Bài 16 :  

NGƯỜI THANH NIÊN GIÀU CÓ ,

CỦA CẢI : ÐIỀU CẦN THIẾT VÀ VẬT GÂY CẢN

 

Sau khi tìm hiểu trên "hai quan sát" có liên quan đến việc sử dụng của cải mà Chúa Giê-su đã thực hiện trong hai bài trước, và đã thấy trong Tân Ước có hai cái nhìn có thể gọi là đối lập nhau nhưng đồng thời bổ túc cho nhau về vấn đề tiền của : vừa cần thiết vừa gây cớ vấp phạm. Bây giờ, ta sẽ tìm hiểu trên "vài chất vấn" mà những người đồng thời đặt ra cho Ðức Giê-su, qua đó ta sẽ hiểu rõ hơn và cụ thể hơn một chút giáo huấn của Ngài cho vấn đề này. Ta sẽ lần lượt xem xét hai sự kiện sau : trình thuật về một người giàu có muốn theo Ðức Giê-su và chất vấn về việc nộp thuế cho Xê-da. Sau đó, ta sẽ trở lại câu kết luận gây ngạc nhiên của Ðức Giê-su về việc người giàu có khó vào được Nước Trời. Trong bài này, ta sẽ bắt đầu với câu chuyện về một người thanh niên giàu có đến hỏi Chúa Giê-su về cách thức để đạt đến sự sống đời đời (Mt 19,16-22 ; Mc 10,17-22 ; Lc 18,18-23).

 

I. MỘT CÁI NHÌN CHUNG TRÊN TRÌNH THUẬT

Theo trình thuật, có lẽ, anh thanh niên nọ đã nghĩ đến chiều kích thiêng liêng khi đặt câu hỏi với Ðức Giê-su :  Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp (Mc 10,17 và song song). Vì theo quan niệm Do Thái vào thời Ðức Giê-su, niềm tin vào một hạnh phúc khác với hạnh phúc trần thế đã xuất hiện rồi. Thật vậy, qua câu hỏi, dường như, anh ta muốn tìm một con đường khác để đạt đến hạnh phúc đích thật cao siêu hơn so với các lệnh truyền của Mười Ðiều Răn, là những điều anh ta đã lo tuân giữ từ tấm bé (cf. Mt 18,18-20 ; Mc 10,19-20 ; Lc 18,20-21). Nói cách khác, anh ta đã nhận ra rằng mình còn thiếu cái gì đó, nghĩa là tất cả những điều anh ta đã chăm chỉ thực hiện cho tới lúc đó không đem lại cho anh ta một niềm hạnh phúc đích thực như lòng anh mong đợi. Tin rằng, với tư cách một bậc Thầy có những giáo huấn đặc nét và khác thường so với những gì anh ta đã được học, Ðức Giê-su sẽ cho anh ta một hướng dẫn có tính siêu việt hơn. Vì vậy, anh ta đã tìm đến Ngài để xin chỉ giáo.

Ðức Giê-su, Ðấng được sai đến để kiện toàn Lề Luật, đã khẳng định với anh ta rằng anh ta còn thiếu một điều quan trọng. Thật vậy, tuy Ngài không dạy thêm cho anh ta một điều gì mới lạ, nhưng Ngài đòi anh ta phải đạt đến cái chiều sâu thật sự của những gì anh ta đã học biết và tuân giữ, Ngài cho anh thấy rằng anh vẫn chỉ còn ở trên bề mặt nổi của những giáo huấn lề luật mà thôi. Ðiều anh ta còn thiếu, đó là đi cho đến cùng của cùng việc tuân giữ luật mà anh ta đã từng làm. Vâng, cần phải đi cho đến tận chiều sâu, chiều rộng và chiều cao thực sự của những điều răn dạy đó. Chỉ khi đó, anh ta mới đụng đến được chính Sự Sống của một Thiên Chúa Tình Yêu. Và đó mới chính là hạnh phúc thật con người cần phải tìm. Theo câu chuyện, Ðức Giê-su đã đẩy anh ta trở lại giữa những điều thật cụ thể và thông thường trong cuộc sống trần thế : bán của cải đi, bố thí cho người nghèo, trước khi trở lại đi theo Ngài. Với các thực hành đó, Ngài chỉ cho anh ta thấy đâu là điều quan trọng hơn hết : lòng nhân. Qua đó, cách gián tiếp, Ngài cho thấy rằng các thực hành tôn giáo mà anh ta từng làm, chúng vốn là tốt, nhưng vẫn còn ở  lớp vỏ bọc  mà thôi.

