Đã Đến Giờ
(Tìm hiểu Tin Mừng theo thánh Gio-an) – Bài 11

Tác giả: Linh mục Giu-se Nguyễn Công Đoan, S.J., ngày 3 tháng 11 năm 2018

 

Tại Ca-na, trong tiệc cưới, Chúa Giê-su đã nói với thân mẫu một lời bí ẩn : “Giờ tôi chưa đến” (Ga 2,4) Đó là lần đầu trong sách Tin Mừng thứ tư này, tác giả làm như đạo diễn phim, cho chúng ta thấy chiếc đồng hồ trên tường tíc tắc, với hai cây kim phút và giờ lững thững di chuyển, khiến ta hồi hộp chờ đợi. Bao giờ mới đến giờ của Ngài ? Giờ ấy đến thì cái gì sẽ xảy ra ? Suốt những chương tiếp theo, thỉnh thoảng đạo diễn lại cho chúng ta nghe đồng hồ tích tắc, và thấy kim đồng hồ vẫn nhích từ từ, “giờ chưa tới”.

Ở chương thứ năm, tại Giê-ru-sa-lem thì Chúa lại nói đến một giờ khác : “Tôi bảo thật các ông : giờ đã đến, và chính là lúc này đây – giờ các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa ; ai nghe thì sẽ được sống… Giờ đã đến, giờ mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng người Con và sẽ ra khỏi đó.” (Ga 5,25.28). Hai giờ này có trùng với nhau không ?

Đến chương mười một, ta lại thấy Chúa Giê-su như minh hoạ “giờ” đã nói ở chương thứ năm, khi Chúa khóc và đến tận mồ của La-da-rô, “cục cưng của Chúa”. Chúa đứng ngoài, cất tiếng gọi : “La-da-rô, ra ngoài này !” Lập tức La-da-rô bật ra đứng trước cửa mồ, “chân tay còn quấn vải, mặt còn phủ khăn”. Chúa phải ra lệnh : “Cởi khăn và băng vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi !” “Cục cưng của Chúa” nghe tiếng Chúa gọi liền ra khỏi mồ, trở về cuộc sống, ngồi ăn với Chúa. Nhưng các thượng tế đã quyết định giết Chúa Giê-su vì Chúa “làm nhiều dấu lạ”, nay lại “quyết định giết cả anh La-da-rô nữa, vì tại anh mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giê-su” (Ga 12,10-11). Như vậy thì “cục cưng của Chúa” ra khỏi mồ ở đây mới chỉ là dấu hiệu chứ chưa phải như Chúa đã nói : “Ai nghe thì sẽ được sống… Ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống ; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga5,25.29).

Vậy thì “giờ của những kẻ ở trong mồ” lệ thuộc vào “Giờ” của Chúa Giê-su. “Giờ của Con Người” phải đến trước. Ở chương 12, Chúa sẽ reo lên và cho ta biết : “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (Ga12,23). Ta bỗng nghe tiếng tích tắc rõ hơn, và thấy kim chỉ phút trên mặt đồng hồ đã nhích tới gần số 12.

Gio-an đang dẫn chúng ta vào Giờ của Chúa và từng bước giải thích cái gì sắp xảy ra. Ta hãy đi theo và nghe kỹ lời giải thích.

1. Sáu ngày trước lễ Vượt Qua

Ở đầu sách, Gio-an đếm ngày, kể từ hôm ông Gio-an Tiền Hô trả lời phái đoàn chính thức từ Giê-ru-sa-lem tới, bằng ba lần “hôm sau, hôm sau, hôm sau”, rồi “ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na” (Ga1,29.35.43 ; 2,1), tức là ngày thứ sáu, tương ứng với ngày Thiên Chúa tạo dựng con người, “có nam có nữ” (St 1,26-31).

Đến đây, Gio-an lại đếm lui, lấy điểm tới là Lễ Vượt Qua : “Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su đến làng Bê-ta-ni-a, nơi anh La-da-rô ở” (Ga 12, 1). Đây là điểm then chốt cần tìm hiểu để có thể đọc phần thứ hai của cuốn sách, từ chương 12 đến hết.

