NGƯỜI LÀM CHỨNG
(tìm hiểu Tin Mừng theo thánh Gio-an) - Bài 2

Tác giả: Nguyễn Công Đoan S.J., ngày 28 tháng 4 năm 2018

Làm chứng là một khái niệm và một chức năng quan trọng bậc nhất trong sách Tin Mừng Thứ Tư, vì Tin Mừng này muốn đưa chúng ta theo Chúa Giê-su Ki-tô vào trong lòng Thiên Chúa Cha, nơi Người vẫn ở tự đời đời, từ trước khi có trời đất, và Người đến làm người, cư ngụ giữa chúng ta trên mặt đất này, trong một giai đoạn lịch sử nhất định, để khi “bỏ thế gian mà về cùng Cha” thì đưa chúng ta vào trong lòng Chúa Cha cùng với Người : “Thầy đi dọn chỗ cho anh em, rồi Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu thì anh em cũng được ở đó với Thầy” (Ga 14, 3).

Nội dung của Tin Mừng là Thiên Chúa bày tỏ tột đỉnh Tình Yêu của Người đối với loài người chúng ta. “Thiên Chúa thì chưa có ai thấy bao giờ”. Chỉ có Con Một vốn ở trong lòng Cha mà đến mới có thể kể ra cho chúng ta, kể bằng chính bản thân, bằng lời nói và việc làm, bằng chính cuộc sống và chính mạng sống của Người nữa. Người làm chứng là người đem tính mạng của mình để bảo đảm rằng lời mình nói là đúng sự thật. Từ Hy-lạp và la-tinh “MARTYR” mà chúng ta dịch là TỬ VÌ ĐẠO, thì ý nghĩa chung của nó là “người làm chứng”. Áp dụng vào người đem mạng sống của mình ra làm chứng về đức tin, chúng ta gọi là “tử vì đạo”.

Con Một Thiên Chúa đã nên một trong chúng ta để kể cho chúng ta về Thiên Chúa, Cha của Người và Cha của chúng ta, mà loài người chúng ta chưa ai được thấy, nên chúng ta tin là nhờ vào lời của Người thôi, vì thế Người là người làm chứng. Chúa Cha làm chứng về Người bằng cách cho Người quyền năng để làm những việc sức loài người không thể làm được, Người làm chứng về Chúa Cha và tình yêu của Chúa Cha bằng cách nói những lời Chúa Cha dạy Người nói và làm những việc Chúa Cha dạy Người làm (x. Ga 5,19-20), cuối cùng bằng cách thí mạng sống mình để chứng tỏ Người yêu mến Chúa Cha và yêu mến chúng ta.

Có một người Thiên Chúa sai đến làm chứng về Chúa Giê-su để mọi người nhờ ông mà tin rằng Chúa Giê-su quả là Đấng Thiên Chúa sai đến, đó là ông Gio-an Tẩy Giả. Ông cũng đã làm chứng bằng chính mạng sống của mình. “Người phải lớn lên còn tôi phải nhỏ đi”, tới số không, “dê-rô” ! (x. Ga 3,30).

Mấy môn đệ của ông Gio-an trở thành những người đầu tiên đã tin vào Chúa Giê-su và trở thành những môn đệ đầu tiên của Chúa Giê-su (x. Ga 1,36-39). Trước khi Chúa Giê-su bị nộp, vì giờ của Người chưa đến, Người lành về nơi ông Gio-an đã làm chứng về Người, ở Bê-ta-ni-a bên kia sông Gio-đan, thì chúng ta được biết ở đó “Họ bảo nhau : ‘Ông Gio-an đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi người ông ấy nói về người này đều đúng’. Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giê-su.” (Ga10,40-42).

Trong sách Tin Mừng này lòng tin được chuyển đạt qua người làm chứng : nhờ ông Gio-an Tẩy Giả làm chứng, môn đệ của ông tin và theo Chúa Giê-su ; hai người môn đệ đầu tiên này, ông An-rê thì đi tìm em (Trong bản văn tiếng Hy-lạp cũng như các ngôn ngữ phương Tây, từ adelphosfrater… không phân biệt “anh”, “em” như trong tiếng Việt và một số ngôn ngữ ở Phi Châu có hai từ riêng biệt để chỉ anh và em. Khi dịch sang tiếng Việt thì bắt buộc phải xác định ai là anh ai là em mới dịch được câu ông An-rê tìm gặp em/hay anh là Si-mon, và dẫn đến với Chúa Giê-su. Chúng tôi dựa trên hai lý do để dịch ông Si-mon là em của ông An-rê : một là trong Kinh Thánh, người em thường được Thiên Chúa chọn vào sứ mạng quan trọng: Ông Mô-sê là em ông A-ha-ron (Xh 4,13-14 ; 7,1-2) vua Sa-un là con một gia đình thuộc chi tộc út Ben-gia-min (x. 1 Sm 9,21 ; 15,17)); vua Đa-vít cũng là em út của gia đình nhà Giê-sê (1 Sm 16,11). Hai là cách thức ông An-rê dẫn Si-mon đến với Chúa Giê-su, so với cách thức ông Phi-líp-phê đi rủ ông Na-tha-na-en trong cùng một đoạn văn. Là bạn bè, ông Phi-líp-phê phải tìm lời thuyết phục ông Na-tha-na-en rồi đề nghị “cứ đến mà xem !” Còn ông An-rê, ông chỉ khoe với Si-mon, “bọn anh đã gặp Đấng Mê-si-a!” rồi dẫn em đến với Chúa Giê-su. Rõ ràng cung cách của ông An-rê là cung cách của người anh và cung cách của ông Si-mon là cung cách của người em, tin tưởng và đi theo anh, chẳng thắc mắc gì cả ! Có người lại đưa lý do để nói ngược lại : Ông Phê-rô đã có vợ, ông An-rê chưa có vợ, nên ông Si-mon phải lớn tuổi hơn. Nhưng lý luận như thế là giả thiết một điều trái với nguyên tắc căn bản: Sách Tin Mừng không nhằm thỏa mãn tò mò của chúng ta, không sách Tin Mừng nào trực tiếp cho chúng ta biết về hoàn cảnh Mười Hai Tông Đồ: ai đã có vợ, ai chưa có vợ. Sở dĩ chúng ta được biết ông Phê-rô đã có vợ là nhờ một thông tin gián tiếp, khi Tin Mừng Nhất Lãm kể Chúa chữa bà mẹ vợ ông Si-mon Phê-rô. Thông tin gián tiếp này không cho phép mở rộng sang ông An-rê và các môn đệ khác, không thể dựa vào đó mà nói rằng mười một môn đệ kia đều là con trai chưa vợ !) là Si-mon, dẫn em mình đến với Chúa Giê-su. Người phụ nữ Sa-ma-ri sẽ làm chứng cho dân làng và mời người ta ra mà xem... Dân làng ra gặp, mời Chúa Giê-su ở lại với họ và sau ba ngày thì họ nói với bà : “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng Cứu Độ trần gian” (Ga 4,42). Người làm chứng đưa người ta đến gặp Chúa Giê-su là hoàn thành nhiệm vụ của mình rồi, phải biến đi để Chúa Giê-su chinh phục người ta, kết quả tùy thuộc ở cuộc gặp gỡ giữa người ta với Chúa Giê-su. Đó là thái độ của ông Gio-an Tẩy Giả khi môn đệ của ông “đánh ghen” giùm ông, ông so sánh chàng rể và người phù rể trong đám cưới : “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi” (x. Ga 4,25-30).

