Lời nguyện kết thúc diễn từ giã biệt
Ga 17,1-26
(Tìm hiểu Tin Mừng theo thánh Gio-an) – Bài 15

Tác giả: L.M. Giu-se Nguyễn Công Đoan, S.J., ngày 24 tháng 1 năm 2019

 

Mô-sê kết thúc diễn từ giã biệt bằng một bài ca (Đnl 32) và một lời chúc phúc (Đnl 33).

Bài ca thâu tóm lịch sử của dân trong ba thì : 1- dân được Thiên Chúa ưu ái tuyển chọn và ra tay quyền năng cứu thoát, cho hưởng phúc lộc dư tràn ; 2- nhưng dân phản bội và bị tai ương ; 3- Chúa lại xót thương và vì danh dự của Chúa bị kẻ thù xúc phạm, nên Chúa lại ra tay giải cứu.

Lời chúc phúc cho từng bộ tộc đều xoay quanh những phúc lộc trần gian : sức mạnh, thống trị, hoa màu ruộng đất, phồn vinh, chà đạp quân thù để sống yên hàn. Viễn tượng hoàn tòan trần thế, phù hợp với lời hứa của Thiên Chúa trong giao ước Xi-nai là một miền đất “chảy sữa và mật”.

Trong Tin Mừng thứ tư, Chúa Giê-su kết thúc diễn từ giã biệt bằng một lời cầu nguyện, quen gọi là “lời nguyện hiến tế” (Ga 17,1-26).

Chúa Giê-su nhắc đi nhắc lại lời “xin Cha tôn vinh Con”, vì mọi điều Chúa Giê-su đã hứa với các môn đệ đều là kết quả của “cuộc tôn vinh” của Chúa qua thập giá và phục sinh. Bao lâu Chúa Giê-su chưa được tôn vinh thì mọi lời hứa kia chưa thực hiện được. Chúa Giê-su tha thiết xin được Cha tôn vinh là vì khao khát tôn vinh Cha đến cùng. Cuộc tôn vinh của Chúa diễn ra trên thập giá, bằng cái chết làm của lễ mà I-xa-ác, con một yêu dấu của ông Áp-ra-ham là hình bóng báo trước trong Cựu Ước. I-xa-ác sẵn sàng để cha dâng mình làm của lễ, Chúa Giê-su dâng mình cho Cha khi đi vào cuộc tôn vinh này, và xin Cha thực hiện ý định của Cha về Chúa Giê-su và về các môn đệ.

Ông Áp-ra-ham đi ba ngày đường, có lừa chở củi, có hai người tôi tớ theo hầu, nhưng đến chân núi, ông bỏ hai người tôi tớ và con lừa ở lại chờ dưới chân núi, không nhờ họ vác củi, cầm dao cầm lửa giùm (x. St 22,6-8). Trước khi lên đường, ông đã tự tay chẻ củi, chất lên lưng lừa ; khi tới chân núi thì ông chất củi lên vai cho con vác, còn ông thì tay cầm dao tay cầm lửa, “hai cha con đi cùng nhau” lên núi để tế lễ. Trong trình thuật cuộc Thương Khó của Gio-an, các môn đệ cũng bỏ Chúa Giê-su một mình, Chúa tự vác lấy thập giá đi lên tới Gôn-gô-tha, không có cả Si-môn Ky-rê-nê trên đường. Nhưng Chúa Cha ở với Chúa Giê-su, nghĩa là “hai cha con đi cùng nhau” lên núi để tế lễ (1).

Xin Cha tôn vinh Con để Con tôn vinh Cha (Ga 17, 1-3)

1 Nói thế xong, Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện : “Lạy Cha, giờ đã đến ! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha. 2 Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. 3 Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô.

