ƠN CÔNG CHÍNH HOÁ THEO THƯ RÔMA CỦA PHAOLÔ

DẪN NHẬP

Nền móng để xây dựng cuộc sống vững bền không thể đặt trên sự nổi trôi của cảnh đời tranh đua xua nịnh, hay bằng sự khôn khéo của bản thân. Những thứ đó luôn đặt mình trước nguy cơ sụp đổ, vì nó được đặt trên nền cát của cái tạm bợ, chứ không phải trên nền đá của chiều kích vĩnh cửu. Cũng vậy, ơn cứu độ hay ơn công chính hoá được thánh Phaolô diễn tả nơi thư Rôma không phải là kết quả của một quá trình giữ luật tỉ mỉ hay những cố gắng bản thân, nhưng là ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc được thực hiện trong Đức Kitô Giêsu.

Chắc hẳn, đây cũng là kinh nghiệm của Thánh Phaolô, từ một con người duy luật, đặt những khả năng của mình như những bậc thang đạt tới Thiên Chúa, nhưng qua ánh sáng của Chúa Kitô Phục sinh, ngài nhận ra: những gì xưa kia cho là có lợi, là vinh quang thì nay, những thứ đó là thiệt thòi và không đáng kể so với Đức Kitô. Đối với thánh nhân, cái làm nên những điều cao cả không hệ tại lề luật, cũng chẳng phải cố gắng bản thân, nhờ gặp gỡ Chúa Kitô và được ở trong Ngài. Vậy nguyên do nào mà thánh Phaolô lại đề cập đến ơn công chính hoá do đức tin, trong khi mình từng là một Pharisêu chính hiệu, duy luật? Tại sao ngài lại nhấn mạnh khía cạnh này với giáo đoàn Rôma, một giáo đoàn không do ngài thiết lập, nhưng lại ít đề cập đến trong các thư khác? Phải chăng thánh Phaolô muốn tách ơn công chính ra khỏi lề luật? Ơn công chính hoá nơi thánh Phaolô có đi ngược lại với lời hứa không? Đâu là ơn công chính của người kitô hữu?

Để phần nào làm sáng tỏ những vấn nạn trên, chúng ta cùng nhau tìm hiểu những điểm sau.

I  Đôi Nét Về Thánh Phaolô Và Thư Rôma

1  Con Người Phaolô

Dựa và sách Công Vụ Tông Đồ và các thư của Phaolô, chúng ta biết ngài là “người Israel, thuộc dòng dõi Ap1raham, thuộc chi tộc Benjamin” (Rm 11,1). Nơi thư gửi tín hữu Philiphê, ngài cũng nói lên điều đó: “Tôi chịu cắt bì vào ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Israel, họ Benjamin, là người Hipri, con của người Hipra, giữ luật đúng như một người Pharisiêu” (Pl 3, 5). Mặc dầu khẳng định mình thuộc về người Do thái (x. 2Cr 11, 22), thánh nhân là một người Do thái kiều cư: “Tôi đây là người Do thái, quê ở Tarso miền Kilikia, công dân của một thành không phải là không có tiếng tăm” (Cv 22, 3. 39). Tuy nhiên, từ nhỏ ngài đã lên Giêrusalem để tu luyện dưới sự hướng dẫn của thầy Gamaliên để giữ luật cha ông một cách nghiêm nhặt (x. Cv 7, 20- 23). Ngài tự xưng mình là người Biệt phái (Pl 3, 5). Có lẽ, thánh nhân được gửi tới Giêrusalem để học với hy vọng trở thành một Rabbi. Trong môi trường này, ngài được đào luyện về Kinh thánh, luật, tập tục cha ông để chuẩn bị trở thành một Biệt phái[1].

Như vậy, thánh Phaolô là người được cấu thành bởi môi trường đa văn hoá, có học thức và được rèn luyện cách nghiêm nhặt để chuẩn bị cho mình một tương lai bằng nghề Rabbi. Cho nên, khi đối diện với một đạo mới đang làm xáo trộn và có nguy cơ xói mòn nền tảng Đạo cha ông, ngài tỏ ra nhiệt thành trong việc khử trừ cái dằm này. Ngài tự thú trong thư gửi tín hữu Galat: “Trong việc giữ đạo Do thái, tôi vượt xa nhiều đồng bào cùng trang lứa, hơn ai hết tôi đã tỏ ra nhiệt thành với các truyền thống cha ông” (Gl 1, 14). Sự nhiệt thành là chất men khiến thánh nhân thêm hăng say bắt bớ và muốn tiêu diệt Hội thánh của Thiên Chúa (x. Pl 3, 5- 7). Sách công Vụ Tông Đồ cho ta cái nhìn về thánh Phaolô: “Tôi được giáo dục để giữ luật cha ông một cách nghiêm nhặt... tôi đã bắt bớ đạo này, không ngần ngại giết kẻ theo đạo, đã đóng xiềng và tống ngục cả đàn ông lẫn đàn bà” (Cv 22, 3- 5). Sự nhiệt thành với lề luật đã thúc đẩy thánh nhân ra khỏi biên giới Do thái, đến với các thành khác để tìm bắt những ai tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu Kitô: “Ông Saolô còn hằm hằm đe doạ và giết chóc đối với các môn đệ Chúa, nên đã tới gặp các Thượng tế xin thư giới thiệu đến các hội đường Đamas, để nếu thấy ai theo đạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải về Giêrusalem” (Cv 9, 1- 2). Tới đây, cha Nguyễn Văn Trinh cho biết nguyên nhân dẫn thánh Phaolô tới cuộc bách đạo: “Điểm quyết định của cuộc bách hại, chính là ki hữu tuyên xưng Đấng Phục Sinh là Cứu Chúa, là Đấng cứu độ. Nếu Đấng Phục sinh thực sự là Đấng cứu độ thì lề luật sẽ dư thừa, Do thái sẽ bị dẹp tan. Địa vị tương lai của Phaolô sẽ gặp nguy hiểm. Như thế vì đạo đức, vì lề luật, vì công nghị, vì cái tôi tương lai, Phaolô gán cho nhóm kitô hữu này là một nhóm phái nguy hiểm, gây nguy cơ cho chính Do thái giáo, phải tiêu diệt nhóm phản loạn này để Do thái giáo tồn tại[2].

