TÂN ƯỚC và VẤN ÐỀ TIỀN BẠC

 

 

 

Một lời dẫn

 

Nếu trong bộ Cựu Ước, cụ thể là tập các Sách Khôn ngoan, đã bắt đầu thấy nói về tính phù vân của của cải bạc tiền, thì Tân Ước sẽ khẳng định lại điều đó bằng cách làm cho chúng mất hết mọi giá trị khi đặt chúng đối diện với các giá trị Nước Trời. Trong khi đó, cũng giáo huấn Tân Ước sẽ không quên nhấn đến một công dụng khác quan trọng hơn của của cải vật chất khi nhìn chúng trong khung cảnh của cộng đồng những người tin vào Danh Ðức Ki-tô, đó là chúng có thể trở nên dấu chỉ của tình bác ái huynh đệ và của mối hiệp thông giữa con người với nhau, và cụ thể là giữa các tín hữu. Ðó là hai khía cạnh chính của loạt bài tiếp theo đây.

 

Trong bộ Tân Ước, trong số bốn sách Tin Mừng, liên quan đến chủ đề tiền của, chúng ta sẽ thấy rằng thánh Gio-an gần như không có chỉ dẫn nào ; còn trong số ba tác giả Tin Mừng Nhất Lãm chỉ có thánh Lu-ca ghi lại nhiều giáo huấn có liên quan của Ðức Giê-su, về phần hai thánh Mát-thêu và Mác-cô, ta sẽ chỉ thấy có một vài đóng góp mà thôi, tuy nhiên chúng không hề kém quan trọng. Ðó là nói về các văn đoạn mang tính cách giáo huấn và thiên về lý thuyết nhiều hơn, tuy nhiên chúng luôn được khởi đi từ những quan sát và những kinh nghiệm. Tiếp đến, ta sẽ có một số trình thuật về những thực hành cụ thể hơn trong sách Công Vụ Tông Ðồ và các thư của các tác giả Tân Ước, đặc biệt là các thư của thánh Phao-lô và thánh Gia-cô-bê.

 

Ðể giúp thấy được vấn đề và gợi một đôi ý tưởng ban đầu cho việc đọc các giáo huấn Tân Ước về đề tài tiền bạc trong các bài sau, đồng thời nhằm trả lời cho một số thắc và phản ứng không nhìn nhận ý tưởng rằng Tân Ước có những chỉ dẫn về tính tích cực của tiền bạc và sự giàu có, người viết xin dành bài dẫn nhập này cho những phân tích diện đối diện với một vài bản văn thường được coi là minh chứng cho điều ngược lại. Ðiều này nhằm cung cấp một vài khởi điểm cho những suy tư sau này. Ít ra, ta có thể nói về ba điểm sau.

 

1.Ðể đạt đến Tình Yêu, phải loại trừ tính ích kỷ và lòng tham lam

 

Trước hết, với tư cách là mặc khải về Tình Yêu Thiên Chúa và về Nưới Trời, các giáo huấn Tân Ước chắc chắn nhằm một mục đích hàng đầu là kêu gọi lòng hoán cải của con người quay về với Thiên Chúa và chọn sống trong sự quan phòng của Người, và vì vậy ta sẽ được nghe đến nhiều sứ điệp kêu gọi con người hãy tự giải gỡ cho khỏi mọi ràng buộc trần thế hầu đạt đến chính Thiên Chúa, Kho Tàng Ðích Thật. Như ta nghe lời sau đây của chính đức Giê-su dạy dân chúng trong bối cảnh những huấn dụ của bài giảng trên núi, theo Tin Mừng theo thánh Mát-thêu rằng : "Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tng dưới đất, nơi mối mọt lm hư nt, nơi kẻ trộm khot vch v lấy đi. Nhưng hy tích trữ cho mình những kho tng trn trời, nơi mối mọt khơng lm hư nt, nơi trộm cắp khơng đo ngạch v lấy đi được. Vì kho tng của anh ở đu, thì lịng anh ở đĩ." (Mt 6,19-21). Nhưng điều đó không có nghĩa là của cải vật chất và các nhu cầu hàng ngày không còn cần thiết nữa hoặc chúng chỉ là  rơm rác . Vì cũng chính Ðức Giê-su, ngay liền trước đó, khi nói về ba chủ đề bố thí, cầu nguyện và ăn chay, trong kinh Lạy Cha, Ngài đã dạy các môn đệ phải cầu nguyện như thế nào :  . Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày (Mt 6,11). Vâng, nhu cầu vật chất vẫn luôn có chỗ của nó trong giáo huấn của Ngài. Ðiều quan trọng, đối với Ngài, là đừng chỉ có lo lắng cho mỗi việc thu tích cho bản thân mình những của cải rồi sẽ tàn lụi đó.

