Chàng Rể Ra Mắt
(Tìm hiểu Tin Mừng Gio-an)

L.M.Giuse Nguyễn công Đoan, S.J.

Ngày 5 tháng 5 năm 2018

Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su. 2 Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự. 3 Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người : "Họ hết rượu rồi." 4 Đức Giê-su đáp : "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi ? Giờ của tôi chưa đến." 5Thân mẫu Người nói với gia nhân : "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” 6 Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. 7 Đức Giê-su bảo họ : "Các anh đổ đầy nước vào chum đi !" Và họ đổ đầy tới miệng. 8 Rồi Người nói với họ : "Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc." Họ liền đem cho ông. 9 Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại 10 và nói : "Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ." 11 Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người. 12 Sau đó, Người cùng với thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Ca-phác-na-um và ở lại đó ít ngày.

Ngày thứ ba” tính từ “ngày thứ tư”, hôm Chúa Giê-su quyết định đi đến xứ Ga-li-lê. Ngày thứ ba tức là ngày thứ sáu kể từ ngày ông Gio-an bắt đầu làm chứng về Chúa Giê-su. Có tiệc cưới tại Ca-na xứ Ga-li-lêThời gian “ngày thứ ba” (theo cách tính của lịch Do-thái) sẽ trở lại nhiều lần trong Tin Mừng liên quan tới cuộc Thương Khó và Phục Sinh. “Tiệc cưới” hoặc “đám cưới”, hay “cưới”, “cô dâu”, “chú rể”, “hôn phu”, “hôn thê” là những từ đã có một ý nghĩa đặc biệt trong Cựu Ước liên quan tới tương quan giao ước giữa Thiên Chúa với dân và đất của Chúa trong văn chương ngôn sứ. Các ngôn sứ đã dùng những từ/cụm từ này để nói về tình yêu và lòng thành tín của Thiên Chúa đối với dân và đất của Người ; để tố cáo sự bất trung và thiếu lòng yêu mến, trung thành của một dân đã vào trong giao ước ; để công bố các lời hứa cứu chuộc của Thiên Chúa : HsIs, Gr… Thiên Chúa hứa tái lập giao ước, lập giao ước mới, biến đổi dân, ban cho họ lòng yêu mến và lòng trung thành, quả tim mới, tinh thần mới ; thanh tẩy và đổi mới đất của Thiên Chúa, làm cho đất lại tốt tươi… Đặc biệt, để có thể đi theo bài này và mấy bài tiếp theo, nên đọc lại ngay các lời hứa trong Hs 2 ; Is 60 ; 62 là những bản văn được sách Tin Mừng Gio-an sử dụng một cách rất tinh vi làm nền, từ chương 2 đến chương 4.

Nhóm khách mời trong tiệc cưới này được đề cập trong trình thuật của Gio-an, gồm một bên là thân mẫu Đức Giê-su, một bên là Đức Giê-su và các môn đệ. Chú ý ngay rằng người kể chỉ nói “Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su”, không nhắc đến tên của thân mẫu Đức Giê-su, cũng không cho ta biết bà có mặt ở đó với tư cách gì, tư cách khách mời hay tư cách bà con trong gia đình tới phụ giúp, giống như ở quê ta ; Đức Giê-su không đi chung với thân mẫu, nhưng “được mời cùng với các môn đệ.” Đức Giê-su và các môn đệ có mặt rõ ràng với tư cách là khách được mời. Vậy là người kể (cũng là đạo diễn) đã bố trí thân mẫu và Đức Giê-su đứng trên hai mặt bằng khác nhau, tạo nên một khoảng cách giữa hai bên rồi.

Thân mẫu Đức Giê-su hành động với tư cách người trong nhà, trong cuộc, nhận thấy là “nhà đám thiếu rượu”, và cách can thiệp tỏ ra bà muốn Đức Giê-su vào cuộc với tư cách là con của bà, chủ động tiếp tay giải quyết sự lúng túng của nhà đám, để họ khỏi mất mặt, bà nói với con : “Họ không có rượu” (Dịch sát bản Hy-lạp, thiết tưởng dịch xuôi “họ hết rượu rồi” sẽ làm lệch ý nghĩa toàn bản văn, như sẽ thấy.).