Ðáp lại lời mời gọi trên, anh ta đã tỏ thái độ buồn rầu, và hơn nữa quay mặt bỏ đi. Thay vì suy nghĩ và đón nhận nó như một kim chỉ nam thực sự cần thiết để định hướng lại cho các thực hành tôn giáo của mình, anh ta đã chọn "của cải" của mình hơn. Vì, nếu anh ta có tấm lòng yêu người thật sự, của cải sẽ phải ở hàng thứ yếu trong tâm khảm của anh ta, có nghĩa là anh ta sẽ không quá khó khăn trong việc từ bỏ chúng ; nhưng đằng này, của cải đã chiếm chỗ quá lớn trong lòng anh ta, đến nỗi anh ta đã phải buồn sầu và bỏ đi, chỉ vì anh ta có nhiều của cải, một lý do chiếm vị trí hàng đầu. Anh ta đã chọn sự giàu sang vật chất hơn là sự sống đời đời, điều mà trước đó anh ta muốn tìm kiếm. Ðối với anh ta, kho tàng đích thực và thật sự quí giá chính là số tài sản khổng lồ anh ta có chứ không phải là sự sống đời đời.

 

II. CỦA CẢI VÀ HẠNH PHÚC

Liên quan cụ thể hơn đến vấn đề của cải, ta sẽ phân tích câu trả lời của Ðức Giê-su :  Hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.  (Mt 19,21 ; Mc 10,21 ; Lc 18,22 ; cf. Xh 20,12-16 ; Ðnl 5,16-20). Xin lưu ý, đây là câu trả lời cho một câu hỏi rõ ràng về việc làm thế nào để được sự sống đời đời. Các trình thuật của ba Tin Mừng nhất lãm về câu chuyện, cũng như về câu trả lời này, hầu như không mấy khác nhau, ngoài một vài chi tiết. Ta sẽ không làm một so sánh giữa các tác giả, chỉ xin đào sâu ý nghĩa của câu trả lời trên, nó ngắn gọn nhưng bao hàm cả một tiến trình để đạt đến hạnh phúc mà Ðức Giê-su đã mặc khải. Thiết tưởng, đó là điều cốt lõi của trình thuật để giúp nhận ra đâu là bản chất của của cải vật chất theo cái nhìn của Tin Mừng, một "đánh giá kép" về chúng : một mặt, chúng cần thiết và mang một giá trị nhất định ; mặt khác, chúng gây cản trở đáng kể khiến người ta khó mà chọn lựa những gì khác với chúng, ngay cả hạnh phúc đích thật.

 

1.Giá trị của của cải vật chất

Theo cấu trúc của câu trả lời trên, của cải vật chất có giá trị riêng của chúng. Ðiều này được hàm chứa trong phần thứ nhất của câu trả lời :  Hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời , đây là pha thứ nhất trong tiến trình đạt đến hạnh phúc, trước khi chọn theo Thầy làm môn đệ. Trong đó, ta thấy có ba điểm đáng lưu ý.

