Chúa Giê-su chuẩn bị đi vào giờ của mình
Ga 13,1-38
(Tìm hiểu Tin Mừng theo thánh Gio-an) – Bài 12

Tác giả: Linh mục Giu-se Nguyễn Công Đoan, S.J., ngày 10 tháng 11 năm 2018

 

Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su

Sau khi reo lên “Đã đến giờ” rồi tổng kết sứ mạng và sứ địệp của mình, Chúa Giê-su đi vào giờ của mình và chuẩn bị cho các môn đệ đón nhận giờ này với tất cả hệ quả của nó. Mở đầu sách Tin Mừng, trong lời tựa, Gio-an đã cho thấy Chúa Giê-su vốn là Lời hằng hữu và hằng ở trong lòng Thiên Chúa, đã trở nên người phàm. “Giờ” của Người đã được nêu lên một cách bí ẩn, Người giải thích cho chúng ta từng bước. Đến đây thì chúng ta biết rõ, giờ đó là giờ “Người phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha”.

Giờ ấy cũng là giờ Chúa trực tiếp đương đầu với Xa-tan. Những kẻ mà Chúa đã tố cáo : “cha của các ông thằng quỷ” “từ đầu nó đã là kẻ sát nhân và là cha sự dối trá” (Ga 8,44), nay đã quyết định giết Người và đã phát lệnh truy nã (x. Ga 11,57). Xa-tan cũng đã bắt cóc được một người trong nhóm Mười Hai là Giu-đa, và gieo vào lòng ông ta ý định nộp Chúa Giê-su. Thế là Xa-tan đã chuẩn bị xong cuộc tấn công cuối cùng.

Chúa Giê-su chuẩn bị đi vào trận chiến quyết liệt này như thế nào ? Ở thế gian, Người đã tuyển chọn, đã yêu mến và đã được nhiều người tin theo. Người bỏ họ lại bơ vơ, côi cút hay sao ? “Người yêu thương họ đến cùng”. Tình yêu đến cùng đối với Chúa Cha mà Người bày tỏ bằng cái chết, và “tình yêu đến cùng” đối với những kẻ thuộc về mình “còn ở thế gian”, hòa hợp với nhau thế nào ? Trong những chương này Chúa Giê-su sẽ từng bước giải thích sự hòa hợp này.

1. Chúa Giê-su rửa chân cho các môn đệ (Ga 13,2-11)

Gio-an kể chuyện xảy ra trong một bữa ăn, không phải là bữa ăn mừng lễ Vượt Qua như các sách Tin Mừng Nhất Lãm, vì Gio-an sẽ trình bày Chúa Giê-su bị Phi-la-tô trao cho các thượng tế vào lúc 12 giờ trưa ngày áp lễ Vượt Qua, tức là giờ người ta đem chiên Vượt Qua lên Đền Thờ trao cho các tư tế, để họ bắt đầu giết chiên vào lúc 3 giờ chiều (x. Ga 19, 14-16) (1). Từ lần đầu tiên giới thiệu Chúa Giê-su với công chúng, “người được sai đến làm chứng”, là Gio-an Tiền Hô, đã nói : “Đây là Con Chiên của Thiên Chúa, đây là Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1, 29). Vậy thì “Giờ của Người” là giờ “Con Chiên Thiên Chúa” thực hiện việc “xóa bỏ tội trần gian”. Xóa bỏ bằng cách nào ? Cứ đọc tiếp, hồi sau sẽ rõ.

Đức Giê-su biết rằng : Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lựng. 5 Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.

Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người : “Thưa Thầy ! Thầy mà lại rửa chân cho con sao ?” Đức Giê-su trả lời : “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.” 8Ông Phê-rô lại thưa : “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu !” Đức Giê-su đáp : “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” Ông Si-môn Phê-rô liền thưa : "Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa." 10 Đức Giê-su bảo ông : "Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa ; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu !" 11 Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói : “Không phải tất cả anh em đều sạch.” (Ga13,3-11)

Trong bữa ăn này, Chúa Giê-su làm một việc mà chính các môn đệ phải ngơ ngác nhìn nhau, chẳng hiểu gì. Ông Phê-rô là người đầu tiên Chúa bưng nước đến đòi rửa chân cho, thì dãy nảy phản đối. Chúa bảo ông cứ bình tĩnh, khiêm tốn để cho Chúa làm rồi sau này ông sẽ hiểu. Nhưng ông lại càng quyết liệt từ chối : “Không đời nào con chịu đâu !”

Chúa giải thích một chút, nhưng quyết liệt : "Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy." Chắc chắn ông Phê-rô chưa hiểu “chung phần” cái gì, nhưng điều quan trong với ông là “với Thầy”. Ông đầu hàng vô điều kiện : “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.” Chúa lại thêm một lời bí ẩn : “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa ; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu !”Gio-an giải thích phần cuối của lời bí ẩn này : “Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói : “Không phải tất cả anh em đều sạch.” Ngay ở chương thứ sáu, Gio-an đã “bật mí” cho chúng ta rồi : 70 Đức Giê-su đáp : “Chẳng phải Thầy đã chọn anh em là Nhóm Mười Hai sao ? Thế mà một người trong anh em lại là quỷ !” 71 Người muốn nói về Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt ; thật thế, chính y, một môn đệ trong Nhóm Mười Hai, sẽ nộp Người.” (Ga 6,70-71)

Có vài điểm cần chú ý để hiểu việc rửa chân này.

Trước hết, phong tục của người Do-thái là rửa tay trước khi ăn (x. Mt 14,1-9 ; Mc 7,1-9). Ở đây thì đang bữa ăn, “Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy thì đây không phải là rửa tay trước khi ăn theo phong tục.

