Tuyên Ngôn Dominus Jesus:
Muốn Người Ta Trân Trọng Ðức Tin Của Anh,
Anh Hãy Trân Trọng Ðức Tin Của Anh Trước.

 

Lm Paul Gray

Ðiểm đầu tiên mà tôi muốn nói ở đây là những điều họ nói ra không khác gì những điều chúng ta nghe được từ các người không Công Giáo làm việc cho các cơ quan truyền thông đời. Cố nhiên, ngày nay đa số những điều chúng ta nghe và hiểu về Giáo Hội đến từ các cơ quan truyền thông đời. Nhưng chúng ta là Công Giáo mà! Tại sao người Công Giáo lại có thể phản ứng như người không Công Giáo trước một tài liệu như Dominus Jesus?

Có một vấn nạn nghiêm trọng ở đây: anh muốn người ta coi trọng đức tin của anh, trước hết anh phải chứng tỏ được với họ là chính anh coi trọng đức tin của anh.

Tuyên Ngôn Dominus Jesus đã đến rất kịp thời để nhắc nhở cho các thần học gia và những người khác rằng Giáo Hội không phải là một cơ cấu trần tục, hay một quyền lực chính trị. Giáo Hội, nói theo ngôn ngữ của Công Ðồng Vatican II, là "mầu nhiệm phổ quát của ơn cứu độ". Tuy không phải là một giáo huấn mới mẻ gì, nhưng thông điệp giải phóng này nhiều người, ngay cả người Công Giáo, vẫn chưa được nghe hay vẫn chưa hiểu rõ.

Những tài liệu giáo huấn đích thực của Vatican như tài liệu về Công Ðồng Vatican II, sách Giáo Lý Công Giáo, và bây giờ là Tuyên Ngôn Dominus Jesus là những nguồn tài nguyên phong phú cho người Công Giáo và những người đang thành tâm tìm Chúa để tái khám phá ra chân lý. Ðáng buồn là nhiều người có vẻ không quan tâm gì đến. Trong khi đó, nhiều người lại dễ dàng để cho chủ nghĩa "chống Vatican" mơn trớn lòng tự ái và tính kiêu ngạo.

Tôi thấy buồn cười vì những kẻ "thông thái" vỗ ngực xưng tên là chống Vatican luôn mồm bảo chống Vatican nhưng không chống Công Ðồng Vatican II. Tuyên Ngôn Dominus Jesus thực sự chỉ là một khẳng định lại những giáo huấn của Công Ðồng Vatican II!

Một cách thế đơn giản để hiểu giáo huấn trong Tuyên Ngôn Dominus Jesus là chúng ta hãy suy nghĩ về những gì diễn ra trong thánh lễ. Giây phút khi chủ tế dâng lễ là giây phút nhiệm mầu và hồng ân mà trong giây phút đó ngay cả một người nghèo khổ, bé mọn, đang quỳ khiêm tốn trong một nhà thờ nơi một miền hoang vu hẻo lánh nào đó của thế giới này cũng thông hiệp trọn vẹn với toàn thể Giáo Hội, gồm các tín hữu đang sống cũng như các tín hữu đã qua đời, trước bàn thánh trên Thiên Quốc.

Ðây là một giáo huấn mạnh mẽ soi rọi cho chúng ta hiểu tại sao trong hai ngàn năm qua, biết bao nhiêu vị đã bỏ mạng sống mình cho Giáo Hội. Những lễ hy sinh này đã được dâng lên vì người Công Giáo chúng ta tin vào những giáo huấn vui mừng và giải phóng của Giáo Hội mặc dầu những giáo huấn này đòi chúng ta phải có một lòng tin mạnh mẽ.

Thật là bất hạnh cho chúng ta nếu bây giờ chúng ta cứ nhẩy nhổm lên phản đối mỗi khi các đấng có quyền giáo huấn nhắc nhở chúng ta về món quà quý giá mà chúng ta đã được ban tặng trong giá máu con Thiên Chúa.

Những người đầu tiên nhận ra sự bất hạnh này, theo tôi, là các anh chị em Kitô hữu không Công Giáo, những người mà từ Ðức Giáo Hoàng trở xuống đến chúng ta ngày nay đang vui mừng vì có mối quan hệ tốt đẹp hơn bao giờ hết trong lịch sử.

Hầu hết những người Tin Lành mà tôi quen biết rất xác tín và nhiệt thành với những giáo lý của họ - nhưng tôi tự hỏi họ có thể nói được như chúng ta nói trong Tuyên Ngôn không?


Trở về Trang Mục Lục Giáo Hội
Trở Về Trang Nhà