a. Hãy đi bán tài sản của anh . Hoạt động kinh tế thương mại có chỗ ở đây. Như ta biết, người thanh niên nọ là một con người giàu và rất giàu. Một câu hỏi được đặt ra, tại sao lại phải bán tài sản. Sao không đem tài sản mà phân phát trực tiếp cho người nghèo, có phải là đơn giản hơn chăng ? - Có lẽ chăng, trong xã hội thời đó, với một mức phát triển nhất định trong lãnh vực kinh tế thương mại, sự giàu có không chỉ thuần ở chỗ có nhiều tiền của. Cho nên, anh thanh niên kia không chỉ giàu vì có nhiều tiền bạc, chiên dê và lúa miến ; có lẽ đúng hơn, anh ta giàu vì có nhiều  cơ sở kinh tế thương mại . Ðiều này, có lẽ, đã khá phổ biến trong một xã hội thuộc Rô-ma khá phát triển thời đó, nó khác với sự giàu có được mô tả về các vị tổ phụ mà ta đã có dịp bàn tới. Các tài sản thuộc loại kể trên không phải là những thứ người nghèo có thể trực tiếp sử dụng. Ðể phân phát cho người nghèo, phải chuyển đổi chúng thành những thứ tài sản thông dụng hơn có thể trực tiếp đổi lấy cơm bánh và y phục, cũng như những thứ phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của con người mà những người khốn khổ cần trước mắt. Ðể được như vậy, quả là không đơn giản tí nào, trái lại còn rất phiền phức nữa. Ðối với anh nhà giàu kia, vấn đề không chỉ là để lại mọi thứ cho những người kế thừa, cũng không phải bỏ mặc những gì anh có cho ai muốn làm chi thì làm, nhưng phải trao chúng lại cho người khác thực hiện và quan trọng hơn là đem chia sẻ giá trị thu được từ những thứ đó cho người nghèo. Ðiều này đòi hỏi, trước hết, phải thực hiện một hành vi thương mại trên những gì anh ta sở hữu, sau đó mới có thể đem phân phát chúng cho những ai có nhu cầu. Hiểu rộng hơn, không phải chỉ cho của cải tài sản, mà cả mối bận tâm cũng như những khả năng nghề nghiệp nữa. Trao các hoạt động kinh tế lại cho những người có khả năng khác, vì chúng cần phải được tiếp tục ngõ hầu xã hội có thể tiếp tục tồn tại và phát triển cách bình thường ; chọn từ bỏ nghề nghiệp của mình, không phải vì nghề nghiệp đó chẳng đáng làm, nhưng vì anh ta đã muốn chọn lấy một trách vụ khác : đi theo làm môn đệ của Ðức Giê-su, một con đường dẫn đến hạnh phúc đời đời. Thiết tưởng, phải như thế mới đụng đến được đòi hỏi của Chúa Giê-su, có nghĩa là phải tha thiết đối với việc chọn lựa hạnh phúc thật. Ðiều này được khẳng định trong dụ ngôn về người thương gia đi truy tầm ngọc quí (xin xem Mt 13,45-46) : sau khi phát hiện ra viên ngọc giá trị, ông ta đã quyết định quay về bán hết mọi thứ mình đang có để trở lại tậu cho được viên ngọc đó. Vậy, tài sản vật chất và các hoạt động kinh tế thương mại trong xã hội không phải là không có chỗ trong giáo huấn của Ðức Giê-su.

 

