Chúa Giêsu

và Giáo Hội của Người

Lm F.X.M.Hoàng Văn Nghĩa

Bêlem : Tình yêu đã làm người.

Thời gian của lịch sử nhân loại đã được Thiên Chúa đặt bút viết vào đêm thần thiêng tại hang đá Bêlem. Hài Nhi Giêsu là hình ảnh sống động của tình yêu muôn thuở mà Thiên Chúa đã dành cho nhân loại. Thiên Chúa toàn năng và quyền thế trở nên bé nhỏ, thơ ngây và hiền dịu nằm yên ngủ trong cánh tay mỏng dòn của loài người. Nhìn ngắm hang đá Bêlem, ta không còn đủ sức để mơ tưởng một hình ảnh nào có thể tuyệt vời hơn nữa. Thiên Chúa duy nhất, thánh thiện và uy quyền đã mạc khải cho nhân loại dung nhan và bản tính chân thật của Người. Đấng vô hình đã mang thân phận của một kiếp người chóng qua chóng hết. Người trở nên hữu hình để loài người có thể chiêm ngắm Người với đôi mắt trần gian của mình. Thiên Chúa chấp nhận trở nên bé nhỏ để loài người được lớn lên nhờ Người. Thiên Chúa hạ mình xuống ngang hàng với loài người, để loài người được trở nên cao cả với Người. Dù đã cách xa 2000 năm lịch sử ; nhưng hang đá Bêlem vẫn là bài học vô cùng vĩ đại mà Thiên Chúa đã viết lên trang chính sử của nhân loại. Loài người sẽ không thể khám phá được khuôn mặt chân thật của Thiên Chúa, nếu loài người không biết chiêm ngắm hang đá Bêlem. Hang đá Bêlem là hình ảnh của Tình Yêu ; Hang đá Bêlem còn là biểu tưởng của tâm hồn quảng đại và vị tha của Đấng Mến Yêu. Chỉ những tâm hồn đơn sơ, những kẻ thiện tâm và tấm lòng ngay thẳng mới hiểu rõ bài học của hang đá Bêlem. Sự từ chối của thế gian, sự thiếu đại lượng của người đời sẽ không bao giờ đủ sức để làm tắt ngọn lửa tình thương mà thánh Giuse và Mẹ Maria đã nhóm lên bên ngoài thành Bêlem trong đêm cực thánh. Vì ngọn lửa tình yêu thánh thiện này xuất phát từ tâm hồn của Thiên Chúa, đã đốt cháy trái tim trinh khiết vẹn tuyền của thánh Giuse và Mẹ Maria thế nào ; thì nó cũng nung nóng lòng nguội lạnh chai đá của thế gian như vậy. Bởi vậy, ta có thể nói bếp lửa sưởi ấm hang Bêlem là ngọn lửa của niềm hy vọng cho toàn thể nhân loại. Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-tôi là một danh xưng mới của niềm tin. Người không đến như một kẻ đầy quyền năng. Người đến như một tình yêu vô vị lợi, như một tình yêu trong trắng của trẻ thơ, như một tình yêu cao quý của người hiến mình cho kẻ Người yêu mến. Thánh Giuse và Mẹ Maria là những người diễm phúc nhất ở trần gian ; vì các Ngài là những người duy nhất đầu tiên được chiêm ngắm tình yêu đã làm người. Nhờ Người thế gian không còn chìm đắm trong bóng đêm của những ngày mất ơn thánh. Hai ngàn năm của một lịch sử cứu độ duy nhất mà Đấng Cứu Thế của ngày hôm qua, hôm nay và mãi mãi đã chấp nhận mặc xác phàm để nhờ Người nhân loại tham dự đời sống vĩnh cửu của Thiên Chúa. Lễ Giáng Sinh là một lời mời gọi thiết tha mà Thiên Chúa đã gửi đến loài người : hãy biết ngắm nhìn Thiên Chúa với đôi mắt ngời sáng của trẻ thơ. Hài Nhi Giêsu nằm trong máng cỏ là dung nhan đích thực của một Tình Yêu mà nhân loại cần phải có để đến với Thiên Chúa.

Chiêm ngắm bản Tuyên Ngôn

với con mắt đức tin qua ánh sáng của Lời Chúa

Bản  Tuyên Ngôn  ra đời giữa Năm Thánh 2000 mang thật nhiều ý nghĩa, khi Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ mừng kỷ niệm 2000 năm, Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể. Với những người Kitô hữu, đây có thể được coi là bản tuyên xưng đức tin vào Con Thiên Chúa và Giáo Hội của Người. Một bản tuyên xưng đức tin dựa vào truyền thống của Giáo Hội và dựa vào những văn kiện chính thức đã được công bố từ trước tới nay trong Giáo Hội. Đặc biệt là các văn kiện của Công Đồng Vaticanô II và Thông Điệp Redemptoris missio của Đức Gioan Phaolồ II. (102 chú thích đối chiếu các văn kiện quan trọng). Khi công bố Bản Tuyên Ngôn một cách long trọng với sự chuẩn y của Đức Thánh Cha Gioan Phaolồ II , chính Ngài đã truyền lệnh công bố vào ngày 6 tháng 8 năm 2000. Thánh Bộ Đức Tin đã xử dụng Quyền Giáo Huấn của Giáo Hội để bày tỏ với con cái của mình đức tin chân chính mà Giáo Hội tuyên xưng : Chúa Giêsu thành Nagiarét là Thiên Chúa và Giáo Hội của Người là Giáo Hội Công Giáo và Tông Truyền.