Cũng như bao nhiêu người Do thái khác, Phaolô nghĩ rằng đạo cha ông truyền lại là “number one”. Đàng khác, người ta được nên công chính bằng cách tuân giữ lề luật, chứ không phải nhờ niềm tin vào Đức Kitô, Đấng chịu đóng đinh, điều mà người Hy lạp cho là điên rồ và người Do thái cho ô nhục, không thể chấp nhận được (x. 1Cr 1, 22- 23). Như vậy, sự bách hại của thánh Phaolô không do dụng ý xấu, nhưng khởi đi từ tình yêu và lòng nhiệt thành với Đạo cha ông. Thiên Chúa đã nhận ra điểm son này nơi thánh Phaolô, nên đã kêu gọi và biến ngài thành khí cụ mang ơn cứu độ đến cho muôn dân. Thánh nhân nhiều lần nhắc lại ơn gọi của mình như muốn xác tín hơn tình thương Thiên Chúa dành cho mình. Ngài nói: “Trước đây tôi là người nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người xót thương, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin” (1Tx 1, 13). Nơi khác, ngài chân nhận mình là kẻ tội lỗi được Thiên Chúa thương cứu vớt và trao cho sứ vụ làm rạng danh Ngài: “Đức Giêsu đã đến thế gian để cứu người tội lỗi mà người thứ nhất là tôi. Sỡ dĩ tôi được Người xót thương như thế là vì Thiên Chúa muốn đưa tôi ra làm gương cho tất cả những ai tin vào Ngài” (1Tm 1, 15- 16).

Qua biến cố Đamas, thánh Phaolô đã được chuyển hướng, không phải bằng một tư tưởng, nhưng qua sự hiện diện không thể chống cự của Đấng Phục Sinh. Nói cách khác, với thị kiến trên đường Đamas đã biến đổi hoàn toàn con người, quan niệm của thánh Phaolô về Đức Giêsu, về ơn cứu độ và giá trị lề luật. Từ một con người muốn đặt mình trên danh- lợi- quyền, nay lại coi tất cả là thiệt thòi so với mối lợi tuyệt với là được biết Đức Kitô và ở lại trong Người.

 

2  Thư Gửi Giáo Đoàn Rôma

Cộng đoàn tín hữu Rôma hiện diện trước khi ngài viết thư này. Như vậy, giáo đoàn này không do ngài thiết lập. Nhờ hai ông bà Aquila và Pơritca mà thánh Phaolô, bây giờ đang ở Côrintô biết được về tình trạng xung khắc nội bộ giữa kitô hữu Do thái và kitô hữu gốc dân ngoại.

Thánh Phaolô viết cho những người Rôma không những để giải quyết vấn đề nơi họ, nhưng còn chuẩn bị cho kế hoạch truyền giáo tại Tây Phương (Rm 15, 24). Ngài cần sự hỗ trợ của người Rôma cho công tác này. Lá thư như bước đầu dọn đường cho một hướng đi trong sứ vụ mà ngài hằng ôm ấp. Đàng khác, ngài muốn nói lên quan niệm và lời rao giảng của mình với anh em ở Rôma. Cách gián tiếp, lá thư mang tính tranh luận với họ về vấn đề thần học ân sủng của ngài (x. Rm 6, 1- 5). Bởi vì giáo đoàn này nảy sinh cuộc tranh luận về ân sủng và sự công chính, lề luật và tự do, đức tin và tình yêu. Phaolô nói lên những suy nghĩ của mình về lịch sử cứu độ qua bức thư này; một sự cứu độ phát xuất từ sự công chính và tình yêu Thiên Chúa, và bây giờ đến với nhân loại qua con đường niềm tin của mỗi người vào Đức Giêsu. Thánh Phaolô nhận thức rằng sự công chính và ơn cứu độ không do bởi tuân giữ lề luật, nhưng nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô, Người Con mà Chúa Cha sai đến trần gian. Nhờ đức tin, con người có thể tham dự vào công nghiệp của Đức Kitô, chương trình cứu độ mà Thiên Chúa đã thực hiện qua cái chết và phục sinh của Người Con yêu dấu[3].

Có thể nói trong cách thư Phaolô viết, thư Rôma chiếm một vị trí quan trọng, vì đề cập đến nhiều chủ đề nóng bỏng mà giáo đoàn này đang gặp phải. Mặc dầu thảo luận một số chủ đề đã được viết trong tư Galat, nhưng thay vì lối văn minh giáo, thì ngài lại chn giọng điệu hoà nhã. Tuy giọng văn nhẹ nhàng, nhưng với lối lập luận khúc chiết, mạnh mẽ, thánh Phaolô phần nào giải g những khó khăn đang gây lấn cấn giữa các tín hữu Do thái và các tín hữu gốc ngoại giáo. Lá thư này như một sợi chỉ đỏ nối kết hai trường phái lại với nhau, khi hướng họ đến một đích điểm chính yếu là nguồn ơn cứu độ trong Đức Kitô. Như vậy, “cùng với thư  gửi tín hữu Galat, thư gửi tín hữu Rôma làm nổi bật tương quan giữa Do thái và Kitô giáo. Kitô giáo là viên mãn của niềm tin trong Cựu Ước. Giao ước thời Môsê chỉ là giai đoạn chuẩn bị, phải nhường bước cho giao ước mới và hoàn hảo trong Chúa Kitô. Từ nay, Chúa Giêsu Kitô là nguồn mạch đem lại ơn cứu độ cho bất cứ ai tin vào Người[4].

3  Khái Niệm Về Ơn Công Chính Hoá

Filipe Gomez s.j- Học Viện Pio X nêu lên khái niệm như sau: “Theo nghĩa thông thường, công chính hoá là làm cho lý lẽ của mình thắng lý lẽ đối phương, làm cho quyền lợi chính đáng của mình được công nhận… Đàng khác, được công chính hoá có nghĩa là trong cơn thử thách hay trong cuộc xung đột, ta không những chứng minh được lòng vô tội mà còn nói lên được tất cả hành vi của mình là chính đáng: công chính hoá có nghĩa là làm cho đức công bình của mình được tỏ lộ ra[5].