Lc 7,44-46 còn cho thấy khi mời khách tới ăn và đón khách vào nhà, người ta xối nước cho khách rửa chân, hôn mặt và đổ dầu ô-liu lên đầu khách. Ở đây đang bữa ăn, Chúa bưng nước đến rửa châncho các môn đệ. Lời “đầu hàng vô điều kiện” của ông Phê-rô : “xin Thầy rửa, không những chân, tay mà cả đầu nữa”, có vẻ như gợi lại phong tục này ? Nhưng đây là đang bữa ăn kia mà !

Thế thì phải đi tìm ý nghĩa ở đâu ?

Ta hãy đọc tiếp ở cuối chương này : sau khi Giu-đa, “kẻ không sạch” (x. Ga 13, 10-11) đã ra đi lao vào đêm tối, thì Chúa Giê-su mới tuyên bố :

33 "Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy ; nhưng như Thầy đã nói với người Do-thái : ‘Nơi tôi đi, các người không thể đến được’, bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy.

34 Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau ; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 35 Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này : là anh em có lòng yêu thương nhau.

Trở lại với đoạn sách Xuất Hành kể việc Thiên Chúa truyền cho ông Mô-sê bảo dân chuẩn bị đón Thiên Chúa đến thiết lập Giao Ước Xi-nai :

Vậy giờ đây, nếu các ngươi thật sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta. Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh. Đó là những lời ngươi sẽ nói với con cái Ít-ra-en.”… 10 ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê : "Hãy đến với dân và bảo họ : hôm nay và ngày mai phải giữ mình cho khỏi nhiễm uế, phải giặt quần áo." (Xh19,5.10)

Trước khi công bố Giao Ước Mới, Chúa Giê-su rửa chân cho các môn đệ. Ông Phê-rô phản kháng thì Chúa bảo : “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” Chung phần với Thầy là được vào trong Giao Ước Mới. Chúa rửa chân ông bằng nước là tượng trưng thôi, Chúa sẽ rửa ông bằng máu và nước từ cạnh sườn bị đâm thủng của Chúa nữa. Các ông đã “sạch” vì đã đón nhận lời : “Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em” (Ga 15,3), tuy nhiên các ông còn phải được rửa bằng Máu nữa. Ở núi Xi-nai, dân chúng phải giữ mình thanh sạch, phải giặt quần áo để đón Thiên Chúa đến ban lời của Thiên Chúa, sau đó được rảy bằng máu các con vật đã sát tế để vào trong Giao Ước. Giao Ước được lập bằng lời  máu (x. Xh 24,4-8)

Chúa Giê-su đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, lấy khăn mà thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ”. Từ vị trí ngồi bàn ăn, Chúa nhận lấy vị trí của người tôi tớ, mặc y phục tôi tớ và đi rửa chân cho môn đệ. Cử chỉ “cởi áo ngoài ra” và “mặc áo vào”, được diễn tả trong bản văn Hy-lạp bằng hai động từ Chúa Giê-su dùng ở chương 10, để nói về việc Người có quyền cởi bỏ mạng sống [tithein, ba lần] và có quyền lấy lại [labein, hai lần] (Ga 10,14-18) theo lệnh truyền của Chúa Cha.

2. Chúa Giê-su giải thích việc Chúa vừa làm (Ga 13,12-20)

12 Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói : “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không ? 13 Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. 14 Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau15 Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em. 16Thật, Thầy bảo thật anh em : tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. 17 Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em ! 18 Thầy không nói về tất cả anh em đâu. Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây : Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con. 19 Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu. 20 Thật, Thầy bảo thật anh em : ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.”

Sau khi làm xong công việc của người tôi tớ, Chúa Giê-su trở về vị trí của “Thầy” ngồi giữa các môn đệ và bắt đầu giải nghĩa việc Chúa vừa làm. Chúa xác nhận lại rằng quả thật Người là Thầy và là Chúa của các ông đấy. Chúa chỉ làm như thế có một lần này thôi, để làm gương, làm mẫu cho các ông. “Anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (2).

Trong Hội Thánh hiện nay chúng ta chỉ còn thấy một năm một lần trong phụng vụ Thứ Năm Tuần Thánh, sau khi đọc lại đoạn Tin Mừng này thì chủ tế “diễn lại” cảnh này, như minh họa lời vừa đọc thôi ! Chủ tế đóng vai Chúa Giê-su, mười hai vị chức sắc được vinh dự đóng vai mười hai môn đệ [các ông thôi nhé, mà phải xếp chỗ ngồi đúng ngôi thứ nữa đấy !]. Dĩ nhiên là trước khi tới nhà thờ các vị này đã kêu con cháu đem nước nóng, xà-bông thơm, bàn chải kỳ cọ chân ông sạch sẽ thơm tho rồi, cha cứ việc an tâm cúi xuống… Xong lễ thì cha lại là cha oai phong lẫm liệt, và các vị chức sắc lại cúi đầu chào cha đấy !

Chúa làm thế một lần trong đời, nay ta “diễn lại” một lần trong năm theo chu kỳ mùa phụng vụ. Như thế thì đã làm đúng như Chúa dạy chưa ?

Nhưng đừng vội kết luận, đừng giản lược ý nghĩa việc Chúa vừa làm để nêu gương. Ta chưa đọc hết những lời giải thích, dạy dỗ của Chúa trong tư thế là Thầy và là Chúa mà, lời giáo huấn vừa nghe mới chỉ là câu mở đầu thôi. Việc Chúa vừa tự ý làm cho môn đệ một lần trong đời, báo trước một việc khác mà Chúa chỉ có thể làm cho chúng ta một lần – và Chúa sắp làm ngay sau bữa ăn này. Chúa đã giải thích cho ông Phê-rô và hé cho thấy ý nghĩa của việc rửa chân này vượt xa thực tại là chút nước trong cái chậu này và bàn chân ông nhúng vào. Chúa làm gương không phải chỉ có bấy nhiêu.

Yếu tố thứ nhất để giải thích

Chính Chúa Giê-su là Giao Ước Mới, như lời sách I-sai-a trong bài ca thứ nhất về Người Tôi Tớ :

Đây là lời Thiên Chúa, lời ĐỨC CHÚA,

Đấng sáng tạo và căng vòm trời…

Người phán thế này : “Ta là ĐỨC CHÚA, Ta đã gọi ngươi,

vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta.