Bản Tuyên Ngôn nhắm đến việc trình bày rõ ràng vai trò chính yếu và duy nhất của Chúa Giêsu, cũng như sự cần thiết phải có sự hiện diện của Giáo Hội của Người ở giữa trần thế, để loan báo cho nhân loại ơn cứu rỗi mà Chúa Giêsu là trung gian duy nhất mà Thiên Chúa đã sai xuống thế gian. Bản Tuyên Ngôn đã khẳng định về niềm tin vững chắc này trong đời sống của các Kitô hữu và khuyên họ  cần phải giữ hai chân lý này với nhau, để biết khả năng thực sự của ơn cứu rỗi trong Chúa Kitô dành cho tất cả mọi người và sự cần thiết của Giáo Hội cho ơn cứu rỗi . (20)

Bản Tuyên Ngôn còn làm nổi bật phương pháp truyền đạt cho những người chưa biết Chúa, ân thánh cứu rỗi đã được Chúa Kitô ban qua Chúa Thánh Thần ở trong Giáo Hội của Người. Công Đồng Vaticanô II trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng cũng đã từng tuyên bố rằng Thiên Chúa ban ơn cứu độ qua các đường lối chỉ mình Ngài biết mà thôi.  Tuyên Ngôn đã khẳng định rằng tư tưởng này phải được đào sâu và việc nghiên cứu thần học cần phải được khuyến khích. Bản Tuyên Ngôn còn ước mong nền thần học trong Giáo Hội ngày nay khi khảo cứu về học thuyết của các tôn giáo, cần phải xét xem cách sống đạo và những học thuyết tôn giáo này có ý nghĩa gì trong chương trinh cứu độ của Thiên Chúa. Hơn thế nữa, việc khảo cứu về đời sống tâm linh của các tôn giáo phải làm sao được đặt dưới sự hướng dẫn của Huấn Quyền, để việc khảo cứu đem lại những quan điểm trong sáng khi đối chiếu với kho tàng đức tin mà Giáo Hội là Người được Chúa ủy thác cho sứ mệnh gìn giữ và coi sóc.

Bản Tuyên Ngôn còn nhấn mạnh đến vai trò của sự đối thoại, một sự đối thoại đòi hỏi những suy tư thần học chín chắn phù hợp với đức tin của Giáo Hội, để tránh những điều sai lầm đáng tiếc có thể xảy ra, hay tạo nên những mối ngờ vực vào mạc khải được Giáo Hội đón nhận từ Chúa Giêsu, qua các thánh Tông Đồ và các Đấng kế vị.

Lập trường của Giáo Hội rất rõ ràng khi đề cập đến mạc khải của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu, một mặc khải dứt khoát và minh bạch. Tuy nhiên, Giáo Hội không bác bỏ những điều mà Thánh Thần thực hiện trong tâm hồn của tất cả mọi người ; cũng như trong lịch sử của các dân tộc và trong các nền văn hóa của họ. Giáo Hội coi đó như việc chuẩn bị tâm hồn của con người ; để họ đón nhận cách dễ dàng sứ điệp cứu rỗi của Chúa Giêsu. (số 21)

Tuân theo giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II, đặc biệt trong văn kiện Ad gentes và Nostra aetate, bản Tuyên Ngôn nhìn nhận giá trị của các truyền thống tôn giáo cũng như những lòng đạo đức mà các tôn giáo này đã đóng góp trong di sản tinh thần của toàn thể nhân loại. Bởi vậy, trên con đường tiến về các dân tộc (Ad gentes) trong sứ mệnh loan truyền ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu, Giáo Hội tìm thấy nơi đường hướng đối thoại có tính cách tôn giáo là một đường hướng cần phải được thực hiện như là một hình thức phúc âm hóa của Giáo Hội. Đối thoại để cảm thông và tạo một sự hiểu biết hỗ tương và làm giàu cho nhau. Dĩ nhiên, đối thoại trong tinh thần tôn trọng sự thật và tôn trọng tự do. (số 2).

Bản Tuyên Ngôn tái khẳng định vai trò chính yếu của Chúa Giêsu trong kế đồ cứu chuộc của Thiên Chúa. Phải nhìn Chúa Giêsu dưới con mắt đức tin để khám phá ra nơi Người mạc khải trọn vẹn và ngoài Người ra không còn một mạc khải nào nữa, vì Người chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa mặc xác phàm để cứu chuộc nhân loại. Nhập thể trong thân phận của con người ; nhưng Chúa Giêsu đã vượt thời gian và không gian để hoàn thành công cuộc cứu chuộc mà Chúa Cha đã giao phó cho Người. Là con người giữa muôn người ; nhưng Chúa Giêsu không bị giới hạn bởi sự hữu hạn của ngôn ngữ loài người. Bởi thế, không thể so sánh đức tin của người tín hữu và lòng tin của các tín đồ trong các tôn giáo khác. Vì đức tin của người tín hữu trước hết là một ân sủng. Đối với Chúa Giêsu, con người bất lực khi đối diện với Thiên Chúa là Đấng vô hình. Các tôn giáo khác tìm cách giải thoát con người khỏi những áp đặt của những thực tại trần gian. Chúa Kitô đến để cứu con người khỏi hư mất đời đời, nghĩa là Người đến để mang lại cho nhân loại hạnh phúc vĩnh cửu, hạnh phúc được sống với Thiên Chúa và chia sẻ vinh quang với Người.