Câu trả lời của Đức Giê-su khiến ta ngạc nhiên, vì khoảng cách trong cách xưng hô và nhấn mạnh vào khía cạnh hai người không còn đứng trên cùng mặt bằng nữa, và có vẻ như từ chối can thiệp theo lời bà yêu cầu. Dịch sát : “Hỡi người đàn bà, chuyện đó can gì giữa bà và tôi”. Nhiều tác giả tìm cách lý giải câu nói lạ tai này cho hợp lỗ tai mình. Nhưng làm như thế cũng là một cách vẽ rắn thêm chân, làm lạc nghĩa, phá hỏng bản văn. Hãy giữ nguyên sự ngạc nhiên của mình như thế, cứ đọc cho đến cuối sách và đọc lại ba chương đầu sách Sáng Thế, rồi sẽ hiểu tại sao người kể như cố tình làm sượng lỗ tai chúng ta như thế. Ông muốn gợi cho chúng ta điều gì ?

Một yếu tố lạ tai nữa là “giờ của tôi chưa đến” ; sau này ở chương thứ bảy Đức Giê-su cũng nói với anh em, khi họ xúi Người lên Giê-ru-sa-lem mà ra mắt thiên hạ :

2 Lễ Lều của người Do-thái gần tới, 3 anh em Đức Giê-su nói với Người : "Ông bỏ đây mà sang miền Giu-đê đi, để cả môn đệ của ông cũng được nhìn thấy những việc ông làm, 4 vì không ai muốn nổi danh mà lại hoạt động âm thầm cả. Nếu ông làm những việc ấy, thì hãy tỏ mình ra cho thiên hạ biết." 5 Thật thế, anh em Người không tin vào Người. 6 Đức Giê-su nói với họ : "Thời của tôi chưa đến, nhưng thời của các anh lúc nào cũng thuận tiện. 7 Thế gian không thể ghét các anh, nhưng tôi thì nó ghét, vì tôi làm chứng rằng các việc nó làm thì xấu xa. 8 Các anh cứ lên dự lễ đi ; còn tôi, tôi không lên dự lễ này, vì thời của tôi chưa chín muồi."(Ga 7,2-8)

Ở đây sự khác biệt mặt bằng được diễn tả rõ ràng bằng yếu tố thời gian. Tuy cùng ngày tháng theo mặt trời mặt trăng, nhưng Thời của tôi và Thời của các anh ở hai mặt bằng khác nhau. Thời của các anh chung với thế gian, nên nó không thể ghét các anh, còn thời của tôi không chung với thế gian nên nó ghét tôi. Với thân mẫu thì Chúa Giê-su không phân biệt theo kiểu đó, nhưng nói cách bí ẩn “giờ của tôi chưa đến”. Bây giờ đang là đám cưới của người ta chứ không phải của tôi. Chàng rể phải cung cấp rượu chứ không phải là tôi, vì tôi hiện đang hướng tới “đám cưới của tôi”, tôi đang chuẩn bị và chờ đợi giờ ấy đây, vì tôi đang đi với môn đệ của tôi với tư cách khách được mời, chứ không đi với thân mẫu như người trong gia đình nữa, vì thế nếu bà nói với tôi trong tương quan mẹ con ruột thịt, thì tôi đứng ngoài cuộc rồi, trong chuyện này bà và tôi không đứng trên cùng mặt bằng nữa. Bây giờ tôi chỉ hành động trên mặt bằng của tôi là hướng về giờ của tôi, còn bà vẫn đang trên mặt bằng của tình gia đình thân thuộc. Ngầm có sự hứa hẹn là khi nào giờ của tôi đến thì chúng ta sẽ lại đứng trên cùng mặt bằng, vì bà vẫn là Người Đàn Bà với một sứ mạng đặc biệt. Tương quan giữa bà và tôi sẽ gặp lại trên cùng mặt bằng khi giờ của tôi đến.

