Có Phải Tin Mừng Mát-thêu Chống Do Thái?

 

JP Nunez

 

Có phải Tin Mừng Mátthêu chống Do Thái không? Bạn có thể chưa bao giờ nghĩ về câu hỏi này trước đây, nhưng nó là một câu hỏi quan trọng mà chúng ta cần trả lời. Trong suốt lịch sử, nhiều Kitô hữu đã sử dụng Mátthêu để biện minh cho các hành vi và thái độ chống Do Thái, và trong khi hầu hết mọi người ngày nay coi đó chỉ là một sự xuyên tạc về ý nghĩa thực sự của nó, thì không phải ai cũng đồng ý như vậy.

 

Một số người cho rằng Mátthêu thực sự là người chống Do Thái, do đó, họ diễn giải nó theo cách không chỉ là sự diễn đạt sai về ý nghĩa thực sự của nó. Thay vào đó, theo những người này, đó là ý nghĩa thực sự của nó. Vậy làm thế nào chúng ta có thể đáp ứng với quan điểm này? Chúng ta có thể nói gì về chủ nghĩa chống Do Thái của sách Tin Mừng đầu tiên này? Ở đây chúng ta không có chỗ để xem qua tất cả các đoạn văn trong Tin Mừng Mátthêu được sử dụng để hỗ trợ cho quan điểm chống Do Thái, nhưng chúng ta hãy xem xét một số đoạn trong đó và xem coi chúng ta có thể đáp ứng những cáo buộc này như thế nào.

 

Phê bình khắc nghiệt

Để bắt đầu, chúng ta hãy nhìn vào những lời chỉ trích rằng cả Gioan Tẩy giả và Chúa Giê-su đều chống lại một số đối thủ của các ngài. Ngôn ngữ các ngài sử dụng khá khắc nghiệt và một số người cho rằng sự hà khắc này đối với những người đương thời Do Thái của các ngài là chống Do Thái:

 

Thấy nhiều người Biệt phái và bè Sađoc đến chịu thanh tẩy, thì ông bảo họ: "Nòi rắn độc, ai mách cho các ngươi trốn cơn thịnh nộ hòng đến? (Mát-thêu 3: 7)[1]

 

"Khốn cho các ngươi, Ký lục và biệt phái giả hình, các ngươi giống như mồ mả tô vôi, mã ngoài hình như đẹp đẽ, nhưng bên trong thì đầy xương cốt thây ma và mọi thứ xú uế; 28 cũng vậy, bên ngoài các ngươi có vẻ công chính đối với người ta, nhưng bên trong thì đầy giả hình và vô đạo. (Mát-thêu 23: 27-28)

 

Mặc dù những lời chỉ trích này chắc chắn rất khắc nghiệt, nhưng chúng không chống Do Thái. Điều quan trọng là cả Gioan Tẩy giả và Chúa Giê-su đều không chỉ trích tất cả người Do Thái; thay vào đó, các ngài hướng ý kiến ​​của mình đến các nhóm nhất định trong Do Thái giáo. Gioan Tẩy giả đã chỉ trích “nhiều người Pha-ri-siêu và Sa-đu-sê”, và Chúa Giê-su chỉ trích “các kinh sư và những người Pha-ri-siêu”. Kết luận rằng đây là chủ nghĩa bài Do Thái đơn giản là đã bỏ qua những gì các văn bản thực sự muốn nói.

 

Hơn nữa, những gì chúng ta thấy ở đây thực sự không khác với những gì chúng ta tìm thấy trong Cựu Ước. Chẳng hạn, hãy xem nhà tiên tri I-saia nói gì về những người đương thời của ông:

     Khốn thay, nước tội lỗi, dân chất nặng vạ hình, nòi giống ác nhân,

phường con hư đốn! Chúng đã bỏ Yavê,

chúng đã khinh màng Ðấng Thánh của Israel,

mà tháo lui phản phúc.

    Các ngươi còn muốn bị đánh ở đâu kia nữa,

để còn tiếp mãi ngỗ nghịch?

Tất cả đầu đã ốm, tất cả tim lòng đã bại.