Dưới cái nhìn của J. Theilln thì: “Công chính trước nhất là sự phù hợp với luật pháp và công lý. Với danh nghĩa này, công chính chi phối mối quan hệ giữa con người với đồng loại, nhất là phạm vi luật pháp. Công chính theo nghĩa rộng hơn còn có nghĩa là thánh đức, hay ít là thói quen thực hành nhân đức hằng ngày. Công chính khi ấy đối lập với tội lỗi. Từ đó, công chính chủ yếu là hành động phù hợp với Thiên Chúa[6].

Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đưa ra khái niệm về công chính: “Công chính là hành động nhân từ vô điều kiện của Thiên Chúa, phát sinh từ tình yêu vô biên của Ngài, hầu tha thứ tội lỗi và làm cho con người nên công chính thánh thiện[7].

Giáo lý Hội Thánh Công giáo trình bày về công chính hoá như một cái nhìn chung cuộc: “Sự công chính hoá là công trạng nhờ cuộc khổ nạn của Đức Ki cho chúng ta. Nó được ban cho chúng ta nhờ phép rửa. Nó làm cho chúng ta phù hợp với sự công chính của Thiên Chúa, Đấng làm cho chúng ta nên công chính. Sự công chính hoá có mục tiêu là vinh quang của Thiên Chúa và của Đức Kitô, và hồng ân của đời sống vĩnh cửu. Nó là công trình hết sức tuyệt vời của lòng thương xót của Thiên Chúa[8].

Như vậy, xét trên bình diện tự nhiên, công chính hoá là sự thể hiện đức công bình, làm cho quyền lợi của mình được công nhận và tôn trọng. Nó cũng là sự phù hợp với luật pháp và công lý. Với cái nhìn tôn giáo, công chính hoá là hành động nhân từ của Thiên Chúa, được thể hiện qua cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô, hầu tha thứ tội lỗi và giúp con người đạt tới ơn cứu độ. Hướng đích của công chính hoá là Thiên Chúa và hồng ân của đời sống vĩnh cửu.

II  Công Chính Hoá Và Lề Luật

1  Được Nên Công Chính Nhờ Đức Tin

Đối với thánh Phaolô cũng như những người cùng thời với ngài, lề luật là khuôn thức, và vách ngăn chống lại các áp lực đang hăm doạ căn tính Israel: đức tin, Thiên Chúa duy nhất và các lời hứa của Ngài. Đồng thời, khi tuân giữ lề luật là con người nắm trong tay quyền lợi đòi Thiên Chúa kết cho mình một vòng hoa công chính.

Tuy nhiên, khi được biến đổi và nhận ra tình yêu Thiên Chúa, ngài đã hiểu được giá trị căn bản và không thể thay thế của đức tin: “Chúng tôi nhận ra rằng, người ta được nên công chính nhờ đức tin, chứ không phải vì làm những gì luật dy” (Rm 3, 28). Thánh Phaolô cho thấy giá trị cuộc sống không hệ tai những việc ta làm, nhưng tuỳ thuộc vào ân sủng của Thiên Chúa, bởi vì, chúng ta “được nên công chính là do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu” (Rm 3, 24). Việc làm có giá trị cộng tác, chứ không đóng vai trò quyết định ơn công chính của chúng ta. Do đó, điểm quy chiếu cho con người đạt tới ơn cứu độ là đức tin. Nhờ đức tin được Thiên Chúa nhìn nhận là công chính: “Người nào không dựa vào việc làm nhưng tin vào Thiên Chúa, Đấng làm cho kẻ vô đạo nên công chính, thì lòng tin làm cho người ấy được Thiên Chúa kể là công chính” (Rm 4, 5).

Thánh Phaolô đưa ra cho ta một tấm gương về đức tin là tổ Phụ Apraham: “Ông Apraham đã tin Thiên Chúa, và vì thế được kể là người công chính” (Rm 4, 3). Để minh chứng cho ông Apraham được nên công chính do bởi đức tin, chứ không phải nhờ việc làm, thánh nhân làm sáng tỏ dưới dạng câu hỏi: “Ông được nên công chính khi nào? Trước hay sau cắt bì? Không phải sau mà là trước khi được cắt bì! Ông nhận được phép cắt bì như dấu hiệu chứng thực rằng: nhờ tin mà được nên công chính, trước khi được cắt bì” (Rm 8, 10- 11). Nhờ sống chiều kích đức tin, Apraham đã thông truyền cho thế hệ sau một kho tàng vô tận: thừa kế lời Thiên Chúa hứa. Như vậy, ông xứng đáng là tổ phụ của những ai có lòng tin. Thánh Phaolô nói: “Vì tin mà chúng ta thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa, như thế là ân huệ Thiên Chúa ban không, và có giá trị cho toàn thể dòng dõi ông Apraham, nghĩa là không phải chỉ có những ai tuân giữ lề luật, mà còn cho những ai có lòng tin như ông. Ông là tổ phụ của chúng ta hết thảy” (Rm 4, 6).

Dĩ nhiên, thánh Phaolô không nhằm hạ giá hay huỷ bỏ lề luật, nhưng để “củng cố lề luật” (Rm 8, 31). Ngài chỉ muốn đặt đức tin vào đùng vị trí và mục đích của nó, cũng như giúp chúng ta nhận ra vai trò thiết yếu của đức tin trong tiến trình giúp mỗi người đón nhận ơn công chính hoá ngang qua con người Giêsu, Đấng đã chết và đã sống lại để cứu độ bất cứ ai có lòng tin. Như vậy, thành quả mà đức tin mang lại không gì khác ngoài Đức Kitô. Nhờ Người, cuộc sống chúng ta trở nên an vui và ý nghĩa (x. Rm 5, 1). Nói theo ngôn ngữ của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI: “Đức tin có nghĩa là nhìn Đức Kitô, đặt mình vào Đức Kitô, gắn bó với Đức Kitô, đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, với đời sống của Người[9]. Chúng được nên công chính khi bước vào trong sự thông hiệp với Đức Kitô, một sự ràng buộc triệt để chúng ta với Ngài (Rm 1, 17).