Đến cuối thì Chúa Giê-su sẽ bảo các môn đệ :

 26 Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. 27 Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu. (Ga 15, 26-27).

Trong khi các sách Tin Mừng Nhất Lãm, đặc biệt Lu-ca, dùng kiểu nói giảng dạy, loan báo Tin Mừng, thì Gio-an dùng kiểu nói LÀM CHỨNG để nói về việc Loan báo Tin Mừng. Ngay từ đầu trong Lời Tựa : “Có một người được Thiên Chúa sai đến… ông đến làm chứng để mọi người nhờ ông mà tin”. Chuỗi người làm chứng nối tiếp nhau cho đến chúng ta, và chúng ta đã lãnh nhận đức tin thì đương nhiên chúng ta trở thành người làm chứng bằng cách để cho đức tin tỏa sáng trong cuộc đời và cả cái chết của chúng ta.

Lời chứng của ông Gio-an

Ngày thứ nhất

Thuở ấy dân Do-thái sống dưới ách thống trị của đế quốc Rô-ma, thượng tế đương nhiệm là người nắm quyền tối cao, có Thượng Hội Đồng gọi là “san-he-drin” như là hội đồng cố vấn giúp ông thực thi quyền này. Thượng tế và thượng hội đồng lo bảo vệ tôn giáo và trật tự dân sự như thời dân chưa có vua trong Cựu Ước. Nhưng Rô-ma không cho họ quyền kết án tử hình. Họ nghe biết có ông Gio-an Tẩy Giả rao giảng và làm phép rửa ở ven sông Gio-đan, là con sông chảy từ biển hồ Ga-li-lê xuống Biển Chết trong thung lũng gọi là thung lũng sông Gio-đan (Đây là một hiện tượng địa chất rất đặc biệt : một đường gãy sụp của mặt đất kéo dài từ đây xuống tới hồ Victoria ở Phi Châu, khiến cho Biển hồ Ga-li-lê và Biển Chết ở dưới mực nước biển Địa Trung Hải gần bốn trăm mét. Thung lũng này là miền đất trù phú giữa vùng núi đá và sa mạc, nhờ nguồn nước từ vùng núi Héc-mon đổ vào Biển hồ rồi chảy thành dòng sông Gio-đan. Thung lũng này là đường bay của loài chim di trú, vì đường sụp mặt đất này tạo ra luồng gió nóng nâng cánh loài chim di trú từ Bắc xuống nam, để tránh mùa đông băng giá chẳng còn gì ăn, và trở về miền Bắc hưởng mùa hè nắng ấm và phong phú thức ăn). Họ cử phái đoàn đi điều tra về ông và công việc ông làm. Đoàn đại biểu đến gặp ông với những câu hỏi đặt sẵn giống như các mẫu giấy tờ khai báo lý lịch hiện nay. Câu hỏi mở đầu đi thẳng vào đề tài chính : “Ông là ai ?” Câu trả lời của ông khiến ta thắc mắc : tại sao ông có vẻ vòng vo, trả lời đàng sau câu hỏi. Đúng thế, ông trả lời đàng sau câu hỏi đấy. Trong cái không khí xao động háo hức chờ Đấng Mê-si-a thời đó cho tới cuộc nổi dạy cuối cùng vơi Bar Kochebah khoảng năm 130, khiến người ta cứ như em bé mong mẹ về chợ, thấy bóng người ngoài lối vào nhà là chạy ra xem có phải mẹ về không… Thấy cách rao giảng của ông Gio-an là người ta tưởng Đấng Mê-si-a tới. Vì thế mà khi nghe hỏi ông là ai thì ông biết ngay họ đang tìm ai, nên trả lời trước một cách rất trang trọng nghiêm túc : “Ông tuyên bố rằng :Tôi không phải là Đức Ki-tô”. Ông đoán trúng. Họ liền đưa tiếp những chức danh in sẵn để ông đánh dấu vào chữ nào đúng với ông : Ê-li-a ? Vị ngôn sứ ? Ông cho thấy chẳng có chức danh nào họ vừa đưa ra hợp với ông. Họ liền khẩn khoản xin ông tự khai theo ý ông, vì họ phải trả lời cho cấp lãnh đạo đã sai họ đi.

Họ để giấy trăng cho ông thì ông khai theo cách của ông. Ông không là ai cả, thậm chí không phải là người hô, mà chỉ là “tiếng người hô trong hoang địa”. Ông đã mượn ngay lời sách An Ủi của I-sai-a, nhưng lại di chuyển dấu phết : bản văn I-sai-a nói : Có tiếng người hô : trong hoang địa hãy dọn sẵn con đường cho Chúa (Is 40,3), ám chỉ việc Chúa sắp đưa dân lưu đày trở về. Ông Gio-an nhận ông là “tiếng người hô trong hoang địa”, vì ông đang rao giảng ở vùng hoang địa gần sông Gio-đan. Nhưng thắc mắc chính của họ là, nếu ông không phải là một trong những vị mang danh chức vừa kể thì “tại sao ông làm phép rửa ?” Một lối hỏi có tính bắt chẹt. Ông có dịp xác định thêm : tôi chỉ dìm người ta trong nước để tỏ lòng ăn năn sám hối thôi. Chẳng là gì cả. Tôi là tiếng hô kêu gọi dọn đường, tôi dọn đường bằng phép rửa tỏ lòng sám hối thôi. Tôi hô dọn đường tức là chuẩn bị cho ai đó tới sau. Người ấy mới là nhân vật các ông phải chờ đợi, chứ tôi chẳng là gì. Thế là ông đưa họ về vị trí khởi đầu, nhưng gỡ cho họ khỏi thắc mắc về ông. Nếu họ muốn thì lo mà dọn đường cho Đấng ấy thôi. Thắc mắc về bản thân ông làm gì ; cũng như ngày nay nghe xe cảnh sát hụ còi sau lưng thì cứ tự dẹp trống lòng đường, đứng đó mà tò mò xem cái anh chàng cảnh sát ấy tên là gì, cấp bậc nào… thì coi chừng dập đầu, bẹp ruột không kịp ngáp đấy. Ông tranh thủ phác họa một nét về nhân vật sắp tới : “Tôi đây không đáng cởi quai dép cho Người !” Kiểu nói giống kiểu tiếng ta : “không đáng xách dép cho ông ấy !” Chúng ta được biết tên nơi này. Ở cuối chương 10, khi người Do-thái đã hai lần toan ném đá Chúa Giê-su rồi tìm bắt Chúa, thì Người đã lánh xuống nơi này. Từ đây Người sẽ lên Bê-ta-ni-a gần Giê-ru-sa-lem để gọi “cục cưng” La-da-rô ra khỏi mồ. Sau đó lại lánh sang Ép-ra-im cách Giê-ru-sa-lem chừng 20 cây số về phía Bắc (Hiện nay tại đây có xứ đạo đông đúc, sầm uất nhất và nhà máy bia duy nhất trong vùng Pa-lét-tin. Cha Charles de Foucault cũng từng sống ở đây ít lâu trong thời gian ngài ở Thánh Địa.). Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, khi người Do-thái sắm chiên Vượt Qua và nhốt riêng thì Chúa Giê-su lại về Bê-ta-ni-a gần Giê-ru-sa-lem, ở trong gia đình ba chị em mà Chúa thương mến (x. Ga 11,1-6) và trong bữa ăn, bà Mác-ta làm bếp, La-da-rô ngồi ăn với Chúa, còn bà Ma-ri-a đem một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá, đổ lên chân Chúa Giê-su, rồi lấy tóc mà lau.