6 Từ bàn chân cho đến (đỉnh) đầu, khắp mình nó không có gì lành.

Những bầm tím, lở lói và vết thương tươi rói,

không rịt, không bó, không bóp dầu. (Isaia 1:4-6)

 

I-saia rõ ràng không chống Do Thái; ông là một người Do Thái. Ông chỉ đơn giản là chỉ trích những người đồng hương của mình là không trung thành với Thiên Chúa, và đó chính xác là những gì Gioan Tẩy giả và Đức Giê-su đã làm. Các ngài cũng là người Do Thái, và giống như các vị tiên tri thời xưa, các ngài cũng chỉ trích những người đồng hương của mình là không trung tín với Thiên Chúa. Nói một cách đơn giản, Tin Mừng Mátthêu chỉ trích gay gắt một số nhóm nhất định trong Do Thái giáo và đơn giản chỉ là cuộc bút chiến của người Do Thái, một cuộc tranh luận trong chính Do Thái giáo, chứ không phải là chỉ trích toàn bộ người Do Thái.

 

Từ chối người Do Thái?

Nguyên tắc tương tự cũng áp dụng cho các đoạn khác. Chẳng hạn, chúng ta có câu chuyện ngụ ngôn về những người làm thuê độc ác (Mát-thêu 21: 33-44), trong đó một vườn nho, đại diện cho vương quốc của Thiên Chúa, bị lấy đi khỏi những người thuê hiện tại và được trao cho một đất nước sản xuất thành quả của nó (Mát-thêu 21,43). Lúc đầu, từ ngữ đất nước có vẻ như ám chỉ rằng toàn bộ người Do Thái không còn là người của Chúa và nhiều ý kiến ​​cho rằng đây là bài Do Thái.

 

Tuy nhiên, nếu chúng ta đọc kỹ đoạn văn, chúng ta có thể thấy rằng đây hoàn toàn không phải là trường hợp đó. Một vài câu sau đó, văn bản cho chúng ta biết rằng câu chuyện kể về những thầy cả thượng phẩm và những người Pha-ri-siêu (Mát-thêu 21,45), vì vậy Chúa Giêsu không thể nói rằng toàn bộ người Do Thái sẽ bị thay thế. Các thầy cả thượng phẩm và những người Pha-ri-siêu không phải là người Do Thái duy nhất đứng chung quanh. Thay vào đó, Chúa Giê-su nói rằng sự lãnh đạo của dân Chúa sẽ bị tước khỏi các nhóm này và được trao cho những người khác (và “những người khác đó” rốt cuộc là những người lãnh đạo Giáo hội).

 

Thêm vào đó, nếu chúng ta nhớ rằng Chúa Giêsu và thế hệ Kitô hữu đầu tiên đều là người Do Thái, thì cách giải thích chống Do Thái của dụ ngôn này là hoàn toàn sai. Điều đó chỉ đơn giản là không đúng khi nói chung người Do Thái bị thay thế là dân của Chúa. Thay vào đó, chỉ những người từ chối Chúa Giêsu mới bị loại bỏ khỏi dân Chúa (như thánh Phaolô xác nhận cho chúng ta trong thư Rô-ma 9: 6-13, 27; 11: 1-6, 17-24), còn những người chấp nhận Chúa Giêsu họ vẫn là thế hệ đầu tiên của Giáo hội. Kết quả là, đây chỉ là một ví dụ khác về cuộc bút chiến giữa người Do Thái mà chúng ta đã thấy trước đây. Chúa Giêsu, một người Do Thái, đã chỉ trích một số (nhưng không phải tất cả) những người Do Thái đồng bào của mình vì đã từ chối Đấng Thiên Sai mà Thiên Chúa đã gửi đến cho họ.

 

Vụ án nổi tiếng nhất

Cuối cùng, chúng ta có được những gì hoàn toàn có thể là câu thơ chống Do Thái nổi tiếng nhất và bị lạm dụng nhất trong tất cả Kinh thánh. Khi Chúa Giê-su bị xử án trước Pontius Philatô và đám đông đang kêu đòi Ngài phải chết, Mát-thêu nói với chúng ta rằng họ thậm chí đã đi xa đến mức nói rằng, "Máu nó trên đầu chúng tôi, và trên con cái chúng tôi!" (Mát-thêu 27:25). Một số người nghĩ câu này cho thấy Mát-thêu thực sự tin rằng máu của Chúa Giêsu (nói cách khác, cảm giác tội lỗi cho cái chết của Ngài) đổ trên tất cả người Do Thái trong suốt lịch sử, và điều đó chắc chắn sẽ là chống Do Thái nếu đó là sự thật.