Ở đây, thánh Phaolô đã có một cái nhìn thay đổi hoàn toàn. Từ một con người bám vào lề luật như bậc thang đạt tới vinh quang, ngài lại coi nó như không đáng kể so với ơn công chính nhờ tin vào Đức Kitô và được kết hợp với Người. Nhờ ánh sáng của Đấng phục sinh, thánh nhân đã được Thiên Chúa “rẽ” sang một lối đi mới dưới sự hướng dẫn của đức tin. Điều này đồng nghĩa những công lao ngài gầy dựng trước đây, giờ chỉ còn “công dã tràng xe cát biển đông”. Và thật sự, ngài chấp nhận sự mất mát này để bước theo Đức Kitô, biết Người và được ở trong Người. Có lẽ, đây cũng là nhận định của Filipe Gomez, s.j: “Ý niệm về sự công chính đã thay đổi hoàn toàn. Từ nay con người tin tưởng nơi Thiên Chúa và Thiên Chúa làm cho họ trở nên công chính, nghĩa là đảm bảo cho ơn cứu rỗi nhờ đức tin và việc kết hợp với Chúa Kitô[10].

Với thánh Phaolô, đức tin là lối ngõ dẫn mỗi người đạt tới ơn cứu độ, là niềm hy vọng cho những gì ta mong chờ. Cho nên, “cần phải tái khám phá hành trình đức tin để ngày càng làm nổi bật niềm vui và lòng hăng say phấn khởi được đổi mới nhờ gặp gỡ Chúa Giêsu[11].

2  Giải Gở Khỏi Lề Luật

Lề luật chỉ ràng buộc và có hiệu lực bao lâu con người còn sống (x. Rm 7, 1). Vậy, người kitô hữu một khi cùng chết với Đức Kitô thì không còn bị lề luật ràng buộc nữa. Trong Đức Kitô, chúng ta là một con người mới, vì con người cũ đã chết đối với tội lỗi; một con người sống nhờ ân sủng, chứ không phải bởi lề luật. Thánh Phaolô xác quyết: “Chúng ta không còn bị lề luật ràng buộc nữa, vì chúng ta đã chết đối với cái giam hãm chúng ta. Như vậy, chúng ta phục vụ Thiên Chúa theo tinh thần mới, chứ không phải theo bản văn của lề luật” (Rm 7, 6). Người đặt niềm tin vào Đức Kitô là con người của tự do, được giải thoát khỏi sự giam hãm của lề luật. Ở đây, thánh nhân không đề xướng một cuộc sống thiếu trật tự, đứng ngoài hay coi thường pháp luật, vì “lề luật là thánh, và điều răn cũng là thánh, đúng và tốt” (Rm 7, 12). Đúng hơn, ngài nhấn mạnh đến sự tự do của con cái Thiên Chúa, sự tự do vượt lên trên biên cương hạn hẹp của lề luật. Nó có khả năng giúp con người nhìn xa, nhìn rộng và hướng về thực tại vĩnh hằng mà Thiên Chúa mời gọi. Bao lâu còn lệ thuộc vào lề luật, bấy lâu tội lỗi còn chi phối chúng ta. Đàng khác, nại vào lề luật để lên mặt, làm thầy dạy nhưng lại vi phạm lề luật là chúng ta xúc phạm đến Thiên Chúa và anh chị em mình. Điều này thánh Phaolô đã nói: “Mang tên là người Do thái, lại ỷ rằng mình có lề luật, và tự hào vì có Thiên Chúa; bn được biết ý Người, được lề luật dạy điều hay lẽ phải; bạn xác tín mình là người dẫn dắt kẻ mù loà, là ánh sang cho kẻ ngồi trong bóng tối, là nhà giáo dục cho kẻ u mê, là thầy dạy người non dại, vì bạn tưởng mình có lề luật là có tất cả tri thức và chân lý: Vậy bạn biết dạy người khác, mà lại không dạy chính mình… Bạn tự hào vì có lề luật, mà bạn vi phạm lề luật, như vậy bạn làm nhục Thiên Chúa” (Rm 2, 17- 23).

Cứu cánh của lề luật không hệ tại ở lề luật, nhưng là Thiên Chúa, khiến bất cứ ai tin đều được nên công chính (x. Rm 10, 4). Bởi đó, trên con đường đạt tới cứu cánh, con người cần giải gở những rào cản hay những níu kéo làm xa hướng đích. Hành trang chúng ta mang trên mình phải là đức tin, một đức tin sắt son vào Đức Kitô, hầu bước đi khung trời mầu nhiệm cứu độ mà Chúa đã hứa ban. Thiên Chúa cứu độ chúng ta không phải bằng một khoản luật hay nhờ một việc làm ngoại thường, nhưng bằng một tình yêu nhưng không. Đó cũng là ý kiến của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “Chúa không cứu chúng ta bằng một sắc lệnh hay lề luật; Chúa cứu chúng ta bằng lòng nhân hậu. Chúa cứu chúng ta bằng cử chỉ yêu thương, Chúa cứu chúng ta bằng mạng sống của Người[12].

Là một người Do thái chính hiệu, thánh Phaolô đã được học hỏi việc tuân giữ lề luật như một phận vụ bảo vệ các ân huệ của Thiên Chúa, bảo vệ gia sản đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất. Tuy nhiên, điều mà thánh Phaolô coi như một đảm bảo cho ơn công chính thì bị tự do của các kitô hữu hăm doạ. Chỉ sau khi gặp Đấng Phục sinh, ngài đã thay đổi cảm thức về lề luật. Từ đây, “vách ngăn lề luật không còn quan trọng nữa, vì chúng ta sống trong sự đa dạng với Đức Kitô và chính Người sẽ làm cho chúng ta nên công chính, tức là được hiện hữu với Đức Kitô và trong Đức Kitô[13].

Một câu nói chúng ta cảm thấy quen, nhưng lại có giá trị cho trường hợp của Thánh Phaolô: “Lề luật là phương tiện, nó không phải là cứu cánh. Nó là con đường, nó không phải là mục đích[14]. Thánh Phaolô không đả phá hay muốn kéo con người ra khỏi vòng pháp luật, cho bằng giải gở hình thức vụ luật, một cách thức giam hãm con người trong vòng luẩn quẩn của ác cảm tội lỗi, vì “lề luật làm cho con người ý thức về tội” (Rm 3, 20). Chỉ có trong Đức Kitô, con người mới thực sự bắt gặp được chân lý tuyệt đối, một chân lý có khả năng giải thoát con người khỏi mọi ràng buộc để đạt tới sự tự do đích thực mà Thiên Chúa hứa ban.

