Trên đường hoán cải của Mùa Chay, nhìn lại :

Những Điều Kiện Để Làm Môn Đệ Chúa Giê-su Và Điều Răn Đứng Đầu Trong Cựu Ước

L.M.Nguyễn công Đoan S.J.

Ngày 14 tháng 3 năm 2019

Điều kiện để làm môn đệ

Các sách Tin mừng Nhất Lãm đều kể rằng sau khi ông Phê-rô tuyên xưng “Thầy là Đấng Ki-tô”, Chúa Giê-su bắt đầu nói về con đường Đức Ki-tô phải đi (các bản in quen cho tựa đề “Chúa Giê-su loan báo cuộc Thương Khó lần thứ nhất”…) là con đường chịu sỉ nhục, bị đóng đinh thập giá, chết và trỗi dậy từ cõi chết.

Liền sau đó, Chúa Giê-su nói đến điều kiện để đi theo và làm môn đệ của Chúa, hay con đường của môn đệ cũng là con đường thập giá, độc đạo, không có đường tắt, cũng không có đường song song. Muốn làm môn đệ thì chỉ có một cách là đi theo đàng sau Chúa trên con đường này, mang trên vai cùng một bộ “đồ nghề” là thập giá.

Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ : “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. 25 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. 26 Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình ?” (Mt 16,24-26).

34 Rồi Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. 35 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. 36 Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì ? 37 Quả thật, người ta lấy gì mà đổi lại mạng sống mình ? 38 Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người”. (Mc8,34-38).

23 Rồi Đức Giê-su nói với mọi người : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. 24 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. 25 Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì ? 26 Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần. (Lc 9,23-26).

Lu-ca còn kể một lần khác, trên đường lên Giê-ru-sa-lem để được cất lên trời (x. Lc 9, 51) :

25 Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su. Người quay lại bảo họ :

26 “Ai đến với tôi mà không ghét [dịch sát] cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. 27 Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.

28 “Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không ? 29 Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo : 30 ‘Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc.’ 31 Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng ? 32Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. 33 Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được”. (Lc 14,25-33)

So với cách phát biểu lần trước trong Lu-ca thì ta có cảm tưởng như, lần trước (Lc 9,23-26) là “định lý thuận”, lần này là “định lý đảo” trong toán học. Như vậy thì không tránh né vào đâu được nữa. Câu 26 có thể gây thắc mắc, vì Chúa bảo phải ghét cha mẹ… So với Mt 10,37 : “yêu cha mẹ… hơn tôi”, thì ý nghĩa rõ ràng là nếu phải chọn giữa Chúa và cha mẹ… thì sẽ chọn Chúa hơn tất cả mọi người thân yêu. So với Lc 16,13 // Mt 6,24 : “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ”.

Cách lập luận hơi lạ : Chúa kể hai thí dụ về sự khôn ngoan thông thường đòi phải tính toán, cân nhắc (câu 28-32), rồi kết luận : “33 Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được”. “Cũng vậy” nghĩa là giống như vậy. Nhưng kết luận đưa ra lại có vẻ gạc bỏ sự tính toán, cân, đo, đong, đếm. Trong tự điển của người muốn theo Chúa không có năm động từ vừa kể, chỉ có TẤT CẢ thôi. “Cũng vậy”, muốn theo làm môn đệ của Chúa thì phải theo sự khôn ngoan của Chúa chứ đừng theo sự khôn ngoan của thế gian.

Thánh Phao-lô sẽ giải thích sự khôn ngoan của Thiên Chúa là gì, tại sao Thiên Chúa lại chọn sự khôn ngoan ngược với thế gian (x. 1 Cr 1,18-31).

Điều răn lớn nhất và đứng đầu

Muốn hiểu sâu hơn những điều kiện để làm môn đệ của Chúa Giê-su, chúng ta hãy nhìn lại “điều răn lớn nhất và đứng đầu mọi điều răn”. Trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm, chúng ta thấy một cuộc tranh luận giữa các kinh sư với Chúa Giê-su về “Điều răn lớn nhất đứng đầu các điều răn”. Chúng ta quen đọc “Đạo Đức Chúa Trời có mười điều răn : thứ nhất, thờ phượng kính mến Đức Chúa Trời trên hết mọi sự”, thì nghe câu hỏi của các kinh sư chúng ta ngạc nhiên, nghĩ bụng : bộ không thuộc giáo lý hay sao mà hỏi kỳ cục vậy ! Nhưng họ lúng túng và tranh luận hoài, vì đời này qua đời khác các thầy dạy Luật đã lập “hàng rào” bảo vệ Mười Điều Răn, với 613 điều, gồm phải làm (răn) và không được làm (giới), nên con cháu họ đứng trước cánh rừng giới và răn, không còn biết điều nào lớn nhất, điều nào đứng đầu.

Tin Mừng Lu-ca kể về một kinh sư đứng lên hỏi thử Chúa Giê-su :

Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng : “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?” 26 Người đáp : “Trong Luật đã viết gì ? Ông đọc thế nào ?”27 Ông ấy thưa : “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực,và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình”. 28 Đức Giê-su bảo ông ta : “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống”.

