Bài 4

I-SA-ÁC, MỘT NGƯỜI GIẦU HIẾU HÒA

 

1.Thừa kế, điều hợp đạo và hợp pháp

Nếu trong bài trước, với tổ phụ Áp-ra-ham ta đã có ít bài học về cách thế ông đã làm giàu và mẫu gương về việc ông sử dụng của cải. Với vị tổ phụ thứ hai, I-sa-ác, ta sẽ có thêm một đôi chỉ dẫn bổ sung về phương cách để trở nên giàu có. Nếu với Áp-ra-ham các bài học chỉ là không làm điều sai trái trong khi làm giàu, ;thì với I-sa-ác , ta sẽ thấy có một chút chủ động đóng góp tích cực hơn trong việc này.

 

Chúng ta biết rất ít về vị tổ phụ thứ hai này , vì Thánh Kinh chỉ dành cho ông vị trí như là một gạch nối giữa những câu chuyện kể về cha ông, Áp-ra-ham, và về Gia-cóp, con thứ của ông. Tuy nhiên, ta cũng có thể rút tỉa được ít nhiều bài học liên quan đến chủ đề của chúng ta. Thực vậy, Thánh Kinh cho chúng ta biết rằng I-sa-ác là người thừa kế hợp pháp toàn bộ gia tài của Áp-ra-ham. Ở chương 25, sách Sáng Thế nói rõ rằng :  Áp-ra-ham đã cho I-sa-ác hưởng toàn bộ tài sản của ông (St 25,5). I-sa-ác đã là một người  giàu từ trong trứng nước . Nói khác đi, ông đã giàu  nhờ kế thừa gia sản của cha mình. Trong xã hội, ta cũng thường gặp những trường hợp như thế, nó hoàn toàn hợp pháp và hợp đạo đức.

 

Tuy nhiên có điều cần lưu ý : trong thực tế cũng thường có nhiều vấn đề liên quan đến việc tranh giành quyền thừa kế, hiển nhiên hoặc ám muội, không hợp đạo, cũng không hợp pháp tí nào và thường rất phức tạp. Trong khuôn khổ suy nghĩ của loạt bài này, người viết chỉ xin gợi lên sự kiện, và xin được phép miễn bàn sâu, để nhường phần suy nghĩ cho quý độc giả.

 

2. Chỉ cậy vào lời chúc lành của Thiên Chúa

Chương 26 của sách Sáng Thế đã kể về I-sa-ác , cho thấy ông đã giàu lên ra sao. Ở nơi ông, sự đón nhận lời chúc lành của Thiên Chúa không hề là một thái độ thụ động, nó là một sự cộng tác bằng sức lao động của ông và một lối ứng xử rất êm thấm , điều này đòi hỏi không ít nổ lực nơi ông .

 

- Vâng lời Thiên Chúa : trụ lại và lo canh tác làm lụng .

Theo Thánh Kinh, vào thời Áp-ra-ham đã có một nạn đói xãy ra trong vùng, và I-sa-ác đã phải dời đến đất Ghê-ra thuộc xứ Phi-li-tinh của vua A-bi-mê-léc, với ý định sẽ di chuyển xuống Ai-cập nơi có thể tránh được nạn đói. Nhưng Thiên Chúa đã hiện ra và bảo ông rằng :  Ðừng có đi xuống Ai-cập ; hãy lưu lại xứ này theo lời Ta bảo. Hãy sinh sống tại chính xứ sở này, Ta sẽ ở với con và sẽ chúc lành cho con . (St 26,2-3a) . I-sa-ác đã ở lại xứ Ghê-ra ( St 26,6) và đã canh tác trên đất này . Thánh Kinh kể rằng ông đã được một vụ bội thu  gấp trăm (xin xem St 26,12). Rồi Thiên Chúa đã chúc lành cho ông, ông đã trở nên rất giàu đến nỗi những người Phi-li-tinh đã tỏ ra ganh tị (St 26,14). Họ đã phá những giếng nước của gia đình ông, khiến ông phải nghĩ đến chuyện dọn đi nơi khác.

 

- . Với tinh thần hiếu hòa, biết nhượng bộ để có hoà bình .