Ngày hôm sau

 29 Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói : "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. 30 Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng : Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.
 31 Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước." 32 Ông Gio-an còn làm chứng : "Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. 33 Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi : "Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần." 34 Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn."

Ở đây có hai điểm quan trọng mà chúng ta cần tìm hiểu cặn kẽ : một là danh hiệu “Con chiên của Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian”, hai là nhờ đâu ông Gio-an biết được Đức Giê-su chính là Đấng ông loan báo, Đấng mà ông nói là ông không đáng cởi quai dép cho Người.

Danh hiệu Con chiên của Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian bao trùm từ đầu đến cuối sách Tin Mừng thứ tư này mà tột đỉnh là cuộc tôn vinh Chúa Giê-su trên thập giá và trong ánh sáng Phục Sinh. Tước hiệu này ở đâu ra và có ý nghĩa thế nào ? Đây là danh hiệu chỉ gặp trongTin Mừng thứ tư, và ngày nay thành lời tuyên xưng đức tin trước khi rước lễ. Ta thử cắt làm đôi và tìm hiểu từng vế.

1/ Con Chiên của Thiên Chúa

Trong sách Sáng Thế, chương 22 kể truyện ông Áp-ra-ham vâng lời Thiên Chúa, dẫn con một yêu dấu là I-xa-ác lên núi để dâng làm lễ toàn thiêu cho Thiên Chúa. I-xa-ác vác củi, cha cầm dao và lửa, hai cha con cùng nhau đi lên núi. I-xa-ác hỏi cha : có củi và lửa đây, còn con chiên để làm của lễ đâu ? Ông Áp-ra-ham trả lời : “Con chiên để làm của lễ thì Thiên Chúa sẽ tự lo liệu cho Người, con ạ !” Rốt cuộc khi ông Áp-ra-ham giơ tay ra cầm lấy con dao để sát tế con thì Sứ Thần Thiên Chúa gọi giật, bảo ông dừng tay lại. Ông vâng lời dừng tay lại, không hại đứa con.

Lời đầy tin tưởng phó thác của ông Áp-ra-ham, có vẻ như để trấn an con, đã được Thiên Chúa cho thành sự thật ngay lúc đó. Ông quay lại lần nữa thì thấy có con cừu mắc sừng trong bụi gai, ông liền bắt nó dâng làm của lễ thế cho con. Sau đó Thiên Chúa xác nhận lại lời đã hứa cho ông Áp-ra-ham một dòng dõi đông đúc như sao trời cát biển. Thần học Do-thái vẫn coi việc tế lễ này là nguồn mạch mọi ơn lành Thiên Chúa ban cho dòng dõi Áp-ra-ham.Ta tưởng câu chuyện kết thúc ở đó. Không biết còn mắt xích nào khác dẫn tới danh hiệu mà ông Gio-an đưa ra ở đây không, nhưng ta có thể nhận ra vài chỉ dẫn trong sách Tin Mừng để hiểu ý nghĩa danh hiệu này. Tin Mừng Thứ Tư mời ta chiêm ngắm tình yêu của Thiên Chúa với lời này :

 16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. 18 Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án ; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.

Chúng ta có thể nhận ra một sự đối chiếu tinh vi giữa một bên là lòng tôn kính và yêu mến của ông Áp-ra-ham, khiến ông đã không tiếc cả đứa con một yêu dấu của mình đối với Thiên Chúa, một bên là lòng Thiên Chúa yêu mến thế gian, đến nỗi ban Con Một để ai tin vào Con của Người thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời.

Thiên Chúa là Thiên Chúa hằng sống và là Đấng ban sự sống chứ không phải sự chết. Sự chết là do Xa-tan đưa vào thế giới loài người ! (Kn 1,12 và 2,24). Thiên Chúa nhận tấm lòng của ông Áp-ra-ham nhưng không muốn I-xa-ác phải chết. Và đáp lại lòng tôn kính tuyệt vời của ông Áp-ra-ham Thiên Chúa hứa cho ông sự sống thật phong phú, biểu lộ qua dòng dõi đông như sao trời cát biển.

Trước khi mời chiêm ngắn Tình Yêu của Thiên Chúa lớn lao thế nào, Chúa Giê-su đã nói mục đích việc Chúa bị treo lên cao, như con rắn bằng đồng Thiên Chúa đã truyền ông Mô-sê treo lên cây trong hoang địa, để ai bị rắn cắn mà nhìn lên thì khỏi chết nhưng được sống

Họ kêu trách Thiên Chúa và ông Mô-sê rằng : "Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai-cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống ? Chúng tôi đã chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này."

 6 Bấy giờ ĐỨC CHÚA cho rắn độc đến hại dân. Chúng cắn họ, khiến nhiều người Ít-ra-en phải chết. 7 Dân đến nói với ông Mô-sê : "Chúng tôi đã phạm tội, vì đã kêu trách ĐỨC CHÚA và kêu trách ông. Xin ông khẩn cầu ĐỨC CHÚA để Người xua đuổi rắn xa chúng tôi." Ông Mô-sê khẩn cầu cho dân. 8 ĐỨC CHÚA liền nói với ông : "Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống." 9 Ông Mô-sê bèn làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cây cột. Và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống. (Ds 21, 5-9).