III  Ơn Công Chính Với Lời Hứa

1  Ơn Công Chính Không Đi Ngược Với Lời Hứa

Thánh Phaolô cảm thấy đau buồn trước tình trạng của người Do Thái, những người anh em, những người đồng bào của mình đã không đón nhận Đức Kitô. Có thể nói, nỗi đau buồn của thánh Phaolô trào dâng đến cực độ, vì thánh nhân biết những ưu đãi trong quá khứ của Israel: được Thiên Chúa tuyển chọn làm dân riêng. Hơn nữa, chính Đức Kitô cũng đã xuất thân từ dòng tộc này. Đó là một ân huệ lớn lao mà các dân tộc khác không thể có được. Thư Rôma cho ta cái nhìn này của thánh nhân: “Họ là người Israel, họ được Thiên Chúa nhận làm con, được Người cho thấy vinh quang, ban tặng các giao ước, lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa; họ là con cháu các Tổ phụ; và sau hết, chính Đức Kitô, xét theo huyết thống, cũng cùng một dòng giống với họ” (Rm 9, 4- 5). Thánh Phaolô cho biết: Israel được tuyển chọn không bởi họ là một dân hùng cường, đạo đức hay có những ưu điểm vượt trội, nhưng là vì được Thiên Chúa xót thương (x. Rm 9, 16).

Tất nhiên, Thiên Chúa vẫn luôn trung tín và giang rộng vòng tay đón nhận con cái mình trở về. Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa không phải vì nhu nhược, cho bằng tạo một cơ hội cho những kẻ đáng hứng chịu cơn thịnh nộ được nhận lãnh vinh quang như Người đã hứa. Thánh nhân nói: “Người đã hết lòng kiên nhẫn chịu đựng những kẽ đáng hứng chịu cơn thịnh nộ và chờ ngày diệt vong. Thiên Chúa cũng muốn cho biết vinh quang của Người dồi dào biết mấy đối với những kẻ được Người thương xót, những kẻ mà Người chuẩn bị trước cho họ được lãnh nhận vinh quang” (Rm 9, 22- 23).                       

Phaolô chân nhận rằng họ có lòng nhiệt thành với Thiên Chúa, nhưng lòng nhiệt thành thiếu sáng suốt này là bức màn che khuất khả năng nhận ra một Thiên Chúa đích thật. Thay vì tìm kiếm một Thiên Chúa chân thật, họ tác tạo Thiên Chúa theo nhãn quan của mình, một Thiên Chúa “ngẫu tượng”. Ngài viết: “Họ có lòng nhiệt thành với Thiên Chúa, nhưng lòng nhiệt thành của họ không được sang suốt, họ không nhận biết rằng chính Thiên Chúa làm cho người ta nên công chính, và họ tìm cách nên công chính tự sức mình” (Rm 10,2-3). Nói theo cách của Filipe Gomez: “Ảo tưởng có quyền làm vinh danh mình trước mặt Thiên Chúa (Rm 3, 27) đưa đến một sự nhầm lẫn nền tảng trong việc giải thích giao ước, nghĩa là tách lề luật ra khỏi lời hứa, và mong tìm nơi lề luật một phương thế khả dĩ giúp họ nên công chính trước mặt Thiên Chúa[15].

Thánh Phaolô muốn đưa ra ánh sang sự thật mà người Israel đang nhầm lẫn: ơn công chính hoá được thể hiện qua niềm tin vào Đức Kitô không làm giảm giá trị hay đi ngược lại lời Thiên Chúa đã hứa với cha ông. Trái lại, Đức Kitô đến để kiện toàn những gì Thiên Chúa đã hứa từ xưa. Ngang qua Đức Kitô, những ước vọng của họ sẽ được đền đáp cân xứng, và những gì còn dang dở được Ngài kiện toàn cách tốt đẹp. Hơn nữa, cho dù họ có đóng khung trong vỏ bọc cố thủ của mình, Thiên Chúa vẫn chọn họ vì kế hoạch của Người. Người chọn họ không dựa trên tiêu chuẩn của việc làm hay thước đo của lề luật, nhưng theo như ý Người định. Thánh Phaolô xác quyết: “Để giữ kết hoạch Thiên Chúa đã tự do chọn lựa, mà chọn không dựa trên việc người ta làm, nhưng dựa vào ý muốn của Thiên Chúa là Đấng kêu gọi” (Rm  9, 11- 12).

Như vậy, Thiên Chúa đã đi bước trước trong tiến trình tuyển chọn, thánh hoá và kiện toàn dân Người đã tuyển chọn. Đó là cánh cửa mở ra chân trời hy vọng, ân sủng và tình yêu. Nơi chân trời này, Thiên Chúa luôn dành một chỗ xứng hợp cho con cái mình khi quay gót trở về; nghĩa là tin nhận Đức Kitô là Thiên Chúa làm người, Đấng đã đến để kiện toàn những gì Thiên Chúa đã hứa với cha ông.

2  Niềm Hy Vọng Cho Israel

Khi đối diện với số đông người Do Thái không tin vào Đức Kitô, thánh Phaolô phê phán ý kiến cho rằng Israel đã bị ruồng bỏ, đồng thời ngài thắp lên nơi họ niềm hy vọng: “Thiên Chúa không ruồng bỏ dân Người, dân mà Người đã tuyển chọn từ trước” (Rm 11, 2), và sẽ “còn sót lại một số người được tuyển cho nhờ ân sủng của Thiên Chúa” (Rm 11, 5). Là người con của dân tộc ưu tuyển, thánh Phaolô cũng mang nơi mình ước nguyện ngày mai tươi đẹp cho Israel, đó là đạt được nguồn ơn cứu độ: “Lòng tôi những ước mong và cầu xin cho người Do Thái được cứu độ” (Rm 10, 1), tức là “có ngày cũng sẽ được giải thoát… được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8, 21).