 

Hơn nữa, phía sau lời căn dặn được trích dẫn ở trên, ta có thể đọc thấy một ẩn ý quan trọng về những căn nguyên tội cần phải tránh, đó là tính ích kỷ và lòng tham lam. Thật vậy, vì tính ích kỷ mà người ta sẽ chỉ lo ôm trọn mọi thứ cho riêng chính mình, với ảo tưởng rằng những thứ đó sẽ đem lại cho mình sự bảo đảm tuyệt đối. Và như thế, người ta sẽ dễ dàng quên mất Thiên Chúa và đồng loại. Trong khi đó, thực ra, những thứ đó vốn chỉ là những cái không thể tồn tại lâu bền được, nhất là khi so sánh với  kho tàng đích thực trên trời . Cũng vậy, vì lòng tham lam, mà người ta sẽ dễ đi xa đến mức chẳng từ nan bất cứ cách thế nào, nhằm có thể vơ vét và gom hết về cho bản thân mình mọi thứ được coi là quí giá dưới mắt con người (như vàng, bạc và nhiều thứ của cải khác) ; và, còn hơn thế nữa, vì muốn chiếm hữu hết mọi thứ đó, nhiều khi và thường khi, người ta sẽ quên mất cả sự an toàn cho chính bản thân, trong khi đang lo chạy theo của cải, để rồi, đến một lúc nào không biết, sẽ bị rơi tỏm  xuống vực có khi phải đến mất mạng. Ðúng như một câu rất chí lý trong tiếng Việt rằng :  Tham thì thâm . Và một khi lòng dạ người ta chỉ còn quan tâm đến những chuyện như thế thì sẽ không còn có chỗ cho Thiên Chúa và Lời của Người cũng như cho bất cứ điều gì tốt đẹp khác (chẳng hạn như các chỉ dẫn và giáo huấn của các nền khôn ngoan nhân loại), và dĩ nhiên, cũng không có chỗ cho người anh em đồng loại. Vâng, lối thu tích của cải như thế vốn là sai lầm. Thiết tưởng, đó là điều Ðức Giê-su muốn nhắc nhở ở đây.

 

Vậy, một trong những điều đầu tiên cần ghi nhận, trước khi bắt đầu tìm hiểu các giáo huấn của Tân Ước liên quan đến chủ đề này, là : hãy lo tìm kiếm Nước Trời trước tiên và, đồng thời, cũng cần quan tâm đến những nhu cầu hàng ngày trong khi đừng quên rằng còn có anh em đồng loại bên cạnh mình, và hai điều tuyệt đối phải tránh, đó là tính ích kỷ và lòng tham lam. Thiết tưởng đó là kim chỉ nam giúp ta đọc các giáo huấn của Ðức Giê-su.

 

2.Tiền và  thần tiền

 

Một chất vấn khác sẽ được đặt ra tức thì, đó là làm sao hiểu được điều mà chính Ðức Giê-su đã dạy về tính cách ngẫu tượng (Ma-mông,  thần tiền ) của tiền bạc. Quả thật, Ðức Giê-su đã dạy các môn đệ rằng :  Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa , vừa làm tôi Tiền Của (Ma-mông) được  (Mt 6,24 ; Lc 16,13b). Về lời kết luận này và về dụ ngôn đã dẫn đến lời này ta sẽ có dịp nói đến sau này. Ở đây và bây giờ, trong phần dẫn nhập này, chỉ xin nói một chút về nguồn gốc của từ Ma-mông. Từ này chỉ được sử dụng có hai lần mà thôi. Ðây là một từ hy-lạp, mamwnas (ma-mô-nas), có nguồn gốc từ tiếng a-ram hoặc tiếng sy-ri, hàm những nghĩa sau : đồng tiền, kho tàng, sự giàu có (được hiểu như là một thứ  thần đối nghịch với Thiên Chúa) ; nó còn gợi đến tên của thần Phutus, vị thần tài, một vị thần của những người giàu có.

 