Để tránh sự mê tín và thờ ngẫu tượng, sách Khôn Ngoan đã giải thích :

 6 Họ phải chịu hành hạ ít lâu như là chịu một lời cảnh cáo ; rồi họ được một dấu hiệu cứu thoát nhắc họ nhớ đến luật Ngài truyền.  7 Vì bất cứ ai ngước trông lên đều được cứu, không phải do bởi vật họ nhìn, nhưng là do chính Ngài, Đấng cứu độ muôn người hết thảy.  8 Như thế, Ngài cho thù địch chúng con biết rằng : chính Ngài là Đấng cứu khỏi mọi sự dữ.  9 Chúng chết vì châu chấu cắn, vì mòng đốt, mà không tìm được thuốc để cứu mạng sống mình, bởi chúng đáng chịu phạt do những con vật ấy. 10Nhưng con dân Ngài, nanh rắn độc cũng không làm hại được, vì có Ngài xót thương và ra tay cứu chữa. (Kn 16,3-10).

Rắn cắn ai là người ấy phải chết. Chỉ có Thiên Chúa mới cứu được họ khỏi chết và được sống. Thiên Chúa đã ban con rắn bằng đồng như dấu hiệu để họ nhìn lên mà nhớ lại Lời Người, nhận biết tội của họ và tin vào Thiên Chúa, thì khỏi phải chết nhưng được sống.

Bài học Chúa đã ban cho dân của Chúa trong hoang địa, nay được ứng dụng cho toàn thể nhân loại. Thiên Chúa muốnCon Một Yêu Dấu của Người được giương cao để ai nhìn lên và tin vào Người Con Ấy thì không phải chết nhưng được sống (x. Ga 3, 14-15). Mọi người đều mang tội nên mọi người phải chết, nhưng nếu nhìn lên Con Một của Thiên Chúa đã được giương cao thì sẽ không phải chết mà được sống. Con Một Thiên Chúa vốn ở trong lòng Thiên Chúa, chẳng mắt phàm nào thấy được. Để trở thành dấu hiệu cho mắt loài người có thể nhìn thấy thì Con Một của Thiên Chúa vô hình đã trở thành người phàm, cho người ta thấy được, sờ được. Nhưng không phải thấy hay sờ vào là được sống, nhưng phải tin vào Người, tuyên xưng Người là Con Thiên Chúa Hằng Sống, “Đấng đã đến để cho chúng ta được sống và sống dồi dào hơn” (x. Ga10, 10). Câu chuyện người đàn bà loạn huyết sờ vào tua áo của Chúa mà đươc chữa lành, lòng tin của bà lập tức được Chúa khen và dùng làm gương mẫu khích lệ viên trưởng Hội Đường đang đưa Chúa về nhà để cứu đứa con gái đau sắp chết : “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi là con gái ông sẽ được cứu (Lc 8, 50). Không có cây nào cao đủ cho mọi người có thể nhìn thấy con rắn bằng đồng. Con Một Thiên Chúa hằng sống, từ trong lòng Cha vào thế gian qua “cửa sinh” mà làm người, rồi lại ra khỏi thế gian bằng “cửa tử” và trở về trong lòng Cha, trong Vinh Quang của Cha, Vinh Quang Người vẫn có nơi Cha tự đời đời, vì thế Người trở thành dấu hiệu của ơn Cứu Độ, để ai tin vào Người thì không phải chết nhưng được sống. Người đã biến “cửa tử” thành “cửa sinh” đưa vào cuộc sống đời đời, vì Người là Đấng Hằng Sống đã đi qua cửa ấy.

Tin Mừng Gio-an không dùng từ phép lạ nhưng dùng từ dấu hiệu, để nói về những việc mà các Tin Mừng khác cũng kể, tỏ bày quyền năng Chúa Cha đã trao cho Người. Khi nhìn một dấu hiệu (như bảng chỉ đường…) thì ta phải chú ý tới cái gì dấu hiệu nói với chúng ta chứ không phải chính cái dấu hiệu ; Chúa Giê-su đã quở trách nhưng người được ăn bánh rồi đi tìm Chúa mà không có lòng tin : “Các ông tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu hiệu, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê”. Chúa cho ăn một lần để làm dấu hiệu, nhưng họ lại không đọc ra ý nghĩa mà dấu hiệu “BÁNH” chỉ cho họ (x. Ga 6,26) (Có người đi đường thấy một cây cột trước một ngôi nhà, có treo cái bảng đề chữ “BÁN”, anh ta mua luôn cây cột với bảng đề chữ BÁN vác lên vai đi tiếp !). Con Một Thiên Chúa đã được tôn vinh lại cho các môn đệ thấy và rờ vào các dấu đinh nơi tay chân và vết đâm nơi cạnh sườn (x. Ga 20,20 ; Lc 24,39-43). Người được giương cao trong vinh quang của Thiên Chúa nên người muôn nước muôn dân trên khắp địa cầu có thể thấy được nhờ đức tin, và ai tin thì được sống đời đời. Tông đồ Tô-ma đòi thấy tận mắt sờ tận tay mới tin là Chúa đã trỗi dậy từ cõi chết. Ước muốn của ông cũng là của chúng ta. Chúa đầy lòng thương xót, như Mục Tử nhân lành, đã đến tìm ông và dịu dàng đáp lại mong ước của ông, như MỘT ĐẠI DIỆN của tất cả những kẻ kém tin chúng ta, và tuyên bố : “Phúc cho ai không thấy mà tin” (Ga 20,29).

Con Chiên Thiên Chúa tự lo liệu cho mình là chính Con Một của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã lo liệu cho ông Áp-ra-ham một con chiên để dâng làm của lễ thế cho con để lòng ông được thỏa lòng kính tôn vì đã hết tình phụng sự Thiên Chúa của ông. Còn bây giờ đến lượt Thiên Chúa lo liệu cho chính mình một con chiên để ban cho loài người, cho thỏa lòng Thiên Chúa yêu thương loài người, thì con chiên ấy chính là Con Một của Thiên Chúa. Chúa Giê-su là Con Chiên của Thiên Chúa. Sau này khi kể về Chúa Giê-su được tôn vinh qua hai thì Thương Khó và Phục Sinh, sách Tin Mừng thứ tư sẽ xoáy vào các chỉ thị về con chiên Vượt Qua trong sách Xuất Hành, chương 12, để giúp chúng ta nhận ra Chúa Giê-su là Con Chiên của Thiên Chúa như thế nào. Thánh Phao-lô không thông qua hình ảnh con chiên, nhưng nói thẳng : “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng ban tất cả cho chúng ta.” Vậy là chúng ta thấy được suy nghĩ của tác giả sách Tin Mừng thứ tư và của Thánh tông đồ dân ngoại giống nhau, nhìn vào Chúa Giê-su mà chiêm ngắm Tình yêu của Thiên Chúa. Lời đầu tiên và lời cuối cùng, lời mở đầu và lời cuối cùng của Tthiên Chúa để tỏ bày tình yêu cho chúng ta là chính Con Một Thiên Chúa, được ban cho chúng ta như lời tạo dựng, lời Mô-sê và các ngôn sứ rồi cuối cùng là chính Lời Con Một được trao ban trọn khối cho chúng ta, ban không đòi lại. Lời chỉ trở về với Cha khi kéo được mọi người cùng lên với cha, như trưởng tử giữa đàn em đông đúc.