Cha đã trao cho Con quyền và sứ mạng ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho con (x. Ga 1,3 ; 3,14-15 ; 5,21-26.40 ; 6,57-58.62-63 ; 8,51 ; 10,10 ; 11,25). Sự sống đời đời lại cốt ở sự thông phần trọn vẹn với Cha và với con trong vinh quang. Con đang trong thân phận làm người, phải lên trong vinh quang con vẫn có nơi Cha, thì mới thông ban sự sống của Cha và Con cho họ được. Đó là Con tôn vinh Cha. “Con phải lên nơi đã ở trước kia”, trong thân phận là Thiên Chúa, “Thiên Chúa là Thần Khí” (Ga 4,24) ; “Thần khí mới làm cho sống, xác thịt chẳng có ích gì” (Ga 6,62-63).

Con đã tôn vinh Cha ở dưới đất (Ga 17,4-8)

4 “Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm. 5 Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha : xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian. 6 Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha. Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con, và họ đã tuân giữ lời Cha. 7 Giờ đây, họ biết rằng tất cả những gì Cha ban cho con đều do bởi Cha, 8 vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con ; họ đã nhận những lời ấy, họ biết thật rằng con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai con.

Chúa Giê-su đã tôn vinh Cha ở dưới đất khi hoàn tất công trình Chúa Cha giao cho Chúa làm : đó là đón nhận những kẻ Cha đã chọn và ban cho Người, và kể cho họ biết danh Cha. Họ vẫn là của Cha, và họ tuân giữ Lời Cha : họ đã đón nhận những lời Cha gởi cho họ qua Con, họ biết và tin rằng Con từ Cha mà đến và do Cha đã sai con chứ không phải do con tự ý đến.

Con cầu nguyện cho những kẻ Cha đã ban cho con (Ga 17,9-13)

9 “Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha. 10 Tất cả những gì con có đều là của Cha, tất cả những gì Cha có đều là của con ; và con được tôn vinh nơi họ. 11 Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian ; phần con, con đến cùng Cha. Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta. 12 Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. 13 Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con.

Họ thuộc về Cha, Cha đã ban cho con nên họ thuộc về con, nhưng bây giờ con lên cùng Cha, còn họ ở trong thế gian và họ sẽ gặp nhiều gian nan vì bị thế gian ghét. Con không cầu nguyện cho cái thế gian dưới quyền Xa-tan, vì nó ghét cha, ghét con và ghét những người Cha đã ban cho con. Con cầu xin cho những kẻ Cha đã ban cho con, vì họ vẫn thuộc về Cha, nhưng họ là vinh quang của con trên trần gian.

Khi con còn ở giữa họ, với quyền năng của Cha ban, con đã canh giữ họ, như canh giữ đoàn chiên, không để mất một ai, trừ “đứa con của sự hư hỏng”, nó vượt ngoài tầm tay của con.

Cụm từ “đứa con của sự hư hỏng” nghĩa là gì ? ám chỉ ai ? Người ta thường nghĩ là Giu-đa, vì Gio-an đã nhắc tới Giu-đa nhiều lần, và lúc này thì “Xa-tan đã nhập vào Giu-đa” và “Giu-đa đã đi ra”, lao vào bóng đêm để mau mau làm việc toan làm. “Để ứng nghiệm lời Kinh Thánh”. Lời nào ? Gio-an không trích dẫn. Ta hãy xem các sách Tin Mừng Nhất Lãm nói gì ?

Mt 26,23 : “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. Đã hẳn, Con người ra đi theo như lời đã chép về Người. Nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người : thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn. 

Mc 14,18-21 : “có người trong anh em sẽ nộp Thầy, mà lại là người đang cùng ăn với Thầy… chính là một người trong nhóm Mười Hai đây, mà là người chấm chung một đĩa với Thầy. Đã hẳn, Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người. Nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người : thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn.

Lc 22,21-22 : “Này bàn tay kẻ nộp Thầy đang cùng đặt trên bàn với Thầy. Đã hẳn Con Người ra đi như đã ấn định, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người.

Ga 17,12 : “Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh.”