Ông phải dời đi, nhưng không phải là đi Ai-cập. Vua A-bi-mê-léc đã đề nghị thẳng thừng rằng: ông đã trở nên hùng mạnh hơn họ, nên họ không thể cho ông tiếp tục ở trọ trên đất của họ được nữa; Ông phải dọn đi thôi. Vâng, ông đã dọn đi chỉ vì muốn có hoà bình và nhường lại cho người Phi-li-tinh đất đai của họ. Thực vậy, theo lời kể của sách Sáng Thế, ta sẽ thấy rằng ông thật rất kiên nhẫn khi phải dời chỗ đến hai lần do sự ganh tị của các người dân bản xứ nơi ông dọn đến. Ông không hề to tiếng một lời nào. Chúng ta cùng xem chi tiết của câu chuyện này để có thể cảm nhận được hết cái độc đáo của ông.

Lần thứ nhất, từ khu vực Ghê-ra gần biên giới xứ Phi-li-tinh (cách bờ biển Ðịa Trung Hải không xa) ông đã dời vào sâu hơn, chếch về phía nam, vào trong thung lũng Ghê-ra. Ở đó ông đã hai lần liên tiếp bị dân bản xứ gây trở ngại : một lần, khi ông đã khơi lại giếng nước, mà trước kia Áp-ra-ham đã đào, để chăn các đàn gia súc của ông, thì đã có sự cãi vả về giếng này giữa các gia nhân của ông và những người chăn chiên xứ Ghê-ra ; ông đã nhường cho họ và tìm đào một giếng khác.

Một lần nữa, sau khi đào được giếng nước thứ hai, ông lại gặp phải sự tranh giành của dân bản xứ ; ông cũng sẵn lòng nhường cho họ. Và lần này, ông đã phải dọn đi xa hơn, xuống tận phía nam cho đến vùng Bét-sa-bê. Tại đây, Thiên Chúa đã hiện ra cho ông một lần nữa và khẳng định lại lời chúc lành của Người. Rồi ông đã tìm được nước trong vùng này và đã đào được giếng cho riêng ông ( St 26,15-25 và 26,32-33).

 

Với chúc lành của Thiên Chúa, ông đã trở nên giàu có và hùng mạnh hơn nhiều khiếnVua A-bi-mê-léc lo sợ. Nhà vua đã phải tìm đến với I-sa-ác để xin ký hoà ước với ông sau những xung đột trên. Về phần I-sa-ác, ông luôn tỏ ra là người hiếu hòa, ông đã sẵn lòng ký thoả ước chung sống hòa bình với người Phi-li-tinh (St 26,26-31) .

 

3. Bài học về niềm tín thác và lòng hiếu hòa

Mặc dù ta không có chỉ dẫn về cách thế sử dụng tiền bạc nơi tổ phụ I-sa-ác, đồng thời phương cách để trở nên giàu có của ông không xa lạ lắm với chúng ta, nhất là qua việc thừa kế. Tuy vậy, một điều độc đáo nơi vị tổ phụ này, đó là tính hiếu hòa đáng nể của ông. Với một niềm tin chắc chắn vào lời chúc lành của Thiên Chúa, ông đã luôn bình thản nhường nhịn hết mức những người Phi-li-tinh và người xứ Ghê-ra trong những tranh cãi và tranh chấp các giếng nước, một trong những thứ quí giá nhất ở các xứ sa mạc, một yếu tố hàng đầu cho việc chăn nuôi gia súc, một phương thế không thể thiếu được để có thể trở nên giàu có tại các xứ sở này. Tín thác trong bàn tay Thiên Chúa, để có thể trở nên giàu có, ông chỉ cậy vào Người mà thôi. Và cho dù ông không hề chểnh mãng trong việc làm lụng canh tác, nhưng ông không hề đặt nặng những nổ lực lao động bản thân và các điều kiện thiên nhiên.

 

Trong niềm tín thác và lòng hiếu hòa, ông đã hoàn tất cuộc đời của mình như một người giàu rất hiền hoà. Ðó có lẽ là một bài học đáng quí cho mỗi người chúng ta.

 

An Thụ


Về Trang Mục Lục
Về Trang Nhà