Trong trình thuật hiến tế I-xa-ác, sau khi Thiên Chúa ngăn tay ông Áp-ra-ham lại và cho ông thấy con cừu để dâng làm lễ toàn thiêu, Thiên Chúa xác nhận lại lời hứa cho ông một dòng dõi đông đúc như sao trời cát biển, không thể nào đếm được, ta thấy một mình ông Áp-ra-ham đi xuống núi quay lại với hai người tôi tớ và con lừa, rồi cùng đi Bơ-e Se-va… không thấy I-xa-ác xuống cùng với ông như đã đi lên cùng với ông. Nghệ thuật kể chuyện ở đây đạt tới đỉnh cao, dùng khoảng trống mênh mông của sự vắng mặt để diễn tả cái không thể diễn tả. Ông Áp-ra-ham một mình đi xuống, về một nơi có tên gọi rõ ràng là Bơ-e Se-va. Lúc ông vấng lệnh đem con lên núi thì ta không biết ông xuất phát từ đâu, cũng không được biết tên ngọn núi Thiên Chúa chỉ cho ông. Thay vì đứa con một yêu dấu ông đã dâng và Thiên Chúa đã nhận, Thiên Chúa trao cho ông một dòng dõi đông đúc như sao trời cát biển để ôm vào lòng mà đi xuống. Tác giả như đặt người nghe đứng lại trên núi, nhìn ông Áp-ra-ham quay lưng xa dần trên đường xuống núi. Ông không đi một mình, ông ôm trong lòng cả dòng dõi đông đúc như sao trời cát biển đi về một nơi có tên gọi rõ ràng, nhưng người kể, giống như đạo diễn phim hiện đại, cho chúng ta nhìn từ sau lưng, thấy lưng ông xa dần, nhưng không thể thấy cái gì ông đang ôm trong lòng. Bây giờ tương lai của ông đã có định hướng rõ ràng sau hai lần ra đi : lần thứ nhất ông không biết mình đi đâu (x. Hr 11, 8), vì Thiên Chúa chỉ nói “đi tới miền đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12, 2) và lần thứ hai “trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho” (St22, 2). Cuộc đời phiêu lưu của ông đã kết thúc. Lần lên đường thứ ba này, ông đã có tương lai rõ ràng, như có điểm tới rõ ràng cho chuyến đi này là Bơ-e Se-va, nơi ông sẽ định cư cho đến khi an nghỉ cùng bà Sa-ra trong phần đất ông đã bỏ ra 450 lượng bạc mà mua để mai táng bà, hang Mác-pe-la ở Khép-rôn (x. St 25,7-10), chờ ngày dòng dõi “như sao trời cát biển” của ông xuất hiện theo lời hứa cuối cùng của Thiên Chúa. Lại so sánh với phim ảnh hiện đại : ta như thấy trên màn hình, bóng ông Áp-ra-ham xa dần rồi xuất hiện hàng chữ :

Hết hồi thứ nhất : ĐỨA CON MỘT

Đón xem hồi thứ hai sẽ ra mắt ngày gần đây :
MỘT DÒNG DÕI ĐÔNG NHƯ SAO TRỜI CÁT BIỂN.

Đấng xóa bỏ tội trần gian

Ơn tha tội và sự sống gắn liền với Con Một của Thiên Chúa, và cũng chính là Con Chiên của Thiên Chúa, đẩy chúng ta tìm hiểu riêng vế thứ hai : Đấng xóa bỏ tội trần gian. Xóa bỏ bằng cách nào ?

Chúng ta chạm vào một đoạn sách I-sai-a mà cả bốn sách Tin Mừng, sách Tông Đồ Công Vụ, và một số thư của các Tông Đồ, vận dụng đế lý giải cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su, Phụng Vụ thứ sáu Tuần Thánh đọc đoạn này như bài đọc thứ nhất, rồi một đoạn thư Hip-ri làm bài đọc thứ hai, trước khi đọc Bài Thương Khó theo thánh Gio-an. Mỗi sách Tin Mừng đều bắt đầu trích dẫn, hoặc gợi nhớ bài ca này vào một thời điểm nào đó trong trình thuật về đời sống công khai rao giảng của Chúa Giê-su. Tin mừng thứ tư gợi lên ngay trong danh hiệu đầu tiên do ông Gio-an Tẩy Giả xướng lên. Đoạn sách ấy là bài ca thứ tư về người Tôi Tớ của Thiên Chúa : “Người tôi tớ đau khổ” (x. Is 52,13 – 53,12). Bài ca này vừa diễn tả những đau khổ người Tôi Tớ phải chịu, phần thưởng Người sẽ được, và lý do tại sao Người phải chịu đau khổ đến như thế. Người được ví như con chiên, như cừu khi bị xén lông, không hề mở miệng kêu một tiếng (Kinh nghiệm đầy ấn tượng cho khách hành hương khi đuợc tới núi Ga-ri-dim dự lễ Vượt Qua của người Sa-ma-ri. Họ chỉ còn vỏn vẹn 750 người sống tại Sa-ma-ri và một khu phố khác (Holon) gần Tel Aviv. Ngày lễ Vượt Qua họ tụ họp nhau trên núi Ga-ri-dim. Họ nghe đọc Sách Thánh [họ cũng có Ngũ Thư] bằng tiếng Sa-ma-ri, kể về lễ Vượt Qua. Họ căn giờ, đọc vừa xong là mặt trời khuất núi, họ bắt đầu giết 50 con chiên [theo tỷ lệ 15 người ăn một con]. Vậy mà không ai nghe thấy một tiếng kêu nào. Người Do-thái không có Đền thờ nên không giết chiên Vượt Qua, vì từ thời vua Giô-si-a canh tân Do-thái giáo, chiên Vượt Qua phải được sát tế trong Đền Thờ, do tay các tư tế . Ngày áp lễ, đúng mười hai giờ trưa người ta bắt đầu đưa chiên lên Đền Thờ giao cho các tư tế, và ba giờ chiều thì các tư tế bắt đầu sát tế chiên Vượt Qua. Những chi tiết này sẽ có tầm quan trọng riêng khi chúng ta đọc trình thuật Cuộc Thương Khó trong Tin Mừng Gio-an.).

Ở đây chúng ta hãy chú ý tới và suy gẫm những câu trong bài ca nói về lý do và mục đích của những đau khổ Người Tôi Tớ phải chịu.

 4 Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta,

đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta,

còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt,

bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề.

 5 Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội,

bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm ;

người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an,

đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.

 6 Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu,

lang thang mỗi người một ngả.

Nhưng ĐỨC CHÚA đã đổ trên đầu người

tội lỗi của tất cả chúng ta

ĐỨC CHÚA đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ.

Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội,

người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn,

và nhờ người, ý muốn của ĐỨC CHÚA sẽ thành tựu.