Sau tiệc cưới ở Ca-na, dịp lễ Vượt Qua, Chúa Giê-su lên Giê-ru-sa-lem và đụng độ với giới lãnh đạo trong Đền Thờ. Các môn đệ nghe lời Chúa đối đáp, nhưng chỉ đến “khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ mới nhớ lại Người đã nói điều đó. Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói” (Ga 2,22). Tình huống này gợi lại tình huống của dân được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai cập và ý nghĩa của Lễ Vượt Qua. Dân sống dưới ách nô lê không tin vào Thiên Chúa cũng không tin ông Mô-sê ; họ thà yên thân làm nô lệ hơn là trải qua nguy hiểm để được tự do (x. Xh 5,19-23 ; 14,10-12). Chỉ đến khi đã vượt qua Biển, “thấy Đức Chúa đã ra tay hùng mạnh đánh quân Ai-cập, toàn dân mới kính sợ Đức Chúa và tin vào ông Mô-sê, tôi trung của Người” (Xh 14,31).

Ở chương 11, khi đang lánh nạn ở Bê-ta-ni-a bên kia sông Gio-đan (x. Ga 10, 39-40) Chúa Giê-su quyết định trở lại xứ Giu-đê thì các môn đệ run : “Rồi sau đó, Người nói với các môn đệ : “Nào chúng ta cùng trở lại miền Giu-đê !” 8 Các môn đệ nói : “Thưa Thầy, mới đây người Do-thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao ?” (Ga 11,7-8)

Ngay chính “người môn đệ Chúa Giê-su thương mến” thì cũng chỉ sau khi đã thấy ngôi mộ trống và “thấy các băng vải và khăn che đầu” còn đó, xếp gọn gàng riêng biệt, mới “đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông [cả ông Phê-rô] chưa hiểu rằng : theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.” (Ga 20,8-9).

Nhắc lại những điều này để thấy mối liên kết giữa ba lần Lễ Vượt Qua mà Gio-an kể tới, và lần thứ ba này thì chính Chúa Giê-su là Con Chiên Vượt Qua để giải thoát chúng ta, tất cả loài người chứ không phải riêng một dân nào ; khỏi ách nô lệ của tội lỗi và sự chết, mà đưa vào cuộc sống vĩnh cửu trong Thiên Chúa, chứ không phải tới một miền đất nào trên trần gian này.

Để hiểu ý nghĩa của “sáu ngày trước lễ Vượt Qua”, chúng ta phải trở lại quy định về Con Chiên để ăn lễ Vượt Qua trong sách Xuất Hành. Điểm cốt lõi, chính yếu của việc mừng lễ Vượt Qua là ăn thịt con chiên dành cho ngày lễ này. Sách Xuất Hành quy định :

1 ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê và ông A-ha-ron trên đất Ai-cập : 2 “Tháng này, các ngươi phải kể là tháng đứng đầu các tháng, tháng thứ nhất trong năm. 3 Hãy nói với toàn thể cộng đồng Ít-ra-en : Mồng mười tháng này, ai nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con. 4 Nếu nhà ít người, không ăn hết một con, thì chung với người hàng xóm gần nhà mình nhất, tuỳ theo số người. Các ngươi sẽ tuỳ theo sức mỗi người ăn được bao nhiêu mà chọn con chiên. 5 Con chiên đó phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một tuổi. Các ngươi bắt chiên hay dê cũng được. 6 Phải nhốt nó cho tới ngày mười bốn tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng đồng Ít-ra-en đem sát tế vào lúc xế chiều, 7 lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. 8Còn thịt, sẽ ăn ngay đêm ấy, nướng lên, ăn với bánh không men và rau đắng. 9 Các ngươi không được ăn sống hay luộc, nhưng chỉ được ăn nướng, với cả đầu, chân và lòng. 10 Không được để lại gì đến sáng ; cái gì còn lại đến sáng, phải đốt đi. 11 Các ngươi phải ăn thế này : lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy. Các ngươi phải ăn vội vã : đó là lễ Vượt Qua mừng ĐỨC CHÚA. (Xh 12,1-11)

Thời gian : ngày mồng mười thì phải sắm một con chiên tùy theo số người để ăn cho hết (1), nhà ít người thì có thể hùn chung (miền Bắc nói : đánh đụng) với nhà khác. Chọn được con chiên đúng cỡ, đúng qui định rồi thì phải nhốt riêng nó ra. Lúc mặt trời lặn vào ngày mười bốn thì sát tế (2). Phải nướng chứ không được làm món gì khác. Rồi phải ăn hết, còn dư thì đốt đi chứ không được để tới hôm sau. Như vậy khi họ ăn thì đã là ngày 15, vì Sách Thánh tính ngày từ lúc mặt trời lặn tới mặt trời lặn, chứ không tính từ lúc mặt trời mọc như ta (x. St 1,5). Tính lui lại sẽ thấy là “sáu ngày trước lễ Vượt Qua” thì phải sắm con chiên và dành riêng, nhốt riêng ra.