b. Ðem cho người nghèo . Chúng ta sẽ không nhắc lại tầm quan trọng và giá trị của việc bố thí, mà ta đã có dịp nói tới nhiều trong bài nói về gương mẫu Tô-bít. Ở đây, chỉ xin lưu ý rằng đòi hỏi bố thí của Ðức Giê-su củng cố thêm cho tính cần thiết của của cải vật chất. Vì, nếu chúng vốn chỉ là thứ đáng khinh chê thì Ðức Giê-su đã không dạy phải đem chia sẻ chúng cho người đồng loại đang cần đến. Thật vậy, Ngài không dạy người ta đem cho người khác những thứ gì mình khinh chê hoặc coi là cạm bẩy cho chính mình. Trái lại, vì của cải vật chất có giá trị của chúng, và là thứ đáng giá đối với chính bản thân, nên việc đem chia sẻ chúng cho những người đồng loại đang cần đến mới đáng kể, nó chứng tỏ lòng thương yêu của con người với nhau. Mạnh hơn nữa, hãy bố thí cho người nghèo chứ không phải đem chia cho bà con thân thuộc, cũng không làm vì mong được đáp trả, theo như một giáo huấn ở chỗ khác của Ðức Giê-su về việc mời khách dự tiệc (xin xem Lc 14,12-14). Ỏ đây, điều đáng nói là tinh thần tương trợ và thương yêu người đồng loại túng thiếu, chứ không phải chỉ đơn thuần là việc từ bỏ của cải vật chất mà thôi. Do đó, không phải là vấn đề nghèo khó, cũng không phải là việc khuớc từ của cải, mà là lòng thương yêu người, là tiếp tay vào trong việc hoàn tất công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Khi thực thi điều đó, con người sẽ trở nên hoàn thiện, theo nghĩa là trở nên  giống Thiên Chúa , Ðấng Yêu Thương vô điều kiện : thực thi lòng thương xót và thương yêu. Ðó là điều nằm ở tận trung tâm của hiện hữu Thiên Chúa, như thánh Gio-an đã khẳng định : Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4,8). Việc bán tài sản chỉ đạt được ý nghĩa đích thực của nó trong bước tiếp theo là đem chia sẻ cho những ai đang cần đến : thực hành bác ái yêu thương. Hầu đạt được một kho tàng đích thật.

 

c. Ðược một kho tàng trên trời , kho tàng không bị hư nát. Ðiều này không mang ý nghĩa một cuộc đánh đổi mà, có lẽ, là một chọn lựa quyết liệt dựa theo lời hướng dẫn của Thầy. Chấp nhận từ bỏ và đánh đổi tất cả để được trở nên môn đệ của Thầy. Không phải một thứ trao đổi mang tính kinh doanh : bỏ cái ít lợi để được cái lợi hơn. Một dấn bước để có thể trở nên hoàn thiện hơn. Vâng, kho tàng đó chính là Thiên Chúa, Ðấng Yêu Thương. Vì  kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó (Mt 6,21 ; Lc 12,34), cho nên nếu ta chọn việc yêu mến Thiên Chúa và anh em như là một cái gì quí giá nhất cho bản thân, thì lòng ta sẽ không còn bị dính chặt vào bất cứ một giá trị nào khác, của cải vật chất cũng được kể trong số đó. Kho tàng quí giá nhất, chính là tình yêu, nằm ở nơi cung lòng Thiên Chúa. Ðó là kho tàng không bị hao hụt, mối mọt và rỉ sét không thể đụng đến được, bởi vì nó không phải là một thứ vật chất cụ thể nào đó. Vàng, bạc hay các kim loại quí giá khác không thể sánh bằng. Vậy, giá trị của của cải vật chất đã bị xếp vào hàng thứ yếu, chúng kém hơn rất nhiều so với một giá trị đích thực và vĩnh cữu : Tình Yêu. Của cải vật chất có giá trị nhưng chỉ là nhất thời và thứ yếu.

