Bài 20 :

 

Bình Dầu Thơm Ðắt Giá Và Việc Giúp Ðỡ Người Nghèo

 

 

Ðã có một ông Da-kêu giàu có biết cách  chiếm  lấy Nước Trời, như ta thấy trong bài trước, và ở đây ta còn thấy một phụ nữ khá giả biết cách khéo xử thế với Thầy Giê-su bằng một hành động lạ lùng đến nỗi đã khiến các tác giả Tin Mừng ghi lại, nhưng hành động đó cũng gây nhiều dị nghị, đó là sự kiện một phụ nữ đã không ngần ngại đập vỡ một bình dầu thơm rất đắt giá để xức cho Ngài.

 

 

1. Một hành động bị dị nghị

Câu chuyện này được hai trong số ba tác giả Tin Mừng Nhất Lãm tường thuật (x. Mt 26,6-13 ; Mc 14,3-9) với một vài chi tiết khác với tác giả Gio-an (x. Ga 12,1-8). Cụ thể là việc xác định nơi chốn diễn ra sự kiện giữa các tác giả không giống nhau ; việc nêu đích xác danh tánh người phụ nữ đó là ai, chỉ có trong Tin Mừmg theo thánh Gio-an ; sự sai biệt giữa mô tả về việc bà đã xức chân Ðức Giê-su hay xức đầu Ngài. Nhưng tựu trung, ta có thể tóm tắt cốt truyện như sau : Ðức Giê-su đã vào nhà một trong những bạn thân của Ngài ở Bê-tha-ni-a để dùng cơm, xảy ra là có một phụ nữ đến mang theo một bình dầu thơm đắt giá, bà đập vỡ bình dầu để xức cho Ngài, và tiếp theo là một cuộc đối thoại ngắn giữa Ngài với những người chỉ trích sự phí phạm của hành động đó.

Việc đập vỡ cả một bình dầu thơm đắt giá để xức cho một người nào đó mà người ta yêu quí, xét về mặt kinh tế xã hội, quả là quá đáng và hơn nữa còn là một phí phạm. Thế mà, Ðức Giê-su đã không ngại lên tiếng bênh vực cho hành động đó, và lý lẽ của lời bênh vực của Ngài là chỉ vì nó đã được thực hiện cho chính Ngài. Quả là khó hiểu. Chúng ta phải hiểu làm sao ?

 

 

2. Một hành động yêu mến chân tình

Thật vậy, Ngài đã nói :  Người nghèo thì lúc nào các ông chẳng có bên cạnh mình, các ông muốn làm phúc cho họ bao giờ mà chẳng được ! Còn tôi, các ông chẳng có mãi đâu ! (Mc 14,7). Tuyên bố đó nhằm mạc khải một sự thật về chính Ngài và về xã hội con người. Tự nó sẽ không có khả năng biện minh cho việc bênh vực của Ngài cho hành động của người phụ nữ nọ nhưng, thật ra, dường như còn có một cái gì khác ẩn phía sau, mà sẽ giúp ta hiểu tính cách hợp luận lý của sự kiện này.

Ðiều quan trọng, đối với Ðức Giê-su, thiết tưởng, vì hành động của người phụ nữ kia là một hành vi tỏ thái độ yêu mến chân tình của bà. Chắc bà là một người giàu có, ít ra là xét theo giá trị của bình dầu thơm bà sử dụng, 300 đồng bạc. Theo lương tâm bà thì Ðức Giê-su là người đáng để cho bà xử sự như thế. Có lẽ, bà chưa thấu tỏ Ngài là ai, nhưng ít ra bà phải tự đoan chắc rằng vị này xứng đáng như một bậc Quân Vương. Mà, đối với các bậc vị vọng như thế, việc tiêu xài một bình dầu thơm, theo cùng một thể cách như vậy, không hề là điều quá đáng, cho dù là bên cạnh đó hay chung quanh đó còn không ít người nghèo khổ cần đến những sự trợ giúp thiết thực. Vì vậy, bà đã không do dự tiêu phí ngay cả đến món hàng trị giá đáng kể đó cho Ngài. Ðức Giê-su không hề chỉ trích cung cách hành động của bà, nhưng Ngài còn nói :  Ðiều gì làm được thi cô đã làm  (Mc 14,8). Cùng lúc đó, ta cũng không nghe thấy Ngài trách các môn đệ về lời phê bình chỉ trích của họ, vì lời phê bình đó vốn rất chí lý. Ngài chỉ đơn thuần khuyên họ nên ý thức tới chiều kích ngôn sứ của hành vi của người phụ nữ : một tuyên xưng mạnh mẽ rằng Ngài là vị Quân Vương, cho dù Ngài không đang ngự trên ngai toà của mình. Cho nên, ta cũng nghe Ngài khẳng định thật rõ ràng liền sau đó :  Tôi bảo thật các ông : Hễ Tin Mừng được loan báo đến đâu trong khắp thiên hạ, thì nơi đó việc cô ta vừa làm cũng sẽ được kể lại để nhớ tới cô. (Mc 14,9)

 

3. Người nghèo không hề bị quên lãng

 