29 Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng : “Nhưng ai là người thân cận của tôi ?” 30 Đức Giê-su đáp : “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. 31 Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi.32 Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. 33 Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. 34 Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. 35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói : ‘Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.’ 36 Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ?” 37 Người thông luật trả lời : “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy”. Đức Giê-su bảo ông ta : “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”. (Lc 10,25-37)

Ông ta trân trọng gọi Chúa là Thầy thì Chúa trả lời bằng cách bắt ông ta trả bài. Nghe trả bài rồi Chúa khen ông ta thuộc bài, giỏi lắm và mời ông ta cứ làm như vậy là sẽ được sống. Lời phê của Chúa như ngầm bảo ông ta : “Biết rồi thì làm đi, sao còn bày đặt hỏi Thầy !”

Điều lý thú trong Tin Mừng Lu-ca, là khi một người thủ lãnh giàu có tới hỏi Chúa cùng một câu y như ông kinh sư đã hỏi, thì cuộc đối thoại lại dẫn tới lời Chúa mời ông ta đến theo đàng sau làm môn đệ của Chúa :

18 Có một thủ lãnh hỏi Đức Giê-su : “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?” 19 Đức Giê-su đáp : “Sao ông nói tôi nhân lành ? Chẳng có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. 20 Hẳn ông biết các điều răn : Chớ ngoại tình, chớ giết người, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, hãy thờ cha kính mẹ”. 21 Ông ta nói : “Tất cả những việc đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ”. 22Nghe vậy, Đức Giê-su bảo ông : “Ông chỉ còn thiếu có một điều, là hãy bán tất cả những gì ông có mà phân phát cho người nghèo, và ông sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”. 23 Nghe vậy, ông ta buồn lắm, vì ông rất giàu. (Lc 18,18-23)

Lời thưa gởi mở đầu của ông này khác với lời thưa gởi của ông kinh sư : “Thưa thầy nhân lành”. Chúa Giê-su bắt ngay lấy để làm chìa khóa mở cho ông ta một chân trời. Người kể đã cho chúng ta biết ngay từ đầu vai vế của ông là một người thuộc hàng thủ lãnh và đến cuối cho chúng ta biết rõ thêm : “ông rất giàu”. Tất nhiên là cách ăn mặc của ông ta đã để lộ hai yếu tố này, khỏi cần hỏi “sao biết ?”. Chúa bắt đầu từ đầu với cái tính từ ông ta gắn với “Thầy”. Dịch là “nhân lành” có lẽ làm giới hạn ý nghĩa từ Hy-lạp và cái nền Híp-ri của nó. Tạm dịch bằng : “TỐT lành”. Ông ta là người quyền quý và giàu có, tới hỏi cách làm giàu thêm : “Tôi làm gì thì sẽ được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?” Ông ta đã có phần gia nghiệp giàu, lại biết làm giàu, nay muốn được thêm cả sự sống đời đời làm gia nghiệp nữa, nên hỏi Thầy xem phải làm gì. Cách đặt vấn đề của ông ta cho thấy trong tâm trí ông ta, của cải trần gian và sự sống đời đứng cùng một hàng với nhau. Có vẻ Chúa nhận lời chào của ông ta là chân thành chứ không phải “nịnh”, nên Chúa cũng tỏ ra là thầy tốt lành, không bắt ông ta trả bài, chỉ ôn tồn nhắc bài : “Hẳn ông biết các điều răn : Chớ ngoại tình, chớ giết người, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, hãy thờ cha kính mẹ”. Chúa đọc các giới và răn trong bảng thứ hai của Bia ghi Luật Giao Ước. Nhưng trước tiên Chúa tìm cách nâng lòng ông ta lên một mặt bằng khác để nhìn vấn đề. “Sao ông nói tôi tốt lành ? Chẳng có ai tốt lành cả, trừ một mình Thiên Chúa”. Từ TỐT trong tiếng Híp-ri dùng như danh từ ở dạng số nhiều nghĩa là “của cải”. Sự sống đời đời không phải là một trong hàng những của cải ông có thể làm ra, nhưng là chính Thiên Chúa, Thiên Chúa vừa là Đấng Tốt lành vừa là Sự TỐT tuyệt đối, không gì sánh được và là chính sự sống đời đời. Con đường Luật Giao Ước đã mở là các giới răn Thiên Chúa đã ban qua tay Mô-sê, gồm những điều về tương quan với Thiên Chúa và những điều về tương quan với đồng loại. Chúa không nhắc đến những điều ở bảng thứ nhất (tương quan với Thiên Chúa : Kính mến Thiên Chúa hết lòng hết sức…), bởi vì các giới răn ở bảng thứ hai là bằng chứng có thực thi các giới răn ở bảng thứ nhất hay không, như thư thứ nhất Gio-an diễn tả :

Nếu ai nói : “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối ;

vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy,

thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.

Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người :

ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình. (1 Ga 4,20-21)

Nghe Chúa kể các giới răn, ông ta thành thật đáp : “Tất cả những việc đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ”. Trong trình thuật của Lu-ca ông ta không hỏi thêm. Nhưng “Thầy Tốt Lành” tự ý cho ông ta biết thêm ngay : “Ông chỉ còn thiếu có một điều, là hãy bán tất cả những gì ông có mà phân phát cho người nghèo, và ông sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”.

Chúa thật là Thầy Tốt Lành, vì sẵn sàng chỉ cho ông ta kho tàng ở trên trời. Nếu muốn thì ông phải đổi bằng tất cả những gì ông có, đừng giữ lại, gởi người nghèo giữ giùm trong bụng họ. Thế là ông được kho tàng trên trời ngay bây giờ : kho tàng ấy là chính tôi đây. Ông đến theo sau tôi mà giữ kho tàng của ông. Tội nghiệp ông thủ lãnh giàu có. Sự rất giàu có đã cột chân cột tay nên ông không dám “làm” điều Thầy Tốt Lành chỉ cho ông.

Ông thủ lãnh “rất giàu” trở thành “rất buồn”. Lu-ca kể tiếp ngay :

24 Đức Giê-su nhìn ông ta và nói : “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao ! 25 Quả vậy, con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”. 26 Những người nghe Đức Giê-su nói liền hỏi : “Thế thì ai có thể được cứu ?” 27 Người đáp : “Những gì không thể được đối với loài người, thì đều có thể được đối với Thiên Chúa”.

28 Ông Phê-rô thưa : “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ những gì là của mình mà theo Thầy”.29 Người đáp : “Thầy bảo thật anh em : chẳng hề có ai bỏ nhà, bỏ vợ, anh em, cha mẹ hay con cái vì Nước Thiên Chúa, 30 mà lại không được gấp bội ở đời này và sự sống vĩnh cửu ở đời sau”.

Lu-ca không kể “ông ta bỏ đi” như Mc 10,22 và Mt 19,23. Ông vẫn đứng đó với bộ mặt buồn rầu.Lu-ca như đóng khung “bức chân dung sống” này cho chúng ta cùng nhìn với Chúa Giê-su mà nghe Chúa dạy tiếp : “Đức Giê-su nhìn ông ta” mà bình luận về nỗi khó khăn của người có của như ông ta để vào Nước Thiên Chúa. Lời bình luận của Chúa khiến cho “Những người nghe Đức Giê-su nói liền hỏi : “Thế thì ai có thể được cứu ?” Thầy Tốt Lành trả lời ngay : “Những gì không thể được đối với loài người, thì đều có thể được đối với Thiên Chúa”. Thiên Chúa là Đấng Tốt Lành muốn ban chính Mình làTỐT tuyệt đối cho người ta làm gia nghiệp (x. Tv 16/15) nên dùng Quyền Năng của mình mà làm điều loài người không thể làm được, bởi vì không ai có thể làm gì để được Thiên Chúa, chỉ mình Thiên Chúa có thể tự ban chính mình, và có thể làm cho người ta mở lòng mở tay đón nhận. “Tôi có là gì cũng là nhờ ơn Thiên Chúa” (1 Cr 15,10). “Vậy ra Thiên Chúa cũng ban cho dân ngoại ơn sám hối để được sự sống” (Cv 11,18).

Chúng ta không biết “ông thủ lãnh rất giàu và rất buồn” nghe thế rồi thì phản ứng ra sao. Nhưng Lu-ca cho chúng ta nhìn ngay một bức chân dung ngược lại với ông thủ lãnh :

28 Ông Phê-rô thưa : “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ những gì là của mình mà theo Thầy”.29 Người đáp : “Thầy bảo thật anh em : chẳng hề có ai bỏ nhà, bỏ vợ, anh em, cha mẹ hay con cái vì Nước Thiên Chúa, 30 mà lại không được gấp bội ở đời này và sự sống vĩnh cửu ở đời sau”.

Ông Phê-rô là một dân chài ở Biển Hồ, nhưng cũng có nhà, có gia đình, có lưới có thuyền của mình chứ không phải kẻ làm thuê làm mướn. Dân làng chài như thế đã là khá giả rồi. Anh em nhà Dê-bê-đê có vẻ còn khá giả hơn vì có người làm công nữa. “Chúng con đã bỏ tất cả những gì là của mình mà theo Thầy”. Trong trình thuật của Lu-ca ông Phê-rô ngưng ở đây chứ không hỏi them “vậy chúng con sẽ được gì ?” như Mt 19,27. Lu-ca lại đóng khung giúp chúng ta chiêm ngắm chân dung sống của “ông Phê-rô và các môn đệ rất hạnh phúc vì đã bỏ mọi sự mà theo Thầy», tương phản với “chân dung ông thủ lãnh rất giàu có mà rất buồn vì không dám đánh đổi”. Trong khi trình thuật Mt và Mckể lời ông Phê-rô “chúng con đã bỏ mọi sự”, Lu-ca nói “những gì là của mình”, tương ứng với lời Chúa bảo ông thủ lãnh “bán tất cả những gì ông có” ; lời này lại tương ứng với “định lý đảo” của Chúa ở Lc14,33 : “Ai không từ bỏ hết những gì thuộc về mình [tôi dịch sát], thì không thể làm môn đệ tôi được”.