Tạm thời ta cứ ghi nhận thắc mắc mà bản văn gây ra. Đợi khi giờ đã đến sẽ rõ (x. Ga 12,23). Ta đọc tiếp truyện Tiệc Cưới Ca-na. Thân mẫu Đức Giê-su quay ra bảo những người phục vụ bữa tiệc : “Người bảo gì các anh cứ làm theo”. Đức Giê-su chỉ muốn thân mẫu (và người đọc, người nghe chuyện này) hiểu rằng mọi chuyện giữa thân mẫu với Người từ nay mang ý nghĩ mới, chứ không đơn thuần là chuyện mẹ con trong gia đình nữa. Và vì thế, điều gì Người làm hôm nay cũng có một ý nghĩa phù hợp với “giờ” của Người.

“Ở đó có sáu cái chum bằng đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái (Phải rửa tay trước khi ăn (x. Mc 7,1-6).). Người bảo họ : Các anh đổ đầy nước vào chum đi ! Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ : Bây giờ các anh múc và đem cho quản tiệc. Họ liền đưa cho ông.”

Phản ứng của quản tiệc thế nào ? Ông nếm, thấy là thứ rượu ngon tuyệt, nhưng ông không biết từ đâu ra, ông tưởng là chú rể bí mật cất rượu thượng hạng này đâu đó, bây giờ mới đưa ra để tạo một bất ngờ thú vị cho khách dự tiệc và cho cả ông quản tiệc luôn ! Ông bèn gọi chú rể (Theo phong tục, chú rể là người phải cung cấp rượu.) ra “trách yêu”. Tôi xin phép diễn dịch theo cung cách Việt Nam : “Cậu này hay thật đấy ! Ai người ta cũng tiếp rượu ngon trước, chừng nào khách không còn phân biệt nổi nước với rượu, người ta mới đưa rượu hạng bét ra, cậu thì lại ngược đời, rượu ngon đem cất kỹ tới lúc này mới đưa ra !” Những người đã múc nước thì biết nguồn gốc rượu này từ đâu ra, - và người nghe kể chuyện cũng đã biết, nhưng vẫn bị bất ngờ khi nhìn mặt ông quản tiệc vừa nếm rượu, vì rõ ràng thấy người ta múc nước đổ vào chum, đổ đầy tràn, chứ không căn mức ; rồi múc nước vừa đổ vào chum đưa cho ông. Thế mà ông quản tiệc vừa nhấp vào là đã gật đầu tấm tắc khen ngon tuyệt !

Bốn chàng thanh niên mới theo Thầy Giê-su mấy ngày nay, có thể khi nghe hai mẹ con nói chuyện, rồi nghe Thầy Giê-su nói với những người phục vụ, cũng vội chạy ra tiếp tay múc nước đầy sáu cái chum cho lẹ, vì 6 x 120 = 720 lít nước, đâu phải ít, mà đâu phải như ở quê ta có giếng ngay trong sân nhà ! Ở quê hương của Chúa Giê-su, thường mỗi làng chỉ có một cái giếng ! Thế nên các ông cũng đã biết rượu ngon này từ đâu ra : từ quyền tạo hóa của Thiên Chúa đang ở nơi “Con Chiên của Thiên Chúa” mà các ông mới biết từ mấy ngày nay. Trước mắt các ông thì đây là dấu hiệu đầu tiên Người làm trước mặt các ông để củng cố lòng tin vừa chớm nở trong các ông, mở đầu cho sự thực hiện lời hứa các ông đã nghe Người nói với Na-tha-na-en : “Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa !” (Ga 1,50). Qua dấu hiệu này Người đã tỏ vinh quang (Trong Cựu Ước đã quen dùng từ “Vinh Quang của Thiên Chúa” để nói về sự hiện diện hiển linh của Thiên Chúa. Người ta không thể thấy tôn nhan Thiên Chúa, nhưng có thể được thấy Vinh Quang của Thiên Chúa (x. Is 6,1-8 ; Xh 33,18-23).) [Thiên Chúa] của Người và trong khi những người khác chỉ tấm tắc thưởng thức rượu ngon thì các ông đã nhận ra vinh quang của Người và tin vào Người. Bước mở đầu cho một chuỗi kinh nghiệm khiến tác giả sách Tin Mừng thứ tư nói trong lời Tựa : “Chúng tôi đã được thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14). 720 lít rượu thượng hạng cho một đám cưới nhà quê, quả là “đầy tràn”. Sư đầy tràn là một đặc điểm của thời Thiên Chúa Cứu Độ trong cách diễn tả của các ngôn sứ và văn chương khôn ngoan trong Cựu Ước.