Ta đã nắm tay ngươi,

đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân,

làm ánh sáng chiếu soi muôn nước,

để mở mắt cho những ai mù loà,

đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ,

dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm.”

Ta là ĐỨC CHÚA, đó là danh Ta.

Vinh quang của Ta, Ta không nhường cho ai khác ;

lời tán tụng dành cho Ta, Ta không để các tượng thần tước đoạt.

Chuyện cũ đã qua rồi, nay Ta loan báo những điều mới (Is 42,5-9)

Đón nhận “Điều Răn Mới” là đón nhận Chúa Giê-su là Thầy và là Chúa, thì đã vào Giao Ước Mới, vào trong Chúa Giê-su và ở trong Chúa Giê-su, nên một với Chúa Giê-su và ở trong Thiên Chúa rồi (x. Ga 15,9-11 ; 17,20-23). Chúa Giê-su đã loan báo điều này khi nói với người phụ nữ Sa-ma-ri :

23 Nhưng giờ đã đến –và chính là lúc này đây– giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. 24 Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” (Ga 4,23-24).

Chúa Giê-su là SỰ THẬT (Ga 14,6). Chúa Giê-su sẽ gởi Thánh Thần là “Thần Khí Sự Thật” tới để dẫn các môn đệ “tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13). Thánh Phao-lô sẽ giải thích điều này khi nói :

14 Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. 15 Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên : “Áp-ba ! Cha ơi !” (Rm 8,14-15)

Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên : “Áp-ba, Cha ơi !” (Gl 4,6)

25 Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước. (Gl 5,25)

Ở núi Xi-nai Thiên Chúa lấy kinh nghiệm của dân đã từng bị áp bức khi họ ngụ cư bên Ai-cập và được Thiên Chúa giải thoát để dạy họ đừng áp bức kẻ ngụ cư (Xh 22,20). Nay Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa đã biểu lộ chính Tình Yêu của Chúa Cha cho môn đệ, nên đưa chính mình làm kiểu mẫu cho họ biết yêu mến nhau :

34 Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau ; anh em hãy yêu thương nhaunhư Thầy đã yêu thương anh em(Ga 13,34)

Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. 10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. (Ga 15,9-10)

Yếu tố thứ hai để giải thích

Yếu tố thứ hai có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn tại sao Chúa Giê-su lại chỉ ban cho môn đệ “một điều răn mới” (Ga 13,34), mà Người sẽ gọi là “điều răn của Thầy” (Ga 15,12). Các sách Tin Mừng Nhất Lãm đều kể về một cuộc trao đổi giữa Chúa Giê-su và một kinh sư về điều răn thứ nhất, điều răn đứng đầu mọi điều răn (Mt 22,34-40 ; Mc 12,28-34 ; Lc 10,25-28). Các nhà thông luật của Do-thái giáo đã tạo ra một rừng điều răn chung quanh mười điều răn [613 điều, gồm giới (cấm) và răn (phải làm)] khiến các thế hệ sau tranh luận với nhau xem điều nào là thứ nhất, đứng đầu. Mt và Mc thì kể rằng Chúa Giê-su trực tiếp trả lời câu hỏi, Lc kể rằng Chúa “khảo bài” lại ông kinh sư. Câu trả lời cả ba sách Tin Mừng ăn khớp với nhau, cùng trích dẫn lời trong sách Đệ nhị luật (6,5) và sách Lê-vi(19,18).

Điều lý thú trong Mác-cô là Chúa Giê-su đọc trọn câu “Nghe đây hỡi Ít-ra-en…” (Đnl 6,5-6) mà tới nay người Do-thái vẫn tụng niệm hàng ngày, nhiều lần mỗi ngày ; viết trên khung cửa nhà, cửa phòng (cả bệnh viện, khách sạn !) và cổng thành nữa, theo đúng lệnh truyền tiếp sau đó (Đnl 6,6-9). Điều lý thú trong Lu-ca là Chúa Giê-su “khảo bài” ông kinh sư : “Trong Luật đã viết gì ? Ông đọc thế nào ?” Sách thì viết bằng giấy trắng mực đen, chữ vẫn còn đó, cho mọi người, còn ông đọc thế nào mới là điều then chốt, ông đọc theo như ông hiểu, ông muốn, nghĩa là ông có thật sự nghe và nhận đó là lời Chúa nói với ông, “đèn soi cho ông bước, là ánh sáng chỉ đường ông đi” (Tv 119/118,105), hay vẫn chỉ là những dòng chữ trên trang giấy mà ai biết chữ là đọc được. Ông kinh sư trong đoạn Tin Mừng này vẫn chưa đọc ra ý nghĩa của chữ “người thân cận” và Chúa Giê-su đã tận tình giảng giải cho ông. Khi ông hiểu rồi thì Chúa bảo : “Ông hãy đi và cũng hãy làm như vậy”. Luật của Chúa là ánh sáng soi cho ông bước chứ không phải để tranh luận với nhau mà khoe tài.

Khi nghe và đón nhận lời ấy là đã nhận “Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất” của mình, chấp nhận vào trong Giao Ước, yêu mến Người như Người muốn. Nhưng yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ mọi Lời Thiên Chúa truyền, mà mọi lời Thiên Chúa truyền là vế thứ hai của cùng một Lời, đó là yêu mến tha nhân như chính mình. Đó mới là bằng chứng người ta thật sự yêu mến Thiên Chúa. “Thiên Chúa chỉ muốn lòng nhân chứ không cần của lễ” (Hs 6,6). Trong mạch văn của sách Hô-sê thì có vẻ nhấn mạnh về lòng yêu mến chân thành đối với Thiên Chúa, vì Tình Yêu đi song song với Biết ; mà “biết” trong ngôn từ của Hô-sê, chỉ về tình yêu mật thiết giữa vợ chồng, vì Hô-sê ví Giao Ước của Thiên Chúa với dân như cuộc hôn nhân và sự phản bội của họ khi thờ các thần khác là đi làm điếm :

Tình yêu của các ngươi khác nào mây buổi sáng,

mau tan tựa sương mai.