Những gì cao đẹp và vi diệu cũng như thâm thúy cao sâu nơi các tôn giáo khác vẫn không thể nào so sánh được với mạc khải mà Thiên Chúa đã gửi gấm cho loài người trong Thánh Kinh Cựu cũng như Tân Ước. Vì ở đó chính Thiên Chúa đã viết qua bàn tay của con người. Hay nói một cách chính xác hơn là chính Thánh Thần đã linh ứng ; để lời mạc khải được con người viết một cách trung thực như ước muốn của Thiên Chúa. Thánh Kinh không chứa đựng tư tưởng của con người ; nhưng chính là tâm hồn và trí thông minh của con người được Thiên Chúa soi sáng tư tưởng của Người. (số 8)

Có còn ơn cứu độ nào khác ngoài sự cứu độ của Chúa Giêsu không ? Chúa Giêsu có phải là Đấng Cứu Thế duy nhất hay là Người chỉ một Đấng Cứu Thế trong muôn đấng cứu thế khác (Phật Thích Ca, Mahômét, Khổng Tử, Lão Tử,.) Những vấn nạn này làm ta nhớ lại câu hỏi mà Chúa Giêsu đã hỏi các môn đệ trên con đường Xêdarê Philipphê :  Người ta bảo Con Người là ai ?  Nhưng có lẽ điều người ta nói về Người không quan trọng đối với Chúa Giêsu. Bởi thế, Người đã hỏi các ông :  Còn các con, các con nói Thầy là ai ?  Câu hỏi mà Chúa Giêsu hỏi Giáo Hội của Người hôm nay, chính là câu hỏi này. Bản Tuyên Ngôn đã trả lời rõ ràng và dứt khoát : Chúa Giêsu có thể được sắp xếp ngồi chung bàn chung chiếu với các bật hiền triết của nhân loại ; vì chính Người lúc tại thế đã chấp nhận ngồi chung bàn với những kẻ tội lỗi và thu thuế. Tuy nhiên, không phải vì thế mà Người mất đi cái dung nhan khác thường và huyền nhiệm của một vì Thiên Chúa mặc xác phàm. Hơn bao giờ hết Người là Đấng Cứu Thế hoàn vũ duy nhất. Vì Người không đến để cứu nhân độ thế theo nghĩa thường tình của một nhà hiền triết chỉ muốn giải thoát những nỗi cơ cực và thương đau của trần thế. Người cũng không đến để tái lập trật tự trong xã hội theo nghĩa luân lý hay chính trị. Người cũng không kêu gọi đệ tử của Người tìm cách thoát tục theo nghĩa vô vi. Người cũng không mời gọi chúng sinh bỏ những mối tham sân si để thoát khỏi vòng luân hồi luẩn quẫn của thế gian. Nhưng Người đã đến thế gian, như Người đã nói :   Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều này : làm chứng cho chân lý. Ai thuộc về chân lý thì nghe tiếng tôi.  (Jn 18, 37)  Tôi là ánh sáng, tôi đến trong thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không đi trong tối tăm.   Tôi là đường, là chân lý và là sự sống . Nếu bảo Đức Kitô đến cứu cuộc đời chóng qua chóng hết này ; thì quả thật, Người là kẻ thất bại trước hết. Vì Người đã chết đau thương nhục nhã trên thập giá ở ngoài xã hội của loài người ; Người đã chết như tên tử tội. Nhưng chính Người đã nói rõ sứ mệnh cao quý của Người :  Tôi không đến để xét xử thế gian, tôi đến để cứu thế gian..  (Jn 12, 47b).

Những gì được gọi là tối cao, duy nhất, tuyệt đối, phổ quát, dứt khoát, trọn vẹn hay mầu nhiệm, chắc chắn sẽ vượt khỏi não trạng của loài người. Nhưng nó lại phù hợp với con người của Chúa Giêsu thành Nagiarét. Vì Người đến để loan báo và làm chứng cho sự thật của một Tình Yêu nhập thể, một Tình Yêu vượt khỏi khát vọng của con người. Một Tình Yêu Vô Biên chấp nhận đi vào giới hạn của kiếp làm người, để sống tất cả những biến cố quan trọng của kiếp người : được hạ sinh, phải chịu đau thương thử thách, chịu chết mà Người đã trải qua, đều mang một ý nghĩa cứu rỗi. Người chịu tục hóa để nhờ Người và nhờ cái chết của Người, cõi đời tục lụy được đi vào cõi bất diệt thiên thu của Đấng Thần Thiêng. Dầu vậy, Người vẫn là một mầu nhiệm trước mặt người đời. Sứ mệnh cứu thế của Người không những duy nhất mà còn có tính cách phổ quát vượt cả thời gian và không gian. Vì Người chính là Đấng Tuyệt Đối. Hơn tất cả những gì người ta nghĩ về Người, theo Bản Tuyên Ngôn, người Kitô hữu phải tuyên xưng Chúa Giêsu thành Nagiarét là Con duy nhất của Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế duy nhất, là Thiên Chúa. Tất cả đều phải quy hướng về Người.