Lời trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm xem ra ám chỉ rõ tới thánh vịnh 41/40,10 : “ Cả người bạn thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con”. Cách thức Mat-thêu(27,4-8) kể về cái chết của Giu-đa : Giu-đa và các thượng tế đều nhìn nhận đồng tiền họ trả cho Giu-đa và Giu-đa trả lại là “giá máu” bán người vô tội. “Giu-đa đi thắt cổ”, gợi lại cái chết của A-khi-tô-phen, vị quân sư đã phản bội vua Đa-vít khi đi theo Áp-sa-lon làm phản (2 Sm 17,23).

Gio-an kể việc Chúa Giê-su tự tay chấm miếng bánh trao cho Giu-đa. Giu-đa ăn xong miếng bánh, Xa-tan liền nhập vào ông ta. Chúa bảo ông ta : “Anh làm gì thì làm mau đi !” (Ga 13,21-30). Cách kể này xem ra tô đậm hơn nữa lời thánh vịnh kể trên, nhưng trong lời cầu nguyện ở đây Chúa Giê-su lại dùng kiểu nói gặp trong Is 57,3-4, theo bản Hy-lạp :

Phần các ngươi, hỡi những đứa con vô đạo (= không có Luật),

hỡi giống nòi dâm đãng ngoại tình, hãy đến cả đây !

4 Này các ngươi nhạo cười ai vậy ?

Các ngươi mở miệng, le lưỡi chống lại ai ?

Há các ngươi không phải là con của sự hư hỏng,

là nòi giống vô đạo hay sao ?

Trong cách nói của tiếng Híp-ri thì “đứa con của sự hư hỏng thường có nghĩa là “đứa con hư hỏng”. Trong câu này, nó đi song song với “nòi giống vô đạo” thì ý nghĩa đó càng rõ hơn.

Các Tin Mừng Nhất Lãm liên kết lời Sách Thánh với việc “Con Người ra đi”, trong khi Gio-an lại có vẻ liên kết với sự “hư mất”. Câu 21 trong chương 57 của I-sai-a : “Phường độc ác gian tà không được hưởng bình an”. Đứa con hư hỏng thì hư mất.

Điều này không hề bao hàm rằng Giu-đa phải sa hỏa ngục đời đời như người ta thường nghĩ. Nhưng trong viễn tượng của Tin Mừng Gio-an, có lẽ lời Chúa Giê-su không thâu gọn vào nhân vật Giu-đa, mà mở rộng và xa hơn. Chúa đã nói về thân phận môn đệ là sẽ bị thế gian ghét bỏ, loại trừ, thậm chí “sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa” (Ga 16,3). Và sẽ vẫn có những người trong hàng môn đệ sẽ phản bội mà đi theo thế gian, cũng như những người mà I-sai-atố cáo là “con của sự hư hỏng” “nòi giống gian dối” trong chương 57 vừa dẫn ở trên. Trong Gio-anchương 8, Chúa đã tố cáo nhưng người Do Thái ngoan cố : “Cha của các ông là thằng quỷ… nó là kẻ nói dối và là cha sự gian dối.” Nó đối nghịch với sự thật : “Còn tôi, chính vì tôi nói sự thật nên các ông không tin” (Ga 8,44-45). Xa-tan đã nhập vào Giu-đa để dùng ông ta mà nộp Chúa Giê-su. Cũng như Chúa Giê-su đã không giữ nổi Giu-đa, thì trong đoàn môn đệ đông đúc sau này, sẽ vẫn có những “đứa con của sự hư hỏng” mà không ai ngăn ngừa được, bởi vì Thiên Chúa không dùng xiềng xích mà giữ người ta, nhưng chỉ dùng phương thế mà ngôn sứ Hô-sê diễn tả : “Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má. Ta cúi xuống gần mà đút cho nó ăn…” (Hs 11,4). Chúa Giê-su đã xử sự như thế với Giu-đa : Chúa tín nhiệm trao cho ông giữ túi tiền chung, Chúa tự tay chấm một miếng bánh trao cho ông đấy.

