Tuyên Ngôn Dominus Jesus
Có Phải Là Một Bước Lùi Trong
Tiến Trình Ðối Thoại Ðại Kết Không?

 

Trong tuần qua, sau khi Tuyên Ngôn Dominus Jesus được công bố, nhiều ý kiến chống đôi từ phía Anh Giáo và Tin Lành đã nổi lên. Tựu trung, các ý kiến này cho rằng Tuyên Ngôn là một bước lùi trong tiến trình đối thoại đại kết. Vatican Radio đã phỏng vấn Ðức Giám Mục Francesco Lambiasi về vấn đề này hôm 10/09/2000.

Ðức Cha Francesco Lambiasi là giám mục giáo phận Anagni Alatri từ hơn một năm nay và từ tháng 5/2000 là chủ tịch ủy ban Giáo Lý Ðức Tin của Hội Ðồng Giám Mục Italia.

Vatican Radio: Thưa Ðức Cha tại sao Giáo Hội lại phải công bố tuyên ngôn Dominus Jesus?

Ðức Cha Francesco Lambiasi: Bởi vì trong một số trường phái thần học giữa lòng Giáo Hội Công Giáo, có các lập trường nguy hiểm cho lòng tin vào Ðức Kitô. Trong khi Ðức Thánh Cha và Giáo Hội dành ra trọn một năm để cử hành Năm Thánh liên quan đến chân lý nền tảng của Kitô Giáo, tức biến cố Ðức Giêsu Kitô, đấng cứu chuộc duy nhất, giáng sinh xuống thế gian cách đây 2000 năm thì có vài thần học gia đó đây trên thế giới có khuynh hướng lãng quên chân lý ấy. Chính vì thế, đây là lúc thích hợp để công bố tài liệu này hầu giúp tín hữu khỏi bị lạc hướng.

Vatican Radio: Có vài lập trường của các nhà thần học Á Châu đã được nhắc đến có phải thế không thưa Ðức Cha ?
Ðức Cha Francesco Lambiasi: Phải. Nhưng không phải chỉ có thế. Một cách tổng quát chúng ta có thể nói rằng ở đâu giảm thiểu tính cách trung tâm, duy nhất và phổ quát của gương mặt Chúa Kitô, chẳng hạn như bằng cách cho rằng có một Ngôi Lời vượt quá khuôn mặt lịch sử của Chúa Giêsu thành Nazarét, hay cho rằng Ðức Giêsu chỉ là một sự nhập thể của Ngôi Lời và còn có nhiều biến cố Nhập Thể khác thì ở đó, trong các trường hợp như thế, người ta dốc đổ đi lòng tin Kitô và Giáo Hội phải can thiệp để minh định rằng Ðức Giêsu là Ðấng Cứu Thế và Ðấng Cứu Thế chỉ là Ðức Giêsu.

Vatican Radio: Bên Tây phương có các nguy cơ sai lệch như thế không thưa Ðức Cha ?

Ðức Cha Francesco Lambiasi: Trong một nghĩa nào đó, nguy cơ ở Tây phương còn lớn hơn nhiều bởi vì nó phát xuất từ chủ thuyết tương đối hóa và thái độ thờ ơ của tín hữu. Tại Italia này chẳng hạn, trong giai đoạn tư tưởng yếu ớt thì cũng có nguy cơ của một lòng tin yếu kém. Vì thế, Giáo Hội phải nhắc nhở cho tín hữu biết rằng chỉ nơi danh Chúa Giêsu mới có ơn cứu độ. Bởi vì nói cho cùng, là Kitô hữu nghĩa là tin nơi Ðức Kitô là đấng cứu độ duy nhất của trần gian.