 

Tuy nhiên, nhìn kỹ hơn ta thấy rằng nó không phải là như vậy. Không phải tất cả mọi thứ mà mọi nhân vật trong Kinh thánh nói đều là đúng. Chẳng hạn, chỉ một chương trước đó, chúng ta đã đọc lời nói của thầy tế lễ thượng phẩm về Chúa Jesus, ông đã thốt ra lời báng bổ. “Bấy giờ Thượng tế xé toạc áo mình ra mà rằng: "Y đã phạm thượng! Nào ta còn cần gì đến nhân chứng nữa! Kìa, các ngài vừa nghe phạm thượng.” (Mát-thêu 26:65). Điều này có nghĩa là Chúa Giêsu thực sự đã thốt ra lời báng bổ? Dĩ nhiên là không! Đơn giản bởi vì người nào đó được trích dẫn rằng có nói điều đó thì không có nghĩa là điều họ nói thì đúng.

 

Và điều tương tự cũng áp dụng cho những lời của đám đông ở đây tại phiên tòa của Chúa Giêsu. Đơn giản bởi vì việc họ nói rằng máu của Chúa Giêsu sẽ đổ trên họ và con cái họ không biến việc họ nói thành sự thật. Họ không có bất kỳ sức mạnh ma thuật nào để khiến tất cả người Do Thái trong suốt lịch sử phạm tội về điều gì đó đã xảy ra trước khi họ được sinh ra.

 

Đáp lại, ai đó có thể cố gắng lập luận rằng Mát-thêu phải đưa những lời này vào Tin Mừng của mình vì ông đồng ý với chúng, nhưng không có lý do gì cho thấy điều này phải đúng. Cũng có thể là Mát-thêu chỉ đơn giản cho thấy trái tim của những người này đã chống lại Chúa Giêsu cứng cỏi đến mức nào. Trong thực tế, đó là một cách giải thích tốt hơn nhiều; quan niệm chống Do Thái không có ý nghĩa nhiều khi chúng ta thực sự nghĩ về nó. Mát-thêu chính là người Do Thái, cũng như toàn bộ thế hệ Kitô hữu đầu tiên (bao gồm cả Mẹ Maria và các Tông đồ khác), do đó, không thể tưởng tượng được rằng ông sẽ coi tất cả người Do Thái đều có tội đối với cái chết của Chúa Giêsu.

 

Không chống Do Thái

Nói chung, khi chúng ta nhìn vào Tin Mừng của Mát-thêu một cách chặt chẽ, chúng ta có thể thấy rằng nó không có nghĩa chống Do Thái. Mặc dù nó chứa một số đoạn mà thoạt nhìn có thể mang lại ấn tượng thúc đẩy lòng căm thù người Do Thái, nhưng nhìn kỹ hơn cho chúng ta thấy đây thực sự không phải là trường hợp đó. Chẳng hạn, nó chứa đựng một số lời chỉ trích rất gay gắt đối với một số nhóm người Do Thái, thậm chí còn đi xa hơn khi nói rằng vương quốc của Thiên Chúa không còn là của họ, nhưng đây đơn giản là một sự chỉ trích của một số người Do Thái bởi những người Do Thái khác, một cuộc tranh luận trong Do Thái giáo, thay vì chỉ trích toàn bộ người Do Thái.

 

Chúa Giê-su, Gioan Tẩy giả và những Ki-tô hữu đầu tiên, là những người Do Thái, đã chỉ trích những người đồng hương của họ vì đã không sống theo ơn gọi của họ là dân Chúa và vì đã không chấp nhận Chúa Giê-su là Đấng Mê-sia, từ đó tự cắt đứt khỏi Thiên Chúa và từ bỏ tư cách thành viên của họ trong dân tộc mình. Điều đó chắc chắn rất khắc nghiệt, nhưng nó không khác với những gì các tiên tri trong Cựu Ước đã nói với những người đương thời của họ, và họ chắc chắn không phải là người chống Do Thái. Kết quả là, nếu chúng ta xem xét tất cả các bằng chứng thay vì chỉ nhìn vào các hỗ trợ cho một phía của cuộc tranh luận, chúng ta có thể thấy rằng đơn giản là không có lý do chính đáng nào để coi Tin Mừng Mát-thêu là chống Do Thái.

 

https://www.catholicstand.com/

 

Phê-rô Phạm Văn Trung, chuyển ngữ.



[1] ND: Các đoạn trích Kinh Thánh trong bài dịch này đều lấy từ bản dịch Kinh Thánh của Linh Mục Nguyễn Thế Thuấn, CSsR.

Xin cám ơn Cha và cầu cho linh hồn Cha Cố Giuse.


Trang Kinh Thanh