Đọc các trình thuật này theo Lu-ca chúng ta thấy hiện rõ tương quan hòa hợp giữa Điều Răn Thứ Nhất của Cựu Ước với những điều kiện để làm môn đệ Chúa Giê-su.

Điều răn thứ nhất ghi trong sách Đệ Nhị Luật :

4 Nghe đây, hỡi Ít-ra-en ! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất. 5 Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em). 6 Những lời này tôi truyền cho anh (em) hôm nay, anh (em) phải ghi tạc vào lòng. 7 Anh (em) phải lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy, 8 phải buộc những lời ấy vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu, 9 phải viết lên khung cửa nhà anh (em), và lên cửa thành của anh (em). (Đnl 6,4-9)

Điều răn thì ngắn gọn có một hàng, lời khuyến dụ đi trước cũng một hàng, nhưng những lời căn dặn giúp ghi tạc vào lòng thì tới 5 hàng. Người Do-thái đạo đức ngày nay vẫn tụng niệm lời kinh này hàng ngày, và giữ kỹ những lời căn dặn giúp “ghi tạc vào lòng”, giúp trí nhớ. Khi cầu nguyện thì họ đeo lên trán cái hộp màu đen chứa lời kinh này, quấn lên cánh tay một sợi giây màu đen. Họ gắn trên khung cửa nhà, cửa phòng (cả ở bệnh viện, khách sạn, trường học), ở cổng thành Giê-ru-sa-lem.

[Theo thống kê mới nhất thì trong số gần 9 triệu người Do-thái sống tại nước Ít-ra-en hiện nay, 48% không tin Chúa, cũng chẳng giữ luật nào của đạo Do-thái, còn 52% chia làm nhiều mức độ từ màu đậm của cực hữu (ultra-orthodoxe) nhạt dần xuống cho tới trắng của 48% không theo đạo].

Trào lưu Đệ Nhị Luật (sách Đệ Nhị Luật là kết quả của trào lưu), tiêu biểu là ngôn sứ Hô-sê, chuyển từ tâm tình “kính sợ” sang “yêu mến” ; mời gọi chiêm ngắm tình yêu của Thiên Chúa đã được giãi bày qua lịch sử cứu độ của Dân Chúa, và đáp lại bằng tấm lòng yêu mến triệt để [dịch sát] : bằng tất cả trái tim ngươi, bằng tất cả sự sống của ngươi, và bằng tất cả sức mạnh của ngươi.

Trái tim vẫn là biểu tượng của tình yêu trong văn hóa của Cựu Ước và nhiều nền văn hóa.

Sự sống, hay mạng sống (cũng có thể dịch là tâm hồn, hết dạ) là tất cả sự hiện hữu của con người.

Sức mạnh của một người không chỉ là sức lực thể xác, nhưng gồm tất cả những gì làm nên sức mạnh của một người khiến người khác nể sợ : của cải, quyền lực, địa vị, con cái (x. Tv 127/126).

Ba yếu tố này diễn tả toàn diện con người sống trên trần gian, bản thân họ, cái họ  và cái họ có.

Điều răn truyền yêu mến Thiên Chúa bằng tất cả con người, mọi khả năng và mọi sự thuộc về con người, vì tất cả là quà tặng của Tình Yêu của Thiên Chúa Toàn Năng. Tình Yêu đáp lại Tình Yêu. “Tình cho không biếu không, chớ nên mua bán tình yêu”.

“Định lý đảo” trong Lu-ca 14,26-33 diễn tả tính trọn vẹn, toàn diện này. Muốn theo Chúa Giê-su thì phải yêu mến Chúa Giê-su như Điều Răn thứ nhất truyền.

 Đặt Chúa Giê-su lên trên tất cả những người thân yêu nhất : yêu mến Chúa bằng tất cả trái tim

– Vác thập giá mình mà đi theo Chúa - Từ bỏ chính mình, đặt Chúa lên trên bản thân mình và trên cả chính mạng sống mình nữa.

– Đặt Chúa lên trên mọi sự mình có : của cải, quyền lực, danh dự…

Trong thực hành thì Lu-ca cho chúng ta thấy nhiều kiểu mẫu, mức độ khác nhau :

Các tông đồ, Nhóm Mười Hai, bỏ mọi sự, kể cả nhà cửa, vợ con mà đi theo Chúa.

Nhóm phụ nữ thì ôm tài sản đi theo mà giúp đỡ Chúa và các môn đệ

Chị em Mác-ta và Ma-ri-a thì ở nhà mở rộng cửa tiếp đón Chúa và các môn đệ

Ông Da-kêu thì chia nửa gia tài cho người nghèo

Ông Giô-xép A-ri-ma-thê, một thành viên thường hội đồng rất có thế giá, một mình chống lại tất cà thượng hội đồng, dùng thế lực của mình để xin Phi-la-tô cho lãnh xác Chúa mà mai táng.

Ngày lễ Ngũ Tuần có tới 120 người tụ họp quanh thân mẫu Chúa Giê-su và Nhóm Muời Hai (đã bổ túc cho đủ số).