Vatican Radio: Thưa Ðức Cha, Ðức Cha có nghĩ là nhắc lại các chân lý này là gây nguy hại cho cuộc đối thoại liên tôn không?
Ðức Cha Francesco Lambiasi:Tuyệt nhiên là không, kể cả khi có một vài thần học gia, chẳng hạn như Hans Wing, hiểu cuộc đối thoại giữa các tôn giáo như là một cuộc thương thuyết ngoại giao. Tài liệu nhắc lại một cách đúng lúc và thích hợp rằng: chỉ khi có một ý thức vững chãi và rõ ràng về chân lý thì mới có thể đối thoại được và sự đồng đều mà cuộc đối thoại đòi hỏi là phẩm giá ngang nhau giữa con người, chứ không phải sự đồng đều về nội dung giáo lý.

Vatican Radio: Như thế, đối với một tín hữu Công Giáo, đối thoại với một tín hữu thuộc tôn giáo khác có nghĩa là gì thưa Ðức Cha ?
Ðức Cha Francesco Lambiasi: Nó có nghĩa là trình bày lòng tin của chúng ta như chúng ta tin là chân lý trong sự tôn trọng hoàn toàn người đối thoại và các lập trường về văn hóa cũng như tôn giáo của họ bởi vì Kitô hữu biết rằng chân lý này đã được trao ban cho họ. Bởi vậy, giữa một đàng phải tránh các thái độ hiếu thắng, thì đàng khác phải nói như Thánh Phaolô "Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng.

Vatican Radio: Nhưng điều này không có nghĩa là chiêu mộ tín đồ ?

Ðức Cha Francesco Lambiasi: Không. Cuộc đối thoại vừa giúp trình bày chân lý trong các phương thế thích hợp vừa giúp tôn trọng sự tự do lương tâm của người đối thoại. Tôi nhớ rằng trong hội nghị đại kết của các Giáo Hội Kitô được triệu tập ở Nairobi hồi năm 1975, tuyên ngôn chung kết của hội nghị có khẳng định rằng việc rao truyền Tin Mừng xảy ra khi Kitô hữu giống như một người hành khất được một người hành khất khác hỏi: "Có thể tìm lương thực ở đâu?". Ðây là một nhận định rất hay. Kitô hữu là một người hành khất, nghĩa là một người hành hương, nhưng là một người hành hương biết vì đã được nói cho biết có thể tìm thần lương ở đâu, chứ không phải vì họ tốt lành tài giỏi hơn người khác.

Vatican Radio: Thưa Ðức Cha liên quan đến cuộc đối thoại đại kết dựa trên phần tài liệu phân biệt Giáo Hội Công Giáo với các Giáo Hội Kitô khác, có người nói là Giáo Hội Công Giáo đã thụt lùi một bước. Có thật như vậy không?
Ðức Cha Francesco Lambiasi: Khi đọc tài liệu một cách chân thật hơn thì người ta sẽ nhận ra chủ ý sâu xa của nó chứ không phải là một bước lùi trong cuộc đối thoại đại kết nếu không nói Tuyên Ngôn là một bước tiến tới trong cuộc đối thoại. Bởi vì, chỉ ở nơi đâu các lập trường được trình bày một cách khách quan và trong sự tôn trọng các dữ kiện lịch sử thì mới có thể nói đó là đối thoại đích thực mà thôi.
?

Vatican Radio: Nghĩa là tại Rôma, tinh thần của công đồng chung Vatican II vẫn không ngừng thổi ?
Ðức Cha Francesco Lambiasi: Cần xem trong Tuyên Ngôn bao nhiêu lần trích dẫn các văn kiện của công đồng chung Vatican II thì đủ hiểu công đồng chung là một dấu mốc không quay lại đàng sau nữa. Tôi chắc chắn rằng, sau khi những phản ứng nóng bỏng qua đi và khi đọc lại tài liệu một cách thanh thản hơn, người ta sẽ nhận thấy lòng trung thành của tài liệu với các giáo huấn của công đồng một cách rõ ràng hơn.


Trở về Trang Mục Lục Giáo Hội
Trở Về Trang Nhà