Tiếp tục chiêm ngắm quang cảnh Tiệc Cưới ở Ca-na, chúng ta còn thấy được thêm nữa. Chàng rể là người phải cung cấp rượu. Tình huống lúng túng ở đây là “đang giữa tiệc mà thiếu rượu”. Thế mà thân mẫu Chúa Giê-su nói với Người : “Họ không có rượu !” [dịch sát bản văn Hy-lạp]. Rồi viên quản tiệc nếm thứ nước Đức Giê-su sai đem cho ông, thì gật đầu tấm tắc, gọi chú rể ra “mắng yêu” ; ông nói cách người ta thường làm là tiếp rượu ngon trước cho khách thưởng thức, rồi phê : “Cậu thật là ngược đời, giữ rượu ngon tới bây giờ mới đưa ra !” Chúng ta biết rồi, hẳn phải cười thầm : “Có đâu mà giữ !”

Rượu ngon phải mở đầu tiệc cưới !

Vậy thì bây giờ mới bắt đầu tiệc cưới ! Tiệc cưới của ai ? Chú rể cung cấp rượu. “Con Chiên Thiên Chúa” dùng quyền năng của Vinh Quang Thiên Chúa mà cung cấp rượu ! Vậy thì đây là hình ảnh báo trước “Tiệc Cưới Con Chiên của Thiên Chúa”. Sau này sách Khải Huyền sẽ công bố : “Hạnh phúc thay kẻ được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên” (Kh 19, 9), trước khi kể cuộc chiến thắng cuối cùng (Kh 20), tiêu diệt mọi kẻ thù của Cô Dâu, để Cô Dâu có thể xuất hiện rỡ ràng : “Thiên Thần bảo tôi : Lại đây, tôi sẽ chỉ cho ông thấy Tân Nương, Hiền Thê của Con Chiên…và Người chỉ cho tôi thấy Thành Thánh là Giê-ru-sa-lem, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa. ” (Kh 21,9-11). Đọc kỹ chương 21 này sẽ thấy Giê-ru-sa-lem từ trời xuống chính là Dân Thiên Chúa trong Giao Ước Mới, sau khi đã được thanh luyện qua mọi gian truân khổ ải.

Chủ đề Dân Giao Ước của Thiên Chúa sẽ được đổi mới, đã xuất hiện rõ ràng trong sách Hô-sê(2,1-25), I-sai-a (62,1-12), và mấy ngôn sứ khác, như Ê-dê-ki-en (16). Thiên Chúa đã tự ý dùng hình ảnh hôn nhân để nói về tương quan giao ước giữa Thiên Chúa với dân. Sách Diễm Ca được coi là sách diễn tả mối tình giữa Thiên Chúa và dân của Giao ước. Người Do-thái ngày nay vẫn đọc vào dịp lễ Vượt Qua, Tin Mừng thứ tư cũng vận dụng ngay từ chương 12 và đỉnh cao ở chương 20, để dẫn ta vào chiêm ngắm mầu nhiệm Thương Khó và Vinh Quang của Chúa Giê-su.