Mẫu số chung là coi Chúa hơn tất cả, dù có bỏ tất cả mà theo, ôm tất cả mà theo, hay sống với tất cả, nhưng đến khi phải chọn lựa như trường hợp tử đạo thì nhất loạt chọn Chúa hơn tất cả, tuyên xưng Danh Chúa, dù phải mất tất cả và mất chính mạng sống của mình.

Tin Mừng Mác-cô lại có một cách trình bày khác để dẫn chúng ta tới chỗ nhận ra tương quan giữa Điều Răn thứ nhất và điều kiện để theo làm môn đệ Chúa Giê-su.

Mác-cô kể truyện một người giàu có đến hỏi Chúa Giê-su khi Chúa vừa lên đường rời Ga-li-lê đi lên Giê-ru-sa-lem :

17 Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi : “Thưa Thầy tốt lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?” 18 Đức Giê-su đáp : “Sao anh nói tôi là tốt lành ? Không có ai tốt lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. 19 Hẳn anh biết các điều răn : Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ”. 20 Anh ta nói : “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ”. 21 Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta : “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”. 22 Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. (Mc 10,17-22)

Mác-cô không nói địa vị xã hội của người này, và mãi đến cuối mới cho ta biết rằng anh ta có nhiều của cải. Không biết anh ta từ đâu tới nhưng thấy Chúa vừa lên đường thì anh ta chạy lại quỳ xuống trước mặt Người mà hỏi. Thái độ thật là thành khẩn, trân trọng. Câu hỏi của anh và câu trả lời của Chúa giống như đã thấy trong Lu-ca, tuy có thêm một giới. Câu anh đáp lại cũng như trong Lu-ca.

Nhưng Chúa Giê-su phản ứng cách đặc biệt : “Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến”. Nhiều lần Mác-cô cho chúng ta chiêm ngắm đôi mắt của Chúa Giê-su để cảm được tâm tình của Chúa. Chúa đặt trên anh ánh mắt đầy trìu mến, vì câu đáp của anh bộc lộ sự khao khát cái gì hơn nữa trong tâm hồn. Bốn môn đệ đầu tiên được gọi đều như lọt vào mắt Chúa, giữa bao nhiêu người dân chài bên bờ hồ : Chúa đi ngang, Chúa thấy, Chúa gọi. Người giàu có này đến quỳ gối trước mặt Chúa để hỏi và bộc lộ một tâm hồn đầy khát vọng. Chúa đáp lại nỗi khao khát của anh : “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”. Người thủ lãnh giàu có trong Lu-ca cũng nhận được lời đề nghị y như thế. Nhưng “nghe thế ông ta rất buồn”. Người thiện chí trong truyện của Mác-cô phản ứng dứt khoát : “Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải”. Anh khao khát được thêm sự sống đời đời như thêm một thứ của cải, chứ không muốn đánh đổi mọi của cải để được sự sống đời đời.

Mác-cô lúc nào cũng chú ý nhìn theo cặp mắt của Chúa. Ta có cảm tưởng như máy quay phim vừa cho thấy người giàu có quay lưng đi, liền theo ánh mắt của Chúa Giê-su quét một đường vòng quanh. Chúa Giê-su lắc đầu nhẹ, chặc lưỡi thốt lên một tiếng thở dài về nỗi khó khăn của người có của khi đứng trước cửa vào Nước Thiên Chúa. Sao Chúa lại đưa mắt chung quanh rồi nói với các môn đệ ? Ta đã bắt gặp cái nhìn tương tự khi thân nhân đến tìm Chúa lúc Chúa đang ngồi giữa đám đông khao khát nghe Lời Thiên Chúa (x. Mc 3,34). Thấy mặt các môn đệ sững sờ, Chúa âu yếm nhắc lại mạnh hơn : “Các con ơi…Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn…” Các môn đệ lại càng sững sờ hơn nữa… Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói : “Đôi với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được” (Mc 10,25-30). Sao Chúa lại nhìn thẳng vào các ông mà nói về quyền năng Thiên Chúa làm được mọi sự. Ánh mắt của Chúa như kéo ông Phê-rô ra khỏi tình trạng sững sờ, đơn sơ như một em bé vừa được vỗ về khuyến khích, ông reo lên thay cho cả nhóm : “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy !” Ông Phê-rô không hỏi “chúng con sẽ được gì”, nhưng Chúa Giê-su như được an ủi, vui sướng nói cho các ông biết sẽ được gì : “Thầy bảo thật anh em : Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đấtvì Thầy và vì Tin Mừng, 30 mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trămcùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.

Cái bỏ” theo Mt 19,29 : “nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất” ; theo Lc 18,29 : “nhà, vợ, anh em, cha mẹ hay con cái” ; Mc 10,29 : “nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất”. Mc kể “cái bỏ” từ cái nhà ra tới ruộng đất ; trong nhà thì có anh em, chị em, mẹ cha, con - đó là những người thân yêu nhất.

