rằng ý tưởng là Anh Giáo và các tôn giáo khác không phải là các Giáo Hội đúng nghĩa là một bước lùi trong tiến trình đối thoại đại kết. Ðức Tổng Giám Mục có cảm giác rằng tuyên ngôn đã không tính đến những hiểu biết sâu sắc giữa Anh Giáo và Công Giáo trong 30 năm đối thoại và hợp tác vừa qua.

Theo điều 17, Tuyên ngôn cho biết "Các Giáo Hội không duy trì hàng Giám Mục hợp lệ và không có Bí Tích Thánh Thể hữu hiệu thì không phải là Giáo Hội theo đúng nghĩa dù những ai chịu phép rửa tội trong các Giáo Hội này, qua Phép Rửa Tội, đã được cộng tác trong Ðức Kitô và trong một chừng mực nào đó hiệp thông với Giáo Hội dù không hoàn toàn".

Tuy nhiên, Ðức Tổng Giám Mục Cormac Murphy-O'Connor không đồng ý là tuyên ngôn sẽ có ảnh hưởng xấu đối với các nỗ lực đại kết, và khẳng định rằng "Mục tiêu cơ bản của Tuyên Ngôn là sự cảnh giác trước khuynh hướng coi đạo nào cũng như đạo nào."

Mục sư Manfred Kock, chủ tịch Hội Ðồng Evangelical Church ở Ðức, người gần đây đã nói đến nhu cầu phải nhìn nhận Ðức Thánh Cha như là biểu tượng hiệp nhất của Kitô Giáo cho rằng Tuyên Ngôn Dominus Jesus là "một bước lùi trong quan hệ đại kết".

Tuy nhiên, mục sư Kock cũng nhìn nhận "Tuyên ngôn có nhiều khẳng định mà các Giáo Hội cải cách có thể chấp nhận đương nhiên, bắt đầu từ khẳng định về tính phổ quát cứu độ của Ðức Giêsu Kitô"

Giáo Hội Chính Thống Giáo tỏ ra hài lòng. Tuy nhiên, theo thông lệ tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa vẫn giữ sự dè dặt và muốn được đọc kỹ tài liệu trước khi đưa ra tuyên bố. Phát ngôn nhân của tòa thượng phụ chỉ cho biết vắn tắt "Công Giáo và Chính Thống Giáo có một quan điểm khác nhau về sự phổ quát của Giáo Hội, và điều này vẫn là trung tâm của vấn đề."

Ðối với Hồi Giáo, phản ứng chủ yếu là thờ ơ trước Tuyên Ngôn của Tòa Thánh. Hamza Piccardo, một lãnh tụ Hồi Giáo ở Ý cho biết: "Chúng tôi áp dụng kinh Coran, theo đó ai tin vào đấng Allah và các tiên tri, trong đó có Chúa Giêsu, thì được cứu độ".


Trở về Trang Mục Lục Giáo Hội
Trở Về Trang Nhà