 11 Nhờ nỗi thống khổ của mình,

người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện.

Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta,

sẽ làm cho muôn người nên công chính

và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ.

 12 Vì thế, Ta sẽ ban cho nó muôn người làm gia sản,và cùng với những bậc anh hùng hào kiệt,

nó sẽ được chia chiến lợi phẩm,

bởi vì nó đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân ; nhưng thực ra, nó đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi. (Is 53,4-6.10-12)

Tôi đã không biết Người

Ông Gio-an cho mọi người biết nhờ đâu ông biết Người :

 31 Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước." 32 Ông Gio-an còn làm chứng : "Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. 33 Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi : "Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần." 34 Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn."

Đấng Thiên Chúa tuyển chọn lại ám chỉ tới bài ca thứ nhất về người tôi tớ trong sách I-sai-a :

Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ,

là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng,

Ta cho thần khí Ta ngự trên nó ;

nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân (Is 42,1)

Ngày hôm sau : các môn đệ đầu tiên

 35 Hôm sau, ông Gio-an lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. 36 Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói : "Đây là Chiên Thiên Chúa." 37 Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su. 38 Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi : "Các anh tìm gì thế ? " Họ đáp : "Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu ? " 39 Người bảo họ : "Đến mà xem." Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười. (Ga 1,35-39).

Ngày thứ nhất, ông Gio-an làm chứng trước phái đoàn chính thức của giới thẩm quyền tại Giê-ru-sa-lem (vô danh), ngày thứ hai ông làm chứng trước mặt dân chúng, ngày thứ ba ông làm chứng trước mặt hai môn đệ của ông. Ông chỉ nhắc lại vế thứ nhất của danh hiệu ông đã nói với đám đông. Nhưng kết quả là hai môn đệ của ông liền đi theo Đức Giê-su.

Đức Giê-su quay lại hỏi : “Các anh tìm gì thế ?” Sau này khi những kẻ đến bắt Đức Giê-su xuất hiện thì Người hỏi : “Các anh tìm ai ?” (Ga 18,4). Khi bà Ma-ri-a Ma-đa-lê-na đứng khóc bên mộ, Chúa hỏi : “Bà kia, sao lại khóc, Bà tìm ai ?”

Ta có thể nhận ra một sắc thái đặc biệt của mỗi câu hỏi. Bà Ma-ri-a Mađalena khóc vì bà thấy người ta đã lấy mất Chúa của bà, nên Chúa hỏi : “hỡi người đàn bà, sao bà khóc ? Bà tìm ai ?” Bà tìm Chúa của bà hay tìm cái xác chết ? Nếu bà tìm cái xác chết thì đúng là nó không còn trong mộ, nhưng nếu bà tìm Chúa của bà thì là chuyện khác. Trong bữa Tiệc Ly Chúa đã so sánh nỗi đau của Chúa và nỗi buồn của môn đệ như nỗi đau sinh con của người đàn bà… Khi đã sinh xong đứa con thì bà vui mừng, quên hết mọi ưu phiền. Chúa gọi “hỡi người đàn bà, sao bà khóc ?” Sự sống mới đã có rồi, loài người mới đã sinh ra rồi, sao bà còn khóc ? Rồi như người Mục Tử gương mẫu, Chúa gọi tên bà, bà liền đáp lại : “Ráp-bu-ni” (Lạy Thầy). Với những kẻ đến bắt thì Chúa hỏi “các anh tìm ai ?” vì họ đang tìm Chúa để bắt, mà họ không biết mặt Chúa, Giu-đa phải cho họ một dấu hiệu để họ nhận ra : nụ hôn phản nộp. Còn với hai người hôm nay đi theo sau Chúa, thì Chúa muốn họ xác định rõ họ tìm cái gì ở Chúa.

Họ xin địa chỉ. Nhưng địa chỉ của Chúa không diễn tả được, Chúa mời họ đi theo, Chúa dẫn họ về nơi Chúa ở. “Họ đến, xem nơi Chúa ở và ở lại với Người hôm ấy”. Rồi họ ở luôn với Chúa và đi dẫn anh em bè bạn đến với Chúa. Người làm chứng chỉ cho người khác thấy Chúa Giê-su, giới thiệu, rồi để cho người ta gặp Chúa và Chúa chinh phục người ta. Ngay bước đầu, ông Gio-an đã để cho hai người môn đệ đang đứng với ông, rời ông mà đi theo Đấng mà ông vừa giới thiệu cho họ : “Con Chiên của Thiên Chúa”. “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi.” (Ga 3,30).

Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười”. Có thể đây là kỷ niệm cá nhân không bao giờ quên được. Có thể gợi ý nghĩa tượng trưng của con số 10 : sự tròn đầy, viên mãn. Thời gian đã mãn. Niềm mong đợi của họ đã thành hiện thực. Họ đã gặp được Đấng Mê-si-a, như ông An-rê khoe với em mình ngay sau đó.

Một trong hai người đầu tiên đi theo Chúa Giê-su là ông An-rê. Ông liền đi tìm và khoe với em là Si-mon, rồi đưa em đến với Chúa Giê-su (Từ Hy-lạp chỉ chung anh em, không phân biệt. Các tiếng gốc La-tinh và Hy-lạp cũng vậy. Tiếng Việt và một số ngôn ngữ Phi Châu thì có hai từ khác nhau để chỉ anh và em. Tôi đã giải thích ở trên tại sao chúng tôi dịch ông An-rê là anh (x. chú thích 1)). Chúa dành cho ông Si-mon một bất ngờ. Vừa thấy ông, Chúa nói ngay tên cha của ông và cho ông một cái tên mới. Trong Kinh Thánh, khi Thiên Chúa đổi tên cho một người là để chỉ người đó có một sứ mạng đặc biệt : Ap-ram thành Áp-ra-ham, Sa-rai thành Sa-ra, Gia-cóp thành Ít-ra-en. Sách Tin Mừng Mát-thêu nói rõ hoàn cảnh Chúa đổi tên cho ông Si-mon và ý nghĩa cái tên mới (x. Mt 16,18). Trường hợp hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an chung cái biệt danh “thiên lôi con”, thì chỉ diễn tả cá tính “thiên lôi” của hai anh em nhà này, muốn làm môn đệ ông Ê-li-a, đòi lấy lửa từ trời xuống đốt người ta ! Thậm chí dám xé rào đi nói nhỏ với Chúa Giê-su để dành chỗ trong Nước Chúa, mà họ tưởng là nước ở trần gian này. Các sách Tin Mừng Nhất Lãm chỉ kể như câu chuyện kỷ niệm giữa thầy trò thế thôi, chứ không bao giờ thành tên gọi của hai ông ; trái với tên Kê-pha Chúa đặt cho ông Si-mon Phê-rô, vì nó thành tên gọi của ông và tương ứng với sứ mạng Chúa trao cho ông.