2. Quang cảnh dọn mừng lễ tại Giê-ru-sa-lem

Khi ấy sắp đến lễ Vượt Qua của người Do-thái. Từ miền quê, nhiều người lên Giê-ru-sa-lem để cử hành các nghi thức thanh tẩy dọn mình mừng lễ. 56 Họ tìm Đức Giê-su và đứng trong Đền Thờ bàn tán với nhau : “Có thể ông ấy sẽ không lên dự lễ, các ông có nghĩ thế không ?” 57 Còn các thượng tế và người Pha-ri-sêu thì ra lệnh : ai biết được ông ấy ở đâu thì phải báo cho họ đến bắt. (Ga 11,55-57).

Trong khung cảnh chuẩn bị lễ Vượt Qua, dân chúng “từ miền quê lên Giê-ru-sa-lem để cử hành các nghi thức thanh tẩy dọn mình mừng lễ”. Mọi người đi tìm sắm con chiên. Thì tại Giê-ru-a-lem Dân chúng đi tìm Chúa Giê-su, tụm năm tụm ba trong Đền Thờ ban tán về Người. Còn các thượng tế và người Pha-ri-sêu thì đã phát lệnh truy nã Chúa Giê-su. Những động thái này gợi nhớ lời ông Gio-an Tiền Hô giới thiệu Chúa Giê-su là Con Chiên của Thiên Chúa (x. Ga 1,29). “Con Chiên của Thiên Chúa” đã trở thành Con Chiên Vượt Qua Người ta đang đi tìm để giết mà “ăn lễ Vượt Qua”. Các thượng tế điệu Chúa Giê-su đến dinh Phi-la-tô cũng sẽ “không vào kẻo bị nhiễm uế mà không ăn lễ Vượt Qua được” (Ga 18,28).

3. Tại Bê-ta-ni-a

Trong quang cảnh nhộn nhịp đó, Chúa Giê-su trở lại Bê-ta-ni-a gần Giê-ru-sa-lem, đến nhà ba chị em Mác-ta, Ma-ri-a và La-da-rô,

Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su đến làng Bê-ta-ni-a, nơi anh La-da-rô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết.

Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giê-su ; cô Mác-ta lo hầu bàn, còn anh La-da-rô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. 3 Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. (Ga 12,2-3)

Ba chị em này là những người “Chúa Giê-su thương mến” (x. Ga 11,5). Ba chị em tiếp đãi Chúa, mỗi người một vị trí. Chị Mác-ta đứng hầu bàn ; La-da-rô ngồi ăn với Chúa ; Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất quý giá, ngồi dưới chân Chúa, đổ dầu lên chân Chúa rồi lấy tóc mà lau. “Cả nhà sực nức mùi thơm”. Hành động của Ma-ri-a xem ra là trung tâm trình thuật này : gây phản ứng, dẫn tới lời giải thích và bênh vực của Chúa.

Có nhiều khía cạnh cần tìm hiểu. Trước hết, trong khung cảnh Chúa Giê-su đang ngả lưng dự tiệc, một khối lượng lớn dầu thơm, “một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất quý giá” đổ lên chân Chúa, làm “cả nhà sực nức mùi thơm”, gợi nhớ lời trong sách Diễm ca :

Lúc quân vương ngự giữa nội cung,

dầu cam tùng của tôi toả hương thơm ngát (Dc 1,12).

Với hình ảnh này, Gio-an đã dạo lên cung đàn của sách Diễm ca (3) làm nhạc nền cho cả phần thứ hai này. Giờ của Chúa Giê-su là giờ của Tình Yêu :

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một...“ (Ga 3,16)

Chúa Giê-su muốn tỏ cho “thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Người đã truyền cho Thầy” (Ga 14,31)

Chúa Giê-su tỏ lòng “yêu đến cùng”, thí mạng vì những kẻ mình yêu mến (x. Ga 10,15 ; 15,13) :

Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng”. (Ga13,1)

Ma-ri-a đại diện cho những người được Chúa Giê-su yêu mến, đón nhận và đáp lại tình yêu của Chúa bằng dầu thơm và bằng cả trái tim nồng nàn, như hình ảnh trong sách Diễm ca :

Người tôi yêu là chùm mộc dược

nằm gọn trên ngực tôi. (Dc 1,13)

Ông Ni-cô-đê-mô sẽ làm trọn hình ảnh này, khi đem một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương đến tẩm liệm xác Chúa Giê-su (x. Ga 19,39-40).

