Lễ Cung Hiến Đền Thờ

(Tìm hiểu Tin Mừng theo thánh Gio-an) – Bài 9

Tác giả: Linh Mục Giu-se Nguyễn Công Đoan, S.J., ngày 27 tháng 10 năm 2018 (ktcgkpv.org)

Lễ Cung Hiến Đền Thờ ghi nhớ ngày ông Giu-đa Ma-ca-bê chiếm lại Giê-ru-sa-lem từ tay quân Hy-lạp, tiến lên thanh tẩy và cung hiến Nơi Thánh, tức là Đền Thờ, đã bị người Hy-lạp làm cho ra ô uế, nhằm ngày 25 tháng Kit-lêu (1), và ấn định ngày đó trở thành ngày lễ trọng, hàng năm cử hành để ghi nhớ biến cố này.

Dịp lễ Vượt Qua sau tiệc cưới Ca-na, Chúa Giê-su đã lên Giê-ru-sa-lem, Chúa xua đuổi những kẻ buôn bán, đòi lại sự thánh thiêng cho Đền Thờ. Bị người ta đòi dấu lạ chứng tỏ Người có quyền làm như vậy. Chúa đáp : “Các ông cứ phá Đền Thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ dựng lại”. Họ không hiểu gì. Các môn đệ thì mãi sau khi Người sống lại từ cõi chết mới nhớ lại Người đã nói lời ấy. Lúc ấy họ mới “tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su” (Ga 2,13-22). Giống như dân Ít-ra-en xưa kia, chỉ sau khi đã vượt qua biển Đỏ mới tin vào Thiên Chúa và tin vào ông Mô-sê tôi tớ của Người (x. Xh 14,31)

Hôm nay Lễ Cung Hiến Đền Thờ, Chúa Giê-su lại có mặt, đi đi lại lại trong Đền Thờ.

Người Do-thái vây quanh Đức Giê-su và nói : “Ông còn để lòng trí chúng tôi thắc mắc cho đến bao giờ ? Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết”.

Họ có thật lòng muốn biết không ? Câu trả lời của Chúa xem ra vạch trần sự thiếu thành tâm thiện chí của họ, và Chúa giải thích tại sao. Chẳng những Chúa đã nói và còn hành động để chứng thực điều Chúa nói :

Tôi đã nói cho các ông rồi mà các ông không chịu tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi. Nhưng các ông không tin”.

Lý do : “Vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi

Bằng chứng : “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi ; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời ; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi”.

Lý do : “Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Cha tôi là một”.

Một lần nữa sét đánh bên tai họ và phản ứng của họ là : “Họ lại lấy đá để ném Đức Giê-su”.

Chúa Giê-su dõng dạc đòi họ cho lý do tại sao họ muốn ném đá Người. Chúa đẩy cuộc tranh luận sang một bước mới.

Người bảo họ : “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm ; vì việc nào mà các ông ném đá tôi ?

Người Do-thái đáp : “Chúng tôi ném đá ông, khôn phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng : ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”.

Chúa Giê-su lý giải tại sao Người có quyền nói như thế : “Trong Lề Luật của các ông đã chẳng có chép lời này sao : “Ta đã phán : các ngươi là những bậc thần thánh (2)?” Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị hủy bỏ, thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi : “Ông nói phạm thượng !”, vì tôi đã nói : “Tôi là Con Thiên Chúa ?” Nếu tôi không làm việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy các ông sẽ biết và càng ngày càng biết rõ thêm rằng : Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha”.

Như vậy Chúa đã giải thích rằng Chúa là Đền Thờ đích thật. Đền thờ là nơi Vinh Quang Thiên Chúa ngự. Chúa Giê-su là nơi hiện diện hữu hình của Thiên Chúa đến nỗi trong bữa Tiệc Ly, khi “ông Phi-líp-phê xin : “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”. Chúa Giê-su trả lời : “Thầy ở với anh lâu thế mà anh Phi-líp-phê ơi, anh chưa biết Thầy ư ? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”.

Kết thúc : “Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng Người đả thoát khỏi tay họChúa Giê-su lại ra đi, sang bên kia sông Gio-đan, đến chỗ trước kia ông Gio-an đã làm phép rửa, và Người ở lại đó”.

Ở chương thứ nhất, sau khi kể việc phái đoàn chính thức từ Giê-ru-sa-lem tới chất vấn ông Gio-an Tẩy Giả, chúng ta được biết : “Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa”.(3) (Ga 1,28). Như vậy là Chúa Giê-su trở về nơi Người đã khởi đầu sứ mạng rao giảng.

Tác giả sách Tin Mừng dùng dịp này để cho thấy hiệu quả lời làm chứng của ông Gio-an Tẩy Giả. “Nhiều người đến gặp Đức Giê-su. Họ bảo nhau : “Ông Gio-an không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng”. Ở đó nhiều người đã tin vào Chúa Giê-su”. Thế là đúng như lời tựa sách Tin Mừng này đã nói : “Ông đến để làm chứng, làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin”. (Ga 1,7)

 

(1) Ngày lễ này hiện nay cũng là lễ ánh sáng, và thường gần lễ Giáng Sinh. Đường phố và các nhà đầy đèn sáng, nhiều khách hành hương tới Giê-ru-sa-lem dịp lễ Giáng Sinh lấy làm lạ, tưởng là đèn mừng Lễ Giáng Sinh. Lễ này cũng mừng tám ngày. Năm nay 2018, nhằm ngày 3 tháng 12.

(2) Tv 82/81,6 : “Ta đã phán : Hết thảy các ngươi đây là bậc thần thánh, là con Đấng Tối Cao”.

(3) Nơi này gần Giê-ri-khô. Từ lâu đời các tín hữu đã tới hành hương ở nơi đây. Sau “cuộc chiến tranh sáu ngày” năm 1967, người Ít-ra-en đã chiếm đóng nơi này và mỗi năm chỉ mở cho tín hữu tới vào ngày lễ “Chúa Giê-su chịu phép Rửa”. Chừng bảy, tám năm nay họ mở lại cho tín hữu và du khách tới hàng ngày.

 


Trang Kinh Thanh