“Cái được” theo Mt và Lc thì chỉ “gấp bội ở đời này và sự sống vĩnh cửu”Mác-cô giống như kiểu “mua hàng có thưởng” thời nay : mua một lấy hai, thêm phần thưởng. Chúa “khuyến mãi” thì vô địch : mua một lấy một trăm, thêm phần thưởng. Phần thưởng cho thêm là sự bách hạiMc không kể các mối phúc như Mt và Lc, nhưng cái phần thưởng thêm này chính là mối phúc kèm theo cái được.

Động lực từ bỏ, theo Mt 19,29 : “vì Danh Thầy”, theo Lc 18,29 : “vì Nước Thiên Chúa”, Mác-côgom cả hai : “vì Thầy và vì Tin Mừng”. Thực ra, trong Lu-ca, thì Nước Thiên Chúa cũng chính là Chúa Giê-su ; trong Mác-cô thì chính Chúa Giê-su là Tin Mừng và là Đấng loan báo Tin Mừng. Cả ba sách Tin mừng Nhất Lãm đều đã nói về liều mất mạng sống khi nói về điều kiện làm môn đệ rồi. Vậy có thể kết luận cả ba sách Tin Mừng Nhất Lãm đều hòa nhập điều kiện làm môn đệ với Điều Răn Thứ Nhất. Muốn theo sau làm môn đệ của Chúa Giê-su thì phải yêu mến Chúa theo như Điều Răn Thứ Nhất truyền dạy.

Đọc tiếp Tin Mừng Mác-cô, sẽ còn một điều đặc biệt nữa với câu chuyện về Điều Răn Thứ Nhất tại Giê-ru-sa-lem. Trong khi Mt kể câu hỏi về Điều Răn Thứ Nhất trong khung cảnh cuộc “xa luân chiến” ở Đền Thờ thì Lu-ca kể trong khung cảnh trên đường lên Giê-ru-sa-lem. Mc cũng kể trong khung cảnh cuộc “xa luân chiến” ở Đền Thờ, nhưng cung cách của người hỏi lại có tính thán phục, và hai bên [Chúa Giê-su và ông kinh sư] tâm đắc. Kinh sư khen Chúa, Chúa khen lại ông : “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu”.

Không còn xa” thì cũng vẫn là còn ở ngoài. Giữa Điều Răn Đứng Đầu và Nước Thiên Chúa còn khoảng cách nào ? Hai bên gặp nhau ở đâu ? Gặp nhau ở trong Đức Giê-su Ki-tô Con Thiên Chúa và là Chúa chúng ta.

Điều này được Mác-cô diễn tả cách tinh vi qua truyện đồng xu nhỏ của bà góa nghèo, theo sau cuộc thảo luận thân thiện này.

Đức Giê-su ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. 42 Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rô-ma. 43 Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại và nói : “Thầy bảo thật anh em : bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. 44 Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó ; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sảntất cả những gì bà có để nuôi sống mình (Mc 12,41-44).

Sau cuộc trao đổi thân thiện, “không ai dám chất vấn người nữa” (Mc 12,34). Chúa ra câu đố về “Đấng Ki-tô vừa là Con vừa là Chúa của vua Đa-vít” để cho mọi người “làm bài tập”, rồi Chúa thảnh thơi ngồi quan sát người ta bỏ tiền vào hòm dâng cúng. Thấy cử chỉ khiêm tốn và chân thành của bà góa nghèo - bà góa vốn đứng đầu bộ ba tiêu biểu cho người nghèo : “bà góa, con côi, khách ngụ cư”.Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại và nói. Vẻ trang trọng này chúng ta đã gặp khi Chúa dạy bài cuối cùng trong nhà tại Ca-phác-na-um ở Ga-li-lê, trước khi lên đường đi về phía Giê-ru-sa-lem (Mc 9,33-37). Đó là bài học về noi gương Chúa Giê-su sống màu nhiệm thập giá. Lần thứ hai Chúa gọi các ông lại mà nói xảy ra sau khi Chúa loan báo cuộc khó lần thứ ba, hai anh em nhà Dê-bê-đê “đi cửa hậu” để dành hai vị trí cao nhất, khiến mười người kia tức với họ. Hai lần các môn đệ đều đi ngược chiều với Chúa. Lần này thì Chúa ngồi sẵn đó và gọi các ông lại mà chỉ cho các ông thấy bà goá này như hình ảnh của Chúa.

Bà góa nghèo này đã sống thật như Điều Răn Đứng Đầu : “ rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sảntất cả những gì bà có để nuôi sống mình”. Bà không có dư, tất cả tài sản của bà chỉ có bấy nhiêu để sống. Số tiền đó chỉ đủ mua một miếng bánh mì nhỏ cho một người ăn một bữa thòm thèm. Thế mà bà đã bỏ vào đó tất cả. Vậy thì bà đã yêu mến bằng tất cả những gì bà có và bằng tất cả mạng sống của bà. Hai cái tất cả này diễn tả cái tất cả thứ ba : tất cả trái tim. Bà đã trải tất cả trái tim của bà ra trước mắt Thiên Chúa.