 

2.Tính cản trở của của cải vật chất

a.Theo Ðức Giê-su, hạnh phúc thật

Pha thứ hai của tiến trình đạt đến hạnh phúc thật nằm ở mệnh lệnh ngắn gọn nhưng dứt khoát :  Hãy đến mà theo tôi . Phần kết cho câu trả lời của Ðức Giê-su. Nó được nêu ra như một đích điểm phải đạt tới. Theo Ðức Giê-su, ở đây, gần như đồng nghĩa với sự sống đời đời, là điều mà người thanh niên nọ muốn tìm. Muốn đạt đến hoàn thiện thì phải đi theo đường lối của Ðức Giê-su, chọn làm môn đệ Ngài. Nghĩa là, tham gia vào công trình của Thiên Chúa qua việc thực hiện tình yêu thương đối với tha nhân, đặc biệt là người nghèo. Yêu thương cho đến cùng. Một chọn lựa dứt khoát. Chấp nhận đánh đổi tất cả để được Nước Trời. Mục đích của pha thứ nhất trên kia không dừng lại ở chính nó, nó chỉ là phương thế đưa con người thoát ra khỏi chính mình để có thể thong dong đi theo con đường Thầy đã chọn đi, pha thứ hai, tức là trở nên những sứ giả của Tình Yêu Thiên Chúa : những người được sai đi gieo rắc tình người. Ðó chính là tiếp tay làm cho công trình tạo thành của Thiên Chúa được hoàn tất. Nhờ thực hành như vậy mà càng ngày con người càng trở nên hoàn hảo hơn. Không phải con người tự hoàn hảo chính mình trong khi thực thi bác ái huynh đệ mà, ngang qua các thực hành trên, thế giới và vũ trụ, cũng như chính đương sự, sẽ ngày càng trở nên giống Thiên Chúa hơn. Ngày một hơn, con người sẽ trở nên giống Thiên Chúa, Tình Yêu, khi chọn đi theo Chúa Giê-su.

Trở nên hoàn thiện và đạt đến sự sống đời đời đòi phải đi xa đến mức như thế. Nhưng anh thanh niên nọ đã không dám tiến bước thêm, vì anh ta đã gắn quá chặt vào một thứ gì khác rồi : tài sản kết xù của anh. Tính cản trở đáng sợ của sự giàu có nằm ở đấy.

 

b.Của cải vật chất, một trói buộc

Thật vậy, khi nghe câu trả lời của Ðức Giê-su, người thanh niên nọ đã  buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải (Mc 10,22). Anh ta đã chọn lưu lại trong sự giàu có của mình và không dám tiến bước trên đường hoàn thiện mà anh ta đã từng mong muốn. Anh ta không đành lòng nhận làm môn đệ của Thầy, cho dù trước đó anh ta đã có ý định nhận Ngài như một vì Thầy Nhân Lành, người có thể trao cho anh ta chìa khoá để đạt được hạnh phúc thật. Anh ta cảm thấy khó trong việc chia sẻ tất cả những gì anh có cho người nghèo mà anh ta gặp gỡ hàng ngày. Anh ta không muốn trở nên nghèo khổ khốn cùng như họ, sau khi đã phân phát hết tài sản của mình. Anh ta quay đi trong sự buồn bả, có lẽ, không phải vì anh ta không tin vào lời đòi hỏi của Thầy mà, đúng hơn, vì điều đó đã đụng đến tận cái mà anh ta coi là chiếc neo  vững chắc cho mình : sự giàu có của anh. Anh ta đã gắn số của cải vật chất đó quá chặt với hiện hữu của chính mình đến nỗi anh ta không thể bứt ra khỏi nó. Ta có thể dùng một hình ảnh khác để nói, không phải anh ta đã quay đi, mà đúng hơn chính con thuyền của Ðức Giê-su, con thuyền mà anh tin rằng sẽ dẫn đến bến bờ hạnh phúc, con thuyền của Ðấng mà anh đã đề nghị anh hãy nhổ neo đi theo Ngài, con thuyền đó vốn quá nhẹ nhàng đã lướt sóng đi xa, còn con thuyền chở khẩm tài sản của anh vốn không thể chạy nhanh được, lại nữa chiếc neo to lớn của nó lại nhổ chưa lên, cho nên nó còn nằm nguyên tại chỗ, trong khi Thầy đã vượt xa rồi. Và, tiếp đó, chính Ðức Giê-su, Ngài cũng chẳng vui gì khi tuyên bố rằng người giàu có khó vào Nước Trời (ta sẽ có dịp trở lại sau).