Vì vậy, Ta dùng ngôn sứ mà đánh phạt chúng,

lấy lời miệng Ta mà diệt trừ.

Phán quyết của Ta sẽ bừng lên như ánh sáng.

Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ,

thích được các ngươi biết hơn là được của lễ toàn thiêu. (Hs 4-6)

Mát-thêu kể hai lần Chúa Giê-su đuổi người Pha-ri-sêu về học lại xem lời sách Hô-sê ấy nghĩa là gì. Lần thứ nhất là khi họ chê trách Chúa Giê-su vì ngồi ăn với “quân tội lỗi” (x. Mt 9,12), và lần thứ hai khi Chúa chữa người bại tay trong ngày sa-bát (12,7), có vẻ áp dụng vào khía cạnh yêu mến tha nhân.

Ngôn sứ A-mốt, cũng rao giảng tại Sa-ma-ri thì sẽ nói :

21 Lễ lạt của các ngươi, Ta chán ghét khinh thường ;

hội hè của các ngươi, Ta chẳng hề thích thú.

22 Các ngươi có dâng lên Ta của lễ toàn thiêu...

những lễ vật của các ngươi, Ta không vui nhận,

chiên bò béo tốt các ngươi đem hiến tế, Ta chẳng đoái hoài.

23 Hãy dẹp bỏ tiếng hát om sòm của ngươi

Ta không muốn nghe tiếng đàn của ngươi nữa.

24 Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào,

cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn.

25 Hỡi nhà Ít-ra-en, bốn mươi năm trường trong sa mạc,

các ngươi có dâng lên Ta hy lễ hay lễ phẩm nào không ? (Am 5,21-25)

Lẽ phải và công lý là hai điều liên quan tới lòng yêu mến tha nhân, vì ngôn sứ A-mốt tố cáo những bất công, tàn bạo của các dân chung quanh : Đa-mát, Ga-da, Phi-lít-ti-a, Tia và Phê-ni-xi, Ê-đôm, Am-môn, Mô-áp, Giu-đa khiến Thiên Chúa trừng phạt họ (Am 1,3 – 2,5), rồi tố cáo những bất công xã hội, bóc lột người nghèo trong dân Ít-ra-en… như là làm ô danh Thiên Chúa, và đe sẽ trừng phạt (x. Am 3,6-16). A-mốt còn coi những việc tế lễ không phải là do Thiên Chúa truyền buộc khi ban Giao Ước Xi-nai.

Ngôn sứ Giê-rê-mi-a rao giảng tại Đền Thờ cũng theo cùng hướng với ngôn sứ A-mốt :

ĐỨC CHÚA các đạo binh là Thiên Chúa của Ít-ra-en phán : Hãy cải thiện lối sống và hành động của các ngươi, Ta sẽ cho các ngươi lưu lại nơi nàyĐừng ỷ vào lời giả dối sau đây : “Đền Thờ của ĐỨC CHÚA! Đền Thờ của ĐỨC CHÚA ! Đã có Đền Thờ của ĐỨC CHÚA !” Nếu các ngươi thật sự cải thiện lối sống và hành động của các ngươi, nếu các ngươi thật sự đối xử công bằng với nhau, không ức hiếp ngoại kiều hay cô nhi quả phụ, nếu các ngươi không đổ máu người vô tội nơi đây, không đi theo các thần ngoại mà chuốc hoạ vào thân, thì Ta sẽ cho các ngươi lưu lại nơi này, trong phần đất Ta đã ban cho cha ông các ngươi đến muôn đời. Nhưng các ngươi lại ỷ vào những lời dối trá vô giá trị. Trộm cắp, giết người, ngoại tình, thề gian, đốt hương tế thần Ba-an và đi theo các thần lạ các ngươi không biết, 10 rồi lại vào nhà này, nơi danh Ta được kêu khấn, đến trước mặt Ta mà nói : “Chúng ta được an toàn !”, sau đó cứ tiếp tục làm những điều ghê tởm ấy. Thế nghĩa là gì ? 11 Phải chăng các ngươi coi nhà này, coi nơi danh Ta được kêu khấn là hang trộm cướp sao ? Ta, Ta thấy rõ hết – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. (Gr 7,3-11)

Chúa Giê-su diễn tả tương quan giữa môn đệ với Chúa trong Giao Ước Mới như cành nho trên cây nho, chỉ cần ở lại trong Chúa như cành liền cây. Ở lại bằng cách nào ? Bằng cách ở lại trong Tình Thương của Chúa, nghĩa là giữ những lời Chúa truyền, cũng như Chúa Giê-su ở lại trong Tình Thương của Chúa Cha bằng cách giữ mọi lời Chúa Cha truyền (x. Ga 15,5-11). Mọi lời Chúa Giê-su truyền quy vào một điều :

12 “Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em13 Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. (Ga 15,12-14)

Điều răn của Chúa là yêu mến nhau như Chúa đã yêu chúng ta. Chúa yêu tới mức nào ? “Đến cùng” (Ga 13,1), đến hy sinh mạng sống vì đoàn chiên (Ga 10,11) ; tình yêu lớn nhất, “cao cả nhất, là hy sinh tính mạng vì bạn hữu”. “Anh em là bạn hữu của Thầy nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy”. Chính Chúa đã hy sinh mạng sống mình để làm cho chúng ta nên bạn hữu của Chúa. Những điều Chúa truyền đều quy về một là “yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến anh em” (3).

Trong thư thứ nhất, thánh Gio-an sẽ giải thích :

Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau,

vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa.

Phàm ai yêu thương,

thì đã được Thiên Chúa sinh ra,

và người ấy biết Thiên Chúa.

8Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa,

vì Thiên Chúa là tình yêu.

Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta

được biểu lộ như thế này :

Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian

để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống.

11 Anh em thân mến,

nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế,

chúng ta cũng phải yêu thương nhau.

12 Thiên Chúa, chưa ai được chiêm ngưỡng bao giờ.

Nếu chúng ta yêu thương nhau,

thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta,

và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo.

19 Phần chúng ta, chúng ta hãy yêu thương,

vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước.

20 Nếu ai nói : “Tôi yêu mến Thiên Chúa”

mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối ;

vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy,

thì không thể yêu mến Thiên Chúa

mà họ không trông thấy.

21 Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người :

ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình.

Trong cuộc trao đổi với ông kinh sư về điều răn đứng đầu, sau khi giảng giải cho ông nhận ra “ai là người than cận của ông” bằng dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu, Chúa bảo ông : “Ông hãy đi và cũng hãy làm như vậy” (Lc 10,27). Hôm nay Chúa Giê-su cũng nói với các môn đệ : “Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em.” Trước khi công bố điều răn chủ yếu của Giao Ước (Đnl 6,4-5), Mô-sê cũng căn dặn dân Ít-ra-en :

Đây là mệnh lệnh, là những thánh chỉ và quyết định mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, đã truyền phải dạy cho anh em, để anh em đem ra thực hành trong đất anh em sắp sang chiếm hữu. Như vậy anh (em) cũng như con cháu anh (em) sẽ kính sợ ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), mọi ngày trong suốt cuộc đời, tuân giữ tất cả những chỉ thị và mệnh lệnh của Người mà tôi truyền cho anh (em), và anh (em) sẽ được sống lâu. Hỡi Ít-ra-en, hãy nghe và lo đem những điều ấy ra thực hành ; như vậy anh (em) sẽ được hạnh phúc và trở nên thật đông đảo, trong miền đất tuôn chảy sữa và mật, như ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của cha ông anh (em), đã phán với anh (em). (Đnl 6,1-3)

3. Lời Chúa Giê-su công bố Giao Ước Mới (Ga 13,33-35)

33 Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy ; nhưng như Thầy đã nói với người Do-thái : ‘Nơi tôi đi, các người không thể đến được’, bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy.34 Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau ; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 35 Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này : là anh em có lòng yêu thương nhau.

Mấy lời này rất giàu ý nghĩa. Trước hết, giọng âu yếm vỗ về như âm vang nhạc điệu của sáchĐệ nhị luật, một cuốn sách được trình bày như lời Mô-sê giã từ đoàn dân mà ông đã dắt dìu suốt bốn mươi năm qua, từ khi Thiên Chúa giao trách nhiệm này cho ông, nay đến lúc ông phải lên núi và chết, mà họ sẽ chẳng bao giờ thấy lại, cả đến cái xác của ông. Giọng văn ngân vang như một bản trường ca về tình thương âu yếm của Thiên Chúa đối với dân được tuyển chọn, triển khai những lời chan chứa tình phụ mẫu trong sách Hô-sê :

Khi Ít-ra-en còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó,

từ Ai-cập Ta đã gọi con Ta về.

Ta đã tập đi cho Ép-ra-im, đã đỡ cánh tay nó,

Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng.

Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má ;

Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn. (Hs 11,1.3-4)

Sách Đệ nhị luật :

Hãy xem : tôi đã dạy cho anh em những thánh chỉ và quyết định như ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của tôi, đã truyền cho tôi, để anh em đem ra thực hành trong miền đất mà anh em sắp vào chiếm hữu. Anh em phải giữ và đem ra thực hành, vì nhờ đó anh em sẽ được các dân coi là khôn ngoan và thông minh. Khi được nghe tất cả những thánh chỉ đó, họ sẽ nói : “Chỉ có dân tộc vĩ đại này mới là một dân khôn ngoan và thông minh !”7 Phải, có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người ? Có dân tộc vĩ đại nào được những thánh chỉ và quyết định công minh, như tất cả Lề Luật mà hôm nay tôi đưa ra trước mặt anh em ? (4,6-8)

ĐỨC CHÚA đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dânNhưng chính là vì yêu thương anh em, và để giữ lời thề hứa với cha ông anh em, mà ĐỨC CHÚA đã ra tay uy quyền đưa anh em ra và giải thoát anh em khỏi cảnh nô lệ, khỏi tay Pha-ra-ô, vua Ai-cập. (7,7-8).

Mô-sê nói đến tình thương âu yếm của Thiên Chúa đối với dân mà Thiên Chúa tuyển chọn.

Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa, âu yếm gọi các môn đệ do chính Người tuyển chọn (x. Ga15,16) là “những người con bé nhỏ của Thầy”. Bây giờ Người cũng phải tạm thời xa họ vì “Người phải bỏ thế gian mà về cùng Cha” (Ga 13,1), nhưng khác với Mô-sê ở chỗ “Người sẽ lại đến và đem họ về ở với Người” trong Nhà Cha (x. Ga 14,1-3).

Ông Mô-sê chỉ là trung gian chuyển đạt lời của Thiên Chúa cho dân khi Thiên Chúa lập giao ước trên núi Xi-nai :

ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, đã lập một giao ước với chúng ta tại núi Khô-rếpĐỨC CHÚA đã lập giao ước này không phải với cha ông chúng ta, mà là với chúng ta, những người hôm nay đang ở đây, tất cả còn đang sống. ĐỨC CHÚA đã phán với anh em mặt đối mặt, trên núi, từ trong đám lửa. Còn tôi, thời ấy, tôi đứng giữa ĐỨC CHÚA và anh em để thông báo cho anh em lời của ĐỨC CHÚA.

Còn Chúa Giê-su là chính “Lời Thiên Chúa đã trở nên người phàm” (Ga 1,14), Chúa đích thân ban cho môn đệ “một điều răn mới”. Thế là Chúa công bố luật của Giao Ước Mới mà Chúa sẽ lập bằng máu của Chúa đổ ra trên thập giá, như sẽ thấy, chứ không phải bằng máu con vật được dâng làm lễ tế như Mô-sê đã làm ở núi Xi-nai (x. Xh 24,4-8).