Thư thứ hai Tê-xa-lô-ni-ca sẽ căn dặn cộng đoàn tín hữu : “Đừng để ai lừa dối anh em bất cứ cách nào. Trước đó [ngày Chúa quang lâm], phải có sự chối đạo, và người ta phải thấy xuất hiện người của sự vô đạo[ho anthropos tes anomias], đứa con của sự hư hỏng [ho huios tes apoleias] … Khi còn ở với anh em, tôi đã từng nói những điều ấy, anh em không nhớ sao ?” (2 Tx 2,3.5).

Thư thứ hai của thánh Phê-rô so sánh tình trạng cộng đoàn tín hữu với cộng đoàn Cựu Ước : 1Trong dân cũng đã từng xuất hiện những ngôn sứ giả ; giữa anh em cũng vậy, sẽ có những thầy dạy giả hiệu, đó là những kẻ sẽ lén lút đưa vào những tà thuyết dẫn tới diệt vong [haireseis apoleias]. Vì chối bỏ vị Chúa Tể đã chuộc họ về, họ sẽ mau chóng chuốc lấy hoạ diệt vong [apoleian]. 2 Nhiều người sẽ học đòi các trò dâm đãng của họ, và vì họ, con đường sự thật sẽ bị phỉ báng. 3 Vì tham lam, họ dùng lời lẽ gạt gẫm anh em để trục lợi. Án phạt họ đã sẵn sàng từ lâu, và hoạ diệt vong [he apoleia] đã gần kề. (2 Pr 2,1-3).

Thư thứ nhất của thánh Gio-an cũng cảnh giác :

1 Anh em thân mến, anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin,

nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không,

vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian

5 Các ngôn sứ giả đó thuộc về thế gian ;

vì thế, chúng nói theo thế gian, và thế gian nghe chúng. (1 Ga 4, 1.5)

Đọc trong mạch văn mở rộng này, chúng ta nhận ra nhân vật Giu-đa ở đây đã vượt khỏi tính cách cá nhân để trở thành tiêu biểu cho tất cả “những đứa con của sự hư hỏng”, nối liền “nòi giống vô đạo” từ cộng đoàn Cựu Ước tới cộng đòan Tân Ước, bởi vì Thiên Chúa đã dựng nên A-đam và dòng giống có quả tim để biết yêu và có tự do để chọn lựa, và Thiên Chúa tôn trọng công trình tạo dựng của Người, Người chỉ tác động vào con tim chứ không ngăn chận tự do.

Chúa Giê-su đang hướng về tương lai, cầu nguyện cho công đoàn môn đệ xuyên thời gian. Chúa nhắc đến “đứa con của sự hư hỏng” trong nhóm môn đệ từng ở với Chúa và Chúa ở giữa họ. Chúa không nhắc đến tên ai cả. Cộng đoàn tương lai khi Chúa đã lên cùng Cha cũng sẽ có “những đứa con của sự hư hỏng” mà Giu-đa là đại diện. Giu-đa là nhân vật phản diện của “người môn đệ Chúa Giê-suyêu mến”, người luôn ở kề bên Chúa, nhạy bén với sự hiện diện và mọi dấu chỉ của Tình Thương. Người môn đệ này cũng trở thành mô hình tiêu biểu cho mọi người môn đệ biết đón nhận và để cho “dây nhân nghĩa, mối ân tình” giữ cho mình gắn bó với Chúa Giê-su và Cha trên trời. Giu-đa và “người môn đệ Chúa Giê-su yêu mến” là hai mô hình mẫu cho môn đệ chọn lựa. Người nào cũng được Chúa Thiên yêu và muốn cho được sống cả. Sách Khôn Ngoan nói :

“Đừng mãi sống lầm lạc mà lao vào chỗ chết,

chớ có làm chuyện gì để mình phải diệt vong.

13 Thiên Chúa không làm ra cái chết,

chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong. (Kn 1,12-13)

23 Quả thế, Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt.

Họ được Người dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người.

24 Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian.

Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết (Kn 2,23-24).

Thư thứ nhất Ti-mô-thê quả quyết :

1 Trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, 2 cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh. 3 Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, 4 Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý. 5 Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người : đó là một con người, Đức Ki-tô Giê-su, 6 Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người. (1 Tm 2,1-5).

Xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần (Ga 17,14-19)

Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. 15 Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. 16 Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. 17 Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. 18 Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. 19 Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.

Chúa Giê-su giải thích tại sao môn đệ bị thế gian ghét : Chúa Giê-su bị thế gian ghét vì truyền đạt Lời Thiên Chúa. Môn đệ bị ghét vì đã đón nhân Lời Thiên Chúa, nên thuộc về Thiên Chúa chứ không thuộc về thế gian nữa, giống như Chúa Giê-su. Chúa Giê-su không xin Chúa Cha cất môn đệ khỏi thế gian, vì họ chung sứ mạng làm chứng của Chúa Giê-su giữa thế gian : “Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian”. Nhưng nguy cơ là họ bị Xa-tan là cha sự dối trá, là thủ lãnh thế gian “bắt cóc” như đã bắt “đứa con của sự hư hỏng”. Chúa Giê-su xin Cha gìn giữ họ cho khỏi ác thần bằng cách thánh hiến họ bằng Lời Sự Thật. Chúa Giê-su bảo lãnh bằng cách thánh hiến chính mình để chứng thực Lời Cha là Sự Thật.

Chúa Giê-su cầu nguyện cho những ai nhờ lời các môn đệ mà tin vào Người (Ga 17,20-23)

20 “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con,21 để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. 22 Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một : 23 Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một ; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.

Chúa Giê-su đã làm bao nhiêu dấu lạ để chứng tỏ Người được Chúa Cha sai đến. Trong sứ mạng làm chứng, môn đệ sẽ làm gì để cho thế tin rằng Chúa Giê-su đúng là Đấng Thiên Chúa đã sai đến ? “Tất cả nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta”. Loài người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa đã bị “ác thần Xa-tan” làm cho tan rã, phân tán từ đầu. Chỉ có Thiên Chúa có thể tái tạo sự hiệp nhất bằng cách ôm loài người vào trong sự hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi. Các môn đệ đã được Chúa Giê-su chung chia “vinh quang của Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14), đó là nền tảng của sự hiệp nhất. Sự hiệp nhất trọn vẹn của môn đệ sẽ làm chứng cho thế gianh nhận biết rằng Cha đã yêu thương Con và sai Con đến, vì các môn đệ cũng được Cha yêu mến như Cha đã yêu mến Chúa Giê-su. Chúa Giê-su bày tỏ vinh quang của Cha bằng những dấu lạ, còn môn đệ biểu tỏ Vinh Quang của Cha bằng cách tỏ ra mình được Cha yêu và đang sống trong Tình Yêu của Cha. Vì chỉ có Tình Yêu ấy mới hiệp nhất được chúng ta.

Con ở đâu thì họ cũng ở đó với Con (Ga 17,24-26)

24 “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành. 25 Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. 26 Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa.”

Gio-an đã giải thích ý nghĩa tiên tri của lời thượng tế Cai-pha về cái chết của Chúa Gê-su :

50 các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là : thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.” 51 Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giê-su sắp phải chết thay cho dân, 52 và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối.

Mục đích cái chết của Chúa Giê-su là “qui tụ con cái Thiên Chúa tản mác khắp nơi về một mối”, sự hiệp nhất này không dựa trên mầu da tiếng nói, chủng tộc, miền đất, nhưng dựa vào chính Thiên Chúa, qui tụ trong Thiên Chúa. Mà Thiên Chúa là Tình Yêu nên là quy tụ trong Tình Yêu. “Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy…” (Ga 13,34-35). Điều này có thể thực hiện được, vì đó không phải là lệnh truyền từ bên ngoài, nhưng vì “Tình Cha đã yêu thương Con ở trong họ và Con cũng ở trong họ nữa.” Chính Tình yêu liên kết Ba Ngôi liên kết chúng ta.