Suy nghĩ xa hơn một chút, ta có thể nhận ra một góc cạnh khác rằng, dường như, anh thanh niên nọ đã tưởng rằng, với sự giàu xụ của mình, anh ta có thể mua được hạnh phúc đích thật, nên anh ta đã đến gặp Ðức Giê-su để hỏi xem Ngài có không, và nếu có thì anh ta sẽ bỏ ra nhiều tiền để tậu lấy hầu được ung dung và thảnh thơi hưởng thụ mọi thứ nhờ vào sự giàu có của mình. Nhưng anh ta đã lầm. Anh ta không hài lòng về câu trả lời của Ðức Giê-su, mà theo đó Ngài muốn cho anh ta nhận ra rằng tất cả những gì anh ta có chỉ là không đáng kể so với sự sống và hạnh phúc mà anh ta đang muốn đi tìm. Ta có thể làm một so sánh giữa anh ta với người thương gia truy tìm ngọc quí, mà ta đã nhắc trên kia, mà Ðức Giê-su đã nói tới trong một dụ ngôn (xin xem Mt 13,45-46) : anh ta không có con mắt nhà nghề như người thương gia nọ để có thể nhận ra đâu mới đúng là viên ngọc có giá trị cao thực sự. Anh ta có nhiều tiền của nhưng không có đầu óc sâu sắc. Anh ta chỉ như một kẻ đi chợ, chứ không phải một người quyết tâm đi tìm. Chính vì vậy, câu trả lời của Ðức Giê-su đã không đụng đến được tâm khảm của anh ta, hay đúng hơn là anh ta không sẵn lòng để đón nhận nó.

Tài sản vật chất kết xù dễ cản trở con người và làm cho nó không thể mở ra, dấn bước và vượt lên để đạt đến sự sống và hạnh phúc đích thật. Chúng là một cản trở đáng sợ, cần phải đề phòng chúng.

 

KẾT LUẬN :

Câu chuyện trên đã hé mở cho chúng ta một giáo huấn quan trọng của Ðức Giê-su về thực chất của của cải vật chất : một mặt, chúng có giá trị của chúng, một giá trị đáng kể, chúng cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày của con người, nhất là người nghèo ; nhưng vấn đề là chúng có được chia sẻ cho mọi người cần đến hay không. Mặt khác, điều quan trọng là phải biết nhận định cho đúng đâu là lãnh vực ứng dụng cho giá trị của chúng vì, thật vậy, nếu không chúng sẽ trở thành một vật cản khiến người ta không thể vươn lên cao hơn, không thể bứt đi xa hơn được trên hành trình đạt đến hạnh phúc thật ; chúng trói buộc người ta, nhất là khi họ có quá nhiều của cải, vì người ta đã quá bám chặt vào chúng, ngay cả những người không có nhiều của cải.

Trình thuật trên còn nhắc lại cho chúng ta một điều quan trọng khác, tầm quan trọng của việc bố thí : nó quan trọng không phải chỉ vì người nghèo khổ cần đến của cải mà, hơn nữa, vì việc chia sẻ cho anh em đồng loại chứng tỏ tấm lòng thương yêu nhau của con người.

Nếu như trong phần bàn về các giáo huấn khôn ngoan, ta đã thấy giá trị của sự giàu sang phú quí phải nhường chỗ hơn cho các giá trị khác như khôn ngoan, tiếng tốt, sức khoẻ, v.v. thì ở đây, Tân Ước cũng chỉ nhìn chúng như một giá trị thứ yếu và nhất thời. Thậm chí, chúng còn bị vạch trần như một cản trở con người ta đạt đến sự sống đời đời.

 

An Thụ

07/09/2002


Về Trang Mục Lục
Về Trang Nhà