Ngày hôm sau

Hôm sau, tức là ngày thứ tư kể từ khi ông Gio-an làm chứng trước mặt phái đoàn từ Giê-ru-sa-lem tới. Chúa quyết định đi tới Ga-li-lê, Người gặp ông Phi-líp-phê, Người liền nói : “Anh hãy theo tôi !” Có lẽ là người đã cùng gặp Chúa với ông An-rê hôm trước, vì hai ông là đồng hương Bết-sai-đa, phía Bắc Hồ Ga-li-lê (Một lý do khiến ta có thể nghĩ ông Phi-líp-phê là người cùng đi với An-rê, đó là mẩu đối thoại giữa ông với Chúa Giê-su trong bữa Tiệc Ly. Chúa như trả lời câu hỏi hai ông đã thưa Chúa: “Thầy ở đâu?” Hôm nay Chúa mới trả lời trực tiếp: “Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy!”(x. Ga 14, 9-10)). Hôm trước thì ông An-rê lập tức đi tìm em và dẫn em tới gặp Chúa Giê-su, Chúa liền đổi tên cho ông Si-mon. Cách kể này cho ta hiểu là ngay hôm ấy hai anh em An-rê và Si-mon đã đi theo Chúa. Còn ông Phi-líp-phê thì hôm sau mới gặp lại Chúa, lập tức được Chúa gọi đi theo. Ông cũng lập tức đi tìm người bạn là Na-tha-na-en, quê ở Ca-na (x. Ga 21, 2), cách Na-da-rét chừng 6 cây số. Ông khoe với bạn và rủ bạn tới gặp Chúa. Phản ứng của Na-tha-na-en tỏ ra ông là người thông thạo Sách Thánh. Nhưng Phi-líp-phê đã thuộc bài, lặp lại lời mời của Chúa mà ông đã nghe : “Cứ đến mà xem !” Nể bạn, ông Na-tha-na-en đến gặp Chúa. Chúa “đánh phủ đầu” bằng cách cho ông thấy Chúa biết ông rõ lắm : “Đây là một người Ít-ra-en đích thật, lòng dạ không có gì gian dối !” Chúa làm ông sững sờ : “Làm sao Ngài lại biết tôi ?” Chúa bồi thêm một đòn : “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh còn dưới gốc cây vả, tôi đã thấy anh rồi !” Na-tha-na-en liền đầu hàng vô điều kiện : “Thưa Thầy, Thầy chính là Con Thiên Chúa, là Vua It-ra-en !

Đây là một cuộc đấu trí tinh vi và thú vị giữa Chúa Giê-su với Na-tha-na-en bằng lời Kinh Thánh ngầm chứa sau những câu đối đáp, mà ta nên thưởng thức, vừa để hiểu chiều sâu của Sách Thánh, vừa để thấy cách thức Chúa chinh phục mỗi người theo cá tính và khả năng của mỗi người. Phi-líp-phê, đồng hương với hai anh em An-rê và Si-mon, chẳng tỏ ra có nhiều kiến thức, nghe Thầy Gio-an Tiền Hô giới thiệu “Đây là Con Chiên Thiên Chúa” chẳng thắc mắc gì, chỉ tìm gặp Chúa, “rồi ở lại với Chúa ngày hôm ấy” (Tức là đến chiều, vì người Do-thái tính ngày từ lúc mặt trời lặn tới lúc mặt trời lặn. Mặt trời lặn là sang ngày hôm sau rồi.), sau đó lần lượt, kẻ dẫn em, người dẫn bạn đến theo Chúa. Phi-líp-phê biết bạn là người “có học”nên giới thiệu Chúa với Na-tha-na-en một cách rào đón trang trọng : “Đấng mà Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp, đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người làng Na-da-rét !” Làng Ca-na của Na-tha-na-en ở cách làng Na-da-rét của ông Giê-su chừng 6 cây số, truyện tiệc cuới Ca-na sau đó (x. Ga 2,1-12), chứng tỏ giữa hai làng này có những gia đình họ hàng thân thích với nhau, nên Na-tha-na-en chẳng lạ lẫm gì, nghe cái tên Na-da-rét ông liền bỉu môi (tôi xin phép diễn bằng kiểu nói Việt Nam) : “Cái xóm [Na-da-rét] chết rét đó mà có cái gì hay được chứ ! ?” Phi-líp-phê biết mình không đủ khả năng tranh luận với ông bạn thông thái, liền sử dụng tình bạn rủ Phi-líp-phê : “Thì anh cứ đến mà xem !” Na-tha-na-en nể bạn mà đến gặp Chúa Giê-su. Phi-líp-phê đã hoàn thành vai trò của mình là đưa cho được người bạn thông thái đến trước mặt Chúa Giê-su. Phần còn lại Chúa làm ngay.

Nói tiếp về cuộc đấu trí bằng Sách Thánh giữa “Ông Giê-su làng Na-da-rét” với ông thông thái làng Ca-na. Chúa Giê-su bắt đầu từ lúc Phi-líp-phê gặp Na-tha-na-en. Đòn phủ đầu của Chúa Giê-su : “Đây là một người Ít-ra-en đích thật…” như xác nhận lời của Phi-líp-phê giới thiệu đồng thời đáp lại câu ông nói về Na-da-rét, vì ám chỉ tới lời sách I-sai-a 63,8 nói về dân Ít-ra-en khi đã được Thiên Chúa cứu chuộc : “Người đã phán, thật chúng là dân của Ta, là những đứa con không lừa dối”. Lời sách I-sai-a lại vang vọng truyện Gia-cóp (x. St 25,19 – 33,20). Gia-cóp là người mánh mung, lừa được cả cha để đoạt quyền trưởng nam của Ê-sau, rồi làm giàu nhờ đàn vật của bố vợ ; khi gặp lại Ê-sau trên Đất Hứa thì dùng của lễ và dàn cảnh cho Ê-sau lóa mắt, để mua lòng và tránh được sự kềm tỏa của Ê-sau. Trước khi gặp lại Ê-sau, ông đã vật lộn với Thiên Chúa ở sông Giáp-bốc, được Thiên Chúa đổi tên là Ít-ra-en : “vì ngươi đã đấu với Thiên Chúa và với người ta, và ngươi đã thắng”. Gặp nhà thông thái, Chúa chỉ cần gại vào hai giây đàn, giây đàn của Mô-sê kể truyện Gia-cóp và giây đàn I-sai-a ca người Ít-ra-en đích thật, là ông đã phải nhận ra những lời Mô-sê và các ngôn sứ. Khác nào Người nói với Na-tha-na-en : Phi-líp-phê nói đúng, mà anh nói cũng đúng, vì đúng là Sách Thánh không nói gì về Na-da-rét cũng như không nói gì về Ca-na, nhưng từ Ca-na lại có một người được lời Mô-sê và ngôn sứ I-sai-a nói tới, một người Ít-ra-en đích thật, đó là anh đấy !