Theo tính cách thần học mạc khải được đặt trên nền tảng của Thánh Kinh vừa được suy tư trên đây, Giáo Hội của Chúa Kitô, đã được Bản Tuyên Ngôn tuyên xưng, chính là Giáo Hội Công Giáo Tông Truyền, trong đó Đấng kế vị thánh Phêrô được coi như dấu chỉ duy nhất làm chứng cho sự hiệp nhất mà chính Đấng sáng lập Giáo Hội đã ước muốn và cầu nguyện cho Giáo Hội của Người. Các Giám Mục hiệp nhất với đấng kế vị thánh Phêrô là dấu chỉ duy nhất minh chứng cho thế gian biết :  . anh em không thuộc về gian ; chính Thầy đã đưa anh em ra khỏi thế gian.  (Jn 15, 19b). Nói theo ngôn ngữ của thánh Phaolô thì các Ngài chính là những bình đất bình sành dễ bể ; chứa đựng mầu nhiệm tuyệt vời cao siêu vi diệu (chữ của Nguyễn Chính Kết) của mầu nhiệm nhập thể. Chính trong Giáo Hội tông truyền với Thánh Thể là bảo chứng cho sự tiếp diễn không ngừng hiến lễ của Thập Giá, và vinh quang của sự sống lại, mà chính Chúa Kitô trước giờ tử nạn đã ân cần dặn dò những kẻ mà Người gọi là anh em của Người :  Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy. 

Thánh Thể và sự hiệp thông giữa các Giám Mục và Đấng kế vị Phêrô là là hai điều kiện giúp ta nhìn thấy rõ được dung nhan của Giáo Hội mà Chúa Giêsu đã thiết lập ở bên bờ hồ Tibêria, sau ngày Người sống lại. Một Giáo Hội vừa có tính cách trần thế theo nghĩa cơ cấu tổ chức có phậm trật như bất cứ một tổ chức trần thế nào trên thế giới ; nhưng đó cũng là một Giáo Hội mang tính chất thiêng liêng  ở giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian .Vì Giáo Hội Công Giáo, làm chứng cho chân lý của một Đấng Thiêng Liêng, Tuyệt Đối và Duy Nhất, làm chứng cho một thực tại vô hình, là dấu chỉ của sự hiện diện của Đấng đã chết cho thế gian, nhưng Người đã sống lại để làm chứng cho Chân Lý và Tình Yêu là Thiên Chúa, Đấng sáng tạo vũ trụ, muôn vật hữu hình và vô hình. Đấng mà Đức Giêsu thành Nagiarét đã dạy các môn đệ của Người hãy gọi Ngài là Cha. Hiến Chế Ánh Sáng muôn dân (Lumen gentium) và thông điệp Để Cho Họ Nên Một (Ut unum sint) của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolồ II là những văn kiện mà bản Tuyên Ngôn đã xử dụng, để tuyên xưng Giáo Hội Công Giáo là chính Giáo Hội mà Đức Kitô đã ủy thác nhiệm vụ loan báo Tin Mừng và làm chứng cho chân lý.

Hiến Chế Lumen gentium nhìn nhận Giáo Hội là  bí tích . Bản Tuyên Ngôn đã khẳng định sứ mệnh của Giáo Hội là loan báo  Nước Chúa Kitô và Nước Thiên Chúa và làm cho hai vương quốc được phát triển trong tất cả các dân tộc, tạo nên những mầm mống và khai nguyên ngay từ bây giờ dưới trần thế.  Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài gắn bó chặt chẽ với nhau. Vì Giáo Hội chính là men trong thúng bột của thế giới loài người. Giáo Hội có sứ mệnh mở mang và liên kết Nước Chúa Kitô và Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên, Giáo Hội luôn luôn nhận biết rằng Chúa Kitô và Thánh thần của Người cũng hoạt động ở ngoài Giáo Hội ; nhưng không phải vì thế mà không chấp nhận mối giây liên hệ mật thiết giữa Chúa Kitô và Giáo Hội của Người với Nước Thiên Chúa.

Phân chia Giáo Hội và Nước Thiên Chúa là làm giảm giá trị con người và sứ mệnh của Chúa Kitô, cũng như đánh mất căn tính của Giáo Hội. Vì Giáo Hội không phải chỉ là một tổ chức trần thế, nhưng Giáo Hội được khai sinh do ý định thần thiêng của Thiên Chúa. Bởi vậy bản Tuyên Ngôn đã xác định dung nhan của Chúa Giêsu là Thiên Chúa chỉ được hiểu một cách thấu đáo bởi những kẻ có đức tin sống trong Giáo Hội của Người. Vì thế, Giáo Hội không thể và không bao giờ là một con đường cứu rỗi ở giữa những con đường cứu rỗi khác mà ta vẫn gặp ở trần gian. Giáo Hội của Chúa Kitô thì duy nhất và không thể so sánh với bất cứ tổ chức trần thế nào cả, ngay cả những tổ chức có tính cách tôn giáo gần gủi nhất với Giáo Hội ; cũng như không có tổ chức nào hay tôn giáo nào bổ túc cho Giáo Hội được. Vì Giáo Hội của Chúa Kitô luôn luôn hướng về Nước cánh chung của Thiên Chúa (số 21).

Tuyên xưng Chúa Kitô nhập thể cứu đời và tuyên xưng Giáo Hội của Người là duy nhất, tông truyền và thánh thiện, không có nghĩa tiêu cực là tự xem mình và Chúa của mình cũng như Giáo Hội của mình là nhất, là tốt đẹp hơn các tôn giáo khác ; nhưng là xác định lại vai trò chính đáng của Chúa Kitô và Giáo Hội của Người luôn luôn gắn bó với chân lý mà Thiên Chúa muốn mạc khải cho nhân loại. Ơn cứu rỗi loài người ở nơi Chúa Kitô là Chân Lý là Đường và là Sự Sống. Người đến trong thế gian để thế gian được sống và sống vĩnh cửu. Chính Người đã định rõ sứ mệnh của Người :  Tôi đến để phục vụ chứ không phải để được hầu hạ. 