Ngoài ra, theo như lịch sử tiền tệ, ta còn có thể có một chỉ dẫn khác : vào thời kỳ cộng hoà Rô-ma, dưới sự kiểm soát của ba vị quan coi về việc chu chuyển và đúc tiền đồng, tiền bạc và tiền vàng, các đồng tiền hợp pháp phải được đóng tên và dấu ấn của họ trên đó, đồng thời với những ký hiệu mang tính cách lịch sử, tôn giáo hoặc biểu tượng khác nhau và, đôi khi, cả hình của các vị tổng trấn và các vương tước. Vào thời của hai vị Hoàng đế Sylla và Xê-da, hình của hai vị hoàng đế độc tài này đã được khắc trên những đồng tiền vàng (thực ra, thực hành này đã xuất hiện trong vòng 3 thế kỷ của đế chế Hy-lạp trước đó rồi). Nhưng việc khắc hình hoàng đế trên tiền chỉ thực sự hợp hiến từ những năm 44 TCN. Ta cũng nhớ lại rằng vào thời các Ki-tô hữu đầu tiên đã có lệnh bắt buộc tôn thờ Hoàng đế Rô-ma như một vị Thần. Và, có lẽ, đó là một trong những chìa khoá giúp ta hiểu lời quả quyết này của Ðức Giê-su : Tiền Bạc là một đối cực với chính Thiên Chúa. Quả quyết này đòi con người, nhất là những người muốn đón nhận giáo huấn của Ngài, phải có một chọn lựa dứt khoát. Thiết tưởng, phải nên hiểu tính cách đối cực này của tiền bạc trong khung cảnh đó, chứ không phải đơn thuần là trong một cái nhìn coi tiền bạc như điều đáng ghê tởm.

 

3.Không phải tiền bạc, mà là sứ vụ

 

Một điểm khác nữa tưởng cũng cần phải làm rõ ngay. Ðó là lời này của Ðức Giê-su :  Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu  (Mt 8,19-20 ; Lc 9,57-58). Ðã hơn một lần tôi được chất vấn rằng : Có phải chăng, qua câu nói đó, Ðức Giê-su đã đòi hỏi một cuộc sống nghèo đến mức tuyệt đối, theo chính gương mẫu giải trừ hoàn toàn việc sở hữu của cải vật chất của Ngài ? Nếu đúng như vậy, làm sao ta có thể nói về việc Ngài coi của cải vật chất cũng có một giá trị đáng kể ? - Câu trả lời là : câu nói này đã được trích dẫn không đúng hoàn cảnh. Thiết tưởng, phải đọc câu này trong bối cảnh Ðức Giê-su nói về  điều kiện đủ  để đi theo làm môn đệ Ngài ; nó không thể được trưng dẫn như một biện minh rằng Ðức Giê-su là một người nghèo đến mức không có gì cả. Thật vậy, câu này được nói trong bối cảnh của một giáo huấn về sự đòi hỏi dứt khoát của chọn lựa đi theo Ðức Giê-su.

 

Chỉ có hai trong số ba tác giả Tin Mừng Nhất Lãm, thánh Mát-thêu và thánh Lu-ca đã ghi lại trình thuật này. Thánh Mát-thêu đặt nó trong khung cảnh một đối thoại ngắn giữa Ðức Giê-su và một vị kinh sư, ông này đã đề nghị xin đi theo Ngài làm môn đệ ; nó chính là câu trả lời của Ngài cho ông kinh sư nọ (xin xem Mt 8,18-20). Cùng với nó ta còn có một câu trả lời khác cho một môn đệ xin được, trước hết, trở về chôn cất cha rồi sẽ trở lại theo Ngài rằng :  Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết (Mt 8,22 ; và tiếp theo). Còn thánh Lu-ca thì đặt nó làm một trong ba cuộc đối thoại ngắn giữa Ðức Giê-su với ba người nào đó Ngài gặp trên đường, họ muốn xin theo Ngài (xin xem Lc 9,57-62). Ngoài hai cuộc đối thoại tương tự như ta vừa nghe, ta còn nghe một người thứ ba ngỏ ý muốn trở về chia tay với gia đình trước khi dấn bước theo Ngài, và câu trả lời là :  Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa (Lc 9,62).

 

Vấn đề sở hữu, rõ ràng, không phải là chủ đích của các đối thoại trên. Vì chúng muốn nói về vấn đề chọn lựa dấn thân và sứ vụ. Thật vậy, trở lại câu trả lời đầu tiên, nếu lưu ý kỹ, ta sẽ tự hỏi tại sao Ðức Giê-su lại mượn hình ảnh hang chồn và tổ chim để diễn đạt đòi hỏi của Ngài. Có phải chăng chúng nhằm nhấn mạnh đến tính cách bị trói buộc và lệ thuộc, đến mức không thể tách rời, với hang và tổ của loài chồn và loài chim. Ý tưởng, có lẽ, đã rõ : ngay cả những con chồn giỏi lùng sục mọi ngách trong chốn núi rừng và cả những cánh chim không mỏi ngang dọc lưng trời cũng không thể rứt ra được khỏi sự ràng buộc có tính cách tự nhiên của hang và tổ của chúng. Vì, cho dù có đi xa đến đâu, những chú chồn cũng phải lo quay về hang và, dù có bay xa đến đâu, các cánh chim vẫn cần quay về tổ vào lúc chiều tà. Ở đây, có lẽ, vì muốn nhấn mạnh đến tính cách dứt khoát của việc chọn đi theo Ngài, một chọn lựa sứ vụ làm  người loan báo Tin Mừng , Ðức Giê-su đã dùng những hình ảnh này để làm một  phản diện  cho đòi hỏi của Ngài. Ðòi hỏi đó thực sự đáng kể : phải dứt khoát bứt ra khỏi cả những thói quen tự nhiên cũng như nhân bản chính đáng nữa.