Ngay ở chương 3 liền sau đó, Tin mừng thứ tư kể lời làm chứng cuối cùng của ông Gio-an, khẳng định Chúa Giê-su là Chàng Rể còn ông chỉ là “phù rể” (Ga 3,29). Như vậy cách đọc trên đây được chính tác giả sách Tin Mừng gợi cho chúng ta, chứ không phải suy diễn tùy hứng. Tiệc Cưới Ca-na là cơ hội cho Chàng Rể xuất hiện, và cuộc Thương Khó – Tôn vinh sẽ là lúc đám cưới diễn ra, vì đó là lúc Con Chiên của Thiên Chúa thiết lập Giao Ước Mới bằng chính máu của mình. Lúc ấy Giờ đã đến, và thân mẫu Đức Giê-su sẽ được trao sứ mạng làm mẹ của đàn em đông như sao trời cát biển, sinh ra từ cạnh sườn bị đâm thủng của Đức Giê-su và hơi thở do Người trao ban từ trên thập giá. Lời hứa của Thiên Chúa khi con một của Áp-ra-ham nằm trên đống củi, trên bàn thờ dâng lễ toàn thiêu, nay thành hiện thực nơi con Thiên Chúa nằm trên thập giá, trao hơi thở lại, như Thiên Chúa đã hà hơi vào lỗ mũi con người khi tạo dựng con người. Đây là thọ tạo mới, con người mới, được trao làm con Người Đàn Bà Mới, để Bà thành Mẹ các kẻ Sống, E-và mới.

Trong Tin Mừng thứ tư, trình thuật Tiệc Cưới Ca-na và trình thuật Gôn-gô-tha nối kết với nhau chặt chẽ và giải nghĩa lẫn nhau. Sự hiện diện của thân mẫu Đức Giê-su, cách xưng hô, giờ chưa đến và giờ đã đến là những yếu tố nối kết hiển nhiên. Vì thế phải đọc liên kết lại mới hiểu được ý nghĩa.

Thêm vào đó, còn yếu tố thời gian : cách đếm ngày : từ ngày ông Gio-an bắt đầu làm chứng tới tiệc cưới Cana là sáu ngày ; đếm tới bằng đơn vị “hôm sau”, rồi đến ngày thứ tư, thì lại dùng đơn vị “ngày thứ ba”. Thời gian như ngừng lại ở ngày thứ sáu. Trong trình thuật tạo dựng (St 1), ngày thứ sáu Thiên Chúa dựng nên con người, có nam có nữ và truyền cho họ sinh sản cho đầy mặt đất. Người ta gọi đây là tuần khai mạc sứ vụ công khai của Chúa Giê-su.

Đầu chương 12, sau dấu lạ thứ sáu [cuối cùng] Chúa làm để tỏ ra Người là sự sống lại và là sự sống, Gio-an lại bắt đầu đếm lui : “Sáu ngày trước lễ Vượt Qua” (Ga 12, 1), Chúa được xức dầu thơm, như con chiên được dành riêng làm chiên vượt qua (x. Xh 12, 3-6) (Ngày mồng mười phải chọn con chiên, rồi nhốt riêng ra, chiều 14 sẽ giết, ăn trong đêm, tức là ngày 15, theo cách tính lịch trong Cựu Ước và Do-thái giáo hiện nay, ngày mới bắt đầu sau khi mặt trời lặn ; như vậy là từ khi chọn và nhốt riêng con chiên cho tới khi ăn lễ Vượt Qua là 6 ngày (x. Xh 12,3-6).), hướng về lễ Vượt Qua là đỉnh điểm cuộc đời dương thế của Người. Vẫn cách đếm “hôm sau”, Chúa vào thành Giê-ru-sa-lem và được tung hô là Vua. Lễ Vượt Qua lần thứ ba (cuối) này, Người sẽ là Con Chiên của Thiên Chúa, do Thiên Chúa lo liệu, để làm Chiên Vượt Qua và lấy máu mình thiết lập Giao Ước Mới. Xưa I-xa-ác, Con Một yêu dấu của Áp-ra-ham vác củi đi cùng cha lên núi để được cha dâng làm của lễ toàn thiêu, nay Con Chiên của Thiên Chúa, chính là Con Một yêu dấu của Thiên Chúa tự vác lấy cây gỗ đi lên núi Gôn-gô-tha để chịu đóng đinh, hiến tế trên thập giá. Người có vẻ đi một mình, nhưng Người đã nói rõ : “ 32 Này đến giờ -và giờ ấy đã đến rồi- anh em sẽ bị phân tán mỗi người mỗi ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy. 33 Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. (Ga 16,32-33). Chúa Giê-su, Con Chiên mà Thiên Chúa tự lo liệu cho mình, tự vác cây gỗ đi cùng với Cha lên núi, để hiến tế làm của lễ toàn thiêu. Xưa Áp-ra-ham tay cầm dao tay cầm lửa, đi bên Con Một ; Con Một của Áp-ra-ham tự vác củi do chính tay Áp-ra-ham chẻ, cùng nhau đi lên núi Thiên Chúa đã chỉ. Nay Con Chiên Thiên Chúa tự vác cây thập giá và tự mang lửa yêu mến của Chúa Cha đã đặt sẵn trong trái tim của Con Một, và Chúa Cha cùng đi với Con Một lên núi Gôn-gô-tha. Lửa yêu mến ấy gồm lòng Chúa Giê-su yêu mến Cha : “Chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha, và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy” (Ga 14,31) và lòng Chúa Cha yêu mến chúng ta : “Thiên Chúa yêu thương trần gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng đươc sống muôn đời.” (Ga 3,16). Xưa Áp-ra-ham tay cầm dao tay cầm lửa, đưa con một lên núi dâng làm của lễ vì lòng kính sợ Thiên Chúa, và đã được Thiên Chúa nhận : “Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa : đối với Ta, Con của ngươi, con Một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc” (St 22,12). Nay, “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8,32) ; thánh Phao-lô dùng kiểu nói gần với câu Thiên Chúa chuẩn nhận lòng thảo kính của Áp-ra-ham, rồi áp dụng vào bản thân : “Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20).