Chúa Giê-su nhận ra ở bà góa nghèo này hình ảnh của Chúa và những gì Chúa đang bước vào. Chúa sắp thực hiện lòng yêu mến tột cùng đối với Cha và đối với loài người mà Chúa đã đến chung phận : Chúa sắp dâng tất cả, đến mảnh vải cuối cùng và cả mạng sống mình trên thập giá vì yêu mến Cha trên trời và yêu mến anh em của Chúa ở dưới đất.

Khi Chúa loan báo cuộc Thương Khó lần thứ nhất thì Mt và Mc cho biết là ông Phê-rô dãy nảy lên, Chúa quở trách ông Phê-rô rồi công bố các điều kiện để làm môn đệ của Chúa, chẳng biết các ông có nghe hay không. Chúa đưa ông Phê-rô và hai anh em nhà Dê-bê-đê lên núi và cho thấy trước vinh quang Phục Sinh của Chúa, sau đó Chúa loan báo cuộc Thương Khó lần thứ hai, các ông không hiểu và không dám hỏi, nhưng khi tiếp tục đi đàng sau Chúa trên đường thì lòng các ông lại đi ngược chiều : “Khi đi đường các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả” (Mc 9,34) ; Lc sửa chân dung cho các ông một chút : “Một câu hỏi chợt đến với các ông : trong các ông, ai là người lớn nhất” (Lc 9,46). Cãi nhau hay chỉ nghĩ tưởng trong lòng trong trí thì Chúa cũng biết (x. Tv 139/138), nên Chúa sửa dạy ngay. Đến khi Chúa loan báo lần thứ ba thì bùng nổ lớn. Mt  Mc cho chúng ta biết câu chuyện của anh em nhà Dê-bê-đê. Mc không nể nang, kể thẳng là hai anh em ỷ váo chỗ được ưu đãi cùng với ông Phê-rô, đến nói nhỏ với Chúa để xí chỗ ngồi bên tả bên hữu Chúa. Mt vốn hay sửa chân dung cho Nhóm Mười Hai, nên kể rằng “bà mẹ anh hùng” dẫn hai con tới, nói riêng với Chúa để xí chỗ cao nhất cho hai quí tử. Mười ông còn lại cũng có tai có mắt để thấy anh em nhà nó đang âm mưu chuyện gì, nên “tức” với hai anh em nhà nó. Chúa sửa dạy nghiêm túc. Lu-ca có vẻ sửa chân dung kỹ hơn, không kể âm mưu ám muội này, nhưng lại đưa cuộc “cãi nhau sôi nổi” vào bữa Tiệc Ly, sau khi Chúa đã ban Mình và Máu của Chúa để lập Giao Ước Mới. Cách đổi khung cảnh này cho chúng ta ý nghĩa sâu xa hơn nữa. Chúng ta sẽ có dịp trở lại bữa Tiệc Ly và sẽ đề cập chi tiết này.

Ở đây chỉ xin chú ý tới khía cạnh là sau bao nhiêu lời giáo huấn các ông cũng chưa “đồng lòng đồng ý” với Chúa. Lời nói về con đường thập giá của Chúa và con đường của môn đệ vác thập đi đàng sau Chúa, cứ như nước mưa rơi xuống tảng đá, không thấm được vào lòng các ông. Hôm nay, sau khi cho ông kinh sư thiện chí, đã tỏ ra đồng thuận với Chúa về Điều Răn Đứng Đầu, biết rằng “ông không còn xa Nước Thiên Chúa”. Ông kinh sư “không còn xa Nước Thiên Chúa”, vì ông mới thuộc bài thôi, chưa thực hành. Bà góa này thực hành.

Chúa Giê-su là Nước Thiên Chúa đang ở giữa các môn đệ, các ông đã bước theo Chúa nhưng chưa hiểu và chưa dám yêu mến như vậy. Chúa gọi các môn đệ lại, mời các ông cùng với Chúa nhìn bà góa này như một kiểu mẫu thực thi Điều Răn Đứng Đầu. Tôi thấy Chúa Giê-su như bà mẹ dẫn con tới nhà trẻ ngày đầu, phải chỉ cho con thấy các bạn cùng lứa tuổi vui chơi như thế nào, để con chịu buông mẹ ra mà ở lại với cô bảo mẫu và các bạn. Chúa Giê-su đã dẫn môn đệ vào tới nơi Chúa sắp tự hiến dâng mình làm của tế lễ, Chúa như dỗ dành các môn đệ, chỉ tay về phía bà góa, các con nhìn kìa :

Bà góa nghèo chỉ có một xu : đem mua bánh, thòm thèm một bữa, nhưng nhịn bụng dể dành tất cả, cúng Đền Thờ hết cả một xu.

Các con đã “bỏ mọi sự mà theo Thầy”, Thầy trò mình đều chẳng có một xu. Mình còn gì để bày tỏ lòng yêu mến Cha trên trời ? Còn đấy, còn chính mình và mạng sống mình. Nhìn bà góa kìa, bà đứng hàng chót trong xã hội, chẳng tranh dành địa vị với ai được, chẳng ai thèm để ý tới bà đâu, bà rón rén lại nơi dâng cúng, “bà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để sống rồi đấy”. Thế là hôm nay bà chẳng có gì ăn ; bà đã dâng cúng cả mạng sống của bà rồi đó, thấy không ?