Ở núi Xi-nai Thiên Chúa ban “mười điều răn” tóm lại trong hai điều là “mến Chúa và yêu người”. Chúa Giê-su lại chỉ công bố “một điều răn mới” thôi. Dân của Giao Ước Xi-nai giữ mọi lời Thiên Chúa truyền thì “sẽ được các dân coi là khôn ngoan và thông minh. Khi được nghe tất cả những thánh chỉ đó, họ sẽ nói : “Chỉ có dân tộc vĩ đại này mới là một dân khôn ngoan và thông minh. Còn môn đệ của Chúa Giê-su, dân của Giao Ước Mới, thì “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này : là anh em có lòng yêu thương nhau.

Trong lịch sử Hội Thánh ở quê hương chúng ta, ngay những năm đầu tiên khi Tin Mừng được loan báo cho tổ tiên chúng ta ở miền Bắc (bắt đầu từ tháng 3 năm 1627), bản báo cáo của cha Gaspar d’Amaral gởi về Rô-ma ngày 31/12/1632 đã kể : “Các tín hữu ở đây được chừng hơn một ngàn người. Họ yêu thương nhau đến nỗi những người chung quanh chưa biết tên đạo mới này là gì, nhưng thấy cách họ yêu mến nhau như vậy thì gọi họ là những người theo “ĐẠO YÊU NHAU”. Ba chữ “ĐẠO YÊU NHAU” đã được viết như thế trong bản báo cáo. Tổ tiên chúng ta đã làm chứng bằng cuộc sống cho người ta thấy Đạo của Chúa là “Đạo yêu nhau”. Tổ tiên đã minh họa cho chúng ta lời Chúa truyền.

4. Chúa loan báo về hành động của Giu-đa con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt (Ga 13,16-30)

16 Thật, Thầy bảo thật anh em : tôi tớ không hơn chủ nhà, kể được sai đi không lớn hơn người được sai đi. 17 Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành thì thật phúc cho anh em. 18 Thầy không nói về tất cả anh em đâu. Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây : Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con. 19 Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu. 20 Thật, Thầy bảo thật anh em : ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy."

21 Nói xong, Đức Giê-su cảm thấy tâm thần xao xuyến. Người tuyên bố : “Thật, Thầy bảo thật anh em : có một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” 22 Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai. 23Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giê-su thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Đức Giê-su. 24 Ông Si-môn Phê-rô làm hiệu cho ông ấy và bảo : “Hỏi xem Thầy muốn nói về ai ?” 25 Ông này liền nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su và hỏi : “Thưa Thầy, ai vậy ?” 26 Đức Giê-su trả lời : “Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy.” Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt.27 Y vừa ăn xong miếng bánh, Xa-tan liền nhập vào y. Đức Giê-su bảo y : “Anh làm gì thì làm mau đi !” 28Nhưng trong số các người đang dùng bữa, không ai hiểu tại sao Người nói với y như thế. 29 Vì Giu-đa giữ túi tiền, nên có vài người tưởng rằng Đức Giê-su nói với y : “Hãy mua những món cần dùng trong dịp lễ”, hoặc bảo y bố thí cho người nghèo. 30 Sau khi ăn miếng bánh, Giu-đa liền đi ra. Lúc đó, đã là đêm rồi [tôi dịch cho sát].

Chúa đang nói về việc Chúa làm gương cho môn đệ, môn đệ vừa là tôi tớ, vừa là người được Chúa sai đi. Sự liên kết giữa ba tư cách này đưa tới lời căn dặn : tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ sai đi không lớn hơn người sai đi. Chúa vừa là chủ, vừa là người sai đi, thế mà Chúa hạ mình làm như một người tôi tớ, thì môn đệ của Chúa phải cư xử thế nào. Biết suông thì chẳng ích gì. Thực hành mới là có phúc.

Ở chương thứ sáu (x. Ga 6,64-71) cũng như ở đây, mỗi lần Gio-an kể Chúa nói về Giu-đa, ta cảm thấy có chút nghẹn ngào, khó nói. Gio-an cho ta cảm giác Chúa Giê-su như cố nén lại cảm xúc và không muốn nhắc đến, nhưng không nén nổi, và sự thật phũ phàng kia như vuột khỏi sự kềm nén mà bật ra. Có lẽ phản ánh tâm trạng của chính người kể chuyện, ông là người môn đệ đã cảm nghiệm được tình thương của Chúa (4), nên nhắc đến kẻ phản bội thì vừa nghẹn ngào vừa có chút gì cay đắng. Có kẻ từ trong hàng môn đệ lại không chịu làm tôi tớ và người được sai đi, nhưng giơ gót đạp chủ, đạp người sai đi. Không lạ gì. Kinh Thánh đã nói rồi. Chúa nói ra điều này không phải vì không kềm được, nhưng là cố tình nói trước “để khi sự việc xảy ra, anh em tin Thầy là Đấng Hằng Hữu”, Đấng dò xét và thấu suốt lòng mọi người (x. Tv 139/138).

Chúa trở lại với phẩm giá của người được Chúa sai đi : “Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”. Thật là uổng khi không chấp nhận làm kẻ được sai đi !