Thánh Phaolo nhắc cho họ biết rằng thảm trạng mà họ đang hứng chịu chỉ là phiến diện và nhất thời. Bóng mây ngoan cố không chịu tin, bây giờ đang chờ một bình minh ló rạng: Thiên Chúa sẽ thâu nhận họ lại và thừa khả năng tháp nhập họ lại một lần nữa. Bởi vì, dân ngoại là cành ô liu dại mà còn tháp nhập được, thì dân Do Thái là cành ô liu chính hiệu chắc hẳn sẽ được tháp nhập lại cách dễ dàng và tốt đẹp (x. Rm 11, 23- 34). Cánh cửa của ân sủng Thiên Chúa vẫn luôn rộng mở đón nhận họ trở về, vì họ là người được tuyển chọn từ trước qua các tổ phụ, cho nên Ngài không hề thay đổi. Thánh nhân khẳng định: “Theo ơn tuyển chọn, họ là những người được yêu, và đó là nhờ các tổ phụ. Quả thế, khi Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý” (Rm 11, 28- 29).

Dân ngoại là người “ngoài” mà còn được chung phần vinh phúc, tức là được hoà giải với Thiên Chúa, thì dân Do Thái là những người con “hoang đàng”, một khi quay gót trở về chẳng lẽ Thiên Chúa lại không đón nhận. Quả thật, cho dù bây giờ họ không tin vào Đức Kitô, Người con mà Thiên Chúa gởi đến cứu độ những ai có lòng tin, nhưng hiện trạng này sẽ được cải thiện và hồi sinh. Ngài nhấn mạnh: “Nếu vì người Do thái sa ngã mà thế giới được ân phúc dồi dào… thì khi họ trở về đầy đủ, tình trạng tốt đẹp hơn biết mấy. Nếu họ bị gạt ra một bên mà thế giới hoà giải với Thiên Chúa, thì việc họ được thâu nhận lại là gì, nếu không phải là từ cõi chết bước vào cõi sống” (Rm 11, 12. 15). Phaolô chân nhận rằng, việc đi lệch đường của họ không mang tính chống đối, nhưng muốn bảo vệ gia sản đức tin của cha ông. Cho nên, họ rất dễ có phản ứng tiêu cực khi một “luồng gió mới” xâm nhập và làm xáo trộn niềm tin của mình. Chắc hẳn, Thiên Chúa thấy lòng nhiệt thành của họ. Ngài muốn uốn nắn, đưa về nẻo chính đường ngay, để họ được nên công chính và chung hưởng phúc vinh quang như đã tiền định từ trước. Bởi vì, “những ai đã được Thiên Chúa tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang” (Rm 8, 29- 30).

Với cái nhìn của thánh Phaolô, người Do Thái chính hiệu không phải là người tuân giữ nghiệm nhặt theo mặt chữ của lề luật, nhưng theo tinh thần của nó, và những việc làm đó được Thiên Chúa khen thưởng, chứ không phải để người đời ca ngợi tán dương (x. Rm 2, 29). Đàng khác, là con người mang dòng máu dân tộc, ngài không thể chấp nhận một dân được tuyển chọn lại đi vào vực thẳm của diệt vong. Ngài xác tín rằng Israel sẽ quay trở lại khi tin nhận Đức Kitô để được giải thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi và gông cùm của lề luật hầu đạt đến ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa ban. Cánh cửa của ân sủng và tình yêu Thiên Chúa luôn rộng mở đón nhận Israel.

IV  Ơn Công Chính Hoá Của Người Kitô Hữu

1  Giải Thoát Khỏi Tội Và Sự Chết

Tội lỗi và sự chết là cái hố chôn vùi cuộc đời trong đau thương. Hai thái cực này luôn đi đôi với nhau như hình với bóng: hệ luận của tội là sự chết. Ở đây, cái chết không những xảy ra lúc kết thúc cuộc hành trình dương thế, nhưng gặm nhấm từng ngày, khiến cho những ai vướng vào vòng tội lụi luôn cảm thấy bất an và thất vọng.

Tuy nhiên, với niềm tin sắt son vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô, thì tội lỗi và sự chết không còn là ngõ cụt, mà có thể trở nên phương thế giúp ta tiến bước nhờ ân sủng Thiên Chúa ban không. Thánh Phaolô đã nói: “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta. Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta… ngay khi chúng ta còn là người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Phương chi bây giờ chúng ta đã được nên công chính nhờ máu Đức Kitô đổ ra, hẳn chúng ta sẽ được Người cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa” (Rm 5, 5- 7. 9). Như vậy, con người được giải cứu khỏi ách nô lệ tội lỗi không do bởi sức riêng, nhưng được khởi đi từ Thiên Chúa, ngang qua thập giá Đức Kitô. Dĩ nhiên, con đường thập giá của Đức Kitô không phải là một gánh nặng đè nén con người, cho bằng là lối ngõ mang đến cho con người niềm hy vọng; nghĩa là: “Được nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu” (Rm 3, 24).

Thánh Phaolô thật khéo léo khi mô tả tình trạng của người tín hữu sau khi được nên công chính và được giao hoà với Thiên Chúa, bằng so sánh tình trạng của nhân loại trước khi Đức Kitô đến. Ngài đưa ra hai nhân vật: Adam, tổ tiên của nhân loại, và Đức kitô là đầu của nhân loại mới. Sự so sánh này nhằm làm nổi bật tình yêu và sức năng biến đổi của ân sủng: “Nếu chỉ vì một người, một người duy nhất sa ngã, mà sự chết đã thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, lại còn lớn lao hơn biết mấy… Nếu tội lỗi đã thống trị bằng cách làm cho người ta phải chết, thì ân sủng cũng thống trị bằng cách làm cho người ta nên công chính để được sống đời đời, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 5, 17. 21). Về điểm này, Fitzmyer thật có lý khi nói: “Vì Phaolô muốn minh định cách rõ ràng điểm dị biệt và tính cách siêu phong phú của ân sủng Đức Kitô, ân sủng này bây giờ đang thống trị thế gian, thay cho tội lỗi và sự chết đã thống trị thế gian từ Adam. Chỉ vì tội lỗi đến trần gian qua Adam, thì qua Đức Kitô, công chính đã đến[16].

Như vậy, chúng ta không còn nô lệ cho tội nữa, nhưng là con cái ánh sang và tự do. Bởi vì, “con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô” (Rm 6, 6), cho nên “cũng như Người đã sống lại từ cõi chết, nhờ quyền năng của Thiên Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6, 4). Nhờ mầu nhiệm vượt qua của Đức kitô, lương bỏng của tội lỗi là sự chết đã được tẩy xoá. Bây giờ chúng ta bắt đầu viết nên những trang giấy mới của cuộc đời “bằng chính ân huệ Thiên Chúa ban không, là sự sống đời đời trong Đức Giêsu Kitô” (Rm 6, 23). Ân ban này vượt quá sức mong đợi của con người, bởi vì dưới sức nặng của tội lỗi và sự chết, con người cảm thấy bất lực. Nhưng điều mà con người không thể, thì Thiên Chúa lại có thể làm tất cả cho những ai yêu mến Ngài (x. Rm 8, 28).