Trúng đòn phủ đầu, Na-tha-na-en ngơ ngác hỏi : Bởi đâu mà Ngài biết tôi ? Câu hỏi của ông lại gợi lên giai điệu của thánh vịnh 139/138 : “Lạy Chúa, Chúa đã dò xét con và Ngài biết rõ con”. Chúa Giê-su như ngâm liền câu thánh vịnh ông vừa dạo đàn : “Biết cả khi con đứng con ngồi, con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa… Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngàilẩn nơi nào cho khuất được thánh nhan”. Người đáp lại : “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh. Lúc anh còn dưới gốc cây vả, tôi đã thấy anh rồi”. Lời Chúa nói như làm vang lên trong đầu nhà thông thái Na-tha-na-en đồng thời toàn bộ thánh vịnh (Độc giả nên đọc chậm rải toàn bộ thánh vịnh này rồi đọc lại cuộc đối thoại Phi-líp-phê – Na-tha-na-en và Chúa Giê-su với Na-tha-na-en thì mới thấm thía. Thánh vịnh 139/138 ví như “nhạc nền” của hai cuộc đối thoại.). Lời ấy còn vang vọng lời sách Da-ca-ri-a (3,10) loan báo ngày Đấng Mê-si-a xuất hiện : “Ngày ấy các ngươi sẽ mời mọc nhau dưới bóng cây nho, dưới gốc cây vả” (bản Hy-lạp của Da-ca-ri-a và Gio-an khớp với nhau : hypokato sykès). Thêm cả lời sách Mi-kha nói về thời Thiên Chúa hiển trị tại Xi-on : “Mỗi người sẽ ngồi dưới cây nho, cây vả của mình” (Mk 4,4).

Bấy nhiêu quá đủ rồi. Nhà thông thái bị choáng ngợp, bị hạ “đo ván” rồi ! Ta như thấy ông phủ phục trước mặt “ông Giê-su người làng Na-da-rét” mà ông vừa bỉu môi khi thoạt nghe Phi-líp-phê giới thiệu. Ông tuyên xưng : “Thầy chính là Con Thiên Chúa, Thầy chính là Vua Ít-ra-en”. Thế là điều mà ông Phi-líp-phê  (Bết-sai-đa là một làng chài ở phía bắc hồ Ga-li-lê, cách Ca-phác-na-um không xa, nhưng cuộc động đất làm sụp đổ Ca-phác-na-um (cuối thế kỷ thứ sáu) đã đưa làng Bết-sai-đa trồi lên núi và đổi cửa nước vào hồ Ga-li-lê trước kia ở bên trái đã dời sang bên phải của Bết-sai-đa. Quả là “thế gian biến cải vũng nên đồi”; “thanh hải biến vi tang điền, tang điền biến vi thanh hải” (Biển xanh biến thành vườn dâu, vườn dâu biến thành biển xanh --> “Trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng” [Nguyễn Du, Truyện Kiều]).) dân làng chài nói chung chung rằng “Mô-sê và các ngôn sứ đã nói”, thì bây giờ Chúa Giê-su nhẹ nhàng nhắc bài cho nhà thông thái, khiến ông nhận ra ông đang được phúc sống ngày của Đấng Mê-si-a và được đứng trước mặt ngài nữa cơ ! Ôi hạnh phúc tuyệt vời ! Cám ơn bạn Phi-líp-phê nhé và xin lỗi bạn vì tôi đã hồ đồ… !

Chúa thưởng cho nhà thông thái và các bạn vừa cùng nhau theo Chúa một lời hứa hẹn tuyệt vời :

Đức Giê-su đáp : "Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin ! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa." 51 Người lại nói : "Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người."

Bây giờ thì Chúa nói về bản thân Người trong lời Mô-sê. Nhắc đến Gia-cóp và “Ít-ra-en mới”, tức là tới hồi Gia-cóp trở lại Đất Hứa, thì Chúa đẩy lui một bước nữa, trở lại giấc mơ của Gia-cóp khi Gia-cóp lên đường trốn cơn thịnh nộ của Ê-sau, đó là truyện cái thang trong giấc mơ của Gia-cóp (x.St 28, 10-19). Giấc Mơ của Gia-cóp thành sự thực nơi Người : Người chính là cái thang nối đất với trời, vì các thiên thần mà Gia-cóp thấy lên lên xuống xuống trên cái thang trong giấc mơ của ông, bây giờ lên lên xuống xuống trên cái thang thật, chính là Người, người làng Na-da-rét đang nói với các ông đấy. Mô-sê và các ngôn sứ không nói về làng Na-da-rét, nhưng nói về một người của làng Na-da-rét.

Đến đây thì ta có thể rút một bài học tuyệt vời về tầm quan trọng của người làm chứng và vai trò quyết định của chính Chúa Giê-su. Nhờ ông Gio-an làm chứng, hai môn đệ thân tín của ông đi theo Chúa. Rồi chính Chúa ân cần đón tiếp hai người này, mời đến xem nơi Chúa ở và cho ở lại làm quen, thân mật với Chúa. Hai người này gặp Chúa rồi, lập tức người đi tìm em, kẻ đi tìm bạn thân, giới thiệu và đưa đến với Chúa, nhờ tình anh em, tình bạn bè. Mỗi người đến lại được Chúa thâu phục một cách khác nhau tùy cá tính, khả năng của mỗi người. Cả hai bị chinh phục ngay từ lần đầu gặp Chúa và vào số những người bạn thân tín nhất của Chúa. Phục tài chinh phục của Chúa chưa ! Cứ lấy tình bạn bè dẫn nhau đến với Chúa, Chúa biết mỗi người được nhồi nắn bằng gì… Càng cua giương lên hay lông nhím xù ra Chúa cũng chẳng sợ đâu ! Tay không Chúa bắt được hết đấy ! Cứ an tâm. Sau các tông đồ, truyện các thánh cũng minh họa thực tế ấy cả. Cứ nghiệm mà xem. Chúng ta chắc ít ai dám giương càng cua hay xù lông nhím với Chúa như các thánh, nhưng lại dễ lủi dưới cát như Chử Đồng Tử… Thôi thì đành khiêm tốn vọng tiếng lên từ trong lòng đất, xin Chúa làm ơn xối nước lên cát cho con ló cái đầu ra để Chúa túm vậy !

Thế là bốn ngày do ông Gio-an mở đầu với việc làm chứng trước mặt phái đoàn chính thức của Giê-ru-sa-lem, rồi trước mặt toàn dân, trước mặt hai môn đệ thân tín của ông, thì nhờ lời làm chứng của ông, Chúa đã thâu nạp được bốn người môn đệ thân tín khi lên đường đi Ga-li-lê.

Muốn biết chuyện gì sẽ xảy ra ở Ga-li-lê, xin mời đón đọc hồi sau sẽ rõ.

Lễ thánh Mác-cô, tác giả sách Tin Mừng 25/4/2018

 


Trang Kinh Thanh