Gói ghém như thế cũng không ngăn được hình ảnh kẻ phản bội như mũi nhọn xoáy vào tim Chúa, khiến Chúa cảm thấy tâm hồn bồi hồi xao xuyến, cũng như khi Chúa thấy tín hiệu để reo lên : “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (Ga 12,23). Chúa nói thẳng ra : “Thật, Thầy bảo thật anh em : có một người trong anh em sẽ nộp Thầy”. Lời Chúa như tiếng sét bên tai làm các môn đệ ngơ ngác nhìn nhau, phân vân tự hỏi Người nói về ai. Như một đạo diễn phim lành nghề, bất ngờ chĩa ông kính vào đôi mắt của ông Phê-rô, rồi theo tầm mắt của ông Phê-rô, đưa ta nhìn vào một hình ảnh đối ngược với hình ảnh kẻ phản nộp. Đó là “người môn đệ Chúa Giê-su thương mến”, trong một tư thế rất đặc biệt tại bàn ăn, dịch sát là “trong lòng Chúa Giê-su” (5). Trong phần cuối này (Ga 13-21) chúng ta thấy ông Phê-rô và môn đệ này luôn xuất hiện cùng với nhau. Ông Phê-rô làm hiệu cho người môn đệ này hỏi nhỏ Chúa Giê-su xem Chúa nói về ai. Người môn đệ này ngửa đầu ra sau, thành ra tựa đầu vào ngực Chúa Giê-su, và hỏi : “Thưa Thầy, ai vậy ?” Chúa không nói tên kẻ phản bội, nhưng cho một dấu hiệu : “Thầy chấm bánh đưa cho ai thì chính là kẻ ấy”. Ta có thể nhận ra ở cử chỉ này hai ý nghĩa. Một đàng Chúa Giê-su bày tỏ sự ưu ái, thân tình với Giu-đa, Chúa không hề ghét bỏ, xua đuổi người môn đệ này ; một đàng Chúa cho thấy là sự phản nộp của Giu-đa ứng nghiệm lời thánh vịnh 41/40,10 :

10 Cả người bạn thân con hằng tin cậy,

đã cùng con chia cơm sẻ bánh,

mà nay cũng giơ gót đạp con !

Một nhận xét của người kể làm chúng ta rùng mình : “Y vừa ăn xong, Xa-tan liền nhập vào y.” Cử chỉ thân ái của Chúa Giê-su, thay vì kéo ông lại gần Chúa, lại đánh dấu thời điểm Xa-tan ra tay trước, đoạt một người trong hàng thân tín nhất của Chúa để làm công cụ cho nó. Chúa Giê-su như mở cửa cho Giu-đa đi ra : “Anh làm gì thì làm mau đi !” Gio-an nhắc lại thông tin về Giu-đa (x. Ga 12,6-7), ông là người được Chúa tin tưởng và trao nhiệm vụ giữ túi tiền chung của nhóm. Lời nói bí ẩn. Các môn đệ hiểu là Chúa nhắc Giu-đa đi làm nhiệm vụ “quản lý” trước ngày lễ. Điều mỉa mai là ở chương 12, Gio-an đã cho thấy sự giả hình của Giu-đa khi ông phản ứng về “cân dầu thơm cam tùng nguyên chất quý giá” mà cô Maria đổ lên chân Chúa Giê-su ; thế mà tối nay các môn đệ lại còn tưởng là Chúa sai Giu-đa đi bố thí cho người nghèo.

Sau khi ăn miếng bánh, Giu-đa liền đi ra. Lúc ấy đã là đêm rồi”. Chúa Giê-su là “ánh sáng thật đã đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9). Giu-đa đã tới gần ánh sáng, nhưng bị lôi ra khỏi tầm của ánh sáng mà lao vào đêm tối. Giu-đa như bị “đêm tối “bắt cóc”. Lời Chúa nói với Giu-đa : “Anh làm gì thì làm mau đi !” xem ra là lời Chúa hối thúc Xa-tan, vì Xa-tan vừa nhập vào Giu-đa sau khi ông ăn miếng bánh Chúa trao. Từ ngày đầu sứ vụ rao giảng, từ hôm dự tiệc cưới ở Ca-na, Chúa Giê-su đã hướng về GIỜ của Chúa. Khi nó tới kề bên thì Chúa reo lên rồi lại thú nhận là nó làm Chúa ngọng, líu lưỡi, không biết nói sao bây giờ. Lúc này thì Chúa như thúc Xa-tan : “Ra tay lẹ đi !”

Tin Mừng Lu- ca cũng diễn tả tâm trạng tương tự. Một đàng Chúa nói : “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình…” Nhưng khi cầu nguyện ở Núi Ô-liu trước khi xông vào cuộc chiến quyết liệt thì Chúa lâm vào tình trạng “bồi hồi xao xuyến, “mồ hôi Người như những giọt máu lớn rơi xuống đất” (Lc 22,15.44)

5. Giờ tôn vinh (Ga 13,21-38)

Sau khi Giu-đa đi ra lao mình vào bóng đêm, Chúa Giê-su vừa như thở phào nhẹ nhõm, vừa reo lên vì thấy Giờ tôn vinh của Chúa đã điểm. Tiếng cánh cửa sập lai sau lưng Giu-đa vang lên thay tiếng cồng mở đầu cuộc song đấu của Chúa với Xa-tan, vì đêm đã xuống, Xa-tan đã có mặt sẵn sàng trước cửa...

Khi Giu-đa đi rồi, Đức Giê-su nói : “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.” (Ga 13,31-32)

Bây giờ căn phòng thật bình an. Bây giờ Thầy và môn đệ “chỉ còn một vài giây phút cuối bên nhau”, trong ánh lửa dịu dàng ấm cúng. Chúa bắt đầu mở cho môn đệ thấy tất cả trái tim dạt dào yêu thương âu yếm dành cho họ, mời họ hòa nhịp trái tim của họ với trái tim của Chúa : “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.

33 “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của ThầyThầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy ; nhưng như Thầy đã nói với người Do-thái : ‘Nơi tôi đi, các người không thể đến được’, bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy. 34 Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau ; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 35 Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này : là anh em có lòng yêu thương nhau.”