Cân dầu thơm đổ lên chân Chúa vừa diễn tả tình yêu của ba chị em dành cho Chúa, vừa cho thấy là nhà này đã chọn được con chiên để ăn lễ Vượt Qua, là chính Con Chiên của Thiên Chúa.

Sự phản kháng của Giu-đa là dịp để Chúa Giê-su giải thích cho người ta biết làm thế nào đáp lại tình yêu hải hà của Chúa. Bố thí cho người nghèo là việc tốt. Nhưng Chúa cũng đáng được yêu mến và đáp đền. Chúa cũng đang trở thành người nghèo đến tột cùng đây. Chúa sẽ bị lột hết từ phẩm giá con người cho tới manh áo cuối cùng và không có nơi tựa đầu trên thập giá. “Người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có”. Lời Chúa nói như vang vọng lời sách Đệ nhị luật (4). Trong kinh “thương người có mười bốn mối, thương xác bảy mối”, mối thứ bảy là chôn xác kẻ chết. Chúa đón nhận cân dầu thơm này như là tẩm liệm trước thân xác của Chúa để mai táng. Nghĩa tử là nghĩa tận. Lần đầu và cũng là lần cuối, không có lần thứ hai đâu. Kẻ không yêu mến thì luôn luôn thấy là lãng phí, và tìm ra những lý do hào nhoáng nhất để che đậy cho bụng dạ xấu xa hẹp hòi của mình (5).

4. Chúa Giê-su vào Giê-ru-sa-lem và được chào đón như vua của Ít-ra-en

Ý nghĩa “quân vương” của cân dầu thơm cam tùng quý giá ở Bê-ta-ni-a và lời sách Diễm ca sẽ bộc lộ ra ngày hôm sau, khi Chúa Giê-su vào Giê-ru-sa-lem.

12 Hôm sau, dân chúng lũ lượt tuôn đến mừng lễ. Thoạt nghe tin Đức Giê-su tới Giê-ru-sa-lem, 13 họ cầm nhành lá thiên tuế ra đón Người và reo hò : Hoan hô ! Hoan hô ! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa ! Chúc tụng vua Ít-ra-en ! 14 Đức Giê-su gặp một con lừa nhỏ, liền cỡi lên như có lời chép : 15 Hỡi thiếu nữ Xi-on, đừng sợ ! Này Đức Vua của ngươi ngự đến, ngồi trên lưng lừa con. 16 Lúc đầu, các môn đệ không hiểu những điều ấy. Nhưng sau khi Đức Giê-su được tôn vinh, các ông mới nhớ lại là Kinh Thánh đã chép những điều đó về Người, và dân chúng đã làm cho Người đúng y như vậy. (Ga 12,12-16)

Họ cầm nhành lá thiên tuế ra đón Người và reo hò”. Quang cảnh này gợi lại cảnh đoàn quân trở về sau khi Đa-vít hạ được Gô-li-át :

Lúc quân dân đến, khi ông Đa-vít hạ được tên Phi-li-tinh trở về, thì phụ nữ từ hết mọi thành của Ít-ra-enkéo ra, ca hát múa nhảy, đón vua Sa-un, với trống con, với tiếng reo mừng và tiếng não bạt. Phụ nữ vui đùa ca hát rằng : “Vua Sa-un hạ được hàng ngàn, ông Đa-vít hàng vạn.” (1 Sm 18,6-7).

Hôm nay thi họ tung hô Chúa Giê-su : “Hoan hô ! Hoan hô ! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa ! Chúc tụng vua Ít-ra-en”.