Chính Thiên Chúa đã đi bước trước khi sai Đức Giêsu “làm hy lễ xá tội nhờ máu của Người” (Rm 3, 25). Nhờ máu Đức Kitô đã đổ ra trong cuộc khổ nạn đã giải gở chúng ta khỏi vòng của tội luỵ và sự chết. Nói cách khác, Thiên Chúa đã tẩy rửa chúng ta sạch hết mọi tội lỗi bằng giá máu của Đức Kitô. Nhờ đó, chúng ta được giải thoát khỏi sự vây hãm của tội và sự chết để cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang.

2  Giao Hoà Với Thiên Chúa

Trong Đức Kitô, chúng ta đã nhận được đời sống mới, một sự tái tạo con người. Nhờ phép rửa, chúng ta được sống mầu nhiệm sự chết và sống lại của Đức Kitô, nên bản chất nội tại của nó đã được biến đổi: “Vì chúng ta đã nên một với Đức Kitô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại” (Rm 6, 5). Dưới cái nhìn của thánh Phaolô, phép rửa đã thiết lập quyền sở hữu Đức Kitô trên chúng ta. Nói theo cách của Fitzmyer: “Thánh Phaolô muốn nhận mạnh rằng chúng ta không những đồng nhất với cái chết của Đức Kitô, Người đã chiến thắng tội lỗi, nhưng còn được đưa vào trong chính hành động chiến thắng đó. Vì thế, người tín hữu là người chết đối với tội lỗi, được liên kết với Đức Kitô ngay vào thời điểm chính thức trở thánh Đấng Cứu Thế[17]. Sự chiến thắng tội lỗi của chúng ta là nhờ tháp nhập vào Đức Kitô, Đấng đã tiêu diệt tội lỗi và thần chết: “Người đã chết, là chết đối với tội lỗi và một lần là đủ. Nay Người sống là sống cho Thiên Chúa” (Rm 6, 10).

Như vậy, chúng ta đươc giao hoà với Thiên Chúa không gì hơn không gì hơn là được đi vào trong quỉ đạo tình yêu của Ngài, được trở nên nghĩa tử và Thiên Chúa cho đồng thừa kế với Đức Kitô. Đó là ý tưởng mà Thánh Phaolô muốn nói: “Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy đã là con thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Kitô” (Rm 8, 16- 17). Trong Đức Kitô, chúng ta không còn là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người được quyền ở trong nhà Cha và chung phần gia sản Cha ban. Do đó, cái chết và phục sinh của Đức Kitô là chất keo nối kết chúng ta với Thiên Chúa, được chung chia sự sống của Người. Ở đây, thánh Phaolô đưa ra một viễn tượng đầy hy vọng: “Nếu ngay khi chúng ta còn thù địch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã cho con của Người phải chết mà cho chúng ta được giao hoà với Người, phương chi bây giờ chúng ta đã được giao hoà rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy. Như vậy, không phải chỉ có thế, chúng ta còn có Thiên Chúa là niềm tự hào, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng nay đã giao hoà chúng ta với Thiên Chúa” (Rm 5, 10- 11).

Thánh Phaolô không dừng lại ơn công chính hoá ở mức độ lề luật hay khả năng bản thân, mà đưa lên một tầm mức cao: Lập mối tương giao với Thiên Chúa. Ý tưởng này, chúng ta cũng gặp thấy nơi Đức Thánh cha Bênêđictô XVI: “Được nên công chính nghĩa là được làm thành chính trực, được sự công minh đầy thương xót của Thiên Chúa chấp nhận để được đi vào sự hiệp thong với Ngài, và nhờ đó có khả năng thiết lập mối liên hệ đích thực… và điều này xảy ra dựa trên việc Thiên Chúa hoàn toàn tha thứ các tội lỗi của chúng ta[18]. Nhờ mối tương giao này, chúng ta can đảm tiến bước ngay cả lúc gặp phải những chướng ngại, khó nguy và cám dỗ, vì xác tín rằng: “Không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8, 39). Nói theo ngôn ngữ của Đức Thánh cha Phanxicô: “Chúa Giêsu là cửa ngõ của ơn cứu độ. Cửa ngõ của Chúa Giêsu không bao giờ đóng kín, mà luôn luôn rộng mở cho tất cả mọi người, không phân biệt một ai, không loại trừ một người nào, và cũng không một đặc ân cho một ai”[19].

Chúa Giêsu là điểm hội tụ giữa Thiên Chúa và con người. Nơi đó, con người bắt gặp được ánh mắt yêu thương, an ủi và khích lệ của Thiên Chúa. Đó là động năng thúc đẩy con người vượt trên và vượt ra ngoài những lầm lỗi và sa ngã, vì biết rằng Thiên Chúa đang cầm tay tôi và cùng đồng hành với tôi.

Chúng ta là “những người được kêu gọi để thuộc về Thiên Chúa” (Rm 1, 6). Điều này đồng nghĩa chúng ta phải nói tiếng “không” với những mãnh lực đang làm xói mòn đức tin hay lôi kéo ta xa Thiên Chúa. Nhờ đó, ân sủng Thiên Chúa đến với ta cách viên mãn, được biến đổi nên một con người mới, giống hình ảnh Thiên Chúa và được sống trong mối than tình Cha- con.

KẾT LUẬN

Ơn công chính hoá không phải là một đề tài mới, nhưng đã được thánh Phaolô diễn tả theo một chiều kích khác: Ơn công chính hoá không dựa trên lề luật hay tự sức mình đạt được, mà được thụ đắc nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô. Giáo lý này tạo nên một bước ngoặt cho niềm tin nơi những kitô hữu gốc Do Thái. Bởi đó, để tránh ngộ nhận, thánh nhân nêu lên những điểm chính yếu trong đạo Do Thái là lề luật và lời hứa, rồi đối chiếu ơn công chính nhờ đức tin để nói lên rằng: Ơn công chính hoá không đi ngược lại với lời hứa và lề luật. Thật ra, nó giải gở lề luật ra khỏi cái khung của hình thức và kiện toàn các lời hứa.