. Phản ứng của công chúng là hợp lý

Thật vậy, như ta vừa gợi ý, lập luận của những người khác và của các môn đệ Ðức Giê-su, đặc biệt là Giu-đa, cũng có giá trị của nó và, một cách gián tiếp, chính Ngài cũng không hề phủ nhận điều này. Một bình dầu thơm trị giá 300 đồng bạc, một số tiền tương ứng với 300 ngày công lao động đồng áng của một người nông dân thời đó, quả là không nhỏ tí nào. Nếu đem số tiền đó bố thí cho người nghèo thì thật đáng kể, và nhờ đó sẽ có bao nhiêu người nghèo có thể nở những nụ cười vui sướng vì đã nhận được những trợ giúp từ số tiền to lớn kia. Vâng, Chúa Giê-su hiểu rõ điều này hơn ai hết, vì chính Ngài đã không ngừng dạy người ta làm như vậy. Nhưng qua lời can thiệp của Ngài, mà ta vừa nghe, Ngài muốn nhắn nhũ một điều khác rằng việc chăm lo cho những người thấp cổ bé miệng, những người cơ hàn và những người khốn khổ phải là một việc làm thường xuyên và, hơn nữa, nó phải trở thành như một nhân đức mà người ta phải luôn chăm lo thực hành trong suốt cuộc sống của mình, với tấm lòng và sự tôn trọng người nghèo. Thật vậy, việc bố thí đã được dạy ở khắp nơi và trong mọi thời, cũng như nơi mọi nền văn hóa ; nhưng tính cách nhân đức của nó, như vừa được gợi ý, thường hay bị quên lãng. Chính những nhà kinh sư và các vị Pha-ri-siêu cũng thường dạy người ta thực hành điều đó. Còn điều mà Ðức Giê-su muốn nhấn đến qua hành động của người đàn bà nọ thuộc về một chiều kích khác : niềm tin vào Ðấng Mê-si-a. Và, chính Ngài là Ðấng phải đến và Ngài đã đến.

 

. Còn có một hợp lý ở bình diện rộng hơn

Một sự thật tối quan trọng như thế đã bị người ta quên đi, và thậm chí còn tìm cách nhân danh những thực hành đạo đức nào đó của họ để rồi phủ nhận chân tính của Ngài. Ðiều này dẫn đến một hậu quả thật tai hại, đó là người ta, đặc biệt là người Do thái đồng thời với Ðức Giê-su, sẽ cứ ở lì trong tình trạng tuân giữ lề luật một cách hình thức, đó là chưa nói đến nhiều vấn đề khác nữa (xin miễn kê ra đây). Ðiều đó sẽ làm mờ nhạt đi, nếu không muốn nói là loại trừ, mọi giáo huấn của Ngài, nhất là chiều kích yêu thương và nhân ái mà mọi hành vi nhân linh cần phải bao hàm trong chúng hầu cho nền công bằng xã hội được tái lập theo ý định của Thiên Chúa. Do đó, điều quan trọng không chỉ dừng lại ở việc đem tiền dư bạc thừa đi bố thí cho người nghèo, mà quan trọng hơn và cần thiết hơn là phải làm sao xây dựng cho được một xã hội công bằng và nhân ái trong đó không còn có người nghèo nữa, như lời của sách Ðệ nhị luật rằng :  Ðể giữa anh em không có người nghèo  (Ðnl 15,4), điều cần phải thực hiện lâu dài trong suốt dọc lịch sử nhân loại. Chính lời khẳng định của Ngài rằng sẽ luôn còn có người nghèo giữa anh em là một nhắc nhỡ cho công việc này.

 

4. Không chỉ bố thí, phải lo xây dựng nền công bằng

Vậy, không hề có mâu thuẫn trong lời tuyên bố của Ðức Giê-su liên quan đến sự kiện  tiêu phí  bình dầu thơm đắt giá để xức cho Ngài. Nhưng qua đó, ta lại gặp một nhắc nhỡ quan trọng về tính cách chiều sâu của lòng nhân ái phải thể hiện trong mọi hoạt động trợ giúp của mình và hơn nữa một chiều kích xã hội và đồng bộ được gợi lên hầu làm cho trong xã hội con người chúng ta không còn có người nghèo nữa hay ít ra ngày càng có ít người nghèo hơn. Một sứ điệp như thế, thiết tưởng luôn mang tính thời sự và nó nhắc nhở cho mỗi người tin vào Chúa Giê-su Ki-tô rằng họ không được phép thôi không đóng góp một tay vào trong quá trình  xoá đói giảm nghèo  trong mỗi môi trường mình đang sống, họ cần phải làm một cái gì đó và việc thực hành đó phải đều đặn và liên tục.

 

Về các sự kiện được các sách Tin Mừng ghi lại, liên quan đến chủ đề của chúng ta, còn hai sự kiện nữa mà người viết xin mời quý độc giả nhín chút thời gian nữa để theo dõi, đó là việc Giu-đa bán Thầy và các cơn cám dỗ của Chúa Giê-su mà hai bài tiếp sau sẽ đề cập đến.

 

 

An Thụ

27/12/2002


Về Trang Mục Lục
Về Trang Nhà