Khi vua Đa-vít truyền đưa thái tử Sa-lô-môn lên làm vua thì ra lệnh :

“Hãy đưa các bề tôi của chúa thượng các ngươi đi theo các ngươi ; để Sa-lô-môn con ta cỡi con la cái của ta, rồi đưa nó xuống Ghi-khôn. 34 Ở đấy, tư tế Xa-đốc và ngôn sứ Na-than sẽ xức dầu phong nó làm vua Ít-ra-en ; các ngươi sẽ rúc tù và, và hô : ‘Vua Sa-lô-môn muôn năm !’ 35 Rồi các ngươi sẽ theo nó đi lên, nó sẽ vào ngự trên ngai của ta, nó sẽ làm vua thay thế ta, vì nó chính là người mà ta đã đặt lên cai quản Ít-ra-en và Giu-đa.

Chúa Giê-su là Vua Ít-ra-en, nhưng không cỡi con la của Đa-vít, mà cỡi một con lừa con. Gio-angiải nghĩa việc Chúa cỡi con lừa con bằng lời sách Da-ca-ri-a :

Nào thiếu nữ Xi-on, hãy vui mừng hoan hỷ !

Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò !

Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi :

Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng,

khiêm tốn ngồi trên lưng lừa,

một con lừa con vẫn còn theo mẹ. (Dcr 9,9)

Lúc ấy các môn đệ chẳng hiểu gì, chỉ “sau khi Chúa Giê-su được tôn vinh, các ông mới nhớ lại là Kinh Thánh đã chép những điều ấy về Người, và dân chúng đã làm cho Người đúng y như vậy”.

Đám đông dân chúng ra đón Chúa là một đoàn chứng nhân : một số đã có mặt khi Chúa gọi La-da-rô ra khỏi mồ, một số thì nghe biết Người đã làm dấu lạ đó.

Còn người Pha-ri-sêu thấy cảnh ấy thì thất vọng, quay ra cắn xé lẫn nhau : “Các ông thấy chưa, các ông chẳng làm nên trò chống gì cả ! Thiên hạ đi theo ông ấy rồi kìa !”

5. Đã đến giờ Con Người được tôn vinh

20 Trong số những người lên Giê-ru-sa-lem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy-lạp. 21 Họ đến gặp ông Phi-líp-phê, người Bết-xai-đa, miền Ga-li-lê, và xin rằng : “Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giê-su.” 22 Ông Phi-líp-phê đi nói với ông An-rê. Ông An-rê cùng với ông Phi-líp-phê đến thưa với Đức Giê-su. 23 Đức Giê-su trả lời : “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh !

Ở chương 11, Thiên Chúa đã dùng miệng thượng tế Cai-pha mà nói tiên tri : “Đức Giê-su sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,51-52). Hai lần Chúa Giê-su đã lánh mặt khỏi Giu-đê và Giê-ru-sa-lem (x. Ga10,39-40 ; 11,54), vì giờ chưa đến. Hôm nay, khi người Hy-lạp đến tìm thì Chúa như reo lên : “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh !”

Tôn vinh bằng cách nào ? Ở chương thứ ba, khi nói chuyện với ông Ni-cô-đê-mô, Chúa đã gợi lại hình ảnh con rắn bằng đồng mà ông Mô-sê treo cao trong hoang địa (x. Ga 3,14) ; ở chương thứ tám, Chúa lại nói : “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là tôi hằng hữu…” (Ga 8,28). Ở đây thì Chúa nói “Con Người được tôn vinh”. Ở chương 2, câu 22, Gio-an nói : “Khi Đức Giê-su từ cõi chết trỗi dậy…” Khi Chúa vào Giê-ru-sa-lem và được dân chúng tung hô, Gio-an nói : “Sau khi Đức Giê-su được tôn vinh, các môn đệ mới nhớ lại…” (Ga 12,16). Ở chương 6, khi nhiều môn đệ bỏ đi sau bài giảng về bánh ở Ca-phác-na-um, Chúa bảo : “Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao ?” (Ga 6,62). Trong những lời Chúa nói với các môn đệ sau bữa Tiệc Ly, còn nhiều lời khác giúp ta hiểu “được tôn vinh” nghĩa là gì và bằng cách nào : đó là Chúa được giương cao trên thập giá và vào trong vinh quang của Chúa Cha, vinh quang Người vẫn có nơi Chúa Cha (x. Ga 17,1.5).

Chúa Giê-su được tôn vinh qua hai thì : chết trên thập giá và về trong vinh quang của Chúa Cha. Chúa dung quy luật của hạt giống để giải thích sự tôn vinh “hai thì” của Chúa và áp dụng cho môn đệ :

24 Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình ; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác25 Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất ; cònai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. 26 Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy ; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy. (Ga 12,24-26)

Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó”. Theo làm môn đệ Chúa thì cũng phải qua “hai thì”thập giá và vinh quang. Không có con đường nào khác để vào hưởng vinh quang.