Thư gửi tín hữu Do thái là bản tóm lược những nét thần học căn bản của Phaolô, đồng thời cũng hàm chứa những ưu tư, kinh nghiệm và ước vọng của ngài. Đàng khác, lá thư này như một sự dọn đường cho hành trình truyền giáo tại Tây Phương mà ngài đang dự tính. Sở dĩ như thế, vì giáo đoàn Rô ma không do ngài thiết lập và ngài cũng chưa đặt chân tới đó bao giờ.

Những gì ngài viết trong thư là các vấn nạn mà giáo đoàn đang gặp phải, nhất là ơn công chính hoá. Với vai trò tông đồ của Đức Kitô, ngài đưa ra những hướng đi khả dĩ giúp các tín hữu Rôma có một cái nhìn chung và đúng đắn với niềm tin đã lãnh nhận. Thánh nhân cho thấy, ơn công chính hoá không hệ tại làm những gì luật dạy, hay bằng những cố gắng bản thân. Trước hết, nó là sáng kiến của Thiên Chúa để con người đạt được nguồn ơn cứu độ, nhờ Đức Giêsu Kitô. Chính Đức Kitô đã chết vì tội lỗi con người và ngài đã sống lại để ban cho con người sự sống sung mãn của Thiên Chúa, một sự sống được xây đắp bởi tự do và ân sủng của Thiên Chúa.

        

Montfort Nguyễn Xuân Pháp CT

 

                                SÁCH THAM KHẢO

 

  • Kinh Thánh Tân Ước. Nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Nxb: Hà Nội 1995.
  • Hội đồng giám mục đức. Tài Liệu Học Hỏi Về Năm Thánh Phaolô. Lm Aug. Nguyễn Văn Trinh dịch. Nxb: Hà Nội 2009.
  • ĐGH Bênêđíctô XVI. Huấn Từ Về Năm Thánh Phaolô. Lm Aug. nguyễn Văn Trinh dịch. Nxb: Hà Nội 2009.
  • ĐGH Bênêđíctô XVI. Tông Huấn Porta Fidei. Lm Aug. Nguyễn Văn Trinh dịch. Nxb: Hà Nội 2012.
  • Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo. Bản dịch của ủy Ban Giáo Lý Đức Tin- trực thuộc HĐGM Việt Nam. Nxb: Hà Nội 2011.
  • Hội Đồng Giám Mục Việt Nam- ủy Ban Giáo Lý Đức Tin. Từ Điển Công Giáo- 500 Mục Từ. Nxb: Hà Nội 2011.
  • J.A.Fitzmyer, sj. Thư Thánh Phaolô Gửi Tín Hữu Rôma, 1990. Tài liệu tham khảo
  • Filipe Gomez, sj- Học Viện Pio X. Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh. Năm 1973.
  • Francois Varillon. Một Kitô Hữu Trước Các Tôn Giáo Lớn. Nguyễn Thị Chung dịch. Nxb: Hà Nội, 2009.
  • J. Theilln. Từ Điển Thánh Kinh I (A- C).
  • Internet. Vietcatholic.org/Sydney.


[1] X. Internet. Google.com.vn . Linh Tiến Khải. Đế Quốc Thời Rôma

[2] ủy Ban Văn Hóa trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Phaolo- Cuộc Đời và Giáo Huấn., Tài liệu hội thảo ngày 21- 11- 2008, Lưu hành nội bộ, tr 34.

[3] Xem. J. A. Fitzmyer, s.j, Thư Phaolô Gửi tín Hữu Rôma. Tài liệu tham khảo 1990, tr 9- 13.

[4] Kinh Thánh Tân Ước- Phần dẫn Nhập Thư Gửi Tín Hữu Do Thái, Nhóm các GKPV thực hiện, Nxb: Tp. HCM 1995, tr 602.

[5] Filipe Gomez s.j- Học Viện Pio X, Điển Ngữ Thần Học Kinh Thánh, 1973, tr 356- 358.

[6] J. Theilln, Từ Điển Thánh Kinh I (A- C), Tr  314.

[7] Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Từ Điển Công Giáo- 500 Mục Từ, Nxb: Hà Nội 2011, tr 71.

[8] Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo, bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc HĐGM Việt Nam, Nxb: Hà Nội, số 2020, tr 579.

[9] Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI, Huấn Từ về Thánh Phaolô thứ tư, ngày 19/11/2008, Lm Aug. Nguyễn Văn Trinh dịch. NXB: Hà Nội 2009, tr 144.

[10] Filipe Gomez, s.j- Học Viện Piô X, Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh, 1973, tr 352.

[11] ĐGH Bênêđictô XVI, Tông Huấn Porta Fidei , ban hành ngày  11/10/2011,  Lm Aug. Nguyễn Văn Trinh dịch, Nxb: Hà Nội 2012, số 2, tr 6.

[12] Bài giảng của Đức Giáo Hoàng Phanxico trong thánh lễ tại nhà trọ Thánh Mattha ngày 21/ 10/ 3013.

[13] Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI, Huấn Từ về Thánh Phaolô thứ tư, ngày 19/11/2008, Lm Aug. Nguyễn Văn Trinh dịch. NXB: Hà Nội 2009, tr 141.

[14] Francois Varillon, Một Kito Hữu Trước Các Tôn Giáo Lớn, Nguyễn Thị Chung dịch, Nxb: Hà Nội 2009, tr 137.

[15] Filipe Gomez. Sj- Học Viện Pio X, Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh 1973, tr 358- 359.

[16] Fitzmyer. Sj, Thư Thánh Phaolô Gửi Tính Hữu Rôma 1990, tài liệu tham khảo, tr 90- 91.

[17] Fitzmyer. Sj, sđd, tr 103.

[18] Đức Thánh Cha Bênêđictô, Buỗi Triều Yết Tại Quảng Trường Thánh Phêrô, ngày 8/11/2006.

[19] Đức Thánh Cha Phanxico, Buổi Đọc Kinh Truyền Tin Tại Quảng Trường Thánh Phêrô, ngày 26/8/2013.


Trang Kinh Thanh