Thầy chẳng còn gì cả, chỉ còn mạng sống này, mà Thày cũng sắp hiến dâng trên thập giá tại Thành Thánh này đấy. Các con đã theo Thầy tới đây, có dám theo Thầy đến cùng không ? Đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, chẳng lẽ lại không dám theo đến cùng à ? Bà ấy làm được một mình kìa, sao các con không làm được ? Thầy có để các con đi một mình đâu mà sợ ! Thầy đi trước, các con theo đàng sau Thầy thôi mà ! Các con dám không nào ? Theo sau Thầy nhé !

Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào… Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì hãy còn có Chúa đón nhận con ! Xin dạy con đường nẻo Ngài, lạy Chúa, Dẫn con đi trên lối phẳng phiu Hãy cậy trông vào Chúa, mạnh dạn lên nào ! (Tv 27/26,1.10-11.14)

Trong sách Xuất Hành có một cảnh giúp chiêm ngắm truyện này. Sau khi dân phản bội, Thiên Chúa toan hủy diệt họ, nhưng ông Mô-sê năn nỉ được Thiên Chúa tha cho họ, và Thiên Chúa truyền cho ông tiếp tục dẫn họ lên Miền Đất Hứa. Được thể, ông năn nỉ thêm : “Nếu Ngài không đích thân đi, xin Ngài đừng đưa chúng con lên khỏi đây…” Thiên Chúa đáp : “Cả điều ngươi vừa nói đó Ta cũng sẽ làm, vì ngươi đã được nghĩa với Ta và Ta biết đích danh ngươi” (xin đọc Xh 33,12-17).

Hôm nay Chúa Giê-su cũng đối xử với những kẻ Người đã gọi đích danh để cầm đầu Dân của Giao Ước Mới như thế. Họ đã không hiểu và không muốn hiểu lời nói về thập giá như là cách thực hành Điều Răn Đứng Đầu, thì Chúa tự ý dỗ dành họ, hứa cùng đi với họ trên con đường vào cuộc sống đời đời.

Tin Mừng Gio-an

Tin Mừng Gio-an không kể cuộc tranh luận về Điều Răn Đứng Đầu, cũng không kể truyện bà góa nghèo, nhưng nói thẳng về cách Chúa Giê-su tỏ lòng yêu mến Cha và mời gọi môn đệ đi cùng một đường với Chúa.

Khi tự giới thiệu là Mục Tử Đẹp, “Mục Tử Đẹp hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”, Chúa đã giải thích : “17 Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. 18 Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được”. (Ga 10,17-18)

Khi tới ngưỡng cửa cuộc Thương Khó, Chúa tuyên bố với các môn đệ : “Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy. 31 Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy. Nào đứng dậy ! Ta đi khỏi đây !” (Ga 14,30-31).

Khi reo lên : ”Đã đến giờ” thì Chúa mời gọi : “23 Đã đến giờ Con Người được tôn vinh ! 24 Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình ; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. 25 Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. 26 Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy ; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy”. (Ga 12,23-26).

Phục vụ Chúa là phục vụ sứ mạng của Chúa. Con đường sứ mạng ấy dẫn Chúa tới đâu thì môn đệ cũng tới đó. Mà trước khi vào trong vinh quang với Chúa thì cũng phải cùng với Chúa nếm trải điều mà chỉ nghĩ đến thôi là Chúa đã ngọng, đã líu lưỡi rồi : “27 Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến ! Thầy biết nói gì đây ? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. 28 Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha”. (Ga 12,27-28).

Chúa bảo môn đệ đi theo Chúa để sống đến cùng Điều Răn Đứng Đầu, chứ không bắt môn đệ đi một mình.

Chúa để chúng ta tự do, vì tình yêu chẳng ai mua được, chẳng ai ép được. Chúa chẳng ép chúng ta đâu, cũng như Chúa chẳng níu kéo nhóm Mười Hai khi nhiều môn đệ khác đã bỏ đi : “không phải anh em cũng muốn bỏ đi sao ?” [tôi sửa bản dịch, cách đặt câu hỏi ở đây trong tiếng Hy-lạp chờ câu trả lời “không !”] và ông Phê-rô đã khẳng định : “Thưa Thầy, bỏ Thầy chúng con biết đến với ai ?” (Ga 6,67-68).

Đường làm môn đệ là thế đấy, yêu mến Chúa Giê-su theo Điều Răn Đứng Đầu và cùng với Chúa Giê-su yêu mến Chúa Cha như vậy.

Chúa hô : “Nào đứng dậy, ta đi khỏi đây !”

Tôi có yêu mến Chúa Giê-su để dám đứng dậy cùng đi với Chúa và các môn đệ không ?

Giê-ru-sa-lem, kỷ niệm 6 năm Đức Thánh Cha Phan-xi-cô được bầu chọn.

13-03-2013 – 2019

Linh mục Giu-se Nguyễn Công Đoan, S.J.

 


Trang Kinh Thanh