 

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, trong cuộc sống tại thế, Ðức Giê-su cũng đã có lúc quay về xứ sở của Ngài, miền Na-da-rét, và Ngài cũng đã có không thiếu những nơi trú ngụ để ăn uống và nghỉ ngơi. Có điều là, trong khi dấn bước trên đường sứ vụ, Ngài sẳn sàng dừng lại ở bất cứ nơi đâu người ta tiếp đón Ngài, chứ không nhất thiết phải quay trở lại đúng một vài chỗ nhất định nào đó (như thói quen bẩm sinh thấy nơi chồn và chim). Vì đối với Ngài sứ vụ loan báo Tin Mừng đòi phải dấn bước : một sự dấn bước không do dự và không hối tiếc. Với xác quyết đó, Ngài cũng đã đòi hỏi  cách không khoan nhượng  những ai muốn đi theo Ngài : phải bỏ lại sau lưng, ngay cả, một người cha vừa mới qua đời, một khi đã đến lúc phải lên đường ; và chỉ có hướng về phía trước mà tiến bước một khi đã tra tay vào sứ vụ, không được có chút do dự  ngoái lại đàng sau . Khó thật !

 

Tuy nhiên, đòi hỏi đó về việc chọn lựa và dấn thân cho sứ vụ cũng có chút liên quan cách gián tiếp đến chủ đề giải trừ sở hữu tài sản vật chất. Nhưng nó không thể được dùng như một lập luận để bàn về vấn đề tiền bạc, như một số người thường trích dẫn nó để minh chứng về việc sống nghèo.

 

Bởi vì các trích đoạn về sứ vụ này không liên quan trực tiếp đến chủ đề của chúng ta, nên xin được không bàn sâu thêm nữa.

 

Một định hướng

 

Trong quá trình tìm hiểu, ta sẽ thấy rằng Tân Ước không nhìn tiền bạc như một điều xấu tự thân, mà như một công cụ mang giá trị hai mặt. Tùy vào cách thế nó được sử dụng mà nó sẽ đem lại hậu quả tốt hay xấu. Do đó, những khiển trách và những căn dặn ta sẽ thấy trong giáo huấn của Tân Ước thường nhằm vào những người chủ sở hữu, vốn là những người phải chịu toàn bộ trách nhiệm về việc sử dụng của cải của mình. Thật vậy, với một vài điển hình nêu trên ta có thể rút ra một nhận định rằng : Thánh Kinh Tân Ước, đặc biệt là những chỉ dẫn về chủ đề của cải tiền bạc, phải được đọc trong khung cảnh của chúng và trong toàn bộ bộ Thánh Kinh, phải tìm hiểu tường tận đến mức có thể, trong khi không được lơi là việc chiêm niệm các Lời đó. Ðiều này thật khó và rất tinh tế. Cần phải kiên nhẫn và thận trọng hầu có thể tìm hiểu được cách tường tận đến mức có thể, và hầu có được một cái nhìn chính xác hơn và quân bình hơn theo tinh thần của các giáo huấn này.

 

Ðể tiện theo dõi các giáo huấn của Tân Ước về chủ đề chúng ta quan tâm, cách có hệ thống, xin đề nghị tìm hiểu lần lượt : trước hết, Ðức Giêsu với các giáo huấn của Ngài, bằng các dụ ngôn và các chỉ dẫn trực tiếp, khởi đi từ những kinh nghiệm cụ thể của Ngài có được trong cuộc sống xã hội thời Ngài (qua những quan sát, những chất vấn người ta đặt ra cho Ngài và cả những khinh nghiệm sống thiêng liêng của Ngài nữa) ; và tiếp đến là những khuyến dụ của các Tông đồ và các vị có trách nhiệm giảng dạy Dân Mới của Thiên Chúa, khởi đi từ những thực hành trong đời sống cộng đoàn với những vấn đề của nó.

 

Vậy trước hết ta sẽ tìm hiểu về các trình thuật nói về các hành động và phản ứng của Ðức Giê-su khi Ngài quan sát những thực hành liên quan đến tôn giáo của những người đồng thời với Ngài. Trình thuật đầu tiên mà ta quan tâm sẽ là việc Ngài xua đuổi những người đang buôn bán trong Ðền thờ.

 

An Thụ

03/07/2002


Về Trang Mục Lục
Về Trang Nhà