Biết rằng thập giá là đường vào vinh quang, nhưng Chúa Giê-su vẫn thú nhận là khi thấy thập giá tới gần thì Chúa cũng “ngọng”, không biết nói gì :

“Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến ! Thầy biết nói gì đây ? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. 28 Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha.” Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống : “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa !”

Gio-an kể lời cầu nguyện bộc phát của Chúa ở đây, cùng một nội dung tương ứng với lời cầu nguyện ở Ghết-sê-ma-ni, hay Núi Cây Dầu, trong các Tin Mừng Nhất Lãm (x. Mt 26,36-44 ; Mc 14,32-42 ; Lc 22,39-46). Gio-an kể tiếng Chúa Cha từ trời vọng xuống, xác nhận và làm chứng về Người trước mặt đám đông, tương ứng với tiếng từ trời khi Chúa chịu phép rửa (x. Mt 3,17 ; Mc 1,11 ; Lc3,22), và khi Chúa Giê-su tỏ vinh quang trên núi (x. Mt 17,5 ; Mc 9,7 ; Lc 9,35).

29 Dân chúng đứng ở đó nghe vậy liền nói : “Đó là tiếng sấm !” Người khác lại bảo : “Tiếng một thiên thần nói với ông ta đấy !” 30 Đức Giê-su đáp : “Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì tôi, mà vì các người.

Lời đám đông bàn tán và lời Chúa Giê-su giải thích về tiếng từ trời gợi nhớ cảnh Thiên Chúa phán với ông Mô-sê ở núi Xi-nai :

9 ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê : “Này Ta sẽ đến với ngươi trong đám mây dày đặc, để khi Ta nói với ngươi thì dân nghe thấy và cũng tin vào ngươi luôn mãi”…

18 Cả núi Xi-nai nghi ngút khói, vì ĐỨC CHÚA ngự trong đám lửa mà xuống ; khói bốc lên như khói lò lửa và cả núi rung chuyển mạnh. 19 Tiếng tù và mỗi lúc một tăng lên rất mạnh. Ông Mô-sê nói, và Thiên Chúa trả lời trong tiếng sấm. (Xh 19,9.18-19)

Rồi Chúa giải thích ý nghĩa của GIỜ này :

31 Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài !32 Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” 33 Đức Giê-su nói thế để ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào.

Đây là giờ phán xét thế gian : Chúa Giê-su chiến thắng Xa-tan và giải thoát cho dòng dõi người đàn bà như lời Thiên Chúa hứa trong sách Sáng Thế :         

15 Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà,

giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy ;

dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.” (St 3,15).

Dân chúng bày tỏ thắc mắc của họ và Chúa Giê-su trả lời ; Chúa nhắc lại điều Người đã công bố dịp Lễ Lều (x. Ga 8,12) và nêu rõ tính khẩn trương :

34 Vậy, dân chúng thưa Người : “Chúng tôi đã học biết trong sách Luật rằng : Đấng Ki-tô phải trường tồn mãi mãi. Thế sao ông lại nói : ‘Con Người phải được giương cao’ ? Con Người đó là ai ?” 35 Đức Giê-su bảo họ : “Ánh sáng còn ở giữa các ông ít lâu nữa thôi. Các ông hãy bước đi, bao lâu các ông còn có ánh sáng, kẻo bóng tối bắt chợt các ông. Ai bước đi trong bóng tối, thì không biết mình đi đâu. 36 Bao lâu các ông còn có ánh sáng, hãy tin vào ánh sáng, để trở nên con cái ánh sáng.”

Đã đến giờ, Chiên Vượt Qua đã được dành riêng, nhưng còn phải đợi tới đúng giờ, tức là giờ sát tế chiên Vượt Qua (x. Ga 19,14). Vì thế Chúa lại lánh đi, như con chiên được nhốt riêng : “Nói thế xong, Đức Giê-su rời nơi đó và lánh đi không cho họ thấy.

6. Tổng kết tạm thời về sứ mạng rao giảng của Chúa Giê-su :

1/ Sự cứng lòng của một số người :

37 Người đã làm ngần ấy dấu lạ trước mặt họ, thế mà họ vẫn không tin vào Người. 38 Như vậy là ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a : Lạy Đức Chúa, ai đã tin lời chúng tôi rao giảng ? Và quyền lực của Đức Chúa đã được tỏ cho ai ?