Ông Phê-rô, lúc nãy đã “khều” “người môn đệ Chúa Giê-su thương mến” để nhờ hỏi xem Chúa nói kẻ phản nộp là ai đấy, bây giờ ông mạnh dạn trực tiếp đối thoại với Chúa :

36 Ông Si-môn Phê-rô nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy ?” Đức Giê-su trả lời : “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được ; nhưng sau này anh sẽ đi theo.” 37 Ông Phê-rô thưa : “Thưa Thầy x, sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được ? Con sẽ thí mạng con vì Thầy !” 38 Đức Giê-su đáp : “Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư ? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết : gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần.”

Chúa biết lòng dạ ông Phê-rô, ông hỏi một mà Chúa trả lời hai : “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được ; nhưng sau này anh sẽ đi theo”. Ông Phê-rô không muốn xa Thầy nửa bước, nên ông bày tỏ hết tấm lòng của ông : “Con sẽ thí mạng con vì Thầy !” Chúa Giê-su nói thẳng cho ông biết chuyện gì sẽ xảy ra với ông trước khi gà gáy đêm nay. Gio-an sẽ ngưng kể về ông Phê-rô sau khi tiếng gà gáy, nó báo cho ông rằng lời Chúa báo trước cho ông đã ứng nghiệm rồi.

Giu-đa biến khỏi “màn hình ra-đa” của Gio-an ngay sau khi hoàn thành việc của Xa-tan là nộp Chúa.

Còn ông Phê-rô thì ta sẽ gặp lại sau khi Chúa Phục Sinh. Chúa đã cho ông biết là Chúa không bỏ ông : “Sau này anh sẽ đi theo”. Bây giờ ông chưa theo được, nhưng sau này ông sẽ được theo. Số phận ông Phê-rô là môn đệ thì phải chờ. Chúa phải chết cho ông trước đã. Ông được Chúa nhận lời ông cam kết, và cho ông biết là ông sẽ có dịp “thí mạng”, nhưng không phải cho Chúa mà là cho đoàn chiên của Chúa.

Giê-ru-sa-lem, ngày lễ các thánh của Giê-ru-sa-lem, 8/11/2018

Linh mục Giu-se Nguyễn công Đoan, S.J.

 

(1) Đọc các sách chú giải sẽ thấy các nhà nghiên cứu tìm nhiều cách lý giải sự “so le” giữa Gio-anvà các sách Tin Mừng Nhất Lãm về điểm này. Có lẽ cách giải thích hợp lý nhất là ở chỗ các sách Tin Mừng không nhằm kể lại mọi việc đúng như đã xảy ra, theo quan niệm thực nghiệm của người phương Tây về lịch sử, nhưng nhằm làm sáng tỏ ý nghĩa của các biến cố trong lịch sử cứu độ. Đó là quan niệm về lịch sử trong Sách Thánh và của người phương đông chúng ta. Vì thế phải đọc từng sách Tin Mừng, từ đầu đến cuối, và bình tĩnh tìm hiểu xem mỗi sách trình bày về Chúa Giê-su Ki-tô như thế nào. “Xào lẫn” bốn sách thành món “thập cẩm” thì sẽ chỉ làm “rối chỉ”, chẳng lý giải được gì, vì mỗi sách Tin Mừng trình bày một cách nhìn về Chúa Giê-su Ki-tô. Sự chọn lựa tài liệu và cách dàn dựng, nối kết, phục vụ cho mục đích ấy.

(2) Tin Mừng Lu-ca không kể việc Chúa rửa chân cho môn đệ, nhưng kể lời Chúa nói khi các ông cãi nhau trong bữa ăn xem ai trong các ông là người lớn nhất : Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai ? Hẳn là người ngồi ăn chứ ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ.” (Lc 22,27)

(3) Thời Thế Chiến II, thánh Mac-xi-mi-li-an Kôn-bê, xin chết thay cho một người tù. Thời sự năm 2018, một Ki-tô hữu, ông Arnaud Beltrame, người Pháp, trung tá cảnh sát, chỉ huy cuộc đối phó với kẻ khủng bố, tự ý nộp mạng làm con tin, thế cho một người phụ nữ đang bị giữ, và đã chết thế cho bà ấy.

(4) Trong Tin Mừng thứ tư, nhân vật “Người môn đệ Chúa Giê-su thương mến” xuất hiện lần đầu ở chương 13 này và lần cuối ở chương 21. Tác giả sách Tin Mừng không cho ta biết tên của ông, nhưng cho ta biết những nét đặc trưng của ông trong tương quan với Chúa Giê-su. Người ta thường tốn thời giờ, công sức đi tìm xem tên ông là gì. Tôi nghĩ như thế là “lạc đề”, cũng như tò mò tranh cãi nhau xem Chúa Giê-su viết cái gì trên mặt đất ở Ga 8,6.8. Điều ích lợi hơn là để cho tác giả dẫn vào những nét đặc trưng do chính tình thương của Chúa tạo thành nơi ông, vì chân dung của ông là chân dung người môn đệ chân chính, kiểu mẫu, mà tác giả muốn trình bày cho ta chiêm ngắm và noi theo. Có môn đệ nào mà Chúa không thương mến đâu ? Thánh Phao-lô Tông Đồ sẽ tuyên xưng : “Người đã yêu thương tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20). Nhưng có phải mọi môn đệ đều nhận ra và đáp lại như thế không ? Có một bài hát nổi tiếng bằng tiếng Anh [có thể thấy trên Youtube] : “Love changes everything : tình yêu thay đổi mọi sự ; nothing will ever be the same again : không gì có thể có khi nào lại là như cũ nữa !

(5) Ở “giường tiệc”, người ăn ngả mình tựa vào chiếc gối bên tay trái, dùng tay phải đưa đồ ăn vào miệng. Như vậy la người môn đệ này ngả mình liền trước ngực Chúa Giê-su. Đó là vị trí giống vị trí của La-da-rô nghèo trong lòng ông Áp-ra-ham [cùng một kiểu nói trong bản văn Hy-lạp], ở bàn tiệc trên trời, như đứa con cưng nhất (x. dụ ngôn người phú hộ và La-da-rô nghèo khổ, Lc 16,22-23).

 


Trang Kinh Thanh