Giáo Hội cũng vậy, vì được thiết lập bởi Đấng đã đến để phục vụ thế gian. Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh ad gentes mà Đấng Sáng Lập đã ủy thác. Trong bối cảnh hiện tại của thế giới, Giáo Hội coi trọng việc đối thoại giữa các tôn giáo và coi đây như là con đường đầy ý nghĩa và tràn hy vọng trong sứ mệnh loan báo chân lý của mình. Khi Giáo Hội dùng Quyền Giáo Huấn để tuyên xưng đức tin trước mặt mọi người, Giáo Hội không tuyên xưng đức tin để chống lại bất cứ ai, nhưng Giáo Hội muốn trình bày chân lý và bác bỏ những tư tưởng sai lầm về vị trí vàvai trò của Chúa Kitô cũng như sứ mệnh của Giáo Hội giữa lòng thế giới. Khi nhìn nhận ngôi vị chính đáng của mình dưới ánh sáng của chân lý. Giáo Hội nhắc nhở con cái mình đừng quên những học thuyết mà Giáo Hội vẫn tiếp tục gìn giữ và sống từ 2000 năm nay.

Giáo Hội Công Giáo với những cơ cấu có tính cách trần thế, dĩ nhiên, sẽ bị giới hạn bởi những thực tại trần gian ; nhưng không phải vì thế mà phải hiểu Giáo Hội theo não trạng của Tây Phương hay của Đông Phương ; nhưng phải hiểu và phải tìm hiểu dưới ánh sáng của chân lý được mạc khải trong Tân Ước. Giáo Hội mời gọi con cái của mình chiêm ngắm Giáo Hội bằng đôi mắt trong sáng của đức tin. Tôn trọng những tư tưởng cao sâu và thâm thúy trong các tôn giáo không có nghĩa là sắp đặt tất cả những tư tưởng đó trên một bảng tổng sắp để xét xem tư tưởng nào thâm thúy và vi diệu hơn tư tưởng nào ; nhưng gặp gỡ nhau là để cùng nhau tìm về chân lý duy nhất và vĩnh cửu để nhờ đó con người khám phá ra đâu là sự cứu rỗi chân chính, đâu là niềm hy vọng vô biên, đáp ứng với những tâm hồn đầy thiện chí dám bỏ chính mình để thực thi đức ái mà Đức Giêsu thành Nagiarét đã ca ngợi : Tình yêu cao quý là tình yêu dám hy sinh mạng sống vì người mình yêu.

Đối thoại không có nghĩa là so sánh xem ai thâm thúy hơn ai ; nhưng là để tạo niềm thông cảm và cho nhau cơ hội biết niềm xác tín của mình. Đối thoại là chấp nhận sự khác biệt và coi việc khác nhau trong niềm tin và trong văn hóa là những yếu tố tốt đẹp làm giàu cho di sản tinh thần của nhân loại. Đối thoại không có nghĩa là đồng hóa với nhau.

Bản Tuyên Ngôn đã tuyên xưng lại niềm tin của Giáo Hội : Tính cách duy nhất của Chúa Kitô và tính cách duy nhất của Giáo Hội. Duy nhất nhưng phổ quát, hoàn vũ.  Vì tính cách duy nhất của Thiên Chúa, của Chúa Kitô và của Giáo Hội sẽ làm chói sáng tính cách phổ quát của Tình Yêu, của đức tin và của ơn cứu rỗi mà Chúa Kitô mang đến trong thế giới.  (Cardinal Pierre Eyt, Introduction de la Déclaration Dominus Jesus, p. XI)

Tiếng dội của bản Tuyên Ngôn

Bản Tuyên Ngôn ra đời 35 năm sau Công Đồng Vaticanô II, một Công Đồng Chung đã được toàn thể thế giới đón nhận, không riêng gì người công giáo mà cả những người mà Giáo Hội gọi là anh em phân ly. Vì Vaticanô II đã có một cái nhìn hết sức mới mẻ về các thực tại trần thế và về các Giáo Hội phân ly. Chính Đức Gioan XXIII trong bài diễn văn khai mạc Công Đồng đã đưa ra những đường hướng để các Nghị Phụ Công Đồng suy tư : cởi mở với thế giới, thông cảm chứ không lên án tuyệt thông ; xót thương hơn là khắt khe. loan báo Phúc Âm với niềm hy vọng hơn là với tâm trạng của  những tiên tri loan báo sự dữ . (Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II, bản dịch Giáo Hoàng Học Viện,trang 29)