Thập giá bày tỏ Tình Yêu của Chúa Cha đối với Con Một và đối với chúng ta, đồng thời bày tỏ tình yêu của Chúa Giê-su đối với Chúa Cha và đối với chúng ta. “Trái Tim Đức Chúa Giê-su là lò lửa mến hằng cháy” được phơi bày ra trên thập giá nhờ lưỡi đòng của người lính vô tình. Nhìn lên Trái Tim “đã phải lưỡi đòng thâu qua”, để trở thành “nguồn mọi sự yên ủi”, “nguồn sự sống và sự sống lại” của chúng ta, cho chúng ta “được bình an và làm lành cùng Đức Chúa Trời”… thì còn gì để sợ để lo (mời đọc Kinh Cầu Rất Thánh Trái Tim Đ.C.G.) . Thánh Phao-lô ngây ngất chiêm ngắm nguồn bình an này :

31 Vậy còn phải nói gì thêm nữa ? Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta ? 32Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta ? 33 Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn ? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính ? 34 Ai sẽ kết án họ ? Chẳng lẽ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta.35 Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô ? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ? 36 Như có lời chép : Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh. 37 Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. 38Đúng thế, tôi tin chắc rằng : cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, 39 trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta. (Rm 8,31-39).

Ở Việt Nam tôi đã từng nghe người ta mỉa mai người Công Giáo : “Thờ ai không thờ, đi thờ cái ông bị đóng đinh thập giá !” Thế mà không chỉ tại một số nước Hồi Giáo, ngay bên nước láng giềng Trung Quốc, và ở vài nơi tại Việt Nam ta hiện nay, nhà cầm quyền địa phương lại quyết liệt đập bỏ thập giá ? Tại sao ? Họ sợ cái gì ? Thánh Phao-lô cũng đã nói rồi :

Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa. 19 Vì có lời chép rằng : Ta sẽ huỷ diệt sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan, và sẽ vứt bỏ sự thông thái của người thông thái. 20 Người khôn ngoan đâu ? Người học thức đâu ? Người lý sự của thời này đâu ? Thiên Chúa lại đã không để cho sự khôn ngoan của thế gian ra điên rồ đó sao ? 21 Thật vậy, thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận biết Thiên Chúa ở những nơi Thiên Chúa biểu lộ sự khôn ngoan của Người. Cho nên Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin. 22 Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, 23 thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. 24 Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.25 Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.