39 Sở dĩ họ không thể tin là vì ngôn sứ I-sai-a còn nói : 40 Thiên Chúa đã làm cho mắt chúng ra đui mù và lòng chúng ra chai đá, kẻo mắt chúng thấy và lòng chúng hiểu được mà hoán cải, rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành !

41 Ngôn sứ I-sai-a nói những lời đó, vì đã thấy vinh quang của Đức Giê-su, và ông đã nói về Người.

Ngôn sứ I-sai-a đã thấy Vinh Quang của Thiên Chúa khi được Thiên Chúa gọi trong Đền Thờ.Gio-an coi đó là “vinh quang mà Chúa Giê-su vẫn được hưởng bên Cha từ trước khi có thế gian” (Ga 17,5). Nhưng Thiên Chúa cho I-sai-a biết là ông sẽ thất bại, vì ông càng rao giảng thì người ta càng bưng tai bịt mắt và trở nên chai đá, giống như số phận của ông Mô-sê (x. Is 6,1-10). Chính ông Mô-sê khi giã từ dân chúng để lên núi Nê-bô và được Thiên Chúa cất đi, đã giải thích sự cứng lòng của họ suốt 40 năm qua : “Nhưng cho đến ngày hôm nay, ĐỨC CHÚA đã không cho anh em lòng để biết, mắt để thấy, tai để nghe” (Đnl 29,3).

Sách Tin Mừng Mác-cô cho thấy Chúa Giê-su cũng áp dụng lời này cho các môn đệ trước khi ông Phê-rô tuyên xưng đức tin :

17 Biết thế, Người nói với các ông : “Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh ? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao ? Lòng anh em ngu muội thế ! 18 Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư ? Anh em không nhớ sao ? (Mc 8,17-18)

Kiểu nói trong sách I-sai-a mà Gio-an trích dẫn ở đây khiến chúng ta ngạc nhiên. Sao Thiên Chúa sai ngôn sứ đi rao giảng mà chính Thiên Chúa lại làm cho người nghe ra đui mù, chai đá, kẻo họ hoán cải mà được chữa lành ? Đây là kiểu nói quen thuộc trong Sách Thánh, cái gì không giải thích được thì cho là Thiên Chúa làm, cũng như sách Xuất hành nói, Thiên Chúa đã làm cho lòng Pha-ra-ô ra chai đá để ông không cho dân Ít-ra-en ra đi, rồi để ông đuổi theo họ và cuối cùng ông bị tiêu diệt dưới đáy biển cùng với binh lực của ông :

10 Ông Mô-sê và ông A-ha-ron làm mọi phép lạ đó trước mặt Pha-ra-ô ; nhưng ĐỨC CHÚA làm cho lòng Pha-ra-ô ra chai đá, và vua không thả con cái Ít-ra-en ra khỏi đất ấy. (Xh 11,10)

4 Ta sẽ làm cho lòng Pha-ra-ô ra chai đá và vua ấy sẽ đuổi theo dân. Nhưng Ta sẽ được vẻ vang hiển hách vì đã đánh bại Pha-ra-ô cùng toàn thể quân lực của vua ấy, và người Ai-cập sẽ biết Ta là ĐỨC CHÚA.” Con cái Ít-ra-en đã làm như vậy. (Xh 14,5)

2/ Tuy nhiên ngay cả trong giới lãnh đạo cũng có nhiều người đã tin

Nhưng không phải tất cả đều cứng lòng như nhau :

42 Tuy nhiên, ngay cả trong giới lãnh đạo Do-thái cũng có nhiều người đã tin vào Đức Giê-su. Nhưng họ không dám xưng ra, vì sợ bị nhóm Pha-ri-sêu khai trừ khỏi hội đường. 43 Thật thế, họ chuộng vinh quang của người phàm hơn là vinh quang của Thiên Chúa. (Ga 12,42-43).