Hoàn cảnh của Công Đồng Vaticanô II, chắc chắn không phải là hoàn cảnh của bản Tuyên Ngôn. Thời đại của bản Tuyên Ngôn là thời đại Internet, thời đại của Mạng Lưới toàn cầu. Vì thế, chắc chắn bản Tuyên Ngôin sẽ đụng chạm với con người thời đại không phải trên quảng trường thánh Phêrô ; nhưng ngay trong ngôi nhà nhỏ bé của họ, hay trong văn phòng làm việc mà họ kiếm cơm nuôi sống hằng ngày, nghĩa là bản tuyên xưng đức tin của Giáo Hội bắt buộc họ phải đối diện với một thách đố của niềm tin. Dĩ nhiên, tiếng dội của bản Tuyên Ngôn thực sự mang tính cách vô cùng rộng lớn, vì nó đã đụng chạm tới một vấn đề gai góc mà ngay cả con cái của Giáo Hội cũng muốn lập lờ bỏ quên giữa thế giới mà tất cả mọi sự đều bị tương đối hóa, ngay cả vấn đề tâm linh thiêng liêng và huyền nhiệm. Thật vậy, con người của những thập niên cuối cùng của thế kỷ 20 muốn đảo lộn tất cả : tín ngưỡng, luân lý và cả lối suy tư. Họ hờ hững với Thiên Chúa, nhưng khi họ cảm thấy mình bất lực trước những thực tại thiên nhiên, họ sẽ saün sàng trách móc Thiên Chúa hơn là hướng nhìn về Người với đôi mắt của những người tìm kiếm chân lý. Con người ngày nay tự cho mình có tất cả mọi quyền, kể cả quyền làm chứng cho sự Dữ và sống một cách vô luân. Bởi vậy họ không ngần ngại phê phán cả Thiên Chúa mà tự thâm tâm họ không thể chối bỏ sự hiện diện của Ngài, nhưng họ vẫn lớn tiếng từ chối Ngài. Thiên Chúa đã trở nên một mối lo ngại và là chướng ngại cho con người thời đại ; hơn là một Đấng mà họ phải tôn thờ và là hạnh phúc mà họ phải tìm kiếm. Phải chăng đây là thời đại của những tiên tri giả mà Chúa Giêsu đã loan báo :  Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng : chính ta đây.  (Lc 21, 8) Chắc chắn Thánh Bộ Đức Tin không phải là không hiểu rõ bối cảnh lịch sử của thế giới khi tuyên bố bản Tuyên Ngôn này. Phải nhìn nhận lòng quả cảm của những nhà lãnh đạo Giáo Hội. Được trao phó sứ mệnh làm chứng cho chân lý ở trần gian, Giáo Hội không thể im lặng trước một tình trạng mập mờ khi nhìn về Chúa Giêsu và Giáo Hội của Người. Bởi thế, ta có thể nói bản Tuyên Ngôn đã ra đời đúng thời điểm. Lòng quả cảm của Phêrô đã thể hiện nơi Giáo Hội đương thời khi Giáo Hội lặp lại lời tuyên xưng đức tin của Ngài :  Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống.  Giáo Hội phải thực sự coi lời Chúa Giêsu nói với Phêrô là lời mà Chúa Giêsu nói cho mình ngày hôm nay, trong thời đại mà Giáo Hội đang làm chứng về Người :  Này Simon, con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy Đấng ngự trên trời.  Việc thế gian chấp nhận hay bác bỏ lời loan truyền chân lý của Giáo Hội không phải là việc của Giáo Hội, nhưng việc của Giáo Hội là phải luôn luôn trung thành với sứ mệnh đã được giáo phó. Giáo Hội phải loan báo điều mà Giáo Hội xác tín để ơn cứu rỗi mà Chúa Kitô đã thực hiện được loan báo trong niềm tin và niềm hy vọng. Người ta sẽ gán cho bản Tuyên Ngôn nhiều ý đồ ; nhưng người ta cũng sẽ trách cứ Giáo Hội nếu Giáo Hội không dám lên tiếng để bảo vệ chân lý. Đức tin Kitô giáo không phải đơn thuần là cố gắng của người có đức tin, ân thánh chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống đức tin của người Kitô hữu.

Chúa Giêsu thiết lập Giáo Hội và trao  chìa khóa Nước Trời  cho Phêrô, chính Người cũng đã khẳng định sứ mệnh của Giáo Hội và cho Giáo Hội biết rằng : Giáo Hội của Người không thuộc về thế gian. Nghĩa là Giáo Hội phải làm chứng cho Thiên Chúa là Đấng thinh lặng hoàn toàn, Người giữ thinh lặng ngay cả khi Giáo Hội của Người bị người đời xét xử, ngay cả khi người đời hiểu sai về Người và không chấp nhận chân lý Người đã mạc khải. Thiên Chúa chấp nhận tự do của con người tới mức tối đa.

Có những người nghĩ rằng bản Tuyên Ngôn đã làm tắc lối đường tìm kiếm chân dung đích thực của Chúa Kitô. Điều này chính Chúa Kitô đã trả lời khi Người khen ngợi đức tin của Phêrô, đồng thời Người cũng nói cho Phêrô biết không phải xác thịt và trí thông minh của Phêrô đã giúp Phêrô nhận ra được khuôn mặt của Chúa Giêsu thành Nagiarét, nhưng chính là mạc khải đến từ trời cao. Có thể nhiều người không chấp nhận điều này, nhưng đó là một chân lý mà Giáo Hội cần phải trình bày cho tất cả những người thiện tâm.

Chúa Giêsu thiết lập Giáo Hội và trao quyền cho Phêrô làm thủ lãnh sau khi Người sống lại. Đây là một sự kiện quan trọng cần phải được suy niệm để hiểu Giáo Hội là một bí tích như Công đồng Vaticanô II đã tuyên bố. Chúa Giêsu đặt để vận mệnh của Giáo Hội vào tay một kẻ chài lưới thất học. Chúa Giêsu chỉ đòi buộc Phêrô một điều duy nhất : yêu mến Người hơn tất cả người khác. Khả năng yêu mến của Phêrô là hành trang duy nhất mà Chúa Giêsu đòi hỏi khi Người trao quyền cho Phêrô. Điều này có ý nghĩa gì ? Nếu không phải là một lời gọi của tình yêu ? Tình yêu là động lực duy nhất giúp con người khám phá ra khuôn mặt thần thiêng của Chúa Giêsu.