Sự ngây ngất trước vinh quang và sức mạnh của thập giá đã làm cho thánh Phaolô thốt lên : “Ước gì tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta !” (Gl 6,14).

Khi giờ đã đến thì Thập giá là nơi cử hành LỄ CƯỚI CỦA CON CHIÊN, và Cô Dâu là cộng đồng Dân của Giao Ước Mới, gồm tất cả những người đã nhìn lên Con Chiên của Thiên Chúa trên thập giá và đã tin vào Con Thiên Chúa : “ 12 Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.” (Ga 1,12). Giờ đã đến thì thân mẫu Đức Giê-su là người Đàn Bà mới, trở thành Mẹ của các kẻ sống : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Đó là Tiệc Cưới muôn đời mà Chúa Giê-su tha thiết mong đợi : "Tất cả anh em hãy uống chén này, 28 vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội. 29 Thầy bảo cho anh em biết : từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy." (Mt26,27-29).

49 "Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên ! 50 Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất !” (Lc 12,49-50).

"Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến ! Thầy biết nói gì đây ? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. 28 Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha." (Ga 12,27-28).

Sự hiện diện của thân mẫu Chúa Giê-su trong hai thì liên quan tới Tiệc Cưới : Ca-na là nơi “Chàng Rể ra mắt” và Gôn-gô-tha là “đám cưới của Con Chiên Thiên Chúa” còn ám chỉ tới phong tục thời Cựu Ước mà ta gặp trong truyện “I-xa-ác cưới vợ” :

Khi ấy cậu I-xa-ác đã bỏ vùng giếng La-khai Rô-i, và đang ở trong miền Ne-ghép. 63 Cậu I-xa-ác ra ngoài đồng dạo mát lúc chiều tà. 64 Ngước mắt lên, cậu thấy một bầy lạc đà đang tiến đến. Ngước mắt lên, cô Rê-bê-ca thấy cậu I-xa-ác, cô bèn từ trên lưng lạc đà nhảy xuống 65 và hỏi người lão bộc : "Người đang đi ngoài đồng tiến về phía chúng ta là ai đó ? " Người lão bộc trả lời : "Chủ tôi đấy ! " Cô bèn lấy chiếc khăn che mặt. 66Người lão bộc thưa lại với cậu I-xa-ác tất cả những gì ông đã làm. 67 Cậu I-xa-ác đưa cô Rê-bê-ca vào lều của bà Xa-ra mẹ cậu ; cậu lấy cô làm vợ, cậu yêu thương cô và khuây khoả được nỗi buồn mất mẹ. (St24,62-67).

Sách Diễm Ca cũng nhắc tới vai trò của người mẹ trong đám cưới :

“Tôi vội níu lấy chàng và chẳng chịu buông ra cho đến khi đưa vào nhà thân mẫu,
tới khuê phòng người đã cưu mang tôi.” 
(Dc 3,4)

Tại Tiệc Cưới Ca-na, trước khi can thiệp, Chúa Giê-su xác định “giờ của tôi” là chìa khóa để hiểu việc Người sắp làm, và sự thay đổi vai trò của thân mẫu tùy theo Giờ ấy. Khi Giờ ấy đến trên Gôn-gô-tha thì ý nghĩa sự hiện diện của thân mẫu mới trọn vẹn, cũng như là lúc Con Chiên Thiên Chúa thiết lập Giao Ươc Mới, thực hiện lời hứa mà các ngôn sứ đã loan báo (x. Hs 2 ; Is 62).

Mỗi ngày khi dự thánh lễ, được cử hành để tưởng nhớ và tham dự vào cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su, chúng ta được mời tham dự Tiệc Cưới của Con Chiên trong bí tích, bảo đảm cho Tiệc Cưới đời đời. “Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,68).

Giê-ru-sa-lem, ngày lễ thánh Giu-se Lao Động 2018

L.M.Giuse Nguyễn công Đoan, S.J. (ktcgkpv.org)

 

 


Trang Kinh Thanh