Cụ thể, mặc dầu ở chương thứ năm Chúa Giê-su đã cảnh báo : “Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được ?” (Ga 5,44), chúng ta đã thấy ông Ni-cô-đê-mô, ông là một thủ lãnh của người Do-thái, nhưng ông đến gặp Chúa Giê-su ban đêm (Ga 3,1-2). Sau này ông sẽ công khai, tuy gián tiếp, bênh vực Chúa (x. Ga 7,50-51). Rồi khi Chúa đã chết thì ông mang một trăm cân mộc dược, đến mai táng Chúa cùng với ông Giô-xép. Ông này là “một thành viên có thế giá trong Thượng Hội Đồng” (Mc 15,42 ; Lc 23,51), nhưng cũng từng là môn đệ “chui”, “vì sợ người Do-thái” (Ga 19,38-39).

3/ Chúa Giê-su tổng kết sứ mạng và sứ điệp của mình

44 Đức Giê-su lớn tiếng nói rằng : “Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi ; 45 ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi. 46 Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối. 47 Ai nghe những lời tôi nói mà không tuân giữ, thì không phải chính tôi xét xử người ấy, vì tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian. 48 Ai từ chối tôi và không đón nhận lời tôi, thì có quan toà xét xử người ấy : chính lời tôi đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết. 49 Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì.50 Và tôi biết : mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi.” (Ga 12,44-50)

 

(1) Chiên Vượt Qua phải được sát tế trong Đền Thờ, nên ngày nay người Do-thái không giết chiên Vượt Qua vì không còn Đền Thờ. Người Sa-ma-ri thì vẫn họp nhau trên núi Ga-ri-dim, giết chiên Vượt Qua và cùng nhau ăn tại chỗ ; họ tính 15 người ăn một con.

(2) Ngày này, người Sa-ma-ri họp nhau trên núi Ga-ri-dim, vị Thượng Tế đọc đoạn sách Xuất Hành kể chuyện Thiên Chúa giải thoát dân như thế nào. Họ căn rất chính xác, đọc sách vừa xong là mặt trời khuất sau núi và họ bắt đầu giết chiên Vượt Qua. Họ có những cái lò đào xuống đất như những cái giếng, đã đốt củi suốt buổi chiều cho nóng đỏ. Khi giết chiên xong là củi đã cháy hết, chỉ còn than, họ bỏ con chiên xuống rồi đậy lại. Chừng hai tiếng đồng hồ sau là thịt đã chín.

(3) Sách Diễm ca diễn tả “chuyện tình” giữa Thiên Chúa và dân của Giao Ước. Người Do-thái ngày nay vẫn đọc sách này vào dịp lễ Vượt Qua.

(4) Đnl 13,4-5.7-8.11 : 4 Tuyệt nhiên giữa anh (em) sẽ không có người nghèo, vì ĐỨC CHÚA sẽ chúc phúc dồi dào cho anh (em) trong miền đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), ban cho anh (em) làm gia nghiệp để anh (em) chiếm hữu, 5 miễn là anh (em) thật sự nghe tiếng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), mà lo đem ra thực hành tất cả mệnh lệnh hôm nay tôi truyền cho anh (em) đây… Nếu giữa anh (em), trong một thành nào của anh (em), trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), ban cho anh (em), có một người anh em nghèo, thì anh (em) đừng có lòng chai dạ đá, cũng đừng bo bo giữ của không giúp người anh em nghèo túng ; 8 nhưng phải mở rộng tay, và cho họ vay mượn tất cả những gì họ thiếu… Vì trong đất của anh (em) sẽ không thiếu người nghèo, nên tôi truyền cho anh (em) : hãy mở rộng tay giúp người anh em khốn khổ, nghèo khó của anh (em), trong miền đất của anh (em).

(5) Ở Việt Nam, đồng bào sắc tộc xưa kia chịu chết đói trong rừng chứ không đi ăn xin. Sau này cũng có những bà mẹ sắc tộc bế con, dắt con đi ăn xin. Nếu ta cho vào tay đứa bé thì bà mẹ sẽ nói : “còn tui nữa !” Nếu cho vào tay bà mẹ, bà sẽ chỉ đứa con mà nói : “Còn nó nữa”. Nếu bà bế một đứa trên tay và dắt thêm một đứa thì phải cho cả ba mẹ con, mỗi người một phần. Nhìn cảnh này tôi thường nghĩ Chúa cũng giống bà mẹ sắc tộc, dắt người nghèo đi ăn xin. Cho Chúa thì Chúa bảo : “Còn nó nữa” ; cho người nghèo mà không cho Chúa thì Chúa bảo : “Còn tui nữa” !

 


Trang Kinh Thanh