Khi trao phó vận mệnh Giáo Hội cho Phêrô, Chúa Giêsu muốn người ta hiểu rõ rằng Người không phải là giáo chủ như người ta vẫn nghĩ. Vì họ cho rằng Chúa Kitô cũng là một vĩ nhân, hay là một tiên tri giữa muôn vàn những vị tiên hiền của nhân loại. Bởi thế mà họ không ngần ngại đặt Người ngồi chung chiếu với bất cứ nhà hiền triết nào trong lịch sử tôn giáo của nhân loại. Đức Giêsu thành Nagiarét không phải là nhà hiền triết, Người thật sự là một nhân vật khác thường trong lịch sử của trần thế ; Người không đi tìm kiếm chân lý, vì Người chính là chân lý, Người không đi tìm con đường để giải thoát chúng sinh, vì Người chính là Đường Chân Chính ; Người không rao giảng một học thuyết để nhờ đó giúp con người thoát khỏi những lấn cấn của kiếp làm người với những ràng buộc mà con người không thể làm khác hơn là phải chấp nhận ; Người đến để mang lại cho cuộc đời của con người có một giá trị vĩnh cửu, Người đến để nói với nhân loại Thiên Chúa mà các nhà hiền triết của thế gian gọi Ngài với vô số danh hiệu cao quý mà họ đã dành cho Người ; Đấng Thiên Chúa Chúa đó đích thực là Cha nhân ái của tất cả mọi người không phân biệt một ai. Chúa Giêsu thành Nagiarét không đến để đào tạo con người cho trần gian, cho dù giáo thuyết của Ngài đã thắp sáng bộ mặt của thế giới và làm cho nó bớt vô thần hơn, nhờ các môn đệ của Người ; Người đến để mời gọi con người trở nên hoàn thiện như Thiên Chúa là Đấng hoàn thiện ; Người đến để làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại. Vì thế Ngài không sai các môn đệ của Ngài đi thuyết phục thế giới ; nhưng là làm chứng cho một tình yêu đã giáng sinh, đã làm người và đã chết. Để minh chứng cho chân lý Người rao giảng, Người đã sống lại, để những ai tin Người cũng sẽ trở nên chứng nhân của Ngài, chứng nhân của mầu nhiệm nhập thể và sống lại. Chúa Kitô không kêu gọi Giáo Hội làm chứng cho một học thuyết, nhưng là chứng nhân cho một vị Thiên Chúa đã đi vào lịch sử của loài người. Chính Người đã thẳng thắn báo cho các môn đệ của Người biết sự thất bại của các chứng nhân phúc âm :  Hãy coi chừng người đời : họ sẽ điệu anh em ra tòa án và đánh dập anh em trong các hội đường của họ. Anh em sẽ bị đưa ra trước mặt quan quyền và vua chúa vì Thầy, đó sẽ là một chứng từ cho họ và cho các dân ngoại.  (Mt 10,17-18)

Bảo rằng nếu Thiên Chúa chỉ dùng một con đường là Giáo Hội duy nhất để cứu rỗi nhân loại thì quá nghèo nàn và tất cả mọi người sẽ không được hưởng ơn cứu rỗi của Người. Dĩ nhiên, khi chấp nhận tuyển chọn một dân riêng trong thế giới hữu hạn của con người, Thiên Chúa không thể làm khác hơn được, nhưng sự nghèo nàn của Thiên Chúa không bao giờ hủy diệt ơn cứu rỗi mà Người dành cho tất cả mọi người. Bản Tuyên Ngôn có nói đến ơn cứu rỗi và tác động của Chúa Thánh Thần trong các dân tộc và các quốc gia là những điều chỉ một mình Thiên Chúa mới thấu hiểu được. Giáo Hội đã nhìn nhận và tôn trọng điều đó ; nhưng không phải vì thế mà Giáo Hội đánh mất căn tính chứng nhân của mình. Trái lại, Giáo Hội phải coi việc loan báo Tin Mừng cứu rỗi là hơi thở và là sự sống còn của mình.

Khi bản Tuyên Ngôn mời gọi mọi người nhìn nhận Chúa Giêsu là Đấng cứu độ duy nhất, chắc chắn Giáo Hội không coi đây như một đề tài để tranh luận ; nhưng Giáo Hội nhắn nhủ con cái của mình đừng bao giờ ngừng làm chứng cho Chúa Giêsu thành Nagiarét ; đồng thời Giáo Hội loan báo cho thế giới Con Người của Chúa Kitô với tất cả sứ mệnh cứu rỗi mà Người đem lại cho nhân loại. Bản Tuyên Ngôn cũng không nhắm tới một đường hướng mục vụ. Nếu như tiếng dội của bản Tuyên Ngôn vang vọng đến tâm hồn của tất cả mọi người trên trần thế ; thì cũng là lúc mà thế giới phải nhận ra tiếng nói của Giáo Hội, chính là tiếng nói mà Giáo Hội vẫn tiếp tục từ 2000 năm nay, về một Đức Kitô duy nhất và về một Giáo Hội vẫn trung thành với sứ mệnh của mình từ ngày được thiết lập. Giáo Hội loan báo một Chúa Kitô là Đấng chịu chết và sống lại. Khi loan báo Giáo Hội không dựa vào một nền triết học được xây dựng trên nền tảng duy lý của Tây Phương ; cũng không dựa vào nền triết lý duy linh của Đông Phương. Có thể cả hai trào lưu tư tưởng siêu việt đó dọn dường cho việc chấp nhận chân lý về Thiên Chúa mà Đức Giêsu gọi là Người là Cha. Chân lý về Thiên Chúa thì luôn luôn là duy nhất. Đường về gặp gỡ Thiên Chúa thì vạn nẻo, nhưng chân lý đích thực thì chỉ có một, là chính Thiên Chúa. Từ 2000 năm nay người Kitô Giáo đã lấy chính máu đào để tuyên xưng niềm tin của mình.