Khi áp dụng hình ảnh cây nho, Chúa Giê-su là cây nho, chúng ta là cành ; như cành phải gắn liền với cây mới sinh trái, chúng ta phải ở lại trong Chúa Giê-su. Bằng cách nào ? “Ở lại trong tình thương của Thầy” ; “giữ các điều Thầy truyền” ; mà “điều Thầy truyền là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em

Thư thứ nhất của thánh Gio-an sẽ triển khai điều này :

Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa.

Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa.

8 Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.

9 Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này :

Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống.

10 Tình yêu cốt ở điều này :

không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta,

và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.

11 Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế,

chúng ta cũng phải yêu thương nhau.

12 Thiên Chúa, chưa ai được chiêm ngưỡng bao giờ.

Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta,

và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo.

13 Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được rằng

chúng ta ở lại trong Người và Người ở lại trong chúng ta :

đó là Người đã ban Thần Khí của Người cho chúng ta.

14 Phần chúng tôi, chúng tôi đã chiêm ngưỡng và làm chứng rằng :

Chúa Cha đã sai Con của Người đến làm Đấng cứu độ thế gian.

15 Hễ ai tuyên xưng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, thì Thiên Chúa ở lại trong người ấy

và người ấy ở lại trong Thiên Chúa.

16 Còn chúng ta, chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó.

Thiên Chúa là tình yêu :

ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa,

và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. (1 Ga 4,7-16)

Sự hiệp nhất có được là vì Chúa Giê-su ở trong chúng ta, Thánh Thần ở trong chúng ta và đưa chúng ta vào ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong chúng ta. Lúc ấy Tình Yêu của Thiên Chúa nên hoàn hảo nơi chúng ta, vì nối kết được chúng ta với nhau và với Thiên Chúa, như dòng điện được đóng lại và ánh sáng tỏa ra : cộng đoàn môn đệ, Hội Thánh của Chúa Giê-su, trở thành cuộc hiển linh mới của Thiên Chúa, Đấng mà mà chưa ai được chiêm ngường bao giờ. Chúa Giê-su biểu lộ vinh quang của Thiên Chúa bằng dấu lạ, và chính Chúa Giê-su là sự biểu lộ Tình Yêu lớn nhất của Thiên Chúa vì đã ban Con Một cho chúng ta. Chúng ta biểu lộ dung nhan Thiên Chúa bằng tình yêu thương : THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU, và chính quyền năng vinh hiển của Thiên Chúa thực hiện điều đó.

Giê-ru-sa-lem, ngày cuối tuần cầu nguyện cho Hội Thánh được hiệp nhất, 2019

L.M. Giu-se Nguyễn Công Đoan, S.J.

(1) Gio-an nhắc đến tên Gia-cóp và Áp-ra-ham, và cho thấy Chúa Giê-su hơn hẳn Gia-cóp : Chúa là cái thang Gia-cóp đã thấy trong giấc mơ (St 28,13 // Ga 1,51) ; nước giếng của Gia-cóp uống rồi lại khát, nước mạch Chúa Giê-su cho thì uống rồi không bao giờ khát nữa (Ga 4,13-14). Áp-ra-ham đã thấy Chúa Giê-su và đã hớn hở vui mừng ; trước khi có Áp-ra-ham thì Chúa Giê-su hằng hữu (Ga 8,56-58). I-xa-ác thì không bao giờ được nêu tên trong Tin MừngGio-an, nhưng lại như hình in chìm, ẩn phía sau ngay từ chương đầu, khi Gio-an Tẩy Giả giới thiệu “Đây là Con Chiên của Thiên Chúa”, gợi lại lời Áp-ra-ham nói với I-xa-ác : “chiên để làm lễ toàn thiêu thì Thiên Chúa sẽ tự lo liệu cho mình, con ạ” (St 22,8 // Ga 1,29.36) ; khi Chúa Giê-su nói “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một” (St 22,2 // Ga 3,16) ; Áp-ra-ham đã thấy Chúa Giê-su khi thấy I-xa-ác và đã hớn hở vui mừng (St 17,15-17 ; 18,10-15 ; 21,1-7 // Ga 8,57-58).

 


Trang Kinh Thanh