Để được người đời nhìn nhận vị trí của mình giữa lòng thế giới, Giáo Hội đã phải trả bằng chính giá máu của con cái mình. Chân lý của Chúa Kitô trở nên tỏ tường khi Người bị treo lên thập giá.  Người không đến để xét xử thế gian, nhưng đến để cứu thế gian . Bởi thế, khi đặt vấn đề đa nguyên tôn giáo, xin hãy chính tâm đặt ra với tất cả những ai đã từng nhân danh  đám đông , để gọi là lập lại trật tự xã hội, vì đây là một vấn đề mà Giáo Hội, - và ngay cả khi Giáo Hội chưa được thành hình, khi mà Đức Kitô thành Nagiearét bị chính đồng hương của Người trao nộp cho nhà cầm quyền La mã vì một tội phạm hết sức mỉa mai :  .nó phải chết, vì nó xưng mình là Con Thiên Chúa.  - đã từng tìm kiếm và xây dựng. Hãy giở lại trang huyết sử của Giáo Hội để biết rằng tinh thần bao dung tôn giáo đã đi về đâu ? Vẫn biết rằng suốt một chuỗi dài của lịch sử 2000 năm, bàn tay của con cái Giáo Hội đã có lúc vấy máu và gây đau thương ; nhưng đã có biết bao nhiêu tín hữu đã đổ máu mình vì đã tin vào Chúa Giêsu. Trong tình thần hòa giải của Năm Hồng Ân 2000, trước mặt Thiên Chúa Giáo Hội đã khiêm nhường nhìn nhận những lầm lỗi của con cái mình ; nhưng đã có một tổ chức, một nhân danh chủ nghĩa nào đó đã cúi mình trước mặt Giáo Hội để nói lên tiếng nói của con tim chân chính : chúng tôi đã bịt miệng các người và không cho các người rao giảng chân lý của Chúa chưa ?

Có lẽ đã đến lúc cần phải lên tiếng ủng hộ công lý hoàn vũ để nói rằng : Đủ rồi ! Chúng ta đang bước vào thiên kiên kỷ thứ ba của kỷ nguyên Kitô giáo. Hãy trở nên những con người của chân lý , của sự thật, của công lý và của hòa bình, một thứ hòa bình mà trời cao đã vang vọng tiếng hát trong đêm Ngôi Lời nhập thể làm người :  bình an dưới thế cho người lòng ngay. 

Nói tóm lại, tiếng dội của bản Tuyên Ngôn đã đem lại những suy tư sau đây : loan báo Chúa Kitô là Đấng cứu độ duy nhất luôn luôn là một thách đố trong cuộc sống. Muốn nhìn nhận Giáo Hội của Người là Giáo Hội công giáo và tông truyền và thánh thiện, thì phải nhờ vào ân thánh của Người, và phải coi đó là một sự chọn lựa tự do nhưng sự lựa chọn luôn luôn phải trả bằng giá máu và nước mắt. Vì  lẽ khôn ngoan chúng tôi rao giảng cho các tín hữu trưởng thành là lẽ khôn ngoan không phải của thế gian và của các quyền lực thế gian này, là những thứ quyền lực dẫn đến sự diệt vọng. Chúng tôi rao giảng lẽ khôn ngoan mầu nhiệm của Thiên Chúa được dấu kín từ trước nhiều thế kỷ, trước khi tiền định cho vinh quang của chúng ta. Không một quyền lực của thế gian này biết được lẽ khôn ngoan ấy, vì nếu họ đã biết, họ đã chẳng đóng đinh Chúa vinh quang trên thập giá. Nhưng, như đã viết rằng điều mắt chưa hề thấy, tai chưa từng nghe và điều mà lòng người không hề đạt tới, là tất cả mọi điều mà Thiên Chúa đã dọn saün cho những kẻ mến yêu Người.  (1Co 2, 6-9) (Dịch theo bản TOB)

 Thật vậy, ngôn ngữ của thập giá là sự điên dại đối với những kẻ bị hư mất ; nhưng đối với những người đang được cứu rỗi là chúng ta, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa.Thật vậy, bởi vì thế gian đã không dùng lẽ khôn ngoan để nhận biết Thiên Chúa trong sự khôn ngoan của Thiên Chúa, nên nhờ sự điên rồ của lời rao giảng mà Thiên Chúa đã dùng để cứu những kẻ tin vào Người.   Người Do Thái đòi hỏi phép lạ và người Hy Lạp lại tìm kiếm lẽ khôn ngoan ; còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng một Đấng Cứu Thế bị đóng đinh, một sự ô nhục cho người Do Thái, và điên rồ đối với dân ngoại, nhưng đối với những người được kêu gọi, Do Thái cũng như Hy Lạp ; Người là Đấng Kitô, sức mạnh của Thiên Chúa và là khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì điều gọi là điên dại của Thiên Chúa thì còn khôn ngoan hơn là người đời và sự yếu đuối của Thiên Chúa thì còn mạnh mẽ hơn cả người đời.  (1Co 1, 18. 21-25) (Dịch theo bản TOB)

Lm F.X.M.Hoàng Văn Nghĩa

 


Trở về Trang Mục Lục Giáo Hội
Trở Về Trang Nhà